Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Tết và hội tết
Tết về có bao lễ tiết, bao phong tục, bao điều vui, cũng có biết bao trò chơi lý thú nhằm nhắc lại lịch sử làng xóm: rèn luyện thân thể, thi thố tài năng, trí thông minh và đức tính nhẫn nại, kiên trì khắc phục khó khăn, vốn là đức tính của người Việt Nam xưa và nay.
Bao hội thi được mở ra trong những ngày đầu, tuần đầu, tháng đầu của mùa xuân đẹp nhất trong một năm.
Từ hội thổi cơm thi...
Thổi cơm thi là một phong tục có từ lâu đời và khá phổ biến ở làng quê Việt Nam trước đây.
Vào các dịp hội xuân hàng năm, nhân dân thường tổ chức trò vui thổi cơm thi khác nhau. Ở những làng cạnh sông nước thì thổi cơm thi trên thuyền thúng, gió thổi tứ bề ngồi bập bềnh trên nước. Có nơi vừa đi vừa thổi, hoặc vừa dỗ trẻ em đun nòm ướt, được cơm chín, dẻo ngon mới giành được giải thưởng.
Muốn có nồi cơm sôi rồi chín, phải có chất đốt tốt cho đượm ngọn lửa. Do đó cuộc thi còn gây thêm khó khăn về chất đốt. Ơở huyện Từ Liêm xã Nghĩa Đô (xưa), bắt dùng mía tươi làm củi, người thi phải ăn mía lấy bã mà nấu cơm.
Tại Tây Mỗ, hàng năm có thi thổi cơm theo kiểu vừa đi, vừa nấu. Bất kể nam, nữ, người dự thi có cành tre dẻo như cần câu, buộc chặt ra đằng sau lưng, vắt đầu mềm ra đằng trước để buộc quanh nồi đã có sẵn gạo, nước, người dự thi mang theo hai thang giang hoặc nứa khô để kéo lửa và một bùi nhùi rơm nhỏ để tiếp lửa. Cả hội đứng sẵn trước vạch vôi xuất phát, trước ngực lủng lẳng quang nồi. Một hồi trống chuẩn bị. Mọi người tước mía, nhá kỹ cho khô thành củi, đợi dứt hồi trống thứ hai thì nổi lửa nấu cơm và đi tới đích, không được dừng lại. Qua mỗi bước đi, nồi gạo lại rung rinh, ngọn lửa bị gió tạt, phải khôn khéo lựa bề che đậy. Ai vừa đi vừa nấu, tới đích sớm nhất, cơm vừa chín tới ngon dẻo thì được trao giải.
Tương truyền: Lối thổi cơm thi này nảy sinh từ thời An Dương Vương trong hoàn cảnh vừa hành quân cấp tốc, vừa phải nấu cơm ăn.
Ở Tây Tựu có năm vừa thi thổi cơm trên thuyền vừa thi thổi cơm trên cạn, rất sôi nổi nhộn nhịp.
Thổi cơm thi cũng là một hình thức thể thao dân tộc, vui nhộn có ý nghĩa nhiều mặt ở các vùng quanh Thăng Long.
... Và Hội đâm đuống.
Đâm đuống được tổ chức chủ yếu vào dịp tết Nguyên Đán.
Đâm đuống thực chất là hình thức giã gạo, nhưng là giã gạo trong hội lễ, có tính tổ chức và nghệ thuật.
Đồng bào Mường (Vĩnh Phú) giã gão bằng cối gỗ hình chiếc thuyền, lườn dài từ hai tới ba sải tay, chiếc chày giã cũng dài như đòn gánh, giữa thân thon để vừa tay cầm. Đâm đuống hội lễ là giã gạo chày tay vào cối đuống và chỉ do phụ nữ biểu diễn. Cả làng cùng giã, nhưng nhà nào giã ở nhà ấy.
Mở đầu, một bà nhiều tuổi nhất trong nhà đứng đầu cối, giã ba tiếng để mở màn, thành ba tiếng "Kênh, kênh ,kinh". Nghệ thuật ở đây là làm sao giã thành ba âm thanh như trên. Chày người già khai mạc như thế gọi là "Chày cái". Sau đó đến con gái, cháu gái trong nhà giã, gọi là "chày con", "chày cháu".
Trong nhà có bao nhiêu phụ nữ là phải chuẩn bị bấy nhiêu cái chày và đủ số cụm lúa mà vẫn giữ đúng nhịp điệu, hòa âm nhịp nhàng cùng hàng trăm chày khác. Vì âm thanh cối đuống là "kênh, kênh,kinh" nên đồng bào bảo rằng đó là cối đuống hát "vui xuân mới, vui xuân mới", hoặc "cơm cơm trắng, cơm cơm trắng".
Theo nhịp tay đâm đuống mau hay chậm mà tiếng chày chuyển điệu sang những âm thanh khác nhau có nhịp hai xen nhịp ba, nhịp một xen nhịp ba... Khi đôi nhịp, là tất cả từng ấy chày trong thôn đều cùng đổi, chẳng hạn: "kênh, kinh, kênh kinh" hay "kênh kênh kinh, kênh kinh", "kinh kinh, kinh kinh".
Đâm đuống thật sự là một cuộc hòa nhạc bằng cối giã có động tác múa đơn giản. Vì ở đây động tác giã đã được nghệ thuật hóa nhằm làm đẹp, mua vui chứ không mang ý nghĩa thực dụng như giã gạo ngày thường.
Đồng bào còn gọi đâm đuống là "chàm đuống". Chàm là đâm từ trên xuống.
(Sưu tầm)