Thông điệp nhà văn muốn gửi gắm qua: “Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được!” của nhân vật Phùng và Đẩu

"Chiếc thuyền ngoài xa" là truyện ngắn điển hình thể hiện được vai trò tiên phong của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong công cuộc đổi mới văn học sau 1975. Trong tác phẩm, tác giả đã hướng ngòi bút đến cuộc sống đa diện, phức tạp của cuộc sống, qua đó đồng cảm với cuộc sống và thân phận của những người lao động nghèo trên biển. Trong tác phẩm, người đọc chú ý đến câu nói" Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được!" của hai nhân vật Phùng và Đẩu. Cùng tìm hiểu nội dung và ý nghĩa thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua câu nói này nhé
Thông điệp nhà văn muốn gửi gắm qua câu nói   “Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu đượ...png

Thông điệp nhà văn muốn gửi gắm qua câu nói:
“Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được!” của hai nhân vật Phùng và Đẩu trong "Chiếc thuyền ngoài xa"
  • Mở bài:
– Tác giả: Nguyễn Minh Châu – nhà văn tiêu biểu của nền văn học cách mạng, người góp phần đổi mới văn học sau 1975.
– Tác phẩm: Chiếc thuyền ngoài xa viết năm 1983, báo hiệu sự chuyển mình của văn học Việt Nam sang thời kỳ mới.
– Giới thiệu cuộc nói chuyện giữa Phùng, Đẩu và người đàn bà ở tòa án. Nêu tình hướng dẫn đến sự ngạc nhiên của Phùng và Đẩu trước thái độ và cách ứng xử của người đàn bà.
  • Thân bài:

1. Tình huống dẫn tới cảm giác ngạc nhiên của nhân vật Phùng và Đẩu

Trong khi đang đắm chìm trong khung cảnh đẹp đẽ, tuyệt bích cùng khát khao sáng tạo nghệ thuật, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đã vô tình chứng kiến tình cảnh nghịch lí, đó là cảnh bạo lực của gia đình hàng chài. Điều lạ lùng hơn nữa là trước những đòn roi tàn nhẫn, lời nói vô tình của người chồng, người đàn bà không hề có phản kháng, cũng không cầu xin mà chỉ cam chịu, nhẫn nhục một cách vô lí.

Để giúp đỡ người đàn bà khỏi cuộc sống như địa ngục “ba ngày một trận nhẹ năm ngày một trận nặng”, dù đã hoàn thành bộ ảnh lịch ngày Tết nhưng Phùng vẫn quyết định ở lại một vài ngày để cùng Đẩu giúp người đàn bà bỏ chồng. Trước sự ngạc nhiên của cả Phùng và Đẩu, người đàn bà hàng chài đã từ chối sự giúp đỡ của họ, thậm chí còn có thái độ sợ hãi, quỳ sụp xuống để cầu xin không phải bỏ chồng. “Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được” là câu nói thể hiện sự ngạc nhiên của Phùng và Đẩu trước thái độ không sao hiểu được của người đàn bà tại tòa án huyện. Họ ngạc nhiên bởi hành động và lời nói của người đàn bà đều đi ngược với những logic thông thường.

2. Nội dung và ý nghĩa thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm qua tình huống.

Một tình huống đầy nghịch lý, có nền là hoàn cảnh, sự việc nhiều éo le:
+ Cảnh bạo lực giữa khung cảnh thơ mộng.
+ Phản ứng lạ lùng của những người người đàn bà.
+ Cách giải quyết sự việc và kết cục bất ngờ. “Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được!” là câu nói mà hai nhân vật Phùng và Đẩu thốt lên tại tòa án huyện, khi họ hỏi (chất vấn) người đàn bà làng chài và lắng nghe những gì chị ta trần tình, giãi bày. Câu nói bộc lộ đỉnh cao của sự ngạc nhiên, sau tất cả những gì mà họ (nhất là Phùng) đã chứng kiến và tham dự, không chỉ tại tòa án mà còn tại bãi biển trong mấy buổi sớm. Họ ngạc nhiên vì thấy mọi việc không diễn ra theo logic bình thường.

Thông điệp nhận thức về bản chất phức tạp của cuộc đời: mọi thứ không phải diễn ra như điều ta tưởng tượng, mong ước và suy đoán; tâm lý con người (nhất là người lao động nghèo khổ) diễn ra rất khác so với hình dung của những kẻ hời hợt hoặc thiếu thực tế. Bạo lực không chỉ có nguyên nhân từ những gì thuộc về bản tính con người mà còn từ sự khốn quẫn trong đời sống. Trong con người cam chịu vẫn có sự cứng cỏi và sự vị tha. Không phải cứ cách mạng về là hết khổ. Những hành động thiện chí không phải bao giờ cũng được đón nhận theo chiều hướng tích cực… Nói chung, nghịch lý luôn chứa đựng trong các sự kiện đời sống, trong mọi hành xử của con người.

Thông điệp nhận thức về độ chênh giữa nghệ thuật và cuộc sống: nghệ thuật hời hợt thường chỉ thấy được bề nổi của sự vật, thường tự thỏa mãn với những cái nhìn thấy “từ xa”, thường chỉ dung nạp những gì thuần nhất, lý tưởng. Nhân vật Phùng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trong quá trình truy tìm cái đẹp, xây dựng ý tưởng sáng tạo. Những điều diễn ra đã giúp anh nhìn sâu hơn về bản chất và trách nhiệm của nghệ thuật chân chính, nghệ thuật vì con người.

3. Đánh giá:

– Thông điệp mà Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm được rút ra từ chiêm nghiệm của một cây bút giàu trách nhiệm với cuộc đời, với nghệ thuật, luôn trăn trở với việc đổi mới văn học. Thông điệp đó, ngoài việc thể hiện rõ định hướng sáng tác của tác giả "Chiếc thuyền ngoài xa" trong giai đoạn mới, còn góp phần tích cực tạo nên bước chuyển của cả nền văn học Việt Nam sau 1975.
  • Kết bài:
“Tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thâm trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài” – một sự cam chịu nhẫn nhục như thế thật đáng để chia sẻ, cảm thông. Thấp thoáng trong hình ảnh người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha, đức hy sinh. Những thông điệp mà nhà văn Nguyễn Minh Châu thể hiện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa không chỉ thể hiện sự tinh tế của một cây bút tài năng mà còn là kết tinh từ chính những chiêm nghiệm của nhà văn giàu trách nhiệm với cuộc đời, luôn trăn trở về cuộc sống và văn học.

Bài tham khảo:

Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn điển hình thể hiện được vai trò tiên phong của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong công cuộc đổi mới văn học sau 1975. Trong tác phẩm, tác giả đã hướng ngòi bút đến cuộc sống đa diện, phức tạp của cuộc sống, qua đó đồng cảm với cuộc sống và thân phận của những người lao động nghèo trên biển. Thể hiện cách nhìn nhận về cuộc sống tưởng chừng bằng phẳng, đẹp đẽ nhưng lại có những góc khuất xù xì, nghịch lí. Trong cách nhìn nhận về cuộc sống ấy, tác giả Nguyễn Minh Châu đã để hai nhân vật Phùng và Đẩu cũng là những nhân vật tư tưởng của tác phẩm thốt lên “Thật không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được”.

Trong khi đang đắm chìm trong khung cảnh đẹp đẽ, tuyệt bích cùng khát khao sáng tạo nghệ thuật, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đã vô tình chứng kiến tình cảnh nghịch lí, đó là cảnh bạo lực của gia đình hàng chài. Điều lạ lùng hơn nữa là trước những đòn roi tàn nhẫn, lời nói vô tình của người chồng, người đàn bà không hề có phản kháng, cũng không cầu xin mà chỉ cam chịu, nhẫn nhục một cách vô lí.

Để giúp đỡ người đàn bà khỏi cuộc sống như địa ngục “ba ngày một trận nhẹ năm ngày một trận nặng”, dù đã hoàn thành bộ ảnh lịch ngày Tết nhưng Phùng vẫn quyết định ở lại một vài ngày để cùng Đẩu giúp người đàn bà bỏ chồng. Trước sự ngạc nhiên của cả Phùng và Đẩu, người đàn bà hàng chài đã từ chối sự giúp đỡ của họ, thậm chí còn có thái độ sợ hãi, quỳ sụp xuống để cầu xin không phải bỏ chồng. “Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được” là câu nói thể hiện sự ngạc nhiên của Phùng và Đẩu trước thái độ không sao hiểu được của người đàn bà tại tòa án huyện. Họ ngạc nhiên bởi hành động và lời nói của người đàn bà đều đi ngược với những logic thông thường.

Sau khi nghe người đàn bà trần tình, giải thích Phùng và Đẩu mới ngỡ ngàng nhận ra cái đa diện, phức tạp của cuộc sống. Điều người đàn bà ấy cần ở hiện tại không phải là là giúp đỡ bỏ lão chồng vũ phu mà là giải pháp thiết thực để cuộc sống bớt đói nghèo, cuộc sống bớt lam lũ. Thông qua sự ngạc nhiên của Phùng và Đẩu, tác giả Nguyễn Minh Châu đã thể hiện những thông điệp về bản chất phức tạp của cuộc đời. Những thứ diễn ra trước mắt đôi khi không giống với những điều ta tưởng tượng, suy đoán. Nếu không cố gắng tìm hiểu ta sẽ chỉ thấy hình thức bên ngoài mà không thấy được cái phức tạp, đa diện của bản chất bên trong.

Hành động bạo lực, lời nói tàn nhẫn của người đàn ông không phải thuộc bản tính con người mà do ông ta quá nghèo khổ, túng quẫn. Bên trong con người cam chịu, nhẫn nhục tưởng như vô lí của người đàn bà hàng chài lại là sự cảm thông sâu sắc, sự am hiểu về cuộc sống và tình thương của chị ta dành cho chồng con. Qua đây tác giả Nguyễn Minh Châu đã thể hiện được sự trăn trở về cuộc sống: không phải cách mạng thành công, hòa bình lập lại là con người hết khổ. Những hành động thiện chí không phải bao giờ cũng có ý nghĩa và được đón nhận theo chiều hướng tích cực.

Cuộc sống không bằng phẳng như hình thức bên ngoài mà nó chứa đựng bao nghịch lí bên trong, từ trong chính những sự kiện đời sống đến cách hành xử của con người. Cùng với thông điệp về cuộc sống, tác giả Nguyễn Minh Châu còn thể hiện được quan niệm về nghệ thuật, giữa cuộc sống và nghệ thuật luôn tồn tại khoảng trống, nếu nghệ thuật hời hợt chỉ phát hiện cái bên ngoài, cái bề nổi của sự vật thì chỉ giống như cái nhìn ngoài xa, một cái nhìn phiến diện. Từ đó tác giả đặt ra trách nhiệm của người nghệ sĩ, để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đích thực cần biết yêu thương, đồng cảm để khám phá ra bản chất bên trong con người, kéo gần mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa người nghệ sĩ và cuộc sống người dân.

Những thông điệp mà nhà văn Nguyễn Minh Châu thể hiện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa không chỉ thể hiện sự tinh tế của một cây bút tài năng mà còn là kết tinh từ chính những chiêm nghiệm của nhà văn giàu trách nhiệm với cuộc đời, luôn trăn trở về cuộc sống và văn học.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top