Chia Sẻ Thắng lợi của chủ nghĩa tư bản trong những năm 50-60 của thế kỉ XIX

Trang Dimple

New member
Xu
38
Năm 1848, công cuộc vận động thống nhất Ý lần thứ nhất không thành công vì phong trào cách mạng chưa đủ chín muồi, lực lượng lãnh đạo cách mạng trong nước chưa đủ lớn mạnh. Mười năm sau cách mạng 48-49, một cao trào thống nhất quốc gia và độc lập dân tộc lại nổi lên mạnh mẽ ở Nam Âu, dẫn đến sự ra đời một quốc gia tư sản mới.

I. TÌNH HÌNH BÁN ÐẢO Ý SAU CÁCH MẠNG 48 - 49


Cách mạng 48 thất bại, Ý trở lại tình trạng cũ: chế độ chuyên chế lập lại khắp nước Ý. Ðất nước Ý gồm 7 bộ phận bị chia cắt với những chế độ chính trị khác nhau: trừ xứ Piémont tương đối được tự do, các xứ Lombardia - Vénésia chịu sự thống trị trực tiếp của Áo; các vùng Parma, Modéna, Toscana, Naples, chịu ảnh hưởng của Aïo. Riêng Rome (khu Giáo hoàng) còn có quân đội Pháp chiếm đóng. Tại các miền này, giai cấp thống trị trong và ngoài nước đã tiến hành những chính sách đàn áp khốc liệt để trả thù cách mạng.

1. Sự canh tân xứ Piémont: (khuynh hướng thống nhất tự do ôn hòa)

Piémont là xứ duy nhất thoát khỏi ách thống trị của Áo và duy trì Hiến pháp tự do 1848. Piémont theo chính thể quân chủ lập hiến, đặt dưới sự cai trị của nhà vua Victor Emmanuelle II thuộc dòng Savoie và thủ tướng Cavour. Cavour là một người tự do ôn hòa; ông không thích chế độ cộng hòa và chủ trương canh tân xứ Piémont, vì ông cho rằng cải cách không hề làm suy yếu nền quân chủ như một số người thường nghĩ mà trái lại, củng cố thêm chính quyền của liên minh tư sản và quí tộc phong kiến đã tư sản hóa. Với thái độ đó, Cavour chủ trương một cuộc cải cách trong các lĩnh vực công, thương và nông nghiệp. Về quân sự, Cavour chủ trương chấn chỉnh lại quân đội kiểu Phổ, xây dựng các căn cứ mạnh, lập quân cảng và thiết lập hạm đội khá mạnh. Về chính trị, triều đình Piémont lúc bấy giờ đứng trên lập trường tự do ôn hòa, Cavour chủ trương đoàn kết các đảng phái thế nào để phe mình luôn luôn chiếm đa số... Về vấn đề thống nhất, Cavour chủ trương thực hiện việc thống nhất Ý từ trên xuống dưới với sự bảo hộ của Piémont và sự giúp đỡ của bên ngoài (Pháp).

2. Trào lưu cộng hòa - dân chủ:

Ðối lập với khuynh hướng ôn hòa của triều đình Piémont là trào lưu dân chủ cộng hòa dựa trên lực lượng tư sản và địa chủ tiến bộ, chủ yếu là những phần tử dân chủ ở thành thị. Người đứng đầu phái cộng hòa - dân chủ này là Mazzini, một luật sư ở Jénova. Mazzini chủ trương một nước Ý cộng hòa, độc lập và thống nhất bằng con đường cách mạng. Mazzini muốn thống nhất nhưng không muốn có nông dân tham gia vào phong trào cách mạng mà chỉ bằng những cuộc bạo động, khủng bố cá nhân dựa vào hoạt động của những người dân chủ ở thành thị, địa chủ tiến bộ và tư sản.

?- Những khả năng thống nhất Ý ?

3. Tình thế cách mạng chín muồi.

Tình hình trong và ngoài nước vào những năm 50 có nhiều thuận lợi cho phong trào giải phóng dân tộc. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1857 làm rung động châu Âu và tác động đến bán đảo Ý. Phong trào chống Áo nổi lên rầm rộ, phong trào công nhân cũng phát triển. Tình hình quốc tế cũng có lợi cho Ý vì các nước Anh, Nga, Phổ đều không muốn giúp Áo.

II. QUÁ TRÌNH THỐNG NHẤT Ý


Là một quá trình phát triển phức tạp, thống nhất từ Bắc xuống Trung và Nam Ý, trải qua ba giai đoạn:

1. Thống nhất ở Bắc- Trung Ý. Chiến tranh Pháp - Ý- Áo

Cuộc vận động thống nhất bắt đầu ở Bắc và Trung Ý. Tháng 7-1858, Napoléon III bí mật gặp Cavour ở Plombières, thỏa thuận với nhau về những điều kiện phối hợp hoạt động chống Áo. Pháp hứa sẽ giúp Piémont bằng quân sự trong việc giải phóng Lombardia- Vénésia ra khỏi ách thống trị của Aïo, sáp nhập vùng này vào Bắc Ý dưới quyền của V. Emmanuel, còn Piémont sẽ nhường Nice và Savoie cho Pháp.

Ở Plombières về, Cavour ráo riết chuẩn bị chiến tranh và ra lệnh tổng động viên (1859). Áo hoàng là Francois Jooeph cũng tập trung quân đội ở Lombardia và gởi tối hậu thư cho Piémont buộc quân đội phải giải giáp. Cavour cự tuyệt. Quân Áo liền vượt biên giới sang Ý và quân đội Pháp cũng lục tục kéo đến: chiến tranh bùng nổ.

Trái với dự tính của giới cầm quyền Pháp, ngay từ đầu cuộc chiến tranh đã gây ra một làn sóng ái quốc sôi nổi trên toàn lãnh thổ Ý. Garibaldi, người anh hùng nông dân, từng nổi tiếng trong cuộc chiến tranh 48-49 chống Áo, cũng tham gia vào trận chiến đấu 1859 ở Bắc Ý với quân đội tình nguyện của mình. Cuối tháng 5-1859, quân đội Garibaldi giải phóng được một loạt thành phố ở Lombardia; liên quân Ý-Pháp thắng ở Magenta và Soferino. Trước những thắng lợi đó, quần chúng nhân dân ở các công quốc Parme, Modéna nổi lên lật đổ bọn thống trị. Giới cầm quyền ở Piémont lo ngại trước khí thế cách mạng của quần chúng, tìm cách kìm hãm phong trào cách mạng lại.

Cuộc đấu tranh giải phóng Ý trong giai đầu thắng lợi nhưng Napoléon III lo sợ phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân nên không thừa thắng mà đuổi quân Áo ra khỏi bắc Ý. Napoléon III gặp hoàng đế Áo và ký một hiệp ước phản bội lại Ý: đó là hiệp ước Vilafranca 11.1859. Theo hiệp ước, Áo nhường cho Pháp Lombardia để Pháp trao cho vương quốc Piémont. Quyền hành của các lãnh chúa ở Modéna, Toscana, Parma được lập lại. Tuy mất Lombardia nhưng địa vị của Áo vẫn được củng cố, sự phân chia Ý vẫn còn duy trì.

Ở Trung Ý, phong trào của quần chúng phát triển mạnh mẽ và giữ một vai trò quyết định trong công cuộc thống nhất. Nhân dân làm chủ Toscana, Parma, Modéna và vùng Roma, truất bỏ các triều đình thân Aïo. Những nước cộng hòa Toscana và Emilia (Parma và Modéna) được thiết lập và hợp nhất vào Piémont. Như vậy, do áp lực của quần chúng nhân dân và do cuộc đấu tranh của những người dân chủ, một phần khá lớn của nước Ý được thống nhất. Tuy nhiên, vì không đủ khả năng lãnh đạo phong trào, phái dân chủ (Mazzini) đã để cho phái ôn hòa (Piémont) có cơ hội nắm quyền lãnh đạo chính trị, đoạt lấy những thành qủa cách mạng của quần chúng.

2. Vận động thống nhất ở Nam Ý.

Từ 1859, phong trào khởi nghĩa bùng lên mạnh mẽ ở Nam Ý từ Palermo lan rộng đến nhiều thành phố khác ở Sicilia.. Nhân dân tiến đánh các nhà tù, phá đồn bót, đòi lật đổ chính quyền phong kiến và thống nhất Ý. Trong phong trào đấu tranh của nhân dân ở miền nam Ý, nổi bật lên vai trò của Garbaldi. Garibaldi đã đem 1000 quân "Áo đỏ " trên hai chiếc thuyền đổ bộ vào Nam Ý và hòa vào phong trào đấu tranh của nông dân tại đây.

Dưới sự lãnh đạo của Garibaldi, quân cách mạng đã thắng quân của nhà vua ở gần Calatafimi. Ðến tháng 8-1860, Garibaldi lại thắng một trận oanh liệt ở Milano. Sau đó, ông tiến quân vào thủ đô Napolie ở nam Ý. Toàn bộ vương quốc Naples được giải phóng.

Như vậy, những khu vực quan trọng nhất của nam Ý đã được thống nhất bằng một cuộc cách mạng của nhân dân từ bên dưới. Nhưng cuộc khởi nghĩa ở Ý không được lãnh đạo đến cùng. Những hoạt động của Garibaldi làm cho phái tự do hoảng sợ. Họ cố gây áp lực để giành lại chính quyền, sáp nhập Napolie vào Piémont dưới quyền của V. Emmanuelle.

3. Hoàn thành thống nhất (1862 - 1870).

Ðến cuối năm 1860, hầu hết vương quốc Ý được thống nhất. Tuy nhiên, Ý vẫn chưa hoàn toàn thống nhất: Rome vẫn thuộc quyền thống trị của giáo hoàng và Vénésia vẫn nằm trong biên giới Aïo. Giải phóng và sáp nhập nốt hai vùng này trở thành nhiệm vụ cấp thiết của Ý. Việc sáp nhập hai vùng đất còn lại này của Ý được tiến hành thông qua các cuộc chiến tranh Aïo-Phổ, và chiến tranh Pháp-Phổ. Ðến năm 1870, công cuộc thống nhất Ý hoàn thành.

?- Vai trò của Garibaldi trong việc thống nhất Ý ?


III. KẾT QUẢ VÀ Ý NGHĨA


Công cuộc vận động thống nhất Ý đã hoàn thành, việc thống nhất đã bắt đầu từ dưới lên bằng những biện pháp cách mạng nhưng những thắng lợi của nhân dân đã bị tư sản và quí tộc Piémont của triều đình Savoie đoạt mất để hoàn thành thống nhất từ trên xuống.

Nước Ý độc lập, thống nhất và đân tộc Ý hình thành có ý nghĩa lịch sử lớn lao, tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Nó xác lập sự thống trị của giai cấp tư sản Ý và góp phần vào sự thắng lợi của chủ nghĩa tư bản ở các nước châu Âu trong những năm 50-60 của thế kỉ XIX.

?- Vì sao công cuộc thống nhất Ý được xem như một cuộc CMTS ?

SỰ THỐNG NHẤT ÐỨC


Ðến giữa thế kỷ XIX, việc thống nhất Ðức cũng như thống nhất Ý thành những quốc gia dân tộc độc lập là một nhu cầu tất yếu của lịch sử. Nhưng ở Ðức, sự thống nhất này không phải do quần chúng cách mạng tiến hành từ dưới lên, mà do Bismarck đứng đầu phái quân phiệt phản động Phổ thực hiện từ trên xuống. Quá trình thống nhất này là quá trình Phổ hóa nước Ðức, điều này ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển về sau của Ðức.

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TBCN Ở ÐỨC VÀ NHỮNG KHẢ NĂNG THỐNG NHẤT ÐẤT NƯỚC


Sau khi cách mạng 48-49 thất bại, liên hiệp Ðức cũ được khôi phục, tình trạng chia cắt Ðức vẫn tồn tại như cũ. Ðến những năm 50, chủ nghĩa tư bản Ðức phát triển mạnh, yêu cầu thống nhất Ðức được đặt ra một cách cấp thiết hơn bao giờ hết.

1. Sự phát triển của CNTB ở Ðức.

1.1. Công nghiệp.

Sau cách mạng 1848, nền đại công nghiệp Ðức bắt đầu phát triển nhanh chóng, đặc biệt ở Phổ và các bang khác của Ðức. Có thể nói rằng thời kỳ này Ðức từì một nước nông nghiệp chuyển sang một nước công nghiệp. Từ 1846 đến 1861, số lượng động cơ hơi nước tăng gấp 6 lần, sản phẩm công nghiệp tăng gấp đôi. Công nghiệp khai khoáng và luyện kim phát triển, nhất là than đá vùng Rhin và Sarre. Từ 1860-1870, sản lượng than tăng từ 12 triệu tấn lên 23 triệu tấn. Giao thông vận tải cũng phát triển. Từ 1850-1870, mạng lưới đường sắt tăng gần gấp ba lần: 3869 km lên đến 11.523 km. Ngoại thương cũng phát triển.

Nhìn chung, giữa thế kỷ X1X, toàn bộ nước Ðức được lôi cuốn vào cao trào cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng thủ công nghiệp gia đình vẫn còn tồn tại khá nhiều và trước sự phát triển của công nghiệp, thợ thủ công ở Ðức cũng bị phá sản trầm trọng.

1.2 Nông nghiệp.

Ngày 2.3.1850, Phổ ban hành luật cải cách nông nghiệp gọi là Ðiều hòa các quan hệ giữa địa chủ và nông dân, trong đó khoảng chừng hai mươi thứ nghĩa vụ phong kiến không quan trọng được bãi bỏ, còn những thứ nghĩa vụ cơ bản như tô, lao dịch thì phải chuộc bằng những khoản tiền rất cao...Vì phải nộp chuộc, nông dân bị phá sản, bần cùng hóa; còn địa chủ thì ngày càng giàu lên nhờ những đạo luật trên. Có được số tiền chuộc lớn, quí tộc địa chủ ở Phổ và nhiều nơi khác có thêm điều kiện để chuyển sang kinh doanh nông nghiệp theo hướng TBCN ( sử dụng rộng rãi máy móc, phân bón hóa học và sức lao động làm thuê của cố nông để tăng năng suất cây trồng, mở xí nghiệp chế biến nông sản, một số còn kinh doanh công nghiệp nặng). Ðó là sự phát triển của kinh tế Yunker, tức là kinh tế hàng hóa của đại địa chủ với việc sử dụng lao động làm thuê mà Lênin gọi là "con đường kiểu Phổ ".

?- Thế nào là con đường kiểu Phổ ?

2. Con đường thống nhất Ðức.

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Ðức làm cho vấn đề thống nhất đất nước trở nên cấp bách vì vấn đề cơ bản của chủ nghĩa tư bản Ðức là vấn đề thị trường dân tộc. Việc thống nhất Ðức từ 1848-1871 là cuộc đấu tranh giữa hai con đường:

2.1.Con đường từ dưới lên: được tiến hành bằng phong trào cách mạng của quần chúng, lật đổ chế độ phong kiến phản động, thành lập một nước cộng hòa thống nhất do giai cấp tư sản hoặc giai cấp vô sản lãnh đạo. Nhưng ở Ðức, giai cấp tư sản đã trở nên phản động, còn giai cấp vô sản thì chưa trưởng thành và chưa đủ khả năng lãnh đạo cách mạng.

3.2. Con đường từ trên xuống: được thực hiện bằng những cuộc chiến tranh giữa các vương triều, dưới sự lãnh đạo của quí tộc Junkers mà người đại diện là Ottovon Bismarck, thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phổ. Bismarck đã hướng việc thống nhất Ðức theo con đường phản động từ trên xuống bằng sắt và máu.

II. PHONG TRÀO CÔNG NHÂN TRONG THỜI KỲ THỐNG NHẤT

Do ảnh hưởng của phong trào thống nhất ở Ý năm 1860, sinh hoạt chính trị ở Ðức khôi phục mạnh. Trong thời kỳ này, các hội công nhân hoạt động mạnh mẽ, những vấn đề chính trị được đem ra thảo luận rộng rãi.

Nhờ sự trưởng thành về mặt ý thức giai cấp, bộ phận tích cực nhất của giai cấp vô sản Ðức thấy cần thiết phải lập ra một tổ chức chính trị độc lập của mình. Do đó, tháng 5.1863, đại biểu của các tổ chức công nhân 11 thành phố quyết định thành lập Liên minh công nhân toàn Ðức do Lassalle làm chủ tịch. Nhưng Lassalle lại không làm cho Liên minh trở thành một tổ chức cách mạng có tính chất quần chúng.

Lassalle phủ nhận đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, chủ trương nhà nước nhân dân tự do, thay thế cách mạng bằng con đường cải lương và xem nông dân là đám đông phản động. Lassalle đã đưa ra ba luận điểm:

- Qui luật sắt của tiền lương: để hạn chế yêu cầu của công nhân là đấu tranh đòi cải thiện đời sống.

- Nhà nước phi giai cấp: Lassalle cho rằng nhà nước là nhà nước nhân dân tự do, không đại diện cho một giai cấp, phủ nhận chuyên chính vô sản để gạt bỏ việc tổ chức một Ðảng vô sản độc lập của giai cấp công nhân.

- Phủ nhận liên minh giai cấp: Lassalle phủ nhận liên minh công nông và cho rằng ngoài giai cấp vô sản ra, tất cả các tầng lớp xã hội khác đều hoàn toàn phản động, nhất là nông dân. Lassalle cho nông dân là một "đám đông phản động".

Về vấn đề thống nhất Ðức, Lassalle ngã về phía Bismarck, chủ trương thực hiện thống nhất Ðức theo con đường Phổ hóa.

Tóm lại, Liên minh công nhân toàn Ðức thành lập 1863 chỉ là một tổ chức mang tính chất Lassalle chủ nghĩa, không thể đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân và đấu tranh cho quyền lợi đó. Vì thế giai cấp công nhân Ðức không có khả năng lãnh đạo công cuộc thống nhất Ðức.

III. QUÁ TRÌNH THỐNG NHẤT ÐỨC

Dìo hoàn cảnh lịch sử , công cuộc thống nhất Ðức không thể thực hiện từ dưới lên bằng biện pháp cách mạng bởi vì dưới ảnh hưởng của Lassale, "Liên minh công nhân toàn Ðức" không thể đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân, không thể lãnh đạo được cuộc đấu tranh thống nhất còn giai cấp tư sản thì hèn nhát, sẳn sàng thỏa hiệp với quí tộc phong kiến. Công cuộc thống nhất Ðức được thực hiện từ trên xuống do địa chủ phản động đã lợi dụng tình hình lúc bấy giờ để duy trì và mở rộng quyền thống trị của mình ra toàn nước Ðức .

Quá trình thống nhất Ðức trải qua hai giai đoạn.

1. Giai đoạn 1: thống nhất bắc Ðức 1864 - 1867:

- Chiến tranh với các công quốc: năm 1864, Bismarck bắt đầu thực hiện kế hoạch thống nhất bằng vũ lực. Phổ thỏa hiệp với Áo tấn công Ðan Mạch để thôn tính Schleswig và Holstein là hai địa bàn chiến lược quan trọng ở Bắc hải và Baltique. Ðan Mạch bại trận, Phổ và Áo chia nhau hai công quốc (Phổ chiếm Schleswig - Áo chiếm Holstein). Sự phân chia này là âm mưu của Bismarck để Phổ có thể kiếm cớ gây hấn với Áo bất cứ lúc nào, vì quân đội Phổ muốn đến Schleswig phải qua Holstein của Áo .

- Chiến tranh Áo-Phổ: (1866) tranh nhau vấn đề lãnh đạo Ðức. Phổ tìm mọi cách cô lập và khiêu khích Áo, buộc Áo phải ra lệnh động viên quân đội. Chiến sự diễn ra trong sáu tuần, quân Phổ thắng lớn ở Sadowa rồi tiến sâu vào lãnh thổ Áo. Hiệp ước Áo-Phổ được ký kết. Bị thua trong cuộc chiến tranh, Aïo rút khỏi liên hiệp Ðức (thành lập từ 1815).

Thông qua các cuộc chiến tranh, sự nghiệp thống nhất Ðức nằm hẳn trong tay bọn Yunkers Phổ. Áo không còn ảnh hưởng gì đến công việc thống nhất ở Ðức. Liên hiệp Ðức cũ cũng bị xóa bỏ và Bismarck bắt tay vào việc thành lập một nước Ðức với sự lãnh đạo của Phổ. Năm 1867, Liên hiệp Bắc Ðức mới gồm 18 nước nhỏ và ba thành thị được thành lập. Vua Phổ được phong làm chủ tịch Liên hiệp Bắc Ðức và là tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang của hiệp bang. Ngày 17.4.1867, Hiến pháp của Liên bang được thông qua và quốc hội liên bang Ðức được thành lập.

2. Giai đoạn 2: hoàn thành thống nhất:

Việc hoàn thành thống nhất xuống các bang miền nam Ðức được tiến hành thông qua chiến tranh Pháp-Phổ 1870

- Nguyên nhân sâu xa:

Bismarck muốn mở rộng quyền thống trị đến các quốc gia Nam Ðức nhưng vấp phải sự cản trở của Pháp. Napoléon III không muốn Phổ cường thịnh, trở thành một láng giềng nguy hiểm cho Pháp. Mặt khác, Napoléon muốn củng cố Ðế chế II đang lung lay bằng một cuộc chiến tranh thôn tính các nước ở phía Tây của Ðức. Bismarck đã mưu mô gây thù hằn giữa hai dân tộc Pháp-Ðức để làm cho chiến tranh bùng nổ.

- Nguyên cớ trực tiếp: vấn đề tranh chấp ngôi vua Tây Ban Nha và sự kiện bức diện Ems giả mạo.

Chiến tranh chia làm hai giai đoạn:

+ Chiến tranh giữa vua Pháp và vua Phổ: 4.8 - 2.9.1870.

+ Chiến tranh giữa nền cộng hòa Pháp và Phổ: 2.9 - 28.1.1871.

Mặc dù Pháp có ưu thế hơn Ðức về quân đội và vũ khí, nhưng quân đội của Napoléon III bị đánh bại nhanh chóng và thất bại nhục nhã ở Sedan. Ðế chế II bị lật đổ ngày 4.9.1870, nền cộng hòa III được thiết lập. Bismarck tiếp tục chiến tranh chống nền cộng hòa Pháp, tàn sát và cướp bóc nhân dân Pháp. Ngày 28.1.1871. Chính phủ vệ quốc của giai cấp tư sản Pháp xin đình chiến và dâng Paris cho địch trong lúc lực lượng kháng chiến còn mạnh. Theo hiệp ước ngày 26.2.1871, Pháp phải nhường Alsace và Lorraine cho Ðức và bồi thường 5 tỷ Franc chiến phí.

Ngày 18.1.1871, ít ngày trước khi Pháp đầu hàng, đế chế Ðức được thành lập ở Versailles; Vinhem I được suy tôn thành Ðức hoàng. Ðức trở thành một liên bang thống nhất dưới quyền tối cao của một hoàng đế cai trị theo hiến pháp 1867. Chính sách "Phổ hóa Ðức" của Bismarck thắng lợi hoàn toàn.

IV. KẾT QUẢ VÀ Ý NGHĨA


Sự thống nhất Ðức là một sự kiện tiến bộ vì nó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mọi mặt của xã hội Ðức. Tuy nhiên, con đường thực hiện thống nhất lại là con đường phản nhân dân, phản dân chủ do quí tộc Phổ dựa vào đại tư sản phản động Ðức thực hiện. Vì vậy, Ðức trở thành một căn cứ quan trọng cho chủ nghĩa quân phiệt xâm lược và hiếu chiến, một lò lửa của các cuộc chiến tranh thế giới.

Lúc bấy giờ khả năng thống nhất Ðức bằng con đường từ dưới lên không thực hiện được vì chính đảng Marx xít của giai cấp vô sản Ðức thành lập quá muộn, lúc công cuộc thống nhất sắp kết thúc (1869) trong khi đó thì Lassalle đã biến Liên minh công nhân toàn Ðức thành chỗ dựa của Bismarck. Sự thành lập khá muộn của đảng chủ nghĩa xã hội dân chủ Ðức làm cho giai cấp vô sản Ðức không thể ngăn cản việc thống nhất từ trên xuống của Bismarck với sự duy trì những đặc quyền của bọn Yunkers.

?- Tại sao việc thống nhất bằng con đường "từ dưới lên" không thể thực hiện được?

?- Ý nghĩa lịch sử của việc thống nhất Ðức ?

NỘI CHIẾN MỸ (1861 - 1865)


Năm 1783, khi chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ kết thúc thắng lợi, nước Mỹ ra đời với 13 tiểu bang. Tuy nhiên, nước Cộng hòa non trẻ này còn nhiều vấn đề tồn tại. Nhân dân lao động Mỹ đã liên tục đấu tranh để bảo vệ và mở rộng những quyền dân chủ mà cách mạng đã đem lại. Cuộc đấu tranh đó đã dẫn đến cuộc nội chiến 1862-1865, mà lịch sử thường gọi là chiến tranh li khai.

I. NƯỚC MỸ NỬA ÐẦU THẾ KỶ XIX


1. Công cuộc di thực và bành trướng của Mỹ:

Khi chiến tranh giành độc lập kết thúc, nước Mỹ có 13 bang nằm ở phía Ðông bắc, ven bờ Ðại Tây Dương. Sau đó, Mỹ đã bành trướng mạnh về phía Tây bằng cách mua lại đất đai của Pháp, tước đọat của Tây Ban Nha, đồn đuổi thổ dân Indians. Cho đến giữa thể kỷ XIX, Mỹ đã có 30 bang với diện tích 3 triệu dặm vuông, dân số 23 triệu người.

Giai cấp thống trị Mỹ không những mở rộng đất đai trong nước mà còn mưu toan thôn tính đất đai bên ngòai, trước hết là vùng châu Mỹ La tinh. Năm 1823, Tổng thống Monroe đưa ra học thuyết: "Châu Mỹ của người Mỹ với dã tâm xâm lược vùng Châu Mỹ La tinh, biến Châu Mỹ La tinh thành sân sau của Mỹ. Mỹ còn gây chiến tranh với Mê-hi-cô năm 1846-1848, mở đầu cho việc thôn tính Trung và Nam Mỹ. Ðồng thời, Mỹ cũng dòm ngó sang Châu Aï: can thiệp vào chiến tranh thuốc phiện ở Trung Quốc, đàn áp phong trào Thái bình Thiên quốc, uy hiếp Nhật Bản....Ðến giữa thế kỷ XIX, Mỹ đã trở thành một nước đế quốc với những tham vọng đất đai rộng lớn.

2. Tình hình phát triển kinh tế:

Cùng với việc mở rộng đất đai, nền kinh tế Mỹ phát triển nhanh chóng nhờ nhiều yếu tố thuận lợi: tài nguyên thiên nhiên phong phú, sức lao động dồi dào, đất đai rộng lớn.

2.1. Công nghiêp:

Tuy chưa bắt đầu cách mạng công nghiệp, Mỹ cũng đã thừa hưởng những thành tựu của cuộc cách mạng kỹ thuật Châu Âu, đặc biệt là cách mạng công nghiệp Anh, do đó công nghiệp Mỹ có những thành tựu đáng kể.

Giữa thế kỷ X1X, công nghiệp nhẹ phát triển nhanh, nhất là công nghiệp dệt, đứng hàng thứ hai trên thế giới. Công nghiệp nặng phát triển với các ngành: khai mỏ, luyện kim, chế tạo máy móc, nhất là máy nông nghiệp.

Trong giao thông vận tải: đường sắt phát triển đáng kể, giữ vị trí hàng đầu thế giới với 49.287 km. Ngòai ra, công nghiệp đóng tàu cũng khá phát triển do nhu cầu vận chuyển đường sông, biển và khả năng lớn về gỗ. Việc đào các con kênh cũng có một ý nghĩa lớn lao, làm cho việc giao thông thuận lợi hơn.

Việc tìm ra mỏ vàng ở California đã kích thích mạnh mẽ sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Với sự phát triển đó, Mỹ xếp hàng thứ tư trong các nước công nghiệp trên thế giới.

2.2 Nông nghiệp:

Nông nghiệp Mỹ phát triển với hai miền khác nhau:

- Miền Bắc và Tây Bắc: kinh tế trại chủ chiếm ưu thê. Trại chủ khai khẩn đất đai dựa vào sức lao động của mình là chính, không chịu ảnh hưởng của chế độ phong kiến. Ðây là con đường phát triển nông nghiệp kiểu Mỹ mà Lê-nin đã gọi.

- Miền Nam: Nông nghiệp nằm trong tay các chủ đồn điền dựa vào sự bóc lột lao động nô lệ da đen. Các đồn điền miền Nam chủ yếu trồng bông vải, mía, thuốc lá... phục vụ cho công nghiệp ở phía Bắc. Về thực chất, kinh tế đồn điền là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa nhưng chủ nô đã sử dụng nhân công là nô lệ trong việc cung cấp hàng hóa cho thị trường miền Bắc.

?- Thế nào là "con đường kiểu Mỹ "? Sự khác nhau giữa "con đường kiểu Phổ" và "con đường kiểu Mỹ "?

3. Mâu thuẫn giữa hai miền Nam - Bắc:

Ðến giữa thế kỷ X1X, nền kinh tế công nghiệp ngày càng phát triển mạnh. Sự thắng thế của giai cấp tư sản công nghiệp miền Bắc dần dần mâu thuẫn với chế độ nô lệ đồn điền ở miền Nam.

Vào những năm 50 của thế kỷ X1X, kinh tê đồn điền miền Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng. Trong các đồn điền, kỹ thuật canh tác thô sơ vì người ta chỉ bóc lột lao động của nô lệ, đất đai không được chăm bón nên bị bạc màu nhanh chóng. Chủ nô tìm đất mới bằng cách sang miền Tây là vùng rộng mênh mông để phát triển nền kinh tế của mình. Trại chủ miền Bắc cũng muốn biến miền Tây là những vùng hậu cần cho công nghiệp ở phía Bắc. Cả hai đều coi miền Tây như vùng dự trữ của mình, nhưng họ muốn phát triển vùng này theo hai hướng khác nhau: tư bản chủ nghĩa và chế độ nô lệ đồn điền.

Sự tồn tại của chế độ nô lệ miền Nam gây cản trở cho sự phát triển tư bản chủ nghĩa cho nên khi vấn đề khai thác miền Tây được đẩy mạnh, Bắc Mỹ càng thấy cần phải giải phóng nô lệ càng nhanh càng tốt. Vì thế, vấn đề khai thác đất ở miền Tây có một ý nghĩa chính trị rất quan trọng.

Khi mâu thuẫn giữa hai bên còn chưa gay gắt, thì hai miền còn thỏa hiệp với nhau qua thỏa ước Misouri và thỏa ước 1850 (cho miền Bắc một số bang có nô lệ, miền Nam không có nô lệ) nhưng kéo dài không lâu. Trong những năm 50 của thế kỉ XIX, một phong trào đòi giải phóng nô lệ nổ ra sôi nổi, lôi kéo mọi tầng lớp nhân dân ở Bắc Mỹ tham gia như nô lệ, công nhân, trại chủ, tư sản.

?- Nguyên nhân sâu xa của cuộc nội chiến?

II. DIỄN BIẾN CỦA NỘI CHIẾN


Từ những tiền đề kinh tế - chính trị của nước Mỹ giữa thế kỷ X1X, có thể nói nguyên nhân sâu xa dẫn đến nội chiến là việc thủ tiêu nền kinh tế đồn điền miền Nam, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

Ngọn lửa trực tiếp làm bùng nổ cuộc nội chiến là cuộc bầu cử Tổng thống 1860. Trong cuộc bầu cử 1860, Ðảng Cộng hòa của tư sản công nghiệp với ứng cử viên Abraham Lincoln đã đắc cử Tổng thống. Sự thắng lợi của của Ðảng Cộng hòa với chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ làm cho chủ nô và các bang miền Nam bất bình. Họ chống đối chính quyền và tuyên bố tách khỏi liên bang.

Tháng 2.1861, những bang ly khai lập ra chính phủ riêng. Như vậy là ở Mỹ có hai Tổng thống, hai quốc hội, hai quân đội. Ngày 12.04.1861, chủ nô bắn phá pháo đài Sumter ở vịnh Charlestone. Chiến tranh bùng nổ và kéo dài trong vòng bốn năm, chia làm hai giai đọan.

1. Giai đọan 1: 1861-1863

Từ hè 1861-1862, miền Bắc hai lần tấn công nhưng đều thất bại; miền Nam phản công trở lại nhưng không thắng lợi. Miền Bắc thất bại vì không tiến hành chiến tranh kiên quyết, không vận dụng một cách triệt để sức mạnh quần chúng. Kế hoạch của miền Bắc là bao vây, không cho miền Nam mua vũ khí, bán nguyên liệu. Marx-Engels đã theo dõi diễn biến của nội chiến và viết nhiều bài báo vạch rõ sai lầm của kế hoạch này, và nêu rõ miền Bắc muốn thắng lợi phải tiến sâu vào hậu phương của địch, thực hiện những biện pháp cách mạng, trước hết là thủ tiêu chế độ nô lệ, vũ trang cho những người nô lệ da đen. Dưới áp lực của quần chúng nhân dân, cuối cùng tư sản miền Bắc phải thực hiện một số biện pháp tiến bộ: ban hành luật định cư (homestead), chế độ nô lệ ở các bang ly khai được bãi bỏ. Những biện pháp này đã kích thích tinh thần đấu tranh của nô lệ, số người gia nhập quân đội tăng lên.

2. Giai đọan 2: 1863-1865.

Từ đầu tháng 7.1863, tình hình quân sự hoàn toàn có lợi cho miền bắc. Hải quân miền bắc phong tỏa bờ biến phía nam, bao vây quân chủ lực miền nam ở phía đông.

Năm 1864 được tái cử, Lincoln cử tướng Grant làm Tổng tư lệnh quân đội, Grant uy hiếp Richmond (thủ đô miền Nam) rồi cùng với tướng Sherman tiến sát bờ Ðại Tây Dương bao vây Richmond. Thủ phủ bị thất thủ, miền Nam đầu hàng. Nội chiến chấm dứt với 50 vạn người chết, 100.000 người bị tàn phế. Không bao lâu sau chiến thắng, A. Lincoln bị ám sát.

III. KẾT QUẢ VÀ Ý NGHĨA


Theo Lênin, cuộc nội chiến ở Mỹ là một cuộc chiến tranh chống lại chế độ nô lệ, một cuộc chiến tranh tiến bộ và thực sự cách mạng,.

Lãnh đạo cuộc chiến tranh là giai cấp tư sản Bắc Mỹ. Công nhân da trắng, nô lệ da đen là những lực lượng đáng kể trong cuộc đấu tranh. Chính sức mạnh của quần chúng đã buộc giai cấp tư sản phải thông qua những biện pháp cách mạng kiên quyết để đưa nội chiến đến thắng lợi.

Kết qủa: Chế độ nô lệ bị xóa bỏ. Nông dân tự do có được đạo luật định cư homestead, một đạo luật thủ tiêu nguy cơ chiếm đất miền Tây của chủ nô. Tuy nhiên, tình trạng phân hóa nông dân cũng gay gắt, một số trở thành phú nông còn phần đông nông dân bị phá sản, gia nhập hàng ngũ những người công nhân nông nghiệp...

Nội chiến là một cuộc cách mạng dân chủ tư sản, giai cấp tư sản đã dựa vào cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân để nắm chính quyền, thực hiện những biện pháp tích cực, tạo điều kiện cho kinh tế TBCN phát triển nhanh chóng. Ðây là một thắng lợi quan trọng của CNTB trong những năm 50-70 của thế kỉ XIX.

?- Vì sao cuộc nội chiến được xem như cuộc CMTS lần thứ hai ở Mỹ?


CẢI CÁCH NÔNG NÔ Ở NGA
I. NHỮNG TIỀN ÐỀ CỦA CẢI CÁCH
1. Tình hình nước Nga giữa thế kỷ XIX.

Trong nửa đầu thế kỷ XIX, chế độ phong kiến chuyên chế của Nga phải đối phó với những phong trào đấu tranh của nhân dân và các dân tộc ở Nga. Tuy giai cấp tư sản Nga còn yếu so với giai cấp tư sản Tây Âu nhưng những tư tưởng tư sản ở Nga cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến xã hội Nga, hình thành ở Nga một cuộc vận động cách mạng mới.

1.1. Chính trị:

Cho đến giữa thế kỷ XIX, chế độ chính trị ở Nga vẫn là chế độ phong kiến nhưng chế độ phong kiến này lạc hậu hơn các nước khác ở Tây Âu thời trước cách mạng tư sản.

Vua Nga thời kỳ này Alexandre I và Nicolas I.

Dưới thời Alexandre I, chế độ chính trị hết sức chuyên chế. Ông là người đề xướng ra Liên minh thần thánh, đàn áp các phong trào cách mạng trong nước cũng như nước ngoài. Nhà thờ là công cụ phục vụ chính quyền. Bộ máy cảnh sát và quân đội phục vụ rất đắc lực cho chế độ.

Dưới thời Nicolas I, nhà vua công khai thực hiện sự chuyên chế của mình, không e dè như Alexandre I. Nicolas cấm đoán sự tự do tư tưởng bằng việc thực hiện chính sách kiểm duyệt khắt khe đối với sách báo, kiểm soát việc giảng dạy trong nhà trường trung học và đại học.

Nicolas I phải luôn luôn đối phó với những cuộc đấu tranh của nông dân và những cuộc khởi nghĩa của những dân tộc bị áp bức: khởi nghĩa của nhân dân Balan, nhân dân hồi giáo ở Capcadơ... Ngoài việc đàn áp các phong trào phản kháng của nhân dân, Nga còn mở rộng ảnh hưởng của mình đến các khu vực xung quanh: làm chủ eo biển Bosphore và Dardanelles, phát huy ảnh hưởng của mình ở khu vực Balkan.

1.2. Xã hội:

Những tư tưởng chống đối chính quyền trung ương trong quần chúng nhân dân thường xuyên bộc lộ trong xã hội Nga vì quần chúng nhân dân, đặc biệt là nông dân, không chịu nổi ách áp bức hà khắc của chế độ chuyên chế. Tư tưởng dân chủ đi vào xã hội Nga lúc bấy giờ từ những tầng lớp trí thức Nga chịu ảnh hưởng của triết học Ánh sáng Pháp. Thời kỳ này những tư tưởng dân chủ được truyền bá vào Nga thông qua những tác phẩm văn học. Những tác giả như Puskin, Gôgôn, Sécnưsépki và các nhà văn nổi tiếng khác đã góp phần giáo dục cho thanh niên tinh thần dân chủ cách mạng. Bêlinxki, nhà phê bình văn học, là nhà tư tưởng dân chủ cách mạng đầu tiên và hết lòng ủng hộ phong trào nông dân Nga, kiên quyết chống chế độ chuyên chế, đòi thực hiện những tự do dân chủ. Tư tưởng cách mạng của Bêlinxki tác động mạnh mẽ đến xã hội Nga trong những năm 30-40 thế kỷ XIX. Những nhà hoạt động cách mạng chủ trương cải cách chế độ xã hội- chính trị ở Nga để theo kịp xã hội phương Tây.

?- Vì sao trong những năm 50 của thế kỉ XIX ở Nga không diễn ra cách mạng tư sản?

2. Kinh tế:

Cho đến nửa đầu thế kỷ thứ XIX, quan hệ phong kiến nông nô vẫn chiếm địa vị thống trị. 90% dân số là nông dân mà nông dân chủ yếu là nông nô. Ruộng đất thuộc sở hữu phong kiến của địa chủ và nhà nước.

Thời kỳ này vẫn có những yếu tố của kinh tế tư bản chủ nghĩa, thể hiện ở sự phát triển của công trường thủ công. Tuy nhiên, lao động trong công trường thủ công vẫn còn là lao động của nông dân. Do sự phát triển của kinh tế, nông thôn Nga cũng có những biến chuyển nhất định. Do nhu cầu về nguyên liệu ngày càng tăng, địa chủ Nga phải tìm cách để tăng năng suất và mở rộng diện tích các loại cây trồng như củ cải đường, lúa, khoai tây. Ngành chăn nuôi gia súc cũng phát triển.

Công nghiệp lạc hậu do thiếu sức lao động và thị trường trong nước. Trong những năm 40-50, công nghiệp cơ khí bắt đầu phát triển. Nước Nga bắt đầu bước vào giai đoạn cách mạng công nghiệp. Ngành dệt được cơ khí hóa sớm bằng máy móc nhập từ Anh: Ivanovo phát triển thành trung tâm dệt lớn. Công nghiệp nặng phát triển ở Uran. Các ngành luyện kim, các xưởng chế biến kim loại ngày càng phát triển mạnh. Petersburg, Uran là trung tâm công nghiệp lớn của Nga lúc bấy giờ.

Ðường sắt cũng được chú ý xây dựng. Năm 1843, đường sắt Petersburg-Maxtcơva được xây dựng. Giao thông bằng đường thủy, bộ cũng bắt đầu phát triển. Hệ thống các sông đào dần dần được phát huy. Trên các dòng sông, tàu vận tải tấp nập buôn bán.

3. Chiến tranh Crưm (Crimeé)

Trong lúc mâu thuẫn giai cấp trong xã hội đang sâu sắc thì Nicolas I đẩy nước Nga vào cuộc chiến tranh Crưm 1853-1856 giữa Nga và Anh, Pháp. Trong cuộc chiến tranh này, sự lạc hậu về mọi mặt của Nga so với các nước làm Nga nhanh chóng thất bại.

Sự thất bại của Nga trong chiến tranh Crimeé làm cho sự căm thù của quần chúng đối với giai cấp thống trị ngày càng sâu sắc. Từ 1858-1860 đã có hơn 100 cuộc đấu tranh của nông dân chống địa chủ. Lênin nhận định về tình hình nước Nga lúc bấy giờ như sau: Trong những điều kiện như thế, người chính khách thận trọng và tỉnh táo nhất sẽ phải nhận rằng một cuộc cách mạng rất có thể xảy ra, khởi nghĩa nông dân là một nguy cơ rất có căn cứ....

Vì vậy, yêu cầu cải cách chế độ là một yêu cầu bức thiết đối với giai cấp thống trị Nga nếu không muốn có một cuộc cách mạng bùng nổ từ bên dưới.

II. NHỮNG CẢI CÁCH THỜI ALEXANDRE II


1. Cải cách ruộng đất 19.2.1861.

Ngày 19.2.1861, Nga hoàng ký những văn bản pháp luật về việc những nông dân được giải phóng khỏi sự lệ thuộc nông nô và một bản "tuyên ngôn" về việc xóa bỏ chế độ nông nô: nông dân được tự do thân thể, có quyền tư hữu, được tham gia những hoạt động công thương nghiệp, được trao đổi ký kết giao kèo với những người khác, được đệ đơn đi kiện....Cải cách 19.2 xuất phát từ nguyên tắc quyền sở hữu phong kiến thuộc địa chủ, vì vậy nông dân phải chịu những điều khoản nặng nề để được chuộc tự do về thân thể. Việc điều chỉnh quan hệ kinh tế giữa địa chủ và nông dân sẽ được tiến hành trong hai năm: địa chủ sẽ thảo ra bản khế ước để qui định về số lượng đất đai mà nông dân được sử dụng. Trong thời gian đó, nông dân phải chịu theo nghĩa vụ tạm thời để phục vụ cho địa chủ. Họ chỉ được tự do và trở thành sở hữu mảnh ruộng khi địa chủ đã ký cho họ chuộc lại ruộng đất. Phần lớn nông dân không đủ tiền nộp chuộc nên chính phủ phải làm trung gian: chính phủ trả cho địa chủ 80% số tiền chuộc, nông dân phải trả lại số nợ ấy lẫn lãi cho chính phủ.

Trong khi thực hiện sắc lệnh cải cách ruộng đất, địa chủ tìm cách cắt đất của nông dân, có nơi lên đến 20-40% diện tích, đa số là đất tốt.. Nông dân chỉ được nhận những phần đất cằn cỗi, xác xơ. Cải cách ruộng đất này thực chất chỉ là sự ăn cướp của nông dân theo nhận xét của Lênin.

Sắc lệnh 19.2 làm cho mọi tầng lớp nông dân thất vọng vì đời sống của họ vẫn không thay đổi bao nhiêu so với trước đó. Giai cấp thống trị vẫn là địa chủ. Chúng chiếm một khối lượng ruộng đất rộng lớn và nông dân vẫn phải chịu sự bóc lột nặng nề. Nga hoàng là một tên địa chủ lớn nhất với 7 triệu mẫu đất, nhiều hơn số ruộng đất của nửa triệu gia đình nông dân.

2. Những cải cách khác.

-Tư pháp: Tòa án xét xử công khai, có bồi thẩm đoàn, có luật sư bào chữa thay cho tòa án xử theo đẳng cấp.

- Cải cách quân sự: Thiết lập chế độ quân dịch, thời hạn phục vụ trong quân đội từ 25 năm giảm xuống còn 6-7 năm. Trang bị kỹ thuật cho quân đội được cải tiến. Thành lập các hạm đội.

-Hành chính: Cơ quan cai trị địa phương do bầu cử nhưng với những điều kiện hết sức khắt khe nhằm đảm bảo ưu thế của giới quí tộc, địa chủ.

- Gíáo dục: chính phủ hỗ trợ xây dựng trường tiểu học và học viện kỹ thuật, hạn chế chế độ kiểm duyệt, đưa khoa học vào chương trình đào tạo ở Ðại học.



III. KẾT QUẢ - Ý NGHĨA

- Trong khi các nước phương Tây thực hiện cách mạng thì giai cấp tư sản Nga tỏ ra yếu ớt, không đảm đương vai trò lịch sử lãnh đạo cách mạng ở Nga. Chính phủ Nga hoàng phải ban hành những cải cách nhằm xoa dịu phong trào của quần chúng nhân dân.

- Ðiều luật 19.2 và những cải cách khác đã tạo điều kiện nhất định cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga, tạo nguồn nhân công cho sự phát triển công nghiệp, nâng cao địa vị giai cấp tư sản. Ðó là một bước trên con đường cải biến chế độ phong kiến thành nền quân chủ tư sản. Những cải cách mang tính tư sản nầy tạo điều kiện cho việc phát triển những yếu tố của quan hệ sản xuất TBCN trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội ở Nga.

- Nhưng cải cách ở Nga là một cuộc cải cách không triệt để vì vẫn còn những tàn tích của chế độ phong kiến trên đất nước Nga: chính quyền chuyên chế vẫn nằm trong tay Nga hoàng, các cơ quan hành chính địa phương vẫn phụ thuộc Nga hoàng. Nông dân vẫn phải chịu tô thuế và nghĩa vụ tạm thời.....Vì vậy, yêu cầu của nước Nga là phải tiến hành một cuộc cách mạng tư sản, thực hiện triệt để việc xóa bỏ chế độ phong kiến, đó là nghĩa vụ mà giai cấp vô sản Nga phải làm trong đầu thế kỷ XX.

?- Nội dung cải cách ruộng đất? Thế nào là đất cắt?

?- Ý nghĩa của Cải cách nông nô ở Nga ?
 
Sửa lần cuối:
NƯỚC ANH VÀ PHÁP TRONG NHỮNG NĂM 50 - 70 CỦA THẾ KỶ XIX


Vào những năm 50-70, trong khi các nước khác tiếp tục hoàn thành cách mạng tư sản thì Anh và Pháp đã là những nước tư bản phát triển, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã xác lập hoàn toàn, cách mạng công nghiệp hoàn thành đã thúc đẩy nền kinh tế của các nước này phát triển vượt bậc.

I. ANH


Ðến những năm 50- 60, nền công nghiệp Anh đã phát triển tới mức phồn thịnh, đứng đầu thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu và hoàn thành sớm ở Anh làm cho công nghiệp Anh trong thời kỳ này phát triển cực mạnh, đưa Anh lên địa vị bá chủ trong nền kinh tế thế giới.

1. Tình hình kinh tế:

1.1. Công nghiệp:

Giữa thế kỷ XIX, Anh đứng hàng đầu trong số những nước công nghiệp phát triển trên thế giới. Anh là công xưởng của thế giới. Các ngành công nghiệp đều phát triển với một tốc độ cực kỳ nhanh, các ngành công nghiệp dệt, than, sắt phát triển mạnh.

Năm

1850

1870

Sản lượng than

34 triệu tấn

110 triệu tấn

Sản lượng gang

1, 4 triệu tấn

6 triệu tấn

1850, Anh đã sản xuất 1/2 sản lượng gang, hơn 1/2 sản lượng than đá và gần 1/2 sản lượng bông của thế giới. Những trung tâm khai thác than lớn ở Anh là: New Castle, Cadiff, Glasgow.

Ngành dệt phát triển vượt bậc, số suốt sử dụng trong máy dệt gấp 6 lần Pháp, 20 lần Phổ (30 triệu ống suốt). Các trung tâm dệt: Manchester, Liverpool... đã sử dụng 80% sản lượng bông vải của thế giới.

Hệ thống đường sắt cũng phát triển nhanh, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế. Năm1850, Anh có 11.000km đường sắt. Năm1860, Anh có 25.000km đường sắt.

Trên biển, Anh đã sử dụng tàu vỏ sắt chạy bằng hơi nước thay cho tàu buồm vỏ gỗ. Anh còn cung cấp tàu biển cho thế giới.

Sự kiện có ảnh hưởng đối với sự phát triển kinh tế ở Anh là việc phát hiện ra mỏ vàng ở California (1847) và ở Australia (1851). Hầu hết số vàng khai thác được đều rơi vào tay những nhà kinh doanh Anh. Từ 1852-1861, hàng hóa xuất cảng từ Anh sang Australia tăng 60 lần so với 10 năm trước đó.

Yêu cầu phát triển kinh tế thúc đẩy qui mô các xí nghiệp tăng lên. Từ những năm 50, người ta thấy ở Anh đã có các xí nghiệp tập trung hàng ngàn, hàng vạn công nhân. Qui mô của các xí nghiệp ngày càng lớn phản ánh quá trình tập trung tư bản, đưa đến sự thành lập các công ty cổ phần. Trong những năm 60, ở Anh đã xuất hiện từ 3000 đến 4000 công ty cổ phần với số vốn xấp xỉ 600 triệu bảng Anh. Anh là nước đã thành lập các công ty cổ phần đầu tiên trên thế giới.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp tạo điều kiện cho ngoại thương phát triển. Từ 1800-1870, xuất nhập khẩu Anh tăng gấp đôi. Anh chiếm vị trí thứ nhất trong nền thương mại quốc tế. London trở thành trung tâm thương mại lớn nhất thế giới. Khẩu hiệu "Tự do mậu dịch, tự do thông thương" được đề cao hơn bao giờ hết.

1.2. Nông nghiệp:

Cùng với sự lớn mạnh của công nghiệp, nông nghiệp nước Anh cũng không ngừng phát triển. Trong những năm 50-70 của thế kỷ XIX, nông nghiệp Anh bước vào thời kỳ phồn vinh chưa từng thấy. Tư bản đầu tư vào nông nghiệp lên đến 1/3 và có khuynh hướng phát triển ngành chăn nuôi.

2. Chế độ chính trị:

Từ sau cuộc cách mạng 1640, Anh theo chính thể Quân chủ lập hiến. Nữ hoàng Victoria cai trị Anh từ 1837-1901. Quyền hành thực tế nằm trong tay Quốc hội. Trong Quốc hội có hai Ðảng đối lập: Ðảng Tự do (Whigs) lãnh tụ là Palmerston, đại diện cho tư sản công thương. Ðảng Bảo thủ (Tories) lãnh tụ là Disraeli, đại diện cho đại địa chủ, chủ tàu, thương nhân ở các thuộc địa. Tuy có những chính sách khác biệt nhau, nhưng cả hai đảng đều phục vụ cho tầng lớp có của. Sự khác biệt của hai đảng không đáng kể vì trước sự lớn mạnh của phong trào công nhân, hai đảng đều xích lại với nhau để bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản.

Nhìn chung, trên phạm vi châu Âu bấy giờ, Anh là một nhà nước ít tính chất quan liêu, quân sự hơn những nhà nước khác. Ðồng thời Anh còn là nơi mà những quyền tự do dân chủ phát triển rộng rãi nhất: quyền tự do xuất bản, hội họp, mít tinh... Quyền tự do công đoàn và bãi công cũng được thừa nhận. Thực chất của nền tự do ấy là do đường lối chính trị của giai cấp thống trị Anh. Họ biết nhượng bộ và thỏa hiệp khi cần thiết để củng cố quyền thống trị của mình, họ bỏ tiền ra mua chuộc một tầng lớp công nhân quí tộc để ủng hộ chính phủ.

3. Chính sách đối ngoại và xâm lược.

Anh dùng địa vị ưu thế về công nghiệp để chinh phục các nước khác. Do đó, chính sách đối ngoại của Anh cũng là chính sách xâm lược thuộc địa. Người hăng hái thực hiện chính sách xâm lược ở Anh lúc bấy giờ là Palmerston, thuộc Ðảng tự do.

Cho đến giữa thế kỷ XIX, Anh dẫn đầu thế giới về qui mô và tốc độ phát triển thuộc địa. (1870, Anh có số dân thuộc địa là 200 triệu người).

Ấn độ là thuộc địa quan trọng nhất của Anh. Ðây là nơi cung cấp nguyên liệu và là thị trường tiêu thụ hàng hóa của Anh. Thực dân Anh đã thực hiện sự thống trị hà khắc tại Ấn độ, làm cho hàng triệu con người chết đói. Ngoài ra, Anh còn gây chiến tranh thuốc phiện với Trung quốc để nhằm thôn tính thị trường rộng lớn này. Năm1863, tàu Anh bắn phá cảng Kagosima của Nhật để buộc Nhật phải bồi thường chiến phí và mở cửa cho Anh buôn bán. Những năm 30, 60, Anh đã chiếm toàn bộ Miến điện và một số nước Châu Á khác.

Ở Châu Phi, Anh chiếm Ethiopie, gây chiến với những bộ lạc Nam Phi...Ở Châu Mỹ: Anh đàn áp cuộc khởi nghĩa của những người nô lệ chống chủ đồn điền ở Jamaica.

Ngoài ra Anh còn mở rộng sự thống trị của mình đến một số đảo ở Australia.

Trong nước thì Anh đàn áp và thống trị Ireland, xem đây là thuộc địa gần gũi nhất của mình. Sự thống trị tàn nhẫn của Anh làm cho nhân dân Ireland nhiều lần nổi dậy chống đối.

Trong chính sách thuộc địa, Anh cho các thuộc địa da trắng được quyền tự trị rộng rãi còn những thuộc địa theo chế độ phong kiến và có dân da màu thì phải phục tùng chính quyền một cách tuyệt đối. Ðối với những thuộc địa có sẳn dân cư đông đúc như Ấn Ðộ thì Anh biến thành những tỉnh thuộc Anh và bòn rút của cải ở đây, còn những thuộc địa dân cư thưa thớt thì Anh nhanh chóng tiêu diệt thổ dân, những người còn sống sót thì bị dồn vào những vùng thuộc địa và sáp nhập vào đất Anh.

4. Phong trào công nhân.

Trong những năm 50 của thế kỉ XIX, phong trào công đoàn phát triển mạnh ở Anh. Tuy nhiên phong trào công đoàn trong thời kì này còn phân tán, hẹp hòi về mặt tổ chức, mục tiêu thuần túy kinh tế. Các công đoàn từ chỗ là những tổ chức mang tính đấu tranh giai cấp biến thành những hội ái hữu, hội tương tế. Ðiểm nổi bật trong thời kì này là sự xuất hiện tầng lớp " công nhân quí tộc", những công nhân này đã làm hạn chế tinh thần đấu tranh của giai cấp công nhân.

Cũng trong những năm 50-60, một phong trào đòi cải cách tuyển cử nổ ra. Trung tâm của phong trào ở Manchester. Cuộc đấu tranh của công nhân dẫn đến kết quả là chính quyền phải thông qua một đạo luật cải cách tuyển cử năm 1867. Quyền tuyển cử được mở rộng cho một số người tiểu tư sản và một số công nhân lớp trên; phần lớn công nhân và nông dân vẫn không được tham gia bầu cử.

II. PHÁP


Cách mạng 48 thất bại đã đưa nước Pháp sang một thời kỳ mới: Ðế chế thay cho nền cộng hòa tư sản. Triều đình Napoléon III đã thi hành một chính sách chính trị phản dân chủ để phục vụ cho giai cấp tư sản. Thời kỳ tồn tại của Ðế chế thứ hai cũng là thời kỳ mà nền kinh tế Pháp phát triển mạnh. Pháp giữ vị trí thứ hai trong số các nước phát triển trên thế giới.

1. Tình hình kinh tế:

1.1. Công nghiệp.

Mười tám năm tồn tại của Ðế chế cũng là thời kỳ phát triển mạnh của chủ nghĩa tư bản và là thời kỳ hoàn thành cách mạng công nghiệp ở Pháp.

Năm

Sản lượng than

Gang

Sắt

1847

1869

5.113.000 tấn

13.500.000 tấn

386.000 tấn

1.381.000 tấn

373.000 tấn

1.014.000 tấn

Biểu đồ trên cho thấy sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp nặng. Cách mạng công nghiệp hoàn thành có tác dụng rõ rệt đối với sản xuất. Máy móc được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp.

1850, Pháp có 5.212 máy hơi nước.

1870, Pháp có 27.088 máy hơi nước

Về giao thông vận tải: ngành đường sắt Pháp đã có tiến bộ đáng kể. Năm 1869, Pháp có 16.465 km đường sắt, khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt tăng lên 10 lần. Ðường phố cũng được mở rộng để phù hợp với sự phát triển của công nghiệp.

Trong thời gian này, ở Pháp bắt đầu diễn ra quá trình tập trung sản xuất với qui mô lớn. Cuối những năm 60, những xí nghiệp như Le Creusot đã tập trung đến hàng nghìn công nhân. Ngoài ra có những xí nghiệp tập trung hàng vạn công nhân. Số dân ở các thành phố lớn tăng lên một cách đáng kể, đó cũng là một biểu hiện của sự tập trung sản xuất. Tuy nhiên, chiếm địa vị phổ biến trong nền sản xuất ở Pháp bấy giờ vẫn là những cơ sở kinh doanh với qui mô vừa và nhỏ. 60% công nhân làm việc tại những cơ sở này.

Một đặc điểm quan trọng của sản xuất kinh tế tại Pháp lúc bấy giờ là hoạt động mạnh mẽ của ngành tài chính và cho vay lãi. Các công ty tín dụng và những ngân hàng Pháp phát triển không ngừng. Tầng lớp tư bản ngân hàng trở thành tầng lớp có thế lực nhất và là chỗ dựa chủ yếu của Napoléon III.

Sở giao dịch Paris là một trong những trung tâm tài chính mà chính phủ tư sản ở các nước khác đến vay tiền. Từ 1851 đến 1869, hoạt động tín dụng của Pháp tăng lên năm lần. Các cơ sở giao dịch của nó hoạt động rất mạnh. Năm 1851, phát hành 118 loại tín phiếu với giá trị 11 tỷ Francs. Năm 1869, có 307 loại với trị giá 33 tỷ Francs. Số tư bản lớn đó không được sử dụng vào việc phát triển công nghiệp hay nông nghiệp mà chủ yếu được xuất khẩu ra những nước kém phát triển ở Châu Âu và các thuộc địa dưới hình thức cho vay lãi và đầu tư khai thác ở những nước đó. Năm1868, Pháp đã cho chính phủ 14 nước vay một số tiền là 33 tỷ Francs. Nước Pháp dần dần đóng vai trò cho vay nặng lãi trên thị trường thế giới.

1.2. Nông nghiệp:

Bên cạnh sự phát triển của công nghiệp, nông nghiệp cũng có một số biến đổi nhất định. Diện tích chăn nuôi và trồng trọt được mở rộng, năng suất lúa tăng từ 88 triệu ha lên100 triệu ha. Nông nghiệp Pháp vẫn giữ một địa vị quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nét nổi bật trong nông nghiệp ở Pháp là tình trạng sở hữu phân tán và sự tiến bộ chậm chạp của kỹ thuật. Ðiều này ảnh hưởng đến quá trình hiện đại hóa trong nông nghiệp ở Pháp.

Do sự phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa, tình trạng bần cùng hóa nhân dân lao động ngày càng tăng lên. Tiền lương thực tế giảm sút vì giá thực phẩm tăng. Ngày làm việc của công nhân kéo dài từ 13 đến 16 giờ / ngày, điều kiện lao động không bảo đảm, bệnh nghề nghiệp tăng lên...

Tóm lại, mặc dù có những thành tựu đáng kể vượt xa các nước Châu Âu khác về kinh tế, nhưng về sản lượng và trình độ công nghiệp, Pháp vẫn kém xa Anh. Tuy đã có hiện tượng tập trung tư bản nhưng nền công nghiệp Pháp vẫn còn là nền công nghiệp với những xí nghiệp vừa và nhỏ. Nguyên nhân của tình trạng trên là:

- Thành tựu của công nghiệp Pháp chậm hơn Anh.

-Anh có một nguồn dự trữ công nghiệp lớn hơn Pháp.

- Sự phân chia nhỏ ruộng đất gây hạn chế trong việc áp những thành tựu của kỹ thuật mới vào đồng ruộng.

2. Chế độ chính trị.

Một năm sau cuộc chính biến tháng 12-1851, Louis Napoléon Bonaparte xưng đế, hiệu là Napoléon III, thiết lập ở Pháp một triều đại mới mà lịch sử gọi là Ðế chế II (1852-1870). Ðây là một nền Quân chủ tư sản.

Napoléon III xây dựng ở Pháp một vương triều về hình thức tổ chức giống như vương triều phong kiến nhưng dựa trên chế độ tư bản chủ nghĩa nhằm phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản. Napoléon III xây dựng một chế độ độc tài như đế chế I. Bên cạnh nhà vua là các cơ quan:

Viện nguyên lão: gồm những người do hoàng đế cử, làm việc suốt đời. Viện nguyên lão có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp nhưng trên thực tế, nó là công cụ để chính quyền sửa đổi Hiến pháp khi cần.

Ðoàn lập pháp: do tuyển cử bầu ra, với những cử tri gồm nam công dân trên 21 tuổi. Ðoàn lập pháp có nhiệm vụ thông qua những đạo luật do các bộ trưởng nhân danh hoàng đế thảo ra.

Hội đồng quốc gia: có nhiệm vụ thảo ra luật nhưng đây không phải là một cơ quan độc lập mà chỉ là một nhóm viên chức do Napoléon cử ra và hoạt động theo ý muốn của ông ta.

Chính sách của Napoléon là tìm cách lợi dụng những mâu thuẫn xã hội đương thời theo hướng có lợi cho mình, khi vuốt ve giai cấp này, khi đàn áp giai cấp nọ...

Chính quyền tìm cách thủ tiêu mọi quyền tự do, dân chủ của người dân. Ngăn cấm các câu lạc bộ hoạt động, hạn chế quyền tự do báo chí, kiểm soát hoạt động của nhà trường và cả nhà hát. Bộ máy quân sự và cảnh sát được tăng cường cả ở trung ương và địa phương để bóp ngẹt những hoạt động chống đối chính quyền. Giáo hội trở thành công cụ đắc lực phục vụ cho giai cấp thống trị.

Chính sách của Napoléon III vốn làm lợi cho giai cấp tư sản tài chính nên chỉ được bọn này ủng hộ còn tư sản công nghiệp thì lao đao phá sản, công nhân bị thất nghiệp nghiêm trọng. Vì thế họ đã chống đối chính quyền, đòi thiết lập một chế độ cộng hòa hoặc một chế độ dân chủ hơn. Phong trào phản đối chính quyền ngày càng phát triển. Trước tình hình đó, Napoléon III thấy cần phải thỏa mãn những nguyện vọng của nhân dân để khỏi bị tấn công. Từ năm 1860-1870, Ðế chế thực hiện những cải cách. Thời kỳ này gọi là Ðế chế tự do: Napoléon III ra những sắc lệnh ân xá, nới rộng quyền tự do báo chí, cho phép tự do hội họp, tìm cách dựa vào công nhân quí tộc để lừa bịp và mua chuộc những người lãnh đạo họ. Thực ra những cải cách này chỉ có tính chất vụn vặt và không làm thỏa mãn yêu cầu của các tầng lớp nhân dân.

3. Chính sách đối ngoại.

Trong bài diễn văn đọc tại Bordeaux trong ngày nhậm chức, Napoléon III tuyên bố: Ðế chế, đó là hòa bình. Nhưng trên thực tế, chính sách ngoại giao của Napoléon III hoàn toàn trái ngược với lời tuyên bố ấy. Napoléon tìm cách gây ra những cuộc chiến tranh xâm lược để thỏa mãn yêu cầu của giai cấp tư sản và đồng thời củng cố ngai vàng của ông ta trước sự tấn công của các lực lượng cách mạng và dân chủ trong nước.

Napoléon III đã liên minh với Anh trong việc gây chiến tranh Crimée với Nga. Chiến tranh làm cho Pháp tổn thất nặng nề nhưng lại củng cố ngai vàng của Napoléon III.

Napoléon III liên kết với triều đình Piémont chống Áo, giúp đỡ nhân dân Ý trong cuộc đấu tranh giải phóng phóng dân tộc nhưng sau lại phản bội Ý, liên kết với Áo. Pháp gây chiến tranh với các bang miền nam Đức ngăn cản sự thống nhất Ðức dẫn đến cuộc chiến tranh Pháp-Phổ.

Ngoài những cuộc chiến tranh ở Châu Âu, Napoléon III còn tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa ở các nước Châu Phi, Châu Á nhằm mở rộng hệ thống thuộc địa của Pháp.

Năm 1857, thực dân Pháp chinh phục miền Kalybie, mở rộng thuộc địa Algérie về phía nam, lấn sâu vào lãnh thổ các nước Châu Phi....

Trong những năm 1857,1858,1860, Pháp đã cùng Anh gây chiến tranh xâm lược ở Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia... Pháp đã buộc triều đình những nước này phải ký các hòa ước bất bình đẳng, có lợi cho sự phát triển kinh tế của Pháp.

Từ những năm 60 trở đi, do những tính toán sai lầm, Napoléon III đã đưa Ðế chế đến chỗ thất bại nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín của Pháp trên trường ngoại giao.

Năm 1862, Napoléon III gây ra một cuộc phiêu lưu quân sự ở Mexique, nhưng tại đây ông đã gặp sự kháng cự của nhân dân Mexique. Thất bại của Napoléon tại đây đã đẩy Ðế chế đi đến chỗ khủng hoảng. Ðồng thời, sự bội tín của Napoléon III đối với các nước ông đã ký hiệp ước liên minh làm cho quan hệ của Pháp và các cường quốc Châu Âu ngày càng xấu đi. Pháp lâm vào tình trạng bị cô lập về ngoại giao trong những năm cuối của Ðế chế.

4. Sự khủng hoảng và sụp đổ của Ðế chế II.

Cuối những năm 60, những thất bại nghiêm trọng về ngoại giao và những khó khăn chồng chất trong nước đã đẩy chính quyền Bonaparte đến chỗ suy sụp khó bề cứu chữa. Năm 1868, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng khốn khổ. Một phong trào chống chính quyền nổ ra. Trước tình thế đo,ï Napoléon III phải đưa ra hàng loạt cải cách để xoa dịu phong trào đấu tranh của nhân dân nhưng chính những nhượng bộ ấy lại tạo điều kiện để phe đối lập tấn công vào chính quyền mạnh hơn.

Trong cuộc bầu cử vào Quốc hội lập pháp tháng 5.1869, phe cộng hòa tư sản đã thu được những thắng lợi lớn nhờ sự ủng hộ của giai cấp công nhân. Lo ngại trước kết quả cuộc bầu cử và phong trào cách mạng của công nhân, Napoléon III tiếp tục ban hành một số cải cách tự do và đưa Ollivier lên lập một chính phủ tự do, nhưng chính phủ này tỏ ra bất lực trong việc ngăn cản những làn sóng chống đối chính quyền.

Ðể cố níu lấy ngai vàng đã mục nát, Napoléon III tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý (tổ chức vào ngày 5.8.1870) với câu hỏi đặt ra hết sức mập mờ mà nhân dân trả lời thế nào cũng có lợi cho Napoléon III.

Napoléon vừa tiến hành cải cách, vừa đàn áp công nhân, ra lệnh bắt các chiến sĩ của quốc tế I....Thắng lợi của Ðế chế II trong cuộc trưng cầu dân ý chỉ là một thắng lợi có tính chất hình thức. Napoléon muốn ngăn chặn phong trào cách mạng và củng cố ngai vàng bằng cách đưa Pháp vào cuộc chiến tranh với Phổ nhưng thất bại về quân sự đã nhanh chóng đưa Ðế chế đến chỗ sụp đổ.

?- Những đặc điểm trong sự phát triển kinh tế của Anh và Pháp trong những năm 50-60 của thế kỉ XIX.?

?- Ðặc điểm phong trào công nhân Anh trong những năm 50-60?

?- Chính sách đốïi nội và đối ngoại của Ðế chế II ?
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top