Tìm hiểu tư tưởng Nho giáo ở Việt Nam

Bút Nghiên

ButNghien.com
Tìm hiểu tư tưởng Nho giáo ở Việt Nam

Phái Nho học thực sự là một học phái, ảnh hưởng to lớn và lâu dài ở phương Đông. Nho giáo đã góp phần xây dựng một dạng thức đặc trưng của cấu hình tư tưởng phương Đông, cấu hình tư duy phương Đông.

1. Các thế hệ Việt nho

Nho giáo có nguồn gốc từ phương Bắc, nhưng do nhiều nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, đã tạo nên ảnh hưởng Nho giáo đến nước ta qua nhiều thế hệ. Thế hệ có thể được hiểu là tính tương đồng, kế thừa, tính “truyền thống” đặc trưng hơn là "xét đơn giản thế hệ theo tính biên niên, hoặc đồng đại mang tính lịch sử xã hội”. Trên cùng một mốc thời gian có thể tồn tại cả truyền thống thế hệ cũ và khởi đầu một truyền thống mới.

Mỗi thế hệ lấy một mẫu nho sĩ tiêu biểu làm trung tâm. Tập trung xung quanh hoặc kế thừa tương đồng mẫu tiêu biểu đó làm thành một nhóm nhà nho mang tính thế hệ – trường phái về mặt tư tưởng.

Tính chất thế hệ không loại trừ những trường hợp đa dạng, ngoại lệ. Thực tế đứng về mặt tư tưởng, sáng tác, có nhà nho này giống với nhà nho khác không cùng thời đại. Có truờng hợp nhà nho có tính chất truyền thừa, hành trạng, học thuật có tính hệ thống theo trục dọc. Ví dụ như Chu An – Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Phạm Ngộ (em Phạm Mại). Cũng có trường hợp khác biệt về tư tưởng, Ví dụ trường hợp Chu An – Vu Dụ. Đa số nhà Việt nho không có chút truyền thừa rõ rệt, không có trường phái mới, không có tính trường phái rõ rệt như ở Trung Hoa.

Các danh nho có đức nghiệp của ta được Phan Huy Chú khảo cứu, đánh giá trong công trình “Lịch triều hiến chương loại chí” – (Nhân vật chí). Nam Phong tạp chí – Q. IX, số 52-54; Q. X, số 55 tháng 10/1921 – 1/1922 có dựa vào “Lịch triều hiến chương…” để viết về các bậc danh nho nước ta. Theo tác giả, đời Trần có một, đời Lê buổi đầu có 10, đời Mạc có 4, đời Lê Trung hưng về sau có 14 nhà nho đức nghiệp. Tuy nhiên, số lượng nhà nho rất nhiều, mỗi thế hệ có những đặc điểm riêng cần được khái quát nhằm làm cơ sở cho diện mạo trường phái Nho thuật nước nhà.

Trong quá trình khảo sát cần phải lưu ý đến:

- Tính thời gian tương đối của từng thế hệ.

- Tính đặc thù từng thế hệ.

- Tính cá biệt từng nhà nho trong thế hệ.

- Tính riêng lẻ của một số nhà nho trong cùng một thế hệ.

- Tính truyền thống, truyền thừa ảnh hưởng của thế hệ.

Ở đây không nhất thiết giới hạn tối đa 100 năm của thời gian đời người như Thanh Lãng, mà chú ý đến thế hệ về mặt tư tưởng – cả tính truyền thừa, truyền thống về tư tưởng.

Theo Phan Huy Chú, tiêu chí chọn lựa là học vấn, đỗ đạt, văn chương, đức nghiệp. Trong đó chọn lọc lại những người nổi tiếng do đạo đức, khí tiết, trước thuật, văn chương: “Các bậc văn nho xưa nay rất nhiều, dường không kể xiết. Song những người học hành đậu đạt mà văn chương đức nghiệp không rõ rệt để có thể kê khảo được nay đều không chép, chỉ lựa lấy những người trội hơn cả, trước sau được vài chục ông, hoặc do đạo đức mà nổi tiếng, hoặc do khí tiết cao cả, hoặc giỏi trước thuật, hoặc chuyên văn chương, tuy sở trường không giống nhau mà nổi tiếng ở đời; nói tóm lại, những người ấy không hỗ danh nhà nho nên chép rõ hành trạng của họ” (“Lịch Triều hiến chương loại chí").

Giai đoạn 1: Các thế hệ các nhà nho du học – làm quan ở hải ngoại:

Gồm các nhà nho còn được ghi tên tuổi vào sử sách (Bắc thuộc) như Lý Cầm, Lý Tiến, Trương Trọng (đời Hán Linh Đế – Đông Hán), Khương Công Phụ (Tiến sĩ năm 780)... Họ là lớp Nho học tiên phong của nước nhà, nhưng quá trình học tập và thăng tiến ở Trung Hoa. Những tư liệu về thế hệ này hầu hết đã thất lạc, những gì còn lại thật sơ lược. Nhưng có thể nói, thế hệ nho sĩ đầu tiên này tiếp thu Hán Nho, vượt lên hơn những nho sĩ ban đầu trong nước vốn được trang bị kiến thức Nho học rất hạn chế. Vì mục đích đào tạo của các quan lại phương Bắc, trong suốt thời kỳ đô hộ chỉ giới hạn số lượng, chương trình, mức độ đủ để phục vụ ở cấp độ quan lại địa phương ở các chức vụ nhỏ.

Lớp nho sĩ này thật ít trong suốt hàng ngàn năm Bắc thuộc, trải qua các triều Hán, Đường ở Trung Quốc. Nói chung, họ chưa có đóng góp gì thật lớn lao đối với văn hóa – lịch sử nước nhà.

Giai đoạn 2: Các thế hệ các nhà nho dưới sự cất nhắc của các Thiền sư trí thức Phật giáo đầu kỷ nguyên độc lập.

Các Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi, Thiền phái Vô Ngôn Thông, Thiền phái Thảo Đường đã tạo cho văn hóa nước ta một không khí sinh hoạt trí thức mới. Các thiền sư Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, Pháp Thuận… là những thiền sư đầy bản lĩnh và tài năng, nhưng mặt khác, đối với Nho học, họ có thể xem là những người trợ giúp Nho học, những nhà nho “không chuyên”. Tuy vậy, với kiến thức Nho học trong khối trí thức tổng hợp của mình, họ đã dẫn dắt các thế hệ Nho học trẻ đang trưởng thành đầu kỷ nguyên độc lập: Lý Thái Tổ (974 – 1028) (Người có công lớn với Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi, Lý Thái Tông (999-1054) (Người lập Văn miếu đầu tiên (1075), Quốc Tử giám (1076) -Những sự kiện văn hóa lớn của khu vực Đông Nam Á), Lý Thường Kiệt (1019-1105) (Lý Thường Kiệt – “Văn lộ bố”: “Nay nghe vua Tống ngu hèn, chẳng biết tuân theo pháp thánh, lại tin kế của Vưong An Thạch tham tà, bày phép “Thanh miêu”, “Trợ dịch” … ), Lý Nhân Tông (1064-1127), Lê Văn Thịnh (Người đỗ đầu khoa thi Nho học – 1075)…

Ngoài ra còn có Lý Đạo Thành, Trương Bá Ngọc, Mạc Hiển Tích (Hàn lâm viện học sĩ)…

Ý thức mới của thời đại là tư tưởng Thiền và lý thuyết Tam giáo. (Khoa Tam giáo đầu tiên năm 1077). Nhìn chung, không khí Phật học sôi nổi và chiếm vị trí chủ đạo trên lĩnh vực văn hóa với tư cách quốc giáo, nhưng các vị vua, đại thần nhà Lý đã để lại những áng thơ văn mang đậm chất tư tưởng Nho giáo đầu tiên trong buổi bình minh của văn học viết dân tộc. Các nhà nho thời kỳ đầu còn để lại dấu vết với tư cách các nhà nho khuyết danh và tác giả thể loại sấm vĩ…

Giai đoạn thứ 3: Các thế hệ Nho sĩ thời đại Tam giáo.

Trần Thái Tông (1225-1258) lần lượt mở các khoa thi Tam giáo. Kỳ thi Thái học sinh... theo phép thi của nhà Nguyên. Lần lượt các gương mặt mới, các nhà nho có vị trí quan trọng trong bộ máy chính trị đã khẳng định vai trò Nho học: Trần Thánh Tông (1240-1290); Trần Nhân Tông (1258-1308); Trần Quốc Tuấn (? -1300), Trần Quang Khải (1241-1294), Phạm Ngũ Lão (1255-1320), Nguyễn Thuyên (Thái học sinh đời Trần Thánh Tông), Nguyễn Sĩ Cố (Nội thị học sĩ đời Trần Thái Tông).

Thiền học vẫn không ngừng phát triển, nhưng đến Trần Nhân Tông, Nguyễn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố… số nho sĩ đỗ đạt đã nhiều. Hàn luật, chữ Nôm được sử dụng rộng rãi từ khoảng thời gian Hàn Thuyên viết văn tế Hàn luật, chữ Nôm, (Đuổi cá sấu) (1282). Sự kiện đó được đánh giá như cái mốc xác định một phong trào văn hóa. Các nhà nho đã từng bước khẳng định mình. Trong đời Trần, Trần Thời Hiến đã bói dịch, chứng tỏ vai trò của Kinh dịch đã ảnh hưởng đến văn hóa tinh thần của người Việt thông qua khoa cử, sinh hoạt xã hội.

Giai đoạn thứ 4: Các thế hệ nho gia đang phát triển

Bên cạnh Thiền phái Trúc Lâm và bước chuyển Huyền Quang, thế hệ nho gia mới có dấu hiệu phản đối Phật giáo, khẳng định thế mạnh đang có của lực lượng trí thức mới trẻ trung, năng động.

Mạc Đỉnh Chi (1284(?) – 1361), Trương Phóng (? - ?), Bùi Ngộ (? - ?), Bùi Tông Quán (? - ?), Trần Anh Tông (1276 – 1320), Lý Tế Xuyên (? - ?), Trương Hán Siêu (? -1354)… Thế hệ nhà nho này từng bước đoạn tuyệt với Phật giáo. Lý Tế Xuyên độc tôn hệ thống thần thánh thuộc Nho giáo, Trương Hán Siêu bài bác Phật giáo và để lại nhiều tuyên ngôn nghệ thuật văn học Nho giáo.

Giai đoạn thứ 5: Các thế hệ nho gia trong thời đại Nho giáo độc tôn:

Gồm có các nhà nho Nguyễn Trung Ngạn (1259 - 1370), Chu Văn An (? – 1370), Phạm Ngộ (Tri thẩm hình viện sự đời Trần Minh Tông), Phạm Tông Mại (Ngự Sử Tri Tán đời Trần Minh Tông), Lê Quát (1300 - 1375), Phạm Sư Mạnh (1297 - 1372), Lê Lạp (? - ?), Đỗ Tử Vi (? - ?), Chu Đường Anh (? - ?), Trần Nguyên Đán (1370 -1380), Phạm Nhân Khanh (1373 - ?) (Tiến sĩ đời Long Khánh), Hồ Tôn Thốc (Trạng nguyên đời Trần Nghệ Tông)...

Thế hệ đã xây dựng được những nhân cách Nho giáo vĩ đại, mẫu mực cho muôn đời. Nho giáo qua ảnh hưởng của thế hệ này đã thể hiện những chức năng tích cực về chính trị, xã hội, văn hóa.

Đặc biệt là Chu An, nhà nho có đức nghiệp bậc nhất trong mọi thế hệ Việt nho. “Kiến văn tiểu lục”- “Tài phẩm” có viết: Chu An dâng sớ chém bọn nịnh thần, làm rung động cả trong triều, ngoài quận, rồi cáo quan, trả mũ áo về nhà … vua chúa phải tôn trọng, công khanh phải kính phục, đấy là bậc thanh cao nhất”. Bốn người được xếp vào bậc thanh cao thứ hai: Đặng Tảo (cuối thế kỷ XIII – đầu XIV), Trương Đỗ (? - ?), Bùi Mộng Hoa (cuối thế kỷ XIV), Trần Đình Thâm (Thám hoa 1374). Các sĩ phu đều đánh giá rất cao Chu An, xem đó là “bậc tông Nho xưa nay chỉ có một”. Ông là người xứng đáng nhất thờ phụng ở Văn miếu, sân miếu Khổng Tử vào đời vua Trần Nghệ Tông (Cùng với Trương Hán Siêu, Đỗ Tử Bình). Các sử gia cũng đã dùng ngòi bút Xuân Thu so sánh Chu An với Trương Hán Siêu, Đỗ Tử Bình, Trần Nguyên Đán (Trương Hán Siêu, Trần Nguyên Đán đều có ưu điểm nhưng vẫn còn khuyết điểm.). “Tứ thư thuyết ước” (Chu An) chú trọng thực tiễn, không thích trừu tượng, “cùng lý”, “lấy minh đạo hóa dân làm gốc”. (Nhưng nói đến Tứ thư là nói đến Tống Nho, chứng tỏ học thuật Tống Nho đã có ảnh hưởng đến Việt nho, dù qua sự khúc xạ văn hóa Việt).

Năm Đại Trị (1358 - 1369) (Thời Dụ Tông), Lê Quát, Phạm Sư Mạnh (học trò ChuAn) đã bắt chước Vương An Thạch (Tống Nho) cải cách nhưng không thành công. Riêng Hồ Tôn Thốc xứng đáng tự hào với gia đình bảy đời Tiến sĩ. (Gia đình bảy đời Tiến sĩ: Hồ Thành (Trạng nguyên), Hồ Đốn (Trạng nguyên), Hồ Tân, Hồ Sĩ Đống, Hồ Sĩ Tuần, Hồ Sĩ Dương ([2, 10]).

Giai đoạn thứ 6: Thế hệ Nho học thời quốc biến

Gồm các nho gia trong thời đi dần đến sự sụp đổ của nhà Trần, những cải cách của Hồ Quý Ly và sự xâm lược của nhà Minh.

Thế hệ này gồm các danh nho: Nguyễn Phi Khanh (1380 - 1482), Hồ Quý Ly (1376 -1407), Bùi Mộng Hoa (? - ?), Phạm Nhữ Dực (Giáo thụ đời Hồ), Trần Lâu (Thái học sinh đời Hồ), Lê Cảnh Tuân (? - 1416) (Thái học sinh đời Hồ), Đặng Dung (? -1413), Trần Thế Pháp (? - ?), Lý Tử Cấu (Thái học sinh đời Trần), Nguyễn Húc (Tri Phủ đời Lê Thái Tổ), Bùi Ứng Đầu (? - ?)…

Tinh thần dân tộc đã đưa thế hệ này đến khuynh hướng cải cách Nho giáo. Công cuộc cải cách chưa thành thì ngoại xâm đã đưa thế hệ này vào cuộc chiến trên chiến trường, trên mặt trận văn hóa. Hồ Quý Ly đã có ý định khẳng định bản sắc Việt Nam trên hành trình lịch sử tư tưởng Việt Nam (Sách Minh đạo), nhưng Hồ Quý Ly đã thất bại và bị các sử gia nho học phê phán kịch liệt. Hồ Quý Ly “cho Hàn Dũ là “đạo Nho”, cho bọn Chu Mậu Thúc (Chu Liêm Khê, Chu Đôn Di), Trình Di, Trình Hạo, Dương Trì (học trò Hàn Dũ), La Trọng Tố (La Tùng Ngạn) (học trò Dương Trì), Lý Diên Bình (Lý Đồng – học trò Dương Trì và là Thầy Chu Hy), Chu Tử (Chu Hy) tuy học rộng nhưng ít tài, không sát với sự việc, chỉ thạo việc cóp nhặt văn chương người xưa” (Đại Việt sử ký tiền biên).

Ngô Sỹ Liên xem Chu Hy là “Tập đại thành của tiên nho” và phê bình Hồ Quý Ly: “Chẳng biết lượng mình… Tội không kể xiết”.

Cũng trong thời gian này, nhà Minh đem Tống Nho chính thức truyền bá ở nước ta. Đồng thời, thế hệ này cũng để lại những tấm gương khí tiết của Bùi Mộng Hoa: “Kẻ ở giang hồ mà lo cho vua càng là kẻ sĩ có khí tiết”; Đặng Dung, Lê Cảnh Tuân và những ẩn sĩ thanh cao như Bùi Ứng Đầu, Lý Tử Cấu,...

Giai đoạn thứ bảy: Thế hệ Nho học kháng Minh:

Gồm các danh nho Nguyễn Trãi (1380 - 1442), Lý Tử Tấn (Tiến sĩ – 1400) (1378 -1458), Nguyễn Mộng Tuân (Thái học sinh, 1400), Vũ Mộng Nguyên (1380 - ?), Đỗ Nhuận (Tiến sĩ 1466), Nguyễn Phu Tiên (đầu Lê), Doãn Hành (Bác sĩ Quốc tử giám 1431), Trình Thanh (1413 -1465), Hoàng Sần Phu (1344 - ?), Nguyễn Thân (? - ?), Lương Nhữ Học (Thám hoa 1442), Ngô Sĩ Liên (Tiến sĩ 1442), Nguyễn Thiên Tích (Khoa Hoành Từ 1431) (Tế Tửu Quốc Tử Giám), Đỗ Cận (1433 - ?), Phan Phu Tiên (Thái học sinh 1336) (Soạn "Đại Việt sử ký tục biên" năm 1455), Nguyễn Thiên Túng (Khoa Minh kinh 1429), Trần Ích Phát (đỗ khoa 1488).

Kẻ sĩ cuối đời Trần có "Nguyễn Liễu Trai giỏi nhất về văn học, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Phu Tiên, Nguyễn Thiên Túng cũng siêu việt là những nhà văn chương lớn một thời" [4, 501]. Trần Ích Phát đào tạo nhiều nho sinh đỗ đạt: Vũ Kiệt (Trạng nguyên 1472), Trần Sùng Dỉnh (Trạng nguyên), Nghiêu Viên (Trạng nguyên), Nguyễn Đức Huấn (Bản nhãng), Trần Bích Hoằng (Thám hoa), Nguyễn Ninh – Nguyễn Doãn Định (Thám hoa), Thân Cảnh Văn, Đinh Vu Kim, Lưu Ngạc Thư, và 10 Hoàng Giáp, 50 Tiến sĩ (Tam giáp) [2, 311].

Tập trung vào cuộc kháng chiến chống Minh, các nhà nho thế hệ này đã không có thời gian để suy tư triết học. Các nhà nho trong hoàn cảnh này có khuynh hướng vận dụng học thuật vào cuộc kháng chiến. Nho thuật bị lệch sang nhu cầu riêng của đất nước thời chiến. Đặc biệt tư tưởng Minh Nho không được tiếp thu trong thế hệ này mặc dù những thành tựu của Nho học đời Minh ở Trung Hoa khá cao. Học phái của Vương Dương Minh cũng không được tiếp thu, có thể do hậu quả tất yếu của cuộc kháng chiến, do những chính sách tàn bạo và hủy diệt văn hóa của nhà Minh.
Nguyễn Trãi tuy ảnh hưởng Thiền nhưng là nhà nho tiêu biểu, trung tâm cho cả thế hệ. Lý Tử Tấn ca ngợi Nguyễn Trãi:

"Lễ độ ung dung nhân nghĩa giữ
Kính nhường đi đứng tính tình ưa
Lại về sân đất trơ màu cỏ
Khách đến rào tre nổi khói trà
Xong việc đốt hương ngồi lặng lẽ
Phiếm đàn, nét họa tháng ngày qua".
(Trần Thanh Mại dịch).

Lê Thánh Tông ca ngợi là “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”.
Giai đoạn thứ 8: Các thế hệ Nho học thời thịnh trị:

Gồm Nguyễn Trực (1417 -1473) (Người đứng đầu bia tiến sĩ), Lê Thánh Tông (1442 - 1497), Hội Tao Đàn, Thân Nhân Trung (Tiến sĩ 1469), Ngô Luân (Tiến sĩ 1475), Ngô Hoán (? - 1490), Ngô Quang Bật (Trạng nguyên 1483), Đàm Thận Huy (Tiến sĩ 1480), Lương Thế Vinh (Trạng nguyên 1463) [51, .316], Thái Thuận (Tiến sĩ -1475) (1441 - ?), Nguyễn Doãn Định (Thám hoa khoa 1481), Vũ Quỳnh (Hoàng Giáp khoa 1478), Kiều Phú (Tiến sĩ khoa 1475), Lê Tung (Tiến sĩ 1484), Dương Đức Nhan (Tiến sĩ 1486), Đặng Minh Khiêm (Tiến sĩ - 1478), Vũ Cán (Hoàng Giáp - 1502), Nguyễn Trực (1473), Phù Thúc Hoành (Đời Lê Thánh Tông) (Phục vụ triều Lê Thánh Tông, Hiến Tông), Ngô Chi Lan (1434 - ?), Đàm Văn Lễ (1452 - 1502), Nguyễn Bá Ký (? - 1465), Lương Đắc Bằng (Bảng nhãn - 1411)…
Đàm Thận Huy: dạy Nguyễn Giản Thanh (Trạng nguyên 1508), Nguyễn Chiêu Huấn (Bản nhản 1514), Nguyễn Hữu Nghiêm (Thám hoa 1502), Nguyễn Tự Cường (Tiến sĩ)… [2, 315]. Nguyễn Doãn Định (học trò Trần Ích Phát), gia đình 5 đời tiến sĩ: Nguyễn Thiến (Trạng nguyên), Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn, Nguyễn Nhậm [2, 20-24]. Nguyễn Trực được các nhà nho đánh gía cao: “Từ nay về sau nghĩa lý trong kinh thánh thánh hiền ký thác vào ông cả” ("Kiến văn tiểu lục" – Tài phẩm II).

Nhà nước phong kiến đời Lê là đạt đến cực thịnh, Nho học phát triển, thế hệ nhà nho thượng tôn Nho thuật tiêu biểu có thể là thế hệ này. Các nhà nho có khuynh hướng xoay quanh nhân vật độc đáo là Lê Thánh Tông - nhà vua anh tài, có công đưa Nho học đến địa vị “quốc giáo”, lưu tâm về Lý học và ảnh hưởng Tống Nho.

Lê Thánh Tông định lệ ba năm một lần thi đặt ngũ minh bác sĩ, những người đỗ tiến sĩ được khắc tên vào bia đá. Đây là thời kỳ chuyên sâu các kinh “Chu dịch”, “Lễ Ký”, “Xuân Thu”.

Giai đoạn thứ 9: Các thế hệ Nho học thức giả:

Thế hệ gồm các Nho gia tiêu biểu: Vũ Duệ (1468 -1522), Lê Đức Mao (1462 -1529), Nguyễn Giản Thanh (1480 - ?), Lê Quang Bí (TS - 1528), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1581), Nguyễn Dữ (Tiến sĩ 1496), Giáp Hải (? - 1538), Đào Duy Từ (1572 - 1634), Phạm Công Trứ (1602 - 1675), Hoàng Sĩ Khải (Tiến sĩ 1544) (1510 - ?), Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), Dương Tồn (1573 - ?)…

Lương Đắc Bằng dạy Nguyễn Bỉnh Khiêm; Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy Giáp Hải, Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan, Trương Thời Cử, Nguyễn Dữ. "Qua Ngọa Long Cương, ta thấy Đào Duy Từ là môn đệ của lý thuyết Tống Nho. Điều này Phạm Đình Hổ trong “Tang thương ngẫu lục" có nhắc đến” (“Bảng lược đồ văn học” -Thanh Lãng).

Dương Tồn – Thầy của Hồ Sĩ Dương (1620 - 1681) – Hồ Sĩ Dương đào tạo Hoàng Công Trí (người chủ trương phục hưng văn thể Hồng Đức) (1693)

Thế hệ mới nhận thức được vai trò Nho học đang dần dần mờ nhạt. Lối văn khoa cử, từ chương làm cho thực học suy kém. Lê Quí Đôn (“Kiến văn tiểu lục”): “Từ năm Đoan Khánh 1502 trở về sau, lời bàn luận sáng suốt bẳng đi…”, “Người tiếng gọi danh nho cũng yên tâm nhận xưng vinh phi nghĩa”.

Nho học thuộc trường phái Tượng số học của Tống Nho đã có tác dụng rõ rệt đối với Việt nho với truyền thống của Lương Đắc Bằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm (Chu Xán (Thanh): “An Nam Lý học hữu Trình Tuyên”). Phùng Khắc Khoan… Nhiều tài liệu Tượng số học được thế hệ này nghiên cứu, Phùng Khắc Khoan diễn Nôm Kinh Dịch… làm phong phú thêm trường phái Tống Nho. Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ chém 18 loạn thần phong độ như Chu An ngày trước, thầy – trò ông cũng ảnh hưởng tư tưởng Lão – Trang.

Khoảng 65 năm nhà Mạc đã để lại không ít thành tựu về văn hóa (1527 - 1592). Nhưng theo “Khoa đăng lục sưu giảng": “Từ là Trung hưng (1533 - 1788) về sau bậc đỗ Tam khôi rất hiếm mà văn chương vụn vặt, kém vẻ hồn hậu, nhân tài dần dần không được bằng xưa” và "Kiến văn tiểu lục" cũng nhận xét thế.

“Kiến văn tiểu lục” (Tài phẩm) (Q. V): Phong độ kẻ sĩ đời Lê ba lần biến đổi: Lê sơ nho sĩ thưa thớt: Nguyễn Thiên Tích, Bùi Cầm Hổ, Lý Tử Cấu, Nguyễn Thời Trung… Giữa niên hiệu Hồng Đức: “văn bóng bẩy”, “Người khí tiết khẳng khái có phần thưa thớt". Từ năm Đoan Khánh (1505 - 1509) “Tập tục sĩ phu thối nát”,”gặp việc thì rụt rè cẩu thả, lúc nguy thì bán nước để cầu thân, dầu người gọi là bậc danh nho".

Giai đoạn thứ 10: Các thế hệ nho sĩ phân hóa:

Cục diện cát cứ làm cho các nhà nho có cách thức và thái độ lựa chọn riêng.

Các danh Nho tiêu biểu là Hồ Sĩ Dương (1621 - 1681), Nguyễn Quý Đức (1648 - 1755), Vũ Công Đạo (1628 - 1714), Nguyễn Tông Quai (1693 - 1767) (Hoàng giáp 1721), Nguyễn Công Hãng (1680 - 1731), Vũ Phương Đề (168 - ?), Lương Hữu Khánh (? - ?), Nguyễn Đăng Đạo (1651 - 1719), Nguyễn Nghiễm (Hoàng giáp 1731), Nguyễn Bá Lân (1701 - 1786), Nguyễn Hoãn (1713 - 1792), Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748), Nguyễn Giản Thanh (Tiến sĩ 1769), Phạm Đình Trọng (? - ?), Đặng Trần Côn (Tri phủ đời Lê Hiển Tông), Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767), Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780), Mạc Thiên Tích (1706 -1780), Lê Quí Đôn (1726 - 1784), Nguyễn Hữu Cầu (? - 1751), Nguyễn Gia Thiều (1741 - 1798), Nguyễn Hữu Chỉnh (1741 - 1822), Nguyễn Thiếp (1723 - 1804), Trần Danh Án (1760 - 1790), Bùi Huy Bích (1744 - 1818), Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803), Phan Huy Ích (1750 - 1822), Lê Hữu Trác (1720 - 1790), Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789), Phạm Nguyễn Du (1739 - 1786)…
Vũ Công Đạo đào tạo nhiều nhân tài: Phạm Quang Trạch (Bản nhản), Vũ Thạnh (Thám Hoa). Vũ Thạnh đào tạo Nguyễn Tông Khuê, Tông Khuê đào tạo Lê Quí Đôn; Lê Quý Đôn đào tạo Chu Nguyên Mại; Nguyên Mại đào tạo Bùi Huy Bích.

Nguyễn Thiếp - Tiếp thu Lý học: “Cái đạo của thánh nhân đã có sách của Liêm Khê, Minh Đạo, Y Xuyên, Hoành Cừ, Khang Tiết và Chu Văn Công, bác văn ước lễ, không thiếu điều gì” (Hạnh Am ký); đề cao Trình Chu - “Kinh tàn thanh viễn học mông mông – Thiên cổ Trình Chu đắc chính tông” (“Làm sau khi đọc “Tính lý đại toàn”).

Lê Quí Đôn để lại những công trình khảo cứu với tư cách một học giả tài năng, ông đã viết “Thái ất dị giản lục” (Thần cơ dị số) chịu ảnh hưởng Tượng số học đời Tống, nhưng về mặt tư tưởng, ông không bó hẹp như Tống Nho mà có thái độ phóng khoáng, khách quan đối với Phật giáo và cả những tư tưởng, học thuật phương Tây. Lê Quí Đôn đánh giá cao văn hóa phương Tây, khi nói về Matheo Rics, Ferdinandus Veriest, Giuleo Aleni: “Họ nói về trời và đất sâu sắc vô cùng, họ bàn về chính trị và phép làm lịch có những điểm mà tiên nho chưa tìm ra được”.

Thời này xuất hiện nhiều tác phẩm đề cao cá tính và bênh vực con người của các nhà nho như Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Huy Tự… đồng thời cũng có nhiều tác phẩm nghiên cứu Nho học, dề cập đến nội dung Nho học như “Ngũ kinh toản yếu”, “Tứ thư toản yếu” (Nguyển Huy Oánh), “Luận ngữ ngu án”, “Chu huấn toàn yếu” (Phạm Nguyễn Du), “Ngũ kinh tiết yếu”, “Chu lễ tiết yếu”, “Luận ngữ tiết yếu” (Bùi Huy Bích), “Xuân Thu quảng kiến” (Ngô Thì Nhậm)… Các công trình này chủ yếu tập trung vào Tứ thư - Ngũ kinh (Tài liệu này chủ yếu qua biên tập chú giải của Tống Nho).

Giai đoạn thứ 11: Các thế hệ Nho tài tử ưu thế .

Gồm các nho sĩ tiêu biểu như Nguyễn Hành (1771- 1820), Phạm Đình Hổ (1783 - 1841), Phạm Quý Thích (1760 - 1825), Hồ Xuân Hương (1770 (?) – 1830 (?)), Nguyễn Du (1750 - 1840), Phạm Thái (1777 - 1813), Nguyễn Công Trứ (1778 - 1859), Phan Huy Chú (1782 - 1840), Cao Bá Quát (1808 - 1822), Nguyễn Huy Hổ (1783 - 1841), Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), Lê Ngô Cát (Cử nhân 1848), Phạm Đình Toán (Cử nhân 1842), Nguyễn Huy Tự (1747 - 1790), Nguyễn Huy Lượng (? - 1808), Nguyễn Đăng Tuyển (1795 - 1880)…

Thế hệ Nho gia này có phong cách phi chính thống khá đậm nét. “Cái tôi cá nhân” được quan tâm trên nền luân lý Tống Nho là chủ yếu. Nhà nho tài tử nổi bật nhất thế hệ này là Nguyễn Du (Thanh Lãng gọi là "thế hệ Nguyễn Du"). Họ là những nhà nho tài hoa, phóng khoáng, không câu nệ những khuôn mẫu phép tắc Nho học.

Giai đoạn thứ 12: Các thế hệ các nhà nho phản ứng văn hóa phương Tây:

Bao gồm các nhà nho tiêu biểu: Phạm Văn Nghị (1805 - 1881), Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888), Phan Đình Phùng (? - 1895), Nguyễn Khuyến (1835 - 1905), Tùng Thiện Vương (1819 - 1870), Tuy Lý Vương (1820 - 1897), Nguyễn Thông (1827 - 1884), Bùi Hữu Nghĩa (1807 - 1872), Phan Văn Trị (1830 - 1910), Huỳnh Mẫn Đạt (1807 - 1883), Trần Tế Xương (1870 - 1907)…

Đó là thế hệ những người nho sĩ khảng khái, anh hùng. Trong bi kịch lịch sử, họ sử dụng Nho giáo như đạo lý cao đẹp của văn hóa truyền thống khi đất nước lâm nguy. Đa số họ phản đối văn hóa phương Tây, quyết liệt bảo vệ quốc học cổ truyền. Họ đã để lại những tượng đài anh hùng “thất thế nhưng vẫn hiên ngang”.

Giai đoạn thứ 13: Các thế hệ “Nho thể Tây dụng”:

Gồm các nhà nho: Nguyễn Trường Tộ (1827 - 1871), Phạm Phú Thứ (1821 - 1882), Đăng Huy Trứ (1825 - 1874), Nguyễn Lộ Trạch (1853 - 1898), Huỳnh Tịnh Của (1834 - 1907), Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898), Phan Bội Châu (1867 - 1940), Phan Chu Trinh (1872 - 1926), Phan Đình Phùng (1847 - 1895), Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947), Nguyễn Thượng Hiền (1869 - 1925), Hoàng Tăng Bí,…

Ảnh hưởng tư tưởng “Đại đồng” của Thanh Nho, các tân thư của Thanh Nho, thế hệ này ước mơ canh tân đất nước theo tinh thần “Nho thể –Tây dụng”. Ý thức mới trong mọi thế hệ nho sĩ là sự gặp gỡ của mẫu người quân tử và con người dân chủ trong thế giới đại đồng. Nguyễn Lộ Trạch nhìn nhận so sánh ngày xưa và nay (năm 1892), giữa Khổng giáo xưa và tư tưởng tiên tiến Phương Tây bấy giờ. Về sau này tư tưởng cải cách được giới Nho học thế hệ cuối xem là cần thiết. Những tư tưởng tiến bộ của Rousseau, Montesquieu… đều được tiếp nhận trên tư tưởng “hòa” của Nho học. “Cậy tân học dò đường tự chủ, Lư Thoa (Rousseau), Mạnh Đức (Montesquieu) so sánh người xưa. Mượn Đông du thăm hỏi bạn đồng tâm, Hương Cảng, Hoành Tân lỏi len đường mới” (Phan Bội Châu – “Văn tế Phan Chu Trinh”). Các nhà nho tân học đã thẩm định lại những gì mà họ đã tiếp thu bằng thái độ nghiêm khắc: “Tình trạng Nho giáo từ Tần về sau bị xuyên tạc bởi chế độ quân chủ chuyên chế Đông Á” (“Quân tự chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”- Phan Chu Trinh – “Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp”).

Rất tiếc là hoàn cảnh đất nước không thuận lợi, không được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ nhiều phía. Các tư tưởng cải cách ở nước ta không thành công như ở Nhật. Nhưng thế hệ cuối cùng này đã để lại nhiều con người đầy khí tiết: “Làm quan không vui sướng bằng ở tù, thà bị giam cầm nơi hải đảo, làm người xa quê bị người ta đánh đập, mắng nhiếc… chớ không muốn ngồi ngựa, cởi xe, ẳm vợ, ôm hầu, múa mép khoe khoang cùng bạn bè cái đắc chí của mình. Bởi thế người trong nước cho tôi là khùng, là ngu... Nhưng lấy con mắt bác ái, bình đẳng mà xem thì tuy không bằng người, nhưng cũng là điều phải vậy” (“Pháp - Việt liên hiệp hậu nhi tân Việt Nam” – Phan Chu Trinh).

Qua các thế hệ nho sĩ, Nho học đã có thời gian tồn tại lâu dài. Ý nghĩa của Nho giáo thật sự to lớn với văn hóa dân tộc – Nó gắn liền với văn hóa cổ truyền Việt Nam. Nhưng nói chung, sự ảnh hưởng đó vẫn còn thiếu độ khúc xạ mạnh mẽ và thiếu sự đa dạng hóa trường phái Nho học. “Đời nhà Lý và nhà Trần, thì sự học của ta theo lối Huấn hỗ học (tìm chỗ sai mất và định nghĩa lại kinh điển) của Hán Nho và Đường Nho, lấy Trình Chu làm tiêu chuẩn. Ta chỉ quanh quẩn ở trong phạm vi hai lối học ấy, chứ không thoát ly được mà sáng tạo ra học thuyết nào khác” [12, 385].

Đứng về phía lịch sử tư tưởng Việt Nam thì Nho giáo đã ngự trị lâu dài và đưa đến tư tưởng dân tộc chủ yếu là vay mượn, tiếp biến, chứ không có những phương thức tư duy mới mẻ, độc lập. “Từ thế kỷ XVI trở đi, ở những giai đoạn giao hảo với Trung Quốc thì tư tưởng Việt Nam mang nhiều nét bắt nghèo nàn, khô hạn, chước Trung Quốc” [21,123] .

2. VIỆT NHO VÀ TỐNG NHO

Qua các thế hệ nho gia Việt Nam, truyền thống tư tưởng Tống Nho đã chi phối sâu sắc và lâu dài đến Việt nho. Sự trao đổi văn hóa đã thực sự diễn ra giữa hai nước. Nhà Tống đã “học cách hành quân của An Nam” (“Quần thư khảo biện”- Lê Quý Đôn), nhà Minh học cách chế súng thần công của Hồ Nguyên Trừng, Nguyễn An thiết kế Tử cấm thành Bắc Kinh. Nhưng tận chiều sâu Nho học nước ta, Tống Nho vẫn giữ vị trí hết sức lớn lao.

Tống Nho được định hình ở Trung Hoa từ giữa thế kỷ X, nhưng phải hai thế kỷ sau mới có ảnh hưởng rộng khắp toàn cõi Trung Quốc và các nước có ảnh hưởng. Thời Nam Tống, Tống Nho đã phát triển ra quốc tế, thành loại hình văn hóa lấy Nho giáo làm chủ thể ở ngoài Trung Hoa: Nhật Bản, Việt Nam và một số nước Đông Á.

Trước tiên, thời Bắc thuộc đã có những nhà truyền bá Nho giáo nổi tiếng ở nước ta: Tích Quang, Nhâm Diên, Lý Thiện, Sĩ Nhiếp, Ngu Phiên, Đào Hoàng, Đỗ Tuệ Độ, Tông Xác, Phòng Pháp Thặng, Tinh Thiều, Vương Thức…. Những người này chủ yếu là người Hoa.

Từ Cổ đại, những thế hệ nho sĩ đầu tiên của nước ta: Lý Cầm, Lý Tiến, Trương Trọng,… du học, đỗ đạt, thành đạt ở hải ngoại (Đời Đông Hán – Trung Quốc). Nho giáo được người phương Bắc truyền sang ta chủ yếu là nội dung luân lý Nho giáo thông thường.

Sau khi giành độc lập, từ đời Ngô, Đinh, Tiền Lê, đầu đời Lý, sự học ở Đại Việt theo phương thức của nhà Đường (và tư tưởng Hán Nho làm nòng cốt). Từ đời Lý trở đi, văn miếu được thành lập (1070), Quốc Tử Giám thành lập (1071), Lý Nhân Tông mở khoa thi Tam Trường (1075), tri thức học tập và thi cử lấy Kinh – truyện Nho giáo.

