TOEFL,TOEIC " nhái "

ChipsMunk

New member
Xu
0
TOEFL,TOEIC "NHÁI"


Nhiều trường ĐH tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh giao tiếp theo chuẩn TOEIC hoặc TOEIC “nội bộ” cho SV. Tuy nhiên, các chứng chỉ này không được quốc tế và doanh nghiệp công nhận như chứng chỉ TOEIC thật sự.



Hiện các trường ĐH đều công bố chuẩn đầu ra ngoại ngữ theo chuẩn TOEIC. Để xét tốt nghiệp cho sinh viên theo chuẩn đầu ra TOEIC của mình, một số trường ĐH thông báo thi và cấp chứng chỉ TOEIC “nội bộ”. Không chỉ sinh viên mà một số trường còn tổ chức thi và cấp chứng chỉ “nội bộ” cho người bên ngoài.

Không được công nhận


Trường ĐH Ngoại thương tổ chức đào tạo và thi, cấp chứng chỉ tiếng Anh theo chuẩn TOEIC cho sinh viên của trường và người bên ngoài có nhu cầu. Theo thông tin từ trường, để nâng 50 điểm TOEIC mỗi tháng và nhanh chóng đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường (630 TOEIC), sinh viên có thể đăng ký học và thi bằng hình thức trắc nghiệm trên máy tính do trường tổ chức.

"Hiện có nhiều tổ chức (bao gồm cả trường ĐH, trung tâm ngoại ngữ) đang tổ chức các kỳ thi TOEIC, TOEFL giả mạo với tên gọi là TOEIC, TOEFL nội bộ, cấp chứng chỉ không hợp lệ, không được xã hội thừa nhận"

Bà Vũ Thị Bích Ngọc
(giám đốc chi nhánh TP.HCM của IIG Việt Nam)


Với bài thi 200 câu (đọc hiểu và nghe hiểu), sinh viên đạt từ 670 trở lên sẽ được trường cấp chứng chỉ tiếng Anh giao tiếp kinh doanh quốc tế theo chuẩn TOEIC. Một cán bộ phụ trách lớp tiếng Anh trực tuyến Trường ĐH Ngoại thương cho biết chương trình đào tạo và đề thi do trường biên soạn dựa theo chương trình và cấu trúc đề thi của TOEIC. Trường ĐH Luật Hà Nội cũng thông qua Trường ĐH Ngoại thương tổ chức thi phân loại tiếng Anh theo chuẩn TOEIC cho sinh viên của trường.

Tương tự, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng tổ chức thi và cấp chứng chỉ TOEIC “nội bộ” của trường cho đối tượng là sinh viên hoặc học viên trung tâm ngoại ngữ của trường. Kỳ thi này chỉ áp dụng cho các đối tượng đã theo học các khóa tiếng Anh từ cấp độ 1 đến 6 và khóa luyện thi TOEIC cấp độ từ 1 đến 3 của trung tâm ngoại ngữ và các đối tượng khác. Mỗi khóa học như vậy có học phí từ 600.000 đồng đến hơn 2.000.000 đồng/cấp độ. Chứng chỉ này chỉ được trường công nhận nội bộ. Trường ĐH Hàng hải (Hải Phòng) cũng tổ chức thi và cấp chứng chỉ TOEIC “nội bộ” với mức học phí luyện thi 300.000 đồng/khóa học, trong khi học phí một khóa luyện thi TOEIC của Trường ĐH Ngoại thương là 600.000 đồng.

Học viện Tài chính dự kiến tháng 5-2012 sẽ lần đầu tiên tổ chức kỳ thi sát hạch tiếng Anh chuẩn đầu ra. Theo thông báo của trường, đề thi sẽ theo chương trình tương đương TOEIC của Học viện Tài chính và khung B1 theo chuẩn châu Âu bao gồm các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Sinh viên đạt yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận do giám đốc học viện ký và giấy này không giới hạn về thời gian.

Ông Phạm Văn Liên - trưởng ban đào tạo Học viện Tài chính - cho biết nội dung thi trường có tham khảo các chương trình quốc tế, từ đó soạn thành đề thi của trường.
Ở khu vực phía Nam, Trường CĐ Công nghệ và quản trị Sonadezi (Đồng Nai) cũng tổ chức thi và cấp chứng chỉ TOEIC “nội bộ” cho sinh viên của trường. Nhìn chung, lệ phí thi của các trường dao động từ 50.000-80.000 đồng.

Ông Lưu Phước Dũng - hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ và quản trị Sonadezi - thừa nhận đúng là có một số sinh viên của trường khi xin việc tại các công ty lớn đã bị từ chối do họ không công nhận chứng chỉ TOEIC “nội bộ” của trường. Những trường hợp này phải thi lại để lấy bằng TOEIC quốc tế. Tuy nhiên cũng có nhiều công ty chấp nhận chứng chỉ nội bộ.

Bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho biết trường không có chức năng cấp chứng chỉ TOEIC nên chỉ cấp chứng chỉ tiếng Anh giao tiếp tương đương. Do chỉ là chứng chỉ tương đương TOEIC nên việc thừa nhận tương đương chứng chỉ TOEIC hay không là tùy mỗi công ty.

Bà Vũ Thị Bích Ngọc - giám đốc chi nhánh TP.HCM của IIG VN (đơn vị duy nhất được ủy quyền tổ chức, quản lý các kỳ thi và cấp chứng chỉ TOEIC tại Việt Nam của Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ - ETS) - khẳng định hiện có nhiều tổ chức (bao gồm cả trường ĐH, trung tâm ngoại ngữ) đang tổ chức các kỳ thi TOEIC, TOEFL giả mạo với tên gọi TOEIC, TOEFL “nội bộ”, cấp chứng chỉ không hợp lệ, không được xã hội thừa nhận.

Đề thi được làm ra bằng cách copy các câu hỏi thi có trong các loại sách trên thị trường, tổng hợp lại thành bài thi dạng giống như TOEIC, TOEFL nhưng hoàn toàn không có giá trị sử dụng khi xin việc hay học tập nếu đơn vị đó yêu cầu chứng chỉ TOEIC.
1335578037-chung-chi-tieng-anh.jpg

Ngại lệ phí cao


Hiện nay nhiều trường ĐH, CĐ cũng áp dụng chuẩn đầu ra TOEIC bằng cách phối hợp với đơn vị có bản quyền thi và cấp chứng chỉ TOEIC tổ chức thi cho sinh viên của mình như ĐH Hoa Sen, Tôn Đức Thắng, Kinh tế TP.HCM, Cần Thơ, Kinh tế Luật (ĐHQG TP.HCM), Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội... Kỳ thi này sử dụng đề thi của ETS và sinh viên phải đóng phí theo quy định chung (35 USD hoặc thấp hơn một ít).

Theo các trường tổ chức thi TOEIC “nội bộ”, tuy đã làm việc với đại diện của ETS tại Việt Nam nhưng lệ phí dự thi quá cao, chưa phù hợp với điều kiện của sinh viên. Giải thích về việc không phối hợp này, ông Lưu Phước Dũng cho biết trường đã làm việc với đơn vị nắm bản quyền tổ chức thi TOEIC nhưng lệ phí thi quá cao (35 USD) trong khi sinh viên của trường hầu hết ở các vùng quê, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên trường không thể phối hợp được. Trường khuyến khích các em dự thi TOEIC quốc tế khi có điều kiện.

Ông Hoàng Minh Sơn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho hay trường cũng muốn sinh viên đạt chuẩn TOEIC quốc tế nhưng lệ phí thi quá cao, do đó trường tổ chức thi và cấp chứng chỉ TOEIC “nội bộ”. Trường cũng thông báo rõ chứng chỉ này chỉ được công nhận nội bộ khi xét tốt nghiệp. Sinh viên nào có điều kiện có thể đăng ký thi TOEIC quốc tế.


Nguồn: tuoitre
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top