Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Thuế tô ruộng đất tư hữu dưới triều Nguyễn
Ở Việt Nam thế kỷ XIX, tô và thuế có phân biệt nhau nhưng sự phân biệt đó không hoàn toàn triệt để, bởi vậy bất kỳ hình thức tô nào cũng mang tính chất thuế và ngược lại bất kỳ hình thức thuế ruộng nào cũng mang tính chất tô.
Đầu thế kỷ XIX đặc biệt chú ý tới vai trò của tô thuế ruộng đối với quyền sở hữu. Trong thuế ruộng tư có tính chất tô ở chừng mực nhất định.
Dưới thời Gia Long, thuế tô ruộng đất tư cũng được chia ra 4 khu vực như ruộng đất công. Khu vực I gồm các phủ từ Quảng Bình đến Diên Khánh, khu vực II từ Nghệ An đến Phụng Thiên, khu vực III gồm 6 trấn Yên Quảng, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng, khu vực IV từ Bình Thuận trở vào. Mức thuế tô theo con số tuyệt đối của ruộng tư giảm dần từ Nam ra Bắc. Trái lại mức chênh lệch của thuế tô ruộng tư so với tô thuế ruộng công lại tăng lên từ Nam ra Bắc.
Ngoài ra có quy định về thuế tô của những ruộng tư vắng chủ mà người khác đã tạm cày cấy. Điều này phản ánh tâm lý hối hả vơ vét thuế tô sao cho nhiều, cho nhanh, mà còn chứng tỏ sụ can thiệp của Nhà nước váo quỳen tư hữu ruộng đất.
Dưới thời Minh Mệnh (1820 - 1840) có hai sự kiện đáng lưu ý: thứ nhất là do cuộc đo đạc ruộng đất Nam Kỳ lần đầu tiên được thực hiện và hoàn thành năm 1836. Thứ hai là việc sáp nhập khu vực III thời Gia Long vào khu vực II của thời đó thành khu vực II thời Minh Mệnh. Chế độ tô thuế ruộng đất tư thời Minh Mệnh có được đơn giản hóa. Nhưng những thay đổi đó thực chất là nhằm mục đích tăng thu nhập về mức thuế tô cho Nhà nước lên gấp 16 lần ở Nam Kỳ và 2 lần ở ven biên giới Bắc Kỳ. Tuy nhiên mọi biến đổi ấy không làm rung chuyển kết luận: cả nước được khẳng định và phân chia làm ba miền khác nhau: Nam - Trung - Bắc. Tính từ Nam ra Bắc, nhìn chung thuế tô ruộng tư vẫn hạ đi, tuy mức ở miền Trung cao hơn 2 miền kia do mức khởi điểm ở Nam hạ thấp xuống. Ngược lại, sự chênh lệch giữa thuế tô 2 thứ ruộng công tư từ chỗ trùng hợp cứ ngày càng chênh lệch nhau vì tô thuế ruộng công luôn luôn ở chiều hướng lên cao.
Chế độ tô thuế thời Minh Mệnh nói trên được thực hiện trong vòng 30 năm cho tới tận đầu thời Tự Đức. Đó là biểu thuế có hiệu lực lâu nhất về thời gian. Do vậy có thể xem nó có giá trị điển hình cho chế độ thuế tô nói chung của triều Nguyễn.
Tự Đức áp dụng cách chia của Gia Long cũ (4 khu vực) riêng Thừa Thiên được tách khỏi khu vực I cũ thành khu vực riêng biệt thành 5 khu vực, giành cho vùng kinh đô một mức thuế tô đặc biệt.
Tự Đức ban hành lệ nộp thuế tô thay bằng tiền cho khu vực II và IV. Cả nước về cơ bản vẫn được chia ra 3 phần rõ rệt: Bắc, Trung, Nam hay như Nhà Nguyễn gọi tên lúc trước là Tả Kỳ, Hữu Kỳ và Trực Kỳ. Tính từ Nam ra Bắc thuế tô ruộng tư có chiều hướng giảm đi, trong khi tô thuế ruộng công từ chỗ bằng nhau lại có khuynh hướng tăng lên khá cao. Đó là xu thế chung.
Cách thu thuế tô: Các xã dân nộp phần tô thuế của họ cho lý dịch xã thôn. Căn cứ vào sổ điền thổ, lý dịch các xã nộp tô thuế lên tổng hay lên huyện phủ. Các phủ huyện lại nộp lên trên, cứ thế lên tới tỉnh. Tỉnh nào có kho chứa của tỉnh đó. Nếu thóc cứ thu gộp dần lên tới tỉnh thì số lượng đó khá nhiều, còn tập trung về kinh đô nữa thì không thể có kho chứa hết, lại thêm phiền phức cho việc chi tiêu.
Thóc thuế tô hàng năm của từng địa phương phải nộp làm 2 vụ tiếp theo 2 mùa lúa.
Triều Nguyễn quan tâm trước nhất tới việc thu vét thóc thuế sao cho đầy đủ, không sót lậu, đúng hạn. Còn về phía nhân dân chịu tô thuế chắc chắn những quy định ấy không thể không gây vất vả, phiền hà và xiết bao nỗi khổ cho họ.
Nhà Nguyễn đặt tiêu chuẩn chất lượng cho số thóc tô thuế, nghĩa là thóc thuế tô phải vào hạng tốt nhất, không kể mùa màng hơn kém ra sao. Thu thuế đồng thời là việc chọn lựa thóc để chiếm lấy phần tốt nhất, nếu không đủ tiêu chuẩn bị trả về. Thuê tô ruộng phải nộp bắng thuế hay gạo thực là chủ yếu. Ngoài ra thuế tô ruộng còn bao gồm cả tiền phụ thu. Tô thuế gồm 2 phần: phần thóc gạo thực và phần tiền.
Tất cả những quyết định trên đều xuất phát từ tình hình thực tế của những khó khăn khách quan thuộc điều kiện tự nhiên và nhằm mục đích thu được đầy đủ, nhanh chóng tô thuế trong toàn quốc.
Quy định cuối cùng trong chế độ tô thuế là lệ miễn giảm tô thuế. Suốt thời Nguyễn, chính quyền phong kiến quy định tất cả 3 trường hợp miễn tô thuế:
1. Trường hợp được miễn 1 năm
- Những ruộng đất mới khai khẩn vào tháng 11, 12 mỗi năm thì miễn tô thuế năm đó (quyết định 1823)
- Ruộng đất của dân lưu tán đã bỏ hoang 2 - 3 năm thì người lĩnh trưng được miễn tô thuế 1 năm (quyết định 1834)
2. Trường hợp được miễn thuế dưới 3 năm
- Ruộng đất của dân lưu tán mới trở về (quyết định 1805)
- Ruộng đất bị đào sâu lấy đát được miễn 3 năm tô thuế, cho đến khi nào bồi lên thì thôi (quyết định thời Tự Đức)
3. Trường hợp miễn tô thuế với thời hạn không xác định trước
- Ruộng đất của dân xiêu dạt tại xã Nga Mi huyện Nông Cống (1820)
- Ruộng đất do đất cát mới bốc (1840)
- Ruộng đất của dân chiêu mộ quanh các nhà trạm ở Khánh Hòa (1855)
- Ruộng đất bị sung vào các công trình công cộng được miễn thuế tô và điền tiến (1805)
Có thể nói tô thuế thời Nguyễn về cơ bản và theo nguyên tắc là tô thuế thu bằng hiện vật. Hình thức địa tô này theo logic, được xếp sau địa tô lao dịch và trước địa tô tiền. Chính sách này có tính chất lạc hậu và kéo lùi lịch sử so với con đường phát triển tiến bộ nói chung và so với cả bản thân lịch sử Việt Nam nói riêng. Chính sách ấy vừa là kết quả vừa là điều kiện củng cố cho đường lối ức thương, bế quan tỏa cảng, coi thương mại là “mạt nghệ” của triều đình nhà Nguyễn. Một chính sách đi ngược lại quy luật lịch sử và phủ nhận thực tế như vậy chắc chắn chỉ có thể kìm hãm chứ không thể xóa bỏ được quyluật và thực tiễn. Chính sách ấy khi đem thực hiện đã gặp bao khó khăn mọi mặt, khiến cho triều Nguyễn lúng túng, lúc thì được nộp thay bằng tiền, lúc lại trở về bằng thóc.
Chính sách tô thuế triều Nguyễn còn là chính sách có lợi cho bọn giàu có trước hết là địa chủ, trong những điều kiện kinh tế của thời Nguyễn. Nhìn chung và về cơ bản, chính sách tô thuế có những thái độ khác nhau đối với 3 miền Bắc - Trung - Nam mà triều Nguyễn đã phân chia về mặt hành chính. Ở miền Nam, nơi giai cấp đại địa chủ ngày càng thâu tóm ruộng đất trong tay, cũng là nơi ruộng đất công chắc chắn chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, thì mức tô thuế ở đây là mức nhẹ và luôn luôn không có sự phân biệt giữa ruộng công và ruộng tư về mặt tô thuế. Các quy định đó vừa tạo thuận lợi cho địa chủ thực hiện bóc lột nông dân bằng chế độ thuê mướn tá điền, bằng sự kiêm tính và chấp chiếm ruộng đất vừa đảm bảo cho đại địa chủ thu được một tỉ lệ sản phẩm thặng dư nhiều, lại vừa đảm bảo cho Nhà nước thu được đầy đủ sản lượng thóc gạo cần chi dùng. Đối với miền Nam, triều Nguyền tỏ rõ một thái độ ưu đãi.
Miền Trung, tô thuế cao hơn trong Nam nhưng ruộng công và tư cùng chịu tô thuế ngang nhau. Giai cấp địa chủ lớn nhỏ ở đây có lợi. Bộ phận đáng kể công điền tại đây hoàn toàn có thế rơi vào tay bọn giàu có để đem phát canh như ruộng đất tư. Do đó mặc nhiên giai cấp địa chủ cường hào trở thành chủ sở hữu các ruộng đất công làng xã. Địa chủ luôn luôn có điều kiện chiếm được tối đa các sản phẩm thặng dư. Còn người nông dân lĩnh nhận công điền chịu tô thuế ngang ruộng tư hay cao hơn ruộng tư và ruộng công trong Nam.
Ngoài Bắc, chính sách tô thuế triều Nguyễn lại càng chửng tỏ đường lối giai cấp rõ rệt. Di sản cũ để lại là sự tồn tại nhiều công điền nhất. Sự phân chia nhỏ của quyền sở hữu tư nhân: địa chủ vừa và nhỏ đông, nông dân tiểu tư hữu tự canh bị tước đoạt hầu hết ruộng đất biến thành không ruộng. Tô thuế ruộng công luôn đạt mức cao nhất, ruộng tư giảm nhất. Nông dân không ruộng vốn nhờ công điền mà sống lay lắt phải chịu sự bóc lột nặng nề nhất. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho giai cấp địa chủ thu địa tô cao, kích thích sự mở rộng sở hữu địa chủ vừa và nhỏ bằng cách xâm chiếm công điền và làm phá sản sở hữu nhỏ nông dân tự canh.
Nhìn chung lại, chính sách tô thuế ruộng đất thời Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX kể từ Nam ra Bắc mang tính chất 2 mặt, một mặt là ưu đãi và vì quyền lợi trước hết của giai cấp địa chủ kể cả lớn nhỏ, mặt khác ra sức bóc lột nông dân không ruộng và thiếu ruộng bằng chế độ công điền công thổ làng xã. Tuy vậy ở những nơi nào đó, vào những lúc nào đó, triều Nguyễn không thể không trả lời những đòi hỏi của nhân dân và cũng nhất thiết phải có chính sách mị dân để gìn giữ ngai vàng, nên chế độ tô thuế có những biệt lệ như tha, giảm hay hạ mức thuế tô… Nhìn bề ngoài không thấy ngay được sự thực. Nhưng quy cho cùng, tính chất giai cấp vẫn nổi lên rõ rệt. Đó là thực chất của chính sách tô thuế ruộng đất triều Nguyễn nói chung cũng như của chính sách thuế tô ruộng đất tư hữu nói riêng ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.
NGUỒN : DIENDANKIENTHUC.NET*
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: