TÍNH PHI VẬT THỂ CỦA HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT NGÔN TỪ
Bố cục bài thảo luận sẽ trình bày các vấn đề như sau:
I. Tìm hiểu chung về phi vật thể của nghệ thuật hình tượng ngôn từ
II. Các đặc trưng của tính phi vật thể của hình tượng nghệ thuật ngôn từ
III. Sự chi phối của tính phi vật chất với đời sống văn học
IV. Ưu điểm và hạn chế của tính phi vật thể của hình tượng nghệ thuật ngôn từ
MỞ ĐẦU
Đặc trưng của mỗi loại hình nghệ thuật, xét cho cùng, đều bắt nguồn từ phương tiện nghệ thuật, hay ngôn ngữ nghệ thuật mà nó sở hữu. Hội họa “nói” bằng đường nét , bằng màu sắc; âm nhạc “nói” bằng âm thanh và tiết tấu; vũ đạo “nói” bằng hình thể và động tác tay, chân; sân khấu “nói” bằng diễn xuất và lời thoại của diễn viên... Các phương tiện để này khác biệt nhau về tính chất, công năng và hiệu quả. Trong “đại gia đình” nghệ thuật, không có một loại hình nào hoàn toàn sử dụng cùng ngôn ngữ với loại hình khác, cho nên mới “mỗi người một vẻ” hoàn toàn khác nhau. Trong tác phẩm văn học, ngôn từ là phương tiện để cụ thể hóa, vật chất hóa chủ đề, tư tưởng tác phẩm. Nguyễn Tuân đã định nghĩa về nghề văn: “Nghề văn là nghề của chữ- chữ với tất cả mọi nghĩa mà mỗi chữ phải có được trong một câu, nhiều câu. Nó là cái nghề dùng chữ sinh sự để sự sinh”. Bàn về ngôn từ trong văn học, M.Gorki cho rằng: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”.
Tính độc đáo của các loại hình tượng nghệ thuật là do tính chất, đặc trưng của chất liệu đã cấu tạo nên hình tượng nghệ thuật của chúng. Các nghệ sĩ đã tìm thấy khả năng nghệ thuật ở trong từng loại chất liệu nhất định. Hình tượng nghệ thuật ngôn từ có 6 đặc trưng cơ bản, mỗi đặc trưng đều góp phần thể hiện hình tượng văn học một cách độc đáo:
1. Tính hình tượng
2. Tính thẩm mĩ
3. Tính hàm súc
4. Tính biểu cảm
5. Tính phi vật thể
6. Tính dân tộc và thời đại
NỘI DUNG
I. Tìm hiểu chung về tính phi vật thể của hình tượng nghệ thuật ngôn từ
1. Khái niệm phi vật thể
Phi vật thể có nghĩa là không tồn tại ở vật chất hữu hình khiến cho con người không thể nhìn thấy được bằng mắt, không cầm nắm được mà chỉ cảm nhận bằng các giác quan khác.
2.Tính phi vật thể của hình tượng nghệ thuật ngôn từ
Chất liệu ngôn từ của hình tượng văn chương khác xa với chất liệu của các ngành nghệ thuật khác. Đây là một dạng chất liệu đặc biệt, bởi nó mang tính phi vật chất, trong khi chất liệu của mọi nghệ thuật khác, dù là đường nét, âm thanh, màu sắc, tiết tấu, hay diễn xuất... cũng đều là những dạng thức của vật chất, có thể nghe được, nhìn được bằng tai và mắt- hai bộ phận để cảm nhận, thưởng thức nghệ thuật trên cơ thể con người. Chất liệu của văn chương thì khác, dù có thể nghe đọc, nghe kể, hay nhìn vào trang sách, song đó không phải là nghe, nhìn trực tiếp. Không có một hình ảnh, âm thanh trực quan nào hiện lên cả, mà chỉ có những kí hiệu, để rồi từ kí hiệu đó, những hình ảnh, âm thanh mới được liên hệ, tưởng tượng, hiện dần lên trong đầu người đọc, người nghe.
Từ đó có thể rút ra cách hiểu: Tính phi vật thể của hình tượng nghệ thuật ngôn từ là một dạng tồn tại (hay thể hiện) của văn học không phải dưới dạng vật thể có hình khối tồn tại khách quan trong không gian và thời gian, mà nó thường tiềm ẩn trong trí nhớ, tư tưởng và tình cảm của người đọc (nghe), khiến người ta nhận biết được sự tồn tại của nó.
II. Các đặc trưng của tính phi vật thể của hình tượng nghệ thuật ngôn từ
1. Hình tượng ngôn từ thiếu tính trực quan
Các ngành nghệ thuật tạo hình, âm nhạc, vũ đạo, hình tượng của nó được xây dựng bằng chất liệu vật chất cụ thể của tự nhiên: gỗ, đá, kim loại, sơn màu, thân thể con người v.v… Từ những vật liệu có tính chất vật thể đó, hình tượng các loại hình nghệ thuật được xây dựng nên đều mang tính hữu hình trực tiếp, tính xác thực, tính trực quan. Các hình tượng hữu hình vật thể này có khả năng tác động trực tiếp vào giác quan, gây nên những ấn tượng, cảm xúc thị giác mạnh mẽ.
Ðược xây dựng từ chất liệu ngôn từ, hình tượng văn chương không tác động trực tiếp vào các giác quan của chúng ta, dù là thị giác hay thính giác. Các hình tượng văn chương hiện lên trong óc người thưởng thức bằng trí tưởng tượng. Người đọc phá vỡ ý nghĩa các từ, câu để liên tưởng với các biểu tượng về đối tượng được miêu tả, nhờ vào trí tưởng tượng mà người đọc dường như tái tạo đối tượng miêu tả mà văn bản chỉ ra. Như thế chúng ta không sờ thấy, nghe thấy, nhìn thấy trực tiếp tượng văn chương. Các hình tượng văn chương thiếu tính trực quan, chúng phi vật thể.
2. Hình tượng nghệ thuật ngôn từ tác động tới mọi giác quan của độc giả
Nếu như các ngành nghệ thuật khác, hình tượng của nó chỉ có thể cảm thụ bằng 2 giác quan là thị giác và thính giác, thì hình tượng phi vật thể của văn chương lại có năng tác động tới người đọc không chỉ ở cơ quan thị giác mà cả thính giác, vị giác và khứu giác. Ðộc giả dường như phải vận dụng mọi cơ quan cảm giác để tiếp nhận hình tượng văn chương.
Những câu thơ sau đây ta phải dùng thị giác để tiếp nhận màu sắc, hình khối của hiện thực:
- Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
- Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.
- Dưới trăng quyên đã gọi hè
Ðầu tường lửa lựu lập lòe dăm bông.
Những câu thơ sau đây ta phải dùng thính giác để tiếp nhận âm thanh cuộc sống.
- Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới xa nửa vời
- Sóng sầm sịch lưng chừng ngoài biển bắc
Giọt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên
- Ðùng đùng gió dục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay
Hình tượng ngôn từ còn đem đến cho con người cả hương vị cuộc sống.
-Em ạ! Cu_ba ngọt lịm đường
Mía xanh đồng bãi, biếc đồi nương
Cam ngon, xoài ngọt vàng nông trại
Ong lạc đường hoa rộn bốn phương
- Thoảng mùi hoa thiên lí ngõ nhà ai
Một tiếng chim khuya gọi mùa vải đỏ.
- Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Hình tượng văn chương còn đem đến cho con người những cảm giác khác:
- Cảm giác về sự đau đớn:
Cháu buốt ở trong tim này
Nơi tang đeo suốt đêm ngày Bác ơi.
- Cảm giác về buồn chán:
Ðêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn.
