Lênin tuyên bố thành lập chính quyền Xô Viết tại Đại hội Xô Viết toàn Nga lần thứ hai ở điện Xmô-nưi
Trong lịch sử loài người có những cột mốc lịch sử vĩ đại mà càng đứng lùi càng thấy rõ tầm cao của chúng. Trong số những cột mốc lịch sử ấy, Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 là cột mốc đánh dấu bước chuyển của loài người từ kỷ nguyên của chế độ người bóc lột sang kỷ nguyên con người tự làm chủ vận mệnh của mình. Vì vậy, tầm cao của nó khó có một cột mốc lịch sử nào khác sánh kịp. Theo ý nghĩa đó, nhân loại đã khẳng định cuộc Cách mạng tháng Mười là một bước ngoặc trong lịch sử thế giới và chắc chắn là một trong những sự kiện nổi bật nhất trên trái đất này.
Những người cách mạng và tiến bộ trên thế giới đều nhất trí thừa nhận rằng, Cách mạng tháng Mười vĩ đại đã mở đầu một thời đại mới của thế giới mà nội dung chủ yếu là giai cấp công nhân đứng ở trung tâm của thời đại hiện nay. Quần chúng nhân dân ngày càng tự coi mình là những người xây dựng cuộc sống mới, những người sáng tạo ra lịch sử. Trong những điều kiện đầy khó khăn như ở nước Nga nói riêng, Liên Xô nói chung, tòa nhà của chủ nghĩa xã hội đang được xây lên từng viên gạch một và đó là nền tảng của một hình thái xã hội - kinh tế mới.
Sau chiến tranh Thế giới thứ 2, sự ra đời của hệ thống XHCN là kết quả quan trọng nhất của sự thất bại thảm hại của chủ nghĩa phát xít. Vai trò của Cách mạng tháng Mười và của hệ thống XHCN thế giới đối với quá trình lịch sử loài người là tiền đề chủ yếu và quyết định cho một lôgíc mới trong sự tiến triển của quá trình lịch sử thế giới. Cách mạng tháng Mười đã chặt đứt mắt xích quan trọng của chủ nghĩa đế quốc, lật đổ giai cấp bóc lột ở một quốc gia rộng lớn, thiết lập nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, chuyển chế độ người bóc lột người sang chế độ xã hội mới XHCN.
Ảnh hưởng Cách mạng tháng Mười đối với nhân dân Liên Xô, nhân dân thế giới và nhân đân Việt Nam thật vô cùng to lớn và sâu sắc. Cách mạng tháng Mười rõ ràng đã mở ra cho loài người một kỷ nguyên mới, một thời đại mới trong lịch sử xã hội loài người mà trước đó các dân tộc bị áp bức, chưa tìm thấy lối thoát trước sự tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc. Đánh giá vai trò to lớn và ý nghĩa thời đại, ngay từ những năm đầu của Cách mạng tháng Mười, Lênin đã dự đoán: “Cuộc cách mạng của ta không phải chỉ có ý nghĩa địa phương, ý nghĩa đặc biệt dân tộc, ý nghĩa riêng cho nước Nga mà có ý nghĩa quốc tế. Nó sẽ vạch ra cho toàn thế giới về những con đường dẫn tới XHCN và chỉ cho giai cấp tư sản biết rằng chúng sắp hết thời”. (Lênin - Thân thế và sự nghiệp, NT 1985, tr.243). Cách mạng tháng Mười thành công, đó còn là sự ghi nhận sự cùng tồn tại và đấu tranh giữa hai hệ thống thế giới: xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là phạm vi thống trị của chủ nghĩa tư bản (CNTB) bị thu hẹp lại rất nhiều về không gian, CNTB không còn là một hệ thống duy nhất toàn cầu; những điều kiện hoạt động của bản thân hệ thống tư bản thế giới căn bản cũng thay đổi không chỉ về mặt số lượng mà cả về mặt chất lượng; một thế giới mới đã xuất hiện với hai cực của nó trên bình diện xã hội và giai cấp. Do đó mở ra một thời đại mới mà nội dung là loài người chuyển từ CNTB sang CNXH.
Tính chất quá độ của thời đại ấy biểu lộ rõ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế thế giới với những quan hệ kinh tế thế giới, chính trị thế giới với hệ thống quan hệ quốc tế... CNTB đứng đầu là đế quốc Mỹ phải đối phó với sức ép của thế giới trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị đối nội.
Trong tình hình hiện nay, “xu hướng ly tâm” vẫn thể hiện trong thế giới TBCN. Cuộc đấu tranh giữa các giới đế quốc chủ nghĩa vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Nhưng một xu hướng ngược lại “Xu hướng hướng tâm” cũng đang tác động trong thế giới đó trên cơ sở nhân tố khách quan là sự giống nhau về lợi ích giai cấp của giai cấp tư sản lũng đoạn ở các nước khác nhau.
Một câu hỏi được đặt ra: “Liệu CNTB thế giới đứng đầu là đế quốc Mỹ có chống đỡ nổi quá trình cách mạng thế giới không?”. Một số nhà tư tưởng tư sản, dù là thuộc phái cực hữu hay phái “tả” cấp tiến lập luận rằng: CNTB đã chịu đựng được sự thử thách của thời gian, đã đứng vững trước những cơn bão táp phong ba cách mạng. Nên chăng lấy “cái tốt” của chủ nghĩa đế quốc cùng với cái tiến bộ của CNXH để tạo ra một thứ nước “giải thoát xã hội hổ lốn” và cung cấp cho quần chúng.
Lịch sử trong đó có nhân dân ta đã bác bỏ sự bào chữa đó. Trong tình hình hết sức phức tạp hiện nay, không nên đánh giá quá thấp những hành động tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc, trong đó có “âm mưu diễn biến hòa bình”. Cách mạng XHCN thế giới sẽ trở lại khí thế trong thế kỷ XX. Hàng loạt chính phủ cánh tả đã ra đời và trở thành chủ thể chính trị ở khu vực Mỹ Latinh. Ấn tượng của trào lưu cánh tả Mỹ Latinh không chỉ dừng lại ở thắng lợi của họ trong các cuộc bầu cử mà còn thể hiện qua việc thực hiện những chính sách kinh tế - xã hội có xu hướng tiến bộ.
Lịch sử phong trào cách mạng thế giới đang trải qua những biến động thăng trầm, những tiếng nói của những người cộng sản chân chính đã thức tỉnh hàng chục triệu trái tim những người bị lừa trong cái gọi là “Tự do, dân chủ, nhân quyền” phương Tây, đề cao “Nhân quyền” hơn “Chủ quyền” hòng can thiệp vào chủ quyền quốc gia của các dân tộc như chúng đã hành động ở Irắc, Nam Tư, Iran, Cuba...
Liên Xô không còn nữa, nhưng lý tưởng XHCN theo con đường Cách mạng tháng Mười vẫn còn tỏa sáng. Nhân dân thế giới đang thừa hưởng những lý tưởng của Cách mạng tháng Mười để đấu tranh cho hòa bình và một trật tự thế giới mới: công bằng, bình đẳng và tiến bộ xã hội. Ánh sáng Cách mạng tháng Mười không bao giờ tắt vì đó là ánh sáng của lương tri, của văn hóa trong thời đại mới.
Với tinh thần Cách mạng tháng Mười vĩ đại, mỗi giai đoạn mới nhất định đánh dấu bằng những cuộc cách mạng mới ngày càng mạnh mẽ trong tất cả các lực lượng trên trái đất. Hy vọng và ước mơ sẽ trở thành sự thật. Nói như Lênin: “Ước mơ thúc đẩy sự tiến bộ, ước mơ vĩ đại nhất - Đó là chủ nghĩa xã hội”.
(theo Thanh Lê- CA TPHCM)
Việt Báo (Theo_VnMedia)