Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Lútvích Phoiơbắc sinh năm 1804, mất năm 1872. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà duy vật tiêu biểu cho nền triết học cổ điển Đức nói riêng, chủ nghĩa duy vật nói chung này gắn liền với một giai đoạn, một cột mốc hết sức quan trọng trong lịch sử phát triển xã hội, cũng như lịch sử phát triển của khoa học và triết học phương Tây. Đó là thời kỳ của những cuộc cách mạng tư sản Tây Âu, đánh dấu giai đoạn phát triển đầu tiên của chủ nghĩa tư bản; thời kỳ của những phát minh vạch thời đại trong khoa học tự nhiên cận đại và cuộc cách mạng trong triết học do C.Mác và Ph.Ăngghen thực hiện với “sự cáo chung” của triết học cổ điển Đức và sự ra đời của triết học mácxít.
Triết học L.Phoiơbắc, một mặt, phản ánh những đặc trưng của thời đại ông; mặt khác, đó cũng chính là cuộc đời ông, cuộc đời của một con người giàu lòng trắc ẩn, vị tha và luôn khát khao tình người, nhưng ngay từ khi mới bước vào sự nghiệp đã bị bạc đãi, phải sống khổ hạnh và cô đơn trong cái biển sục sôi của các cuộc cách mạng xã hội và cách mạng khoa học lúc bấy giờ. Chính những điều kiện lịch sử - xã hội và bản thân đó đã tạo nên mặt mạnh, mặt tích cực và cũng là nét đặc thù nhất của triết học L.Phoiơbắc - tính nhân bản sâu sắc, đồng thời cũng là nguyên nhân đưa đến những hạn chế, khiếm khuyết trong triết học của ông, như vứt bỏ phép biện chứng, tuyệt đối hoá tình yêu, duy tâm và siêu hình về con người và xã hội. Đúng như Ph.Ăngghen đã viết: "Đó là lỗi tại những điều kiện thảm hại ở nước Đức hồi đó, những điều kiện đã khiến cho những ghế giáo sư triết học đều do bọn chiết trung chủ nghĩa chuyên giết rệp chiếm đoạt hết, còn L.Phoiơbắc, người vượt tất cả những bọn đó một trời một vực, lại buộc phải nông dân hoá và rầu rĩ trong một làng nhỏ. Nếu như Phoiơbắc vẫn không tiếp thu được quan điểm lịch sử về tự nhiên... và trút bỏ được tất cả cái gì là phiến diện trong chủ nghĩa duy vật Pháp, thì đó không phải là lỗi tại ông"(1).
L.Phoiơbắc là một nhà duy vật nhân bản. Triết học nhân bản của ông được thể hiện sâu sắc trong học thuyết về tôn giáo và đạo đức học. Ông phê phán triết học duy tâm nói chung và triết học duy tâm của Hêgen nói riêng; ông vạch ra bản chất của tôn giáo và mối quan hệ họ hàng giữa chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo. Ngoài ra, L.Phoiơbắc còn là một nhà hoạt động văn hoá nổi tiếng của nước Đức. Ông đặc biệt coi trọng việc truyền bá học vấn đến dân chúng. Một yêu sách có tính chất cương lĩnh của ông là "Đừng làm cho con người trở thành ngoan đạo, mà phải giáo dục họ. Hãy phổ biến học vấn đến mọi giai cấp, mọi tầng lớp. Đó là nhiệm vụ của thời đại"(2). Ông coi học vấn không chỉ là phương tiện đấu tranh chống lại những mê tín tôn giáo, mà còn là chiếc chìa khoá mở mang sự hiểu biết, dẫn đến tự do và hạnh phúc cho con người. Trên cơ sở học vấn, L.Phoiơbắc tin tưởng rằng, có thể phát triển văn hoá hoà bình đến mọi giai cấp, mọi tầng lớp trong xã hội. Về điều này, C.Mác đã nhận xét rằng, L.Phoiơbắc đã thay thế “cái tư biện say rượu” bằng “triết học tỉnh táo”.
L.Phoiơbắc còn là người đại diện cho dòng tư tưởng không tưởng, hoà bình, cải lương, có ảnh hưởng đến phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Đức lúc bấy giờ. Ông chủ trương cải cách nước Đức bằng con đường hoà bình cải lương và nhân đạo. Tuy nhiên, trong thực tế, điều đó đã không mang lại hiệu quả. Bản thân L.Phoiơbắc không trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh chính trị và cũng không chấp nhận chủ nghĩa Mác, mặc dù về cuối đời, ông có chú ý đến sách báo xã hội chủ nghĩa. L.Phoiơbắc đã gia nhập Đảng xã hội dân chủ Đức và còn đọc cả Tư bản của C.Mác, nhưng trước sau ông vẫn là một nhà triết học và nhà văn hoá của dân tộc Đức, không tham gia vào chính trường. Thậm chí, ngay cả khi cuộc cách mạng tư sản Đức nổ ra (1848), ông vẫn đứng ngoài cuộc đấu tranh chính trị. L.Phoiơbắc còn từ chối cả việc tham gia vào tổ chức của bộ máy nhà nước ở địa phương nơi ông sinh sống.
Với tư cách một nhà triết học, L.Phoiơbắc đã có công lao to lớn và quan trọng trong việc khôi phục và phát triển chủ nghĩa duy vật theo chiều hướng tiến bộ, “đưa một cách không úp mở chủ nghĩa duy vật trở lại ngôi vua" như Ph.Ăngghen đã nhận xét, đồng thời giải phóng các nhà triết học đương thời khỏi chủ nghĩa duy tâm của Hêgen, trong đó có cả C.Mác và Ph.Ăngghen. Tuy nhiên, để đạt đến điều này, sự nhận thức, tư tưởng triết học của L.Phoiơbắc đã phải trải qua một quá trình tiến hoá đầy khó khăn, phức tạp. Khi học thần học, tư tưởng triết học đầu tiên của ông là Thượng đế sáng tạo ra tất cả thế giới, sáng tạo ra muôn loài, trong đó có cả con người, nhưng ông đã nhanh chóng nhận ra sự nhầm lẫn của mình. Tư tưởng triết học thứ hai của ông là Lý tríhay "Ý niệm tuyệt đối" trong triết học của Hêgen khi ông là học trò của Hêgen. Tuy lúc đầu, L.Phoiơbắc rất say mê triết học Hêgen, nhưng sau đó, vì không thể nào chấp nhận được tính chất quá trừu tượng của hệ thống triết học nổi tiếng này, ông đã phê phán gay gắt và đoạn tuyệt luôn với nó. Sự say mê nghiên cứu khoa học tự nhiên, tìm hiểu bản chất của thế giới hiện thực đã giúp L.Phoiơbắc có đủ cơ sở khoa học và bản lĩnh để từ bỏ triết học duy tâm của người thầy vĩ đại Hêgen, khám phá ra một con đường đi mới cho riêng mình - đó là chủ nghĩa duy vật nhân bản. Con người là tư tưởng triết học thứ ba và cũng là cuối cùng còn sống mãi trong triết học L.Phoiơbắc, làm nên nét đặc trưng cơ bản nhất để phân biệt nhà triết học duy vật L.Phoiơbắc với tất cả những nhà duy vật trước đó. Trong chủ nghĩa duy vật của L.Phoiơbắc, không chỉ có giới tự nhiên tồn tại khách quan, độc lập với ý thức, ý chí của con người mà lần đầu tiên, còn có cả con người với tư cách một bộ phận, một sản phẩm của quá trình tiến hoá của giới tự nhiên. L.Phoiơbắc đòi hỏi phải cải cách triết học đương thời. Theo ông, triết học mới phải thay thế cho triết học cũ. Sự khác nhau cơ bản, có tính bản chất giữa triết học mới và triết học cũ là ở tính nhân bản - tức là triết học phải lấy Con người làm đối tượng nghiên cứu chủ yếu. Ông viết: "Triết học mới biến con người, kể cả giới tự nhiên với tư cách nền tảng của con người thành đối tượng duy nhất, phổ biến, cao nhất của triết học và do vậy, nó cũng biến nhân bản học, kể cả sinh lý học, thành khoa học phổ biến"(3).
Sự khẳng định của L.Phoiơbắc về con người và tự nhiên đều là đối tượng chân chính của triết học duy vật là một bước đột phá mới trong triết học. Con người từ chỗ là sản phẩm siêu nhiên, sản phẩm của Thượng đế đã trở thành sản phẩm của tự nhiên, của thế giới hiện thực; nó hiện hữu trong cuộc sống đời thường. Ông viết: "Hãy quan sát tự nhiên đi! Hãy quan sát con người đi! Anh sẽ thấy ở đấy, trước mắt anh những bí mật của triết học"(4). Với quan niệm như vậy về đối tượng của triết học, L.Phoiơbắc đã hướng thẳng vào việc chống lại chủ nghĩa duy tâm của Hêgen, vào cái "Ý niệm tuyệt đối", siêu tự nhiên, siêu nhân loại của nó, đồng thời ông cũng khẳng định tư tưởng nhân bản trong triết học của mình. Thực chất, triết học của L.Phoiơbắc mang đậm tính nhân bản, được coi là chủ nghĩa duy vật nhân bản, nhưng bản thân ông chỉ nhận đó là "Nhân loại học" hay "Học thuyết về con người".
Triết học duy vật của L.Phoiơbắc là sự kế tục và phát triển tư tưởng triết học của các nhà duy vật thế kỷ XVII - XVIII ở Tây Âu. Song, sự khác nhau giữa ông và các bậc tiền bối là ở chỗ, ông đã nhìn thấy được tính chất sinh động, muôn màu, muôn vẻ, đa dạng của thế giới vật chất - giới tự nhiên, đồng thời, ông cũng thừa nhận rằng, con người bằng các giác quan đã nhận thức được thế giới đó.
Tính nhân bản trong triết học L.Phoiơbắc trước hết được thể hiện ở những nguyên lý nhân bản và toàn bộ triết học của ông đã dựa trên những nguyên lý này.
Nguyên lý nhân bản thứ nhất mà ông đưa ra cho triết học của mình là triết học trước hết phải gắn kết bền chặt với khoa học tự nhiên, đặc biệt là các bộ môn của sinh vật học, như cổ sinh học, sinh lý học; các môn địa lý học, địa chất học, v.v., vì đó là những khoa học cho ta cơ sở để hiểu biết đúng đắn về tự nhiên, về con người. Theo L.Phoiơbắc, sự kết hợp giữa triết học và khoa học tự nhiên là sự kết hợp bền vững hơn, sâu sắc hơn và có lợi hơn là sự kết hợp gượng ép đang tồn tại giữa triết học và thần học. Bằng sự kết hợp này, triết học nhân bản mới có thể bảo đảm được tính khoa học, tính chân thật, giản dị và trong sáng của mình.
Nguyên lý nhân bản thứ hai nói về nguồn gốc tự nhiên của con người. L.Phoiơbắc khẳng định, con người có nguồn gốc từ tự nhiên, là sản phẩm của một quá trình tiến hoá lâu dài của thế giới vật chất - điều mà các nhà triết học duy vật trước ông chưa mấy ai nói đến. Với nguyên lý nhân bản này, ông đã chốt lại quan điểm duy vật của mình về con người, chỉ rõ mối quan hệ chặt chẽ, sự gắn bó hữu cơ giữa con người với phần thế giới còn lại. L.Phoiơbắc đã vạch ra sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa duy tâm cũng như của tôn giáo bằng sự khẳng định "tư duy chỉ có thể xuất hiện từ cõi tự nhiên". Sai lầm của quan điểm duy tâm và tôn giáo là sai lầm mang tính chất ý thức hệ, bởi theo ông, tư duy vốn là thuộc tính cơ bản của con người đã bị chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo tách ra khỏi con người để rồi lại biến nó thành một sức mạnh siêu việt, linh thiêng, sáng tạo ra thế giới vật chất, sáng tạo ra thế giới con người, thống trị cả tự nhiên lẫn con người.
Nguyên lý nhân bản thứ ba và cũng là nguyên lý quan trọng nhất của triết học Phoiơbắc: con người là trung tâm và cùng với giới tự nhiên, con người cũng là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của chủ nghĩa duy vật. Theo ông, con người là một sinh vật có hình thể vật chất ở trong không - thời gian và chỉ có như vậy, con người mới có năng lực quan sát và suy nghĩ, nghĩa là có khả năng nhận thức thế giới. Con người có đầy đủ các giác quan để nhận thức thế giới xung quanh mình.
Khi giải quyết vấn đề cơ bản của triết học, L.Phoiơbắc đã đứng hẳn trên lập trường của chủ nghĩa duy vật. Ông khẳng định rằng, quan hệ thật sự của tư duy đối với tồn tại là: tồn tại - chủ thể, tư duy - thuộc tính(5). Sự thừa nhận tư duy là thuộc tính cơ bản của con người của L.Phoiơbắc, một mặt, đã chống lại quan niệm coi tư duy như một thực thể độc lập và đối lập với con người của chủ nghĩa duy tâm và nhị nguyên luận; mặt khác, là tiền đề để ông đưa ra nguyên lý nhân bản thứ tư - con người là một chỉnh thể và thống nhất, là sự thống nhất giữa linh hồn và thể xác hay giữa tinh thần và thể chất. Tính chỉnh thể và sự thống nhất giữa tinh thần và thể chất của con người đã được ông quan niệm như là bản chất tự nhiên vốn có ở mỗi con người. Từ đó, L.Phoiơbắc đi đến khẳng định, bản chất con người là thống nhất, giống nhau và không thay đổi. Ông còn chỉ rõ, chỉ có về mặt lý luận mới có thể hình dung ra sự tách biệt giữa tinh thần và thể chất, còn trong cuộc sống hiện thực, tinh thần và thể chất luôn gắn bó chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau.
Phoiơbắc đã vận dụng những nguyên lý nhân bản đó để xây dựng nên đạo đức học và học thuyết về tôn giáo với những nét đặc trưng sâu sắc và độc đáo, thể hiện rõ ràng lập trường triết học nhân bản của ông.
Về đạo đức học, Phoiơbắc đã chỉ rõ, nguồn gốc hay điều kiện đầu tiên của đạo đức là cảm giác: "Tiếng nói của cảm giác là mệnh lệnh tuyệt đối đầu tiên"(6). Lòng khát khao hạnh phúc là cơ sở cho mọi hành vi của con người, nhưng hành vi đó như thế nào thì lại phụ thuộc vào cảm giác của họ. Nhờ có cảm giác, con người nhận biết được tốt, xấu, hạnh phúc và bất hạnh, vui sướng và đau khổ, vinh và nhục, v.v., từ đó mà quyết định hành vi của mình. Hơn nữa, L.Phoiơbắc còn khẳng định, ở đâu không có cảm giác, thì ở đó không có đạo đức.
L.Phoiơbắc đã xây dựng đạo đức học của mình dựa trên hai quy tắc cơ bản: một là, để đạt đến hạnh phúc, con người phải biết hạn chế những nhu cầu của mình một cách hợp lý; và hai là, phải có tình yêu trong mối quan hệ giữa người và người.
Về quy tắc thứ nhất, theo L.Phoiơbắc, con người luôn có khát vọng vươn tới hạnh phúc, song lòng khát khao hạnh phúc của mỗi người không phải lúc nào cũng có thể thực hiện một cách vô điều kiện, mà luôn phải chịu hai sự uốn nắn. Sự uốn nắn thứ nhất là do hậu quả tự nhiên của hành vi của người đó. Bởi lẽ, ở mỗi con người đều có những giới hạn nhất định về mặt sức lực, về tài năng và trí tuệ, và như L.Phoiơbắc đã viết, "sau trác táng thì đến chán chường, sau thói quen chơi bời quá độ thì đến bệnh tật". Như vậy, sự uốn nắn thứ nhất này hoàn toàn là do những yếu tố thuần tuý tự nhiên, sinh học quy định; nó có thể không giống nhau ở những người khác nhau. Sự uốn nắn thứ hai là do hậu quả xã hội của những hành vi của người đó. Sống trong xã hội, con người có nhiều mối quan hệ với những người khác, mà tất cả mọi người ai cũng có lòng khát khao đạt đến hạnh phúc. Bởi vậy, nếu một người vì để đạt đến hạnh phúc cho riêng mình đã không tôn trọng hay làm xúc phạm đến hạnh phúc của người khác, thì lập tức họ sẽ bị người khác trả thù, nghĩa là, họ sẽ bị người khác phản kháng lại, thậm chí, hạnh phúc của họ còn bị phá hoại. Từ đó, L.Phoiơbắc đã rút ra kết luận hết sức sâu sắc rằng, nếu chúng ta muốn thoả mãn lòng mong muốn hạnh phúc của bản thân thì cần phải biết đánh giá đúng hậu quả của hành vi mà mình làm, nghĩa là, phải biết tự hạn chế nhu cầu của mình một cách hợp lý, phải tuân theo hai uốn nắn tự nhiên và xã hội; đồng thời phải biết tôn trọng những người khác cũng có quyền bình đẳng với chúng ta trong việc mưu cầu hạnh phúc. Đó mới là con người có đạo đức.
Quy tắc thứ hai trong đạo đức học của ông là đạo đức phải dựa trên cơ sở tình yêu giữa người và người. L.Phoiơbắc coi tình yêu như bản chất của con người, như mục đích của cuộc sống, thậm chí ông còn quy tình yêu thành lực lượng quyết định sự tiến bộ của xã hội nói chung, của đạo đức nói riêng. Ông đã tuyên truyền cho một "tình yêu phổ biến" mà nhờ nó, có thể giải quyết được mọi mối bất hoà giữa người và người và do đó, cũng có thể giải quyết được mọi mâu thuẫn, dù là mâu thuẫn đối kháng trong xã hội.
L.Phoiơbắc không thừa nhận có đạo đức cá nhân. Theo ông, đạo đức cá nhân, thứ đạo đức chỉ thực hiện riêng cho một người, là hoàn toàn bịa đặt. Ở đâu mà ngoài cái "Tôi" ra không có cái "Anh", không có người khác, thì ở đấy không thể nói đến đạo đức. Đạo đức chân chính không hề chỉ biết đến hạnh phúc của mình mà không đếm xỉa đến hạnh phúc của người khác, không biết và không muốn có hạnh phúc riêng biệt nào tách rời và không phụ thuộc vào hạnh phúc của người khác... Đạo đức chân chính chỉ biết thứ hạnh phúc chung, có tính chất tập thể(7).
Xuất phát từ đạo đức "nhân loại học", L.Phoiơbắc coi sự bất công, bất bình đẳng xã hội chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên đi chệch khỏi bản chất chân thật của con người. Điều này, theo ông, có thể khắc phục được bằng cách giáo dục hay bằng cách thấm nhuần "tôn giáo mới" - Tình yêu giữa "Tôi" với "Anh". Ông hy vọng rằng, nhờ thứ "đạo đức tình yêu" đó mà con người có thể giải quyết được những sự bất hoà và bất công trong xã hội.
