Tình yêu quê hương đất nước trong thơ ca kháng chiến chống Pháp

Khởi Nghiệp

Moderator
Thành viên BQT
Xu
0
Tình yêu quê hương trong thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp đã trở thành chủ đề lớn nhất và ở mỗi tác giả lại thể hiện tình yêu quê hương theo một phong cách riêng.

Ở bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng là cái chất bi tráng của một hồn thơ mãnh liệt thường dạt về hai cực, rất lãng mạn và cũng rất hiện thực. Còn ở bài “Bên kia sông Đuống”, tình yêu quê hương đât nước lại thể hiện thông qua chất văn học dân gian xứ Kinh Bắc. Riêng ở bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu, tình yêu quê hương đất nước lại được thể hiện thông qua màu sắc sử thi với nhiệt tình công dân. Tố Hữu có xu hướng tái hiện cuộc kháng chiến trong một quy mô rộng lớn giàu màu sắc quê hương.




TÂY TIẾN

Quang Dũng


Nhà thơ Quang Dũng tên khai sinh là Bùi Đình Diệm ( tức Dậu), sinh năm 1921 tại Phượng Trì ( Phùng), huyện Đan Phượng, Hà Tây ( nay thuộc Hà Nội). Ông mất ngày 13/10/ 1998 Tại Hà Nội.

Quang Dũng là một nghệ sĩ tài hoa nhiều mặt: viết văn xuôi, làm thơ và cả hội họa. Thơ ông viết ít nhưng lưu được ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc vì vẻ đẹp lãng mạn, tài hoa. Viết về đề tài người lính, Quang Dũng khá thành công ở bài thơ “Tây Tiến”


quangdung1.JPG


( Nhà thơ Quang Dũng- Nguồn: vietbao.vn)


“Tây Tiến” là một bài thơ xuất sắc, có thể xem là một kiệt tác của Quang Dũng, xuất hiện ngay trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ có hai đặc điểm nổi bật: cảm hứng lãng mạn và tính chất bi tráng.

“Tây Tiến”thể hiện lối cảm nghĩ riêng đó chính là tấm lòng Quang Dũng đối với một thời lịch sử đã qua. Cả bài thơ là nỗi nhớ dài, nhớ những miền đất mà tác giả từng qua, nhớ những đồng đội thân yêu, nhớ những kỉ niệm ấm áp tình quân dân kháng chiến.


Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.


Phù Lưu Chanh, 1948

( Mây đầu ô, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1986)

 
BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG

Hoàng Cầm


Hoàng Cầm tên khai sinh là Bùi Tằng Việt, quê ở thôn Lạc Thổ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ( ở “bên kia”, tức hữu ngạn sông Đuống). Ông sinh năm 1922 trong một gia đình nhà nho nghèo và sống trong không khí dân ca- đặc biệt là dân ca quan họ. Từ nhỏ, ông đã có năng khiếu làm thơ và ngâm thơ rất sớm.Ông mất ngày 06 / 05/2010 tại Hà Nội.

Hoàng Cầm được biết đến trong nhiều lĩnh vực, nhưng nổi tiếng nhất là thơ ca. Những tác phẩm chính trong sự nghiệp sáng tác của ông gồm “ Kiều Loan” ( kịch thơ,1942), “ Hận Nam Quan” (kịch thơ,1944), “Tiếng hát Trương Chi”( kịch thơ, 1957), “ Về Kinh Bắc”(thơ, 1994), “Men đá vàng”(truyện thơ, 1989), “Mưa Thuận Thành”(thơ, 1991),“Lá Diêu Bông”(thơ, 1993), “Tiếng hát quan họ(thơ, 1956)và tập “ Văn xuôi Hoàng Cầm” (1999).

Là người sinh ra và lớn lên ở Thuận Thành- Bắc Ninh nên thơ của Hoàng Cầm chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa dân gian xứ Kinh Bắc với những lễ hội, những dân ca quan họ,những tranh Đông Hồ.

Nhắc đến Hoàng Cầm, chúng ta không thể không nhắc đến bài thơ bất hủ của ông về dòng sông Đuống thơ mộng. Bài thơ “ Bên kia sông Đuống” ra đời năm 1948 và đăng lần đầu tiên trên Báo Cứu quốc tháng 6 năm 1948. Nó được phổ biến nhanh chóng từ Việt Bắc tới khu III, khu IV, vào miền Nam và ra tận Côn Đảo.

Bài thơ là những xúc động rất chân thành của nhà thơ đối với quê hương mình. Hoàng Cầm vọng về “Bên kia sông Đuống”nơi quê hương ông, trong lòng trào lên hai thứ cảm xúc đan xen vào nhau. Ông vừa bồi hồi thiết tha nhớ lại những kỉ niệm đẹp về quê hương,lại vừa thấy xót xa căm giận khi tưởng tượng ra những tội ác mà kẻ thù đang reo rắc trên quê hương.


Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì


Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ

Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay


Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn

Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu

Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu

Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu


Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu
Bây giờ đi đâu về đâu


quangdung2.JPG


(Nhà thơ Hoàng Cầm bên dòng sông Đuống thơ mộng- Nguồn:www.thuanthanh.gov.vn)


Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Trầm Chỉ người dăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa màu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đâu về đâu

Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy dầm hoen sương sớm
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc
Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông

Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ

Bên kia sông Đuống
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Đêm líu díu chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quây tròn
Tưởng làm tổ ấm
Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc dày vò những nét môi xinh

Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết nguôi hờn

Đêm buông xuống dòng sông Đuống
- Con là ai ? - Con ở đâu về ?

Hé một cánh liếp
- Con vào đây bốn phía tường che
Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
Khuôn mặt bừng lên như dựng trăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời không nói năng


Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe, giặc mất hồn
Ăn không ngon
Ngủ không yên
Đứng không vững
Chúng mày phát điên
Quay cuồng như xéo trên đống lửa
Mà cánh đồng ta còn chan chứa
Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân

Gió đưa tiếng hát về gần
Thợ cấy đánh giặc, dân quân cày bừa
Tiếng bà ru cháu xế trưa
Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu:
“À ơi… cha con chết trận từ lâu
Con càng khôn lớn càng sâu mối thù”
Tiếng em cắt cỏ trại tù
Căm căm gió rét, mịt mù mưa bay:
“Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu…”

Em ơi! Đừng hát nữa! Lòng anh đau
Mẹ ơi! Đừng khóc nữa! Dạ con sầu
Cánh đồng im phăng phắc
Để con đi giết giặc
Lấy máu nó rửa thù này
Lấy súng nó cầm chắc tay
Mỗi đêm một lần mở hội
Trong lòng con chim múa hoa cười


Vì nắng sắp lên rồi
Chân trời đã tỏ
Sông Đuống cuồn cuộn trôi
Để nó cuốn phăng ra bể
Bao nhiêu đồn giặc tơi bời
Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu mồ hôi
Bao nhiêu bóng tối
Bao nhiêu nỗi đời…


Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.

(Việt Bắc, tháng 4-1948)
 
VIỆT BẮC

Tố Hữu

(1920-2002)

Nhà thơ Tố Hữu, tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4/10/1920 tại làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, là một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ ca Cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp thơ ca của ông đã được khẳng định qua các giải thưởng cao quý như: Giải nhất giải thưởng Văn học Hội Văn nghệ Việt Nam (1954 – 1955) cho tập thơ “Việt Bắc”; Giải thưởng Văn học ASEAN của Thái Lan năm 1996 cho tập thơ “Một tiếng đờn”; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt I, 1996). Ông cũng là người có nhiều thơ được sử dụng giảng dạy trong nhà trường, từ bậc học phổ thông đến đại học.


quangdung3.JPG


(Nhà thơ Tố Hữu- Nguồn:www.vanvn.net)


“ Từ ấy”(1937-1946) là tập thơ đầu tay bao gồm ba phần: Máu lửa,xiềng xích và giải phóng. Bên cạnh đó,, ông còn có các tập thơ “ Việt Bắc” (1946-1954), “ Gió lộng” (1955-1961), “Ra trận” (1962-1971). Mỗi tập thơ của Tỗ Hữu đều gắn kiền với mỗi giai đoạn cách mạng. Ngoài bốn tập thơ nói trên, Tố Hữu còn có tập “ Máu và hoa” và một loạt những bản trường ca.

“ Việt Bắc” là bản hùng ca của cuộc kháng chiến chống Pháp, phản ánh những chặng đường gian lao, anh dũng và những bước đi lên của cuộc kháng chiến cho đến ngày thắng lợi. Tập thơ kết tinh những tình cảm lớn của con người Việt Nam kháng chiến mà thống nhất và bao trùm là tình yêu nước. Tình cảm ấy thấm sâu vào mọi bình diện và mọi quan hệ trong đời sống, được biểu hiện trong nhiều trạng thái phong phú, đa dạng: Tình quân dân “cá nước”, nghĩa tình hậu phương với tiền tuyến, miền ngược với miền xuôi, nghĩa tình gắn bó người cán bộ với quần chúng, lòng kính yêu của nhân dân với lãnh tụ, tình cảm ấy chi phối cả cái nhìn và cảm xúc về thiên nhiên đất nước với ý thức tự hào của con người làm chủ.

Tập thơ “ Việt Bắc” là một đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là một tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp.


-Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

- Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già.
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?

- Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…


Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia sông Ðáy, suối Lê vơi đầy.
Ta đi, ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…


Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô.
Nhớ sao lớp học i tờ
Ðồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù.
Mênh mông bốn mặt sương mù
Ðất trời ta cả chiến khu một lòng.

Ai về ai có nhớ không?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
Nhớ từ Cao-Lạng nhớ sang Nhị Hà…


Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về
Vui từ Ðồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

Ai về ai có nhớ không?
Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang.
Nắng trưa rực rỡ sao vàng
Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công
Ðiều quân chiến dịch thu đông
Nông thôn phát động, giao thông mở đường
Giữ đê, phòng hạn, thu lương
Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu…

Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi
Ở đâu đau đớn giống nòi
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.
Mười lăm năm ấy, ai quên
Quê hương Cách mạng dựng nên Cộng hòa.
Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào.

- Nước trôi nước có về nguồn
Mây đi mây có cùng non trở về?
Mình về, ta gửi về quê
Thuyền nâu trâu mộng với bè nứa mai
Nâu này nhuộm áo không phai
Cho lòng thêm đậm cho ai nhớ mình
Trâu về, xanh lại Thái Bình
Nứa mai gài chặt mối tình ngược xuôi.

- Nước trôi, lòng suối chẳng trôi
Mây đi mây vẫn nhớ hồi về non
Ðá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Chàm nâu thêm đậm, phấn son chẳng nhòa.
Nứa mai mình gửi quê nhà
Nước non đâu cũng là ta với mình
Thái Bình đồng lại tươi xanh
Phên nhà lại ấm, mái đình lại vui…

- Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?
Phố đông, còn nhớ bản làng
Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?
Mình đi, ta hỏi thăm chừng
Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?

- Ðường về, đây đó gần thôi!
Hôm nay rời bản về nơi thị thành
Nhà cao chẳng khuất non xanh
Phố đông, càng giục chân nhanh bước đường.
Ngày mai về lại thôn hương
Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về
Ngày mai rộn rã sơn khê
Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng.
Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng
Phố phường như nấm như măng giữa trời
Mái trường ngói mới đỏ tươi.
Chợ vui trăm nẻo về khơi luồng hàng
Muối Thái Bình ngược Hà Giang
Cày bừa Ðông Xuất, mía đường tỉnh Thanh
Ai về mua vại Hương Canh
Ai lên mình gửi cho anh với nàng
Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Ðịnh, lụa hàng Hà Ðông
Áo em thêu chỉ biếc hồng
Mùa xuân ngày hội lùng tùng thêm tươi
Còn non, còn nước, còn trời
Bác Hồ thêm khỏe, cuộc đời càng vui!

- Mình về với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người
Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường!
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người…

- Lòng ta ơn Ðảng đời đời
Ngược xuôi đôi mặt một lời song song.
Ngàn năm xưa nước non Hồng
Còn đây ơn Ðảng nối dòng dài lâu
Ngàn năm non nước mai sau
Ðời đời ơn Ðảng càng sâu càng nồng.

Cầm tay nhau hát vui chung
Hôm sau mình nhé, hát cùng Thủ đô.


Những sáng tác bất hủ của nền văn học trung đại hầu như không viết về bất kì một vấn đề nào khác mà chủ yếu thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Từ bài thơ Thần của Lí Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Cáo bình ngô” của Nguyễn Trãi, cho đến sau này, với những vần thơ yêu nước của cụ Đồ Chiểu, những câu thơ dậy sóng của Phan Bội Châu, thơ ca cách mạng đã kế thừa truyền thống ấy tạo nên một nội dung chủ đạo xuyên suốt thơ ca cách mạng truyền thống nói chung và kháng chiến chống Pháp nói riêng.


Tổng hợp
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top