Tản mạn về tiếng Nghệ

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Tản mạn về tiếng Nghệ

NGƯỜI Nghệ rất có ý thức trong việc gìn giữ tiếng nói của dân tộc. Trước họa xâm lăng nô dịch ngôn ngữ người Nghệ răn đe nhau không hùa theo tiếng nói ngọng của người nước ngoài bằng những câu ngạn ngữ: “Chưởi cha không bằng pha tiếng”, “Xấu hay mần tốt, dốt hay nói trự”. Nói “trự” là gì? Nói “trự” là nói theo chữ rồi phát âm theo cách phát âm ngọng của người nước ngoài.
Ví dụ: Người Pháp không thể nói và viết cho đúng được chữ “Đò lường”, “chợ Vịnh” nên phải nói ngọng và viết ngọng là “Đô Lương”, “Vinh”... Vua quan các thời theo cách phát âm trọ trẹ của người ngoài rồi viết tên núi, tên sông, tên đất, tên làng vào các văn bản hành chính sẽ bàn sau, bài viết này chỉ đề cập vấn đề tiếng Nghệ bảo lưu tiếng Việt. Tiếng Việt, tức là tiếng nói của người Lạc Việt, người Cửu Chân, người Việt Thường, người Giao Chỉ sống trên đất Việt hàng ngàn năm trước khi Sĩ Nhiếp mang chữ Hán và âm Hán sang nước ta.

Ta hãy xem, từ khi Sĩ Nhiếp đưa chữ Hán vào, tiếng Việt biến đổi thế nào và người Nghệ đã “chiến đấu” để bảo lưu tiếng nói của mình như thế nào? Sau thời chữ Hán, đến thời chữ Pháp, ta cũng xét tương tự. (Về sự đóng góp tích cực của chữ Hán và chữ Pháp là rất to lớn đối với ngôn ngữ, học thuật và các mặt khác xin không đề cập ở bài viết này).

Sĩ Nhiếp đưa chữ Hán vào nước ta từ thời đầu Công Nguyên, đến nay đã 2000 năm. Tiếng Việt bị biến đổi theo chiều hướng phát âm ngọng, trọ trẹ không chính xác như nguyên gốc của nó. Chữ Hán không có khả năng viết đúng âm Việt nên phải viết các âm ngọng, từ đó sinh ra tiếng nói ngọng. Tất nhiên ngọng lâu ngày, cả làng nói ngọng thì quen đi rồi chẳng ai nghĩ là mình đang nói ngọng.

Tên núi, tên sông, tên làng, tên xóm, tên đất, tên người có tự hàng ngàn năm trước, lần đầu tiên có chữ Hán nên bắt đầu được viết vào các văn bản.

Viết như thế nào?

- Ngàn Hống, không có chữ Hống, bèn viết chữ “Hồng”.

- Sông Rum, không có chữ Rum, bèn viết chữ “Lam”
- Rú Đụn, không có chữ Đụn, bèn viết chữ Độn
- Rú Cuồi, không có chữ Cuồi, bèn viết chữ Quỳ
- Rú Già, không có chữ Già, bèn viết chữ Đà...vân vân và vv...

Từ đấy, hệ chữ ngọng đó kéo theo một hệ âm ngọng. Người Nghệ chống lại âm ngọng đó, họ tiếp tục nói Ngàn Hống, Rú Đụn, Rú Cuồi, rú Mồng Ga, khe Bò Đấy, kẻ Om, kẻ Trù, kẻ Gám, đi mô rứa, mần chi đó, khoai ló, cá tràu, cá hẻn...

Nhờ thế, sau một ngàn năm văn bản chữ nghĩa, mặc ai nói “Trự”, nhân dân Nghệ Tĩnh đã bảo lưu tiếng Việt gần như nguyên gốc cổ sơ từ thời Lạc Việt, Việt Thường, Giao Chỉ cho đến ngày nay. Công lao đó phải được coi là to lớn. Các vùng đất khác, nhất là các vùng ở gần kinh thành đã để cho các từ nói ngọng ăn lẹm gần hết tiếng nói cổ xưa của dân tộc mình. Bây giờ, ai muốn tìm hiểu tiếng nói của cha ông ta xưa, thiết nghĩ chỉ còn người Mường, người Thổ và người Nghệ Tĩnh là những bảo tàng sống lưu giữ khá đầy đủ vốn quý về gốc từ, từ vựng tiếng Việt có tự ngàn xưa.

Trên đất nước ta mỗi vùng miền phát âm tiếng Việt mỗi kiểu. Đâu là tiếng chuẩn? Lấy cái gì làm chuẩn? Phải lấy tiếng nói của ông cha xưa mà làm chuẩn. Đâu nói ngọng, nói trọ trẹ chứ tôi tin người Nghệ nói đúng tiếng nói nguyên gốc của người Việt có từ thủa xa xưa.

Nói “con tru” hay nói “con trâu” là đúng?
Nói “cơn ló” là đúng hay nói “cây lúa” là đúng?

Trải các triều đại, chưa hề có văn bản nào quy định tiếng nào, âm nào là chính thống, âm nào là không chính thống. Các nhóm soạn sách từ điển nói “con trâu” là chính thống tiếng Việt mà “con tru” thì không chính thống tiếng Việt? Căn cứ vào đâu, vào cái gì mà nói như vậy? Nếu căn cứ vào tiếng Việt gốc thì nói “con tru” là đúng, “con trâu” là sai.

Vô vàn từ được gọi là phổ thông nhưng lại không đủ độ tinh vi để biểu hiện các sắc thái của tình cảm như trong vốn từ của tiếng Nghệ. Tôi lấy một ví dụ:

Trăm năm dù lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khắc đưa
Cây đa bến cũ con lưa
Con đò năm ngoái năm xưa mô rồi...

Thay chữ “mô rồi” thành chữ “đâu rồi” thì câu ca không còn dư vị nữa. Đâu rồi là hỏi thật, hỏi để tìm con đò xem nó ở đâu còn “mô rồi” không hỏi thật thà như thế, buông trôi đầy ý vị. Có nhiều sự vật có trong từ vựng tiếng Nghệ nhưng tiếng phổ thông lại không có. Người ngoài Bắc không hề có từ ngữ để gọi cái rãnh nước ở trước thềm nhà. Trong lúc đó, tiếng Nghệ có từ ngữ, gọi nó là cái “đàng khanh”. Vậy tiếng Nghệ giàu hơn hay tiếng phổ thông giàu hơn?

Tiếng Nghệ rất đẹp, giàu tính thẩm mĩ. Thẩm mĩ ở chỗ nào? Ở âm sắc, hình tượng, sức gợi, độ lan toả, có khả năng phân định sắc thái tình cảm của người nói và người nghe ở cấp độ tinh vi, tinh tế nhất. Về tính thẩm mĩ của âm sắc, xin lấy một ví dụ: Ngàn Hống.

Người đi săn gọi người đi săn, người đi củi gọi người đi củi, từ đỉnh núi này gọi qua đỉnh núi khác:

- Có con thú đó “hông”?
- Có cây gỗ đó “hông”?

Chữ “Hông” đó vang dội trong 99 đỉnh núi, tiếng gọi từ vách núi này đập qua vách núi khác, đâu đâu cũng vang lên “có hông” “có hông”. Nếu con thú đã gặp, cây gỗ đã thấy thì người ở đỉnh núi kia “có hông”? “có rồi hống”? “gặp rồi hống”? Và từ đó, cái núi nơi người đi săn, đi củi gọi nhau ấy, tự nó hình thành tên của nó, theo âm thanh của tiếng hú gọi, ấy là “Ngàn Hống”... Chữ Hống đó chính là tiếng hú gọi của người xưa còn vang mãi cho đến ngày nay. Từ ngữ như thế rất sinh động, sức gợi của nó thật vô cùng cảm động!

Tiếng Nghệ cũng rất giàu có âm hình. Khi tiếng nói đập vào tai nghe thì hình tượng, hình ảnh của sự vật, như dựng lên trước mắt của người nghe. Ví dụ: Núi Vụ Tru (vú con "tru"), khe Bò Đấy, dốc Giây Diều, chợ Cồn Lim, đò Ba Bến... Núi Vụ Tru ở Thanh Chương, bây giờ người ta gọi làng Vũ Trụ, khe Bò Đấy nay gọi là Bò Đái, thật là vô nghĩa và thiếu hình tượng.

Rồi mùa toóc rã, rơm khô
Bậu về quê bậu biết nơi mô mà tìm

Chữ “Toóc” nhất quyết là hay hơn chữ “Rạ” về âm sắc. “Toóc rã” là toóc rũ ra, rã ra ngả nghiêng rũ rượi ở trên đồng ruộng để mô tả cái cảnh hết hội, rồi mùa. Người gặp người nay phải chia tay. Nhớ thương, bịn rịn vương vấn mãi không cùng “Bậu về quê bậu biết nơi mô mà tìm”. Tiếng Nghệ vào văn chương hay lắm, đắc địa lắm!

Khi mô cho đến Truông Dùng
Cho qua Truông Rạng, cho cùng Truông Si...

Con đường (cũng là đường đời) thăm thẳm trước mắt, hết truông nọ đến truông kia, hay lắm và thương lắm!

Chữ Hán vào nước ta, chữ Hống biến thành chữ “Hồng” chữ Rum biến thành chữ Lam. Từ đó có người lại bảo: Sông Lam là sông màu xanh, núi Hồng là núi màu đỏ... Những nhầm lẫn như thế sẽ làm méo mó, xuyên tạc ngữ nghĩa của tiếng nói. Tiếng Nghệ là thứ ngôn ngữ đã được người Việt sáng tạo, sàng lọc qua rất nhiều đời rất giàu có và rất thẩm mĩ. Ai chưa biết rõ điều đó, lại mang tâm lý “vọng ngoại” rồi chê bai tiếng Nghệ thì nên để tâm để ý mà nghiên cứu thêm, suy nghĩ thêm.

Còn lại một vấn đề là tính thẩm mĩ của ngữ âm, ngữ điệu. Đa phần người Nghệ thoàng thuyệch và đơn giản phát âm theo cách “thô kệch hoá” tiếng nói của mình, làm cho nó thô tháp vụng dại đôi khi gây chướng tai cho người nghe ở các vùng miền khác. Thật ra trước đây, trong những gia đình có gia phong, nề nếp tiếng Nghệ được phát âm rất dịu dàng khiêm nhường và chuẩn mực rất hay, rất ấm và rất đẹp. Tôi chưa hề nghe bà tôi hay mẹ tôi nói tiếng Nghệ vướng víu chút nào đến sự thô kệch và xấu xí. “Mần răng rứa con! Mẹ nói rồi, Bụt trên toà gà mô dám mổ...” “Ăn cơm nước cáy thì ngáy kho kho, ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy, sau này lớn lên, nước cáy hay thịt bò cũng đều được cả con à!”. “Được mần răng mà được, thịt bò thì ra thịt bò, nước cáy thì ra nước cáy chớ lị”. Những tiếng nói của ông bà cha mẹ từ thủa ấu thơ luôn để lại trong tôi dư vị đậm đà về vẻ đẹp của tiếng Nghệ. Ngữ điệu tiếng Nghệ không xấu xí. Nói tiếng Nghệ, nếu trong lòng giữ được hoà âm và thanh khí thì tiếng Nghệ là tiếng nói chân tình và rất ấm áp.


Theo Vanhoanghean.vn


 
Phương ngữ Nghệ Tĩnh rất thú vị đối với việc nghiên cứu phương ngữ học VN và quá trình phát triển về mặt ngữ âm, từ vựng tiếng Việt.
 
Khác với những đơn vị đoạn tính(cắt âm tiết và khảo sát các đơn vị nối tiếp nhau theo tuyếntính của lời nói) , thanh điệu là đơn vị siêu đoạn trùm lên trên cả âm tiết hoặc ít ra là phần vầncủa âm tiết.

Khác với đơn vị siêu đoạn trong các ngôn ngữ châu Âu (trọng âm không có giá trị khu biệt ýnghĩa), thanh điệu trong các ngôn ngữ Đông Nam Á có chức năng âm vị học, dùng để phân biệt ýnghĩa như các âm vị đoạn tính. Ví dụ: hoa, hòa, hóa, họa…
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top