Đạo đức học của L.Phoiơbắc rất trừu tượng. Nó hoàn toàn tách khỏi đời sống xã hội, khỏi quá trình lịch sử. Bởi lẽ, con người chỉ là một sinh vật, nó có bản chất tự nhiên giống nhau và không thay đổi trước những biến cố của lịch sử xã hội. Đúng như Ph.Ăngghen đã nhận xét, đạo đức học của L.Phoiơbắc “được gọt giũa cho thích hợp với mọi thời kỳ, mọi dân tộc, mọi hoàn cảnh, và chính vì thế mà không bao giờ nó có thể áp dụng được ở đâu cả. Và đối với thế giới hiện thực, nó cũng bất lực như cái mệnh lệnh tuyệt đối của Cantơ vậy"(8).
Tính nhân bản trong triết học L.Phoiơbắc còn được thể hiện sâu sắc ở học thuyết về tôn giáo. Để xây dựng học thuyết về tôn giáo, trước hết, L.Phoiơbắc đã tiến hành phê phán tôn giáo và chủ nghĩa duy tâm của Hêgen nói riêng, chủ nghĩa duy tâm nói chung. Ông vạch ra mối quan hệ thân thiết và đồng hành giữa chủ nghĩa duy tâm của Hêgen với tôn giáo (Thiên Chúa giáo). L.Phoiơbắc phủ nhận sự tồn tại bẩm sinh của những tình cảm tôn giáo trong con người; ông vạch rõ nguồn gốc, bản chất của tôn giáo, sự phát triển của tôn giáo đi từ những biểu tượng vật chất tự nhiên - (Ngẫu tượng giáo) có tính chất khu vực đến những biểu tượng tinh thần, phổ biến trong phạm vi rộng lớn trên toàn thế giới. Nhìn chung, sự phê phán tôn giáo của L.Phoiơbắc đã vượt hẳn lên so với tất cả những nhà triết học trước ông ở chỗ, ông đã bám sát lấy con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể sáng tạo ra tôn giáo, chứ không phải tôn giáo làm ra con người. Chính vì vậy mà L.Phoiơbắc chủ trương thủ tiêu hết mọi tôn giáo có thần, có Thượng đế, thiết lập nên một thứ tôn giáo mới - tôn giáo không có Thượng đế, mà "Người là Thần đối với người". Về điều này, Ph.Ăngghen đã nhận xét: "Phoiơbắc hoàn toàn không muốn xoá bỏ tôn giáo, ông muốn hoàn thiện tôn giáo. Bản thân triết học cũng phải hoà vào tôn giáo"(9).
Trong học thuyết về tôn giáo của mình, L.Phoiơbắc cũng nói nhiều về tình yêu giữa người và người. Mối quan hệ thân thiết, tình yêu thương giữa người và người đã được L.Phoiơbắc tôn phong thành một tôn giáo, thậm chí cả khi đó chỉ là mối quan hệ giữa hai người với nhau. Đối với ông, tôn giáo là sự thể hiện căn bản nhất cái bản chất tình cảm yêu thương chân thực của con người. L.Phoiơbắc đặc biệt đề cao tình yêu nam - nữ, coi đó là một trong những hình thức cao nhất trong việc thực hiện tôn giáo mới của ông. "Theo học thuyết của Phoiơbắc, tôn giáo là mối quan hệ thương yêu giữa người với người; mối quan hệ này, cho đến nay, vẫn đi tìm chân lý của nó ở sự phản ánh huyền ảo của hiện thực - ở sự trung gian của một ông thần hay nhiều ông thần, tức là những hình ảnh huyền ảo của các thuộc tính của con người - nhưng ngày nay đã tìm thấy chân lý ấy, một cách trực tiếp không cần có trung gian, trong tình thương yêu giữa "Tôi" và "Anh". Chính vì thế mà theo Phoiơbắc thì cuối cùng tình yêu nam nữ là một trong những hình thức cao nhất, nếu không phải là hình thức cao nhất, của việc thực hành tôn giáo mới của ông”(10).
Đạo đức và tôn giáo trong triết học duy vật của L.Phoiơbắc là đạo đức và tôn giáo trần gian, biểu hiện thông qua mối quan hệ giữa người và người đang sống trong hiện thực. Con người với cái tinh tuý nhất và cũng là đặc trưng cơ bản nhất là tình cảm, là tình yêu thương, là cái trục xuyên suốt toàn bộ triết học của ông; nó tạo nên cái bản sắc nhân bản đặc thù phân biệt ông với các bậc tiền bối. Tình yêu của con người đối với con người là đặc trưng, là điểm mạnh của triết học Phoiơbắc. Tuy nhiên, sự tuyệt đối hoá tình yêu đến mức thần thánh hoá nó, coi nó như một phương thuốc bách bệnh, có thể chữa lành tất cả mọi bệnh tật trong xã hội, dù đó là xã hội nào, thì lại là một điểm yếu, một hạn chế của ông. Ph.Ăngghen đã nhận xét và đánh giá: "Nhưng tình yêu! Vâng, đối với Phoiơbắc, thì tình yêu, ở đâu và bao giờ cũng là một ông thần có lắm phép lạ có thể giúp người ta vượt qua mọi khó khăn của đời sống thực tiễn và điều đó đã diễn ra trong một xã hội chia thành những giai cấp có lợi ích đối lập hẳn với nhau! Do đó, những vết tích cuối cùng có tính chất cách mạng trong triết học của ông đều biến mất hết, và chỉ còn lại cái điệp khúc cũ kỹ: Hãy yêu nhau đi, hãy ôm nhau đi, không cần phân biệt nam nữ và đẳng cấp - Thật là giấc mơ thiên hạ thuận hoà"(11).
Tính nhân bản - hạt nhân hợp lý và quý giá nhất mãi mãi là một đặc điểm lớn nhất, quan trọng nhất của triết học nhân bản Phoiơbắc, nó đã đưa lại cho L.Phoiơbắc một vị trí đặc biệt trong hàng ngũ các nhà triết học duy vật trước Mác. Và, chính nó cũng là một trong những tiền đề quan trọng để C.Mác và Ph.Ăngghen tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu bản chất con người và con đường giải phóng con người.
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.21. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.412.
(2) L.Phoiơbắc. Tuyển tập các tác phẩm triết học, gồm 2 tập, t.II. Mátxcơva, 1955, tr.730.
(3) L.Phoiơbắc. Sđd., t.I, tr.202.
(4) L.Phoiơbắc. Sđd., t.I, tr.129.
(5) Xem: L.Phoiơbắc. Sđd., tr.128.
(6) L.Phoiơbắc. Sđd., tr.636.
