• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Thợ đào đá truyền kiếp - Ngô Tự Lập

  • Thread starter Tuyền Nguyễn
  • Ngày gửi
T

Tuyền Nguyễn

Guest
Thợ đào đá truyền kiếp


Hố nhỏ đã thành hố lớn, rồi thành ao cạn, còn xung quanh đất cao dần lên mãi, chất ngất lưng chừng trời.

Nhưng dù có cao nữa, tới tận đỉnh trời, thì lão cũng phải đào cho kì cùng, phải làm rõ thực hư - bấy lâu nay lão nằm mơ hay tỉnh?

Nếu tỉnh thì mọi chuyện xảy ra lâu lắm rồi, từ khi lão mới ngoài ba mươi, nhà lão chưa bị bão cuốn đi, còn chỗ này là cây ổi dại, cao ngang đầu người, quả sần sùi như bị mụn cơm, thỉnh thoảng lão buồn tay hái về chấm muối, ăn chát xít.

Đàn ông ngoài ba mươi tuổi chưa có vợ coi như dở hơi. Lão không có tiền cưới vợ, nhưng đào đá ong khoẻ nhất vùng. Lão tưởng chiếc thó(1) có thể làm được tất cả, vì thế vẫn thường tơ tưởng đến cái lúm đồng tiền sâu như tổ cùng cùng(2) trên má cô Bống, con gái ông Cả Lễ.

Trong làng người ta hay đem lão ra làm trò cười. Nhưng lão chẳng thấy có gì đáng cười. ừ thì lão quanh năm sù sụ đôi giày lính (bấy giờ còn chưa há mõm). Nhưng đâu phải cứ đi giày là nóng. Cha lão cũng suốt đời đi đôi giày ấy - ông cướp được của Tây hồi theo nghĩa quân Đề Thám. Đôi giày khiến lão lúc nào cũng nhớ đến cha. Rồi cả chuyện lão ở trần cũng vậy. Nghề đào đá ong có khác gì đánh vật, suốt ngày mồ hôi mồ kê như tắm, quần áo dài chỉ tổ vướng. Vả lại, tiền công mỗi ngày mỗi hạ, đến hai bữa cơm độn sắn khô với mắm tép còn chưa đủ, nói gì đến áo với chả quần.

Ngôi nhà lá một gian hai chái, nằm tách biệt bên kia sườn đồi. Lão nấu cơm trong nhà, uống nước mưa bằng gáo dừa, lót ổ rơm thay chõng. Không biết ngày trước do làm nghề đào đá nên cha lão dựng nhà ở đây hay do tình cờ ở gần vỉa đá mà làm nghề ấy. Năm lên mười, mẹ mất, lão cũng bắt đầu cầm cán thó.

Lão không có bạn, nhưng trong làng cũng không ai ghét lão. Thỉnh thoảng lại có người ra tìm, nhờ làm giúp những công việc nặng, tỉ như đầm nền nhà, sửa chuồng lợn... Lão ngắc ngắc cái đầu. Như thế nghĩa là đồng ý, và vui lắm. Công xá khỏi phải lo, một bữa cơm rượu là xong. Dân làng cũng nghèo, thường chỉ có rượu với lạc rang. Lão không thuộc hạng bợm rượu, bất quá vài chén con. Nhưng lão thích cảnh khề khà trên chiếu, chân xếp bằng tròn, nghĩa là giống những người đàn ông khác. Không nói với ai, nhưng nếu lâu lâu không thấy người ra lão lại bồn chồn, có ý chờ.

Hôm sửa chuồng bò cho nhà Cả Lễ, lão gặp may. Con gà mái mơ tưởng mất trộm (bà Cả Lễ đã chống nạnh đứng chửi độc suốt một buổi chiều) hoá ra bị rù chết ngoài bờ tre, kiến bâu đầy, chuột khoét cả hai mắt. Cả đời lão mới được ăn thịt gà một lần, hồi cha mất. Thịt lợn cũng chỉ ngày Tết mới dám mua nửa cân bạc nhạc gọi là. Con mái mơ đã già, dai ngoách, nhưng uống rượu hoá lại hợp. Chỉ có thằng Túc lăn ra sân, khóc vào vạo đến sưng cả mắt. Cô Bống từ dưới bếp te tái chạy lên dỗ em, cho nó cái chân lỗ chỗ những tổ mò. Đó chính là lần đầu tiên lão trông thấy cái lúm đồng tiền trên má cô Bống.

Vỉa đá lộ thiên, cách bờ suối không xa. Lão xếp đá thành kiêu, cạnh đoạn hào do cha để lại. Con đường mòn men theo bờ suối. Về phía hạ lưu, xuống dốc Cổn, nghe nói rồi còn đi xa nữa, ra tận biển. Bấy giờ còn Phượng Sò. Lão già chột mắt, giọng the thé, quanh năm bẳn gắt như mắm tôm. Cứ hai ngày một lần, lão lộc cộc đánh xe bò lên - chiếc xe cũng rệu rã và sặc mùi rượu như chính lão - chở đá đi bán cho phu mỏ.

Một hôm lão nghe tiếng thằng Túc. Vẫn tiếng khóc hôm con gà mái mơ của nó bị vặt lông. Hoá ra nó đi tìm bê lạc. Lão vừa trông thấy con bê ấy lởn vởn đâu đây. Con bê tuyệt đẹp, mũi hếch, xoáy trên mông mượt như một khóm vậy nà.(1)

Lão bất giác nhớ đến vị ngọt của thịt gà. Lão bảo:

- Túc, mày có thích ăn bánh đa khoai không?

- Bánh đa khoai như của bà Song bán ngoài gốc đa ấy à?

- ừ, dưng mà to hơn, có nhiều vừng nữa. Mày thích thì xuống suối mà lấy, chỗ hòn đá trắng kia kìa.

Mắt thằng Túc vụt ráo hoảnh. Nó quên bẵng con bê lạc, chạy biến xuống chân đồi.

Dĩ nhiên làm gì có bánh đa khoai dưới đó.

Con bê đang nép mình dưới gốc ổi dại. Khi lão túm lấy tai nó, nó tỏ vẻ mừng rỡ, cọ cọ khóm vậy nà vào đầu gối lão. Nó vẫn chưa biết sợ. Lão vung chiếc thó lên. Thậm chí không nghe cả tiếng xương sọ vỡ. Con bê ngã vật xuống đất, bốn chân từ từ duỗi ra. Cặp mắt ốc nhồi đau đáu nhìn lão như kinh ngạc.

- Chú Tảo, sao giết bê của cháu!

Tiếng kêu thảng thốt của thằng Túc khiến lão giật mình. Hai tay giật bắn, lão từ từ đứng dậy. Không biết mặt lão lúc đó ra sao, nhưng thằng Túc vụt nín bặt rồi bất ngờ vùng chạy. Lão như bừng tỉnh. “Nó là em cô Bống” - Lão chỉ kịp nghĩ vậy. Lão chộp lấy chiếc thó, đuổi theo. Thằng Túc không chạy nổi. Nó bò, tay chân cào cấu như bị bóng đè. Cái gáy nó bé tẹo, loe toe những sợi tóc vàng cháy vì phơi nắng.

Trời ơi! Con quỷ nào đã khiến lão trở nên độc ác và khát máu? Đến tận bây giờ lão vẫn không sao quên được hình ảnh thằng Túc nằm sóng soài trên mặt đất, chân tay doãi ra, chẳng khác nào một con chim non bị ném từ cành cao xuống. Máu rỉ ra hai bên mang tai. Chỉ một nhát cán thó đã là quá thừa với nó.

Lão bế thằng Túc lên tay. Người nó mềm và ấm, có cảm tưởng đang ôm một con chó cún. Bây giờ thì chính lão bị bóng đè. Bập bỗng như đi trên mây, lão leo ngược sườn đồi, bới đất, chôn thằng Túc dưới gốc ổi.

Lão không quên xoá sạch dấu vết trước khi xuống suối. Nước lạnh làm người ta bình tĩnh lại. Cỏ và cành khô không thiếu. Lão nhóm lửa ngay cạnh cây ổi. Con bê vẫn đau đáu nhìn. Hai nhát thó sùn sụt vào mông nó, giữa khóm vậy nà, lóc ra tảng thịt còn nóng hổi, đỏ lòm, ròng ròng máu. Lão róc một cành ổi làm xiên.

Khói bốc lên nghi ngút. Dĩ nhiên lão không biết rằng đó vẫn là thứ khói lửa mà tổ tiên đã nhóm hàng nghìn năm về trước, khi rừng nguyên sinh còn trải ra bạt ngàn hai bên bờ dòng Nhị Hà đỏ ngầu như máu.

Trong sương mù, không gian dần dần ngả sang màu lam xám. A ha, nước miếng tứa ra đầy miệng. Lần đầu tiên lão được nếm thịt bò. Lão vẫn nhớ đó là một tảng thịt. Hai hàm răng to khoẻ đầy bựa cắm ngập vào lớp cơ nhùn nhũn vừa kịp ám khói.

Ngay lập tức lão nôn ộc ra như người say rượu. Mùi gì gây rợn xông lên không sao chịu nổi. Lão ngồi phịch xuống đất. Xung quanh lênh láng mật xanh mật vàng. Lão cảm thấy người lạnh toát, nhơm nhớp, ruột gan lộn tùng phèo. Bên kia đồi trời hoàn toàn lặng gió. Chẳng hiểu sương hay một cột khói im lìm?

Đột nhiên lão rùng mình, lão sực nghĩ đến mùi thịt người. Trong làng người ta thường lưu truyền câu chuyện rùng rợn về ai đó chuyên bắt trẻ con về nấu cháo. Những ý nghĩ khủng khiếp nối nhau. Lão khạc nhổ, oẹ khan, cảm thấy vị mặn của máu tứa ra trong cổ họng. Chính lão cũng không nhớ mình đã kéo xác con bê xuống suối như thế nào. Điều chắc chắn là lão đã quên không cởi giày. Nước suối lầy nhầy, đen thẫm. Lão dìm con bê xuống giữa tảng đá phủ đầy rêu trơn nhẫy.

Đêm ập xuống rất nhanh cùng với một trận mưa dữ dội. Đúng là trời còn thương lão.

Nửa đêm, trong tiếng mưa rơi, lão nghe tiếng người ồn ào đi tìm thằng Túc. Rõ cả tiếng khóc thút thít của cô Bống con nhà Cả Lễ. Nhà lão không có cửa, đám người cầm đuốc kéo vào nhà, nước rỏ tong tong xuống nền đất.

- Tôi chẳng nhìn thấy thằng Túc, cũng chẳng thấy con bê nào sất! - Lão giả đò ngái ngủ.

May mà không ai để ý đến chân lão đang run bần bật. Không một ai nghi ngờ. Tiếng chân người lép nhép xa dần - họ đi về phía dốc Cổn. Phải hai ngày sau lão Phượng Sò đánh xe lên lấy đá ong mới trông thấy xác con bê trôi mãi xuống hạ lưu, gần tới Thiệu Bàn.

Nhưng lão vẫn không thể yên tâm. Lúc nào đám người cũng có thể bất thần quay lại. Mùi gây thì vẫn không hề giảm bớt, mặc dù sườn đồi đã được mưa gột sạch. Nhiều khi bất giác, lão hoảng hốt quay lại đằng sau. Lão run lên mỗi lần nhìn thấy từ đằng xa thấp thoáng bóng người.

Cuối cùng, lão hiểu rằng mùi gây bốc lên từ gốc ổi. Đúng là mùi thịt người. Dưới đó thằng Túc đang thối rữa. Lão không còn dám vặt ổi về chấm muối nữa. Lão lấy đất đồi đắp lên. Công việc thoạt đầu giống như người ta vun gốc, nhưng rồi ụ đất cao dần, lút cả ngọn cây.

Đến nước ấy thì dân làng đều phải nghĩ rằng lão hoá điên. Người ta bắt đầu đem lão ra làm ngoáo ộp doạ trẻ con. Không ai nhờ lão sửa chuồng bò nữa, chỉ còn Phượng Sò chột mắt là dám đến gần lão mà thôi. Lão quên hẳn lối vào làng. Ban ngày đào đá ong, ban đêm lão lại hì hục vác đất đắp gò. Công việc giống như món cháo lú giúp lão quên đi tất cả. (Cũng có thể chính thời gian mới là món cháo lú, nhưng đồng thời lại tạo dựng thói quen?)

Không biết tự bao giờ tóc lão đã kịp bạc trắng. Đôi giày rách hẳn, lão đặt lên bàn thờ. (Giá như ngày trước dân làng lại tha hồ đàm tiếu). Tay bắt đầu run, nhưng lão vẫn không thể rời cán thó. Mỗi bữa lão vẫn cố ăn hết ba lưng cơm độn sắn. Phượng Sò chết lâu rồi. Thằng Bản thay cha hai tuần một lần đánh xe lên lấy đá.

