vanchuong83
New member
- Xu
- 0
TRIẾT LÍ DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN HUY THIỆP - SỰ MỔ RỘNG NHỮNG KINH NGHIỆM NGUYÊN THỦY
Lê Lưu Oanh
Lê Lưu Oanh
1. Phong cách dân gian hóa trong truyện Nguyễn Huy Thiệp - sự nới rộng những kinh nghiệm nguyên thủy
Nguyễn Huy Thiệp (NHT) thường làm cho câu chuyện của mình mang dáng dấp một câu chuyện cổ tích, một huyền thoại, một truyền thuyết dân gian. Ông đã sử dụng một số nhân vật quen thuộc của truyện cổ tích: người dị dạng (biến thể của người lốt vật), nhân vật ngốc nghếch, mồ côi, nhân vật phi thường, nhân vật bình dân thông thái… Bên cạnh đó là những môtip kén rể, cứu người bằng nhạc cụ thần kì, cô gái nghèo xấu xí biến thành xinh đẹp nhờ phép lạ, đổi đời nhờ tìm thấy vật lạ, giết quái vật cứu người đẹp, nhân quả (ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão), những hiện tượng bất thường trong thiên nhiên (hổ xuống làng, giông bão, lụt), sự ra đời kì lạ, các yếu tố kì ảo… Nguồn gốc của những sáng tạo này, chính nhà văn đã phát biểu: “Khi viết văn tôi luôn tìm lại những giá trị truyền thống, tôi nghĩ một nhà văn phải bắt đầu từ những kinh nghiệm nguyên thủy nhất của dân tộc mình” (NHT trả lời phỏng vấn ở Seatle- XXX). Vì vậy, có thể nói, việc dân gian hóa hay phong cách dân gian hóa chính là một cách nới rộng những kinh nghiệm nguyên thủy. Những kinh nghiệm đó giờ đây được đặt trong những hoàn cảnh mới, được thử thách một cách khốc liệt nhất, tàn nhẫn nhất. Tất cả đã làm cho truyện của NHT có một sức hấp dẫn đặc biệt: những minh triết cộng đồng và cá nhân được tái tạo trong những hình thức nửa dân gian-nửa hiện đại, nửa hiện thực trần trụi-nửa lãng mạn huyền kì.
2. Trên nền nhân vật và mô típ dân gian đó, những triết lí trong sáng tác NHT cũng mang tính dân gian hóa
Triết lí là những quan niệm chung của con người về vấn đề nhân sinh và xã hội. Triết lí dân gian là những kinh nghiệm cộng đồng đúc kết qua nhiều thế hệ. Nội dung này được biểu hiện trong nhiều thể loại văn học dân gian như tục ngữ, ca dao, truyện cổ tích, ngụ ngôn… Người phát ngôn là người bình dân, người lao động có nhiều trải nghiệm cuộc đời như bà cụ hàng nước, người tiều phu, người đánh cá, người kể chuyện dân gian…Bên cạnh đó, có những triết lí được “dân gian hóa”. Thông qua những câu chuyện dựa trên mô hình của những câu chuyện cổ tích hoặc truyền thuyết, tác giả đưa các triết lí về cuộc sống, về con người, về tình yêu… dưới phát ngôn của những người lao động, những người bình dân như trong truyện dân gian. Đấy chính là các triết lí được dân gian hóa. Trong truyện NHT, có cả hai loại triết lí này.
2.1. Triết lí dân gian thể hiện qua những phát ngôn trực tiếp. Các nhân vật NHT sử dụng nhiều tục ngữ, ca dao để trình bày quan niệm và triết lí về cuộc sống và con người. Khi cô Kim Chi xinh đẹp, có học vấn, con nhà tử tế về làm vợ thằng Tuân, em họ của Thuần, vũ phu, ăn nói văng mạng, làm nghề đánh xe bò, đã bị Thuần hạ một câu: “Đúng là hoa nhài cắm bãi cứt trâu”. Còn về đứng mối quan hệ họ hàng, Thuần nói: “Thâm tâm chúng tôi không ưa cha con ông Bồng, khốn nỗi, Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Ông Cơ, một người làm công cũng đưa ra hàng loạt triết lí: Nghĩa tử là nghiã tận, Cóc chết ba năm quay đầu về núi, để nói về tình cảm quê hương, làng xóm (Tướng về hưu). Thuyết trong Những người thợ xẻ: “Đất có lề, quê có thói. Lề thói ở đây không thế đâu nhé”. Trong truyện Sang sông, tên cướp cũng đe: “Trẻ con là tương lai đấy! Làm gì cũng phải nhân đức hàng đầu”.
Triết lí dân gian còn thể hiện gián tiếp. Triết lí ác giả ác báo, ở tinh gặp ma. Ông Diểu bắt con khỉ khỏi đàn thì bị tước mất súng và bị lột truồng (Muối của rừng). Lão thợ săn không tha bất cứ con vật nào trong tầm súng của mình, lấy cả xác vợ làm mồi săn thú, cuối cùng phải trả giá bằng cái chết (Con thú lớn nhất). Ông Nhân giết cả đàn sói rùng thì chính đứa con duy nhất lại bị sói cắn chết (Sói trả thù). Phạm Ngọc Chiểu và Phạm Ngọc Phong gây nhiều tội ác nên thằng con trai duy nhất của dòng họ đã bị sét đánh chết (Giọt máu).
Triết lí ở hiền gặp lành: Nàng Sinh là cô gái hiền lành, chịu khó nên Then đã giúp cô nhắc được viên đá thần và trở nên xinh đẹp lạ thường (Nàng Sinh). Nàng Bua trong truyện cùng tên có tâm hồn độ lượng cuối cùng đào được “Hũ chứa đầy thoi vằng thoi bạc lấp lánh”. Anh Hoặc sống trung thực nên đã cưới được nàng Hà Thị E xinh đẹp đức hạnh hiếm có (Tiệc xòe vui nhất). Triết lí uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây: Bản Hua tát bị sâu rừng phá hoại, Chỉ đến khi tim thấy chiếc tù và của tổ tiên đã bị lãng quên, cả bản mói trở lại cuộc sống yên bình (Chiếc tù và bị bỏ quên). Triết lí về thiên tính mẫu: Trong phụ nữ nào cũng có thiên tính nữ của người mẹ (Tâm hồn mẹ). Triết lí về đồng tiền: nén bạc đâm toạc tờ giấy: hai anh em Đoài và Khảm làm giấy cam đoan về tiền thưởng nếu lấy được Mĩ Trinh, con gái nhà giàu (Không có vua). Lấy lễ làm trọng, dĩ hòa vi quý, đất có lề quê có thói (Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Những bài học nông thôn…)
Những triết lí này phổ biến tương đối rộng trong truyện NHT, làm thành một lớp triết lí dân gian tương đối nhuần nhị, và những triết lí ấy thường được thể nghiệm lại trong những tính huống truyện khốc liệt và tàn nhẫn nhất. Việc sử dụng những triết lí dân gian đã góp phần khái quát những giá trị nhân sinh vĩnh cửu.
2.2 Bên cạnh đó, trong truyện NHT còn có rất nhiều triết lí được dân gian hóa. Đó là những triết lí được đặt trong những câu chuyện mang bóng dáng dân gian, một dạng cổ tích hiện đại với chất huyền thoại, hư ảo hóa, những yếu tố kì ảo như Huyền thoại phố phường, Chút thoáng Xuân Hương, Những ngọn gió Hua Tát, Chảy đi sông ơi …, Với cách kể mang những mô hình đồn thổi dân gian không xác định: ngày nọ, nghe rằng, có thể là, hình như là, nghe nói, có người kể rằng…, với những phát ngôn mang tính triết lí của những người bình dân (bà già, ông già nông thôn, thợ xẻ, bà hàng nước, chị nấu bếp, anh thợ đấu, cô gái làng…), dưới dạng ngắn gọn như những định nghĩa, tục ngữ…
Những triết lí này là triết lí riêng của các nhân vật, xuất phát trong những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, nhưng rất thú vị. Nó như muốn khẳng định kinh nghiệm riêng, không thuộc vốn kinh nghiệm cộng đồng, nhưng ít nhiều đều dựa trên những hoàn cảnh mang tính mẫu gốc: sự sinh nở kì lạ, kén rể, thử thách tình yêu, thử tài, tình yêu vênh lệch, tình mẫu tử bị thử thách, lựa chọn sống còn… Nội dung những triết lí này khá phong phú, từ những điều lớn lao, cao cả như sứ mệnh người anh hùng đến chuyện đàn bà vặt vãnh.
Về lịch sử: Chúa Công chịu mệnh trời, gánh nặng hơn người – lời Đặng Phú Lân; Sức mạnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao cả, không được quyền đê tiện - lời Gia Long (Kiếm sắc). Vinh quang nào chả xây trên điếm nhục – lời Gia Long (Vàng Lửa). Làm người chỉ có một lần, làm người thật khó – lời Đề Thám (Mưa Nhã Nam). Sống cho giản dị là khó vô cùng- lời Tổng Cóc; Mọi thứ thanh cao, hoang tưởng vẫn chết trong cõi đời dung tục như thường – lời Tri huyện Thặng (Chút thoáng Xuân Hương) …
Về cuộc đời: Cuộc đời nhiều trò đùa lắm – lời Thuấn (Tướng về hưu). Nhân vật tôi: Đời còn đói rét. Đói rét bất chấp tất cả. Cả đạo lí, cả tình người (Cún). Nhân vật Chương: Cuộc đời thật đẹp tuyệt vời. Bởi vì Chương sống không hề toan tính, anh giúp người khác, chỉ cần thấy họ vui là anh cảm thấy hạnh phúc. Còn Phượng: Cuộc sống là quá trình suy đồi, là quá trình hưởng thụ, thế thôi; Cuộc sống là rất rộng lớn (Con gái thủy thần). Còn với Bường: Cuộc đời còn cực nhọc lắm con ạ; với Ngọc: cuộc sống này ngàn lần khốn nạn, đầy rẫy xấu xa cũng như cực nhọc (Những người thợ xẻ). Trong kịch Quỉ ở với người, Đoài cũng nói: Cuộc sống, đó là ăn, là mặc, là đàn bà, là đàn ông, là tất cả những cái gì mà người ta vui sướng và đau khổ. Còn bà Thiều trong Huyền thoại phố phường thì: Cuộc đời khốn nạn! khốn nạn vô cùng! vì bà đã thấy rõ sự lừa lọc, tha hóa và dục vọng của con người.
Về con người: Bản chất con người có sự ác. Con người chạy theo dục tình, tiền bạc, danh vọng hão huyền - lời ông giáo (Sang sông). Trong thiên hạ không chỉ có người đâu, có các thánh nhân, các yêu quái- lời chú Phụng sau khi đào vàng về đã cảm nhận (XXX). Trung thực đến đáy…dù có sống giữa bùn cũng chẳng sợ không đáng làm người- lời chị Thục (Những người thợ xẻ). Con người ta tăm tối lắm. Con người vô tâm nhiều như bụi bặm trên đường – lời chị Thắm (Chảy đi sông ơi)
Về đàn bà : Đàn bà ấy chúng mày ạ, không nên bao giờ đặt lòng tin vào chúng. Chúng tàn bạo trong chính sự ngây thơ trong trắng của chúng. Chúng gây cho người ta hi vọng, ham muốn, chờ đợi, rốt cuộc ta cứ mỏi mòn đi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay - lời Bường (Những người thợ xẻ); Với phụ nữ, học vấn giữu vai trò thứ yếu tạo nên sức mạnh thần thánh ở họ, điều này, không phải chứng minh…- lời người kể chuyện (Không có vua). Đàn bà ấy à, mình phải cao hơn họ thì họ mới trọng nể; Thằng đàn ông nào không nuôi nổi vợ là đồ vô dụng (Quỉ ở với người). Đàn bà là giống ác quỉ- lời Đoài (Không có vua). Với phụ nữ, tự tin với tự do nghĩa là bất trắc, là hiểm họa, là thiếu thốn, thậm chí có khả năng bất hạnh và điếm nhục- lời Ngọc (Những người thợ xẻ)...
Về đàn ông, Một người đàn ông sống có lí tưởng, anh ta được nhân dân kính trọng thì đến lúc nào đấy, anh ta không còn là của riêng con người nữa, anh ta sẽ là con người xã hội- lời Bảo Trâm (Còn lại tình yêu - kịch). Đàn ông thằng nào có tâm thì nhục. Tâm càng lớn càng nhục- lời tướng Thuấn (Tướng về hưu). Đàn ông chúng tôi đều đốn mạt hết... Đàn ông không chịu nổi những người đàn bà rất tốt, tâm hồn của người đàn bà phải hơi nhom nhem mới sống được. Bao giờ cũng thế, khi người đàn ông bất lực thấy những kẻ khác to hơn mình thì họ gây sự thế thôi- lời Chiêu Hổ (Chút thoáng Xuân Hương)
Về tình mẫu tử : Tình mẫu tử là thứ nước mắt chẩy ngược vào lòng, nó bào tan nát ruột ta –lời Bường (Những người thợ xẻ).
Về tình yêu : Ta phải tiêu diệt nó... tât cả những kẻ đang yêu đều cực kì nguy hiểm- lời ông Nhâm (Hoa sen nở ngày 29-4, kịch). Tình yêu...nó khiến ta nhân đạo hoặc độc ác hơn- lời Bạc Kì Sinh (Truyện tình kể trong đêm mưa). Tình yêu làm cho con người cao thượng hơn- lời người kể chuyện (Sang sông)
Kết cấu của những phát ngôn mang tính chất triêt lí này hầu hết được phát biểu trực tiếp như những định nghĩa, giống như tục ngữ, thành ngữ dân gian: Tình yêu, đấy là một hung thần (Truyện tình kể trong đêm mưa), Tình yêu là chờ đợi, bứt rứt hồi hộp, say mê (Không khóc ở California). Tình yêu là gặp gỡ, là chia tay (Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt). Văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất (Chút thoáng Xuân Hương). Những nghệ sĩ trác tuyệt là những con người cô đơn khủng khiếp (Tướng về hưu). Danh hiệu nhà thơ là danh hiệu lỡm người, bạc phúc; Thơ phải là những tâm sự lớn (Giọt máu). Làm thơ cũng giống như đi buôn…Buôn tài không bằng dài vốn (Đưa sáo sang sông). Sống cho giản dị là khó vô cùng (Chút thoáng Xuân Hương)...
Những triết lí riêng này rất thú vị, bởi nó đi ngược lại cách hiểu truyền thống, mang sẵn mần mống khiêu khích, đối thoại, nghi ngờ. Những kinh nghiệm từ ngàn xưa đã đúc rút lại trong kho tàng triết lí dân gian VN. Nhưng cuộc sống vô cùng phong phú. Vẫn có rất nhiều nghịch lí trong bản thân một hiện tượng đời sống. Ví như đạo thờ mẹ, kính cha bị hủy hoại thời hiện đại. Có những kẻ thản nhiên : Ai đồng ý bố chết giơ tay. Triết lí nhân quả ở hiền gặp lành không hoàn toàn đúng: chị Thắm nhân hậu cứu bao nhiêu người, nhưng cuối chị chết đuối không ai cứu. Đang thực hiện các công việc cho nghĩa tử là nghĩa tận thì ông em họ tính toán : Mất mẹ bộ salông, ai lại đi đóng quan tài bằng gỗ dổi bao giờ. Niềm tin vào môn đăng hộ đối sẽ tạo nên hạnh phúc, không tin vào thực tế tróe ngoe của đôi vợ chồng Kim Chi và Tuân đã cho thấy bất hạnh ngay sau đó. Trong Những bài học nông thôn, chị Hiên cứ tâm niệm: Nứa trôi song không dập cũng gãy, Gái chê chồng không chứng nọ cũng tật kia. Vì thế, dù đã lấy chông nhưng không hạnh phúc, chị cũng không dám sống khác.
3. NHT đã vận dụng nhiều triết lí dân gian vào các tác phẩm của mình, nhưng luôn có ý thức đối thoại với những triết lí dân gian truyền thống. Điều đó thể hiện ở những triết lí mang màu sắc dân gian trong sáng tác NHT luôn mâu thuẫn, đầy nghịch lí. Thí dụ, về phụ nữ: Đoài nói: Đàn bà là giống ác quỷ (Không có vua). Chàng trai trong Sang sông cũng cho rằng: Đàn bà … quỉ sứ.., tất cả đều chẳng ra gì.. bẩn thỉu. Bường: Đàn bà không đáng tin cậy ( Những người thợ xẻ).
Sự cá tính hóa các nội dung triết lí. Nhiều triết lí của NHT mang hình thức triết lí dân gian song nội dung không phải dân gian. Những triết lí đó in dấu rất rõ số phận và cuộc đời nhân vật nên gắn chặt với số phận nhân vật : Già quá hóa giặc- lời bà của Lâm ( Những bài học nông thôn)
Về ý nghĩa, những triết lí trong sáng tác NHT đã khái quát được hiện thực hỗn loạn thời hậu chiến: sự nhố nhăng và bát nháo. Con người không chỉ đánh mất đạo lí tốt đẹp mà còn bị cái xấu, cái ác làm cho tha hóa : Chỗ nào cũng tàn ác, dâm dục, đểu giả, tham lam… đâu đâu cũng thấy toàn là súc vật. Ý thức lương thiện cũng súc vật hết (Sang sông). Ma quỉ hết! thánh thần ít lắm (Đời thế mà vui), Đời bạc lắm, …người bạc lắm (Đưa sáo sang sông). Dùng triết lí để khái quát hiện thực là cách NHT mang lại cho sáng tác của mình khả năng khắc họa cuộc sống sâu sắc và toàn diện. Hiếm có tác giả nào trong sáng tác của mình liên tục đưa ra những triết lí với tần suất cao như NHT trong văn học sau 1975.
*
Tác phẩm NHT ẩn chứa nhiều nội dung mang triết lí dân gian sâu sắc nhưng lại có những triết lí được dân gian hóa. Tạo ra những triết lí này, nhà văn đã gần như đối thọai lại những triết lí đã trở thành tín niệm cộng đồng lâu đời. Sự đan xen giữa những triết lí dân gian phổ quát và những triết lí dân gian hóa giàu tính độc đáo, đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của sáng tác NHT.
Sưu tầm