Thời kỳ phản kháng là gì và 4 cách hiệu quả để cha mẹ xử lí cơn phản kháng của con

Trang Dimple

New member
Xu
38
Thời kỳ phản kháng là gì và 4 cách hiệu quả để cha mẹ xử lí cơn phản kháng của con
3738_nguyen_thi_thu.jpg

Thời kỳ phản kháng: khi nào, quan trọng ra sao và cha mẹ cần làm gì?

Thời kỳ phản kháng (tiếng Nhật là iya iya ki) là giai đoạn tất yếu mà trẻ nào cũng bắt buộc phải đi qua trong quá trình phát triển về tâm lí, cảm xúc. Đó cũng là dấu hiệu để chứng tỏ sự khẳng định cái tôi của trẻ đang hình thành nên việc cha mẹ tiếp cận ra sao có ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách và tâm sinh lí sau này của trẻ.

Đặc biệt là với trẻ từ 0-3 tuổi, lứa tuổi mà trẻ chưa điều chỉnh được cảm xúc và hành vi của mình, nếu cách tiếp cận của cha mẹ không đúng thì rất có thể cái tôi hay cảm xúc của trẻ sẽ không được phát triển một cách trọn vẹn. Vì thế cha mẹ đừng làm mất đi cá tính và tố chất của riêng trẻ chỉ vì sự thiếu kiên nhẫn của mình.

Dấu hiệu đầu tiên của thời kỳ phản kháng chính là khi trẻ bước vào tầm 10-11 tháng tuổi, không thích cái gì là trẻ sẽ cầm đồ vứt đi, bị ba mẹ giằng lấy đồ không cho chơi là khóc ăn vạ. Vì sao thế? Vì giai đoạn này sự tự ý thức, cũng như hạt mầm thể hiện cái tôi đang bắt đầu hình thành và phát triển.

Trẻ khóc đòi lại đồ mẹ vừa giằng lấy từ tay mình vì trẻ chưa hiểu thế nào là phản kháng, mà trẻ ý thức rằng ” không, nó là sở hữu của con mà. Sao mẹ lại lấy, đưa trả con đây”. Hay cho đến lúc này trẻ chưa biết phân biệt đồ chơi của mình với của anh, nhưng khi được tầm 10 tháng tuổi trẻ sẽ bắt đầu ý thức về sự sở hữu của bản thân, và của người khác, và nó là sự ý thức không thể thiếu trong quá trình phát triển. Thời kỳ này cách xử lí quan trọng nhất đó là hãy dựa theo nhu cầu và cảm xúc của trẻ để đáp ứng theo, đồng thời cha mẹ sẽ lồng ghép những mong muốn của mình để truyền tải cho trẻ.

Bước sang khoảng 11 tháng tuổi trẻ sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa của từ “không được”, nên nhiều khi trẻ sẽ cố ý lặp đi lặp lại hành động bị cấm chỉ ấy chỉ để muốn “trêu đùa” mẹ thôi đó. Nếu khi đó mà cha mẹ càng dùng hình phạt để cấm chỉ thì chỉ khiến trẻ càng không nghe lời hơn. Thay vì nghĩ các hình phạt hãy để trẻ được tự do thể hiện ý chí của mình. Trẻ sẽ dần học được cách điều chỉnh cảm xúc của mình bản thân thông qua quá trình trải nghiệm ấy. Cha mẹ càng có nhiều cách tiếp nhận cảm xúc hay cách xử lí phong phú thì sẽ càng biết cách dẫn dụ cảm xúc của trẻ, khiến trẻ biết nghe theo mong muốn của cha mẹ.
Đồng thời khi trẻ hiểu được lời nói của cha mẹ thì hãy bắt đầu thực hiện uốn nắn trong sinh hoạt cho trẻ. Trẻ đã hiểu được ý nghĩa của khen ngợi, cấm đoán, la mắng vì thế hãy phân biệt thật rõ ràng để trẻ biết khi nào trẻ được khen ngợi, khi nào là bị cấm đoán. Hãy khen ngợi khi trẻ làm được việc tốt hay hành động tốt như ăn hết phần ăn dặm, biết vịn bàn đứng lên… Và truyền đạt ý cấm đoán khi trẻ làm sai và hãy làm ví dụ cho trẻ xem như không được sờ ổ điện, không gặm phích cắm…


Mình đã viết rất nhiều note về lời khuyên dành cho cha mẹ để ứng phó với những cơn mè nheo, phản kháng, đôi khi là nghịch ngợm của con trẻ với rất nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên mình nhận thấy không phải cha mẹ nào cũng biết áp dụng nó thành công.

Mình nghĩ điều đầu tiên mà cha mẹ cần làm đó là cần nhận thức rằng thời kỳ phản kháng đối với quá trình phát triển tâm lí, trí tuệ và cảm xúc, cũng quan trọng như việc bạn xây nền móng cho ngôi nhà. Tiếp đến hãy làm sao thay đổi cách tiếp cận với những cơn phản kháng ấy để biến nó trở thành những niềm vui và kỉ niệm nho nhỏ trên hành trình nuôi dưỡng con mình.

Không nhất thiết phải quá cầu toàn “không la mắng” mà thay vào đó hãy tìm cách thể hiện sự “quyền uy” trong lời nói và hành động để truyền tải cho trẻ thông điệp nghe lời. Sự quyền uy ấy không phải xây dựng bằng sự sợ hãi của trẻ mà là sự tin tưởng của trẻ dành cho cha mẹ. Quá trình xây dựng niềm tin tưởng tuyệt đối ấy rất cần cha mẹ kiên nhẫn, sáng tạo, cộng thêm một chút thấu hiểu tâm lí con trẻ, thì chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả.

4 cách xử lí với những cơn phản kháng của con

Hôm nay mình lại xin gửi đến cha mẹ những cách rất hữu hiệu và thực tiễn mình tóm tắt từ chương trình tư vấn nuôi dạy con trên đài truyền hình NHK dành cho lứa tuổi 0-3 tuổi (đặc biệt là các nhóc ở tuổi 2-3). Mình viết dưới dạng kể tình huống cu thể để cha mẹ dễ hình dung. Nhân vật chính là cậu bé M được 2 tuổi 1 tháng.

1. Tiếp nhận mong muốn

Bon rất thích ô tô hay những đồ chơi chạy được như bao cậu nhóc 2-3 tuổi khác. Hôm đó đang ăn cơm trưa nhưng cậu ta nhất quyết đòi mẹ cái ô tô. Mẹ nói để mẹ đi tìm giúp, nhưng mẹ giơ cái nào lên cậu cũng không chịu và khóc lóc. Vì mới 2 tuổi nên vốn từ còn hạn chế, cậu chưa biết nói cho người khác hiểu mong muốn của mình nên nói mãi mẹ chẳng biết cậu muốn gì. Mẹ cầm đại lấy một cái ô tô đến bên cậu. Mẹ bắt đầu dẫn dụ “Cái ô tô này phải không nhỉ. À không phải à. À cái ô tô con thích là cái giống xe cẩu đứng không. À, nhưng cái đó con làm rơi hôm trước đi chơi mất rồi”. Sau những lời dẫn dụ và mẹ đã diễn giải thành từ ngữ rõ ràng những điều cậu muốn nói thì M đã gật đầu, rồi chỉ một vài phút sau là cậu lại vui vẻ trở lại.

Điều quan trọng trong tình huống này khi trẻ có nhu cầu hãy tiếp nhận mong muốn ấy. Rồi tích cực trao đổi, trò chuyện để dẫn dụ và diễn giải ý muốn của trẻ thành câu rõ ràng. Vì trẻ ở giai đoạn này nhiều khi do vốn từ hạn chế nên bé không biết diễn tả mong muốn của mình một cách trọn vẹn để người khác hiểu. Hơn nữa tiếp nhận mong muốn còn có tác dụng to lớn đó là nuôi dưỡng cái tôi lớn lên khỏe mạnh. Càng trẻ nào được cha mẹ tiếp nhận nhu cầu chiều chuộng một cách hợp lí thì càng có một tâm hồn phát triển khỏe khắn, càng có tự tin. Vì trẻ luôn cảm nhận được tình yêu thương dạt dào từ cha mẹ.

2. Thể hiện sự dứt khoát, quyết đoán khi truyền tải thông điệp cho trẻ

Ăn cơm xong M được mẹ dẫn ra bồn nước để rửa tay, rửa miệng. Nhưng cậu nhất quyết đòi đứng nghịch thêm với vòi nước chút xíu nữa cơ. Mẹ nói rất dứt khoát với cậu “Không được. Con không được nghịch nước nữa”. Dùng dằng độ 1 phút cậu mới chịu bước từ ghế xuống nhưng vẫn cố nói thêm “Con vẫn muốn nghịch nước cơ”. Khi M bước xuống rồi mẹ liền gấp cái ghế lại để vào góc nhà thì cậu lăn ra ăn vạ “Không, tự gấp cơ, tự gấp cơ” để đòi gấp cái ghế nhựa đó. Thế là mẹ liền nói “Ừ, con muốn tự gấp đúng không. Mẹ để con tự gấp đây”. Rồi mở lại cái ghế cho cu cậu tự gấp rồi chỉ chỗ để cu cậu cất đi.

Thế đấy, tình huống này vừa cương vừa nhu nhưng rất hợp lí. Cái nào chiều theo nhu cầu thì chiều trẻ, nhưng cái nào không được, cái nào vi phạm vào khung giới hạn cho phép thì cha mẹ hãy thể hiện thái độ cương quyết dứt khoát để cho trẻ hiểu. Thông qua cách xử lí như vậy trẻ cũng sẽ học được cách điều chỉnh sự mong muốn của bản thân để phù hợp với cha mẹ và sau này là với người khác. Đó cũng là một bài học về sự tiết chế, biết trước biết sau. Đồng thời nó cũng giúp cả cha mẹ điều chỉnh cảm xúc hay sự bực bội của mình, tránh tình trạng lúc nào cũng cứ phải gồng mình chiều theo mong muốn của con.


3. Mặc kệ nó
Hôm đó hai mẹ con cùng ngồi xem máy ảnh. Nhưng M nhất quyết đòi nghịch ống kính và mẹ dứt khoát không đưa. Cậu lăn ra ăn vạ rất to. Mẹ dỗ, mẹ bế kiểu gì cu cậu cũng không nín vẫn cứ lăn lộn khóc. Mẹ liền để mặc cậu nằm đấy khóc và đi ra chỗ khác. M vẫn khóc, nhưng chỉ một chút sau là tự nín đứng dậy đi ra chơi chỗ mẹ. Khi không còn cách nào khác dù đã mềm mỏng, đã cứng rắn rồi thì mặc kệ nó là chiêu hữu hiệu. Vì đó là cách để trẻ được ở một mình, bình tĩnh lại, rồi tự mình điều chỉnh lại cảm xúc của bản thân. Nên cha mẹ để mặc kệ nó cho đến khi nó tự khỏi hoặc mặc kệ nó trong vòng 5-10 phút chính là cho trẻ cơ hội để học cách điều chỉnh cảm xúc của bản thân đó.
4. Lảng sang chuyện khác để đánh lạc hướng

Hôm ấy M giúp mẹ rửa bát. Hai mẹ con rửa bát xong rồi mà cậu vẫn khoái trò nghịch vòi nước chảy. Mẹ nói là “Vậy thì mình chỉ chơi thêm 5 phút thôi nhé”, rồi lấy đồng hồ bấm giờ. Thế nhưng hết 5 phút rồi mà cu cậu vẫn không có ý định dừng lại chỉ vì cậu thích nghe tiếng “zà, zà” của vòi nước. Mẹ đã kiên nhẫn nói rằng mình đã chơi hết 5 phút rồi nên con phải giữ lời hứa, không được chơi nữa. Cu cậu vẫn không nghe (vì tầm 2-3 tuổi bé chỉ tập trung vào ý thức của bản thân chứ chưa hiểu lí lẽ nhiều nên mẹ có giải thích nhiều đôi khi cũng không hiệu quả).

Thế là mẹ liền tắt vòi, bế M chạy đi chỗ khác khiến cậu la toáng lên khóc lóc ăn vạ. Mẹ bế đến bên ghế rồi dụ “Mình đi chơi cát ngoài sân đi. Hôm nay mình chưa đi mà”. Chỉ 1-2 phút sau khi mẹ thuyết phục là M đã xuôi xuôi vụ vòi nước, và lại hớn hở trở lại ngay rồi háo hức đi chơi cát cùng mẹ.

 
Người Nhật coi trọng điều gì
1. Sự cố gắng quan trọng hơn tài năng của bạn

Mình chỉ thực sự nhận ra người Nhật coi trọng sự cố gắng là khi mình bước vào năm 4, bắt đầu làm đề tài nghiên cứu tốt nghiệp, và sau này là lên thạc sĩ, tiến sĩ. Mình nhận thấy hễ khi nào giáo sư tỏ ra hài lòng với học sinh thì câu đầu tiên bao giờ cũng là “Rất cố gắng”. Các giáo sư sẽ đánh giá cao sự nỗ lực của bạn mỗi ngày, sự tiến bộ qua cả 1 quá trình phấn đấu chứ không bao giờ nhìn vào tài năng hay xuất phát điểm mà bạn có. Vì thế nếu tinh ý bạn sẽ nhận ra câu đầu tiên người Nhật khen bạn là “Bạn cố gắng lắm”, câu đầu tiên họ khích lệ bạn là “Cố lên nhé”.

Và hôm vừa rồi khi nghe hai chị bạn mình đang làm cho công ty Nhật kể chuyện rằng, qua một thời gian dài làm việc cho sếp Nhật, họ nhận ra rằng người Nhật rất coi trọng sự cố gắng của bạn, vì thế muốn PR bản thân cho sếp biết, bạn phải show sự cố gắng của bản thân, cho họ thấy được thành quả mà bạn đạt được là một quá trình mà bạn đã phấn đấu, nỗ lực để có được. Ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, dù chỉ 1 chút xíu thôi cũng được. Nhưng từng chút xíu đó sẽ đưa bạn đến nấc thang cao vợi mà bạn mong ước.

Còn ở môi trường nghiên cứu, mình nhận thấy kết quả bạn đạt được ở luận văn không được các giáo sư đánh giá cao bằng việc bạn nỗ lực để giải quyết vấn đề trong luận văn đó như nào, và làm nó chỉn chu như thế nào. Hãy cố gắng làm đến cùng từng việc nhỏ, còn hơn là làm việc lớn mà dở dang. Nó chính là bằng chứng của sự nỗ lực.

2. Sự thành thật

Có bạn ở Việt Nam hỏi mình là học sinh Nhật có quay cóp không. Bằng trải nghiệm thực tế mình có thể trả lời là 95-99% học sinh Nhật không quay cóp bài, mình chỉ thấy vài anh Trung Quốc với Việt Nam quay bài hay nhòm bài của bạn thôi. Mình thực sự bất ngờ về độ trung thực của học sinh Nhật khi bắt đầu vào đại học. Những bài kiểm tra, dù không làm được họ sẽ để giấy trắng, việc cho bạn nhìn bài hay nhìn bài bạn cũng là hành vi quay cóp và các bạn sinh viên Nhật hầu như không làm thế bao giờ.

Trong cuộc sống, chính vì họ coi trong sự thành thực nên bạn nói gì họ cũng tin. Chính vì thế mới có những cửa hàng bán rau củ không có người bán, chỉ cần bạn bỏ đủ số tiền vào giỏ khi mua là được. Nhưng một khi bạn bị họ phát hiện nói dối thì còn lâu mới lấy lại được niềm tin nơi họ. Sự thành thực theo mình chính là nấc thang cao nhất để đánh giá phẩm giá của con người.

3. Mọi công việc đều có giá trị tốt đẹp như nhau

Nghèo nhưng không hèn. Mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh, đều bình đẳng như nhau. Mọi công việc đều có tầm quan trọng như nhau. Chính vì người Nhật được dạy như thế nên ở Nhật không có kiểu miệt thị, kè bỉu những người lao động chân tay như dọn dẹp nhà vệ sinh, lau dọn, bốc vác. Mình chứng kiến nhiều lần, rất nhiều các giáo sư trường mình khi đi ở hành lang gặp những bác lao công đang lau sàn hay lau nhà vệ sinh đều cúi đầu chào.

4. Quần áo không làm nên nhân cách

Hồi năm 4 đại học mình theo đoàn nghiên cứu sang Việt Nam công tác. Buổi tối trọ ở khu quận 1 của Tp. Hồ Chí Minh, mấy bác mặc quần sọc lửng, áo phông, đi giày dạo phố. Thấy khu đường Đồng Khởi có quán cà phê rất sang ở khách sạn sang bậc nhất HCM, các bác định ghé vào uống thử, lập tức bị mấy anh canh cửa không cho vào vì ăn mặc như dân bụi ấy, chả biết túi có tiền hay không.

Họ bảo, nếu ở Nhật thì chẳng bao giờ có chuyện đó đâu. Quả thật, bình thường người Nhật không đánh giá con người, đánh giá túi tiền qua trang phục bạn mặc, nên chuyện ăn mặc ở Nhật rất thoải mái. Bạn mặc rách rưới mà bước vô nhà hàng sang trọng thi tất cả nhân viên vẫn cứ cúi rạp xuống chào đón bạn. Vì tất cả mọi khách hàng đều là thượng đế, và tất cả đều được phục vụ như nhau. 6 năm làm thêm ở quán nhậu của Nhật đủ để mình trải nghiệm rõ nhất điều này. Dù khác hàng có là những anh chàng mình xăm trổ, ăn mặc khá bặm trợn đi vào quán đi nữa nhưng chủ quán đều tiếp đãi không khác gì những vị khách khác mặc vec sang trọng.

Giá trị của bản thân không phải thông qua tấm áo bạn khoác trên người, nên không việc gì phải tự ti nếu như bạn không có những bộ quần áo đẹp, xe xịn, hay bạn sinh ra trong gia đình nghèo khó. Giá trị thực sự nằm ở nhân cách, ở những gì tốt đẹp mà bạn có thể làm cho đời.

5. Mỗi con người sinh ra đều có một sứ mệnh riêng

Vì thế không cần thiết phải so sánh bản thân mình với những người khác. Chỉ cần chúng ta tự tìm ra được sứ mệnh cuộc đời của chính mình, theo đuổi nó đến cùng với tất cả đam mê và sự kiên trì, thế là đủ. Thực ra đây là giá trị lớn nhất mình học được sau 11 năm ở Nhật, bên cạnh coi trọng sự cố gắng mỗi ngày.

Những năm tháng học ở Đông Du mình luôn mặc cảm tự ti học dốt hơn so với các bạn học sinh trường chuyên khác học rất giỏi. Mình thi đỗ vào đại học bình thường của Nhật trong khi các bạn khác đều đỗ tới vài trường, mà lại là trường nổi tiếng. Nhưng rồi khi bước chân vào đại học, mình nhận ra được bài học lớn nhất chính là mỗi người đều có một khả năng khác nhau, chỉ cần biết bản thân đam mê với cái gì và có quyết tâm theo đuổi nó đến cùng chứ không cần phải so sánh với người khác. Mỗi chúng ta sinh ra đều có một sứ mệnh, cuộc sống này chính là hành trình khám phá ra sứ mệnh đó của bản thân, tự học hỏi và hoàn thiện bản thân mình sau những vấp ngã, những thất bại.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top