(7) Xem: L.Phoiơbắc. Sđd., tr.621.
(8) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.21, tr.425.
(9) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.21, tr.416.
(10) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.21, tr.416.
(11) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.21, tr.425.
Nguồn Phạm Thị Ngọc Trầm Phó giáo sư, tiến sĩ, Trưởng phòng Triết học trong khoa học tự nhiên và môi trường, Viện Triết học.
Triết học L.Phoiơbắc, một mặt, phản ánh những đặc trưng của thời đại ông; mặt khác, đó cũng chính là cuộc đời ông, cuộc đời của một con người giàu lòng trắc ẩn, vị tha và luôn khát khao tình người, nhưng ngay từ khi mới bước vào sự nghiệp đã bị bạc đãi, phải sống khổ hạnh và cô đơn trong cái biển sục sôi của các cuộc cách mạng xã hội và cách mạng khoa học lúc bấy giờ. Chính những điều kiện lịch sử - xã hội và bản thân đó đã tạo nên mặt mạnh, mặt tích cực và cũng là nét đặc thù nhất của triết học L.Phoiơbắc - tính nhân bản sâu sắc, đồng thời cũng là nguyên nhân đưa đến những hạn chế, khiếm khuyết trong triết học của ông, như vứt bỏ phép biện chứng, tuyệt đối hoá tình yêu, duy tâm và siêu hình về con người và xã hội. Đúng như Ph.Ăngghen đã viết: "Đó là lỗi tại những điều kiện thảm hại ở nước Đức hồi đó, những điều kiện đã khiến cho những ghế giáo sư triết học đều do bọn chiết trung chủ nghĩa chuyên giết rệp chiếm đoạt hết, còn L.Phoiơbắc, người vượt tất cả những bọn đó một trời một vực, lại buộc phải nông dân hoá và rầu rĩ trong một làng nhỏ. Nếu như Phoiơbắc vẫn không tiếp thu được quan điểm lịch sử về tự nhiên... và trút bỏ được tất cả cái gì là phiến diện trong chủ nghĩa duy vật Pháp, thì đó không phải là lỗi tại ông"(1).
L.Phoiơbắc là một nhà duy vật nhân bản. Triết học nhân bản của ông được thể hiện sâu sắc trong học thuyết về tôn giáo và đạo đức học. Ông phê phán triết học duy tâm nói chung và triết học duy tâm của Hêgen nói riêng; ông vạch ra bản chất của tôn giáo và mối quan hệ họ hàng giữa chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo. Ngoài ra, L.Phoiơbắc còn là một nhà hoạt động văn hoá nổi tiếng của nước Đức. Ông đặc biệt coi trọng việc truyền bá học vấn đến dân chúng. Một yêu sách có tính chất cương lĩnh của ông là "Đừng làm cho con người trở thành ngoan đạo, mà phải giáo dục họ. Hãy phổ biến học vấn đến mọi giai cấp, mọi tầng lớp. Đó là nhiệm vụ của thời đại"(2). Ông coi học vấn không chỉ là phương tiện đấu tranh chống lại những mê tín tôn giáo, mà còn là chiếc chìa khoá mở mang sự hiểu biết, dẫn đến tự do và hạnh phúc cho con người. Trên cơ sở học vấn, L.Phoiơbắc tin tưởng rằng, có thể phát triển văn hoá hoà bình đến mọi giai cấp, mọi tầng lớp trong xã hội. Về điều này, C.Mác đã nhận xét rằng, L.Phoiơbắc đã thay thế “cái tư biện say rượu” bằng “triết học tỉnh táo”.
L.Phoiơbắc còn là người đại diện cho dòng tư tưởng không tưởng, hoà bình, cải lương, có ảnh hưởng đến phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Đức lúc bấy giờ. Ông chủ trương cải cách nước Đức bằng con đường hoà bình cải lương và nhân đạo. Tuy nhiên, trong thực tế, điều đó đã không mang lại hiệu quả. Bản thân L.Phoiơbắc không trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh chính trị và cũng không chấp nhận chủ nghĩa Mác, mặc dù về cuối đời, ông có chú ý đến sách báo xã hội chủ nghĩa. L.Phoiơbắc đã gia nhập Đảng xã hội dân chủ Đức và còn đọc cả Tư bản của C.Mác, nhưng trước sau ông vẫn là một nhà triết học và nhà văn hoá của dân tộc Đức, không tham gia vào chính trường. Thậm chí, ngay cả khi cuộc cách mạng tư sản Đức nổ ra (1848), ông vẫn đứng ngoài cuộc đấu tranh chính trị. L.Phoiơbắc còn từ chối cả việc tham gia vào tổ chức của bộ máy nhà nước ở địa phương nơi ông sinh sống.
Với tư cách một nhà triết học, L.Phoiơbắc đã có công lao to lớn và quan trọng trong việc khôi phục và phát triển chủ nghĩa duy vật theo chiều hướng tiến bộ, “đưa một cách không úp mở chủ nghĩa duy vật trở lại ngôi vua" như Ph.Ăngghen đã nhận xét, đồng thời giải phóng các nhà triết học đương thời khỏi chủ nghĩa duy tâm của Hêgen, trong đó có cả C.Mác và Ph.Ăngghen. Tuy nhiên, để đạt đến điều này, sự nhận thức, tư tưởng triết học của L.Phoiơbắc đã phải trải qua một quá trình tiến hoá đầy khó khăn, phức tạp. Khi học thần học, tư tưởng triết học đầu tiên của ông là Thượng đế sáng tạo ra tất cả thế giới, sáng tạo ra muôn loài, trong đó có cả con người, nhưng ông đã nhanh chóng nhận ra sự nhầm lẫn của mình. Tư tưởng triết học thứ hai của ông là Lý tríhay "Ý niệm tuyệt đối" trong triết học của Hêgen khi ông là học trò của Hêgen. Tuy lúc đầu, L.Phoiơbắc rất say mê triết học Hêgen, nhưng sau đó, vì không thể nào chấp nhận được tính chất quá trừu tượng của hệ thống triết học nổi tiếng này, ông đã phê phán gay gắt và đoạn tuyệt luôn với nó. Sự say mê nghiên cứu khoa học tự nhiên, tìm hiểu bản chất của thế giới hiện thực đã giúp L.Phoiơbắc có đủ cơ sở khoa học và bản lĩnh để từ bỏ triết học duy tâm của người thầy vĩ đại Hêgen, khám phá ra một con đường đi mới cho riêng mình - đó là chủ nghĩa duy vật nhân bản. Con người là tư tưởng triết học thứ ba và cũng là cuối cùng còn sống mãi trong triết học L.Phoiơbắc, làm nên nét đặc trưng cơ bản nhất để phân biệt nhà triết học duy vật L.Phoiơbắc với tất cả những nhà duy vật trước đó. Trong chủ nghĩa duy vật của L.Phoiơbắc, không chỉ có giới tự nhiên tồn tại khách quan, độc lập với ý thức, ý chí của con người mà lần đầu tiên, còn có cả con người với tư cách một bộ phận, một sản phẩm của quá trình tiến hoá của giới tự nhiên. L.Phoiơbắc đòi hỏi phải cải cách triết học đương thời. Theo ông, triết học mới phải thay thế cho triết học cũ. Sự khác nhau cơ bản, có tính bản chất giữa triết học mới và triết học cũ là ở tính nhân bản - tức là triết học phải lấy Con người làm đối tượng nghiên cứu chủ yếu. Ông viết: "Triết học mới biến con người, kể cả giới tự nhiên với tư cách nền tảng của con người thành đối tượng duy nhất, phổ biến, cao nhất của triết học và do vậy, nó cũng biến nhân bản học, kể cả sinh lý học, thành khoa học phổ biến"(3).
Sự khẳng định của L.Phoiơbắc về con người và tự nhiên đều là đối tượng chân chính của triết học duy vật là một bước đột phá mới trong triết học. Con người từ chỗ là sản phẩm siêu nhiên, sản phẩm của Thượng đế đã trở thành sản phẩm của tự nhiên, của thế giới hiện thực; nó hiện hữu trong cuộc sống đời thường. Ông viết: "Hãy quan sát tự nhiên đi! Hãy quan sát con người đi! Anh sẽ thấy ở đấy, trước mắt anh những bí mật của triết học"(4). Với quan niệm như vậy về đối tượng của triết học, L.Phoiơbắc đã hướng thẳng vào việc chống lại chủ nghĩa duy tâm của Hêgen, vào cái "Ý niệm tuyệt đối", siêu tự nhiên, siêu nhân loại của nó, đồng thời ông cũng khẳng định tư tưởng nhân bản trong triết học của mình. Thực chất, triết học của L.Phoiơbắc mang đậm tính nhân bản, được coi là chủ nghĩa duy vật nhân bản, nhưng bản thân ông chỉ nhận đó là "Nhân loại học" hay "Học thuyết về con người".
Triết học duy vật của L.Phoiơbắc là sự kế tục và phát triển tư tưởng triết học của các nhà duy vật thế kỷ XVII - XVIII ở Tây Âu. Song, sự khác nhau giữa ông và các bậc tiền bối là ở chỗ, ông đã nhìn thấy được tính chất sinh động, muôn màu, muôn vẻ, đa dạng của thế giới vật chất - giới tự nhiên, đồng thời, ông cũng thừa nhận rằng, con người bằng các giác quan đã nhận thức được thế giới đó.
Tính nhân bản trong triết học L.Phoiơbắc trước hết được thể hiện ở những nguyên lý nhân bản và toàn bộ triết học của ông đã dựa trên những nguyên lý này.
Nguyên lý nhân bản thứ nhất mà ông đưa ra cho triết học của mình là triết học trước hết phải gắn kết bền chặt với khoa học tự nhiên, đặc biệt là các bộ môn của sinh vật học, như cổ sinh học, sinh lý học; các môn địa lý học, địa chất học, v.v., vì đó là những khoa học cho ta cơ sở để hiểu biết đúng đắn về tự nhiên, về con người. Theo L.Phoiơbắc, sự kết hợp giữa triết học và khoa học tự nhiên là sự kết hợp bền vững hơn, sâu sắc hơn và có lợi hơn là sự kết hợp gượng ép đang tồn tại giữa triết học và thần học. Bằng sự kết hợp này, triết học nhân bản mới có thể bảo đảm được tính khoa học, tính chân thật, giản dị và trong sáng của mình.
Nguyên lý nhân bản thứ hai nói về nguồn gốc tự nhiên của con người. L.Phoiơbắc khẳng định, con người có nguồn gốc từ tự nhiên, là sản phẩm của một quá trình tiến hoá lâu dài của thế giới vật chất - điều mà các nhà triết học duy vật trước ông chưa mấy ai nói đến. Với nguyên lý nhân bản này, ông đã chốt lại quan điểm duy vật của mình về con người, chỉ rõ mối quan hệ chặt chẽ, sự gắn bó hữu cơ giữa con người với phần thế giới còn lại. L.Phoiơbắc đã vạch ra sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa duy tâm cũng như của tôn giáo bằng sự khẳng định "tư duy chỉ có thể xuất hiện từ cõi tự nhiên". Sai lầm của quan điểm duy tâm và tôn giáo là sai lầm mang tính chất ý thức hệ, bởi theo ông, tư duy vốn là thuộc tính cơ bản của con người đã bị chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo tách ra khỏi con người để rồi lại biến nó thành một sức mạnh siêu việt, linh thiêng, sáng tạo ra thế giới vật chất, sáng tạo ra thế giới con người, thống trị cả tự nhiên lẫn con người.
Nguyên lý nhân bản thứ ba và cũng là nguyên lý quan trọng nhất của triết học Phoiơbắc: con người là trung tâm và cùng với giới tự nhiên, con người cũng là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của chủ nghĩa duy vật. Theo ông, con người là một sinh vật có hình thể vật chất ở trong không - thời gian và chỉ có như vậy, con người mới có năng lực quan sát và suy nghĩ, nghĩa là có khả năng nhận thức thế giới. Con người có đầy đủ các giác quan để nhận thức thế giới xung quanh mình.
Khi giải quyết vấn đề cơ bản của triết học, L.Phoiơbắc đã đứng hẳn trên lập trường của chủ nghĩa duy vật. Ông khẳng định rằng, quan hệ thật sự của tư duy đối với tồn tại là: tồn tại - chủ thể, tư duy - thuộc tính(5). Sự thừa nhận tư duy là thuộc tính cơ bản của con người của L.Phoiơbắc, một mặt, đã chống lại quan niệm coi tư duy như một thực thể độc lập và đối lập với con người của chủ nghĩa duy tâm và nhị nguyên luận; mặt khác, là tiền đề để ông đưa ra nguyên lý nhân bản thứ tư - con người là một chỉnh thể và thống nhất, là sự thống nhất giữa linh hồn và thể xác hay giữa tinh thần và thể chất. Tính chỉnh thể và sự thống nhất giữa tinh thần và thể chất của con người đã được ông quan niệm như là bản chất tự nhiên vốn có ở mỗi con người. Từ đó, L.Phoiơbắc đi đến khẳng định, bản chất con người là thống nhất, giống nhau và không thay đổi. Ông còn chỉ rõ, chỉ có về mặt lý luận mới có thể hình dung ra sự tách biệt giữa tinh thần và thể chất, còn trong cuộc sống hiện thực, tinh thần và thể chất luôn gắn bó chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau.
Phoiơbắc đã vận dụng những nguyên lý nhân bản đó để xây dựng nên đạo đức học và học thuyết về tôn giáo với những nét đặc trưng sâu sắc và độc đáo, thể hiện rõ ràng lập trường triết học nhân bản của ông.
Về đạo đức học, Phoiơbắc đã chỉ rõ, nguồn gốc hay điều kiện đầu tiên của đạo đức là cảm giác: "Tiếng nói của cảm giác là mệnh lệnh tuyệt đối đầu tiên"(6). Lòng khát khao hạnh phúc là cơ sở cho mọi hành vi của con người, nhưng hành vi đó như thế nào thì lại phụ thuộc vào cảm giác của họ. Nhờ có cảm giác, con người nhận biết được tốt, xấu, hạnh phúc và bất hạnh, vui sướng và đau khổ, vinh và nhục, v.v., từ đó mà quyết định hành vi của mình. Hơn nữa, L.Phoiơbắc còn khẳng định, ở đâu không có cảm giác, thì ở đó không có đạo đức.
L.Phoiơbắc đã xây dựng đạo đức học của mình dựa trên hai quy tắc cơ bản: một là, để đạt đến hạnh phúc, con người phải biết hạn chế những nhu cầu của mình một cách hợp lý; và hai là, phải có tình yêu trong mối quan hệ giữa người và người.
Về quy tắc thứ nhất, theo L.Phoiơbắc, con người luôn có khát vọng vươn tới hạnh phúc, song lòng khát khao hạnh phúc của mỗi người không phải lúc nào cũng có thể thực hiện một cách vô điều kiện, mà luôn phải chịu hai sự uốn nắn. Sự uốn nắn thứ nhất là do hậu quả tự nhiên của hành vi của người đó. Bởi lẽ, ở mỗi con người đều có những giới hạn nhất định về mặt sức lực, về tài năng và trí tuệ, và như L.Phoiơbắc đã viết, "sau trác táng thì đến chán chường, sau thói quen chơi bời quá độ thì đến bệnh tật". Như vậy, sự uốn nắn thứ nhất này hoàn toàn là do những yếu tố thuần tuý tự nhiên, sinh học quy định; nó có thể không giống nhau ở những người khác nhau. Sự uốn nắn thứ hai là do hậu quả xã hội của những hành vi của người đó. Sống trong xã hội, con người có nhiều mối quan hệ với những người khác, mà tất cả mọi người ai cũng có lòng khát khao đạt đến hạnh phúc. Bởi vậy, nếu một người vì để đạt đến hạnh phúc cho riêng mình đã không tôn trọng hay làm xúc phạm đến hạnh phúc của người khác, thì lập tức họ sẽ bị người khác trả thù, nghĩa là, họ sẽ bị người khác phản kháng lại, thậm chí, hạnh phúc của họ còn bị phá hoại. Từ đó, L.Phoiơbắc đã rút ra kết luận hết sức sâu sắc rằng, nếu chúng ta muốn thoả mãn lòng mong muốn hạnh phúc của bản thân thì cần phải biết đánh giá đúng hậu quả của hành vi mà mình làm, nghĩa là, phải biết tự hạn chế nhu cầu của mình một cách hợp lý, phải tuân theo hai uốn nắn tự nhiên và xã hội; đồng thời phải biết tôn trọng những người khác cũng có quyền bình đẳng với chúng ta trong việc mưu cầu hạnh phúc. Đó mới là con người có đạo đức.
Quy tắc thứ hai trong đạo đức học của ông là đạo đức phải dựa trên cơ sở tình yêu giữa người và người. L.Phoiơbắc coi tình yêu như bản chất của con người, như mục đích của cuộc sống, thậm chí ông còn quy tình yêu thành lực lượng quyết định sự tiến bộ của xã hội nói chung, của đạo đức nói riêng. Ông đã tuyên truyền cho một "tình yêu phổ biến" mà nhờ nó, có thể giải quyết được mọi mối bất hoà giữa người và người và do đó, cũng có thể giải quyết được mọi mâu thuẫn, dù là mâu thuẫn đối kháng trong xã hội.
L.Phoiơbắc không thừa nhận có đạo đức cá nhân. Theo ông, đạo đức cá nhân, thứ đạo đức chỉ thực hiện riêng cho một người, là hoàn toàn bịa đặt. Ở đâu mà ngoài cái "Tôi" ra không có cái "Anh", không có người khác, thì ở đấy không thể nói đến đạo đức. Đạo đức chân chính không hề chỉ biết đến hạnh phúc của mình mà không đếm xỉa đến hạnh phúc của người khác, không biết và không muốn có hạnh phúc riêng biệt nào tách rời và không phụ thuộc vào hạnh phúc của người khác... Đạo đức chân chính chỉ biết thứ hạnh phúc chung, có tính chất tập thể(7).
Xuất phát từ đạo đức "nhân loại học", L.Phoiơbắc coi sự bất công, bất bình đẳng xã hội chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên đi chệch khỏi bản chất chân thật của con người. Điều này, theo ông, có thể khắc phục được bằng cách giáo dục hay bằng cách thấm nhuần "tôn giáo mới" - Tình yêu giữa "Tôi" với "Anh". Ông hy vọng rằng, nhờ thứ "đạo đức tình yêu" đó mà con người có thể giải quyết được những sự bất hoà và bất công trong xã hội.
Đạo đức học của L.Phoiơbắc rất trừu tượng. Nó hoàn toàn tách khỏi đời sống xã hội, khỏi quá trình lịch sử. Bởi lẽ, con người chỉ là một sinh vật, nó có bản chất tự nhiên giống nhau và không thay đổi trước những biến cố của lịch sử xã hội. Đúng như Ph.Ăngghen đã nhận xét, đạo đức học của L.Phoiơbắc “được gọt giũa cho thích hợp với mọi thời kỳ, mọi dân tộc, mọi hoàn cảnh, và chính vì thế mà không bao giờ nó có thể áp dụng được ở đâu cả. Và đối với thế giới hiện thực, nó cũng bất lực như cái mệnh lệnh tuyệt đối của Cantơ vậy"(8).
Tính nhân bản trong triết học L.Phoiơbắc còn được thể hiện sâu sắc ở học thuyết về tôn giáo. Để xây dựng học thuyết về tôn giáo, trước hết, L.Phoiơbắc đã tiến hành phê phán tôn giáo và chủ nghĩa duy tâm của Hêgen nói riêng, chủ nghĩa duy tâm nói chung. Ông vạch ra mối quan hệ thân thiết và đồng hành giữa chủ nghĩa duy tâm của Hêgen với tôn giáo (Thiên Chúa giáo). L.Phoiơbắc phủ nhận sự tồn tại bẩm sinh của những tình cảm tôn giáo trong con người; ông vạch rõ nguồn gốc, bản chất của tôn giáo, sự phát triển của tôn giáo đi từ những biểu tượng vật chất tự nhiên - (Ngẫu tượng giáo) có tính chất khu vực đến những biểu tượng tinh thần, phổ biến trong phạm vi rộng lớn trên toàn thế giới. Nhìn chung, sự phê phán tôn giáo của L.Phoiơbắc đã vượt hẳn lên so với tất cả những nhà triết học trước ông ở chỗ, ông đã bám sát lấy con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể sáng tạo ra tôn giáo, chứ không phải tôn giáo làm ra con người. Chính vì vậy mà L.Phoiơbắc chủ trương thủ tiêu hết mọi tôn giáo có thần, có Thượng đế, thiết lập nên một thứ tôn giáo mới - tôn giáo không có Thượng đế, mà "Người là Thần đối với người". Về điều này, Ph.Ăngghen đã nhận xét: "Phoiơbắc hoàn toàn không muốn xoá bỏ tôn giáo, ông muốn hoàn thiện tôn giáo. Bản thân triết học cũng phải hoà vào tôn giáo"(9).
Trong học thuyết về tôn giáo của mình, L.Phoiơbắc cũng nói nhiều về tình yêu giữa người và người. Mối quan hệ thân thiết, tình yêu thương giữa người và người đã được L.Phoiơbắc tôn phong thành một tôn giáo, thậm chí cả khi đó chỉ là mối quan hệ giữa hai người với nhau. Đối với ông, tôn giáo là sự thể hiện căn bản nhất cái bản chất tình cảm yêu thương chân thực của con người. L.Phoiơbắc đặc biệt đề cao tình yêu nam - nữ, coi đó là một trong những hình thức cao nhất trong việc thực hiện tôn giáo mới của ông. "Theo học thuyết của Phoiơbắc, tôn giáo là mối quan hệ thương yêu giữa người với người; mối quan hệ này, cho đến nay, vẫn đi tìm chân lý của nó ở sự phản ánh huyền ảo của hiện thực - ở sự trung gian của một ông thần hay nhiều ông thần, tức là những hình ảnh huyền ảo của các thuộc tính của con người - nhưng ngày nay đã tìm thấy chân lý ấy, một cách trực tiếp không cần có trung gian, trong tình thương yêu giữa "Tôi" và "Anh". Chính vì thế mà theo Phoiơbắc thì cuối cùng tình yêu nam nữ là một trong những hình thức cao nhất, nếu không phải là hình thức cao nhất, của việc thực hành tôn giáo mới của ông”(10).
Đạo đức và tôn giáo trong triết học duy vật của L.Phoiơbắc là đạo đức và tôn giáo trần gian, biểu hiện thông qua mối quan hệ giữa người và người đang sống trong hiện thực. Con người với cái tinh tuý nhất và cũng là đặc trưng cơ bản nhất là tình cảm, là tình yêu thương, là cái trục xuyên suốt toàn bộ triết học của ông; nó tạo nên cái bản sắc nhân bản đặc thù phân biệt ông với các bậc tiền bối. Tình yêu của con người đối với con người là đặc trưng, là điểm mạnh của triết học Phoiơbắc. Tuy nhiên, sự tuyệt đối hoá tình yêu đến mức thần thánh hoá nó, coi nó như một phương thuốc bách bệnh, có thể chữa lành tất cả mọi bệnh tật trong xã hội, dù đó là xã hội nào, thì lại là một điểm yếu, một hạn chế của ông. Ph.Ăngghen đã nhận xét và đánh giá: "Nhưng tình yêu! Vâng, đối với Phoiơbắc, thì tình yêu, ở đâu và bao giờ cũng là một ông thần có lắm phép lạ có thể giúp người ta vượt qua mọi khó khăn của đời sống thực tiễn và điều đó đã diễn ra trong một xã hội chia thành những giai cấp có lợi ích đối lập hẳn với nhau! Do đó, những vết tích cuối cùng có tính chất cách mạng trong triết học của ông đều biến mất hết, và chỉ còn lại cái điệp khúc cũ kỹ: Hãy yêu nhau đi, hãy ôm nhau đi, không cần phân biệt nam nữ và đẳng cấp - Thật là giấc mơ thiên hạ thuận hoà"(11).
Tính nhân bản - hạt nhân hợp lý và quý giá nhất mãi mãi là một đặc điểm lớn nhất, quan trọng nhất của triết học nhân bản Phoiơbắc, nó đã đưa lại cho L.Phoiơbắc một vị trí đặc biệt trong hàng ngũ các nhà triết học duy vật trước Mác. Và, chính nó cũng là một trong những tiền đề quan trọng để C.Mác và Ph.Ăngghen tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu bản chất con người và con đường giải phóng con người.
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.21. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.412.
(2) L.Phoiơbắc. Tuyển tập các tác phẩm triết học, gồm 2 tập, t.II. Mátxcơva, 1955, tr.730.
(3) L.Phoiơbắc. Sđd., t.I, tr.202.
(4) L.Phoiơbắc. Sđd., t.I, tr.129.
(5) Xem: L.Phoiơbắc. Sđd., tr.128.
(6) L.Phoiơbắc. Sđd., tr.636.
(7) Xem: L.Phoiơbắc. Sđd., tr.621.
(8) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.21, tr.425.
(9) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.21, tr.416.
(10) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.21, tr.416.
(11) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.21, tr.425.
Nguồn Phạm Thị Ngọc Trầm Phó giáo sư, tiến sĩ, Trưởng phòng Triết học trong khoa học tự nhiên và môi trường, Viện Triết học.