Bình thơ Sông Quê:
TÌM II
Em về lở đất – Trồng cây
Anh đi nam bắc đông tây – Tìm vàng.
Gần nhau từ nghĩa tình làng
Xa nhau từ chốn quan sang thị thành.
Chiều tà thấy nắng mong manh
Anh về – Tìm lối cây xanh em trồng.
Duyên xưa tình cũ vẫn nồng
Bởi em đâu đổi thay lòng – Đã trao!
Sài Gòn – 2010 – Sông Quê.
Em về, anh đi... những hình ảnh đối lập ngay từ đầu bài thơ. Em về và anh đi, em trồng cây, anh… tìm vàng, hai cách nhìn nhận, hai cách sống hoàn toàn khác biệt.
“Gần nhau từ nghĩa tình làng
Xa nhau từ chốn quan sang thị thành”
Gần nhau… xa nhau, vẫn là những cụm từ mang nghĩa đối lập. Đã biết bao đôi lứa nên duyên từ “nghĩa tình làng” thật gần gũi, dung dị. Nhưng cũng đã có biết bao chuyện tình tan vỡ vì một trong hai người đã không còn là “người làng” của nhau, mà đã trở thành người của chốn “quan sang thị thành” thật lạ lẫm, thật xa xăm, không còn tìm thấy nhau nữa.
Từ hai cách nhìn, hai cách sống khác nhau, đã mất nhau.
Và rồi :
“Chiều tà thấy nắng mong manh
Anh về – Tìm lối cây xanh em trồng”
Phải chăng nơi chốn thị thành xa hoa, đô hội, rồi một lúc nào đó, nhất là khi “chiều tà”, “nắng mong manh”, một điều gì đó như đang ở đoạn cuối, mong manh lắm, một điều gì đó sắp kết thúc, hay chỉ đơn giản là trong một buổi chiều nọ, bỗng dưng nỗi nhớ da diết và đầy tiếc nuối về người xưa, về những kỷ niệm nơi làng quê mộc mạc đầy ắp tình người chân chất, thật giản dị nhưng thật ấm áp mà nơi chốn thị thành đầy xa hoa phù phiếm không thể nào có được, không thể nào bù đắp được, bỗng dâng lên nỗi khao khát được quay về ."Tình làng" trong bài thơ còn mang ý nghĩa tượng trưng cho một nơi mà ta cảm thấy gần gũi bình yên nhất trong cuộc đời mình.
Hình ảnh “ lối cây xanh” của Sông Quê thật mát dịu, thật yên lành… Một hình bóng quen thuộc của ngày nào đang tìm về…
”Duyên xưa tình cũ vẫn nồng
Bởi em đâu đổi thay lòng – Đã trao!”
Thật nhân hậu và nồng ấm thủy chung, người xưa như những hàng cây cổ thụ vững chãi vẫn đứng đó tỏa bóng râm, giữ đất làng, và chờ đợi nhau…
Tường Vi
2010.