• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Chia Sẻ Tổ chức chính quyền liên bang của nước Mỹ.

Trang Dimple

New member
Xu
38
Tổ chức chính quyền liên bang của nước Mỹ

Chính quyền liên bang Mỹ đặt trụ sở tại Thủ đô Washington, nhưng có quyền lực bao trùm khắp lãnh thổ Hợp chúng quốc. Nó mang đầy đủ mọi yếu tố cần thiết (về chức năng, địa vị, vai trò, quyền lực, pháp luật...) của một chính quyền trung ương quốc gia. Tuy nhiên, do quan hệ liên bang (nước Mỹ được hợp thành bởi nhiều bang và các vùng lãnh thổ phụ thuộc - ban đầu là 13 bang, từ năm 1959 đến nay là 50 bang), trong đó mỗi bang đều có sự độc lập cùng chủ quyền tương đối nên ở một số lĩnh vực, chính quyền liên bang cùng thực hiện, chia sẻ hoặc uỷ thác quyền lực cho các chính quyền bang. Bộ máy chính quyền liên bang gồm 3 (hệ) cơ quan chủ yếu sau:

1. Tổng thống và Chính phủ

Giữ địa vị nguyên thủ quốc gia và nắm trọn quyền hành pháp, Tổng thống (President) được (đại) cử tri toàn liên bang bầu lên theo từng nhiệm kỳ 4 năm. Là cá nhân có vai trò, quyền lực rộng lớn nhất, hoạt động của Tổng thống liên quan và ảnh hưởng tới mọi hoạt động cơ bản của Nhà nước và xã hội Mỹ. Giúp việc Tổng thống là Phó Tổng thống, Nội các, Văn phòng Điều hành và nhiều cơ quan khác. Bộ máy hành pháp trung ương này hợp thành với Tổng thống, tạo nên Chính phủ. Phó Tổng thống (Vice President) là quan chức dân cử đứng thứ hai ở Mỹ, có nhiệm vụ làm thay Tổng thống một số công việc khi Tổng thống uỷ quyền hoặc mất khả năng, đồng thời cũng là người kế nhiệm chức vị tổng thống nếu Tổng thống từ trần, từ chức hay bị cách chức. Trách nhiệm khác duy nhất theo Hiến pháp của Phó Tổng thống là làm Chủ tịch Thượng viện (trừ khi Thượng viện đang luận tội, kết tội Tổng thống) và được biểu quyết để quyết định trong trường hợp số phiếu của hai phe thượng nghị sĩ trong Viện này về vấn đề nào đó bằng nhau. Phó Tổng thống là cương vị mang nhiều tính danh dự, nghi lễ hơn thực tế. Tuy nhiên, những vị Tổng thống gần đây đã có xu hướng giao cho Phó Tổng thống của mình hoạch định những chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng. Nội các của Tổng thống (President's Cabinet) là một hội đồng các bộ trưởng, là một thiết chế mà sự tồn tại cho đến giờ dựa trên tập quán hơn là những điều khoản của Hiến pháp, mặc dù việc chỉ định những thành viên của nó - các bộ trưởng của các bộ ngành hành pháp liên bang - phải được Thượng viện phê chuẩn. Tất cả mọi Tổng thống đều cho rằng việc gặp gỡ với Nội các là cần thiết, song thái độ của họ đối với thiết chế đơn nhất này cũng như với thành viên của nó rất khác nhau. Một số Tổng thống chỉ triệu tập Nội các khi thấy có vấn đề chính thức và thường nhật nhất, trong khi những Tổng thống khác lại dựa vào nó để tìm kiếm sự ủng hộ và góp ý kiến. Quyền hành pháp dành riêng cho Tổng thống nên Nội các chỉ chịu trách nhiệm trước Tổng thống. Thành viên nội các bao gồm các bộ trưởng (mỗi bộ trưởng phụ trách một vài ngành; tổng số bộ trưởng tăng từ 3 người năm 1789 lên 16 người hiện nay). Một phần quan trọng của nhánh hành pháp không có đại diện trong Nội các này. Từ những ngày đầu, các Tổng thống đã thoả thuận để một số nhân vật có quyền được ưu tiên hiện diện và tham dự vào những cuộc họp Nội các. Trong thời gian gần đây, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách cùng một số người khác cũng được Tổng thống chấp thuận là thành viên Nội các. Văn phòng Điều hành của Tổng thống (Executive Office of the President) là thiết chế bao gồm những quan chức hàng đầu của Tổng thống có nhiệm vụ hỗ trợ, cố vấn Tổng thống trong công việc và hoạt động. Văn phòng này được Tổng thống F. D. Roosevelt thành lập từ năm 1939 theo Đạo luật

Tái tổ chức, ban đầu chỉ có 6 trợ lý cao cấp. Nó nhanh chóng lớn mạnh, phát triển cả về quy mô lẫn chức năng, trở thành công cụ trợ giúp đắc lực và quan trọng nhất cho Tổng thống. Hiện nay, Văn phòng Điều hành của Tổng thống có biên chế khoảng 1600 người với hàng chục cơ quan đặc biệt như: Văn phòng Nhà Trắng, Hội đồng An ninh quốc gia, Văn phòng Quản lý và Ngân sách, Hội đồng Các cố vấn kinh tế, Hội đồng Chính sách đối nội, Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Kinh tế quốc gia, Văn phòng Đại diện đặc biệt về Đàm phán thương mại...

2. Quốc hội

Là một tập thể nắm giữ quyền lập pháp, làm việc và biểu quyết theo nguyên tắc đa số, Quốc hội Mỹ (Congress) gồm 2 Viện: Thượng Nghị viện (Senate) và Hạ Nghị viện (House of Representatives), mỗi Viện lại gồm nhiều uỷ ban, tiểu ban phụ trách những vấn đề khác nhau. Ngoài lập pháp, Quốc hội còn có chức năng giám sát việc thi hành pháp luật, phục vụ cử tri, đại diện cho các lợi ích khác nhau, giải quyết mâu thuẫn xã hội, kiềm chế quyền lực, giáo dục công chúng và được trang bị quyền hành rộng rãi trong những lĩnh vực này. Thượng (Nghị) viện gồm các thượng nghị sĩ (mỗi bang 2 người) với nhiệm kỳ 6 năm nhưng cứ 2 năm thì bầu lại 1/3 tổng số thượng nghị sĩ. Từ năm 1913 trở về trước, thượng nghị sĩ do nghị viện bang tuyển lựa; sau năm 1913, mới do cử tri cả bang trực tiếp bầu lên (theo Điều bổ sung thứ XVII của Hiến pháp 1787). Tuy quy mô nhỏ hơn, nhưng Thượng viện lại có quyền lực rộng hơn Hạ viện. Hạ (Nghị) viện gồm các hạ nghị sĩ do cử tri trực tiếp bầu ra theo khu vực lãnh thổ, với nhiệm kỳ 2 năm. Hiến pháp 1787 quy định mỗi bang đều phải có hạ nghị sĩ và cứ 30.000 dân thì được có 1 hạ nghị sĩ, nhưng tỷ lệ này ngày càng không thích hợp do dân số tăng quá nhanh. Từ năm 1929, Đạo luật Phân bổ đã ấn định tổng số hạ nghị sĩ chính thức là 435 người và sau mỗi cuộc điều tra dân số quốc gia (định kỳ 10 năm một lần), Quốc hội sẽ chỉ định số lượng hạ nghị sĩ thích hợp cho từng bang.

Ngoài ra, trong Hạ viện, còn có 1 uỷ viên thường trực đại diện cho Puerto Rico (được bầu theo nhiệm kỳ 4 năm, từ năm 1946) và 4 đại biểu (được bầu theo nhiệm kỳ 2 năm) đại diện cho Quận Columbia (từ năm 1971), Guam (1973), Quần đảo Virgin (1973) và Samoa thuộc Mỹ (1981). Cả 5 thành viên này đều có thể hoạt động trong các uỷ ban và họ có thẩm quyền như các uỷ viên. Họ cũng có thể tham gia vào những cuộc tranh luận của Hạ viện nhưng không được phép bỏ phiếu, biểu quyết.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top