Khoẻ đã!
Thân lươn nếu chịu ép một bề thì cũng bắt chước những người yếu, người hèn, mà chép miệng thở dài: "Thôi, giời đã sinh ra cái thân yếu thì đành vậy, chớ làm thế nào?"
Nhưng, "khoẻ thì làm thày của xác mình, yếu thì làm đầy tớ nó". Lư-Thoa nói thế mà thật, chẳng trái ngược gì cả. Mình khoẻ, muốn đem sác mình đến chỗ nguy hiểm bậc nào mà nó chẳng nghe. Yếu thì đành phải hầu nó, kiếm mấy người nữa mà nâng giấc nó. Nó đau, nó ốm, những chăm nom cho nó mà đủ khổ. Mà động muốn đi xa một tí là chân nó những muốn gẫy. Muốn làm việc nhọc, ngực nó không kịp thở. Có khổ gì bằng: muốn làm gì mà đành phải phải buộc gối bó tay.
Mà đừng có đổ lỗi cho các cụ ta chẳng chịu vận động cho đến nỗi. Chương trình học từ đời xưa chả có những khoa cưỡi xe, bắn cung đó ư? Ông Khổng lúc nào cũng đeo gươm. Thầy lang Biển-Thước vẫn bảo: "Người ta phải vận động nhảy nhót thì thân thể mới khoẻ mạnh, thư thái". Nước ta làm quan to như ông Lê-Tuấn-Mậu còn đóng khố đi vật, quan Nghè Đinh Công Cưa vẫn đá cầu giữa triều đình. Phạm Ngũ Lão nhảy gò cao như chơi. Phạm Tử Nghi đánh gậy, con đường Thiên Lôi, bến Niệm Hải Phòng, còn dẹp xuống đó.
Lại cũng chớ đổ lỗi là ăn không có thịt, uống không có rượu vang.
Mình yếu, chỉ tại mình cả.
Phải tập cho:
Khoẻ mình,
Giai sức,
Dạn nắng gió,
Gan.
Khoẻ là có sức mà không ốm, làm việc không vì thiếu sức mà phải bỏ, lúc nào trong mình cũng điều hoà, vui tươi, dùng đến sức là có ngay, đã làm là chắc được, không ngại ở chỗ nhức đầu, sổ mũi, hay thận hư, "đau tim" cái bệnh cao quý. Khoẻ là nhắc được nặng, đi được nhanh, nhảy và leo chèo được cao.
Không những có sức, lại phải giữ sức nữa. Có thế thì làm việc mới đến nơi, đến chốn, không bỏ dở. Muốn như thế thì không những phổi phải mạnh, máu chạy tốt mà lại còn phải chịu nặng nhọc quen.
Lại phải dạn dầy. Đi nắng mà nhức đầu, ra lạnh mà khản cổ, rét hay run, đói khát không chịu được, thì khó bàn được đến truyện làm.
Có cả ba thứ mà thiếu chí cũng hỏng. Chí thuộc về tam hồn, mạnh ở từng trải, nhưng một phần lớn cũng do ở thân thể. Người yếu mà có chí vẫn là ít có.
Trông nom luyện tập thế nào?
Phải theo dõi phép vệ sinh đã.
Hãy ngồi ngoài sân, ngoài vườn hơn là ở phòng đóng kín cửa. Như thế thì không khí hít vào được thứ trong sạch, có sức mạnh của trời đất. Đi nắng cho quen. Tóc sinh ra không phải để cạo hẳn đi. Phải để cho che đủ đầu. Quần áo cũng chẳng nên kín lắm. Bỏ mấy lần áo, đóng quần kín mít đến gót, bàn chân còn đem gói giò, cổ lại đánh một cái đai chặt chẽ, thế thì không khí còn chỗ nào để cho da thở, nắng còn có chỗ nào cho máu chu lưu; khăn quàng làm yếu cổ, bít tất làm mềm tay, kính rợp bịt lấy cho vi trùng tự do. Uống trong ít không đủ rửa ruột, tắm ngoài không đủ trắng da, nguy mất.
Ngày nào cũng nên tắm, mà tắm nước lã, cả mùa rét nữa, vừa để sạch vừa để mát, vừa quen lạnh. Nước nóng thì dăm bẩy hôm dùng một lần cho tan ghét.
Ăn uống đơn sơ, vừa đủ, nhai kỹ. Đã nói ở trên.
Vè tình dục thì rất nên tiết độ. Sức phí đi không lấy lại được. Việc đó không những quan hệ tới luận lý với linh hồn mà lại liên lạc lớn với sức khoẻ, với nòi giống. Sức người chỉ có hạn: Khí hai, hại cả đến con cháu.
Cả đến bộ thần kinh cũng rất cần vệ sinh. Đừng ở nhữung chỗ ồn ào xe ngựa. Đêm ngủ phải cho đủ nghĩ, tuỳ theo khoẻ yếu mà ít, nhiều. Đừng để đến nỗi ngủ gật hay ngái ngủ. Nhà hát, nhà chớp bóng nhốt người vào buồng kín rồi đánh trống thổ kèn cho đinh tai, nhẩy múa lộn bậy cho quáng mắt, thán khí ở năm trăm cuống họng thở ra mà đủ ngạt. Những chỗ ấy không phải là chỗ nghỉ ngơi sau một ngày khó nhọc.
Phép tu dưỡng đại khái chỉ thế.
Khoẻ
Muốn mưu đồ việc gì cũng phải mạnh mới mong thành công được. Ai cũng biết thế.
Ông Hébert, người dạy phép tự nhiêu nói rằng “Ta phải khoẻ. Kẻ yếu là dồ vô dạng, đồ hèn”.
Ai cũng muốn sung sức để làm việc, để phụng sự cái tôn chỉ của mình. Vì thế mà người ta có bổn phận tập luyện thân thể cũng như cáo bổn phận luân lý vậy. Còn hơn nữa không có sức thì làm sao mà làm tròn được bổn phận luân lý. Gập lúc nguy nan thì chỉ có chắc được ở tay chân mình thôi. Không chạy, không nhảy, không ném, không leo, không bơi, không đánh đỡ được thì hỏng.
Thế nào là "người khoẻ", là người lúc nào cũng sẵn sàng mà chống đỡ được các việc xảy ra.
Người khoẻ phải "bền" sức; sức muốn bền thì ngực và tim phải tốt. Người khoẻ phải có "bắp thịt", bắp thịt dùng được chứ không phải bắp thịt béo. Phải "khéo tay", khéo là do ở tập luyện. Có khéo thì mới dùng được bắp thịt của mình. Người khoẻ phải "nhanh". Lại phải có can đảm, bền chí, tỉnh táo, chịu khó.
Phương pháp nào mà đem lại được cả những đức về sức lực và tinh thần ấy.
Phương pháp tự nhiên.
Con chim phải bay, con ngựa phải chạy. Người ta phải đi, chạy, nhẩy, chèo, bơi, ném, chống đỡ. Vậy sẽ luyện tập các môn ấy vừa luyện tập vừa theo vệ sinh trong và ngoài, vừa ăn uống vừa phải đơn sơ, vừa điều độ, vừa tiết dục.
Có sân vận động càng tốt, không có cũng không sao. Người ta phải rong ruổi trên đường đời, dùng ngay cánh đồng, đồi núi, sân trại, chòm cây mà tập mới tự nhiên, sẵn sàng mà không xa sự thực.
Sáng dậy, trong phổi còn nhiều hơi độc, hãy ra ngoài mà thở đều đều, thở thật sâu cho dốc hết phổi ra, khí huyết không chạy đều cũng cần dúng tay vào nước và sát khắp mình mẩy.
Thế rồi đi, đi lên, đi lui, đi rón rén, đi cúi mình, đi bốn chân.
Leo lên cây, lên cột, lên sợi dây.
Nhảy qua rãnh, qua ngòi, qua cái ghế, bụi cây, bờ rào.
Ném xa, ném trúng. Ngày nào cũng tập thì tiến bộ trông thấy. Nhiều khi thoát hiểm bằng món ném.
Mang thúng đất, đội; cõng người.
Chạy chậm, nhanh, bất thình lình đứng lại.
Đấu sức, xô nhau hay đánh quyền.
Cứ phỏng như vậy mà tập, dù ở trong buồng gần một cửa sổ cũng có thể, ngoài sân ngoài vườn càng hay.
Ở phương Đông ta cũng có nhiều cách luyện tập mà lối tốt hơn cả là quyền học. Nhưng khó nhất là tìm được thầy. Nhưng người có thể hạn cho ta, một trăm ngày, sáu tháng hay một năm mà giỏi được, đích là lừa ta đó. Nhưng người mặc cả với ta về công sá, lại đáng ngờ lắm nữa, vì người có học vấn thế nào, thì võ cũng vậy, tất nhiên vẫn có nhân phẩm. Tìm được thầy có cái học nguồn gốc, có thể dậy mình từ biết thịt biết xương, biết cách cử động cho thuận thuận tay chân, thật là khó. Có thầy rồi đủ được chí để theo học đến nơi lại khó nữa. Nhưng đã học được rồi thì ngoài cái thú thanh cao về học, lại còn được hy vọng đem thân mình gửi vào một việc mà những sức vóc tầm thường không dám làm.
Nói tóm lại, luyện tập có hai đường.
Phép Tây bao nhiêu người đều nên theo cả. Dù rằng thành công, không ở chỗ thực mạnh thực biết, nhưng dễ đến bậc khoẻ. Phép Đông thì cần chí hơn nhiều, hy vọng cũng lớn hơn, nhưng không phải là ai cũng có thể đến được.
Cây bảo kiếm quí ở trăm lần rèn. Không luyện sao thành thanh kiếm tốt.
Cần nhớ:
Tập cho vừa phải. Tập xong mà hơi mệt là được
Ví dụ tập 45 phút thì các môn tập cử nặng dần cho đến phút 30, rồi lại nhẹ dần đi cho đến khi hết.
Cách tập phải nhẹ sau mỗi lúc tập nặng. Ví dụ chạy rồi thì đừng nhẩy vội, hãy ném, hay chèo, hay mang sách.
Nên tập những thứ hơi nguy hiểm một tí cho quen, đỡ sợ, và cho đỡ chóng mặt: đi trên tường thấp, trên dầm, nhẩy trên tường xuống.
Các môn tập nên thay đổi luôn. Không nên tập mãi một kiểu.
Một cách tập tốt là hợp mươi anh em dự một cuộc săn bò tót. Một tay khá đóng vai bò tót. Rồi chạy, rồi trốn, chèo sườn đê, xuống giốc, leo cây, dò xem vết chân, nhảy qua ngòi. Tập được đủ thứ mà vui vẻ. Tập vui dễ khoẻ hơn là tập buồn.
Bơi
Bơi để thoát thân để cứu người.
Vậy tập sao cho dạn nước, tập nhẩy xuống nước, tập bơi khi có cả quần áo. Tập cởi giầy dưới nước. Tập mò một đồ vật. Tập lặn mở mắt. Bơi một tay, còn một tay cắp hay dìu người. Tập cách cứu người.
Biết đủ cách làm cho người bị chết đuối lại thở được. Hô hấp nhân tạo.
Đo sức: Người bình thường ít ra cũng:
Chạy 500m trong 1'40
Nhẩy cao có đà: Mỗi chân nhẩy được 1m
Nhẩy xa có đà: Mỗi chân 3m50
Leo thừng 5m, không dùng chân.
ném tạ 7kg250, mỗi tay xa 5m50.
Cử tạ 40kg được một lần,
Bơi 100m hết 3'
Lặn lâu 10".
Chịu khổ
Chịu cực cho quen. Thật dễ hiểu lắm.
Nhưng đối với những tâm hồn mạnh mẽ thì cực nhọc hình như là cái thích của họ. Thích chịu cực đó là cái đặc tính của những người làm được.
Có thể sai bảo người được, mà tự mình đi làm. Sẵn có xe, có tầu, nhưng đi chân cho biết, xem có mệt không... xem mệt đến đâu. Cùng ai khiêng vác đồ gì, nhận lấy góc nặng nhất; người ta chiếm mất phần danh dự ấy, mình lấy làm khó chịu lắm. Cùng làm việc với người ta, phần khó nhất giữ cho mình, coi như là mình có quyền giữ lấy.
Đi chùa Hương mà ngồi kiệu, đường gập gềnh ra mình không được nếm. Một cuộc du lịch mà không có gió bụi hình như không có vị gì. Cùng bạn đi một con đường trơn mà dốc, mình đã phải vất vả điêu đứng, gập bạn còn được câu truyện mà nói: "Anh nhỉ, cái đường đi hôm ấy, hôm nọ...". Nếu đường phẳng, gió suôi thì còn nói truyện gì. Người đời vẫn tưởng những chuyện vui thì nhớ lâu; thực ra những nỗi khó nhọc mình mới nhớ dai, vì mình đã phải đem gan sức ra mà thử.
Bể dội sóng, đường bụi lấm, trận mưa bão, bãi cát trắng, hay là đỉnh núi cao, khu rừng thẳm, một bãi tha ma, một toà thành đổ, những cái đó có duyên với người tráng sĩ. Sóng cả thích ở cái thú vượt qua, gió to thú ở đứng vững, trận mưa lớn thú ở không sợ rét, bãi cát trắng thú ở những nỗi xa xăm. Núi cao thú ở trèo, rừng thẳm thú tìm đường, bãi tha ma nói câu chuyện kim tích, bức thành đổ nảy lòng muốn phù chì.
Ăn no, rồi ngủ kỹ, cái kiếp ấy không chịu nổi.
Trong sạch.
Mấy anh em ngồi than vãn cùng nhau về nỗi "tham" nó đã tràn ngập nhiều hạng người trong xã hội.
Một anh đi buôn kêu khổ về những khoản "trà thuỷ" phải đưa.
Một anh em than phải "vi thiềng" trong một việc dính đến mình.
Câu chuyện "hoa hồng" làm chua xót anh nọ.
Đến cái "phong bì" làm cho gia đình kia túng thiếu.
Chỉ "tiền xe" cũng chết anh ấy.
Khoản "quà" cũng chết nữa.
Bao nhiêu chữ lễ phép, lịch sự, cũng dùng để chỉ mỗi việc nó là "tiền đút". Những người "đút tiền" nhiều, những người muốn hay đòi "ăn đút" cũng nhiều quá.
Đút tiền cho nó đỡ bận đến mình, đút tiền cho nó xong truyện. Đút tiền, vì nó là tiện hơn nhất. Đút tiền thì qua được nhiều nỗi khó khăn, đút tiền được dễ dãi nhiều thứ.
Nhận cho kỹ, kẻ đút tiền dù được dễ dàng, vẫn không sao tránh được tiếng hèn. Kẻ ăn đút, dù ở vào bề thế nào cũng vẫn là bị đồng tiền hay món quà của người ta sai khiến.
Mỗi người kể một truyện, mỗi người có một thí dụ...
Một anh đi xa về nói rằng chỗ ấy cũng thế, chỗ nọ cũng thế. Một anh quen biết nhiều lại trêm thêm: Người nọ cũng thế, người kia cũng thế...
Nhưng mà... để cho nó tràn mà hụp đi thì nó ngập hết. Chỉ một mỏm đất cứng nổi lên là rêu mọc ra, bèo bám vào, đất tụ lại, có thể làm cái đảo muôn vàn năm được.
Dù chỉ còn có một người trong sạch, ta quyết làm người trong sạch ấy. Dù vì trong sạch mà ta thiệt thòi, dù trong sạch mà đói khổ, cũng chỉ thiệt chỉ đói cái xác ta thôi. Tâm hồn ta vẫn thảnh thơi, vẫn sung sướng được là tâm hồn trong sạch.
Cơn gió mạnh trong sạch nổi lên được thì các cơn khác yếu hơn có thể phụ vào mà thành ra trận gió lớn quét sạch được bụi tham bỉ đi.
Nên ghi rằng: Biếu người ta là làm bẩn cái tiết của người ta. Nhận của người ta là làm đục cái trong của mình.
Đức nghèo.
Người ta chỉ than nghèo. Mấy ai đã suy xét về sự nghèo. Thế mà nghèo quả có cái giá trị của một đức tốt.
Vì nghèo mà phải làm lụng, phải vận động sức được mạnh.
Vì nghèo, ăn uống đơn sơ nên ít bệnh: có bệnh cũng dễ chữa.
Đã nghèo thì ăn mặc tầm thường, không vì đồ trang sức mà vương tai nạn; không đến nỗi vì sợ lấm áo mà bỏ mất việc.
Không ai giữ nhà tốt bằng nghèo, nghèo không bận trí vì phải canh giữ giấc ngủ không phải cắt đứt vì thức nhắc.
Nghèo thì ít bạn, nhưng được bạn chận thật bạn của mình, bạn chí mình, chớ không phải bạn của tấm áo quần mình mang.
Nghèo không mất tự do; chịu thiếu quen thì không sợ người ta đem ăn mặc mà trói buộc mình, bắt mình làm trái với lương tâm mình.
Tiền bạc không bận mình thì đi hay ở là do nơi minh, có thể giữ được phẩm cách người quân tử: "ăn không cầu no, ở không cầu yên".
Nghèo thì gần được "thiên nhiên", sống "thiên nhiên", không bị vật chất làm sai được bản tính. Đã ở dưới quyền vật chất thì yếu sức mình, mà liêm sỉ cũng khó giữ được nữa.
Đi không phải xe ngựa, đi xa không có gì? Ăn không cá thịt, ăn đã không phải là một việc phải lo lắng: có đủ thời giờ mà suy nghĩ về cái nghĩa đời người. Màn sương, đệm cỏ cũng đủ ngủ được, giường chiếu êm ấm có cần gì. Đã biết thế thời lợi không thể đem ra mà giử được mình, vàng không thể dùng để sai khiến mình. Mình giữ vững được "chí", mạnh được "khí".
"Nghèo" quả là một "đức"
Giầu.
Không tiền làm gì được. Thế mà có cái gì mà một chí mạnh mẽ không làm được.
Bắt đầu chỉ một chén trà thơm, rồi cùng đến một chén rượu ngon và ngọt. Ngồi trên xe kéo thấy dễ chịu mà rồi phải có cỗ xe máy hơi.
Đã cho trà thơm là ngon, đã biết ngồi xa là sướng, con đường cứ sâu mãi mãi. Rồi không chén nước nào ngon đủ nữa, rồi không cỗ xe nào sang đủ nữa. Vì lòng dục thả rông rồi. Mà "nhân-dục-vô-nhai". Đến nỗi thấy rằng rượu ngon không có là đời không có vị, đến nỗi không nhẩy múa là đời không đủ xay mê, không xem chớp bóng là đời nhiều chỗ rỗng, thì hỏng dễ lắm; thiếu một thứ không chịu nổi nữa. Đời đã là đời của lòng "dục" rồi. Nước lã có một vi; rượu thì vô số mùi, đi chân chỉ có một lối mà xe bao nhiêu hạng.
Trong một nước từ trên đến dưới đã ganh vì lợi cả cơ tan nát tránh sao được. Tất cả những người đến nỗi quên liêm sỉ, muối được mặt mà làm những điều đê tiện, chỉ vì lọi đó thôi. Sử đời này đã có bao nhiêu đoạn đau đớn vì lòng dục thả theo lợi. Tiền đã mua được bao nhiêu lương tâm.
Người ta nói rằng "danh với lợi là hai cái bả".
Xem tình trạng bây giờ thì "danh" cũng ít ai chuốc lấy nữa, chỉ còn một "lợi" thôi.
"Giầu" chẳng đáng sợ lắm sao?
Yêu.
Người ta nói về yêu, chỉ thấy:
- Mợ ơi, mợ đẹp nhất đời, tôi "yêu" mợ!
- Tôi "yêu" phong cảnh này quá!
Cả đến: Tôi yêu cái nếp áo này vô ngần.
Yêu một sắc đẹp, một cảnh đẹp, yêu một đồ trang sức đẹp, sao bằng yêu cái đẹp của đạo lý.
Khóc người nhân tình một buổi trời xuân sao bằng rỏ nước mắt trên một trong quốc sử, khi đọc những hành vi của một vị nghĩa sĩ, một bậc anh hùng.
Có cái yêu người ta tan lòng, nát ruột mà sinh ra mê man, sinh ra chán nản. Có cái yêu người ta nhức lòng bởi dạ, đứng được giậy, làm được việc, kề vào vai mà nghiêng ngửa được vạc ngàn cân, yêu mà để cả thân thế vào một việc.
Cũng là yêu, mà mạnh mẽ thay cái yêu của người chí sĩ.
Ghét, Giận.
Ghét một người láng giềng hay nói, ghét một mầu áo, mầu tường không vừa ý mình, giận một người bạn đã bỏ giở cuộc chơi với mình. Đó là cái ghét, giận của da thịt.
Sao bằng ghét những điều ô trọc, ghét những truyện lọc lừa, ghét những kẻ đê tiện, ghét những phường gian ngoan.
Đặng Dung vuốt ngực thở dài, giận mình nỗi bạc đầu chưa trọn việc. Nguyễn Trãi nhìn theo ải Bắc giận người ác độc chí thêm gìa.
Cũng là ghét, cũng là giận.
Sống
Trên bãi bể Sầm Sơn, cập Khôi Huệ đã "sống " những ngày tươi thắm!
Dưới cặp mắt thuỳ mị của Thảo, úc đã "sống" những phút ngất ngây.
Ở tiệm nhẩy Sao Chổi một thế hệ đã "sống" những khắc thần tiên.
Cả đến:
Gia đình son trẻ ấy đã "sống" một cách đầy đủ.
Hay là bộ Tam Phong của hội H.O.L.A.O đã "sống" những chớp mắt oanh liệt.
Mà luôn cả: Ông Hàm ỷ đã "sống" một cuộc đời đầy hạnh phúc.
Chữ "sống" dùng trong bấy nhiêu đoạn có phải là ở cái nghĩa mà ta phải cho nó không? Sống như thế có phải là "sống" không, hay là tươi thắm đã nhạt mầu, cơn ngây ngất đã hết, tiền đã cạn, sức đã cùng, phong vị tầm thường đã nhạt nhẽo quá, thì đem ngay vào cỗ săng, cắt ngay đến chén cay đắng, đâm ngay xuống giòng nước chảy xuôi.
Chúng ta có thể hiểu chữ "sống" như thế không? Để cái thích ở lòng dục, ở xác thịt, ở sự tầm thường thì sống có gọi là sống không? Có đủ nghĩa không?
Đối với chúng ta, sống hãy là hoạt động đã. Bởi vì chỉ có chết mới nằm yên thôi. Sống là làm một việc, theo duổi một mục đích, trước khi chết không nghỉ phút nào, không dừng bước nào sống là làm cho đời mình tươi thắm vì lòng nhân ái, vì những điều nghĩa làm được, ngây ngất khi theo đuổi cái đích xa xôi, tự cho là thần tiên tuy rằng đằng vật dục trăm đường thiếu thốn, chỉ khi nào thắng được lòng xấu xa của mình, đem lại được yên vui cho người mới gọi là oanh liệt thôi.
Khi hai tay buông xuôi, không còn nỗi gì đáng tiếc, thế là sống đã đầy đủ.
Lại cũng có giết thân để thành nhân, bỏ mình vì làm nghĩa, vì dân, vì nước mà chết, thì cái chết không khác nghĩa cái sống một mảy may nào.
"Chết" lại hoá ra "sống".
Chớ như sống mà nghe việc nhân không hiểu, thấy việc nghĩa không động lòng không có một tấm yêu, chí không có một mục đích, hình xác vẫn còn mà tâm tư đã chết, thì "sống" đó mà thực đã "chết" rồi.
Ta quyết phải tìm một lẽ sống, một các sống. Sống một cách phấn dấu.
"Mạnh sống, yếu chết" nói mãi hoá nhàm, câu ấy đã thành ra câu văn, đọc đến không thấy cảm gì nữa, không thấy mạnh tý nào.
Không thể sống theo nhờ trôi đi được nữa, chậm kén chọn một cách sống lúc nào là mất cái hy vọng từng ấy.
Ngâm nga một vài vần thơ có thể hả lòng hay khoan khoái trong một lúc, ru ngủ trong chốc lát mối lo sợ. Rượu có thể làm cho người ta chếnh choáng mà quên đời. Câu hát nhịp đàn cũng vui được đó. Nhưng mà ngủ có giấc, mê rồi tỉnh, vui hững hờ cũng phải hết. Tỉnh rồi, ngắm thấy việc mình có ra gì, thân thế mình rồi có ý nghĩa gì không. Sau cơn mê, giấc mộng, vẫn không hơn cũ.
Buồn về nỗi mình, nhưng không muốn cho buồn tới chết thì phải sống. Không thể hững hờ coi đời mình như việc thiên hạ, cháy nhà hàng tổng. Phải tìm ra một việc, rồi định chí làm, làm đến cùng.
Tháng tháng có ít tiền, kể cũng sống yên được, roi vọt không lấm đến thân mình. Để cùng sống nhàn được. Nhưng cái thân đã cho là yên là nhạn, thì còn muốn gì nữa. Đã không muốn thì làm gì?Vì vậy mà người xưa một ngày ba lần như một ông thầy nghiệm xét việc mình, vì vậy mà ăn khồn cần tu, ở không cần yên.
Chí phải nuôi luôn thế.
Việc đã định rồi thì một lúc không thể nghĩ được, tập luyện người cho mạnh, săn sóc công việc cho siêng, việc có thể mượn người làm được không mượn sức có cách hà tiện được không hà tiện, ở chỗ tạm yên được cũng coi như ở chỗ nguy. Ngồi một mình cũng như lửa bén tới lông mày vậy.
Mùa rét thì đấu với giá lạnh, lúc mưa thì dạn với gió mưa, không để cho tước lộc bận mình không để cho thân gia bận lấy ý nghĩ, lúc nào cũng chống chọi.
Đời như vậy có cái vị như gừng ớt, sống mạnh, sống không tầm thường.
Sức đem vật lộn, sức vì đó mà tăng, tài đem ra kinh doanh, tìa vì đó mà tiến. Chí cứ phấn đấu mãi, chí phải mạnh để làm cho đến lúc việc xong cho kỳ được.
Phấn đấu phải được. Nếu còn thua ấy là phấn đấu còn chưa đủ sức đấy thôi.
Những giá trị cũ.
Khổng Tử nói rằng: "Cái nghĩa tuỳ thời lớn lắm".
Thời này công việc của chúng ta, lấy hình thức mà xem thì là công việc mới. Nhưng công việc là cái hình ở ngoài, còn cái gốc, cái vốn thì vẫn là gốc vốn cũ.
Vậy ta hãy xem cái hương hoả giáo dục của ta, sẵn cho ta những gì?
Gốc luận lý ta có tám chữ: Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm và Sỉ. Ta hãy tìm ra cái nghĩa nguồn gốc của mỗi chữ, mỗi đức tính.
Hiếu: Hiếu là thảo, là thuận, là ăn ở cho thoả thuận lòng cha mẹ làm cho cha mẹ được vinh hiển, tôn trọng. Cha mẹ ác nghiệt cùng cực, mà vua Thuấn ở được cha mẹ vui lòng. Khổng Tử khen là đại hiếu. Hiếu là đầu của trăm nết. Không hiếu với cha mẹ ấy là người bỏ đi.
Đễ: Đễ là thảo với anh em, trên hoà, dưới thuận, yêu báu lẫn nhau, kính mến lẫn nhau.
Trung: Trung là ngay, trong lòng ngay thẳng, không thiên tư, sai lạc; ở với vua, với nước, với quan trưởng, với bạn hữu, ngay thẳng một lòng, dầu hoạn nạn cũng không thay đổi dạ, trung chính như ông Tô Hiến Thành, chết cũng không đổi như Quan Vũ.
Tín: Tín là tin, không giận người, không giận mình, bụng nghĩ miệng nói, việc làm, kính cẩn giữ gìn không sai, không lừa dối, không nuốt nhời.
Lễ: Lễ là lễ phép, là kính. Kính cẩn giữ mình cho trân trọng nghiêm phép. Khổng Tử dạy: "Không phải lễ chỗ nói, không phải lễ chỗ nhìn, không phải lễ chỗ động". Lễ là để chính mình. Sau này người ta quên dùng theo ý ấy, chỉ biết lấy lễ để thờ người thôi.
Nghĩa: Nghĩa là nghĩa, là công lý, là minh bạch, chính đáng, cương quyết, phải trái. Ở Đào Viên Lưu, Quan, Trương ba người lấy nghĩa công lý mà kết hợp với nhau.
Liêm: Liêm là liêm chính, không tham lam lấy của phi nghĩa. Dương Chân đi cầy thấy vàng ngoảnh đi, không nhìn.
Sỉ: Sỉ là hổ thẹn. Biết hổ thẹn không làm việc phi nghĩa, không ăn của phi nghĩa, không nói lời phi nghĩa, không để cho thân đê nhục. Hai ông Di, Tề hổ thẹn thóc của nhà Chu phi nghĩa mà không ăn.
Tám chữ gồm cả đạo làm người.
Quân tử.
Nho giáo dậy cho người ta có cái đạo người quân tử, đi con đường của bậc quân tử. Quân tử là cái tôn chỉ giáo dục.
Người quân tử lấy việc "sáng đức sáng của trời đất cho, làm mới dân, đi đến chỗ chí thiện" làm mục đích của mình.
Quân tử ăn ở hoà thuận với mọi người, chỉ trông cậy vào sức mình chớ không chờ người giúp, đối với thiên hạ không câu nệ điều gì mã cũng không a dua theo ý ai việc gì cũng lấy công nghĩa làm chuẩn địch mà theo, chẳng tranh cạnh với ai hay cùng làm với mọi người mà ghét bỏ đảng, chỉ lo không làm được đạo, chớ không sợ nghèo, không tham sống mà bỏ đạo, có khi giết mình mà làm cho chọn đạo; ăn cơm rau, uống nước lã gập tay làm gối mà vẫn vui vẻ, chớ bất nghĩa mà được giầu sang thì coi như đám mây bay mà thôi. Quân tử cẩn thận cả lúc ngồi một mình, "việc gì làm cũng kính cẩn". Coi người trong bốn bể như anh em một nhà. Người ta làm đức với mình lấy đức mà báo lại, người ta gây oán với mình chỉ lấy thắng mà ở lịa thôi. Khi nghèo người quân tử không bỏ mất nghĩa, khi giầu không rời đạo ra. Người quân tử phải làm việc công làm việc công là vì nghĩa là để giúp đời.
Tráng sĩ
Làm việc vì thích như bậc tráng sĩ. Lúc hội ẩm ở Hồng Môn đi với Bái Công đến trước Hạng Võ cùng bao nhiêu tướng tá họ múa gươm. Phàn Khoái không ngại gì mà cũng múa một cách mạnh mẽ. Hạng Võ khen là bậc tráng sĩ. Tráng sĩ không sợ. Bắt ngựa của vua Tần, vua Tần không giận mà còn làm ơn. Trong lúc vua Tần bị khốn, bọn người núi liều chết ra đánh. Vua Tần khen là Tráng sĩ. Tráng sĩ không quên ơn.- Nhiếp Chính giết kẻ địch cho người tri kỷ, giết song không để cái mặt mình mà cầu danh. Tráng sĩ không vì danh. Chị Nhiếp Chính không tiếc mạng mình ra nhận em để cho danh em không mất.
Đó là chí tráng sĩ.- Đỗ Khắc Chung trước mặt Ô Mã Nhi gầm thét mà ung dung, không để nhục mệnh vua, tráng sĩ có gan.- Nguyễn Chế Nghĩa cưỡi ngựa, múa thương xông vào trận Mông Cổ như không biết chết. Hưng Đạo Vương gọi là tráng sĩ: Tráng sĩ anh hùng- Phạm Tử Nghi dẹp đuổi quân hung tàn để bênh vực cho người yếu đuối, đến lúc phải chết để yên việc, Phạm Tử Nghi ung dung đem đầu đưa cho người ta: Tráng sĩ hy sinh. Tráng sĩ gặp chuyện bất bình không bao giờ bỏ qua.
Nhân nghĩa.
Những sự tiến bộ về khoa học thế kỷ thứ mười chín là một khoái chí cho các nhà bác học nhưng cũng là một cái "tha hồ" cho lòng dục vọng. Cái mộng binh lửa của thế kỷ thứ hai mươi lại nhân lòng dục vọng mà nẩy ra. Lấy gì mà làm nguội những cớ điên đảo ghê gớm ấy.
Mặc Tử thấy ngưòi ta làm cái thang dăng thành đến van xin bỏ đi, chỉ sợ kẻ yếu không còn nơi ẩn trú. Võ Hầu dùng địa lôi rồi cũng không muốn truyền lại sợ tai hại sinh linh. Đó là lòng nhân làm át được dục.
Đã đành rằng chống với sức khoẻ thì phải dùng hết sức hết tài, nhưng nếu không chừa một đường sống cho nhân loại, trên việc cạnh tranh, chỉ nghĩa một thời, một đời thì không bao giờ khỏi vận đen tối cho đời nữa.
Vì thế mà Khổng Tử phải nói "nhân". Mạnh Tử lại nói thêm "nghĩa". Đạo của hai bậc thánh hiền chỉ "nhân, nghĩa" thế mà thôi.
"Nhân" là đạo người, tình nhân loại, tử tế, phúc đức; "Nghĩa" là phép thẳng công bằng tốt.
Nếu chỉ lấy cớ rằng hai ông ấy sinh ra từ bốn năm thế kỷ trước Cơ Đốc kỷ nguyên mà bảo rằng đạo của hai ông là cổ thì ra người bây giờ không phải là người nữa sao. Vẫn là người thì vẫn phải rõ đạo người, vẫn phải công bằng. ấy chỉ vì nhân nghĩa người ta không trọng nữa mà mới đến tình thế này.
Người đời này chỉ biết mình mà không biết đến ngoài mình, chỉ biết chúng mình mà không biết đến ngoài chúng mình Nguy ở đó.
Nho giáo với nhân nghĩa là hy vọng hoà bình cho đời
Vậy chúng ta gắng gỏi hết sức vì nước ta nhưng chúng ta cũng nên hiểu rằng người ta cũng có thể gắng gỏi được. Lòng trung hậu ấy làm cho đời thêm đẹp hơn vậy.
Làm gì?
Trai nhà Nam, gái nhà Nam, đã xét qua tất cả các nông nỗi ở trên, muốn tìm một "đạo", một con đường làm người, làm người nước Nam, thì nên làm thế nào?
Hãy làm cho có phương pháp.
Xét hiện tình nước mình, hiện tình thiên hạ.
Ta cho ra đời với cái vốn nào: Lịch sử, tổ tiên ta, tôn giáo ta, nhà ta, làng nước ta.
Ta sắp sẵn thân ta như thế nào?
Ta xét lại cái hiểu biết về sự vật, về đời như thế nào?
Song cái việc ấy ta định một chí cương quyết, nuôi cái chính khí cho chi mạnh vô cùng.
Rồi tìm việc mà làm, không lúc nào nhác cái mục đích tối cao, tối quan trọng của ta là làm cho tổ quốc mạnh mẹ, giống nòi phồn thịnh, tin rằng thế là cách dự một phần vào việc thiên hạ.
Nước ta cần gì?
Vì sao nhãng đã bao lâu, đạo đức đã suy. Suy nhưng vẫn còn nền. Trên cái nền ấy vẫn xây đắp được một cái nhà chắc chắn.
Một dân tộc sống hai đời phù hợp nhau. Đời tinh thần và đời vật chất. Nếu chỉ thiên vào vật chất thì tinh thần mòn mỏi, cái hại đã biết rồi. Tinh thần không đôn đốc cho vật chất, không được.
Ta hãy nghĩ đến mạnh tinh thần đã: Tinh thần của ta không thể nói là cũ hay mới. Đó là tinh thần chung của một dân tộc sống bốn nghìn năm rồi mà còn sống mãi mãi. Dân ta đã nói rằng có nhiều đức tốt và có cũng khá nhiều thói xấu. Giữ chặt lấy nền nếp luân lý vẫn có, bồi đắp hết sức cái đức tính tốt thì cái xấu cứ bạc tước dần dần.
Muốn làm mạnh tinh thần cả nòi giống, ta hãy làm mạnh tinh thần một ta đã. Ta sửa mình ta như mài dũa một thanh gươm quý, không chịu để bám dỉ vào, lại khắc khổ từng ly từng mẩy, lại phải dúng vào nước lạnh, dầu sôi cho già thép. Ta nhìn rõ, không để nhầm vì các sự yếu và mạnh, giầu và nghèo, cũ và mới, chính và tà. Ta là một phần cốt của nòi giống, ta tốt phần nào là nước ta hay phần ấy. Rồi thì dần ta không đem mình ra làm kiểu mẫu mà sức cảm hoá của đời vẫn mạnh, người khác cũng tốt lây. Trong một phố hay một làng có một người thiện đủ gợi lòng liêm sỉ của cả phố, cả làng, người tà bậy cũng phải khép nép.
Đến phần vật chất, tự lỗi ta mà ta thiếu thốn đủ đường. Dẫu rằng kẻ chính nhân, người quân tử chẳng lấy ăn mặc làm nghĩ nhưng đối với những tâm hồn tầm thường thì ăn mặc vẫn giúp đỡ cho đức tính.
Than củi ta có lắm lắm mà vẫn phải mua dần vào. CHè nhà ngon lại bán đi để mua chè nhạt vào. Có khi bọn tai quái lại lấy ngay của mình bán cho mình sau khi mặc vào một cái bao ngoại quốc. Bán da mộc vứt đi để mua da thuộc từng cân về. Đã chẳng làm được cái gì ra vẻ lại còn bọc những chúng phong lưu vào cho nó làm khổ mình. Làm được một vài thứ lại mỗi ngày ganh nhau làm bạc bẽo đi để thành ra một câu chua xót: "Đồ An nam có ra gì? - Đồ... lại chả tốt".
Đất đồng bằng ở đông quá rồi, có chỗ mỗi cây số vuông quá một ngàn tư người ở? Không làm thêm ra nữa thì khốn.
Dùng sức khoẻ của mình làm phu thì có luôn luôn, mà làm thợ chuyên nghệ thì ít quá. Mà cái khéo của người An nam có phải là kém đâu. Từ khi hàng ngoài ít mua được nữa, thợ thuyền được chỗ dùng đã tỏ rằng có thể khá lắm được. Chỉ ít học, ít tập thôi.
Cái thiếu bây giờ là thiếu chuyên môn.
Chuyên môn.
Thanh niên ta có gốc sẵn, có thể coi chí mạnh được, hãy tìm tòi quanh mình, hãy xem xét khắp nước, tìm lấy một việc làm.
Mỗi người trong bọn ta phải thành một giá trị!
Ngưòi Việt Nam tài lắm. Khi lấy một cái văn bằng làm mục đích, thì văn bằng ấy dù cao đến thế nào cũng với được. Nói về tài học thì tài vô cùng; dù chí làm, tài làm đều là những chuyện khác. Học để lấy bằng có thể làm được đã hẳn không khó gì với một trí tuệ lại có sức lo giúp vào. Nhưng dám làm mà làm được thì còn mong ở chí khí mình đã làm.
Thế cho nên những văn bằng từ cao đến thấp... chúng ta thấy đã khá khá nhiều, còn những người đem học ra mà làm hoặc làm mà được việc vẫn thấy ít quá. Khi muốn tìm một người biết đến nơi đến chốn một vấn đề, một khoa học, hay kiếm một người để làm trọn một việc thì khoa khăn quá lắm.
Cái cớ khó ấy là tại chỉ lấy văn bằng làm đích, được bằng là mãn nguyện rồi, không muốn tiến hẳn lên cõi biết, là cõi không có văn bằng nào làm chứng nữa, cho thế là phí công. Nhưng văn bằng đủ kiếm chỗ để sinh nhai một cách tầm thường thì được, chớ có đủ để lập nghiệp đâu. Đem việc sinh nhai riêng làm giới hạn thì đi xa khó được.
Cái cớ khó nữa là tại chí để bền gan mà theo đuổi một việc, thiếu khí để nuôi sức hăng hái mà tiến mãi lên.
Nói rằng khó kiếm, chớ không phải là không kiếm ra được. Vẫn có nhưng ít lắm.
Ở những nước người ta trọng sự thực, kỹ sư bậc nào khi vào đời cũng phải bắt đầu làm công việc của người thợ. Như thế các việc sáng chế không viển vông, các việc thu xếp được đến nơi đến chốn. Lẽ ấy thế nào ta cũng phải theo.
Nghề nào là nghề của ta.
Các sinh viên, các thợ bạn, thì nghề chuyên môn đích là cái nghề mình đang học. Phải tập thể dục cho đủ sức khoẻ rồi để hết hơi hết sức vào việc học của mình. Học cái gì cần đến chỗ thật hiểu, thật biết, xuy xét thí nghiệm xem cho rõ. Đừng học để đi thi, học để biết để dùng, thế rồi đến lúc thi vẫn được. Gần đến lúc thi mà nguốn lấy, ngốn để thi cái trò "bạo nhập thì lại bạo xuất", thi xong là quên hết. Nên từ đầu năm bài nào học kỹ bài ấy, kỹ đến thật tieue, ăn nhapạ vào óc mới thôi. Cái công nấu nung trong một tháng, đem chia ra cả năm thì vẫn nhẹ nhàng mà đỡ quen thói lười, thói **n. Việc hôm nào làm ngay hôm ấy, đó là một thói quen cần có cho được. Chỗ không được rõ đến nơi thì hỏi thầy, bàn với bạn, tìm kiếm ở sách vở, chưa thấy chưa thôi. Trong các năm học thì để cái đích mình cho cao, phải đến hạng "thày nghề" mới tạm nghỉ. Đừng cho "gọi là đủ" đã là được. Thôi học rồi vẫn tìm, vẫn xem học mãi. Nhớ lời minh "Nhật - tân" của vua Thang. Bức văn - bằng chỉ đủ cho người tin. Phải đến chỗ mình có thể tin mình mới thôi, nghĩa là không bao giờ thôi.
Có nhiều người may ra đời làm ngay được cái nghề mà hợp với tài mình, ý thích mình. Cố nhiên là sung sướng. Tiền kiếm có thể ít đấy. Nhưng tiêu tiền ít hay nhiều chỉ là một chuyện quen thôi. Cái đó không ngại. Cốt là tâm vẫn được thư - thái, biết được rằng việc mình có ích với đưòi. Chớ đứng núi này mà trông núi khác. Cố mãi, cố mãi. Cũng lại nhớ lời minh của Thang "nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân". Vẫn phải đến chỗ "thày nghề".
Cũng có người vì cảnh ngộ không được may mắn làm cái nghề mình thích. Nhưng nếu nghề ấy biết rằng nó có ích với nước, với đời, là được rồi. Trăm hay không bằng tay quen. Lúc ấy mình vận dụng hết cái sức của chí mình. Hết công hết sức làm mãi, học mãi tìm mãi. Cái nghề ấy có thể là nghề chuyên môn của đời mình được, có thể làm đẹp cho đời mình, không phải ân hận rặng mình không giúp được nước, được đời.
Cũng có người gặp phải nghề không hợp với mình; nghề ấy nuôi sống được gia đình mình nhưng nó không có đủ đất để thi thố tài mình. ấy thế thì đừng để cho nước cho đời khỏi thiệt thòi vì cái tài mình bỏ phí. Cái nghề mà ta thích ta vẫn có thể theo đuổi ngoài việc thường của mình được. Người ta vì sinh nhai mà học nghề ấy phải hai ba năm thì ta theo đuổi trong năm năm, trong hơn nữa. Cái ngày sung xướng là ngày ta có thể vui rằng ta đã chữa được vận mà dù sao ta vẫn giúp ích được.
Chúng ta, hết thảy, phải thành những giá trị. Giá trị chúng ta tăng là giá trị nước chúng ta lên một bậc. Phương pháp giúp nước không phương pháp nào hơn phương pháp này, không nói, không nổi nóng. Ta làm, làm cho đến được.
Dù làm việc gì cũng kỳ cho đến thật đẹp, thật xong, thật tốt.
Chọn nghề và làm nghề
Chọn nghề cốt nó hợp với tài mình, với ý thích của mình, cốt nó có ích với nước với đời. Còn như việc được nhiều tiền hay ít chỉ là chuyện phụ thôi.
Cần nhất là việc làm cho thực được đồ làm cho thật kỹ. Ngoài cái thú thanh cao ngắm một công tình mà mình đã để hết tài trí của mình vào đó, cái giàu có không phải đợi mà nó vẫn đến.
Phạm Ngũ Lão đan sọt bên cạnh đường. Sọt chắc mà bền, người ta ai cũng nhớ của. Đến lúc làm tướng vẫn cái trí làm cẩn thận ấy mà làm chọn được việc đại tướng.
Trần Nguyên Hãn bán dầu. Dầu tốt mà đong đầy. Cả một vùng từ làng Gốm đến Hoắc Sa ai cũng nhớ mua. Ra giúp Lê Thái Tổ, Nguyên Hãn vẫn cẩn thận, vẫn trung hậu mà nên được bậc khai quốc công thần.
Đương làm đại vương mà giờ phải bán than. Đến bến Bình Than, anh hàng than được tiếng là than ròn và gánh nặng, đắt hàng. Vì cái sự cố kỉnh ấy, Trần Khánh Dư đánh một trận ở Vân Đồn làm cho Ô Mãn Nhi táng đởm.
Đào Duy Từ đi chăn trâu: chiều về gác roi lên sừng, ghé vào tràng học, cùng thầy đồ bàn nghĩa sách. Luỹ Thầy bây giờ còn lại cái trí của người mục tử.
Người tráng sĩ chỉ sợ không đủ tài. Có tài thì ngại gì không có chỗ dùng. ở đài các làm được việc đài các, nhưng ở bận tiện cũng vẫn làm được việc bần tiện. Không chê việc thiện nhỏ mà không làm, không lấy công việc hèn mà không cố sức. Chỗ khó là ở công việc tầm thường, vẫn giữ được phẩm cách của người quân tử, vẫn giữ được tiết tháo của bậc đại trượng phu, vẫn cặm cụi làm cho phễu dầu mình giót vẫn đầy tràn, cái sọt mình đan vẫn tròn trặn, vững vàng.
Trần Bình làm thằng mõ chín phần, vẫn cố làm cho thật công bằng, cái mầm ấy sau này mọc lên tài kinh bang tế thế.
Đã là có ích thì không nghề gì hèn. Một khi một người hiền làm thì nghề gì cũng thành cao quý.
Đã làm thì không đồ gì có thể cẩu thả được.
Vót cái tăm được tinh vi thì xây nhịp cầu cũng kĩ càng.
Một việc can hệ nói kỹ lại: tìm vợ tìm chồng.
Mang tiếng dở người, có người hỏi cẩn thận: vợ là gì.
Thế mà cũng phải hỏi vợ là gì?
Làm trai đi trên đường đời, đi phải có bạn. ấy vợ là người bạn đường đấy. Con đường dài, chồng có việc chồng, vợ có việc vợ. Có cùng làm thì việc mới đầy đủ.
Độc thân, kể ra thì làm việc thiện, nhưng việc ấy không thể lâu dài, không nhìn được xa, không hết được bổn phận.
Vậy vợ là gì, là người nội trợ, to hơn nữa là nội tướng, là người bạn trăm năm, cả đời, là hạnh phúc của một đời. Đó là đối với mình. Đối với gia đình là người hầu hạ cha mẹ mình, thay mình và cùng với mình là người làm cho tông đường nhà mình được nối dõi, là người mẹ của đàn con mình. Rộng lên nữa thì có quan hệ đến nòi giống mình, đến nước mình.
Thế cho nên, chọn vợ là việc khó làm
Xưa kia cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, lắm người cho là đáng buồn cười. Nhưng nghĩ cho kỹ, thì trong một thời có giáo dục, cha mẹ đã từng trải đã hiểu rõ nhân tình thế cố, kén chọn cho con trai, con gái tất cả đỡ nhầm. Cha mẹ để con chọn lấy là một việc khó cho con lắm.
Đang lúc khí huyết hăng, tất hay bằng ở sắc đẹp. Chọn một người vì sắc, người ta thì thật là khinh người ta quá lắm. Vả lại sắc nào mà bền cho được. Người đàn bà ngày xưa có cái sắc: "Một cười nghiêng thành người, lại cười nghiêng thành người" đã chẳng nói đấy ư. Đã lấy sắc thờ người, sắc kém thì không lấy được lòng yêu nữa.
Bằng ở đức thì kỹ càng hơn. Có đức thì giữ được trong sạch từ trước, giữ được phẩm cách về sau. Yêu vì đức thì yêu được mãi mãi. Cửa nhà được êm đẹp, con cháu được nhờ. "Phúc đức tại mẫu" không phải chỉ là để đức lại cho con, còn là: Dạy được con làm gương cho con nữa.
Cha mẹ hay để ý môn đương hộ đối, hiểu hẹp là quá thực, song hiểu rộng ra là có cái lý. Không phải con quan lại lấy con quan, ấy là nhà có học, có lễ lại nên kén vợ, kén chồng, ở nhà thi lễ. Hỏi những người có vợ rồi, thì biết cái nỗi buồn khi vợ mình nói những câu thô lỗ, hay cư xử không hợp lối nhà mình. Lại phải nghĩ đến những người đàn bà tủi thân khi chồng mình có những cử chỉ phàm phu, mà không thấy ở cha mình. Con một nhà có liêm sỉ khi thấy người bạn "trăm năm" của mình không giữ được thanh cao thì khổ tâm nhường nào. Có gan mà hoá dần được thì may còn nói gì, không có thì đó là một đời âm thầm dài dài ghê sợ.
Lấy vợ, lấy chồng gọi được bố mẹ người ta là bố mẹ, việc đó có một giá trị lớn, lúc bấy giờ hai nhà mới thật như một.
Gia đình thường vẫn là một cái bảo đảm gần chắc chắn cho mình. Không phải là trong chỗ tối tăm không có hương hoa lạ nhưng vẫn ít có.
Trong lúc đòi không có nhất định, cứ đợi hẳn ở bố mẹ cũng khó, vì những giá trị đã thay đổi nhiều rồi, người ta đã nhầm.
Việc kén chọn ta cứ từ từ là hơn. Đừng để cho cái mà ta gọi là "tiếng sét" đánh bắn mình. Cũng đừng để cho cái "tình say mê ngây ngất" của tiểu thuyết xô đẩy được mình. Mình phải xét kỹ, chớ để bọn ngã lòng, hay bại trận họ bảo rằng: "Hôn nhân là một cuộc đánh số" .
Kén được vợ hiền hay chồng xứng đáng là một kỳ công, Kỳ công mình có thể làm được. Phải tìm tòi là lẽ tự nhiên. Gặp một người hãy đứng xa, lại gần thì mình hay quáng mắt, toàn người hay hàng chợ, rồi sau ngày cưới, đã hỏi, đã nhìn thấy những chỗ nứt nở, rồi phải vá víu, nối chắp đến khổ thân.
Hãy ở xa mà xem cách ăn ở của người ta. Cái tư tưởng "Tự nhiên khi không có khán giả", xem có thể hợp với mình không, hay có thể hợp vào với tính mình mà là một khối đầy đủ không? Cái mong ước cuộc đời sau này của người ta có thể là cuộc đời mong ước của mình không. Còn mình có thể gọi cha mẹ người ta là cha mẹ mình không? Người ta có thể ở trong gia đình của cha mẹ mình không?
Cũng phải để ý đến sức khoẻ nữa bởi vì người vợ của mình phải sinh đẻ cái cho gia đình, cho chủng tộc mình. Mình mang bệnh tại mình hay gia truyền thì phải có cái gan chậm việc hôn nhân của mình lại, chứ đẻ một đứa con không mạnh, thật phải cố lắm mới giữ được hạnh phúc. Việc đó đáng sợ.
Đã chọn được người rồi phải cẩn trọng ở lễ cưới. Dù cưới theo lễ nào cũng phải cẩn trọng vì đó là gốc của hạnh phúc, có thể vì đó mà không hay có lâu bền. Nếu đã nhầm mà việc đã rồi, người bạn đường của mình không được như ý mình mong mỏi thì vợ hay chồng đều phải có cái can đảm mình nhận với mình cái lầm ấy. Dù sao chồng mình hay vợ mình vẫn là người bạn cùng đường của mình, mình có thể tin ở lòng cố gắng của người bạn ấy. Mình nhận ngay một cách quả quyết và nhẫn nại làm cho gia đình mình phải có hạnh phúc. Lấy cái sức bền vững trong êm ái, lấy cái công ngày tháng trong tình yêu, chắc là có thể hoá được. Khi thành công rồi, vì đó là một cái thành công tốt đẹp, thì trước lo âu bao nhiêu, sau êm đẹp bấy nhiêu, khác gì cưới một người vợ hay một người chồng theo ý tưởng ao ước của mình, hưởng một cái hạnh phúc mà tay mình gây nên được.
Cái thú độc thân là một cái thú nguy hiểm, không gia đình thì tuyệt nòi giống, mòn tổ quốc. Mà thú được bao lâu. Đến lúc 40 - 50 tuổi, dưới gối không con, trong nhà không bạn, người độc thân bấy giờ mới biết đau khổ, đau không chữa được, hay chỉ chữa được bằng cách làm cho đau khổ hơn. Người sống cô độc lúc ấy thành một quái vật. "Cây khô không lộc", người ấy sẽ khô khan, chán nản hay ác độc vì trong đời đã không có một bàn tay êm ái buộc những vết thương của đường đời, yên ủi lúc đau, khuyến khích lúc mệt, vì đã không được cả bằng những nụ cười ngây thơ của con trẻ nó dạy mình yêu, nó dạy mình chữ "nhân", vì nhìn sau thấy mình một cái "không" vô hạn.
Cũng có một chỗ khá lo, là sợ vợ sẽ giàng buộc, mình sẽ ít làm việc mất. Vậy phải nhân lúc mới lấy nhau, cái lúc tấm tình mới đang mạnh mẽ nói ngay rằng: "Anh yêu em vô cùng, rồi thì yêu đến công việc theo tôn chỉ của anh. Ngoài ra không còn sức nào hơn nữa". Người đàn bà bao giờ cũng mau hiểu, cũng biết điều, cũng dễ châm trước, sẽ rõ ngay rằng cái việc tôn chỉ ấy là một việc lớn, mình có muốn cũng khó phá được. Thế rồi liệu thu xếp ngay, ổn thoả ngay.
Việc ấy không nên để chậm.
Bây giờ xin tả một bức truyền thần, bóng dáng một thanh niên nước Nam. Không phải một người tưởng tượng. Đó là anh, là anh hay chị đang đọc tập này.
Người mạnh mà bạo. Đi thẳng không nghiêng không ngả. Rẽ làn không khí mà tiến. Con mắt đăm đăm theo đuổi một mục đích. Cái vẻ cương quyết tỏ ra rằng sẽ đi cho đến cùng. Tay mạnh mà dẻo, chân cứng mà dai, ngực thở như thu cả khí mạnh của thiên nhiên làm khí mạnh của mình. Màu da kia không có vẻ tươi thắm đẹp mắt, nhưng đã dạn dày với gió sương.
Người ấy ở nhà, nuôi hạnh phúc cho gia đình, cha mẹ sung sướng được con ấy, anh em chị em vui vẻ được em ấy, anh ấy, gia tộc hy vọng vào người ấy.
Đi làm ai cũng tin cậy được, đã nói ai cũng tin, đã hẹn chắc là đúng, đã nhận việc thế nào cũng xong. Vẫn tươi tỉnh mà không pha trò, yêu quý mọi người, nhưng trêu vào thì phải biết.
Bạn bè có một bọn. Đi chơi với nhau đến những chỗ núi cao bể rộng, giảng cứu cùng nhau lẽ hưng, lẽ vong; ăn uống tay làm nấy, công việc không nhờ ai, mỗi khi thắng được mình trong một lúc khó khăn, vượt được một sự nguy hiểm, trong khi người kêu là khổ thì họ bảo là thích.
Nước sẽ mạnh, đời sẽ đẹp vì có những thanh niên như thế.
(Nguồn: Chúng ta.com)