Tính hơn hẳn của nghệ thuật ngôn từ không chỉ ở chỗ nó tác động tới nhiều cơ quan cảm giác của người đọc mà còn ở chỗ tác động tới trí tưởng tượng trí tuệ. Thực sự thì nghệ thuật ngôn từ không lấy mục đích tối thượng là khắc họa bản thân các thuộc tính của sự vật để có thể cảm nhận bằng giác quan của người đọc, mà nó lấy việc khắc họa những phản ứng của ý thức con người trước hiện thực làm quan trọng.
3.Tính chủ quan, cá biệt của hình tượng văn chương
Hình tượng nghệ thuật văn chương là phi vật thể nó lại lấy việc khắc họa tâm trạng, thể hiện các mối quan hệ, các phản ứng của ý thức con người- là những cái vô hình - làm chủ yếu, chứ không lấy sự liệt kê các chi tiết có thể thụ cảm bằng thị giác làm cứu cánh. Do đó, trong các liên tưởng ở người đọc do hình tượng ngôn từ gợi nên có tính chủ quan cá biệt.
Ví dụ như ngoại hình nhân vật, phong cảnh thiên nhiên của hình tượng văn chương, biểu tượng của chúng xuất hiện rất khác nhau ở người đọc, khác với biểu tượng xuất hiện của người xem tranh, xem kịch hay xem chiếu bóng.
Trong các người đọc khác nhau sẽ xuất hiện những biểu tượng khác nhau về cùng một nhân vật văn chương. Tố Hữu xem Kiều là con người đáng thương:
- Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều
- Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều
Còn Nguyễn Công Trứ xem Kiều là người con gái đáng trách:
Ðoạn trường cho đáng kiếp tà dâm
Bán mình trong bấy nhiêu năm
Dễ đem chữ hiếu mà lầm được ai.
Không nắm được đặc điểm bản chất này của văn chương, nên có người đã muốn cụ thể hóa các hiện tượng nghệ thuật văn chương bằng bàn tay các họa sĩ. Có thầy giáo làm phương tiện trực quan để phục vụ giảng văn bài “Tùng” của Nguyễn Trãi bằng cách thuê họa sĩ vẽ một bức tranh về cây tùng. Cái sai lầm trước hết là biểu tượng về cây tùng xuất hiện trong bài thơ và trong suy nghĩ ông họa sĩ kia là khác nhau. Hơn nữa, Nguyễn Trãi ca ngợi cây tùng chủ yếu là cốt cách, phẩm chất bằng nét vẽ. Mặt khác, thực sự tùng này không phải là hình ảnh chụp lại một cây tùng nào thật ngoài đời. cây Tùng ở đây là con người. Nó mang tính tượng trưng và ước lệ cao.
Chính do đặc điểm này của hình tượng văn chương mà người ta xem bạn đọc là một khâu trong quá trình sáng tạo. Việc sáng tác một hình tượng nghệ thuật kết thúc không phải ở trong các trang tác phẩm mà ở chỗ khi nó đã nằm trọn trong tâm trí bạn đọc.
4. Không gian và thời gian trong hình tượng văn chương
Chất liệu ngôn từ của hình tượng văn chương và tính phi vật thể đã làm cho tính chất không gian và thời gian của hình tượng văn chương có đặc trưng riêng.
a. Tính chất thời gian của nghệ thuật ngôn từ
Đặc trưng chất liệu ngôn từ đã qui định tính chất thời gian của hình tượng văn chương. Lời nói là âm thanh được phát ra từng tiếng lần lượt theo thời gian. Hình tượng văn chương có khả năng to lớn trong việc chiếm lĩnh đối tượng mà các bộ phận của nó xuất hiện theo thời gian. Văn chương chủ yếu tái hiện các quá trình đời sống, các sự vật và hiện tượng nối tiếp nhau trong thời gian.
Trong văn chương, thời gian được thể hiện uyển chuyển, biến hóa khôn lường nhà văn có thể ép mỏng lại hoặc kéo căng thời gian ra tùy theo yêu cầu nghệ thuật nhất định. Thời gian trong văn chương không nhất thiết được thể hiện đúng như thật, trực tiếp như thời gian trên sâu khấu là trùng khít với thời gian được miêu tả. Trong văn chương thời gian nhiều khi chỉ là khoảng khắc nhưng được nhà văn đặc tả tỉ mỉ và có thể có cả lời bình phẩm kéo dài hàng trang sách. Như vậy ở đây thời gian cần để miêu tả nhiều gấp mấy lần thời gian được miêu tả.
Các tác phẩm văn chương có thể mô tả đối tượng chiếm một khoảng khắc thời gian, cũng có thể mô tả đối tượng diễn ra hàng thế kỷ.
Bài thơ vịnh pháo sau đây, thời gian thực tế chỉ là tích tắc:
Pháo mới kêu to một tiếng đùng
Hỡi ơi xác pháo đã tan không
Tiếc thay thân pháo không còn nữa
Nhưng đã tan ra vạn sắc hồng.
Nhưng bộ sử thi Chiến tranh và hòa bình của L.Tolstoi là cả một gian đoạn lịch sử dài một thế kỉ.
Về mặt nhịp độ, thời gian trong văn chương có thể trôi nhanh hay chậm; đều đặn êm đềm hay biến động căng thẳng. Mối quan hệ thời gian giữa quá khứ, hiện tại và tương lai trong văn chương có thể rất gần nhau nhưng cũng có thể rất xa nhau. liên hệ thời gian ở Viếng bạn của Hoàng Lộc rất gần nhau:
Hôm qua, hôm nay và mai mốt
Hôm qua còn theo anh
Ði ra đường quốc lộ
Sáng nay đã chặt cành
Ðắp cho người dưới mộ
.....................................
Mai mốt bên cửa rừng
Anh có nghe súng nổ
là chúng tôi đang cố
Tiêu diệt kẻ thù chung
Ở bài Quê hương của Giang Nam mối liên hệ thời gian khá xa - từ thuở còn thơ đến cách mạng bùng lên, kháng chiến trường kỳ và hòa bình trở lại.
Thời gian trong văn chương có thể diễn ra cùng chiều với thời gian tự nhiên ngoài đời; cũng có thể có sự ngược lại từ tương lai rồi trở về quá khứ hoặc xen kẽ giữa quá khứ, hiện tại.
-> Khả năng nghệ thuật thời gian nghệ thuật của văn chương rất lớn nó chẳng những hơn hẳn sân khấu mà còn hơn hẳn điện ảnh, truyền hình.
b. Tính không gian của nghệ thuật ngôn từ
Không gian nghệ thuật của văn chương là có tính đặc thù. Tính đặc thù này cũng là do đặc thù chất liệu xây dựng hình tượng - ngôn từ, quy định. Không gian trong văn chương có thể rất hẹp cũng có thể rất rộng: một sự vật, một con người, một căn phòng v.v... và có thể là một công trường, một chiến trường. Nói chung, không gian trong văn chương không bị một hạn chế nào. Có họa sĩ nào có thể vẽ được không gian của Tây du kí, Tam quốc chí hay Chiến tranh và Hòa bình.
Không gian trong văn chương được di chuyển rất dễ dàng. Ðang ở không gian này người đọc có thể được đưa sang một không gian khác một cách dễ dàng và bất kỳ ở đâu. Sự thay đổi không gian trong văn chương cũng không bị hạn chế. Khả năng bao quát của không gian trong văn chương là vô cùng. Không một bức tranh nào so sánh nổi khả năng này của văn chương.
Có một không gian nghệ thuật của văn chương mà các nghệ thuật khác khó lòng với tới. Ðó là không gian tâm tưởng (thế giới nội tâm - suy tư và mơ ước của con người). Chỉ có văn chương mới có thể khắc họa được tinh tế và sâu sắc thế giới nội tâm, suy tư của hình tượng.
Không gian và thời gian của văn chương là không gian và thời gian nghệ thuật - nó vừa là sự phản ánh không gian và thời gian hiện thực nhưng vừa mang ý nghĩa khái quát. Nhưng đồng thời không gian và thời gian trong văn chương nhiều khi mang ý nghĩa tượng trưng.
5. Khả năng phản ánh ngôn ngữ và tư duy của hình tượng văn chương
a. Khả năng phản ánh ngôn ngữ
Lời nói trong văn chương nghệ thuật không chỉ như một phương tiện vật liệu để xây dựng hình tượng mà nó còn là đối tượng miêu tả của văn chương. Ðó chính là tính song bình diện độc đáo của hình tượng ngôn từ. Một mặt, nhờ có ngôn từ nghệ thuật mà các phương diện khác nhau của hiện thực ngoài lời nói được tái hiện. Mặt khác, ngôn từ nghệ thuật còn tái hiện cụ thể mọi mặt của hoạt động lời nói của con người (lời nói ở đây với tư cách là đối tượng miêu tả).
Trong tác phẩm văn chương không có lời nói vô chủ - bất kỳ lời nói nào cũng phát ra từ cửa miệng của một người nào đó nhất định. Do đó, con người ở trong văn chương xuất hiện với tư cách là con người mang lời nói, con người biết nói năng.
Các nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc là nghệ thuật tĩnh không những hình tượng của nó không cử động mà còn là những hình tượng im lặng - không có lời nói. Âm nhạc, nghệ thuật của âm thanh, nó tác động vào tình cảm của con người nhưng nó vẫn là phạm vi không lời của hiện thực và nó cũng không nói bằng lời nói cho thính giả được.
Lời nói với tư cách là đối tượng miêu tả nó chẳng những tác động vào trí tưởng tượng của độc giả mà còn tác động vào thính giác của độc giả nữa. Lời nói là điều kiện tiên quyết để nhà văn khắc họa tính cách nhân vật, dựng lại bức tranh ngôn ngữ dân tộc, đồng thời là bằng chứng về văn hóa và văn minh của dân tộc.
b. Khả năng phản ánh tư duy
Văn chương là ngành nghệ thuật duy nhất tái tạo các quá trình tư duy của con người. Mỗi con người trong văn chương là mỗi nhà tư tưởng, họ là con người biết suy nghĩ, cảm xúc, có ý thức, tu duy. Các loại hình nghệ thuật khác biểu hiện tư tưởng của con người một cách gián tiếp, một bức tranh, bản nhạc chúng ta không tìm được những tư tưởng cụ thể mà chỉ là đoán định - ngay cả những bức tranh tượng về con người. Các nghệ thuật đó không dựng lên được con người đang tư duy. Trong văn chương, quá trình tư duy của con người được thể hiện một cách trực tiếp. Người đọc tiếp xúc trực tiếp qua các lời thoại của nhân vật hoặc lời nói thầm ... của các nhân vật.
III. Sự chi phối của tính phi vật chất với đời sống văn học
1. Tính vạn năng
Lấy ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng, văn chương có tính vạn năng trong việc phản ánh đời sống. Tính vạn năng đó, thể hiện:
- Chiều rộng của phạm vi hiện thực phản ánh: Không có giới hạn về phạm vi hiện thực trong văn chương. Bất cứ phạm vi hiện thực nào văn chương cũng có khả năng với tới.
- Chiều sâu của sự phản ánh: Tính vạn năng còn được biểu hiện ở chỗ khả năng phản ánh chiều sâu của hiện thực. Bức tranh hình tượng văn chương thực sự là bức tranh của không gian 3 chiều: cao, sâu, rộng.
- Phương diện vô hình, tâm tưởng: Tính vạn năng còn ở chỗ bất kỳ phương diện nào của hiện thực văn chương cũng có thể đạt tới. Ðặc biệt là phương diện vô hình - tâm tưởng. Những dòng suy tư của con người, một khó khăn của nghệ thuật tạo hình, thì ở văn chương là một lợi thế. Tính vạn năn của văn chương còn ở chỗ nhà văn tự do xử lí mối quan hệ thời gian thực tế trong miêu tả, có khả năng miêu tả bất cứ nội dung nào dưới hình thức nào.
b. Tính phổ thông
Chất liệu xây dựng hình tượng văn chương ngôn từ - phương tiện giao tiếp của xã hội đã làm cho văn chương có tính phổ thông.
- Về mặt sáng tác: Ðể trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp thì thật là khó, nhưng có thể nói hầu như người nào cũng có thể làm được vài câu thơ. Hơn nữa, phương tiện vật chất phục vụ cho sáng tác văn chương đơn giản nhất so với bất cứ nghệ thuật nào: giấy - viết và thậm chí có khi cũng không cần hai thứ đó nữa (ví dụ văn chương dân gian hay loại ứng tác).
- Về mặt truyền bá: Văn chương rất dễ dàng truyền bá, thâm nhập sâu vào bạn đọc. Phương tiện duy nhất cần thiết cho sự truyền bá là ngôn từ - mà ngôn từ thì ai cũng có. Nó khác hẳn sân khấu, điện ảnh, âm nhạc ... là những nghệ thuật mà điều kiện và phương tiện truyền bá có những đòi hỏi nhất định và nhiều khi rất phức tạp.
- Về mặt tiếp nhận: Bạn đọc có thể tùy thích lựa chọn những tác phẩm phù hợp với trình độ hiểu biết và sở thích của mình.
IV. Ưu điểm và hạn chế của tính phi vật thể của hình tượng nghệ thuật ngôn từ
1.Ưu điểm
- Nếu hình tượng của các loại hình nghệ thuật tạo hình chỉ hiện lên thế giới bên ngoài thì hình tượng văn học lại hiện lên trọn vẹn cả thế giới bên ngoài lẫn bên trong.
- Nếu hình tượng nghệ thuật tạo hình thường là những hình ảnh câm lặng thì hình tượng văn học hiện lên một cách sinh động, nó có khả năng vô tận trong việc phản ánh tư duy, suy nghĩ con người.
- Hình tượng nghệ thuật hiện lên sinh động và đa dạng, kích thích vào mọi giác quan. Nó kích thích tư duy, quá trình tưởng tượng của bạn đọc.
- Hình tượng nghệ thuật có khả năng diễn tả, tạo hình hài cho những thứ rất mơ hồ, vô hình như sự suy nghĩ, nỗi nhớ, nỗi cô đơn…
2.Hạn chế
- Đầu tiên là vấp phải rào cản ngôn ngữ. Bởi mỗi nước có một loại ngôn ngữ riêng nên nếu không nắm bắt được các quy tắc kí hiệu thì khó có thể tiếp nhận hình tượng nghệ thuật trong văn bản. Kể cả khi có người dịch thì văn bản dịc cũng không thể truyền tải nguyên vẹn ý nghĩa, tư tưởng của nguyên bản.
- Ngôn từ có tính biểu cảm và gợi tả nên mỗi người lại có sự hình dung, tưởng tượng khác nhau về hình tượng nghệ thuật, tác phẩm sẽ sống đời sống khác nhau trong tâm trí bạn đọc. Chính vì vậy mà hình tượng nghệ thuật không cụ thể và mang tính chủ quan của tác giả.
- Hình tượng ngôn từ hiện lên dần dần qua quá trình đọc và tưởng tượng cuả bạn đọc nên quá trình tiếp nhận tốn nhiều thời gian và công sức.
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: