THỜI CHÚA TRỊNH VUA LÊ ĐÃ ĐẠT ĐỈNH CAO CỦA VĂN HÓA THĂNG LONG
Cuộc chiến tranh phù Lê diệt Mạc chấm dứt cuối năm 1592 sau khi con cháu triều Mạc chạy lên ẩn náu tại Cao Bằng. Trịnh Tùng chiếm lại Thăng Long, cai trị toàn cõi Đàng Ngoài, đặt phủ chúa với hệ thống quan lại riêng, định chế độ cha truyền con nối, thu tóm mọi quyền hành bên cạnh triều đình vua Lê bù nhìn.
Chúa Trịnh, một mặt phát động chiến tranh chống chúa Nguyễn ở Đàng Trong (đánh lớn từ 1527 tới 1572) và đánh dẹp nhiều cuộc nổi dậy của nông dân đàng ngoài , mặt khác ra sức ổn định tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa và ngoại giao, biến Thăng Long thành một kinh đô giàu có và văn hiến. Có thể khẳng định thời Trịnh - Lê Mạt đã chứng kiến hai thế kỷ phát triển rực rỡ của văn hóa Thăng Long.
Hai thế kỷ xán lạn của văn hóa dân gian Đại Việt
Tất cả các lãnh vực văn hóa dân gian đều có những sáng tạo đẹp đẽ, những thành công vượt bực chưa từng thấy. Trước hết đây là thời kỳ phát triển phong phú của nhiều trào lưu tranh dân gian ở nông thôn lẫn thành đô. Dựa trên gia phả các nghệ nhân làng Hồ, có thể biết được là tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) đã ra đời cách nay trên dưới 500 năm. Sau đó lại xuất hiện tranh Kim Hoàng (Hà Tây) và trễ hơn một chút là tranh Hàng Trống (Thăng Long).
Đây cũng là thời kỳ vàng son của kiến trúc, điêu khắc và trang trí dân gian với sự xuất hiện của hàng chục ngôi chùa Phật và ngôi đình làng mà một số khá nhiều đã bị khí hậu và chiến tranh hủy hoại. May mắn là một số chùa đình lớn đẹp vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.
Trước hết phải nhắc tới chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), khởi dựng từ thời Trần nhưng được trùng tu lớn (1646-1647) để trở thành một quần thể hoàn chỉnh trên một trục dài hơn 100 mét. Phía bên phải chùa có tháp Bút (Báo Nghiêm) bằng đá xanh năm tầng, cao trên 13 mét, là một tháp đẹp quí hiếm. Kiệt tác thứ hai tô điểm cho chùa là tượng gỗ Phật Bà Quan Âm ngàn mắt ngàn tay, cao tới 3,70 mét (1656). Thứ ba là một tập hợp 91 bức chạm đá trên lan can bao quanh tòa thượng điện với những đề tài đa dạng (động vật, cỏ cây, mây nước...).
Ngôi đình đẹp nhất của Đàng Ngoài ở thế kỷ 17 là đình Chu Quyến (Hà Tây), dài 30 mét, với bộ khung gồm sáu hàng cột lim thật lớn và một sàn gỗ rất rộng, cao cách mặt đất 0,8 mét như kiểu nhà sàn Việt cổ thời đại Đông Sơn. Nội thất đình còn giữ được nhiều hình chạm khắc gỗ đẹp độc đáo như các cảnh chọi gà, gảy đàn, hát múa, phượng mẹ giữa đàn phượng con...
Nổi tiếng hơn cả giữa các ngôi đình Việt cổ xưa là đình Đình Bảng (Bắc Ninh), được xây trong hơn 30 năm trời mới xong (1700-1736). Đây là ngôi đình lớn nhất nước, dài 40 mét, rộng 15 mét, 7 gian, 2 chái với sáu hàng cột lim đồ sộ, đường kính từ 0,55 mét tới 0,65 mét, với nhiều bức chạm khắc gỗ đẹp sống động trên hầu khắp toàn bộ khung nhà: những hình rồng, phượng, lân, cảnh 8 ngựa cùng phi ...
Bên cạnh các thành tựu xuất sắc của mỹ thuật dân gian, văn học dân gian thế kỷ 17-18 đã không chịu nhường bước. Đây là thời kỳ xuất hiện của nhiều loại truyện cổ tích: cổ tích loài vật với "Châu chấu đá voi", "Con cóc là cậu ông trời"... ; cổ tích thế sự với "Vợ chàng Trương", "Cây tre trăm đốt"... ; cổ tích thần kỳ như "Hòn vọng phu", "Tú Uyên", "Từ Thức", ...
Truyện ngụ ngôn ra đời làm chứng cho sự trưởng thành của trí tuệ dân gian: "Trí khôn tao đây", "Thả mồi bắt bóng", "Giết chó dạy chồng"...
Trong không khí loạn lạc bất an, khi dân không còn sợ vua quan, cường hào ác bá nữa thì truyện cười, truyện Trạng nảy nở mạnh mẽ dồi dào. Những nhân vật quyền thế, danh giá nhất trong xã hội đều trở nên thảm hại, làm trò cười cho dân gian như nhà nho trong Thầy đồ nói liều, như nhà sư trong Nam mô boong, và nhất là vua chúa trong hai hệ thống truyện Trạng Quỳnh và truyện Trạng Lợn.
Thế kỷ 17-18 cũng là thời kỳ nở rộ của tục ngữ, ca dao, dân ca, vè và truyện nôm khuyết danh, đánh dấu vị trí ưu việt của thể thơ lục bát thắm đượm nghĩa tình dân gian:
... Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.
Bên cạnh một số ít truyện nôm có tên tác giả là những nhà nho, đã xuất hiện hàng loạt truyện nôm khuyết danh: những Quan Âm Thị Kính, Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn... ở đó người bình dân đã gởi gắm nhiều ý tình bức xúc và nỗi niềm thân phận. Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.
Y học, văn học và khoa học nhân văn qua bốn gương mặt danh nhân tiêu biểu
Trong những lãnh vực vừa kể, các danh nhân thế kỷ 17-18 thật là đông đảo đếm được hàng chục người (xem Tổng tập văn học Việt Nam, 2000; Tự điển văn học Việt Nam, bộ mới, 2005). Nếu phải lựa chọn những gương mặt tiêu biểu thì cần phải nói tới hai đại danh y, một nhà thơ nữ lỗi lạc và một nhà bác học.
Thời Trịnh - Lê Mạt có nhiều thầy thuốc giỏi, nhưng đáng gọi là danh y đã nổi lên hai tên tuổi.
Nguyễn Bá Tĩnh, hiệu Tuệ Tĩnh (không rõ năm sinh, năm mất), quê ở Hải Dương. Trước đây có sự lầm lẫn ông là người thời Trần nhưng những nghiên cứu mới nhất cho thấy ông sống ở thế kỷ 17 và đã viết hai bộ sách Nam dược thần hiệu và Thập tam phương gia giảm, được xem là nền móng của y dược học cổ truyền dân tộc. Điều đáng khen ngợi là vị đại danh y đã chủ ý viết bằng chữ Nôm theo lối thơ phú cho nên tác phẩm của ông được phổ biến rộng rãi trong quần chúng.
Cần nói rõ thêm vị đại danh y này cũng là một thiền sư, người đã xây dựng hoặc tu bổ tổng cộng 24 ngôi chùa, trong số đó có chùa Giám ở Hải Dương là nơi thiền sư đào tạo tăng ni thành thầy thuốc, biến trai phòng thành nơi bào chế, biến vườn chùa thành vườn trồng các cây thuốc thu thập từ bốn phương.
Lê Hữu Trác, hiệu Hải Thượng Lãn Ông (1724-1791), cũng quê ở Hải Dương, xuất thân từ một gia đình thế gia vọng tộc, đã từ bỏ công danh phú quí, rời hẳn Thăng Long về sống ở quê mẹ (Hương Sơn, Hà Tĩnh) và cống hiến trọn đời cho nghề thầy thuốc. Ông đã tự hứa với mình "làm hết mọi việc có thể làm và trước thuật thật sâu rộng để cắm ngọn cờ đào trong y giới".
Sự nghiệp của ông được tập hợp trong bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh (66 quyển), được biên soạn trong ngót 40 năm, và mãi đến 75 năm sau khi ông mất sách mới được in ra toàn bộ. Đây là một công trình đại qui mô kế thừa có phê phán và sáng tạo những trước tác y học của nhiều thế hệ ở Trung Quốc và Việt Nam. Nó đáng được coi là bộ bách khoa thư y học của thế kỷ 18, mà cũng bộ sách y dược hoàn hảo nhất trong thời đại quân chủ.
Lê Hữu Trác đã đúc kết kinh nghiệm của mình, so sánh với thành tựu những người đi trước với thái độ độc lập suy nghĩ và quyết tâm đi tìm chân lý bằng bản lĩnh đầy tự tin của riêng mình: "Thà đắc tội với các bậc tiền bối chớ quyết không phụ rẫy sở học của tôi". Ông đã chủ trương một cái học xuất phát từ điểm gốc "lấy đó làm cương lĩnh rồi theo loại mà suy rộng mãi ra để rồi học một biết mười, biết trăm".
Ông còn là một nhà văn xuất sắc, sau khi được mời lên kinh đô chữa bệnh cho cha con chúa Trịnh, ông sáng tác Thượng kinh ký sự (1782) là tập bút ký của một ngọn bút tài hoa.
Đoàn Thị Điểm (1705-1748), hiệu Nữ Sĩ Hồng Hà, quê ở Chương Dương (Hà Tây ngày nay), là một nhà văn, nhà thơ uyên bác, đã từng mở trường dạy học tại quê nhà với đông đảo học trò trong đó nhiều người sẽ thành đạt. Tiếp thu kinh nghiệm Nguyễn Dữ, tác giả nổi tiếng của Truyền kỳ mạn lục, bà đã dùng chữ Hán viết Truyền kỳ tân phả, một tập truyện dân gian đề cao nhiều nhân vật nữ với những mối tình nồng nàn, niềm khát khao hạnh phúc và phẩm chất trong sáng.
Nhưng bà được người đời tôn sùng, chủ yếu vì đã diễn Nôm Khúc ngâm chinh phụ, nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn (không rõ năm sinh, năm mất). Từ lâu mọi người đều nhất trí như vậy, nhưng từ năm 1926 có giả thuyết nói bản dịch ấy là của Phan Huy Ích. Hiện nay đã tìm ra sáu bản dịch khác nhau nhưng chưa có lập luận nào bác bỏ được một cách thuyết phục Đoàn Thị Điểm là người diễn Nôm Khúc ngâm tuyệt tác này.
Tuy nhiên, dù bản dịch là của bà hay của ai khác (hiện nay chưa có kết luận dứt khoát), chúng ta vẫn có thể khẳng định: qua hình tượng cao quí và sừng sững như núi Vọng Phu của người phụ nữ Việt, nạn nhân đằng đẳng của chiến tranh đến nỗi:
Khi mơ những tiếc khi tàn
Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không!
thì bản diễn Nôm hiện hành của Khúc ngâm vẫn là áng văn tuyệt đẹp, được mến mộ và phổ biến sâu rộng không nhường Truyện Kiều.Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không!
Tuy nhiên, vì quan tâm nhiều hơn tới khoa học nhân văn, ông đã chuyên tâm duyệt lại lịch sử các triều đại và lịch sử triết học phương Đông. Từ những thành bại của quá khứ soi rọi vào thực tế hiện tại, ông chủ trương : trị nước ngoài phương pháp đức trị phải coi trọng pháp trị, phải trọng người hiền tài, không được câu nệ đẳng cấp xã hội.
Điều đáng khâm phục nhất là niềm tự hào sâu sắc của ông về nền văn hiến lâu đời của dân tộc, kèm theo ý thức và nổ lực giữ gìn những thành quả mà dân tộc đã tạo dựng được suốt mấy ngàn năm dựng nước. Cụ thể là với Toàn việt thi lục và Hoàng Việt văn hải, ông đã sưu tầm khảo sát được thơ văn của 175 tác giả và 21 tác phẩm khuyết danh từ thời Lý tới thời Trịnh.
Nhờ những cố gắng sưu khảo lớn lao của ông, ta có được một cái nhìn khái quát về vốn văn hóa, văn minh đáng kể của cha ông qua những kiệt tác như Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục, và nhất là Vân đài loại ngữ là những công trình văn hóa quan trọng của Lê Quý Đôn ở cuối thế kỷ 18 báo hiệu cho sự ra đời bộ sách bách khoa lớn của Phan Huy Chú đầu thế kỷ 19: Lịch triều hiến chương loại chí.
Có lẽ không có gì quá đáng khi khẳng định Lê Quý Đôn là một trong vài nhân vật văn hóa lớn nhất của thời đại quân chủ Việt Nam ngàn năm.
Nguồn: Trích Việt Nam văn hiến ngàn năm