• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Chia Sẻ Trình bày phong cách nghệ thuật của nhà thơ Tố Hữu?

hoangphuong

New member
Về nội dung, thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình chính trị rất sâu sắc. Hồn thơ ông luôn hướng tới cái Ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của cả dân tộc. Cái Tôi trữ tình trong thơ ông là cái Tôi chiến sĩ nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc với lí tưởng sống là dấn thân vào con đường giải phóng dân tộc, phấn đấu vì cuộc sống tươi đẹp của đất nước. Thơ ông không đi sâu vào cuộc sống, tình cảm riêng tư mà tập trung thể hiện những tình cảm lớn, phổ biến, tiêu biểu của con người cách mạng như tình yêu lí tưởng, yêu kính lãnh tụ, tình đồng bào đồng chí, tình cảm quốc tế vô sản. Niềm vui trong thơ ông không nhỏ bé tầm thường mà là niềm vui lớn, sôi nổi, rực rỡ, hân hoan dặc biệt là những vần thơ về chiến thắng.
tác giả tố hữu.png


Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi. Thơ thường thể hiện những sự kiện chính trị lớn của đất nước, luôn đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và tính chất toàn dân; cảm hứng chủ đạo trong thơ là cảm hứng lịch sử – dân tộc và vấn đề vận mệnh cộng đồng. Nhân vật trữ tình thường mang phẩm chất tiêu biểu cho dân tộc, mang tầm vóc lịch sử thời đại.
Giọng thơ đậm chất tâm tình tự nhiên, đằm thắm chân thành.


Nghệ thuật biểu hiện trong thơ Tố Hữu mang tính dân tộc rất đậm đà. Về thể thơ, Tố Hữu rất thành công khi vận dụng những thể thơ truyền thống của dân tộc. Về ngôn ngữ, Tố Hữu thường sử dụng những từ ngữ và cách nói quen thuộc với dân tộc, phát huy cao độ tính nhạc phong phú của tiếng Việt, sử dụng tài tình từ láy, các thanh điệu, các vần thơ.

(ST)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ TỐ HỮU

Tố Hữu là nhà thơ của lý tưởng cộng sản, thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị. Tố Hữu là một chiến sĩ – thi sĩ, làm thơ trước hết là phải phục vụ sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng của Đảng. Trong thơ Tố Hữu từ trước đến sau, dù đề tài, nội dung cảm hứng có đa dạng đến đâu thì vẫn nhất quán ở chỗ lấy lý tưởng cách mạng, quan điểm chính trị làm hệ quy chiếu cách nhìn nhận và xúc cảm về mọi phương diện, mọi hiện tưởng của đời sống, kể cả đời sống riêng tư của chính nhà thơ. Với Tố Hữu, “tả tình hay tả cảnh, kể chuyện mình hay kể chuyện người, viết về các vấn đề lớn hay về một sự việc nhỏ (…) là để nói cho được cái lý tưởng cộng sản ấy thôi” (Chế Lan Viên).

Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị. Mọi sự kiện, vấn đề lớn của đời sống cách mạng, lý tưởng chính trị, những tình cảm chính trị thông qua trái tim nhạy cảm của nhà thơ đều có thể trở thành đề tài và cảm hứng nghệ thuật thực sự. Tố Hữu là nhà thơ của lẽ sống lớn, của những tình cảm lớn, niềm vui lớn của cách mạng và con người cách mạng. Đặc biệt ở những bước ngoặt trong đời sống cách mạng của dân tộc, hồn thơ Tố Hữu thường vang ứng nhạy bén và dào dạt cảm hứng, kết tinh trong những bài thơ đặc sắc, được sự đồng cảm và hưởng ứng rộng rãi của đông đảo công chúng. Xuân Diệu khẳng định “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình”. Thơ Tố Hữu đã kế tục dòng thơ cách mạng đầu thế kỉ XX của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, thơ của các chiến sĩ cộng sản lớp trước ờ nửa đầu những năm 30 nhưng đã được đổi mới trên cơ sở vận dụng những thành tựu hiện đại hóa thơ ca đương thời, đem đến cho văn học cách mạng một tiếng thơ sôi nổi, trẻ trung, mới mẻ và tràn đầy cảm hứng lãng mạn, đã mở ra một khuynh hướng lớn và có vị trí chủ đạo – khuynh hướng trữ tình chính trị – trong suốt mấy chục năm của nền thơ hiện đại Việt Nam.

