Nhà thơ Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn, sinh ngày 4 tháng 11 năm 1930, quê Hương Điền, Thừa Thiên Huế. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ nhà thơ Thanh Hải làm công tác văn hoá văn nghệ ở Đoàn văn công tỉnh và cán bộ Tuyên huấn ở chiến khu. Sau năm 1975, ông là Tổng thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên. Ông mất ngày 15 tháng 12 năm 1980 tại Huế. Với 50 mùa xuân cuộc đời, nhà thơ đã để lại 6 tập thơ: “Những đồng chí Trung Kiên”; “Huế mùa xuân” (2 tập); “Dấu võng Trường Sơn”; “Mưa xuân đất này” và “Thanh Hải thơ tuyển”. Thơ Thanh Hải là tiếng nói bình dị, chân thành của người chiến sĩ kiên trung, một lòng theo cách mạng, đã có những đóng góp đang quí cho nền thơ chống Mỹ. Ông được tặng giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu 1965 và được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, đợt 1, năm 2001.
“Mùa xuân nho nhỏ” là một trong những bài thơ tiêu biểu trong gia tài thơ xuân Việt Nam , được nhà thơ Thanh Hải viết trên giường bệnh, trước khi mất chỉ vài ngày. Đó là lời tự bạch chân thành với những tâm niệm đầy tính nhân văn về lẽ sống và đời thơ.
Bài thơ nhanh chóng chinh phục người đọc trước hết bởi âm hưởng, ngân nga mà sâu lắng, bởi năng lượng cảm xúc dồi dào truyền tải và lan toả. Chính cái giọng điệu dịu ngọt, chan chứa tình yêu đời, yêu cuộc sống đã tạo nên giá trị nghệ thuật đặc sắc và góp phần làm nổi bật lên cấu tứ, hình ảnh, hình tượng và ngôn từ của bài thơ.
Ta dễ dàng nhận thấy bài thơ có cấu tứ “lộ thiên” theo chiều không gian mở. Mạch thơ đi theo trình tự: Xuân thiên nhiên – Xuân con người – Xuân đất nước – Xuân thi sĩ và cuối cùng là Xuân đất Huế quê hương. Đây là dạng cấu tứ thông thường. Nếu không có những thành công ở những yếu tố nghệ thuật khác loại cấu tứ này, dễ sa vào đơn giản, dễ dãi. Nhưng nhờ những hình ảnh độc đáo, bát ngờ, nhạc điệu, trạng thái xuất thần của cảm xúc đã khiến bài thơ trôi chảy một cách tự nhiên như một dòng sông đầy ắp hiền hoà, ào ạt reo ca.
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Mùa xuân thiên nhiên được đặc tả ở những hình ảnh: dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, con chim chiền chiện hót vang trời. Một mùa xuân dịu dàng tươi sáng bởi màu sắc, náo nức rộn ràng bởi âm thanh, và lồng lộng không gian. Thiên nhiên tràn trề sức sống mãnh liệt và dâng hiến hết mình: sông hết mình xanh, bông hoa hết mình tím, và con chim nhỏ bé kia cũng đang căng hết sức lực của vòm ngực cất lên tiếng hót làm vang động cả bầu trời cao rộng. Vẻ đẹp của thiên nhiên, trời đất ấy có sức quyến rũ, mê hồn, khiến thi sĩ như tỉnh như say. Nhà thơ thầm hỏi/ hay thốt lên “hót chi mà vang trời “ , tưởng như nghe được tiếng lòng trìu mến bao dung, quyến luyến cõi đời của một người thơ xứ Huế. Tiếng chim hồn nhiên, trong trẻo mà da diết phía bầu trời cao vút lại như kết đọng thành những giọt âm thanh rơi xuống hồn người, chạm vào cõi sâu lặng, khuấy lên bao nỗi niềm, dìu nhà thơ vào cõi mộng: “Tôi đưa tay tôi hứng”. Nhà thơ hứng lấy tiếng chim , (có thể hình dung) với một sự đón nhận, nâng niu, trân quí và cất giữ, như sợ rằng, nếu không làm như vậy cái âm thanh ngọt lành kia sẽ tắt vào thinh vắng. Đây là một chi tiết có sức toả sáng trong bài thơ. Và nó chỉ có thể được phát ra từ cảm xúc đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt của một con người nhiều trải nghiệm, hiểu rõ đời mình chỉ còn là những khoảnh khắc ngắn ngủi.
Mùa xuân thiên nhiên cũng là nguyên cớ tạo nên mùa xuân con người.
Mùa xuân người cầm súng
Lộc dắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Nhà thơ nêu ra hai hình ảnh: “Người cầm súng” và “Người ra đồng”, những con người đại diện cho sức mạnh dân tộc với lịch sử bốn nghìn năm làm ăn và đánh giặc.
Lộc- cái chồi xanh nhú lên sau những ngày đông giá, đã tồn tại trong tâm thức của người Việt Nam như một biểu tượng tươi đẹp nhất về mùa xuân. Nó hiện thân cho sự rũ bỏ quá khứ héo tàn, cũ xám để lại non xanh đầy sức trẻ, vươn dậy, đầy niềm tin vào tương lai.
Lộc dắt đầy quanh lưng người cầm súng, phơi phới bước chân ra trận. Lộc trải dài vô tận dưới những bàn tay lặng lẽ gieo trồng. Thiên nhiên ban tặng lộc. Con người ươm nên lộc. Tất cả hoà quyện trong sự phồn thực của mùa xuân, mang chứa khát vọng lớn lao muôn thuở về cuộc sống bình yên và no ấm.
Mùa xuân gieo vào lòng người những niềm vui mới mẻ, “như hối hả”, “như xôn xao”. Hai từ tượng thanh liên tiếp trong câu thơ diễn tả niềm hạnh phúc dâng tràn. Mùa xuân không còn là người khách lạ mà nó thực sự được sinh ra từ hồn người.
Theo chiều không gian mở, cảm xúc của nhà thơ được nâng lên ở sự suy ngẫm về mùa xuân đất nước:
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Khái quát về đất nước Việt Nam vất vả, gian lao, đau thương, ngời sáng là điểm gặp gỡ của rất nhiều nhà thơ: Nguyễn Đình Thi từng viết: “Anh yêu em như yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”… Vậy mà cách nói giản dị hình ảnh quen thuộc trong thơ Thanh Hải vẫn “chạm” vào cái phần thiêng liêng trong sâu thẳm tâm hồn con người – tình yêu Tổ quốc. Ở đây số phận của đất nước, dân tộc đã hàm chứa số phận của công dân. Mỗi người là một phần thân thể của đất nước. Và đất nước dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn “như vì sao đi lên phía trước”, vẫn kiên cường vượt lên tăm tối, nô lệ, bần cùng mà toả sáng. Cảm hứng ngợi ca và khí thế hào sảng của câu thơ đã xác định vị trí của nhà thơ trong cuộc hành quân vĩ đại của dân tộc. Vị trí một công dân đất nước, một người lính trong đội ngũ. Niềm vinh dự tự hào như chất men say thôi thúc thơ ông cất lên tiếng hát:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Người đọc bất ngờ bắt gặp một mùa xuân thi sĩ. Bằng điệp khúc “Ta làm”, “Ta nhập”… bài thơ đã tấu nên khúc ca chan chứa nhiệt huyết tình yêu cuộc sống và khát vọng dâng hiến mùa xuân cho cuộc đời và cho thi ca.
Nhà thơ – người nghệ sĩ ngôn từ đã nhận lấy trách nhiệm của mình với nhân dân đất nước : Làm một con chim hót trong muôn loài chim, làm một cành hoa trong rừng hoa muôn sắc. Làm “một nốt trầm” trong bản hoà ca muôn điệu. Làm “một mùa xuân nho nhỏ” trong mùa xuân rực rỡ và bất tận của đất trời.
Lời lẽ bình dị, nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng có sức khái quát cao về một lẽ sống chân chính, một quan điểm nhân văn về thơ ca và người nghệ sĩ.
Phải chăng “một nốt trầm” cũng có thể làm “xao xuyến” muôn lòng, khi người nghệ sĩ “từ chân trời của một người” đi đến và hoà nhập với “chân trời của nhiều người”, lặng lẽ hiến dâng những gì đẹp nhất, dù “nho nhỏ” của mình vào cuộc đời chung. Và nhà thơ đã kiên định một thái độ sống như vậy từ tuổi thanh xuân đến khi tóc bạc.
Trở về với đất mẹ quê hương là qui luật tình cảm. Bởi sau những buồn vui, thành bại, quê hương vẫn là nơi đón nhận, neo giữ những gì còn lại của đời người. Nhà thơ Thanh Hải đã từng viết nhiều về đất Huế quê hương, và khúc ca cuối cùng của ông cũng là khúc ca giành cho Huế:
“Mùa xuân ta xin hát
Khúc Nam ai Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế”
Nam ai, Nam bình là những làn điệu tiêu biểu của ca Huế, chất chứa âm điệu buồn ai oán, những cảnh đời buồn đau thất vọng, hoặc âm điệu trong trẻo yên bình của cuộc sống an lành. Phách tiền là một loại nhạc cụ dân gian được chế tác đơn giản bằng những thanh gỗ có gắn những đồng tiền, thường tấu lên nhạc điệu nhịp nhàng, rộn rã cho những bài ca Huế tươi vui.
Dường như những âm điệu buồn vui rất đặc trưng Huế ấy đã “ăn” vào máu thịt, luôn thường trực và ám ảnh nhà thơ. Mùa xuân đất Huế đã khơi dậy cảm hứng trào dâng bật lên thành tiếng hát tha thiết và sâu nặng tình yêu quê hương.
Nhà thơ Thanh Hải đã gửi lại cho đời “Một mùa xuân nho nhỏ”, “một nốt trầm xao xuyến”, nhưng đó là mùa xuân còn mãi như ngọn lửa nhỏ sẽ mãi nhen lên, đó là một nốt trầm cứ vang ngân không dứt.
Bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc trở thành ca khúc vượt thời gian về mùa xuân của nền âm nhạc nước nhà. Quả là một sự tương ngộ như có duyên định của hai tâm hồn nghệ sĩ.
“Mùa xuân nho nhỏ” là một trong những bài thơ tiêu biểu trong gia tài thơ xuân Việt Nam , được nhà thơ Thanh Hải viết trên giường bệnh, trước khi mất chỉ vài ngày. Đó là lời tự bạch chân thành với những tâm niệm đầy tính nhân văn về lẽ sống và đời thơ.
Bài thơ nhanh chóng chinh phục người đọc trước hết bởi âm hưởng, ngân nga mà sâu lắng, bởi năng lượng cảm xúc dồi dào truyền tải và lan toả. Chính cái giọng điệu dịu ngọt, chan chứa tình yêu đời, yêu cuộc sống đã tạo nên giá trị nghệ thuật đặc sắc và góp phần làm nổi bật lên cấu tứ, hình ảnh, hình tượng và ngôn từ của bài thơ.
Ta dễ dàng nhận thấy bài thơ có cấu tứ “lộ thiên” theo chiều không gian mở. Mạch thơ đi theo trình tự: Xuân thiên nhiên – Xuân con người – Xuân đất nước – Xuân thi sĩ và cuối cùng là Xuân đất Huế quê hương. Đây là dạng cấu tứ thông thường. Nếu không có những thành công ở những yếu tố nghệ thuật khác loại cấu tứ này, dễ sa vào đơn giản, dễ dãi. Nhưng nhờ những hình ảnh độc đáo, bát ngờ, nhạc điệu, trạng thái xuất thần của cảm xúc đã khiến bài thơ trôi chảy một cách tự nhiên như một dòng sông đầy ắp hiền hoà, ào ạt reo ca.
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Mùa xuân thiên nhiên được đặc tả ở những hình ảnh: dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, con chim chiền chiện hót vang trời. Một mùa xuân dịu dàng tươi sáng bởi màu sắc, náo nức rộn ràng bởi âm thanh, và lồng lộng không gian. Thiên nhiên tràn trề sức sống mãnh liệt và dâng hiến hết mình: sông hết mình xanh, bông hoa hết mình tím, và con chim nhỏ bé kia cũng đang căng hết sức lực của vòm ngực cất lên tiếng hót làm vang động cả bầu trời cao rộng. Vẻ đẹp của thiên nhiên, trời đất ấy có sức quyến rũ, mê hồn, khiến thi sĩ như tỉnh như say. Nhà thơ thầm hỏi/ hay thốt lên “hót chi mà vang trời “ , tưởng như nghe được tiếng lòng trìu mến bao dung, quyến luyến cõi đời của một người thơ xứ Huế. Tiếng chim hồn nhiên, trong trẻo mà da diết phía bầu trời cao vút lại như kết đọng thành những giọt âm thanh rơi xuống hồn người, chạm vào cõi sâu lặng, khuấy lên bao nỗi niềm, dìu nhà thơ vào cõi mộng: “Tôi đưa tay tôi hứng”. Nhà thơ hứng lấy tiếng chim , (có thể hình dung) với một sự đón nhận, nâng niu, trân quí và cất giữ, như sợ rằng, nếu không làm như vậy cái âm thanh ngọt lành kia sẽ tắt vào thinh vắng. Đây là một chi tiết có sức toả sáng trong bài thơ. Và nó chỉ có thể được phát ra từ cảm xúc đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt của một con người nhiều trải nghiệm, hiểu rõ đời mình chỉ còn là những khoảnh khắc ngắn ngủi.
Mùa xuân thiên nhiên cũng là nguyên cớ tạo nên mùa xuân con người.
Mùa xuân người cầm súng
Lộc dắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Nhà thơ nêu ra hai hình ảnh: “Người cầm súng” và “Người ra đồng”, những con người đại diện cho sức mạnh dân tộc với lịch sử bốn nghìn năm làm ăn và đánh giặc.
Lộc- cái chồi xanh nhú lên sau những ngày đông giá, đã tồn tại trong tâm thức của người Việt Nam như một biểu tượng tươi đẹp nhất về mùa xuân. Nó hiện thân cho sự rũ bỏ quá khứ héo tàn, cũ xám để lại non xanh đầy sức trẻ, vươn dậy, đầy niềm tin vào tương lai.
Lộc dắt đầy quanh lưng người cầm súng, phơi phới bước chân ra trận. Lộc trải dài vô tận dưới những bàn tay lặng lẽ gieo trồng. Thiên nhiên ban tặng lộc. Con người ươm nên lộc. Tất cả hoà quyện trong sự phồn thực của mùa xuân, mang chứa khát vọng lớn lao muôn thuở về cuộc sống bình yên và no ấm.
Mùa xuân gieo vào lòng người những niềm vui mới mẻ, “như hối hả”, “như xôn xao”. Hai từ tượng thanh liên tiếp trong câu thơ diễn tả niềm hạnh phúc dâng tràn. Mùa xuân không còn là người khách lạ mà nó thực sự được sinh ra từ hồn người.
Theo chiều không gian mở, cảm xúc của nhà thơ được nâng lên ở sự suy ngẫm về mùa xuân đất nước:
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Khái quát về đất nước Việt Nam vất vả, gian lao, đau thương, ngời sáng là điểm gặp gỡ của rất nhiều nhà thơ: Nguyễn Đình Thi từng viết: “Anh yêu em như yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”… Vậy mà cách nói giản dị hình ảnh quen thuộc trong thơ Thanh Hải vẫn “chạm” vào cái phần thiêng liêng trong sâu thẳm tâm hồn con người – tình yêu Tổ quốc. Ở đây số phận của đất nước, dân tộc đã hàm chứa số phận của công dân. Mỗi người là một phần thân thể của đất nước. Và đất nước dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn “như vì sao đi lên phía trước”, vẫn kiên cường vượt lên tăm tối, nô lệ, bần cùng mà toả sáng. Cảm hứng ngợi ca và khí thế hào sảng của câu thơ đã xác định vị trí của nhà thơ trong cuộc hành quân vĩ đại của dân tộc. Vị trí một công dân đất nước, một người lính trong đội ngũ. Niềm vinh dự tự hào như chất men say thôi thúc thơ ông cất lên tiếng hát:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Người đọc bất ngờ bắt gặp một mùa xuân thi sĩ. Bằng điệp khúc “Ta làm”, “Ta nhập”… bài thơ đã tấu nên khúc ca chan chứa nhiệt huyết tình yêu cuộc sống và khát vọng dâng hiến mùa xuân cho cuộc đời và cho thi ca.
Nhà thơ – người nghệ sĩ ngôn từ đã nhận lấy trách nhiệm của mình với nhân dân đất nước : Làm một con chim hót trong muôn loài chim, làm một cành hoa trong rừng hoa muôn sắc. Làm “một nốt trầm” trong bản hoà ca muôn điệu. Làm “một mùa xuân nho nhỏ” trong mùa xuân rực rỡ và bất tận của đất trời.
Lời lẽ bình dị, nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng có sức khái quát cao về một lẽ sống chân chính, một quan điểm nhân văn về thơ ca và người nghệ sĩ.
Phải chăng “một nốt trầm” cũng có thể làm “xao xuyến” muôn lòng, khi người nghệ sĩ “từ chân trời của một người” đi đến và hoà nhập với “chân trời của nhiều người”, lặng lẽ hiến dâng những gì đẹp nhất, dù “nho nhỏ” của mình vào cuộc đời chung. Và nhà thơ đã kiên định một thái độ sống như vậy từ tuổi thanh xuân đến khi tóc bạc.
Trở về với đất mẹ quê hương là qui luật tình cảm. Bởi sau những buồn vui, thành bại, quê hương vẫn là nơi đón nhận, neo giữ những gì còn lại của đời người. Nhà thơ Thanh Hải đã từng viết nhiều về đất Huế quê hương, và khúc ca cuối cùng của ông cũng là khúc ca giành cho Huế:
“Mùa xuân ta xin hát
Khúc Nam ai Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế”
Nam ai, Nam bình là những làn điệu tiêu biểu của ca Huế, chất chứa âm điệu buồn ai oán, những cảnh đời buồn đau thất vọng, hoặc âm điệu trong trẻo yên bình của cuộc sống an lành. Phách tiền là một loại nhạc cụ dân gian được chế tác đơn giản bằng những thanh gỗ có gắn những đồng tiền, thường tấu lên nhạc điệu nhịp nhàng, rộn rã cho những bài ca Huế tươi vui.
Dường như những âm điệu buồn vui rất đặc trưng Huế ấy đã “ăn” vào máu thịt, luôn thường trực và ám ảnh nhà thơ. Mùa xuân đất Huế đã khơi dậy cảm hứng trào dâng bật lên thành tiếng hát tha thiết và sâu nặng tình yêu quê hương.
Nhà thơ Thanh Hải đã gửi lại cho đời “Một mùa xuân nho nhỏ”, “một nốt trầm xao xuyến”, nhưng đó là mùa xuân còn mãi như ngọn lửa nhỏ sẽ mãi nhen lên, đó là một nốt trầm cứ vang ngân không dứt.
Bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc trở thành ca khúc vượt thời gian về mùa xuân của nền âm nhạc nước nhà. Quả là một sự tương ngộ như có duyên định của hai tâm hồn nghệ sĩ.
Nguồn: Tạp chí Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam, Số 2 năm 2008...