uocmo_kchodoi

Moderator
HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH LIÊN TRIỀU 2018 LẦN THỨ NHẤT:
THỜI KHẮC LỊCH SỬ LÃNH ĐẠO TRIỀU TIÊN BƯỚC CHÂN SANG HÀN QUỐC

Ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên đặt chân lên đất Hàn Quốc kể từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Đúng 09h30p sáng 27/4 (07h30p sáng theo giờ Việt Nam), hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 đã diễn ra tại Ngôi nhà hòa bình nằm ở phía Nam của Bàn Môn Điếm, mở đầu là cái bắt tay nồng ấm giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Phía Hàn Quốc có 07 người và phía Triều Tiên có 08 người tham dự.

Đây là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 nhưng là lần đầu tiên tổ chức ở Hàn Quốc (Bàn Môn Điếm bên phía Hàn Quốc), sau 2 lần được tổ chức ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên./.2000.


Cái bắt tay nồng ấm giữa 2 nhà lãnh đạo Hàn-Triều. Ảnh : Reuters

Do Hội trường diễn ra lễ đón nhỏ nên số lượng người trong đội danh dự bị giảm. Cử Quốc ca và thượng cờ Triều Tiên không được diễn ra, nhưng nghi thức đón là nghi thức đón khách quí cấp quốc gia.

Sau lễ đón, cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo đã chính thức bắt đầu.

Mở đầu cuộc hội đàm nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng cuộc gặp lần này là xuất phát điểm cho một nền hòa bình và một trang sử mới trên bán đảo Triều Tiên.


Nội dung hội đàm được cho là sẽ tập trung vào vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, phi hạt nhân hóa hay phi hạt nhân từng giai đoạn trên bán đảo Triều Tiên.

Dự kiến hai nhà lãnh đạo cũng sẽ bàn về lập trường của Nhật Bản và Mỹ trong vấn đề Triều Tiên để có thể đưa ra những hành động thích hợp để giải quyết hướng tới hòa bình tại bán đảo Triều Tiên.

Sau hội đàm buổi sáng, hai bên sẽ nghỉ trưa. Đầu giờ chiều 27/4 cuộc gặp sẽ tiếp diễn. Sau hội đàm, dự kiến nội dung thỏa thuận giữa hai bên trong cuộc hội đàm sẽ được công bố.




Ga Dorosan tại Bàn Môn Điếm, nơi sẽ diễn ra cuộc gặp liên Triều.
Sau đó hai nhà lãnh đạo sẽ cùng trồng cây Tùng lưu niệm cầu mong cho hòa bình và phồn vinh tại khu vực giới tuyến phi quân sự hai nước.

Đến khoảng 18h30 phút chiều 27/4 (tức 16h30 giờ Việt Nam), tiệc chiêu đãi sẽ diễn ra tại tầng 3 Nhà Hòa bình./.

Theo Bùi Hùng/VOV-Tokyo-vov.vn​
 
Sửa lần cuối:
VÌ SAO HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH LIÊN TRIỀU LẠI NÓNG HƠN BAO GIỜ HẾT?

Sự quan trọng của hội nghị thượng đỉnh liên Triều

Đây là lần thứ 2 kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 4/2012, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc gặp với lãnh đạo hàng đầu của một nước khác. Cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in diễn ra sau chuyến thăm bí mật trong tháng trước của ông Kim tới Bắc Kinh và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.


Em gái, cùng là đặc phái viên của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi tới Hàn Quốc nhân kỳ Thế vận hội PyeongChang. Ảnh: AFP

Đây cũng là lần đầu tiên trong 1 thập kỷ qua, một Tổng thống Hàn Quốc theo trường phái tự do muốn đối thoại một cách tích cực với Triều Tiên.

“Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần này giống như nước cờ đầu tiên. Nó sẽ quyết định các bước đi tiếp theo trong ván cờ”, nhà cựu ngoại giao Mỹ từng làm việc về chính sách Triều Tiên Mintaro Oba nhận định.

“Ý nghĩa của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều là đặt nền tảng ban đầu cho bầu không khí và củng cố những kỳ vọng tiếp theo cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim”, ông Mintaro Oba nói thêm.

