Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Thảm sát Nam Kinh
Vụ thảm sát ở Nam Kinh xảy ra trong 6 tuần kể từ tháng 12-1937. Rất nhiều ảnh chụp và bút tích đã ghi lại thảm kịch kinh hoàng này, đặc biệt là của các nhân chứng người nước ngoài…
Trong vài giờ, hàng chục ngàn người thiệt mạng
Năm 1931, Nhật xâm chiếm Mãn Châu và đến tháng 7-1937, trận chiến giữa Nhật và Trung Quốc đã leo thang toàn diện. Nhật chiếm Thượng Hải và sau đó nhanh chóng tràn vào Nam Kinh. Ngày 25-11-1937, quân Nhật tổ chức tấn công Nam Kinh trên ba tuyến: Tuyến phía Đông đánh trực diện vào thành phố (theo đường xe lửa Thượng Hải-Nam Kinh); tuyến trung tâm theo đường xe lửa Nam Kinh-Hàng Châu và tuyến phía Tây xông lên từ Vu Hồ để vây kín Nam Kinh.
Vài ngày sau, đầu tháng 12, quân Nhật đã đến ngoại vi thành phố và đến ngày 13-12 Nam Kinh gần như hoàn toàn thất thủ. Khi quân Nhật kéo vào Nam Kinh, thành phố rơi vào tình trạng hỗn loạn cực độ. Hàng đoàn người tản cư từ các thị trấn ven Nam Kinh đã ùn ùn chạy vào trung tâm thành phố, từ ngả Trung Sơn Môn và Trung Hoa Môn.
Trong khi đó, dân trong thành phố lại tay xách nách mang hành lý chạy ra ngoài. Cuối cùng, các đoàn người tràn ra những cánh cổng của thành phố để băng qua sông Dương Tử thoát thân. Bên bờ Dương Tử, lính của Tưởng Giới Thạch cũng có mặt, đông như kiến. Sợ đoàn người di cư gây cản trở cho cuộc trốn chạy của mình, bọn lính vội vã đóng hai cửa thành dẫn ra bờ sông. Sau lưng là tiếng đạn truy đuổi của Nhật và trước mặt là con đường bị khóa chặt, đoàn người tản cư than khóc vang trời.
Sau khi chiếm được thành phố, quân Nhật - dưới sự chỉ huy của tướng Tani Hisao - bắt đầu làm chủ các công sở, ngân hàng, nhà kho… Trong khi đó, một nhóm khác tổ chức những cuộc thảm sát dã man. Đám đông dân tản cư, nhất là dọc theo Trung Sơn Bắc Lộ và Trung ương Lộ trở thành mục tiêu chính. Dùng súng máy, quân Nhật bắn xối xả vào đoàn người. Cuộc thảm sát Nam Kinh thật sự bắt đầu. Những người sống sót kêu khóc, van xin tha mạng trong tuyệt vọng. Khắp nơi, người ta thấy toàn máu và xác người.
Quân Nhật chôn sống người Hoa
Sáng ngày 14-12, xe tăng và xe cơ giới Nhật đổ vào thành phố. Cuộc thảm sát càng kinh khủng hơn. Suốt cả ngày hôm đó, tiếng súng chưa một lần nào ngưng. Tình hình ở bờ Dương Tử tiếp tục hỗn loạn. Chiều ngày 14-12, quân Nhật mở hai cánh cổng dẫn ra Dương Tử và lại lia súng máy giết người. Nhiều nạn nhân quyết định chọn con đường chết bằng cách nhảy xuống sông. Chỉ trong vài giờ, hàng chục ngàn người đã thiệt mạng.
Giết người để tiêu khiển!
Ngày 16-12, hơn 5000 người - đang trốn tại Trung tâm Trung Hoa Hải ngoại - được giải đi từng nhóm bằng xe tải, chở đến nhà ga Hạ Quan rồi bị giết. Thi thể của họ bị quẳng xuống sông. Sau khi thực hiện những cuộc thảm sát “sơ bộ” ở trung tâm Nam Kinh, quân Nhật bắt đầu đổ xuống các vùng ven và làng quê. Khoảng 50.000 dân bị gom lại và không được cho ăn uống. Những nạn nhân già cả hay bệnh tật bắt đầu chết.
Cuối cùng, những kẻ sống sót qua trận đói được đưa ra đồng bắn hàng loạt. Một số xác chết các nạn nhân sau đó được tẩm xăng và đốt; số khác, nằm vương vãi khắp nơi. Cuộc thảm sát đợt đầu kéo dài hơn 10 ngày. Vào ban ngày, hoàn toàn không có một “linh hồn sống” nào có thể thấy ở đường phố Nam Kinh, trừ lính Nhật. Buổi tối, trừ vài ngọn đèn ở các đồn lính Nhật, cả thành phố chìm trong màn đêm rợn người.
Trẻ em bị chém chếtKhoảng vài chục ngàn người đã thiệt mạng trong đợt thảm sát này. Ngày 17-12, quân Nhật làm lễ mừng chiến thắng và tướng Matsui Iwane - chỉ huy trưởng quân đội Nhật trong chiến dịch Nam Kinh - lên kế hoạch cho cuộc thảm sát đợt thứ hai. Matsui buộc tất cả các nhà và cửa hàng phải mở toang cửa suốt ngày đêm, phòng người Trung Quốc hoạch tính âm mưu chống lại.
Trong 10 ngày cuối cùng của tháng 12, chiến dịch “dọn sạch đường phố” của Nhật được thực hiện. Từng nhóm 5 lính Nhật - lưng giắt kiếm, tay cầm súng - đến từng nhà, gọi mở cửa. Ngay khi cửa được mở, chủ nhà bị bắn chết tức thì. Chỉ trong một ngày, hàng ngàn thường dân Trung Quốc đã thiệt mạng.
Đợt ba của cuộc thảm sát đã biến thành trò tiêu khiển của lính Nhật. Chẳng hạn, bọn chúng gom nạn nhân thành nhóm khoảng 1000 người, xếp đứng thành hàng ngang và tẩm xăng. Sau đó, chúng bắn vài phát đạn vào khiến lửa bốc cháy trên những ngọn đuốc người. Một trò khác, lính Nhật cột các nạn nhân từng nhóm vài chục người, đưa họ ra một cái hồ đóng băng. Chúng bắt họ cởi hết quần áo, dùng tay phá lớp băng trên hồ rồi
nhảy xuống dòng nước lạnh cóng để “bắt cá”. Người nào phản kháng lập tức bị ăn đạn.
Sau các trò đùa này, lính Nhật lao vào cuộc thi giết người. Chúng chia ra thành từng nhóm nhỏ và thách thức lẫn nhau xem ai giết được nhiều người nhất. Phần kế nữa là các cuộc hãm hiếp phụ nữ, từ em bé 7 tuổi đến cụ già 70 (theo đúng nghĩa đen của cụm từ này), kể cả phụ nữ có thai! Hàng loạt trò đùa kinh khủng và man rợ nhất lịch sử đã được lính Nhật sử dụng trong vụ thảm sát ở Nam Kinh mà không thể kể ra hết hoặc không tiện kể.
Phụ nữ bị hiếp và giết
Toàn cảnh, đúng như tên bộ phim tài liệu 42 phần được Trung Quốc sản xuất năm 1995 - Nhất thốn hà san nhất thốn huyết, mỗi tấc đất Nam Kinh đều nhuộm đỏ tấc máu, trong vài tuần lính Nhật thực hiện cuộc thảm sát!
Những bằng chứng không thể chối cãi
Trong nhật ký năm 1937 của nhà truyền giáo Mỹ Minnie Vautrin (sau này được sử dụng như bằng chứng buộc tội đám tướng Nhật trực tiếp liên quan cuộc thảm sát Nam Kinh) có ghi:
“Có lẽ chẳng hành vi tội ác nào không được thực hiện tại thành phố này. Tối qua có 30 cô gái đã bị bắt khỏi trường ngoại ngữ. Và hôm nay, tôi tiếp tục nghe nhiều câu chuyện đau lòng về các cô gái bị lôi đi khỏi nhà mà một trong số đó chỉ 12 tuổi. Tối nay, một xe tải với 8 hoặc 10 cô gái trên đó chạy ngang. Tôi nghe tiếng la thất thanh “Jiu ming! Jiu ming!” (Tha mạng, xin tha mạng). Tiếng súng đâu đó trên đồi hoặc ngoài đường khiến chúng tôi hình dung số phận thảm thương của nạn nhân nào đó, rất có thể không phải là lính (Trung Quốc)”.
Những hình ảnh kinh khủng từng chứng kiến tại Nam Kinh liên tục ám ảnh Vautrin và cuối cùng, năm 1940, bà rơi vào tình trạng u uất đến mức phải tự tử tại căn hộ nhỏ của mình ở Indianapolis (Mỹ). Sau chiến tranh, Minnie Vautrin được Chính phủ Trung Quốc truy tặng huân chương và câu chuyện về bà đã được ấn hành trong quyển American Goddess at the Rape of Nanking của sử gia Hua-ling Hu năm 2000…
Trong lá thư gửi về gia đình đề ngày 19-12-1937, một nhân chứng tên James McCallum viết: “Thật là một câu chuyện kinh khủng không thể so sánh. Tôi không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc như thế nào. Và tôi cũng chưa từng nghe hoặc chứng kiến hành động man rợ nào như vậy. Cưỡng hiếp! Chúng tôi đoán rằng ít nhất 1000 vụ xảy ra trong một đêm và có khi giữa thanh thiên bạch nhật. Khi nạn nhân phản kháng hoặc thậm chí tỏ vẻ không vui, họ lập tức lãnh nhát lưỡi lê hoặc một viên đạn”.
Trong lá thư gửi về gia đình, bác sĩ phẫu thuật Mỹ Robert Wilson viết: “Cuộc thảm sát thường dân thật kinh khủng. Tôi có thể kể nhiều trang liền những vụ cưỡng hiếp và hành động man rợ khó có thể tin. Lính Nhật thực hiện cuộc giết chóc mà chẳng vì lý do gì…”. Những đoạn phim được mục sư John Magee ghi lại cũng là bằng chứng không thể chối cãi về tội ác phát xít Nhật. Cuộn phim của Magee được một người Mỹ tên George Fitch bí mật mang khỏi Nam Kinh và được trình lên một số thành viên Quốc hội, quân đội và tổ chức Chữ thập đỏ Hoa Kỳ. Vài cảnh trong bộ phim sau đó được in trên ấn bản tháng 5-1938 của tờ Life đã khiến thế giới bị sốc!
Cứu tinh John Rabe
Nhắc đến sự kiện thảm sát Nam Kinh, khó có thể quên được cái tên John Rabe. Được xem là một Oskar Schindler (người cứu khoảng 1200 nạn nhân Do Thái khỏi bàn tay diệt chủng Đức quốc xã) đối với người Trung Quốc, John Rabe đã cứu được hàng trăm nghìn nạn nhân thoát khỏi lưỡi lê Nhật.
Trong quyển The Nanking Atrocity 1937-38: Complicating the Picture ấn hành năm 2007 (dẫn lại từ chuyên san Japan Focus 23-10-2007), cố giáo sư Fujiwara Akira thuộc Đại học Hitotsubashi đã trích vài đoạn trong các tập nhật ký của John Rabe. Ngày 17-12-1937, Rabe viết: “Tối qua, có đến 1000 thiếu nữ đã bị hiếp, chỉ riêng số nữ sinh viên thuộc Kim Lăng Nữ Tử Học Viện đã là 100. Người ta chẳng nghe gì khác ngoài các vụ cưỡng hiếp. Nếu chồng hoặc anh trai lao vào ngăn cản, họ lập tức bị bắn. Những gì bạn chứng kiến và nghe khắp nơi đều là cảnh tượng tàn bạo của lính Nhật”.
Theo tác giả Joseph Chapel trong nghiên cứu Denial of the Holocaust and the Rape of Nanking (2004), John Rabe là doanh nhân Đức, đảng viên Đức quốc xã. Sinh năm 1882 tại Hamburg, Rabe theo đuổi nghiệp kinh doanh từ thời trẻ và từng sống tại châu Phi vài năm. Năm 1908, ông đến Trung Quốc, làm cho Tập đoàn Siemens, có mặt tại nhiều thành phố Trung Quốc trước khi đến Nam Kinh.
