- Xu
- 458
Trăn trở của một sinh viên gửi Bộ trưởng Giáo dục
Ngô Di Lân (20 tuổi) đang là sinh viên năm thứ 2 ngành Quan hệ quốc tế ở ĐH Maastricht (Hà Lan). Từ lớp 1 đến lớp 8, Lân học ở Việt Nam. Năm lớp 9 em sang Thuỵ Điển học và sau đó nhập học ĐH Maastricht. Học kỳ này Lân đang học ở Mỹ theo chương trình trao đổi và tháng 8 quay về Hà Lan để năm sau thi tốt nghiệp.
Ngô Di Lân tham dự Mô hình Họp hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (Model East Asia Summit) do Đại sứ quán Mỹ tổ chức tại Hà Nội tháng 8/2013. Ảnh: NVCC.
Kính gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Phải đảm đương trọng trách xây dựng và phát triển ngành giáo dục cho nước nhà "vì lợi ích trăm năm trồng người", có lẽ Bộ trưởng sẽ không có thời gian để đọc bức thư này, càng không thấy cần dành thời gian để trả lời nó, nhất là những ý tưởng trong bức thư này không có gì quá mới mẻ.
Tuy nhiên, cũng như bao thanh niên yêu nước khác, với mong muốn xây dựng một thế hệ trẻ vững mạnh hơn và một nước Việt Nam có thể "sánh vai với các cường quốc năm châu", cháu vẫn cảm thấy mình có trách nhiệm không thể chối bỏ, phải gửi bức thư này cho Bộ trưởng. Hy vọng rằng một ngày nào đấy, những lời kêu gọi trong lá thư này sẽ trở thành hiện thực.
Ngô Di Lân tham dự chương trình Mô hình Họp hội nghị Thượng ĐỈnh Đông Á (Model East Asia Summit) do ĐSQ Mỹ tổ chức tại Hà Nội
Sự thật không thể chối cãi đó là trong thời buổi hiện nay, đại bộ phận học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn chưa thể đuổi kịp bạn bè ở các nước phát triển, mà sau đây cháu xin gọi tắt là bạn bè "quốc tế". Chúng ta có thể viện dẫn ra một loạt các huy chương Olympics quốc tế, các con số cao chót vót về số lượng học sinh khá giỏi.
Thế nhưng thử hỏi chúng ta có bao nhiêu bằng sáng chế? Và bao nhiêu trong số sinh viên "xuất sắc" của Việt Nam đã làm được gì đó "để đời"? Mọi tiến bộ đều được bắt đầu bằng việc nhận ra chúng ta đang thực sự ở đâu và chúng ta thực sự đang yếu kém những cái gì. Chúng ta vẫn còn kém xa họ nhiều. Không có một lý do đơn cử nào có thể lý giải cho việc này, điều đó hoàn toàn đúng.
Cháu hiểu rằng mặc dù đã nỗ lực đổi mới và cải cách về mọi mặt trong một thời gian dài, đất nước hãy còn tương đối nghèo nàn và lạc hậu. Chúng ta chưa thể xây dựng một cơ sở hạ tầng giáo dục hiện đại và đồng bộ, chưa thể tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sinh viên có thể tiếp cận những công nghệ và phương pháp dạy-học mới nhất.
Đó là một thiệt thòi lớn khiến cho sinh viên chúng cháu thua kém so với bạn bè quốc tế. Nhưng đó không được phép là lý do để chúng ta bỏ cuộc và chấp nhận thua kém họ. Ngược lại, chúng ta phải thấy mình cần phải nỗ lực gấp đôi để đuổi kịp họ. Và trước mắt, để đạt được điều đó yêu cầu chúng ta phải thay đổi những gì trong tầm với của chúng ta, mà theo cháu có thể bắt đầu bằng việc đẩy mạnh "tư duy phê phán" trong nhà giáo dục.
Là sinh viên đã có trải nghiệm đa dạng trong 5 nền giáo dục khác nhau, trong đó có 8 năm ở Việt Nam và 10 năm ở nước ngoài, dưới con mắt của cháu, điều sinh viên Việt Nam kém hơn hẳn sinh viên quốc tế đó là khả năng "tư duy phê phán" (critical thinking).
Vậy tư duy phê phán là gì? Có thể hiểu tư duy phê phán là việc vận dụng mọi kiến thức ta có để phân tích, đánh giá, phản biện thông tin ta mới nhận được để xác nhận tính đúng hay sai của thông tin và qua đó quyết định có thu nạp thông tin hay không. Nói một cách đơn giản, tư duy phê phán tức là không thụ động dung nạp thông tin mà sàng lọc thông tin một cách cẩn thận. Khi đó, chúng ta làm chủ được nguồn thông tin của mình. Vậy, vì sao chúng ta cần phải đẩy mạnh tư duy phê phán?
Trước hết, trải nghiệm của cháu trong nền giáo dục Việt Nam cho thấy rằng tư duy phê phán trong nhà trường rất yếu và chưa được khuyến khích đúng mực. Ở nước ngoài, giờ học lịch sử hay các môn xã hội luôn sôi nổi hơn rất nhiều so với các giờ học này ở Việt Nam bởi thầy và trò luôn cởi mở trao đổi và tranh luận với nhau thì ở trong nước, đa số học sinh, sinh viên chủ yếu ngồi nghe giáo viên giảng một cách thụ động và chép lại nguyên văn những gì mình nghe thấy hoặc nhìn thấy trên bảng.
Nhưng đó vẫn là một viễn cảnh tươi sáng. Tệ hơn là rất nhiều sinh viên thay vì chép bài, sẽ ngồi nghịch điện thoại, nói chuyện hay thậm chí không đến lớp. Nếu nhiệm vụ của ngành giáo dục là truyền tải bài học, thông tin đến thế hệ trẻ thì rõ ràng những hành động như trên đã hoàn toàn đánh bại mục đích của giáo dục vì khi cả thầy và trò "việc ai người nấy làm" thì chẳng có ai nghe ai cả.
Nói đến sự yếu kém của tư duy phê phán trong nhà trường, không thể chỉ trách thầy hay trò nhưng có lẽ người thầy phải lãnh phần trách nhiệm lớn hơn. Ở Việt Nam, quan hệ thầy-trò là quan hệ bất tương xứng gần như tuyệt đối. Điều này có nghĩa là dòng thông tin sẽ chỉ chảy một chiều, từ thầy đến trò mà không có sự trao đổi thông tin lẫn nhau.
Đó là bởi vì chúng ta vẫn cho rằng thầy luôn luôn phải giỏi hơn trò, thầy đã nói thì phải đúng hơn học sinh, nếu thầy nói mà học sinh phản biện lại thì có vẻ không ổn lắm, khả năng lớn là học sinh đó sẽ bị cho rằng "trứng đòi khôn hơn vịt". Mà sau khi bị mắng như vậy thì có mấy ai đủ can đảm để tiếp tục phản biện? Các học sinh khác nhìn vào tấm gương của cậu học trò tội nghiệp kia sẽ không dám hỏi han, phản biện gì nữa. Như vậy là thầy đã "thành công" trong việc thui chột tư duy phê phán và sự tò mò khám phá tự nhiên của lớp trẻ.
Nhưng đó không phải là cách duy nhất để triệt tiêu tư duy phê phán. Cách thứ hai để làm điều này đó là cho rằng sách giáo khoa là "kinh thánh". Cháu chưa học ở bất kỳ nơi nào sử dụng sách giáo khoa như ở Việt Nam cả. Khi học các môn như lịch sử, địa lý, học sinh thường xuyên phải đọc nhiều tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau để so sánh, đối chiếu và tự phân tích, đánh giá vấn đề. Nếu chỉ đọc từ một nguồn thì hệ quả tất yếu đó là sự thiên lệch càng lớn vì khả năng áp đặt ý nghĩ của tác giả đối với người đọc là lớn hơn.
Khi người học chấp nhận những gì được viết ra trong sách giáo khoa là "chân lý" thì đương nhiên chẳng cần đọc cái gì khác nữa, vì không phải đã là "chân lý" thì chỉ có một thôi hay sao? Mà đã là chân lý thì không những việc phản biện sẽ hoàn toàn vô ích mà bản thân các học sinh sẽ không cảm thấy cần phải hỏi lại hay phản biện nữa.
Sau khi đã lập luận rằng chúng ta đang thiếu hụt tư duy phê phán một cách nghiêm trọng, cháu sẽ phân tích các cái hại của việc này. Các cái hại thì rất nhiều nhưng có thể tóm gọn làm hai nhóm: tác hại đối với giới trẻ và tác hại cho xã hội.
Tác hại của thiếu hụt tư duy phê phán
Đối với giới trẻ, thứ nhất, việc thiếu đi tư duy phê phán sẽ làm suy giảm khả năng tiếp thu kiến thức. Suy giảm khả năng tiếp thu kiến thức bởi như cháu đã phân tích ở trên, khi không phải đặt câu hỏi hay phản biện, học sinh sẽ cảm thấy ít hứng thú hơn với giờ học vì lúc đó họ chỉ là một cái máy ghi chép, tiếp thu kiến thức một cách rất thụ động.
Ngô Di Lân tham dự chương trình Họp mô hình Liên Hợp Quốc (Model United Nations) ở Stockholm năm 2012. Ảnh: NVCC.
Thực tế chứng minh rằng những hoạt động mang tính tương tác lúc nào cũng thu hút được sự quan tâm, chú ý của chúng ta hơn những hoạt động khác. Minh chứng rõ ràng cho điều này đấy là không mấy ai mất tập trung khi đang chơi điện tử cả nhưng khi nghe giảng hay xem phim thì khả năng người nghe hay xem mất tập trung cao hơn nhiều.
Thứ hai, kiến thức sẽ không lưu lại lâu trong đầu nếu được thu nạp một cách thụ động. Có hai điểm khác biệt lớn giữa một người học gạo và một người học năng động với tư duy phê phán. Người học gạo thường có khả năng đọc vanh vách mọi chi tiết đã được học còn người kia thì thường chỉ nắm được một lượng nhỏ các chi tiết nhưng nắm rất vững kiến thức cơ bản nên từ đó có thể suy luận rất tốt.
Người học gạo thường quên những thứ mình học rất nhanh còn người kia thì không. Vì sao? Vì người học gạo chỉ cố nhồi nhét mọi thứ để giành được điểm còn người kia vì thật sự đam mê tìm tòi, học hỏi nên họ năng động trong việc thu nạp kiến thức của mình, thậm chí họ phải phản biện lại các ý kiến đối lập để bảo vệ lập trường, quan điểm của mình và những gì mình đã được học. Thế nên không có gì lạ khi những người có tư duy phê phán tốt lại nhớ lâu hơn và vận dụng kiến thức đã được học một cách tốt hơn.
Cuối cùng, tư duy phê phán kém sẽ kìm hãm sự sáng tạo và phát triển. Chẳng phải nhà bác học nổi tiếng Albert Einstein đã nói rằng "một nhà sáng chế đơn giản là một cậu học trò không quá nghiêm túc việc học của mình" hay sao? Nói cách khác, nếu chúng ta không dám phản biện, không dám nghĩ xem liệu những gì mình được học có thật sự đúng hay không, nếu chúng ta không dám thử phá cách và đi con đường riêng của mình thì sẽ chẳng bao giờ có phát minh gì mới cả vì chúng ta đơn giản chỉ đang giẫm lên vết chân của cha anh mà thôi.
Là những cá nhân đầy tham vọng, chúng ta luôn muốn tiến về phía trước, luôn muốn phát triển và làm được điều gì đó lớn lao. Đây sẽ là điều không thể có được khi thiếu tư duy phê phán hùng biện. Apple thành công là Steve Jobs có tư duy phê phán tốt, ông ta dám nghĩ khác đi và bước trên con đường của riêng mình. Thử hỏi Apple có thành công của ngày hôm nay hay không nếu người lãnh đạo của họ chỉ cố đuổi theo Microsoft mà không có những sáng kiến của riêng mình?
"Tre già, măng mọc", những người trẻ ngày hôm nay sẽ là trụ cột của xã hội mai sau. Nếu lúc còn trẻ họ không phát triển tư duy phê phán, khó có thể hy vọng họ sẽ phát triển cách tư duy này khi đã trưởng thành, khi họ đã là rường cột của xã hội. Và đối với xã hội, các tác hại của việc thiếu tư duy phê phán còn nguy hiểm hơn nhiều lần.
Khi chúng ta không có thói quen tư duy phê phán và bắt đầu quen chấp nhận mọi thứ mình được dạy là chân lý thì hệ quả tất yếu sẽ là cả một hệ thống ỳ ạch và nặng nề. Sức ỳ của hệ thống có thể sẽ đe doạ sự sống còn của một quốc gia, một xã hội khi đối mặt với những yêu cầu phải cải cách để thích nghi với những chuyển biến đang diễn ra xung quanh. Điều này có thể thấy rõ trong những năm cuối cùng của Đế chế Trung Hoa dưới thời nhà Thanh.
Đối mặt với sự xâm lược của thực dân phương Tây và những chuyển biến trong hệ thống quốc tế, nhà Thanh đối mặt với hai lựa chọn để tồn tại: giữ nguyên hiện trạng hay cải cách theo phương Tây. Cải cách cuối cùng đã không diễn ra đủ nhanh và kịp thời để cứu vãn triều đại này bởi sức ỳ của hệ thống lúc đó đã quá lớn. Những người làm quan từ nhỏ tới lớn được chỉ được đọc sách của các đức thánh hiền như Khổng tử mà không được dùng tư duy phê phán nên hệ quả là họ nghiễm nhiên cho rằng những gì mình đã được học là chân lý không thể thay đổi.
Chính vì thế, khi những cải cách thiết yếu mâu thuẫn với Khổng giáo thì họ chấp nhận không cải cách để bảo vệ "chân lý" của mình. Sự bảo thủ và thiếu tư duy phê phán cuối cùng đã dẫn đến cái mà người Trung Quốc thường gọi là "một thế kỷ ô nhục". Đây là bài học đáng để chúng ta suy nghĩ trong lúc này, khi cải cách về mọi mặt: giao thông, giáo dục, y tế, kinh tế đang hết sức cấp bách.
Có lẽ bức tranh về nền giáo dục Việt Nam cháu vẽ ra tồi tệ hơn so với thực tế. Có lẽ cháu đã nói hơi quá lên và phóng đại những cái xấu lên nhiều lần so với mức thực tế. Và hơn gì hết, cháu mong đó là sự thật bởi như vậy thì vẫn còn chưa quá muộn, chúng ta vẫn còn cơ hội để thay đổi giáo dục. Hơn lúc nào nết, cháu mong Bộ trưởng hãy tìm mọi cách để đẩy mạnh tư duy phê phán trong nhà trường.
Ngô Di Lân
Nguồn: VnExpress