Đất đồi cằn cỗi nhưng bát ngát. Lão trồng thêm sắn quanh lều, tự thái lát, phơi trên bãi cỏ. Chiều, lão xuống suối bắt cá. Cá suối nhiều vô kể, bơi từng đàn lấp lánh. Lão lần vào các hốc đá ven bờ. Thỉnh thoảng lão may mắn vớ được một con cá ba gai đã mù cả hai mắt vì già yếu, da trắng nhợt như ngâm nước vôi, đang thoi thóp những ngày tháng cuối cùng.

Lão vẫn không ngừng việc đắp gò. Và lão vẫn nhớ cái tổ cùng cùng trên má cô Bống nhà Cả Lẽ. Một hôm lão quanh co hỏi qua thằng Bản. Nó ngẩn người rồi phá lên cười:

- Cô Bống ấy à? Sắp xuống lỗ rồi. Kia kìa, cháu nội cô ấy đấy!

Lão ngẩng lên và đánh rơi chiếc thó. Trước mắt lão là thằng Túc. Nó đang vào vạo khóc. Vẫn mái tóc loe hoe cháy nắng. Hóa ra nó đi tìm bê lạc.

Lão định nói rằng chẳng nhìn thấy con bê nào sất, nhưng bỗng nhìn thấy máu phun ra lênh láng dưới chân. Một ngón chân cái bị lưỡi thó chặt đứt, chỉ còn lại mẩu da lủng lẳng. Lão vội vàng lê vào rệ cỏ, bứt lá rịt vào vết thương. Bấy giờ lão mới lại nhớ đến thằng Túc. Nhưng nó đã không còn ở đó.

Lần đầu tiên trong đời lão ốm. Trong người gai gai ớn lạnh, lão về nhà sớm, nấu cháo, nhưng miệng đắng ngắt, không sao nuốt nổi. Bên tai không ngừng văng vẳng tiếng khóc của thằng Túc. Mà có phải thằng Túc thật không? Chẳng lẽ nó từ dưới đất chui lên?

Lão ngồi phắt dậy. Hay tất cả chỉ là một giấc mơ, còn thằng Túc bây giờ đang ngồi gặm chân gà? Thế thì may cho lão quá! Ngày mai lão lại có thể vào làng, có thể nhìn thấy cái lúm đồng tiền trên má cô Bống. Biết đâu, sẽ có người nhờ đắp nền nhà. Lão lại được ngồi xếp bằng trên chiếu, khề khà uống rượu với cánh đàn ông.

ý nghĩ ấy khiến lão khoẻ ra. Lão nằm xuống định bụng chờ đến sáng sẽ ra đào gò đất. Cầu trời, đừng có thằng Túc nào dưới đó. Nếu quả thật, tất cả chỉ là một giấc mơ thì lão lại sống y như cũ.

Nhưng lão không thể chờ đến sáng. Chưa bao giờ lão cảm thấy đêm dài như vậy. ổ rơm hình như có rệp. Lão ngồi dậy tìm thó, lần mò ra gò đất.

Mặt trời lên cao lão mới dừng tay. Bụng cồn cào vì đói. Lão quay về lều, ăn qua loa mấy củ khoai sống. Buổi trưa, lão nảy ra một sáng kiến. Lão đem cả thúng khoai và vại nước xuống hố, ăn uống tại chỗ rồi lại bắt tay ngay vào việc.

Hố nhỏ đã thành hố lớn, rồi thành ao cạn, còn xung quanh - đất cao chất ngất lưng chừng trời.

Chiều ngày thứ năm, lão tìm thấy một bộ rễ cây đã mục. Đất bên dưới xôm xốp, lấm tấm trắng như rắc muối. Chẳng có thằng Túc, chẳng có gì ở đó. “Vậy là thằng Túc còn sống!” - Lão mừng rỡ khóc rống lên như trẻ nhỏ.

Đột nhiên lão sực nhớ đến một điều hệ trọng. Lão chặt một mẩu rễ cây, đưa lên mũi ngửi. Rễ cây đã mục, không thể biết có phải là rễ ổi hay không. Vẻ hân hoan trên mặt lão vụt tắt. Lão thẫn thờ một hồi lâu. Rồi lão lại vồ lấy thó. Chiếc thó chưa bao giờ phản bội. Nó sẽ giúp lão đào đến tận cùng. Lão phải làm rõ thực hư, bấy lâu lão nằm mê hay tỉnh?

NGÔ TỰ LẬP

-------
(1) Thó: dụng cụ đào đá ong.
(2) Cùng cùng: một loài côn trùng làm tổ dưới đất.
(3) Vậy nà: một loại rong nước ngọt.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top