Ngày 22-11-1937, khi quân Nhật lên đường đến Nam Kinh, John Rabe cùng một số người nước ngoài thành lập Ủy ban quốc tế đồng thời dựng lên Nam Kinh an toàn khu (NSZ) để cưu mang nạn nhân. NSZ được thiết lập tại tất cả khu vực có tòa đại sứ nước ngoài và tại Đại học Nam Kinh, với diện tích khoảng 3,86km2 trong đó có 25 trại tị nạn dựng quanh Tòa đại sứ Mỹ.
Sau hơn một tháng xảy ra sự kiện thảm sát Nam Kinh, John Rabe cùng Ủy ban quốc tế NSZ (trong đó có bác sĩ phẫu thuật Robert Wilson và nhà truyền giáo Minnie Vautrin…) đã cứu được từ 50.000-250.000 nạn nhân. Ngày 28-2-1938, John Rabe rời Nam Kinh, đến Thượng Hải và từ đó trở về Đức.
Tại một buổi diễn thuyết ở Berlin, ông cho trình chiếu những thước phim và ảnh chụp sự kiện. Tiếp đó, ông viết thư gửi Quốc trưởng Đức quốc xã với hy vọng Hitler can thiệp. Tuy nhiên, Rabe bị Gestapo bắt và lá thư không bao giờ đến tay Hitler.
Nhờ cuộc vận động hậu trường của Siemens, John Rabe cuối cùng được thả. Ông được phép giữ lại bằng chứng về vụ thảm sát Nam Kinh nhưng không được tổ chức diễn thuyết hoặc công bố tư liệu về đề tài liên quan. Ngày 5-1-1949, Rabe chết bởi đột quỵ. Năm 1997, tấm bia của ông được dời từ Berlin đến Viện bảo tàng tưởng niệm cuộc thảm sát Nam Kinh, như một cử chỉ ghi nhận lòng tri ân của người Trung Quốc.
Tất cả những gì chứng kiến vào thời điểm kinh hoàng 1937 tại Nam Kinh đã được John Rabe ghi lại trong các tập nhật ký mà sau này nhà báo Mỹ gốc Hoa Trương Thuần Như (Iris Chang) tiếp cận và thuật lại trong The Rape of Nanking: The Forgotten Holocaust of World War II (1997) - một trong những quyển sách gây chấn động mạnh và nổi tiếng nhất về đề tài thảm sát Nam Kinh (nằm nhiều tuần trong danh sách best seller của New York Times).
Tưởng nhớ vụ thảm sát Nam Kinh
Đánh dấu 70 năm sự kiện bi thảm này đã có khá nhiều bộ phim được thực hiện.
Có thể kể đến Nam Kinh, Nam Kinh của đạo diễn Trung Quốc Lục Xuyên (với tham gia của Điền Tráng Tráng); trong khi hai đạo diễn lừng danh Hong Kong là Đường Lý Lễ và Nghiêm Hạo thực hiện phim Quyển nhật ký và Giáng sinh Nam Kinh 1937; đạo diễn Anh Simon West thì bấm máy cho bộ phim mang tựa Purple Mountain (Tử Kim Sơn)…
Một bộ phim mang tên John Rabe với ngân sách 20 triệu USD về nhân vật cứu tinh đối với hàng trăm ngàn người Trung Quốc đang được thực hiện (bấm máy trung tuần tháng 10-2007, dự kiến hoàn thành đầu 2008), diễn viên Đức Ulrich Tukur đóng vai John Rabe, diễn viên Mỹ Steve Buscemi đóng vai bác sĩ Robert Wilson, cùng dàn diễn viên Trung Quốc (Trương Tĩnh Sơ) và Nhật (Teruyuki Kagawa)...
Nhìn lại vụ thảm sát Nam Kinh cũng là một cách cầu mong lịch sử nhân loại không phải chép thêm những trang bi thương và đẫm máu…
NHỮNG HÌNH ẢNH CỦA VỤ THẢM SÁT:
View attachment 11570
View attachment 11571
View attachment 11572
View attachment 11573
View attachment 11574
(Theo Phúc Cẩm, Sài Gòn giải phóng)
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: