Thế giới thơ ca Phạm Ngọc Thái

vanchuong83

New member
Xu
0
THẾ GIỚI THƠ CA PHẠM NGỌC THÁI
Nguyễn Đình Chúc


Tôi biết Phạm Ngọc Thái (PNT) từ thưở còn chiến tranh, cùng là anh lính chiến ăn rừng ngủ rú qua ba mặt trận Việt-Miên-Lào. Suốt chặng đường chinh chiến ấy, Thái ham viết nhật ký và làm thơ! Nhiều đêm nằm với nhau bên võng giữa rừng, Thái vẫn thường hay đọc thơ cho chúng tôi nghe. Được biết những cuốn nhật ký đó đã bị mất trong chiến tranh, tác giả chỉ còn nhớ lại ít bài tản mạn, cũng là một điều đáng tiếc.

Bọn lính Hà Nội cùng trong tiểu đoàn chúng tôi ra đi hồi đó, hết chiến tranh rồi kiểm lại cũng chỉ còn mươi đứa sống sót trở về. Chẳng ai có thể ngờ rằng cái anh chàng lính trận rất ham thích thơ thưở đó, nay đã trở thành một nhà thơ có tên tuổi trong làng ngoài nước. Thái cũng đã cho xuất bản 3 tập thơ, hay nhất là tập "Rung động trái tim" - Nxb Thanh niên 2009 rất có tầm vóc của anh.
Tôi kể một chút kỷ niệm xưa cũng chỉ là bộc bạch đôi nét trước khi giới thiệu thơ anh! Phần nữa, qua những tập thơ đã xuất bản và nhiều chùm thơ anh cho quảng bá trên mạng - không khỏi ngỡ ngàng: tâm lý, tình cảm của PNT hôm nay đã khác với năm xưa ấy nhiều quá? Nếu đọc ở mảng thơ tình ta nhận thấy một tâm hồn tha thiết yêu nhưng hoang dã, mà phần nhiều đều là những mối tình dang dở hoặc tan vỡ, tác giả nuối lại những kỷ niệm đã xa xưa.
Thí dụ như bài ĐÊM NAY TRỜI LẠI KHÔNG MƯA anh viết:
Ta lại bước lang thang trên phố vắng
Đến mỗi gốc cây có vệt cũ em ngồi
Tiếng hát xưa đưa bờ hồ gió thổi
Bóng với mình đi mãi tới ban mai...
Cứ tưởng buổi cuối cùng em đến... đã chia tay?

Còn ở bài NGƯỜI ĐÀN BÀ TRẮNG:
Vết thương lòng không dễ đã lành đâu / Những đêm sao buồn, những đêm gió khát/ Khúc thơ tình anh lại viết về em / Người đàn bà ngậm cả vầng trăng.



Mảng thơ tình này tôi sẽ nói kỹ hơn ở phần sau. Trong số bài thơ khác ta lại thấy một cái bóng bảng lảng, quanh quất cõi thiền của một con người cập kề tuổi hoa niên. Có lẽ không phải chỉ là vấn đề tuổi tác, còn do khách quan cuộc sống và tâm trạng bởi thời thế đã làm thay đổi những suy nghĩ, tình cảm và tâm hồn tác giả. Như trong tựa đề của tập thơ Người Đàn Bà Trắng anh viết:
Tiếng chuông chùa bốn phía âm vang / Mình lễ cả ba thiên toà phật/ Người có vận! Thôi đừng oán trách / Chuyện thơ văn vừa thực, vừa chơi...
Một quan niệm rất thiền. Còn tựa đề cho tập Rung Động Trái Tim thì tâm tư của nhà thơ lại hoà trộn trong cát bụi cuộc đời:
Con sẻ hót mênh mông đồng nước / Người hát rong hát vui sân ga/ Tiếng Hát Đời Thường thường lẫn vào bụi cát / Anh hát cho đời... / Anh hát em nghe...



Để có thể nhận thức được một phần nào đó về thế giới thơ Phạm Ngọc Thái, tôi tạm chia ra làm mấy tiêu đề lớn cho tiện phân tích.

A/- SỰ KHÁI QUÁT HÀM SÚC TRONG THƠ

Tính hàm súc có thể nói bao trùm trong thơ PNT, kể cả những bài thơ viết dưới dạng triết lý đến nhiều bài chảy theo dòng cảm xúc tự nhiên. Xin bắt đầu từ bài CỬA QUÁN:

Bà chủ quán / Bước lên xe mô-đéc / Đeo kính gọng vàng/
Mấy cô gái /Ngồi ở lan can / Mặc toàn váy ngắn
Mùa thu rơi / Sau kính...
Anh thi sĩ/ Hoá thằng gù / Nhà thờ - Đức Bà - Pa Ri!
(Tập "Người đàn bà trắng" )



Nó khái quát tới mức độ: Bài thơ được tạo thành từ 4 tứ thơ, mỗi tứ chỉ là một bức ảnh.
- Bức ảnh thứ nhất chụp về sự giàu có sang trọng.
- Bức thứ hai chụp về sự trẻ trung hoa mỹ, gợi cảm của các cô gái (mô típ rất thời đại), qua đó để nói lên sự quyến rũ, đam mê trong khát vọng con người.

- Bức thứ ba chụp về thiên nhiên trinh bạch và êm ả: Con người còn hướng đến sự thanh tao, khoáng đạt của đất trời.
- Để rồi tác giả rút ra triết lý, kết tất cả vào trong bức ảnh thứ tư: Đó là tấm chân dung thảm hại của thằng gù Nhà thờ Đức Bà Pa Ri... trong tiểu thuyết của văn hào vĩ đại V.Huy Gô. Dựng lên cả tấn bi kịch cuộc đời - Rằng, nếu nghèo khốn quá thì đến chân dung một con người cũng chỉ như một con vật!
Bốn bức ảnh ấy tự biến hoá, tác động lẫn nhau để lột tả chủ đề tư tưởng trong tác phẩm của anh.

Tôi phân tích một bài thơ khác của tập Rung Động Trái Tim là bài NỖI TRĂN TRỞ NGƯỜI ĐI TÌM VÀNG - Bài thơ vẽ cho chúng ta một bức tranh về những con người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài:
Tôi sống âm thầm trong một đoàn người hỗn hợp / Rời quê qua bên kia biển sóng / Kẻ tìm vàng, người vì cảnh nghèo đi...
Nó cũng giống như một đoàn quân ô hợp tha phương kiếm sống, nhiều mặt bị tha hoá... không khác gì lớp người ở dưới đáy xã hội:
Đạo lý có hoá thừa đành giả dại làm ngơ / Đứa mách qué lại vân vi dễ sống...
Gia đình ở trong nước thường vui mừng khi nhận được tiền của mà người thân của họ từ nước ngoài gửi về, nhưng không thấy được những nỗi đời ê chề, thậm chí tới mức khốn nạn mà những người thân của họ đã gánh chịu. Ta hãy nghe xem tác giả đã nói về cái giá mà những con người tha phương đó phải chịu đựng thế nào?
Ai mang bán vàng mười giữa phiên chợ đông (*)
Tôi tìm chắt những bụi vàng như anh lính lê-dương lọc sàng từng đống rác (**)
Dầu kẻ bán - Người tìm vàng có khác / Nhưng giá vàng tính cũng như nhau.

Câu 1 (*) - Tác giả sử dụng ý câu thơ của Nguyễn Duy: "Còn chút vàng mười mang ra bán nốt" - nghĩa của hai chữ "vàng mười" đó ý nói là thứ "vàng của lương tâm". Trong mâu thuẫn hiện thực cuộc sống, nếu nghèo khổ quá thì có khi đến cả tâm hồn cũng phải mang ra mà bán cho quỉ sứ! Huống chi còn cả gia đình và những người thân trong nước đang chờ họ. Nền tảng xã hội xuống cấp thì cá nhân làm sao có thể giữ trong sạch được?


Câu sau (**) - Tác giả phỏng theo tích truyện "Bông hồng vàng" của nhà văn Nga Pau-tốp-xki: Có người lính lê-dương làm cận vệ cho một viên tướng Pháp. Trong chuyến sang chiến trường Đông Dương, viên tướng ấy đã mang theo một cô con gái nhỏ. Trước khi bị tử trận, viên tướng còn kịp dặn lại người lính cận vệ của mình: Hãy mang cô con gái của ông ta về trao lại cho mẹ nó ở Pa Ri! Trên đường về Pháp, cô bé ngây thơ cứ ao ước có một bông hồng bằng vàng ? "Bông hồng vàng" chính là biểu tượng cho hạnh phúc của bé gái!


Những năm sau đó, cuộc sống xô đẩy anh lính lê-dương trở thành một người quét rác nghèo hèn, sống trong một túp lều xiêu vẹo dưới gầm cầu của ngoại ô Pa Ri. Tuy vậy, trong tâm trí của người lính ấy vẫn mong muốn sẽ thực hiện được ước mơ của cô bé. Ngày ngày khi quét qua các cửa hiệu kim hoàn, người quét rác lại chắt lọc lấy những nắm bụi vàng mang về nơi mình ở. Năm này qua năm khác, dần dà anh ta cũng tích được một ít vàng, đủ để nhờ người thợ kim hoàn làm cho cô bé một bông hồng vàng nhỏ. Khi đó cô bé ấy đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp ở Pa Ri!
Trớ trêu, bông hồng vàng chưa kịp gửi đi cho bé gái thì người quét rác đã chết trong đói nghèo và khổ cực. Xác anh ta nằm trên một manh chiếu mục, đầu vẫn gối lên bông hồng vàng... sau đó đã bị người thợ kim hoàn đến lấy đi mất. Vậy là, loại "vàng mười" (vàng lương tâm) mà nhà thơ Nguyễn Duy đã phải đem ra chợ bán, với "vàng" mà người quét rác kia lăn lộn kiếm từ trong rác bẩn cuộc đời - nó cũng giống như cái thứ vàng mà những người lao động đi kiếm khi họ ra nước ngoài làm thuê:
Dầu kẻ bán - Người tìm vàng có khác / Nhưng giá vàng tính cũng như nhau...
Khi mang ra thị trường thì vàng nào cùng loại mà giá chẳng như nhau? Nếu đặt trên bàn giá của lương tâm ta cũng không thể chê trách những con người lao động ấy, bởi những tình cảm đó xuất phát từ lương tri của lương tri, như tác giả thổ lộ:
Hạt muối xót tháng năm và lòng ai đắng? / Tôi nhận chìm tôi vào những lãng quên!


Ý thơ thật xót xa. Kịch tính bao nhiêu khi chính những con người đó còn phải sống với nhau như giữa chốn chợ giời:
Giả dại ở đời thường mà khôn lại trong mơ
Bài thơ đã được khai thác cả bề diện lẫn bề sâu, nó hay lên vì "cái tôi" chảy trong máu tim tác giả hoà quyện với hiện thực của cộng đồng. Chỉ hơn 20 câu thơ tác giả đã phục lại không khác gì một pho tiểu thuyết, một bi kịch xã hội và con người.


Thơ PNT giàu triết lý, đặc điểm của tính triết lý ấy là được vận từ đời sống vào thơ như được chắt từ trong óc, nên cảm xúc vẫn mạnh mà không bị gò ép. Thí dụ:
Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu / Anh cũng không làm chàng Trương Chi suốt đời chèo sông vắng/ Ta không đi theo con-đường-lông-ngỗng-trắng / Dẫu hình hài khắc mãi tim nhau!
(Người đàn bà trắng)

Bờ bãi đời người "Cuộc sống - Tình yêu" / Trái tim nhỏ em dựng cả Toà sen chân phật tổ!/ Ta cũng thể loài cua còng nơi bể cả / Yêu thương nhiều hưởng đã bao nhiêu?
(Em về biển)
Cuộc cờ ấy theo thời như hội / Vàng đỏ trắng đen... thay sắc luân hồi/ Từ anh nhà thơ tới đứa ăn mày / Mấy ai tránh nổi trò sấp ngửa.
(Viết sau đám xe tang)

Thế đó, em ơi! Tình qua không trở lại / Xế chiều rồi mà máu tim chảy mãi không thôi/ Em có nghe gió hồ Tây đang thổi / Anh ở đây vẫn bên hồ Tây mây trôi...
(Anh vẫn ở bên hồ Tây)

B/- PHẨM CHẤT VÀ TÍNH CÁCH NHÂN VĂN TÁC PHẨM


Lưu ý một chút ta sẽ thấy nổi lên một đặc điểm rất rõ: Hầu như bài thơ nào của Thái cũng có thiên nhiên. Khi thì nó được viết dưới các hàng cây, lúc ở bên hồ, trong các quán xá của một chiều hoàng hôn hoặc dưới đêm trăng. Nhờ vào cảnh thiên nhiên bỗng một ký ức xa xăm nào đó vụt tới tạo thành cảm xúc thơ. Thiên nhiên không chỉ là chỗ dựa cho những tình cảm vui, buồn trong đời thường tác giả, nó còn là yếu tố quan trọng nuôi sống thơ anh. Như tác giả đã thổ lộ:

Mai ta chết, các bạn bè thân hữu / Bọc thiên nhiên mà đọc điếu văn/ Đại bàng vỗ cánh rợp trời mưa gió / Trong không gian vào mãi xứ vô biên...
(Viết dưới chân đài hoàn vũ)


Thơ anh đều bắt nguồn từ đời thường. Cái đời thường ấy được khái quát bằng một sự trải nghiệm tương đối sâu sắc: Con người với xã hội, cá nhân và thế giới. Nó mang tính đời sống triết học, tính vũ trụ (tồn tại và cát bụi), đời vừa thực lại vừa hư. Tuỳ theo cảnh tình nhào luyện thành vóc thơ ca, ẩn chứa một thế giới bên trong rất thấm thía.


Tôi xin nói thêm đôi nét về đời tư tác giả để bạn đọc dễ cảm nhận khi đọc thơ anh! PNT sinh ra và lớn lên trong thời chiến. Từ thưở còn trẻ anh đã phải rời bỏ đời sinh viên đại học, từ giã Hà Nội để tiếp nhận cuộc sống người lính ngoài chiến trường. Trong những năm tháng chiến tranh ấy, chúng tôi đã có một số năm sống với nhau trong cùng đơn vị. Sau này mỗi đứa phiêu bạt một nơi, cho tới tận ngày kết thúc chiến tranh trở về Hà Nội mới lại gặp nhau. Có lẽ vì tâm lý cũng đã mệt mỏi đường binh nghiệp nên khi trở lại thành phố quê hương anh đã xin rời khỏi quân ngũ, tiếp tục theo học đại học ngoại thương, để sau này trở thành một cán bộ của ngành ngoại thương quốc tế.


Tâm lý diễn biến của cuộc đời tác giả trong những năm hoà bình trở lại đây cũng khá phức tạp. Khi anh trở về thì nhà tan cửa nát, do bị bom B52 giặc Mỹ đánh vào phố Khâm Thiên Hà Nội năm 1972, khi ấy gia đình anh sống ở đó. Rồi năm tháng lại thêm sự chán nản bởi thời thế, Thái sống chẳng khác gì một người đi ở ẩn, chỉ vui thú với gia đình, bạn bè, sớm hôm bàu bạn văn chương. Tâm lý ấy đã được bộc lộ trong nhiều bài:
Ta đã sống phần đời sau chót / Trong ngôi nhà ẩn khuất bóng nhân gian/ Một cuộc sống bình thường bàu bạn / Nửa trăng hồ nửa gã hiền nhân.
(Trên nấm mồ truyền thuyết)


Có lúc tác giả rơi vào một trạng thái cô đơn đến gai lạnh:
Hãy vứt ta lên chiếc giường phủ những nệm chăn màn... làm từ những tế bào đói khát/ Ta không đói khát tình em / Mà đói khát con người!
Hay là:
Một thứ ma người quen hút khí đêm thay cho sữa mẹ/ Chơi với hoa, với cá, với chim
(Cô đơn)
Nhiều khi chỉ bàu bạn với trăng sao:
Ta! Anh thi sĩ của nhân gian / Tạc thù với cả khối sao trăng/ Hồn hoa nâng cốc xin dốc cạn / Dẫu chỉ mình thôi vẫn mê man...
(Tối quán)

"Cõi thiền" cũng là một trong những phẩm chất nhân văn rất căn bản của thơ PNT. Trong mảng thơ đời của anh, tính hiện thực xã hội, thời đại, có khi lại hàm chứa cả những quan niệm vũ trụ đầy bí ẩn. Tôi xin phân tích cụ thể vào một số bài thơ.


1/. EM BÁN XOÀI - Hình ảnh nhân vật trong thơ đã được tác giả thai nghén từ những ngày sau chiến tranh, khi anh vẫn còn là một sĩ quan trên con đường binh nghiệp. Trong một buổi chiều tối lang thang trên bãi biển của thành phố Nha Trang, tác giả đã gặp một cô gái, nhiều cô gái bán xoài - để rồi mãi sau này khi nỗi lòng có nhiều trắc ẩn, kỷ niệm bao năm tháng qua lại trở về và bài thơ đã ra đời:

Em bán xoài đi đêm trên cát trắng / Bãi biển chập chờn kiếp đời các cô gái lang thang
Đó là những thân phận nổi trôi sau một cuộc chiến tranh, những kiếp đời cát bụi. Nó nhỏ bé, côi cút trong một biển sống đầy sóng dữ chỉ muốn nuốt chửng lấy nó. Những người con gái thân phận lạc loài, linh hồn gần như không có nơi bám víu:
Biển to lớn - Bóng em nhỏ thẫm / Linh hồn treo ngoài thế giới em đi / Trên những cành dừa hay trong đám mây qua? Cái thế giới ấy giống như:...vòng thiên la địa võng /-

Mặc dù sự tồn tại của thế giới đó phải nhờ vào vị thơm của trái xoài và hương mát của những người con gái kia! Thế mà:
Ai mua xoài? Còn ai có mua em?
Hay là:
Tóc còn xanh em bán kiếp đời trôi...
Hồn thơ nhập vào những thân phận bọt bèo để rồi cùng vô vi trong cát bụi cuộc đời. Như thế là cái thế giới với những đảo điên trong thế thái giống như cái túi càn khôn bủa vây, vùi lấp đám dân lành tội nghiệp. Bài thơ được kết thúc trong lời ru, sự cảm đồng của lòng tác giả cùng với quê hương quanh những cô gái bán xoài:
Biển ru ta và ta ru em
Dưới hàng dừa xứ sở gió ngàn năm


2/. CÔ QUÉT LÁ ĐÊM HỒ - Một bài thơ cũng rất giàu tính dân dã:
Một đêm hồ nước đầy sương gió / Người đi không rõ mặt người/ Liễu ru nhè nhẹ quanh bờ vắng / Em thầm thì quét lá, bên tôi!
Vào cái đêm trời đất đầy sương gió tác giả đã gặp cô quét lá, chính là người quét rác trong phố khuya. Đọc đến câu thứ 2 ta thấy hiện thực xã hội đã hiện ra: Không phải chỉ trời sương gió, mà đó là những con người của đời sương gió. Lớp người đông đảo nhất xã hội, nhưng bước đi:...không rõ mặt người/- Những con người lao động nghèo khổ "sống không còn nhân ảnh", chẳng qua cũng chỉ là những lớp đời phù du, thân phận giống như chiếc chổi tre năm tháng quét lê trên đường để... mòn vẹt dần đi:
Em quét lá lẫn đời lẫn kiếp / Tiếng chổi mòn kêu xiết vào tim!
Cảnh đời và tác giả cứ hiu hắt ru quanh cô quét lá đưa ta vào khoảng không gian vừa mơ hồ, êm ả, nửa thực, nửa không, như có những giọt lệ từ trong trái tim nhà thơ rơi ra:
Em hoá thành thơ rơi lặng lẽ / Trong cõi lòng tôi buồn triền miên...
Tôi đi sâu để phân tích hai câu thơ hay nhất bài:
Trăng như đứa không nhà trôi lạc lõng
Con nai vàng chết bóng thu xưa...

Tác giả có kể về xuất xứ của 2 câu thơ này: Nhìn lên vòm trời đêm ấy xung quanh là tiếng lá cây reo, anh có cảm giác... không phải cô quét lá cô đơn mà chính là nhà thơ cô đơn! Nó cũng như cái bóng trăng đang lạc lõng, hiu hắt trên trời kia? Thế là bóng trăng đã được nhân cách hoá vào thân phận con người đang bơ vơ không nhà, không cửa. Còn hình ảnh đêm mùa thu cô quạnh, mơ mộng và man mác buồn... gợi lên trong tâm trí tác giả về hình tượng "con nai vàng" trong bài thơ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư! Một sự liên tưởng nấy sinh trong đầu óc anh: Chỉ có thi nhân "mộng và sầu" mới có thể thấy được bóng:
Con nai vàng ngơ ngác
đạp trên lá vàng khô

Còn những con người lao động nghèo khổ kia đang phải vật vã từng ngày để kiếm miếng cơm manh áo, thì làm gì còn tâm trí mà....mơ đến bóng nai vàng? Thế là nẩy ra cảnh ngược thơ: Con nai vàng phải chết! Nên mới có câu:
Con nai vàng chết bóng thu xưa...
Vậy là hình ảnh "con nai vàng ngơ ngác" của cố thi nhân Lưu Trọng Lư thì bọc chứa cả thế giới trong thơ, còn hình ảnh "con nai vàng chết"...ở bài thơ "Cô quét lá đêm hồ" của PNT lại để phản ảnh ý nghĩa cuộc sống và xã hội nằm bên ngoài câu thơ. Hai câu thơ trên như gói cả thân phận cùng nỗi lòng của nhà thơ và cô quét lá vào trong đó!


3/. ĐÊM KHÔNG NGỦ - Là một bài thơ tác giả trăn trở về nhân tình thế sự! Đó là vào một đêm mùa đông:
Thành phố của những ổ chim / Âm ỉ hót phù du...
Có một con chim (con chim đó đã phải đeo kính trắng), cứ tối tối ra đường:
Nhặt những hạt sấu, cánh hoa lơ đãng / Bước đi như không có chuyện gì?

Nhưng " không có chuyện gì" ? nghĩa là có chuyện! Vậy tại sao nó lại "lơ đãng"? Nghĩa là chuyện ấy nhàm rồi, chán rồi, không còn đáng lưu tâm hay nó không muốn lưu tâm đến nữa. Hình ảnh những "ổ chim" ở đây, tác giả lấy làm biểu tượng để nói về chốn dân tình. Thông qua tiếng của loài chim ấy để nói lên tâm tư tình cảm nhân gian về xã hội và thế thái này.
Đêm không ngủ không buồn
Cái điệp khúc tác giả nhắc đi nhắc lại để mở đầu cho mỗi tứ thơ: nó bộc lộ một tâm trạng còn u uẩn, khuất khúc? Vừa như lãnh đạm bàng quan với xung quanh, nhưng lại... không ngủ được! Giai đoạn mà anh viết bài thơ này là... đúng vào cái đêm "bức tường Berlin bị đạp đổ", Đông Đức mất vào tay Tây Đức, kéo theo là sự sụp đổ của nước Nga Xô viết cùng hàng loạt các nước XHCN ở Đông Âu.
Đứng trước một sự kiện lớn lao đến như thế, sự sụp đổ của cả một hệ thống CNXH cũng có nghĩa là sự tan vỡ của chủ nghĩa Marx làm chao đảo cả một thời đại - Ấy vậy mà hình ảnh của cả một thành phố (như tác giả tả trong thơ) vẫn chìm trong một không khí lạnh lẽo, như không ai thèm đếm xỉa đến sự tan vỡ ấy:
Thành phố không mưa / Cũng không nghe ai khóc!
Bởi vì cái thế thời ấy đã... thoái hoá, làm cho người ta chán quá rồi! Nó có sụp đổ đi cũng là đúng thôi, chẳng ai hoài công mà thương tiếc nó làm gì nữa. Đây chính là thái độ nhân sinh và thế giới quan của nhà thơ! Nên "con chim đã phải đeo kính trắng" kia mới:
Bước đi như không có chuyện gì...
Cuối cùng tác giả dồn toàn bộ ý tưởng vào trong mấy câu thơ sấm sét để kết bài:
Đêm không ngủ! Phải, đêm nay mình không ngủ! / Đúng vào đêm sụp đổ giữa cộng đồng/ Chủ nghĩa Marx hết thời. CNXH cũng suy vong...
Tác giả bỏ lửng ở đấy để cho đời tự ngẫm mà phán xét? Thi phẩm đã bộc lộ một tình yêu quê hương tha thiết của nhà thơ.


4/. TRỞ VỀ - Bài thơ đã được viết ở nước ngoài cũng trong giai đoạn phe XHCN bị sụp đổ đó, vào những ngày anh chuẩn bị trở về quê hương:
Đôi cánh chim trời quạt gió mây / Ta về non nước nước non đây
Hay là:
Ta về bàu bạn cùng mưa nắng / Lưu lạc người ơi gió cuốn thôi...
Trên bàn cân thế giới khi ấy dấu ấn về thành trì CNXH bị nghiêng ngả đã được tác giả ghi nhận trong bài thơ:
Đông Âu bão giật xiêu thành Marx
Và tình hình rối ren của nhân tình thế thái:
Bốn bể chân trời lạc khói sương...
Thành thử chỉ từ một bài thơ có tính chất ngẫu hứng tự sự bản thân đã mang ý nghĩa về một phạm trù của lịch sử thời đại. Bối cảnh quê nhà khi tác giả ra đi:
Ở chốn quê nhà bụi cát bay / Hoà bình mà tan mộng trăng say
Nhưng vì tình yêu da diết với quê hương anh vẫn kiên quyết trở về, trong khi rất nhiều bạn hữu của anh tìm cách ở lại nước ngoài làm kinh tế. Theo lời tác giả nói: Anh kiên quyết trở về quê hương còn vì sự nghiệp văn chương, đã được anh ghi nhận trong câu kết bài:
Ta về trọn cuộc đất cố hương / Với mộng ngàn thu gửi nhân gian...
Có lẽ vậy cho nên việc PNT có trở thành một thi nhân với bao nhiêu áng thi ca hay để lưu lại cho đời cũng chỉ là tất nhiên thôi!


5/. Nếu kể đến mảng thơ viết về thành phố quê hương thì không thể không nói tới bài TIẾNG HÁT ĐỜI THƯỜNG - Bài thơ viết như một truyền thuyết: về người vợ trẻ với đứa con thơ đang chờ anh ở cố hương. Nơi có ngôi đền, quán báo, gốc đa bên hồ Tây. Nơi bà Thị Lộ năm xưa đi bán chiếu gon đã gặp ông Nguyễn Trãi. Nơi mà vẫn còn in dấu đại bác ở cổng thành phía bắc Thăng Long, khi quân giặc Pháp vào đánh chiếm Thủ đô, thành Thăng Long thất thủ, quan tổng đốc Hoàng Diệu phải thắt cổ để tuẫn tiết. Cái thành phố quê nghèo ấy với những hình ảnh bình dị thân thiết:
Ôi quê hương! / Cái phố nhỏ cứ mưa là lầy lội / Cháu gái nhà bên tuổi không đoán nổi/ Chưa tối đã khêu đèn bê mẹt thuốc rao đêm / Ngày hai bữa, bữa nào cũng vội


Và lòng nhà thơ tha thiết luôn hướng về miền cố hương ấy:
Ai biết chiều nay người vợ trẻ / Đứng mong chồng bên đứa con thơ / Giọt lệ cháy xót lòng mang sắc xanh thu!...
Hay là: Tuyết bạc quê người, xứ sở mưa cau / Đi đâu, đến đâu... nhớ về phố ấy! /- Cái tiếng hát đời thường ấy lẫn vào trong cát bụi, nó cũng giống như tiếng của người hát dạo trên sân ga, tiếng của những con chim sẻ nhỏ nhoi trên cánh đồng mênh mông nước - nhưng đó là những tiếng hát tha thiết và thân thương của trái tim ta.



6/. Tôi bình bài ĐÊM TRUNG THU VÀ ĐỨA ĂN MÀY mà tác giả nói về cái nghèo đói:
Trước đứa ăn mày tất cả chúng ta hoá thánh! / Nó đói lòng cúi lậy rất từ bi...
Nghĩa là cái đói khổ đã đẩy con người ta xuống hàng cấp thấp, đê hèn. Đây lại chỉ là hai đứa trẻ. Đứa lớn vẫn còn bé, nó đã gầy yếu nhưng còn phải cõng trên lưng một bé em còm cõi:
Ăn mày từ thưở khai sinh!


Hai đứa ăn mày ấy xuất hiện trong một khung cảnh nào? Đó là vào giữa đêm trung thu đèn hoa, trăng sáng. Một bức tranh tạo nên cảnh tương phản đến khốc liệt, khi cảnh thê lương ấy lại xẩy ra ở trong cái đêm hạnh phúc nhất giành cho con trẻ trên toàn trái đất này. Bố mẹ chúng đâu và là ai? ta không biết! Cái hiện thực thật tội nghiệp, xót xa. Còn với chúng phải sống lang thang xin ăn như thế nó sẽ nghĩ gì?... thậm chí nó còn chưa đủ tuổi để nghĩ đến thân phận của mình nữa:
Hai đứa ăn mày mặt lạnh như trăng / Hoà phối cảnh vào bức tranh xứ sở...
Cái màu trăng rằm tháng tám thì đẹp và rực rỡ, còn màu trăng nhờn nhợt trên mặt những đứa trẻ kia thì lạnh lẽo làm ta rợn gai người - Và, hai cái màu trăng ấy hoà vào nhau làm thành màu...đất nước? Bài thơ đã được kết thúc trong những mâu thuẫn không thể nào tháo gỡ nổi trên cõi thế gian này:
Dưới gầm trời này có phải đã muôn năm như vậy: / - Kẻ cần cơm bên những đứa cần vàng - Lũ cần tình thương sống lẫn giống bạo tàn / Và gộp lại gọi chung là... nhân thế!


Ta nhìn ra thế giới hôm qua,hôm nay và ngày mai: châu Á, Âu, Phi & Mỹ la tinh - con người đang bị quyền lực, bom đạn chiến tranh đè nén và chết chóc. Những người da đen đói khổ cũng như các lớp người bần cùng sống như con vật. Nhân thế cứ như thế, như thế mãi biết bao giờ cho hết? Thực tế đầy rẫy những bất công dội vào thế giới quan của nhà thơ để anh kết lại bài thơ như trên! Giá trị đích thực của bài thơ là những tiếng nói như máu, tiếng nói nhân đạo từ bên trong.


C/- ĐIỂM QUA MẢNG THƠ THIỀN & THƠ TÌNH

Như đã nói ở trên: cõi thiền là một nhân tố rất căn bản của thế giới thơ PNT, nó chiếm số lượng bài cũng rất đáng kể như: Thu tĩnh, Chiều hoàng hôn, Khoảng buồn vô lý, Một chiều cuộc đời, Với mùa xuân đang tan, Tối quán v.v... Mỗi bài lại có sắc thái, hương vị riêng. Trong mảng thơ thiền này, tôi xin chọn để phân tích một bài thơ khá đặc biệt của anh.


1/. MỘT GÓC HỒ TÂY:

Anh đến mình anh trong chiều muộn / Nhặt thơ tình ở một góc hồ Tây/ Ngắm mặt gương hồ vào chập tối / Mặt trời lại ngỡ bóng trăng soi.

Thỉnh thoảng ta bất chợt bắt gặp bóng mặt trời khuất muộn trong cảnh chiều chập choạng. Lúc đó nó giống như bóng trăng sáng trắng, vừa hơi viên mãn lại vừa như ảo. Tác giả đến bên hồ một người một cảnh, trăng nước vơi đầy. Tiếp theo không phải cái đọt mây kia lơ đễnh mà chính là lòng tác giả:
Lơ đễnh đọt mây qua phớt trắng / Vừa đơn côi mà không đơn côi!?
Hai chữ "lơ đễnh" ấy bộc lộ một trạng thái tình cảm và tâm hồn, vừa có cái gì thật da diết lại chơi vơi nửa vời. Cảnh với người hơi bảng lảng, buồn buồn mà tình vẫn đầm đìa. Sau đó tác giả có nhắc đến một cô gái nào đó, nhưng hình như không phải là một cô gái hay em nào cụ thể? Đó chỉ là khát vọng trong nỗi hiu hắt của một con người đang bước tới cái tuổi hoa niên:
Thiếu vắng em nên anh lẻ bóng / Lá vàng rơi thay vào chỗ em ngồi...
Nó không còn chỉ là cảnh hoàng hôn của trời đất nữa mà còn là buổi chiều hoàng của cuộc đời anh! Hình ảnh chiếc lá vàng rơi thay vào chỗ ngồi của người thiếu nữ xưa vừa đằm thắm mà nuối nả, xót xa. Buồn hơn nữa là khi lòng tác giả lại nhập vào trong cảnh chùa chiền:
Mõ chùa buông thay tiếng nói của người yêu! / Trong sân gạch sư già quét lá / Bước người đi thầm lặng cõi hư hao...
Phố xá mà cảnh như chiều thôn quê. Từ tâm trạng của nhà thơ tới hình bóng hư hao, lãng quên trần thế của nhà sư kia cũng chỉ là một. Vào đất phật lại cô đơn vì tình trai gái, vừa phàm trần mà lòng vô vi, thực và không... đều quyện trong một buổi chiều hồ. Để rồi cuối bài thì chính tác giả đã ví mình với nhà sư kia:
Người quên hết! Còn ta yêu tất cả / Trong tiếng lá bay chầm chậm bóng ta theo...
Tâm trạng của nhà thơ cũng u hoài như những chiếc lá đang bay đó thôi!... Giờ tôi xin bình sang một số bài thơ tình.



2/. KHOẢNG TRÔI TRONG LÁ - Tác giả nhớ về kỉ niệm với một thiếu nữ. Trong đời thường khi tình bị tan vỡ có phải chịu dày vò đau khổ hoặc xót xa, nhưng anh hay em thì vẫn cứ phải tồn tại để sống! Tuy vậy, năm tháng qua đi lá rụng hết lớp này đến lớp khác, tình yêu với người thiếu nữ xưa vẫn trở về cồn cào trong trái tim anh:
Bỗng cồn nhớ một thời dĩ vãng / Gió vẫn trôi không hữu hạn bến bờ/ Nhưng vẫn đó: em, anh - cuộc sống / Xa nhau rồi, tình cũ đến bơ vơ...
Người con gái ấy giờ đây ra sao? Cuộc sống thế nào? không ai biết! Chỉ còn lại bóng trăng trên trời cùng những làn mây trắng trong tiếng lá cứ bay đi xa mãi. Tình yêu ấy hát trong hư vô và trăng sao:
Bài hát năm xưa, bên anh em đã hát / Giờ đây trong lá nẻo trời nào? Anh đi qua chỉ thấy toàn mây trắng / Mặt trăng tít trên trời. Em ở tận nơi đâu?
"Khoảng trôi trong lá" là một bài thơ tình tha thiết, ngôn ngữ đọng nhưng hình ảnh vẫn sinh sôi, được viết ra từ trong ký ức và trái tim thương nhớ của nhà thơ.

3/. TRĂNG LẶN - Nói là "thơ trăng" mà lại là một đêm không trăng. Trăng không mọc vì trăng chán trời, không biết em có chán anh như vầng trăng kia không? Đó chính là uẩn khúc của nỗi lòng nhà thơ.

Biển vỗ vào anh - Biển vỗ vào em / Em hoá đá để sóng ghềnh ôm mãi/ Năm tháng, nắng mưa... đá vẫn còn nguyên đấy! / Anh phong ba, anh nhẫn nại suốt đời.
Tình yêu hoá thành biển cả: Nàng thì thành đá, chàng hoá sóng. Tình tan vỡ nhưng sóng biển còn vỗ mãi quanh cái hòn đá ấy:
Biển hư vô cả những khi cầm bút / Xé rách lòng cho cánh thơ bay...
Cuối cùng tác giả lại trở về với hình ảnh vầng trăng, nhưng đó không phải là vầng trăng của trời mà chính là... "vầng trăng em"!
Mất một vầng trăng lại mọc một vầng trăng / Sóng khốn khổ hôn mãi hòn đá trắng
Nỗi đau của trái tim thơ tháng năm còn rền xiết mãi. Một tình thơ giàu cảm xúc được tác giả xây dựng quanh hình tượng biển và trăng.



4/. TRONG BÓNG CÂY NGỦ ĐÊM - Trái tim nhà thơ giống như một con tàu chở đầy ắp tình yêu chuyển bánh. Con tàu ấy chạy qua những cái quán cô quạnh trong tiếng gió hú, những vầng trăng chết đuối đang trôi, những làn mây lang thang ở chân trời và những thành phố đang chìm đắm trong đêm:
Trong bóng cây ngủ đêm / Có một loài hoa không ngủ / Loài hoa yêu xếp đầy cánh hoa đau/ Hương đã theo anh và con tàu chuyển bánh / Đến vô cùng mà chẳng biết đi đâu?
Tình yêu người thiếu nữ năm xưa như: Hồi chuông nơi thánh đường trắng trinh/- vuốt ve trái tim đau nhói của nhà thơ. Trái tim ấy như một loài hoa không ngủ, đó là loài hoa yêu! Nó bay theo con tàu chuyển bánh đi mãi, đi mãi tới vô cùng:
Quán cô quạnh suốt đời nghe gió hú / Trăng chết đuối rồi trắng dại đang trôi/ Mây lang thang dưới chân trời bão tố / Thành phố chìm trong đêm xa xôi.
Tình yêu ấy vô vi nhưng nó vẫn như cánh chim bay xa... mang đến cho ta cả đau khổ cùng hạnh phúc, khát vọng và tan vỡ! Những hình tượng thi ca đã được chứa đầy ắp hồn của nhà thơ trong đó.



5/. LỜI HÓT CON CHIM KHÁCH -
Tác giả kể: Vào một buổi sáng anh có gặp một thiếu nữ, nói dăm ba câu chuyện xung quanh việc thơ phú văn chương... rồi người thiếu nữ ấy bỏ đi. Trái tim nhà thơ xôn xao, anh đã ra một cái quán trong thành phố gần bên một hồ nước để viết bài thơ này. Chuyện rằng: Có một loài tim vỡ giống như sự tan vỡ của những cánh hoa ti-gôn, những mảnh vỡ ấy tan tác bay đi để rồi lẫn vào trong cát bụi cuộc đời. Chỉ có một mảnh duy nhất đã hoá thành "con chim khách":
Con tim buồn không còn thuộc về anh / Những mảnh vụn lẫn vào trong cát bụi
Có một mảnh hoá thành "con chim khách" / Bay đi tìm bóng lạc giữa vu vơ...

Con-chim-khách bay đi trong cõi vô vi đó để tìm lại bóng hình người thiếu nữ kia! Tình thơ đã được kết thúc rất hậu:
Chầm chậm đừng đi người con gái của ban sơ / Anh thả xuống ốc-đảo xanh em một mối tình nguyên thuỷ/ Mốt mai lỡ đau nỗi khổ đau của loài tim vỡ / "Con chim khách" vẫn về để hót ru em!
Cách kết thúc này gợi cho ta nhớ tới bốn câu thơ kết đầy nhân hậu trong bài thơ tình nổi tiếng "Một chút tên tôi đối với nàng" của thi hào Puskin:
Nhưng nếu gặp ngày buồn đau đớn / Em thầm thì hãy gọi tên lên! Và hãy tin còn đây một kỷ niệm / Em vẫn còn trong một trái tim...
Tình cảm chớm nở trong trái tim nhà thơ chân thành và trong mát như con suối ban mai, hoang dã mà thanh khiết.



6/. TIẾNG RÚC CHIM ĐÊM - Vào một đêm mưa gió nằm trong nhà nghe thấy tiếng rúc của một con chim trong bụi cây. Cùng với những tích chuyện cổ ở dân gian, đã giúp cho tác giả liên tưởng tới câu chuyện tình của đôi chim:
Chim gọi đàn - Anh gọi tên em / Năm tháng, nắng mưa, non ngàn, bão tố/ Có lẽ nào em không về nữa / Để hồn anh hoang mạc bơ vơ...
Thế là chuyện "tình chim" trở thành chuyện "tình người"! Lòng tác giả cũng run rẩy như con chim kia và hồi ức về một mối tình cũ lại gợi về? Cái đêm đó không hiểu vì sao con chim mái không về... hay nó đã bỏ đi theo người tình khác? Con chim đực cứ gọi, gọi mãi trong vô vọng. Cùng nỗi lòng đó đứng trên thềm nhớ của không gian mênh mông, nhà thơ đã nhớ về em:
Đã xa rồi! Mùa dĩ vãng trăng mơ.../ Đời vui vẻ cuốn theo dòng gió bụi
Đó là tiếng run rẩy của con chim trống cất lên trong vòm xanh. Tiếng của nó còn vọng mãi vào năm tháng xa xôi, vô cùng vô tận kia:
Con chim đêm run rẩy bóng xanh già / Anh bổi hổi một thời qua vọng lại...
Cũng chính là tiếng lòng của nhà thơ vọng gọi người yêu!... Nỗi thơ như lời thủ thỉ của một đôi "trống mái", mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc trong tình yêu và sự sống con người.



7/. TRÚC HỒ ĐÊM - Cuộc đời: có khi người ta nhận ra sự tồn tại, hạnh phúc của mình... lại chỉ từ tiếng kêu của những con chão chuộc? Bài thơ thi vị & chứa chất tình đời này đã nẩy nở vào một đêm Trúc Hồ động. Từ mở đầu đến kết thúc bài thơ tác giả cũng chỉ lắng trong cái tiếng chão chuộc ở hồ đêm ấy:
Đêm nghe Trúc Hồ động / Tiếng chão chuộc vọng đưa / Chợt lòng anh thổn thức / Chuyện ngày xưa ngày xưa...
Tác giả hồi tưởng lại những kỷ niệm và lòng anh trào lên tha thiết:
Tình yêu như cơn mưa / Thấm sũng đời bãi cát / Hồn thiếu nữ ngây thơ / Một chân trời tím sắc...
Ý nghĩa của tình thơ nói: niềm vui sướng, lẽ sống thường tình của con người chính là những tình cảm thân thương rất gần gũi với cuộc đời. Một bài thơ 5 chữ, tình thơ bình dị nhưng da diết máu tim và rất đáng yêu!
Thơ tình của Phạm Ngọc Thái nhiều vô kể, sâu sắc và không ít tình thơ đã đạt được tầm vóc là những thi phẩm hay! Thực ra thì còn rất nhiều các bài thơ hay và thích của anh mà tôi lại chưa thể bình được ở đây như: Người đàn bà trắng, Đêm nay trời lại không mưa, Thời áo trắng, Em về biển, Anh vẫn ở bên hồ Tây, Trước núi Mỹ Nhân v.v. - Thơ anh chứa đầy ắp nỗi tình ở thế giới bên trong, phần lớn là thơ tự do hiện đại. Tuy vậy tác giả rất coi trọng tính nhạc và giọng điệu nên thơ đọc cuốn hút, truyền cảm và sinh động... cảm hoá được tình người. Có thể nói thế giới thơ ca Phạm Ngọc Thái như một bàu trời mênh mông sâu thẳm... được chảy ra từ trong máu tim và cuộc đời, càng đọc kỹ, đọc sâu càng thấm thía và hay!
( S ưu t ầm)



 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top