Nội dung trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu thường tìm đến và gắn liền với khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn. Khuynh hướng sử thi nổi bật trong thơ Tố Hữu nhất là ở những thời kì sau, kể từ cuối tập Việt Bắc. Cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu ngay từ đầu đã là cái tôi chiến sĩ, về sau càng trở thành cái tôi nhân danh cộng đồng, nhân danh Đảng và dân tộc. Nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu là con người thể hiện tập trung những phẩm chất của giai cấp, dân tộc, đến cuộc kháng chiến chống Mĩ được nâng lên thành những hình tượng anh hùng mang tầm vóc thời đại và lịch sử, nhiều khi được thể hiện bằng bút pháp thần thoại hóa. Cảm hứng chủ đạo trong thơ Tố Hữu là cảm hứng lãng mạn. Thơ Tố Hữu hướng vào tương lai, khơi dậy niềm vui, lòng tin tưởng và niềm say mê với con đường cách mạng, ngợi ca nghĩa tình cách mạng và con người cách mạng. Do khuynh hướng cảm hứng ấy mà thơ Tố Hữu chú trọng tác động đến tình cảm, cảm xúc của người đọc, đặc biệt khai thác giá trị gợi cảm của nhạc điệu thơ.

Một nét đặc sắc của thơ Tố Hữu là có giọng điệu riêng rất dễ nhận ra. Đó là giọng tâm tình, ngọt ngào tha thiết, giọng của tình thương mến. Giọng điệu ấy có phần là do được thừa hưởng từ điệu tâm hồn con người xứ Huế với những câu ca, giọng hò tha thiết ngọt ngào của quê hương. Nhưng nó cũng được xuất phát từ một quan niệm của nhà thơ: “Thơ là chuyện đồng điệu ( … ), thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí’’. Nhà thơ đặc biệt dễ rung động với nghĩa tình cách mạng, luôn hướng đến đồng bào, đồng chí mà giãi bày tâm sự, trò chuyện, kêu gọi, nhắn nhủ. Thơ Tố Hữu phần nhiều có cách diễn đạt tự nhiên, hơi thơ liền mạch.

Kế tục truyền thống thơ ca dân tộc, đặc biệt là thơ ca dân gian và thơ cổ điển, thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc cả trong nội dung và nghệ thuật biểu hiện. Hiện thực đời sống cách mạng, những tình cảm chích trị, đạo lí cách mạng qua sự cảm nhận và thể hiện của Tố Hữu đã gắn bó, hòa nhập với truyền thống tinh thần tình cảm và đạo lí của dân tộc, làm phong phú thêm cho truyền thống ấy. Về thể thơ, Tố Hữu sử dụng nhuần nhuyễn các thể thơ dân tộc (như lục bát, song thất lục bát, bốn chữ, năm chữ, bảy chữ) và có những sáng tạo làm phong phú thêm cho các hình thức thơ ca này. Trong thơ Tố Hữu có thể bắt gặp một cách phổ biến những lối so sánh, các phép chuyển nghĩa và cách diễn đạt trong thơ ca dân gian đã trở nên quen thuộc với tâm hồn người Việt. Sáng tạo hình ảnh trong thơ Tố Hữu thiên về giá trị biểu hiện tình cảm hơn là giá trị tạo hình, thậm chí nhà thơ còn sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ tượng trưng khá quen thuộc. Chiều sâu của tính dân tộc trong thơ Tố Hữu là ở nhạc điệu, đặc biệt phong phú về vần và những phối âm trầm bổng nhịp nhàng nên dễ ngâm dễ thuộc. Nghệ thuật thơ Tố Hữu nghiêng về tính truyền thống hơn là sự tìm tòi đổi mới theo hướng hiện đại hóa.

Sưu tầm
 
Phân tích phong cách nghệ thuật của Tố Hữu qua bài thơ Việt Bắc
Gợi ý:
Mở bài:

Nhà thơ Tố Hữu được đánh giá là “lá cờ đầu” củathơ ca cách mạng. con đường thơ của ông bắt nhịp và xong hành với con đường cách mạng của nhà thơ nói riêng, của sự vận động và phát triển của cách mạng việt nam nói chung từ trước 1945 đến sau năm 1975 qua các tập thơ Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, máu và hoa, một tiếng đờn, ta với mình, trong đó tập thơ Việt Bắc được xem là một trong những đỉnh cao của thơ Tố Hữu. mặt khác sự xuất hiện thơ Tố Hữu, ngay từ đầu đã đem đến cho thơ ca cách mạng một điểm nhìn nghệ thuật riêng, với một tiếng thơ mới mẻ, một phong cách thơ độc đáo trên cơ sở kế thừa thành tựu của thơ ca dân tộc và thơ ca đương thời.
Thân bài
– Giới thiệu về phong cách nghệ thuật: Như chúng ta đã biết, không phải mọi nhà văn đều có phong cách nghệ thuật riêng. người ta chỉ dùng khái niệm này để nói về những nhà văn tài năng mà các sáng tác của họ hợp thành một thể thống nhất và độc đáo, không trộn lẫn, mang đậm dấu ấn cá tính sáng tạo, thể hiện một cái nhìn và cách cảm thụ nghệ thuật riêng. Nhà văn Pháp Mác- xen Pruxt nói: “Đối với nhà văn cũng giống như đối với nhà họa sĩ, phong cách không phải là vấn đề mà là vấn đề là cái nhìn. Đó là sự khám phá mà người ta không thể làm một cách cố ý và trực tiếp; bởi đó là một khám phá về chất, chỉ có được trong cách cảm nhận về thế giới, một cách cảm nhận, nếu không do nghệ thuật mang lại thì mãi mãi sẽ không ai biết đến”.
– Phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu căn cứ vào những yêu cầu trên về phong cách nghệ thuật nhà văn, chúng ta đã đủ cơ sở để khẳng định: Tố Hữu là nhà thơ có một phong cách nghệ thuật độc đáo.
Nhìn một cách khái quát, bài thơ Việt Bắc là một đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là thành tựu xuất sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp. bài thơ ra đời nhân một sự kiện lịch sử: tháng 10- 1954, trung ương Đảng, Chính Phủ… rời chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô Hầ Nội. từ điểm xuất phát ấy, bài thơ ngược về quá khứ để tưởng nhớ một thời cách mạng và kháng chiến gian khổ mà anh hùng, để nói lên nghĩa tình gắn bó thắm thiết với Việt Bắc, với Đảng và Bác Hồ, với đất nước và nhân dân- tất cả là nguồn sức mạnh to lớn dể dân tộc ta vững vàng bước tiếp trên con đường cách mạng. nội dung ấy được thể hiện bằng hình thức đậm đà tính dân tộc, vì thế bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu.
– Phong cách nghệ thuật của thơ Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc được thể hiện chủ yếu trên ba bình diện sau đây: “một điểm nhìn nghệ thuật thiên về khuynh hướng sử thi trữ tình, chính trị; một tiếng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết; một tiếng thơ đậm đà tính dân tộc”.
+ Điểm nhìn thiên về khuynh hướng sử thi, trữ tình, chính trị trong bài thơ Việt Bắc được thể hiện qua đề tài, chủ đề của bài thơ khi tái hiện thành công một giai đoạn lịch sử đầy gian khổ nhưng vẻ vang của cách mạng và kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc nay đã trở thành kỉ niệm sâu nặng trong lòng người. sự gắn bó giữa miền ngược và miền xuôi trong một viễn cảnh hòa bình tươi sáng của đất nước và kết thúc bằng lời ca ngợi công ơn của chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng đối với dân tộc. nói cách khác, các sự kiện, các vấn đề của đời sống cách mạng, lí tưởng và chính trị trong “mười lăm năm ấy” qua trái tim nhạy cảm của nhà thơ đều trở thành cảm hứng thực sự. mặt khác, chính điểm nhìn nghệ thuật mang tính sử thi của nhà thơ đã nâng các nhân vật trữ tình trong bài thơ thành những con người nhân danh cộng đồng, nhân danh Đảng và dân tộc mà tiêu biểu là hình ảnh Bác Hồ: “nhớ ông cụ mắt sáng ngời, áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường, nhớ người những sáng tinh sương, ung dung yên ngựa trên đường suối reo, nhớ chân người bước trên đèo, người đi rừng núi trông theo bóng người”
+ Bên cạnh điểm nhìn nghệ thuật mang tính sử thi- cách mạng, phong cách nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc còn được biểu hiện ở một giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, tha thiết, được thể hiện qua cách xưng hô:
“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn lồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
Qua giọng điệu trữ tình gợi nhớ tới ca dao:
“Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi”
Phong cách ấy được thể hiện qua những kỉ niệm trong “mười mấy năm ấy” gian khổ mà nghĩa tình:
“Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi.
Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ lửa, chăn sui đắp cùng…”
Phong cách thơ Tố Hữu còn được thể hiện qua cả lòng biết ơn thành kính đối với Đảng, với Bác Hồ:
“Ai về có nhớ ta không?
Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng của hang…
Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào…”
+ Qua tác phẩm văn học của các nhà văn khác nhau, của các trào lưu văn học khác nhau, người đọc dễ nhận thấy các giọng điệu khác nhau. Chúng ta đã từng biết đến giọng điệu đau buồn, than thở của các trào lưu Thơ Mới; giọng điệu tin tưởng, hào hùng của thơ ca cách mạng… với các nhà văn, đó là giọng điệu điệu nhỏ nhẹ, man mác buồn của Thạch Lam; giọng mỉa mai, chua chát, cay độc của Vũ Trọng Phụng, giọng tha thiết, dằn vặt của Nam Cao; giọng thương cảm thống thiết của Nguyễn Hồng,… chính giọng điêu khác nhau góp phần làm nên phong cách nghệ thuật khác nhau của mỗi nhà văn người ta có lý giải, cắt nghĩa cội nguồn giọng điệu tâm tình, tha thiết của thơ Tố Hữu. giọng ấy có phần do được thừa hưởng từ điệu tâm hồn của con người xứ Huế với những câu ca, giọng hò tha thiết ngọt ngào của quê hương. Nhưng nó cũng được xuất phát từ quan niệm về thơ của Tố Hữu: “Thơ là chuyện đồng điệu(…). Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí”. Vì thế, nhà thơ đặc biệt dễ rung động với nghĩa tình cách mạng, luôn hướng đến đồng bào, đồng chí mà giải bày tâm sự, trò chuyện, kêu gọi, nhắn nhủ,… có thể tìm thấy tất cả những biểu hiện này của điệu thơ Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc, chẳng hạn:
“Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nhớ mình bấy nhiêu…”
Nói đến phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc, cùng còn phải nói đến một tiếng thơ đậm đà tính dân tộc cả trong nội dung và nghệ thuật biểu hiện. đây là sự kế tục xuất sắc truyền thống thơ ca dân tộc, đặc biệt là thơ ca dân gian và thơ ca cổ điển của thơ Tố Hữu.
+ Xét trên phương diện nội dung, tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc đươc thể hiện tập trung qua bức tranh đời sống hiện thực cách mạng từ khi cuộc kháng chiến chống Pháp còn “trứng nước” cho đến khi thành công:
“Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật thuở còn Việt Minh.
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa,…”
Là cảm hứng về nghĩa tình, đạo lí cách mạng gắn bó, hòa nhập với truyền thống tinh thần, đạo lí “uống nước nhớ nguồn” vững bền của dân tộc:
“Mình đi mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…”
+ Xét trên phương diện nghệ thuật, tính dân tộc của bài thơ Việt Bắc trước hết được thể hiện qua việc nhà thơ sử dụng thành công lối kết cấu lặp lại, vòng tròn cặp đại từ “mìn- ta” phiếm chỉ, gợi nhớ âm hưởng của nghệ thuật ca dao, dân ca, nâng tình cảm của kẻ ở- người đi trong buổi chia li ấy lên cấp độ muôn đời:
“ Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây, ta đó đắng cay ngọt bùi…”
“ Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người,…”
lối nói, lối so sánh ví von hợp với cảm thức đại chúng:
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đỉnh núi, nắng chiều lưng nương”
Cách chuyển nghĩa và cách diễn đạt quen thuộc với tâm hồn người Việt:
“Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”
Nhà thơ đã sáng tạo hình ảnh thơ thiên về biểu đạt tình cảm hơn là giá trị tạo hình:
“Mình về có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai đẻ già…”
Tác giả còn sử dụng phép tiểu đối của ca dao vừa có tác dụng nhấn mạnh ý vừa tạo ra nhịp thơ uyển chuyển cân xứng, hài hòa:
“Chiều Nga Sơn / gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định/ lụa hàng Hà Đông”
Bên cạnh đó, ông còn sử dụng nhuần nhuyễn và có những sáng tạo cho thể thơ lục bát, vì thế có những câu thơ, đoạn thơ khó phân biệt được với ca dao:
“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”Chiều sâu của tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc còn là ở nhạc điệu, đặc biệt phong phú về vần và những phối âm trầm bổng, nhịp nhàng nên dễ ngâm, dễ thuộc:
“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung…”
Kết luận: bài thơ Việt Bắc kết tinh và hội tụ khá đầy đủ những nét phong cách lớn của thơ Tố Hữu trên hành trình của thơ ca cách mạng. Phong cách nghệ thuật của bài thơ được thể hiện trên cả phương diện nội dung thể hiện và nghệ thuật biểu hiện, in đậm dấu ấn riêng của một điểm nhìn nghẹ tuật trong cảm hứng sáng tạo của nhà thơ Tố Hữu so với các nhà thơ cùng thời, tạo ra một tiếng nói mới mẻ và làm phong phú thêm thơ ca cách mạng, thơ ca dân tộc.

sưu tầm
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top