"Trận đồ bát quái" vượt dãy Trường Sơn
"Sau 16 năm, đường Trường Sơn đã phát triển thành một hệ thống phức tạp với tổng chiều dài 20.000 km. Các chuyên gia quân sự Mỹ nhiều lần bị 'sốc' và gọi đây là trận đồ bát quái", trung tướng Đồng Sỹ Nguyên kể về tuyến đường huyền thoại độc nhất vô nhị trên thế giới.
Tuổi 90 cận kề và mang bệnh tim đã 2 năm nay, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn giữ được dáng vẻ oai phong và chất giọng hào sảng của vị Tư lệnh. Sau chiến tranh hơn 30 năm, từng mét đất, từng con đường trên dãy Trường Sơn vẫn rõ mồn một trong trí nhớ ông.
- Ý tưởng về tuyến đường chi viện vượt dãy Trường Sơn được hình thành như thế nào, thưa trung tướng?
- Đề xuất ý tưởng về tuyến đường chi viện là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp là kiến trúc sư, chỉ huy việc thực thi. Ngày 1/1/1959, với Nghị quyết của Bộ Chính trị, chúng ta đã chuyển cuộc đấu tranh thống nhất qua con đường chính trị thành vũ lực. 5 tháng sau, đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 69 của Bác, Đoàn 559 ra đời, đường chi viện nối liền Bắc - Nam nhanh chóng hình thành. Đây là con đường chiến lược mang sức mạnh từ miền Bắc và các nước xã hội chủ nghĩa phối hợp miền Nam thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ.
Tuy nhiên, cần lưu ý là cho tới năm 1970, khi chưa bị hải quân Mỹ ngăn chặn, đường "Trường Sơn trên biển Đông" mới là tuyến hoạt động hiệu quả và vận chuyển phần lớn hàng chi viện cho miền Nam.
Những năm đầu xây dựng, việc chi viện thực hiện bằng hình thức đi bộ, gùi thồ. Ảnh tư liệu.
- Với hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ, làm sao chúng ta có thể triển khai xây dựng tuyến đường quy mô như vậy?
- Theo phác thảo ban đầu, chúng ta tổ chức chi viện bằng đi bộ, gùi thồ. Nhưng sau một thời gian, phương thức này không hiệu quả. Đi bộ gần 2.000 km thì riêng việc nuôi quân vận tải đã quá vất vả nói gì đến chuyện chi viện. Sau 2 năm như vậy, chúng ta bắt đầu chuyển sang vận tải cơ giới.
Đến năm 1967, kết hợp các binh chủng phát triển thành tuyến chi viện hoàn chỉnh. Cũng từ đây, tuyến đường không chỉ mang ý nghĩa là một "đường dây vận tải chi viện" đơn thuần nữa mà đã chuyển thành một chiến trường đúng nghĩa - "Chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh".
- Nhiều chuyên gia quân sự Mỹ đã đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác khi khám phá ra hệ thống chi viện phức tạp trên dãy Trường Sơn. Vậy khó khăn lớn nhất để đảm bảo bí mật và an toàn cho tuyến đường là gì?
- Thực ra, con đường chỉ bí mật hoàn toàn được 2 năm đầu, tức là lúc ta còn ở giai đoạn sơ khai đi bộ, gùi thồ. Khi chúng ta làm đường vận tải cơ giới thì không thể bí mật được nữa. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh là đảm bảo an toàn cho các chuyến xe. Địch ra sức ngăn chặn bằng không quân, hàng rào điện tử McNamara, chất độc hóa học... Chúng tạo hàng ngàn trọng điểm, tập đoàn trọng điểm trên tất cả đường dọc và đường ngang.
Lúc đó ta cứ nghĩ đơn giản rằng "Địch đánh, ta sửa ta đi" nhưng cách thức này càng về sau càng thiếu hiệu quả. Ví dụ như sau 2 giờ địch đánh phá, ta phải mất ngần ấy thời gian để sửa đường để đi, rồi địch lại đánh phá, ta lại sửa... Tắc đường vì thế xảy ra thường xuyên, có khi cả tháng không chi viện được. Phương thức này vừa như "dã tràng xe cát biển Đông" vừa khiến quân ta thiệt hại nặng nề.
Đến năm 1967, sau khi tổ chức kiểm tra, rút kinh nghiệm trên toàn tuyến, chúng ta rút ra bài học là chỉ khi thắng được cuộc chiến tranh ngăn chặn tổng hợp thì mới chi viện hiệu quả được. Cũng từ đây, ta áp dụng hiệp đồng binh chủng, vừa chi viện, vừa đẩy lui địch trên chiến trường.
- Trung tướng nhắc nhiều đến "hiệp đồng binh chủng", vậy sự thay đổi này có ý nghĩa như thế nào đối với tuyến chi viện đường Trường Sơn?
- Thay đổi này có thể coi là một bước ngoặt. Nếu không thực hiện hiệp đồng binh chủng (hay binh chủng hợp thành), bảo vệ tuyến vận tải cơ giới thì việc chi viện sẽ không thể nào thoát khỏi bế tắc. Đoàn xe chi viện sẽ giống như những miếng mồi ngon dưới tầm ngắm của máy bay địch.
Từ năm 1967, từ thế phòng ngự bị động, ta chuyển sang chủ động dùng kế nghi binh, ngụy trang. Mỹ đánh bom trọng điểm, ta san lấp chuyển thành hố nghi binh ngụy trang khéo léo, thỉnh thoảng cho xe chạy qua để địch tiếp tục đánh phá. Địch thích đánh trọng điểm nào, ta càng tạo điều kiện, "kêu gọi" địch đánh vào đấy. Trong khi đó, ta mở thêm 2 tuyến song song bên cạnh, đoàn xe vì thế vô tư chạy qua.
Để làm được điều đó, ta đã tổ chức và phát triển binh chủng hợp thành bảo vệ tuyến vận tải cơ giới. Pháo binh, tên lửa như "lưới lửa" bảo vệ trên đầu đội hình tấn công của xe; công binh túc trực bên đường; bộ binh liên tục mở các chiến dịch đẩy địch ra xa.
Sau chiến dịch đường 9 Nam Lào 1971 và "Điện Biên Phủ trên không" 1972, chúng ta trở thành người làm chủ hoàn toàn trên chiến trường Trường Sơn. Tuyến chi viện trở nên thông suốt và cực kỳ hiệu quả. Lúc cao điểm, trên toàn tuyến có tới 9 sư đoàn trong đó 8 sư đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh quân khu Trường Sơn. Đội quân hùng hậu này không chỉ đảm bảo chi viện thông suốt mà còn là lực lượng dự bị chiến lược để tăng cường cho các chiến dịch khác.
Xe vận tải vượt Tha Mé, một trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Ảnh tư liệu.
- Đường Trường Sơn là cái tên đơn giản nhất mà ta dùng trong suốt những năm chiến tranh. Kể cả "Đường mòn Hồ Chí Minh" hay "trận đồ bát quái" đều là những cụm từ do người Mỹ đặt ra. Tôi nhớ là họ gọi như vậy từ năm 1971. Theo tôi, cách đặt tên này chứng tỏ họ hiểu quy mô của tuyến đường.
Sau 16 năm xây dựng, tổng kết lại tuyến đường có 5 trục dọc, 21 trục ngang với tổng chiều dài 20.000 km như một trận đồ phủ kín dãy Trường Sơn, cả sườn Đông lẫn sườn Tây, xuyên 3 nước Đông Dương. Đó là còn chưa tính mạng đường trong các tỉnh và hàng ngàn km đường ống vận chuyển xăng dầu, đường giao liên hành quân bộ, đường dây thông tin...
Một lần anh Võ Văn Kiệt (lúc đó là Ủy viên thường vụ Trung ương Cục miền Nam) đi công tác ghé qua Sở chỉ huy của tôi tại Bộ Tư lệnh Trường Sơn, nói: "Nếu hôm nay không có mấy người dẫn đường thì tôi chịu không tìm được đường về Sở chỉ huy". Còn Quốc vương Campuchia Sihanouk khi đến thăm chúng tôi nói rằng, trước đây ông không hiểu nổi làm sao có thể chi viện cho miền Nam. "Đến đây rồi thì tôi biết Mỹ không tài nào thắng được các bạn".
- Trong 10 năm là Tổng tư lệnh tại chiến trường đường Trường Sơn, kỷ niệm nào là khó quên nhất với ông?
- Có lần tôi ngồi xe vận tải vượt trọng điểm đúng lúc địch thả pháo sáng để oanh kích. Tuy nhiên, đồng chí lái xe vẫn phóng xe băng băng qua, miệng vừa huýt sáo vừa hát. Trong khi trước đó, khi chưa bố trí được thế trận hợp đồng binh chủng gặp tình huống này, lái xe của ta liền đánh xe vào bụi rậm tránh. Tôi hỏi tại sao trước đây tránh mà bây giờ vui vẻ thế thì chú lái xe cười, chỉ tay ra ngoài cửa xe. Lúc đó, pháo phòng không và tên lửa ta bắn trả như pháo hoa.
"Chúng em bây giờ không còn đơn thương độc mã trên tuyến đường nữa thủ trưởng ạ, có "pháo hoa Hồ Hoàn Kiếm" bảo vệ trên đầu, sợ gì mà không đi", chiến sĩ này nói với tôi. Giây phút đó tôi lâng lâng một niềm vui khó tả. Chúng ta đã thực sự làm chủ được chiến trường này và cảm giác như ngày thắng lợi không còn xa.
Đoàn xe vận tải hùng hậu trên đường Trường Sơn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh tư liệu.
- Tôi tin là chúng ta sẽ vẫn giành chiến thắng. Tuy nhiên, tuyến đường đã đưa ngày thống nhất đến sớm hơn rất nhiều. Nhiều chuyên gia quân sự Mỹ sau này bình luận, sở dĩ Mỹ thất bại ở Việt Nam là do không ngăn chặn được tuyến chi viện từ miền Bắc.
- Nếu như được quay trở lại hoàn cảnh thời đó, ông có thay đổi gì về cách triển khai xây dựng, sắp xếp các tuyến đường hay tổ chức vận chuyển tiếp tế?
- Thực ra, việc tổ chức tuyến chi viện xuyên dãy Trường Sơn của chúng ta là một hình mẫu độc nhất vô nhị trên thế giới. Ta vừa làm, vừa học nên không tránh khỏi những thiệt hại, mất mát. Chúng ta mất nhiều năm sa lầy vào tổ chức tuyến chi viện theo kiểu độc đạo mà không nghĩ đến việc làm đường vòng, đường tránh, đường nghi binh... Ngoài ra, việc xây dựng cầu, đường của chúng ta cũng chưa thích hợp như làm cầu nổi (sau chuyển sang làm cầu dưới mặt nước), đường dã chiến mà thiếu đường rải đá, đường có mặt cứng...
Ngoài ra, một bài học lớn khác là chậm áp dụng sức mạnh tổng hợp, chậm tổ chức binh chủng hợp thành lấy vận tải cơ giới làm trung tâm. Nếu nhận ra điều này sớm hơn, có thể chúng ta còn giành thắng lợi nhanh chóng hơn và giảm thiểu thiệt hại.
Với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, mỗi sự mất mát dù nhỏ trong chiến tranh cũng là điều đau xót. Ảnh: Nguyễn Hưng.
- Trung tướng có thể chia sẻ về điều tiếc nuối nhất trong quãng thời gian làm Tư lệnh tại chiến trường này?
- Bất kỳ một sự mất mát dù nhỏ nhất cũng khiến tôi đau lòng, dù hi sinh ít cũng là đáng tiếc. 16 năm tuyến đường hoạt động, 22.000 quân ta đã ngã xuống, trên 30.000 đồng chí khác nhiễm chất độc da cam mà di chứng đến ngày nay vẫn vô cùng nặng nề...
Đây là những điều khiến người ở cương vị chỉ huy như tôi vô cùng đau xót. Vẫn biết chiến tranh là đau thương, mất mát nhưng có sống và đối mặt với nó mới thấm thía.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (tên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt) tên thật là Nguyễn Sỹ Đồng, sinh năm 1923. Ông là vị tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn trong thời gian lâu nhất (1967-1975) và là một trong hai vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng. Sau chiến tranh, ông tiếp tục đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng khác như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó thủ tướng...
Tên tuổi của ông luôn đi cùng với những kỳ tích như người tổ chức thế trận giao thông liên hoàn, giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn, hệ thống "trận đồ bát quái" ở Trường Sơn... Ông cũng là người đề xuất xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn vào năm 1974, khi chiến tranh còn chưa kết thúc.
Nguyễn Hưng thực hiện