Tôn sư trọng đạo - Nét đẹp văn hóa truyền thống

Bút Nghiên

ButNghien.com
Từ xưa đến nay, mọi quốc gia dù khác nhau về chế độ chính trị, văn hoá, phong tục, tập quán..., nhưng ở đâu, thời nào cũng đều đánh giá cao vai trò của người thầy trong xã hội, coi họ là lớp người vẻ vang của đất nước.

Ở Nhật Bản, sinh viên sư phạm bắt buộc phải mặc trang phục theo quy định; khi đi tàu xe, họ được nhiều người nhường chỗ ngồi để tỏ lòng tôn kính người thầy giáo tương lai. Các giáo sư trên đất nước hoa anh đào, đặc biệt, những người giảng dạy ở các trường Đại học danh tiếng của Nhật luôn được coi là người có vị trí cao trong xã hội.

Ở Pháp, người thầy được xem là “Sứ giả trí tuệ của nhân loại”. Hàng năm, vào dịp lễ Noel, hầu hết phụ huynh học sinh đều đến thăm hỏi, chúc mừng thầy, cùng với một món quà để tỏ lòng biết ơn thầy đã từng vất vả dạy dỗ con mình.

Ở Mỹ, thượng, hạ nghị viện năm 1971 đã quyết định lấy ngày 28-9 ngày sinh đức Khổng Tử - làm ngày Hiến chương các Nhà giáo. Nhân dân tổ chức tưng bừng, trọng thể, tuyên dương thành tích của ngành giáo dục. Vào ngày ấy, họ còn đi thăm hỏi các thầy, cô giáo. Người được bầu là giáo viên giỏi cấp toàn quốc được mời vào Toà Bạch Ốc, nhận phần thưởng và bằng danh dự do chính tay Tổng thống Mỹ trao tặng.

Ở Vênêzuêla, Tổng thống nước này đích thân chủ trì hoạt động chúc mừng các nhà giáo tại thủ đô và trao giải thưởng cho các nhà giáo ưu tú...

Ở nước ta, “tôn sư trọng đạo” là một truyền thống tốt đẹp. Người thầy là hình ảnh tiêu biểu cho phẩm giá cao quý, trong sáng của đạo đức, nhân cách con người.

Nói chuyện tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21-10-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội...? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất... Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh...”(1)

Cố vấn Phạm Văn Đồng từng khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những người sáng tạo”.

Ngày xưa, dẫu đời sống còn nhiều khó khăn, ông cha ta đã dành những tình cảm đặc biệt ưu ái, tốt đẹp nhất đối với người thầy, thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ như: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư; Không thầy đố mày làm nên; Trọng thầy mới được làm thầy; Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy...

Dưới thời phong kiến, người thầy tuy giữ vị trí thứ hai theo trật tự: Quân – Sư – Phụ, nhưng được kính thờ như một:

“Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi,
Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng”

Địa vị, vai trò của người thầy được người đời tôn quý như thế đó! Kính thầy là một phong tục có giá trị nhân văn cao cả và sâu sắc. Hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, học trò ở xa cũng thu xếp thời gian đến thăm thầy:

“Mồng một tết cha,
Mồng hai tết mẹ,
Mồng ba tết thầy.”

Từ bao đời nay, đạo thầy trò luôn luôn được giữ gìn lưu truyền:

“Mười năm, rèn luyện sách đèn,
Công danh gặp bước, chớ quên ơn thầy”.

Dưới thời vua Lê Thánh Tông, đạo nghĩa thầy-trò đã được luật hoá. Điều 25 Bộ luật Hồng Đức quy định: “Cha mẹ phải răn con em về đạo thờ thầy học. Khi gặp thầy học, phải kính cẩn, có lễ phép, không được trái lệnh; nếu không sẽ khép vào tội bất kính”; điều 90 : “Học trò phải tôn kính thầy, chăm chỉ về đường học, lấy đức hạnh làm gốc, không được khinh nhờn thầy, bỏ mất lễ phép. Ai trái lệnh sẽ bị tội tám mươi trượng”.

Trong lịch sử dân tộc ta, đã có biết bao thầy giáo suốt đời tận tụy với công việc “trồng người”.

Đời nhà Lý, thầy Lý Công Uẩn học rộng tài cao, học trò của thầy có Lý Thường Kiệt đã trở thành vị anh hùng dân tộc kiệt xuất đời Lý.

Đời nhà Trần, thầy Chu Văn An đã đào tạo biết bao nhân tài như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh. Nhiều thế hệ coi Chu Văn An là người thầy mẫu mực bậc nhất dưới thời phong kiến.

Đời nhà Lê, thầy Trần Ích Phát mà học trò đã chiếm quá nửa triều đình Hồng Đức với 3 trạng nguyên, 4 bảng nhỡn, 6 thám hoa, 10 hoàng giáp và 51 đồng tiến sĩ.

Đời nhà Mạc, thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dạy biết bao người thành tài, nổi bật có Phùng Khắc Khoan là bậc công thần toàn năng và kiệt xuất của triều Lê Trung Hưng.

Thế kỷ 19, có thầy khiếm thị – Nguyễn Đình Chiểu – với tư tưởng “Thà đui mà giữ đạo nhà”, cùng với thầy Cao Bá Quát danh tiếng vang lừng khắp nước.

Thế kỷ 20, thầy Nguyễn Thúc Tự đã dạy dỗ học trò hầu hết trở thành những chí sĩ, những nhà yêu nước như :Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, Đặng Thái Thân, Lê Văn Huân, Đặng Thúc Hứa... Thầy Nguyễn Thúc Tự hồi đó cùng với thầy Nguyễn Tất Thành – Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này – là những bậc danh sư đã làm rạng rỡ hơn bao giờ hết truyền thống của nhà giáo Việt Nam trong thời đại mới.

Một người thầy đi từng bàn, cầm lấy tay học trò nắn nót viết chữ “S” (tượng trưng cho đất nước Việt Nam hình cong như chữ S từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau) đã gieo vào tim óc trẻ thơ: một nước Việt Nam thống nhất cả ba miền, là hình ảnh tuyệt đẹp của một người thầy.

Bên cạnh những người thầy mẫu mực, trong sáng, đất nước ta đã nổi lên những người học trò lỗi lạc, sống có đạo lý, biết ơn và tôn kính hết mực thầy của mình như: Lê Quát, Phạm Sư Mạnh đỗ tiến sĩ và giữ chức vụ cao, khi đến thăm vẫn cúi lạy thầy Chu Văn An “được thầy khuyên nhủ vài câu, rồi ra đi, rất lấy làm mừng”.

Ngày 28-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định số 167-HĐBT, lấy ngày 20-11 hàng năm làm ngày Nhà giáo Việt Nam, đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giáo giới và đánh giá cao vị trí, vai trò của những người làm công tác giáo dục nước ta.


(Theo Nguyễn Xuyến )​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top