Thương cảng cổ Óc Eo

Bút Nghiên

ButNghien.com
Những nghiên cứu mới nhất cho thấy thương cảng Óc Eo, một trong các thương cảng sớm nhất ở Việt Nam trên con đường hương liệu - tức lộ trình giao thương đường biển quan trọng nhất các thế kỷ đầu Công nguyên - có cấu trúc của một khu chợ nổi gồm nhiều bến nước nằm dọc theo bờ một hệ thống kinh đào hoàn chỉnh, và một bến cảng nước sâu nơi các đoàn tàu viễn dương neo đậu để mua bán, tiếp liệu, sửa chữa, chờ gió mùa và cả tránh bão.

Vừa là cảng sông vừa là cảng biển, hệ thống bến nước Óc Eo là nơi hội tụ các dòng sông đào và kinh đào đổ về các đô thị phía tây, phía bắc, phía đông và sau này cả về phía nam nơi ngày nay còn nhiều khu chợ nổi nổi tiếng như Cái Răng hay Ngã Bảy Phụng Hiệp. Thương cảng Óc Eo được phát hiện từ đầu các năm 1940 bởi các nhà khảo cổ khi khai quật một vài địa điểm trên cánh đồng Óc Eo.

Tại đây nhóm nghiên cứu do Louis Malleret dẫn đầu đã tìm thấy huy chương và nhiều đồng tiền La Mã, gương đồng nhà Hán, và nhiều vật quý đến từ các nước cũng như sản vật bán buôn từ các đô thị nằm sâu bên trong đất liền. Nhiều năm trước cư dân trong vùng đã thu nhặt được hàng ngàn di vật, trong đó có những di vật của các con tàu cổ, và những bộ sưu tập quý nhất được bán về Sài Gòn hoặc cho các địa chủ nhà giàu.

Việc khảo sát thương cảng Óc Eo và cả kinh đô Ba Thê đã bị dừng lại, đúng hơn là tiến triển rất chậm, do không có các kế hoạch tổng thể và những nguồn tài trợ đúng mức. Phải đến các năm 1980 khi việc khai đào kinh mương thủy lợi được thúc đẩy nhanh hơn thì hình ảnh một thương cảng cổ mới hiện rõ dần, đặc biệt với việc con kinh vành đai vòng quanh chân núi tiếp cận dấu tích đường sá, tường thành, hào nước, công xưởng, bến cảng, và cả các tầng dày bùn nhão ở chân núi phía nam kinh thành chứng tỏ nơi đó thời bấy giờ đáy nước nằm sâu hơn 7 hay 8 mét, đủ cho các tàu thuyền cỡ lớn có thể neo đậu.

Thực ra người ta đã đoán biết hàng chục năm trước về một thương cảng cổ, nay nằm lọt giữa đồng sâu châu thổ Cửu Long, do bởi dấu vết lờ mờ của nhiều đoạn sông đào thẳng tắp đổ về. Con sông dài nhất, khoảng 89 cây số, chạy từ thành phố Angkor Borei phía bắc nối vào bến nước Đá Nổi nằm cách chân núi Ba Thê khoảng 3 cây số về phía tây nam. Khi đến gần Cầu Sắt 13 thuộc địa phận Tri Tôn, sông đào này phân thêm một nhánh chạy về phía tây đến kinh thành cổ hơn gọi là Sdachao nằm giữa vùng núi Thất Sơn bên bờ vịnh cổ Tám Ngàn. Khi đoàn chúng tôi đến đây tìm kiếm dấu tích bờ biển, trong khoảng từ cửa sông cổ Thoại Giang nơi có các ám tiêu tàu biển Crassostrea gigantissima đến khu Giồng Cát nơi để lại dấu vết đào đãi quặng vàng của cư dân Óc Eo, thì nhận ra dòng chảy Lung Lớn là một con sông đào cổ, nay đã bồi cạn thành con lung lạng. Sông Lung Lớn chạy thẳng trong khoảng 11 cây số từ Giồng Cát, theo hướng nam tây nam đến di chỉ Nền Chùa phía bắc thị xã Rạch Gía – di chỉ này được xem là tiền cảng của Óc Eo.

- Ở về phía đông, dòng Lung Lớn nối vào các ngọn Long Xuyên đổ về sông Hậu, lúc bấy giờ tạo thành hệ thống hải lộ băng qua đồng bằng để các đoàn tàu theo sông Tiền ra cửa Cần Giờ mà vào Biển Đông thay vì phải đi vòng qua mũi Cà Mau như hiện nay.

- Ở về phía tây, sông đào Lung Lớn bẻ góc thành 9 dòng kinh đào nối vào phía đông kinh thành Ba Thê và tạo nên thương cảng Óc Eo, một kiểu phối hợp giữa cảng sông và cảng biển.

- Bốn trong số các kinh đào đã được tìm thấy nhờ dấu vết nhà sàn và các di vật tàu thuyền, hàng hóa cùng vật dụng sinh hoạt vương vãi trên bờ và dưới đáy lòng kinh, nay được phủ lấp bởi nhiều lớp đất mỏng. Con kinh lớn nhất và sâu nhất nằm ở phía nam cánh đồng Óc Eo, nối từ sông đào Lung Lớn đến bến cảng Đá Nổi nơi hội tụ các sông đào cổ nối về các công trường cùng các thành phố phía tây và phía bắc. Trên thực tế, thương cảng Óc Eo chia làm hai khu vực với thời gian thiết lập cũng như sử dụng ít nhiều khác nhau:

- Khu phía đông kinh thành Ba Thê là các bến nước nằm dọc bờ kinh, tức loại chợ nổi tương tự Phụng Hiệp hay Cái Răng ngày nay, nơi các ghe xuồng lui tới trao đổi hàng hóa với cư dân tại chỗ, cũng là nơi cung cấp lương thực cho cư dân nội thành gồm các vua chúa, đạo sĩ, quan lại, binh lính, công nhân và thương nhân trong nước hay đến từ nước ngoài. Các kho hàng và xưởng luyện vàng, chế tác thủy tinh trang sức được tìm thấy tập trung phía sau hào nước vốn là cửa ngõ chính của mỗi đô thị.

- Khu phía nam là nơi neo đậu của các tàu hàng viễn dương để tiếp nhận hàng hóa sản vật từ các tàu chợ trong vùng, cũng là nơi trao đổi hàng hóa giữa các con tàu đến từ phương Đông như Trung Hoa và Nhật bản với các con tàu đến từ phương Tây như Ấn Độ, Ba Tư và Trung Đông nơi cửa ngõ đế quốc La Mã. Trầm hương, gia vị, đường thốt nốt, ngọc trai hàu biển, đá quý, sừng tê giác, ngà voi và nanh heo rừng… là những mặt hàng buôn bán đường xa của thương cảng Óc Eo, biến nơi đây thành chỗ hội tụ các đoàn tàu trên con đường hương liệu. Nhiều thư tịch cổ đề cập đến hoạt động nhộn nhịp của thương cảng Óc Eo suốt nhiều thế kỷ đầu Công nguyên, biến nơi đây thành nơi đô hội phồn vinh mà các thương nhân đóng thuế bằng bạc!. Nhưng có lẽ các tiện nghi hạ tầng, nền nếp hoạt động có quy củ của thương cảng và việc coi trọng chữ tín của cư dân đã là nguyên nhân thu hút khách thương đến với thương cảng miền Nam ấm áp này. Mặt khác đây là nơi tránh bão lý tưởng, đồng thời là nơi lưu trú chờ khi thuận gió mùa trên mặt Biển Đông hay trong Ấn Độ Dương. Ở đây người ta dễ dàng thuê tàu “đi đông đi tây”, nghĩa là căng buồm theo một hải lộ đặc biệt từ Biển Đông vào cửa Cần Giờ đến Óc Eo ra vịnh Thái Lan, và các chủ tàu chỉ được trả công bằng vàng khi con tàu đến nơi đúng hẹn.

( Theo Hoàng Xuân Phương -THXD )​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top