Tấm lòng Phan Đình Phùng- Rạng ngời như trăng sao

Bút Nghiên

ButNghien.com
TẤM LÒNG CỦA PHAN ĐÌNH PHÙNG
Rạng ngời như trăng sao

* Lê Ngọc Trác​

Tự Đức – vị vua thứ tư của triều Nguyễn không có con nên chọn Ưng Chân (con của Thoại Thái Vương), Ưng Xụy và Ưng Đăng (con của Kiên Thái Vương) làm con nuôi, để ngày sau có người kế vị. Ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi (1883), Tự Đức băng hà, để lại di chiếu truyền ngôi cho Ưng Chân. Trong di chiếu có đoạn viết: "... Ưng Chân lớn tuổi nhất, được học hành và đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, mắt có tật, tính hiếu dâm, tâm tính xấu, không chắc đương nỗi việc lớn...". Vua Tự Đức còn giao nhiệm vụ cho Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết làm phụ chính đại thần phò Ưng Chân lên ngôi vua. Đây là một suy nghĩ và hành động rất chi là lẩm cẩm của Tự Đức. Biết người nối ngôi mình không tài, không đức mà vẫn di chiếu truyền ngôi. Chính từ sự lẩm cẩm, thiếu sáng suốt của Tự Đức đã dẫn đến tình cảnh rối ren của triều đình nhà Nguyễn và của đất nước sau này.

Ưng Chân lên ngôi đặt niên hiệu là Dục Đức. Dựa vào nội dung di chiếu của Tự Đức để lại, Tôn Thất Thuyết chủ trương truất phế Dục Đức, đưa Hồng Dật lên làm vua đặt niên hiệu là Hiệp Hòa. Trước thế lực và sự chuyên quyền của Tôn Thất Thuyết, phần đông các quan trong triều đều im lặng, chấp nhận truất phế Dục Đức. Chỉ riêng quan Ngự Sử Phan Đình Phùng phản đối: "Tự Quân chưa có tội gì mà phế bỏ như thế thì sao phải lẽ". Trước sự phản đối đầy cương trực của Phan Đình Phùng, hai đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường truyền quân lính bắt nhốt Phan Đình Phùng vào ngục, sau đó cách chức, đuổi về quê (Thế là Dục Đức chỉ làm vua được 3 ngày, bị nhốt trong ngục 3 tháng, bị bỏ đói đến chết).
Phan Đình Phùng hiệu là Châu Phong sinh năm 1847, người làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1876, Phan Đình Phùng thi đỗ cử nhân. Năm 1877, đỗ tiến sĩ, ông được bổ nhiệm làm tri phủ Yên Khánh ở Ninh Bình. Đến năm 1878, được triệu về kinh nhậm chức Ngự Sử Đô Sát Viện. Là một người tính tình ngay thẳng, trung trực, năm 1883, Phan Đình Phùng phản đối Tôn Thất Thuyết về việc tự chuyên phế bỏ vua Dục Đức, lập vua Hiệp Hòa. Tuy bị Tôn Thất Thuyết cách chức, phải về sống tại quê nhà, nhưng trong lòng Phan Đình Phùng lúc nào cũng lo cho vận nước. Năm 1885, hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi, Phan Đình Phùng đứng lên tập họp sĩ phu, chiêu mộ quân sĩ và nhân dân chống Pháp. Với tầm nhìn chiến lược, ông dựa vào địa hình núi rừng hiểm trở của Hương Khê lập căn cứ kháng chiến lâu dài. Đồng thời, liên kết, mở rộng tầm hoạt động của nghĩa quân ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình trong việc chống Pháp. Ông chia địa bàn 4 tỉnh bắc miền Trung thành 15 quân thứ, xây dựng chiến tuyến vững mạnh, chú trọng giáo dục nghĩa quân lòng yêu nước và ý thức tổ chức kỷ luật. Phan Đình Phùng được sự trợ giúp của Cao Thắng, Ngô Quảng, Cao Đạt, Hà Văn Mỹ, Nguyễn Chanh, Nguyễn Trạch trong công cuộc lãnh đạo và thực hiện khởi nghĩa chống Pháp. Cao Thắng là phó tướng của ông, có tài chế tạo súng trường theo kiểu Pháp. Nghĩa quân được Phan Đình Phùng chỉ đạo đánh thành Hà Tĩnh, bắt sống tri phủ Đinh Nho Quang năm 1892, thắng trận Vạn Sơn năm 1893 và đánh thành Hà Tĩnh lần thứ hai vào năm 1894. Chiến thắng Vụ Quang vào tháng 10/1894 đã gây cho Pháp những tổn thất nặng nề. Thực dân Pháp sai Hoàng Cao Khải (người cùng quê với Phan Đình Phùng, làm Khâm sai kinh lược Bắc Kỳ, một trong những tay chân đắc lực của thực dân Pháp) viết thư dụ hàng Phan Đình Phùng. Với tấm lòng yêu nước sâu sắc, Phan Đình Phùng đã viết thư cự tuyệt Hoàng Cao Khải, khẳng định quyết tâm đánh Pháp và khẳng định sức mạnh to lớn của nhân dân. Ông cũng vạch rõ giọng điệu lừa bịp, những hành động tàn bạo, dã man của quân cướp nước và bọn tay sai hèn hạ bán nước cầu vinh. Giặc Pháp đem danh lợi mua chuộc ông không được, chúng bắt thân nhân, khai quật mồ mả tổ tiên của ông để khủng bố. Phan Đình Phùng vẫn không chùn bước, kiên định con đường khởi nghĩa chống giặc Pháp xâm lược. Thực dân Pháp đã huy động một lực lượng quân đội Pháp và hơn 3.000 ngụy quân của Nguyễn Thân tấn công vào chiến khu của Phan Đình Phùng. Trong một trận đánh, ông bị thương và sau đó tạ thế ở Núi Quạt (Hà Tĩnh) vào ngày 28/12/1895.

Cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng lãnh đạo kéo dài 10 năm, có quy mô lớn nhất so với các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương. Những chiến thắng của lực lượng nghĩa quân do Phan Đình Phùng chỉ đạo được xem là những trận đánh tiêu biểu, là đỉnh cao nghệ thuật quân sự của Việt Nam thời bấy giờ.

Trước khi từ trần, Phan Đình Phùng đã để lại bài thơ "Lâm chung thời tác":

"Nhung trường phụng mệnh thập canh đông
Vũ lược y nhiên vị tấu công
Cùng lộ ngao thiên nan trạch nhạn
Phỉ đồ biến địa thượng đồn phong
Cửu trùng xa giá quan sơn ngoại
Tứ hải nhân dân thủy hỏa trung
Trách vọng dũ long ưu dũ trọng
Tướng môn thâm tự quý anh hùng".

(Nhung trường vâng mệnh đã mười đông
Vũ lược còn chưa lập được công
Dân đói kêu trời xao xác nhạn
Quân gian chật đất rộn ràng ong
Chín lần xa giá non sông cách
Bốn bể nhân dân nước lửa nồng
Trách nhiệm càng cao, càng nặng gánh
Tướng môn riêng thẹn mặt anh hùng)

Bản dịch của TRẦN HUY LIỆU

Đây là bài thơ tuyệt mệnh của Phan Đình Phùng được nhiều nho sĩ và các nhà nghiên cứu văn học xếp vào loại xuất sắc trong nền văn học cận đại. Bài thơ nói lên nỗi lòng của Phan Đình Phùng – Nỗi lòng của một kẻ sĩ vì nước vì dân; lo nỗi lo của dân, của nước; đau cùng nỗi khổ của nhân dân và vận nước trong cảnh bị ngoại bang xâm lược. Tâm sự của một người yêu nước trước khi trút hơi thở cuối cùng vẫn thấy chưa làm tròn trách nhiệm đối với nhân dân và đất nước. Phan Đình Phùng là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân.

Nghe tin Phan Đình Phùng mất, Nguyễn Thượng Hiền đã làm thơ khóc ông:

"Vạn lí ai già bất khả văn,
Lục long thiên ngoại cách yên phân
Binh qua chấp nghĩa phù tông quốc
Bào hốt lâm nguy bái thánh quân
Lang miếu cự truyền chân ngự sử
Giang hồ kim khấp cố tướng quân
Tha niên tái kiến trung nguyên định
Hãn tặc Thường sơn hữu đại luân".

(Muôn dặm kèn buồn tiếng vẳng đưa
Ngoài trời xe ngựa khói mây mờ
Binh qua vị nghĩa lo phò nước
Bào hốt lâm nguy ngoảnh lạy vua
Lang miếu trước khen đài gián giỏi
Giang hồ nay khóc tướng quân xưa
Trung nguyên sẽ thấy ngày bình định
Chống giặc ghi công lúc bấy giờ".

Bản dịch của LÊ THƯỚC

Lúc ông mất, các văn thân đất Nghệ Tĩnh có hợp soạn một câu đối điếu ông:

"Thành bại anh hùng mạc luận, thử cô trung, thử đại nghĩa, thệ dữ chư quân tử thủy chung; Châu chi anh, Mặc chi linh, độc thư mỗi niệm cương thường trọng; Khả hận giả thùy điên đại hạ, nhất mộc nan chi, cung lãnh yên tiêu, thùy nhân bất tác thâm sơn oán; Huống đương nhật long phi vân ám; cộng ta nhân sự vô thường, khả liên La Việt giang sơn, bách niên văn hiến phiền nhung mã;

Cổ kim thiên địa vô cùng, nhi lưu thủy, nhi cao phong, đồng thử đại trượng phu vũ trụ; Lam chi phong, Hồng chi tuyết, xung hàn vô nại bá tùng điêu; Vị hà tai hội quyết đồi ba, trung lưu để trụ, tinh di vật hoán, hà nhân bất khởi cố viên tình? Cập thử lời nhạn tán phong xuy, kham thán thiên tâm mạc trợ, độc thử tùng mai khí tiết nhất tử tinh thần quán Đẩu Ngưu".

(Anh hùng thành bại kể chi? Dạ sắt son, lòng vàng đá, thề cùng các bạn giữ trước sau; Son mực đúc khí tinh anh, trung hiếu hẹn hò cùng sử sách; ngao ngán nhẻ, lầu cao sắp đổ, một cột khó nâng; phòng vắng khói tan, liếc mắt non xanh thêm tức tối. Và bây giờ rồng bay mây ám, xót xa việc thế không lường; Thương thay La Việt giang sơn, văn hiến trăm năm thành trận mạc.

Trời đất xưa nay thế mãi, đá dựng ngược, nước chảy xuôi, đó vẫn non sông phương tuấn kiệt; Lam Hồng nổi cơn bão tuyết, bách tùng úa rụng luống xông pha. Đau đớn thay! Đê vỡ sóng vồ, giữa dòng trụ đứng; sao dời vật đổi, ngảnh đầu người cũ phải bôn chôn. Đương lúc này gió thổi nhạn lìa, căm giận lòng trời cay nghiệt; riêng cảm Tùng Mai khí tiết, tinh thần một thác rạng trăng sao.)

Bản dịch của NGUYỄN Q. THẮNG – NGUYỄN BÁ THẾ

Từ năm 1895 đến năm 2009, qua 114 năm, có lẽ câu đối của các văn thân đất Nghệ Tĩnh làm điếu Phan Đình Phùng là một trong những câu đối độc đáo nhất, dài nhất, hàm súc nhất, một tuyệt tác nói lên đầy đủ về hoàn cảnh đất nước thời bấy giờ, về cuộc đời, sự nghiệp và tấm lòng của Phan Đình Phùng đối với nhân dân và đất nước. Một tấm lòng của người anh hùng sáng ngời như trăng sao, sống mãi cùng non sông đất nước.

Lê Ngọc Trác​

---------------------------------
Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
- Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (1999)
- Vương triều cuối cùng của Phạm Minh Thảo (2007)
- Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế (1999)
- Thơ văn yêu nước của NXB Văn học (1970)

Tài liệu được gửi từ Email: lengoctraclg@yahoo.com
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top