Về học vấn của nhà Lý, nhà Trần: “Theo lối Huấn hỗ học của Hán Nho và Đường Nho, rồi từ đời Lê về sau, thì theo lối học của Tống Nho, lấy Trình - Chu làm chuẩn” [Trần trọng kim, 385]. Từ đời Lục triều (TKIII – IV) cho đến đời Đường (618 - 907) Phật giáo cực thịnh ở Trung Hoa, mà ở nước ta Phật học cũng thịnh hơn Nho giáo. Từ đời Lê cho đến kỳ thi Nho học cuối cùng (ở Bắc kỳ 1915 và ở Trung kỳ 1918), tư tưởng Trình – Chu đã ảnh hưởng thật lâu bền).

Đời Trần, Hán – Đường Nho ảnh hưởng chủ yếu, nhưng Tống Nho vẫn có ảnh hưởng đến. Chu An, nhà nho học vĩ đại được “Việt sử tổng quát” nhận xét: “cái học của ông là cùng lý, chính tâm, trừ tà, cự bế”.

Về thi ca, đầu tiên các nhà sư Vô Ngại Thượng Nhân, Phụng Đình Pháp sư, Duy Giám Pháp sư… giỏi Phật học, Nho học lẫn thi ca. Các ông đã từng xướng họa với các thi sĩ nhà Đường như Thẩm Thuyên Kỳ, Trương Tịch… Khuông Việt ngâm vịnh với sứ Tống (Lý Giác) (Đời Lê Đại Hành)… Chắc chắn thời gian này sử dụng thi ca Nho giáo theo Đường luật, nhưng các tác giả là các nhà Phật học.

Tống Nho được truyền mạnh mẽ bởi nhà Minh, sau khi đánh bại Hồ Quý Ly. Nhưng chung Lý học đã ảnh hưởng đến Việt Nam từ thế kỷ thứ X. Khoa cử nước ta từ những khoa đầu tiên đã sử dụng các tài liệu chủ yếu của nhà Tống Nho biên tập, chú giải. Những sách đó như “Tam tự kinh” - sách vỡ lòng, do Vương Ứng Lân (đời Tống) soạn; “Sơ học toàn vấn” - sách lịch sử (Sử Trung Quốc, Sử Việt); “Minh tâm bảo giám” - sách tập hợp các cách ngôn, kinh điển, sách vở của Nho gia” (Được biên soạn cuối đời Nam Tống); “Minh đạo gia huấn” - sách luân lý do Trình Hạo (Tống) soạn; “Tứ thư” do Chu Hy đời Tống xếp đặt lại; “Ngũ kinh” - phần lớn chú giải theo tinh thần của Nhị Trình, Chu Hy; “Bắc sử” - sử Trung Quốc từ đời Hán đến Tống; “Nam sử” tùy theo trường; ngoài ra còn có “ Bách gia chư tử”, Đường thi…

Bóng dáng của Tống Nho (chủ yếu là Đạo học) đổ dài gần suốt quá trình học vấn Trung đại ở nước ta. Thậm chí đôi khi còn bị thu hẹp lại như đời Trịnh Giang (1783), chương trình “Tứ Thư” – “Ngũ Kinh” bị duyệt lại, cắt bỏ những đoạn bất lợi cho chế độ trước khi phát cho các học quán. Riêng Chiêu Anh Các (Hà Tiên) thực chất là Tao đàn của Minh Nho lưu vong, có cơ sở, có tổ chức văn hóa nhưng vẫn không lấy tư tưởng “tân học” của Vương Dương Minh (với thuyết “Tri – Hành hợp nhất”) dù học thuyết này đã phát triển mạnh ở Trung Hoa (Diêu Giang phái) và ở Nhật Bản (Minh Trị Thiên Hoàng đã có công đưa tư tưởng Tân học của họ Vương tiếp cận tư tưởng và văn minh phương Tây) (Đến Phan Huy Ích mới thấy dáng dấp tư tưởng của họ Vương: “Đức– Nhân lưỡng đắc thử tri hành” (tuổi trẻ có đức tri hành dường ấy).

Lý học của Tống Nho thật phong phú chi phái, nhưng phái Đạo học ảnh hưởng nhiều đến Việt nho (trừ nhóm Lương Đắc Bằng – Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiệu Khang Tiết (Tượng số học). Tống Nho (Đạo học) có các nho gia đại diện là Chu Đôn Di, Nhị Trình, Chu Hy.

Tư tưởng Lý học bắt đầu với quan niệm tiên phong của Chu Đôn Di (Liêm Khê) (1017-1079). Ông là người tự thể nghiệm cái học “vô ngôn” của Khổng Tử – giải đáp những điều tâm truyền của Khổng Tử. Ông thích học tập “Lạc thú sông Nghi” của Khổng Tử, phần sâu sắc của ông là “vô cực nhi thái cực”, giải thích bản thể vũ trụ ở dạng thức động và tĩnh. (“Vô” được phát hiện ở Lão – Trang: “Chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh” (“Nam Hoa kinh”)).

Tiếp theo là Trương Tải (1020 - 1077), ông cho “Thái hư” là chân thực, trời đất do Thái hư mà thành, bản thể Thái hư gọi là “Thiên địa tính” hay “Thái hòa” nên thiên hạ là người anh em. “Ý niệm “Thái hòa” của ông là từ ý niệm hòa hợp tính của Lăng Nghiêm” [Nguyễn Lang, 239]. Ngô Thì Nhậm (bài “Tiếng nước”): “Người quân tử phải trầm lặng mà thể hiện lẽ Thái hòa”. Ánh bạc của nước trong suốt tận đáy". Nguyễn Bỉnh Khiêm nói đến Thái hòa khác với quan niệm Thái bình.

Ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến Việt nho là tư tưởng của Nhị Trình (Trình Hạo (1032 - 1085) và Trình Di (1073 - 1107). Trình Hạo dùng phạm trù Lý – Khí thay cho Vô cực – Thái cực, ông nói: “Trong ta đã có đủ vạn vật thiên nhiên, vạn vật trong trời đất đều là ta” (“Tự gia thi thiên nhiên chi túc; thiên địa vạn vật thị tự ngã”). Ông cũng nói nhiều đến “Thành”, “Kính” để giữ “Tâm”. Phạm trù Lý học được xây dựng trong quá trình tiếp thu Phật giáo, Lão Trang, phát triển Nho học nên cặp phạm trù Lý – Khí chịu ảnh hưởng của phạm trù Lý – Sự (Hoa Nghiêm tông) [16, 15].
Trình Di nghiêm khắc, chuyên chú vào tông chỉ: Quả dục (hạn chế dục vọng), cư kính (giữ tâm tính nghiêm chỉnh), tập nghĩa (để tâm vào việc nghĩa và luôn làm việc nghĩa), cùng lý (thấu suốt phạm trù bản thể). Ông luôn cố chấp nghĩa lý nhưng nhân cách của ông, hậu nho luôn lấy đó làm mẫu mực. Lý là Tính tất nhiên (bất đắc dĩ mà có), các sự vật trong vũ trụ, trong thiên hạ phải có nguyên nhân của “sở dĩ nhiên” .Chu An xét ở một số khía cạnh có dáng dấp giống Trình Di. Tư tưởng của Lê Thánh Tông nhiều điểm giống Trình Di. (Lê Thánh Tông (“Dụ khuyến học”): “Ngồi cho ngay, đứng cho thẳng, cần phải luyện tập, chính lấy lòng, thực lấy ý, cốt ở ngày mới”).

Một danh nho khác ảnh hưởng đến các thế hệ Nho học sau này ở Trung Hoa và Việt Nam là Chu Hy. Ông chủ trương “cùng lý”, “tận tính” (quán triệt phạm trù “Lý, Tính”). Nhưng ông quá thiên về nghi thức, thủ cựu, thượng lễ, cư kính (nghiêm mật, kính cẩn). Ông có phần giống với Tuân Tử (Tiên Tần), cố chấp, câu thúc, bó buộc… Ông lấy Hình nhi thượng là “gốc” (bản), có tác dụng quyết định, Khí của Hình nhi hạ học là ngọn (mạt), tất cả do Lý quyết định…

Các nhà Tống Nho đã linh hoạt, mạnh mẽ tiếp thu phạm trù “vô” (“Đạo đức kinh”), quan niệm “Chân như” – “sắc – không”- Duy thức luận của Phật giáo, thậm chí tư tưởng “kiêm ái” (yêu tất cả mọi người) của Mặc Tử, tư tưởng “thượng lễ” của Tuân Tử… để hoàn thiện Nho học của trường phái mình. Nhưng từ sự hoàn thiện đó, họ công kích Phật giáo. Thậm chí sự phê phán thiếu khách quan và cơ sở khoa học. “Sự đả kích Phật giáo của ông (Chu Hy) rất thiếu đúng đắn vì ông không có chút kiến thức nào về Phật học. Ông nói: “Học thuyết của Phật giáo xuất phát từ học thuyết Dương Chu, sau lấy thêm học thuyết của Lão Trang ghép vào” (Phật thị chi thuyết, nguyên xuất Dương Chu, hậu dĩ Lão Trang chi thuyết) [14, 40].

3. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TƯ TƯỞNG CÁC DANH NHO VIỆT NAM

Các danh nho Việt Nam có vị trí xứng đáng đối với văn hoá dân tộc, nhiều gương mặt dược xếp vào danh nhân văn hoá thế giới. Tư tưởng các danh nho nói chung đều rất đặc sắc, phong phú.

Trước hết cần thấy dấu hiệu Tống Nho đối với các danh nho Việt Nam. Nhà Tống nho Chu Liêm Khê được nhắc đến khá nhiều trong thi ca Việt nho: (“Tảo hành” – Mạc Đỉnh Chi):

“Liêm Khê hà xứ thị
Ngã dục phẩm yên la"
(Liêm Khê chốn nào đó
Ta muốn viếng thăm nơi cỏ cây sương khói ấy).

Chu Đôn Di cũng được nhắc đến trong thơ ca đời Hồng Đức: bài “Tình liên” (“Hồng Đức quốc âm thi tập” có câu “Thú vị ông Liêm đã biết chưa”. Bài “Lại vịnh sen” (“Hồng Đức Quốc âm thi tập”) lấy cảm hứng từ bài “Ái liên thuyết” của Liêm Khê). Điều đó xảy ra vì cuộc đời, tư tưởng, học thuật của Chu Đôn Di được Việt nho biết đến khá sớm (đời Trần).

Đến Chu An, tư tưởng Tống Nho đã được tiếp thu và bước tiếp theo là tư tưởng đó tiếp tục được Việt hóa. Quá trình Việt hóa đến độ cực đoan diễn ra ở Hồ Quý Ly với sách “Minh đạo”, “Quốc ngữ thi nghĩa”, Tân pháp của Dương An Thạch (Tống Nho) được Lê Quát, Phạm Sư Mạnh học tập …

Nguyễn Trãi trong cuộc kháng chiến đã sử dụng nhiều kiến thức Nho học để đấu lý, đấu trí, đấu quyền mưu với những tướng nhà Minh giỏi Nho thuật (Hoàng Phúc, Vương Thông), Nguyễn Trãi chắc chắn phải nghiên cứu nền học thuật của Minh Nho. Điều chắc chắn là ông đã nhiều lần sử dụng “Chu dịch” để làm cơ sở phương pháp luận cho chiến lược “tâm công” hiệu quả (“Quân trung từ mệnh tập”). Dĩ nhiên về thi ca, Nguyễn Trãi thể hiện việc hấp thu Nho học hết sức linh hoạt, có cả thơ thiền ý, văn hóa dân gian, rất nghệ sĩ và yêu đời. (Trần Quốc Vượng: “bản chất tư tưởng Nguyễn Trãi có thể gọi là tư tưởng Nho giáo dân gian (confucianisme populaire)”).

Ta không thấy rõ ảnh hưởng của Tống Nho ở Nguyễn Trãi. Tuy nhiên cả Tống Nho lẫn Nguyễn Trãi đều chiêm nghiệm sâu sắc “Chu dịch”.
Nhưng có thể nói đời Trần chỉ có một bộ phận nho sĩ đã thâm nhiễm tư tưởng Tống Nho. Còn tư tưởng Nho học chủ đạo vẫn là Hán Nho. Vì vậy mà Lê Quý Đôn đã ngợi khen kẻ sĩ đời Trần cao thượng như “người quân tử thời Tây Hán”. “Kiến văn tiểu lục”- “Tài phẩm”: Kẻ sĩ đời Trần: “Đây là những người trong trẻo, cứng rắn, cao thượng, thanh liêm, có phong độ như người quân tử thời Tây Hán, thật không phải là người tầm thường theo kịp. Bởi vì nhà Trần đãi ngộ kẻ sĩ phu thật rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, nên nhân vật thời ấy có chí khí tự lập, hào hiệp cao siêu, vững vàng vượt qua thói thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hỗ với trời, dưới không thẹn với đất”.

Trước Lê Thánh Tông chưa có “Ngũ kinh Bác sĩ” – chuyên nghiên cứu chuyên sâu về từng kinh trong Ngũ kinh, sĩ tử chuyên chứ vào “Kinh thi” và “Kinh thư”… điều đó cho thấy Tống Nho chưa phổ biến trong tầng lớp trí thức.

Đến Lê Thánh Tông, vị vua đưa Nho học và nhà nước Nho trị lên đến đỉnh cao. Tư tưởng Tống Nho đã ảnh hưởng đến ông và cả những nho sĩ trong hội Tao Đàn. Lê Thánh Tông học tập nhiều ở Trình Di. Tư tưởng “quả dục”,“cư kính”, “cùng lý” của Trình Di thể hiện ngay ở tựa “Quỳnh uyển cửu ca” (“Ta, lúc muôn việc nhàn rỗi… thị dục ít, tinh thần trong, ở yên…, nghĩ đến phép lớn của Thánh đế minh vương”). Bên cạnh đó, tư tưởng của Chu Đôn Di cũng thể hiện trong tập “Quỳnh uyển cửu ca” Chu Đôn Di: “Thánh nhân định ra trung chính nhân nghĩa mà chí tĩnh, lập nên cái mực của con người vậy” (“Thái cực đồ thuyết”) – Ông chính thức xác nhận: “Chí tĩnh” là phương pháp tu dưỡng tâm tính, đồng thời nêu ra chủ trương “vô dục cố tĩnh” (không ham muốn, nên yên tĩnh), lấy “vô dục” làm nội dung quan trọng. Đó rõ ràng là bước quan trọng tiếp thu phương pháp tu dưỡng của Phật giáo và Đạo gia để xây dựng tu dưỡng luận Nho gia” [17,780].

Lê Thánh Tông đã nói: “Lý là cớ dĩ nhiên” (“Nói với Đỗ Nhuận” – ngày 25/11/1470) (“Đại Việt sử ký toàn thư”). Ngoài ra, Nguyễn Trực bình bài “Qua bến Phù Thạch” (bài 1) của Lê Thánh Tông, có nhận xét: “Mượn vật nói đạo, làm sáng tỏ điều trời – đất – người đều là một lý…”, Vũ Lãm Phụng bình bài “Tang châu” (Bãi dâu) của Lê Thánh Tông có ý kiến: “Tình người lý vật không gì không biết. Điều đó có thể thấy được ở bài thơ này”. Ông cũng ca ngợi Chu Hy: “Ngâm nga ý Khổng lòng Chu” (“Thập giới”), ở trường hợp khác, ông đã chịu ảnh hưởng tư tưởng Mạnh Tử về “Khí hạo nhiên”, “Người đẫm toàn thân nguồn hạo khí” (bài “Ngày 18/11”). Tư tưởng Mạnh Tử về “Khí hạo nhiên” vốn rất được Tống Nho quan tâm để khái quát thành phạm trù “khí”.

Nhưng về cuối đời, Lê Thánh Tông đã tỏ ra thoái bộ như xem dung mạo lấy người thi đỗ (26/3/1495), mở rộng hoa viên, mê đắm sắc đẹp… thậm chí tự phụ có lúc tài hơn Tô Đông Pha, Đỗ Phủ, Lý Bạch (ngày 11/7/1446). Sử thần tổng bình: “Thực là vua anh tài… nhưng công trình thổ mộc vượt quá qui mô xưa, tình nghĩa anh em thiếu hẳn lòng nhân ái (Cái chết của Lạng Sơn Vương). Đó là chỗ kém vậy” (“Đại Việt sự ký toàn thư”).

Đến thế hệ “Nguyễn Bỉnh Khiêm”, Lý học được khai thác thiên về Tượng số học. Tính cương trực, khảng khái chẳng khác Chu An, thái độ ẩn dật siêu thoát cũng thế. Thơ thuyết đạo lý có khá nhiều giống như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm quan tâm đến “con người” trong mối tương quan con người, đạo làm người (“Lương thường tổng quát”, nhiều sấm vĩ…). Chu Xán nhận xét về Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Người Lĩnh Nambiết Lý học chỉ có ông Trình Khiêm”.

Nhà bác học Lê Quý Đôn tiếp cận Tống Nho và chịu ảnh hưởng Tống Nho theo phong cách bác học của mình. Ông vừa có học vấn về Tượng số học (“Thái Ất dị giảng lục”), vừa có học vấn về Đạo học. Bàn về Đạo, ông nói: “Trời lấy thể hư không làm đạo. Đất lấy thể tình làm đạo. Người ta phải hư không và yên tĩnh mới có thể hợp với cái đạo của trời đất, bởi vì hư không thì tự nhiên sáng suốt, yên tĩnh thì tự nhiên an định”. Chứng tỏ ông chịu ảnh hưởng “Chủ tĩnh” và tư tưởng “vô cực” của Chu Đôn Di. Ông cũng đề cao Chu Hy giống như truyền thống nho sĩ nước ta. Ngô Sĩ Liên xem Chu Hy là “tập đại thành của các tiên nho”. Lê Quý Đôn cũng công nhận: “Kẻ sĩ một thời đều nhường ông (Chu Tử) xếp hàng đầu” (“Quần thư khảo biện”). Nhưng Lê Quý Đôn cũng bênh vực cho Lục Cửu Uyên (phái Tâm học): “Nếu bàn về người thì Chu Tử là bậc đại hiền, mà Tượng Sơn (Cửu Uyên) cũng là người hiền chân chính” (“Quần thư khảo biện”). Như vậy, cả ba phái chính của Lý học đời Tống đều được Lê Quý Đôn nghiên cứu am tường.

Triều Tây Sơn, có La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp là một nhà nho chân chính. Ông thật sự đã chuyên tâm ở Lý học. Nguyễn Thiếp đề cao Trình – Chu: “Thiên cổ Trình – Chu đắc chính tông” và xem triết lý Tống Nho là đủ không cần chế tác nữa, “Cái đạo học của thánh môn thì đã có sách của Liêm Khê, Minh Đạo, Y Xuyên, Hoành Cừ, Khang Tiết và Chu Văn Công, bác văn ước lễ không thiếu điều gì nữa. Người sinh ra sau những bậc ấy chỉ lo cái đạo không thi hành ra, chứ không lo cái đạo không sáng. Kẻ có chí nên nhớ ngầm mà thể hiện cái thực là đủ, cần gì phải nói nhiều” (“Hạnh Am ký”).

Cùng thế hệ với Nguyễn Thiếp là Ngô Thì Nhậm. Ngô Thì Nhậm đã dùng Tống Nho tạo nên một phương thức tư duy để giải Thiền học và dùng cái nhìn Thiền học để nhận xét Tống Nho, tạo nên một phương thức tư duy triết học hết sức độc đáo. Nhiều khái niệm “vô cực” – “vô chấp”, “Thiện – Thiền”, “Lý” – “Chân như” của hai trường phái Nho – Thiền giao hoán nhau cả trong tư duy triết học và tư duy thơ, tạo nên những sáng tác văn chương “khác lạ” so với các nhà thơ Nho trước đó. Ông viết trong: “Tuyết nguyệt nghi phú” (Tuyết bay dưới ánh trăng): “Chữ Lý” (của Tống Nho) thật là trống rỗng, chữ “khí” (của Tống Nho) thật là lộn xộn”. Ông đã thực sự đứng trên tâm thái siêu thoát của Thiền để quan sát những cao điểm (“Lý – Khí”) của Tống Nho…

Về thi ca, thơ Tống có sự tương tác của Lý học nên giảm đi sinh khí của thơ Đường. Nhưng ta dễ bắt gặp những tứ thơ, hồn thơ khá gần gũi của thi ca đời Tống với các nhà thơ Nho đời Trần. Âm hưởng của bài “Xuân nhật” (Chu Hy) còn vang vọng trong bài “Sơ nhật” (Nguyễn Tử Thành) hay “Nguyệt tịch bộ tiêu”, “Du sơn tùng kính” (Chu An). “Xuân dạ”(Vương An Thạch) còn lại dấu vết ở “Bạc chi Ứng phong đình ngẫu đề” (Nguyễn Ức) – “Chính khí ca” (Văn Thiên Tường) được tiếp nối ở “Cảm hoài” (Đặng Dung)… (Tuy không phải là chủ yếu).

Ý tưởng về “tiếng đàn” và “ngón tay” trong bài “Đề thẩm quân cầm” (Tô Thức) lại được cải biến thành ý tưởng “tiếng trúc” và “gió” (“Phong trúc tập” – Ngô Thế Lân) để lý giải sự cảm ứng của “Hình” và “Khí” trên cơ sở “Tính”.

Đương nhiên Việt nho sẽ không hoàn toàn suy nghĩ, nhận định như Tống Nho mà có chọn lọc và cải biến, tích hợp. Phương pháp cách tân của ta không cố tình hỗn hợp các tư tưởng mà chủ yếu là khúc xạ bởi yếu tố dân tộc tính. Nho học của ta là không thiên về nội dung tư tưởng triết học cao siêu (trừ vài ngoại lệ), hạn chế về tư duy trừu tượng, khái quát. Ngược lại, nặng về tư duy phân tích, trực giác mô phỏng (phương thức tư duy âm tính). Nho gia ta thiên về thi ca, từ chương hơn là triết lý về bản thể.

Mặt khác Văn hóa Nho giáo ở Đại Việt:

- Thiên về mô phỏng chứ không sao chép máy móc.

- Tiếp thu nhưng chú ý đến tính thiết thực.

- Sự ảnh hưởng Trung Quốc đậm nhạt tùy từng thời điểm, tùy vào từng chủ thể tiếp thuẢnh hưởng Nho giáo ở mặt tổ chức đất nước, nhưng về tình cảm tâm lý và ứng xử xã hội vẫn giàu bản sắc riêng, đậm tính dân tộc.

- Chú trọng quan hệ tình cảm con người theo chiều ngang hơn là trật tự thứ bậc theo chiều dọc.

- Thiên liêng hóa mối quan hệ tình cảm, mối quan hệ làng xã.

- Chịu ảnh hưởng tích cự của Nho giáo buổi đầu (Tiên Tần).

- Không chịu những tác động cực đoan của Pháp gia.

- Không chịu ảnh hưởng của Minh Nho.

- Chú trọng phạm trù Nghĩa hơn Nhân

- Chú trọng “Trị quốc” hơn “Bình thiên hạ” ...

Tư tưởng Tống Nho đã tồn tại từ lâu ở nhiều thế kỷ Việt nho, càng được mở rộng (Nho học nhà Nguyễn) nhưng dĩ nhiên vẫn tìm thấy những điểm dị biệt giữa Hán Nho, Tống nho và Việt nho.

Ths.NCS. Huỳnh Quán Chi​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top