Tìm lại dòng tranh nổi tiếng đất Hà Thành

Hide Nguyễn

Du mục số
Nếu như đất Kinh Bắc nổi danh với dòng tranh dân gian Đông Hồ thì chốn kinh kỳ Thăng Long lại ghi dấu với tranh Hàng Trống. Không chỉ là một thú vui của người Hà Thành mỗi dịp Tết đến, xuân về, tranh Hàng Trống còn hiện diện ở nhiều vùng quê trên cả nước cũng như chu du đến với bạn bè năm châu.

Thanh thoát, hoạt bút


tranh11.jpg


Nếu như tranh Đông Hồ đẹp bởi khắc gỗ in màu trên giấy quét điệp thì tranh Hàng Trống lại có vẻ đẹp khác. Người làm tranh Hàng Trống thường khắc nét đen rồi in lên mặt tranh, sau đó dùng màu phẩm tô vào tranh. Nhờ đó, màu tranh có vẻ trong suốt, nhẹ nhàng mà vẫn rực rỡ, tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ nghệ thuật riêng. Nếu tranh Đông Hồ đơn thuần là đồ họa thì tranh Hàng Trống vừa có một chút là đồ họa, vừa mang hơi hướng hội họa ở công đoạn tô màu, cản màu.
Đây là khâu đặc biệt quan trọng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của bức tranh. Tranh đẹp hay xấu là tùy thuộc vào cảm hứng của người cầm bút vẽ. Người ta có thể vẽ từ tốn, vẽ thanh thoát, hoạt bút tùy thuộc cảm hứng mà các họa tiết, mảng màu của tranh yêu cầu. Tranh Hàng Trống bôi màu theo tương sinh tương khắc của ngũ hành với 5 màu chủ đạo, là phẩm màu nhưng rất rực rỡ và đẹp, từ cánh sen, đến hoa hiên, đỏ, lam, nâu, trắng, đen, vàng...

Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Nghiên, nghệ nhân cuối cùng của làng tranh Hàng Trống, không nên so sánh giữa tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống vì nghệ thuật là vô cùng. Tranh Hàng Trống sinh ra trên mảnh đất Thăng Long, nơi tụ tập tất cả tinh tú của các nghề thủ công, nên có thể dòng tranh này đòi hỏi mất công hơn, có những bức tranh vẽ phác thảo không khác gì họa phẩm. Mãi sau này mới sản sinh tranh ván khắc để nhân bản nhanh, kịp có tranh bán cho người mua.


Và có một điều đặc biệt, khâu phóng bút, tô màu cho tranh Hàng Trống chủ yếu dành cho đôi bàn tay khéo léo, mềm mại của người phụ nữ chốn Kẻ Chợ. “Tôi đã từng chứng kiến những cụ già 80 tuổi vẫn ngồi vẽ, vẽ say sưa, miệt mài. Ở các phố Hàng Nón, Hàng Mành ngày xưa, các bà các chị ngồi phóng bút bằng cả hai tay. Họ làm được thế cũng một phần bởi tranh thường là đối xứng nhau”, ông Khuê tâm sự.

Vang bóng một thời


Có dịp gặp nhà nghiên cứu dành nhiều tâm huyết cho dòng tranh Hàng Trống Phan Ngọc Khuê, tôi mới vỡ lẽ ra gọi tranh Hàng Trống không phải là vì cả con phố này làm tranh giống như cách hiểu về bao con phố “Hàng” khác của đất Kẻ Chợ. Sở dĩ có tên tranh Hàng Trống là bởi ngày xưa người ta đem tranh về đình Hàng Trống tập kết, còn chủ yếu làm tranh nhiều vẫn là các gia đình trên phố Hàng Mành, Hàng Chỉ...

%281%29tranh2.jpg


Phải là dân Hà Nội mới thấy thích thú cái thói quen đã trở thành nếp sống bao đời, cứ độ 15, 17 tháng Chạp, nhà nhà rủ nhau lên Cống chéo Hàng Lược mua đào, mua đồ bày Tết, đến tối 30 vòng về Đồng Xuân mua hoa. Còn quãng từ 15 đến 27, cả khu phố Hàng Trống nhộn nhịp người mua kẻ bán. Người thì chơi tranh lẻ như tranh Công, tranh Cá, người thì kiếm dăm bộ hết Tứ bình, Tứ quý... lại tìm đến với các bộ tranh truyện như Truyện Kiều, Tam Quốc. Đề tài của tranh Hàng Trống rất rộng mở, phục vụ cho tín ngưỡng dân tộc như các loại tranh khác. Nhưng riêng về các loại tranh chơi, các đề tài xã hội, thế sự thì tranh Hàng Trống rất mạnh.

Lý giải về điều này, theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, đơn giản bởi đây là dòng tranh của đất kinh đô, kinh kỳ xưa - nơi vốn diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của đất nước và cũng là nơi hội tụ của dân chúng. Cuộc sống diễn ra thế nào thì tranh phản ánh đúng như thế. “Ví như bức Chợ quê, ngắm kỹ mới thấy hết cái thần tình của người nghệ nhân. Góc bán vịt, bán gà, người mua đang dốc ngược con vịt lên sờ xem béo gầy. Chỗ bán rau, chỗ lại đánh tổ tôm. Chỗ thì mua xúm xít, chỗ người bán ngồi bó gối vì chẳng ai hỏi, vừa rất đỗi thân quen, lại vừa thấy cái không khí làng quê thanh bình, yên ả”, ông Khuê nói.

Một phần quan trọng khác làm nên nét đặc sắc cho tranh Hàng Trống là những bộ tranh mô phỏng các tích truyện. Nằm ở chốn giao lưu văn hóa, người Thăng Long - Hà Nội có trình độ văn hóa nghệ thuật cao, am hiểu các vấn đề triết lý sâu sắc. Tranh truyện vì thế càng trở nên hấp dẫn và có sức sống qua hàng chục thế kỷ. Có những tranh phỏng theo tích truyện Trung Quốc nhưng qua con mắt của người nghệ nhân tranh Hàng Trống, nó lại được hiểu theo đúng cách của người dân VN, làm nên những nét riêng biệt chỉ có trong tranh dân gian Hàng Trống.

tranh31.jpg


Nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho biết, một loại tranh khác của dòng tranh đất Hà Thành đắt khách không kém là tranh thờ chư vị thánh Mẫu. Bức tranh thờ cổ nhất là can nét lên mặt giấy để lấy hình, sau đó mới làm giống như bản khắc gỗ.
Chính nhờ việc can nét như thế nên mỗi tác phẩm là một “độc bản” giá trị mà sau này đã mất đi do điều kiện kinh tế, để đáp ứng nhu cầu đông đảo của người mua, người làm tranh đã chuyển sang khắc ván. Nhưng đẹp nhất vẫn là tranh vẽ tay. Bởi khi khắc gỗ thì các đường nét dễ bị cứng nhưng khi vẽ bằng tay, các nét bút rất thanh thoát, mềm mại và có thần thái. Với ngọn bút lông bé tí người ta vắt từng đường nét, nào mày cong lá liễu, đuôi mắt vuốt lá trầu không. Vì thế các tranh thờ thánh Mẫu rất đẹp, đẹp như con gái ngoài đời.

Ông Khuê đánh giá: “Các nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống, Hà Nội đã cảm nhận được vẻ đẹp thần tiên trong con người trần tục ở thời gian này. Bởi thế tranh thờ các vị thánh Mẫu đạt đến độ tuyệt phẩm của tranh dân gian VN, là một loại tranh tín ngưỡng độc đáo và đặc sắc trong các loại tranh tôn giáo, tín ngưỡng của nhân loại”.

Tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống cùng là những dòng tranh dân gian nổi tiếng nhưng trước sự biến thiên của thời cuộc, cả hai dần mất đi thế thượng phong của mình, nhất là tranh Hàng Trống. Cả dãy phố Hàng Nón, Hàng Trống xưa kia vốn dày đặc tranh thì nay tìm mỏi mắt cũng không bói đâu ra một nhà bán loại tranh này. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người Hà Nội nay chỉ được nghe tới loại tranh này mà chưa từng có dịp mục sở thị và hiểu về những giá trị tinh thần một thời của cha ông. Người làm nghề cũng rơi rụng hết, duy chỉ còn nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn đang cố níu giữ lấy nghề, níu giữ lấy cái hồn của chốn Kinh Kỳ ngàn năm.



(Theo ICTnews)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top