Yếu tố lịch sử?

Triều Tiên và Hàn Quốc bị chia cắt từ sau cuộc chiến tranh 1950-1953. Hiện nay, 2 nước đang đứng trước cơ hội hòa giải lịch sử sau 1 thập kỷ căng thẳng leo thang nhất từ năm 2008.

Trong đó, năm 2010 là một dấu mốc căng thẳng Hàn-Triều khi tàu tuần tra Cheonan của Hải quân Hàn Quốc bị gãy đôi sau một vụ nổ và bị chìm trên Hoàng Hải, gần vùng biển tranh chấp với Triều Tiên. Vụ việc đã làm gần 50 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng.

Đây không phải là lần đầu Triều Tiên thể hiện sẵn sàng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Triều Tiên đã có một thỏa thuận với Mỹ, Nhật, Hàn những năm 1990, theo đó, chấp nhận Triều Tiên phát triển điện hạt nhân dân sự và phải từ bỏ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, các lò phản ứng của Triều Tiên chưa bao giờ ngừng hoạt động.

Triều Tiên từng cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân vào năm 2007 để đổi lại việc các nước dỡ bỏ trừng phạt về nhân đạo và năng lượng. Tuy nhiên, năm 2009, Triều Tiên rút khỏi cam kết này và trục xuất tất cả các thanh sát viên quốc tế.

Đây có phải thời điểm thích hợp để diễn ra cuộc gặp?

Có thể là nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã phát triển các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đủ để ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công nào, theo đó Triều Tiên hiện có đủ “sức mạnh đàm phán” với Hàn Quốc và cả Mỹ.

“Ông Kim Jong-un sẽ cố sửa chữa các mối quan hệ đã thực sự bị hủy hoại trong những năm qua khi Triều Tiên phát triển các loại vũ khí hạt nhân”, ông Jenny Town, trợ lý Giám đốc khoa Mỹ-Triều Tiên tại Viện Đại học quốc tế Johns Hopkins nhận định.

Trong bài phát biểu đầu năm 2018, ông Kim Jong-un đã chủ động “chìa cành Ô-liu” khi tuyên bố cử các vận động viên Triều Tiên tham gia Thế vận hội Mùa Đông 2018 tổ chức tại PyeongChang, Hàn Quốc, tháng 2 vừa qua. Đây là diễn biến mở màn đánh dấu sự đổi chiều tích cực trên Bán đảo Triều Tiên, khi năm 2017, Triều Tiên liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa, còn Mỹ đe dọa hủy diệt Triều Tiên.

Từ Thế vận hội PyeongChang đến nay, Triều Tiên đã có hàng loạt cuộc gặp quan trọng với Hàn Quốc và Mỹ, mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều ngày 27/4 và Mỹ-Triều dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.

Hàn Quốc và Triều Tiên muốn gì tại cuộc gặp?

Cả 2 nhà lãnh đạo Hàn-Triều đều mong muốn cuộc gặp thượng đỉnh thành công và mục tiêu chính là một thỏa thuận tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sau đó.

Theo nhà cựu ngoại giao Mỹ từng làm việc về chính sách Triều Tiên Mintaro Oba, Seoul cũng đề xuất việc có thể thay thế Hiệp định đình chiến đạt được sau chiến tranh Triều Tiên bằng một Hiệp định hòa bình. Song, Hàn Quốc vẫn muốn Triều Tiên đồng ý phi hạt nhân hóa.

“Với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều có giá trị lớn. Và hơn thế là giảm căng thẳng Mỹ -Triều Tiên để hướng tới mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Moon là một thỏa thuận toàn diện Mỹ-Triều”, ông Mintaro Oba nói.

Với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông sẽ có thêm nhiều lựa chọn nhằm gây sức ép để Mỹ thỏa thuận với Triều Tiên. Triều Tiên đồng thời thuyết phục thế giới rằng nước này có thiện chí và nếu có bất cứ thất bại nào trong tương lai thì đó là do Mỹ chứ không phải Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un cũng sẽ tìm kiếm sự nới lỏng các trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

“Triều Tiên sẽ tập trung vào việc cải thiện các mối quan hệ ngoại giao và tìm cách cải thiện nền kinh tế. Hàn Quốc cũng muốn khởi động lại hợp tác kinh tế liên Triều”.

Những kết quả khả thi?

Triều Tiên đã nhắc lại thiện chí từ bỏ vũ khí hạt nhân, điều kiện mà Mỹ và các đồng minh phải “chi đậm” để đạt được.

Kịch bản tồi tệ nhất là “định nghĩa về phi hạt nhân hóa” của Triều Tiên hoàn toàn khác với kỳ vọng của cộng đồng quốc tế. Khi Triều Tiên nghĩ đến phi hạt nhân hóa, họ sẽ nghĩ rằng điều này sẽ diễn ra trong vài thập kỷ”, trợ lý Giám đốc khoa Mỹ-Triều Tiên tại Viện Đại học quốc tế Johns Hopkins, ông Jenny Town nhìn nhận.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Cũng theo ông Jenny Town, cơ hội là không nhiều để đạt được một thỏa thuận cụ thể và vững chắc tại cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều.

Bất chấp các cuộc gặp dọn đường và các nỗ lực ngoại giao con thoi trước thềm đàm phán thì vẫn luôn có sự rủi ro.

Với Mỹ, Triều Tiên đã chứng kiến Mỹ rút khỏi rất nhiều thỏa thuận quốc tế do đó họ sẽ không tin vào một lời cam kết đơn giản. Triều Tiên sẽ muốn xây dựng sự tin tưởng qua thời gian./.

Theo Hoàng Lê/VOV.VN​
 
VÌ SAO BÀN MÔN ĐIẾM ĐƯỢC CHỌN LÀM ĐỊA ĐIỂM
TỔ CHỨC HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH?

Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được tổ chức bên trong Khu phi quân sự (DMZ) - dải đất rộng 4 km, dài 250 km chạy dọc theo biên giới chung của hai nước. Ông Kim Jong-un gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại một khu vực được gọi là Khu vực an ninh chung (JSA) ở Bàn Môn Điếm (Panmunjom) trong DMZ.


Nhà Hòa Bình bên phía Hàn Quốc sẽ nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4. Ảnh: Business Insider.


Bàn Môn Điếm là gì?

Bàn Môn Điếm đóng vai trò như là cột mốc số 0 trong phần lớn thời gian của 6 thập kỷ chia cắt sau khi chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 kết thúc. Đây là một khu đất nhỏ với các tòa nhà và những căn lều tạm. Bàn Môn Điếm được biết đến với tên gọi “làng đình chiến” – nơi từng tổ chức hàng trăm cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên.

Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì hai bên không có một bản hiệp ước hòa bình sau cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953. Bàn Môn Điếm nằm trên vĩ tuyến 38 – nơi vốn được Mỹ, Liên Xô cũ phân định làm biên giới giữa hai miền Triều Tiên.

Bàn Môn Điếm có nghĩa là gì?

Ban đầu ngôi làng này được gọi là “nul ban ri” hay là làng cửa ván. Sở dĩ có tên gọi này bởi cửa của những ngôi nhà và các cây cầu ở đây đều được làm từ những tấm gỗ ván. Khi ngôi làng trở thành địa điểm đàm phán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, các quan chức Trung Quốc đã gọi nơi đây bằng các ký tự truyền thống của Trung Quốc và khi phát âm những từ này bằng tiếng Hàn Quốc, chúng tương tự cách viết là Panmunjom (Bàn Môn Điếm) và cái tên này được biết đến từ đó.

Khách du lịch có thể ghé thăm Bàn Môn Điếm?

Người mang hộ chiếu nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận Bàn Môn Điếm hơn so với người Hàn Quốc. Du khách nước ngoài chỉ cần đăng ký với các công ty du lịch được Liên Hợp Quốc phê chuẩn là có thể được đến Bàn Môn Điếm. Trong khi đó, đối với người Hàn Quốc, nếu muốn đến đây, họ phải nộp đơn xin phép và đề nghị của họ sẽ được cơ quan phản gián và cơ quan tình báo quốc gia xem xét. Quá trình này có thể mất tối đa 4 tháng.

Thực tế ở Bàn Môn Điếm ra sao?

“Kỳ lạ” là từ ngữ nhiều du khách sử dụng để mô tả về trải nghiệm ở Bàn Môn Điếm. Khi đến đây, du khách buộc phải chú ý đến trang phục, họ bị cấm mặc quần bò rách, áo ba lỗ, áo lửng và áo phông có in những từ ngữ “phỉ báng hoặc khiêu khích”. Ngoài ra, du khách cũng không được mặc quần thụng, quần kiểu hip hop, áo da hoặc quần đùi ngắn.

Trong khi xe bus lăn bánh trên tuyến đường cao tốc 6 làn được xây dựng để chuẩn bị cho trường hợp hai miền Triều Tiên thống nhất, hướng dẫn viên du lịch giải thích rằng, hàng chục chiếc cầu vượt dọc tuyến đường này trên thực tế không phải là cầu mà là những hàng rào chống tăng bằng xi măng để chống trả các cuộc tấn công của Triều Tiên. Ngay khi tới làng đình chiến, các binh sĩ Mỹ sẽ tháp tùng từng nhóm du khách tham quan. Du khách có thể tận mắt chứng kiến cảnh lính gác Triều Tiên và Hàn Quốc đứng đối mặt nhau ở Bàn Môn Điếm.

Vấn đề đáng ngại gì từng xảy ra ở Bàn Môn Điếm?

Đã có một số vụ đụng độ chết người ở Bàn Môn Điếm. Sự vụ được nhắc đến nhiều nhất xảy ra hồi năm 1976 khi binh sỹ Triều Tiên tấn công một nhóm lính Mỹ đang chặt cây trong làng đình chiến. Hai người Mỹ thiệt mạng trong vụ việc.

Ngoài ra còn một số trường hợp đào tẩu từ Triều Tiên sang Hàn Quốc qua Bàn Môn Điếm trong đó có vụ một người lính Triều Tiên chạy sang Hàn Quốc hồi tháng 12 năm ngoái./.

Theo Hùng Cường/VOV.VN​
 
Sửa lần cuối:
ĐIỂM LẠI NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI RIÊNG VÀ
NHỮNG KHOẢNH KHẮC NGOÀI DỰ KIẾN TRONG CUỘC GẶP
GIỮA HAI LÃNH ĐẠO TRIỀU TIÊN - HÀN QUỐC

Trong chuyến thăm Hàn Quốc của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để tham gia Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4/2018, giữa hai lãnh đạo đã có những cuộc nói chuyện riêng khá thú vị, cùng với đó là những sự việc xảy ra ngoài dự kiến của ông Kim Jong-un. Điều này cho thấy để có một cuộc nói chuyện cởi mở, thân thiện tại Hội nghị thượng đỉnh không phải là điều quá khó.

Tờ Korea Herald (Hàn Quốc) đã tổng hợp một số cuộc đối thoại đáng chú ý của hai nhà lãnh đạo.

bat-tay-2.jpg

Lãnh đạo hai miền đã bắt tay nhau tại vạch ranh giới quân sự. Ảnh: Korea Herald
Ông Moon Jae-in: “Ngài đang sang phía nam, khi nào tôi sẽ có thể thăm phía bắc?”

Ông Kim Jong-un: “Chúng ta hãy bước qua bây giờ”.

Sau đó, ông Kim Jong-un đã cầm tay ông Moon Jae-in và họ bước sang lãnh thổ phía Triều Tiên. Nhà Xanh cho biết khoảnh khắc này của ông Moon Jae-in là nằm ngoài dự kiến.

danh-du.jpg

Đi bộ tới Ngôi nhà Hòa bình cùng đội danh dự truyền thống. Ảnh: Korea Herald
Ông Moon Jae-in: “Người nước ngoài thích đội danh dự truyền thống của chúng tôi. Thật xấu hổ khi đội danh dự ngày nay đã bị đơn giản hóa. Một hình ảnh đẹp hơn nhiều có thể được trình diễn nếu ông tới thăm Cheong Wa Dae”.

Ông Kim Jong-un: “Nếu ngài Tổng thống có lời mời, tôi sẽ tới Cheong Wa Dae bất kỳ lúc nào”.

Cheong Wa Dae là Phủ Tổng thống Hàn Quốc.

chup-anh.jpg

Trong lúc duyệt đội danh dự. Ảnh: Korea Herald
Ông Kim Jong-un: “Có những người trong đoàn tùy tùng sẽ trở về Triều Tiên sau lễ duyệt đội danh dự”.

Ông Moon Jae-in: “Sẽ rất hay nếu đoàn Triều Tiên và Hàn Quốc cùng chụp một kiểu ảnh”.

Và hai đoàn đã chụp ảnh chung ngoài dự kiến.

xem-tranh.jpg

Xem bức tranh Bukhansan tại Ngôi nhà Hòa bình.Ảnh: Korea Herald
Ông Kim Jong-un: “Người ta dùng kỹ thuật gì để vẽ bức tranh này?”

Ông Moon Jae-in: “Đó là bức tranh kiểu phương Tây sử dụng kỹ thuật phương Đông”.

tac-pham.jpg

Xem tác phẩm nghệ thuật có cảm hứng từ bảng chữ cái Triều Tiên. Ảnh: Korea Herald​

Ông Moon Jae-in giải thích ý nghĩa các từ trên tác phẩm nghệ thuật và hỏi: “Ông đã tới đây bằng cách nào?”

Ông Kim Jong-un: “Tôi tới bằng ô tô lúc sáng và đi qua Kaesong. Ông hẳn là phải khởi hành từ sáng sớm”.

Ông Moon Jae-in: “Tôi chỉ cách đây 52km vì thế mất khoảng một tiếng”.

Ông Kim Jong-un: “Tôi nghe nói ông hay mất ngủ vào sáng sớm để dự các cuộc họp của Cơ quan An ninh Quốc gia vì chúng tôi. Hẳn giờ ông đã có thói quen dậy sớm”.

Ông Moon Jae-in: “Như những gì ông đã nói với các đặc phái viên, từ giờ tôi sẽ có thể ngủ ngon rồi”.

Ông Kim Jong-un: “Tôi sẽ đảm bảo tổng thống không mất ngủ vào sáng sớm nữa. Đi bộ 200 mét đó, tôi tự hỏi tại sao lại mất nhiều thời gian vậy, tại sao lại khó khăn vậy. Thoạt đầu, tôi nghĩ tôi sẽ gặp ông ở Bình Nhưỡng, nhưng hóa ra chúng ta gặp nhau ở đây lại tốt hơn. Nhiều người đang theo dõi cuộc gặp tại một nơi là biểu tượng xung đột. Trên đường đi, tôi để ý thấy những người mất nhà cửa do chiến tranh, người Triều Tiên đào tẩu, người dân đảo Yeongpyeong và những người lo lắng về đạn pháo từ Triều Tiên đều đang theo dõi hồi hộp cuộc gặp của chúng ta. Tôi hi vọng đây sẽ là một cơ hội để hàn gắn vết thương giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Vạch ranh giới không quá cao và nó sẽ không biến mất nếu nhiều người bước qua nó sao?”

Ông Moon Jae-in: “Nhiều người nhìn thấy tôi lên đường từ Cheong Wa Dae. Họ kỳ vọng lớn vào cuộc họp của chúng ta hôm nay. Tôi đã chụp ảnh với người dân Daeseong-dong. Vai của chúng ta nặng trĩu. Bắt đầu ở Panmunjom ngày hôm nay, tôi hi vọng các cuộc gặp sẽ tiếp tục ở Bình Nhưỡng, Seoul, Jeju và Baekdusan”.

Như vậy, ở cả hai phía nhà lãnh đạo đều tỏ thái độ quyết tâm, tinh thần hợp tác nâng cao kỳ vọng về một tiến trình hội nhập sẽ bớt thách thức hơn.

Thùy Dương/Báo Tin tức​
 
TOÀN VĂN TUYÊN BỐ PANMUNJOM VỀ HÒA BÌNH, THỊNH VƯỢNG VÀ THỐNG NHẤT TRÊN BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4/2018 tại Bàn Môn Điếm kết thúc tốt đẹp bằng một Tuyên bố chung quan trọng. "Tuyên bố chung Panmunjom"

- Tuyên bố Panmunjom về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên
Bán đảo Triều Tiên -

Trong giai đoạn chuyển giao lịch sử quan trọng này trên Bán đảo Triều Tiên, phản ánh khát vọng lâu dài của người dân Bán đảo Triều Tiên về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất, Tổng thống Đại hàn Dân quốc Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên đã tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều tại ‘Ngôi nhà Hòa bình’ ở Panmunjom ngày 27/4/2018.

Hai nhà lãnh đạo trịnh trọng tuyên bố trước 80 triệu người dân Bán đảo Triều Tiên và toàn thế giới rằng sẽ không có chiến tranh nữa trên Bán đảo Triều Tiên, và do đó, một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu.

Cùng chia sẻ cam kết vững chắc về chấm dứt nhanh chóng tàn dư đối đầu và chia cắt lâu dài của Chiến tranh Lạnh, dũng cảm tiến tới một kỷ nguyên hòa giải dân tộc mới, hòa bình và thịnh vượng, cải thiện và vun đắp quan hệ liên Triều một cách tích cực hơn, hai nhà lãnh đạo đã tuyên bố tại khu vực Panmunjom lịch sử này các nội dung sau:

I. Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ nối lại quan hệ nhân dân và kiến tạo tương lai cùng thịnh vượng và thống nhất do người dân Bán đảo Triều Tiên làm chủ bằng cách thúc đẩy toàn diện, căn bản quan hệ liên Triều. Cải thiện và vun đắp quan hệ liên Triều là khao khát chung của toàn dân tộc Triều Tiên và là lời kêu gọi khẩn thiết của thời đại rằng không thể trì hoãn được lâu hơn.

1. Hàn Quốc và Triều Tiên khẳng định nguyên tắc tự quyết định vận mệnh của người dân Bán đảo Triều Tiên và nhất trí về thời khắc bước ngoặt này nhằm cải thiện quan hệ liên Triều thông qua thực hiện đầy đủ mọi thỏa thuận, tuyên bố hiện có được hai bên thông qua từ trước tới nay.

2. Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí tổ chức đối thoại và đàm phán trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả ở cấp cao, đồng thời thực hiện các biện pháp tích cực để thực hiện các thỏa thuận đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh.

3. Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí thiết lập một văn phòng liên lạc chung với đại diện thường trú của hai bên ở khu vực Gaeseong để tạo thuận lợi cho quá trình tham vấn mật thiết giữa các chính quyền cũng như trao đổi và hợp tác suôn sẻ giữa nhân dân hai bên.

4. Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí khuyến khích hợp tác, trao đổi, thăm viếng, liên lạc tích cực hơn ở mọi cấp nhằm làm mới ý nghĩa của tái hòa giải và đoàn kết dân tộc. Giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, hai bên sẽ khuyến khích bầu không khí hữu nghị và hợp tác thể hiện qua việc xúc tiến hàng loạt sự kiện chung có ý nghĩa đặc biệt đối với cả Hàn Quốc và Triều Tiên, như sự kiện ngày 15/6, thu hút sự tham qua của đại diện tất cả các cấp, từ chính quyền trung ương tới địa phương, quốc hội, các đảng phái chính trị và tổ chức dân sự. Trên phương diện quốc tế, hai miền đồng ý thể hiện một tầm nhìn chung, tài năng và tình đoàn kết tham gia các sự kiện thể thao quốc tế như Á Vận hội 2018.

5. Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí nỗ lực giải quyết nhanh chóng các vấn đề về nhân đạo và sẽ xúc tiến Hội nghị Chữ thập đỏ liên Triều để thảo luận và xử lý hàng loạt vấn đề, như việc đoàn tụ các gia đình bị ly tán bởi chiến tranh. Trên tinh thần đó, Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí triển khai các chương trình tái đoàn tụ các gia đình bị ly tán vì chiến tranh vào Ngày Giải phóng Dân tộc 15/8/2018.

6. Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí tích cực thực thi các dự án-thỏa thuận trước đây trong Tuyên bố 4/10 năm 2007 nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế cân bằng và cùng thịnh vượng của đất nước. Trước tiên, hai bên đồng ý thực hiện các bước thiết thực nhằm tướng tới việc kết nối và hiện đại hóa hệ thống đường xe lửa và đường bộ tại hành lang giao thông phía Đông, cũng như giữa Seoul và Sinuiju.

II. Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ có những nỗ lực chung nhằm hạ nhiệt căng thẳng quân sự và loại bỏ nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên.

1. Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch nhằm vào bên kia trên tất cả các lĩnh vực, như trên bộ, trên không và trên biển – những vấn đề vốn là nguồn gốc gây căng thẳng và xung đột. Theo tinh thần đó, hai bên nhất trí biến Khu phi quân sự (DMZ) thành khu vực hòa bình, chấm dứt mọi hoạt động thù địch và loại bỏ các phương tiện liên quan, trong đó có chương trình phát thanh và rải truyền đơn dọc giới tuyến liên Triều.

2. Hàn Quốc và Triều Tiên đồng ý theo đuổi một nỗ lực cụ thể nhằm biến các khu vực xung quanh Đường Ranh giới phía Bắc (NLL) trên Hoàng Hải thành một vùng biển hòa bình nhằm ngăn ngừa các vụ đụng độ quân sự không mong muốn và đảm bảo các hoạt động đánh bắt cá an toàn.

3. Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí triển khai các biện pháp quân sự nhằm bảo vệ các hoạt động giao lưu, trao đổi, thăm viếng và hợp tác lẫn nhau. Hai bên đồng ý tổ chức thường xuyên các cuộc giao lưu của quan chức quốc phòng hai nước, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng, để trao đổi và xử lý kịp thời các vấn đề quân sự nảy sinh giữa hai bên. Theo đó, Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí tổ chức cuộc đối thoại cấp tướng lần đầu tiên vào tháng 5 tới.

III. Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tích cực hợp tác nhằm thiết lập một cơ chế lâu dài và bền vững trên Bán đảo Triều Tiên. Chấm dứt tình trạng đình chiến bất thường hiện nay và thiết lập một nền hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên là một nhiệm vụ lịch sử không thể trì hoãn lâu hơn.

1. Hàn Quốc và Triều Tiên tái xác nhận Thỏa thuận không xâm phạm, trong đó loại bỏ hành động sử dụng vũ lực dưới bất kỳ hình thức nào đối với bên kia, và nhất trí nghiêm túc quy định của Thỏa thuận.

2. Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí triển khai giải trừ quân bị theo từng giai đoạn, đồng thời giảm bớt căng thẳng quân sự và có những bước tiển triển đáng kể trong việc xây dựng niềm tin về mặt quân sự.

3. Thời điểm đánh dấu mốc kỷ niệm 65 năm ký hiệp định ngừng bắn, Hàn Quốc và Triều Tiên thống nhất tích cực theo đuổi các cuộc gặp 3 bên giữa hai miền Triều Tiên và Mỹ, cũng như cuộc gặp 4 bên giữa hai miền Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc với quan điểm tiến tới tuyên bố kết thúc chiến tranh và thiết lập một nền hòa bình lâu dài và vững chắc.

4. Hàn Quốc và Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung hiện thực hóa một Bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân thông qua việc phi hạt nhân hóa toàn diện.

Hàn Quốc và Triều Tiên đều có chung quan điểm rằng các biện pháp Triều Tiên khởi xướng có ý nghĩa và quan trọng với việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Hai miền Triều Tiên cũng thống nhất duy trì vai trò riêng và trách nhiệm của mình. Hàn Quốc cùng Triều Tiên nhất trí theo đuổi sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Hai nhà lãnh đạo chấp thuận duy trì thảo luận thường xuyên và thẳng thắn qua các cuộc họp và đàm thoại về những vấn đề trọng yếu đối với quốc gia. Hướng tới củng cố niềm tin lẫn nhau và đóng góp nỗ lực chung để đẩy mạnh động lực tích cực hướng tới duy trì tiến triển trong mối quan hệ liên Triều cũng như hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhận lời mời tới thăm Bình Nhưỡng trong mùa Thu năm nay.

Ngày 27 tháng 4 năm 2018

Làng đình chiến Panmunjom

Moon Jae-in - Tổng thống Đại Hàn Dân quốc
Kim Jong-un - Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên

Theo báo tin tức​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top