Nhiều năm đã đi qua sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, bản đồ địa lý kinh tế, chính trị thế giới đã được phân bố lại. Sự thành công hay thất bại của từng quốc gia đã được thời gian khẳng định như giá trị chung của quá trình phát triển nhân loại. Một trong những nước thành công trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội phải kể đến Nhật Bản và các nước NICs, Châu á... tất nhiên không thể dựa vào một vài khía cạnh kinh tế xã hội để định giá sự phát triển, song nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách đều khẳng định được mấu chốt ở chỗ các nước đều phát triển nền kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế. Quá trình khu vực hoá và toàn cầu hoá trong quan hệ kinh tế quốc tế không còn là xu hướng mà đã trở thành quy luật khách quan. Tuy nhiên để thúc đẩy nhanh chóng quá trình hội nhập phụ thuộc ít nhiều vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước trong đó việc hoạch định chính sách đúng đắn và các biện pháp thực hiện có vai trò đặc biệt quan trọng.
Việt Nam là một nước đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, phát triển các hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung, thúc đẩy xuất khẩu nói riêng được coi là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Thúc đẩy xuất khẩu nhằm khai thác lợi thế của đất nước thực hiện quá trình hội nhập kinh tế trong phạm vi khu vực cũng như quốc tế đồng thời phát triển nguồn thu ngoại tệ phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá. Trong những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam đã đạt được kết quả nhất định, chẳng hạn như trong việc chuyển hướng và mở rộng thị trường, trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp thay đổi cơ cấu mặt hàng ngày càng phù hợp với yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên vẫn còn một số điểm cần lưu ý đó là việc cơ cấu hàng xuất khẩu vẫn chủ yếu là sản phẩm thô và sơ chế, khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới còn rất hạn chế, chủ yếu là do tiêu chuẩn và giá thành của nhiều mặt hàng chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế.