TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN 1968
Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 - Nét đặc sắc của chiến tranh nhân dân Việt Nam
Đêm ngày 30 rạng ngày 31 tháng 1 năm 1968, quân và dân miền Nam đã đồng loạt tiến công và nổi dậy ở 4 thành phố lớn, trọng tâm là Sài Gòn - Gia Định và Huế, 37 thị xã và hàng trăm quận lỵ, thị trấn, tập trung đánh vào nội thành và cơ quan đầu não (Dinh Độc Lập, Toà Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, Hải quân, Tổng nha cảnh sát, Đài phát thanh Sài Gòn...), các căn cứ hậu cần, sân bay, bến cảng, nhiều sở chỉ huy cấp quân khu, quân đoàn, sư đoàn của Mỹ ngụy. Trên địa bàn nông thôn, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, nhân dân ta đã nổi dậy giành quyền làm chủ, đập tan bộ máy chính quyền của địch ở nhiều nơi. Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra trên một không gian rộng lớn ở cả ba vùng chiến lược, nông thôn đồng bằng, đô thị và miền núi.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, quân và dân miền Nam phải đương đầu với bộ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ và ngụy quyền tay sai, với lực lượng quân có khoảng 1.200.000 quân (quân Mỹ khoảng 542.000, quân các nước phụ thuộc Mỹ khoảng 57.000) và nhiều vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại.
Để đánh thắng kẻ địch như vậy, chúng ta phải phát huy cao độ ưu thế và sức mạnh của chiến tranh nhân dân, quân và dân ta phải có quyết tâm sắt đá, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, không sợ hy sinh, gian khổ, phải có nghị lực phi thường vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị lực lượng vũ trang ta đã khắc phục mọi khó khăn, đặc biệt là những khó khăn về sự gấp rút về thời gian chuẩn bị, về yêu cầu bảo đảm bí mật, đã thực hiện tốt việc quán triệt tư tưởng chỉ đạo tác chiến bất ngờ, thọc sâu, đánh hiểm, bảo đảm cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi. Những tấm gương chiến đấu dũng cảm, những cách đánh có hiệu suất cao, phá hủy nhiều mục tiêu quan trọng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá huỷ nhiều cơ sở vật chất và phương tiện chiến tranh của địch, những hành động quên mình trong chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp các mặt trận, các chiến trường thể hiện sâu sắc tinh thần cách mạng tiến công, ý chí quyết tâm giành thắng lợi của quân dân ta. Sau gần hai tháng tiến công và nổi dậy, quân dân ta đã làm tan rã 150.000 địch, phá huỷ khoảng 34% vật tư và phương tiện chiến tranh của quân Mỹ và quân nguỵ Sài Gòn, đưa chiến tranh cách mạng vào trung tâm đầu não kẻ thù, làm rối loạn hậu phương địch.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1968 là thắng lợi có ý nghĩa chính trị và quân sự to lớn. Quân và dân miền Nam đã giành thắng lợi quan trọng, đánh bại cố gắng lớn về quân sự của Mỹ; giáng một đòn quyết định, làm phá sản chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân về nước, chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc và chấp nhận đàm phán với ta ở Hội nghị Pa-ri (1968-1973); góp phần làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm cho “quân đội Mỹ còn nguyên vẹn về thể xác nhưng tinh thần dao động hết rồi”(1) như nhận xét của Mai-cơn Mác-lia trong tác phẩm Việt Nam cuộc chiến tranh mười nghìn ngày. Cục diện “vừa đánh vừa đàm” đã được mở ra trên thực tế. Sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ đây, trở nên chặt chẽ và hiệu quả hơn, tạo bước ngoặt mới cho sự phát triển của cách mạng miền Nam.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 được ghi vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta như là một mốc son tiêu biểu, một bước ngoặt quyết định. Đó là một cuộc tập dượt lớn cho Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975. Đảng ta nhận định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua muôn vàn khó khăn, đồng bào và chiến sỹ cả nước ta đã đoàn kết chiến đấu vô cùng anh dũng, trải qua phong trào “đồng khởi” cuối năm 1959 đầu năm 1960, đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân đầu năm 1968 (tác giả in đậm), cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và cuộc chiến đấu đập tan trận tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, đã lần lượt làm thất bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(2) .
1. Sự phối hợp giữa các lực lượng và các hình thức tác chiến với một quy mô rộng lớn trong Tổng tiến công và nổi dậy thể hiện nét đặc của chiến tranh nhân dân Việt Nam, là một bước phát triển mới của chiến tranh cách mạng Việt Nam, của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã cho thấy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đó là sức mạnh của toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt với hai hình thức tiến công và nổi dậy và sự kết hợp giữa hai lực lượng, hai hình thức tác chiến đó. Quân và dân ta bước vào Tổng tiến công và nổi dậy với niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ý chí không có gì quý hơn độc lập tự do, anh dũng tiến công địch bằng cả lực lượng chính trị và lực lượng quân sự, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy trên cả ba vùng chiến lược.
Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân dân ta thực hiện tổng tiến công và nổi dậy với quy mô rộng lớn, diễn ra ở thành thị, nông thôn và miền núi, lấy chiến trường đô thị làm chiến trường chính, đánh vào sào huyệt của địch, các căn cứ, các binh chủng, các đơn vị mạnh nhất của Mỹ - ngụy ở miền Nam. Trong khoảng thời gian tương đối ngắn, quân dân ta đã tiến công đồng loạt trên khắp miền Nam, cả ba vùng chiến lược; hướng tiến công chính là tập trung vào các trung tâm đô thị lớn. Quân và dân ta đã tập trung tiến công vào các thành phố lớn là Sài Gòn, Đà Nẵng và Huế, trọng điểm là thành phố Huế, trong sự kết hợp chặt chẽ với sự nổi dậy của quần chúng và với sự phối kết hợp của các chiến trường rừng núi và nông thôn đồng bằng.
Quần chúng nhân dân trên khắp các mặt trận nổi dậy có tổ chức, với khí thế quyết tâm cao, đặc biệt là tại thành phố Huế, quần chúng đã hăng hái tham gia vào các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong thành phố. Với 26 ngày đêm chiếm giữ thành phố Huế, thắng lợi của quân dân ta là nguồn vũ to lớn, thúc giục các đơn vị lực lượng vũ trang và nhân dân trên khắp các chiến trường tiến công và nổi dậy, tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ, làm chấn động mạnh mẽ đến bọn đầu sỏ Mỹ - ngụy. Tiến công và nổi dậy kết hợp chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau; các chiến trường đô thị, nông thôn và miền núi tạo điều kiện cho nhau trong thế trận liên hoàn cùng tiến công địch.
Sự phối hợp giữa quần chúng nhân dân và các đơn vị lực lượng vũ trang, giữa tiến công và nổi dậy trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 thể hiện nét đặc sắc, nói lên nguồn sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc đọ sức với kẻ thù to lớn, có vũ khí trang bị tối tân hiện đại và hung bạo. Đó là thắng lợi của việc vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng; là thắng lợi của tinh thần cách mạng tiến công; là thắng lợi của nghệ thuật động viên sức mạnh của toàn dân, phát huy cao độ lòng yêu nước, truyền thống kiên cường bất khuất, chiến đấu kiên cường của quân và dân ta trong Tổng tiến công và nổi dậy.
2. Lòng dân, “thế trận lòng dân” là chỗ dựa, là nguồn sức mạnh vô địch của các lực lượng vũ trang, của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cho thấy vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong việc phối hợp với các lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch, giành quyền làm chủ. Nhân dân miền Nam đã tạo ra một thế trận tiến công thường xuyên và hiểm hóc trên cả chính diện và sau lưng địch, thực hiện bám trụ tại chỗ, “một tấc không đi, một ly không rời”, đánh địch khắp nơi, hãm chúng vào thế bị động, lúng túng, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng vũ trang tiến công địch. Cuộc nổi dậy, chiến đấu rộng khắp của nhân dân miền Nam thực sự là chỗ dựa, nguồn tiếp sức và là lực lượng phối hợp để các đơn vị chủ lực đánh những đòn quyết định. Nhiều đơn vị chủ lực của lực lượng vũ trang ta bí mật đứng vững ngay tại cửa ngõ các đô thị lớn Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng ...làm cho địch bị bất ngờ. Điều đó có được, trước hết là các đơn vị lực lượng vũ trang ta đã có chỗ dựa là lòng dân, đã dựa chắc vào lòng dân, vào “thế trận lòng dân”, vào các tổ chức đảng và cơ sở cách mạng ở các địa phương. Đây là nhân tố đặc biệt quan trọng bảo đảm cho các đơn vị lực lượng vũ trang hoàn thành nhiệm vụ tiến công địch. Không dựa vào lực lượng của nhân dân mà chỉ dựa vào lực lượng vũ trang, chỉ sử dụng các biện pháp quân sự, thì sẽ khó khăn trong việc giải quyết các tình huống, dễ dẫn đến tổn thất.
Trong cuộc Tổng tiến tiến công và nổi dậy Xuân năm 1968, “thế trận lòng dân” đã được triển khai và trải ra rộng khắp, vừa có diện rộng vừa có chiều sâu. Sự tham gia đông đảo và hăng hái của mọi tầng lớp nhân dân, cả người già và người trẻ, thanh niên và phụ nữ, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo trên khắp các chiến trường trong tiến công và nổi dậy phản ánh sâu sắc diện rộng của “thế trận lòng dân”. Ý chí quyết tâm cao, lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập tự do và thống nhất đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, ác liệt của quần chúng nhân dân là “độ sâu”, “độ chắc”, là nguồn sức mạnh to lớn của “thế trận lòng dân”, của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong Tổng tiến tiến công và nổi dậy. Chiều sâu, diện rộng của “thế trận lòng dân” không những là chỗ dựa vững chắc cho các đơn vị lực lượng vũ trang ta tiến công địch, là chỗ dựa cho sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, kết hợp giữa tiến công và nổi dậy; mà còn trực tiếp gây cho Mỹ - ngụy những khó khăn to lớn ngay tại cơ sở, sào huyệt của chúng, làm cho chúng hoang mang, dao động, lúng túng khi phải đối phó với chiến tranh nhân dân Việt Nam, với đòn tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta và phải chịu tổn thất nặng nề.
3. Trong điều kiện mới, để đối phó thắng lợi với chiến tranh kiểu mới - chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ khí công nghệ cao của địch (nếu xảy ra), lời giải cơ bản của chúng ta vẫn là chiến tranh nhân dân; và “thế trận lòng dân” là yêu cầu, là nội dung cơ bản, là vấn đề mấu chốt của việc xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 chỉ ra rằng, thực chất xây dựng “thế trận lòng dân” là quá trình khơi dậy, quy tụ và phát huy cao độ sức mạnh chính trị - tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân trong một thế trận chung, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chiến tranh chống xâm lược. Xây dựng "thế trận lòng dân" là nét đặc sắc trong nghệ thuật giữ nước, chống ngoại xâm của dân tộc ta, phản ánh bản chất và sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đó là sự trở ngại lớn nhất đối với những hành động phá hoại, những mưu toan thôn tính, xâm lược của kẻ thù đối với nước ta.
Hiện nay, khi các thế lực thù địch đang thực hiện ráo riết nhưng hết sức khéo léo, tinh vi những biện pháp “đánh vào lòng người”, nhằm hủy hoại cơ sở chính trị - xã hội, gây mất ổn định, làm cho dân “xa” Đảng, đối lập dân với Đảng, thì vấn đề xây dựng ‘thế trận lòng dân” vừa là đòi hỏi bức thiết của tình hình, vừa đặt ra yêu cầu phải có nội dung và phương thức xây dựng mới phù hợp. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và với chế độ xã hội chủ nghĩa là yêu cầu đặc biệt quan trọng của chiến lược xây dựng sức mạnh quốc phòng, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Đó là bài học quan trọng mà cuộc Tổng tiến tiến công và nổi dậy xuân năm 1968 cách đây 40 năm đã chỉ ra, và trong điều kiện lịch sử mới, chúng ta cần vận dụng sáng tạo, tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(1) Mai-cơn Mác-lia, Việt Nam cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990, tr. 172
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 7
Tạp chí cộng sản
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hưởng
Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng