THƠ NGUYỄN KHUYẾN
Tiểu Sử Tác Giả
Nguyễn Khuyến: (1835-1910)
Trước tên là Nguyễn Văn Thắng; hiệu Quế Sơn. Là một thi gia cận đại lỗi lạc Người làng Yên Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Sinh ngày rằm tháng giêng năm 1835. Thụ giáo ông Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị và có tiếng hay chữ nhất trường. Năm 1864 (Tự Đức thứ 17), đỗ giải Nguyên Trường Hà Nội. Năm sau, thi hội không đỗ; từ đó ông đổi tên là Nguyễn Khuyến, rồi vào kinh đô Huế học trường Quốc Tử Giám. Đến năm 1871, (Tự Đức thứ 24) ông đỗ đầu luôn thi Hội lẫn thi Đình; do đó người đương thời gọi là Tam Nguyên Yên Đỗ.
Ông ra làm quan, đến chức Sơn Hưng Tuyên tổng đốc. Gặp lúc đất nước bị họa xâm lăn, ông thường tỏ ra thái độ bất hợp tác với giặc Pháp. Nhân bị đau mắt nặng, ông cáo quan để về nhà dạy học.
Đến năm 1910, ông mất, thọ được 76 tuổi. Giỏi về thơ nôm, Nguyễn Khuyến dùng đủ các thể ca, từ, thi, phú để tả cảnh, tả tình hoặc trào phúng, nay còn lưu lại trong: "Quế Sơn Thi Văn Tập".
Thơ Nguyễn Khuyến có tính cách phổ thông vì dễ hiểu, giản dị, tự nhiên, nhưng vẫn tỏ rõ được tấm lòng ưu thời mẫn thế của một nhà nho đầy khí tiết.