Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Thuyết “tam quyền phân lập”, Hiến pháp và các nguyên tắc tổ chức, phân chia quyền lực
của Nhà nước Mỹ
của Nhà nước Mỹ
Thuyết “Tam quyền phân lập” được lấy làm nền tảng tư tưởng cho phương thức tổ chức và sự phân bố quyền lực chính trị trong Nhà nước Mỹ. Học thuyết này ra đời từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII ở Tây Âu, được khởi xướng bởi một nhóm nhà triết học – tư tưởng tiến bộ mà đại diện tiêu biểu nhất là Charles Montesquieus (1689-1775). Thuyết “Tam quyền phân lập” cho rằng, nếu quyền lực nhà nước tập trung vào một cơ quan (dù cơ quan đó là một người hay một tập thể - kể cả tập thể do dân bầu ra) thì sẽ dễ dẫn đến lạm quyền. Để ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục nguy cơ lạm quyền ấy, nhà nước phải thực sự cai quản bằng pháp luật và quyền lực nhà nước phải được phân chia hợp lý thành quyền lập pháp (làm ra luật - dự thảo, xây dựng, thông qua, ban hành các đạo luật), quyền hành pháp (thực hiện, thi hành pháp luật), quyền tư pháp (bảo vệ pháp luật - bao gồm giải thích, giám sát việc thực thi và xét xử các vi phạm pháp luật). Ba quyền này tồn tại độc lập, chế ngự lẫn nhau, mỗi quyền do một hệ thống cơ quan riêng biệt nắm giữ. Nhen nhóm ở Anh, trưởng thành ở Pháp, song thuyết “Tam quyền phân lập” lại được tiếp thu trung thành và áp dụng hiệu quả lần đầu tiên tại Mỹ. Hiến pháp Mỹ (gồm 7 điều, thông qua ngày 17/9/1787, bởi Hội nghị Lập hiến và chính thức có hiệu lực từ ngày 21/6/1788) được coi là hiện thân của học thuyết này. Mặc dù không hề dùng tới từ “phân quyền” hay “tam quyền phân lập”, nhưng cơ cấu tính chất, nội dung các điều khoản Hiến pháp đã thể hiện rõ rệt, đầy đủ tinh thần của những thuật ngữ ấy. Ba điều đầu tiên là quan trọng nhất, quy định phương thức tổ chức, thực hiện quyền lực nhà nước theo cơ chế tam quyền phân lập. điều I nói về quyền lập pháp, Điều II- hành pháp, điều III- tư pháp. Bốn điều tiếp theo quy định các vấn đề: quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, mối quan hệ giữa bang với liên bang, sự bảo đảm hình thức chính thể cộng hoà và an ninh trật tự cho mỗi bang, tầm quan trọng đặc biệt và thủ tục sửa đổi Hiến pháp...Từ năm 1791 đến 1992, Nhà nước Mỹ đã ban hành thêm 27 điều sửa đổi bổ sung (amendments) nhằm hoàn thiện Hiến pháp, khiến cho nó hợp thời hơn. Những điều sửa đổi bổ sung đó chỉ chỉnh lý, bổ sung chứ không làm thay đổi bản chất, nội dung chủ yếu và giá trị tối cao của Hiến pháp nguyên thuỷ 1787. Trên nền tảng vững chắc về tư tưởng (thuyết “Tam quyền phân lập”) và về pháp lý (Hiến pháp), hàng loạt nguyên tắc chủ đạo được tạo dựng và quán triệt trong suốt quá trình tổ chức, thực hiện quyền lực của Nhà nước Mỹ. Năm nguyên tắc bao trùm nhất là:
1.Tự do và dân chủ
Tư tưởng Mỹ coi tự do là bản tính thiêng liêng của con người và dân chủ là thước đo giá trị của văn minh xã hội. Việc tổ chức, phân chia quyền lực nhà nước chỉ thật sự hợp lý, tiến bộ nếu được thực hiện một cách tự do - dân chủ, thể hiện đầy đủ sự tự do - dân chủ và nhằm mục đích bảo đảm, nâng cao tự do - dân chủ. Nhân dân phải là chủ thể duy nhất của quyền lực chính trị và mọi cơ quan nhà nước chỉ là công cụ đại diện uỷ quyền. Những cơ quan này phải phân công, chia sẻ quyền hành, nhiệm vụ với nhau theo cơ cấu, tỷ lệ nhất định để sao cho vừa hoạt động hữu hiệu vừa không cơ quan nào có thể lạm quyền, gây tổn hại cho nền dân chủ. Mọi công dân phải được đảm bảo khả năng tự do tham gia rộng rãi vào công việc nhà nước phù hợp với nguyện vọng, năng lực của mình và theo pháp luật.
2. Cộng hoà
Đây là nguyên tắc tuyệt đối (không hề có ngoại lệ), được ghi nhận bởi Hiến pháp và tuân thủ nghiêm ngặt trong thực tế. Quyền lực nhà nước Mỹ là của dân, do dân và vì dân - nó phải được đại diện xứng đáng và sẻ chia công bằng. Cộng hoà trở thành hình thức chính thể, bản chất xã hội và cơ cấu tổ chức của Nhà nước Mỹ. Mọi cơ quan nhà nước đều được nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp lập nên bằng bầu cử và hoạt động theo nhiệm kỳ. Từ khi lập quốc đến nay, chưa lúc nào và chưa ở đâu trên đất Mỹ chấp nhận duy trì chế độ quân chủ hoặc độc tài.
3. Hiến pháp
Biệt danh “Hiến pháp” (The Constitution) mà người ta thường dùng gọi nước Mỹ đã phần nào nói lên vị trí đặc biệt của Hiến pháp đối với quốc gia hùng mạnh này. Mặc dù nội dung còn khái quát, ngôn từ kém mạch lạc và cơ cấu điều khoản chưa hợp lý, Hiến pháp Mỹ vẫn được coi là chuẩn mực tối cao. Sự phân bố quyền lực cũng như các thiết chế cơ bản đều được xác lập theo Hiến pháp và dù biến đổi phức tạp đến đâu cũng không thể vượt khỏi khuôn khổ đó. Mọi hoạt động của Nhà nước và công dân Mỹ phải dựa trên nền tảng Hiến pháp, không được trái với Hiến pháp. Với tính quyền lực đặc biệt và phạm vi điều chỉnh rộng rãi, Hiến pháp thực sự giữ vai trò khung xương pháp lý cho toàn bộ cơ thể xã hội Mỹ.
4. Phân quyền
Nguyên tắc này khẳng định rằng khối quyền lực thống nhất của Nhà nước Mỹ cần được phân chia hợp lý cho nhiều cơ quan, ở nhiều mức độ khác nhau thì mới có thể phát huy sức mạnh và hiệu quả trong việc sử dụng nó, đồng thời ngăn ngừa được hiện tượng lạm quyền. Sự phân bố quyền lực phải cân đối, toàn diện trên cả “chiều ngang” lẫn “chiều dọc”. Theo chiều ngang, áp dụng triệt để thuyết “Tam quyền phân lập”, quyền lực nhà nước được phân chia cho 3 hệ thống cơ quan riêng biệt, có chức năng khác nhau, được hình thành bởi các phương thức khác nhau, giữ nhiệm kỳ khác nhau, hoạt động độc lập nhưng có sự kiềm chế lẫn nhau để đảm bảo cho chúng không lấn quyền hoặc loại trừ nhau. Theo chiều dọc, tuỳ thuộc quy mô, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nhu cầu mà có sự phân chia thẩm quyền hợp lý giữa các cấp chính quyền với nhau suốt từ trung ương tới cơ sở. ở Mỹ có 3 cấp chính quyền chủ yếu: liên bang, bang và địa phương.
5. Kiềm chế và đối trọng
Nguyên tắc kiềm chế và đối trọng (checks and balances) xuất phát từ nguyên tắc phân quyền; là sự phát triển, hoàn thiện một phương diện riêng của nguyên tắc phân quyền. Cần phải có sự kiềm chế, kiểm soát (checks) lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước cùng cấp nhưng khác ngành quyền lực, bởi vì nếu để mỗi cơ quan tuyệt đối độc lập, tự do nắm giữ, sử dụng nhánh quyền lực được giao phó thì nó sẽ độc quyền trong lĩnh vực hoạt động của mình, dễ dẫn tới tình trạng tự tăng cường quyền lực rồi xâm lấn đến thẩm quyền của những cơ quan khác. Đồng thời, cũng cần phải có sự đối trọng, cân bằng (balances) nhất định giữa các cơ quan nhà nước cùng cấp (đặc biệt ở cấp trung ương), bởi vì nếu để một cơ quan nào đó có vai trò, quyền hành quá lớn, nó sẽ tập trung được ảnh hưởng về phía mình, chi phối các cơ quan cùng cấp khác ngành còn lại, tạo quan hệ phụ thuộc, khiến sự phân quyền không còn ý nghĩa.