Chia Sẻ Thế kỷ X- Xây dựng và bảo vệ Quốc gia độc lập, Tự chủ và thống nhất thời Khúc - Ngô - Đinh - Tiền Lê

Trang Dimple

New member
Xu
38
Thế kỷ X- Xây dựng và bảo vệ Quốc gia độc lập, Tự chủ và thống nhất thời Khúc - Ngô - Đinh - Tiền Lê
I. Họ Khúc dựng nền tự chủ

Đầu năm 905, Khúc Thừa Dụ đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy khởi nghĩa đánh bại tiết độ sứ nhà Đường là Độc Cô Tổn, giành lấy chính quyền. Ách đô hộ bị lật đổ; và từ năm 905, nước ta thực sự thoát khỏi ách đô hộ của phong kiến Trung Quốc, thực sự trở thành một nước tự chủ, mặc dù về thiết chế chính trị vẫn tổ chức theo hình thức cũ của nhà Đường. Năm 907, Khúc Thừa Dụ mất, con là Khúc Hạo lên thay, kế tục ý chí tự chủ của cha, lại nắm chính quyền trong hoàn cảnh mới, Khúc Hạo đã tiến hành nhiều cải cách về các mặt để xây dựng một đất nước độc lập tự chủ, thoát dần ảnh hưởng của chế độ đô hộ Trung Quốc.


Cải cách hành chính: Khúc Hạo bãi bỏ mô hình tổ chức hành chính thời Đường. (An Nam đô hộ phủ - châu - huyện - hương - xã. Theo An Nam chí thì hương gồm có tiểu hương (70 đến 150 hộ), đại hương (160 đến 540 hộ), xã gồm tiểu xã (10- 80 hộ), đại xã (40- 60 hộ). Trên thực tế, chính quyền đô hộ chỉ nắm được cấp châu, huyện và phần nào cấp hương, không thể với tới cấp xã vốn mang trong mình nó tính tự trị rất cao của công xã nông thôn ở nước ta thời đó).
Chính quyền đã đổi hương làm giáp. Đứng đầu có chức quản giáp và phó tri giáp. Ngoài những hương cũ đổi thành giáp, họ Khúc còn đặt thêm nhiều giáp mới, tất cả có 314 giáp (thời Đường ở nước ta có 159 hương). Điều đó cho thấy chính quyền họ Khúc đã tiến một bước trên con đường mở rộng và củng cố nền độc lập, tự chủ mới giành lại được. Đơn vị hành chính thấp nhất là xã, họ Khúc đặt các chức chánh lệnh trưởng, lệnh trưởng và giáp trưởng cai quản nhằm tăng cường sự quản lí trực tiếp các đơn vị hành chính cấp cơ sở của chính quyền trung ương.


- Cải cách kinh tế. Khúc Hạo sửa đổi chế độ điền tô và phú dịch. Theo sử cũ nội dung chính của cải cách đó là: “Bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch'', lập sổ khai hộ khẩu, kê rõ họ tên, quê quán giao cho giáp trưởng trông coi. Chính sự cốt khoan dung, giản dị. Nhân dân đều được yên vui''.
Những cải cách của Khúc Hạo có tác dụng và ý nghĩa lớn lao trong công cuộc xây dựng một chính quyền tự chủ, một quốc gia độc lập, thống nhất tách khỏi phạm vi thế lực của chính quyền phong kiến Trung Quốc. Như chúng ta đã biết An Nam đô hộ phủ (sau đổi là Tính hải quân) thời Đường là một đơn vị hành chính thuộc hệ thống chính quyền phong kiến Trung Quốc.

Việc cải tổ các khu vực hành chính đã tạo điều kiện cho chính quyền trung ương có khả năng kiểm soát được các địa phương trong nước, góp phần củng cố chính quyền thống nhất, tập trung. Tuy nhiên, chính quyền họ Khúc mới chỉ là một chính quyền độc lập, tự chủ ở thời kì phôi thai, là nền móng cho sự ra đời một chính quyền độc lập, tự chủ hoàn toàn ở thời kì sau.
Những cải cách về kinh tế của Khúc Hạo đã xóa bỏ được chế độ bóc lột nặng nề của chính quyền đô hộ, nhất là dưới thời thuộc Đường. Phương thức bóc lột của chính quyền đô hộ trước đó ngoài những hình thức phong kiến như tô, dung, điệu còn có nhiều hình thức bóc lột nặng nề, phiền nhiễu khác (cống nạp, phục dịch), theo nhu cầu của chính quyền phong kiến trung ương và bọn quan lại đô hộ. Những cải cách đó vừa giảm nhẹ mức bóc lột đối với nhân dân ta vừa xóa bỏ tính chất bất bình đẳng trong chính sách bóc lột của một chế độ đô hộ ngoại bang, tạo ra một chế độ tô, dịch phù hợp với xã hội nước ta bấy giờ khi còn mang nặng tính chất tự trị và quan hệ bình đẳng công xã.

