Thánh Địa Mỹ Sơn-Bí Ẩn mãi ngàn năm

Hide Nguyễn

Du mục số

Việt Nam hiện có 3 di sản văn hoá thế giới, di sản lâu đời nhất và có tính biểu tượng, đặc trưng văn hoá châu Á là thánh địa Mỹ Sơn.


Mỹ Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẳng 70 Km, là một thung lũng, bên trong có hơn 70 cụm thờ phụng của dân tộc Chăm. Theo những bia ký còn đọc được, Mỹ Sơn đã được các vua Chăm cho xây dựng đền thờ và lăng tẩm từ thế kỷ IV, liên tục với nhiều phong cách khác nhau, mãi đến ngày suy tàn vào thế kỷ XIII. Mỹ Sơn được người Pháp phát hiện vào năm 1885, sau đó nhà khảo cổ Henri Parmentier, đã khai quật và báo cáo trước thế giới vào năm 1904.


Những di tích ở Mỹ Sơn, đã chứng tỏ có nền văn minh rực rỡ của dân tộc Chăm cách đây hơn ngàn năm. Cho đến bây giờ, cách thức xây dựng những tháp Chăm xưa không phải đã có lời giải đáp đầy đủ, dù biết bao phương tiện khoa học đã vào cuộc và những nhà khảo cổ của thế giới này đã lưu tâm nghiên cứu. Những giả thuyết cứ mãi nêu lên và đều thấy hợp lý, đến khi thực hành thì lộ ra nhiều khiếm khuyết, khiến cho những bí mật xây dựng tài hoa của người Chăm mãi nằm trong vòng bí ẩn, mãi là đề tài lý thú cho tương lai.


Tất cả nghiên cứu đều tập trung tìm hiểu những viên gạch xây tháp. Xốp nhẹ hơn gạch nung thường, nhưng lại chứa trong đó quá nhiều điều kỳ diệu. Đó là loại gạch tồn tại mãi với thời gian không rêu mốc nào làm hư hại nổi; sau mùa mưa có những dấu rêu phong, khi nắng về thì rêu phong tự rã; mưa xối xả từ năm này qua năm khác, mưa xong rồi tháp lại khô nhanh; cả ngàn năm qua, dù nằm trên đồi dốc hay nhô lên giữa đồng bằng, tháp vẫn trụ vững không sấm sét nào đụng đến. Nền móng của tháp luôn bền vững, không tụ nước, thoát thủy dễ dàng, lại không hề sứt mẻ, hủy diệt theo năm tháng, dù nằm trên những ngọn đồi hay vùng rừng sâu ẩm thấp.



Cách gắn dính những viên gạch vào với nhau, là điều làm mọi người mê mẩn, nhìn bên ngoài có thể thấy từng viên, nhưng khi cào sâu vào, chỉ thấy liền một mối như là đồng chất vậy. Chắc chắn phải có chất kết dính, và chất đó phải có trong tự nhiên, nhưng tìm hoài vẫn không lời giải đáp thoả đáng. Nhiều công trình phát hiện ra chất kết dính là nhựa cây Ô dước, Bời Lời, Dầu rái, xỉ mật ..và đã thử nghiệm để cứu lấy công trình bằng những phát hiện đó. Dính thì có dính, nhưng mới vài năm đã bị biến màu, rêu xanh sớm tụ. Mọi việc cứ rõ ràng, tưởng đơn giản rồi không hề đơn giản, tiếp tục đi vào bí ẩn.




Kỹ thuật xây dựng là điều mọi người càng quan tâm, vì tháp nào cũng có những công trình điêu khắc thuộc loại đẹp, đường nét phòng khoáng, sinh động, có lúc đăng đối, lúc không đăng đối, nét đẹp rất tinh tế, đẹp hơn hẳn những công trình điêu khắc của Khmer ở Angkowat nổi tiếng.



Nhiều suy nghĩ cho là người Chăm xưa xây và điêu khắc trên gạch mộc rồi nung lên từng phần của khối tháp, nhiều nghiên cứu lại cho là do mài chập gạch, trét chất kết dính, xong điêu khắc, cũng có có nguồn cho rằng điêu khắc lên gạch trước, sau đó gắn vào công trình. Luồn ý kiến nào cũng có lý và rồi cũng không hợp lý, tìm mãi vẫn chưa rõ ràng nên những cái vô lý, thấy dường như cũng có lý, Cho đến giờ chưa thể kết luận ý nào là đúng nhất, vì thế công trình mãi mãi đi vào kỳ bí. Điều chắc chắn là người Chăm đã biến viên gạch và chất kết dính thành một vật liệu lý tưởng để điêu khắc, mới tạo những tác phẩm đẹp như vậy



Ông Lê Văn Chỉnh, người xây tháp Chăm ở thế kỳ 21

Rồi có người dân Việt nhiệt tình tên Lê Văn Chỉnh, không bằng cấp, cũng chẳng ở thế cao sang, đúng là một chân quê thực sự, lại đi nghiên cứu gạch Chăm trong hơn 20 năm. Ông đem tài sản có được, kể cả số tiền nghỉ mất sức ít ỏi của mình để đổ vào mày mò nghiên cứu, chế biến từng viên gạch. Ông cứ âm thầm làm, không thấy tương lai, không một nhà khoa học nào hỗ trợ. Nếu xây dựng đề án nghiên cứu để có kinh phí thì ông bù trất, vì có viết được dòng nào theo yêu cầu làm một đề tài khoa học đâu, nên ông phải tự làm. Rồi một ngày đẹp trời, cũng có người nghe tin, mời ông xây tháp, thế là ông huy động thợ xây được hai tháp Chăm với mô hình rất độc đáo, theo những gì ông phát hiện được.



Tháp ông Chỉnh xây ở nhà hàng Apsara, 122 Trần Phú Đà Nẳng

Không phải là vua chúa, nên ông không có nhân công nhiều, xây xong tháp, ông cũng không dư đồng nào, tất cả đổ vào chi phí. Lẽ ra, sẳn công trình này, các nhà khoa học nên điều nghiên tại sao thành công và thất bại, để tiếp tục có hướng cho tương lai. Thật buồn thay, hai cái tháp khá đẹp còn đó, có rêu phủ bám quanh, nếu lấy tay đụng vào thì rêu cũng rời ra; gạch đã biến màu, đường nét vẫn còn thanh tú, giống như nguyên bản, nhưng ông đã về nơi chín suối rồi.



Tháp Chăm ông Chỉnh xây ở khu du lịch Suối Lương Đà Nẳng

Những nhà nghiên cứu thế giới chỉ tìm đến di tích, rồi cũng mài gạch, cũng trét vữa, dán keo và rồi cũng... chờ kết quả, chứ sao biết chính xác được. Có điều lạ, ông Chỉnh vừa xây xong hai tháp, lại vội từ giả cuộc đời không lời trăn trối, và nơi có tháp ông xây, ngày nay, cái còn hoạt động cầm chừng, cái thì đã ngưng hoạt động, giống như là phế tích vậy (nhà hàng Apsara).



Tháp Bình Thạnh ở Trảng Bàng Tây Ninh




Tháp Poshanư ở Phan Thiết



Tháp Pô Nagar ở Nha Trang

Trong việc bảo tồn, nguyên tắc căn bản là phải phục chế hay tôn tạo đúng như nguyên bản mới có giá trị để lưu danh, chứ nếu chắp vá, lượm thượm sẽ ra một cảnh lộn xộn làm rối thêm giá trị văn hoá của công trình. Nhưng các di tích đã đến hồi suy sụp, dễ đổ ngã bất cứ lúc nào, thì phải chống đỡ khẩn cấp. Nếu đã đổ rồi, lụi tàn rồi thì lấy đâu mà nghiên cứu. Do vậy nhiều công trình đã phải bảo tồn, trùng tu bằng nhiếu chất liệu kể cả xi măng, cốt thép, chất kết dính có đủ cả, biết gì làm nấy như Bình Thạnh ở Tây Ninh, Poshanư ở Phan Thiết hay Po Nagar ở Nha Trang...cũng tuyên bô thành công, nhưng cũng có công trình, những nhà nghiên cứu dũng cảm tuyên bố bế tắc, như cụm tháp ở Khương Mỹ...



Kazit lúc đang làm việc ở Việt Nam

Theo hướng cứu lấy công trính, giữ nguyên hiện trạng, mới thấy quý trọng nhà khoa học Ba Lan, KTS Kazimierz Kwiatkowski, người Việt mình quen gọi là Kazik. Năm 1980, khi đến Mỹ Sơn mới 36 tuổi đời, ông đã bắt tay ngay cào việc cứu nguy sự sụp đổ của các tháp Chăm. Đoàn của ông gồm 11 người, hôm vào khảo sát đầu tiên, hết 6 người đã ra đi không trở lại, vì bom mìn nằm dấu trong di tích, thế nhưng ông không nản lòng. Ông cặm cụi làm việc không ngừng nghỉ, đến nổi không thèm về ngủ ở khách sạn mà nằm đêm tại Mỹ Sơn, trong rừng rậm lắm muỗi mòng, ngày nóng, đêm lạnh cắt da, thiếu thốn đủ mọi thứ, ăn uống cực khổ qua sự giúp đỡ của người dân địa phương, vậy mà ông vẫn ở và hăng say làm việc. Ông tự coi mình như một người Việt thực thụ, sống khổ hạnh, làm việc cật lực, để công trình không bị vùi lấp bởi thời gian. Và ông đã thành công, ông đã giữ được nguyên trạng Mỹ Sơn cho đến ngày nay.



Công viên Kazit ở phố cổ Hội An

Trong kỳ nghỉ ngắn của mình về thăm Hội An, ông đã phát hiện nơi đây còn nguyên một phố cổ, không trùng lắp với các nơi trên thế giới. Chính quyền địa phương không mặn mà lắm, vì đâu có tiền để tu bổ khu phố quá nghèo khó này. Thế là ông lại bắt tay vào làm thủ tục để khôi phục và khẳng định rằng phố cổ sẽ tự nuôi và tư bảo tồn bằng chính hình ảnh của mình. Những đệ trình của ông làm cho thế giới biết đến Hội An, và từ đó hàng đoàn khách quốc tế đã liên tiếp đến nơi này. Đúng như dự đoán của Kazik, mọi kinh phí trùng tu tôn tạo rồi sẽ lấy từ phố cổ mà ra.



Cách trùng tu giữ nguyên hiện trạng để còn tiếp tục nghiên cứu

Kazik là một chuyên gia nổi tiếng về trùng tu khảo cổ của thế giới, ông đã từng trùng tu tại Ai Cập, Vacsava, lương ông tính bằng giờ từ 200 USD. Nhưng ông đã từ bỏ để đến Việt Nam, ông làm việc bằng chi phí của hiệp định hợp tác giữa Ba Lan và Việt Nam. Khi hiệp định hết hạn, không còn nguồn kinh phí để hoạt động, ông về nước vận động kinh phí và nhất định ở lại Việt nam, làm cho những di tích Việt Nam được biết tên trên thế giới, ông sống nhờ vào người dân Việt Nam, ông đã trở thành người Việt Nam và ông đã chết trên quê hương Việt Nam. Khi qua đời, ông muốn được yên nghỉ tại Việt nam, nhưng ý muốn cuối cùng ấy không thực hiện được, vì thân xác ông phải trở lại quê nhà, nơi ông đã sinh ra. Ông ra đi khi mới 53 tuổi (1997) chưa phải là già, còn bao nuôi tiếc cho công việc dang dở.


Hai năm sau khi Kazit qua đời, những ý nguyện ông đã được hình thành, cả hai di tích ông đệ trình đều được công nhận là di sản văn hoá thế giới. Trong lòng người dân Quảng Nam, ông là đứa con nước Việt. Năm 2005, Hội An đã tưởng nhớ ông bằng một công viên nhỏ, xinh xắn, và tình nghĩa giữa phố cổ Hội An. Tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục xây dựng một khu tưởng niệm nữa ở Mỹ Sơn để ghi nhớ công lao của người có công nhiều với đất Quảng và cả nhân loại nữa.


Mỹ Sơn- là điểm đến làm say mê mọi người. Mỹ Sơn-Nền văn hoá vô giá của nhân loại. Mỹ Sơn-Còn lâu chúng ta mới hiểu hết Tháp Chăm. Giờ là lúc phải biết gìn giữ, trân trọng những gì sẽ lưu dấu với đời sau.


Kazit đã nói:

“Người Chăm cổ đã biết thổi hồn vào đất đá; biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ , thâm nghiêm và hùng vĩ. Đây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà chúng ta còn lâu mới hiểu hết.”



Nhà thơ Inrasara thay mặt dân tộc Chăm nhớ Kazit:


Như vỗ cánh bay ngược Thời Gian
bằng đôi tay đại bàng
Kazik

bắt mạch đống vụn tàn
song thoại hồn thiên cổ …
vỡ lớp bụi ngày tháng và năm
cho lộ thiên Quá Khứ

đánh thức Hội An, dựng dậy Mỹ Sơn
sống lại một trời lẫm liệt…


Theo : tinnhiem.blogtiengviet
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top