Đặc điểm cú pháp nổi bật của thơ Đường, như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, là phép tỉnh lược (tỉnh lược chủ từ, giới từ, động từ, các từ so sánh...). Đặc điểm này khiến cho các cụm từ trong câu thơ có quan hệ lỏng lẻo về mặt ngữ pháp, và do thế, chúng có thể kết hợp với nhau theo nhiều cách. Tùy theo mỗi cách kết hợp mà có thể có một cách cắt nghĩa cho lời thơ- đây chính là một nguyên nhân quan trọng đem lại tính đa nghĩa cho câu thơ. Khi phân tích câu thơ: Cô chu nhất hệ cố viên tâm trong Thu hứng (bài 1) của Đỗ Phủ, N. Kôn-rat đưa ra các cách hiểu khác nhau:
- Thứ nhất: "nhà thơ buộc chặt con thuyền và chuẩn bị: có thể biết đâu lại không có khả năng lên đường (tìm về cố viên). Ông làm như thế bởi vì trong tâm khảm ông luôn luôn nghĩ về cố hương)”.
- Thứ hai: "với hình tượng con thuyền buộc chặt nhà thơ muốn nói: dầu thân ông bị trói buộc ở nơi đây nhưng tâm hồn ông thì đã đi xa (tìm về nơi cố hương)”.
- Thứ ba: "con thuyền của nhà thơ buộc chặt vào bờ, trái tim luôn hướng về cố viên của ông cũng bị buộc chặt như thế”(4), Theo N. Kôn-rat: "Còn có nhiều cách giải thích khác". Nguyên nhân của tình trạng này là do "không tìm được liên hệ trong kết cấu ngữ pháp của câu thơ”(5). Giữa 2 cụm từ "cô chu nhất hệ” và "cố viên tâm” không có một yếu tố ngữ pháp nào giữ vai trò kết dính.
Với 1 số phân tích trên có thể thấy cụm từ 'cố viên tâm' được coi là nhãn tự của bài Thu hứng có thể là nói lên trái tim luôn hướng về cố viên của ông