Với chính sách ''bình quân thuế ruộng'' của Khúc Hạo, chính quyền họ Khúc đã thực hiện một phương thức thu thuế phù hợp với kết cấu kinh tế xã hội của nước ta hồi ấy, tạo nên sự dung hợp cần thiết và thỏa đáng giữa Nhà nước tự chủ với làng xã trong bối cảnh của đất nước ở đầu thế kỉ X. Cuộc cải cách tài chính này cũng đã tạo mầm mống cho quyền sở hữu ruộng đất của nhà nước một hình thức sở hữu sẽ được củng cố và nâng cao dần theo quá trình phát triển của chế độ quân chủ tập quyền hoàn toàn độc lập tự chủ sau này.
Những cải cách của Khúc Hạo đã biểu thị rất rõ rệt tinh thần tự chủ, tự lập, tự cường và quyết tâm của dân tộc ta, mà họ Khúc là tiêu biểu nhằm tiến lên xây dựng một đất nước hoàn toàn độc lập.


II. Cuộc kháng chiến của Dương Đình Nghệ khôi phục quyền tự chủ
chong_nam_han_1-930_500_01.jpg


Năm 917, Lưu Nham ở đất Quảng Châu (Trung Quốc) tự xưng là hoàng đế, đặt tên nước là Hán, tức là nước Nam Hán. Mùa thu năm 930, viện cớ Khúc Thừa Mỹ không chịu thần phục Nam Hán, Lưu Nham sai các tướng: Lương Khắc Trinh, Lý Thủ Dung đem quân sang xâm lược nước ta. Do thiếu chuẩn bị và thiếu tự tin, Khúc Thừa Mỹ không chống nổi cuộc xâm lăng của Nam Hán, đã bị bắt đưa về Quảng Châu.
Mặc dù quân Nam Hán đánh bại Khúc Thừa Mỹ, nhưng vẫn không thể nào cai quản được các châu, quận. Nhân dân ta ở các địa phương dưới sự lãnh đạo của các hào trưởng đã nổi dậy chống quân Nam Hán. Năm 931, Dương Dình Nghệ được sự ủng hộ của nhân dân và hào kiệt các địa phương như Ngô Quyền, Đinh Công Trứ v.v… vượt rừng núi, từ Thanh Hóa tiến quân ra Giao Châu, bao vây và tiến công thành Đại La - dinh lũy của quân xâm lược Nam Hán. Từ bên kia biên giới, vua Nam Hán vội vã cử thừa chỉ Trình Bảo đem quân sang cứu viện. Viện binh chưa kịp đến thì Dương Đình Nghệ đã hạ được thành, quân Nam Hán tan vỡ, tướng giặc là Khắc Trinh bị giết chết, thứ sử Lý Tiến chạy thoát về nước. Quân cứu viện của Nam Hán kéo vào nước ta; chưa kịp ổn định đã bị Dương Đình Nghệ chủ động đem quân ra ngoài thành, tiến công tiêu diệt. Quân Nam Hán bị đánh bất ngờ, rối loạn, tan rã. Tướng giặc là Trình Bảo bị giết tại trận.

Cuộc kháng chiến thắng lợi của nhân dân ta do Dương Đình Nghệ lãnh đạo đã đánh bại âm mưu chiếm lại nước ta của nhà Nam Hán. Đất nước độc lập, tự chủ tiếp tục được giữ vững. Đánh đuổi quân Nam Hán ra khỏi đất nước, Dương Đình Nghệ bắt tay vào xây dựng chính quyền độc lập tự chủ, tổ chức lại công cuộc cai trị đất nước. Ông tự xưng là tiết độ sứ đứng đầu chính quyền trung ương cai quản cả nước. Đinh Công Trứ được cử giữ chức thứ sử Hoan Châu.

III. Cuộc kháng chiến của Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938
ngo_quyen_va_bachdang_500.jpg

Năm 937, Kiều Công Tiễn vốn là nha tướng của Dương Đình Nghệ đã giết chủ để cướp lấy quyền binh. Nhân dân hết sức bất bình. Một số tướng cũ của Dương Đình Nghệ mà tiêu biểu là Ngô Quyền quyết tâm tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Ngô Quyền quê ở Đường Lâm, Ba Vì (Hà Tây) con của Ngô Mân và là con rể của Dương Đình Nghệ. Ngô Quyền cai quản Ái Châu, được nhân dân tin phục. Khi được tin Dương Đình Nghệ bị giết, Ngô Quyền lập tức tập hợp tướng sĩ tiến ra Giao Châu trị tội tên phản bội Kiều Công Tiễn.
Trước khí thế rầm rộ của quân Ngô Quyền, Kiều Công Tiễn vô cùng khiếp sợ đã cho người sang Nam Hán cầu viện. Chớp lấy cơ hội, vua Nam Hán phong cho con trai là thái tử Hoằng Tháo làm tĩnh hải tiết độ sứ chỉ huy một đạo binh thuyền lớn sang xâm lược nước ta. Vua Nam Hán trực tiếp chỉ huy quân số còn lại trong nước, kéo xuống đón ở Hải Môn để yểm trợ cho Hoằng Tháo. Hoằng Tháo chỉ huy quân Nam Hán theo cửa sông Bạch Đằng tràn vào nước ta.


Bấy giờ, được nhân dân ủng hộ, Ngô Quyền đã giết được Kiều Công Tiễn. Ông cùng với tướng sĩ và nhân dân gấp rút chuẩn bị kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán. Khi nghe tin Hoằng Tháo chỉ huy quân xâm lược, Ngô Quyền với lòng tự tin, nói với các tướng của mình: ''Hoằng Tháo là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại được tin Kiều Công Tiễn đã bị giết chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt tất phá được. Song họ có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua chưa thể biết được, nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vót nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của họ nhân khi nước triều lên, tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự. Không kế gì hơn kế ấy cả". Thực hiện kế hoạch của Ngô Quyền, binh sĩ và nhân dân hăng hái ngày đêm đẽo gõ, dựng cọc. Chẳng bao lâu, cọc gỗ bịt sắt nhọn được cắm thành những bãi lớn ở các nhánh sông Bạch Đằng. Ngô Quyền cử Dương Tam Kha (con Dương Đình Nghệ) chỉ huy một đạo quân bộ đóng bên tả ngạn sông Bạch Đằng, cử Ngô Xương Ngập (con trai cả Ngô Quyền) và Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy một đạo bộ binh đóng ở hữu ngạn sông. Hai đạo quân bộ ém sẵn làm nhiệm vụ mai phục để kết phối hợp với thủy quân đánh vào hai bên sườn quân giặc và tiêu diệt chúng khi tháo chạy lên bờ. Từ cửa sông ngược lên phía trên có đạo thủy quân mạnh phục sẵn do Ngô Quyền trực tiếp chỉ huy chờ khi nước thủy triều rút xuống mới phản công tiêu diệt quân giặc. Công việc chuẩn bị cho trận đánh vừa hoàn tất thì cũng là lúc đoàn chiến thuyền Nam Hán kéo đến, nước triều từ từ dâng, quân giặc ồ ạt kéo vào sông Bạch Đằng. Ngô Quyền cho một đội thuyền binh nhẹ do Nguyễn Tất Tố chỉ huy làm nhiệm vụ nhử địch vào trận địa phục kích có bãi cọc. Giặc thấy quân ta khiêu chiến, lập tức tấn công, đội thuyền của Nguyễn Tất Tố vờ thua rút chạy.
Giặc được thể, ồ ạt đuổi theo, vượt qua bãi cọc mà không hề hay biết. Khi nước sông bắt đầu rút, Ngô Quyền chỉ huy đại quân từ ba phía (thủy bộ phối hợp) đổ ra đánh. Quân Nam Hán bị rối loạn phải tháo chạy ra biển. Đạo thủy quân của Ngô Quyền gồm những chiến thuyền nhẹ lao ra tấn công vào đội hình giặc ở giữa sông, đánh dạt chúng sang hai bên, thuyền của giặc phải chèn nhau xít lại theo các luồng nước chảy xiết để tháo chạy theo đường biển. Song các hàng cọc như các mũi chông khổng lồ ngăn cản chúng, nhiều chiếc lao vào cọc vỡ tan. Đúng lúc đó, tất cả quân thủy bộ của Ngô Quyền xông ra tiêu diệt dịch. Quân Nam Hán không còn lối thoát, phía trước bị chặn đứng bởi các hàng cọc, phía sau bị quân ta tấn công mạnh. Cả đoàn chiến thuyền giặc trong một thời gian giao chiến ngắn bị tan tành. Hàng vạn quân giặc, trong đó chủ tướng Hoằng Tháo bị tiêu diệt.Thất bại nặng nề và bất ngờ đã khiến vua Nam Hán kinh hoàng, chỉ biết ra lệnh rút tàn quân về nước.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 được ghi vào lịch sử dân tộc như một chiến công hiển hách, ''Một vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu'' (Ngô Thời Sĩ). Chiến thắng vang dội đó là thành quả biểu hiện tài năng quân sự và ý chí quyết thắng của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền, đồng thời cũng là thành quả của cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân ta sau 30 năm trở lại làm chủ đất nước. Nó góp phần to lớn vào việc khẳng định niềm tin của nhân dân vào khả năng bảo vệ vững chắc nền độc lập và tự chủ của đất nước.

IV. Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, bảo vệ đất nước thống nhất; độc lập tự chủ
luoc_do_12_su_quan_500.jpg


Sau khi đánh bại quân xâm lược Nam Hán (938), Ngô Quyền bắt tay vào công cuộc xây dựng chính quyền độc lập, tự chủ. Năm 939, Ngô Quyền xưng Vương, bãi bỏ chế độ tiết độ sứ, xây dựng cung điện, triều đình, đặt các chức quan và nghi lễ theo chế độ quân chủ, đóng đô ở Cổ Loa. Bấy giờ, chính quyền trung ương của Ngô Quyền chưa đủ điều kiện để kiểm soát, quản lí chặt chẽ các địa phương. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực phong kiến ở các địa phương xa ra sức xây dựng uy quyền cát cứ, không thần phục chính quyền trung ương.
Năm 944, Ngô Quyền mất, em vợ là Dương Tam Kha cướp ngôi, tự lập làm vua, xưng là Bình Vương. Con trưởng của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập bỏ chạy khỏi kinh thành. Năm 950, Ngô Xương Văn (em Xương Ngập) đem quân bắt Dương Tam Kha, và cho đón Xương Ngập về cùng trị nước. Ngô Xương Văn tự xưng là Nam tấn vương, Ngô Xương Ngập xưng là Thiên sách vương. Nhưng chính quyền trung ương lúc này đã suy yếu, tình hình trong nước rối loạn, thổ hào, chúa đất nổi lên ở nhiều nơi dẫn đến tranh chấp, thôn tính lẫn nhau gây nên tình trạng mà sử cũ gọi là loạn 12 sứ quân, vì bấy giờ nổi lên cát cứ ở nhiều nơi, nhưng có 12 thế lực cát cứ lớn:
1. Kiều Công Hãn, chiếm giữ Phong Châu (Phú Thọ), tự xưng là Kiều Tam Chế.
2. Nguyễn Khoan, chiếm giữ Bạch Hạc (Phú Thọ), tự xưng là Nguyễn Thái Bình.
8. Ngô Nhật Khánh, chiếm giữ Đường Lâm (Hà Tây), tự xưng là Ngô Lăm Công.
4. Đỗ Cảnh Thạc chiếm giữ Bảo Đà, Thanh Oai (Hà Tây).
5. Ngô Xương Xí, chiếm giữ Bình Kiều (Thanh Hóa)
6. Lý Khuê, chiếm giữ Siêu Loại (Bắc Ninh), tự xưng là Lý Lăng Công.
7. Nguyễn Thủ Thiệp, chiếm giữ Tiên Du Bắc Ninh), tự xưng là Lữ Tá Công.
8. Lã Đường, chiếm giữ Tây Phù Liệt (Hà Nội), tự xưng là Nguyễn Hữu Công.
10. Kiều Thuận, chiếm giữ Cấm Khê (Hà Tây), tự xưng Kiều Lệnh Công.
11. Phạm Bạch Hổ, chiến giữ Đằng Châu (Hưng Yên), tự xưng là Phạm Phòng Át.
12. Trần Lãm, chiếm giữ Bố Hải Khẩu (Vũ Tiên, Thái Bình), tự xưng là Trần Minh Công. Về sau ông phối hợp với lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh.
Cuộc chiến tranh thôn tính lẫn nhau giữa các thế lực cát cứ đã gây hậu quả tai hại. Nền độc lập thống nhất đất nước bị đe dọa. Trước tình hình hỗn loạn của đất nước, Đinh Bộ Lĩnh là một người chỉ huy quân sự giỏi; có tài năng, lại được các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lê Hoàn và nhân dân các nơi ủng hộ đã lần lượt đánh bại 12 sứ quân, thống nhất lại đất nước trên một cơ sở vững chắc hơn và thuần nhất hơn. Năm 968, công cuộc thống nhất đất nước hoàn thành. Đinh Bộ Lĩnh tự xưng là Hoàng đế, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), xây dựng cung điện, lập nên nhà Đinh. Ông bỏ việc dùng niên hiệu của hoàng đế Trung Hoa tự đặt niên hiệu là Thái Bình, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt.
Thắng lợi của Đinh Bộ Lĩnh càng củng cố thêm nền độc lập thống nhất của đất nước Đại Cồ Việt.
V- Cuộc kháng chiến chống quân tống xâm lược (năm 981)

Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Đinh Liễn bị một viên quan trong triều là Đỗ Thích giết hại. Triều đình lập con thứ là Đinh Toàn lên làm vua. Bấy giờ, Toàn mới 6 tuổi, tôn mẹ là Dương thị (Dương Vân Nga) làm Hoàng thái hậu. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn làm phó vương nắm binh quyền, được thái hậu Dương thị giao phó quyền chấp chính thay vua, tự do ra vào cung điện. Các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp sợ Lê Hoàn cướp ngôi của nhà Đinh liền họp nhau khởi binh đánh Lê Hoàn nhưng bị thua. Đinh Điền bị giết tại trận, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp bị bắt, sau đó bị giết.
Mùa thu năm 980, nhân lúc tình hình nội bộ nhà Đinh lục đục, nhà Tống đem quân sang xâm lược nước ta. Được tin quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy sắp kéo vào biên thùy, Dương Thái hậu giao cho Lê Hoàn nhiệm vụ chuẩn bị chống xâm lược. Theo đề nghị của đại tướng Phạm Cự Lạng và của nhiều tướng khác, Dương Thái hậu đã sai người lấy áo long cổn khoác lên mình Lê Hoàn và chính thức mời Lê Hoàn lên làm vua để có điều kiện thuận lợi lãnh đạo cuộc kháng chiến.
Lê Hoàn tự xưng là Đại Hành Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiện Phúc, lập nên nhà Lê, mà sử cũ thường gọi là nhà Tiền Lê (để phân biệt với thời Hậu Lê của Lê Lợi sau này).


Lê Hoàn huy động quân đội và nhân dân chuẩn bị khẩn trương để chống quân Tống. Theo kế của Ngô Quyền trước đây, ông cho đóng cọc nhọn ở cửa sông Bạch Đằng chặn quân thủy của giặc; đồng thời cho người đưa thư sang cho vua Tống vờ xin cho lập Đinh Toàn lên làmg vua để làm kế hoãn binh khiến quân giặc thêm kiêu ngạo, chủ quan.


Tháng 4 năm 981, quân Tống theo hai đường tiến vào xâm lược nước ta. Cánh quân bộ do Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng, Trần Khâm Tộ vào Lạng Sơn. Cánh quân thủy do Lưu Trừng, Giả Thác và một số tướng khác chỉ huy tiến về phía sông Bạch Đằng. Lê Hoàn cho quân chặn đường thủy, cho một đạo quân nhỏ khiêu chiến, vờ thua để nhử giặc. Quân Tống thêm kiêu, chủ quan, trúng kế của Lê Hoàn nên bị quân ta đánh tan tành, không còn đủ sức vượt qua Bạch Đằng Giang để đi sâu vào nội địa. Hầu Nhân Bảo chỉ huy cánh quân tiến vào nước ta theo đường sông Thương. Vừa đến Chi Lăng, chưa kịp đề phòng, đã bị Lê Hoàn cho quân trá hàng, rồi lợi dụng sơ hở của giặc, bất ngờ đánh úp, Hầu Nhân bảo bị giết tại trận, quân Tống bị đánh bại, Trần Khâm Tộ được tin, rút về nước. Lê Hoàn chỉ huy quân sĩ thừa cơ truy kích, quá nửa số quân của Trần Khâm Tộ bị chết, các tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Hưng bị bắt. Tôn Toàn Hưng, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn chạy thoát về nước nhưng đều bị vua Tống chém đầu hoặc tống ngục giam đến chết. Cuộc xâm lược của nhà Tống bị đại bại.
Cuộc kháng chiến của quân dân Đại Cồ Việt dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn đã thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi đó càng củng cố vững chắc thêm độc lập, thống nhất của đất nước, góp phần tô thắm thêm truyền thống yêu nước, tự cường, bất khuất của nhân dân ta.

VI. Xây dựng chính quyền tự chủ
Năm 938, Ngô Quyền người anh hùng dân tộc lập chiến công tiêu diệt quân Nam Hán xâm lược, đã xưng vương, xây dựng triều đình mới, đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên ở thế kỷ XV nhận xét về thiết chế triều Ngô: ''Có thể thấy được quy mô của đế vương''. Nhưng về tổ chức của triều Ngô cụ thể ra sao thì chưa có tư liệu Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh xưng đế, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, dựng đô mới ở Hoa Lư và tiến thêm một bước trong công cuộc xây dựng chính quyền độc lập tự chủ, bắt đầu định giai phẩm cho các quan văn võ và tăng đạo.

Trong triều đình, vua là người đứng đầu, nắm mọi quyền hành, giải quyết mọi công việc chính trị, vừa là quan tòa tối cao, vừa là tổng chỉ huy quân đội tối cao.
Dưới vua, ở trung ương đã hình thành sự phân công, phân nhiệm cho các quan văn võ và tăng quan. Triều đình có các chức quan văn, võ như sĩ sư, tướng quân, nha hiệu, phò mã đô úy. Bên cạnh các quan văn võ, còn có một hệ thống tăng quan và đạo sĩ với các chức đại sư (như Ngô Chân Lưu), tăng lục (như Trương Ma Ni), sùng chân uy nghi (như Đặng Huyền Quang) v.v. Các hoàng tử được phong vương, các công thần được phong tước và cấp thái ấp.
Triều đình Tiền Lê cấp trung ương có các chức thái sư, thái úy tổng quản, đô chỉ huy sứ. .. Chức tổng quản có cương vị gần như tể tướng. Chức thái sư có nhiệm vụ làm quân sư cho nhà vua, quyền hành đứng trên chức tổng quản và thái úy. Thời Tiền Lê có hai chức chỉ huy sứ: tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ và hữu thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Ngoài ra còn có các chức phụ quốc, nha hiệu, chi hậu, nha nội v.v.

Hệ thống chính quyền địa phương cũng trải qua nhiều thay đổi. Nhà Đinh chia cả nước làm 10 đạo, tuy nhiên không rõ đạo được chia như thế nào. Thời Lê Hoàn đổi 10 đạo làm lộ, phủ, châu, ở các đạo, tràn, lộ, phủ có các chức quản giáp, trấn tướng, thứ sử các châu... Hầu hết quan lại đều là võ tướng. Nhà nước Ngô, Đinh, Lê rất chú ý xây dựng một đạo quân mạnh để bảo vệ chính quyền trung ương mới xây dựng, nhất là dưới thời Đinh - Lê. Quân đội gồm 10 đạo, mỗi đạo l0 quân, mỗi quân 10 lữ, mỗi lữ l0 tốt, mỗi tốt 10 ngũ, mỗi ngũ 10 người. Quân sĩ đều đội mũ da khâu giáp lai với nhau, trên hẹp dưới rộng, chóp phẳng. Ở kinh thành có hai loại quân: Cấm quân (hay quân thân vệ) chia làm 6 quân, có khoảng 3000 người đều khắc trên trán 3 chữ ''Thiên tử quân'', đội mũ đâu mâu. Vũ khí có cung, nỏ, luộc, bài, gậy, giáo, mác, lao v.v. Thủy quân của nhà nước Ngô, Đinh, Tiền Lê rất mạnh đã góp phần quyết định các cuộc kháng chiến chống xâm lược Nam Hán, Tống.

Dưới thời Ngô - Đinh - Tiền Lê (938 – l009), chỉ trong hơn 70 năm, đất nước trải qua nhiều biến động lớn lao: giặc ngoại xâm hai lần tràn vào lãnh thổ, các hào trưởng địa phương nổi lên đánh chiếm nhiều nơi, phá hoại nền thống nhất đất nước, chống lại chính quyền trung ương. Do đó, mặc dù bấy giờ chưa có pháp luật thành văn, bộ luật của nhà nước chưa ban hành, nhưng về mặt hình pháp lại rất được coi trọng và được thực thi mạnh mẽ để răn đe sự phản loạn, chống lại nhà nước trung ương, làm mất ổn định xã hội. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên ở thế kỷ XV cho biết :''vua muốn lấy uy thế để ngự trị thiên hạ, mới đặt vạc dầu lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ ở trong cũi hạ lệnh rằng: Người nào trái phép sẽ phải chịu tội bỏ vào vạc dầu nấu hay cho hổ ăn thịt Mọi người sợ phục không dám trái”. Năm 1002, Lê Hoàn “định luật lệnh''. Nhưng chúng ta không biết được luật lệnh thời đó ra sao, gồm những điều luật gì, hẳn rằng đó là những quy chế của nhà nước để quản lý xã hội mà nhà sử học Phan Huy Chú đã nhận xét ''thời cổ làm việc chỉ có quy chế, không dùng hình luật vì đời thuần, phép giản, có thể châm chước, tùy nghi được''.
Pháp luật thời Đinh - Lê rất hà khắc. Luật lệ tập quán được nhà nước và các làng xã thực hiện khá phổ biến.

Nhận định một cách tổng quát: Nước ta trải qua các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, ngày càng được củng cố, nhất là ở cấp trung ương và cấp cơ sở. Mặc dù tổ chức nhà nước đó còn đơn giản, chưa đầy đủ, các hoạt động của nhà nước chưa được thể chế hóa. việc lựa chọn quan lại chưa có chế độ rõ ràng, ít nhiều còn tiếp thu mô hình chính quyền của nhà Đường, nhà Tống (Trung Quốc). Nhưng điều đó không có nghĩa là nhà nước Đại Cồ Việt ở thế kỉ X thuộc loại hình và tính chất của nhà nước Đường, Tống - một nhà nước quân chủ chuyên chế quan liêu nặng nề. Các danh hiệu đế, vương của các vua thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, tên gọi một số quan chức ở trung ương và địa phương cũng như hệ thống tổ chức chính quyền các cấp và tên gọi của nước ta thời đó (Đại Cồ Việt) đã khẳng định tính chất độc lập, tự chủ của nhà nước Đại Cồ Việt, tiêu biểu cho chủ quyền quốc gia của dân tộc trong buổi đầu vừa bước ra khỏi 1000 năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ. Quốc gia độc lập tự chủ đó ngày càng được xây dựng vững chắc cùng với quá trình trưởng thành của dân tộc.


VII. Tình hình kinh tế

Cơ sở kinh tế chủ yếu của xã hội bấy giờ là chế độ chiếm hữu ruộng đất làng xã. Ruộng đất công về danh nghĩa là thuộc sở hữu tối cao của nhà nước, nhưng trong thực tế vẫn là của làng xã. Nhân dân trong làng được chia ruộng theo tập tục để cày cấy, hàng năm nộp thuế cho nhà nước.
Để bảo đảm quyền sở hữu ruộng đất tối cao của mình, nhà vua đã thi hành một số chính sách và biện pháp như phong lại các trang ấp đã có trước đây của những địa chủ không chống đối. (Việc Đinh Tiên Hoàng phong đất cho hào trưởng Lê Lương, cai quản cả một vùng đất nằm trong phạm vi “đông đến Phân Dịch, nam đến Vũ Long, tây đến đỉnh núi MaLa, bắc đến lèn Kim Cốc'' và cho con cháu Lê Lương đời đời được làm quan coi đất ấy, là một ví dụ tiêu biểu). Như vậy, Lê Lương được vua Đinh phong đất gồm ba huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương - Thanh Hóa . Việc phong đất nói trên là để khẳng định quyền sở hữu ruộng đất trong cả nước là của nhà nước trung ương tập quyền, mà cụ thể là của nhà vua. Một số quan lại có công lao với triều đình, cũng được thưởng đất để hưởng thuế. Ví dụ như Đinh Tiên Hoàng đã ban thực ấp cho Trần Lãm ở Sơn Nam, Lê Long Đĩnh cấp thực ấp ở Đằng Châu cho Lý Công Uẩn (bấy giờ Công Uẩn giữ chức tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ).

Thời Đinh - Tiền Lê, nhà nước đã sử dụng một số diện tích ruộng đất để phục vụ việc tế lễ gọi là tịch điền. Thời Tiền Lê đã sử dụng đất ở Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) và Bàn Hài để làm tịch điền.
Nhà nước thực hiện một số biện pháp khuyến nông, chăm lo đến sản xuất như nhà vua đi cày tịch điền. Lê Hoàn đã đến Bàn Hải, Đọi Sơn để cày tịch điền. Ruộng tịch thuộc quyền quản lí trực tiếp của nhà nước, do những người bị tù tội cày cấy, nộp toàn bộ thu hoạch cho nhà nước. Cày tịch điền là một nghi lễ của nhà nước thể hiện sự quan tâm khuyến khích nhân dân làm nghề nông. Nhờ những chính sách khuyến nông, quốc gia Đại Cồ Việt nhiều năm được mùa. Nền kinh tế nông nghiệp dùng cày sắt với kỹ thuật canh tác khá phát triển, cùng với việc nhà nước chú ý đào, vét các sông, kênh (kênh Đá Cai, Bùi Đỉnh, Ngọc Quang, Bà Hòa v.v.) càng tạo điều kiện cho nền kinh tế nông nghiệp của Đại Cồ Việt phát triển hơn thời Bắc thuộc.

Do ảnh hưởng của thời Bắc thuộc, và còn do công cuộc khẩn hoang lập làng mới ngày càng được mở rộng, chế độ tư hữu ruộng đất tiếp tục phát triển. Trong xã hội Đại Cồ Việt ở thế kỷ X, đã hình thành một số địa chủ tư hữu, ít nhiều có thế lực ở địa phương và trung ương. Đây là một biểu hiện của quá trình phong kiến hoá trong xã hội Đại Cồ Việt.
Chính sự phát triển của nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho công thương nghiệp phát triển.
Nhà nước tổ chức một số xưởng thủ công chuyên chế tạo các sản phẩm phục vụ nhu cầu của vua quan. Các thợ thủ công lành nghề được nhà nước tuyển dụng để đúc tiền, chế tác mũ áo, vũ khí, xây dựng cung điện, đền đài.v.v.. Nhà Đinh, nhà Lê đã xây dựng kinh đô Hoa Lư có những điện lớn như điện Bách Bảo thiên tuế ở núi Đại Vân có cột dát vàng bạc, điện Trường Xuân điện Long Lộc lợp bằng ngói bạc. Trong nhân dân, các nghề thủ công cổ truyền như dệt lụa, kéo tơ, làm giấy đều phát triển. Nhà nước Đinh - Lê đã sử dụng các sản phẩm tơ, lụa, gốm... vào việc bang giao với Trung Quốc.

Các nghề rèn đúc, khai khoáng và kỹ thuật luyện kim bấy giờ cũng được phục hồi và phát triển hơn thời bắc thuộc, nhất là nghề đúc tiền đồng. Ngoài ra, nghề làm vàng, bạc cũng xuất hiện ngày càng nhiều trong nhân dân, trong các quan xưởng của nhà nước. Thủ công nghiệp không còn hoạt động xé lẻ, rời rạc, thợ thủ công ngày càng trở thành một tầng lớp đông đảo hơn, có trình độ kỹ thuật cao.

Việc buôn bán với nước ngoài khá phồn thịnh. Các trung tâm hoạt động thương nghiệp như Hoa Lư, Long Biên, Tống Bình là nơi hoạt động khá tấp nập. Cùng với hệ thống chợ của các địa phương đã hình thành một số trung tâm thương mại của vùng.
Việc buôn bán với nước ngoài được đẩy mạnh. Năm 976, thuyền buôn nước ngoài đã đến xin buôn bán. Năm 1009, Long Đĩnh đặt việc thông thương với nhà Tống ở Ung Châu. Lê Hoàn cho đào xong con sông nối từ núi Đồng Cổ (Yên Định, Thanh Hoá) đến sông Bà Hòa (Tĩnh Gia, Thanh Hoá). Năm 1003, Lê Hoàn cho vét kênh Đa Cái nối vùng Hưng Yên, Nghệ An đến Ám Châu v.v… Sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp đã góp phần củng cố chính quyền quân chủ trung ương tập quyền, ổn định xã hội, đặt nền móng vững chắc cho quốc gia độc lập, tự chủ lâu dài.


VIII.Quan hệ đối ngoại

Với nhà Tống, Đinh Tiên Hoàng sau khi đạt niên hiệu Thái Bình, đã cử sứ bộ sang giao hảo với nhà Tống. Năm 973, vua Tống phong Đinh Tiên Hoàng làm Giao chỉ quận vương. Năm 975 vua Tống cử phái bộ sang Đại Cồ Việt phong Đinh Liễn làm Giao chỉ quận vương. Quan hệ Việt - Tống dưới thời Đinh nhìn chung tốt đẹp, hòa hảo. Cuối thời Đinh, từ năm 979, khi Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị giết, con Đinh Tiên Hoàng là Đinh Toàn còn nhỏ tuổi lên nối ngôi, nhà Tống nhân cơ hội đem quân sang xâm lược. Nhân dân Đại Cồ Việt dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn đã đánh bại quân xâm lược Tống. Chiến thắng lẫy lừng đó, đã đặt cơ sở vững chắc cho đường lối đối ngoại của nhà Tiền Lê: Kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh biên giới, đề cao tinh thần tự cường dân tộc. Chính sách đối ngoại tích cực đó được thể hiện như việc cho nhà sư Đỗ Thuận giả làm người lái đò để đón sứ giả nhà Tống là Lý Giác vào năm 987 Khi đó:Lý Giác nhìn thấy hai con ngỗng đang bơi trên sông, liền ngâm hai câu thơ:
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha
Nghĩa là: Ngỗng kìa, ngỗng một đôi
Ngửa mặt nhìn chân trời
Pháp sư Đỗ Thuận vừa chèo đò, vừa ứng khẩu ngay hai câu nối theo:
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba
Nghĩa là: Lông trắng phô nước biếc
Rẽ sóng, chèo hồng bơi
Lý Giác rất phục và kinh ngạc, từ đó, rất kính nể văn tài nước ta. Năm 990, Tống Cảo được vua Tống lệnh mang sắc sang phong thêm cho Lê Hoàn hai chữ ''Đặo tiến''. Lê Hoàn cho quân ra đón theo đường biển vào sông Bạch Đằng. Trên đường sứ bộ nhà Tống về Kinh đô Hoa Lư, Lê Hoàn cho bày nhiều chiến thuyền, thao diễn thủy quân để phô trương lực lượng hùng mạnh của Đại Cồ Việt. Khi nhận sắc phong của vua Tống, Lê Hoàn lấy cớ bị ngã ngựa đau chân để không phải lạy phục.

Năm 996, nhà Tống cử Lý Nhược Chuyến sang Đại Cồ Việt ban chiếu thư và đai ngọc. Lê Hoàn ra nghênh đón ở ngoài Kinh thành nhưng không chịu làm lễ bái tạ.
Nhìn chung, trong quan hệ bang giao giữa nhà Tiền Lê và nhà Tống, mặc dù về danh nghĩa, nhà Lê chịu thần phục vua Tống, hàng năm nộp cống, nhưng thực chất là quan hệ bình đẳng.
Năm l005, Lê Hoàn chết. Các con của Lê Hoàn tranh giành ngôi vua, Vương triều Tiền Lê mất ổn định, nhưng vua Tống cũng không dám đem quân xâm lược nước ta. Khi Lê Long Đĩnh lên nối ngôi, vua Tống đã sai sứ sang phong tước vương như thường lệ. Các sứ giả của nhà Lê sang đều được vua Tống đón tiếp nồng hậu.

Chính sách đối ngoại vừa mềm dẻo (chịu thần phục, nộp cống) vừa cương quyết bảo vệ độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, tự cường dân tộc của nhà Tiền Lê đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quốc gia độc lập - thống nhất ở thế kỉ X.
Đối với Chăm pa, nhà Đinh cũng như nhà Tiền Lê luôn luôn chủ trương giữ hòa hảo, nhờ vậy vùng biên giới phía nam được ổn định. Bên cạnh, rất kiên quyết trừng trị những hành động xâm lược, quấy phá vùng biên giới của Chăm pa. Năm 979, khi Đinh Tiên Hoàng bị giết, nghe lời xúi giục của Ngô Nhật Khánh (một trong 12 sứ quân nổi dậy cát cứ vào cuối triều Ngô), Chiêm Thành đã đem quân sang xâm lược Đại Cồ Việt, nhưng bị gió lớn làm đắm hầu hết thuyền. Vua Chiêm Thành chạy thoát về nước.

Lê Hoàn sau khi lên ngôi (980) đã cử Từ Mục và Ngô Tử Canh sang sứ Chăm pa nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao hòa hảo, nhưng vua Chăm đã bắt giữ sứ thần của nhà Lê.
Sau cuộc kháng chiến chống xâm lược Tống thắng lợi, năm 982, Lê Đại Hành liền chỉ huy quân đội tiến đánh Chăm pa. Quân Chăm đại bại. Từ đó quan hệ bang giao giữa Đại Cồ việt và Chăm pa nhìn chung trở lại bình thường, nhưng dưới triều vua Harivarman II, thỉnh thoảng vẫn cho quân cướp phá vùng biên thùy phía Nam nước ta.

Đầu năm 1005, Lê Đại Hành chết. Các con đem quân đánh lẫn nhau để giành ngôi, không chấp nhận sự kế vị của Long Việt. Sau 8 tháng xung đột, khai minh vương Long Đĩnh đánh bại được các hoàng tử, tự lập làm vua. Ban đầu Long Đĩnh còn lo chấn chỉnh bộ máy nhà nước, đàn áp các lực lượng li tán. Năm 1009, khi tình hình đã tương đối yên ổn, Long Đĩnh quay sang ăn chơi trụy lạc, mắc bệnh trĩ nên không ngồi được, phải nằm để hội chầu với các quan, nên sử gọi là Lê Ngọa triều. Không những thế Long Đĩnh còn thích những trò hành hình dã man như đốt người, xẻo thịt, thả trôi sông... khiến mọi người chán nản. Dòng họ Lê không còn đủ uy tín để mọi người tín phục. Cuối năm đó, Long Đĩnh chết. Một số triều thần do chi hậu Đào Cam Mộc đứng đầu, được sự ủng hộ của các sư tăng, đã nhất trí đưa tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên làm vua.
Công Uẩn là người châu Cổ Pháp (Tiên Sơn - Bắc Ninh), thuở nhỏ làm con nuôi của nhà sư Lý Khánh Văn, học hành ở chùa, lớn lên làm chỉ huy cấm quân, thăng dần đến Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Ông là người học giỏi có đức hạnh nên rất được các quan trong triều quý mến.
Đầu năm 1010, Lý Công Uẩn chính thức lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Thuận Thiên. Nhà Lý thành lập, mở ra một trang sử mới, thanh bình.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top