• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Tính chất dân chủ tư sản trong phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX

Tớ nhớ cậu

New member
Xu
0
TÍNH CHẤT DÂN CHỦ TƯ SẢN TRONG PHONG TRÀO YÊU NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX

Hai bản hiệp ước Hác Măng (1883) và bản hiệp ước Patơnốt (1884) đánh dấu sự đầu hàng hoàn toàn của triều đình Nguyễn đối với thực dân Pháp xâm lược nhưng đồng thời cũng đánh dấu một thời kỳ mới trong cuộc đấu tranh chống bè lũ cướp nước và bán nước. Tiêu biểu nhất trong thời kỳ cuối thế kỷ 19 là phong trào Cần Vương (1885-1896) và phong trào nông dân Yên Thế (1883-1913) với nội dung chủ yếu nhằm hướng đến mục tiêu giải phóng dân tộc. Sang đầu thế kỷ 20 với những điều kiện lịch sử mới đã nảy sinh cuộc vận động yêu nước mang nội dung mới hướng đến giải quyết vấn đề dân tộc và đồng thời lân đầu tiên chủ trương hướng tới giải quyết vấn đề dân chủ. Chính nội dung dân tộc, dân chủ trong thời kỳ này đã phong trào đấu tranh đầu thế kỷ 20 trở thành phong trào yêu nước và cách mạng mang đậm tính chất dân chủ tư sản.

Thông qua việc đánh giá, phân tích 2 xu hướng tiêu biểu: xu hướng bạo động của Phan Bội Châu và xu hướng cải cách của Phan Châu Trinh cùng với các phong trào Đông Du (1904-1909), cuộc vận động Duy Tân ( 1906-1908 ), phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ( 1906-1907 ) sẽ là cơ sở để làm rõ tính chất dân chủ tư sản trong phong trào yêu nước và cách mang đầu thế kỷ 20.

I. Điều kiện lịch sử nảy sinh phong trào yêu nước và cách mạng mang tính chất dân chủ tư sản:

Phong trào yêu nước dưới ngọn cờ phong kiến tuy diễn ra sôi nổi, quyết liệt xong không thể đưa cách mang Việt Nam đi đến thắng lợi. Phong trào Cần Vương thất bại đồng thời chấm dứt vai trò lãnh đạo của con đường phong kiến.Yêu cầu lịch sử đặt ra cho dân tộc là phải tìm một con đường cứu nước mới tiếp tục giải quyết hai mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp.Việc tìm kiếm con đường mới để giải phóng dân tộc đặt ra cho dân tộc ta như một tất yếu của lịch sử. Nhưng với một truyền thống yêu nước nồng nàn, tuy gặp thất bại với con đường cứu nước cũ nhưng sẵn sàng đứng dưới bất kỳ ngọn cờ nào giúp họ thoát khỏi mọi ách áp bức giành được độc lập, tự do. Mặt khác các sĩ phu phong kiến cố gắng vượt qua sự bế tắc của thời đại mình, vẫn nung nấu một tấm lòng cứu nước, cứu dân. “Làm thế nào và đi theo con đường nào” vừa là câu hỏi, vừa là động cơ thúc giục các sĩ phu yêu nước

đầu thế kỉ 20 mạnh dạn tiếp thu những tư tưởng tiến bộ tư bên ngoài truyền vào. Điều đó lý giải tại sao phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản với nội dung mới mẻ lại có thể thâm nhập vào phong trào yêu nước đầu 20. Đây là nhân tố quan trọng để khuynh hương cứu nước mang tính chất tính sâu rộng.

Trong khi đó trên thế giới vào thế kỷ 17-18, các nước châu Âu đã hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ tư sản như: cách mang tư sản Hà Lan (1566-1648), cách mang tư sản Anh (1642-1688), cách mang tư sản Pháp (1789-1792). Đến thế kỷ 20 tuy con đường dân chủ tư sản đã trở nên lỗi thời ở Tây Âu, bộc lộ những mặt tiêu cực nhưng so với các nước phương Đông nó vẫn còn hết sức mới mẻ, đầy sức hấp dẫn và đặc biệt nó mang tính chất tiến bộ hơn hẳn so với ngọn cờ phong kiến, đủ sức lôi kéo các nhà yêu nước Việt Nam đang bế tắc trong đường lối cứu nước. Con đường dân chủ tư sản khi vào Việt Nam bản thân nó đã chứa đựng nhiệm vụ dân chủ nhưng khi vào đến nước ta với điệu kiện mới (sự tồn tại song song của hai mâu thuẫn), do đó, nó đồng thời tiến lên giải quyết nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Vì vậy mà phong trào đấu tranh thời kỳ này mang tên phong trào yêu nước và cách mạng, một điểm mới so với phong trào yêu nước cuối thế kỷ 19.

Tuy nhiên để môt phong trào yêu nước mang tính chất dân chủ tư sản có thể nảy nở cần có những điêu kiện về kinh tế - xã hội - tư tưởng.

Sau khi hoàn thành cuộc bình định nước ta bằng quân sự thực dân Pháp bắt tay vào cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1914) những chính sách về kinh tế, chính trị, xã hội đã có tác động quan trọng, tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ chưa từng có đối với Việt Nam.

Về kinh tế:

Thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa nhằm vơ vét, bóc lột nhiều nhất tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động rẻ mạt. Do vị trí địa lý của Việt Nam cách xa chính quốc nên thực dân Pháp chủ trương thực hiện chính sách khai thác chứ không phải thuộc địa di dân như ở Angieri hay thuộc địa khai khẩn của thực dân Anh ở Ấn Độ.

+ Trong nông nghiệp: cùng với việc vơ vét lúa gạo để xuất khẩu, bọn thực dân Pháp tăng cường việc cướp đoạt ruộng đất lập đồn điền, thực dân Pháp trở thành kẻ sở hữu tối cao về ruộng đât, xóa bỏ quyền sở hữu của triều đình phong kiến đã tồn tại gần một thiên niên kỷ.

+ Trong công nghiệp: thực dân Pháp khai thác dựa trên 4 nguyên tắc: khai thác những nghành nào mà cần vốn ít, thu hồi vốn nhanh; đầu tư cho những nghành nào mà không làm tổn hại đến nền kinh tế chính quốc; đầu tư vào những nghành nào mà cột chặt nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế chính quốc; đầu tư vào những nghành mà nước Pháp và thế giới có nhu cầu lớn. Do đó Pháp hạn chế công nghiệp nặng, chủ yếu là nghành khai mỏ; phát triển một số cơ sở công nghiệp nhẹ.

+ Về thương nghiệp, Pháp chủ trương độc chiếm thị trường Việt Nam.
Song song với cuộc khai thác trên thì một phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa mang hình thái thực dân du nhập vào nước ta và trong một chừng mực nhất định đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển theo con đương tư bản chủ nghĩa . Đây là nhân tố kinh tế quan trọng để tạo nên những chuyển biến về mặt xã hội.

Về xã hội:

Dưới tác động của những mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa cùng với phương thức bóc lột kinh tế mang hình thái thực dân (sự kết hợp giữa phương thức sản xuất phong kiến và hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa) đã khiến xã hội Việt Nam có nhiều biến chuyển: Các giai cấp cũ đều bị phân hóa, nông dân và thợ thủ công bị bần cùng hóa và phá sản trên quy mô lớn trong khi đó bộ phận giai cấp địa chủ được thực đân Pháp bợ đỡ cả về kinh tế và chính trị.

Bên cạnh giai cấp cũ giờ đây xuất hiện thêm những giai tầng mới: giai cấp công nhân, tầng lớp tư sản và tiểu tư sản. Công nhân ngay từ khi ra đời đã trở thành giai cấp. Tuy nhiên giai cấp công nhân có xuất thân từ nông dân, trình độ thấp lại chưa có một hệ tư tưởng dẫn đường. Do đó mặc dù đã trở thành giai cấp nhưng công nhân Việt Nam chưa thể bước lên vũ đài chính trị. Cùng với giai cấp công nhân còn xuất hiện

tầng tư sản và tiểu tư sản thành thị nhưng phát triển chậm chạm do chính sách áp bức của thực dân Pháp. Tuy nhiên sự phát triển chung của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa trong một chừng mực nhất định đã tạo cơ sở thuận lợi để các tư tưởng tư bên ngoài có thể truyền bá vào nước ta.

Tuy nhiên thực dân Pháp lại cấu kết với bọn địa chủ phong kiến nhằm cột chặt nền kinh tế Việt Nam về cơ bản vẫn là nền kinh tế tự nhiên, tự cấp: nông nghiệp vẫn ở trong tình trạng độc canh, năng suất lao động lại thấp, lại chưa đấp ứng nhu cầu xuất khẩu cao do đó làm cho đời sống của người nông dân vô cùng cực khổ: các nghành nghề thủ công nghiệp truyền thống đang có yếu tố tích cực bị tan rã, nền kinh tế tư sản dân tộc không có cơ hội phát triển bóp nghẹt sự phát triển của tầng lớp tư sản và tiểu tư sản trong khi giai cấp công nhân cũng thoát khỏi cuộc sống cục khổ. Mâu thuẫn dân tộc ngày càng trở nên gay gắt. Trong đó tầng lớp tư sản luôn mong muốn có bối cảnh chính trị độc lập để phát triển nền kinh tế dân tộc. Như vậy, sự xuất hiện của tầng lớp tư sản và tiểu tư sản là cơ sở xã hội quan trọng cho sự nảy nở của khuynh hướng dân chủ tư sản.

Về tư tưởng:

Giữa lúc đó cuộc biến Pháp “Bách nhật duy tân” năm 1898 ở Trung Quốc diễn ra đã trở thành cuộc cải cách có ý nghĩa quan trọng nhằm đấu tranh chống lại chế độ phong kiến. Tuy thất bại nhưng nó có ảnh hưởng lớn đến xã hội Việt Nam. Năm 1868 với cuộc “Minh Trị duy tân” đã đưa Nhật Bản thoát khỏi nguy cơ một nước thuộc địa trở thành một đế quốc giàu mạnh, trở thành một tấm gương sáng cho các sĩ phu yêu nước Việt Nam. Thời kỳ này những luồng tư tưởng lớn như Vôn-te, Rut-xô, Mông-te-xkio cùng những tư tưởng của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu qua các tân thư, tân văn, tân báo tràn vào Việt Nam phù hợp với những biến đổi đang diễn ra trong xã hội nước ta, được các sĩ phu yêu nước phong kiến tư sản hóa đón nhận và từ đó phát động phong trào yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ 20.

(còn tiếp)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
II. Tính chất dân chủ tư sản trong phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Kết quả của sự kết hợp các điều kiện trên đây dẫn đến sự hình thành hai xu hướng cứu nước tiêu biểu: xu hướng bạo động và cải cách cùng với đó là các phong trào đấu tranh tiêu biểu như phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Mặc dù phong trào yêu nước diễn ra theo hai xu hướng nhưng cả hai xu hướng này đều thể hiện những điểm chung là phong trào yêu nước mang tính chất dân chủ tư sản. Tính chất ấy được thể hiện qua những phương diện về: lãnh đạo, nhiệm vụ, mục tiêu, lưc lượng, phương pháp đấu tranh và quy mô của phong trào.

1. Về lãnh đạo:

Nếu như phong trào yêu nước cuối thế kỷ 19 giữ vai trò lãnh đạo là các sĩ phu, văn thân yêu nước, những người xuất thân từ “cửa khổng sân trình” mang tư tưởng “trung quân ái quốc” - nước gắn liền với vua, hệ tư tưởng Nho giáo hủ bại chi phối toàn bộ ý thức và hành động của giai cấp lãnh đạo phong kiến; ví dụ như phong trào Cần Vương thì ngọn cờ tập hợp lực lượng là một ông vua mang đậm tư tưởng quân chủ cùng với một lực lượng đông đảo là các văn thân, sĩ phu yêu nước đứng lên đấu tranh và họ đấu tranh cho ngọn cờ quân chủ hoặc phong trào nông dân Yên Thế mặc dù là một phong trào nông dân tự phát nhưng tựu chung lại các phong trào yêu nước thời kỳ này đều nằm trong phạm trù phong kiến.

Cho đến đầu thế kỷ 20 với những điều kiện lịch sử mới đã làm nảy sinh một khuynh hướng cứu nước mới: khuynh hướng dân chủ tư sản mà đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng ấy là các sĩ phu yêu nước tư sản hóa như Phan Bội Châu , Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại… Lý giải tại sao lãnh đạo phong trào thời kỳ này chưa phải là giai cấp tư sản? Vì tầng lớp tư sản đầu thế kỉ 20 còn hết sức non kém chưa trở thành một giai cấp lãnh đạo tiên tiến, trong khi đó lại xuất hiện một bộ phận sĩ phu yêu nước sau thất bại của con đường cứu nước phong kiến vẫn nung nấu tìm ra một con đường mới để cứu nước, cứu nhà.

Và chính cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1914) với những yếu tố mới của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã làm chuyển biến cách suy nghĩ của họ về một hướng đi mới làm cho đất nước trở nên giàu mạnh đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Họ tuy vẫn xuất thân từ phong kiến (Phan Bội Châu có phụ thân từng làm quan nhỏ ở đia phương; cũng chịu tư tưởng giáo dục phong kiến hay Phan Châu Trinh cũng đã từng ra làm quan thừa biện bộ lễ (1903-1905)) nhưng quyền lợi của họ không gắn chặt với triều đình phong kiến, tư tưởng của họ cũng không bị chi phối nặng nề bởi ý thức hệ phong kiến như thời kỳ trước. Họ sớm được tiếp thu các tư tưởng dân chủ tư sản qua tân văn, tân báo, hơn nữa họ lại sống gần dân hiểu được nỗi thống khổ của nhân dân từ đó tạo nên những chuyển biến mang mang tính tiến bộ trong tư tưởng của họ. Họ từ bỏ những học thuyết của Nho giáo, những luân lý tam cương ngũ thường ràng buộc họ vào chế độ phong kiến mà từ lâu đã trở thành sâu mọt, chuyển từ tư tưởng trung quân ái quốc, cứu nước phải gắn liền với cứu vua chuyển sang tư tưởng trung dân ái quốc, cứu nước gắn liền với cứu dân:

Người dân ta, của dân ta
Dân là dân nước, nước là nước dân.

(Phan Bội Châu)​

Như thế cho đến đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện một tầng lớp với tư tưởng mới - tư tưởng dân chủ tư sản. Họ luôn nung nấu một lòng quyết tâm chống giặc như Phan Bội Châu đã từng nói: “nếu nước Việt Nam có nhân tâm thì rồi đây nước mất hay còn cũng chưa biết được. Mạnh hay yếu, to hay nhỏ chỉ là phần xác thịt hữu hình. Can đảm hay hèn nhát, thành thật hay giả dối đó mới là phần linh hồn, không ai thấy được. Đem tinh thần mà chọi với xác thịt thì cũng như lại càng kiên cố, càng tỏa chiến lại càng mạnh mẽ, dẫu lúc đó không thể thắng được thì rút cục sẽ thắng” . Thật vậy chính sự xuất hiện của tầng lớp mới này là nhân tố chủ đạo chi phối các phong trào đấu tranh mang đậm màu sắc tư sản.

2. Về mục tiêu đấu tranh:

Chính quyền là vấn đề cơ bản nhất của một cuộc cách mạng. Viêc thành lập một chính quyền như thế nào mà cuộc cách mạng đó hướng tớilà cơ sở quan trọng giúp ta xác định tính chất của cuộc cách mạng đó.

Cách cuộc cách mạng nổi tiếng trong lịch sử thế giới cận đại như cuộc cách mang tư sản Anh, cách mạng tư sản Pháp được biết đến như những tiếng pháo đạp tan thành trì của chế độ phong kiến hay cuộc đấu tranh của nhân dân các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đồng thời cũng mang tính chất cách mạng tư sản. Tất cả các cuộc cách mạng này sau khi thắng lợi đều phát triển đất nước theo con đường tư bản chủ nghĩa theo thể chế cộng hòa.

Tuy nhiên ở Việt Nam điều kiện lịch sử lại không giống các nước trên. Đất nước đang ở trong giai đoạn giao thời, những gì của yếu tố tư bản chủ nghĩa vấn cồn ở trong “trứng nước” - các yếu tố mới của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa còn đang manh nha, sự phân hóa giai cấp còn chưa thành thục, giai cấp tư sản chưa hình thành, con đường phong kiến tuy đã thất bại nhưng tư tưởng của nó vẫn còn dư âm rất mạnh. Trong khi đó lãnh đạo phong trào đấu tranh vẫn là các sĩ phu yêu nước. Do đó trong cùng một điều kiện kinh tế - xã hội - tư tưởng giống nhau nhưng lại xuất hiện những nhận thức khác nhau về mô hình chính quyền nhà nước hướng đến.

Trong chủ trương cứu nước của Phan Bội Châu ở thời kỳ 1904 -1909 ông chủ chương thành lập chế độ quân chủ lập hiến theo mô hình của người anh cả da vàng - Nhật Bản. Điều này không chứng tỏ là cụ không nhận thức được sự thối nát của chế độ phong kiến mà bởi lẽ vấn đề cốt tử mà cụ hướng tới là vấn đề giải phong dân tộc, do đó cộng hòa hay quân chủ cũng chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Tuy nhiên đặt trong bối cảnh vua quan phong kiến đã trở thành tay sai cho thực dân Pháp thì việc hướng tới mục tiêu quân chủ cũng sẽ liên quan chặt chẽ đến vấn đề đánh Pháp và việc tập hợp lực lượng. Tuy nhiên vì là con người cầu tiến bộ nên khi xã hội thay đổi ông cũng thay đổi cốt sao thực hiện cho được vấn đề giải phóng dân tộc. Nhất là sau thất bại của phong trào Đông Du (1909), cụ càng nhận thức rõ hơn về bản chất của Nhật Bản và mô hình quân chủ lập hiến, cùng với thắng lợi của cách mạng Tân Hợi (1911), nền quân chủ ở Mãn Thanh bị lật nhào, chính phủ cộng hòa Trung Hoa Dân Quốc ra đời làm thức tỉnh các nhà yêu nước trong đó cóPhan Bội Châu. Từ đó cụ quyết định từ bỏ chế độ quân chủ lập hiến chuyển sang chủ trương đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước cộng hòa Dân Quốc Việt Nam (1912). Quá trình chuyển biến tư tưởng trên gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của cụ, nó chứng tỏ sự xâm nhập sâu hơn một bước của tư tưởng dân chủ tư sản vào trong nhận thức về mục tiêu đấu tranh của người lãnh đạo phong trào đầu thế kỉ 20.

Trong hoạt động của Phan Châu Trinh, ngay từ đầu ông đã phản đối chế độ quân chủ “nếu không đập tan được chế độ quân chủ thì cho dù khôi phục được nước thì cũng không phải là phúc của dân” muốn thủ tiêu nền quân chủ bằng bất cứ giá nào để thiết lập nên một nền dân chủ.

Mặc dù ông chưa đề cập đến một thế chế chính trị cụ thể mà ông hướng đến nhưng trong chủ trương của mình ông nói nhiều đến khẩu hiệu dân sinh, dân chủ như khẩu hiệu nổi tiếng mà ông đề ra “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Như vậy cho đến đầu thế kỷ 20 các phong trào đấu tranh theo khuynh hướng dân chủ tư sản dù khác nhau trong quan niệm về thể chế chính trị nhưng cùng mang một điểm chung là: không chủ chương quay lại chế độ quân chủ mà đều mong muốn muốn hướng đến một xã hội giàu mạnh như các nước phương Tây.

3. Về hình thức đấu tranhvà phương pháp đấu tranh:

Trải dài trong suốt diễn biến của phong trào yêu nước cuối thế kỷ 19 là các cuộc đấu tranh chủ yếu xoay quanh mặt trận quân sự, chính trị mà ví dụ điển hình là phong trào Cần Vương và phong trào nông dân Yên Thế. Sở dĩ hoạt động của các phong trào này mang tính đơn nhất vì phạm trù phong kiến quy định các cuộc đấu tranh vũ tranh mang tính truyền thống và mang tính lạc hậu hơn hẳn so với các nước phương Tây.

Nhưng đến đầu thế kỷ 20, dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, những yếu tố mới về kinh tế, văn hóa, giáo dục du nhập vào một xã hội mà tư tưởng phong kiến đã ăn sâu trở thành sâu mọt. Do đó những tầng lớp mới như tư sản, tiểu tư sản muốn có một không khí kinh doanh thuận lợi thì tất yếu đứng lên đấu tranh trong lĩnh vực đó.

Điều đó lý giải tại sao mà phong trào đấu tranh thời kỳ này đồng thời với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tiếp nối truyền thống yêu nước trước đó thì đến đây cũng xuất hiện các phong trào nhằm hướng đến mục tiêu dân chủ mang tư tưởng dân chủ tư sản, phong trào hướng đến mục tiêu dân tộc hay dân chủ đêu thể hiện hình thức và phương pháp đấu tranh đa dạng phong phú.

a. Về phương thức đấu trang mang màu sắc dân chủ tư sản.

Thời kỳ này diễn ra nhiều phương pháp đấu tranh mới như:

* Bạo động vũ trang không chỉ dừng lại đơn thuần mà đã có sự kết hợp các phương pháp đấu tranh khác:

- Trong hoạt động của Phan Bội Châu: rút kinh nghiệm từ sự thất bại của cuộc đấu tranh vũ trang thời kỳ trước (vũ trang mang tính tự phát, vũ trang mang tính thủ hiểm, diễn ra lẻ tẻ, rời rạc), Phan Bội Châu chủ chương bạo động nhưng có chuẩn bị, có tổ chức, có lực lượng. Theo đó ông chủ trương thành lập Duy Tân hội (1904) với 3 mục đích:

+ Liên kết với các dư đảng Cần Vương và những tay tráng kiệt sơn lâm, mục đích là đánh giặc Pháp phục thù mà thủ đoạn là bạo động;
+ Tìm người hoàng thân làm minh chủ và liên lạc với các thế lực lúc bấy giờ để họ ứng viện.
+ Thi hành kế hoạch, lúc nào cần đến ngoại viện thì sai người đi cầu viện, mục đích cốt sao cho khôi phục lại nước Việt Nam độc lập.

Với tôn chỉ, mục đích trên Phan Bội Châu chủ trương phát động phong trào Đông Du nhằm đưa học sinh sang Nhật du học (có lúc lên tới 200 người) để “thục nhân tài”- đào tạo thành một tầng lớp lãnh đạo cho cuộc bạo động sau này.

Về tổ chức:

ngay những ngày đầu của chủ trương bạo động cụ đã chủ trương thành lập tổ chức Duy Tân hội (1904) với tôn chỉ, mục đích để lấy đó là cơ sở hoạt động có quy củ, phương pháp tuy nhiên vẫn mang nặng tư tưởng phong kiến. Đến khi tổ chức Việt Nam Quang Phục hội được thành lập thì tôn chỉ, mục đích đã nêu cao tính dân chủ tư sản: đánh đổ thực dân Pháp, khôi phục nước Việt Nam độc lập, thành lập nước Cộng hòa Dân Quốc Việt Nam. Điều lệ của hội kèm theo sự phân công rõ ràng trách nhiệm giữa những người lãnh đạo. Hội ra đời chủ yếu giáo dục tư tưởng đến xây dựng lực lượng, đào tạo nhân tài, chuyển đổi tổ chức, đấu tranh không thỏa hiệp với kẻ thù gắng gây được tiếng vang quân sự.

Về lực lượng:

coi trọng lực lượng trẻ, bồi dưỡng thanh niên, đào tạo nhân tài (điều mà các văn thân sĩ phu tời kỳ trước chưa làm được).

Trong khi chủ chương bạo động nhưng Phan Bội Châu không phản đối,bài xích tư tưởng duy tân. Vì Phan Bội Châu cùng tất cả những người yêu nước đều nhận thức được rằng tương quan lực lượng giữa ta và thực dân Pháp quá chênh lệch, vậy không thể đấu tranh vũ trang đơn thuần, mạo hiểm như thời kỳ trước mà phải có sự chuẩn bị, tất phải có thế lực về kinh tế ngoài việc cầu viện Nhật Bản thì phát triển thực lực trong nước là một vấn đề quan trọng. Đến khi chủ trương thành lập chế độ quân chủ lập hiến thất bại, Phan Bội Châu thừa nhận và đẩy tư tưởng cải cách tiến lên một bước mới, thực hiện nhiều biện pháp cải cách nhưng không xa rời đấu tranh vũ trang, mà ngược lại chủ trương duy tân, đổi mới nhằm để phục vụ cho cuộc bạo động. Phan Bội Châu đặc biệt cổ vũ công thương nghiệp :

“Người đông, đất rộng,dân bần

Một đồng buôn bán muôn phần phú nhiêu
Việc buôn kể siết bao phí lớn
Quan cùng dân họp vốn mà nên”.
Hay trong tác phẩm: “Tỉnh quốc dân hồn” (1907) cụ cũng từng giãi bày:

“ Lời rằng hợp của nên giàu
Hợp người nên mạnh nước nào dám trêu”.

Do đó cụ chủ trương xây dựng “Điền-quế-việt liên minh” có tổng hội và các chi hội nhỏ quy định mỗi chi hội phải tự tạo ra nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động của hội.

Những hoạt động của Phan Bội Châu góp phần vào cuộc canh tân đất nước đầu thế kỷ 20.
Như vậy với những nhận thức mới về con đường đấu tranh theo khuynh hướng dân chủ tư sản, các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ 20 mà đại diện tiêu biểu là hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu đã đưa con đường đấu tranh vũ trang tiến lên một bước mới so với cuối thế kỷ 19, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về cách thức, phương pháp đấu tranh vũ trang (bạo động cần có sự chuẩn bị: chuẩn bị về lực lượng, về thực lực và chuẩn bị về thời cơ).

* Cuộc canh tân đầu thế kỷ 20 mang màu sắc dân chủ tư sản với đại diện tiêu biểu là Phan Châu Trinh:

Cuối thế kỷ 19, trong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn đang tiếp diễn thì một trào lưu cải cách, duy tân diễn ra với chủ trương canh tân đất nước về kinh tế, quân sự, ngoại giao, cải cách bộ máy quan chế mà tiêu biểu là cuộc cải cách của Nguyễn Trường Tộ. Nhưng đến đầu thế kỷ 20 cuộc canh tân đât nước mang khuynh hướng dân chủ tư sản xuất hiện trước yêu cầu cứu nước và nhằm mục đích cứu nước với nội dung là thay đổi chế độ Việt Nam.

Phan Châu Trinh là người kế thùa sâu sắc tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ, Ngyễn Lộ Trạch nhưng so với những người đi trước, cụ có đống góp vấn đề nội trội là công khai chống lại tư tưởng quân chủ và truyền bá tư tưởng dân chủ trong đó vấn đề cốt lõi là tư tưởng dân quyền.

Theo ông muốn giải phóng dân tộc trong khi dân yếu nước hèn thì chỉ có thất bại, vậy nên muốn đánh Pháp thì phải làm cho dân giàu, dân mạnh mà nguyên nhân làm dân ta hèn yếu là do chế độ phong kiến sâu mọt, đục khoét của dân, là nguyên nhân làm cho nước ta mất nước. Vậy nên muốn dân giàu, nước mạnh thì cần phải đánh đổ chế độ phong kiến, một khi dân đã giàu , nước đã mạnh thì thực dân Pháp sẽ tự bỏ mà đi.

Mặc dù tư tưởng trên còn chứa đựng nhiều hạn chế trong việc xác định bạn và thù nhưng ông đã trở thành người đầu tiên khởi xướng chomột phương pháp đấu tranh mới: đó là là “con đường duy tân”. Cuộc duy tân, cải cách của ông được tiến hàn trên nhiều phương diện.

Ông chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” trong đó:

Khai dân trí” – một mặt chống lối học khoa cử từ trương, khoa cử Nho giáo, đẩy mạnh truyền bá chữ quốc ngữ, mở trường dạy học qua thơ văn, báo chí, phổ biến trong đại quần chúng tư tưởng dân chủ nhằm thức tỉnh lòng yêu nước và nhuệ khí đấu tranh của đồng bào đang bị vùi dập dưới chế độ phong kiến.

Chấn dân khí” - tăng trưởng kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất, cổ vũ phát trển nông – công - thương nghiệp, buôn bán lớn và dùng hàng nội thất, mở rộng thương trường trong nước, đẩy mạnh ngoại thương nhất là các hội buôn.

“Hậu dân sinh”
- cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Để thực hiện chủ trương trên ông kêu gọi bất bạo động, đấu tranh hòa bình công khai, hợp pháp trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị , văn hóa, xã hội.

Năm 1905, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp lên đường vào Nam, tại trường thi Bình Định, Phan Châu Trinh viết bài thơ "Chí thành thông thánh ", bài xìch lối học, khoa cử từ chương. Khi vào Nam, Phan Châu Trinh đến Cam Ranh tìm hiểu sự tiến bộ của kỹ thuật văn minh phương Tây. Khi vào Bình Thuận, Phan Châu Trinh cùng các nhân sỹ hô hào duy tân, cải cách, thành lập công ty Liên Thành và trường Dục Thanh. Tại Phan Thiết, ông tuyên truyền những tư tưởng mới về dân chủ, tự cường. Năm 1906 Phan Châu Trinh sang Nhật Bản gặp Phan Bội Châu, đồng thời tìm hiểu chính sách duy tân của nước Nhật. Về nước, Phan Châu Trinh không ngừng truyền bá tư tưởng dân chủ, dân quyền, cổ xúy phong trào cắt tóc ngắn, dùng hàng nội, mặc đồ âu, học chữ quốc ngữ, bài trừ mê tín dị đoan...

Về kinh tế:

Ông cổ vũ phát triển công thương nghiệp trồng dâu nuôi tằm. Một số công ti thương nghiệp và nhiều xưởng thủ công sản xuất giày, mũ, may mặc ra đời. Ông vận động thành lập nhiều thương hộiđể tập hợp những người yêu nước, lo cho dân giàu, nước mạnh; trong đó Quảng Nam là nơi đầu tiên thực nghiệm chủ trương này của ông: Hiệp thương Công ty ở Hội An, Thương học Công ty ở Tiên Phước, nhiều đồn điền khai khẩn ở Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn... được thành lập.

Về dân trí:

các trường học duy tân được tổ chức, trong đó tập trung nhiều nhất tại Quảng Nam như ở Diên Phong, Phước Bình, Phú Lâm, Đại Lộc...
Trên nền tảng tư tưởng dân chủ, dân sinh được bén rễ ở nông thôn và dưới ảnh hưởng hoạt động của Phan Châu Trinh; không thể chịu nỗi áp bức, cường quyền, cuộc sống cơ cực, nhân dân vùng lên; phong trào xin xâu, chống thuế là hiệu quả tất yếu của phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng, điều đặt biệt là phong trào có quy mô lớn nhất được khởi phát từ chính quê hương Quảng Nam vào năm 1908.

Sau khi phong trào Duy Tân bị đàn áp thì tư tưởng duy tân của ông cũng lui vào chủ nghĩa cải lương. Tuy nhiên những hoạt động mà ông đóng góp cho phong trào cách mạng đầu 20 một khuynh hướng cứu nước hoàn toàn mới so với cuối thế kỷ 19.

Ngoài đại diện tiểu biểu là Phan Châu Trinh và phong trào Duy Tân thì Đông Kinh Nghĩa Thục trở thành một trung tâm truyền bá tư tưởng canh tân đất nước. Về chương trình học của trương dựa theo lối tân học Trung Hoa, Nhật Bản: thể thao, cách trí, toán pháp, lịch sử, văn chương, giáo dục công dân… Nội dung hoạt động của trường bao gồm chống cựu học, hủ Nho, chống chữ Hán và khoa cử Hán học, khuyến khích tinh thần tự do tư tưởng, tự do thảo luận của học sinh, phát huy óc sáng tạo, đề cao tinh thần dân tộc và lòng yêu nước, tuyên truyền chấn hưng nông nghiệp, công nghiệp.

Cuộc canh tân đầu thế kỷ 20 là bước phát triển mới của tư tưởng Việt Nam, thể hiện sự vươn lên của dân tộc Việt Nam. Tuy chưa đạt được kết quả thắng lợi nhưng cuộc canh tân này là tiếng súng cảnh cáo chế độ phong kiến cũng như cơ sơ tồn tại của nó.

* Cuộc vận động tuyên truyền khơi dậy ý thức dân tộc, tư duy đổi mới bằng văn thơ yêu nước,cách mạng:

Cuộc vận động thức tỉnh ý thức dân tộc bằng văn thơ là một nội dung mới mẻ của phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20. Lần đầu tiên các bài thơ yêu nước trở thành một cuộc vận động sâu rộng nhằm thức tỉnh ý thức dân tộc. Lương Khải Siêu - một nhà cải cách dân chủ tư sản tiêu biểu của cách mạng Trung Quốc đầu thế 20 cũng đã từng khuyên Phan Bội Châu việc đầu tiên nên làm là về nước cổ động, thức tỉnh quần chúng nhân dân về ý thức đấu tranh giải phóng dân tộc và một trong con đường để thức tỉnh quần chúng là con đường văn thơ yêu nước.

Phan Bội Châu trong bài thơ “Khuyên cả nước đồng tâm đánh giặc” cũng đã tững nói:
Gió tanh xông mũi khó ưu
Kiếm sao cắp nách mà ngơ cho đành
Hòn máu nóng chất quanh đầy ruột
Anh em ơi xin tuốt gươm ra
Có giời có đất có đất có ta
Đồng tâm như thế mới là đồng tâm”.

Trong bài "Nhắn các nhà vọng tộc" Trần Qúy Cáp khẳng định ý chí kiên quyết chống Pháp.

“Nước mất trời sầu đất thảm,
Đạo làm tôi chi dám chút khuây.
Than ôi! Thế lực quân Tây,
Thù kia biết trả đến ngày nào xong....
Ta không là chó là trâu,
Tài trai ta cũng mày râu ở đời.
Phá sản nghiệp mua dùi lực sĩ,
Tán gia tài phụng chỉ Cần Vương”.
Phan Châu Trinh - nhà tư tưởng cải cách khẳng định vai trò của tầng lớp thanh niên trong bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn”:

Làm trai đứng giữa đât Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non
Xách búa đánh tan năm,bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son
Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nản nào sá chuyện cỏn con”.

Bên cạnh đó còn xuất hiện các tác phẩm truyền bá tủ tưởng dân chủ tư sản như “Trung Quốc hồn”, “Nhật Bản thập duy tân sử” hay nhưng dòng văn thơ yêu nước nhằm cổ động thực nghiệp :
Người đông, đất rộng, dân bần
Một đồng buôn bán nuôn phần phú nhiêu
Việc buôn kể siết bao phí lớn
Quan cùng dân hợp vốn mà nên”.

* Hình thức đấu tranh phong phú, đa dạng diễn ra trên tất cả các mặt trận.


Nếu như phong trào yêu nước cuối thế kỷ 19 chỉ chủ trương nêu cao ngọn cờ chống Pháp xâm lược trên mặt trận chính trị - quân sự mà bỏ rơi nhiệm vụ giai cấp đã tồn tại từ hàng thế kỷ, trong khi nhiệm vụ dân tộc cũng không thể thực hiện được. Do đó những tệ lậu của chế độ phong kiến vẫn được tồn tại thậm chí còn được củng cố thêm bởi chỗ dựa thực dân hình thành một chính quyền thực dân của kẻ cướp nước và bán nước. Nhiêm vụ giải phong dân tộc và giải phong giai cấp tiếp tục được đặt ra cho những lớp người có lòng nhiệt thành muốn cứu nước, cứu dân. Đúng lúc đó luồng dân chủ tư sản mới tràn vào không chỉ chỉ ra cho họ một con đường cứu nước mới mà còn mang lại cho họ một nhận thức về tư duy đối mới. Và chính những tư duy ấy đã nảy sinh thành một cuộc vận động đòi cải cách diễn ra trên tất cả các mặt phản ánh cuộc vận động mang tính chất tư sản:

Về chính trị - tư tưởng:

nội dung chủ yếu là tấn công vào nền tảng của xã hội cũ, những lề thói, tật xấu của chế độ phong kiến mà tiểu biểu là: Cuộc vận động chống thuế ở Trung Kỳ (1908) hay Cuộc vận động đả phá quan niệm tứ dân (sĩ, nông, công, thương) khuyến khích xây dựng nền kinh tế dân tộc, tự lực khai hóa theo hướng tư bản chủ nghĩa.

Về văn hóa:

tiêu biểu là cuộc vận động đòi cải cách của Phan Châu Trinh với chủ trương tư duy đổi mới chống lối học theo khoa cử từ trương (tầm câu trích cú) phổ biến phong trào học chữ quốc ngữ, vận động bài trừ mê tín dị đoan, vận động phong trào cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn.

Về kinh tế
:

hô hào mở các hội công – nông - thương kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa, chống lại tư tưởng trọng vương khinh bá thời kỳ trước.

Về giáo dục
:

mở trường học kiểu mới mà tiêu biểu là trường học Đông Kinh Nghĩa Thục tổ chức nhà trường mang nhiều nét mới gồm các ban: ban giáo dục, ban tài chính, ban cổ động, ban tư thu, ban thư viện; tích cực sưu tầm, biên soạn, in ấn sách báo, tài liệu truyền thông, giáo trình giảng dạy. Nhà trường cùng với giảng dạy kết hợp với tuyên truyền, cổ động. Những hoạt động trên góp phần bồi dưỡng, nâng cao tinh thần dân tộc và lòng yêu nước theo trào lưu dân chủ tư sản: chống cựu học, hủ nho, chống khoa cử hư danh lạc hậu; hô hào học chữ quốc ngữ; kết hợp với nâng cao văn hóa với bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Những tư tưởng cải cách theo hướng tư bản chủ nghĩa trên nhiều mặt của đời sống xã hội không chỉ có tác dụng tích cực đối với phong trào cách mạng lúc bấy giờ mà nó cồn là nền tảng quan trọng để tầng lớp tư sản tiếp tục phát triển trong thế chiến thứ nhất (1914-1918) và chính thức trở thành giai cấp tư sản sau cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 của Pháp (1919-1929) .

*Lực lượng tham gia:

Chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định quần chúng nhân dân là người có vai trò quyết định đến thắng lợi của một cuộc cách mạng. Do đó để tiến hành một cuộc khởi nghĩa, người lãnh đạo phong trào phải tập hợp được lực lượng. Tùy theo điều kiện của từng giai cấp lãnh đạo và mục tiêu mà giai cấp đó đề ra mà thành phần lực lượng khác nhau. Ở cuối thế kỷ 19, giai cấp phong kiến chủ trương mà tiêu biểu là phong trào Cần Vương chủ trương kêu gọi các tầng lớp sĩ phu yêu nước chống Pháp và một bộ phận phong kiến đầu hàng, chưa chú ý đến quyền lợi ruộng đất của người nông dân do đó không thể lôi kéo được đông đảo bộ phân này tham gia phong trào cũng như chưa chú ý đến các tầng lớp khác, đó cũng là hạn chế của con đường cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến.

Sang đầu thế kỷ 20 là một bước tiến mới trong chủ trương tập hợp lực lượng. Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp đã làm nảy sinh các tầng lớp mới: tư sản, tiểu tư sản và giai cấp công nhân cùng với đó là những tư tưởng mới của khuynh hướng dân chủ tư sản mà cuộc đấu tranh trên các mặt trận khác nhau lôi kéo đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Trong hoạt động của Phan Bội Châu đã nhấn mạnh đến yếu tố đoàn kết nhân dân:

“ Nghìn muôn ức triệu người trung góp
Xây dựng nên cơ nghiệp nước nhà”.

Phan Bội Châu kêu gọi cả nước đồng tâm:
- Sự đồng tâm của các hào phú
- Sự đồng tâm của các quan tại chức
- Sự đồng tâm của con em nhà quyền quý
- Sự đồng tâm của giáo đồ thiên chúa
- Sự đồng tâm của đồ đảng và hội đảng
- Sự đồng tâm của thủy, lục quân
- Sự đồng tâm của giới phụ nữ
- Sự đồng tâm của thông ngôn, ký lục, bồi bếp
- Sự đồng tâm của con em các nhà bị tàn sát
-Sự đồng tâm của học sinh hải ngoại.

Chủ trương mười giới đồng tâm của Phan Bội Châu cồn trở thành cơ sở cho mặt trận dân tộc thống nhất sơ khai sau này.

Cũng trong hoạt động duy tân của Phan Châu Trinh tuy chủ yếu hướng đến tầng lớp công thương nghiệp nhưng khi tư tưởng duy tân của ông đã ăn sâu bén rễ trong thực tế thì lại bùng nổ phong trào chống thuế rộng rãi,quyết liệt ở Trung Kỳ (1908) lôi kéo nhiều thành phần tham gia.

Không chỉ vậy phong trào yêu nước thế kỉ 20 còn hướng tới lực lượng bên ngoài như đoàn kết với phong trào cách mạng Trung Quốc hay kêu gọi sự cầu viện từ Nhật Bản của Phan Bội Châu. Trong tác phẩm “Niên biểu” cụ đã viết: “Buổi đầu tiên tôi nghĩ liên hiệp toàn châu Á, đoàn kết với các chí sĩ các nước bị mất, dìu dắt các dân tộc cùng bước lên sân khấu cách mạng để giáo dục nhân dân trong thời gian bị mất”.

Đến đầu thế kỷ 20, lần đầu tiên phong trào yêu nước xuất hiện các tổ chức chính trị như Duy Tân hội (1904), Việt Nam Quang Phục hội (1912). Những tổ chức này có nhiệm vụ đề ra tôn chỉ, mục đích, đề ra kế hoạch hoạt động và các chính sách nhằm tập hợp lực lượng.Những tổ chức trên trở thàn những tổ chức đảng sơ khai cho phong trào giải phóng dân tộc sau này.

Mặc dù hoạt động trên còn nhiều hạn chế, chưa mang lại hiệu quả tích cực nhưng đây là một bước tiến xa so với phong trào cuối thế kỷ 19, mở đầu cho thời kỳ đoàn kết lực lượng quốc tế.

* Quy mô:

Sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp trên quy mô toàn quốc, kéo theo đó là sự hình thành các giai tầng mới ở cả thành thị và nông thôn đã tạo điều kiện cho phong trào yêu nước đầu thế kỉ 20 hoạt động trên địa bàn rộng lớn. Các sĩ phu yêu nước trong quá trình tiếp xúc với tư tưởng dân chủ tư sản lại được gần dân do đó dễ dàng thấm sâu vào quần chúng, qua đó cũng tạo điều kiện để các phong trào nổ ra trên diện rộng, vượt khỏi phạm vi quốc gia. Cụ thể:

Trong hoạt động của Phan Bội Châu, để tiến hành bạo động vũ trang, cụ chủ trương vận động tương trợ về kinh tế, liên lạc với địa chủ ở Trung và Nam kỳ. Năm 1906, cụ còn chủ trương liên lạc với vùng núi mà tiểu biểu là liên kết với khởi nghĩa Yên Thế. Không chỉ dừng lại ở đó cụ còn mở rộng phạm vi hoạt động ra bên ngoài. Cụ cùng các thành viên hoạt động ở Trung Quốc gặp gỡ với Lương Khải Siêu, Tôn Trung Sơn. Năm 1905, phong trào Đông Du sang Nhật bản trực tiếp học hỏi kinh nghiệm. Sau khi phong trào Đông Du tan rã, cụ tiếp tục hoạt đông ở Xiêm một thời gian cho tới khi tổ chức Việt Nam quang phục hội được thành lập (1912).

Trong cuộc vận động duy tân của Phan Châu Trinh hoạt động rộng khắp ở các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi , Bình Thuận, Nghệ An, Thanh Hóa.

Tổ chức Đông Kinh Nhĩa Thục trong thời gian đầu chỉ hoạt đông trong phạm vi Hà Nội nhưng sau đó ảnh hưởng của trường đã lan rộng ra khắp các tỉnh Hà Đông, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nhệ An, Hà Tĩnh.

III. Đánh giá về tính chất tư sản trong phong trào yêu nước và cách mạng dầu thế kỷ 20

1. Tính tích cực:

Phong trào yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ 20 theo khuynh hướng dân chủ tư sản rõ ràng là một bước tiến xa so với phong trào yêu
nước cuối thế kỷ 19. Sở dĩ đạt được vai trò ấy là vì tính chất dân chủ tư sản đã làm cho phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20 vươn lên thực hiện nhiệm vụ giải quyết yêu cầu lịch sử mà các phong trào thời kỳ trước chưa làm được.

Phong trào thời kỳ này đã xác định rõ hai kẻ thù chủ yếu của cách mạng Việt Nam là thực dân Pháp và chế độ phong kiến.

Dấy lên một phong trào với hình thức, phương pháp đấu tranh phong phú. Để lại nhiều bài học kinh nghiệm về thành lập tổ chức chính trị, về thành lập mặt trận dân tộc thống nhất.

Tạo ra những cở sở kinh tế - xã hội quan trọng cho sự phát triển của phong trào đấu tranh theo khuynh hướng dân chủ tư sản sau cuộc khai thác thuộc đia lần thứ hai.

2. Tính hạn chế:

Phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20 tuy diễn ra phong phú, sôi nổi nhưng vẫn chỉ dừng lại là một phong trào yêu nước mà chưa thể trở thành một cuộc cách mạng tư sản như các nước phương Tây. Hiện thực trên xuất phát từ những hạn chế trong tính chất dân chủ tư sản khi vào Việt Nam.


Thứ nhất: về giai cấp lãnh đạo: cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp góp phần làm nảy sinh một tầng lớp mới –tầng lớp tư sản. Tuy nhiên chính sách kìm kẹp của thực dân Pháp làm chotầng lớp này không đủ điều kiện để trở thành một giai cấp. Do đó đến đầu thế kỷ 20 Việt Nam vẫn thiếu hẳn một cơ sở kinh tế - xã hội vững chắc để đón nhận tư tưởng dân chủ tư sản. Nó hoàn toàn khác biệt với cách mạng tư sản ở các nước châu Âu, ở đó giai cấp tư sản có thế lực mạnh về kinh tế muốn tiến hành cách mạng để dọn đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

Lãnh đạo phong trào đầu 20 là các sĩ phu yêu nước tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản để phát động phong trào yêu nước. Hành động đó xuất phát từ tinh thần yêu nước chứ không phải xuất phát từ yêu cầu nội tại bên trong của xã hội Việt Nam. Đây là một hạn chế của phong trào đầu thế kỉ 20, nó có ảnh hưởng quan trọng đến các hạn chế sau đó.

Thứ hai: về tư tưởng: nếu như cách mạng tư sản ở các nước châu Âu, tư tưởng dân chủ tư sản nảy sinh từ trong yêu cầu nội tại của cuộc cách mạng đó. Nhưng vì ở Việt Nam chưa có một cơ sở để tiêp thu nó. Do đó luồng tư tưởng dân chủ tư sản truyền bá vào Việt Nam rất hạn chế. Đó là một luồng tư tưởng tiếp thu thiếu hệ thống. Các tư tưởng của Trung Quốc, Nhật Bản - đó là các nước phương Đông chứ không phải là quê hương của tư tưởng dân chủ tư sản. Các tác phẩm qua các tân thư tân văn tân báo truyền bá vào Việt Nam vốn đã mang tính chủ quan lại thiếu tính hệ thống, không đề cập đến các vấn đề cơ bản nhất của tư tưởng này. Như vậy, tư tưởng mà các sĩ phu đầu thế kỉ 20 tìm thấy không phải từ trong thực tế lao động thực tiễn mà qua sách báo, do đó không tránh khỏi hạn chế.

Thứ ba: về việc xác định kẻ thù: phong trào dân chủ tư sản đầu thế kỉ 20 còn ảo tưởng với kẻ thù cách mạng. Phan Bội Châu chủ trương chống Pháp nhưng lại dựa vào chế độ phong kiến, chủ trương cứu nước mà chưa cứu dân. Còn Phan Châu Trinh chủ trương chống phong kiến nhưng lại dựa vào đế quốc Pháp, cầu xin thực dân Pháp rủ lòng thương chủ trương cứu dân mà chưa cứu nước. Như vậy, các nhà lãnh đạo vẫn còn ảo tưởng với kẻ thủ, chưa thể kết hợp nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ giai cấp.

Thứ tư: về lực lượng: Trong khi Phan Bội Châu nói nhiều đến đoàn kết mười giới đồng tâm nhưng lại không xác định động lực của cách mạng, chưa thấy được vai trò và sức mạnh của giai cấp công nhân và nông dân.
Thứ năm: về vấn đề cầu viện: Đặt trong bối cảnh tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch còn chênh lệch lớn thì vấn đề tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế là vấn đề cần thiết nhưng các sĩ phu đầu thế kỉ 20 lại mang nặng tư tưởng cầu viện, ỷ lại là chính. Ngay cả khi đối tượng cầu viện cũng có nhiều sai lầm. Các sĩ phu chưa nhận thức được bản chất chung của chủ nghĩa tư bản, chủ trương cầu sự giúp đỡ của kẻ thù hay bạn của kẻ thù. Sự mơ hồ về bạn và thù là một hạn chế lớn của phong trào yêu nước đầu thế kỉ 20.

Những hạn chế trên đây của tính chất dân chủ tư sản trong phong trào yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ 20 đã quy định sự thất bại của phong trào này. Sau cuộc khai thác thuộc đia lần thứ 2 (1919-1929) mặc dù giai cấp tư sản đã vươn lên nắm quyền lãnh đạo cách mạng nhưng những hạn chế đó vẫn tiếp tục phát triển, phong trào yêu nước mang tính chất dân chủ tư sản không thể đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.

Kết luận:

Với những điều kiện mới, phong trào yêu nước đầu 20 là sự tiếp nối phong trào đấu tranh cuối thế kỷ 19 nhưng mang tính chất dân chủ tư sản, một bước tiến mới của cách mạng Việt Nam so với ngọn cờ phong kiến. Tính chất tư sản tuy chưa trở thành một cuộc cách mạng nhưng nó là sự tiếp nối phong trào yêu nước của nhân dân ta, thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc của dân tộc, tạo niềm tin mãnh liệt cho thắng lợi sau này.Những tấm gương sáng của phong trào,những gì mà các vị tiền bối áy đạt được, những gì còn là hạn chế đều để lại bài học kinh nghiệm quý báu cho thế hệ cách mạng thời kỳ sau mà trực tiếp là Nguyễn Ái Quốc.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Ngọc Cơ. Phong trào giải phóng dân tộc trong cuộc đấu tranh chống Pháp ở Việt Nam.

2. Nguyễn Ngọc Cơ (chủ biên). Giáo trình lịch sử Việt Nam tập 4. Nxb Đại học sư phạm. 2010.

3. Trần Bá Đệ. Một số chuyên đề lịch sử Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2001.

4. Trần Văn Giàu. Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam ( từ thế kỷ X1X đến cách mạng tháng 8), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1975.

5. Đinh Xuân Lâm (chủ biên). Đại cương lịch sử Việt Nam. Nxb Giáo Dục, Hà Nội. 1998.

6. Tôn Quang Phiệt. Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Nxb Văn hóa Hà Nội. 1958.

7. Nguyễn Quyết Thắng. Phong trào Duy Tân và một số gương mặt tiêu biểu. Nxb Văn hóa thông tin.



Bài điều kiện
Nguyễn Thị Ngọc Anh – K60TN - HNUE
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top