TÀI LIỆU ÔN THI HỌC SINH GIỎI MÔN VĂN LỚP 12
ĐỀ
Câu 1: ( 6 điểm): Ngạn ngữ Nga có câu “Đối xử với bản thân bằng lí trí, đối xử với người khác bằng tấm lòng”.
Trình bày ý kiến của anh/chị về câu nói trên.
Câu 2: (12điểm): Bàn về thơ, nhà phê bình văn học Bi- ê- lin- xki( 1811- 1848) cho rằng: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó là nghệ thuật”.
Anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên? Hãy phân tích và làm sáng tỏ điều đó qua các tác phẩm thơ đã học trong SGK Ngữ văn 12.
ĐÁP ÁN:
Câu 1:
Giải thích
- Đối xử với bản thân bằng lí trí: Cách ứng xử của con người với bản thân: Tự nhận thức, tự đánh giá về bản thân một cách sáng suốt, tỉnh táo, nghiêm khắc, thậm chí khắt khe. Có như vậy mới có thể phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế.
- Đối xử với người khác bằng tấm lòng: Nhận xét, đánh giá, cư xử với người khác bằng tấm lòng bao dung, độ lượng, vị tha. Tự nguyện chịu thiệt thòi, vui vẻ chấp nhận hi sinh, không phân vân, do dự. Chỉ khi đối xử với người khác bằng tấm lòng ta mới có thể đón nhận những tấm lòng từ mọi người.
=> Bài học về cách ứng xử của con người với chính mình và người khác. Với bản thân nghiêm khắc, với người khác bao dung, độ lượng.
Bình luận
- Trong thực tế cuộc sống đối xử với bản thân bằng lí trí là cần thiết. Song trong những tình huống cụ thể cũng cân đối xử với bản thân bằng tấm lòng. Cần biết cách tự tha thứ cho mình. Một người biết sống khoan dung cho mình mới có thể khoan dung với người khác. Cũng vậy, đối xử với người khác bằng tấm lòng là đúng những có người, có việc cũng cần lí trí và nghiêm khắc.(1điểm)
- Cần tránh những cách ứng xử cực đoan 1,5điểm)
+ Quá lí trí với mình dễ trở thành người sống nguyên tắc, cứng nhắc, rập khuôn.
+ Quá dễ dãi khi dành tấm lòng cho người khác, yêu thương không đúng cách, bao dung không đúng việc, vị tha không đúng người có thể gây hại cho người mình yêu thương và bị kẻ khác lạm dụng.
- Câu ngạn ngữ trên cần vận dụng linh hoạt, mỗi người cần biết cân nhắc, để lựa chọn cách ứng xử với mình hay người khác sao cho phù hợp.( 1điểm)
Kết bài
Liên hệ, rút bài học nhận thức và hành động
Câu 2:
Giải thích
Nói “ Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” nghĩa là như thế nào?
Tại sao “ Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”?
- Thơ trước hết là cuộc đời: Yếu tố quan trọng đầu tiên của thơ là nội dung. Thơ là một thể loại trữ tình, vì thế nội dung thơ phải là nội dung trữ tình. Thơ trước hết là cuộc đời nghĩa là thơ phải mang âm vang, chứa đựng tiếng vọng của cuộc sống. Cuộc sống mà nhà thơ phản ánh trong thơ phải là cuộc sống thực ngoài đời đã được nâng lên ở một tầm cao mới, là cái nhụy, là tinh chất của cuộc sống.
- Sau đó mới là nghệ thuật: Được hiểu là hình thức thể hiện của thơ bao gồm hình ảnh, từ ng, vần, nhịp, cấu tứ..Đây cũng là yếu tố không thể thiếu đối với thơ nhưng vai trò của nó được xếp sau yếu tố nội dung, cảm xúc.
=> Bi- ê- lin-xki đã nhấn mạnh, đề cao vai trò quan trọng hàng đầu của yếu tố nội dung cảm xúc trong tương quan với yêu tố hình thức nghệ thuật của thơ. Thơ cần hai yếu tố nội dung và hình thức nhưng trước hết vẫn là nội dung cảm xúc.
- Đặc trưng của văn học: Mỗi tác phẩm là một chỉnh thể nghệ thuật được tạo nên từ sự thống nhất của hai yếu tố nội dung và hình thức biểu hiện. trong đó nội dung bao giờ cũng đóng vai trò quyết định việc lựa chọn hệ thống các phương tiện biểu hiện của người viết.
- Đặc trưng của thơ với tư cách một thể loại trữ tình:
+ Thơ là tiếng nói tình cảm. Đây là một chân lí đã được thừa nhận…hơ hơn bất cứ thể loại nào cần sự chân cảm, chân thật.
+ Dòng cảm xúc chân thành, mãnh liệt nơi trái tim nhà thơ phải luôn được khơi nguồn từ hiện thực đời sống. Thơ khởi nguyên là sự lên tiếng của trái tim, là rung động tâm hồn của nhà thơ nhưng nó không mang âm vang cuộc sống thì khó trở thành lòng chung của mọi người, khó thành tiếng gọi đàn, thành tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình với người đọc.
Chứng minh
- Đọc và đồng cảm với các nhà thơ qua những trang thơ, ta càng thấm thía vai trò nội dung, cảm xúc trong thơ:
+ Tây Tiến: Nội dung cảm xúc trong thơ là nỗi nhớ sâu sắc, mãnh liệt của nhà thơ về những kỉ niệm gắn với thiên nhiên, cuộc sống, con người miền Tây và những đồng đội cũ trong đoàn quân Tây Tiến. Đó là những dòng thơ được viết ra từ những kí ức về một thời Tây Tiến mà chính người viết đã trải qua trong những tháng năm gian khổ nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp.
+ Những trải nghiệm ngọt bùi, gian khổ thực sự thấm thía, xúc động trước ân nghĩa, ân tình của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng chiến khu cách mạng.. VB đã giúp Tố Hữu viết nên những trang thơ VB đằm thắm có sức cảm hóa lòng người. Tiếng lòng nhà thơ trong cuộc chia tay lịch sử năm 1945 đã trở thành tiếng lòng của tất cả những người Việt Nam đi kháng chiến, của cả dân tộc thể hiện sự gắn bó sắt son thủy chung, sâu nặng không bao giờ đổi thay với VB với tất cả những miền đất, những con người đã bảo vệ đã che chở cách mạng từ thuở trứng nước, trong những ngày đen tối nhất…
+ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm được viết trong những năm kháng chiến chống Mĩ ác liệt với những day dứt trăn trở của thế hệ nhà thơ trẻ về cội nguồn của Đất Nước, Đất Nước là gì, ai là chủ nhân thật sự của Đất Nước trong suốt trường kì lịch sử; Về trách nhiệm của thế hệ hôm nay- mai sau đối với Đất Nước. Cảm xúc nồng nàn, suy tư sâu lắng, giọng điệu thầm thì, như nhắn nhủ, như nhắc nhở...
- Nội dung cảm xúc chân thành và mãnh liệt trong các bài thơ này đã giúp các nhà thơ biểu đạt bằng những dòng thơ tài hoa, hình ảnh thơ vừa lãng mạn vừa bi tráng, ngôn ngữ giàu chất tạo hình trong Tây Tiến; những câu thơ tự do, bình dị mà sáng tạo, bút pháp tạo hình vẽ cánh thiên nhiên; Những vần thơ lục bát biến hóa dân dã cổ kính, mới mẻ hiện đại; giọng thơ tâm tình, ngọt ngào tha thiết, kết cấu đối đáp trong Việt Bắc; Sử dụng sáng tạo chất liệu văn hoá văn học dân gian trong Đất Nước.
Bình luận
- Ý nghĩa câu nói: Cả nội dung và hình thức đều có vai trò riêng khó thay thế trong quá trình tạo nên một tác phẩm thơ, đều có những đóng góp riêng tạo nên sức hấp dẫn, vẻ đẹp của một bài thơ.
- Ý kiến của Bi- ê- lin- xki là một gợi mở có giá trị đối với người làm thơ. Nhà thơ là người sống giữa cuộc đời phải biết mở lòng ra đón lấy những vang dội của cuộc đời; phải sống đã rồi viết...Đây không chỉ có là bài học có giá trị với riêng người làm thơ mà còn cả người đọc thơ, đặc biệt là bài học chung cho mọi người nghệ sĩ.
Người đọc thơ từ ý kiến này mà có thêm nhiều căn cứ đánh giá về thơ. “ Thơ giữa đời, ha giữa nắng”. Nắng tô điểm làm nên vẻ đẹp, sức sống của hoa. Thơ cũng vậy chỉ đẹp và có sức sống khi nảy sinh từ cuộc đời, vì cục đời mà có.
Kết luận
Khẳng định vấn đề nghị luận từ các bài thơ đã phân tích.
Sưu tầm*