Thiên thần sám hối
Tạ Duy Anh
Tạ Duy Anh
Lời nói đầu
Ngay sau khi ra đời lần đầu tiên tại Nhà xuất bản Đà Nẵng, tiểu thuyết THIÊN THẦN SÁM HỐI đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý của độc giả ở đủ mọi lứa tuổi. Gần đây 20 tờ báo, trong và ngoài nước, bằng nhiều hình thức khác nhau đã nồng nhiệt chào mừng sự ra đời của cuốn sách, coi nó như một sự kiện văn học độc đáo. Điều gì khiến một cuốn sách chỉ với độ dày hơn trăm trang mà lại tạo được mối quan tâm rộng lớn của dư luận trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay đến như vậy? Câu trả lời đang ở ngay trên tay bạn và chỉ chờ bạn mở sách ra, lắng theo câu chuyện của một đứa trẻ còn đang trong bụng mẹ…
TỰA
Câu chuyện khó tin này là của một đứa trẻ còn ở trong bụng mẹ. Nếu đọc xong quý vị vẫn không tin thì cũng không sao. Quan trọng chính là ở chỗ quý vị sẽ còn ám ảnh về chuyện có thể tin được hay không?
Tôi thấy nói thế là vừa vặn đủ.
Chương 1
Còn bảy mươi hai giờ nữa tôi mới hết giai đoạn bào thai. Sau đó chỉ còn là một việc giãy đạp, gào thét mà chui ra. Thế là thành người.
Tôi khao khát chờ đến cái ngày vĩ đại ấy. Có lẽ mẹ tôi còn chờ đợi hơn. Khi phải đeo một chiếc cùm thì bạn sẽ hiểu người ta mong mỏi đến ngày được tháo ra như thế nào. Tôi cảm nhận được điều đó từ tiếng rên của mẹ, từ những bước chân bậm bạch mà bà trút vào đó sự nôn nóng. Thực ra khi đó tôi đang khoái chí. Ở vào vị trí của tôi bạn cũng sẽ như vậy. Không ở đâu êm ấm, sạch sẽ, an toàn hơn nơi tôi đang nằm cuộn khoanh này. Điều cần nói ngay là, tại đó tôi không chỉ nghe mọi chuyện mà còn hiểu được toàn bộ ý nghĩ của mẹ tôi. Đúng ra những ý nghĩ của mẹ thấm qua tôi, hiển hiện thành một thứ hình ảnh vô cùng sống động. Đừng ai nghi ngờ chuyện này như kiểu những độc giả thiếu trí tưởng tượng. Bởi xét cho cùng thì các vị không phải là tôi nên làm sao biết rằng tôi không hề và không thể bịa tạc. Từ đây trở đi tôi sẽ không mất thêm một giây nào nữa vào chuyện thanh minh.
Tôi xin kể tiếp. Khi tôi trở mình, ngay lập tức tôi thấy thấm qua tôi ý nghĩ: “Chà, nó giở quẻ rồi cũng nên. Ra đi con. Ra mà hưởng cuộc sống chỉ toàn tương lai là tương lai”. Nhưng tôi sẽ không đáp lại mẹ chừng nào tôi còn muốn tận hưởng niềm khoan khoái này. “Chán bà cụ quá đi mất. Cứ muốn tống khứ mình ra sớm để nhẹ nợ đây”. Một ý nghĩ lại thấm qua tôi : “ Bao nhiêu thứ đang chờ con. Mẹ khao khát thấy con từng phút một. Ra đi cho mẹ nhờ”. Trời ơi, tôi bắt mẹ phải van xin thì thật quá quắt lắm. Tôi bèn tặc lưỡi: Thôi vậy! Chả nên bắt mẹ mình phải đau đớn, lo âu mãi thế này”. Tôi quyết định nghe theo mẹ…Mọi chuyện có thể đã kết thúc rất tốt đẹp. Tôi nhoài người lấy đà đúng lúc có người vào phòng mẹ tôi đang nằm. Có lẽ tôi làm mẹ đau nên vừa thấy bà hộ lý, mẹ kêu toáng lên :
- Ố…Chị ơi, nó tụt ra tới nơi rồi đây này.
- Cô tưởng phúc nhà cô to thế hả! Còn khốn nạn với nó - tiếng bà hộ lý the thé và từ đây tôi gọi bà ta là bà the thé - Đừng có làm ầm ĩ lên thế. Cô tưởng một mình cô phải đau đẻ chắc.
- Em không nói sai đâu. - giọng ẹ van vỉ - Nó cựa dữ quá.
- Nó cựa cho là may. Cứ im như thóc thì liệu xác nhé. Đây đỡ đẻ đã ba chục năm, nói hco mà biết.
- Vâng, cảm ơn chị. Nhưng mà…
“Người ta chuẩn bị đón mình như thế sao?” Ý nghĩ nàu vừa lóe lên trong tôi liền bị đè dập xuống bởi một giọng đàn bà khàn khàn mà từ đây tôi gọi là bà khàn khàn:
- Nào, nằm ra giường kia! Thế…- bà ta thăm khám gì đó - Chị không có ai đi cùng à? Hãi nhất là những bà vác bụng đến một mình. Mà có đem theo tiền đẻ không đấy. Khối con mẹ nứt mắt đã ngứa nghề, rồi ễnh ra, rồi đến đây khóc khóc mếu mếu bịa ra đủ lý do. Rồi trút được xong là chạy làng, vừa bỏ tội bỏ nợi lại, vừa ăn quỵt tiền đẻ. Nào, kéo cao váy lên!
“Ái…” – bà ta làm gì thế nhỉ? Cứ như có chiếc gậy sắt chọc thẳng vào lưng mình không bằng. Mà những cái đầu gậy…Mẹ cứ oằn oại khiến mình cũng trồi trụt theo.
- Chồng đâu? - Tiếng bà khàn khàn cất lên cộc lốc.
- Nhà em đi công tác xa.
- Đi Tây à?
- Khoông …Ối, em đau quá!
- Đẻ thì phải đau chứ. Rõ chán. Dạnh háng ra để tôi xem nó mở chưa.
Mẹ khó nhọc làm theo.
- Cứ là còn xơi – bà khàn khàn vỗ vào bụng mọ.
- Ngừng giao hợp từ bao giờ?
- Nhà em…đi vắng…đã lâu…
- Thế là phút đấy. Ở nhà nó húc cho vỡ ối. Tởm - chả rõ bà bảo ai – Đàn ông tởm lắm- bà bảo tiếp.
Đi ra đến cửa chợt bà quay lại nói với mẹ:
- Mới đau giả thôi!
Im ắng trở lại. Tôi cũng nằm im. Mẹ tôi có vẻ dễ chịu hơn cứ vuốt vuốt vào phía lưng tôi.
Thực ra tôi đang ngẫm nghĩ về những điều lạ lùng nói ra từ miệng người đàn bà có giọng khàn khàn. Có quá nhiều điều không thể nào hiểu nổi. Chẳng hạn tiền đẻ là cái gì? Lại còn chửa hoang, trút con ra, bỏ lại tội nợ, ăn quỵt, giao hợp…Việc ra đời một đứa bé gắn nhiều chuyện thế cơ ư. Nếu dùng phép suy diễn thì đẻ bằng trút con ra, bỏ lại đi kèm với ăn quỵt, trẻ con là tội nợ, chửa hoang ắt hẳn gắn với việc giao hợp. Hành động đó có ý nghĩa gì nhỉ. Có vẻ nó không được thực hiện bởi một gã khốn nạn nào đó. Tôi cứ hình dung về gã thế này: Ngày ngày gã khệ nệ đem bộ mặt mẹ mìn của gã đến khắp naơi và rao to: “Ai…giao hợp đi”.
Ái chà xem ra cái cuộc đời ngoài kia cũng bất trắc và nguy hiểm lắm nhỉ. Có biết bao tai vạ khó lường mình còn chưa cắt nghĩa được bằng từ ngữ. Vậy thì dại gì mà chui vào rọ khi mình có toàn quyền quyết định.
Thế là, thay cho việc ra đời sớm, tôi quyết định cứ ở lại trong bụng mẹ. Thật chẳng dễ gì kiếm được một nơi êm ái nhường này. Hơn nữa, ở đây tôi có thể nghe được mọi âm thanh, kể cả những lời thì thầm của gã con trai rót vào tai một cô gái phía ngoài hành lang. Nhưng chưa đến lúc tôi kể về họ.
Bà hộ lý the thé trở lại và tôi thấy bà hỏi mẹ:
- Có gì khác không?
- Tự dưng chẳng thấy nó đạp gì nữa.
( Tôi càng nằm im. Còn lâu các vị mới biết nguyên nhân).
- Thì đã bảo! Đi đẻ mà đau là có phúc. Rồi cô xem thà nó cứ rứt ruột mà ra còn
hơn nó chả cựa quậy gì.
- Vâng - mẹ đáp yếu ớt- em cám ơn chị. Tất cả là ở số giời…
- Tin vào số má thì cũng tốt nhưng phải chăm nghe cái bụng đấy nhé.
Bà the thé bỏ đi. Mẹ cúi xuống, lo lắng với ý nghĩ : “Có chuyện gì thế nhỉ”.