Chia Sẻ Thơ chính Hữu Cá tính và sáng tạo

Trang Dimple

New member
Xu
38
Chính Hữu làm thơ chậm và thận trọng. Ông thường tự đánh giá thơ mình rất nghiêm khắc trước khi đưa nó đến với người đọc.


Tập thơ đầu tiên của Chính Hữu mang tên Đầu súng trăng treo gồm 24 bài, Nhà xuất bản Văn học, năm 1966; In lần II năm 1972, lần III năm 1984. Năm 1997, Nhà xuất bản Hội Nhà văn in Thơ Chính Hữu trên cơ sở tập trước có bổ sung. Năm 1998 Nhà xuất bản Văn học cho ra mắt Tuyển tập Chính Hữu gồm 54 bài, có thêm phần Chú giải và Một số bài viết về thơ Chính Hữu của Ngô Vĩnh Bình, Vũ Quần Phương, Vương Trí Nhàn, Hồ Sĩ Vịnh, Nhị Ca, Xuân Tửu, Mai Quốc Liên…


Trong suốt thời gian kháng chiến (1946-1954) Chính Hữu viết khoảng chục bài: Ngày về, Đồng chí, Tháng năm ra trận, Đêm Hà Nội, Gửi mẹ, Giá từng thước đất, Thư nhà, Những ngày niên thiếu… Trong số đó bài thơ Ngày về, nguyên là lời của một bài hát được mọi người truyền đọc và nhập tâm một cách hứng thú:
…Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang
Bức tường điêu tàn ngày xưa chấn ngự
Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm

Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Mái đầu xanh thề mãi đến khi già
Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại
Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội
Trở về, trở về, chiếm lại quê hương
Nguy nga sao cái buổi lên đường
Súng chuốt gươm lau, mặt ngời sáng quắc
A ha nhà xiêu mái sập
Xúc oan cừu ngập lối chân đi
Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly…
Hình ảnh những anh lính Vệ quốc đoàn hào hoa của trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội thật lãng mạn và kiêu hùng. Phía sau lưng cả một kinh thành nghi ngút bốc lửa. Còn phía trước họ là một cuộc trường chinh và khối “nợ anh hùng” của kẻ làm trai chưa trả được… Có thể hình ảnh, nhịp điệu, ngôn ngữ hình thể câu thơ không có gì mới, nhưng sự rung động của những câu thơ như thế mang dấu ấn một thời đến nay vẫn còn sức truyền cảm. Thơ những năm đầu kháng chiến thường như vậy. Để diễn tả niềm tự hào dân tộc, tình cảm công dân của người Việt Nam, nhất là lớp thanh niên Hà Nội lúc đó, trong lưng vốn từ ngữ văn chương sẵn có không gì tiện hơn, nhập cuộc hơn là những từ “trường chinh”, “áo bào”, “cừu nhân”… Song về lâu dài xây dựng nền thi ca theo hướng đại chúng như yêu cầu mà nền văn học mới đề xuất, Ngày về là một trong số những bài thơ chưa “thành công”, bởi nó còn rơi rớt một trong những căn bệnh làm giảm sức mạnh cộng đồng. Đó là bệnh “mộng rớt”. Trong tập Nói chuyện thơ kháng chiến (1951), nhà phê bình văn học Hoài Thanh xếp Ngày về cùng loại với bài Tây tiến của Quang Dũng. Người chiến sĩ trong cả hai bài thuộc loại nhân vật anh hùng Từ Hải trong mộng của Nguyễn Du. Còn nhà thơ Tố Hữu gọi bệnh của những bài thơ đại loại như thế thuộc “bệnh yêng hùng theo giọng hát tuồng ở miền trong”. Khi phân tích hiện tượng này các nhà hoạt động văn nghệ thường đặt nó vào “trạng thái giằng co” giữa cái cũ và cái mới trong xã hội và trong tâm lí người Việt Nam để lí giải. Sự băn khoăn của số đông văn nghệ sĩ lúc này là làm cách nào để thoát ra khỏi ảnh hưởng thẩm mĩ của hệ thống ngôn từ biểu cảm không còn thích hợp. Sự hay dở của thi ca lúc này không còn là chuyện định đoạt theo hứng thú cá nhân. Một câu thơ hay giờ phải là một “lợi khí” để con người tự cải tạo và khẳng định, kí thác lòng tin của mình vào thắng lợi của kháng chiến.
Trên bình diện lí thuyết, những định hướng lớn mang tính nguyên tắc của nền văn học mới là rõ ràng và thuyết phục. Tuy nhiên trong thực tế sáng tác của từng người cầm bút thì cái mới vẫn chưa có những hình mẫu cụ thể. Thơ đội viên, thơ chiến sĩ từ các tờ bích báo của đại đội và các tờ tin của sư đoàn, đại đoàn tuy “gân guốc”, “chắc khoẻ”… được coi là “có chất ngọc lấp lánh” nhưng vẫn chỉ là thứ “ngọc chưa chuốt”. Chính Hữu là một trong những người sớm nhận thức được điều này và là người sớm tìm tòi để có tác phẩm thành công đầu tiên của nền thơ kháng chiến. Bài thơ Đồng chí của ông đương thời là một “hiện tượng” thi ca:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!
… Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi
áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày.
… Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo
Bài thơ được viết và in năm 1948, trên một tờ báo nội bộ (cơ quan ngôn luận của Đảng trong kháng chiến chống Pháp) mang tên Sự thật. Câu kết của bài nguyên là “Đầu súng mảnh trăng treo”. Viết về bộ đội nhưng nhà thơ thiên về khai thác nội tâm, tình cảm. Mạch thơ viết tự nhiên không gò ép, gắng gượng. Cái mới dễ nhận ra nhất ở bài Đồng chí là hầu như các cụm từ gợi nhớ Ngày về mới đó đều biến mất: bụi trường chinh, áo hào hoa, giày vạn dặm, bức tường điêu tàn, nợ anh hùng, xác oan cừu ngập lối, gót lưu li… Nhà thơ đã định nghĩa một khái niệm rất mới: “Đồng chí”, bằng thơ với những cụm từ dân dã quen thuộc: nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá, áo anh rách vai, vài mảnh vá; miệng cười buốt giá… để bộc lộ một thứ tình cảm mới trong xã hội đã và đang liên kết, gắn bó cộng đồng lại thành sức mạnh. Đó là tình cảm của những người nghèo khổ đến với nhau vì một mục đích và chung một mục đích: tình giai cấp, tình của những người nông dân mặc áo lính. Cuối cùng nhà thơ đã tạc vào không gian nghệ thuật giầu chất sử thi ba nhân vật: Người lính, khẩu súng và vầng trăng như một bức phù điêu hoành tráng của kháng chiến.
Bài thơ Đồng chí của thơ Chính Hữu đã dung hoà được chất giọng lãng mạn văn chương và vẻ đẹp dung dị của anh Vệ quốc. Người đọc tinh ý sẽ thấy bài thơ vẫn trong mạch quen thuộc của ông một chút phảng phất của Ngày về. Sự kiện người trai nông dân khi đất nước lâm nguy có giặc phải để lại ruộng nương không trực tiếp cầy cấy, được nhà thơ miêu tả bằng một động thái “gửi bạn” nhẹ tênh không vướng víu. Và nhất là sau đó hai tiếng “mặc kệ” buông trong câu thơ “Gian nhà không mặc kệ gió lung lay” thì phải anh lính Vệ quốc đoàn Hà Nội kiểu Chính Hữu mới khẩu khí thần thái như vậy:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính…


cam-nhan-ve-bai-tho-dong-chi.jpg

Bài thơ rất thực mà vẫn không kém phần thơ mộng. Không phải ngẫu nhiên khi đề cập đến thơ ca kháng chiến không thể không nhắc đến bài thơ Đồng chí. Thành công đầu tay của nhà thơ quân đội đã nhanh chóng lan truyền khắp các chiến khu và cả trong vùng địch hậu dưới dạng ca khúc do một nhạc sĩ không chuyên phổ nhạc. Bài thơ giầu khả năng tạo hình và nhịp điệu, nhạc điệu có sức lan toả. Những thành công tiếp theo của Chính Hữu vẫn trong mạch cảm xúc và đề tài quen thuộc: Niềm sung sướng của người lính sau mùa gặt ra trận; Một tin thắng trận bay về quê hương; Một bức thư gửi mẹ hỏi thăm tin nhà; Giá xương máu của con người để làm nên chiến thắng… Thơ Chính Hữu vẫn phát huy được những ưu điểm vốn có: hàm súc, và gợi cảm.
Ở bài Giá từng thước đất, ông định nghĩa về đồng đội:
… Là hớp nước chung
Nắm cơm bẻ nửa
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa
Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết
Trong Thư nhà, Chính Hữu tả nét chữ nghệch ngoạc của người vợ dân công gửi chồng bộ đội mộc mạc và sự liên tưởng gần gũi, dồn nén:
Thư hậu phương gánh gạo đưa chồng
Hai vai khó nhọc
Viết gửi cho ta ngổn ngang từng nét
Như gồng như gánh dân công
Ánh lửa lập loè đường xa lửa đuốc.
Thế hệ Chính Hữu đến với văn học mang theo những nét riêng của lịch sử. Vốn là học sinh vào đơn vị chiến đấu, Chính Hữu phải tự rèn luyện rất nhiều không chỉ trong sinh hoạt mà cả trong sáng tác để khắc phục những hạn chế tiểu tư sản ở mình theo quan niệm giai cấp một thời.
Theo dõi văn bản trong các lần xuất bản, một số bài thơ của Chính Hữu được sửa chữa rất nhiều lần. Giá từng thước đấtThư nhà từ viết, sửa đến hoàn thành phải mất bẩy năm trời (1954-1961). Bài Đêm Hà Nội như ta biết bây giờ so với bản in lần đầu trên tạp chí Văn nghệ số 11, 12 năm 1949 có tên Đêm sầu Hà Nội, sau này sửa lại hoàn toàn thành bài Đêm Hà Nội 1950, chỉ giữ lại một câu “Phố dài nghe sấu rụng”. Và trong lần tái bản thành Tuyển tập, tên bài thơ ngắn lại, khái quát hơn, còn câu thơ trăn trở đầy cá tính lại được sửa là “Mái buồn nghe sấu rụng”:
Đêm Hà Nội buốt tê
Mái buồn nghe sấu rụng
Nhìn ra cửa ô, bóng những con đê
ầm ì tiếng súng
Dù “phố dài” hay “mái buồn”, câu thơ vẫn là sản phẩm của một tâm trạng. Việc Chính Hữu vẫn giữ lại được dấu vết của cái tôi riêng trữ tình trong câu thơ, sau nhiều lần sửa chữa chứng tỏ bản lĩnh của ngòi bút. Đây không phải là hành động sáng tạo đơn lẻ một lần hoặc một bài. Cũng không phải là sự “rơi rớt” của cái riêng “chưa hoà nhập” được vào hiện thực kháng chiến, hoặc sự hoà nhập “chưa đến độ”. Đó là ý thức nghệ thuật, là quan niệm thẩm mĩ.
Trong bài thơ Những ngày niên thiếu, nhà thơ mở đầu bằng một giọng rất riêng:
Hôm nay tôi nhớ
Thành phố Vinh nho nhỏ
Xa xôi như tiếng thở dài.
Ngay cả khi Chính Hữu nói về một ngày nghe tin thắng trận cũng đột ngột cho vương một chút nắng rất tâm trạng:
Ai hát tin về thắng trận
Bâng khuâng nắng nghiêng mái nhà
Lá mùa đông rơi trong thơ là biểu tượng không có gì mới xưa nay, nhưng ở bài thơ Gửi mẹ, Chính Hữu để cho “Lá mùa đông rơi xuống đầy vai” chạm vào kí ức thì nó đã trở thành những chiếc lá mùa đông của nội cảm:
Ngày đưa thày về nơi an nghỉ
Lá mùa đông rơi xuống đầy vai
Phấn đấu tìm tòi để chiếm lĩnh hiện thực kháng chiến theo hướng đại chúng, nhà thơ vẫn giữ lại được cái tôi cá tính trong sáng tạo. Đó là tài hoa, là phong cách Chính Hữu. Chính điều này đã làm cho những bài thơ ông viết trong kháng chiến không lẫn vào thơ đại chúng, góp phần tạo nên bản sắc của văn học kháng chiến.
Thơ Chính Hữu viết trong thời chống Mỹ vẫn tiếp tục bút pháp trên: Nhà thơ vẫn không đuổi theo sự việc, sự kiện cụ thể, mà tăng cường hơn tính khái quát, triết lí. Hàng loạt các bài thơ: Lá phiếu hôm nay, Khẩu hiệu, Duyệt binh, Một nửa, Bắc cầu, Đường ra mặt trận, Trang giấy học trò, Ngọn đèn đứng gác, Truy kích… một lần nữa khẳng định giọng điệu thơ Chính Hữu.
Trong bài Duyệt binh nhà thơ không miêu tả tiếng trống, những lá cờ bay, những cỗ xe đại bác, những đội ngũ quân chủng đi đều… mà quan tâm đến “tâm hồn” của tiếng trống, đến những lí do tại sao “những lá cờ bay theo nhịp bước” để ta hiểu được vì sao tiếng trống và những lá cờ bay ấy lại “làm rơi nước mắt” của mỗi người trong ngày lễ kỉ niệm 15 năm ngày thành lập nước cộng hoà (1960). Hành động nhập vai sáng tạo vào người thương binh chống đôi nạng gỗ trên quảng trường để “nghe” lại tiếng những bước chân đã mất của mình là một hành động nghệ thuật tự nhận thức mình của nhà thơ trong biến cố của thời đại.
Đồng chí thương binh
Trên đôi nạng gỗ
Xem mười năm lịch sử
đang xếp thành đội ngũ
Đi đều.
Đồng chí thương binh
tưởng nghe tiếng bước chân mình
tiếng bước của bàn chân đã mất
Bàn chân
Mười năm
hành quân!
Câu thơ có vẻ lạnh lùng nhưng không hướng người đọc vào sự mất mát. Nó khơi dậy những giá trị tinh thần của lịch sử vẫn đang sống trong cuộc sống hôm nay của dân tộc.
Tính thời sự trong thơ Chính Hữu không mang ý nghĩa trực tiếp mà gắn bó gần gũi giữa tầm tư tưởng của tứ thơ với những vấn đề đang đặt ra. Cầm Lá phiếu hôm nay, nhà thơ muốn thâu tóm bước vận động của cách mạng trong hành vi công dân của một chế độ mới. Những khẩu hiệu mà ta vẫn nói và nghe hàng ngày bỗng được nhà thơ soi rọi “như lời tiên tri”, “như lương tâm kêu gọi” đang rung động con tim mỗi người.
Thơ Chính Hữu trong thời chống Mỹ vẫn liền mạch với thơ kháng chiến. Ta vẫn gặp những đề tài, những hình tượng quen thuộc… nhưng đậm hơn chất sử thi hào sảng.
Nhà thơ miêu tả con Đường ra mặt trận hôm nay:
Xóm dưới làng trên, con trai con gái
Xôi nắm cơm đùm ríu rít theo nhau,
Súng nhỏ súng to chiến trường chật chội,
Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu.
Bộ đội dân quân trùng trùng điệp điệp
Dô hò nón vẫy theo…
Và đây là miêu tả quãng đường Truy kích địch trong những ngày Tổng tiến công mùa xuân năm 1975:
Mới là cánh đồng
Thoắt đã thành phố
Mới là đồi cỏ
Thoắt đã con sông
Nhân dân cả nước
Chở ta sang phà...
Vẫn là cách gieo vần tự do nhưng hơi thơ thoát ra dường như có sức mạnh lôi cuốn hơn. Cả nhịp lẫn vần điệu đều có độ mở nâng đỡ phối hợp. Câu thơ thường ngắn nhiều vần trắc và thanh không. Ngôn ngữ khoáng đạt nhiều động từ nhấn mạnh tạo nên thế sôi động, lôi cuốn:
Đi nhanh đi nhanh
Chiến trường đã giục
Đầy núi đầy sông
Đèn ta đã mọc
Trong gió trong mưa
Ngọn đèn đứng gác
(Ngọn đèn đứng gác)
Sau chiến tranh, thơ Chính Hữu thiên về suy cảm. Nhà thơ muốn nhận thức và lí giải một cách sâu sắc hơn những giá trị tinh thần của thời đại mình thông qua những trải nghiệm của cuộc đời: Nụ cười, Kỉ niệm trung đoàn, Nghĩa trang liệt sĩ, Trong vũ trụ im lặng, Dọc theo tường điện Kremlanh… Trong Nụ cười, Chính Hữu thành thực tâm sự rằng, trong cuộc đời cũng đã “đôi lần chán nản”. Những lúc ấy ông đã phải vịn vào những giá trị tinh thần để tìm ra “cách hiểu mới nhất / về sống và chết, được và mất?”.
Sau những tháng năm “ồn ào lứa tuổi” nhà thơ trở lại khám phá sự “im lặng” trong ý thức và trong tư duy một thời của mình. Không phải ngẫu nhiên ông gọi Nghĩa trang liệt sĩ là “đất hành hương”, nơi ta đến để suy nghĩ, nơi ghi “không phải cái mất đi / mà cái để lại”. Với nhà thơ, những hàng tên trong nghĩa trang vẫn rầm rì, một cuộc sống vẫn đập mãi mãi:
Tôi chưa thấy nơi nào sáo động lòng tôi
Bằng nơi yên nghỉ đời đời
Tôi chưa bị ai phê bình dữ dội
Bằng người đang lặng im không nói.
Trong chuyến sang nước Nga, có dịp trầm ngâm đi Dọc theo tường điện Kremlanh, nơi để tro di hài của những người có công với tổ quốc và cách mạng, lần đầu tiên trong thơ nhà thơ tự hỏi: “Thế nào là bất tử” khi đối diện với bức tường đá phong sương như hằn những vết nhăn trên vầng trán của nhân loại:
Tôi bước đi bâng khuâng
Thế nào là bất tử
Chỉ một nắm tro tàn
Mà đá vô tri trở thành tư lự.
Những năm Chính Hữu nghỉ công việc ở Hội Nhà văn ông vẫn làm thơ. Những bài thơ thật thà, nghiêm túc, hóm hỉnh mang mang một tâm trạng làm ta suy ngẫm hơn về thế thái nhân tình. Nhà thơ ngợi ca hành vi “đi bộ” của mình như là một “trạng thái hạnh phúc” để hưởng thụ sự im lặng và cô độc của tuổi già:
… Tôi càng muốn xa
Những sự rắc rối
Chỉ thích nhìn đời một cách đại khái
Để càng yêu hơn…
Vì tôi chỉ đi, chỉ ngắm, chỉ nhìn
không nói nên không phải cãi…
(Người bộ hành lặng lẽ)
Ông cũng đã có lúc nghĩ về Trần Thái Tông, một ông vua thi sĩ, một nhà văn hoá, một anh hùng dân tộc cũng đã từng vấp phải những bi kịch nội tâm mà từ bỏ kinh thành lên Yên Tử.
Ta nghe nhà thơ hỏi vua Trần:
Sao lại bỏ cung điện mà đi
Lên núi Yên Tử, ông chốn ai và ông tìm gì
Giữa mái chùa ẩn trong lau lách
Ông vứt bỏ phú quý như chiếc giầy rách…
“Ông chốn ai và ông tìm gì?”. Nhà thơ chưa có lời giải đáp. “Chỉ có ngàn năm lặng im và mây bay” dấu trong những câu thơ một nỗi buồn thanh thản.
Trải hơn nửa thế kỉ, hơn năm mươi bài thơ, Chính Hữu đã tạo cho mình một giọng điệu riêng, một phong cách riêng trong thơ Việt Nam hiện đại. Có nhiều bạn đọc trách ông viết ít quá. Và trong sự ít ỏi ấy còn trùng lặp đề tài, chủ đề làm mất đi sự đa dạng phong phú. Nhà thơ “chậm rãi minh triết”: “Tôi không thấy có sự cần thiết phải làm nhiều, làm nhanh, để làm ẩu. Tôi tự xác định chỉ nên là và chỉ có thể là một người làm thơ nghiệp dư, tài tử, để có thể tự do. Để tự do viết những điều nội tâm mình thôi thúc phải viết. Và tự do huỷ bỏ những cái viết ra nhưng không vừa ý”(1).
Trong bức chân dung Tự hoạ hóm hỉnh pha chút tự trào nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp, ông gọi cái tài sản tinh thần khiêm tốn của mình là “những bài thơ làm mãi chẳng xong” – Những bài thơ đã khẳng định vị trí của Chính Hữu trong lịch sử thơ ca trữ tình cách mạng và chiến tranh của thế kỉ:
Những đêm băn khoăn nên về hay ở
Cái vui cái buồn nửa có nửa không
Những mối tình suốt đời bỏ dở,
Những bài thơ, làm mãi chẳng xong


Vũ Văn Sỹ

Tháng 3-2004
________________
(1) Nhà thơ Việt Nam hiện đại. Nxb. Hội Nhà văn, H, 1997,

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 6 năm 2004
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top