An Nhiên^^
Moderator
- Xu
- 0
Tính tập thể và tính vô danh của văn học dân gian
Tính tập thể của văn học dân gian “biểu hiện mối quan hệ phụ thuộc của văn học dân gian vào môi trường sinh hoạt”
Tính tập thể biểu hiện ở quan niệm thẩm mĩ, ở quá trình sáng tác và lưu truyền văn học dân gian.
Về phương diện sáng tác, mỗi tác phẩm văn học dân gian là sự gia công của nhiều người, qua nhiều thế hệ khác nhau. Tuy nhiên, sáng tác tập thể ở đây không đối lập với vai trò cá nhân. Những bộ sử thi lớn của thế giới như Iliát và Ôđixê, Ramayana, Mahabrata… thường là kết quả của nhiều người sáng tác, nhiều thế hệ, nhiều vùng quê khác nhau, trong đó, có cả những nhà Nho.
Sở dĩ sáng tác của một hay nhiều người trở thành tài sản chung của tập thể, của một vùng, một quốc gia, thậm chí của thế giới là vì sáng tác đó phù hợp với tâm lý tập thể. Tập thể ngầm quy ước những nguyên tắc sáng tác nhất định: thứ nhất, tác phẩm phải phù hợp với tâm tư nguyện vọng của quần chúng; thứ hai, tác phẩm phải có cách nói phù hợp với cách nói của tập thể: giản dị, mộc mạc, hồn nhiên để cho nhiều người cùng tiếp nhận.
Tâm tư tình cảm, khát vọng của quần chúng cũng mang tính lịch sử, xã hội nhất định. Thời kì nguyên thủy khi con người dần tách khỏi cuộc sống hoang dã, bắt đầu phân biệt mình với muôn loài thì khát vọng của con người là khám phá thế giới tự nhiên kì bí. Những vị thần như: thần mưa, thần sấm, thần chớp… là kết quả của trí tưởng tượng và khao khát hiểu biết thế giới xung quanh của con người.
Cơ sở của tâm lí là Tính tập thể của những hoạt động sản xuất, hoạt động xã hội của con người trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử nhân loại.
Mối quan hệ biện chứng giữa các cá nhân với tập thể và sức mạnh của tâm lí tập thể đã tạo nên Tính tập thể của văn học dân gian. Chính Tính tập thể đã chi phối tính truyền miệng.
+ Tính vô danh là hệ quả của tính truyền miệng và Tính tập thể. Tính truyền miệng tạo điều kiện cho Tính tập thể nảy sinh. Mỗi tác phẩm dân gian trải qua nhiều người lưu truyền, trong quá trình đó, tác phẩm được sáng tác lại, vai trò của tập thể là rất lớn. Vai trò cá nhân chỉ là một yếu tố tạo thành tác phẩm dân gian. Dần dần người ta không còn quan tâm đến ai sáng tác ban đầu, ai sáng tác tiếp theo.
+ Tính vô danh khác với khuyết danh. Khuyết danh là vốn nó có tên tác giả nhưng bị thất truyền. Tuy nhiên, ranh giới vô danh và có danh không phải bao giờ cũng rõ ràng. Có các cuộc đối đáp nam – nữ còn lưu lại tên các nghệ nhân. Đó là trường hợ Nhẫn và anh Kỷ ở Hà Tĩnh trong một lần hát ví, anh Kỷ hát: Nước lên nhân nhẫn bờ rào/ Người ta sang cả, em cầm sào đợi ai? Cô Nhẫn đáp lại: Nước lên nhân nhẫn bờ rào/ Em còn đợi người tri kỉ cầm sào cho em sang?
+ Ngược lại, có tác phẩm của văn học viết, mà tác giả của nó đã bị vô danh hóa, không còn ai để ý nữa, nó mặc nhiên gia nhập vào kho tàng ca dao. Đó là trường hợp bài “Anh đi anh nhớ quê nhà…” vốn là của tác giả Á Nam Trần Tuấn Khải. Vai trò của các nhà nho trong việc đặt lời, sáng tác lời cho các cuộc hát giao duyên là rất quan trọng. Như vậy, có mối quan hệ biện chứng giữa hiện tượng có danh trong sáng tác dân gian và quá trình vô danh hóa các sáng tác có danh trong văn học dân gian.
+ Tính vô danh có vai trò thúc đẩy Tính tập thể phát triển mặc cho nó chính là kết quả của Tính tập thể. Vì văn học dân gian là những tác phẩm không tên, không chủ sở hữu, không bản quyền nên mọi người đều có quyền sử dụng, lưu hành, sửa chữa, thêm bớt sao cho mình cảm thấy hay nhất, nhờ đó Tính tập thể được duy trì. Tuy nhiên,
Vì không mang tên ai, không bản quyền nên chắc chắn sẽ xuất hiện những người tham gia sáng tác mà không chịu trách nhiệm về những sáng tác của mình, từ đó chất lượng tác phẩm không cao, thậm chí là lỗi thời, vô giá trị hoặc phản động. Cũng có người lợi dụng tính truyền miệng để lưu truyền những thông tin không chính xác, song, theo quy tắc chọn lọc tự nhiên, chúng cũng sẽ nhanh chóng bị đào thải khỏi nhân dân, bởi sự tỉnh táo của người dân lao động, tức điều gì vô nghĩa sẽ nhanh chóng bị lãng quên.
Ths. Đàm Nghĩa Hiếu