• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Trang Dimple

New member
Xu
38
Đọc "Bút nghiên" để biết ngày xưa học như thế nào. Không phải chỉ thuộc làu kinh sử, mà còn cần hiểu qui luật thi phú, cần óc sáng tạo để trau chuốt vần thơ, để cho thơ có hồn, có nghĩa mà không phạm qui luật của thơ...

Diễn đàn Bút Nghiên tiếp tục chia sẻ với các bạn phần 2 chương 1 của tiểu thuyết " Bút Nghiên" Của tác giả chu Thiên

bút nghiên chu  thiên.jpg


PHẦN II - CHƯƠNG 1

Làng Mỹ Lương trong vùng mở đám rất to. Có thi cờ người, thi võ và thi văn.

Trong những tờ niêm yết có nói rõ thể lệ cuộc thi văn: Một bài thơ phú đắc, một câu đối và một bài văn sách, và những giải thưởng: Giải nhất: Năm quan tiền, hai trăm giấy, hai ngọn bút ô long với một thoi mực tầu, giải nhì: Hai quan tiền một trăm giấy, một ngọn bút ô long, một thoi mực, giải ba: Ba trăm giấy, ba ngọn bút và ba thoi mực. Từ giải tư cho đến giải mười, mỗi giải một trăm giấy, một ngọn bút, một thoi mực. Mười người được giải được mời vào ăn tiệc ở đình, Giấy bút thì của dân làng phát. Ngày thi là mười sáu tháng ba, ngày yết bảng định vào ngày mười chín.

Ông Đồ Trí xem xong tờ niêm yết, nghĩ bụng rằng:

- Thế này thì dễ, nó đi được. Để nó ra chỗ công chúng, nó quen đi. May ra được thưởng càng thêm phấn khởi cho nó.

Rồi ông gọi Tâm và ba anh học trò khá nhất là Chấn, Chi, Lich lên ông bảo:

- Mười sáu tháng ba, tôi cho các anh đi hội Mỹ Lương, đi mà cho bạo dạn lên. Còn được thua là thường.

Tâm hỏi ngay:

- Bẩm thầy, văn sách chúng con mới làm có ba bận, chưa quen.

- Khó gì, cứ xem lại tập văn sách của tao đưa cho chúng mày xem ấy, cứ xem đấy mà bắt chước. Người ta không ra khó đâu. Cứ đi.

Chấn nói:

- Từ nay đến mười sáu còn bẩy ngày nữa, xin thầy ra thêm cho mấy bài làm thử.

- Ừ, về đóng riêng vở ra. Cố đi, may ra giật giải thưởng.

Bốn đứa đều giở về lấy giấy đóng vở. Đứa nào cũng tự biết mình còn kém, nhưng vẫn khắp khởi ước mong giải thưởng về mình, nên đều hăm hở lấy những tập văn sách cũ của ông cha chúng để lại hay của ông Đồ cho, đem ra học như nuốt chửng chữ để đánh cắp những câu hay. Anh nào cũng bận rộn như sắp sửa phải vào Thi Hương. Ông Đồ ra đầu bài riêng cho chúng đã ba lần. Ba lần chúng làm được xuôi xuôi cả. Văn của Tâm tuy có lắm câu xuất sắc hơn, nhưng thỉnh thoảng lại phải một vài câu non quá, nên không vượt hẳn được ba anh kia. Đấy vẫn là cái vinh dự cho Tâm. Ba anh kia đã trên dưới hai mươi tuổi và đã học gần mười năm còn gì! Đằng này Tâm mới có mười ba tuổi đầu! Ông Đồ chấm bài của Tâm nhận thấy sự tiến bộ không ngờ của cháu, ông mừng thầm và thường khoe với mọi người:

- Thằng Tâm nó bỏ cách thằng Dũng nhà tôi xa. Chưa biết chừng nó giật giải làng Mỹ Lương cũng nên!

Trước hôm đi thi, ông Đồ dặn dò cẩn thận những điều cần thiết, nhất là về bài văn sách. Ông nói:

- Bài văn sách nào cũng có hai phần như chúng bây đã biết: Phần cổ văn và phần kim văn. Phần cổ văn người ta hỏi về các điển tích đã học ở Ngũ Kinh Tứ Thư và Sử, mình cứ việc nhớ lại và thích rộng ra một ít. Về kim văn, người ta hỏi đến tình thế bây giờ đem so sánh với đời trước thế nào. Điều cần nhất là mình cứ khen đời nay thái bình sung sướng quan minh, thần lương (vua sáng, tôi giỏi)...còn dở hay ở đời mình kệ xác, đừng động đến...Bắt đầu bài văn có chữ ‘’Đối, sĩ văn’’, chữ sĩ phải viết nhỏ ra một bên. Quyển thì cũng cần phải chú ý, sai một tí là phạm trường quy đấy. Mỗi giang giấy phải viết sáu dòng. Giang đầu đề họ tên và quán sở. Họ tên đề chữ thường ở dòng thứ năm giằng thẳng với lề, không được cao lên quá hay thấp xuống quá. Quán sở viết chữ nhỏ hơn dưới ngay chữ tên. Nếu viết nguyên tên làng thì phải lui xuống ngang với đoạn lề dưới. Giang sau viết đến bài. Đầu giấy phải để chừa, cách ba khuôn chữ. Gặp chữ ‘’Thiên địa’’‘’Giáo miếu’’ phải viết dài lên trên cùng, chữ ‘’Hoàng thượng’’ ở cách thứ hai, chữ ‘’Quốc gia’’‘’Triều đình’’ ở cách thứ ba. Đến cuối bài, sau câu ‘’Sĩ dã, hạnh phùng thịnh thế, tòng sự văn trường, quán kiến ư tư, vị tri khả phủ, nguyện chấp sự kỳ trạch nhi tiến chi, sĩ cẩn đối, phải viết thêm ba chữ ‘’Cộng quyển nội’’ rồi đếm ‘’đồ’’ (bỏ đi) mấy chữ ‘’đi’’ (bỏ sót) mấy chữ ‘’câu’’ (móc lên) mấy chỗ, ‘’cải’’(chữa lại) mấy chỗ, rồi viết lưỡng cước cả xuống dưới ba chữ ấy.

- Bẩm thầy Thi Hương cũng vậy!

- Ừ, thi nào cũng lề lối ấy, tương tự như vậy. Chỉ khác ở Thi Hội, được dùng chữ ‘’sinh’’Thi Đình chữ ‘’thần’’ thay cho chữ sĩ, sinh đối, sinh văn, thần đối, thần văn, thần cẩn đời...

Hôm sau, giời vừa sáng, bốn anh em vào chào ông Đồ rồi đi sang hội Mỹ Lương Lần đầu tiên Tâm được đi xa một mình, trong lòng vui sướng lạ, mung lung phiếu diều như ngọn gió đầu xuân. Giời trong sáng, gió nhẹ nhẹ. Ánh nắng dìu dịu vàng tươi như nhẩy múa ở ngoài giời bao la và cả trong lòng người hớn hở. Ở dưới cánh đồng lúa xanh rờn vọng lên lanh lảnh tiếng hát mấy cô làm cỏ:

Hỡi anh đi đường cái quan

Ngừng chân đứng lại em han đôi lời

Đi đâu vội lắm anh ơi!

Ngừng chân đứng đợi thiếp tôi đi cùng.

Bốn anh đi gần đến nơi, cả bọn làm cỏ khúc khích cười, vẳng có tiếng đưa ra:

- Học trò, chị em ạ!

Tức thì một cô đứng thẳng người lên thõng hai tay, quay mặt trông lên đường cái, hát trêu:

Chị em đừng lấy học trò

Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm!

Rồi cả bọn lại cùng phá ra cười rộn rã. Tâm không giận, trong lòng vui vui, một cảm giác là lạ tràn lan cả tâm hồn làm toàn thân rung động. Tâm thấy phong cảnh đẹp quá, đẹp từ cái cỏ, cái bụi rất gần đến dẩy núi biếc thẳm xa xa. Mà dường như gần lại. Mới có một lúc, đã đến Mỹ Lương rồi. Trên các ngã vào làng, người đi lại tấp nập như đi chợ. Áo mới quần sồi, tiếng kêu soàn soạt. Này qua chợ san sát những lều, lố nhố kẻ ngồi người cuối, kẻ đi người đứng, đang ồn ào mua bán...

Này cái quán bên cạnh đường xúm xít những trẻ con mua bánh.

Này cây đu bốn cột tụm đầu, ở giữa thang đu cứ là là bổng lên bên này rồi lại là là xuống vặt sang bên kia theo đà người đánh đu dún! Dưới đất, những người vây chung quanh ngửa mặt nhìn...

Này đám thò lò tôm cá luôn luôn lóc cóc và bỏ tiền đặt cửa, và quơ tay vơ tiền, người đi xem túm tụm vào đánh.

Này đám ba que, với ba cái que vót nhọn, một chiếc có buộc sợi chỉ dài, miệng nói luôn luôn: ‘’Một đồng ăn ba! Đánh vào, chiếc này! Tôi bảo không nghe thì hỏng này’’ Nó nắm tiền bỏ túi, xong lại bắt đầu cuộc khác...

Cái gì Tâm cũng thấy hay hay là lạ, chỉ muốn đứng lại xem lâu. Thì ba người kia lại lôi ngay đi và mắng:

- Gớm cái anh này, chỗ nào cũng sán vào!

Tâm không cãi, nhưng nghĩ bụng có lạ mới cần xem chứ! Thật vậy, Tâm từ khi đi học đến giờ chúi đầu vào học, không được đi chơi đâu xa nên thấy trò gì Tâm cũng muốn xem, xem cho biết. Con mắt được một phen phóng túng cần muốn thỏa thích, Tâm hầu như quên mất công việc đi thi. Thì các bạn đã sẵn sàng nhắc cho Tâm nhớ. Họ kéo Tâm qua cửa Đình, qua sân cờ người, đến khu trường thi. Trường thi là một cái nhà gianh rất to, cột bương mới, làm trên cánh ruộng mạ rất rộng. Chung quanh đắp một con đường vòng để công chúng đứng xem, mỗi cột dán một câu đối giấy đỏ. Ở giữa kê một cái bàn và đôi trường kỷ để dành cho các quan chấm trường. Dưới đất, chiếu giải cản lan cho những người dự thi ngồi. Một con đường thẳng nối liền từ đường vào đến trường. Một cái bảng giấy niêm yết cắm ở đầu đường. Vẫn cái bảng giấy niêm yết đã phát khắp mọi nơi từ hôm nọ, mà hôm nay vẫn còn đông các người chen chúc đứng xem. Đi đi lại lại trên đường, phần nhiều là các sĩ tử trong vùng. Người ta thì thầm nói chuyện với nhau:

- Những vị nào chấm đấy nhỉ?

- Quan Huấn Đạo huyện nhà làm Chủ Khảo, Cụ Cử Vân Trung, ông Kép Bồ, ông Tú Mỹ Lương làm Phân Khảo. Các quan họp cả ở nhà Cụ Bá, sắp ra bây giờ.

- Đâu cả Quan Huyện cũng về.

- Có! Nhưng ngài chỉ về lễ thôi.

Tiếng trống bong bong từ đằng xa tiến lại. Mọi người xôn xao trông về đầu làng. Mấy lá cờ phất phới, một chiếc trống tiêu cổ thỉnh thoảng điểm vài tiếng, bốn cái võng đi thong dong dưới bốn cây lộng xanh.

- Các quan tiến trường!

- Các quan tiến trường!

- Người nọ nói, người kia nói, với vẻ kính cẩn. Vui vẻ, đám rước đi từ từ qua đình rồi vào thẳng trường thi. Một tràng pháo nổ. Các quan yên vị cả rồi. Bác Trương Tuần làng Mỹ Lương, áo thám dài, thắt ngoài một dây lưng điều đỏ chói, vác cái loa đồng giơ lên kề chóp vào miệng múa quay đi quay lại một vòng rồi gọi thét lên to tướng, tiếng đồng chuyển vọng đi rất xa:

- Các quan đã tiến trường rồi. Xin mời sĩ tử các nơi vào trường ứng thí!

Bác Trương ba lần múa loa, ba lần hét vọng trong loa. Các sĩ tử lục tục kéo vào ngồi đặc cả nếp nhà gianh rộng rãi ấy: Già có, trẻ có, soai soai có, có cả mấy người ăn mặc rách rưới. Chỉ có mỗi mình Tâm là bé nhỏ. Những người đứng xem vòng quanh trường đông như kiến. Họ tranh nhau nghểnh cổ trông vào trong trường. Các cô gái mơn mởn đang xuân cũng thi nhau nhìn vào trường và xúm xít trò chuyện. Một bác tráng đinh đứng canh nói chòng:

- Các cô ấy rủ nhau ra đây kén chồng đấy!

- Phải gió cái nhà bác Dần kia!

Một cô trong bọn gái làng õng ẹo mắng thế rồi tít mắt cười. Đám người xem mỗi lúc mỗi đông. Người ta bỏ các trò vui và kéo nhau về, chen nhau cả xuống ruộng để xem mặt các ông học trò.

- Có cả những người rách rách là mà gầy đét như xương.

Một anh giai tráng bắt nhời. Một ông cụ râu tóc bạc phơ mắng át:

- Vào đến đây đều là những bậc đáng kính trọng cả. Người ta đói mà học được thế mới quý. Chứ như cái ‘’hĩnh’’ mày, mày béo tốt sao không vào đấy mà thi. Lười thối thây ra!

- Gớm, con nói thế mà cụ mắng mãi, sao lắm nhời thế. Con cũng học rồi con cũng đi thi chứ sao. Con chỉ phục cái cậu bé kia chỉ độ mười hai tuổi...

Mỗi người một nhời ùa vào:

- Của ấy chả đến mười lăm, mười sáu rồi đấy!

- Mới độ mười bốn thôi!

Một người ra vẻ sành hơn:

- Cậu ấy đúng mười hai đấy. Học trò ông Đồ Mỹ Lý đấy mà, tôi biết.

Một người nữa là người làng ông Lý Tưởng nói rành mạch hơn:

- Không, cậu Tâm con ông Lý Tưởng làng tôi đấy mà. Năm nay cậu ấy đúng mười ba tuổi, theo học ông Đồ Mỹ Lý từ năm lên bẩy.

- Ồ, giỏi nhỉ! Mười ba tuổi đầu mà đã làm nổi văn bài trường thi cũng na ná thần đồng đấy chứ.

- Các ông chỉ quá ca tụng, bì thế nào được với thần đồng. Thì đây là hẳn xoàng thôi so sao được với ở trường thi. Có điều cậu ấy sau này tất nhiên là Tú, Cử!

Một người, có vẻ ông Đồ ở cái nón sơn chóp bạc và búi tóc củ hành với cái thân hình mảnh khảnh, nói câu ấy để chấm hết cho cuộc thì thầm về Tâm. Người ta vội bàn lướt qua đến những người dự thi khác, phần nhiều là những sĩ tử có tiếng ở trong vùng.

Bên bọn gái đứng riêng về một phía để xem thi, cũng nhiều cô bàn tán về Tâm. Không như cánh đàn ông tranh nhau nói để tỏ lòng kính phục khen lao một cậu bé dúm tuổi đã nghiễm nhiên ngồi cùng chiếu với những người tóc điểm hoa râm, các cô đem Tâm ra làm đầu câu chuyện vị lợi, các cô đem Tâm gán lẫn cho nhau. Toàn thị một giọng muốn ăn, gắp bỏ cho người:

- Gớm, cái anh bé kia, mình tưởng là đi hầu mà hóa ra vào đấy đi thi.

- Anh bé! Gớm nói mới hay chứ, cô nào vớ được anh bé ấy đã phúc bẩy mươi đời! Nay mai đã bà Nghè, bà Cống!

- Để phần chị nào đủ tài đủ đức trâm anh phúc hậu chứ gì!

- Thôi, ở đây còn ai trâm anh phúc hậu hơn chị Mai.

Mai là con ông Chánh Tổng bá hộ làng Mỹ Lương, một cô gái thùy mỵ, yêu kiều lại giỏi nghề tầm tang sồi vải nên ai cũng yêu quý. Mai thấy chúng bạn có ý châm chọc mình, thẹn đỏ mặt lên nói ấp úng:

- Các chị chỉ được cái thế thôi! Em đũa mốc đâu dám chòi mầm son, có giỏi giang như các chị mới xứng với con người tài hoa chứ!

- Ấy các chị không nhận để phần tôi vậy. Có thế mà cũng lằng nhằng mãi!

Một cô gái to nhớn ngăm ngăm đen, nhưng chan chứa duyên thầm, súng sính trong cái áo giải hạt cau kép đỏ, nói chêm vào một câu pha trò, nhưng không thấy ai cười, cô nói tiếp:

- Nói thế cho vui chứ. Nhà tôi cũng vào thi đấy, kia kìa cái anh chàng dong dỏng cao, ngồi góc bên Tây ấy. Còn cậu thư sinh bé bỏng kia xin nhường giả các chị...

- Gớm, cô nói dễ nghe nhỉ. Cô làm như người ta của riêng cô đấy.

- Cô ấy chữa thẹn đấy chứ. Không nói mau sợ có người hát ngay:

Bây chừ chồng thấp vợ cao

Như đôi đũa lệch so sao cho bằng!

- A! phải đấy! Chứ bỗng dưng chưa dễ ai nhường cho ai!

Họ thi nhau nói, mỗi người một nhời, cô nọ nói tặng cô kia. Nhưng trong thâm tâm cô nào cũng cùng một mong ước ngấm ngầm, thầm kín và thấm thía, cô nào cũng mong mỏi có người chồng hay chữ để một ngày kia:

Nữa mai danh chiếm bảng vàng

Võng anh đi trước, võng nàng theo sau!

Cái người mà các cô mong mỏi ấy, trong bọn sĩ tử dự thi kia còn ai đáng được tin cậy hơn Tâm? Nên câu chuyện vẫn quanh quẩn đâu đấy!

Ở trong trường, người ta phát giấy bút mực. Các sĩ tử kẻ nằm người ngồi đang mài mực, hoặc cầm bút viết thử. Quan chủ khảo mở tráp lấy ra một tờ giấy đầu bài đưa cho ông tiên chỉ làng Mỹ Lương, ông này cấm lấy đem dán trên cái bảng gỗ rồi treo cao lên giữa nhà. Các sĩ tử ai nấy đều chăm chú biên đầu bài ra một mảnh giấy. Trước hết là bài thơ phú đắc câu ‘’Thành án võ sứ bất tam dương’’ đắc vần dương. Làm thơ phù đắc là phải thích hợp thực và tán rộng cái đề, nên cần phải rõ nguồn gốc của câu ấy. Tâm băn khoăn mãi với cái câu đề oái oăm kia mà chàng chưa được đọc thấy ở đâu bao giờ. Nghĩ hồi lâu, chưa được lấy một mảy may ý tứ gì vững vàng về bài thơ cả, chàng đánh bạo hỏi một người nằm cạnh:

- Này ông, tôi hỏi khi không phải, câu này ở sách nào nhỉ?

Ông kia trừng trừng nhìn Tâm, rồi cười gằn mai mỉa:

- Thế mà cũng đi thi đấy? Sao không ở nhà cho rảnh?

Tâm tức quá, không thèm hỏi nữa, cắm đầu theo ý nghĩ của mình làm thành bài thơ, rồi lần lượt làm xong cả câu đối với văn sách. Đem nộp bài rồi, giở ra thì giời đã xế chiều. Ánh nắng vui tươi của mặt giời chiếu siên khoai càng tăng vẻ tưng bừng ấm áp của đám hội. Vừa bước ra đến đường, có người hỏi giật ngay:

- Thế nào, cậu Tâm được chứ?

Tâm ngoảnh lại thấy một ông đứng tuổi thường đến chơi với ông Đồ Trí, Tâm cung kính đáp:

- Thưa ông con hỏng thơ ạ, con chả biết câu ấy ở đâu cả!

- Cậu làm thành bài chứ?

- Vâng, thành cả bài!

- Thế được, câu ấy đến cả trường cũng chả biết. Họ lấy ở đâu mà oái oăm gớm, tôi cũng cứ làm bừa cho đủ lệ đấy thôi. Văn sách thế nào?

- Văn sách của con kể cũng đường được. Nhưng nhầm mất chỗ Lý Tĩnh đọc Luận Ngữ.

Hai người vừa đi vừa nói ra đến đường cái, thì gặp ông Đồ Trí. Ông hỏi qua về bài thi, rồi ông bảo với ông bạn kia:

- Họ ra láo thật, câu ấy ở các sách học đi thi thì có đâu, cả Đường thi, Cổ văn cũng không có. Bác có biết chữ đâu không?

- Không, tôi bảo với cậu Tâm đến tôi cũng không biết.

- Phải, chả mấy người biết! Chữ sách ‘’Hoài nam tử’’ sách ngoài, mấy người xem đến. Họ lấy câu ấy là cốt ý biểu dương cái công ơn ông thánh đây tràn lan khắp cả, không chốn nào là không tươi sáng như mùa xuân. Tam dương tức là xuân mà!

Đến ngày mười chín, yết bảng. Chung quanh bảng, người ta túm tụm chen nhau xem, kẻ hỏi, người gọi ồn ào. Tâm biết thế không sấn vào được như họ nên một mình đứng lảng ở ngoài cho người ta xem chán, ra hết rồi đến lượt mình. Trong đám đông tiếng nói ồn ào, Tâm nghe rõ những tiếng hỏi:

- Ai đỗ đầu?

- Phạm Tích Phúc ở xã Thượng Đông.

- A này, xem cậu bé hôm nọ có trúng không?

- Có Tâm, Nguyễn Đức Tâm, xã Thịnh Hậu đỗ thứ bẩy, có phải Tâm ấy không?

- Dễ mà phải đấy.

Tâm nghe thấy nói đến tên mình, sướng quá, tưởng ngất đi được. Nhưng Tâm vội nghĩ ngay ngộ người ta đọc nhầm chăng, Tâm bần thần đứng mong mỏi cho đám người đông đặc kia tan dần để mình vào xem bảng cho chắc. Song đám người vẫn cứ kéo đến mỗi lúc mỗi đông thêm. Tâm đang nửa vui nửa mừng chợt Chấn chạy đến reo lên:

- Anh Tâm đấy à? Tôi chạy tìm mãi, anh đỗ thứ bẫy, còn chúng tôi hỏng cả.

- Có thật không anh?

- Tôi còn nói dối anh à?

Ở đám đông, tiếng reo vang ầm đưa lại:

- A ha, cậu bé Nguyễn Đức Tâm đỗ thứ bẩy!

- Cậu Tâm đỗ thứ bẩy à?

- Cậu ấy đâu?

- A ha! Cậu ấy đây rồi!

Tức thì cả đám người quây kín chung quanh Tâm, làm Tâm sung sướng thẹn đỏ cả mặt. Cả đám chen nhau mà không dám reo to nói lớn, để tỏ lòng kính mến. Mọi người hỏi dồn Tâm những câu bâng quơ về việc học. Nhiều người thì thầm khen cậu bé giỏi giang.

Mãi đến lúc tiếng loa vang dậy mời các vị trúng tuyển vào nhà khách, tức là trường thi hôm trước bày biện lại, đám đông mới giãn ra để cho Tâm đi. Tâm e thẹn như cô gái về nhà chồng, bước vào nhà khách giữa những con mắt nhìn thán phục của mọi người. Ai cũng đều đon đả vồn vả hỏi Tâm. Các người đỗ đều đủ mặt, Tâm thấy toàn người lạ cả. Cái người quen ông Đồ Trí cũng hỏng, Tâm càng thêm sung sướng bội phần thấy người mắng mình hôm nọ cũng có mặt ở đây, Tâm vội chạy đến, cung kính hỏi với một vẻ tự đắc:

- Ông đỗ đầu phải không? Xin ông cho tiểu sinh biết quý tính cao danh?

Ông kia đáp lảng:

- Không tôi không đỗ đầu. Nhưng đỗ đạc ở đây thì có ra trò trống gì? Cậu tưởng...

Một người bèn nói xen vào:

- Ấy tại ông ấy đỗ thứ tám đấy!

Tâm khoái trí nghĩ bụng:

- Nào xem anh có kém tớ không nào. Lên mặt ta đây mãi?

Ở ngoài dân làng đã sắp đủ nghi vệ rước các vị trúng tuyển sang đình lễ thánh. Ông Tiên Chỉ vào mời:

- Kính trình liệt quý, liệt quý đã có lòng chiếu cố đến hội làng chúng tôi và được son phấn Quan Huấn Đạo đề cử, xứng danh là bậc danh sĩ, xin mời liệt quý rời gót ngọc lại đình làng trước là lễ thánh, sau xin chứng tỏ cho tấm lòng mộ đạo của chúng tôi.

Rồi là cuộc rước. Năm lá cờ đi trước, đến phường bát âm Thứ đến là cái trống tiêu cổ thủng thẳng điểm vài tiếng dẫn đường, rồi mười cái lọng xanh đi hàng đôi, che cho mười vị vừa đỗ đang đi rất nghiêm trang thong thả. Đằng sau là những kỳ dịch làng Mỹ Lương rồi đến những người đi xem, già trẻ nhớn bé, lũ lượt như đàn bò kéo theo sau rốt. Đám rước đi từ từ vào đến đình. Một tràng phào nổ, khói trắng đục bay tỏa như sương mù. Các khách đã vào cả trong đình. Phường trống đổ trống lễ. Lần lượt từng người theo một nhịp trống vào lễ bốn lễ. Tâm bé nhất nên lễ cuối cùng. Đứng trước hương án thiếp vàng chói lọi và chung quanh mọi người quan chiêm, Tâm run run sợ, lễ vội vàng cho mau xong bốn lễ. Tiếng trống vừa dứt, ông Tiên Chỉ mời mọi người vào ngồi một bên sân đình. Chiếu hoa giải càn lan, cỗ bày thẳng hàng tăm tắp. Bốn người một cỗ, họ kép nhau ngồi vào, rối rít, vội vàng như đi xem đám rước. Trên cỗ bầy toàn những thức ăn ngon miệng: Giò, nem, ninh, mọc, tái dê, chả cáv.v...Tâm trông thấy, miệng đã thèm thuồng, tưởng chừng ăn hết cả cỗ. Các hương chức đủ mặt lại mời rượu, những giai tráng đi lại hai bên hầu hạ, so đũa, rót rượu, lau bát, thái giò, xé chả...Các ngài trúng giải chỉ việc ngồi ăn. Họ ăn uống no say và nói chuyện huyên thuyên. Thỉnh thoảng họ nói đến Tâm, họ hỏi Tâm một vài câu trong sách, một vài điển trong bài thơ hay, Tâm giả nhời trôi chảy cả. Có câu họ hỏi khó quá, Tâm chưa học đến, Tâm cứ thực tường khai là không biết, và mạnh bạo hỏi lại xem câu ấy ở sách nào. Tâm thực thà, không kiêu hãnh, nên ai cũng yêu vì. Gần tàn cuộc rượu, ông trạc ngoài ba mươi, ngà ngà say...mặt chín như gấc, mắt đỏ gay, lè nhè bảo Tâm:

- Xin nguyện trước Đức Thượng Đẳng tôi nói sai tôi phải tội, cậu học giỏi thật, bé thế mà đã lung loát cả chúng tôi, tôi phục thật đấy. Ngày sau thế nào đường khoa danh cậu cũng hơn chúng tôi nhiều.

Mọi người nói chen vào:

- Phải rồi, cậu hơn hẳn chúng tôi đứt đi chứ. Lúc ấy đừng quên chỗ anh em hội họp ở bữa rượu này nhé!

Tâm thẹn cuống lên, chỉ ấp úng nói được câu:

- Không dám, tôi không dám.

Tâm sung sướng quá, phơi phới trong lòng, mê ly như người say rượu. Lần đầu tiên ra dự nơi công chúng ở nơi xa lạ, được mọi người mến phục, Tâm tự hào lắm và lúc ấy mới chịu nhận cái nghĩa rất đúng của câu: Vạn ban giai hạ phẩm Duy hữu độc thư cao!


Đọc tiếp PHẦN II - CHƯƠNG 2
 

Trang Dimple

New member
Xu
38
Butnghien .com tiếp tục chia sẻ với các bạn phần 2 chương 2 của tiểu thuyết " Bút Nghiên"Của tác giả chu Thiên
bút nghiên chu  thiên.jpg


CHƯƠNG 2

Đời Tâm như một con đường đã bắt đầu vào một quãng ngoặt.

Cuộc thi ở Mỹ Lương đã truyền lan tiếng tăm Tâm lừng khắp mọi nơi. Kẻ xa người gần ai cũng nao nức muốn rõ mặt Tâm, muốn biết tài Tâm, quyển vở thi vừa giả lại, Tâm cũng không được xem lại kỹ càng, nó đã phải luôn luôn chuyền tự tay người này sang tay người khác. Người ta đọc đi đọc lại, người ta chép lấy những cây hay, những câu được cả ba thứ khuyên, khuyên đỏ, khuyên đen và khuyên xanh, những câu mà thực ra Tâm đã đánh cắp ở những bài của ông ĐồTrí.

Quyển vở thành ra nhàu nát bợt cả lông, nhũn như mẻ. Tất cả những sự vồ vập và khen lao nức nở ấy khắp gần xa đã làm Tâm xa hẳn các bạn học trước. Tâm bây giờ đã là một người có danh vọng đứng theo hàng văn thân mà không thẹn. Tâm khinh hẳn các bạn cũ. Tâm cho là bọn họ ngu dốt, lười biếng nên mới chịu phận kém cõi như vậy, tuy ngoài mặt, Tâm vẫn hời hợt ra vẻ vui đùa với chúng. Đi đâu Tâm cũng ngửa đầu, ưỡn ngực làm ra dáng con người cao lớn...Tâm không còn là một cậu thư sinh bé con sợ sệt nữa. Bây giờ Tâm đã là một người nhớn, một người hiểu Đạo Thánh Hiền, biết sự học là cần thiết cho con người cao quý. Muốn hiển đạt là cần phải học. Tiến vi quan, đạt vi sư, những kẻ làm quan, làm thầy đều là do sự học cả. Vạn sự xuất ư nho, muôn sự đều do ở nho học mà ra. Tâm hiểu thế lắm nên Tâm càng có chí học, học rang rảng như cuốc kêu mùa Hè, học quên ăn quên ngủ, học mê man cả người, học như bây giờ người ta mê mệt tình nhân! Ông Đồ Trí chỉ phải bảo cháu dần dần những lề lối đi thi, không còn luôn luôn bận rộn giục cháu học hành nữa. Ông khấp khởi mừng thầm và thường khoe với mọi người:

- Thằng cháu Tâm nhà tôi đã thông minh mà lại chịu khó, chửa biết chừng nó thành danh phận trước tôi cũng nên!

Ấy cũng bởi cái tiếng tăm của Tâm như thế nên năm sau, ông Bát Tòng làng Mỹ Lương cố lặn ngòi ngoi nước rước được ông Đồ Trí về ngồi cho trẻ em theo học. Tâm được giở lại làng Mỹ Lương như được giở lại nơi quen thuộc lâu năm hằng mến yêu quyến luyến. Tâm đi chào những người quen năm ngoái, ai cũng vui mừng chào Tâm và đem chàng làm gương mẫu, khuyên răn con em:

- Đấy, mày xem. Cậu Tâm mới tí tuổi đầu mà đi đến đâu cũng có kẻ vì người nể, kẻ đón người rước chỉ tại cậu ấy chăm học.

- Đấy cậu Tâm kém tuổi em mày, học hành đã giỏi giang như vậy, cái ngữ mày chỉ nhớn xác ăn hại thôi! Lười chảy thây ra. Học mấy mươi năm mà viết cái văn tự không thành!

- Người ta đi học thì như vậy, thi đâu đỗ đấy, kẻ đón người mời, mi thì quanh năm đi phục dịch người, người ta sai như sai chó!

- Thôi, mai đi mà xin cắp tráp cho cậu Tâm để cậu ấy dạy cho, xác nhớn bằng cái bồ đa ấy, mà bảo học cứ nay thế này mai thế khác, ảnh eo lắm!

Những kẻ làm cha mẹ ở làng Mỹ Lương và cả đến vùng lân cận đấy, thường ném lên đầu con cái những câu răn bảo tương tự như vậy, có đứa im thin thích mà nghe, mà suy nghĩ, mà xét đến thân phận mình, cũng có đứa nghe nhiều quá đâm chán tai, phát khùng quay cãi lại:

- Đi học có đất chứ, cũng học thế cả, nhưng mồ mả nhà người phát, học một biết mười! Hay là:

- Ở đời dễ ai cũng thông minh như thằng Tâm cả đấy!

Hoặc:

- Người ta có người kèm ngay bên cạnh. Học ngày, học đêm, học sáng, học ăn, học ngủ, lúc nào cũng có người bảo như rót vào tai, làm gì mà chả giỏi!

Chỗ nào cũng nói đến Tâm. Thành thử Tâm ngẫu nhiên đã trở nên một nhân vật được chú trọng nhất ở vùng, được người ta đem ra làm đầu câu chuyện, trẻ, già, lớn, bé đều nhắc đến. Và những lúc Tâm đi dạo chơi trên đường làng, hay ra ngoài đồng đi trút sự cần, là y như các bạn gái làng thì thầm với nhau, khúc khích cười ranh mãnh, lắm khi họ làm Tâm đỏ mặt lên mà rảo bước. Giữa cánh đồng bao la yên lặng, thoáng thấy bóng Tâm là các cô đưa những giọng hát bổng trầm bay theo làn không khí trong lặng nơi đồng quê, với những câu hát tình tứ yêu đương. Lắm cô hát sát sàn sạt:

Quả cau nho nhỏ

Cái vỏ vân vân

Nay anh học gần

Mai anh học xa

Tiền gạo thì của mẹ cha

Cái nghiên cái bút thực là của anh!

Có cô bạo dạn hơn, trân trân hát tán sốt sột:

Đôi bên bác mẹ thì già

Lấy anh hay chữ để mà cậy trông,

anh cả đấy ơi!

Mùa hè cho chí mùa đông

Mùa nào áo ấy cho chồng đi thi

Hết gạo em lại gánh đi

Hỏi thăm trường học ấy thì nơi nao?

Hỏi thăm đến ngõ mà vào

Tay cất gánh gạo, miệng chào chư anh!

anh cả đấy ơi!

Những câu hát du dương ấy cố nhiên làm cho Tâm thèn thẹn nhưng không như trước kia, hễ nghe thấy giọng hát lả lơi đĩ thõa là Tâm ghét đến chết đi được, bĩu môi, cắm cổ chạy liền. Trái lại, độ này Tâm cảm thấy thinh thích như có một thứ vô hình huyền ảo gì nó phảng phất quanh đấy, nó quyện lấy tâm hồn, nó xông lên óc, nó ngấm vào tim, nó tràn ngập tất cả. Tâm say sưa như đang qua một cơn mộng đẹp. Tình giai gái sớm bén mầm trong lòng cậu thư sinh ít tuổi, cùng với sự thông minh bộc phát và với lòng quý trọng bồng bột của cả xóm làng. Những trẻ khác bằng tuổi ấy, hẵng chỉ biết ăn, biết ngủ, biết nghịch, biết đùa và hơn nữa biết cắp sách đi học để mà gào chữ và chịu đòn, thế thôi!

Đằng này Tâm đã hơn chúng. Học hết mấy pho kinh sử, văn bài, làm gần đủ trường quy. Theo kịp cả những ông đầu gần hai thứ tóc, tự nhiên cái tình yêu thương cũng sớm nẩy nở ở trong lòng!

Xưa nay đa tài tất phải đa tình! Cái tình thương ấy phát triển theo trình độ hiểu biết ở người. Nó thường biểu lộ mãnh liệt gặp lúc hoàn cảnh tốt đẹp chung quanh người ta vồn vã săn sóc và kinh yêu. Cho nên từ đấy, Tâm cảm thấy như nhớ nhung mến tiếc một cái gì. Chiều chiều lại chiều chiều, Tâm vẫn phải thẩn thơ trên đường làng để mà nghe những câu dí dỏm hồn nhiên, đượm bao vẻ trìu mến bâng quơ của các cô thôn nữ, và Tâm nghe quen quen, tưởng chừng như một khúc nhạc thần tiên trong cõi mộng...

Bọn gái làng đầu tiên buông những giọng hát trêu chòng Tâm, vì cái tính bồng bột của tuổi trẻ đối với một người giai lạ, nhất là cái người lạ ấy lại là một anh học trò hay chữ. Nhưng với vẻ thẩn thơ thản nhiên ở Tâm, không thẹn thùng mà cũng không sao, lại cứ chiều chiều rảo bước trên con đường vắng vẻ, như chỉ mãi chăm chú đến việc học hành, các cô dần dần đổi ra chiều thầm yêu vụng kính. Các cô không hát nữa, một khi trông thấy bóng dáng Tâm. Rồi cũng cảm thấy một mơ ước gì ẩn náo ở trong lòng, các cô không ai bảo ai mà cứ đều đi muộn, hoặc về sớm để kịp nghe lớp học của ông Đồ kể nghĩa. Các cô ngồi trên cầu ao giặt gịa, các cô đứng dưới lũy tre rứt lá...Và trong trường tiếng kể nghĩa cứ văng vẳng đưa ra nghe rõ mồn một. Tiếng kể ngân nga trầm bổng và thỉnh thoảng ngừng đoạn, để ông Đồ dẫn nghĩa và ể đổi sang cái giọng của người khác. Các cô cứ lắng tai nghe:

- Đấy đến lượt anh chàng Tâm kể đấy.

- Phải rồi, cái giọng cao bổng và tiếng trong rang rảng khác tiếng học trò vùng ta.

Các cô cùng im lặng, ngừng tay làm việc, như bị cuốn vào một giấc mê ly! Sực một cô nhận thấy cái sự vô lý của mình, bảo các chị em:

- Nước đếch gì đến mình mà cố đứng nghe!

- Hay thì nghe chơi chứ cần gì!

Một đứa khác bảo:

- Chúng ta cứ quanh quẩn đây, chị Mai biết, chị ấy ghen chết, rồi chỗ chị em lại sinh thù oán!

Một cô nữa:

- Các chị rõ dơ, biết giời se cho ai nào, ở đây hay là ở đâu, mà cứ buộc sống vào cho người ta. Em nghĩ đương lúc chưa ngã ngũ rõ ai, chúng ta vẫn có thể mơ ước. Biết rằng giời để dành ai?

Lại cô thứ năm vừa tới:

- Làm gì mà phải ồn lên thế. Muốn nghe thì cứ nghe. Còn không lấy anh này thì đã có anh khác, không có chàng hay chữ lắm, ta kiếm lấy anh vừa vừa chứ sao, cứ gì phải anh chàng Tâm mới được...

Một cô mắng:

- Chị phải gió này, cứ nói xưng xưng làm vậy.

Cô kia không để ý nói tiếp:

- Cậu Tâm đã có cô Mai. Người ta vừa đẹp vừa dòn, vừa ấm nhan sắc, vừa con nhà giầu, lại đảm đang cần mẫn, lại ở gần nhà trường...Như thế thì ai còn hoài công đâu mà đi tìm các chị. Rõ dơ trò!

Mấy cô có vẻ ngượng mắng:

- Con ranh con! Hễ thấy người là thấy nói láo. Chúng tao không thèm, chỉ được bô bố cái miệng nói càn! Không khéo có bận cái răng cũng chẳng còn, con ạ!

Cả bọn cùng cười, rồi lảng dần.

Mặc dầu, nhời nói của cô gái kia cũng vẫn có nhiều phần đúng sự thật. Tâm, sau mấy hôm dạo chơi, đã trộm ngắm được dung nhan Mai, trong lòng thao thức. Chàng tưởng tượng cô nàng như con người ‘’yểu điệu thục nữ’’ ở Chương Quan Thư trong Kinh Thi, mà chính mình là quân tử hảo cầu vậy. Có lúc Tâm cao hứng buột miệng ngồi ngâm mấy câu thơ tuyệt tác đứng đầu Thiên Quốc Phong ấy:

Quan quan thư cưu

Tại hà chi châu

Yểu điệu thục nữ

Quân tử hảo cầu!

Ở ngay bên cạnh nhà ông Chánh Bá, hàng ngày Tâm được nghe tiếng Mai sai bảo đầy tớ và tiếng canh cửi ét phạch đều đều, càng như khêu gợi nỗi lòng. Tâm càng mến phục con người làm ăn chăm chỉ. Và những khi đêm khuya vắng, bốn bề đã yên lặng như tờ, tiếng giường gửi vẫn còn cứ văng vẳng đều đều rõ mồn một, các bà hàng xóm còn thức phải khen:

- Chị Mai dạo này dệt vải nghe vui vui lạ!

Tâm nghe tiếng khen ấy như người ta khen mình, trong lòng vui sướng, chàng lại trở về học kêu rang rảng. Tâm học rõ khuya, bao giờ nghe thôi không còn tiếng ét phạch đều đều ở bên hàng xóm chàng chạy ra vườn, ngó sang bên nhà Cụ Bá, thấy hết ánh đèn mới chịu đi ngủ.

Lòng Tâm đã đôi phen sôi nổi vì ai, thì cô Mai cũng không còn được yên lặng hồn nhiên với cuộc đời bé dại nữa, cô cũng phải nghĩ ngợi đến cái anh chàng hay chữ ở ngay bên cạnh nách. Nhất là cô lại thường được nghe ông Chánh nói đến Tâm luôn:

- Cậu Tâm đến đây mà lợi cho trẻ làng ta, anh nào cũng cố chăm học cho khỏi xấu hổ.

- Cậu Tâm học rang rảng thế, thảo nào chả giỏi!

- Cậu Tâm học chăm quá, học suốt đêm, lắm bận tôi đã ngủ một giấc dài mà tỉnh dậy vẫn còn thấy cậu ấy học. Trẻ làng ta cho là theo khướt cũng không kịp.

Những nhời khen ấy càng làm cho cô để ý cẩn thận đến luôn Tâm. Những lúc kể nghĩa, cô cứ lảng vảng ra vườn để nghe cho cặn kẻ cái giọng trong trẻo đáng yêu của Tâm, để nghe những chuyện nghĩa lý và giỏi giang mà Tâm kể ở trong sách. Cô bâng khuâng tự hỏi không biết có phải là mình phải lòng người ta không? Cô mong rằng không phải thế. Nhưng tối đến, cô vẫn cố nhất định thức khuya để xem anh chàng học đến lúc nào.

Rồi dần dà hai người cứ thi nhau mà thức, bên đọc sách chờ bên dệt vải tắt đèn mới chịu đi ngủ, mà cô Mai cũng cứ ngóng xem bên trường im tiếng học và không còn ánh lửa mới ngừng thoi. Thành ra hai người cứ trông ngóng nhau, có khi gà đã gáy liên miên giục giã, và vừng đông đã hồng hồng, hai người, không hẹn mà nên, mới cùng thôi làm việc.

Thì hàng xóm đã lác đác có người dậy thổi cơm, rồi tiếng đồn từ đấy mà ra. Họ bàn tán với nhau, tỏ vẻ khen ngợi:

- Xóm ta được đất, nhưng mà đãi ngoại, các ông ạ.

- Sao vậy?

- Ông không biết à? Cô Mai dệt vải suốt sáng và cậu Tâm cháu Cụ Đồ đọc sách thâu đêm, vui vui quá. Nhưng độc lợi cho người cả. Xóm ta có được gì đâu. Giai tráng xóm này chỉ được cái ngủ im thin thít.

- Sao lại không lợi. Họ chả làm vui cho xóm mình là gì. Hai bên cùng chăm cả. Giá xóm ta làm mối cho họ lấy nhau thì hay lắm nhỉ, giai tài gái sắc, xuân đương vừa thì!

Những nhời người ngoài bông đùa bàn tán, có người đem đến tai ông Chánh Bá, ông không giận, Ông lại vui vẻ nói:

- Gái hơn hai, giai hơn một, cái Mai nhà tôi mười sáu, cậu Tâm mười bốn, kể tuổi đúng cả đấy. Giá ông Đồ hỏi nó cho cậu Tâm tôi xin gả ngay, chứ sao!

Đọc tiếp PHẦN II - CHƯƠNG 3
 

Trang Dimple

New member
Xu
38
Butnghien .com tiếp tục chia sẻ với các bạn phần 2 chương 3 của tiểu thuyết " Bút Nghiên"Của tác giả chu Thiên
bút nghiên chu  thiên.jpg


CHƯƠNG 3

Trường ông Đồ Trí bây giờ đã ra vẻ một trường tiểu tập, nghĩa là học trò đến đây đều là những người đã tập làm văn bài đối đáp cả, chứ rất ít những trẻ học thường. Học đã chia ra từng lớp, bài văn lại chia ra từng kỳ: Tập làm phú, tập làm văn sách, tập làm thơ. Học trò chỉ phải học qua bài, nếu có cần thì phải kể nghĩa. Còn không phải hỏi, đọc gì cả. Ở lớp này người ta chú trọng đến văn bài. Văn bài hay được khen, văn bài dở bị chê. Thảng hoặc có ai phạm lỗi xấu xa gì, cả bọn đồng môn tụ họp lại mà dị nghị, mà sỉ nhục, chỉ có thế. Ông Đồ ít khi phải dùng hình phạt đối với bọn này, một lớp đã biết thân phận phải học, chỉ còn biết ganh đua vì một điểm, vì một nét mác!

Mỗi tháng có mấy kỳ hành văn đã định rõ: Từ ba đến mười hai là nhiều lắm. Phần nhiều cứ theo lệ cơ ngẫu (lẻ chẵn) mà định kỳ. Làm thơ phú ở ngày lẻ, thì làm văn sách, luận, kinh nghĩa ở ngày chẵn. Những ngày ấy phần nhiều học trò chỉ đến nghe giảng và lấy đầu bài về nhà làm, rồi đến hôm sau mang đến nộp. Chấm xong rồi trước mặt đông đủ học trò, ông Đồ đưa giả các quyển bài, chỉ trích mấy chỗ hỏng, khen mấy đoạn hay của anh này, của anh khác. Rồi tiếp đến cuộc bình các bài văn hay. Ở trường học chữ nho ngày trước, có lẽ vui nhất là lúc bình văn. Học trò ngồi đủ mặt thành hàng quanh giường ông Đồ. Ai nấy đều nghiêm trang im lặng. Ông Đồ đưa ra một tập quyển ưu, bình thứ, thứ mác, bắt những anh tốt giọng phải bình, anh nọ nhìn anh kia, mỉm cười, nhường nhau. Rồi một anh mở một quyển bài, è è lấy giọng nói một câu thường lệ:

- Xin thầy con bình.

Rồi ngân nga đọc theo một lối riêng, khi cao khi thấp, khi to khi bé, khi trong khi đục, như hát một bài hát vậy. Tất cả nghệ thuật của người bình văn là ở đấy. Mọi học trò đều ngồi im thin thít, lắng tai nghe ngon lành lắm, nét mặt hoan hỉ rõ rệt với những đoạn văn lý thú ý vị mà người bình đã khéo đưa giọng cho người ngoài thấu rõ. Cả những người ở chung quanh trường và đến những người dốt đặc cán mai không biết chữ gì cũng ngừng việc lại mà chú ý nghe cuộc bình văn. Cuộc bình văn cứ thế kéo dài đến mấy giờ đồng hồ. Hết quyển này sang quyển khác, anh trước mỏi miệng đã có anh sau thay. Văn đã hay mà giọng bình lại tốt, thật là vẻ vang cho nhà trường vậy.

Sau buổi bình văn thứ nhất, bình văn sách, ông Đồ khen mấy người tốt giọng, rồi dặn tất cả học trò:

- Kỳ sau tập làm phú, định vào ngày mồng sáu, ngày chẵn, và từ đây cứ theo lệ cổ, làm văn sách, luận ở ngày cơ, mà ngày ngẫu thì thơ phú. Về phú các anh nên nhận kỹ những bài tôi cho các anh chép, bắt chước cách xếp đặt và cách đặt câu trong các bài ấy. Những tay giỏi, người ta chỉ xem một bài kiểu mẫu tức khắc làm ngay được bài khác. Chỉ cần dàn ý cho khéo, cho câu văn lưu loát là được.

Một anh học trò hỏi:

- Bẩm thầy, có nhiều thơ phú không ạ?

- Không, phú chỉ có một lối. Câu đặt mấy chữ cũng được, tùy ý, nhưng cứ hai câu liền bằng trắc phải đối chọi với nhau. Phú độc vận là chỉ có mỗi một vận thôi.

Rĩ đề tự vi vận (lấy chữ đề làm vần) là trong đề có mấy chữ thì phải từng ấy vần.

Rĩ đề vi vận (lấy đề làm vần) là lấy câu đầu đề làm vần và thêm một vần ‘’phú’’ ở đoạn cuối cùng nữa, như đầu bài là ‘’ôn cố tri tân phú’’, rĩ đề tự thì chỉ có bốn chữ ôn cố tri tân thôi, mà rĩ đề, thì phải cả năm chữ ôn cố tri tân phú. Phần nhiều người ta hạn vần bằng một câu nào có liên lạc đến bài. Có khi đầu đề ra phóng vận là tùy mình chọn vần lấy.

- Thưa thầy làm phú có phải theo quy tắc nhất định không ạ?

- Có chứ. Mỗi vần thoạt tiên phải đặt vài bốn câu tứ tự hoặc theo lối liên châu nghĩa là câu trên câu dưới cũng một vần, hoặc theo lối bằng trắc đối nhau, chỉ cần vần ở câu dưới thôi...Rồi đến vài bốn câu song quan, mỗi vế sáu bảy hay tám chín chữ. Sau đến vài câu cách cú, mỗi vế dài hai đoạn. Nếu không đặt cách cú thì đổ ra vài câu hối hạc, mỗi vế ba đoạn. Về nội dung, bài phú phải gò theo những điều lệ này: Vần, hay đoạn thứ nhất là vần lung, nói đến ý nghĩa đầu bài. Vần thứ hai là biện nguyên, tìm nguồn gốc cho rõ ý đầu bài, vần thứ ba là vần thích thực, phải nói hết nghĩa ở đầu bài, vần thứ tư là phô diễn, suy rộng ra. Đến vần sau giở đi là nghị luận, rồi dần dần tổng kết lại. Các anh cứ đem những bài phú đã chép trước ra mà xem khắc hiểu.

Năm tháng sau, Tâm và mấy tay học trò khá của ông Đồ đã sản ra được những bài xuất sắc. Ông bằng lòng lắm, thường bảo với mọi người rằng:

- Cách một năm nữa đến khoa Mão, học trò tôi thừa sức đi thi. Từ nay đến đấy còn chán thì giờ học tập, các ông ấy cứ chăm cho tôi là được!

Ông không dám nói rõ tên Tâm, sợ mang tiếng là con người khoe khoang, nhưng trong bụng ông vẫn mừng thầm được đứa cháu học trội hơn cả, mà những lời ông nói nửa bỡn nửa thật với người ngoài vẫn ám chỉ riêng Tâm. Cho nên ông cần dạy mau đủ các lối văn trong trường. Thi thơ biết rồi, văn sách cũng quen rồi, ông bắt đầu dạy sang kinh nghĩa và tứ lục. Ông đưa những bài văn hay của các tay khoa mục danh tiếng ra cho học trò chép. Chép xong rồi học thuộc lòng, rồi khi nào cần đến, ông mới giảng qua về cách xếp đặt trong những bài ấy. Cái lối dạy học của ông giản tiện vậy, nên học trò tiến lắm, ông Đồ các nơi đều noi theo.

Trước khi định ra bài kinh nghĩa cho học trò làm thử, nhằm vào ngày bình văn, nhân đông đủ mặt học trò, ông nói đại khái việc dàn bài. Trong gian nhà rộng, lố nhố những học trò, ngồi xếp bằng trên sập, ưỡn thẳng lưng, một tay đút bọc, một tay mở đi mở lại quyển vở bài, ông nói đều đều rõ ràng, thao thao bất tuyệt.

...Làm kinh nghĩa là thay nhời cổ nhân mà thích rộng một câu trong sách cổ ra thành một bài. Câu được đặt tự ý, không hạn chữ, không theo vần. Nhưng cả bài cũng phải theo khuôn phép riêng: Trước hết là đoạn phá đề, người làm văn giải qua nghĩa đầu bài. Thứ nhì đến đoạn thưa đề, bắt đầu vào nhời người xưa nói. Thứ ba là đoạn khởi giảng, nói khai mào mở đầu bài. Thứ tư là đoạn khai giảng, vào bài có hai vế đối nhau. Cuối đoạn có một câu hoán đề, láy lại câu đầu bài. Đoạn thứ năm là trung cổ, có hai vế đối nhau thích thực nghĩa đầu bài, đoạn sáu là hậu cổ, hai vế đối nhau và bàn tán rộng ý trong bài. Đoạn bẩy, kết cổ, cũng có hai vế đối nhau tóm tắt các ý trên bài lại. Cuối cùng, có một câu thúc đề, thắt chặt bài là hết. Lối kinh nghĩa này là lối bát cổ (tám vế hay tám đoạn) thông dụng nhất trong trường thi.

Một anh học trò đứng lên:

- Bẩm thầy, văn kinh nghĩa tức là văn tứ lục?

Ông Đồ cười mỉa mai. Cả mấy cậu học trò cười theo. Im cười, ông nói:

- Cái anh này dốt quá. Anh không hiểu chữ tứ lục à? Văn tứ lục là lối văn trên bốn, dưới sáu, hay trên sáu, dưới bốn. Văn tứ lục là lối văn chiếu, biểu. Chiếu là nhời Nhà Vua ban ra cho thần dân thiên hạ hiểu biết một việc. Vậy là chiếu tức là thay nhời Nhà Vua để chúc mừng (gọi là biểu hạ) hay là để tạ ơn được phong thưởng (biểu tạ). Lối văn biểu phải rất mực cung kính, khiêm tốn, thù phụng. Văn chế sắc cũng là lối văn tứ lục, chế là nhời vua ban khen, sắc là nhời vua phong thưởng các quan và bách thần.

Ông Đồ ngồi nghĩ ngợi một lát, rồi ông đứng dậy mở tủ lấy ra một tập sách chữ viết tay, đóng bìa cậy đen nháy và gáy gắn sơn rất chắc chắn. Ông đem ra quẳng cho học trò và nói:

- Đây này quyển văn chiếu, biểu của tôi chép công phu lắm. Các anh sĩ lượt nhau mà chép lại rồi cứ nhập theo đấy ít lâu sau là làm được ngay, văn tứ lục dễ lắm. Có khó gì đâu! Chỉ cần nhất là học được nhiều sách và nhớ sách, không nhớ sách là hỏng.

Thế là cả bọn hăm hở tranh nhau chép. Họ nằm túm tụm lại, một anh cầm lấy sách, vừa viết vừa đọc to cho mọi người theo và viết. Thảng hoặc gặp chữ nào ngờ ngợ, họ nhìn sang anh bên cạnh, hay chống tay quỳ gối, bò lên mà nghểnh cổ trông vào quyển sách ở tay anh đang đọc. Chép được một vài bài rồi họ lần lượt ngồi dậy đọc lại, thôi không chép nữa, để có thì giờ mà xem, mà học, mà ngẫm nghĩ cho rõ lề lối. Họ gập quyển bài mẫu lại đưa cho Tâm. Còn những bài kia họ để dành đến mai, ngày kia, chưa muộn.

Một tháng sau, học trò ông Đồ Trí đã làm nổi văn tứ lục rồi, không hay ho gì cho lắm, nhưng nghe cũng tàm tạm được. Cậu nào cậu ấy cùng hớn hở vui mừng, trong lòng sung sướng lắm, đã làm được các lối văn trường ốc, chỉ cần luyện tập cho thêm sâu sắc và già dặn thôi. Cả đến ông Đồ cũng tự hào đã dạy biết đủ lề lối vào trường, ông thường khoe với những người đến chơi:

- Học trò trường tôi được cái chịu khó học cả, họ đua nhau họ học chóng biết lắm, làm được cả thơ phú, kinh nghĩa và chiếu biểu rồi kia đấy. Có phần xuất sắc hơn học trò Cụ Cử Văn bên Văn Lang và ông Huấn Phú Hậu. Các cụ chỉ được tiếng khoa mục, chứ chữ nghĩa và dạy bảo nào đã hơn ai!

Đối với các ông Tú, ông Cử, ông Mền, ông Kép thường đến chơi, ông Đồ lại khoe cách khác:

- Bẩm ông, nhờ giời, nhờ thánh, các trẻ đây học cũng khá, nhà cháu đã dạy cả các lối văn rồi kia đấy. Chúng làm được cả kinh nghĩa và chiếu biểu rồi ạ. Những bài của chúng cứ như ý nhà cháu xem ra cũng đường được. Bẩm đây, kính trình tôn ông duyệt qua.

Ông Đồ vừa nói vừa cầm mấy vở bài của Tâm và của những học trò kha khá đưa ra. Những ông khách mở đi mở lại xem và tấm tắc khen. Có ông mỉm cười hạ một câu:

- Được lắm. Láo đảo trường ố như ông, dạy học trò tất nhiên là phải giỏi!

Ông Đồ chỉ còn biết kính cẩn ‘’dạ’’ một tiếng, và không hiểu người ta khen hay mỉa.

Nhưng lạ nhất có ông khách này: Một hôm vào giữa mùa Thu êm mát, buổi học sớm sắp tan, học trò sắp sửa về, còn ráng lại nghe nhời chỉ dẩn của ông Đồ về một bài phú. Chợt ở đâu đưa đến một người đàn ông đã nhiều tuổi, đầu quấn khăn tam giang đã bạc mầu, mặc cái vải giãi đã sờn rách và chiếc quần nâu bạc, chân đi đôi dép da loẹt quẹt, tay khoác cái nón sơn đã long lở phe phẩy đi vào, trông có vẻ ngang tàng lắm, không có dáng điệu người đi ăn xin, mà cũng không ra vẻ khách khứa làng nho cho lắm. Người ấy sồng sộc tiến vào nhà. Học trò không hiểu thế nào còn mãi ngạc nhiên, chưa kịp chào. Ông Đồ cũng lấy làm lạ. Người ấy đã nghiễm nhiên ngất ngưởng ngồi trên trường kỷ, không chào hỏi ai, rung đùi ngâm một câu:

- Giáo huấn chính tục, vô lễ bất bị! (dạy bảo sửa đổi phong tục không có lẽ không đủ)

Ông Đồ tức tím mặt lại, các học trò sợ hãi khép nép, kẻ đứng dậy đi têm giầu, kẻ đi lấy điếu đốt đèn mang lên, người đi rót nước bưng đến, mời chào rất cung kính. Người lạ mỉm cười lại nói:

- Cung nhỉ vô lễ tắc lao (cung kính mà không có lễ thì phiền).

Ông Đồ từ nãy đến giờ ngồi im lúc này mới nói:

- Nhập gia bất vấn tắc mạn, ký vi nho giả hồ bất tri thánh nhân nhập Thái Miếu, mỗi sự vấn (vào nhà không hỏi là khinh nhờn. Đã là nho giả sao không biết đức thánh nhân vào nhà thái miếu mọi việc đều hỏi).

Một sự im lặng nặng nề. Ông Đồ chăm chăm nhìn người khách lạ, người này vẫn tươi cười hớn hở trông ra ngoài sân. Các học trò ngơ ngác hãi hùng chờ đợi cuộc đấu khẩu gay go giữa ông Đồ và người khách. Có tiếng thì thầm:

- Này mày? Hay là lão đồ điên Nam Thương đấy?

- Không, giọng lơ lớ có lẽ ông Đồ Nghệ!

- Không phải, đồ Bể đấy. Năm ngoái ông ta đã vào trường Cụ Tú Hai bên Nguyệt Điện!

Rồi lại im ngay. Học trò đều quay nhìn dồn cả về ông Đồ và ông khách.

Chợt ông khách tươi cười quay mặt lại hỏi ông Đồ:

- Thưa thầy, thế nào là tiên học lễ, hậu học văn ạ?

Ông Đồ hỏi lại:

- Thưa ông, thế nào là đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục?

Ông khách không giả nhời, hỏi lại:

- Vậy thầy dạy trẻ những gì?

- Thưa ông, tôi dạy học, dạy làm văn, làm bài, làm thơ, làm phú, dạy học trò sắp sửa đi thi...

Ông khách vẫn tươi cười nói:

- Tốt lắm. Thầy dạy chu đáo lắm, nhưng có điều cần nhất thầy quên.

Ông Đồ thấy khách nói hòa nhã từ tốn, bèn dịu nhời nhận lỗi:

- Bẩm cụ, cụ đến đột ngột quá, và giữa lúc học trò dộn dịp sắp ra về, nên mới có điều sơ xuất vậy. Vả lại lúc này học trò đang bận tập bài văn để đầu tháng này xuống thi ở nhà Quan Huấn!

- Được lắm. Ra các cậu học đây đều sắp sửa đi thi nay mai kia đấy?

- Bẩm cụ, nhà cháu dạy đủ lề lối văn trường rồi, chỉ còn cho luyện tập tinh vi đến sang năm đi thi hạch, rồi xuống tập Quan Huấn hay vào tập Quan Nghè Phạm Xá ít lâu để kịp khoa thi Mão sắp tới.

Ông Đồ tươi cười nói với một vẻ thỏa thích. Nhưng ông khách hơi cau mày hỏi:

- Thưa thầy như thế, các cậu học đã giỏi lằm nhỉ?

- Bẩm cụ, cũng chưa lấy gì làm giỏi, nhưng cũng đủ sức làm bài, bẩm cụ bài của các trẻ đây.

Ông Đồ lại đưa các vở bài ra cho khách. Khách thong thả mở qua các trang giấy, ông Đồ hỏi:

- Bẩm cụ quý quán ở đâu tá?

- Ấy tôi đi qua, thấy đây có trường học ghé vào chơi hầu thầy, thầy cho phép tôi hỏi các cậu ấy mấy câu.

- Bẩm vâng, xin rước cụ chỉ giáo.

Ông khách quay lại học trò:

- Lão thấy nói các cậu sắp đi thi, lão kính phục lắm, nên lão muốn cùng các cậu đàm luận một lúc cho vui, lão bây giờ già rồi không còn được may mắn như các cậu đi học, đi thì nữa, lão tiếc quá. Các cậu đối hộ câu này nhé, lão nhai dập bã giầu này là phải xong, vì lão vội lắm.

Các học trò lấm lét nhìn nhau, rồi đều nói:

- Bẩm cụ vâng ạ!

Ông khách ra:

- Cây xương rồng, giồng đất rắn, long lại hoàn long, (chữ long nghĩa là rồng).

Các học trò im lặng ngồi nghĩ, mặt anh nào cũng đực ra! Ông khách bỏm bẻm nhai đã nát miếng giầu, thè ra môi, giơ hai đầu ngón tay, cầm lấy bã ném tót ra sân, rồi giục:

- Thế nào, xong chưa các cậu?

Chỉ có mình Tâm đứng dậy thưa:

- Bẩm cụ con xin đối ạ: ‘’Quả dưa chuột tuột mồm mèo thử gì mà thử?’’ (chữ thử là chuột).

Ông cụ lắc đầu:

- Hơi được, nhưng không chỉnh mà lại xược. À, thảo nào! Bé mà hay chữ tất dễ khinh mạn. Còn các cậu kia, không đối được à? Thôi quá hạn rồi. Các cậu làm giúp tôi bài thơ này: ‘’Tri tiểu nhi mưu đại’’ lấy vần mưu, các cậu có biết chữ đâu không?

Học trò ngơ ngác nghĩ không ra, ông Đồ phải bảo:

- Chữ Kinh Dịch thiên hệ từ hạ, câu: Đức bạc nhị vị tôn, tri tiểu nhi mưu đại, lực tiểu nhi nhậm trọng, tiển bất cập hĩ (đức mỏng ở ngôi cao, trí biết nhỏ mà mưu việc nhớn, sức nhỏ mà gánh việc nặng, ít khi thành được). Học rồi mà đã quên.

Ông khách chữa:

- Ấy Kinh Dịch trúc trắc khó nhớ.

Học trò ngồi nghĩ mãi, lại gặp vần mưu rất khó chọn, nên viết đi xóa lại mãi không thành. Mãi quá trưa mới được mấy bài đưa lên, ông khách xem qua, rồi quẳng giả không chấm, ông lại bảo:

- Hẵng để bài thơ đấy, các cậu làm giúp tôi bài phú này nhé: ‘’Giột tự nóc giột xuống’’ rĩ đề tự vi vận.

Thật là bài phú oái oăm và mai mỉa. Ông Đồ tức lắm. Từ câu đối đến bài thơ, bài phú đều một giọng khuyên răn khinh miệt. Nhưng biết làm thế nào. Chả nhẽ ông đi làm hộ học trò à? Ông đành ngồi mà xem cái lão giời đánh nó hạnh sách thế nào. Cả ông Đồ và học trò mải tức tối khó chịu, quên cả ăn uống và mời khách. Bỗng ông kia đứng dậy chào ông Đồ đi ra, họ cố giữ thề nào ông cũng không ở. Ra đến sân ông nghêu ngao đọc:

- Học kinh bất minh, bất như quy canh (học sách không thông, không bằng về đi cày).

Người khách đi khỏi rồi, ông Đồ mới trút cơn tức bực ra mắng học trò tàn tệ, sau cùng ông dịu giọng lại, nói vuốt hậu:

- Nhưng với cái thằng điên ấy, không kể làm gì. Nó chỉ đi tìm những vần khốn khổ để thử người ta, đem những tử vận (vần chết khó tìm được vần) mà hỏi, thì đến nó cũng không làm nổi.

Nói vậy chứ ông Đồ cũng không biết người khách lạ kia, tung tích thế nào, quê quán ở đâu, mà cả vùng ấy, học trò đã đi dò hỏi khắp, cũng không biết hành tung con người bí mật kia ra sao.

Tuy nhiên, cái cuộc đến thăm đột ngột và lạ lùng của người khách vẫn ích lợi cho bọn học trò và cho Tâm nhiều lắm. Lúc ấy chúng mới thấy rõ sức kém cõi của mình và hiểu rằng đi thi ngoài sự biết rõ lề lối văn bài, lại còn cần phải có thực tài nữa. Và cái học như thế, chúng chỉ mới đáng làm ông Đồ‘’chi, hồ, giả, dã’’ chứ chưa thể vác lều chõng vào trường mà cầm chắc có tên trên bảng.

Đọc tiếp PHẦN II - CHƯƠNG 4
 
Sửa lần cuối:

Trang Dimple

New member
Xu
38
Butnghien .com tiếp tục chia sẻ với các bạn phần 2 chương 4 của tiểu thuyết " Bút Nghiên"Của tác giả chu Thiên

bút nghiên chu  thiên.jpg

CHƯƠNG 4

Năm nay Tâm mười lăm tuổi.

Tết Nguyên Đán vừa xong, mồng sáu Tết, ông Đồ Trí Mỹ Lý đã xuống nhà ông Lý Tưởng, trước là chơi thăm, sau là để bàn bạc về việc học của Tâm.

- Ông Lý ạ, Đạo học vô cùng, kể cháu Tâm học hết chữ tôi cũng còn chán. Nhưng sang năm đến khoa thi rồi. Tôi muốn nơi ‘’đại tập’’ cho cháu theo học, nó quen khuôn sáo khoa cử đi và đua tập với sĩ tử các nơi. Để lúc vào trường nó khỏi luống cuống. Nên tôi xuống bàn với ông xem sao...Ông Đồ rung đùi gật gù bảo ông Lý Tưởng.

Ông này đon đả lễ phép:

- Bẩm thầy dạy chu tất quá. Cái ấy còn tùy ở lượng thầy. Xin rước thầy nghỉ chơi ở đây mấy hôm, rồi thầy truyền thế nào chúng tôi cũng xin vâng.

Rồi ông xuống nhà gọi Tâm:

- Tâm ơi Tâm!

- Dạ!

- Anh sang bên chú Lý Hai tìm bác về ngay, bảo có Thầy Đồ Mỹ Lý xuống chơi. Và bảo bác rẽ vào nhà ông Chỉ Tấn mời ông Tú Phú Động sang chơi nhé. Bảo bác thế nào cũng mời cho được ông Tú. Chả mấy khi ông Đồ ở chơi.

- Thưa thầy, ông Tú Phú Động sang ta bao giờ thế?

- Ông ấy sang đầu hôm kia ấy mà. Sang xếp chỗ ngồi: Nhất sư nhất đệ, ý chừng nhà ông Chỉ muốn nuôi. Nhưng thôi anh đi mau và về nhé.

Một lúc sau, bác Tâm đã về, vùn vụt bước lên hè chào:

- Bẩm thầy ạ!

- Không dám, chào cụ!

- Thấy tin thầy xuống chơi, tôi đang đánh tổ tôm đằng chú Lý Hai xóm ngoài, phải vội về hầu thầy.

- Thưa cụ, quý hóa quá. Chết nỗi! Làm dở mất hội ù của cụ. Đầu xuân, cụ có tốt tài không ạ?

- Bẩm thầy, năm ngoái tôi chỉ toàn thua. Nhưng sang năm nay mới đánh mấy canh, nhờ giời đều được cả.

- Như thế là năm nay cụ hồng vận suốt năm.

- À, thưa thầy có ông Tú Phú Động sang xếp chỗ ngồi ở làng tôi, tôi mời lại chơi, có lẽ sắp đến. Thầy có biết?

- Có phải cái ông Tú dong dỏng cao, mặt xương xương ngăm ngăm đen...

- Vâng, ông ấy có bộ râu dài lòa xòa.

Ông bác Tâm vừa nói đến đây thì ông Tú đã bước vào cổng. Con chó vện nằm trên hè, chồm ngay bốn vó lên, sồ ra như chực nhẩy xổ vào người khách lạ. Tâm giơ hai nắm tay lên dọa mắng con vật:

- Con chó quái nào! Mù à!

Con chó cúp đuôi chạy, còn sủa đổng mấy tiếng gâu gâu!

Bác Tâm đã bước xuống sân chắp tay vái chào:

- Bẩm chào cụ Tú sang chơi ạ!

- Tôi không dám, chào ông ạ.

Ông Đồ cũng bước xuống đất, tiến ra cửa đứng đợi, khi trông thấy ông Tú, ông cúi đầu hỏi:

- Chào quan bác sang chơi ạ, hân hạnh cho đệ quá!

Ông Tú trông thấy ông, hớn hở cười sằng sặc:

- À, bác Đồ Mỹ Lý, tôi cứ tưởng là ai.

Cửu hạn phùng cam vũ

Tha hương ngộ cố tri

(nắng lâu gặp được mưa, ở làng lạ gặp người quen cũ)

Có phải không bác? Còn gì vui bằng tôi gặp bác ở đây kia chứ. Vạn hạnh! Vạn hạnh! Khá! Khá! Khá! Kh...Khá.

Ông Đồ cũng cười theo, rồi mời ông Tú vào ngồi trên sập khách. Ba người chiếm ba góc sập, ngồi xếp bằng, hai tay chắp lại, mười ngón tay luồn qua nhau để chắp lên khu bàn tay, hai cánh khuỷu đè lên hai bên đùi. Ba người chuyện trò rất vui vẻ, hết chuyện làm ăn đến chuyện học hành và chuyển sang chuyện dạy học.

Ông Tú hỏi ông Đồ:

- Năm nay bác ngồi đâu chửa?

- Vẫn chỗ cũ, tính tôi không hay đổi chỗ.

- Đám nào đấy?

- Vẫn đám Mỹ Lương đấy mà.

- Thế cũng xong, tôi thì long đong. Năm nào cũng phải xếp. Chả mấy đám là vừa ý, ở được lâu. Này bác ạ, nhưng mà cũng nên năng đổi chỗ để mà lấy đồng môn chứ.

- Vâng, bác dậy thế cũng phải. Năm nay bác định ngồi nơi nào chửa?

- Ấy bên này ông Chỉ Tấn xếp đấy, nhưng tôi chữa thuận hẳn. Nhất sư, nhất đệ mà niên bổng tôi đòi trăm hai quan, nhưng ông chỉ mới định có tám chục.

- Bẩm cụ, nếu xong bao giờ cụ khai trường?

Bác Tâm đột ngột hỏi. Ông Tú ngồi ưỡn ngay người lên, thò tay rón miếng trầu bỏ vào mồm nhai, rồi đáp lại:

- Tôi định mười hai này sạch ngày lại có sao giác trực khai, tôi bắt đầu lễ thánh rồi khai giảng.

- Cụ Đồ Bế xóm Đông lại dạy ngay từ mồng mười. Còn Thầy Đồ ta ngày nào thầy xuống trường?

Ông Đồ đang ngồi thẳng, thò tay vào nách gãi sột sột, cũng vội giả nhời:

- Tôi được cái thong thả. Làng ấy họ còn việc làng canh chay rằm tháng giêng. Cả làng bận rộn đến mười sáu mới xong. Nên đến mười tám tôi mới khai trường.

- Năm nay thầy cũng cho cháu Tâm theo chứ?

- Ấy, lúc nãy tôi đã bảo với ông Lý, năm nay nên cho cháu đi học các bậc đại khoa để nó quen lề lối sang năm đi thi.

Ông Tú ngạc nhiên hỏi:

- Cậu nào mà đã nói chuyện đi thi?

Bác Tâm nhanh nhẩu giả nhời:

- Bẩm cụ, cháu Tâm con chú Lý nó đây, vẫn theo học Thầy Đồ tôi từ năm lên tám.

- À, cái cậu Tâm vừa đi với tôi lúc nãy à? Có, tôi có nghe đồn cậu ấy đỗ đầu kỳ thi văn ở làng Mỹ Lương năm nọ. Mà sau học chóng thế đã sắp sửa đi thi được rồi kia à?

Ông Đồ ôn tồn thưa lại:

- Thưa bác, các ông đây có lòng mộ đạo, mà cháu nó cũng hiếu học dễ bảo nên theo tôi mấy năm cháu nó đã học hết cả các sách về khoa cử, và làm được cả các lối kinh nghĩa, thơ, phú, văn sách, tứ lục. Kể cũng chưa hay gì cho lắm, nhưng các văn bài làm đã xuôi xuôi, tôi thiết tưởng cho cháu nó đi tập một cụ đại khoa nào thì vừa lợi mà chóng cho nó nữa.

- Phúc đức nhỉ! Ít tuổi mà đã được như thế. Kể cũng là một điều đáng mừng cho nhà ta lắm. Phen này thì thật đất phát khoa nhỉ! Có điều giỏi thì giỏi, chứ sang năm đã cho đi thi ngay, tôi e còn non quá. Cũng thì ít tuổi nhưng con nhà người ta vốn sẵn gia sáo, bố bảo con, ông bảo cháu ngay từ khi mới nứt mắt, nên việc đỗ đạt dễ dàng lắm, con nhà mình khác. Tôi nói tình thực, chứ có dám khinh cậu ấy đâu, bác đồ nghĩ có phải?

Ông Đồ hơi cau mày đáp:

- Ấy việc đỗ đạc còn nhờ ở số, khoa này không đỗ để dành khoa sau, con nhà nho sĩ thế là thường, mấy ai thi mà đỗ ngay. Chẳng qua có học phải có thi, cho nó ra nơi trường ốc, nó bạn dạn quen đi. Và ‘’thập văn bất như nhất kiến’’ (mười điều nghe không bằng một điều thấy). Nó được mục kích sớm những lề luật nặng nề của trường thi, nó từng trải khôn ngoan ra, đường khoa danh của nó có thêm phần mau chóng. Xưa nay người có chủ tâm lập chí vẫn thành đạt nhanh hơn người thường. Bởi lẽ ấy nên năm nay tôi bảo các ông ấy đây thế nào cũng phải cho cháu nó đi tập, tổn phí cũng cố mà chịu. Ở vùng đây có ba trường: Trường Cụ Nghè Phạm Xá, Trường Quan Huấn Đại Đồng, với Trường Quan Đốc Văn Chu.

- Muốn văn chương lỗi lạc nên lại học đằng Quan Đốc Vân Chu. Lối hành văn của ngài thật đanh thép mẫu mực, nhất là kinh nghĩa, văn sách, thật đáng là khuôn vàng thước ngọc. Học trò ngài đi đâu là nổi tiếng đấy.

- Phải. Nhưng học trường cụ khó đỗ. Cái hay của cụ ra ngoài khuôn khổ, không hợp với văn thể trường thi. Đã đành rằng văn chương vô giá, song con em đi học cốt mong cho nó đỗ, ta phải rèn tập nó theo lối văn trường. Một khi đỗ rồi, còn ối thì giờ luyện văn cho hay, giũa câu cho đẹp.

- Thế thì xuống tập Quan Huấn Huyện.

- Quan Huấn Huyện chỉ dạy các đại cương, ngài còn bận việc quyền nhiếp thay Quan Huyện luôn, không chỉ bảo cẩn thận được, và chưa biết chừng nay mai ngài được bổ Tri Huyện, quan khác về, học lại dở dang. Tôi thì tôi định cho cháu theo tập Cụ Nghè Phạm Xá.

- Hừ, theo Cụ Nghè Phạm Xá sao bằng học Quan Huấn Đại Đồng? Bên Cụ Nghè Phạm Xá đông học trò quá, một ngày chia làm mấy lớp, mà lại xa riệu vợi đi mất non một ngày đường. Quan Huấn Đại Đồng ở gần đây lại chỗ văn thân hàng huyện với nhau, nhờ ngài dạy dỗ cẩn thận cho, có phải chu đáo và mau chóng hơn. Vả trường ngài, ngài kén chọn kỹ lắm, số học trò vừa phải thôi, không đông lắm, nên học rất dễ.

- Thế bác mới hiểu một, chưa hiểu hai. Bên Cụ Nghè Phạm đông thật đấy, nhưng cái đông ấy không hại, mà lại còn lợi là được giao du nhiều, ganh đua lắm. Hai là trường hợp có sáo dễ đỗ. Lời văn của cụ, nhẹ nhàng, giản dị rất hợp với trường quy, lại khiêm tốn, lễ phép, mạch lạc rõ ràng, nên ai chấm đến cũng phải thỏa thích mà phê ưu, bình cả. Cho nên khoa nào trường cụ cũng đỗ nhiều. Vì đấy mà số học trò càng ngày càng đông. Chính tôi, tôi tiếc rằng chỉ học cụ được non một năm, chứ học luôn được cụ vài ba năm, tôi giật đứt cái Cử Nhân đi rồi.

- Ấy cũng chỉ vì bác mải tưởng giật mạnh cho nên đứt đấy chứ!

Ông Tú đâm ngang vào một câu pha trò. Ông Lý Tưởng và ông bác Tâm đều cười ồ lên rồi đồng thanh nói chữa, mặc dầu các ông không hiểu việc chữ nghĩa thế nào:

- Thầy Đồ tôi nói rất đúng, giá Thầy Đồ theo tập cụ lớn Nghè Phạm mấy năm, thế nào chả đỗ Cử Nhân, Tiến Sĩ!

Ông Đồ ung dung nói:

- Thật đấy, không Tiến Sĩ thì cũng hơn cái Tú Tài quèn.

Ông Tú hơi sầm mặt, nói:

- Tú Tài quèn còn hơn người đi thi bao khoa rồi mà vẫn đeo tiếng ông Đồ!

Thấy hai người sắp sửa nói mát nhau quá hóa thật, ông bác Tâm đứng dậy vội vàng nói:

- Xin hai cụ xá lỗi, hai cụ định cho cháu tôi theo học chốn nào, hai cụ chỉ bảo để chúng tôi còn biết lối mà sửa soạn cho cháu. Xin hai cụ đừng...

Ông Tú cười nói:

- Không có việc gì đâu! Ông Đồ đã định cho cháu theo Cụ Nghè rồi lại còn. Ông Đồ đã nghĩ là chí phải...

Ông Đồ nghĩ sao cũng vội đổi ngay sắc mặt vui vẻ nói:

- Tôi định thế, nhưng còn tùy ở các ông đấy chứ. Các ông nghĩ kỹ xem có nên không. Đây ra đấy vừa xa vừa chỗ trọ khó khăn. Có lợi chỉ lợi cho cháu và bất tiện cho các ông. Đi lại xa xôi mà tiền phí tổn thì nhiều. Liệu sức có cáng đáng nổi không?

Ông Lý Tưởng vội láu táu nói:

- Bẩm thầy, thầy dạy thế nào chúng tôi cũng xin vâng. Về việc học hành, chúng tôi không được tường cho lắm, nên trăm sự trông nhờ cả ở thầy. Đằng nào tiện lợi cho cháu xin thầy cứ bảo, phí tổn bao nhiêu chúng tôi cũng chịu được. Đến phải bán nhà, bán đất lấy tiền cho con đi học cũng cam lòng. Chúng tôi con nhà Hào Lý, đành phận dốt nát, nay thấy cháu nó học được chúng tôi cố sức cho đi học, chỉ cầu Giời khấn Phật phù hộ độ trì và nhờ mồ mả phúc ấm nhà, cháu đỗ được Cử Nhân hay Tú Tài để chúng tôi được hưởng cái hương thơm của triều đình thì thật là thỏa mãn. Cháu đỗ sớm được ngày nào là chúng tôi càng thêm vẻ vang ngày ấy, nhỉ bác cả nhỉ!

Ông bác đồng ý nói thêm:

- Phải, nhờ Thầy Đồ cứ dốc lòng chỉ lối đưa đường cho, nếu chú lý nó chịu không nổi, đã có tôi góp vào.

Ông Đồ đắc thắng cả mười phần, gật gù thích ý nói:

- Như vậy ta nên cho cháu theo học Cụ Nghè Phạm Xá. Tốn một tý nhưng chắc đỗ hơn.

Ông Tú cũng phải chêm vào mấy câu lấy lòng:

- Các ông thành tâm dốc chí cho con đi học như thế, Giời Phật Thánh Thần tất không phụ tấm lòng các ông mong mỏi. Chóng chầy thế nào cậu Tâm nhà cũng đỗ to. Con hay chữ lại chăm học, bố mẹ hết lòng tin cậy sự học thật là được đủ mọi điều. Tôi chưa thấy mấy nhà được như thế. Ông Đồ tốt cung quan lộc lắm mới gặp được một nhà phúc hậu thành tâm như vậy. Tôi thì toàn gặp những phường đảo điên bất nghĩa cả.

Ông bác Tâm đương cúi cổ têm giầu, vội ngẩng ngay lên nhìn thẳng vào ông Tú và nói:

- Ấy bẩm cụ cháu Tâm đây gọi Thầy Đồ bằng cậu ruột đấy, thím Lý nhà tôi là em gái Thầy Đồ.

Ông Tú vội hoan hỉ gật đầu:

- À ra thế, người nhà với nhau cả.

Tan bữa rượu, ông Tú trở về nhà ông Chỉ Tấn để mặc cả xong cái giá ngồi. Bác Tâm tiễn chân ra đến đường cái. Còn ông Đồ và ông Lý Tưởng chỉ xuống đến sân thôi. Khi ông Tú đi khuất cổng rồi, hai người cùng đi vào nhà. Ông Đồ nói:

- Đến ghét lão Tú Phú Động này, đi đâu thì nói thánh nói tướng mà rút cục tâm địa rất xấu xa. Hắn xỏ xiên lừa cả Quan Huấn Đại Đồng đấy. Có gì đâu, Quan Huấn ngài ưa kén chọn kỹ người học khá, tính nết tốt, chịu khó và khá giả mới cho học. Hắn biết ngài thế, nên bẻm mép ngọt ngào nói với ngài, đem ít gạo đến xin ở trọ hẳn nhà ngài. Hắn ở ít lâu rồi chả biết thế nào ngài tin hắn lắm. Hắn mới lấy trộm của ngài ít vở bài chép rất công phu rồi chuồn thẳng, bửa mất của ngài mấy tháng cơm. Quân như thế còn bao giờ khá được.

Ông bác Tâm vừa đến nghe thấy được câu một câu hai không hiểu cái gì, hỏi ngay:

- Cái gì thế?

Ông Lý đáp:

- À, Thầy Đồ nói chuyện ông Tú Phú Động.

- Ông ấy xếp cái chỗ đằng ấy chả chắc có xong không, vì ông ấy cò kè quá mà ông Chỉ làng ta cũng không vừa!

Ông Đồ có vẻ khinh bỉ nói:

- Có xong thì cũng chỉ được một năm thôi. Đểu giả như lão ấy có ai ưa được mãi. Mà lại còn kêu ca là long đong vất vả.

Ông bác Tâm bấy giờ mới hơi hiểu cái mẫu chuyện nghe được câu một câu hai lúc nãy, trợn hai mắt ngạc nhiên:

- Nhè! Ra thế đấy!

Thế là Tâm đã nhất định được theo học Cụ Nghè làng Phạm Xá ở tận ngoài gần Tỉnh Nam, vừa đi vừa về mất hai ngày. Nên cả nhà chỉ còn việc sắm sửa cho Tâm nào quần áo, giấy bút. Nào tiền ăn gạo đốn, sao cho ra dáng con người học trò đi ăn học ở nơi xa lạ. Bây giờ không còn là cậu học trò bé miệng cơm chín của ông Đồ Mỹ Lý nữa kia mà.
Đọc tiếp PHẦN II - CHƯƠNG 5
 
Sửa lần cuối:

Trang Dimple

New member
Xu
38
Butnghien .com tiếp tục chia sẻ với các bạn phần 2 chương 5 của tiểu thuyết " Bút Nghiên"Của tác giả chu Thiên
bút nghiên chu  thiên.jpg

CHƯƠNG 5


Sau khi đã sửa lễ, lễ đình, lễ miếu, lễ điện ông Tự Kế để cầu cho Tâm được thông minh sáng láng, học đâu biết đấy và nhớ như chôn vào ruột, sau khi cả nhà đã nhộn nhịp sắm sửa cho Tâm mọi thứ cần thiết, đã đến ngày nhất định của Tâm nghìn dậm đội níp theo thầy. Cái ngày ấy là ngày mười một tháng giêng.

Tất cả đồ đoàn sách vở của Tâm đều nhét cả vào một cái hòm gỗ vuông to sơn then chạy chỉ vàng, trông tựa cái hòm mộc của phường chèo. Cái hòm ấy chiếm một bên gánh. Muốn cho cân, bên này người ta để một thúng tiền kẽm chừng sáu bảy quan và một nén bạc, phủ lấp đi bằng một mẻ gạo di trắng, trên để một cái tráp. Một người lực điền được mặc cái áo nâu mới ruộm treo xong hồi trong năm, một cái quần mới còn trắng, thắt một cái khăn sồi góc đỏ thẳm, để nhận lấy cái việc gánh đưa cậu ra trường như mọi người đều bảo. Tuy phải gánh trên vai đi hàng ngày đường, bác vẫn lấy làm sung sướng được gánh đưa người đi học. Bác buộc quang cẩn thận, thắt nút cho đều rồi cho đòn gánh vào quang, ghé vai nâng bổng gánh lên, dún thử mấy cái rồi lại để xuống tươi cười nói:

- Còn nhẹ lắm, bà Lý ạ, bà xem có thiếu gì nữa cứ để thêm vào. Đây ra đấy chứ từ đây lên Bắc hay vào Thành Nội, con gánh cũng được!

Bà Lý toan chạy đi lấy mấy cái bánh chưng nữa nhưng ông Lý đã gạt đi rằng:

- Thôi để ở nhà cho trẻ nó ăn, nặng rồi đấy, còn để cho người ta đi được chứ, xa kia mà!

Ông Đồ vứt cái bã giầu vừa nhai xong, thò hai ngón tay bên trái vào cơi giầu cắp một miếng cau lên, móng tay cái bên phải đã thoăn thoắt bấm tỉa vỏ đi, rồi bỏ vào mồm ngậm yên đấy, lại lấy miếng giầu, giở cuộn ra, cho móng tay cái cào bớt đi ít vôi quệt ngay lên cái cột liền đấy thành một vệt trắng dài trông như cái nét sổ cụt, rồi ông cuộn lại bỏ vào mồm nhai ngau ngáu và đứng lên nói như truyền lệnh:

- Thôi ta đi!

Mọi người đều xuống cả sân, tất cả những người trong họ đến tiễn chân Tâm. Cuộc chào nói ồn ào. Rồi như con rắn cuộn khúc mở dần ra, cả một đoàn người cứ dần dần tiến ra cổng đi thành hàng chữ nhất: Ông Đồ đi trước, đến ông bác Tâm, ông LýTưởng, Tâm, người gánh, rồi đến mọi người họ hàng thân thích theo sau. Ra đến cổng, tiếng chào lại ồn lên một lúc: Đoàn người theo sau bớt đi quá nửa. Đến đường cái, mọi người về cả, chỉ còn lại có bốn người đi đầu.

Giời hôm nay đẹp, mưa phùn đã tạnh hẳn từ đêm. Trên giời còn một làn mây đục mỏng, nhưng phương Đông đã vàng tươi rực rỡ tuy mặt trời chưa lộ ra, đủ tỏ rằng hôm nay phải hửng to. Đường khô ráo, những lộc non tỏa ra một mùi thơm mới mẻ. Gió thổi nhè nhẹ lướt qua mặt khách bộ hành như một bàn tay yêu đương êm dịu xoa lên má. Tâm thấy trong lòng nhẹ nhõm sung sướng bâng khuâng, tưởng như cảnh vật chung quanh đều tươi cười chào đón mình.

Những đường đất quằn quèo uốn khúc nơi đồng ruộng xanh rờn như ngắn lại. Tâm đi không thấy mỏi. Thỉnh thoảng một tòa đình lộ ra trắng xóa hay xám xì để rồi lại khuất vào trong lũy tre xanh hay dưới những cây si, cây đa sầm uất làm cho Tâm vui thích lạ, chàng chỉ muốn chạy vào hẳn tận nơi xem các câu đối treo ở cột, khắc ở tường. Nhưng có lúc chàng vừa chù chừ ngừng bước cố nghếch mắt đọc cho hết câu đối ngoài trụ cột, thì ông Đồ hay ông Lý đã dịu dàng giục:

- Tâm, đi mau đi con! Còn xa kia mà!

Chàng lại phải cắm đầu rảo bước theo sau hai người, chú cu Thìn quẩy gánh đã đi vượt lên xa rồi, chú cứ đi một thôi dài thật mau, đến hàng nước bên đường lại ngồi nghỉ để đợi ba người.

Đi mải miết đến xế chiều mới đến nơi. Tuy đã được nghỉ bốn bận, ăn quà uống nước, nhưng Tâm cũng thấy mỏi chân lắm, Vì lần đầu tiên chàng đi xa vậy. Mọi bận chàng mới chỉ đi từ nhà xuống Vân Trung và Mỹ Lương thôi. Lần này chàng mới đi xa mà đã đi hằng những ngày đường, làm gỉ chả mỏi. Giá không có những cảnh đẹp lạ lùng mới mẻ làm khuây lòng, chàng có thể phát khóc lên được. Chàng vừa kéo lê chân mà mắt còn mải trông cái lăng xây kiểu văn chỉ quét vôi trắng xóa, trên lối vào có mấy chữ đại tự to và hai bên một đôi câu đối viết lối thảo già dặn. Chàng đương mải trố mắt nhìn để đọc rõ đôi câu đối rất nổi ấy thì ông Đồ đã lại giục:

- Đến nơi rồi con ạ! Đi mau vào nhà trọ mà nghỉ.

Bấy giờ Tâm quay lại thì đã bước trên con đường nhỏ vào làng Phạm Xá. Cái cổng làng bằng gạch đã lồ lộ hiện ra dưới lũy tre xanh biếc. Làng Phạm Xá là một làng trù mật, tự đằng xa người ta đã nhận biết bằng những cây cau cao vượt ngọn tre liền chi chít như che rợp cả mặt giời. Qua cổng làng, Tâm để chân lên con đường lát đá xanh liền nhau thẳng tắp. Này là Văn Chỉ, trên một khoảng đất rộng, chung quanh giồng cây rậm rạp, ở giữa Đền Thờ Đức Thánh Khổng rất đồ sộ và nguy nga, trên mái bốn góc chạy bốn con rồng ngang nhiên nghểnh cổ nhìn giời. Hai bên xây kín, đắp hai con phượng xòe cánh múa. Ở trong chinh giữa vẽ bức di tượng Đức Thánh, hai bên tường vẽ rồng chầu, chính giữa để bát hương bằng đá. Trước cửa đền, cách xa một ít, một cái hương án xây gạch. Rồi hai bên đối nhau bốn bệ thờ lộ thiên, lưng tựa kiểu tam sơn, hai bên con rồng bò, thờ Tứ phối (Tăng Tử, Mạnh Tử, Tử Tư, Nhan Hồi). Đứng hẳn về sau bệ thờ Tứ Phối, mỗi bên năm bệ thờ Thập Triết (mười vị giỏi học trò Đức Thánh) trước mỗi bệ có một bệ con. Rõ ra một cái văn chỉ nơi khoa mục. Tâm phải ngừng lại một lúc để ngắm. Tiến mấy bước nữa đến trước cửa đình, một tòa đình ba chiếc liền nhau chạy dài năm gian với một cái sân lát gạch, chung quanh bao tường. Ở ngoài là một cái ao làng rất rộng, những cô gái làng ra ‘’kín’’ nước hay giặt gịa đang cười cười nói nói giòn giã. Thấy ba người đi qua với gánh hòm đi trước, các cô ngừng tay trông theo và nói chuyện, Tâm lắng tai nghe thấy:

- Trường Cụ Nghè lại thêm một bác học trò nữa.

- Còn cái cậu kia chắc đi hầu cơm nước.

- Láo nào? Trông có vẻ học trò đấy chứ. Biết đâu hai ông kia lại chả là người đưa cậu ta đi học?

- Phải, cậu học trò của chị Tân đấy! Đi mà theo người ta đi! Ngữ ấy mà học trò làng này! Cụ Nghè có dạy ai bé bỏng như thế đâu?

- Ngộ bây giờ có người bé thì sao?

- Ngộ có người bé thế này thì phần chị Tân!

Tâm nghe thấy cũng phải phì cười làm ông Đồ phải bảo:

- Cố đi mau mau lên con, còn cười gì đấy?

Tâm rảo bước, vẳng còn nghe thấy tiếng các cô cười nói.

Giời đã về chiều, tiếng học trò đã vẳng khắp mọi nhà, rang rảng nghe rất vui tai. Ông Đồ Trí đưa Tâm xuống mãi cuối làng vào nhà ông Phó Liên, nơi ông trọ học năm xưa. Cả bọn vừa vào đến cổng, ông Phó đang loay hoay nhổ cỏ ở sân, trông thấy vội đứng lên cúi đầu chào:

- Chào Thầy Đồ ạ! Lâu nay thầy mới lại đến chơi! Chào các ông ạ!

- Không dám, chào ông Phó, ông vẫn khỏe mạnh chứ. Có đông sĩ tử trọ không? Tôi muốn đem gửi ông thằng cháu này.

- Vâng ạ, rước thầy và các ông vào nhà ạ.

Ông Phó đưa ba người vào nhà, vừa đi vừa nói:

- Sang năm đến khoa thi rồi, nên năm nay trường cụ đông lắm. Mới mồng mười mà học trò các nơi đã đến như nước chảy. Ra đường nhan nhản chỉ chạm trán những học trò.

Ông Đồ hỏi lại:

- Ông Phó có đông học trò trọ không?

- Năm nay cũng đông các thấy ấy đến trọ, tất cả tám thầy rồi. Còn hẹn đến rằm, mấy thầy ở Đông vào nữa. Hiện giờ có năm thầy ăn cơm nhà cháu. Còn ba thầy thì ở bên Thư Trì thổi cơm lấy. Mời hai ngài ngồi. Ngồi kia cậu, ở đây cũng như ở nhà mà.

Tâm nghe thấy nói đến mình, đang ngắm khắp nhà, cũng vội ngồi xuống sau hai tiếng:

- Vâng ạ!

Cái nhà gỗ năm gian rộng thênh thang. Hai đầu kê hai dẫy phản gỗ sát liệt bản, liền vào cửa sổ trông ra vườn chè. Ở hai gian trong có hai giường với một cái án thư quang dầu đỏ trên để một chồng sách in, một ống cắm bút bằng cái ống tre lắp lên miếng gỗ vuông và mấy cái đĩa tầu vỡ dùng làm nghiên. Ở gian giữa một cái sập gỗ chân quỳ và một bộ kỷ tre với một cái bàn sơn ba tầng. Ở góc nhà mấy cái hòm vuông để chồng lên nhau: hòm của các thầy trọ học.

Ông Phó Liên để ông Đồ Trí và ông Lý Tưởng ngồi uống nước ở trường kỷ, rồi xuống nhà dưới bảo con ở làm cơm. Còn hai người với nhau, ông Lý hỏi ông Đồ:

- Bây giờ thầy đưa cháu vào hầu cụ lớn hay mai?

- Bây giờ chứ. Nghỉ chân một lát rồi vào hầu cụ, nói với cụ trước, mai chỉ việc vào học. Mai cụ bận, nói chuyện thế nào được.

- Bẩm thầy, tôi có đi được không?

- Được, ông cũng đi cho vui. Vả ông cũng nên đi vào chỗ khoa mục đại thần mà biết cái vẻ trang nghiêm đạo mạo, lề thói cao quý nơi cửa Khổng sân Trình.

- Vâng, thế ta đi đi!

- Hượm một tí đã, để cháu nó đỡ mỏi chân, có đau chân lắm không cháu?

- Bẩm thầy không ạ!

- Có mỏi lắm không?

- Bẩm không ạ! Con đi được ạ!

- Ừ nào thì đi, chú cu Thìn cho gánh vào trong này. Ông Lý mở hòm lấy lễ ra...Ông Phó ơi! Ông lấy cho mượn cái quả.

- Dạ! Vâng ạ.

Ông Phó đưa quả lên. Ông Đồ đặt lễ vào: Một buồng cau, một chai rượu, một chục bánh mật và hai quan tiền. Ông đậy nắp quả lại, rồi quay lại bảo:

- Chú cu Thìn đội đi này! Thôi ta đi. Ông Phó ở nhà nhá. Chúng tôi vào cụ một lúc.

- Vâng, rồi xin mời các ngài về xơi cơm.


Đọc tiếp PHẦN II - CHƯƠNG 6
 
Sửa lần cuối:

Trang Dimple

New member
Xu
38
Butnghien .com tiếp tục chia sẻ với các bạn phần 2 chương 6 của tiểu thuyết " Bút Nghiên"Của tác giả chu Thiên
bút nghiên chu  thiên.jpg

CHƯƠNG 6


Cụ Nghè Phạm Xá là một tay khoa mục có tiếng nhất vùng Nam này. Cụ vốn là dòng thế gia vọng tộc. Ông Tam đại cụ đỗ Cử Nhân làm quan đến chức Án Sát Hà Tiên, thọ tám mươi hai tuổi, đã đào tạo được nhiều bậc khoa hoạn trong Triều ngoài Nội. Ông thân sinh đỗ Phó Bảng làm đến Thị Lang Bộ Hộ, rồi vì bệnh cáo hồi. Cụ Nghè tên là Trần Tiến Thanh, đỗ Thủ Khoa trường Thanh năm hai mươi hai và Tiến Sĩ năm ba mươi tuổi. Cụ đã làm đến Tri Phủ, quyền thụ Án Sát. Sau nhân vì Cụ Bảng ốm yếu luôn, Cụ cáo Quan xin về nhà nuôi cha, mông ân Hoàng Đế sắc chuẩn, Cụ về mở trường dạy học, gần xa mộ tiếng khoa bảng nhà cụ, kéo đến theo học ngày một đông.

Giòng giã mười năm giời thiết trường (đặt màn dạy học) cũ đã rèn đúc nên biết bao ông Cử, ông Tú, ông Bảng, ông Nghè, Cụ đã nghiễm nhiên đứng địa vị giá cả trong văn thân xứ Bắc. Sĩ tử Bắc Hà hầu khắp đều là học trò cụ, bởi ai cũng đều truyền nhau là học trường cụ dễ đỗ nên kẻ gần vùng, người xa xôi ở tận Bắc, tận Đông, tận Đoài cũng không ngại nghìn dặm đốn lương mang theo học.

Thật vậy, văn bài ở trường cụ rèn theo quy tắc trường thi dựa theo những bài thi các khoa trước, lại có các Quan Đốc Học Tỉnh Nam và các Tỉnh lân cận cùng các Quan Huấn Đạo, Giáo thụ tại chức, thường đến chơi dạy giúp và chấm bài, nên học trò được nhiều kinh nghiệm ở trường thi và thấu rõ giọng văn khoa cử, vào nơi đàn văn trận bút rất có hy vọng tên chiếm bảng vàng. Bởi lẽ đó, học trò trường cụ khoa nào cũng đỗ nhiều. Và cũng bởi lẽ đó, ông Đồ Trí cất công đưa Tâm đến cho kỳ được, hòng cho cháu mua nhất tự cách trùng (nghĩa là hôm nay còn là anh học trò, ngày mai có tên đỗ).

Ông Đồ đưa Tâm vào đến cổng Cụ Nghè.

Một cái cổng ngói cao mầu vôi xám, rêu phủ gần khắp, trên có ba đại tự ‘’Thiểu Cao Đại’’, với hai bên tường đôi câu đối rằng:

Giác dân thành tục do tự đạo,

Giác hậu viễn mê nhập thử môn.

Tâm đọc qua tấm tắc khen hay, phục ngay giọng văn nơi đại khoa quyền quý: Rõ ra cái cổng nhà một vị dạy người, tác thành cho mọi người. Qua cái cổng ấy, vào một con đường nhỏ lát gạch ở giữa hai đầu ao, xiên qua một vườn chè vào đến một cái sân chung quanh xây tường hoa. Ba con chó nằm trên hè xồ ra cắn. Bốn người đứng xô lại nhau, cầm cái vọt khua đi khua lại. Một gia nhân chạy ra đánh chó và hỏi khách. Ông Đồ hỏi ngay:

- Cụ lớn có nhà không bác?

- Chào các bác, cụ tôi có nhà ạ. Các bác đến có việc gì?

- Chú vào bẩm với cụ lớn hộ chúng tôi rằng có tên học trò Trần Văn Trí ở Mỹ Lý xin vào hầu.

- Vâng, xin rước các bác vào trong này, để tôi vào bẩm cụ, đứng đây chó nó cắn, cụ gắt.

- Vâng chú vào bẩm cụ ngay cho.

Bốn người theo chân tên gia nhân bước vào sân, cái sân gạch bát tràng rộng với trong cùng một giàn hoa thiên lý che cái vườn cảnh có những chậu đá đựng những gốc cây thành hình mọi con thú và những cây cảnh uốn thành con hạc, con rồng và những chậu lan, chậu cúc đưa hương thơm mát...Bốn người rẽ quặt vào nhà ngang đợi, cái nhà ngang đây là nhà bếp, nơi ở của tôi tớ trong nhà. Một mụ đàn bà già cầm chổi phẩy qua cái phản bừa bãi những cơm, những nước, những vệt chân gà, rồi ngẩng lên nói với ông Đồ:

- Các thầy ngồi chơi đây. Các thầy đến xin học phải không? Năm nay cụ tôi nhận ít học trò lắm. Hôm qua có mấy người đến đều bị về cả.

- Thế à? Cụ đây khai trường từ hôm nào hở cụ?Ông Đồ Trí hỏi.

- Cụ tôi mới khai hôm mồng tám, khai sớm để tháng hai này cho người làng đi khảo.

Nghe đến tiếng đi khảo, Tâm bất giác giật mình. Tâm cũng không biết làm sao lại giật mình được. Có lẽ Tâm sợ phải đi thi? Nhưng trong lòng Tâm vẫn mong mỏi học để đi thi cho mau đỗ kia mà. Thực ra cái ý nghĩ đi khảo, Tâm chưa hề săn sóc đến, nên lần này nghe thấy đột ngột về kỳ thi gần quá, Tâm đâm ra hoảng sợ. Tuy vậy, chỉ trong nháy mắt thôi, chàng trấn tỉnh được ngay, thì vừa lúc người nhà xuống:

- Cụ truyền các bác lên.

Ông Đồ đứng dậy, dặn mọi người:

- Chú cu Thìn đội quả lên, đứng ở ngoài đợi nhé, để chúng tôi bưng quả vào.

- Bẩm thầy vâng ạ! Xa xa có tiếng lủng bủng:

- Đã đến đây xin vào học còn thầy với bà.

Ông Đồ không để ý đến câu nói xỏ ấy ở đâu, quay lại dặn ông Lý:

- Còn ông Lý vào trong, thấy cụ phải phủ phục xuống lạy hai lạy rồi đứng yên đừng có nói câu gì nhé.

- Vâng ạ!

- Còn Tâm, con chào cụ và lạy cụ, rồi cụ có hỏi gì, phải nói rất cung kính, mạnh bạo và lưu loát, đừng có ấp úng, cụ lớn không cho học đâu.

- Bẩm thầy vâng ạ!

- Thôi ở đây đừng gọi tôi bằng thầy.

Đoạn bốn người theo tên người nhà đi hết hè bếp bước lên cái hè đá nhà trên, một tòa nhà ngói năm gian. Đi lượt qua bốn gian nhà đóng cửa bức bàn, đến cái phòng phía Tây ngoài treo một bức tường bằng vóc đỏ, chữ viết, bốn người dừng lại. Đấy là phòng riêng của Cụ Nghè nghỉ ngoài giờ học. Tên người nhà vào trước, ở ngoài vẳng nghe có tiếng nói:

- Cho vào!

Tên gia nhân thò đầu ra gật, ba người lần lượt bước vào đều chắp tay vái chào, rồi phủ phục lạy, miệng nói:

- Bẩm lây cụ lớn ạ!

- Bẩm lạy cụ lớn ạ!

- Bẩm lạy cụ lớn ạ!

Cụ Nghè ngồi sập cất tiếng sang sảng truyền xuống:

- Thôi, miễn lễ!

Ba người vừa lễ xong một lễ, nghe cụ truyền đều bình thân đứng ngay người cúi đấu vái vái.

Ông Đồ chạy ra cửa bưng quả vào đặt xuống sập trước mặt Cụ Nghè, mở nắp ra cầm đưa cho ông Lý. Ông Lý sẽ để dựa xuống kẻ ngạch. Trong phòng im lặng một lúc lâu. Tâm được dịp ngắm nghía Cụ Nghè và gian phòng. Trạc tuổi sáu mươi với bộ râu dài lòa xòa trắng ngà ngà còn điểm thêm mấy sợi đen, với đôi mắt sáng và sắc không phải dùng kính, với cái trán cao và bóng, chưa điểm dăn, với cái mũi ‘’long chuẩn’’ to và thẳng, cụ trông ra vẻ con người nửa tiên nửa tục. Mặc cái áo vải dãi hạt cau bọc bông, kép đỏ, phủ trùm lên cả hai đầu gối ngồi xếp bằng hai tay đặt vào hai bên tà áo, để hai bên đùi, cụ ngồi sừng sững như một cái núi. Tâm đoán đấy là quý tướng, tướng các vị quan sang. Tâm nhìn đến gian phòng sát liền ngay sập cụ ngồi, một cái án thư trên để liền bốn chồng vở bài, rồi đến một nghiên son to và cái ông bút bằng sứ rất đẹp, cái ống men trắng bóng vẽ cảnh ‘’Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai’’ để khít vào một cái đế bằng gỗ tiện sơn vàng. Bên kia sập sát với cửa sổ phía Tây, một cái phản gổi hai tấm quang dầu. Liền dấy một bộ bốn cái ghế bành để chung quanh một cái mâm xoay đều bằng gỗ gụ đen bóng như sừng. Trên sà, treo một bức hoành sơn then bốn đại tự thiếp vàng già dặn ‘’Thời vũ xuân phong’’ của học trò Đinh Sửu khoa Tiến Sĩ Nguyễn Lâm bài tiến. Chung quanh gian phòng, trên cột, trên liệt bàn, treo la liệt những câu đối thêu, câu đối sơn, câu đối khảm, toàn là những môn đệ đã thành danh phận đề tặng lại để ghi chút lòng biết ơn và kính cẩn. Tâm lóa cả mắt, không thể nhìn đọc xiết những hàng lạc khoản độc những Cử Nhân, Tiến Sĩ, Bố Chính, Án Sát, Lại Bộ, Hộ Nộ, Nội Các...Tâm đương như lạc vào một nơi triều đường nào, tiếng Cụ Nghè truyền bỗng kéo chàng lại, một thứ tiếng đồng nghiêm nghị:

- Các thầy ngồi! Các thầy đến việc gì?

Ông Đồ Trí khúm núm chắp tay thưa:

- Bẩm cụ lớn, vãn sinh Trần Văn Trí, Tam trường ở Mỹ Lý nhập môn cụ lớn năm Hợi...

- Phải, tôi nhớ, các thầy ngồi.

Ông Đồ vẫn khúm núm thưa:

- Bẩm cụ lớn, khoa Tí trước, vãn sinh nhờ được cụ lớn tác thành cho vào được đến Tam trường, chỉ hiềm gia đình bẩn bách ra vào cửa cụ lớn ít quá, vẫn còn khao khát mãi...

Cụ Nghè gật gật đầu:

- Ừ!

- Nhưng thế chưa sao được. Nay gọi là có chút bạc lễ đến cửa cụ lớn, lạy xin cụ cho tên Tâm đây (ông Đồ giơ tay chỉ vào Tâm) nhập môn cũ lớn vào lớp Đại Tập để kịp thi khoa Mão này.

Cụ Nghè trợn mắt trừng trừng nhìn Tâm:

- Thầy nói tên này à? Nó bé thế này đã chắc học gì được. Ở đây không hẹp gì già trẻ, nhưng chỉ e nó không theo kịp mà cứ ép nó, nó đuối sức, đâm ra chán nản thì có hại...

- Dạ! Bầm cụ lớn vãn sinh đã trộm phép nghĩ đến điều ấy rồi. Nhưng thưa cụ lớn, học lực tên này, vãn sinh dám trộm phép tin là đủ đua đòi với các bạn. Vãn sinh đã cho thử sức với các sĩ tử trong vùng đã từng theo học các đại trường và đã nhiều phen lều chõng, thì thấy đều sàn sàn cả, không hơn, không kém lắm. Nên mới lặn lội ra tìm đến cửa cụ lớn, xin cụ lớn rủ lòng thương cho tên ấy được nhập môn, học lấy những lẽ hay đạo chính của cụ lớn và nhờ dư lộc cụ lớn hẳn được sớm thành danh thì thật vạn phúc cho vãn sinh lắm.

- Thế tên ấy với thầy là thế nào?

- Bẩm cụ lớn hắn là cháu gọi vãn sinh bằng cậu. Xin cụ lớn đem ơn giời bể thương nhận cho tên ấy được theo học.

- Thầy nói thế, tôi cũng biết vậy. Để mai xem văn bài thế nào, rồi lúc ấy tôi hẵng định. Bây giờ tôi thử xem tài mẫn tiệp của hắn có khá không? Còn thầy này nữa muốn gì?

Ông Đồ vội thưa:

- Bẩm cụ lớn tên này là bố đẻ ra tên Tâm thân đến lạy tạ và thành tâm cầu khẩn cũ lớn cho con được dự vào phần tôi con cụ lớn.

Giời đã sắp tối. Tên người nhà đem cây đèn dầu thầu dầu lên. Cái ngọn đèn bấp bóng leo lét và cứ lướt đi theo chiều gió, tỏa ra một mùi khen khét. Được một lúc, ngọn đèn cứ lu mờ dần rồi bé hẳn như cái cúc. Ông Đồ Trí vội lại gần khêu to ngọn bấc chập ba lên, nhưng lửa chỉ cháy to được một lát, rồi lại lù lù lụn dầu, tạo thành cái hoa đèn xanh bọc quanh đó. Cụ Nghè hừ một cái, gọi người nhà:

- Bây đâu, thắp cây bạch lạp lên đây nhé. Đèn đóm chúng bây để sao thế này?

Ông Lý Tưởng từ nảy đền giờ đứng im lặng, lúc này không biết hứng chí làm sao, không theo nhời ông Đồ dặn, lắp bắp thưa:

- Bẩm cụ lớn, có hoa đèn thế này tốt lắm, đúng như câu phương ngôn thường nói:

Thứ nhất đom đóm vào nhà,

Thứ nhì chuột rút, thứ ba hoa đèn.

Ông còn toan nói nữa, nói nhiều những điều mình biết, nhưng ông nhìn ngang thấy đôi mắt ông Đồ cau cau gườm gườm trông ông, ông im bặt ngay. Cụ Nghè đáp:

- Chả biết có tốt gì, nhưng bây giờ hãy chịu tối tăm đây này! Bây đâu có mau đưa cây sáp bạch lạp lên đây không?

Ông Đồ kính cẩn nói xin lỗi:

- Xin cụ lớn đánh chữ đại xá đi cho, chú nó vốn thô lỗ quen tính, không sao mà sửa đi được nên đương không thốt ra mấy nhời phật tôn ý!

Cụ Nghè ngồi im không nói.

Một ánh sáng tươi rực chiếu qua chỗ cửa ngõ vào phòng, át hẳn cái ánh sáng tù mù của ngọn đèn. Rồi một thiếu nữ khuôn mặt xinh tươi rực rỡ bên ngọn nến đương rung rinh, uyển chuyển bước vào phòng như gió lướt, cặp mắt đen nháy vì chói lửa, đem đặt cây nến vào yên sách. Tâm đang trố mắt nhìn thiếu nữ, thì tiếng Cụ Nghè sang sảng làm chàng giật mình cúi gầm mặt xuống vừa thẹn vừa sợ, sợ Cụ Nghè bắt gặp cái nhìn ấy, cụ đa nghi không cho học nữa thì chết.

- Sao không bảo chúng nó mang lên cho, mày không dệt vải hở Nguyệt? Làm gì đấy?

- Thưa thầy chúng nó bận cả, đứa dọn cơm, đứa giã gạo, đứa đâm bèo cho lợn, con dệt hết suốt nghỉ ăn cơm, mẹ con bảo mang nến lên đây ạ!

- Ừ được! Gọi là bạch lạp, đừng gọi là nến, nến nhỏ kia chứ, to thế này à?

Thôi đi xuống.

Bây giờ cụ mới quay lại Tâm, ngắm nhìn kỹ lưỡng từ đầu đến chân, làm cho Tâm sợ đứng không vững. Đoạn cụ mới hỏi:

- Anh kia năm nay bao nhiêu tuổi?

Tâm còn ngơ ngác chưa kịp giả nhời, ông Đồ phải đáp hộ:

- Bẩm cụ lớn, tên ấy năm nay mới mười lăm!

- Mười lăm mà đã học được thế cũng khá đấy. Nếu quả như nhời thầy Trí nói thì ngày sau cũng có phần vinh hiển. Trông mặt mũi cũng khôi ngô đấy. Đã đến đây ta nhận cho học, phải cố mà học, đừng để mang tiếng xấu ở trường này và đừng phụ mọi người kỳ vọng ở mình, nghe không?

Tâm run sợ hé được một tiếng:

- Dạ!

- Anh làm bài thơ này tôi xem: ‘’Thiên hạ hòa bình’’. Có biết chữ đâu không?

- Dạ có ạ! Chữ Kinh dịch quẻ Hàm.

- Được rồi, giấy bút đây làm ngay đi!

Cụ Nghè giơ tay với nghiên son, rút cái bút ở trong ống, mở tráp lấy tờ giấy trắng, đưa tất cả cho Tâm. Tâm lại gần chắp tay vái và nói:

- Bẩm cụ lớn, tiểu tử xin bái lĩnh.

Rồi cầm lấy mọi thứ đem ra cái phản, nằm xuống loáy hoáy viết.

Trong khi ấy, Cụ Nghè nói chuyện với ông Đồ, hỏi thăm tin tức mấy bạn văn thân miền trong, như Quan Đốc Văn Chu, Quan Huấn Đại Đồng.

Một lúc sau, Tâm đã viết xong đằng tả bài thơ đem lên trình Cụ Nghè. Cụ cầm lấy tờ giấy, giơ cao lên gần ngọn nến đọc, nét mặt cụ thỉnh thoảng lại cau lại, khiến Tâm trông thấy mà trong lòng hồi hộp lo sợ. Đọc xong cụ để tờ giấy xuống sập, rồi ngẩng đầu lên nhìn Tâm và ông Đồ Trí. Cụ khen một vài ý, chê câu tam tứ, chữa mấy chữ sau cùng kết luận, công nhận Tâm có thể theo lớp đại tập được và bằng lòng cho Tâm ở lại học tại trường.

Đến đây ba người đều sụp xuống lạy Cụ Nghè và xin cáo biệt. Cũng như lúc mới vào, cụ lại miễn lễ cho và còn gọi người nhà:

- Bây đâu, trông chó cho các thầy ấy ra đến cổng!

Cả bốn người ra về đều vui mừng hớn hở, tuy đều, do một cớ là Tâm được cụ lớn ưng nhận, mà nổi vui ở mỗi người có một vẻ riêng. Chú cu Thìn không biết gì cả thì vui mừng lúc ra về không phải đội è cổ nữa, bây giờ đã đặt ngửa nắp quả lên mà cắp nách. Ông Đồ thì hớn hở:

- Tôi chỉ sợ cụ không nhận cho lại dắt nhau về thật mang tiếng với ông, mà cháu nó mất nhuệ khí đi.

Ông Lý lại mãi nghĩ khác:

- Mai tôi về nhé, thầy ở lại với cháu, xem cho nó học hành và chỉ bảo nó. Tôi về báo tin cho bu cháu và bác cháu mừng.

- Nhào, ở lại một ngày nữa, đi đâu mà vội. Vội năm, vội tháng, vội đời, chứ vội một ngày à!


Đọc tiếp PHẦN II - CHƯƠNG 7
 
Sửa lần cuối:

Trang Dimple

New member
Xu
38
Butnghien .com tiếp tục chia sẻ với các bạn phần 2 chương 7 của tiểu thuyết " Bút Nghiên"Của tác giả chu Thiên
bút nghiên chu  thiên.jpg

CHƯƠNG 7

Sáng hôm sau mặt giời đã lên tới ngọn tre, chiếu tỏa ánh sáng vàng tươi sáng. Làm tan sương mù trắng, Tâm theo ông Đồ Trí cùng mấy người bạn cùng trọ ở nhà ông Phó đến Trường Cụ Nghè. Đi đến ngã ba giữa làng, từ ngã ngoặt chạy ra một người đứng tuổi, vừa vẫy vừa gọi:

- Đợi tôi với, các ông đợi tôi với!

Cả bọn đứng lại, người kia đi thong thả lại, tiến đến, tay phe phẩy, miệng nói:

- Chào các quan bác ạ! A a, bác đồ Trí, bác Nguyễn Điều Bỉnh Sơn, bác Nhất Khoát. Sao khéo rủ nhau đi thế?

Một người nói:

- Người ta cùng ở với nhau một nhà mà lại.

- Ồ, Thế thì vui vẻ quá nhỉ? Bác Đồ Trí năm nay cũng đến học đó à? Đến hôm nào thế?

- Tôi mới đến chiều tối hôm qua. Nhưng không được đi học như các bác. Tôi đưa thằng cháu này vào học cụ và nhờ các bác!

Ông Đồ vừa nói vừa chỏ Tâm. Người kia nhìn Tâm chằm chặp:

- Quan bác cứ dạy thế, chứ đệ đâu dám. Bé nhưng bé hạt tiêu, bằng ấy mà đã đến trường cụ, ắt chẳng tay vừa. Con hay cháu bác đấy?

- Cháu gọi bằng cậu đấy mà. Tôi nói thực chứ có dụng ý gì đâu. Tôi cho cháu đến học trên là nhờ cụ, dưới phải nhờ các bác. Chỗ cụ thì cao xa, chả nhẽ nhất nhất cái gì cũng cứ đem lên hỏi cụ sao được. Học thầy không tày học bạn, xin các bác cứ coi cháu như con cái ở nhà, thấy điều gì trái lỗi, các bác cứ bảo thẳng ngay cho, cái ơn ấy chúng tôi xin minh tâm khắc cốt.

- Bác dạy quá thế. Cùng bạn đi học với nhau làm gì có ân với huệ.

- Cho mượn một quyển văn, bảo một đoạn sách, nhắc giúp một kỳ bài, là ơn đấy, sao bác lại bảo là không được?

- Chuyện! Đấy là việc thường. Mình bảo người ta cái này, người ta bảo mình cái khác. Người nọ nhờ ơn người kia cả.

Một người trong bọn hỏi:

- À quên, nghe nói đến kỳ bài, mình mới nhớ ra hôm nay kỳ nhỉ, bác nhất nhỉ?

Người đương nói chuyện với ông Đồ Trí quay lại cướp nhời:

- Hôm nay bắt đầu kỳ kinh nghĩa.

Ông Đồ hỏi:

- Lề lối vẫn như trước hay có khác. Hình như có khác thì phải? Kinh nghĩa trước kia ngày lẽ cơ.

- Phải, cụ mới đổi. Bây giờ mỗi tháng ba bốn kinh nghĩa, hai thơ phú, ba văn sách và bài tứ lục. Ngày chẵn kinh nghĩa và văn sách, còn ngày lẽ thơ phú, tứ lục.

Cả bọn vừa đến cổng, ai nấy đều im bặt. Qua cổng vào sân rồi tiến lên nhà học, ở đấy lác đác đã có nhiều người. Nhà học là một cái nhà gỗ lợp gianh chạy dài sáu gian, ghép liệt bàn, bốn chuồng cửa bướm cánh lim chắc chắn, đối diện với dãy nhà bếp. Cả bọn bước vào nhà, để sách vở vào giữa phản rồi chạy đi chào nhau, hỏi nhau, nói chuyện rất là thân mật, với một giọng nhỏ đủ nghe. Vì Cụ Nghè chưa sang trường. Ông Đồ dẫn Tâm đi giới thiệu với các bạn quen biết của ông và làm quen cả với các bọn mới lạ. Ai ai đều tỏ một vẻ hoan hỉ được biết tính danh nguyên quán của nhau, hỏi thăm đến cả những vị đại khoa trong vùng. Ở ngoài, sĩ tử vẫn lục tục đến. Lại chào nhau, lại giới thiệu, lại hỏi han. Và cứ thế mãi, Tâm mãi vào câu chuyện với người này, nhảy sang câu chuyện của người khác, quay đi, ngoảnh lại mà cười, mà nói, mà hỏi, mà thưa với những bậc đồng môn hơn tuổi...có người hơn cả tuổi ông Đồ...họ xoắn xuýt đến xoa đầu người bạn bè bé bỏng một cách vừa thân mật, vừa khinh thường.

Một lúc lâu, học trò đã đến đông đủ cả rồi, ngồi lố nhố đặc hết cả sáu gian nhà. Họ quay sang tụ hội với nhau nói về văn chương bài vở.

- Đệ mới vớ được ba quyển văn sách ‘’Quốc triều lịch khoa’’. Trong ấy lắm bài hay tuyệt. Đỗ Thủ Khoa, Cử Nhân cũng đáng.

- Huynh xem cũng để cho đệ mượn, đệ chép nhé.

- Để cho đệ mượn trước kia. Đệ cho mượn lại quyển này hay lắm kia.

- Được! Thế nào đệ cũng xin để hầu chư huynh thỏa ước mà xem. Huynh định cho đệ mượn lại quyển gì vậy?

- À, tập phú của Quan Hoàng Giáp Lê Khắc Cẩn mà ông Cử Đông Phú Nguyễn Tiên Lai chép lại công phu lắm. Phú của quan Hoàng Lê đền Cụ Nghè cũng phải khen là hay.

Họ mãi nói chuyện với nhau để Tâm được rảnh thì giờ mà ngắm chung quanh nhà học. Trong sáu gian nhà, trừ gian giữa là nơi Cụ Nghè ngồi, có kê giường và đôi trường kỷ, với ở trong cùng có một cái yên thư để ba tủ sách liền nhau, còn gian nào cũng toàn có phản với cái bàn mộc để sách vở. Học trò đều ngồi chung quanh phản còn sách vở, ống bút vất cả ở giữa phản, có chỗ đề gọn, có chỗ vất bừa bộn. Trên sà nhà, chỗ gian Cụ Nghè ngồi treo một bức hoành sơn đỏ thiếp vàng với bốn chữ ‘’THÁI SƠN BẮC ĐẨU’’ (tiêu biểu như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu), của học trò hàng huyện bái tiến. Trên mái nhà cùng gian ấy căng một bức tường thêu của học trò Thanh Hóa mừng khi cụ đỗ Tiến Sĩ. Chung quanh nhà mỗi cột một đôi câu đối gỗ sơn và trên liệt bàn, căng kín những trướng và câu đối bằng vóc, bằng sa thêu. Tâm thấy toàn là những vật mừng vào năm Giáp Thìn và năm Giáp Tý là hai niên hiệu đáng ghi nhớ nhất của Cụ Nghè: Năm Giáp trước cụ đỗ Tiến Sĩ, Giáp sau cụ lên thọ năm mươi tuổi và mừng con đỗ Thủ Khoa. Đọc đến lạc khoản, Tâm thấy đều là những bác quan to, chức trọng cả. Chàng miên man liên tưởng rằng một ngày kia không xa lắm, chàng sẽ cũng có một đôi câu đối gì sơn son thiếp vàng mừng Cụ Nghè treo ngang hàng với những câu đối kia. Và cũng phô tên tuổi chức tước, khoa danh với những người có tên trong lạc khoản kia. Đôi câu đối ấy phải bằng gỗ sơn son, tuy không đẹp bằng sơn then khảm xà cừ, nhưng Tâm thích hơn, bởi vì nó bền lâu hơn sơn then chóng bạc, mà khảm thì chóng long. Tâm củng không ưa câu đối bằng vải vóc. Chàng chỉ muốn cái gì lâu dài để phơi tên tuổi mình mãi mãi ở chốn ‘’Quần anh tụ hội’’ này. Còn gì lâu bền bằng câu đối gỗ sơn son. Chàng tưởng tượng đôi câu đối ấy sẽ treo vào gian giữa dưới bức hoành, chỗ Cụ Nghè ngồi, để mọi người phải quan chiêm, phải lưu ý đến đại danh mình...đại danh ông Nghè Tâm! Chàng bỗng mừng rú lên:

- A ha! Khoái!

Mọi người đều ngoảnh cả lại và hỏi:

- Cái gì vậy?

- Sao? Sao?

- Cái gì mà ông bạn bé của tôi khoái thế!

Đằng gian cùng bên kia vẳng có tiếng đưa đến:

- Đồ vắt mũi chưa sạch ấy học với hành gì. Chực đến đây mà giở trò ra đấy. Còn lạ gì lão Đồ Trí miền trong, đi năm khoa mới vào đến Tam trường mà ra bộ ta đây kẻ giờ, đem cháu đến đây cho theo đối với chúng mình. Nó xỏ ngọt chúng mình đấy...

Tâm nghe thấy từ phía nói ra cả vào mình, vừa thẹn vừa tức, chửa biết nói ra làm sao. Ông Đồ Trí vào giả nhời hộ:

- Thưa các quan bác, cháu nó thầy được cụ lớn nhận cho vào học, được gần cận hầu hạ các bạn đàn anh nó mừng quá đấy ạ.

Có mấy người nói:

- Thưa đại huynh, đại huynh cứ nói vậy. Lũ tiểu đệ đâu dám.

- Mừng mà kêu ‘’khoái’’, một là trẻ con, hai là nó có tình ý gì riêng.

- Trẻ con đứt đi rồi, chứ làm gì có tình ý riêng ở đây.

Bỗng cả trường im thin thít, rào rào đứng cả dậy, ai nấy chắp hai tay cúi đầu vái chào:

- Lạy thầy ạ!

- Lạy thầy ạ!

- Lạy thầy ạ!

Tâm nghểnh cổ nhìn ra gian giữa. Một ‘’ông’’ học trò đứng gần giường cúi khom khom, kéo vuông vắn cái chiếu lại, một tên học trò nhỏ đặt cái điếu gióng lên giường, cái điếu khảm nạm bạc, có cái xe trúc dài vắt vẻo cong vọt lại sau. Một đứa nữa đặt cái tráp đen bóng bên cạnh cái điếu...Rồi mới đến Cụ Nghè vào. Đầu cụ quấn khăn nhiểu tím che kín cả mái tóc bạc. Cụ vẫn mặc cái áo dài hạt cau kép đỏ, cầm một tập giấy cuộn tròn lại, chân đi đôi dép da. Cụ đến gần giường bước mạnh lên, khom khom lưng đi vào giữa giường, quay mặt ra ngồi xuống, hai chân quắp lại xếp bằng. Cụ ngồi ngay ngắn bệ vệ ở chính giữa giường hai tay luồn qua tà áo để lên hai đùi, đầu ngẩng lên nhìn tất cả học trò, hình như tìm tòi ai. Mọi người đều im lặng, để đợi cụ truyền bảo. Cụ nhìn quanh quẩn, có lẽ để lượng số học trò, đoạn cụ cuối xuống mở cuộn giấy cầm ở tay lúc nãy, giơ lên cho mọi người trông thấy. Trên tờ giấy trắng ngà, mấy dòng chữ son viết vừa phải để mọi người đứng xa đều có thể trông rõ được, nét chữ múa mang mềm mại, có một vẻ đẹp già dặn. Cụ đặt tờ giấy xuống, đè cái nghiêng son lên trốc cho gió khỏi bay, rồi lại luồn tay vào hai bên tà áo rung rung đùi, cụ nói:

- Hôm nay bắt đầu kỳ kinh nghĩa thứ nhất.

Cụ Nghè vừa mới nói, tức thời tất cả đều chen nhau dồn lại gần để nghe làm náo động ồn ào cả trường, cụ phải ngừng lại, nghiêm nghị, trừng mắt như có ý bảo mọi người phải im bặt. Ai nấy im lặng khẽ tiến lại đứng vây quanh giường cụ, có người phải nhẩy qua phản, bước qua cả vở, một điều rất kiêng, để mau lại hợp thành vòng vây. Khi vòng vây đã vững vàng và kín đáo, ai nấy đều im lặng và chăm chú nhìn vào cụ, lúc ấy cụ mới ung dung sang sảng nói:

- Sang năm đã đến khoa Mão rồi. Vậy muốn đỗ đạt, cần phải học tập riết từ bây giờ. Văn cốt chuyên mà võ cốt luyện, không chuyên, không luyện thì hay mấy cũng vất đi. Nên bắt đầu từ nay ở đây tôi gia thêm kỳ bài. Mỗi tháng ba kinh nghĩa, hai văn sách, hai thơ phú, hai tứ lục, kinh nghĩa ở ngay trường, nhất là một kỳ khó hơn và cần hơn cả. Mười phần thì trường nhất bị loại đến sáu bảy phần. Bởi vậy tôi phải thêm kinh nghĩa lên ba kỳ mỗi tháng. Từ nay đến tháng chín sang năm cả thảy hai mươi tháng, trừ đi hai vụ gặt tháng năm, một vụ tháng mười và một vụ tháng tết, vị chi còn mười lăm tháng. Mười lăm tháng mỗi tháng ba kỳ thành ra...tam ngũ...nhất thập ngũ...bốn mươi nhăm kỳ, bỏ hẳn đi năm kỳ, gọi là bốn mươi kỳ, mà luyện tập chu đáo củng đã khá lắm đấy. Vậy cứ ngày ngẫu là kinh nghĩa, văn sách, ngày cơ là thi phú, tứ lục. Thượng tuần một kinh nghĩa, một văn sách, một thi phú. Trung tuần một kinh nghĩa, một tứ lục, một thi phú. Hạ tuần một văn sách, một tứ lục, một kinh nghĩa. Hôm nay là kỳ kinh nghĩa đầu tiên. Kỳ sau tứ lục vào ngày rằm, thơ phú vào ngày tám. Cứ đấy mà suy ra. Đấy anh Ninh đem dán đầu bài lên bảng cho các anh ấy chép.

Cụ Nghè đưa tờ giấy cho Ninh, Ninh cầm lấy đứng lên rẽ vây ra, tức thì cả vòng vây đều tản mát về các phản như một đàn ruồi bị đuổi. Lắm kẻ chỉ chực giằng lấy tờ giấy ở Ninh để xem trước, nhưng Ninh hẩy tay ra mà gắt:

- Ô Hay! Các anh này, rồi treo lên kia thì xem chán, làm như cướp giật vậy. Học trò hay là tướng cướp!

Rồi Ninh cầm tờ giấy chạy ra ngoài hè, lấy cái bảng gỗ mộc mỏng và một ít cơm nếp mà đứa trò bé con đã mang đến, miết lên trên bảng rồi dán tờ giấy đầu bài lên, đem treo vào cái móc câu đối ở cột giữa.

Cái bảng đề mục đã treo cao, mọi người đều chăm chú nhìn lên. Trên bảng có ba đầu đề viết to. Dưới mỗi đầu đề lại có hai chữ viết về dòng bên, Tâm cũng như mọi người cầm bút viết đầu đề vào vở, chàng viết xong, ngồi ngẩm nghĩ đọc lại:

‘’Duy nhân giả nang hiếu nhân, nang ở nhân’’ (Đơn cú) (chỉ có người nhân có thể biết yêu người, biết ghét người)

‘’Tắc nhân hưng ư nhân’’ (Tiệt thượng) (thời dân đua nhau theo điều nhân) ‘’Đại học chi đạo’’ (Hư mạo)

Tâm đọc xong, cau mày lắc đầu suy tính:

- Quái lạ, đơn cú, tiệt thượng, hư mạo, là nghĩa thế nào. Mình chưa thấy ông Đồ nói đến bao giờ! Để mình phải hỏi xem.

Tâm ngẩng tìm ông Đồ. Ông còn đang mãi thì thầm nói chuyện với mấy người bạn đang nằm châu đầu vào nhau trên chiếc phản liền đấy. Tâm đang băn khoăn, ngồi thừ mắt nhìn mọi người, kẻ thì nằm viết, người thì giở sách xem. Chợt có tiếng roi đập xuống giường luôn mấy nhát. Tất cả mọi người đều chạy lại đứng thành vòng vây như trước, im lặng chờ nghe Cụ Nghè ừ ừ trong họng lấy giọng rồi nói:

- Ba đầu đề kinh nghĩa hôm nay ba lối: Lối đơn cú, lối tiệt thượng, lối hư mạo. Trong bọn các anh đây, có anh biết rồi, cũng có anh chưa biết, nên tôi giảng lại cả cho các anh dễ làm. Đơn cú là đơn đề vào một câu gom đủ ý tứ. Như câu ‘’duy nhân giả năng hiếu nhân, năng ố nhân’’ là ý nó dồn cả vào trong câu ấy rồi. Từ trước đến giờ vẫn có cái thuyết ‘’trái phái, hư thực, đảo thuận, chủ khách’’. Song cái chỗ đắc lực nhất, đều thu vào cả chỗ khởi điểm. Chỗ khởi điểm đã nắm được rồi thì thế dễ như chẻ tre, nên toàn thiên đều nên dùng chữ thực làm cốt, chữ hư chỉ để phụ họa mà thôi. Lối tiệt thượng là mạch ký đều ở phần trên câu văn cả. Dân hưng ư nhân chỉ là cái kết quả thôi. Cái phép làm văn lối này phải luôn luôn nghĩa đến phần văn trên, nhưng không nên để cho liền với ý trên. Người thợ khéo chỉ theo câu này mà đảo ngược bao quát cả câu trên chứ không theo vần trên thuận vào câu này. Cốt yếu là khiến cho cả cái thần lý trong đề vẫn hoàn bị mà không có cái bệnh tiên thượng. Mỗi vế (cổ) đảo lẫn, phép tắc trong vế dễ ra phức tạp. Lại cần phải có tái khéo biến đổi.

- Còn lối hư mạo là lối nên cái hư lên, nên ngầm tìm tinh thần huyết mạch ở câu văn dưới mà làm, nhưng không nên chương ra rõ ràng quá, vi thần tuy cần đến, song phép tắc lại cấm. Tóm lại, chỉ nên thung dung đem câu văn như hoa, gương giăng, nước, đều ở trước mắt không phải thực. Cái cách ngầm lấy ở đây cũng như hai cái ví dụ ấy. Vế sau(hậu cổ) phải nhiều lần dùng cái phép tân chủ phản chiếu, nói bóng bẩy đến mà thôi.

- Đây bây giờ tôi cho bình ba bài về ba lối để các anh nghe cho hiểu rõ và bắt chước...

Cụ Nghè mở tráp lấy ra một quyển văn bì đen nhánh gáy gắn sơn, mép quét sơn đỏ, cụ để quyển sách xuống giường. Cụ ngồi xổm lên, khuỷu tay bên trái tỳ xuống mặt tráp, hai đầu gối tựa nhau ngả vào tráp, tay bên phải cụ mở những trang giấy. Mở đến trang có các bài đã định, cụ xòe cả bàn tay đập mạnh xuống cho những tờ giấy phẳng phiu, rồi quay quyển sách lại đun ra mép giường, đầu sách về phía cụ, đoạn cụ để tay phải lên khu bàn chân, lắc lư tay, gãi năm móng tay dài lên năm móng chân kêu cạch cạch đều đều, mồm cụ nói:

- Anh Nhì Tương bình đi (vào đến nhị trường gọi là nhì).

Nhì Tương là một người đã ngoài ba mươi tuổi, hai mép và cằm đã lún phún râu đen, khuôn mặt sáng sủa, nói chuyện trong trẻo êm dịu như con gái. Tương kéo cái ghế đẩu con lại gần giường, ngồi xuống ầm è lấy giọng, nhìn lướt qua anh em mỉm cười, rồi hạ tầm mắt xuống sách, nói với Cụ Nghè:

- Xin phép thầy con bình.

Với một giọng ngâm nga như hát, rõ ràng và rang rảng, Tương bình rất thong thả đúng như lề lối nhà trường, mạch lạc phân minh, câu trên chuyển sang câu dưới rất khéo, ai nấy đều im lặng nghe, lấy làm khoái tai lắm. Hết từng vế (cổ) một, chàng lại ngừng lại để Cụ Nghè dẫn giảng, cụ nói trơn tru lắm, thao thao bất tuyệt, cụ đem những tỉ dụ ra cho người nghe dễ hiểu, Có những tỉ dụ minh bạch, còn phần nhiều là tối tăm mơ hồ, nhưng ai nấy cũng cố hiểu lấy được. Hễ cụ ngừng nói là Tương lại è một tiếng lên giọng, bình tiếp đoạn sau. Hết bài ấy cụ mở bài khác, lối tiệt thượng đổi sang người khác bình thay Tương. Cho đến hết cả ba bài, Cụ Nghè còn nói thêm một ít nữa, dặn một vài chữ thô nên tránh, nhắc những chữ phạm huý nên kiêng và thêm qua loa mấy điều cần thiết. Đoạn cụ đứng dậy bước xuống đất, xỏ chân vào dép đi ra cửa, cụ trở về phòng.

Tất cả học trò đều đứng lên, chắp tay cúi đầu chào:

- Bẩm lạy thầy ạ!

- Lạy thầy ạ!

- Lạy thầy ạ!

Ào lên một lúc rồi im. Hai tên học trò ‘’con cháu’’ cắp tráp và mang điếu xuống hầu cụ. Thế là buổi học tan. Vì là lớp học của ‘’quan viên đại tập’’ mà lại là lớp học đầu tiên. Các ông học trò xếp gọn bút nghiên sách vở lại, lục tục ra về như người ta ở nhà đám ra.

Đọc tiếp PHẦN II - CHƯƠNG 8
 
Sửa lần cuối:

Trang Dimple

New member
Xu
38
Butnghien .com tiếp tục chia sẻ với các bạn phần 2 chương 8 của tiểu thuyết " Bút Nghiên"Của tác giả chu Thiên

bút nghiên chu  thiên.jpg

CHƯƠNG 8


Về đến nhà trọ, ông Lý Tưởng đã chạy ra cổng đón:

- Tôi cứ tưởng đến trưa mới về.

Ông Đồ Trí đáp:

- Lớp đại tập khác, chứ như trường trẻ con ở xóm làng mình ấy, kể nghĩa trưa giặt ra chửa hết.

Ông Lý quay lại hỏi Tâm:

- Thế nào cậu đỡ bỡ ngỡ không cậu?

Ông Đồ đáp thay ngay:

- Đã có tôi nói với anh em, anh em ai cũng mến cả. Chỉ còn việc cố mà học thôi!

Tâm làm ra vẻ nũng nịu, nói một cách trách móc thân mật với ông Đồ:

- Năm ngoái, thầy không bảo con mọi lối kinh nghĩa, làm con thoạt thấy mấy chữ kẹ ấy ở dưới đầu đề, cứ ngẩn người ra chẳng hiểu gì cả. Giá Cụ Nghè không giảng thì thật ù càng cạc!

- Nhào! Không biết cũng vẫn làm được bài. Cứ hiểu ý trong đầu đề là ra tất. Đấy chẳng qua là những lối các cụ ngày trước chia ra cho dễ hiểu, dễ làm hơn đôi chút, chứ cũng không cần gì cho lắm!

- Nhưng thưa thầy, biết được vẫn hơn!

Ông Đồ Trí thấy Tâm có vẻ xẵng, ông hiểu nỗi băn khoăn ở Tâm lắm, nên ông dịu giọng nói nửa đùa nửa thật:

- Cái ấy đã hẳn, nhưng mà thưa cậu, tôi đã bảo cậu rằng chưa cần lắm mà ‘’lị’’, nếu cần tôi đã dạy cậu rồi. Cậu nghĩ lại xem trong năm ngoái tôi bảo cậu bao nhiêu là thứ. Nội lề lối đi thi là đủ cả. Bao giờ tôi cũng mong cậu hơn tôi cơ mà. Các lối kia biết thì hay. Có không biết cũng không sao. Và bây giờ cậu biết cũng đã muộn gì đâu mà cậu đã trách!

Ông Lý Tưởng nghe thấy vậy, liền líu tíu vừa chắp tay vái vừa nói:

- Thôi tôi xin thầy, tôi cắn cỏ lạy thầy, con dại cái mang, cháu nó hỗn láo xin thầy bớt giận làm lành, đánh ngay cho nó một trận nó biết thân.

Ông nói lắp bắp xuýt xoa như người khấn hứa một vị thần nào đó làm cả bọn trong nhà trọ phải bật cười mà không dám cười, họ lảng ra ngoài cả. Ông Đồ cũng không nhịn được cười nói:

- Ông làm gì mà rối lên thế, người ta cười cho kia kìa. Tôi có giận cháu đâu. Tôi bảo cho cháu biết đấy chứ. Kẻo cháu lại nghĩ tôi dạy không đến nơi đến chốn.

- Vâng, tôi xin thầy.

Ông Lý quay lại mắng Tâm:

- Sao mày hỗn thế, Tâm, Thầy Đồ tác thành cho mày, chốc đã mấy năm giời, rèn đúc cho mày đến bây giờ được như thế, mà mày ăn nói vậy à? Thế mà đòi đi học!

Tâm cãi:

- Con có nói gì đâu. Con hỏi thầy về các lối kinh nghĩa đấy chứ!

Nói xong Tâm ngoảnh mặt ra sân hơi cau mày lủng bủng. Xưa nay chàng vẫn phục ông Đồ, chàng phục như thần, như thánh: Ông Đồ không những là người hay chữ, giỏi chữ, giỏi văn, ông còn là người đại lượng biết tận tâm đào tạo cho cháu ra người, chàng phục cái tâm địa của ông lắm, nên lúc nào chàng cũng tỏ vẻ biết ơn và kính mến. Nhưng với cái óc thông minh mau lẹ, hơi một tí gì khang khác là có thể gieo rắc hoài nghi vào rồi. Ngay từ lúc biên đầu bài chàng đã đâm nghi ngờ đến cái thông minh và cái lòng tốt của ông Đồ, có lúc chàng đã phân vân tự hỏi:

- Cớ sao ông Đồ lại không bảo ta những lối ấy. Phải cớ sao? Hay là...

Chàng phải hỏi cho ra. Thì câu đáp lửng của ông Đồ càng làm rõ ràng cái lòng nghi ngờ của chàng, cái nghi ngờ đã dần bước được vào nơi chắc chắn. Do đó chàng kết luận ra hai cớ:

- Một là ông Đồ không biết.

- Hai là ông Đồ không muốn bảo.

Rồi Tâm lại tự giải đáp:

- Ông Đồ đã đi học lâu năm, đi thi nhiều lần, mà không biết các lối kinh nghĩa sao? Vô lý, chẳng qua ông biết, ông không muốn bảo đấy thôi.

Nhưng chàng lại tự cãi ngay:

- Biết mà không bảo mình, ra trường khác cấm mình học được à? Mình mà học được có phải ông ấy dơ mặt ra không? Vậy không phải ông ấy không muốn bảo, chính ông ấy không biết!

Tuy nhiên, chàng không chắc lắm, chàng vẫn bị băn khoăn giữa hai ý nghĩ. Sau cùng chàng cả quyết:

- Ta phải hỏi cho ra!

Ngồi nghĩ một lúc, Tâm quay lại hỏi đột ngột:

- Bẩm thầy, có ba lối đầu đề này thôi, hay còn nhiều lối nữa?

- Còn nhiều nữa chứ. Tất cả mười lăm lối kia mà. Nhưng chung quy cũng gần tương tự nhau cả. Người giỏi thì không cần biết các lối ấy cũng làm thành bài.

- Thưa thầy, các lối ấy thế nào, thầy nói qua cho con nghe, để gặp những cái đề như vậy, hiểu đôi chút rồi cũng đỡ bỡ ngỡ. Cứ như mấy cái đề ban sáng, con thấy tức tức là...

- Ừ, đã vậy tao giảng qua cho biết đại khái thôi, chứ nói tường tận vừa lâu mà chưa chắc có lý hội được cả không. Phải gặp những đầu đề như thế mà suy nghĩ kỹ ra và cụ sẽ giảng thêm cho, lúc bấy giờ mới mười phần chắc chắn là phân biệt được cả mười. Tất cả có mười lăm lối, sáng ngày đã có ba lối rồi, còn mười hai lối, tao lần lượt kể ra đây:

1.- Lối Tiệt hạ hay là Xúc cước là cái đề bỏ mất đoạn văn dưới đi. Ý trong để phải hợp với đoạn dưới ấy trọn vẹn.

2.- Lối Lưỡng phiến (hai cái quạt) là cái đề hai câu đều nhau đối nhau. Cả bài đề này nên chia ra làm hai vế đều nhau. Trong hai vế ấy lại chứa đựng đủ tám vế của bài.

3.- Lối Tam phiến, đề có ba đoạn, bài cũng nên bố cục làm sao cho ra ba vế.

4.- Lối Tháp tiệp là cái đề cất đoạn này để thêm với đoạn khác. Làm văn nên kết tròn lại thành một tảng, không nên để rời rạc, tuy rằng đầu đề bị cắt gán.

5.- Lối Ký sự, đề này chỉ ghi chép công việc, kệ minh dẫn chứng, không phải bó buộc lắm.

6.- Lối Điệp cú, đề nhiều câu, nhiều chữ quá nên phải tách khôn khéo, chớ để bị chê là trùm đầu lấp mặt.

7.- Lối Tị hứng là lối đề đem ví dụ mà gợi hứng chỉ vào việc gì.

8.- Lối Lưỡng tiệt. Có khi toàn chương mà lưỡng tiệt, có khi vài câu lưỡng tiệt, có khi một câu lưỡng tiệt, tức là lối đề có hai phần đều nhau, đều bỏ bớt đi mỗi đàng một ít. Gặp những bài như thế này, nên đoàn kết cả lại thành một khối thì hay. Cũng có thể làm ra hai vế như lưỡng phiến đề, nhưng đấy là biến cách.

9.- Lối Khô quẫn là lối đề ra buông lửng, không có ý nghĩa gì ở đề cả. Phải nhận rõ từng tích của nó, rồi sau mới bố cục xếp lời, hoặc tả hình, hoặc tả cảnh đem những đoạn văn trên dưới cho nó giăng dịt gẫy gọn với nhau, cho có từng thứ, thời khó cũng thành tươi mà quẫn cũng phải thư.

10.- Lối Cổn tác còn gọi là xuyến đề, cũng gần giống như lối lưỡng tiệt. Song đằng lưỡng tiệt, hai tầng hai ý khác nhau. Còn đằng cổn tác tuy có hai ý mà thực suốt nhau như ở một dây.

11.- Lối Đoạn lạc, cái đề này nhiều đoạn, nhiều ngành ngọn lắm. Không biết cách làm là đổ vỡ hết. Cần nhất nên tự chỗ tổng khởi và tổng kết mà rõ rệt tinh thần ra, chỗ khởi nên dùng hư chỗ kết nên dùng thực. Còn trung gian thời tùy đề mà phô diễn.

12.- Lối Tràng đề, có chỗ toàn chương tràng đề, có chỗ liên chương tràng đề. Gặp những đề như vậy phải biết phép ‘’Tải, tiễn, xuyên, quải’’ là tìm ở trong đề lấy một câu làm chủ. Rồi chỗ nào cũng đem cái câu ấy ra mà điều khiển, vận hóa toàn bài, khiến những tiền rơi đầy nhà đều phải thu lại xiên thành một dây dài.

Ông Đồ nói luôn một mạch hết mười hai lối, ông mới ngừng uống chén nước ông rót từ nãy. Ông Đồ nói đến đâu Tâm chăm chăm cầm bút biên đến đấy. Ông Đồ thôi nói, Tâm cũng để bút ngồi dậy, nét mặt hỉ hả lắm, mối nghi ngờ tiêu tán hết. Tâm thấy hối hận trót đã ngờ oan lòng tốt của ông Đồ, chàng bẽn lẽn nói như để chữa thẹn:

- May quá! Thế là con hiểu rồi, từ đây gặp những đề có chữ kẹ, chữ thích như ban sáng, con không cuống nữa.

Ông Đồ uống xong nước nghiêm nét mặt nói:

- Đây là nói qua loa cho mà hiểu lấy đại khái thôi, chứ đã hiểu rành mạch thế nào được. Đã không hiểu rành mạch thì cũng khó nhớ. Phải gặp những đầu đề như thế, phải ngẫm nghĩ để cố hiểu, rồi Cụ Nghè lại giảng thêm vào thì mới lĩnh hội được hết. Thế nào rồi cụ chả dạy đủ lối. Cụ dạy cẩn thận lắm, chỉ còn phải cố mà nghe, mà nhận.

Trong khi ông Đồ nói về mọi lối đề kinh nghĩa, những người cùng trọ trong nhà cũng đều ngồi im chú ý nghe. Bây giờ thấy ông đã nói xong và Tâm cũng không hỏi han thêm nữa, họ mới chêm vào câu chuyện. Một người ăn nói vui vẻ nhất, nét mặt lúc nào cũng tươi cười, đang nằm, ngồi nhỏm dậy, rất cung kính thành thật với ông Đồ:

- Này! Đại huynh Mỹ Lý, đệ xin hỏi tôn huynh câu này, tôn huynh có tha phép, đệ mới dám nói.

Ông Đồ cũng vui vẻ đáp lại:

- Gớm chư huynh dạy quá nhời thế! Chư huynh có tôn ý gì ban bảo, đệ xin sẵn sàng đợi mệnh.

- Chả nói giấu gì tôn huynh, thấy huynh nói các lối kinh nghĩa rõ ràng quá, mà chính đệ cũng ít khi phân biệt được, đệ rất lấy làm khâm phục. Nhân nghe huynh nói, đệ mới nhớ ra đệ có một đầu đề mà đệ phân vân chưa biết định nó vào lối nào, đệ muốn nhờ tôn huynh chỉ bảo hộ...

- Đại huynh mà còn phân vân thì chắc đệ cũng chả biết được, nhưng xin đại huynh cứ đọc, may...

- Xin tôn huynh có tha phép đệ mới dám đọc.

- Ờ! Sao đại huynh lại cứ dạy vậy?

- Bẩm vì đầu bài hơi thô một tí xin tôn huynh bất chấp, đệ mới dám.

- Đệ đâu dám. Xin đại huynh cứ truyền. Văn hành công khí...

Người kia với cái điếu, hút một mạch điếu thuốc lào, thở làn khói trắng tỏa bay là là, rồi mới nói:

- Đầu đề thế này:

‘’Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao?’’

Đệ chửa dám cho nó vào lối nào đấy.

Ông Đồ hơi cau mày, biết rằng cái bác ấy mỉa ngọt ông chơi, nhưng trót đã hứa rồi, nên ông đành nén tức mà đáp:

- Ồ, có thế mà đại huynh phải phân vân. Đấy là lối đề đơn cú chứ còn gì. Bao nhiêu ý nó rành rành ra đấy. Ra đại huynh tâm bất tại, chỉ nghĩ đi chỗ nào ấy thôi!

Người kia vẫn vui vẻ hỏi:

- Đệ cứ tưởng là lối tiệt thượng, vì còn có đoạn gì ở trên nữa kia chứ!

Một người khác xen vào:

- Tiệt hạ rõ ràng, lại còn tiệt thượng gì! Bao nhiêu ý chả ở cả phần dưới đấy là gì. Có vậy mà các bác cãi nhau mãi...

Cuộc cãi cọ có cơ lan rộng, thì may sao hai mâm cơm đã bưng lên, ông Phó Liên đang tất tả từ nhà dưới đi lên mời rối rít:

- Mời các thầy nghĩ tay lại mời cơm, việc gì cũng xin bỏ đấy đã. Có thực mới vực được đạo. Quá trưa rồi còn gì. Hôm nay nhà cháu đi chợ về muộn quá. Thành thử cả nhà lăn ra không kịp. Các thầy phải một mẻ đói. Từ mai, từ mai thì xin đúng bữa...Mời các thầy mời cơm đi...Kìa ông Lý, rước ông mời cơm đi.

Mọi người đều tuân lệnh ngồi vào mâm cơm vui vẻ.

Sáng hôm sau, cơm nước xong, Tâm đi tiễn chân ông Đồ và ông Lý ra tận đường cái. Vì không phải đi học, chàng muốn đi xa thế để nhận xét thêm phong cảnh cái nơi văn học và trù phú có tiếng này. Thỉnh thoảng, ông Đồ và ông Lý ngoảnh lại giục chàng:

- Thôi về đi con. Đi theo xa, về đến nhà trọ lại mỏi chân thêm tội!

Lúc nào Tâm cũng nói:

- Được để con đi với thầy ít nữa thôi.

Cánh đồng lúa xanh rờn mông mênh như đến tận chân giời rung rinh lượn sóng quanh co theo chiều gió xuân lả lướt...Trên bãi tha ma xanh biếc, mấy con trâu đang lặng lẽ gặm cỏ non, thỉnh thoảng phe phẩy đuôi, đuổi muỗi. Mấy con cò trắng bay qua mải miết vỗ cánh theo nền giời xanh dịu. Một vài cô gái làm cỏ lẩn khuất ở trong làn lúa tốt, đưa ra không gian những giọng hát du dương tình tứ:

Lấy chồng cho đáng tấm chồng

Bõ công trang điểm má hồng răng đen

Chẳng tham ruộng cá ao liền

Tham về cái bút cái nghiên anh đồ!

Hỡi anh đồ ơi!

Tâm trông trộm ông Đồ, mỉm cười. Không thấy ông nói gì cả, nét mặt vẫn thản nhiên như không, chàng biết ông đang bận nghĩ việc gì. Chàng thấy mình đáng thẹn với ông lắm.

Nhưng đã đến cái ngã ba của con đường cái quan, ông Đồ và ông Lý nhất định bắt chàng quay lại nhà trọ. Lúc này chàng vui vẻ vâng lời ngay. Ông Lý ân cần dặn:

- Con cố mà học nhé, học cho chóng công thành danh toại. Đừng nhớ nhà. Rồi thầy ra luôn.

Ông Đồ thấy ông Lý nói hờ, vì ông biết Tâm thường hay nhớ nhà, ông liền nói đón ngay:

- Người sắp đi thi, ông Cử, ông Tú nay mai, ai người ta nhớ nhà mà nói...

Rồi ông quay lại Tâm nói tiếp:

- Con chịu khó mà học. Ai người ta nói sao cứ mặc kệ họ. Đừng chấp! Hễ mình học giỏi là tất mọi người phải phục. Phải tử tế ngoan ngoãn với mấy người cùng trọ đấy nhé. Thôi con ở lại...


Đọc tiếp PHẦN III - CHƯƠNG 1
 
Sửa lần cuối:
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top