• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Tống Duy Tân – " Danh bất tử trước còn lưu truyền"

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
TỐNG DUY TÂN –

"Cái danh bất tử trước còn truyền"

* Lê Ngọc Trác


Hơn một trăm năm trôi qua, trong dân gian, nhất là ở tỉnh Thanh Hóa vẫn còn truyền tụng giai thoại đầy bi hùng về Tống Duy Tân, một trong những lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp vào cuối thế kỷ 19. Tương truyền: "... Khi Tống Duy Tân bị giặc Pháp bắt nhốt trong cũi, ông vẫn làm thơ nói lên lòng yêu nước và lên án quân xâm lược. Tống Duy Tân đã lấy cật tre làm dao, dũng cảm tự mổ bụng mình để tự tử...". Giữa giai thoại và lịch sử có một điểm tương đồng. Đó là, nói lên lòng cảm phục sự hy sinh to lớn của người yêu nước và lên án quân xâm lược bạo tàn.

Tống Duy Tân sinh năm 1838 tại làng Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Xuất thân trong một gia đình nhà nho thanh bạch, từ nhỏ, Tống Duy Tân đã tỏ ra thông minh và hiếu học. Năm 1870, ông đỗ cử nhân, đến năm 1875 đỗ tiến sĩ. Tống Duy Tân được bổ nhiệm vào các chức vụ: Tri phủ ở Vĩnh Tường, Đốc học ở Thanh Hóa, Thương biện tỉnh vụ, Chánh sứ sơn phòng tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1885, hưởng ứng phong trào Cần Vương, Tống Duy Tân đứng lên chiêu tập nghĩa quân chống Pháp ở Thanh Hóa. Dựa vào địa hình sông Mã và dãy núi Hùng Lĩnh, Tống Duy Tân xây dựng căn cứ kháng chiến chống Pháp ở Mã Cao. Nhân dân Thanh Hóa theo ông rất đông. Tống Duy Tân còn liên hệ với những người lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp ở Hà Tĩnh và Ba Đình, Thanh Hóa, để liên kết lực lượng chống Pháp. Lực lượng nghĩa quân lớn mạnh, gây cho Pháp nhiều tổn thất đáng kể. Thực dân Pháp đã huy động một lực lượng quân sự hùng mạnh, vũ khí tối tân tấn công vào các cứ điểm của nghĩa quân. Phong trào chống Pháp trải qua những năm tháng gian khổ. Tống Duy Tân phải tạm đưa quân lánh sang tỉnh Hà Tây. Năm 1889, ông trở về Thanh Hóa để xây dựng lại phong trào chống Pháp.

Tống Duy Tân còn là một người có tâm hồn thơ. Trong những năm tháng sống, chiến đấu cùng nghĩa quân, ông đã sáng tác nhiều thơ văn. Thơ của ông đã nói lên những gian khổ và tinh thần gan dạ, yêu nước của nghĩa quân trong cuộc kháng chiến bảo vệ quê hương đất nước. Bài thơ Tống Duy Tân viết "Thay người chinh phu đêm đông lạnh nhớ vợ" được nhiều người truyền tụng:

"Đông thiên lật liệt sóc phong suy
Điêu đẩu truyền thanh lậu chuyển trì
Man ngoại ná tri khuê tứ thiết,
Mạn tương quých thiệt thuyết thù ly.
(Lạnh ngắt trời đông gió bấc vù
Chậm đưa tiếng đẩu giọng đồng hồ
Rợ ngoài đâu biết tình khuê não,
Đem giọng bồ chao cứ líu lô").
(Bản dịch của KHƯƠNG HỮU DỤNG)

Tháng 9 năm 1892, Tống Duy Tân đưa nghĩa binh về hang Nhâm Kỷ ở huyện Bá Thước tỉnh Thanh Hóa để xây dựng căn cứ kháng chiến. Ông ở đây được một thời gian, thì bị Cao Ngọc Lễ, là một người học trò của ông đã phản bội, báo tin cho Pháp đưa quân đi vây bắt ông. Tống Duy Tân bị Pháp kết án tử hình và đem xử tử vào ngày 5 tháng 10 năm 1892. Trước khi lên đoạn đầu đài, Tống Duy Tân bình thản đọc lớn hai câu thơ cuối cùng của đời mình:

"Nhi kim thủy liễu tiền sinh trái
Tự cổ do truyền bất tử danh"
(Món nợ sinh tiền nay mới trả
Cái danh bất tử trước còn truyền).
(Bản dịch của HOÀNG TẠO)

Trước cái chết của Tống Duy Tân, nhân sĩ Thanh Hóa đã làm thơ khóc ông:

"Quốc kế linh nhân hoán nại hà,
Trùng văn quân phó lệ thiêm đa
Triều đình giáo dục tiên trung hiếu
Ngô bối y quan trọng giáp khoa
Bách chiến giang sơn dư xích huyết,
Thập niên tâm sự đối hoàng hoa
Dao tri sát tặc Tây Dương quỷ
Định hữu trung hồn hộ đế xa".
(Nước nhà khôn biết tính sao
Lại nghe ông chết, giọt châu ròng ròng

Triều đình trước dạy hiếu trung
Giáp khôi vinh quý hơn trong mọi người
Non sông trăm trận máu rơi
Mười năm tâm sự gửi nơi hoa vàng
Giết thù làm quỷ Tây Dương
Hồn trung theo giúp quân vương từ rày).
(Bản dịch của HOÀNG TẠO)

Nhân sĩ Thanh Hóa còn làm câu điếu khóc Tống Duy Tân:
"Tự cổ anh hùng, thiết thạch can trường nan tận tả;
Đáo đầu sự thế, xuyên hà huyết lệ hạt năng lưu?"
(Từ trước anh hùng, dạ sắt gan vàng khôn tả xiết;
Đến cùng sự thế, máu sông lệ suối chảy sao trôi?)

Cao Ngọc Lễ, người cùng quê của ông đã làm chỉ điểm cho quân Pháp bắt Tống Duy Tân. Với công trạng bán nước của một kẻ phản thầy, làm tay sai cho giặc đã được Pháp bổ chức tri huyện sau thăng đến tham tri. Khi Cao Ngọc Lễ chết, nhân dân làng Bồng Trung huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa đã làm câu đối lên án Cao Ngọc Lễ, ca ngợi Tống Duy Tân, người anh hùng bất tử với non sông:

"Vô địa khả mai Cao Ngọc Lễ;
Hữu thiên bất tử Tống Duy Tân".
(Không đất đáng chôn Cao Ngọc Lễ;
Có trời không chết Tống Duy Tân)

Lê Ngọc Trác


Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
- Từ điển nhân vật lịch sử (Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế, 1999)
- Thơ văn yêu nước thế kỷ 19 (NXB Văn học, 1970)

Email: lengoctraclg@yahoo.com
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top