Thuận
T mất tích
(tiểu thuyết)
I.
T mất tích. Cảnh sát, sau bốn mươi tám tiếng đúng qui định hình sự, đã khẳng định như vậy và tung kế hoạch truy tìm trên phạm vi toàn quốc. Ngay trước đó, trong một buổi tối, tôi phải qua hai cuộc thẩm vấn, cuộc đầu tiên vào sáu giờ là của thanh tra phó đồn cảnh sát địa phương, cuộc thứ hai một tiếng rưỡi sau là của thanh tra trưởng đồn cảnh sát địa phương. Tôi tỏ ra bình tĩnh và kiên nhẫn, các lời khai có lẽ khớp nhau nên sau đó, người ta hứa để cho tôi yên. Thực ra cũng không thể khác được, các câu hỏi của cả hai thanh tra khá đơn giản và tôi đã nói sự thật một cách mạch lạc, họ có vẻ tin lời tôi và chưa một lúc nào tỏ ý muốn vặn vẹo hay đánh bẫy. Nhìn chung, các vị ấy có tác phong nhã nhặn, thậm chí lịch thiệp, bằng chứng đầu tiên là cả hai đều gọi tôi đến vào những giờ ít ảnh hưởng tới công việc của tôi và lần nào cũng tự tay mang cho tôi một tách cà phê nóng kèm đường viên đựng trong một hộp nhỏ, lấy từ góc bếp chỉ dành cho nhân viên trong đồn. Biên bản của các cuộc thẩm vấn ghi theo lời tường trình của tôi, dường như cả dấu phẩy cũng không khác nhau, tôi cảm giác đã học thuộc ngay sau khi ra khỏi đồn cảnh sát, giờ đây vẫn có khả năng nhắc lại không mấy khó khăn:
T thường rời công sở lúc 5h15, đến mẫu giáo đón Hanah con gái của chúng tôi lúc 6h kém 5 vì đúng 6h là trường đóng cửa, nội qui được hiệu trưởng thông báo ngay từ buổi họp phụ huynh đầu tiên. Hôm kia khoảng 7h tối, khi tôi đang còn ở văn phòng thì cảnh sát gọi điện yêu cầu tôi đến gặp gấp, lý do là Hanah không có ai đến đón nên đã bị đưa ra đồn và đang ngồi đợi người thân. Lúc tôi tới nơi, Hanah vừa được một nữ cảnh sát cho ăn tối, tôi trình chứng minh thư và kí vào giấy nhận con, chúng tôi về tới nhà chừng 8h30, cho đến lúc đi ngủ cũng không có một tin tức nào của T. Tôi đã gọi điện báo cho công an, cũng là nơi đã giữ Hanah lúc nãy. Hôm sau, tôi tự đưa Hanah đến mẫu giáo và tới văn phòng muộn mười lăm phút, buổi chiều xin phép nghỉ sớm một tiếng. Ngay trong ngày, tôi tranh thủ gọi điện đến chỗ làm việc của T, thường trực và hai đồng nghiệp cùng phòng đều khẳng định nhìn thấy T ra khỏi cơ quan lúc 5h10 chiều hôm trước. Vợ tôi không có cả gia đình lẫn bạn thân ở Pháp. Người duy nhất mà T đôi khi gặp gỡ là chị Xuân, cùng theo học lớp tiếng Pháp ở một tổ chức Thiên chúa giáo khi cả hai mới đặt chân đến Paris. Trong danh bạ điện thoại Paris, tôi tìm được số của chị Xuân. Chị Xuân đang vội đi làm và trả lời ngắn gọn từ nửa năm nay không nhận được điện thoại của T.
Rất ít khả năng là T về Sài Gòn thăm gia đình. Một chuyến đi xa như vậy, dù thế nào đi nữa, cô ấy cũng phải báo cho tôi một câu. Tôi cũng trao đổi với ngân hàng và được biết từ đợt trả tiền nhà lần cuối, tài khoản của chúng tôi không có thất thoát quan trọng, người phụ trách ngân hàng còn nhiệt tình gửi qua fax bản kê những món chi tiêu được trả bằng séc và các Visa ba tuần qua. Sau đó tôi đã kiểm tra cặn kẽ, không thấy có dấu hiệu đặc biệt, nói chung là những khoản nhỏ dưới một trăm euro, chủ yếu là tiền đi chợ và tiêu vặt trong nhà.
Việc mất tích của T tôi không kể cho ai. Cũng như T, tôi không có nhiều người thân. Mẹ tôi, theo như lời đồn đại, là kết quả của mối tình ngoài luồng giữa một thương gia giàu có và một gái bao xinh đẹp. Cả thời thơ ấu của bà nằm trong khuôn khổ một trại trẻ mô côi ở ngoại thành Hà Nội. Tôi không rõ sau khi rời trại bà đã kiếm sống bằng cách nào, cũng như làm sao, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi mà bà vào được tận Sài Gòn, nơi bà sẽ gặp bố tôi và được ông cưới làm vợ rồi mang sang Pháp, khoảng chục năm sau biến cố Điện Biên Phủ. Về bên nội thì tôi cũng chẳng biết mấy: trong tất cả họ hàng nghe bảo là tập trung đa số ở các tỉnh phía Bắc nước Pháp, tôi chỉ quen duy nhất một bà bác họ mà tôi ngờ rằng sống quanh quẩn đâu đây (vì sau đó, tôi còn gặp lại bà bác thêm một hai lần nữa, cũng tình cờ ở chỗ công cộng).
Mẹ tôi mất từ khi tôi đang ở trung học, vì một cơn đau tim cấp tính. Bố tôi sau đó một thời gian ngắn, đã cặp với một phụ nữ dường như còn rất trẻ, chỉ hơn tôi vài tuổi, rồi từ đó thay đổi tình nhân liên miên. Trên thực tế, tôi chưa bao giờ chạm mặt một ai trong số họ, tôi không quan tâm đến đời tư của bố tôi và cũng chẳng có định kiến gì với thói trăng hoa của đàn ông. Dù sao thì mẹ tôi cũng đã qua đời và bố tôi có toàn quyền quyết định cuộc sống của mình. Tôi được ông chu cấp đầy đủ và thấy không có gì phải phàn nàn về tư cách của ông. Chúng tôi sống chung một căn hộ, vẫn là căn hộ của gia đình, nhưng hiếm khi gặp nhau. Bố tôi hay có việc về muộn, nhiều khi không qua đêm ở nhà. Năm năm sau, lúc tôi đã lên Paris học đại học, không biết có phải vì quá mỏi mệt hay vì một lý do khác, bố tôi làm lễ thành hôn với người mà cho đến nay tôi chưa có dịp nào được gọi là mẹ kế. Họ có con và chuyển đến sống trong một thành phố nhỏ ở miền Nam.
Khi tôi lấy T, bố tôi và vợ không lên. Trên thực tế, chúng tôi không tổ chức đám cưới, không gửi giấy mời cho ai, xong việc đăng kí ở tòa thị chính, cả bốn người - gồm tôi và T cùng hai người quen làm nhân chứng - đi ăn trưa trong một tiệm ăn ngay bên cạnh, do tôi đặt chỗ từ trước. Hanah ra đời được ít lâu, tôi gửi ảnh nó cho bố tôi. Mới đầu tôi không nghĩ đến việc ấy, nhưng bất ngờ gặp lại bà bác họ trong siêu thị gần nhà, bà ấy hỏi thăm tin tức của bố tôi, và tôi cũng hơi ngại ngùng vì chẳng biết gì hơn người ngoài. Ngay sau đó tôi nhận được thư trả lời. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy bố tôi có vẻ cảm động, ông gửi cho chúng tôi một bức thư viết tay gần một trang giấy A4 kể về cuộc sống ở thành phố nhỏ miền Nam, về công việc quản lý hành chính trong một nhà máy sản xuất phụ tùng ô-tô, không rõ hài lòng hay bất mãn. Cuối thư nói cám ơn tôi và T đã cho ông được lên chức ông nội. Bố tôi gửi cho Hanah (ông gọi nó là cháu gái bé bỏng thân yêu) một quyển an-bom gắn bộ tem về bướm nhiệt đới màu sắc lộng lẫy, trang cuối cùng có viết mấy chữ đại để hy vọng sau này lớn lên, con bé sẽ tiếp tục sưu tầm. Trang ấy Hanah đã làm rách rồi vứt đâu mất, nhưng bộ tem thì nó vẫn để trên giá sách trong phòng riêng, tuy không còn hay mở ra như trước.
Tôi quên không kể rằng, bố tôi kèm trong bức thư gửi cho chúng tôi một tấm ảnh gia đình riêng của ông. Trong ảnh, bố tôi không thay đổi mấy, tóc chưa bạc và da vẫn phẳng, vợ ông thì ngược lại, bệ vệ, không ra nghiêm khắc cũng không hẳn dễ dãi, một thằng bé khoảng hơn mười tuổi đứng giữa hai người, lúc đó tôi mới biết họ có con trai. Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất tôi gặp những ai có thể gọi là thân - mẹ kế và em cùng cha khác mẹ - tất nhiên là gặp trên ảnh chứ không phải ngoài đời. Năm năm trôi qua, tôi không nhận thêm thư từ gì của họ. Tôi nhớ năm năm một cách chính xác vì căn cứ vào ngày sinh của Hanah mà tính ra.
Sau hai cuộc thẩm vấn, các thanh tra cảnh sát bảo tôi sẽ không còn bị gọi lên đồn nữa. Họ đưa cho tôi hai tấm danh thiếp, có ghi cả số điện thoại di động, bắt tay tôi rồi nói: “nếu có tin hoặc nhớ thêm điều gì thì liên lạc gấp, ngay cả muộn cũng không sao”. Tôi hỏi lại: “muộn nhất là mấy giờ?”, vẻ như vô tình . Thanh tra trưởng đồn bảo: “nửa đêm, chẳng may không gặp thì nhắn lại”. Thanh tra phó đồn ngần ngừ một chút rồi thêm: “nói vậy thôi, chứ không có tin gì đâu, trường hợp này có vẻ nan giải đấy”. Xong vỗ vào vai tôi nói: “đời là vậy, đừng mất công buồn!”.
Hai ngày sau, đang giờ làm việc thì tôi nhận được điện thoại của một người lạ mặt. Hắn ta tự giới thiệu là Delon, đại úy cảnh sát. Sau khi nhắc lại tên một lần nữa, hắn ta nói được sở Nội Vụ thành phố giao nhiệm vụ theo dõi trực tiếp cuộc truy tìm T trên toàn lãnh thổ nước Pháp. Tôi nhìn sang Paul, rồi nói nhỏ vào điện thoại rằng giờ ăn trưa sẽ liên lạc lại. Đầu máy bên kia tặc lưỡi một cái, vẻ không hài lòng lắm, nhưng cũng để lại số điện thoại rồi đặt máy xuống. Tôi nghe một tiếng tách khô khan. Paul không phản ứng, có lẽ không biết chuyện T mất tích, cả công ty đang bận một đề án mới, ban giám đốc vừa triển khai thêm một dây chuyền sản xuất dược phẩm nữa tại Đông Âu. Tôi thì không có khái niệm đề án mới hay cũ, công việc của tôi là làm kế toán và phiếu trả lương. Luật lao động Martine Aubry qui định 35 tiếng một tuần nhưng ngay cả thứ Sáu tôi cũng không rời khỏi phòng trước 7h tối. Đằng thẳng ra thì tôi làm việc gần gấp rưỡi thời gian qui định. Nói chung các nhân viên khác cũng vậy. Các sếp nhiều khi còn về muộn hơn chúng tôi. Trong công ty hầu như ai cũng nhận lương tháng thứ mười ba, một kiểu đền bù, điều này ghi rõ trong hợp đồng làm việc của từng người. Thế nên, luật lao động được phát âm thừa mứa trên các phương tiện thông tin đại chúng lại sợ chết khiếp cái cổng bằng thép vừa rộng vừa dày của công ty. Nói cách khác, đó là những từ húy. Các đồng nghiệp của tôi thao thao bàn Hitler, Phidel Castro, Ben Laden, Chirac… hay bất kì vị nào trong chính phủ, các sếp nghe được đôi khi còn tán thêm vào, nhưng Martine Aubry thì tuyệt nhiên không ai nhắc. Hôm trước, khi giải thích việc đi muộn và về sớm để đưa đón Hanah, tôi chỉ nói ngắn gọn là vợ ốm. Sếp trực tiếp của tôi tên là Brunel (làm việc ở cùng tầng, cách đó một phòng) không gật cũng không lắc, mắt dán chặt màn hình vi tính, nhưng tôi biết những gì tôi nói đều được ghi vào bộ nhớ của hắn. Không hiểu sao tôi luôn bị cảm giác Brunel biết hết lý lịch riêng của tôi. Một lần hắn hỏi thăm T. Tôi hơi giật mình vì chưa từng kể chuyện gia đình với người khác trong công ty, không đồng nghiệp nào biết tên T và Hanah. Tôi chưa kịp phản ứng thì hắn có điện thoại nên ra hiệu cho tôi ra ngoài. Lần này, tôi cũng ngại phải trả lời Brunel. May mà hắn không hỏi han thêm. Thị trường dược phẩm các nước Đông Âu đang cạnh tranh quyết liệt, Đức là địch thủ hàng đầu của công ty.
Tối hôm đấy, tôi thương lượng với vợ chồng bà gác cổng tiền công đưa đón Hanah, tổng cộng mỗi ngày hai tiếng, mỗi tiếng bảy euro. Hôm nào tôi về muộn quá, họ sẽ tắm và cho nó ăn tối. Tất nhiên, khoản đó sẽ được tính thêm vào cuối tháng. Các vị gác cổng yêu cầu mọi thứ phải trả bằng tiền mặt và không khai báo. Kể ra thì tôi bị thiệt vì không thể trừ vào thuế thu nhập cuối năm. Có vẻ như họ bắt bí tôi. Được cái, vợ chồng họ ở ngay tầng trệt, trước khi đi làm tôi chỉ việc thả Hanah ở đó, lúc về thì rẽ qua đón nó, chẳng tốn thêm phút nào. Tiễn tôi ở cửa, bà gác cổng có lẽ không kìm được, đã buộc miệng hỏi tôi có tin tức của “bà nhà” không. Hỏi xong quay sang nhìn chồng, ông ta lừ mắt. Tôi không trả lời, im lặng chui vào thang máy.
Giữ lời hứa với viên đại úy sở Nội Vụ thành phố, giờ ăn trưa, tôi xuống căng-tin mua một suất ăn nhanh gồm bánh mì kẹp thịt hun khói và nước hoa quả rồi quay lại phòng, đợi Paul đi khỏi mới bấm điện thoại. Delon nhấn mạnh hai lần liền rằng vụ này đã không còn ở mức thụ lý của cảnh sát địa phương, theo kinh nghiệm thì “có vẻ nghiêm trọng chứ chẳng chơi”. Rồi không cần biết câu tuyên bố này có ảnh hưởng gì đến người đối thoại, Delon đề nghị tôi cung cấp một chân dung mới chụp gần đây nhất của T. Khôi hài thật, tôi thầm nghĩ, từ hai ngày nay, cảnh sát tuyên bố tung kế hoạch “truy tìm T trên toàn lãnh thổ nước Pháp” thế mà không có một tấm ảnh nào của cô ấy. Tôi bảo rằng cảnh sát tự đi mà tìm lấy, ở bộ Nội Vụ, hay sở Di Trú, thế nào chẳng có hồ sơ xin quốc tịch của T. Tôi nhớ là đã cố lộ vẻ cáu kỉnh khi nói câu này. Delon phớt lờ, hỏi lại: “trong tủ riêng không tìm được chân dung nào của bà nhà à?”. Tôi trả lời là tôi không có thói quen lục tủ riêng của người khác. Delon tỏ ra không tin, im lặng khá lâu, rồi đặt máy xuống. Cứ như hắn sắp lao đến căn hộ của tôi để kiểm tra sự thật. Tôi vứt khúc bánh mì vào sọt rác cạnh bàn làm việc, uống một ngụm nước cam, song cũng ném đi hơn nửa cốc. Nước cam bắn ra ngoài, tạo thành một vệt thẫm trên thảm, tôi cũng không buồn lau.
Lâu lắm rồi tôi mới bỏ bữa trưa. Chỉ vì câu nói vẩn vơ của một nhân viên cảnh sát hình sự. Thật là bất công. T mất tích. Và tôi có tội tình gì cơ chứ. Người ta không có quyền đối xử với tôi như vậy. Cảnh sát không có quyền nghi ngờ tôi. Tôi còn công ăn việc làm. Chỉ cần tôi bỏ việc một giờ không xin phép là công ty sẽ mời tôi nghỉ ở nhà luôn cho khỏe. Mỗi năm có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp các trường kế toán. Mỗi tháng có bao nhiêu nhân viên kế toán xếp hàng đăng kí trợ cấp thất nghiệp. Mỗi ngày, công ty nhận được bao nhiêu đơn xin việc của các chuyên viên kế toán. Công ty không hơi đâu mất thời giờ vào một tấm chân dung.
Tôi tiếp tục khó chịu cho đến đầu giờ chiều khi Paul và một đồng nghiệp khác bước vào phòng. Họ vui vẻ vì món bít-tết của căng-tin hôm nay khá thành công, vừa đúng độ chứ không quá chín hay quá tái như mọi khi. Hình như rượu vang đợt này cũng êm, các sếp chịu xuất tiền hơn, phòng kế toán chúng tôi rõ từng xu các khoản thu chi của công ty. Paul nhìn tôi chăm chú rồi hỏi có muốn uống cà phê không. Đồng nghiệp kia cũng đồng ý, nháy mắt với Paul bảo cà phê đậm mới tiêu được khoanh bít-tết phải hai lạng là ít, đúng là căng cơ bụng chùng cơ mắt, chỉ muốn chui vào góc phòng làm một giấc. Tôi thờ ơ gật đầu. Thực ra bụng tôi chẳng có gì cần tiêu. Nó đang sôi và phát ra những tiếng ùng ục mà tôi cứ phải nghe mãi một mình. Paul chạy ra ngoài rồi mấy phút sau bưng vào ba cái cốc nhựa bốc khói. Tôi được một. Mùi cà phê làm tôi bình tĩnh lại. Những sợi khói mềm mại khiến trí óc tôi thư giãn đôi chút. Paul vẫn đứng tán dóc. Đồng nghiệp kia bảo từ đằng sau khiến phụ nữ khoái nhất. Paul nói chẳng cứ đâu, rồi hạ giọng thì thào. Tôi chẳng lạ. Không cần phải hôm nào căng-tin có bít-tết ngon và rượu vang êm, cứ ăn uống xong là các đồng nghiệp rất nhiệt tình câu chuyện giường chiếu. Dạ dày và cơ quan sinh dục liên quan chặt chẽ với nhau. Tôi nghe người ta kể lại rằng thời buổi chiến tranh, bột mì là nỗi ám ảnh lớn nhất, tình dục nằm trong những khoản rất phụ, không có không sao.
Paul càng tán, càng hứng khởi, đồng nghiệp kia bảo “cô nàng” được lắm à, hôm nào cho xin số điện thoại nhé. Không cần quay sang, tôi cũng biết anh ta đang nháy mắt với Paul. Công ty đang có mốt nháy mắt. Hành lang, căng-tin, thang máy, đâu đâu cũng thấy nháy mắt. Cách đây nửa năm là mốt vỗ vai. Thế nào khỏe chứ, vỗ vai một cái. Bao giờ được lên lương đây, vỗ vai một cái. Bít-tết hôm nay dai nhỉ, vỗ vai một cái.
Hồi tôi mới vào làm, suốt ngày nghe các đồng nghiệp hắng giọng. Đầu tiên ngỡ họ hắng giọng để chuẩn bị cho một phát ngôn quan trọng. Mấy tuần sau vỡ lẽ đó là mốt trong công ty. Mấy tuần sau nữa thì vỡ lẽ thêm mình cũng đang theo mốt. Chỉ có điều khi mốt này đã qua, các đồng nghiệp chuyển sang mốt chép miệng thì tôi không sao theo được, vẫn cứ lâu lâu lại hắng giọng, cho đến tận bây giờ thành luôn thói quen. Tôi biết họ nhìn tôi lạ lùng, nhưng không sao bỏ nổi. Những mốt đó, tất nhiên chỉ phổ biến giữa các đồng nghiệp, chứ cấp trên của chúng tôi không hay tẹo nào. Tôi có cảm giác mới đầu chỉ do muốn trêu chọc một sếp nào đó (thực ra là để trả thù vì bị ông ta dọa đuổi việc hay phê bình đi làm muộn, nghỉ ốm nhiều) mà cấp dưới đã mang một động tác tiêu biểu của ông ta ra bắt chước, rồi do người này lặp đi lặp lại cho người khác cùng cười mà biến thành mốt trong toàn công ty. Sau đó một thời gian, lại đến lượt một sếp khác, luân chuyển toàn bộ ban giám đốc. Nhưng suy cho cùng thì cấp trên vẫn là cấp trên, ngay cả khi bị trêu chọc thì họ cũng không trở thành nạn nhân của cấp dưới (họ hoàn toàn không hay biết về việc bị trêu chọc). Ngược lại, một cách vô tình, họ còn trở thành người tiên phong cho một cái mốt nào đó.
Mỗi công ty như một xã hội thu nhỏ, chẳng phải vô cớ mà cả hai cùng là từ “société”. Ngày trước, khi chưa có các công ty, xã hội được chia theo giai cấp, người giàu người nghèo. Thời đại này, cả từ “giai cấp” lẫn từ “giàu” từ “nghèo” đều bị cho là lỗi thời, nhưng thực ra chúng chỉ biến khỏi ngôn ngữ nói chứ vẫn tồn tại an toàn trong bộ não người đương thời. Nhìn giấy đóng thuế của anh A, thể nào họ cũng tự động nghĩ xem anh ta thuộc về giai cấp nào trong xã hội. Nhìn phiếu trả lương của anh B, thể nào họ cũng lập tức nghĩ xem anh ta giữ vị trí nào trong công ty. Trẻ con cũng không thoát được cái “thang giá trị” ấy, tiền căng-tin của chúng thổ lộ rằng bố chúng là văn sĩ còm, cán bộ cao cấp hay bác sĩ có phòng mạch riêng. Khi một phụ nữ kêu ca con cái nhà chị ta ăn trưa, cắm trại, tập bóng bầu dục đều phải đóng bậc F thì rất có thể là chị ta muốn khoe khéo cái phiếu trả lương của mình, hay của chồng mình, hay của cả hai. Đứa trẻ mà đóng bậc A thì mẹ nó bao giờ cũng im lặng.
Những cái phiếu trả lương mới bộc tuyệch làm sao! Chúng bô bô nói với xã hội bí mật của mỗi người. Ảnh chân dung được sử dụng để nhận diện một con người, còn phiếu trả lương lại được sử dụng để nhận định giá trị của người ấy. Đến thuê nhà, chủ nhà bắt trình phiếu trả lương. Đến mượn tiền, ngân hàng bắt trình giấy trả lương. Đến xin việc mới, công ty bắt trình phiếu trả lương cũ… Phiếu trả lương thành vật bất ly thân, một kiểu chứng minh thư đương đại. Hàng tháng tôi có trách nhiệm phải hoàn thành phiếu trả lương cho toàn bộ công ty. Có lẽ ngoài ban giám đốc, tôi là người duy nhất nắm rõ giá trị của từng đồng nghiệp. Không hiểu có phải vì thế mà họ không ưa tôi ra mặt.
Paul và đồng nghiệp kia vẫn vui vẻ tán chuyện. Cả hai liên tục nháy mắt. Hình như “cô nàng” là một phụ nữ không còn trẻ nhưng rất bốc, nhiều chiêu đặc biệt. Paul hứa sẽ giới thiệu. Đồng nghiệp kia cười sung sướng. Tôi nhìn họ rồi tự nhủ việc quái gì mà tôi phải làm khổ mình, thực ra đại úy Delon cũng chỉ đặt câu hỏi một cách nghiệp vụ, hoàn toàn không ẩn ý, yêu cầu duy nhất của hắn là một tấm chân dung của T. Tóm lại, nếu tôi không có tội thì không ai có thể nhốt tôi vào tù.
Dầu sao tôi cũng phải thừa nhận đã vội vàng tin vào sự nhã nhặn và lịch thiệp của cảnh sát, đã cảm động thái quá trước hai cốc cà phê nóng có bỏ đường viên của các vị thanh tra. Linh tính cho biết chỉ vài ngày tới, rất có thể tôi sẽ phải đi đến những nhận xét ngược lại.
7h15 tối, tôi đứng lên mặc áo khoác. Cái đói làm tôi hoa cả mắt. Và bụng thì đình công. Nó không còn phát ra những tiếng ùng ục. Nó kiệt sức vì từ sáng đến giờ chỉ được một cái bánh sừng bò mỏng. Hành động phản kháng quyết liệt nhất của nó là bất động hoàn toàn. Một khoảng trống ngay thắt lưng làm tôi đau quặn. Lúc tôi đi ngang phòng thường trực, cô nhân viên tổng đài lên tiếng chào rồi làm như vô tình hỏi: “gặp chuyện gì mà cảnh sát thành phố gọi điện vậy?”. Tôi trấn tĩnh nhanh chóng và bảo có một vụ trộm nhỏ trong khu nhà tôi ở, nên tất cả mọi người đều được cảnh sát gọi điện để hỏi thông tin. Cô ta không nói gì và tôi bỏ đi. Ra đến cổng tôi vẫn thắc mắc không hiểu sao sáng nay cô ta đã không báo trước mà ngay lập tức chuyển cho tôi cú điện thoại của viên đại úy. Theo luật của công ty, tất cả các cú điện thoại từ ngoài gọi vào đều phải được nhân viên tổng đài giữ lại và chỉ chuyển cho người nhận nếu người này đồng ý. Tôi có cảm giác còn khó chịu hơn cả lúc trưa, sau khi nói chuyện với viên đại úy. Thế nghĩa là Delon đã phá được luật của công ty, hắn chẳng biết sợ ai, và cười khẩy vào cái công ty dược phẩm tư nhân vớ vẩn này (điều này thì công nhận là hắn đúng). Rất có thể hắn đã tự giới thiệu là người của sở Nội Vụ thành phố và lấy tư cách cảnh sát đặc vụ để trò chuyện khá lâu với cô trực tổng đài, sau đó thuyết phục được cô ta chuyển thẳng điện thoại cho tôi. Nhưng tại sao hắn không muốn cô ta xin ý kiến tôi? Hắn lo tôi không chịu tiếp chuyện hắn? Hắn cho là tôi phạm tội nên sợ cảnh sát, và tránh nhân viên hình sự? Hắn đã hỏi vặn cô tổng đài những gì về tôi? Mà trên thực tế thì cô ta biết gì về tôi? Sao bỗng dưng tối nay cô ta lại lên tiếng chào tôi rõ to? Đằng sau câu chào đó, dường như là sự nhờn mặt, miệt thị hoặc một điều gì không biết nữa.
Tàu điện ngầm đông cứng. Hai lần tôi bị giày mũi nhọn huých vào chân đau điếng, nhưng vẫn không quên nổi cảm giác khó chịu mà viên đại úy gây ra. Tôi phải nắm chặt cái cặp mới giữ được nó không tuột khỏi tay. Thỉnh thoảng tôi bị những người bên cạnh ẩy ra, hình như tôi đã mệt quá mà dựa lưng vào họ. Một phụ nữ còn lên giọng bảo: “đừng có lợi dụng lúc giờ cao điểm để giở trò mất dạy”. Nhưng chị ta nói tiếng Pháp bằng một giọng lơ lớ nên chẳng được ai để ý. Chưa bao giờ tôi rơi vào tình trạng kiệt quệ như vậy. Tôi về đến nhà đúng 8h tối. May mà không lỡ lần chuyển tàu nào.
II
Tôi vừa bước vào phòng thì Paul báo cách đây hai phút, ai đó gọi cho tôi, không để lại tên nhưng có cho số điện thoại, đề nghị tôi gọi lại vào giờ ăn trưa. Tôi không cởi áo khoác ngoài, tiến lại bàn làm việc của Paul, giật lấy mẩu giấy màu vàng trên tay anh ta. Đúng như tôi tiên đoán, viên đại úy đã gọi đến đây. Nghĩ tới hắn là tôi chán nản. Không hiểu bằng cách nào mà Delon nắm được lịch làm việc của tôi, bởi vì chỉ Paul và sếp trực tiếp của tôi mới rõ 9h sáng hôm nay tôi phải đến gặp phó giám đốc tài chính để chuyển cho ông ta chiếc đĩa mềm ghi phiếu trả lương. Tổng cộng mất mười lăm phút kể cả thời gian trong thang máy và thời gian vượt một hành lang năm chục mét bằng đúng chiều rộng của ngôi nhà. Delon biết điều đó nên cố tình gọi điện cho tôi trước 9h15, thừa lúc tôi vắng mặt đã bắt chuyện với Paul. Hắn nhất định không cho Paul biết tên riêng (mặc dù rất muốn khoe cái họ nổi tiếng của mình) và chức vụ (cũng muốn khoe không kém) để Paul không ngần ngại mà trả lời các câu hỏi hắn đặt ra.
Trên mẩu giấy màu vàng, bên cạnh số điện thoại của Delon, tôi thấy một xê-ri hình lò xo, cái này chồng lên cái kia. Làm việc cùng phòng với Paul, tôi biết anh ta có thói quen vẽ hình lò xo mỗi khi nghe điện thoại. Bàn của Paul bao giờ cũng có sẵn mấy tờ giấy dành cho hình lò xo các loại, lúc to lúc nhỏ, lúc dài lúc ngắn, không hiểu được sáng tác từ cảm hứng nào nhưng bao giờ cũng chứa những hình tròn thật tròn. Thói quen đó, Paul có trước khi đến đây làm việc. Mới đầu tôi đồ anh ta mang mốt của công ty khác về. Sau lại nghĩ không hiểu có ông sếp nào chịu vẽ hình lò xo khi nghe điện thoại. Tôi đã nhiều dịp đến gặp các cấp trên, và luôn luôn chứng kiến trước mặt họ là những tờ giấy nhằng nhịt các con số và các kí hiệu nhưng chưa bao giờ là những hình lò xo.
Mới đây tôi xem một bộ phim trong đó nhân vật chính (một cựu nhân viên CIA) tình cờ giải mã được những kí hiệu đặc biệt mà trưởng phòng của anh ta đã ghi trên tập giấy nháp, từ đó anh ta đi đến một kết luận cực kì quan trọng: trưởng phòng làm việc hai mang cho đối thủ của công ty; nhân phát hiện này, ban giám đốc triệt hạ được đối thủ cạnh tranh số một, và để thưởng công đã tặng anh ta cái ghế trưởng phòng. Một happy end đầy tính Hollywood! Nhưng phải công nhận là diễn viên vào vai trưởng phòng thật tuyệt, mấy ngày liền tôi bị ám ảnh, đến độ nhìn trưởng phòng nào cũng thấy hắn trong đó. Tôi đã kiểm tra kĩ các kí hiệu hắn ghi trên tập giấy nháp (thường xuyên được quay cận cảnh trong phim) nhưng không tìm thấy hình lò xo. Có thể nhờ thế mà tôi hiểu rằng thói quen vẽ hình lò xo của Paul không bắt nguồn từ một cấp trên nào cả mà là thói quen riêng của chính anh ta, nhưng nó được hình thành trong hoàn cảnh nào thì tôi không biết, khéo bản thân Paul cũng chẳng biết.
Những hình lò xo trên mẩu giấy vàng, bên cạnh vẫn là số điện thoại của viên cảnh sát. Tôi cố đoán tâm trạng của Paul khi tiếp chuyện Delon. Chúng chồng chéo vào nhau, không theo một logic nào cả và tôi đành bó tay, nhưng nhằng nhịt thế kia có nghĩa là cú điện thoại khá dài. Bỗng Paul hỏi: “chuyện gì vậy, có nghiêm trọng lắm không?”. Tôi nhắc lại cái câu tôi từng dùng để trả lời cô trực tổng đài tối hôm qua. Paul tỏ vẻ ngạc nhiên: “không ngờ được đấy mà là thanh tra cảnh sát”. Tôi không hiểu Paul hàm ý gì. Chẳng lẽ Delon đã tỏ ra nhã nhặn đến thế. Nhưng dù đóng kịch giỏi đến đâu thì thói lịch sự thông thường cũng không cho phép hắn nói chuyện về người khác sau lưng. Khi tôi không có mặt ở văn phòng thì hắn ta, nếu muốn tỏ ra nhã nhặn, phải tự động đặt máy xuống sau khi để lại họ tên và số điện thoại. Cả hai động tác ấy tổng cộng có lẽ chỉ mười giây là cùng. Đằng này hắn đã tranh thủ hỏi han Paul, rất có thể trong mười ba phút liền (từ 9h sáng đến hai phút trước khi tôi vào phòng). Mười ba phút mà biết sử dụng tối đa thì khai thác được bao nhiêu thông tin quan trọng. Nghiệp vụ cảnh sát hẳn giúp hắn đắc lực. Tôi tưởng tượng bỗng dưng nhận được một cú điện thoại của ai đó muốn thăm dò đời tư của Paul lúc Paul đi vắng. Không biết có khi nào xảy ra không đây?
Mất một hồi lâu tôi vẫn không quyết định được sẽ xử sự thế nào trong trường hợp ấy, sẽ bực mình đập máy xuống hay vờ như không biết rồi cung cấp tất cả những gì tôi rõ từ mấy tháng nay về đồng nghiệp cùng phòng. Rồi tôi lại tự hỏi nhưng trên thực tế tôi biết gì về Paul. Ngoài thói quen vẽ hình lò xo khi nghe điện thoại, anh ta còn một thói quen khác là chốc chốc tháo kính, hà hơi mạnh cho hai mắt kính đẫm nước, cuối cùng rút vạt áo sơ-mi ra lau. Một lần, tôi đã tặng anh ta một tệp giấy ẩm lau kính, nhưng sau lại đâu vào đó. Bây giờ mỗi khi thấy anh ta tháo kính là tôi tìm cách trốn ra ngoài hành lang. Hơi thở của Paul có mùi khá nặng, hăng hăng như mùi đất đèn. Có cảm giác anh ta bị một bệnh cực nặng liên quan đến đường hô hấp, nhưng không dám nói ra, sợ chẳng đồng nghiệp nào muốn làm việc chung phòng. Đôi khi, giữa ánh sáng ảm đạm của buổi chiều muộn, bụi vẩn lên từ đám không khí trước mặt Paul khiến tôi liên tưởng tới một đàn vi trùng đông đúc, trong điều kiện chật hẹp và ấm áp của văn phòng, đang sinh sôi và phát triển bằng một vận tốc đáng ngờ, chẳng mấy chốc sẽ tiến thẳng vào buồng phổi của tôi.
Cuối cùng, tôi cũng không biết là nếu được hỏi, sẽ cung cấp cho cảnh sát những tin tức gì về đời tư của đồng nghiệp cùng phòng. Hai thói quen của Paul nghe chừng vô giá trị, chắc tôi vừa đề cập, người ta đã gạt đi. Căn bệnh liên quan đến đường hô hấp, người ta cũng sẽ gạt đi nốt, lý do chưa có bằng chứng cụ thể. Tốt nhất là đề nghị cảnh sát liên lạc trực tiếp với bác sĩ của anh ta, hay với Brunel, tôi tin là hắn ta biết rõ tình trạng sức khỏe của từng nhân viên, Paul vừa đến làm việc được mấy tháng, giấy chứng nhận y tế nộp lúc mới vào hẳn còn cập nhật. Đúng là tôi có vấn đề với hơi thở của Paul và căn bệnh liên quan đến đường hô hấp của anh ta, nhưng trong thâm tâm tôi hiểu điều làm tôi mất cảm tình với Paul không phải ở chỗ ấy.
Paul hỏi tiếp: “bọn trộm lấy đi cái gì vậy?”. Tôi ngây mặt. Anh ta tìm cách đặt câu hỏi một cách khác: “hàng xóm bị mất trộm đúng không?”. Tôi gật đầu. Để chấm dứt câu chuyện, tôi bảo: “chẳng mất gì cả, kẻ gian vừa bẻ khóa thì bị vợ chồng gác cổng phát hiện”. Nhưng tôi đã lầm, câu trả lời của tôi chỉ kích thích thêm trí tò mò của Paul. Anh ta chồm cả người lên bàn, hỏi với sang: “làm sao phát hiện ra hay vậy?”. Rồi cứ thế truy tôi về vợ chồng gác cổng, nào là họ trẻ hay già, vui vẻ hay lạnh lùng, người Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, nào là họ sống một mình hay với một đàn con, thâm niên bao nhiêu năm trong nghề, một khu nhà mà nuôi cả vợ lẫn chồng gác cổng thì phải trả phí cao lắm, mỗi hộ trung bình đóng bao nhiêu một quí… Tôi ngạc nhiên trước tính tò mò như gái già của Paul. Lần đầu tiên anh ta lắm lời như vậy với tôi. Ra hành lang, gặp các đồng nghiệp khác, anh ta tán như súng liên thanh. Nhưng cứ quay lại phòng, không hiểu sao Paul ít nói, thậm chí khinh khỉnh (thú thật là tôi không có ý định tìm hiểu nguyên nhân và trong thâm tâm thấy thế lại càng mừng). Làm việc cùng nhau mấy tháng nhưng hầu như chưa bao giờ chúng tôi nói chuyện riêng. Một đôi lần tôi mời anh ta cà phê và ngay sau đó, anh ta tìm cách mời lại, dường như để có qua có lại, xã giao là chính.
Tôi quyết định không trả lời các câu hỏi của Paul, cúi đầu làm việc, coi như không có chuyện gì xảy ra. Paul chắc cũng hiểu và trở nên im lặng. Cả phòng chỉ nghe tiếng ngón tay gõ lách tách vào bàn phím. Trong góc nhà, nhiệt kế chỉ số 25. Hơi thở của Paul hôm nay lại được dịp hâm nóng, đàn vi trùng mấy nghìn con có lẽ đang chen chúc chui từ phổi anh ta để ra ngoài sưởi ấm. Không khí ngột ngạt mùi đất đèn.
Một lúc sau, tôi nhận ra rằng ý nghĩ về đàn vi trùng hay mùi đất đèn còn dễ chịu hơn nỗi nghi ngờ về tất cả mọi thứ, có lẽ đã xuất hiện vào lúc 9h15 khi Paul thông báo cho tôi cú điện thoại của viên đại úy Delon. Xê-ri hình lò xo vẫn còn nguyên trên bàn, tôi nheo mắt một lần nữa và phát hiện các hình tròn trong đó càng về sau càng kém tròn, dường như chúng không được vẽ bằng một nét, mà vài nét ghép lại. Ngay từ trẻ con, người nào cũng đã được học trong sách giáo khoa sinh vật rằng khi thần kinh não bỗng dưng mất tập trung thì các bộ phận khác trên cơ thể cũng hoạt động kém hẳn (ví dụ đang chạy rất nhanh nhưng chợt nhớ tới bài kiểm tra phải làm ngày mai thì chân tự nhiên chậm lại, tay cũng uể oải, miệng phát mấy tiếng thở dài). Từ đó suy ra trong lúc tiếp điện thoại viên đại úy, một hay vài điều nghe được đã lần lượt chi phối đầu óc của Paul để bàn tay anh ta không còn khả năng vẽ nên những vòng tròn rất tròn như lúc ban đầu. Đó là những thông tin gì? Có phải chỉ về chuyện T mất tích hay còn liên quan tới cá nhân tôi? Nếu liên quan tới cá nhân tôi, thì chúng quan trọng đến mức độ nào mà Paul không muốn cho tôi biết? Hay chính viên đại úy đã đề nghị Paul đừng kể với tôi? Các câu hỏi làm tôi rối bời. Mùi đất đèn mỗi lúc trở nên ngột ngạt hơn.
Tuy không nhìn sang phía Paul, tôi vẫn có cảm giác anh ta đang chăm chú theo dõi tôi. Thỉnh thoảng tiếng lách tách của bàn phím bỗng dưng dừng lại một cách đáng ngờ, y hệt như con mèo đùa với cuộn len nhưng ai cũng biết mục đích chính của nó không phải là tháo len cho bà chủ mà là rình rập con chuột nấp trong góc nhà.
Tôi thấy mệt mỏi làm sao, căn phòng chập chờn, màn hình như ống kính vạn hoa, thoắt ẩn thoắt hiện những kí hiệu chưa từng biết, những chữ cái lạ lùng hơn Ấn tự. Thế mới hay chẳng ai muốn có vấn đề với cảnh sát. Tôi có cảm giác cuộc đời bỗng dưng bị xáo trộn vì sự ra đi của T thì ít mà vì viên đại úy Delon thì nhiều.
Giọng Paul thình lình kéo tôi về thực tại. Tôi nghe anh ta hỏi: “sao không gọi điện cho viên đại úy đi?”. Những âm cuối cùng được kéo dài hơn bình thường, trở nên ê a, rõ vẻ chọc ghẹo hay mỉa mai thường được dành cho các nạn nhân bất hạnh. Tôi chợt nhớ ra rằng từ sáng tới giờ, chỉ có anh ta đặt câu hỏi, trong khi trên thực tế, người đặt câu hỏi phải là tôi. Bằng cách nào mà anh ta lại biết chủ nhân cú điện thoại lúc 9h sáng mang chức vụ đại úy? Ban nãy tôi chỉ nói rằng đó là một thanh tra cảnh sát. Cái cách anh ta thúc tôi liên lạc lại với Delon cứ như một sự vụ đại quan trọng cũng vô lý không kém. Tôi chẳng đã giải thích vụ trộm không mất gì và tất cả dân cư trong khu nhà đều được cảnh sát hỏi thăm đó sao. Nếu tôi có việc cá nhân cần trao đổi qua điện thoại thì anh ta phải tự động bước ra khỏi phòng. Anh ta cố tình ngồi lại có phải để kiểm tra những điều tôi sẽ trả lời viên đại úy? Anh ta biết là tôi khó chịu với cảnh sát? Anh ta hành động như vậy chỉ vì tò mò hay theo mệnh lệnh của ai?
Không ngẩng lên, tôi nói với Paul : “đến giờ ăn trưa mới phải gọi lại chứ?”. Tuy cố trấn tĩnh nhưng giọng tôi vẫn không bình thường. Suốt từ sáng, đây là lần đầu tiên tôi hỏi lại Paul. Tôi có cảm giác đang đối diện với viên đại úy cảnh sát chứ không phải một đồng nghiệp cùng phòng từ mấy tháng nay. Cùng cảm giác đó là nhận thức về sự yếu đuối thảm hại của mình. Thật là bất công. Tại sao người ta lại bất công với tôi như vậy? T mất tích. Cô ấy có quyền bỏ đi mà không cần xin phép ai. Nhưng tôi thì ở lại. Và đó đâu phải là lỗi của tôi. Tôi ngả toàn thân vào ghế để khỏi bị ngã xuống sàn. May mà ghế đã rộng lại có thành cao và dày. Không biết có phải vì các nhà sản xuất đã dự tính những giây phút nguy kịch thế này?
Bên kia, những tiếng lách tách gõ vào bàn phím cũng dừng. Chắc Paul bất ngờ trước câu hỏi của tôi. Tôi ngẩng lên nở một nụ cười. Phòng làm việc không có gương soi nhưng tôi biết là nó nhàu nhĩ, y hệt những ngón tay tôi và cả chiếc áo trên người, mấy ngày rồi chưa thay. Paul im lặng còn tôi tiếp tục cười, cho đến khi anh ta quay mặt đi, có lẽ để giấu cảm giác khó chịu (hay kinh tởm không biết chừng). Không có chuyện này thì anh ta cũng đủ ghét tôi lắm rồi.
Giờ ăn trưa cuối cùng cũng đến. Tôi xuống căng-tin mua một suất ăn nhanh. Lúc quay lại, tôi nấn ná ở hành lang, tận mắt chứng kiến Paul đi vào thang máy, mới bước về phòng. Cái bàn trống không của anh ta khiến tôi thấy bình tĩnh hơn. Tôi tự nhủ không gọi điện cho viên đại úy ngay. Tôi sợ hắn ta lại làm hỏng bữa trưa của tôi. Tôi sợ tối nay, trong tàu điện ngầm, lại phải dựa lưng vào những người bên cạnh. Tôi ngồi nhá bánh mì, và để bớt căng thẳng, mở một cuốn họa báo ra xem. Vượt qua hơn chục bộ ngực các loại, tôi dừng lại ở đôi vú trần vĩ đại của Emmanuelle Béart. Cô ta đang khỏa thân dưới nước. Mặt trời chói chang chiếu vào hai đầu vú đỏ nhòn nhọn. Cặp mông cũng tuyệt làm sao. Thấy rõ cả những sợi lông màu hung mịn màng. Chúng khiến suất ăn nhanh trở nên dễ nuốt hơn. Khúc bánh mì kẹp thịt hun khói trông thế mà cung cấp nhiều năng lượng ra trò. Uống xong cốc nước cam, đầu óc tôi sáng sủa hơn hẳn. Tôi nghĩ có lẽ sáng nay đói quá mà trở nên bi quan, rồi nhìn gì cũng thấy âm u. Sau đó lại nghĩ chút nữa, trước khi xuống tàu điện ngầm, sẽ ghé quán sách mua thêm mấy cuốn họa báo có Emmanuelle Béart, bộ ngực cô ta tôi không sao quên nổi, và đôi môi, tôi chưa từng thấy một đôi môi phụ nữ ngọt ngào như thế. Nhất định là chỉ nghĩ tới thôi cũng đủ rung động ở một chỗ nào đó. Tôi móc trong ngăn kéo ra thanh sô-cô-la mua tuần trước. Mấy ngày qua nó bị bỏ quên hoàn toàn. Tôi tự nhủ dù sao cũng phải nghĩ đến bản thân. Tôi chẳng làm gì nên tội. T mất tích thì cảnh sát cứ việc đi tìm. Tựu chung thì bỏ nhà ra đi không phải là một tội ác. Trong gia đình, chúng tôi không bao giờ sử dụng từ “bắt buộc”. Tôi không hét toáng lên yêu cầu nhà chức trách gọi cô ấy về thì thôi, cảnh sát có lý gì bắt tôi mấy bữa trưa liền gặm bánh mì khô giữa đám sổ sách nham nhở bụi bặm. Ngày mai tôi sẽ xuống căng-tin làm một bữa có cả dao lẫn dĩa và khăn ăn. Tôi sẽ thưởng thức khoanh bít-tết hai lạng và ly rượu vang êm, như Paul hay bất cứ đồng nghiệp nào trong công ty. Tôi lao động cật lực và cần được ăn uống đàng hoàng. Nói đúng ra thì công ty cũng không bỗng dưng mà chi nhiều tiền cho rượu vang và. Kinh nghiệm kế toán cho biết các vụ chi thêm cho căng-tin gắn liền với các dự án mới mà các sếp hò nhân viên làm việc như các tay chơi thúc gà chọi trên đấu trường. Để gà mình quật ngã gà đối phương họ cho nó ăn gan ngỗng béo rán vàng. Để dự án công ty mình đè bẹp dự án của đối thủ Đức, ban giám đốc bồi dưỡng chúng tôi bít-tết hai lạng và rượi vang êm.
Tôi nhìn đồng hồ, cảm giác yếu ớt lúc nãy cũng trôi qua, không hiểu nhờ bộ ngực Emmanuelle Béart hay thanh sô-cô-la Thụy Sĩ. Có lẽ cả hai. Các nhà nghiên cứu thực phẩm khẳng định chất ngọt mang lại cho con người cực nhiều năng lượng. Ý này thì không cần đọc trong sách giáo khoa sinh vật mà chỉ cần xem vô tuyến, mới đây mác kẹo Pháp nổi tiếng đã đưa ra một phim quảng cáo đẹp mắt, trong đó một thiếu nữ vừa mút kẹo vừa chạy dọc kè đá sông Seine, váy mỏng trong suốt để lộ cặp đùi dài luôn trong tư thế lao về phía trước, một xe ô-tô theo sát bên cạnh, kim vận tốc bất động ở số 80.
Còn nửa tiếng nữa mới hết giờ ăn trưa, tôi quyết định gọi điện cho viên đại úy. Tôi đã không còn ngại cả cảnh sát lẫn Paul, nhưng dù thế nào cũng không muốn tiếp chuyện Delon dưới sự giám sát của đồng nghiệp cùng phòng. Đầu dây bên kia không có ai cầm máy. Chuông reo lần thứ năm thì một giọng nữ hỏi muốn nói chuyện với ai. Tôi đưa tên đại úy. Giọng nữ hỏi tiếp có việc gì vậy. Tôi đưa tên T. Giọng nữ bảo đáng tiếc đại úy đang đi công tác. Tôi nói không sao, sẽ gọi lại sau, rồi đặt máy, thở phào.
Hết giờ ăn trưa, tôi ra máy tự động, tự thưởng một tách Capuchino. Cà phê Ý thơm lừng. Hóa ra các sếp cũng chịu chi thật. Không biết dự án mới quan trọng đến mức nào. Thấy Paul từ xa, tôi lấy thêm tách nữa. Hôm qua anh ta đãi tôi. Hôm nay tôi trả lại. Với Paul, tôi thấy cứ sòng phẳng cho xong chuyện. Lần đầu tiên từ mấy ngày nay, cảm giác yên tĩnh mới mon men trở lại, không biết trụ được bao lâu. Đợi Paul đến gần, tôi đưa cho anh ta tách cà phê, rồi vào phòng nhấc máy, bấm số tổng đài. Hắng giọng, và bằng một câu khá dài nhưng rõ ràng, tôi đề nghị cô thường trực rằng từ nay những ai không thuộc công ty mà muốn nói chuyện với tôi, nhất định cô ta phải hỏi ý kiến tôi rồi mới chuyển điện thoại. Cô thường trực có vẻ bất ngờ, im thin thít. Tôi thừa thế, hắng giọng lần nữa và nói thêm đó là luật chung của công ty, đừng để tôi bị ban giám đốc khiển trách đang giờ công sở mà làm chuyện cá nhân. Cô thường trực nghe xong, lí nhí trả lời : “vâng, thưa ông”. Tôi thấy khoái vì cụm từ “luật chung” có hiệu lực nhanh không ngờ. Với các đồng nghiệp, đặc biệt là các vị thường trực, cứ phải luôn luôn nhắc lại mớ thuật ngữ tùy thân: công ty, ban giám đốc, hỏi ý kiến, khiển trách, phê bình, thảo luận, thống nhất… Tập thể, tóm lại, là tấm áo giáp lý tưởng. Tôi soát lại mớ thuật ngữ, rồi dừng lại ở từ “quyền con người”. “Quyền con người” chợt nghe thì ngỡ chỉ mang tính cá nhân, nhưng thử nghĩ mà xem bao nhiêu tổ chức, bao nhiêu quốc gia nấp đằng sau nó. Hơn cả một tấm áo giáp lý tưởng, “quyền con người” còn là vũ khí khá ư lợi hại mà người ta sử dụng để thanh toán lẫn nhau. Điều này không học được ở sách giáo khoa vật lý mà chỉ cần xem vô tuyến truyền hình. Tổng thống Chirac trong tất cả các diễn văn đọc tại Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đều đem “quyền con người” ra dọa. Các nhà đối kháng của các nước thứ ba cũng đem “quyền con người” ra dọa. Những người tham gia biểu tình ở quảng trường Cộng Hòa cũng đem “quyền con người” ra dọa. Và hầu như ai cũng đạt được mục tiêu của mình: tổng thống Chirac kí giao kèo bán mười mấy chiếc Airbus cho hàng không Trung Hoa; các nhà đối kháng các nước thứ ba nhận giấy mời đến dự quốc khánh tại lãnh sự quán Hoa Kỳ; những người tham gia biểu tình ở quảng trường Cộng Hòa được nhà chức trách hứa tăng lương, gia hạn hợp đồng làm việc, hoàn 100% chi phí nhổ răng… Vậy thì tại sao tôi lại quên phéng “quyền con người”? “Quyền con người”, tôi thích thú lẩm nhẩm, vũ khí lợi hại của các quốc gia Tây Âu, áo giáp lý tưởng của các vị tai to mặt lớn, kế toán còm như tôi chỉ thỉnh thoảng khoác nhờ để tránh mấy viên đạn lạc. Và bao giờ cũng phải hắng giọng như thể chuẩn bị phát biểu một hệ trọng quốc gia. Hắng giọng, không hiểu thói quen của cấp trên nào đã trở thành mốt cho các cấp dưới, tôi cố mãi mà không bỏ nổi để đến bây giờ đâm lại được nhờ.
Không quay sang Paul, tôi cũng hình dung ra khuôn mặt tưng hửng của anh ta. Tách cà phê có lẽ đang run trong tay. Tôi biết thế cờ đã chuyển hướng. “Vâng, thưa ông”, có thế chứ. Vẳng trong óc tôi câu trả lời yếu ớt của cô thường trực tổng đài.
III
Bà vợ ông gác cổng bảo hôm nay ở mẫu giáo Hanah ăn uống kém lắm, bữa trưa hầu như không động thìa, lại muốn bỏ cả bữa phụ. Tôi im lặng. Bụng tôi tiếp tục cuộc đình công cách đây hai tư tiếng. Bữa trưa của tôi là suất ăn nhanh thảm hại (may mà có bộ ngực của Emmanuelle Béart hỗ trợ), tôi không có một bữa phụ nào cả, nhưng phải chép vào máy tính mấy chồng hóa đơn dày bằng gang tay. Vào làm ở công ty vài ngày tôi mới biết rằng ngoài phiếu trả lương, tôi còn phải gánh thêm việc thanh toán công tác phí cho nhân viên. Thực ra, trong hợp đồng làm việc có ghi, tôi đọc nhưng không mấy để ý. Trước đây tôi từng là kế toán cho một trường trung học, các giáo viên cả đời chẳng đặt chân ra khỏi biên giới nước Pháp, hiệu trưởng nếu đi thăm quan trường bạn thì ăn cơm chiêu đãi rồi ngồi tàu nhanh về nhà ngay trong đêm. Ngược lại, công ty bây giờ phải lập một ngân sách lớn cho công tác phí. Hóa đơn đa phần làm ở các nước Đông Âu, vài trăm đô-la một bữa cơm khách sạn bốn sao. Người Pháp hay nhắc đến món “porch” mà lính Sa hoàng sì sụp trong “Chiến tranh và hòa bình”, hóa ra chỉ nhắc trên sách vở. Hóa đơn đến tay tôi hầu như cái nào cũng bắt đầu bằng trứng cá đen và rượu vodka, rồi vịt rút xương, thăn ngỗng rán, gà non om, thỏ quay giòn… chỗ đâu mà dành cho xúp bắp cải chua, khách sạn bốn sao cũng chẳng nỡ đưa lên thực đơn đặc biệt. Không hiểu sao mỗi lần chép hóa đơn Đông Âu vào máy vi tính tôi lại thở dài. Ban giám đốc đọc xong không thở dài mà nghiến răng: “đớp gì mà khiếp thế không biết”, như thể chính tôi là kẻ đã ăn trứng cá đen và những món cao cấp kia.
Bà vợ ông gác cổng nhìn tôi chăm chú, dường như chỉ muốn hỏi xem tôi có tin tức gì của “bà nhà”. Thấy tôi kéo Hanah ra thang máy, bà ta vội vàng chạy vào bàn rồi quay ra đưa một tệp thư. Cái trên cùng phong bì to khác thường, không dán tem nhưng có chữ “khẩn” đỏ chói, góc trái đóng dấu “sở Nội Vụ thành phố”. Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì bà ta đã giải thích rằng trưa nay một người đàn ông phóng xe máy tới đưa bức thư này. Muốn cho câu chuyện có đầu có đuôi và hấp dẫn, bà kể thêm là anh ta đã leo bộ một mạch lên tầng năm, bấm chuông căn hộ nhà tôi, đợi mấy phút lại sang bấm chuông căn hộ bên cạnh, cũng không thấy ai thì xuống gõ cửa nhà bà ta, đưa xong bức thư rồi bỏ đi ngay, đầu vẫn đội mũ bảo hiểm xe máy.
Hanah đã lên giường đi ngủ. Từ mấy ngày nay, bữa tối của chúng tôi chỉ gồm đồ đông lạnh quay lò vi sóng. Thực ra nó chẳng ăn mấy, nhiều khi uống một cốc sữa nhỏ rồi lên giường. Tôi với nó hầu như không trao đổi gì với nhau, chỉ một lần duy nhất nó hỏi T đâu, tôi hơi ngại nhưng cũng trả lời một cách ngắn gọn là T mất tích, sau đó im lặng vì không biết nói gì hơn. Bình thường Hanah cũng ít chuyện, và cái tin T mất tích dù bất ngờ đến mấy cũng không thể thay đổi bản tính kiệm lời của nó, nếu không nói là con bé còn trở nên lặng lẽ hơn. Hanah có vẻ khác trẻ con cùng tuổi nhưng dù sao vẫn quá bé để hiểu được chuyện của người lớn. Tôi không thể giải thích cho nó rằng T mất tích không phải là lỗi của tôi, cũng chẳng phải lỗi của cô ấy. Ra đi hay ở lại là quyền của mỗi người. Tôi không có gì mà tâm sự với nó. Tâm sự với người thân là một điều tôi chưa từng nghĩ tới. Hồi còn nhỏ, tôi hay tưởng tượng ra trước mặt một con gấu lông xám rồi kể cho con thú nghe hết những trò quỉ quái như: chọc mù mắt con mèo nhà hàng xóm, nhìn trộm quần trong của cô giáo, sờ đùi đứa bạn gái cùng bàn… Mẹ tôi chưa bao giờ được ngồi vào chỗ của con gấu lông xám, bố tôi lại càng không. Tôi luôn được nghe các nhà sư phạm khuyên rằng phụ huynh phải trở thành chỗ dựa tinh thần cho trẻ nhỏ, để chúng không bao giờ phải giấu giếm điều gì.
Từ bé, tôi đã thấy lời khuyên này mâu thuẫn quá đáng: làm sao một đứa trẻ tin được rằng một người mẫu mực (thế mới trở thành chỗ dựa tinh thần của nó) lại có thể nghe nó kể lể mọi tội tình, nghe xong không đánh roi nào mà xoa đầu bảo đi chơi vui nhé. Một trong những bài học đầu tiên mà cuộc sống dạy cho con người là chỉ nên thú lỗi trong trường hợp biết chắc sẽ được tha thứ. Càng lớn, người ta càng áp dụng nó một cách hoàn hảo. Người ta mặc com-lê thắt cà-vạt (đôi khi còn chải đầu bằng va-dơ-lin) đến nhà thờ thổ lộ nỗi niềm cùng cha cố đạo, trong điều kiện cả hai phải ở trong một hộp kín, không nhìn thấy mặt nhau, không bị người thứ ba giám sát. Người ta cũng diện váy lụa và đeo nữ trang đến các khu giàu nhất thành phố để thổ lộ nỗi niềm với bác sĩ tâm lý, cũng trong điều kiện tương tự như trên: cả hai ở trong phòng riêng (có bình hoa và tranh phong cảnh), tuy đối diện trực tiếp với nhau nhưng mọi bí mật của bệnh nhân được giữ kín một trăm phần trăm, điều này không những được luật pháp bảo vệ mà còn được các tấm séc của bệnh nhân bảo đảm - phí bác sĩ tâm lý nhiều khi đắt gấp đôi bác sĩ chuyên khoa và đắt gấp ba bác sĩ đa khoa. Thời gian cuối, phòng khám tâm lý đánh bại nhà thờ: hơn hẳn các cha cố đạo chỉ biết nghe và tâu lại cho Chúa trời (nghe đã thấy cũ kĩ), các bác sĩ tâm lý sử dụng các thuật ngữ La-tinh và Sigmund Freud (nghe đã thấy khoa học) để tìm cách xóa bỏ tội lỗi cho bệnh nhân. Họ tài tình lôi từ cuộc sống riêng của mỗi người một chi tiết có thể giải thích được nguyên nhân tội lỗi - nếu bà không yêu con ruột của mình thì rất có thể vì bà chưa bao giờ được hưởng tình mẫu tử; nếu ông là một người chồng không chung thủy thì nhiều phần trăm là do vợ ông không đáp ứng được những đòi hỏi về tinh thần của ông (họ nhấn mạnh rằng tình dục cũng thuộc về tinh thần)… vân vân và vân vân.
Tóm lại, người ta đến gặp cha cố đạo hay bác sĩ tâm lý để thổ lộ nỗi niềm. Nhưng một vị luôn ngăn cách với người ta bởi bức vách kín đáo và một vị luôn đưa bút cho người ta kí séc thì khó lòng được đám đông ngày nay tin tưởng mà lấy làm “chỗ dựa tinh thần”. “Chỗ dựa tinh thần” chỉ là cụm từ đẹp mà các nhà sư phạm dạy dỗ các phụ huynh, rồi các phụ huynh sử dụng lại để dạy dỗ con cái, nhưng bọn trẻ có tin vào cái ấy không thì lại là chuyện khác. Phương Tây vẫn than vãn rằng phương Đông coi bác sĩ tâm lý là thứ vớ vẩn. Cá nhân tôi lại thấy đó chính là cái hay ho nhất hiện diện ở Á châu.
Đợi Hannah lên giường đi ngủ, tôi mới mở bức thư của sở Nội Vụ thành phố. Trái với dự đoán của tôi, chiếc phong bì to khác thường chỉ đựng một danh thiếp cỡ 15x20 in trên giấy cứng, ngoài những thông tin cần thiết như địa chỉ và số tổng đài sở Nội Vụ, còn ghi chức danh của Delon (chẳng hắn thì ai vào đây nữa), bên cạnh có một câu viết tay đề nghị tôi đến gặp riêng sáng thứ Hai tới. Tổng cộng mười từ mà lằng ngoằng hết cả danh thiếp. Thế mới biết chữ nhân viên cảnh sát còn ngán hơn chữ bác sĩ. Chữ bác sĩ chỉ gây ấn tượng cho các cụ già, nhưng chữ nhân viên cảnh sát thì khiến cả những người chưa già cũng khó ngủ.
Tôi cố hình dung lại chuỗi sự việc. Theo lời bà vợ ông gác cổng thì bức thư được chuyển đến đây trưa nay. Nhà tôi cách sở Nội Vụ khá xa, phải vượt nhiều ngã tư và một bùng binh thường xuyên gây tai nạn, có là tay lái lụa thì cũng phải mất bốn mươi lăm phút. Leo bộ lên tầng năm, hai lần gõ cửa và đợi cửa (cả căn hộ của tôi lẫn căn hộ hàng xóm), quay bộ trở lại tầng trệt, tìm căn hộ của các vị gác cổng, gõ cửa, bà vợ chắc chắn không mở ngay vì ngại bị phát hiện nhìn trộm qua ri-đô (ri-đô của các vị gác cổng bao giờ cũng làm bằng chất liệu rất lạ, trông thì dày cộm nhưng nhìn từ bên trong lại rõ mồn một các hoạt động bên ngoài). Tất tần tật không thể nhanh hơn mười phút. Bốn mươi lăm phút trên đường cộng mười phút là xấp xỉ một tiếng. Như vậy, bức thư được Delon viết khoảng 11h sáng, thậm chí có thể sớm hơn vì sau đó còn phải tìm nhân viên chuyển thư, nhân viên chuyển thư thế nào cũng phải ra máy tự động làm vài cốc cà phê cho ấm bụng, viên đại úy không chừng phải chạy theo mà năn nỉ. Trong khi đó, lúc 9h sáng, nghĩa là chỉ cách đấy có một tiếng, chính Delon đã gọi đến văn phòng, rồi qua Paul đề nghị tôi gọi lại vào giờ ăn trưa. Tại sao lại mâu thuẫn như vậy? Có phải vì không tin tôi sẽ gọi lại nên Delon đã viết thư triệu tập, để tôi không có cách nào mà từ chối: gọi điện ư? - 8h tối tôi mới về đến nhà, sở Nội Vụ đã đóng từ lâu (nhân viên sở Nội Vụ vô cùng tôn trọng luật làm việc 35 tiếng/một tuần); viết thư ư? - cả hai ngày cuối tuần bưu điện không làm việc (nhân viên bưu điện cũng vô cùng tôn trọng Martine Aubry).
Càng hình dung lại chuỗi sự việc, tôi càng không sao hiểu nổi viên đại úy. Delon muốn gì ở tôi? Chẳng lẽ hắn bắt tôi nghỉ làm một buổi sáng chỉ vì tấm ảnh chân dung của T? Tại sao tay nhân viên chuyển thư ấy lại không đưa ngay nó cho các vị gác cổng mà mò lên tận căn hộ của tôi, rồi gõ cửa như thể có ai đang ở trong nhà? Delon biết thừa tôi đã đến công ty (điều này được Paul chứng nhận) nhưng vẫn ra lệnh cho tay này gõ cửa nhà tôi, sau đó lại sang gõ cửa căn hộ bên cạnh, có phải để moi thông tin? Nhưng nếu muốn moi thông tin thì moi ở các vị gác cổng là được nhiều thông tin nhất? Không chừng các vị ấy đã cung cấp nửa tiếng thông tin? Giữa vợ chồng ông gác cổng và viên đại úy Delon, phải nghe ai bây giờ? Câu hỏi khiến tôi phì cười, đương nhiên là chẳng vị nào đáng một móng tay tin cậy. “Anh ta leo bộ năm tầng cầu thang”, “anh ta không tháo mũ bảo hiểm xe máy”, “anh ta đưa thư xong thì đi thẳng”… Bà vợ ông gác cổng tưởng tôi ba tuổi hay sao?
Tôi tiếp tục mở đống thư từ. Hóa đơn điện nước. Hóa đơn điện thoại. Ca-ta-lô đồ lót. Quảng cáo tắm nước suối Thalasso miễn phí (với điều kiện ăn hai bữa tại khách sạn)… Thư ngân hàng của T khiến tôi giật mình. Lâu nay tôi quên mất là T còn có một tài khoản riêng. Ngay từ đầu, chúng tôi đã mở một tài khoản chung cho mọi chi phí trong nhà, hàng tháng mỗi người góp vào đấy một số tiền như nhau. Sau ngày Hanah ra đời, số tiền ấy tăng dần và hầu như chiếm chọn lương tháng của cô ấy. Tài khoản riêng của T, mở từ ngày mới đến Pháp, theo thời gian teo tóp đến nỗi lâu lắm rồi không nhận được bảng kê khai thu chi hàng tháng (ít ra là tôi không còn nhìn thấy chúng trong nhà).
Bức thư ngân hàng của T để trước mặt. Mấy phút sau tôi vẫn không biết nên làm thế nào. Mở thư trộm dù sao cũng là một điều không hay ho. Nhất là thư thông báo tài khoản riêng. Với tôi, đó là bí mật tài chính của mỗi cá nhân. Chỉ cần hơi có kinh nghiệm một chút là kẻ đọc trộm sẽ rõ các hoạt động của đối tượng. Chẳng hạn, 48,60 euro, 8h05 ngày mồng một hàng tháng, là tiền vé tàu điện ngầm. Chẳng hạn, 10,30 euro, thứ Ba hàng tuần, là tiền mua xổ số cá ngựa. Chẳng hạn, 12,50 euro, 7h15 tối hôm qua, là tiền ba tờ họa báo chụp ngực Emmanuelle Béart… Tôi tránh đến ngân hàng cũng chỉ vì không muốn giáp mặt với những kẻ biết rõ bí mật tài chính của tôi. Có thể nói, tôi không chịu nổi vẻ mặt của các vị ấy. Tươi cười hay khinh khỉnh, cởi mở hay lạnh lùng thì vẫn có cái gì rất khó chịu, chẳng khác vẻ mặt của các vị gác cổng là bao. Nói cho cùng thì tất cả bọn họ giống nhau bởi đều nắm được các bí mật của người khác - một bên là bí mật tài chính, một bên là bí mật đời thường mà có kẻ còn gọi là bí mật nhân sự, tôi thấy cũng không phóng đại.
Đêm thứ Sáu, khu nhà cũng đỡ ồn hơn trong tuần. Qua rèm cửa sổ, chỉ thấy một màu đen thật đen. Thi thoảng vài vệt pháo sáng của lũ choai choai. Cảnh sát địa phương lâu lâu đến thăm bất ngờ để đem đi một hai đầu gấu, thế nhưng bọn trẻ vẫn không chán pháo sáng. Không hiểu chúng nó mua được ở đâu, và làm gì ra tiền mà mua. Các vị phụ huynh đổ lỗi cho Trung Quốc, đã sản xuất pháo sáng lại còn bán với giá rẻ mạt. Có lẽ vì thế mà họ ít chào T (với họ tất cả châu Á đều thuộc về Trung Hoa), đôi khi nhìn thấy cả hai vợ chồng nhưng chỉ lên tiếng chào mỗi mình tôi. Cách đây không lâu, một thằng bé thổi bong bóng xà phòng vào mặt T rồi chạy mất. T đuổi theo thì bị nó văng bậy và hét lên “đồ đĩ điếm”. Vừa hay tôi đi làm về, chân dài hơn nên túm được ngay, cho một cái bợp tai. Thằng bé bật khóc. Tôi hỏi tạo sao nó lại gọi T là “đồ đĩ điếm”. Nó im lặng một lúc rồi bảo “người lớn cả khu” đều nói thế, nó nghe được chứ không bịa ra. Tôi bắt thằng bé quay lại xin lỗi T, nó làm một cách hậm hực. Nhưng tôi không thể bắt “người lớn cả khu” xin lỗi cô ấy. Với dân Bắc Phi thì bất cứ ai lấy chồng da trắng đều là “đồ đĩ điếm”. Thực ra, chuyện này chẳng lạ gì ở Sài Gòn ngày trước: hàng xóm láng giềng của gia đình tôi cũng coi đàn bà bản xứ lấy Tây là gái làm tiền và chẳng bao giờ buồn mở miệng chào mẹ tôi. Và tuy mẹ tôi chẳng phàn nàn, tôi ngờ rằng bà không ít lần bị nhổ nước bọt sau lưng, thậm chí ngay cả trước mặt. Nhưng ba mươi năm đã trôi qua. Việt Nam thay đổi một cách chóng mặt. Bị bỏ rơi bởi các nước anh em xã hội chủ nghĩa cũng đang hoặc đói vàng mắt hoặc chia rẽ tơi bời, đồng bào yêu quí của tôi chỉ cần vài năm đã tiến bộ trông thấy trong cách đối xử với các quốc gia phương Tây (vốn bị coi là kẻ thù dân tộc, là văn hóa đồi trụy, là tư bản dãy chết). Ngày nay, giống như những nàng Lọ Lem tân thời, phụ nữ bản xứ lấy chồng ngoại được toàn thể xã hội Việt Nam chào đón nồng nhiệt. Không phóng đại, nhưng chính đó chính là lý do mà tôi vẫn ngần ngại không muốn cùng T quay lại Sài Gòn (cũng là nơi tôi đã sinh ra) : tôi sợ phải chứng kiến cảnh T ngượng ngùng khi được những người khác trầm trồ thán phục, « Trời ơi, sao mà lấy được chồng Tây vừa đẹp vừa giàu ! ». Ồ không, tôi không khoái đóng kịch, vai « bạch mã hoàng tử » lại càng không !
Đăng kí kết hôn buổi sáng thì buổi chiều tôi và T viết đơn xin nhà HLM. Trước đấy T đã là dân Clichy nên mọi thủ tục có vẻ thuận tiện. Hanah sinh được ít ngày thì chúng tôi nhận được giấy gọi từ tòa thị chính. Một người tự giới thiệu là phó phòng quản lý HLM của thành phố dẫn chúng tôi đi xem hai khu. Anh ta còn trẻ, nói nhiều và nụ cười thường trực trên môi. Tôi đã từng gặp các nhân viên môi giới bất động sản tư nhân và ngạc nhiên thấy anh ta chẳng khác gì họ. Có lẽ vì vậy mà năm năm rồi tôi vẫn hình dung lại anh ta một cách dễ dàng. Khu nhà đầu tiên mà chúng tôi được đưa đến đâm thẳng xuống đường cao tốc lớn nhất ngoại ô Tây Bắc, tôi không dám thò đầu ra ban công và lắc ngay lập tức. T im lặng còn anh ta cười bảo: “giao thông thế này thấm tháp gì so với Sài Gòn”. Sau thấy tôi cương quyết kéo T đi, anh ta nhún vai không bình luận thêm. Khu nhà thứ hai có vẻ yên tĩnh hơn, giá thuê nhà cũng cao hơn nên thang máy ít vỏ chuối và đầu thuốc lá, nhưng dù sao thì cái tên “Lối nhỏ thần tiên” cũng quá khiên cưỡng. Anh ta giải thích số chúng tôi may mắn vì gia đình thuê nhà trước đây ly dị nên vừa dọn ra hai căn hộ một phòng. Danh sách người xin rất dài nhưng chúng tôi được ưu tiên vì có con nhỏ và vì tòa thị chính rất quí kiều dân Việt Nam. Dường như thấy cả T lẫn tôi đều không nhạy cảm lắm với những từ “Sài Gòn” và “Việt Nam”, anh ta lên giọng kể vừa đi du lịch ba nước Đông Dương. T nhìn tôi, chúng tôi tiếp tục im lặng. Anh ta bảo thêm Việt Nam hay nhất, cơm Lào bứ kinh người còn Phnom-pênh sao mà bụi mù mịt, Trung Quốc thì không bao giờ có ý định đi, lý do là “nó chẳng nói với tôi điều gì”. “Nó chẳng nói với tôi điều gì”, anh ta nhắc lại hai lần liền. Tôi còn nhớ vẻ mặt của anh ta lúc ấy, mắt trợn lên còn cằm thì vênh vênh. Hình như ai khi nói câu đó cũng đều có vẻ mặt như vậy. Về sau, anh ta còn nhắc lại mấy lần nữa, nhưng tôi đã quên trong hoàn cảnh nào. Tôi và T đồng ý thuê căn hộ. Trên thực tế, chúng tôi chẳng còn lựa chọn nào khác chứ không phải vì nó “lý tưởng” và “rời ra một cái là có kẻ thuê ngay” như lời anh ta khẳng định. Chúng tôi không thể chia mãi với Hanah một diện tích hai mươi lăm mét vuông vừa để kê giường vừa để nấu ăn và thay tã. Suốt buổi thăm quan nhà, T chẳng đưa ra một lời bình luận. Ngay cả khi anh ta kể về Việt Nam. Ngay cả khi anh ta nhầm Sài Gòn thành Băng Cốc và Hội An là ngoại ô của Huế. Nói chung T ít nói. Không biết có phải cô ấy mặc cảm về trình độ tiếng Pháp. Tuy vậy, tôi cũng không cố tìm câu trả lời. Trong đầu tôi, đàn bà Việt, trừ dân làm ăn, còn lại đều kín đáo. Mẹ tôi là một ví dụ điển hình. Có những ngày, bà chẳng mở miệng nói câu nào. Không nghi ngờ gì nữa, vì lý do này mà để phá tan „sự im lặng kỳ quái“ (trong căn hộ của gia đình chúng tôi ở Pháp có mỗi bố mẹ tôi và tôi, ngoài ra còn thêm một bà giúp việc nhưng chỉ đến vài lần một tuần), bố tôi cứ về đến nhà là phải bật vô tuyến, và bao giờ cũng là một kênh ca nhạc. Đến độ giờ đây tôi có cảm giác nhớ giọng của các ca sĩ Nana Mouskouri và Françoise Hardi hơn là giọng của chính mẹ đẻ tôi. Đôi khi tôi tự hỏi: sự ít nói của bà có phải xuất phát từ nỗi buồn xa quê; nhưng tôi không tài nào có được câu trả lời chính xác. Càng ngày tôi càng tin chắc một điều rằng người sinh ra tôi là một bí hiểm khổng lồ. Khi còn bé, tôi vẫn nghe gia nhân trong nhà kháo nhau rằng mẹ tôi là „đồ con hoang“ (vì thế mà mặc dù lấy được chồng Tây giàu có, bà vẫn chẳng được họ hàng nào tới thăm và xin tiền). Sau này, tôi còn biết thêm điều này nữa: mẹ tôi cũng chẳng có bạn bè, cả ở Sài Gòn lẫn ở Pháp: ở Pháp, hầu như bà chẳng bước chân ra đường; ở Sài Gòn, bà rời nhà mỗi tuần một lần, nhưng để đi chơi tổ tôm trong một sòng bạc gần Chợ Lớn, nơi bà thường xuyên thua.
Bức thư ngân hàng của T vẫn khiến tôi bứt rứt không yên. Tại sao đang giữa tháng người ta lại gửi bảng kê khai chi thu cho T? Nếu T mới nhập tiền vào thì số tiền ấy ai đã cho T? Tôi chỉ thấy đôi lần T gửi tiền cho gia đình chứ chưa bao giờ nhận được tiền của họ. Số tiền này có dính dáng gì tới chuyện T mất tích? Tại sao viên đại úy lại nhấn mạnh rằng đây là “một vụ không đơn giản chút nào”? Tại sao cả hai thanh tra đồn cảnh sát địa phương đều nhắc đi nhắc lại “nếu có tin gì hay nhớ được điều gì thì liên lạc gấp”? Các vị ấy muốn tôi động não lên một chút? Các vị ấy đánh hơi được chuyện hệ trọng mà chưa tiện nói thẳng với tôi?
Tôi tìm cái kéo rồi bắt đầu cắt phong bì. Không ngờ tay run thế. Dự đoán của tôi không sai: ngân hàng thông báo số tiền 10.000 euro vừa được chuyển vào tài khoản của T. Bên cạnh không ghi thông tin cụ thể về người gửi, vỏn vẹn mỗi tên ngân hàng HB. HB, nếu tôi không nhầm thì Brunel sếp trực tiếp của tôi cũng có tài khoản ở đó. Tôi từng ngạc nhiên khi nhìn thấy tên ngân hàng trên phiếu trả lương của hắn. Đấy là lần đầu tiên tôi nghe thấy cái tên HB. Và bây giờ là lần thứ hai. Trong công ty không nhân viên nào mở tài khoản ở HB, có lẽ vì cái tên ấy nghe không rõ ràng lắm, có mùi made in China; các ngân hàng mà họ thường chọn là Crédit Lyonnais, Société Générale và Caisse d’Épargne, bảo đảm Pháp một trăm phần trăm. Nhưng giữa T và Brunel thì có liên quan gì với nhau? Hắn đã có gia đình và bà vợ là một người rất ghen thì phải. Vào công ty được một thời gian, tôi thấy hắn có một vết xước to ở đuôi mắt. Trong giờ ăn trưa ở căng-tin, các đồng nghiệp của tôi kháo nhau về chiếc nhẫn gắn mặt đá cỡ bự của sếp bà. Sau đó, họ còn ra hành lang uống cà phê, rồi vừa cười vừa nói không biết đùa hay thật rằng sếp bà có lần bất ngờ đỗ ô-tô trước cổng công ty và xộc lên phòng làm việc của chồng, da chảy mắt xụp mà nhuộm tóc, vuốt lông mi, bận mi-ni như gái mới lớn. Một đồng nghiệp còn hứng chí tuyên bố các tiền cũng không nằm cạnh. Một đồng nghiệp khác hất hàm (công ty lúc đó đang ở mốt hất hàm): các nửa triệu euro chắc là đồng ý. Người kia cũng hất hàm lại: chắc là hơn một chút. Những người xung quanh cười hưng hức, máy tự động không ngừng tuôn cà phê.
Tôi ngồi nghe từ đầu đến cuối mà chịu không hiểu họ ám chỉ cái gì. Từ đó, mỗi khi có việc đến gặp Brunel, tôi hay quan sát hắn và càng ngày càng thấy trước mặt là một bức tường. Nhưng dẫu thế nào thì hắn vẫn cho tôi cảm giác đã “được” hắn chú ý một cách không bình thường. Hắn chẳng đã hỏi “T có khỏe không” đấy thôi. Bây giờ thì tôi hiểu lý do khiến tôi bị bất ngờ không chỉ vì hắn biết tên T mà còn vì hắn phát âm nó một cách hoàn hảo, cứ như thể đó là một danh từ tiếng Pháp hắn từng đọc hàng trăm lần trong đời. Tôi chưa bao giờ đọc đúng tên T (lẫn tên của mẹ tôi). Những cái dấu trong tiếng Việt nghe nói rất rắc rối mà tên của T ghi trong hộ chiếu gốc thì gồm những hai dấu, cái trên cái dưới, lâu ngày tôi đã quên rằng chúng dành cho chữ U hay chữ A hay mỗi chữ một dấu. May mà không có dịp nào bắt tôi phải viết tên T bằng tiếng Việt (thực lòng mà nói thì tôi chưa bao giờ rơi vào tình huống bắt buộc phải viết cái gì bằng tiếng Việt: lúc nhỏ ở Sài Gòn thì tôi học trường Tây), và phụ nữ Việt khác phụ nữ Pháp ở chỗ bị đọc chệch tên mà không bao giờ cau mày cũng không ngoảnh mặt bỏ đi.
Thực ra tôi cũng ít có cơ hội để luyện cách phát âm tên T. Hầu như chúng tôi chẳng gọi đến tên của nhau bao giờ. Trong các gia đình khác, tên vợ tên chồng vang vang, rồi chồng gọi vợ là “em yêu của anh”, vợ gọi chồng là “anh yêu của em”. Tôi thấy ngượng mồm và T hẳn là còn ngượng hơn, nên chúng tôi chưa bao giờ gọi nhau như thế. Chủ nhật đi chợ nhớ mua bột giặt. Hóa đơn tiền chợ tuần trước đâu. Lại sắp đến ngày nộp thuế thu nhập… các hội thoại của T và tôi trống không, ai nghe được chắc phải thấy buồn tẻ lắm, nhất là chúng lại thường xảy ra vào các buổi tối, trong bữa cơm, khi cả hai đều mệt nhoài và Hanah uể oải nhai, từ các căn hộ bên cạnh vọng sang tiếng bát đĩa vỡ và tiếng đấm nhau thình thịch. Gọi là hội thoại nhưng tôi nói là chính, T hầu như chỉ gật và lắc. Tên riêng của tôi, T chưa gọi bao giờ. Cô ấy có thói quen đang nói ngang chừng thì dừng lại. Bây giờ cố gắng mấy tôi cũng chịu không nhớ nổi một câu hoàn chỉnh của cô ấy. Thế mà chúng tôi đã sống cạnh nhau sáu năm liền.
Ban đêm khu nhà thật tĩnh. Thậm chí “còn tĩnh hơn các khu đắt tiền”, phó phòng HLM của thành phố đã nháy mắt nói thầm vào tai tôi câu này. Lúc ấy tôi không hiểu, vì mải nghĩ xem có phải nháy mắt đang là mốt của tòa thị chính hay anh ta học được từ một hãng bán nhà tư nhân. Nhưng dù sao thì đêm đầu tiên trong căn hộ mới đã khiến tôi phải nhớ tới anh ta: tôi chưa từng hưởng một đêm nào tĩnh như vậy. Trước đây tôi trả một số tiền tương đương để được một phần ba diện tích và chục vị nữ láng giềng ban ngày đeo kính râm lên gõ cửa phê bình Hanah cổ họng to quá cỡ, nhưng từ 0 giờ trở đi thì vô tư thi giọng cùng phim porno. Các vị nữ láng giềng Bắc Phi hiện nay của tôi ồn ào thì vô cùng ồn ào, y hệt cách họ uốn chữ R thành mấy vòng xoáy, nhưng chưa đêm nào khiến tôi phải bật dậy lấy cán chổi hết gõ lên trần lại gõ xuống sàn, trước khi trả nhà cho chủ mất mấy buổi quét lại sơn và đánh lại véc ni.
Đã lâu tôi mới lại có dịp trằn trọc. Tất nhiên không phải vì các vị nữ láng giềng quí phái. Tôi mở cặp tìm vỉ thuốc an thần mới mua lúc chiều. Liều mạnh nhất là hai viên rưỡi. Dược sĩ pha chế chắc phải đại tài để sau mười lăm phút vật vã trên giường, tôi không nhận ra là mình đã thiếp đi. Tôi cũng không thể nhìn vào gương để thấy thân thể thảm hại tuột ra khỏi chăn và py-gia-ma, chiếc quần lót màu đậm im lìm, đôi mắt nhắm nghiền trên khuôn mặt cau có. Đêm nay, lò sưởi có bỗng dưng ngừng hoạt động thì tôi cũng không mở nổi mắt tìm cái gì mà đắp cho đỡ đau họng, sưng phổi hay đau bụng. Ngày mai là thứ Bảy. Sau ngày mai là Chủ nhật. Chưa tuần nào lại dài đến thế.
IV
Tôi tỉnh dậy khi trời mờ sáng. Việc đầu tiên là chạy ra mở tủ riêng của T. Sau này, bình tĩnh lại, tôi không lý giải được hành động ấy của bản thân. Nhưng khi mà sọ chỉ chực toác ra làm đôi, chân tay tôi muốn làm cái gì thật mạnh, đập phá chẳng hạn, đánh người chẳng hạn, như thể chỉ có cách đó mới chế ngự được cơn đau từ bên trong. Lạ thật, không hiểu sao với tôi lúc ấy, khám phá bí mật của T lại tương đương như việc đập phá hay đánh người.
Trái với tôi dự đoán, tủ riêng của T trống trơn, cả bốn ngăn kéo có thể nói không còn cả một hạt bụi. Hẳn là T đã dọn sạch trước khi đi. Nhưng dọn lúc nào thì tôi không hề biết. Vẳng bên tai tôi câu hỏi của viên đại úy Delon “trong tủ riêng không tìm được chân dung nào của bà nhà à?”. Hắn đã ôm bụng cười ở đầu bên kia, tôi nhớ lại những tiếng khục khục trong điện thoại. Nhưng lúc ấy, không mảy may nghi ngờ, tôi đã cho là lỗi của đường dây. Rồi cũng vì có Paul ngồi ngay trước mặt nên tôi mất hết hồn vía, chỉ mong chấm dứt cú điện thoại càng nhanh càng tốt. Delon cười vào mũi tôi. Với chức vụ đại úy, lại làm việc ở sở Nội Vụ thành phố, hắn không thiếu dịp bạt tai hay túm tóc các tay buôn thuốc phiện, các trùm dắt gái, các chủ đường dây bắt cóc trẻ em, các giám đốc và phó giám đốc trốn thuế… Hắn cười vào mũi một kế toán còm như tôi cũng phải. Chẳng cần mất công lên gặp cấp trên xin kí lệnh khám nhà và huy động cấp dưới leo bộ năm tầng cầu thang rồi gõ cửa nhà tôi lúc năm giờ sáng, hắn cũng rõ tủ riêng của T trống trơn, và chắc như đinh đóng cột rằng tôi chưa mở ngăn kéo nào bao giờ. Vâng, tôi từng đến tận cửa hàng IKEA mua về, mất nửa ngày lắp ráp và vặn đinh vít, nhưng sau đó tôi chưa mở ngăn kéo nào bao giờ, cả bốn cái.
Phòng ngủ của chúng tôi trên thực tế là hai phòng ngủ cá nhân gộp lại. Trong một ca-ta-lô quảng cáo đồ gỗ, tôi đã chọn được một bộ tàm tạm và không đắt, bao gồm giường ngủ, bàn nhỏ để đầu giường, tủ bốn ngăn kéo và giá treo quần áo - nghĩa là không thiếu một thứ gì nhưng được sản xuất cho phòng ngủ một người. Tôi đưa cho T xem và chúng tôi thỏa thuận đặt mua hai bộ. Sau đó, căn phòng tự động chia làm đôi đều đặn, chỉ có hai chiếc giường cá nhân là kê song song cạnh nhau. Tôi thấy như thế cũng hợp lý vì chúng tôi tuy ở chung phòng mà người này không hề làm phiền người kia. Tôi nhường cho T bên có cửa sổ.
Hồi là sinh viên, tôi từng cặp với một cô nàng cùng khóa cực kì khó ngủ. Thuốc an thần để mấy hộp ngay đầu gường. Chỉ cần người nằm cạnh ho khan một tiếng là bật dậy tìm vài viên. Bệnh khó ngủ là bệnh rất dễ lây. Mấy tháng sau, tôi còn khó ngủ hơn cả cô ta. Nhưng tôi không dùng thuốc an thần mà chuyển ra nằm đi-văng. Hết năm học thì chúng tôi chia tay nhau, không ai luyến tiếc. Mặt cô ta tròn hay vuông tôi đã bắt đầu nhầm lẫn từ lâu nhưng căn bệnh khó ngủ thì chẳng bao giờ dứt hẳn. Khi Hanah ra đời, tôi và T mỗi đêm chỉ chợp được vài tiếng. Thời gian đó thật khủng khiếp. Tôi đến công ty với cặp mắt thâm quầng, chốc chốc lại chạy vào toa-lét vã nước lạnh vào mặt. Vì lẽ đó, căn hộ HLM không ít khuyết điểm vẫn trở thành cứu nhân của cả gia đình. Mà nói cho cùng thì có cái gì là hoàn hảo. Nếu phải chứng kiến các vị đồng hương yêu quí của tôi đến xem nhà thì nhiều tay chủ nhà thà nhảy xuống sông Seine tự tử còn hơn. Lăm lăm trong tay cuốn sổ ghi chép, họ cho điểm từ gậm cầu thang đến giá đựng xà phòng. Thiếu quạt thông hơi - trừ năm điểm, lò nướng chạy bằng gaz chứ không bằng điện - trừ năm điểm, ngăn đá tủ lạnh hơi bé - trừ năm điểm, bàn thái thịt chưa được lắp đèn riêng - trừ năm điểm, công tắc điện không có phần bảo hiểm - trừ năm điểm. Một cái bếp không đến nỗi nào đã nhận điểm - 5/20, lão chủ nhà tức đỏ mặt nhưng khu phố tuy rộng lớn lại không có sông Seine mà nhảy xuống, và tôi đã thuê được căn hộ đầu tiên trong đời nhờ các vị đồng hương khó tính.
T không khó tính. Chúng tôi không cãi nhau về việc phòng khách có nên trải thảm, buồng tắm có nên lắp lò sưởi, ô-tô có nên gắn điều hòa. Nhìn chung, chúng tôi không bao giờ to tiếng. Nhưng thành thực mà nói, tuy không trách T bỏ đi, tôi vẫn không hiểu tại sao cô ấy lại làm như vậy. Số tiền 10000 euro vẫn hoàn toàn bí ẩn.
Giữa T và tay sếp Brunel của tôi có liên quan gì đến nhau? Câu hỏi không hề rời tôi một giây. Hai viên rưỡi thuốc ngủ chỉ đủ để thân xác không động đậy, còn trí nhớ tôi vẫn bồng bềnh như một đám mây và câu hỏi vẫn lượn lờ xung quanh. Có lẽ chính vì thế mà tôi thức dậy từ mờ sáng.
Tôi mặc quần áo xong thì vào phòng đánh thức Hanah. Chưa có bữa sáng nào ảm đạm hơn thế. Tôi cũng không nuốt nổi bánh sừng bò quay lò vi sóng nữa là con bé. Chúng tôi uống mỗi người một cốc sữa rồi lên đường.
Tôi không giải thích gì với Hanah, chỉ bảo nó phải gài dây bảo hiểm cho chặt. Trời vẫn còn sớm, mọi người vẫn đang làm giấc ngủ béo mắt của ngày cuối tuần, xe ô-tô chạy một mạch mười lăm phút vào đến địa phận Paris, rồi tới cửa ô của khu nhà giàu. Địa chỉ Brunel tháng nào chẳng ghi trên phiếu trả lương, tôi thuộc như lòng bàn tay. Đại lộ Victor Hugo. Quận 16. Chà chà, “những người khốn khổ” mà sống như thế này thì cũng nên khổ thật. Tôi tìm một chỗ đỗ xe kín đáo, vào quán báo gần đó mua một tờ, nhân tiện tìm gói kẹo mút cho Hanah. Ngày thứ Bảy của chúng tôi hứa hẹn nhiều bất ngờ.
Trang nhất đăng một cái tít lớn màu đỏ: “Cựu thị trưởng của chúng ta ăn chay trường?”. Bài báo kể về số tiền khổng lồ mà tòa thị chính thành phố Paris phải chi cho cái bếp của vợ chồng cựu thị trưởng, riêng tiền rau xanh mỗi ngày đã lên tới gần một nghìn quan. Tiền hoa quả ngót nghét hai nghìn. Tới đây, tác giả viết một cách khôi hài: “xin độc giả chớ vội mừng mà cho rằng các vị lãnh đạo của chúng ta đã biến thành những kẻ ăn chay trường, tiền xà lách xoăn và nho không hột chỉ chiếm một phần li ti trong cái bếp quí tộc ấy thôi”. Nói chung bài báo có nhiều chi tiết rất ngộ nghĩnh, không hiểu tác giả lôi ở đâu ra, có vẻ như chính cựu kế toán của văn phòng thị trưởng đã tiết lộ cho giới báo chí.
Hanah mút xong một cái kẹo rồi ngồi im ngó ra ngoài cửa kính. Đường phố đã có người qua lại. Một phụ nữ đứng tuổi, tóc đen, tạp dề trắng, xách làn nặng trĩu. Lúc đi ngang xe, mùi bơ tỏa ra thơm phức. Hẳn là người làm Mã Lai được cử đi mua bánh sừng bò nóng để các ông chủ bà chủ lót dạ đầu sáng thứ Bảy. Tôi thấy Hanah nhìn theo chị ta, mấy phút sau quay mắt nhìn hướng khác, hình như con bé thở ra một tiếng thật nhẹ thì phải.
Tôi lật vài trang báo. Trong mục Nghệ thuật, hai chữ “ngoại ô” và “Clichy” không biết bằng cách nào rơi trúng vào mắt, tôi vội vã nhìn xem người ta có tình cờ viết về khu nhà “Lối nhỏ thần tiên” của chúng tôi hay không. Tác giả (một chuyên gia Thụy Điển) kể rằng sau khi gửi đi câu hỏi “Ngoại ô đứng ở đâu trong văn chương nước Pháp?”, ông ta nhận được một số thư trả lời, trong đó có một bức của chủ tịch Viện Hàn lâm Pháp: “đồng nghiệp quí mến, tôi có cảm tưởng một tiểu thuyết vĩ đại của Pháp đã miêu tả rất mạnh cảnh trí của ngoại ô Paris, Clichy chẳng hạn. Tất nhiên là tôi muốn nói tới tác phẩm Hành trình đến tận cùng đêm tối của Céline, hoặc ít ra là phần thứ hai của nó”. Câu trả lời “rất hay ho” này kéo theo một lời bình luận chua chát của tác giả bài báo: “trời đất ơi, Céline là nhà văn Pháp duy nhất động tới ngoại ô Paris, và nếu tôi không nhầm, cuốn sách ấy viết từ những năm 30 của thế kỉ trước còn Céline thì chết từ đời nảo đời nao rồi”. “Với người Pháp, vấn đề ngoại ô không được đặt ra”, bài báo kết thúc một cách thê thảm, câu “la question ne se pose pas” được chuyên gia Thụy Điển viết bằng tiếng Pháp trong nguyên bản.
Đúng thế, Clichy và khu nhà “Lối nhỏ thần tiên” của chúng tôi chẳng bao giờ được các tác giả đồng hương để mắt tới. Trong tất cả các tác phẩm văn học mà tôi từng mất tiền mua để vừa đọc vừa ngủ thì cái quận quí tộc này xuất hiện nhiều hơn cả (không hiểu sao ngay các nhân vật thật nghèo cũng được các vị nhà văn tìm cho một căn hộ ở đây, và tất cả đều phát điên phát rồ vì cái vẻ “đặc Pháp” của nó - những cửa hàng sô-cô-la nho nhỏ, những góc phố be bé, những vườn hoa xinh xắn, những chiếc cầu mỏng manh…), đến độ dù chưa có dịp nào đặt chân đến, tôi cũng dễ dàng hình dung ra một số đồng hương của tôi đang sống ra sao.
Tòa nhà tay sếp bỗng dưng hé mở. Một gia đình ùn ùn kéo ra, ngoài ông bố và bà mẹ còn thêm năm đứa trẻ nữa (điểm giống nhau duy nhất của khu quí tộc và khu bình dân là tỉ lệ các gia đình đông con rất cao - điểm giống nhau duy nhất giữa đạo Thiên chúa và đạo Hồi là đàn ông không sử dụng ca-pốt, phụ nữ không được quyền nạo thai). Tôi đưa cho Hanah một chiếc kẹo mút nữa rồi bảo nó chịu khó đợi. Con bé chẳng nói gì, cũng chẳng buồn bóc kẹo. Đây là cái kẹo thứ tư nó ăn từ sáng, mà chưa được uống ngụm nước nào. Đoàn người Thiên chúa giáo rồng rắn ra khỏi cổng, tôi lẻn ngay vào trong.
Đèn chùm pha lê, gương mài cạnh, thảm đỏ và đá hoa cương dù sao cũng khiến chân tôi hơi chùn, chỉ lo vô tình sót lại vài dấu vết của dân ngoại tỉnh. Để các vị gác cổng yên tâm chuẩn bị bữa trưa (mùi cá xác-đin thoang thoảng trong không khí), tôi không sử dụng thang máy mà vòng sang cầu thang bên cạnh. Trên hộp thư mạ vàng óng ánh, tôi nhìn thấy họ tên của Brunel, bên cạnh ghi mỗi số II. Thế nghĩa là gia đình hắn chiếm trọn tầng đẹp nhất của tòa nhà, hay tầng “danh dự” như các vị quí tộc vẫn gọi, tầng “được người Mỹ người Nhật tìm nhiều nhất” như các hãng bất động sản vẫn in chữ đậm trong quảng cáo.
Cầu thang không một bóng người. Từ căn hộ khổng lồ của tay sếp những tiếng động nho nhỏ vọng ra, vừa đủ nhỏ để có áp chặt tai vào cửa cũng không biết được điều gì đang xảy ra bên trong. Thế mới biết các cụ kĩ sư xây dựng của chúng ta ngày xưa xây tường giỏi thật: mùa hè mát, mùa đông ấm, và vô cùng cách âm. Mấy bức tường “Lối nhỏ thần tiên” của chúng tôi được xây cách đây mươi năm mà có hiệu quả ngược lại hoàn toàn: mùa hè nóng, mùa đông lạnh, và chỉ cần đi ngang cửa là nghe trọn vẹn các đối thoại từ phía bên kia, đủ để hiểu đâu là vô tuyến đâu là trong phòng bếp, đủ để hình dung thằng anh tát con em mấy lần, ông bố hất cái đĩa xuống sàn đòi về cố hương cưới vợ lẽ, bà mẹ mếu khóc vì vợ lẽ lại là con em họ nhà bà cô bên nội… Có vẻ như các kĩ sư xây dựng thời nay không nhiệt tình lắm với kĩ thuật cách âm cho nhà HLM. Theo họ, ở các gia đình Bắc Phi, nhu cầu âm nhạc còn lớn hơn mọi đức tính kín đáo khác và người nước ngoài không thể sống cô đơn. Chính phủ chắc hẳn cũng rất đồng tình. Hàng năm người ta vẫn tiếp tục khánh thành trọng thể vài “Lối nhỏ thần tiên”, thị trưởng đọc diễn văn, đại diện của các bộ và các đảng vỗ tay nhiệt tình, các căn hộ “ra đi rất nhanh”, danh sách người xin “không bao giờ ngớt”, đúng như báo chí bình luận.
Cánh cửa vụt mở. Tôi chạy vội lên tầng ba. Một phụ nữ lớn tuổi đi ra, theo sau là một thằng trai trẻ. Các đồng nghiệp của tôi trông thế mà có năng khiếu tả thực, tôi nhận ra sếp bà ngay từ sau lưng: tóc nhuộm vàng hoe, mi-ni ngang đùi, nhưng tất dài chất lượng tuyệt hảo có lẽ chỉ giúp đỡ các nốt tàn nhang chứ bó tay trước các vết nhăn và hai đầu gối mang hình củ lạc. Thằng trai trẻ bỗng ngửng đầu lên để tôi thấy rõ một khuôn mặt nõn nà, mắt xanh biếc, tóc bồng bềnh. Dáng người nó cũng không chê được điểm nào. Thuôn thả và hừng hực sức sống. Có cảm giác vừa từ ca-ta-lô quần áo bước ra. Tôi nghe nó gọi sếp bà là mẹ. Rồi cả hai nắm tay nhau chui vào thang máy. Hai bộ đồ trắng lốp từ đầu tới chân.
Tôi tiếp tục ghé tai vào cửa. Bên trong vẫn vẳng ra tiếng động. Tay sếp không biết đang làm gì. Tôi đi thêm vài vòng cầu thang rồi xuống tầng trệt. Phải kiếm cái gì cho bữa trưa.
Cửa hàng bán bánh một hàng rõ dài. Giá cả đắt gấp đôi Clichy. Cô bán hàng đưa cho tôi hai khúc bánh mì kẹp, hai chai nước khoáng mà tính nhẹ nhàng 28 euro. Tôi hơi hoảng thì cô ta cười cười đưa cho đôi khăn giấy màu đỏ in hoa nổi. Đi được một đoạn, tôi mới hiểu nụ cười của cô ta. Bộ dạng của tôi làm sao qua được mắt các cô bán bánh. May mà lúc nãy không chạm mặt vị gác cổng nào. Tôi quên phắt rằng hàng xóm nhiều khi không biết ai vào ai chứ các bà gác cổng và các cô bán bánh thì thuộc mặt, kể tên, thông thạo lý lịch mấy đời dân khu phố. Không thế mà các thám tử tư mỗi khi có việc đều đến gõ cửa tâm sự với bà gác cổng, sau đó ra mở hàng cho cô bán bánh đôi sừng bò.
Vừa gặm bánh mì với Hanah, tôi vừa tính chút nữa quay lại mua chút kẹo cao su rồi nhân tiện xin cô bán bánh ít thông tin về gia đình Brunel. Nhưng bao giờ thì cái hàng người kia mới biến hết?
V
Hai mươi phút sau. Cô bán bánh nháy mắt bảo: “hỏi gì thì nhanh nhanh nhé, sắp đóng cửa nghỉ trưa rồi”. Bộ ngực của cô nàng đồ sộ, tuy không hoàn hảo như của Emmanuelle Béart nhưng khiến tôi liên tưởng đến cặp bánh mì gối, nồng mùi bột ủ chua. Đường thưa dần người. Chuông nhà thờ bính boong mười ba tiếng. Tôi nhìn vào cặp bánh mì gối, rồi chỉ vào hộp kẹo cao su xin mua một tệp. Cô nàng cười cười kéo lại xu-chiêng, nhẹ nhàng bấm máy tính 5 euro rưỡi. Không phải đắt gấp đôi mà gấp ba Clichy. Đưa cho tôi, cô nàng nháy mắt lần nữa: “không muốn hỏi gì à?”. Công nhận cô nàng láu lỉnh thật, biết thừa tôi loanh quanh từ nãy đến giờ đâu phải đợi mua mấy cái kẹo chữa ho. Không chừng lại tưởng tôi là thám tử tư cũng nên. Tôi bỗng dưng xốc lại cổ áo, liếc vào tấm gương đối diện. Cặp bánh mì gối quả là hấp dẫn, trời thì lạnh mà chúng bốc hơi ngùn ngụt: dù sao thì tôi cũng là con người, một con người “bình thường” không cần hơn kém. Tôi nuốt nước bọt rồi đưa đẩy: “bọn Brunel có căn hộ khiếp nhỉ”. Cô nàng nghe xong nhếch mép: “bố mẹ vợ làm chủ cả tòa nhà ấy chứ đùa à”. Tôi chợt nhớ tới lời cá cược của các đồng nghiệp. Các vị mà tận mắt chứng kiến căn hộ trên tầng “danh dự” thì phải thay đổi ý kiến về trị giá của sếp bà. Chắc chắn không phải là nửa triệu mà vài lần hơn thế, khéo chục lần cũng nên. Brunel cáo không ngờ. Cô nàng lại bảo: “nhưng cũng chẳng biết đâu mà lần, đã nhìn thấy thằng trai trẻ chưa?”. Tôi vội vàng gật đầu. Cô nàng hạ giọng: “con nuôi đấy nhé”. Tôi mở to mắt. Cô nàng hạ giọng hơn: “nuôi từ năm lên mười cơ đấy!”.
Tôi đi ra ngoài mà không hết bàng hoàng. Cuộc đời cũng phức tạp ra trò. Hèn nào mà mụ vợ Brunel và thằng trai trẻ âu yếm nhau chẳng khác tình nhân. Lại còn ở cùng nhà, khéo lại dùng chung buồng tắm, gãi cho cái lưng, xoa giúp cái gáy, bóp hộ cái đùi. Và mười giờ vàng ngọc khi Brunel hì hụi gõ máy tính ở công ty. Rồi mỗi năm vài lần khi Brunel co người trên máy bay đi kiểm tra dự án nước ngoài. Rồi tuần nghỉ đông hai mẹ con đưa nhau đi trượt tuyết, mấy tháng mùa hè hai mẹ con nằm ngửa ở Địa Trung Hải, Brunel luôn luôn không đến được vì bận họp với cấp trên, bận chỉ thị cho cấp dưới, bận chiêu đãi đối tác Đông Âu… Tôi đồ rằng Brunel không ghen (một mụ xấu như thế thì có gì đáng ghen), nhưng hẳn là rất thận trọng và cách tốt nhất là càng tránh được thằng trai trẻ chừng nào càng tốt chừng đấy. Ngay cả thứ Bảy cũng để hai mẹ con tự do bát phố. Và thằng trai trẻ diện mới oách làm sao!
Tôi và Hanah bỏ bánh mì ra ăn. Nó nhai chậm chạp, có vẻ như bánh mì khu nhà giàu cũng chẳng khác bánh mì Clichy là mấy. Ăn xong, nó tự mở nước, uống một hơi hết sạch rồi ngả lưng ra ghế, nhắm mắt lại. Tôi cứ ngỡ nó sẽ làm một giấc ngon lành. Giờ này cũng là giờ ngủ trưa ở lớp mẫu giáo. Thế mà con bé loay hoay quay phải quay trái. Hẳn là để đỡ phải thở dài. Nó biết bây giờ chỉ có hai người ngồi trong xe, giữa con đường vắng ngắt, tiếng thở dài của nó dù nhẹ đến mấy vẫn đến được tai tôi. Tôi không có gì để tâm sự với nó thì con bé cũng chẳng có gì để tâm sự với tôi. Thở dài chẳng qua cũng là một cách tâm sự, có khi còn mệt hơn cả tâm sự thường. Tôi liếc mắt nhìn sang nó cũng thấy nó liếc mắt ngó sang tôi. Không hiểu nó nghĩ gì trong đầu.
Tôi thấy thèm được quay về nhà, tìm một chỗ ấm áp trên giường, ngủ một giấc không cần hai viên rưỡi thuốc an thần. Thật là vô lý! Sao tự dưng tôi lại lôi Hanah đến cái chỗ quỉ quái này rồi mất ngày mất buổi với các vị nhà giàu, các vị nhà giàu chơi đồ trắng từ đầu tới chân, các vị nhà giàu khác tôi một trời một vực. Chị ô-sin tạp dề trắng. Gia đình Thiên chúa giáo lúc nãy cũng đồng phục trắng. Trong hàng người mua bánh vừa rồi hẳn hơn nửa là quần tây trắng, áo choàng trắng, mũ phớt trắng, khăn lông trắng… Cô bán bánh cười cười là phải (váy xòe của cô ta cũng trắng nõn trắng nà). Chẳng cần thuộc mặt thuộc tên dân khu phố, cô ta thừa biết cái áo không màu của tôi có đem cho ông gác cổng hay anh lái xe thì họ cũng đem về Bồ Đào Nha tặng lại cho ông gác cổng và anh lái xe của họ. Các vị kia có chịu diện nó hay không thì chẳng ai hay. Dân nghèo Bồ Đào Nha đang mải xây mộng đẹp cùng tân tổng thống, nghe nói tuy cánh hữu nhưng cực kì thương người, hy vọng thế nào cũng nhập khẩu mấy cái HLM made in France về cho ngoại ô nóng của Lit-xbon.
Tôi bỗng khát khô cả họng nhưng chưa kịp mở chai uống nước thì thình lình Brunel xuất hiện trước cổng nhà. Bộ quần áo trắng khiến tôi không nhận ra hắn ngay lập tức. Mọi khi đến cơ quan hắn ăn mặc bình dân hơn (dù sao thì phiếu trả lương của hắn cũng còn đứng sau cả chục phiếu trả lương khác). Và nếu tôi không nhầm thì hàng ngày hắn đi làm bằng tàu điện ngầm. Tôi có lần từng chạm mặt hắn dưới bến nhưng hắn ngó lơ sang hướng khác còn tôi thì lôi báo ra đọc, khi tàu đến không thấy hắn đâu, có thể đã lui sang toa khác. Đấy là lần đầu tiên một cấp trên chấp nhận nhường tôi. Có lẽ vì ở nơi công cộng. Hèn nào cứ ra khỏi công ty là các sếp không thích gặp nhân viên. Tôi ngờ tổng giám đốc công ty mà vô tình qua đại lộ Victor Hugo chắc cũng không hài lòng. Căn hộ xấp xỉ năm triệu euro của vợ Brunel thì tổng giám đốc phải vật lộn thêm mấy đời nữa mới mơ có ngày được cầm chìa khóa.
Brunel ngó trước ngó sau. Đường phố không một bóng cụ già. Ban công không một bóng mèo mướp. Giờ này, mỗi cụ già một mèo mướp gật gù phim truyện nhiều tập.
Rất nhanh, Brunel lao đến chiếc xe hơi đậu ngay bên đường. Xe hơi của hắn cũng trắng y hệt bộ quần áo hắn bận trên người, không một vết trầy, cứ như vừa đục hộp. Đưa cho Hanah chai nước, tôi nổ máy, quay tay lái và ra hiệu cho nó khóa dây bảo hiểm. Một phút sau, xe tôi sau xe Brunel khoảng trăm mét. Chiều thứ bảy, khoảng cách như thế là hợp lý. Mũ len kéo xuống, khuôn mặt tôi bị che kín hoàn toàn, mỗi hai con mắt là mở to không chớp.
Brunel có vẻ rất thạo đường. Chiếc xe trắng lốp chọn toàn đại lộ lớn và chỉ giảm tốc độ ở ngã tư có đèn đỏ. Tôi theo sau như một cái máy, nhiều khi không kịp nhìn tên phố, không kịp biết đèn đang xanh hay đỏ, có vi phạm đường dành riêng cho tắc-xi. Cảnh sát giao thông có lẽ cũng linh động ngày nghỉ cuối tuần.
Đến gần vườn Luxembourg, Hanah bảo nó buồn tè quá. Trong lúc tôi chưa biết giải quyết thế nào thì mấy xe khác bỗng từ đâu chen tới, sừng sững trong đó một chiếc Range Rover màu bạc, đít vuông, biển số ngoại giao. Xe Brunel thoát khỏi tầm nhìn, màu trắng của nó lúc ẩn lúc hiện như trêu người. Tôi cau có quay sang Hanah. Con bé bất động ngó ra cửa sổ. Qua được đoàn xe mất dạy thì gặp một toán du lịch Nhật Bản đi thành hàng hai, com-lê cà-vạt, vừa chụp ảnh vừa quay phim Panthéon, hướng dẫn viên nói một câu dài, nghe thấy cả “François Mittérand” và “Victor Hugo”, theo báo chí thì đó là hai danh từ tiếng Pháp thịnh hành nhất ở châu Á, sau hai danh từ khác là Alain Delon và Sophie Marceau.
Khi trước mặt tôi là quảng trường Italie thì xe Brunel biến mất hoàn toàn. Biển người mênh mông, túi xách vàng của siêu thị Tang Frères dập dìu.
Tôi cho xe dạt vào một vệ đường, hy vọng hắn sẽ quay lại. Năm phút sau, tôi biết hy vọng ấy thật là mong manh. Không biết vì mùi cơm châu Á hay vì cơn buồn tè mà Hanah nhấp nhổm. Tôi mở cửa xe dắt nó vào một quán ăn Trung Hoa. Ông chủ quán chạy lại vuốt má Hanah, khen con bé xinh rồi chìa cho tờ thực đơn ép ni-lông đỏ. Tôi gọi “hai chả giò, một Shingtao”. Khi chúng tôi từ phòng vệ sinh đi ra thì được chỉ đến một cái bàn bày ngoài vỉa hè. Tôi nghĩ như thế cũng may, vừa trông xe vừa đợi Brunel mà vẫn có thể ăn uống thoải mái. Hanah tỏ vẻ hài lòng. Lần đầu tiên từ mấy ngày nay, tôi thấy mặt nó linh động trở lại. Nó ăn một mạch hết đĩa nem. Tôi mua cho nó cốc nước cam. Ông chủ quán lúc bưng ra lại thưởng thêm chiếc kẹo lạc. Con bé nhìn tôi mỉm cười. Bia Shingtao leng keng vài cục đá. Vỏ nem lạo xạo trên môi.
Đây không phải lần đầu tiên tôi tới khu châu Á. Tuy T không nấu cơm Việt Nam nhưng một năm cô ấy cũng đến đây vài lần. Ngày mới quen, đôi khi tôi cũng đi theo T. Chúng tôi vào ăn ở một quán nhỏ nhưng rất đông, phải đợi cả tiếng mới đến lượt, khách hàng dồn đống cạnh bể cá chép vàng. Tôi thuộc lòng hai từ “chả giò” và “cơm chiên tổng hợp”, còn cô ấy thì lần nào cũng ăn một đĩa rau xanh trộn rất nhiều thứ, có vẻ như cay xé lưỡi. Lúc về, chúng tôi rẽ chợ mua thêm đồ ăn sẵn. Từ ngày có Hanah, tôi và T chẳng bao giờ đến đây nữa. Món nem quả là ngon nhưng nếu phải đi xa và đợi lâu thì cũng chùn chân. Mùi cơm châu Á dần dần cũng biến mất khỏi kho vị giác của tôi, như nó từng biến mất ít lâu sau khi mẹ tôi qua đời. Lúc bà còn sống, chúng tôi cũng ít có dịp ăn món Việt. Có lẽ bởi thành phố nơi chúng tôi ở quá nhỏ, lại xa Paris, không có quán ăn nước ngoài, còn các siêu thị hay cửa hàng tạp hóa đều chỉ phục vụ khách hàng người Pháp. Dù sao thì tôi cũng không có cảm giác mẹ tôi khổ sở vì thiếu ẩm thực quê hương: ngay cả lúc ở Sài Gòn, chúng tôi cũng ăn cơm Tây. Ngày trước, tôi không mấy để ý, nhưng lớn lên thì tôi hiểu rằng mẹ tôi khác hẳn các đồng hương Hà Nội của bà, những người nổi tiếng cầu kỳ trong việc ăn uống, hiếm khi động đũa đến các món ăn ngoài Hà Nội. Năm 1954, di cư vào Sài Gòn, các cựu công dân thủ đô thanh lịch túm tụm lại quanh khu Đa Kao, có vẻ như để đỡ đần nhau thì ít, mà để đoàn kết chống lại ẩm thực Nam kỳ thì nhiều.
Ông chủ quán lại gần mang đi hai cái đĩa bẩn rồi hỏi có ăn gì nữa không. Tôi lắc đầu. Từ sáng tới giờ tôi đã tiêu linh tinh không ít tiền. Nên nhớ là bây giờ tôi phải trả toàn bộ chi tiêu trong gia đình (từ tiền thuê nhà đến tiền điện nước, điện thoại) lại gánh thêm cả tiền giữ Hanah của ông bà gác cổng. Nghề kế toán luôn kéo hai chân xuống đất chứ không để chúng bay bổng theo mây lên trời. Tôi nhạy cảm với các con số. Tôi không lãng mạn. Ngay từ lúc bé, tôi đã quyết định sau này không bao giờ chọn nghề lãng mạn. Đến bây giờ, tôi vẫn cho đó là quyết định sáng suốt nhất mà tôi đã có.
T cũng không lãng mạn. Cô ấy không rưng rưng đòi tôi đưa đến các buổi lễ lạt đồng hương. Trên thực tế, chúng tôi đã thử một lần để từ đấy không bao giờ quay lại. Cả buổi mọi người túm tụm thành từng nhóm nhỏ nhai nem nguội và bàn bạc cái gì không rõ, tôi phải tiếp chuyện một thằng cha bụng phệ người Marseille, đau tai vì mấy tiếng liền kinh nghiệm tán gái Hà Nội của hắn. Hắn khoe là mới cưa đổ một em cực đẹp, chân dài mét hai, “nói chung là bốc lửa”. Hắn sẽ cho em tiền xây nhà để hàng năm về trốn mấy tháng mùa đông. Khi tôi đi, hắn còn nằng nặc đưa tôi danh thiếp, hóa ra hắn làm chủ một trang trại nuôi ngỗng béo ở miền Tây Nam, gần Dordogne. Gan ngỗng béo là món được người Pháp tôn thờ và chịu chi tiền. Hắn không nghèo đâu. Sau này, tôi biết thêm rằng trước khi sang Việt Nam, hắn bị trầm cảm nặng vì đã lấy mấy vợ mà vợ nào cũng lần lượt bỏ hắn ngay sau lễ Giáng Sinh, khi đã phải giúp hắn mổ thịt và moi gan toàn bộ đàn ngỗng của trai trại. Vì vậy mà Hà Nội đã trở thành thiên đường với hắn: trời nắng gần 365 ngày / một năm và con gái Hà Nội không hỏi đàn ông phương Tây anh ta làm nghề gì mà hỏi anh ta có bao nhiêu tiền trong tài khoản. Tôi ngờ là hắn nốc viagra đều đặn.
T cũng không nằn nì đòi tôi phải mua vé cho cô ấy về nghỉ hè hay đón Tết ở Sài Gòn. Chị Xuân mỗi năm về thăm gia đình hai lần, lần nào quay lại Paris cũng khóc sưng cả mắt. Từ ngày quen tôi, T chưa về thăm gia đình lần nào. Ngay lập tức T có mang, sinh Hanah, rồi dọn nhà, nửa năm sau vẫn chưa mở hết thùng các-tông. Tài khoản của chúng tôi phập phà phập phồng, chỉ cần vô ý là xin vài lỗ thủng. Không phải là tôi không định đi chơi Việt Nam, nhưng chưa kịp bàn với T thì cô ấy đã biến mất, hay “mất tích” như thuật ngữ của cảnh sát.
Nhưng tôi tin rằng một trong những điều dễ chịu nhất ở con người T là cô ấy chưa bao giờ bắt tôi phải nghe tâm sự. Bởi vì ngay cả khi không có vấn đề về ngôn ngữ, tâm sự vẫn là một thể loại không bệnh hoạn thì cũng lãng mạn. Chỉ nên coi nó không hơn không kém một buổi đến khám bệnh bác sĩ tâm lý hay một buổi xưng tội với cha cố đạo, nghĩa là việc cá nhân của một con người chứ chẳng liên quan gì đến ai khác. Tóm lại, tôi cho rằng kể lể sự đời là một cách tra tấn tương đối hữu hiệu. Tôi có kinh nghiệm chứ không nói suông.
Thời gian sau khi chia tay nàng sinh viên cực kì khó ngủ, nằm nhà xem phim porno mãi cũng chán, tôi đành lang thang ở các buổi tụ tập. Thực ra chẳng khó vì khi ấy tôi vừa nhận bằng tốt nghiệp và xin được chân kế toán trong một trường trung học dạy nghề. Của đáng tội, mặc dù trường hay tổ chức hội hè (có lẽ đó là cách tiêu khiển duy nhất vì chúng tôi ở một thị trấn nhỏ, cách thủ đô 50km) nhưng tôi không hứng khởi tham gia cho lắm. Không biết có phải do ảnh hưởng của nghề nghiệp mà các nữ giáo viên trẻ thường nói to và dõng dạc, phê bình xong rồi còn bắt nhận lỗi. Tôi vẫn nghe họ nói với ông đầu bếp căng-tin: “cái món (gà quay, cá sốt kem, rau xào…) hôm nay mặn thật, có đúng là anh đã bỏ muối quá tay”. Giọng sang sảng như thể đang hướng vào lũ học sinh. Ông đầu bếp là một người hiền lành, nghe thế thì chỉ cười chứ không phản ứng (cũng có thể vì thế nên thường xuyên bị bắt nạt). Quần áo của các nữ giáo viên trẻ dường như cũng phải cố để theo kịp tác phong nhà giáo. Các cô nàng thường mặc áo dài tay, quần ống đứng hoặc váy chùm. Tôi cho là không chỉ riêng tôi mà các vị nam giới trong trường đều thích liếc trộm bọn nữ sinh chưa vị thành niên hở rốn hở ngực hơn là ngắm công khai các nữ đồng nghiệp trưởng thành và nghiêm túc.
Sau một buổi liên hoan cuối năm, tôi ra đến cổng thì một nữ giáo viên chạy lại đề nghị đi nhờ xe. Thực ra suốt tối, tôi đã được cô ta để mắt theo dõi từ đằng sau. Có lúc còn cố tình đụng vào tay. Chúng tôi vẫn nhìn thấy nhau trong trường nhưng chưa bao giờ tìm cách nói chuyện riêng. Hôm ấy, tôi để ý thấy mặt mũi cô ta không đến nỗi nào, và nhân dịp liên hoan nên cô ta bận một chiếc váy khá ngắn, để lộ đôi đùi hồng hồng không biết có phải vì đánh phấn. Tôi vui vẻ gật đầu và cô ta chui ngay vào ghế bên cạnh. Mấy ly sâm-banh vừa uống với bánh ngọt khiến chúng tôi cùng trở nên chếnh choáng. Cô ta đặt tay lên đùi tôi, miệng chiêm chiếp một thứ âm thanh khó khăn. Bàn tay cô ta nóng và ướt đẫm nước. Khi đến cửa, cô ta bíu chặt lấy tôi rồi kéo vào nhà. Cô ta chỉ muốn lao ngay lên giường, cố tình không tháo cả áo khoác. Tôi không kịp cởi bất kì cái gì trên người. Cô ta khỏe và có vẻ như đã lâu không sờ đến đàn ông. Nhiều lúc tôi có cảm giác bị cô ta chỉ đạo hoàn toàn. Âm đạo của cô ta tiết ra một mùi rất mạnh khiến tôi thiếp đi lúc nào không hay. Nửa đêm thì tôi thức dậy, không phải vì lạ giường (tôi quá mệt để nhận ra điều ấy) mà vì khói thuốc lá của cô ta. Căn phòng mù mịt. Lính cứu hỏa có thể lao đến phá cửa. Mà cô ta vẫn điềm nhiên nửa nằm nửa ngồi ngay cạnh tôi, đôi đùi vẫn hồng hồng (cả những chiếc lông xoắn cũng hồng), tay cầm gạt tàn, miệng phì phèo nhả khói (mốt mới của các nữ sinh trung học). Nhưng khói thuốc không làm tôi hãi bằng kho tâm sự mà cô ta bỗng dưng trút hết lên giường ngủ. Có lẽ vì lâu lâu mới có một anh chàng dễ bảo nên gặp cơ hội là cô ta quyết tận dụng bằng hết. Cô từng hăm hở rút rỗng thân xác tôi thế nào thì bây giờ lại hăm hở trút đầy tâm sự thế ấy. Chốc chốc lại bỏ điếu thuốc xuống gạt tàn, bật người dậy, chém tay vào không khí theo đúng kiểu nhạc trưởng (hồi ấy đang là mốt của các giáo viên nữ). Nửa cái đêm kinh khủng đó, tai tôi bị tra tấn bởi không biết bao nhiêu lần câu chuyện về mấy “thằng bồ cũ” của cô ta, trong đó có một thằng nhiều lần tự tử mà không xong, một thằng thì dũng cảm hơn nhưng “bần tiện như chuột cống”, một thằng thì được cả hình thức lẫn nội dung nhưng “nó chẳng nói với tôi điều gì”.
May mà 9h sáng thì cô ta mệt quá nên lăn ra ngủ. Hoặc cũng có thể sau khi trút hết bầu tâm sự, mà không được tâm sự lại, cô ta không tìm được lý do lớn lao nào nữa để tiếp tục làm tình (nhưng trông mặt mũi tôi, cô ta hiểu là đừng nên hy vọng nhiều). Tôi chạy vội ra xe, còn kịp đóng cửa ra vào, nhưng không để lại chữ nào. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác ấy.
Đấy là dịp duy nhất và cuối cùng tôi “phiêu lưu” với một nữ giáo viên. Tôi hình dung nếu cô ta không dạy hóa học mà dạy văn chương hay triết học thì chiếc bồ tâm sự còn to gấp bao nhiêu. Ý kiến này được nhiều đồng nghiệp trong công ty tôi hiện nay xác nhận và làm phong phú hơn. Trong các câu chuyện ở hành lang, tôi vẫn nghe họ kháo nhau: kinh quá, hôm qua vừa gặp một em tâm sự ra rả cả đêm. Hỏi ra thì hay em không là giáo viên mà là cán bộ thương mại. Rồi có lần thì em là nhân viên quảng cáo, lần khác là nhà báo, lần khác nữa là thư kí, rồi nghiên cứu viên, nhà văn, diễn viên kịch… Lẫn lộn hết cả. Cuối cùng tôi đành chấp nhận rằng hóa ra nghề nào cũng tặng cho các em khả năng nói, tình yêu nào cũng để lại cho các em vài bầu tâm sự. Tâm sự của các em thực ra là cơn hận “mấy thằng bồ cũ”, toàn những thằng mất dậy, kém cỏi, hèn nhát, thằng nào tàm tạm thì lại bị tặng cho cái câu “nó chẳng nói với tôi điều gì”. “Nó chẳng nói với tôi điều gì”, không hiểu cái câu này thế nào mà sao các em hay sử dụng để hạ những thằng bồ khá khẩm nhất. Khi phán nó, các em trợn mắt, vênh cằm (y hệt như tay phó phòng quản lý HLM lúc bàn về Trung Quốc). Cơn hận như thế cũng trôi đi.
T không lãng mạn. Cô ấy chưa bao giờ đòi tôi phải nhận lấy bầu tâm sự. Tôi chẳng có dịp khám phá cơn hận của cô ấy với mấy thằng bồ cũ, để mà biết thằng nào đã có vinh hạnh được T ban cho cái câu “nó chẳng nói với tôi điều gì” (bây giờ thì tôi nghĩ rằng đằng sau câu này ẩn chứa một điều còn khó hiểu hơn, ví dụ như ghen, ví dụ như tiếc…). Trên thực tế, tôi biết gì về T? T đã ghen ai, đã tiếc ai, đã hận những thằng nào? Trong thâm tâm, tôi nghĩ có lẽ vì thế mà chúng tôi mới tồn tại cạnh nhau hơn sáu năm. Sáu năm là kỉ lục, trước đó tôi chẳng qua nổi với ai quá sáu tuần. Lần sống với nàng sinh viên cực kì khó ngủ kéo dài được một khóa học, nhưng tôi nằm đi-văng đến hai phần ba.
Ông chủ quán lại đến gần hỏi có muốn ăn gì nữa không. Tôi kéo Hanah đứng lên. Ông ta bắt tay nói “hẹn gặp lại”, không hiểu sao lại biết đó là một trong vài từ tiếng Việt ít ỏi mà tôi bập bẹ. Tôi với Hanah ra xe ngồi thêm một lúc. Khu Tàu càng lúc càng nhộn nhịp. Người châu Á chọn chiều thứ Bảy để đi chợ và ăn há cảo. Đèn đường bắt đầu được bật. Các bảng hiệu nhấp nháy. Bây giờ tôi mới để ý thấy tiệm cơm có tên là “Lâu đài hạnh phúc”. Cách đấy mấy số nhà, một tiệm cơm khác có tên là “Cây cầu hạnh phúc”. Ngó sang bên đường, một tiệm cực to, chiếm cả ba tầng, chễm chệ hai chữ “Đại Phúc”.
Tôi từng nghe ở đâu đó rằng người Hoa có quan niệm về hạnh phúc khác hẳn người Âu. Hạnh phúc với người Hoa là đông con, nhiều tiền. Hạnh phúc của người Âu là: em yêu của anh (hoặc anh yêu của em) chúng ta sẽ chia nhau đối thoại. Người Hoa biết phải làm gì. Người Âu loay hoay cái định nghĩa cũng chẳng xong.
Tôi cũng từng đọc người Hoa có quan niệm về bất hạnh khác hẳn người Âu. Bất hạnh với người Hoa là do trời định. Bất hạnh với người Âu là do mình gây ra. Người Hoa biết không nên than thân trách phận. Người Âu uống thuốc an thần, hết thuốc an thần thì lại tự mình quyên sinh.
Brunel vẫn không thấy tăm hơi. Cả một sinh vật trắng không biết đang làm gì ở đâu. Tôi chỉ mong cái xe mới đập hộp hôm nay nhận được mấy vết xước, trong đó có một vết made in China.
Đúng năm giờ chiều thì tôi quay xe. Một ngày rõ là vô tích sự.
VI
Chủ nhật. 9h. Hanah còn dậy sớm hơn cả tôi. Lúc tôi vào bếp đã thấy nó ngồi đấy, quần áo sẵn sàng, cốc sữa trước mặt vơi hơn một nửa, dường như chỉ đợi tôi ra hiệu là đứng dậy lên đường.
Tôi làm một tách cà phê đặc quánh, uống nốt cốc sữa của Hanah. Ba mươi lăm phút sau, chúng tôi đã có mặt ở góc phố nhà Brunel. Cô bán bánh láu lỉnh nháy mắt, hẳn đã nhận ra người quen hôm qua. Cặp bánh mì gối vẫn bốc hơi ngùn ngụt. Chỉ có hai chúng tôi giữa mùi va-ni ngọt ngào thơm phức. Tôi nuốt nước bọt. Cô ta cười cười kéo lại xu-chiêng. Tôi mua hai chiếc sừng bò. Cô ta bảo: “hỏi gì thì hỏi ngay, hôm nay chỉ mở hai tiếng buổi sáng”. Biết tôi ngoại tỉnh không thạo luật quận 16 nên cô ta nhắc khéo. Dễ thương như cô ta thì có lẽ chẳng bao giờ đem chuyện mấy thằng bồ cũ ra tâm sự, tôi tự nhủ, sau đó lại nghĩ thằng nào được qua đêm giữa cặp bánh mì gối kia thì chẳng sướng phát điên. Cô ta bỗng dưng hạ giọng: “Brunel cũng không vừa đâu”. Tôi gật đầu. Như được kích thích, cô ta nói tiếp: “ông ăn chả, bà ăn nem”. Tôi trợn mắt nghe cô ta thì thào vào tai: “nhưng mà Brunel kín lắm, vớ vẩn là ra đường như chơi”. Tôi mua thêm hai khúc bánh mì kẹp và hai chai nước. Cô ta khoái chí đưa cho mấy cái kẹo mút, bảo làm quà cho con bé. Kinh thật, đã nhìn thấy Hanah ngồi trong xe lúc nào không biết. Tôi cám ơn rồi hạ giọng: “nhìn thấy “chả” của Brunel chưa?”. Cô ta lắc đầu. Tôi thở dài một tiếng. Nghe tiếng thở dài mà không rõ đang thất vọng hay thấy nhẹ cả người.
Ba vị khách đẩy cửa bước vào. Cô ta nháy mắt, ra hiệu câu chuyện kết thúc. Tôi mang bánh ra xe ngồi ăn với Hanah. Con bé nhai được nửa chiếc sừng bò bỗng đột ngột dừng. Tôi quay lại đằng sau thì thấy một phụ nữ tóc đen, tạp dề trắng, không biết có phải chị người làm Mã Lai hôm qua. Hanah trông thế mà nhanh thật, nó tia thấy chị ta từ xa, qua gương chiếu hậu. Rất có thể nó biết nhiều chuyện mà không nói ra, cái qui tắc không tâm sự vẫn bắt chúng tôi phải kín tiếng với nhau như thế.
Chị người làm Mã Lai tiến lại, ngoài một túi to bên tay trái, còn ôm trước ngực một hộp bánh màu đỏ, thắt dây kim tuyến. Hôm nay các vị chủ nhà đều nghỉ việc, chị ta bận phải biết. Bữa cơm trưa chủ nhật hẳn chuẩn bị từ đêm qua. Bánh ga-tô chắc đặt từ trong tuần. Đi ngang Hanah, chị ta quay sang cười với nó. Con bé cười đáp lại. Tôi cố tìm một nét chung nào đấy giữa chị ta và T mà không sao tìm nổi. Tóc đen thì đương nhiên rồi. Nhưng tóc chị ta ngắn và có mái ngang trước trán, còn tóc T dài, hoàn toàn tự nhiên. Chị ta béo hơn T phải chục cân là ít, nhưng thấp hơn, da đậm màu hơn. Nét mặt cũng chẳng có gì giống nhau. Vậy mà Hanah vẫn chú ý đến chị ta thì lạ thật. Bình thường con bé không cư xử như thế với người ngoài. Tôi còn đang ngạc nhiên thì chị ta rẽ vào tòa nhà của Brunel. Hóa ra chị ta ở trong đó. Tại sao hôm qua tôi không để ý nhỉ?
Tôi ra hiệu cho Hanah ngồi yên rồi mở cửa xe, chạy thật nhanh tới cổng nhà Brunel. Cánh cửa chưa kịp đóng, nhưng bên trong thì im lặng hoàn toàn, thang máy cũng không nhúc nhích. Tôi làm một vòng tầng trệt, vào tít tận ngách trong cùng. Không thấy ai. Như thể chị ta có phép tàng hình. Ngần ngừ một chút tôi quay ra cầu thang, leo bộ lên tầng hai.
Cũng như hôm qua, từ căn hộ nhà Brunel vẫn vọng ra những âm thanh vừa đủ nho nhỏ để có áp chặt tai vào cũng không phát hiện ra cái gì đang xảy ra bên trong. Tôi đồ rằng giờ này cả bọn đang dùng điểm tâm ở phòng ăn, mụ vợ ngồi đầu bàn, bên trái là thằng trai trẻ, bên phải là Brunel. Khoảng cách từ chiếc ghế mụ ta đến hai chiếc ghế kia y hệt như nhau nhưng mụ ta nhất định chỉ quay sang phía thằng trai trẻ và cười đùa với nó, chấm bánh sừng bò vào tách cà phê sữa rồi âu yếm đút vào tận mồm nó. Tất nhiên không phải vì mụ ta thuận tay trái mà vì nếu trong gia đình này mụ ta là nữ hoàng và hai thằng đàn ông là hai cận thần, thì thằng trai trẻ là cận thần đang được sủng ái, còn Brunel - ngược lại hoàn toàn - là cận thần đã bị thất sủng. Thiên hạ (mà mụ ta chưa bao giờ có đủ dũng cảm để vượt qua) không thể chê trách mụ ta ở điểm này vì thằng trai trẻ, đường đường chính chính là con nuôi của cả hai người, và ai cũng từng nhìn thấy nó gày gò, ngơ ngác khi đặt chân đến Paris sau những tháng ngày kinh khủng trong một trại mồ côi nào đó ở Ru-ma-ni. Đón nhận và nuôi dưỡng một nạn nhân của chế độ độc tài Chauchescu - thiên hạ khi đó tha hồ ngưỡng mộ tinh thần nhân đạo quốc tế của vợ chồng Brunel, nhất là mụ ta. Tất nhiên là chỉ có mụ ta mới thấy trước được cái gì hứa hẹn ở thằng bé mười tuổi ấy. Như tất cả bọn con cái quí tộc, nó được vợ chồng Brunel gửi đến những trường học danh tiếng nhất Paris, được dẫn đến các cửa hàng quần áo, đồ chơi, sách vở, băng nhạc đắt tiền nhất Paris, được mời đến các buổi dạ hội điệu đàng nhất Paris… Vài tháng sau, nó trở thành một thằng bé hoàn toàn khác, nhanh nhẹn và tự tin. Vài năm sau, nó lớn bổng, mắt xanh biếc, tóc bồng bềnh, thuôn thả và hừng hực sức sống. Hai mẹ con ôm nhau ngoài đường, hôn nhau trước mặt người quen, trần truồng cạnh nhau trên bãi biển. Thiên hạ không thể chê trách mụ ta ở điểm nào (nói chung, loạn luân là tội chỉ để dành cho các ông bố). Brunel cũng không thể trách mụ ta ở điểm nào (hắn không dám thì đúng hơn, hắn hiểu rõ hoàn cảnh “thất sủng” của mình, “vớ vẩn là bị ra đường như chơi”, đến cô bán bánh còn biết nữa là).
Người từ các căn hộ lục tục kéo ra. Tất cả đều ăn mặc trọng thể (màu trắng luôn được ưu tiên). Hóa ra là để đi lễ nhà thờ. Tôi nhanh chân phóng xuống tầng trệt, và sau đó còn phải nhanh chân hơn nữa để chuồn ra ngoài, các vị gác cổng mà phát hiện ra thì khéo xơi cán chổi trừ bữa.
Cửa xe đóng đúng lúc cả nhà Brunel chui ra khỏi cổng. Mụ vợ tất nhiên ở vị trí trung tâm, hai tay quàng hai cận thần (vẫn bên trái là thằng trai trẻ và bên phải là Brunel). Ba sinh vật trắng di chuyển về hướng nhà thờ. Mỗi khi gặp người quen, ba mái đầu cùng nhẹ gật, ba nụ cười cùng hé nở, ba bàn tay (đeo găng trắng) cùng đưa ra bắt (nếu để ý thật kĩ sẽ thấy mụ vợ luôn hành động trước tiên). Ai nỡ nghi ngờ một gia đình kiểu mẫu như thế. Chúa càng không. Chúa thừa [hay là hiền minh? OK] nhưng lại quá nhân từ và ở tít trên cao.
Sáng Chủ nhật quận 16, hè đường mấp mô những làn sóng màu trắng còn lòng đường lại không một bóng xe (cái vẻ yên bình ấm cúng “đặc Pháp” này cũng thường xuyên có mặt trong các tác phẩm văn học). Tôi và Hanah dễ dàng giữ khoảng cách một trăm mét sau lưng bọn nhà Brunel. Con bé không đợi nhắc đã tự động khóa dây bảo hiểm, lại còn ra dấu cho tôi đội mũ. Tôi ngó đầu vào gương, chỉ thấy một cục tròn tròn tôi tối hở hai con mắt không hiểu màu gì. Về khía cạnh nào thì chúng tôi cũng xa lạ với đám người quí tộc kia. Tôi chìa ra mấy cái kẹo mút của cô bán bánh. Hanah bóc một chiếc cho vào mồm, rồi bóc chiếc nữa ấn vào miệng tôi, nhưng vì miệng bị mũ che kín nên kẹo rơi ra ngoài. Con bé bật cười. Có vẻ như nó bắt đầu thích thú với công việc thám tử tư của hai chúng tôi. Tôi thì ngán ngẩm nghĩ tới hai tiếng ngồi không trước cửa nhà thờ. Chủ nhật chẳng báo nào chịu mở để kiếm mấy cái ảnh Emmanuelle Béart ngắm cho đỡ buồn.
May mà buổi giảng đạo chỉ kéo dài một tiếng. Có thể Thiên chúa giáo cũng muốn tỏ ra hiện đại để tranh thủ con chiên với các môn phái đang mọc ra như lá đầu xuân.
Hanah vỗ vai tôi. Bộ ba Brunel đang lục tục chui từ nhà thờ ra sân. Vẫn trong tư thế một gia đình kiểu mẫu: mụ vợ đứng giữa và chỉ đạo mọi động tác của cả nhà. Một nhóm người tiến lại, hẳn là họ hàng hoặc người quen, trong đó có hai ông xồn xồn và một đứa con gái mảnh mai khá đẹp. Mụ vợ lên tiếng chào. Brunel và thằng trai trẻ cũng làm theo. Rồi không biết vô tình hay cố ý Brunel ôm hôn đứa con gái. Con bé kia vui vẻ ôm hôn lại, sau đó định ôm hôn mụ vợ nhưng mụ ta xua tay, vẻ như xin lỗi đang bị cúm (hoặc bị ho, hay bất kì một bệnh dễ lây nào đó). Thằng trai trẻ thấy thế cũng xua tay theo. Con bé kia ngẩn người còn mụ vợ thì khoái ra mặt. Cả nhà huỳnh huỵch bước đi. Brunel im lặng cúi đầu. Tôi không tin là hắn có ý định tán tỉnh con bé kia (nếu có thì cũng không dám làm trước mặt mụ vợ), nhưng tôi ngờ là hắn có phần nào muốn nhờ con bé trả thù mụ vợ hộ mình (hắn đã đầu têu cho cuộc ôm hôn tập thể để con bé có dịp đặt môi lên má thằng trai trẻ, rồi lại chìa má ra nhận môi của thằng kia - cảnh này nhất định khiến mụ vợ đau tim). Nhưng Brunel đã thất bại thảm hại. Mà ai ở vị trí của hắn cũng thất bại thảm hại. Bởi đó là một trận chiến không hề cân sức. Cân sức làm sao được khi một mình chọi hai địch thủ đã hết sức đoàn kết lại vô cùng ghê gớm là tiền bạc và tuổi trẻ.
Brunel im lặng cúi đầu, nhưng vẫn đi bên cạnh kẻ thù (không thể có cách gọi nào chính xác hơn khi đôi bên đã trải qua những trận chiến như tôi vừa chứng kiến). Cái giá của căn hộ tầng “danh dự” hóa ra đau đấy chứ, sếp trực tiếp của tôi, chắc sếp không biết tôi vẫn lẽo đẽo theo sau từ sáng, bây giờ lại tiếp tục gò lưng đợi cả nhà sếp thay món đổi đĩa không biết tới bốn giờ chiều có xong nổi đét-xe và sâm-banh.
VII
Ngỡ phải mất vài tiếng với bữa trưa Chủ nhật của nhà Brunel, nhưng tôi nhầm. Tôi và Hanah chưa gặm xong khúc bánh mì kẹp thì mụ vợ và thằng trai trẻ đã bất ngờ mở cổng. Hóa ra chỉ lên nhà để thay quần áo. Hai bộ đồ trắng nõn đã nhường chỗ cho hai bộ đồ đen tuyền, chắc hẳn cùng một thợ may nên giống nhau từ cổ áo đến gấu quần. Mụ vợ quàng thêm một chiếc khăn lông trắng (vẫn không sao bỏ được màu trắng). Thằng trai trẻ đội thêm một chiếc mũ phớt trắng (tình đoàn kết của nó với mẹ nuôi quả là vô địch). Tay trong tay (không còn đeo găng) cả hai tiến về chiếc xe hơi đen bóng đậu ngay cạnh nhà. Thằng trai trẻ mở cửa xe, nghiêng người đỡ mụ ta ngồi vào ghế phải, rồi vòng qua mũi xe, kéo nhẹ áo, ngồi xuống ghế trái, cửa xe đóng lại từ từ. Động tác của nó thật là điêu luyện. Brunel tập cả đời cũng khó mà làm được như thế. Chiếc xe lao vút. Bấy giờ mới thấy xe chỉ có hai ghế mà thôi.
Tôi chưa hết ngỡ ngàng thì Brunel đột ngột xuất hiện. Dường như hắn đứng sẵn đâu đó, chỉ đợi mụ vợ và thằng trai trẻ phóng đi là mở cửa chạy ra. Hắn vẫn mặc bộ đồ trắng sáng nay, nhưng đội thêm chiếc mũ phớt đen. Bây giờ mà đặt thằng trai trẻ bên cạnh, thì chúng ta sẽ có hai hình ảnh đối lập nhau hoàn toàn. Nếu mắt thằng kia xanh biếc thì mắt Brunel sẫm tối (đến độ không thể gọi là màu gì). Nếu tóc thằng kia bồng bềnh thì tóc Brunel tả tơi (đến độ nhìn rõ cả sọ). Nếu thân thể thằng kia thuôn thả và hừng hực sức sống thì thân thể Brunel nặng nề nhiều mỡ, lại có bệnh nhồi máu cơ tim (các đồng nghiệp chứng kiến hắn uống thuốc trợ tim từ năm năm nay). Nếu thằng kia mặc đồ đen và đội mũ phớt trắng thì Brunel mặc đồ trắng và đội mũ phớt đen. Sự đối lập ấy, có lẽ do mụ vợ sắp đặt là chính. Vì “ngoại tình là đi tìm cái mà mình không có” nên chẳng phụ nữ nào lại chọn tình nhân giống hệt đức ông chồng. Chị ta sẽ hơi cảm thấy hài lòng nếu họ khác nhau đôi chút và sẽ “vô cùng mãn nguyện” khi họ khác nhau hoàn toàn. Thằng trai trẻ tất nhiên là có ngoại hình và tuổi tác khác hẳn Brunel nhưng mụ vợ, vì muốn đạt đến trạng thái “vô cùng mãn nguyện”, đã cố tình khắc sâu thêm sự khác nhau giữa tình nhân và chồng: mụ luôn tìm cách mua sắm cho Brunel và thằng trai trẻ quần áo, xe hơi và đồ dùng cá nhân đối lập nhau (chủ yếu là về màu sắc vì đó là cái đập vào mắt hơn cả), và do tự tay dạy dỗ thằng trai trẻ từ lúc lên mười nên mụ đã đào tạo được cho nó tất cả những thói quen ngược lại với Brunel:
Brunel thích ăn bít-tết (hôm nào ở căng-tin có bít-tết ngon thì hắn cũng tỏ vẻ cởi mở hơn), thằng trai trẻ thích ăn cá hồi (thế mới giải thích được vẻ thuôn thả nhưng vẫn hừng hực sức sống của nó).
Brunel uống rượu như nước (trong hóa đơn của hắn ở Đông Âu, tiền vodka bao giờ cũng chiếm tỉ lệ rất cao), mụ vợ không những không ngăn cản mà còn chuốc thêm để căn bệnh nhồi máu cơ tim của hắn mau mau nhìn thấy giai đoạn cuối. Ngược lại, thằng trai trẻ nhất định không được quyền đụng đến một giọt bia chứ đừng nói là rượu (mụ ta không để nó trở thành một bợm vodka như Brunel và nhất là muốn bảo dưỡng maximum khả năng con đực của nó).
Brunel lạnh lùng và vụng về (tất cả các đồng nghiệp đều dùng hai từ này để nói về hắn), thằng trai trẻ lịch sự và duyên dáng (tất nhiên, dưới sự chỉ đạo của mẹ nuôi, nó có thể thay đổi hoàn toàn, như trường hợp với con bé xinh đẹp định ôm hôn nó trong sân nhà thờ sáng nay).
Như thế đấy, Brunel và thằng trai trẻ là hai thái cực. Nếu như lúc nãy, thằng trai trẻ ung dung bước vào xe (trước khi ngồi, còn kéo nhẹ áo), thì Brunel mắt trước mắt sau chạy ra xe, cửa xe chưa kịp mở hết đã lao vào làm toạc cả gấu quần. Tôi thấy mặt hắn tái dại, chắc không biết chút nữa phải giải thích thế nào cho quí phu nhân (mụ ta lại được dịp so sánh tính vụng về của hắn với tính khéo léo của thằng trai trẻ).
Xe tôi nhanh chóng theo sau xe hắn. Một trăm mét vẫn là khoảng cách hợp lý. Phố vắng tanh và thật kì lạ, tôi có cảm giác hắn đang đi lại con đường hôm qua, cũng những đại lộ lớn mà hắn thuộc như lòng bàn tay và chỉ giảm tốc độ mỗi khi tới gần ngã tư có đèn đỏ. May mà vườn hoa Luxembourg không có nhóm du lịch Nhật Bản nào đi hàng hai. Có lẽ họ đã lên máy bay để ngày mai còn kịp dạy từ bảy giờ sáng đi làm. Cũng không có đoàn xe mất dạy nào bỗng dưng nhảy vào giữa chiếm đường. Ranger Rover màu bạc, đít vuông, biển số ngoại giao, giờ này lang thang ở đâu?
Tôi giữ chặt tay lái, mắt nhìn thẳng không chớp. Vượt qua đại lộ Bệnh viện, nhà ga Austerlitz, tiến thẳng tới quảng trường Italie. Vào trong địa phận khu Tàu, thấy chiếc xe trắng lốp của Brunel trước mặt, tôi mới thở ra, rồi chùng cả người xuống. Có cảm giác hai mươi phút qua, chẳng có tẹo không khí nào vào phổi.
Xe Brunel bỗng nhiên chạy chậm rồi quay ngoắt vào một phố nhỏ. Đến trước một khách sạn bé tí tẹo, hắn dừng lại, mở cửa và vụt một cái đã biến mất sau chiếc bình phong dựng ngay lối vào. Tôi ra hiệu cho Hanah ngồi im, bước ra khỏi xe, đóng nhẹ cửa rồi đi nhanh về phía khách sạn. Nhưng đến trước tấm bình phong thì tôi dừng lại. Tôi chưa tìm được lý do nào để tiến vào bên trong.
Bình phong tự động hé mở, một thiếu nữ người Hoa cao lớn bước ra. Bằng một thứ tiếng Pháp chuẩn xác, cô ta hỏi tôi cần gì. Kèm với câu hỏi là một nụ cười thật tươi, khoe hàm răng trắng tinh đều tăm tắp. Người ta nói phụ nữ Trung Hoa không đẹp nhưng khi đã đẹp thì tuyệt đẹp, lúc này tôi thấy không sai. Để giữ bình tĩnh, tôi không nhìn vào đôi môi của cô ta mà đưa mắt ngó sang bên cạnh. Tường treo những bức tranh thủy mạc nho nhỏ lồng trong khung kính, nhưng không biết có phải vì hoa mắt mà tôi có cảm tưởng ngỗng trời, rừng thông, hoa cúc, sông núi… trộn lẫn vào nhau, làm thành một bức họa khổng lồ và cô thiếu nữ Trung Hoa tuyệt đẹp này vừa mới từ trong đó bước ra. Cô ta lên giọng nhắc lại câu hỏi. Nụ cười vẫn thật tươi. Tôi không thể không nhìn cô ta. Phải công nhận là vẻ đẹp của cô ta thật uy quyền, và cả giọng nói, tuy nhẹ nhàng nhưng vẫn làm người nghe ngần ngại. Tôi bắt đầu run, tôi bảo tôi muốn chờ “người quen”. Cô ta lại hỏi có thể cho biết tên người quen được không. Giọng cô ta còn nhẹ nhàng hơn lúc nãy nên tôi càng run. Tôi không biết trả lời thế nào. Không lẽ đưa tên Brunel. May mà có tiếng điện thoại reo, cô ta quay vào trả lời. Chiếc bình phong đóng lại. Tôi nhìn quanh rồi nhón chân bước thẳng ra cửa. Đường vắng ngắt. Hanah đang ngủ. Tôi ngồi xuống ghế, cầm chai nước lên uống mới thấy lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Nhưng xương sống thì lạnh buốt.
Cảm giác này tôi đã từng biết, cách đây hai chục năm là ít. Đó là thời gian ở trung học, khi lớp tôi được một thực tập sinh đến dạy thử mấy tuần. Không biết có phải vì ngại chuẩn bị bài trong sách giáo khoa mà anh ta toàn đọc cho chúng tôi những đoạn văn không ăn nhập gì với chương trình của sở Giáo Dục. Nhưng cũng nhờ thế mà cả lớp được làm quen đôi chút các nền văn học khác ngoài Pháp và châu Âu. Trong những đoạn văn mà anh ta đã đọc, có một truyện ngắn cổ Trung Hoa về một nhân vật nữ nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành” nhưng vô cùng huyền bí, ẩn hiện bất ngờ và thuộc phép thần thông. Thú thật là tôi không hiểu, không cảm thấy gì ngoài sự sợ hãi trộn lẫn bồn chồn. Một cảm giác mơ hồ rất khó tả. Như báo trước một điềm không may. Mấy tháng sau thì mẹ tôi qua đời. Bởi một cơn đau tim cấp tính, theo lời bác sĩ là vô phương cứu chữa. Tôi không biết sự kiện này có liên quan gì đến cái cảm giác mà câu chuyện quái quỉ ấy đã gây ra, nhưng tôi tin là tôi vừa gặp lại nó, vài phút trước, khi giáp mặt cô thiếu nữ Trung Hoa tuyệt đẹp. Nhưng nó lại muốn báo cho tôi một điềm không may nào nữa đây?
Tôi cố ngó lên mặt tiền của khách sạn, hy vọng tìm được một phòng có chứa Brunel trong đó. Khách sạn bốn tầng, mỗi tầng bốn cửa sổ, cửa sổ nào cũng kéo rèm nhung đỏ kín mít. Không hiểu Brunel làm gì sau tấm nhung đỏ, trong cái phòng khách sạn có lẽ chưa to bằng buồng tắm nhà hắn và hẳn là không bao giờ đáp ứng điều kiện vệ sinh. Báo chí mới năm ngoái đây thôi, sau khi tấn công liên tiếp các nhà hàng Trung Quốc, đã bảo rằng gián và chuột không chỉ xây tổ trong bếp và chạn ăn của Hoa kiều mà còn vui đùa nô giỡn trên giường ngủ của họ. Trên thực tế, các khách sạn khu Tàu từ lúc mở cửa chưa khi nào được lòng khách hàng người Pháp, sau những trận tấn công của báo chí, đành vĩnh viễn trở thành một kiểu nhà khách giá rẻ cho du lịch Á châu - ban ngày lên xe ca chụp ảnh tháp Eiffel và lâu đài Versailles, ban đêm quay về Little Hongkong ăn há cảo, đánh mạt chược, hát ka-ra-ô-kê hoặc nằm khóc nhớ nhà.
Nhưng Brunel thì đâu phải người Á. Mà ngay cả khi có tình nhân người Á thì hắn cũng thừa khả năng để thuê một khách sạn bốn hoặc năm sao. Không chỉ thừa khả năng mà hắn bắt buộc phải làm như thế: phụ nữ có thể tìm thấy cái gì ở hắn ngoài các giá trị vật chất? Thân thể hắn mà bị lột ra khỏi bộ com-lê trắng nõn đắt tiền thì chẳng khác một khúc dồi lợn khổng lồ. Có lẽ trên người hắn chỉ cái các vi-dít cùng địa chỉ đại lộ Victor Hugo quận 16 danh giá là trông được. Hèn nào túi ngực hắn lúc nào cũng cộm một tệp các vi-dít in chữ nổi.
Nhưng mà tôi có suy luận thế nào đi nữa thì hắn vẫn cứ đang ở đâu đây, phía sau một trong mười sáu rèm nhung đỏ (còn cái xe mới đập hộp của hắn thì đậu ngay trước mũi tôi). Tôi cảm thấy ghen tị với hắn. Nếu hắn không hẹn tình nhân trong cái nhà khách mốc thếch này mà lại đích thân mang xe đến đón cô ta rồi cả đôi dắt nhau vào “suite” đắt nhất của khách sạn năm sao thì tôi sẽ chẳng bận tâm tới hắn làm gì cho mệt.
Tôi tưởng tượng hắn đang trần truồng nằm ngửa trên giường (bên dưới rất có thể là chuột và dán) để cho tình nhân vuốt ve dương vật. Với cái vẻ ục ịch và căn bệnh nhồi máu cơ tim giai đoạn cuối, hắn khó có thể làm được động tác nào hơn thế. Tình nhân của hắn cũng không dại gì yêu cầu hắn từ bỏ tư thế (thụ động) ấy để chưa kịp hưởng cái gì (tích cực) đã phải lo gọi xe cấp cứu. Trong hoàn cảnh xấu nhất mà tim hắn ngừng đập vĩnh viễn thì cô ta còn bị cảnh sát mời ra đồn làm việc, bị vợ hắn đưa ra tòa kiện (nhất định có thằng con nuôi đi kèm để làm nhân chứng cho sự mất mát không gì sánh nổi của mụ ta). Nói chung, cả hắn lẫn tình nhân đều tiết kiệm các động tác. Đến hét to, hắn cũng không dám. Những bệnh nhân nhồi máu cơ tim không bao giờ dám mở rộng miệng, bởi vì chỉ cần không khí chui vào hơi nhanh là cổ họng của họ bị tắc nghẽn. Nhưng ngay cả khi hắn thách thức cái chết, cứ hét bừa cho thỏa thích thì hệ thống cách âm của khách sạn cũng không cho phép điều ấy, người quản lý (cô thiếu nữ Trung Hoa xinh đẹp lúc nãy) lên tận phòng gõ cửa yêu cầu trật tự để các khách du lịch vừa xuống máy bay còn ngủ lại sức (bây giờ là đêm ở châu Á). Tình nhân của hắn, sau khi vuốt ve dương vật hắn khoảng mười lăm phút thì cũng mỏi tay mà nằm vật ra. Cái chính là cô ta cũng không thấy khoái cảm gì. Khoái cảm thế nào được khi hắn cứ chềnh ềnh như một cái xác biết rên (tiếng rên của một kẻ nhồi máu cơ tim giai đoạn cuối thường khiến người nghe liên tưởng đến độc tấu kèn ô-boa). Và điều làm cô ta càng chán nữa là do tứ chi của hắn bất động nên hắn lại càng giống khúc dồi lợn khổng lồ, dương vật thì tỉ lệ nghịch với bụng và đùi.
Cả hai sẽ nằm vật ra cạnh nhau như hai cái xác (cô ta cũng sẽ không động đậy, và chán chường đến nỗi chỉ muốn nhắm chặt hai mắt để khỏi phải chứng kiến sự thật).
Nhưng dù có cố tưởng tượng ra những điều tồi tệ nhất cho Brunel thì tôi vẫn cảm thấy ghen với hắn. Thậm chí còn ghen hơn lúc nãy. Bởi vì thế có nghĩa là tất cả những điều tồi tệ nhất cũng không ngăn cản được hắn có tình nhân, cô ta chấp nhận những điều ấy, và biết đâu còn bị hấp dẫn bởi chúng cũng nên. Tôi từng xem một chương trình vô tuyến được đặt tên là ”Sex có phải là một phép màu?”, trong đó người ta giới thiệu những phụ nữ có ham muốn tình dục vô cùng kì cục. Ví dụ một phụ nữ khá cao chỉ thích ngủ với đàn ông thấp hơn ít ra hai mươi xăng-ti-mét, chị ta giải thích thói quen nghề nghiệp của cầu thủ bóng rổ khiến chị ta cứ phải rướn cổ ngay cả lúc ở trên giường. Một phụ nữ khác thề rằng cả đời chỉ mong được qua đêm với một đầu bếp ngoại hạng, để có thể vừa làm tình vừa ngửi mùi thơm của những món ăn đặc sắc nhất trên đời toát ra từ mọi tế bào trên cơ thể của anh ta. Tâm điểm của chương trình là một phụ nữ duyên dáng mảnh dẻ có niềm say mê duy nhất là trọng lượng gần tạ rưỡi của đức ông chồng (ông ta không hiểu lý do gì mà không đến ra mắt, khiến khán giả cũng hơi thất vọng). Khi được hỏi trên giường họ có gặp khó khăn gì không, chị ta nhìn chồng âu yếm (bức ảnh toàn thân của ông ta phóng to treo giữa sân khấu) rồi bảo tư thế duy nhất mà họ có thể có được là “tôi ngồi lên bụng anh ấy”, nhưng chị ta vô cùng mãn nguyện và luôn cảm thấy thèm khát, và đòi được làm tình vào tất cả những lúc chỉ có hai người. Trước khi gặp chồng, chị ta cũng từng có nhiều bạn trai và đã thử các tư thế khác, “nhưng chúng chẳng nói với tôi điều gì” - chị ta tuyên bố và khán giả bên dưới vỗ tay nhiệt liệt.
Càng lúc tôi càng cảm thấy ghen với Brunel. Hắn sinh ra dưới ngôi sao nào mà lấy hết cả may mắn của người khác như thế. Rồi bỗng dưng, không biết có phải vì bi quan mà tôi còn đi đến một nhận định này nữa: vì “ngoại tình là để đi tìm cái mà mình không có” nên chẳng đàn ông nào lại muốn có tình nhân giống hệt quí phu nhân, anh ta sẽ cảm thấy hơi hài lòng nếu họ khác nhau đôi chút và sẽ “vô cùng mãn nguyện” khi họ khác nhau hoàn toàn. Muốn đạt được cảm giác “vô cùng mãn nguyện” (bây giờ thì không ai còn có thể coi thường các tham vọng của Brunel), hắn đã hạ quyết tâm và cuối cùng chọn được một tình nhân đối lập hẳn với mụ vợ: nếu mụ vợ đã xấu người lại xấu nết thì cô ta vừa xinh đẹp vừa đáng yêu; nếu mụ vợ thù ghét lão nhưng không chịu ly dị (mụ ta rất sợ dư luận) thì cô ta say mê lão nhưng không đòi kết hôn (có những phụ nữ chỉ thích làm tình nhân); nếu mụ vợ ngoại tình ngay trước mũi hắn thì cô ta thề chung thủy với hắn chọn đời; nếu mụ vợ luôn tạo khoảng cách với hắn (mụ ta chỉ đồng ý cầm tay hắn khi cả hai đã đeo găng) thì cô ta lại luôn yêu cầu hắn vứt bỏ hết chướng ngại vật khi đến với mình (giữa họ, chướng ngại vật lớn nhất là giai cấp và việc chọn cái khách sạn bình dân này có thể được coi như hành động từ bỏ giai cấp quí tộc của Brunel).
Nếu quả như vậy thì Brunel là con người hạnh phúc hiếm hoi tôi từng biết. Các đồng nghiệp ở công ty hôm nào không được căng-tin cung cấp bít-tết và rượu vang thì có lúc cũng xuống tinh thần mà kể cho nhau những chuyện buồn chán (đó thực ra cũng là một kiểu tâm sự nhưng có điều họ không bắt phụ nữ phải nghe ở trên giường). Trừ một số vị tốt mã và mồm mép (hai yếu tố này không hiểu sao hay đi cùng nhau), phần lớn họ đều trải qua “các sự cố tình cảm quan trọng”, nghĩa là bị phụ nữ bỏ rơi vì những lý do “cực kì phi lý” (như không đi giày Ba-ta trắng, không biết làm món bánh táo rắc quế, không lau buồng tắm sau khi làm vệ sinh buổi sáng, không tự động mua chè đen khi đi chợ…). Ấy là chưa kể những vị ngay sau lần qua đêm đầu tiên đã bị mời ra đường có trật tự mà hoàn toàn không được giải thích lý do (theo thống kê, 69% lần qua đêm đầu tiên xảy ra ở nhà phụ nữ). Tôi tự nhủ tình yêu khách sạn như Brunel quả là sáng suốt, không bao giờ bị làm phiền bởi những “lý do phi lý” như món bánh táo rắc quế, tách chè đen, chiếc giẻ lau buồng tắm… hoặc những lý do ít phi lý hơn như tiền thuê nhà, lịch phân công rửa bát, trông con riêng của chồng ngày Chủ nhật… Cũng có thể vài đồng nghiệp của tôi từng nghĩ đến tình yêu khách sạn như Brunel (nói cho cùng thì hắn không thể được coi là thông minh hơn người khác), nhưng có điều là tìm đâu ra một phụ nữ chịu làm tình trong cái phòng được báo chí nhận định là “dưới cả mức trung bình ” như thế này. Phụ nữ Pháp nói chung là đừng bao giờ mơ tới vì báo chí là nơi mà họ đặt nhiều lòng tin nhất (trước cả nhà thờ và cố vấn ngân hàng).
Cuối cùng, tôi đi đến kết luận rằng Brunel chẳng thông minh, đẹp trai, tài giỏi gì nhưng được cái may mắn, cực kì may mắn. Kết luận ấy khiến tôi cũng nguôi ngoai hơn. Tuy vậy, trí tưởng tượng vẫn chẳng vì thế mà thôi giày vò. Tôi vẫn hình dung mồn một cảnh Brunel trần như nhộng trên giường để cho một phụ nữ ve vuốt dương vật, cô ta có gương mặt nhìn nghiêng bị mái tóc dài che kín, từ bụng trở xuống chìm trong chiếc chăn bông in hoa mẫu đơn đỏ, chỉ mỗi đôi vú nhỏ là nhìn thấy rõ. Nhưng điều ấy chẳng nói lên điều gì, tôi vẫn không biết cô ta là ai, phụ nữ Á châu nói chung đều có bộ ngực nhu nhú giống bộ ngực của những đứa bé gái.
Cuối cùng Brunel cũng xuất hiện ở cửa để chấm dứt màn tưởng tượng của tôi. Tôi nhìn đồng hồ, hắn đã ở trong đó đúng hai tiếng. Bây giờ hắn có khuôn mặt mệt mỏi nhưng mãn nguyện, dường như tất cả các cơ đều nở tối đa. Toàn bộ thân người cũng tạo nên một cảm giác như vậy: khuy cổ không cài, cà-vạt thả lỏng, sơ-mi nhăn nhúm, ống quần so le. Tóm lại, Brunel có đầy đủ vẻ thỏa mãn của một thằng đàn ông vừa làm tình xong, mà phải ngoại tình mới tạo được vẻ thỏa mãn ấy, nó chứa đựng một sự mâu thuẫn không sao hiểu nổi trong việc xử lý dấu vết: vừa tìm cách xóa bỏ (vì bất hợp pháp và nguy hiểm), lại vừa tìm cách giữ lại (vì không dễ mà có được). Tôi tin là tình nhân của Brunel cũng rơi vào mâu thuẫn ấy: một mặt cô ta rất sợ bị mụ vợ hắn phát hiện ra (vì như thế nghĩa là đặt dấu chấm hết cho mối tình vụng trộm), mặt khác cô ta lại bị kích thích bởi ham muốn chường mặt mũi mình ra cho mụ vợ phát điên vì ghen tức và nhân đó chứng minh rằng chiến thắng thuộc về cô ta (nói cho cùng mỗi mối tình tay ba là một cuộc tranh giành trong đó chính thất, ở mọi trường hợp, là kẻ thua cuộc).
Làm tình trên giường của mình với vợ (hay chồng) của chính mình, chúng ta không bao giờ mất thời gian lo lắng cho việc xử lý dấu vết bởi vì dấu vết tự chúng biến đi: khi cởi quần áo chẳng hạn, cả hai vợ chồng đều bình tĩnh cởi từng thứ một (vì không muốn chúng bị đứt cúc hay tuột chỉ), rồi thỏa mãn hay không thì chúng ta đều có thể nhảy vào buồng tắm tắm một cái (như kiểu ăn cơm xong thì đi rửa miệng), rồi sau đó vào bếp làm cốc trà pha mật ong (vợ đun nước, chồng cho trà vào tách). Nói chung, mọi thứ đều đâu vào đó, quen thuộc và không có gì phải gợi một mảy may lo lắng. Nhưng tôi đồ rằng chính cái thư giãn đó khiến cho phần lớn chúng ta (trừ một vài cá nhân đặc biệt mà tôi rất cảm phục) lại thèm khát qua đêm với một người không phải vợ (hay chồng) mình, trên một cái giường không tự tay mình mua, trong một căn phòng mà mình biết rõ mọi ngóc ngách...
Brunel lao vào xe, nhấn ga, nổ máy. Bỗng dưng tôi nảy ra ý định ở lại chứ không đi theo hắn. Tôi tin rằng hắn chẳng còn dám lang thang đâu nữa, giờ này mụ vợ và thằng trai trẻ hẳn cũng trên đường về, rất có thể cả hai cũng vừa qua mấy tiếng trong một phòng khách sạn, nhưng đối lập với hắn, đó là một khách sạn cực kì đắt tiền mà mụ ta đã đặt từ trước cho tất cả các ngày thứ Bảy và Chủ nhật, khi Brunel không phải đi làm khiến mụ ta và thằng kia không thể tự do hú hí trên giường.
Brunel vút xe đi. Tuy quyết định ở lại nhưng tôi vẫn không sao ngăn được cảm giác như bị bỏ rơi giữa đường. Trên thực tế, mọi việc xảy ra quá nhanh, tôi không ngờ Brunel lại ra về một mình như vậy. Trí tưởng tượng của tôi từ hai tiếng nay tràn ngập hình ảnh của hắn với tình nhân khiến tôi cứ tưởng sẽ chạm mặt cô ta. Và trong thâm tâm, đó là điều mà tôi rất muốn. Nói cho cùng, từ hôm qua đến giờ, tôi làm cái đuôi của hắn không phải để khám phá hắn ngoại tình như thế nào (khi nghe cô bán bánh khẳng định điều ấy, tôi chẳng ngạc nhiên chút nào) mà chỉ muốn biết một điều: giữa hắn và T có liên quan gì với nhau?
Đúng là từ nãy đến giờ tôi không ngừng hình dung cảnh Brunel trên giường với tình nhân, mặt hắn thì tôi thấy rõ (mắt nhắm và bất động như một xác chết) nhưng khuôn mặt của cô ta luôn thoát khỏi trí tưởng tượng của tôi, khi thì bằng mái tóc dài, khi thì bằng bàn tay trái (tay phải cô ta dùng để ve vuốt dương vật của Brunel), khi thì bằng tấm chăn in hoa mẫu đơn đỏ, khi thì bằng bóng tối của căn phòng (cô ta đã tự động tắt đèn vì hết kiên nhẫn nhìn khúc dồi lợn khổng lồ).
Tôi chờ mãi, chờ mãi. Hanah đã thức dậy. Đèn đường đã bật sáng. Một cơn mưa cũng bất chợt đổ xuống.
Tôi biết lại mất thêm một ngày ngớ ngẩn với Brunel. Nhưng nếu không, thì làm gì cho hết hôm nay?
VIII
Người ta chỉ cho tôi cái ghế trong góc phòng rồi bảo: “đợi một chút nhé, đại úy đang bận họp”. Tôi ngồi xuống ngó quanh quất. Phòng làm việc của thanh tra cảnh sát không khác phòng làm việc của kế toán công ty dược phẩm là bao (giống như tôi, hắn ta cũng chia phòng với một đồng nghiệp khác nhưng lúc này cả hai đều vắng mặt). Hai chiếc bàn làm việc để song song. Hai máy tính không tắt, màn hình loang loáng logo sở Nội Vụ (màn hình của tôi và Paul cũng loang loáng logo công ty Dược Phẩm). Trang trọng trên tường là chân dung lồng kính một con chó berger, rất giống Rex của hình sự nhiều tập Đức. Cũng dễ hiểu nếu Rex được các thanh tra cảnh sát cho lên bàn thờ mặc dù vẫn còn sống nhăn răng (hội điện ảnh vừa tổ chức kỉ niệm sinh nhật lần thứ ba mươi mấy của nó - viên bác sĩ thú y chuyên chăm sóc Rex tuyên bố với các nhà báo là chưa thấy con cẩu nào dẻo dai như thế, và có lẽ nó sẽ có tuổi thọ rất cao). Phim mục của Rex chẳng kém phim mục của các ngôi sao hành động khác. Người ta đồn rằng nó có rất nhiều fan trong giới cảnh sát.
Cách đây nhiều năm, một lần để quên thẻ Visa trong siêu thị, tôi quay lại tìm thì nhân viên bán hàng không buồn giúp mà bắt ra cảnh sát khai báo. Dịp ấy, tôi được chứng kiến phòng làm việc của phó đồn ngập ảnh Bruce Willis, có cái phóng to như người thật, siêu sao Hollywood mặc đồng phục, đeo kính đen, khẩu súng lục cầm ở tay thật đến độ vừa bước vào phòng tôi đã suýt quay lưng bỏ chạy. Nhìn phản ứng của tôi, phó đồn sướng quá cười bảo: “Bruce Willis đấy, oách quá phải không!”. Khi tôi trình báo xong xuôi, phó đồn tuyên bố một câu xanh rờn: “nói thật chứ, đáng lẽ phải báo ngân hàng chủ quản trước khi lên gặp chúng tôi”. Trước vẻ ngạc nhiên của tôi, phó đồn tuyên bố tiếp: “thời buổi này, quên tức là mất, thế mà không hiểu”. Không đợi tôi phản ứng, phó đồn bắt tay khuyên: “nói chung không tìm được đâu, đừng hy vọng cho mệt”. Rồi quay sang chỉ vào Bruce Willis cười cười nhắc lại câu lúc nãy: “oách quá phải không!”. Hai lần liền không được tôi hưởng ứng, phó đồn mặt mày sa sầm, đập cửa một cái rất mạnh. Ngay sau đó, tôi phải công nhận rằng phó đồn có lý: thẻ Visa của tôi đã lọt vào tay một ai đó tận Bruxelles và toàn bộ số tiền trong tài khoản đã kịp không cánh mà bay. Kết quả là một tuần liền tôi gặm bánh mì kẹp trừ bữa. Sau này tôi cũng xem thêm vài phim có Bruce Willis và lần nào cũng nhớ đến phó đồn. Phải công nhận là ngôi sao Hollywood kẻng trai và đóng tốt. Chỉ có vấn đề là anh ta diễn xuất giỏi đến độ khán giả không sao quên được các vai siêu cảnh sát anh hùng trừ gian của anh ta. Các nhà làm phim cũng không dám giao cho anh ta các loại vai khác. Mới đây, Bruce Willis tâm sự là rất thèm thử nghiệm các nhân vật gian ác (trái ngược với siêu cảnh sát) nhưng các fan nhao nhao phản đối và anh ta “gần vỡ đầu” mà vẫn chưa biết giải quyết thế nào!
Hôm nay, trước khi đến gặp Delon tôi đã tưởng sẽ được dịp mỏi mắt với chân dung của ngôi sao điện ảnh Pháp (rất có thể vì mê các vai hành động của Alain Delon mà hắn ta đã quyết định vào ngành cảnh sát và tiếp tục lên đến chức vụ đại úy). Thế mà chỉ có mỗi Rex ngự trị trên tường. Thật không hiểu ra làm sao. Tự dưng tôi hơi có cảm giác bất an.
Cuối cùng thì ai đó cũng bước vào. Hắn còn trẻ, đỏm dáng, tóc chải mượt, sơ-mi trắng, com-lê xanh, cặp da mềm. Nói chung nhiều vẻ chuyên viên thương mại hơn thanh tra cảnh sát. Hắn giơ tay bật tất cả các công tắc đèn, xong xuôi quay ra nhìn tôi không chào mà nói ngay: “đợi Delon hả, chắc là lâu đấy”. Tuyên bố xong cái câu kinh hoàng ấy, hắn điềm nhiên ngồi xuống bàn làm việc bên cạnh chân dung Rex. Tôi hiểu hắn là fan của ngôi sao hình sự nhiều tập Đức.
Hắn cũng không ngồi lại lâu. Sau khi mở máy nhắn tin - không có tin gì, rồi mở e-mail - hình như cũng không có thư gì, hắn đứng lên tay cầm một quyển sổ công tác (trên bìa có logo của sở Nội Vụ). Đã đi ra đến cửa, hắn còn ngoái lại nhìn tôi nháy mắt: “đợi một chút nhé, đại úy còn bận họp”. Hình như không nhớ tẹo nào câu vừa tuyên bố cách đây mấy phút.
Còn một mình trong phòng, tôi lại quay về cảm giác bất an ban nãy. Không hiểu sao Delon mãi chưa buồn đến, hắn bận họp thật hay cố tình muốn thử thách lòng kiên nhẫn của tôi. Cứ nghĩ đến hắn (tôi không thể hình dung được khuôn mặt hắn mà không có sự trợ giúp của Alain Delon) là tôi ngài ngại, mặc dù tôi phải công nhận đó là một khuôn mặt đẹp trai và không đến nỗi ngốc nghếch cho lắm. Nhất định hắn sẽ xuất hiện trong áo măng-tô dạ đen, mũ phớt đen và kính râm to bản. Bây giờ thì tôi hiểu rằng hắn không chịu treo ảnh Alain Delon chẳng qua vì hắn muốn thay thế ông ta. Hắn còn trẻ trong khi ông ta đã lục tuần. Hắn cũng mang họ Delon như ông ta. Và hơn hẳn ông ta, trong túi sơ-mi của hắn là thẻ cảnh sát thật chứ không phải thẻ cảnh sát rởm, trong túi măng-tô của hắn là súng lục thật chứ không phải súng lục rởm, trong túi quần tây của hắn là khóa số 8 thật chứ không phải là khóa số 8 rởm. Tóm lại, nếu Alain Delon là ngôi sao đang xuống của điện ảnh Pháp thì hắn là ngôi sao đang lên của sở Nội Vụ thành phố. Tôi tin là hắn sẽ còn lên nữa.
Trên đường đến gặp hắn, đúng 9h sáng, tôi đã dừng lại để gọi điện cho Brunel. Tôi xin phép được nghỉ làm sáng nay vì trong nhà có việc bận đột xuất. Brunel có vẻ ngạc nhiên, ngần ngừ một chút nhưng cuối cùng cũng không vặn hỏi gì. Rõ ràng là tay sếp rất muốn biết chi tiết nhưng không dám. Tôi chào nhanh rồi đặt máy xuống. Lần đầu tiên, tôi cư xử ngang hàng với Brunel như thế. Dù sao thì hai ngày cuối tuần vừa rồi cũng đã cung cấp cho tôi một lượng thông tin về hắn gấp mấy chục lần so với tất cả thời gian trước đây gộp lại. Có lẽ tôi còn phát hiện ra những điều mà chính vợ hắn cũng không biết (mụ ta còn đang mải tí tởn với thằng trai trẻ trong một khách sạn nằm ở tít góc đằng kia của Paris). Nếu cố gắng (giờ đây tôi cũng không hiểu tại sao đã dễ dàng lùi bước trước cô thiếu nữ Trung Hoa như thế), tôi sẽ mò lên được tận nơi để tóm gọn ổ chuồn chuồn của Brunel. Tôi tưởng tượng hắn sẽ giật vội chăn từ tay tình nhân rồi cuống quít quấn vào người. Chà chà, khúc dồi lợn khổng lồ mà được vẽ thêm hoa mẫu đơn đỏ thì vui mắt phải biết. Tôi sẽ mang theo máy ảnh số và bấm liên tục cho đến cạn phim mới thôi. Hắn sẽ hết dùng tay lại dùng gối che mặt (tay kia còn phải giữ chăn mà đậy kín cái dương vật tím bầm teo tóp). Hắn sẽ van tôi tha cho hắn. Hắn sẽ hứa nâng đỡ tôi. Hắn sẽ xin tôi bỏ qua mọi chuyện cũ. Tôi sẽ hỏi hắn những chuyện nào nhỉ. Hắn sẽ lập bập kể ra một lô xích xông đủ thứ chuyện mà bản thân tôi cũng chưa nghe bao giờ, ví dụ hắn biết thừa Paul bị ung thư phổi giai đoạn cuối nhưng vẫn xếp anh ta chung phòng làm việc với tôi, ví dụ hắn đã tự tay cho tôi điểm 10/20 trong bảng xếp hạng chất lượng nhân viên cuối năm, ví dụ hắn đã lý sự ban giám đốc đừng nên cử tôi đi công tác Đông Âu. Tôi sẽ cười nhạt hỏi hắn đã lý sự thế nào. Hắn sẽ đưa ra một lý do buồn cười vỡ ruột: T là người gốc Việt mà cộng đồng Việt Nam ở Đông Âu rất lớn, họ có thể qua T mà mua chuộc tôi phá công ty để họ tự do chiếm lĩnh thị trường dược phẩm như đã từng chiếm lĩnh thị trường thuốc lá, bút chì kẻ mắt và kính đổi màu. Hắn sẽ huyên thuyên những điều không ai hiểu nổi và sẽ thở hồng hộc như một con bò đực đang bị cắt tiết (rất có thể là một bản độc tốc ngược của kèn ô-boa).
Tiếng chân người bước vào khiến tôi ngẩng lên (từ lúc tay thanh tra đỏm dáng ra ngoài mà không tắt đèn, tôi ngồi cúi mặt xuống sàn). Dưới ánh sáng nhức nhối của bốn cây nê-ông và ba bóng hallogen, lừng lững một thằng người trong măng-tô dạ đen, mũ phớt đen và kính râm to bản. Kẻ nào yếu bóng vía nhất định sẽ tưởng Alain Delon đang từ phim đi ra. Thằng người thấy tôi không phản ứng gì thì có vẻ không hài lòng, mắt hắn được kính râm to bản che kín nhưng tôi vẫn thấy môi hắn mím lại, yết hầu giật liên hồi. Hóa ra đại úy cảnh sát cố tình dựng lên vở diễn này để gây ấn tượng với tất cả những ai mới đến gặp lần đầu, và có lẽ tôi là một trong số ít đã tỏ ra thờ ơ. Hắn đã triệu tập chúng tôi vào đầu giờ, để chúng tôi ngồi đợi một mình trong phòng, chờ cho tay đồng nghiệp đỏm dáng đến làm việc, bật hết công tắc đèn xong lại cầm sổ công tác đi ra ngoài, hắn mới từ từ bước vào phòng (hắn chọn thời điểm chúng tôi gục mặt xuống đất vì không chịu được nữa ánh sáng nhân tạo quá mạnh). Rất nhiều người đã giật mình hốt hoảng khi thấy Alain Delon hiện ra trước mặt, nê-ông và đèn hallogen càng làm cho vở diễn thêm ấn tượng. Hắn nhất định không nhúc nhích để cho đám người yếu bóng vía kia hết trợn trừng mắt lại đi một vòng xung quanh chiêm ngưỡng. Hắn biến thành ngôi sao trong năm phút thậm chí mười phút. Hắn đã thành công nhiều lần như thế, vì người yếu bóng vía bao giờ cũng đông hơn những kẻ còn lại. Tôi tự nhủ nếu phải lên gặp hắn ngay từ cách đây mấy ngày thì rất có thể tôi cũng sẽ thuộc về đám đông yếu bóng vía ấy.
Delon tiến về bàn làm việc, bức tường sau lưng không có chân dung ngôi sao nào cả (bởi vì thần tượng của Delon đại úy cảnh sát không phải là tài tử Alain Delon nổi tiếng mà là chính bản thân hắn). Hắn bỏ mũ, cởi măng-tô, bên trong là một bộ com-lê đen đúng mốt và mới toanh. Nhưng cặp kính râm to bản thì hắn không chịu tháo. Dầu sao thì cũng nhờ nó mà khuôn mặt hắn được che đi một phần khá lớn. Tôi cho rằng hắn không ít lần oán Alain Delon đã không bao giờ xuất hiện trong phim với khẩu trang khiến hắn có cớ mà che đi cái miệng của mình. Đúng là cái miệng của hắn không nên để cho người khác nhìn gần (lúc nãy hắn đã cố tình đứng lại ngay cạnh cửa ra vào và khéo léo giữ cho vành mũ phớt hắt bóng xuống cả khuôn mặt). Không biết có phải do di truyền hay vì bố mẹ hắn không để ý đến việc thay răng của hắn lúc bé mà miệng hắn cố ngậm bao nhiêu vẫn bị hở. Đó hẳn phải là nỗi đau khổ to lớn nhất của hắn từ trước đến nay, thế nên khi hắn thấy vở diễn không thành công (không khiến tôi giật mình) thì ngay lập tức mím chặt hai môi. Tóm lại, những chiếc răng thừa đã lột mặt nạ Alain Delon của hắn, cái mặt nạ mà có cố hết sức thì hắn cũng chỉ đạt được đúng hai phần ba. Lực bất tòng tâm là như thế.
Delon chỉ cho tôi một cái ghế, ra hiệu ngồi xuống. Vẫn tiếp tục mím môi, hắn nghếch mông tựa vào bàn làm việc. Phòng im phăng phắc cảm giác nghe rõ cả tiếng u u của máy vi tính và tiếng tanh tách của bóng đèn nê-ông. Tôi thấy mắt (đúng hơn là đôi kính râm) của Delon chĩa thẳng vào mặt mình. Tất nhiên là tôi không sợ (ai lại sợ một đôi kính râm). Nhưng ánh sáng nhân tạo quá mạnh trong phòng lại làm tôi vô cùng chói mắt, và tôi vẫn có chiều hướng cúi mặt xuống sàn chứ không ngẩng mặt lên nhìn lại hắn. Điều này khiến Delon khoái chá, hắn cười cười, nhưng môi thì vẫn mím nên trông càng khó chịu. Không kìm được, tôi hỏi hắn thẳng thừng lý do nào mà hắn bắt tôi bỏ việc đến đây. Hắn tiếp tục nhìn tôi im lặng, ra điều hắn chưa muốn trả lời tôi ngay. Tôi nhận thấy hắn rất khoái đút hai tay vào túi. Lúc mới vào, hắn đút chúng vào túi áo măng-tô, bây giờ khi không còn măng-tô nữa thì hắn đút vào hai túi quần tây. Chân hắn gõ gõ xuống sàn theo một điệu nhạc tưởng tượng. Phải công nhận là nếu nhìn hắn từ xa hai mươi mét thì tôi cũng ngỡ là Alain Delon.
Tôi tiếp tục lên giọng hỏi hắn có biết rằng đầu giờ chiều là tôi phải có mặt ở công ty. Hắn không thay đổi tư thế và cũng chẳng lên tiếng trả lời. Cuối cùng, tôi đứng lên bảo nếu hắn không có gì để nói với tôi thì tôi xin phép ra về. Rất nhanh, hắn đưa tay ấn tôi xuống ghế. Rồi không để cho tôi kịp trấn tĩnh, hắn quẳng cho tôi một phong bì to bằng giấy cứng, từ đó lao ra một xấp ảnh đen trắng cỡ A4. Trong ảnh là tôi, lúc thì ngồi sau tay lái ô-tô, lúc thì nói chuyện với cô bán bánh, lúc thì đang nhai bánh mì kẹp cạnh Hanah, lúc thì ngủ gật trước nhà thờ quận 16, lúc thì đứng ngay cửa khách sạn khu Tàu… Tóm lại, tôi ở ngay sau lưng Brunel còn Delon lại ở ngay sau lưng tôi. Có lẽ vì mải nhìn về phía trước mà tôi không để ý đến gương hậu.
Hắn nhìn tôi hả hê. Mặt hắn vênh vênh (nhưng môi thì vẫn không quên mím chặt). Đợi cho tôi xem xong xấp ảnh, hắn giơ tay kéo hết về phía mình rồi nhét trở lại phong bì, cất vào ngăn kéo. Xong đâu đấy, hắn mới đứng lên, hai tay vẫn đút trong túi quần tây. Hướng về đỉnh đầu của tôi, hắn lên giọng yêu cầu “khai báo tất cả thông tin” về Brunel. Đây là lần đầu tiên tôi nghe giọng thật của hắn và thú thực là thấy giống giọng Alain Delon một cách không ngờ. Hoan hô đại úy thanh tra cảnh sát. Tôi tưởng tượng hắn ăn kiêng và tập thể thao ghê gớm lắm mới có được cái dáng như tài tử điện ảnh. Hắn cũng tốn rất nhiều tiền (có lẽ gần hết lương tháng) để sắm cho mình những bộ cánh, giày tất thắt lưng và mọi phụ tùng như tài tử điện ảnh. Hắn cũng mất nhiều công sức để chăm sóc làn da, sửa sang mái tóc và tỉa tót móng tay như tài tử điện ảnh. Hắn cũng ngày đêm xem băng và tập nói để có cái giọng y hệt như tài tử điện ảnh. Tóm lại, tất tần tật mọi thứ trừ những cái răng bướng bỉnh. Về điểm này thì tôi suy nghĩ từ nãy mà vẫn không sao hiểu nổi, bởi vì ai mà không biết ngành giải phẫu thẩm mỹ đã phát triển đến mức nào. Chỉnh mũi gãy, mổ mắt chột hay khâu miệng hoa loa kèn... được đơn giản hóa gần bằng động tác mổ gà. Mới đây người ta còn quảng cáo phẫu thuật “kéo dài dương vật”, tấn công nỗi sợ truyền kiếp của đàn ông. Thế thì tại sao lại không thể hạ bệ mấy cái răng bướng bỉnh? Tôi cảm giác đây là uẩn khúc quan trọng nhất của Delon.
Tôi hắng giọng rồi bắt đầu kể cho hắn nghe về ngày thứ Bảy, khá đầy đủ chi tiết: tôi đã đến đại lộ Victor Hugo rồi đột nhập tòa nhà của Brunel như thế nào, suýt chạm trán với mụ vợ Brunel và thằng trai trẻ ra sao, đi theo Brunel đến khu Tàu mệt đứt hơi nhưng để hắn sổng mất, cuối cùng đành ngồi lại ăn nem và uống bia trong quán Lâu đài hạnh phúc, nem giòn, bia ngọt, ông chủ quán tốt bụng, Hanah hài lòng… Delon ngồi im nghe, không ghi chép (vẫn thích đút tay vào túi quần) và đôi mắt (qua cặp kính râm to bản) hầu như không mấy khi rời tôi. Kể xong ngày thứ Bảy, tôi dừng lại thở. Delon hỏi có muốn uống không. Tôi gật đầu bảo có cái gì nóng thì tốt quá. Hắn nhấc máy điện thoại, bấm tách tách. Mấy phút sau một bà đứng tuổi bước vào phòng bưng cái khay đựng hai tách cà phê và một hộp đường viên. Hắn vỗ vai bà ta rồi bảo “cám ơn Marie, nếu cần sẽ nhờ sau”. Thái độ rất trịch thượng. Không biết có phải để lòe. Tôi thở dài, hắn lòe thế nào cũng được, nhưng phải để tôi yên như các vị thanh tra đồn cảnh sát địa phương. Tôi đã cố gắng nói lưu loát, thành thực. Và bây giờ mới mệt làm sao!
Delon không uống, đợi tách cà phê tôi vừa cạn là hất hàm ra hiệu cho tôi kể sang ngày chủ nhật. Từ một tiếng nay, hắn ngồi nghếch mông lên bàn và cho tay vào túi quần tây. Đèn nê-ông và hallogen vẫn thi nhau chiếu sáng. Tôi bỗng hiểu chính vì chúng mà mắt tôi gần như không còn khả năng phân biệt, và thân thể trở nên rã rợi thế này. Delon thì không hề hấn gì vì được đôi kính râm to bản bảo vệ. Hóa ra hắn tra tấn tôi một cách gián tiếp mà tôi không biết. Người ta đã nói đâu đó rằng ánh sáng cực mạnh là một trong mấy cách tra tấn hữu hiệu nhất. Tên đồng nghiệp đỏm dáng của Delon cũng chẳng dại gì ngồi quá mươi phút trong phòng. Rất có khả năng là hắn được Delon giao nhiệm vụ bật hết công tắc đèn rồi tìm cách chuồn ra ngoài, nhường chỗ cho Delon hành động.
Phát hiện này khiến tôi sững sờ cả người.
Delon hất hàm lần nữa. Tôi lại kể, nhưng không còn thật thà như khi nãy. Lúc thì vô tình lúc thì cố ý, tôi biến câu chuyện thành một mớ hổ lốn không đầu không đuôi. Chẳng hạn, tôi kể là trong lúc mụ vợ tắm hơi và thằng trai trẻ nghe nhạc thì Brunel đã trốn đến khách sạn khu Tàu rồi ngủ trưa ở đó với tình nhân, hai người nằm trong một phòng nhỏ trên tầng cao nhất, cửa sổ kéo rèm đỏ kín mít. Delon hỏi tôi có nhìn thấy tình nhân của Brunel không. Nghe giọng thì rõ là tò mò. Tôi gật đầu rồi tả cho hắn tỉ mỉ khuôn mặt của cô thiếu nữ Trung Hoa, mày ngài, mắt phượng, da mịn màng như tuyết, tóc đen như khung cửi gỗ mun, nhất là hàm răng trắng tinh đều đặn và nụ cười tươi hơn hoa. Tôi còn nói thêm là cô ta mặc váy xẻ tà rất cao, đùi lấp ló giữa hoa mẫu đơn đỏ, y hệt nhân vật chính của một truyện ngắn tôi đã đọc ở trung học. Cuối cùng tôi kết luận rằng đó là phụ nữ châu Á đẹp nhất mà tôi từng gặp từ trước tới nay, hơn cả Củng Lợi, hơn cả Chương Tử Di, đến độ tôi đã phải tự hỏi tại sao cô ta đã không đi thử vận may ở Hollywood.
Delon không để tôi dừng ở đó. Hắn tỏ ra càng lúc càng tò mò và chỉ muốn biết một điều: Brunel “chơi” cô ta như thế nào. Tôi cũng hơi giật mình khi nghe thấy từ “chơi”, rõ ràng nó không hợp chút nào với khung cảnh hiện nay (giữa trung tâm của sở Nội Vụ). Nhưng tôi tặc lưỡi rồi kể cho Delon nghe một đoạn phim porno bất ngờ nhớ được. Những “thúc từ trên xuống”, “huých ngược ra sau”, “đút thẳng một cú” khiến Delon bồn chồn, chân gõ loạn xuống sàn, tay lục cục trong túi. Tôi bồi thêm một loạt mỹ từ kêu như chuông, “đôi mông tròn rắn chắc”, “cái eo mỏng nõn nà”, “bộ ngực non nhu nhú”, “cặp đùi dài thuôn thả”, “bờ vai trần đong đưa”, “khe nhỏ xinh hé mở”…Quả là quá sức chịu đựng của Delon. “Đủ rồi”, hắn đứng phắt dậy, rút tay khỏi túi quần, chỉ thẳng vào mặt tôi.
Lúc này trông hắn chẳng còn gì giống Alain Delon. Những chiếc răng bướng bỉnh cứ như sắp nhảy xổ ra ngoài. Cái miệng xấu xí phản bội hắn hoàn toàn. Tôi nhìn hắn và hình như đã hơi nhăn mặt. Người ta vẫn phản ứng như thế khi bất ngờ gặp một vết ố vàng trên chiếc áo sơ-mi lụa trắng. Delon hẳn là rất nhạy cảm với những cái nhăn mặt của kẻ đối diện. Ngay lập tức hắn mím môi lại. Chiếc mặt nạ Alain Delon dù sao cũng chỉ hoàn thiện được hai phần ba. Tôi thấy tiếc cho hắn.
Tôi đứng lên đi ra khỏi phòng. Bên ngoài trời mưa rất to. Tôi bỗng nhớ ra rằng đã không thông báo chút nào cho Delon về số tiền mười nghìn euro được chuyển vào tài khoản riêng của T tuần trước. Và đó mới chính là lý do tôi đã ở sau lưng Brunel hai ngày vừa qua.
IX
Căng-tin bao giờ cũng đông. Đó là nơi người ta vừa được ăn vừa được nói thỏa thuê, lại không tốn kém, ít nghi kị. Cuối cùng tôi cũng chọn được một bàn bốn người, ba đồng nghiệp kia (một nữ và hai nam) đã bắt đầu từ lâu, đĩa nhẵn thín nhưng vẫn muốn nán lại, mặt ai cũng ửng đỏ. Thấy tôi để khay xuống bàn, họ đồng loạt ngẩng lên, chúc ăn ngon rồi tiếp tục câu chuyện, có vẻ đang khá sôi động.
Món khai vị gồm một khoanh thịt hun khói và mấy lát dưa chuột muối. Tôi làm hai miếng hết sạch. Từ sáng tới giờ bụng tôi chưa được nhập gì. Tách cà phê nóng của đại úy Delon giúp đầu tôi tỉnh táo đôi chút nhưng lại khiến dạ dày quặn lên từng đợt. Lúc đó tôi đã định chút nữa xong việc sẽ kiếm ít bánh ngọt, nhưng không hiểu sao đặt chân vào tàu điện ngầm mới nhớ ra. Cũng có thể trời mưa to quá. Giữa mùa đông mà mưa như trút thì cũng lạ thật. Mọi người đều bị bất ngờ và ướt từ đầu tới chân. Chẳng ai mang theo ô hoặc áo mưa.
Món chính cũng được tôi nhanh chóng chén gọn. Khi tôi vào đến nơi, ông phục vụ thông báo ngay là bít-tết không còn nữa, chìa cho tôi một đĩa thịt thái nhỏ nấu với cà rốt và đậu hạt. Qui luật của căng-tin là hàng ngày có hai món chính để chọn nhưng ai cũng biết hôm nào bít-tết xuất hiện, món kia rất khó nuốt, phần lớn là đồ hộp hoặc đông lạnh. Có lẽ các vị đầu bếp cho rằng đối với một món top như bít-tết thì không có lựa chọn nào hết và nhân dịp đó kèm một món nhét lò vi sóng nửa phút là xong. Chỉ thiệt những ai đến muộn.
Bây giờ thì tôi đã hoàn hồn đôi chút. Ba đồng nghiệp cùng bàn chắc cũng phát hoảng trước những động tác nhồm nhoàm của tôi. Thỉnh thoảng họ ngừng nói rồi đưa mắt nhìn nhau. Tôi đứng lên lấy ly nước lọc, quay lại vẫn thấy cả ba ngồi đấy, đang bình luận về vụ lạm dụng tình dục trẻ em mới bị phát hiện ở thành phố Anger. Bình thường nếu ba người đều là đàn ông thì chủ đề giường chiếu thế nào cũng thắng, nhất là sau khi đã cho vào dạy dày một miếng bít-tết và một ly rượu vang êm. Nhưng vì trong đám có một phụ nữ (trước đây tôi chưa từng nhìn thấy cô ta ở công ty) nên chủ đề bị chệch đi đôi chút. Cuộc nói chuyện sôi nổi nhưng phần lớn là do cô ta giật dây. Tôi ngờ rằng chính cô ta là người đem đề tài này ra bình luận đầu tiên, cô ta là người Anger và tỏ ra vô cùng tức giận khi thành phố quê hương bị lũ người “bệnh hoạn” làm cho “nhơ bẩn”. Cô ta có khuôn mặt cân đối, thậm chí khá đẹp nhưng giọng nói thì the thé, cảm giác như hai lưỡi kéo đang xiết vào nhau. Hai đồng nghiệp kia tìm cách an ủi, giải thích đại loại là chăn nào mà chẳng có rận, nếu tính về độ nhơ bẩn thì Paris kinh tởm hơn cả, nhưng có sao đâu, người cả nước vẫn đổ về đây ngày một đông, giá bất động sản tăng lên chóng mặt. Họ nháy mắt với nhau và rõ ràng là có ý chuyển hướng đề tài, bất động sản bao giờ cũng khiến mọi người linh hoạt và tuôn được một đống ý kiến ý cò. Nhưng cô ta tỏ ra không dễ bị mắc lừa tẹo nào, nhắc đi nhắc lại hai lần rằng con người bây giờ thật “xảo trá” và rất khó mà phân biệt ai với ai. Hai đồng nghiệp không phản ứng, cô ta có vẻ càng bị kích thích và cuối cùng cao giọng tuyên bố: “tôi sẽ bầu cho chính phủ nào ra được bộ luật cấm bố tắm cho con”. Hai đồng nghiệp kia còn lúng túng hơn nữa, cô ta đắc thắng nói tiếp: “cứ nghĩ đến bàn tay chúng nó lần mò vào chỗ kín của bọn trẻ là tôi lại rùng mình kinh tởm, trên thực tế đã có bao nhiêu vụ như thế, bọn trẻ không thể tự suy xét và cái gì cũng có thể xảy ra mà chúng ta không kiểm soát được”. Hai người kia quay ra nhìn tôi, chắc là để tìm sự đồng cảm, dù sao thì cả ba chúng tôi đều là đàn ông, chiếc nhẫn cưới tôi đeo ở tay chứng tỏ tôi đã lập gia đình và rất có thể hàng ngày phải làm nhiệm vụ “tắm cho con”.
Tôi giả vờ như không nghe thấy gì và ngửa cổ uống cạn ly nước. Tôi biết những đề tài kiểu này thường rất khó chấm dứt và cô ta chắc chắn sẽ là kẻ thắng cuộc. Tôi không lầm. Khi hai đồng nghiệp kia đã cài lại khuy áo khoác, phủi vỏ bánh mì ở quần, tỏ ý muốn đứng lên thì cô ta còn kéo tay họ bắt ngồi lại, rồi hất hàm hỏi: “các anh thấy không, ngày càng nhiều phụ nữ muốn sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, điều ấy chứng tỏ là bọn trẻ có thể lớn lên mà không cần ông bố nào cả”. Hai đồng nghiệp kia gật đầu liên tục. Ra đến hành lang, tôi vẫn nghe thấy giọng cô ta the thé bên trong về một ngân hàng tinh trùng mới mở tại trung tâm Paris, “rất có uy tín”, hai lưỡi kéo xiết vào nhau ở mức độ tối đa.
Paul chưa về. Bàn làm việc của tôi bày một chồng hóa đơn dày, có lẽ thư kí của Brunel mới đưa đến. Tôi ngồi xuống ghế và bắt đầu nhìn xung quanh. Đồ vật trong phòng vẫn ở vị trí cũ. Chiếc cửa sổ không rèm trông ra một khu nhà cao tầng với rất nhiều ban công sơn màu sặc sỡ. Ánh nắng chiều dè dặt bò trên thảm. Màn hình vi tính lấp loáng logo công ty. Hai ngày không gặp lại mà tôi cảm giác xa từ lâu lắm. Tất cả đã đột ngột biến đổi. Trong thâm tâm, tôi không tính được sự kiện T mất tích sẽ ảnh hưởng sâu xa thế nào đến cuộc sống của tôi, nhưng tôi biết từ nay tôi không còn nhìn mọi thứ như trước nữa. Người ta nói rằng trong dòng chảy cuộc sống, một lúc nào đó, mỗi con người đều nhận được một cú huých không biết từ đâu, để nhận ra rằng xung quanh ”tất cả đã biến đổi”. Nhiều người đã nhận được nó từ khi còn trẻ. Những người khác lại nhận được nó lúc sắp sang thế giới bên kia. Tôi nhận được nó ngày hôm nay, mồng 6 tháng Hai năm 2006, vào đúng sinh nhật lần thứ ba mươi tám.
Paul đẩy cửa bước vào. Không để tôi kịp ngẩng lên, anh ta nói ngay rằng tôi cần gọi điện đến số này, việc kíp lắm, một phụ nữ đã liên lạc với tôi sáng nay hai lần liền, hình như liên quan đến tình trạng sức khỏe của bố tôi. Anh ta đưa cho tôi một mẩu giấy vàng. Trên đó ghi một số điện thoại bắt đầu bằng 05. Bên cạnh không có hình lò xo nào cả. Tôi tin rằng Paul nói đúng. Việc kíp lắm.
Ngay tiếng chuông đầu tiên đã có người nhấc máy, như thể đang đợi sẵn bên cạnh. Giọng một phụ nữ, tự giới thiệu là vợ của bố tôi, thông báo với tôi rằng ông trong tình trạng nguy kịch, bệnh viện lo chưa chắc qua nổi đêm nay, “ông ấy yêu cầu được gặp anh”, bà nói, “nếu anh không có vấn đề gì, rất mong anh hãy tôn trọng ý muốn có lẽ là cuối cùng của ông ấy”. Bà đọc cho tôi địa chỉ bệnh viện rồi cúp máy. Hình như có bác sĩ vào thăm.
Tôi không hiểu cái câu “nếu anh không có vấn đề gì” của bà cho lắm. Bà không biết chuyện T mất tích, cũng không biết tôi vừa từ sở Nội Vụ về được một tiếng nay. Vậy “vấn đề” mà bà muốn ám chỉ là cái gì? Tôi vừa đi vừa nghĩ suýt nữa đâm sầm phải Brunel. May quá đang trên đường đến gặp hắn thì hắn lại xuất hiện. Có lẽ hắn cũng đang trên đường đến gặp tôi. Nhìn tôi nhặt mấy tờ giấy rơi dưới đất, hắn hỏi: “thế nào, ổn chứ?” Tôi vẫn còn đang thắc mắc về câu nói của mẹ kế nên không hiểu ngay câu hỏi của hắn. Brunel nhắc lại: “thế nào, việc gia đình ổn chứ?”. Lúc này tôi mới nhớ ra sáng nay đã gọi điện xin phép hắn nghỉ làm vì “việc gia đình”. Không ngờ lại trùng vào chuyện bố tôi ốm nặng. Tôi định thần rồi bảo hắn tôi phải xuống miền Nam gấp để gặp bố tôi đang cơn hấp hối. Hắn trợn tròn mắt nhưng không bình luận, chỉ nói mỗi câu “đáng tiếc”. Tôi biết trong chuyện này, hắn không có cớ gì mà cản trở. Tôi có đầy đủ bằng chứng. Nếu hắn hay ban giám đốc nghi ngờ, xin mời nói chuyện với Paul. Chính anh ta đã nhận điện thoại của mẹ kế, không phải một lần mà tới hai lần, trong mấy tiếng đồng hồ buổi sáng. Brunel hỏi tôi đi mấy ngày. Tôi trả lời bừa là hai, nhưng trong thâm tâm tôi cũng nghĩ chỉ hai ngày là cùng.
Tôi ngần ngừ không biết nên đi thẳng ra ga hay về đón Hanah đi cùng. Tính toán một lúc, tôi tặc lưỡi quay về nhà. Đằng nào thì tôi cũng phải chuẩn bị một ít đồ dùng cá nhân và nói chuyện với vợ chồng bà gác cổng. Rất có thể họ từ chối giữ Hanah mấy ngày liền. Còn nếu đồng ý thì cũng chặt một cái giá kinh hồn. Các vị ấy thạo luật lao động lắm. Tiền công giữ Hanah ban ngày là bảy euro một giờ thì ban đêm sẽ tự động nhân đôi. Một giấc ngủ tám tiếng của con bé nhòm nhèm gần ngày lương của tôi. Thế thì chẳng mấy mà tôi và nó đưa nhau ra đường ăn xin.
Tôi lên nhà lấy ít quần áo cho vào túi du lịch rồi xuống nhà bà gác cổng. Vừa hay bà ta đi đón Hanah ở trường về. Cả hai nhìn tôi ngạc nhiên. Hanah im lặng còn bà ta sồn sồn hỏi ngay tôi đi đâu và có việc gì xảy ra với “bà nhà”. Tôi ra hiệu cho Hanah không cởi áo khoác rồi trong lúc dắt nó ra cửa, tôi bảo bà ta rằng bố tôi ở miền Nam ốm nặng, muốn gặp “chúng tôi” gấp. Tôi dùng từ “chúng tôi” vì tôi nghĩ bố tôi cũng muốn gặp Hanah, ông đã chẳng cảm động khi hay tin được lên chức ông đấy thôi (ít ra là ông đã viết trong thư như thế cách đây năm năm). Bà gác cổng trợn mắt, trông bà ta lúc này rất giống Brunel, hắn cũng phản ứng y hệt khi nghe tin về bố tôi. Ý nghĩ này khiến tôi không thể không phì cười. Bà gác cổng càng ngạc nhiên hơn, mắt mở to thao láo. Bây giờ thì bà ta lại không giống Brunel nữa rồi. Hắn ta biết giấu cảm xúc hơn, vừa trợn mắt xong đã kịp chớp mấy cái, rồi nói ngay sang chuyện khác. Hắn thuộc giai cấp quí tộc.
Để bà gác cổng ngẩn ngơ ở cửa, tôi và Hanah vội vã ra bến tàu điện ngầm. Trước mắt chúng tôi là chuyến đi rất dài, gần một nghìn cây số, có lẽ là chuyến đi xa đầu tiên của Hanah, cũng là chuyến đi xa đầu tiên của tôi sau hơn chục năm lên Paris sinh sống. Tôi chợt nghĩ tới cảm giác bất ổn mà cô thiếu nữ Trung Hoa gây ra hôm qua.
Ngoài sân ga, tôi được biết là để đến X phải đổi một lần tàu ở Toulouse nhưng chuyến tàu nhanh TGV cuối cùng vừa chuyển bánh được mấy phút. Tôi hỏi có cách nào khác để đi ngay tối nay không. Người ta bảo phải đi tàu chậm, đến Toulouse cỡ 1h sáng, sau đó đợi hai tiếng nữa để lên tàu khác đi X, “thành phố nhỏ mà”. Tôi tặc lưỡi, bao giờ cái muộn này cũng kéo theo cái muộn khác. Đợi đến sáng mai có tàu nhanh, biết đâu ngành đường sắt lại đình công hoặc các vị cảnh sát chẳng phát hiện vài quả mìn nổ chậm đang gài đâu đó trên gần một nghìn cây số đường ray. Hơn nữa, tôi cũng không biết tìm chỗ nào mà qua đêm. Sang bên đường thuê một phòng khách sạn thì vô lý quá mức.
Tôi dặn Hanah đứng im tại chỗ rồi chạy đi mua hai suất ăn nhanh. Tôi và nó leo lên tàu đúng lúc còi rúc. Chúng tôi phải mất mười lăm phút mới tìm được toa và chỗ ghi trên vé.
Hanah ăn xong nửa khúc bánh mì kẹp thì kêu no. Tàu đêm vắng khách nên chúng tôi được hai giường ngay tầng dưới. Con bé ngủ dễ dàng, có lẽ vì quá mệt.
Đến hơn nửa đêm tôi bị một nhân viên trên tàu lay dậy. Ông ta kiểm tra vé và thông báo tàu sắp đến Toulouse. Hóa ra tôi cũng làm được một giấc mấy tiếng. Xung quanh im lặng hoàn toàn, nghe kĩ mới thấy tiếng động cơ rất êm. Có lẽ cả toa còn lại mỗi tôi và Hanah. Nhìn qua cửa sổ chỉ thấy cánh đồng. Và những cây cột điện ngả dài dưới ánh trăng nhàn nhạt. Đã lâu lắm tôi mới thức dậy giữa đêm ở một nơi hoang vắng thế này.
Tôi và Hanah còn vật vờ ở phòng đợi nhà ga Toulouse hai tiếng rồi mới được lên tàu lần nữa. Tôi nhớ là đã phải liên tục nhờ cà phê không đường để đừng bị ngủ quên. Bên cạnh chúng tôi là ba vị ăn mày ngồi nốc rượu kể sự đời. Được một lúc thì cãi nhau ỏm tỏi. Một vị chạy lại xin tôi một điếu thuốc lá rồi nhân tiện hỏi Nhật Bản nằm ở châu Á hay ngoài đại dương. Hóa ra vì lý do ấy mà cả bọn suýt rút dao. Tôi bảo thế nào cũng đúng, bản thân tôi cũng không rõ lắm, nhưng điều ấy có quan trọng gì đâu. Câu trả lời dường như không làm ông ta hài lòng. Hai vị kia cũng không hài lòng. Cả bọn quay ra nhìn tôi nghi ngờ rồi lại chụm đầu tranh luận tiếp, vẫn hùng hổ không kém. Khi ai nấy thấm mệt và dựa vào tường ngáy như sấm thì nhà ga thông báo tàu đi X đang đợi ngoài kia.
Cuối cùng chúng tôi đặt chân đến X vào năm giờ rưỡi sáng. Đêm vẫn đen kịt. Gió Mistral thổi buốt hai tai. Nhà ga như cái nhà hoang. Chờ thêm nửa tiếng mới có một chiếc tắc-xi trườn tới, ông lái giọng vẫn khản đặc, mắt đỏ ngầu. Lần đầu tiên tôi tự hỏi bố tôi tìm thấy cái gì ở một nơi khỉ ho cò gáy như thế này.
X
Ở phòng thường trực bệnh viện, vừa nghe tên bố tôi người ta đã lắc đầu: “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm qua, bác sĩ chẩn đoán không sai”. Ngay lúc đấy, không hiểu được báo bằng cách nào, một nữ y tá xuất hiện, chạy đến bắt tay tôi: “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm qua, chính tôi vuốt mắt và lau người lần cuối”. Cô ta cao lớn, có bộ ngực đồ sộ và cách phát âm đặc địa phương. Tôi bất giác nhớ đến cô bán bánh của khu nhà Brunel. Ngập ngừng một lúc, cô ta hỏi có phải tôi là con trai lớn của ông. Rồi dường như chỉ đợi tôi gật đầu là cô ta nói tôi giống ông y hệt thời ông mới chuyển đến X. Tôi ngạc nhiên. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy một nhận xét như vậy. Có lẽ những người quen của tôi đều chưa bao giờ gặp bố tôi nên chẳng ai có thể đưa ra một so sánh nào giữa hai chúng tôi. Cô ta nhìn tôi thêm một lúc nữa rồi quay ra vuốt tóc Hahah bảo hẳn là chúng tôi rất mệt, nếu tôi muốn gặp mẹ kế, cô ta có thể đưa tôi số điện thoại hoặc chỉ đường đến thẳng nhà. “X nhỏ lắm nên ai cũng quen nhau”, cô ta giải thích. Tôi chợt nghĩ có lẽ bố tôi là bệnh nhân duy nhất qua đời ngày hôm nay ở đây. Sau đó lại nghĩ như thế còn hơn là chen chúc trong nhà xác của Paris. Cô y tá trông khá dễ thương, bố tôi mà được cô ta vuốt mắt và lau người cho lần cuối kể ra cũng may mắn rồi. Trước đấy thế nào chẳng được cô ta thay quần áo và bón cơm, được bộ ngực đồ sộ của cô ta quệt qua quệt lại, được hơi thở của cô ta ràn rạt bên tai. Bố tôi có vẻ là một người may mắn, nhất là với phụ nữ.
Mẹ kế của tôi, ngay khi được cô y tá thông báo, đã chạy đến bệnh viện tìm chúng tôi. Bà có vẻ mệt nhưng vẫn cố nhiệt tình. Tôi không nhận ra người phụ nữ chụp cạnh bố tôi trên tấm ảnh cách đây năm năm. Thực ra tôi cũng không còn nhớ mặt bà cho lắm. Tôi xem ảnh một lần rồi cất đi đâu không rõ. Sau lần chuyển nhà, rất nhiều thứ thất lạc. Tấm ảnh tất nhiên cùng chung số phận. Chúng tôi lên xe về nhà. Trên đường, bà nói tiếc quá bố tôi không được gặp tôi và Hanah trước khi qua đời, rằng tôi với nó thật tốt bụng quá sức, đã vượt từng ấy cây số đến tận X giữa đêm tối thế này. Tôi không biết nói gì. Tôi không ngờ là bố tôi đã mong được gặp chúng tôi như vậy. Dường như đoán được suy nghĩ của tôi, bà nói chính bà cũng không ngờ tới, chỉ đến ngày cuối cùng bố tôi mới viết vào giấy ý muốn ấy, ông đã quá mệt và không thể nói được nữa. Sau đó bà im lặng. Tôi đoán là trước đó bố tôi đã không bao giờ nhắc tới tôi. Xe đỗ trước cửa nhà lúc nào không hay.
Chúng tôi được dẫn vào phòng khách. Mẹ kế mang cho tôi một tách trà nóng và Hanah một cốc nước cam rồi bảo uống xong, nếu chúng tôi vẫn mệt thì có thể tắm rửa một chút rồi nghỉ ngơi, bà đã dọn sẵn một phòng hai giường. Tôi gật đầu. Quả là tôi rất mệt.
Chúng tôi vượt qua một hành lang dài rồi một cầu thang khá dốc để lên tầng trên. Phòng của tôi và Hanah nằm ở một đầu còn buồng tắm và toa-lét lại được xây ở tít đầu kia. Căn nhà có vẻ rộng nhưng bố cục lủng củng và tối om. Không biết có phải vì đang có tang mà không khí thật ảm đạm, khác hẳn với vẻ nhanh nhẹn của mẹ kế. Bố tôi thì không biết thế nào. Từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ tò mò về đời tư của ông, chưa lần nào thử hình dung xem ông sống ra sao. Cả mười tiếng vừa qua tôi bị choáng vì cứ phải nhắc đi nhắc lại hai chữ “bố tôi”. Chúng phát ra từ miệng tôi mới gượng gạo làm sao. Tôi tự nhủ nếu người đối diện cố tình hỏi xem bố tôi mất như thế nào và thọ bao nhiêu tuổi thì hẳn là tôi sẽ tắc tị. Người Paris dù sao cũng chỉ trố mắt như Brunel hay cùng lắm là thao láo như bà gác cổng. Người ở X thì không thế. Cô y tá vừa nhìn thấy tôi đã nhận xét ngay rằng tôi giống bố tôi y hệt thời ông mới chuyển đến đây. Nếu mẹ kế mà không kịp tới đón, hẳn tôi sẽ được dịp nghe nhận xét của tất cả nhân viên bệnh viện và nhất định năm mươi phần trăm trong số họ sẽ vui vẻ hỏi tôi bận gì mà không thấy về thăm bố, hai bố con hẳn thư từ điện thoại cho nhau thường xuyên, vợ chắc phải đi làm hay đang có mang đứa nữa nên không cùng về hôm nay. Đúng thế, người ta sẽ hỏi thăm T. Không ai biết T mất tích.
Một giấc ngủ mê mệt chưa từng thấy. Lúc tôi xuống nhà thì mẹ kế đã đợi ở phòng ăn, Hanah ngồi cạnh tay cầm một đùi gà nướng, không hiểu đang nói chuyện gì mà vừa thấy tôi bước vào là cả hai cùng dừng lại. Cơm trưa xong, ngoài phòng khách, mẹ kế ngồi xuống một chiếc ghế đối diện với tôi. Tôi chưa hiểu chuyện gì thì bà nói bây giờ chắc là tôi đã đỡ mệt nên muốn bàn với tôi một việc. Giọng bà nghiêm trọng khác hẳn sáng nay. Trên thực tế, đầu vẫn đau như búa bổ nên tôi chỉ muốn chấm dứt tất cả những thủ tục ma chay càng nhanh càng tốt. Tôi im lặng. Bà giải thích rằng trong lúc tôi ngủ, bà đã gọi điện để lấy hẹn với chưởng khế vào chiều nay, bà đoán tôi cũng không có nhiều thời gian, Mic cũng thế, nó đang “bận ôn thi tốt nghiệp”. Bây giờ thì tôi hiểu rằng Mic là con của bà với bố tôi, là em cùng cha khác mẹ với tôi, mười tám tuổi, chiều nay tôi có nhiệm vụ đi cùng nó và bà đến chưởng khế để “mở di chúc của bố”.
Hơn hai mươi năm trước, ngay sau khi mẹ tôi qua đời, tôi cũng phải theo bố tôi tới văn phòng chưởng khế. Ở đó, suốt một tiếng liền người ta đọc cho chúng tôi một văn bản dài dằng dặc gồm những từ ngữ vô cùng mù mờ, thỉnh thoảng lại dừng lại để hỏi xem tôi có hiểu không và đề nghị tôi cho ý kiến. Tôi lắc đầu liên tục, có cảm giác công việc của chưởng khế là biến một đoạn văn đơn giản thành một văn bản càng rối rắm càng tốt. Đầu tiên, người ta còn nhẫn nại giải thích, sau đó thì đồng ý để bố tôi trả lời hộ tôi còn tôi chỉ phải kí tên và ghi mấy chữ “đã đọc, đồng ý”. Việc này thì tôi làm được và làm rất nhanh. Bố tôi cũng kí tên và viết hệt như vậy. Người ta bảo ổn rồi, bắt tay chúng tôi tiễn xuống tận cửa. Tôi thở phào. Thế là xong một buổi chiều lượt thượt.
Sau đó, tôi không có dịp để gặp thêm một vị chưởng khế nào khác. Và tôi cũng cho đó là một trong những may mắn hiếm hoi của mình.
Thấy tôi vẫn im lặng, mẹ kế hắng giọng rồi bảo nếu bà không nhầm thì mấy hôm trước khi qua đời, bố tôi đã gọi điện cho chưởng khế để thay đổi một số phần của di chúc, chính vì thế nên bà muốn bàn với tôi để tất cả chúng tôi chút nữa sẽ không bị bất ngờ và nhanh chóng đi đến một “thỏa thuận hợp tình” trước mặt chưởng khế.
Bà còn nói thêm nhiều thứ, khá vòng vo, đại loại bố tôi và bà vất vả lắm mới có được căn nhà này, phải xây làm nhiều lần vì không đủ tiền, lãi suất ngân hàng thời ấy rất cao, đó là kỉ niệm của cuộc hôn nhân giữa hai người nên bà sẽ rất đau lòng khi phải rời xa nó, Mic cũng sinh ra và lớn lên tại đây, thằng bé chưa bao giờ sống ở nơi nào khác quá một tuần. Trong vòng một chục phút tai tôi bùng nhùng những từ “gắn bó”, “kỉ niệm”, “tuổi thơ”, “hạnh phúc”... Cuối cùng, thấy tôi có vẻ vẫn chưa thủng vấn đề, bà nói thẳng với tôi rằng theo di chúc của bố tôi, tôi cũng được hưởng một phần căn nhà này, bà không biết chính xác là bao nhiêu, nhưng bà mong tôi “đừng bắt mẹ con bà phải chuyển khỏi đây”. Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe bà nhắc lại câu này hai lần liền, luôn luôn bằng một giọng khá cứng. Và vì bà luôn gọi tôi bằng “anh” (tôi cũng không phản đối cách gọi đó) nên câu chuyện càng trở nên nghiêm trọng, chẳng giống gì thái độ niềm nở của bà sáng nay.
“Tôi không tin là đã được bố tôi cho vào danh sách thừa hưởng gia tài”, tôi nói với bà như thế. Để trấn an bà, tôi còn nói thêm là tôi chưa từng chờ đợi điều gì ở ông, nhất là chuyện tiền nong. Nhưng bà có vẻ chưa yên tâm và cảm thấy những lời này dường như không đảm bảo cho một “thỏa thuận hợp tình” mà bà gợi ý khi nãy. Bà nhìn tôi chằm chằm. Tôi nhún vai. Tôi không biết nói gì hơn. Dù sao thì đây là lần đầu tiên tôi gặp bà và thực tình mà nói chủ đề di chúc bắt đầu làm tôi phát chán. Cử chỉ của tôi rõ là đã khiến mẹ kế lo lắng hơn, bà đứng lên đi vòng quanh phòng. Rồi như không kìm được nữa bà dừng lại, hạ giọng bảo một ngày trước khi bố tôi mất, chính mắt bà nhìn thấy chưởng khế đến tận giường ông để viết lại di chúc, trong đó ghi rõ tôi và Hanah được hưởng mỗi người một phần tư gia tài, y hệt như bà và Mic.
Tôi không tin ở tai mình. Lẽ nào bố tôi cuối đời lại trở nên nhân từ quá đáng. Tôi với Hanah làm sao có thể so sánh với bà và Mic. Bao nhiêu năm rồi hai bố con không giữ quan hệ, còn Hanah thì ông chưa từng gặp mặt. Tôi nhìn mẹ kế và bà cũng hiểu ngay cái nhìn của tôi. Bà òa lên khóc. Tôi chưa bao giờ hợp với nước mắt và thấy chán ngấy. Tôi không hiểu tại sao sau từng ấy thời gian im lặng, bố tôi có thể đẩy tôi vào hoàn cảnh khó xử thế này. Tôi lại gần mẹ kế rồi lưỡng lự không biết có nên vỗ vào vai bà. Cuối cùng, tôi chỉ nói mấy câu đại để đây là lần đầu tiên tôi bước vào căn nhà này và tôi thấy chẳng có lý do gì mà nó phải chia năm xẻ bảy vì tôi. Bà nín khóc hỏi lại rằng có thực là tôi và Hanah “không cần tiền”. Tôi suy nghĩ một lúc rồi bảo chúng tôi không bao giờ nghĩ đến gia tài của bố tôi. Và để kết thúc chủ đề này ở đây, tôi nói thêm tôi và ông ngoài danh nghĩa bố con chẳng có mối liên quan nào, ít ra là từ hai chục năm nay. Mẹ kế gật đầu. Chúng tôi im lặng leo lên xe.
Mic đợi sẵn ở cổng trường. Nó gật đầu chào tôi rồi ngồi vào ghế sau, cạnh Hanah. Đó là một thằng bé gày gò, xiêu vẹo và có vẻ kín đáo. Tôi biết trước là trong thời gian ở lại đây, tôi và nó sẽ chẳng bao giờ mở miệng nói chuyện với nhau. Tôi hơn nó hai mươi tuổi và ở xa nó gần nghìn cây số. Tôi chẳng có chuyện gì để kể cho nó. Nó cũng đang “bận ôn thi tốt nghiệp”. Thế mà chúng tôi có cùng một họ, cùng một bố, và theo pháp luật là anh em hẳn hoi. Bằng chứng là chúng tôi đang trên đường đi “mở di chúc của bố”, như lời mẹ kế nói.
Chưởng khế lớn tuổi nhưng có vẻ vui tính hơn tôi tưởng, đeo kính và hói đầu. Chào tôi xong cũng bảo “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm qua”. Có lẽ cả thị trấn X đã gọi điện thông báo cho nhau và ai cũng thuộc lòng cái câu khá vần đó. Cô y tá chắc là người nói đầu tiên. Tôi sẽ còn được nghe liên tục cho mà xem.
Đúng như mẹ kế thông báo, cả tôi lẫn Hanah đều được bố tôi cho vào danh sách thừa kế. Chưởng khế bảo bố tôi không những đòi viết lại di chúc mà còn yêu cầu được tận mắt nhìn thấy di chúc mới. Chưởng khế phải gọi điện về bắt thư kí sửa và in gấp hai bản mang đến bệnh viện. “Ông cụ cứng đầu lắm”, chưởng khế nháy mắt với tôi.
Mic thì vẫn tỏ ra lạnh lùng như cũ nhưng mẹ kế bồn chồn ra mặt, chỉ muốn chúng tôi mau mau đi vào vấn đề chính. Cuối cùng, bà bảo vì chiều tối phải ghé nhà thờ để bàn với cha cố một số công việc liên quan đến tang lễ nên nếu có thể, mong chưởng khế giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng nhất. “Anh ấy còn phải về Paris đi làm và Mic cũng đang bận ôn thi tốt nghiệp”, bà nhấn mạnh.
Chưởng khế có vẻ không đồng tình lắm: “mọi việc đều cần được giải quyết có thứ tự”. Tôi không hiểu “mọi việc” ở đây có nghĩa là gì. Nếu hôm nay mà chưa xong vụ này thì tôi còn được nghe mẹ kế khóc lóc thêm vài lần nữa, hoặc có thể suốt cả đêm cũng nên. Tôi nói luôn với chưởng khế rằng tôi và Hanah không nhận phần gia tài của chúng tôi. Chưởng khế tỏ ra rất ngạc nhiên, đề nghị tôi giải thích lý do. Tôi suy nghĩ một lúc rồi bảo tôi chẳng có lý do nào ngoài chuyện đã từ rất lâu không còn giữ quan hệ với bố tôi. Chưởng khế nghe xong thì phá lên cười: “đó không thể coi là một lý do, có nhiều trường hợp người thừa kế còn chưa từng gặp mặt kẻ để lại gia tài”. Chưởng khế có vẻ vui chuyện, nhân dịp này kể một vụ do chính tay thụ lý, tôi đồ rằng để khoe là chính. Một bà già qua đời để lại ba triệu quan trong tài khoản, bà già sống một mình, đám ma cũng chỉ có vài vị hàng xóm, chưởng khế mất mấy tháng để tìm xem có ai đến rước đi cái số tiền ba triệu quan kia. Đang định làm thủ tục nộp vào công quĩ nhà nước thì một người gõ cửa tự giới thiệu là em cùng cha khác mẹ của bà già. “Ông có biết là ai không?”, chưởng khế hỏi tôi. Tôi lắc đầu. Chưởng khế nháy mắt rồi kể một mạch rằng bà già là con riêng của một ngài nam tước với nàng nữ tì, ngay khi ra đời bị đem cho người khác. Cái vị tự nhận là em họ kia trên thực tế là kết quả của mối tình vụng trộm giữa nam tước phu nhân với anh chàng làm vườn. Nghĩa là bà già và vị kia chẳng máu mủ ruột già gì nhưng theo giấy tờ lại là chị em, cùng có chung một ông bố, cùng mang chung một cái họ quí tộc. Cuối cùng chưởng khế kết luận, giọng hùng hồn: “Hai người cùng đẻ một năm, cách nhau có vài tháng, rất có thể vì muốn bảo vệ quyền lợi cho đứa con riêng của mình mà nam tước phu nhân đã ép chồng đem vứt đứa con riêng của ông ta. Cuối cùng, ba triệu quan của bà già lại bị rơi vào tay chính kẻ thù của mình. Cuộc đời oái oăm không?”. Tôi gật đầu. Công nhận oái oăm thật. Chưởng khế bình luận tiếp: ”ba triệu quan thời ấy có giá trị lắm, tương đương một cái lâu đài chưa dột mái!”.
Mẹ kế của tôi càng sốt ruột tợn. Bà đằng hắng mấy lần, rồi quay sang nhìn tôi. Tôi nhắc lại câu ban nãy. Chưởng khế vẫn tỏ ra không tin, hỏi đi hỏi lại tôi đã suy nghĩ kĩ chưa, căn nhà cũng đáng tiền đấy, giá bất động sản đang leo thang rầm rộ trên toàn quốc, X bắt đầu bị dòm ngó chứ đừng đùa. Tôi gật đầu, bảo tôi không đùa. Chưởng khế lại hỏi thế còn Hanah, nó cũng được chia một phần tư căn nhà đấy chứ. Mọi người cùng quay về phía Hanah làm con bé chẳng hiểu gì. Nó ngước mắt nhìn mẹ kế. Bây giờ tôi hiểu cả hai đã nói gì với nhau lúc tôi ngủ trên gác sáng nay. Tôi bảo chưởng khế tôi kí thay cho nó. Mẹ kế mặt mũi rạng rỡ, quay sang nói cám ơn. Chưởng khế lại hỏi tôi có thay đổi ý kiến không. Tôi cầm bút kí xoẹt một cái. Chưởng khế bảo dân Paris lạ thật. Tôi định đính chính là tôi không ở Paris mà ở ngoại ô nóng nhất của Paris. Nghĩ thế nào lại thôi. Làm gì chưởng khế không biết điều ấy, địa chỉ của tôi được ghi rõ ràng trong văn bản, chưởng khế đọc xong còn đề nghị tôi kiểm tra xem thư kí có đánh sai lỗi nào không. Có thể chính ông ta mới đầu cũng không ngờ tôi lại ở ngay cái ngoại ô đang là đề tài thời sự nóng hổi, không chừng ngày mai cả X biết tin, rồi vài vị giàu trí tưởng tượng sẽ bàn tán với nhau rằng mẹ con Hanah có lẽ dân Bắc Phi, hèn chi da nó ngăm ngăm và chữ R của nó uốn hơi mạnh, xe hơi của tôi chắc vừa bị “bọn lưu manh nước ngoài” đốt mất nên hai bố con phải nằm mười tiếng tàu đến đây. Có lẽ cả thị trấn sẽ được một tuần xúc động, rồi tặc lưỡi: “ở X thế mà may!”
Chưởng khế tiễn chúng tôi ra cổng, bắt tay tôi rồi nói: “chào dân Paris”.
Thế cũng xong một buổi chiều lượt thượt.
Mẹ kế hài lòng vì cuối cùng cái “thỏa thuận hợp tình” đã được thực hiện như bà muốn. Tôi thì ngạc nhiên biết rằng bố tôi hơn tôi đúng ba mươi tuổi. Kể ra thì ông không thọ mấy. Nhưng tôi vẫn không hay ông mất do bệnh gì. Tất nhiên văn bản không ghi.
XI
Trái với dự đoán của tôi, lễ tang ở nhà thờ diễn ra nhanh chóng. Trong lúc cha cố đạo làm lễ, quan tài được để mở cho khách đến viếng có thể nhìn bố tôi lần cuối. Có vẻ như hai mươi năm qua không ảnh hưởng gì đến ông. Dưới ánh nến, da mặt ông hồng hào và khá căng, có thể nói chất lượng còn cao hơn phần lớn những kẻ đang sống. Tính đỏm dáng của ông được thể hiện đến phút cuối cùng: com-lê trắng, nơ con bướm, mùi soa lụa, hoa cài ngực, giày tây đen… tất thảy đều mới tinh và đúng mốt. Tôi bần thần không hiểu ông đã tắt thở hay chỉ đang ngủ trưa (chuông nhà thờ vừa điểm hai tiếng). “Thân thể người chết bao giờ cũng bị phòng lạnh và phoóc-môn làm biến dạng khá nhiều”, tôi nghe cô y tá thì thầm vào tai. Thế nghĩa là thường ngày bố tôi còn phong độ hơn nữa. Trong cuộc chạy đua với thời gian thì tôi bái phục ông, tôi nhìn ông tự nhủ.
Cô y tá mang một bó hoa hồng đỏ đến đặt cạnh quan tài, cúi xuống hôn lên má bố tôi rồi đứng lại nhìn ông rất lâu, trước khi quay đi còn cúi xuống hôn lần nữa. Cô ta làm việc ấy một cách tự nhiên. Tôi cho là thói quen nghề nghiệp. Xong xuôi cô ta quay đầu lại. Tôi cố tình cúi mặt xuống mà vẫn có cảm giác bị cô ta quan sát từ đầu đến chân. Không hiểu tại sao hôm nay trông cô ta là lạ. Một lúc sau, tôi được biết cô ta tên là Anna.
Trước khi đến đây, khoảng mười một giờ, mẹ kế đưa cho tôi một bộ com-lê đen. Bà nói chắc là tôi không kịp chuẩn bị quần áo nên sáng sớm nay đã mang nó ra hiệu giặt tẩy, bà sợ có mùi mốc vì đã lâu lắm bố tôi không dùng đến. Bộ com-lê còn mới nhưng theo mốt của những năm bảy mươi. Ống quần quá rộng. Cổ áo quá to. Cà-vạt hoa lá. Tôi cảm thấy không ổn tẹo nào nhưng mẹ kế thì gật đầu bảo “được lắm”, rồi nói thêm rằng tôi y hệt bố tôi ngày bà mới quen ông. Thế là sau cô y tá, lại có một người nữa nhận xét về sự giống nhau giữa hai chúng tôi.
Hanah thì chịu không ai tìm được cho nó cái gì màu đen. Cuối cùng con bé đành mặc một chiếc váy trắng mà tôi tình cờ đem theo trong túi du lịch. Mẹ kế gọi mãi Mic mới chịu ra khỏi phòng. Từ hôm qua tới giờ, nó ở lì trong đó với lý do “bận ôn thi tốt nghiệp” (mẹ kế luôn nhấn mạnh cụm từ này). Bà lôi nó vào buồng tắm. Cả hai hì hụi trong đó, hai mươi phút sau thì Mic xuất hiện trở lại với một bộ com-lê đen còn nguyên lớp hồ. Thợ may có lẽ rất khéo nhưng cũng bó tay trước cơ thể của Mic. Trông nó chẳng khác một con chuột ốm. Và màu đen dường như lại càng làm cho nó thêm lạnh lùng. Có điều, nó cũng chẳng thấy thế làm khó chịu. Đám tang dường như chẳng mảy may quan trọng với nó. Chỉ có mẹ kế là không hài lòng. Bà bắt nó quay trước quay sau xem có sửa lại được cái gì. Nhưng bà cũng không vượt nổi thợ may chuyên nghiệp nên cuối cùng đành thở dài. Bà ngó vào góc nhà một lúc lâu rồi quay sang Mic lắc đầu. Tôi cũng không khỏi nhìn nó ái ngại. Chắc nó bất hạnh lắm khi phải sống bên cạnh một người như bố tôi. Ông già hơn nó đúng năm mươi tuổi, nhưng về phong độ thì đến bây giờ Mic vẫn phải xách dép chạy theo. Tôi ngờ thằng bé chưa bao giờ được cầm tay bạn gái, mặc dù sắp tốt nghiệp phổ thông.
Trên đường đến nhà xác để đi theo xe tang tới nhà thờ, mẹ kế rẽ vào cửa hàng hoa. Bà đã gọi điện đặt trước từ hôm qua nên xe vừa đỗ người ta đã bưng đến hai vòng hoa to, toàn hoa đẹp và tết rất cầu kì. Tôi cũng nhân tiện mua một bó. Chị bán hàng khuyên nên mua màu vàng. Tôi gật đầu. Chị ta đưa luôn cho lẵng hướng dương đang bày ngoài tủ kính. Tôi chẳng nghĩ ngợi, trả tiền rồi mang ra. Mẹ kế trông thấy không nói gì, có vẻ ngạc nhiên. Trong lúc làm lễ, nhìn đống hoa bày xung quanh quan tài, tôi mới thấy lẵng hoa của tôi cao ngật ngưỡng và vàng chói chang. Có lẽ chị hàng hoa đã chuẩn bị cho một hội nghị nông nghiệp nhưng vì lý do nào đó, hội nghị bị hoãn ở phút cuối cùng. Anna đứng ngay cạnh tôi kêu lên khe khẽ: “hoa của ai mang đến mà lạ thế”. Chắc là vô tình. Mẹ kế không biết có nghe thấy không nhưng nhìn đi nơi khác. Tôi có cảm giác hai người không hợp nhau hoặc chính xác hơn là mẹ kế không ưa Anna. Nhiều dịp đứng cạnh cô ta nhưng bà đều tìm cách quay lưng lại.
Sau tang lễ ở nhà thờ, quan tài lại được cho lên xe tang để mang tới lò thiêu cách đó hai lăm cây số. “X ít dân quá nên phải chung lò thiêu với mấy thị trấn bên cạnh”, Anna nói nhỏ vào tai tôi như thế. Cũng giống như ở nhà thờ, cô ta không rời tôi nửa bước và liên tục thì thào giới thiệu với tôi về những người đến dự. Vì tất cả cùng mặc đồ đen và cùng cố giữ một khuôn mặt rầu rầu nên một lúc sau tôi lẫn lộn hết, chỉ còn nhớ một người đàn ông nhỏ thó có ria mép là đồng nghiệp lâu năm của bố tôi, một phụ nữ đứng tuổi búi tóc, dong dỏng cao, khá xinh đẹp mà Anna nắm tay rất lâu nhưng không giới thiệu là ai và tôi cũng không hỏi. Chưởng khế cũng có mặt, bận com-lê đen và xách cặp. Ông thường trực bệnh viện mà tôi gặp sáng hôm qua cũng đến, nhưng hơi muộn. Anna bảo ông ta không có ô-tô nên phải đạp xe. Hai lăm cây số giữa mùa đông kể ra cũng là một kì công. Bố tôi cũng được nhiều người quí đấy chứ.
Một nhân viên của lò thiêu lại gần hỏi gia đình muốn giữ hoa lại hay cho đốt cùng quan tài. Mẹ kế nhìn tôi. Tôi không biết trả lời thế nào nên nhún vai. Anna nói nhỏ: “hoa thì phải giữ lại chứ”. Mẹ kế không nhìn cô ta, ra hiệu cho nhân viên lò thiêu đem đi hết, rồi buông một câu trống không: “chỗ đâu mà giữ”. Tôi không nghe rõ những gì bà lầm bầm sau đó nhưng thấy mặt Anna xám ngoét. Không khí có vẻ căng thẳng, may mà mọi người lục tục kéo lại chia buồn. Cái câu “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm qua” được đổi thành “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm kia” và được lặp đi lặp lại trong vòng nửa tiếng, bao giờ cũng bằng một giọng rầu rầu, từ một khuôn mặt rầu rầu. Có điều lạ là ngay cả khi nói sang chuyện khác thì người ta nhất định giữ nguyên cái giọng rầu rầu. Đằng sau lưng tôi, chưởng khế đang bàn với ai đó về vụ tịch thu bất động sản nghe nói lớn nhất từ trước đến nay trong vùng, chủ nhân do vỡ nợ thì phải. Chưởng khế hỏi vị kia: “ông có biết là ai không?”. Tôi suýt bật cười khi nhận ra câu hỏi của chưởng khế hôm qua nhưng bây giờ được nhắc lại một cách rầu rầu. Vị kia cũng rầu rầu trả lời rằng làm gì ông ta không biết, thậm chí còn quen thân với bà vợ, “tay đấy phá gia chi tử, bao nhiêu tài sản bố vợ để lại đều bị nướng sạch vào gái gẩm và sòng bạc, chỗ bất động sản bị tịch thu cũng là do thừa hưởng của mẹ vợ mới qua đời”. Chưởng khế nghe xong, rầu rầu bảo: “quen nhiều người thế mà không dẫn tới văn phòng, đừng quên là được phần trăm đấy nhé”. Vị kia rầu rầu phản ứng: “vẫn biết, nhưng đang định dẫn đến thì nó vỡ nợ”. Đến đây tôi không nhịn nổi nữa nên quay mặt vào tường. Mẹ kế nhíu mày không nói, còn Anna nhìn tôi chăm chú rồi bảo: “cố cười một cái cho đỡ buồn”. Giọng đã rầu rầu lại pha thêm thổ âm nên càng buồn cười. Hóa ra cô ta tưởng tôi buồn quá hóa lẩn thẩn. Tôi phải xin lỗi “đi ra ngoài một chút”. Dù sao đây cũng là đám tang của bố tôi. Đoàn người vẫn tiếp tục lại gần ôm hôn mẹ kế, bắt tay tôi, vỗ vai Mic và xoa má Hanah. Cái câu “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm kia” không ngừng vang lên. Thỉnh thoảng ai đó không quên nhận xét về sự giống nhau giữa tôi và người quá cố. Cũng bằng một giọng rầu rầu.
Nhân viên của lò thiêu lại gần thông báo gia đình có thể đến nhận tro. Khi nói cám ơn với anh ta, tôi bỗng nhận ra rằng hình như giọng tôi cũng rầu rầu chẳng kém những người đến dự.
Đốt xác kéo dài hai tiếng. Theo lời Anna thì đó là nhờ kỹ thuật phát triển, chứ ngày trước còn lâu gấp đôi. Chuyện này không vội được. Có trường hợp xương cứng quá, thịt đã cháy hết mà xương chưa thành tro. “Kiên nhẫn nhé”, cô ta nói thầm vào tai tôi. Tôi gật đầu. Nhìn sang bên cạnh thấy Mic đang gật gù. Mẹ kế thỉnh thoảng huých tay vào lườn nó, rồi lắc đầu nói với ai đó đứng bên: “thằng bé đang bận ôn thi tốt nghiệp”.
Tôi không còn giữ kỉ niệm rõ ràng nào về đám tang của mẹ tôi. Hình như tôi bị sốc lớn khi nhìn thấy bà nằm trong quan tài, khuôn mặt rúm ró vì cơn đau vừa trải qua. Quan tài được đem chôn xuống đất chứ không cho vào lò thiêu, trên nắp mộ có khắc hình bà thời trẻ nhưng thợ khắc quá vụng (tôi tự hỏi trước đó ông ta đã từng khắc chân dung người Á châu nào chưa), nên hình không giống người thật tẹo nào. Tóm lại, cả khuôn mặt trong quan tài lẫn khuôn mặt trên nắp mộ đều khiến tôi có cảm giác đang dự đám tang của người khác chứ không phải của chính mẹ mình. Có thể vì thế mà tôi không thấy đau đớn lắm. Nếu tôi không nhầm thì đó là lần đầu tiên tôi mặc com-lê và thắt cà-vạt nên toàn thân cứng đơ rất khó chịu, chưa kể đến việc phải cúi đầu đứng im suốt hai lần cha cố làm lễ (một lần ở nhà thờ, lần nữa ở nghĩa trang). Tôi xấp xỉ tuổi Mic bây giờ. “Thằng bé đang bận ôn thi”, có thể bố tôi cũng phân trần với những người đến viếng như thế, bằng một cái giọng rầu rầu. Nhưng tôi không nhớ khuôn mặt bố tôi lúc đấy ra sao. Nói chung, tôi không nhớ gì về khuôn mặt ông. Lạ thật, lúc còn bé tôi chưa bao giờ nhận thấy vẻ phong độ, hào hoa của ông. Cứ như nó chỉ toát ra sau khi mẹ tôi qua đời. Nếu thế thì hai người chẳng biết hạnh phúc là gì, cái chết của bà đã giải thoát cuộc đời ông.
Cầm hộp tro trong tay, mẹ kế nói với tất cả mọi người rằng họ được mời đến nhà để “uống một cốc cho người chồng và người cha thân yêu của chúng tôi”. Nói xong bà chỉ sang phía tôi một cách trân trọng. Trên người bà hôm nay là một bộ váy đen rất sang, kèm cả khăn choàng đen và mũ có mạng. Bà nói cái câu trên bằng một giọng rầu rầu đặc biệt. Nhưng không hiểu sao tôi không cười nổi. Có cảm giác bà càng lúc càng bí hiểm chứ không đơn giản như tôi đã tưởng.
“Một cốc” hóa ra là bữa tiệc đứng do nhà hàng đem tới gồm nhiều món được giới thiệu là đặc sản của vùng. Tất cả được bày trên bàn hình bầu dục giải khăn trắng kê giữa phòng khách. Bên cạnh, hai cô gái đeo tạp dề trắng đứng phục vụ, một người có nhiệm vụ tiếp đồ ăn, người kia chuyên rót rượu và nước uống. Đó là bữa ăn tử tế nhất của tôi và Hanah từ mấy ngày nay. Chúng tôi ăn khá ngon miệng. Mẹ kế đưa cho Hanah một đĩa đầy ắp thức ăn, bà tỏ ra quí con bé và luôn luôn cho nó ở bên cạnh, gặp ai cũng giới thiệu “đây là cháu nội ông ấy”. Tuy thế tôi vẫn ngạc nhiên không hiểu sao từ lúc chúng tôi tới đây, bà chưa lúc nào mở miệng hỏi thăm T. Nghĩ vậy nhưng tôi cũng thầm cảm ơn bà. Tôi không muốn trả lời bất cứ câu hỏi nào về T lúc này. Một mình Delon đã đủ làm tôi bải hoải. A, Delon, hẳn là hắn để cho tôi yên trong hai ngày tang lễ. Nhà thờ khi nãy tối om, nếu ai dùng đèn chụp ảnh là bị phát hiện ra ngay. Gần một nghìn cây số tàu chậm khiến hắn chùn chân. Tôi không thể hình dung chiếc măng-tô dạ đen phẳng phiu và cặp kính râm to bản lại có thể vật vờ cùng tôi và Hanah ở nhà ga Toulouse, bên cạnh ba vị ăn mày dọa đánh nhau vì vị trí địa lý của nước Nhật Bản. Delon không có nhu cầu làm ngôi sao ở cái thị trấn khỉ ho cò gáy này. Có được toàn dân X nhiệt liệt ngưỡng mộ thì hắn ta cũng không cảm thấy khoái. Cũng giống như các tài tử điện ảnh, Delon chỉ chọn Paris. Paris kinh đô ánh sáng là như thế.
Anna bỗng dưng xuất hiện rồi đến ngồi cạnh tôi. Bây giờ, dưới ánh đèn của phòng khách, tôi mới để ý thấy cô ta bận một bộ váy đen rất đẹp và hẳn là đắt tiền, gắn đăng-ten cùng vô số hạt kim sa lấp lánh. Không đội mũ có mạng như mẹ kế nhưng khuôn mặt trang điểm công phu, lông mi vuốt mascara cong vút. Bộ ngực đồ sộ lấp ló giữa những khuy áo cố tình để mở. Chuỗi ngọc trai ôm lấy chiếc cổ cao đầy đặn. Cô ta không động tới đồ ăn mà chỉ lẳng lặng uống rượu vang trong một cái ly rất to chẳng hiểu tìm thấy ở đâu. Một lần, trong lúc tôi mải ăn món ớt tây nhồi thịt thì cô ta bảo: “bố anh là một người đàn ông hào hiệp chưa từng thấy”. Tôi không biết cô ấy muốn ám chỉ gì qua cái từ “hào hiệp” và định bảo rằng tôi là một đứa con bất hiếu chẳng quan tâm gì đến bố. Nhưng cuối cùng tôi chỉ nói “thế à” rồi cúi đầu ăn tiếp. Bố tôi may mắn với phụ nữ và điều ấy chẳng ảnh hưởng gì đến món ớt tây nhồi đang nằm trong đĩa trước mặt tôi. Anna hấp dẫn và có vẻ không khó tính lắm nhưng tôi phải chuẩn bị một cái bụng thật tốt cho chuyến về Paris đêm nay.
Tôi nhai ớt sồn sột. Cô ta không nói gì nữa và lại uống rượu. Hóa ra trong tay có hẳn một chai rượu vang đã mở.
Khoảng mươi phút sau thì tôi ăn xong và đi lên phòng chuẩn bị đồ đạc. 7h tối sẽ có một chuyến tàu từ X đi Toulouse. Kể ra thì để sáng mai cũng không sao, nhưng tôi không nhiệt tình lắm với ý nghĩ phải qua thêm một đêm nữa ở đây. Mọi thứ đều trở nên quá gượng gạo. Tôi hết muốn chạm mặt mẹ kế. Phòng tối nhưng không tìm được công tắc, tôi chỉ bật một bóng đèn ngủ ngay đầu giường. Quần áo, khăn mặt, khăn tắm mới hai ngày mà đã kịp rơi vãi khắp nơi. Còn túi du lịch thì không biết vứt ở góc nào. Một hơi thở ràn rạt bên cạnh. Tôi quay ra thì nhìn thấy Anna. Rồi không hiểu vì tôi thay đổi vị trí hay vì bộ ngực của cô ta đồ sộ quá mà hai phần trên của chúng tôi đột ngột áp chặt vào nhau. Không để cho tôi kịp phản ứng, cô ta ôm lấy đầu tôi, khép mắt lại rồi bắt đầu tìm kiếm môi tôi. Lưỡi cô ta dày và nóng khiến trí óc tôi lịm đi. Rất nhẹ nhàng cô ta vòng tay vào lưng tôi, hai chúng tôi cùng lăn xuống giường. Lúc đấy tôi mới nhận ra là cô ta không mặc cả quần trong lẫn áo trong. Nhưng âm hộ và đôi vú của cô ta thì ngùn ngụt. Tôi không thể không nhớ tới cặp bánh mì gối của cô nàng bán bánh góc phố nhà Brunel.
Anna là một bạn tình tuyệt vời. Tôi chưa bao giờ sung sướng như vậy. Mọi thứ trên người cô ta đều mềm hơn bông và hôi hổi cuốn chặt lấy tôi. Dường như cô ta có khả năng đón bắt ham muốn của người khác và dẻo dai uyển chuyển hệt một con mèo cái. Chúng tôi làm tình trong nửa tiếng liền. Mồ hôi đầm đìa cộng với mùi của các bộ phận sinh dục tiết ra càng lúc càng tạo nhiều phấn khích. Với T tôi không có cảm giác ấy. Cô ấy kín đáo và tuy không nói ra tôi cũng biết là T không thích thú với những chuyện này. Có những lần cả tuần chúng tôi không gần nhau. Dần dần, tôi lấy làm lạ là tôi cũng trở nên dửng dưng không kém cô ấy.
Anna nhanh nhẹn giúp tôi thắt lại cà-vạt và buộc lại dây giày. Tôi định nói là cái cách cô ta không mặc quần trong áo trong làm tôi rất thích, nhưng lại thôi. Chúng tôi ngồi cạnh nhau im lặng. Không biết có phải vì mọi thứ xảy ra bất ngờ quá. Rồi cô ta ngỏ ý muốn xuống trước. Tôi gật đầu. Chúng tôi chia tay nhau ở cầu thang. Một lúc sau, khi đã làm một tách cà phê nóng do mẹ kế pha, tôi tìm khắp nhà mà không thấy Anna đâu. Khách khứa vẫn đông và ăn uống vui vẻ. Trên bàn đầy ắp các đặc sản của vùng. Thơm nức mùi tỏi béo ngậy. Người ta tiếp tục mở rượu vang. Nghe nói sâm-banh và ga-tô đang đợi trong tủ lạnh. Có lẽ cũng là đặc sản của vùng. Chẳng ai còn có thời giờ mà nhớ người đã khuất. Cái câu “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm kia” biến mất hoàn toàn.
Tôi ra cửa định xem xe của Anna còn đậu ở đó không thì chỉ thấy một dãy xe rất dài, không hiểu cái nào là của cô ta. Mẹ kế chạy theo bảo túi du lịch đã chuẩn bị chưa, sắp đến giờ tàu rồi. Tôi hiểu một khi “thỏa thuận hợp tình” đã xong, bà chỉ muốn tống tiễn tôi và Hanah càng sớm càng tốt.
Nhà ga vẫn như cái nhà hoang. Khi tàu chuyển bánh, mẹ kế đưa tôi một túi to nói là để Hanah ăn sáng sớm ngày mai. Sau đó, ngập ngừng mấy giây, bà rút trong người ra một cuốn sổ đã cũ rồi bảo bố tôi để lại nhưng bà chưa kịp mở, “ma chay bận quá”, nếu tôi muốn thì cầm về Paris mà đọc. Tôi lắc đầu. May mà còi rúc, tôi kéo Hanah chạy, quên cả chào bà. Và không phải giải thích lý do. Tôi cũng không biết tại sao tôi lại từ chối đọc nhật kí của bố tôi. Vấn đề không phải là bận. Tôi vẫn tốn thời giờ vào những cuốn sách ngẩn ngơ, hay những bộ phim vô bổ, chỉ để nhằm mục đích không phải dùng đến thuốc ngủ liều mạnh.
Chúng tôi lặp lại hành trình cách đây bốn tám tiếng. Nhưng theo chiều ngược lại. Ở Toulouse, người ta thông báo phải đợi đến 3h sáng mới có tàu chậm đi Paris. Hanah nằm bò trên ghế. Tôi cũng mệt không kém. Nửa tiếng với Anna lúc nãy bây giờ mới thấm. Toàn thân tôi rã rời. Uống đến tách cà phê thứ năm mà mắt vẫn trĩu xuống. Giữa hai trạng thái, tôi bỗng nhớ tới cuốn nhật kí của bố tôi. Rất có thể ngay sau khi tàu chạy, mẹ kế đã ném nó vào sọt rác nhà ga hoặc quay về nhà nhẹ nhàng cho vào lò sưởi cạnh mấy khúc gỗ thông đang cháy bùng bùng. Tôi ngạc nhiên thấy là tôi không phản đối hành động ấy của bà, và nếu phải ở địa vị bà thì tôi cũng không biết làm gì hơn thế. Bộ com-lê đen của bố tôi, bà cũng nhất định bảo tôi giữ lấy mà mặc. Tôi không tiện cởi ra lúc ấy nhưng định bụng ngày mai sẽ đem xuống cho ông gác cổng. Hy vọng ông ta không từ chối. Dù sao thì nó cũng còn mới và gắn mác ngon lành.
Đến gần sáng, tôi nhớ tới Anna, đúng hơn là tôi nhớ cảm giác sung sướng mà cô ta đem lại cho tôi lúc nãy. Không đưa tay sờ thì tôi cũng chắc dương vật đang ngỏng dậy. Cô ta cứ như một cục bông khổng lồ và nóng rực. Trong bóng tối im lặng của khoang tàu, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau. Tôi không biết gì về cô ta ngoài cái tên Anna chưa chắc đã thật và công việc y tá lâu lâu lại phải vuốt mắt và thay quần áo lần cuối cùng cho một ai đấy.
Tàu dừng lại ở một ga xép. Chẳng có hành khách nào bước lên. Còi cũng không buồn rúc. Chỉ nghe tiếng động cơ rì rào êm êm. Hai mắt tôi lại trĩu xuống. Rồi suốt từ đấy Anna không rời khỏi tâm trí tôi. Tôi cảm giác đang đi vào tận cùng âm hộ hôi hổi của cô ta. Sáu năm nay, đây là lần đầu tiên tôi biết đến một phụ nữ khác ngoài T. Có lẽ người ta gọi thế là ngoại tình. Tôi cũng không phản đối. Nhưng điều đó quan trọng gì.
Chúng tôi chui ra khỏi tàu điện ngầm đúng chín giờ rưỡi sáng. “Lối nhỏ thần tiên” người ra người vào tấp nập. Không giống như các khu khác, ở đây lúc nào cũng giữ một nhịp điệu duy nhất. Trừ nửa đêm cho đến mờ sáng, nếu muốn yên tĩnh nhất định phải bảo vệ kĩ đôi tai. Năm giờ sáng đã bắt đầu ồn ào. Theo danh sách do phòng quản lý HLM cung cấp, ba mươi phần trăm các ông chủ gia đình của “Lối nhỏ thần tiên” là nhân viên vệ sinh thành phố, ba mươi phần trăm là công nhân xây dựng, ba mươi phần trăm hưởng lương thất nghiệp, mười phần trăm làm nghề linh tinh. Hẳn là ngoài tôi, còn vài vị nữa nằm trong số mười phần trăm ngẩn ngơ đó.
Tôi gọi điện đến phòng Brunel nhưng không ai nhấc máy. Ở tổng đài, người ta bảo hôm nay chưa thấy sếp đâu. Tôi tặc lưỡi rồi lên giường đi ngủ. Tai nhét chặt bông gòn.
XII
Tôi vừa đặt chân vào thang máy thì đụng đầu một đồng nghiệp tầng dưới. Anh ta nháy mắt bảo: tay ấy trông thế mà yếu ghê. Rồi không cần biết tôi có hiểu hay không, anh ta nói tiếp: “hãi thật, chỉ muộn vài phút nữa là toi, bác sĩ bảo suy tim giai đoạn cuối”. Tôi vẫn đứng ngây mặt thì vai bị một cái vỗ đau điếng: “làm vua một phòng càng khoái”. Thang máy dừng và anh ta biến mất. Mấy giây sau tôi mới định thần để bấm vào nút trên.
Cửa sổ mở tung, trên thảm có một vết loang lổ ngay cạnh bàn của Paul. Hẳn là công ty mới cử người đến dọn dẹp và thông phòng. Tôi hình dung Paul đang gõ vi tính (anh ta có khả năng sử dụng hết cả mười ngón tay) thì lên cơn, đau quá rồi quị xuống, nhưng không ai hay. Rất có thể anh ta phải nằm đấy mấy tiếng liền. Cuối giờ ăn trưa không thấy ra hành lang uống cà phê, một đồng nghiệp đẩy cửa bước vào mới phát hiện rồi gọi số 15.
Xe cấp cứu ngay lập tức lao tới, còi rầm rĩ, bờ-lu trắng tắc nghẽn thang máy. Công ty chuyến này tha hồ có chuyện để bàn. Càng nghĩ càng phục tài giấu của Paul. Suy tim giai đoạn cuối mà tôi làm việc ngay bên cạnh cứ nghĩ là viêm phổi mãn tính, các đồng nghiệp khác hẳn chẳng mảy may nghi ngờ. Anh ta vẫn hứa hẹn tặng họ số điện thoại của mấy cô nàng “rất bốc” và luôn luôn nổ như súng liên thanh trong các chủ đề giường chiếu (lần cuối cùng tôi nghe anh ta bàn về mốt “âm hộ cạo” đang cực thịnh ở phụ nữ lứa tuổi tiền hồi xuân). Không những thế, Paul uống cà phê thay nước lọc, mặt đỏ tía tai hôm nào căng-tin có rượu vang êm. Có khả năng chính vì toàn chơi vào của cấm mà tim anh ta mới suy nhanh thế. Mấy ngày không đi làm, nó đã kịp trụy hoàn toàn. Nếu hôm ấy tôi có mặt thì anh ta đã không phải nằm dưới đất mấy tiếng liền. Lúc tỉnh dậy trong bệnh viện, Paul đã thầm tiếc điều ấy. Nhưng biết đâu anh ta lại chẳng đang nguyền rủa tôi thậm tệ. Nói chung, suy nghĩ của Paul cũng như chứng “suy tim” của anh ta là những điều không bao giờ tôi hiểu nổi.
Trong đám tang của bố tôi, người ta thay nhau nói “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm kia” nhưng không ai nói về cơn bệnh mà ông đã trải qua, mẹ kế cũng không kể và tôi cũng không hỏi. Tuy nhiên, nếu tôi không nhầm thì lúc Anna chạy đến bắt tay tôi trong phòng thường trực, trên ngực áo bờ-lu của cô ta có ghi chữ Khoa Ung Thư (bộ ngực vĩ đại của cô ta đã ngay lập tức đập vào mắt tôi). Ngày cuối cùng của bố tôi hẳn là khá bận rộn: một mặt ông phải đối phó với cơn đau mặt khác ông muốn sửa lại di chúc (điều này do mẹ kế nói ra và được chưởng khế xác nhận). Nhưng tôi cho rằng cái làm ông mệt mỏi nhất là phải chống lại áp lực của mẹ kế. Bà bất ngờ phát hiện ra sự có mặt của chưởng khế và ý muốn lạ lùng của bố tôi. Phản ứng đầu tiên của bà là òa khóc nức nở và vừa khóc vừa kể lể những lý do không thể chia chác căn nhà. Tất nhiên, nếu chỉ có hai người với nhau thì bà sẽ sử dụng những hình thức bạo liệt hơn để đàn áp bố tôi (tôi không nghi ngờ khả năng này của bà sau khi đã chứng kiến khuôn mặt xám ngoét của Anna tại nhà thờ). Nhưng vì chưởng khế cũng có mặt ở đó, nên bà đã nói y hệt những câu mà ngày hôm sau bà sẽ nói lại với tôi. Nào là kỉ niệm cuộc hôn nhân giữa hai người, nào là những khó khăn khi xây dựng ngôi nhà, lãi suất ngân hàng cứa cổ, Mic sinh ra và lớn lên ở đây, vân vân và vân vân. Tai của bố tôi cũng lùng nhùng các mỹ từ “kỉ niệm”, “tuổi thơ”, “gắn bó”, “hạnh phúc”… Nhưng nếu tôi ngay lập tức đồng ý với cái “thỏa thuận hợp tình” mà mẹ kế gợi ý nên chỉ mất có mươi phút chịu đựng thì bố tôi vì “cứng đầu” (như nhận xét của chưởng khế) nên đã bị tra tấn cả tiếng, ít ra là toàn bộ khoảng thời gian trong lúc thư kí của chưởng khế sửa lại di chúc, in nó ra rồi mang đến bệnh viện (chỉ khi ấy thì bà mới đành bó tay). Tóm lại, một tiếng quần nhau với thói “cứng đầu” của bố tôi dưới sự giám sát của chưởng khế (bà cũng rất chú ý tìm cách thuyết phục vị này để tránh nguy cơ bị đưa ra tòa vì tội ngăn cản chồng sửa lại di chúc) trên thực tế trở thành cuộc tập trận chuẩn bị cho cuộc chiến đấu với tôi ngày hôm sau. Tôi sẽ khó lòng đồng ý với cái “thỏa thuận hợp tình”, bà suy tính thế nên rất lo lắng bởi một khi đã không thắng được bố tôi thì tôi sẽ là kẻ mà bà phải chiến đấu đến cùng. Bây giờ tôi mới hiểu từng bước đi của mẹ kế trong cuộc chiến với tôi (mà tôi đã chẳng phút nào ngờ tới): đầu tiên bà chỉ nói bằng giọng nghiêm trọng, sau đó bà nhìn tôi chằm chằm, sau đó nữa bà đứng lên đi vòng quanh phòng khách, cuối cùng (khi tất cả đều không có kết quả) thì bà òa lên khóc. Nước mắt bao giờ cũng là một vũ khí lợi hại. Bà đã không lầm tẹo nào.
Tôi không biết chính xác mẹ kế đã dùng cách gì để thuyết phục Hanah. Hy vọng con bé không phải trải qua một cuộc tra tấn tinh thần nào cả. Đối với một đứa trẻ năm tuổi, một phần tư căn nhà (mà nó chẳng có gì gắn bó) có giá trị tương đương một bông hoa dại mọc ở ngoài đường. Nó có thể gật đầu cho mà không thấy băn khoăn. Nhất là khi người xin lại vừa mới cho nó bao nhiêu thức ăn ngon lành (chẳng hạn như chiếc đùi gà nướng mà tôi bắt gặp trong tay nó trưa hôm trước).
Có thể nói sau vụ này, tôi biết thêm nhiều điều về bố tôi và mẹ kế nhưng lý do ông sửa đổi di chúc vào đúng cái ngày cuối đời thì vẫn khiến tôi thắc mắc. Có lẽ nào ông đã nghĩ đến tôi sau tất tật ngần ấy thời gian không một liên lạc. Tôi cho là nếu cách đây năm năm mà tôi không gửi cho ông tấm ảnh của Hanah thì ông cũng sẽ chẳng bao giờ viết lại cho tôi. Đó là lần duy nhất chúng tôi trao đổi thư từ kể từ khi tôi lên Paris học. Khi con mười chín tuổi thì bố được pháp luật tha bổng. Bố tôi nắm rất rõ luật.
“Ông ấy yêu cầu được gặp anh. Nếu anh không có vấn đề gì, rất mong anh hãy tôn trọng cái ý muốn có lẽ là cuối cùng của ông ấy”. Đó là nguyên văn câu nói của mẹ kế ở điện thoại. Tôi không ngờ nó cũng khiến tôi xúc động để vội vàng về nhà đón Hanah rồi ngồi hơn mười tiếng tàu chậm xuống X. Nhưng bây giờ thì tôi hiểu bà đã bịa ra hoàn toàn. Bố tôi không hề có nhu cầu gặp tôi trước khi ông qua đời. Chính bà đã chủ động gọi điện cho tôi ngay khi tận mắt chứng kiến tên tôi và Hanah được ghi vào di chúc của ông. Rõ ràng là gặp tôi tại nhà và nhân lúc tang gia vừa gợi ý vừa bắt ép tôi cái “thỏa thuận hợp tình” thì thuận lợi cho bà hơn là sau đám tang mới kì kèo xin xỏ tôi tại văn phòng chưởng khế. Đó là lý do khiến bà rất sợ tôi từ chối không đến X ngay ngày hôm đấy. Sau khi phát đi cái câu đầy xúc động trên, bà lập tức đặt điện thoại xuống và tôi đã ngỡ là bà bận tiếp bác sĩ vào thăm bệnh cho bố tôi (và có khi vì vậy mà câu nói trên còn hiệu quả hơn nữa). Nói chung, trong vụ này mọi động tác của bà đều được tính toán kĩ lưỡng và bà đã khai thác tối đa cái ngữ cảnh đúp rất đặc biệt: đầu tiên là cảnh hấp hối của bố tôi (để thuyết phục tôi đến X), sau đó là cảnh bơ vơ của bà và thằng Mic (để thuyết phục tôi đừng đòi một nửa căn nhà).
Nhưng dẫu sao, trong thâm tâm tôi vẫn có cảm tưởng các tính toán trên của mẹ kế chỉ do hoàn cảnh bắt buộc (bà phải tự vệ để không bị mất một nửa căn nhà) chứ bản thân bà không phải là người tính toán quá đáng. Đám tang của bố tôi được bà chuẩn bị chu đáo: từ hai bộ tang phục lịch sự của bà và Mic đến hai vòng tang hoa cầu kì, tang lễ ở nhà thờ và cuối cùng là bữa tiệc tang thịnh soạn do nhà hàng mang đến. Tất nhiên không ai bắt bà phải chi một khoản lớn như thế vào đám tang. Bà hoàn toàn có thể mặc một bộ váy đen vẫn dùng để đi chợ, thằng Mic đã xấu thì quần áo nào cũng thế mà thôi. Bà cũng chỉ cần tạt qua siêu thị mua vài chậu hoa cúc bầy cạnh quan tài và nửa cân lạc rang muối để chút nữa khách uống với rượu vang hai euro rưỡi một chai (cho họ nốc đặc sản vùng với ga-tô và sâm-banh thì bà lên được kí lô nào?).
Bố tôi, vào ngày cuối cùng, đã quyết định chia cho tôi và Hanah một nửa căn nhà. Cả tôi lẫn mẹ kế đều choáng váng. Nhưng nếu tôi choáng váng vì không hiểu gì về ông thì bà lại choáng váng vì nhân dịp này mà hiểu ông quá rõ: bố tôi muốn trừng phạt bà và thằng Mic, và hình phạt nặng nhất mà ông có thể làm được là bắt cả hai ra khỏi nhà. Khi ông còn sống thì chỉ có mỗi cách ly dị nhưng cách ấy lại quá tốn kém cho hầu bao của ông (chồng phải có trách nhiệm tài chính với vợ cũ và con cái dưới tuổi vị thành niên). Khi ông qua đời thì mọi chuyện trở nên dễ dàng: bằng di chúc, ông được quyền bắt bà phải chia căn nhà với người mà ông muốn, người đó được ông xác định là tôi và Hanah, để ông vừa có thể chuộc lại chút ăn năn với tôi mà lại không phải mang tiếng ác với bà. Thiên hạ khi đặt tất cả chúng tôi lên cán cân đạo đức sẽ thấy là ông đầy ắp tình người: một bên là vợ thứ và con trai út, một bên là con trai cả và cháu nội, không bên nào bị coi nhẹ hơn bên nào. Bố tôi quả là cao kiến. Chỉ hơn một ngày mà tôi phát hiện ra bao nhiêu đức tính của ông: đầu tiên là ông hào hoa phong nhã, bây giờ lại thấy thêm là ông cũng khá thông minh. Đáng tiếc là cả hai đức tính đều không thuộc vào gien di truyền.
Tôi cho rằng bố tôi đã mưu đồ chuyện này từ lâu nhưng quyết giữ kín đến ngày cuối cùng. Tất nhiên không phải để bảo vệ quyền lợi cho tôi và Hanah mà vì ông sợ bị trả thù. Khi còn ở chung dưới một mái nhà thì việc trả thù không gặp mấy khó khăn, ông từng nghe vô khối vụ vợ sát hại chồng bằng những cách tinh tế như để hở bình ga, cho uống nhầm thuốc, cắt phanh ô-tô, chèn gối vào mũi… Và thế là để chặn đứng mọi nghi ngờ của mẹ kế, bố tôi đã lập di chúc theo ý bà rồi đợi đến khi chắc chắn rằng bệnh tật chỉ cho phép sống thêm một ngày nữa, ông mới rắp tâm thay đổi nó.
Nhưng ngay cả vào cái ngày cuối cùng ấy, ông cũng hết sức thận trọng để tránh bị trả thù: ông cho gọi chưởng khế đến và trong vòng tay bảo vệ của chưởng khế (người đại diện cho pháp luật) ông yêu cầu sửa lại di chúc. Tất nhiên là ông đạt được ý muốn (trước khi nhắm mắt, ông đã nhìn thấy di chúc mới). Nhưng một ngày sau lại phải thua (đáng tiếc là ông không biết vì đã chui vào quan tài rồi), bởi vì không có cuộc chiến nào cho phép cả hai bên cùng thắng lợi vẻ vang: nếu ông tính toán được đường đi nước bước thì mẹ kế còn tính toán đến từng chi tiết (giọng nói, cái nhìn, bước đi… trong buổi thuyết phục tôi); nếu ông nổi dậy muộn màng chỉ để thỏa mãn ý muốn trừng phạt, thì bà bị dồn vào chân tường và phải tìm mọi cách tự vệ; nếu ông đến phút cuối cùng vẫn không đủ dũng cảm thì bà sẵn sàng đương đầu với mọi thế lực (chồng, chưởng khế, con chồng); nếu ông cần cái chết giúp đỡ thì bà chỉ nghĩ tới sự sống còn.
Tôi đã không nhầm khi đồng ý cho mẹ kế cái “thỏa thuận hợp tình” ấy, tuy là tôi đã rất khó chịu với các động tác của bà.
Nhưng lý do gì mà bố tôi muốn trừng phạt mẹ kế và Mic? Tôi tặc lưỡi rồi đi xuống căng-tin. Hôm nay hầu như tôi chẳng làm gì và thấy thoải mái khác thường. Hẳn là do không bị Brunel sờ đến. Hắn nghỉ việc từ hai ngày nay. Bình thường bao giờ tôi cũng tránh nghỉ phép cùng lúc với Brunel để được dịp hưởng cái cảm giác tự do mỗi khi hắn không có mặt ở công ty. Nhưng dường như hắn bắt tõm được ý muốn đấy của tôi. Không bao giờ hắn để lộ thông tin về chuyện nghỉ phép của hắn. Hắn nghỉ rất lung tung, chẳng bao giờ theo kì, và không hiểu sao, thường hay rơi vào những lúc tôi cũng nghỉ.
Tôi mang khay thức ăn ra ngồi ở một bàn trống, cạnh cửa sổ. Hiếm khi nào tôi chọn được một góc tử tế như hôm nay. Căng-tin ở tầng cao nhất nên các cửa sổ đều nhìn ra những hướng rất thoáng và luôn được mọi người để mắt tới đầu tiên. Trước mặt là tờ báo nhặt được trong tàu điện sáng nay. Tôi dừng lại ở góc phải trang thứ hai: đàn bà châu Á thích giấu chồng mở tài khoản riêng, ở Nhật 46% phụ nữ có quĩ đen với số tiền trung bình là hơn 24 triệu Yên, tương đương gần 200000 euro. Tôi bỗng nhớ tới 10000 euro mới được nhập vào tài khoản riêng của T. Rất có thể bây giờ đã bị rút hết rồi. Ngân hàng thường đợi đến cuối tháng mới gửi thư thông báo. Tất nhiên là T có quyền tiêu nó như ý cô ấy muốn. So với 200000 euro của các phụ nữ Nhật thì số tiền của T chẳng thấm tháp gì. Nói chung, đứng bên cạnh người Nhật thì chúng ta là những kẻ rách rưới, những vị vô sản vĩ đại của thế kỉ 21. Và nước Nhật vẫn luôn là một ẩn số đầy hào quang với người Pháp. Ở Châu Á hay ngoài đảo xa? Ba vị ăn mày Toulouse sẵn sàng đánh nhau vì thế.
Hai đồng nghiệp từ đâu đi đến, tự động ngồi xuống bàn. Tôi vẫn cúi đầu vừa ăn vừa giở báo. Họ không chạm đến thức ăn mà nói chuyện nho nhỏ, giọng trẻ hơn thì kể chuyện còn giọng già hơn thì an ủi, có vẻ một buổi tâm sự tình cảm kiểu mẫu. Trên trang cuối, tôi đọc được một tin ngắn về doanh thu của các siêu sao điện ảnh: Gérard Depardieu năm nay đứng đầu, đóng 4 phim và kiếm được 3,2 triệu euro, 700000 euro cho phim cuối cùng chỉ có 30000 lượt người xem… Josiane Balasko đứng thứ 9 nhưng cao nhất nữ, đúng 1 triệu euro. Tôi đọc thêm một chút nữa nhưng không thấy tin gì về Alain Delon. Bên cạnh, hai đồng nghiệp nữ vẫn tiếp tục nói chuyện, to hơn một chút khi thấy tôi chăm chú xem báo. Giọng trẻ hơn buồn buồn. Có vẻ như ai đấy mới qua đời, tai nạn xe máy ngay trung tâm Paris. Tôi nghe được mấy câu này: “trước đó, em không dám khuyên nó phải cẩn thận, chúng em chưa là gì với nhau cả, hai đứa làm việc chung phòng có thế thôi. Tối hôm thứ Sáu ở toa-lét của công ty, em còn nhìn thấy nó, nó thay một bộ đồ trắng tuyệt đẹp, rồi nháy mắt với em, em đoán nó đi dạ hội đâu đó. Em thất vọng quá, suốt đêm hôm đó nằm khóc, rồi cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật không ló mặt xuống đường. Thứ Hai vừa đến công ty thì người ta thông báo nó chết, tai nạn đêm hôm thứ Sáu. Có lẽ đúng lúc em đang nằm khóc như mưa như gió ấy. Bây giờ bàn làm việc của nó người ta bày một lọ hoa trắng. Em phải tránh nhìn vào đấy chị ạ. Ngày mai, đám ma nó em cũng không dám đến. Em sợ nhìn thấy nó trong quan tài. Nghe nói nó bị tắc-xi cán ngang người, xe máy nát vụn, toàn thân biến dạng đến độ ông bố vào nhận xác cũng không nhận ra. Bây giờ cảnh sát giao thông đang tìm nhân chứng, để xem nó đã phóng ẩu hay tài xế tắc-xi ngủ gật”.
Giọng lớn tuổi hơn nghe xong cũng thở dài. Cả hai cùng im lặng. Tôi không dám nhai cơm, không dám cả lật báo. Giọng trẻ hơn lại nói: “nó đẹp trai chẳng kém Alain Delon trong Teheran 43, nhưng mà trẻ hơn em những sáu tuổi và suốt ngày nhận được điện của bọn con gái, có lẽ nó chẳng bao giờ nghĩ đến em đâu chị nhỉ”. Một lúc sau, giọng lớn tuổi hơn trả lời: “làm sao mà biết được, ai có thể hỏi được người chết bây giờ”. Giọng trẻ hơn ngập ngừng rồi bảo: “sáng nay, em đang làm việc thì có một con bé gọi điện đến hỏi nó, em bảo nó chết rồi, con bé kia cười hô hố, trước khi đập máy xuống còn thét lên trong ống nghe: thằng ấy xuống âm phủ đi cho nhẹ đời. Hay là con bé tưởng em nói đùa hở chị”. Giọng lớn tuổi hơn thở dài thêm lần nữa. Mấy phút sau, cả hai kéo tay nhau đứng lên, khay đồ ăn vẫn còn nguyên. Khi họ đã đi được vài bước, tôi lại nghe giọng trẻ hơn than: “cuộc đời éo le thật chị nhỉ”. Không thấy giọng lớn tuổi hơn trả lời. Tôi đóng báo lại và bất giác nghĩ tới chưởng khế. Ông ta cũng thốt ra câu này sau khi kể chuyện bà già vô tình để lại 3 triệu quan cho kẻ thù của mình.
Cuộc đời có éo le không, tôi tự hỏi. Quay ra nhìn thì hai đồng nghiệp kia đã đi mất. Suốt nửa tiếng vừa rồi, tôi không dám nhìn lên mặt họ, đầu cứ chúc xuống giả vờ xem báo, bây giờ mới thấy mỏi hết cả cổ.
XIII
Trong thang máy, tôi bỗng nghĩ tới Anna, rồi cái câu “bố anh là một người hào hiệp chưa từng thấy” mà cô ta nói giữa bữa tiệc tang lại quay về trong đầu. Tôi nhớ khi ấy, giọng cô ta chân thành và có cái gì đáng thương. Có thể vì thế mà tôi đã không ôm bụng cười. Cứ theo cách cô ta đối xử với bố tôi (vuốt mắt, lau người lần cuối, hôn trong quan tài…) thì Anna tỏ ra khá gần gũi với ông. Cô ta cũng là người duy nhất mang hoa hồng đỏ đến đám tang. Điều ấy tất nhiên là lố bịch, nhất là với một thị trấn xa xôi lạc hậu như X. Nhưng tại sao không ai phản ứng gì? Tôi đồ rằng dân ở đây đều biết nhiều chuyện mà không ai tiện nói với tôi, họ chỉ có dịp gặp tôi đúng một lần mà lại trong đám tang. Hẳn là giữa Anna và bố tôi đã có mối quan hệ khiến mẹ kế không hài lòng. Nhìn cách bà đối xử với cô ta thì rõ. Hai người phụ nữ luôn luôn đứng quay lưng lại nhau và nếu người này phát biểu cái gì thì người kia tìm cách vặn ngay lại. Về cách ăn mặc cũng thế, hai bộ tang phục đều sang trọng ngang nhau. Nhưng rõ ràng mẹ kế là chính thất mà lại yếm thế hơn vì kém cả tuổi trẻ lẫn nhan sắc (y hệt như mụ vợ của Brunel với tình nhân của lão). Mẹ kế phải đội mũ có mạng để che bớt khuôn mặt đã về già hẳn là vô khối nếp nhăn. Ngược lại, Anna không những để hở mặt mà còn cố tình trang điểm rất kĩ để khoe hết nét đẹp của mình. Mẹ kế kiên quyết tỏ quyền chính thất (bà chỉ đạo toàn bộ tang lễ và cuối cùng ôm bình tro trong tay) nhưng Anna cũng tìm mọi cách để công khai vai trò của cô ta. Chính tay cô ta vuốt mắt cho bố tôi rồi lau người, thay quần áo cho ông. Cô ta gọi điện thông báo cho mọi người: “tiếc quá, ông ấy mất nửa đêm hôm qua”. Cô ta cũng là người chạy ra đón tôi và Hanah ở phòng thường trực bệnh viện. Cô ta mang hoa hồng đỏ cho bố tôi (đó là biểu tượng của tình yêu). Cô ta hôn ông hai lần trong quan tài rồi đứng lại ngắm rất lâu ngay trước mặt mọi người. Cô ta luôn đứng cạnh tôi trong đám tang để giới thiệu vào tai tôi các vị khách đến dự. Cô ta đề nghị giữ lại hoa tang chứ không cho vào lò thiêu… Và cuối cùng, sau khi đã nói với tôi lời nhận xét tuyệt vời về bố tôi (mẹ kế chưa bao giờ nhắc đến sự “hào hiệp” của ông), cô ta đã lên phòng tôi. Hôm đấy tôi mặc bộ com-lê đen của bố tôi mốt những năm bảy mươi. Tôi còn nhớ ánh mắt cô ta chăm chú nhìn tôi. Tôi cũng nhớ cái câu cô ta nói khi gặp tôi ở bệnh viện rằng tôi “giống hệt” bố tôi thời ông mới chuyển đến X. Và có lẽ, bộ com-lê đen còn khiến tôi giống ông hơn nữa. Chúng tôi làm tình trong nửa tiếng. Mồ hôi nhễ nhại. Tôi gần như phát điên vì sung sướng. Cô ta cũng rất hạnh phúc, duyên dáng và nhiệt tình như một con mèo cái. Nhưng nếu sự sung sướng của tôi là được làm tình thật sự thì niềm hạnh phúc của Anna là tìm được bố tôi trong cơ thể tôi, bố tôi của hai mươi năm trước khi ông mới đặt chân tới X và cô ta là một thiếu nữ mười bảy mười tám tuổi mơ màng.
Tôi tưởng tượng những cuộc hẹn hò của hai người ở một phòng khách sạn, Anna cuồng nhiệt trao thân cho bố tôi vừa từng trải (trước đó bố tôi đã kịp làm một bộ sưu tập tình nhân) vừa hào hoa (với mức lương quản lý một nhà máy lớn, bố tôi có đầy đủ phương tiện). Vì X quá nhỏ nên hai người thường xuyên đưa nhau sang các vùng lân cận để trốn tránh sự soi mói của mọi người. Điều này càng khiến họ có dịp thay đổi phong cảnh, thay đổi khách sạn và món ăn. Và có lẽ do vậy mà bố tôi không thấy bị nhàm chán như trong các cuộc trăng hoa trước đó. Về phía Anna, tình yêu đầu đời đẹp như tiểu thuyết lãng mạn, càng bị cấm đoán càng thêm kích thích. Bố tôi không những là người tình lý tưởng mà còn là người anh, người bố, người thầy, là tất cả những thứ nhảm nhí mà cô ta được nghe tán tụng trong các giờ giảng văn ở trường, các mối tình của các đại văn hào quá cố. Bố tôi cũng dạy cô ta một số bài học ăn chơi cơ bản, đại loại uống sâm-banh thì nên ngửa cổ và dim mắt, mặc váy ngắn thì sang trọng và sexy hơn mặc quần jean, ngồi lái xe thì ngực phải chạm vô-lăng, mông ưỡn ra sau và đùi dạng hai bên, vân vân và vân vân. Không mặc quần trong và áo trong cũng là một trong những bài học cơ bản ấy. Anna xinh gái và càng ngày càng nảy nở, chín muồi trong các kinh nghiệm chăn gối, cô ta có khả năng đoán biết các ý muốn của đàn ông. Hơn thế nữa, Anna chiều chuộng bố tôi và coi ông là thần tượng. Rất có thể bố tôi cũng từng muốn được chung sống với cô ta. Tất nhiên giữa mẹ kế lúc đấy đã phục phịch (của đáng tội tôi không sao hình dung nổi cảnh bà lõa thể trên giường) và Anna vừa ngùn ngụt nhục dục vừa tận tụy hết lòng thì bố tôi không cần phải suy nghĩ lâu hơn một giây. Nhưng chắc chắn là mẹ kế đã không đồng ý và bố tôi cũng không dám ly dị (vì quá tốn kém, như tôi đã nói ở trên). Đó là lý do mà bố tôi nuôi ý định trừng trị bà và thằng Mic - những kẻ đã cản trở hạnh phúc của ông. Anna thì nhìn ông như con chiên trước Chúa nên không đòi hỏi gì hơn. Thậm chí, trong thâm tâm, cô ta còn cầu xin không bị ông bỏ rơi, cô ta cũng biết thân biết phận mình (cái giọng địa phương sửa mãi mà không hết nặng và cái trọng lượng tăng dần theo thời gian). Có lẽ không ít lần, bố tôi đã làm như vô tình nhắc lại quá khứ tình cảm vàng son, về các cô nàng “khá khẩm nhưng nhạt nhẽo”. Anna từ đấy sợ nhất là hai từ “nhạt nhẽo” và tìm mọi cách để không có gì chung với các cô nàng ấy, vắt óc nghĩ ra những trò mới làm hài lòng ông.
Tuổi năm mươi của bố tôi thật xán lạn. Ông khá thông minh (như tôi đã công nhận trong việc sửa di chúc). Tất nhiên so với bọn đàn ông ở X ông vẫn hơn đứt về nhiều mặt, nhà máy ô-tô nơi ông làm việc liên doanh với hãng Toyota nên ông không ít lần xách cặp đi Nhật Bản, riêng đề tài này cũng đủ để ông kể cả đời không hết chuyện, kiến thức về Nhật Bản của dân thị trấn X thì không bằng ba vị ăn mày trong nhà ga Toulouse. Nước Nhật là một dấu hỏi to đùng với họ. Bố tôi chẳng khó khăn gì để biết điều ấy. Nếu ông quẳng cho họ xem mấy cuộn phim quay Tokyo nhấp nháy nê-ông và đèn lồng đỏ, thì ông lại làm quà cho Anna một xê-ri giai thoại về các geisha vừa mặn mà vừa bốc lửa. Thế là đủ để cô ta vài tháng mất ngủ. Nói chung bố tôi quen làm lãnh đạo nên rất biết cách điều khiển con người. Đấy có phải là đức tính thứ ba của ông?
Ông lại có thẩm mỹ và chịu khó ăn diện (tôi tin đây cũng là một đức tính). Bộ com-lê đen mốt những năm bảy mươi bị ông cho về vườn từ lúc còn mới tinh. Ông không quên thỉnh thoảng mua quà cho Anna. Cụm từ “hào hiệp chưa từng thấy” mà cô ta dùng có nghĩa là thế (với phụ nữ, đó là đức tính đáng trân trọng nhất).
Mối tình vụng trộm kéo dài suốt hai chục năm nay. Anna mê đắm bố tôi đến độ không yêu nổi ai khác rồi ở vậy cho tới bây giờ. Và hoàn toàn có khả năng là Anna đã quyết định đi học y tá, sau đó lại xin về làm trong bệnh viện X để được cơ hội gần gũi chăm sóc ông lúc tuổi già bệnh tật. Đó là một cái nhìn xa đúng hướng. Thế nên, thời gian bố tôi nằm viện hóa ra không đến nỗi tệ, thậm chí hai người có thể ở bên nhau hai tư trên hai tư, Anna sẵn lòng làm thay các y tá khác (tôi nghĩ không ai từ chối điều này và mẹ kế cũng chẳng phản đối, từ khi di chúc đã được lập như ý bà muốn thì bà thả lỏng ông hoàn toàn).
Bố tôi có thể nói là mãn nguyện. Sáu mươi tám tuổi, ông đủ khôn ngoan và kinh nghiệm để điều khiển được Anna (cô ta chưa biết người đàn ông nào khác ngoài bố tôi). Viagra đúng nồng độ đem lại kết quả như ý muốn. Đôi tay khá đẹp (tôi đã ngạc nhiên khi nhìn thấy chúng trong quan tài) cũng giúp ích cho ông không kém, có lẽ đến trước khi chết chúng vẫn khiến Anna phải quằn quại, dáng mèo cái của cô ta có thể bắt nguồn từ đây. Khi phân trần với tôi trong tang lễ rằng vì phoóc-môn và phòng lạnh mà cơ thể ông biến dạng, Anna rõ là rất tự hào về phong độ của ông.
Bố tôi hiểu đời (đây mà không là đức tính thì là cái gì?). Thời gian cuối, tuổi trẻ và sức khỏe được ông thay thế bằng một vài món quà quá trớn mà chẳng phụ nữ ở X nào dám mơ (bố tôi cho là đã đến lúc phải thanh toán toàn bộ tài khoản vì ông không thể mang theo nó xuống thế giới bên kia). Chuỗi hạt trai ở cổ Anna trong bữa tiệc tang thật là đúng điệu. Cả chiếc xe hơi mà cô ta đang lái. Tôi chưa kịp nhìn thấy nhưng tin là nó phải là mốt mới nhất và nõn nường, đúng chuyên ngành của bố tôi mà lại. Cả hai đã ngồi (hoặc nằm cho thoải mái) hàng giờ liền trước chồng ca-ta-lô xe hơi các loại, rồi cuối cùng chọn một chiếc đặc biệt sang trọng và cũng chỉ có hai ghế như chiếc xe mụ vợ Brunel mua cho thằng trai trẻ. Những cặp uyên ương vụng trộm và chênh lệch tuổi tác hầu như đều khoái những chiếc xe hai chỗ ngồi, với họ tình yêu là chỉ để riêng cho hai người nên không được dính mùi gia đình và trách nhiệm, họ không thể tưởng tượng lại có thể ngồi trong chiếc xe có thùng để hàng to vật vã với một loạt chỗ ngồi và ghế bảo hiểm cho trẻ con.
Hàng ngày sau khi được bác sĩ khám bệnh và cho thuốc, bố tôi ngồi vào xe để Anna đưa ông đi lang thang khắp nơi. Chiếc xe thể thao mui trần (tạo cảm giác trẻ, khỏe) lại có dịp mang họ quay trở lại chỗ này, chỗ kia, chỗ nào cũng đầy chuyện để nói, hai mươi năm kỉ niệm cơ mà. Tóm lại, bố tôi không có gì để phàn nàn. Bố tôi sức mấy có thời gian mà nhớ đến tôi. Ngay cả ngày cuối cùng ông cũng vô cùng bận rộn.
Nhưng mà tôi thì nhớ Anna quá chừng.
Lò sưởi công ty làm việc nghiêm túc quá nên mắt tôi díp vào lúc nào không hay.
Tôi thấy Anna một tay vòng qua lưng, một tay đỡ gáy tôi ngã ra giường. Tôi cởi quần áo rất nhanh. Bộ ngực đồ sộ và ấm như bông khiến đầu óc tôi tê liệt. Uyển chuyển và điêu luyện, cô ta trườn lên bụng tôi. Âm hộ để trần nóng rẫy. Một tay cởi áo, một tay ghì vào cổ tôi. Hai cơ thể lại hừng hực trong cơn sốt. Đèn ngủ bập bùng. Lò xo rên xiết. Căn phòng chao đảo. Bên tai tôi là tiếng thở của Anna, rồi cô ta thì thào “anh yêu”. Cô ta không gọi tôi. Biết thế mà tôi vẫn sung sướng làm sao. Và cái giọng địa phương của cô ta lúc này thật đặc biệt. Đặt hai tay lên eo của Anna, tôi kéo cô ta sát vào người, rồi lịm đi trong cái khối bông kì diệu êm ái ấy. Tôi nghĩ rằng nếu nói được một câu gì đó thì tôi sẽ còn sung sướng thêm nữa. Nhưng đó chỉ là một cơn mơ nên lưỡi tôi cứng đờ còn dương vật thì đau điếng.
Tôi mở mắt khi nắng chiều đã bò vào giữa phòng. Ánh nắng chói chang để tôi nhận ra cái câu mà tôi muốn nói với Anna lúc nãy thật là ngớ ngẩn. Nói chung, khi lên giường, tôi tập trung vào các động tác và các tư thế. Có lẽ tôi làm không đến nỗi tồi nên phụ nữ tỏ ra bị kích thích. Họ thường ồn ào ra lệnh cho tôi hãy tiếp tục, hãy khiến họ phát rồ phát dại, hãy là người đàn ông khỏe nhất, bốc nhất. Tôi chẳng bao giờ có ý định ghì họ vào ngực vì biết chắc sẽ ngay lập tức bị đẩy ra và thúc: hãy tiếp tục, khỏe nữa lên, bốc nữa lên. Họ hét đến lạc cả giọng. Đây là đấu trường của bò tót chứ không phải lúc khoa trương tình cảm. Cái cô giáo viên dường như là người quyết liệt nhất, cô ta có hẳn một cái roi như diễn viên dạy thú, nên tôi còn nhớ đến bây giờ. Tóm lại, tôi chẳng bao giờ nói cái gì.
Với T thì mọi việc lại khác. Cô ấy có thân hình gợi cảm, đường nét mềm mại, nước da mịn, vòng hông nhỏ, bộ ngực nhu nhú. Và mái tóc đen thả dài. Thời gian đầu nhìn T khỏa thân, tôi rất thèm được làm tình cùng cô ấy. Nhưng chuyện xảy ra không hoàn toàn như thế. Tính kín đáo quá mức của T làm tôi ngần ngại. Cơ thể cô ấy như món ăn Nhật Bản, trình bày hài hòa, đẹp mắt, tinh tế nhưng lúc cho vào miệng lại không thấy vị gì, ăn hết rồi mà chẳng hiểu no hay đói, có thèm nữa hay không. Sáu năm sống với T, tôi không hiểu là ngắn hay dài. Chúng tôi làm tình đều đặn mươi ngày một lần. Bao giờ tôi cũng là người trèo vào giường cô ấy đầu tiên. Mười lăm phút, vài động tác cơ bản và im lặng từ đầu đến cuối. Vứt xong ca-pốt vào sọt rác là tôi quay về giường rồi lăn ra ngủ. T thường loay hoay rất lâu trong buồng tắm. Cơ thể cô ấy sạch bong và không mùi. Hai chiếc giường đôi vẫn kê song song. Chúng tôi vẫn mỗi người một thế giới. Đôi khi tôi mua họa báo về xem trong phòng làm việc. Các thân hình phụ nữ bốc lửa làm tôi xốn xang, không ít lần phải chạy vào toa-lét công ty. Nhưng đó không thể coi là ngoại tình. Trong thâm tâm tôi nghĩ thế cũng đỡ tốn tiền đến nhà thổ. Tôi chưa thử ngủ với gái điếm. Tuy vậy tôi không phản đối chuyện ấy. Nói cho cùng thì họ cũng là phụ nữ, có điều họ ở trên giường nhiều hơn những người khác mà thôi.
Chồng hóa đơn cuối cùng cũng được phân chia hết vào các bảng kế toán. Thế là cũng xong nhiệm vụ của ngày hôm nay. Khi Brunel vắng mặt thì cả tầng tứ tung. Các đồng nghiệp lượn lờ như đi chợ. Tán chuyện hành lang mỏi miệng thì vào Internet chát. Lúc nãy đi qua máy in, tôi nhìn thấy một tệp ảnh chụp các loại ngực. Đồng nghiệp đứng ngay bên cạnh nháy mắt bảo: “nghệ thuật đấy, thích thì tặng vài tấm về treo đầu giường”. Tôi ngần ngừ, rồi chọn một. Mặc dù không nhìn thấy mặt, nhưng tôi đoán là của Emmanuelle Béart. Máy in công ty vừa trả một đống tiền (điều này thì chắc chắn vì chính tay tôi soạn hóa đơn) nên nhìn rõ những đốm hồng xung quanh đầu ngực, cả một nốt ruồi nhỏ. Đồng nghiệp kia lại nói thêm (nháy mắt lần nữa): “cái trò này trông thế mà được việc lắm đấy!”. Ừ, tôi cũng đoán thế, nghe kể là vị nào khi vào cho tinh trùng đều được phát một cuốn Play Boy số mới nhất.
Khoảng 6h thì điện thoại reo. Hóa ra là mẹ kế. Bà nghĩ gọi giờ này sẽ ít làm phiền tôi. “Chỉ để xem Hanah có khỏe không”, bà giải thích ngay như thế. Sau khi hỏi thêm chúng tôi phải đợi ở nhà ga Toulouse bao lâu, bà ngần ngừ rồi nói bà và Mic rất cám ơn tôi. Tôi im lặng. Bà lại nói giá như được gặp tôi và Hanah từ trước. Tôi vẫn không nói gì. Cuối cùng bà bảo nếu hè tới, tôi chưa có kế hoạch đi đâu thì đưa Hanah xuống X chơi, “phòng vẫn để cho hai bố con”. Nói xong câu này thì bà dừng lại, vẻ như biết là đã lỡ lời. Chúng tôi chào nhau một cách xã giao. Bà bảo tôi hôn Hanah hộ bà. Tôi nhờ bà chuyển lời chào tới Mic. Đặt ống nghe xuống, tôi biết đây là lần cuối cùng bà gọi cho tôi.
Tôi tưởng tượng ngay sau buổi tiệc tang, bà đã thức trọn đêm để tống khứ núi đồ dùng cá nhân của bố tôi. Mấy tủ quần áo các loại, mấy thùng các-tông giầy, cà-vạt, thắt lưng, xe đạp leo núi, xuồng lướt ván, gậy trượt tuyết, thuyền câu cá, tạ đôi, nước hoa, xà phòng tắm, thuốc gội đầu, va-zơ-lin, gôm xịt tóc, kem cạo râu, kem thoa mặt, kem bôi tay, kem bóp chân, kem lăn nách, vân vân và vân vân. Quản lý hành chính một nhà máy lớn, tình nhân trẻ hơn hai mươi tuổi, bố tôi có đầy đủ lý do để làm một thành viên lý tưởng của xã hội tiêu thụ. Trong hai ngày ở X, hai lần mở tủ lạnh và tủ tường, tôi được dịp chứng kiến kho đồ hộp Biodoo bố tôi phải thọ thêm vài tháng nữa mới hy vọng xơi hết. Hẳn là nhờ chế độ ăn kiêng cao cấp này mà ông không bị phát phì như các vị cùng trang lứa và duy trì cuộc sống tình dục một cách lý tưởng. Thử so ông với lão sếp của tôi thì biết. Brunel ục ịch như một khúc dồi lợn nên kém ông cả chục tuổi mà chuyện chăn gối coi như đã đi tong (đấy là lý do để vợ lão tìm thằng con nuôi thay thế). Mà không chỉ trên giường, ngoài đường Brunel cũng kém bố tôi. Brunel sống nhờ hào quang nhà vợ nên mụ ta thì ngang nhiên cặp kè thằng trai trẻ mà hắn chẳng bao giờ dám xuất đầu lộ diện cùng tình nhân, hai người chui lủi trong cái phòng áp mái nhà khách Trung Quốc quận 13. Bố tôi không thế. Ông và Anna mất có một năm đầu kín đáo. Ngay khi cô ta bước vào tuổi vị thành niên, biết chắc không ai có thể đưa mình ra tòa, ông quên hẳn việc giấu giếm thiên hạ. Mẹ kế chỉ cần một phần lương tháng của ông, căn nhà và di chúc (ông không ngại lập nó từ lúc mới ngoài năm mươi). Brunel gốc gác nông thôn (giọng hắn vẫn nặng trình trịch) nên thấy Paris hào nhoáng thì run rẩy khép mình vào lễ nghĩa. Bố tôi, ngược lại, từ thành phố lớn chuyển về trị trấn X, lại giữ chức quản lý nhà máy, nên bỗng dưng thành giai cấp trên, một cái nháy mắt là làm gọn Anna ngây thơ mũm mĩm như chiếc kẹo mút.
Brunel là khúc dồi lợn bận com-lê trắng còn bố tôi sáu tám tuổi nằm trong quan tài vẫn bóng bẩy hào hoa. Hai người đàn bà đã vất vả vì ông cũng phải.
Tống khứ xong cái đống của nả từng giúp bố tôi giữ vững phong độ, mẹ kế sẽ ngồi tựa ghế bành mà phác họa tương lai. Kể ra ở tuổi bà thì cũng hơi khó nhưng chưa hề muộn. Tiền lương hưu của bố tôi bảo đảm cho bà một điều kiện vật chất êm ả. Nhưng tôi tin là bà sẽ bán căn nhà. “Gắn bó”, “kỉ niệm”, “tuổi thơ”, “hạnh phúc” chỉ được sử dụng trong các cuộc chiến với bố tôi và tôi. Bây giờ sẽ là lúc bà làm ngược lại hoàn toàn. Và làm một cách dễ dàng vì không còn ai có thể ngăn cản (bố tôi đã chui vào hộp tro, còn tôi thì đã kí hai lần vào văn bản chưởng khế). Chiến thắng này xứng đáng được ăn mừng. Tôi hình dung bà bật nút một chai sâm-banh mới nguyên rồi tự cụng ly một mình, sâm-banh mua cho tiệc tang vẫn còn chất đống trong tủ lạnh. Ngày mai bà sẽ giao bán nhà. X nhơ nhớp vì cái quá khứ của bố tôi với Anna nên cầm tiền trong tay là bà nói lời vĩnh biệt. Vừa nãy gọi điện cho tôi, hứng khởi thế nào mà bà mời tôi và Hanah xuống X nghỉ hè, nói xong thì khựng lại. Tôi biết bà lỡ lời. Hè chưa đến thì cả căn nhà lẫn cái tên X đều đã bị bà xóa sổ hoàn toàn trong bộ nhớ. Nếu hôm trước tôi mà chịu cầm cuốn nhật kí của bố tôi thì có lẽ vài ngày nữa bà sẽ gửi qua đường bưu điện cho tôi hộp tro của ông. Bà có làm thế cũng chẳng bị thiên hạ oán trách, tôi là con trai cả của ông kia mà. Thằng Mic thi tốt nghiệp xong (bà có vẻ rất bị ám ảnh vì chuyện đó) là bà được pháp luật giải phóng hoàn toàn. Mấy trăm hãng du lịch đang mỉm cười vẫy bà. Người ta dịu dàng hỏi bà muốn du thuyền trên sông Nil hay tắm nắng ngoài biển Cuba hay đánh bạc giữa Las Vegas hay tẩm quất ở Thái Lan. Người ta hỏi bà có đi máy bay hạng nhất, ngủ khách sạn năm sao, tắm thalasso đắp bùn tiêu mỡ. Người ta hỏi bà có cần phiên dịch kiêm hướng dẫn viên du lịch cá nhân, trẻ tuổi hay trung niên, thanh mảnh hay cơ bắp, thâm trầm hay bốc lửa. Vân vân và vân vân. Nói chung, ngành du lịch có rất nhiều sáng kiến và luôn hỏi han tận tình. Khách hàng là hoàng đế, khẩu hiệu này có vẻ được họ thực hiện không đến nỗi tồi.
Tôi ngờ rằng bà cũng lập quĩ đen như các chị em Nhật Bản. Mấy chục phần trăm lương tháng của bố tôi trong hai mươi năm qua thể nào chẳng biến thành một cục tương đối. Bữa tiệc tang chỉ là một hạt cát không đáng kể. Hai mươi năm bị ông phụ tình, ngay một năm sau ngày cưới, vài tháng sau ngày thằng Mic sinh, bây giờ mẹ kế chẳng có gì đáng phàn nàn. Cuộc đời bố tôi đóng lại là để cuộc đời của bà mở ra. Y hệt như cái chết của mẹ tôi đã giải phóng bố tôi. Qui luật bù trừ ấy cũng dễ hiểu.
Chỉ có Anna là thiệt thòi mọi nhẽ. Hai mươi năm làm tình nhân không được pháp luật nào nhìn nhận, không được căn nhà nào bù lỗ, không được quĩ đen nào bảo trợ. Ngoài chiếc xe đời mới và vài món quà có thể quá trớn nhưng bây giờ bán lại cũng chẳng được bao nhiêu, tôi ngờ là bố tôi chẳng để lại gì cho Anna. Sáu mươi tám tuổi, ông ung dung hiểu rằng không cần làm thế thì ông vẫn được cô ta mê mệt. Mà ông thì chẳng có thói quen bỗng dưng cho ai cái gì.
Bây giờ tôi bắt đầu hiểu ông.
XIV
“Lối nhỏ thần tiên” tám giờ tối. Đám đông tắc nghẽn cổng ra vào. Tôi vừa ló mặt đã bị bà gác cổng chặn lại. Tay dắt Hanah tay lau nước mắt, bà ta hổn hển kể rằng đứa con gái một gia đình tầng năm vừa trốn khỏi nhà đêm hôm qua.
Con bé ấy vẫn lượn lờ hành lang, nếu tôi không nhầm thì tên là Viđa còn ít tuổi lắm. Bà gác cổng đi trước mở đường cho tôi và Hanah. Xung quanh mọi người bàn tán tưng bừng, tiếng Pháp tiếng nước ngoài rổn rảng. Đặt chân vào sân trong đã nghe thấy tiếng vật vã, hẳn là của mẹ và các em con Viđa. Tôi giật mình nghĩ chỉ cần Hanah khóc T một tiếng là cả khu sẽ lao đến xem, quên cả ăn cơm, quên cả truyền hình kênh 3 tối nay có phim kinh sợ.
“Con bé để lại mấy chữ rằng thà đứng đường chứ không lấy thằng già thối tha”, bà gác cổng thì thầm. Tôi tin là bà ấy nói đúng. Bọn con gái trong khu không ít trường hợp bị đưa về cố hương gả chồng. Đứa trốn kịp, đứa không nhưng lần nào cả khu cũng được dịp ầm ĩ. Con bé Viđa trông thế mà liều. Trong thang máy, tôi chạm mặt hai thằng con trai nhơ nhỡ, đồng phục thể thao trắng, đầu xịt gôm. Chúng nó gườm mắt nhìn tôi và Hanah rồi tuôn một tràng Ả-rập. Tôi đoán là anh em nhà con Viđa. Quả thật, hai thằng ra khỏi thang máy, quát mấy câu, tiếng vật vã ngừng tắp lự. Cả khu nhờ tính gia trưởng của chúng nó mà yên ắng được đôi chút.
Hai bát xúp hộp nhạt phếch, tanh mùi cá ươn. Tôi và Hanah không sao húp nổi một nửa. Vô tuyến ngày nào cũng quảng cáo con tôm hùm quẫy trong lẵng rau xanh, bảo đảm “chất lượng đầu bếp cao cấp”. Hóa ra toàn bọn lừa lọc. Hanah lên giường đi ngủ từ sớm. Lúc ăn cơm trong bếp, bỗng dưng nó kể với tôi về mẹ kế. Nó bảo nó thích đến X vì ở đó có “bà”. Hóa ra nó nghĩ mẹ kế là bà nội nó. Tôi im lặng không đính chính. Lớn lên tự khắc nó hiểu. Bây giờ mà giải thích thì dài dòng lắm, sẽ còn kéo thêm các câu hỏi lôi thôi. Nó cho tôi xem chiếc cặp tóc mai bằng nhựa gắn hai con cánh cam xanh đỏ, bảo quà của “bà”. Không hiểu mẹ kế kiếm đâu ra thời gian mà đi mua. Hẳn chiếc cặp mai cũng góp phần (cùng chiếc đùi gà nướng) vào việc thuyết phục Hanah tặng lại một phần tư căn nhà. Con tính chuẩn không chê vào đâu được.
Chương trình “Chuyện ly kì tối thứ Năm” giới thiệu một viên nha sĩ tỉnh lẻ bị tình nghi đã giết con trai. Ông ta có khuôn mặt tròn, đeo kính, không có gì đặc biệt nhưng khó có vẻ của một kẻ sát nhân lại càng không phải của kẻ đã giết con đẻ. Theo lời kể của bà vợ thì viên nha sĩ đã ngờ thằng bé là con riêng của bà ta nên rình hôm không ai có nhà, lôi nó ra vườn bóp cổ cho đến chết. Vì cảnh sát không tìm thấy xác nên tòa án chỉ xử được mười hai năm tù. Luật sư nói là chính, viên kĩ sư hầu như chỉ gật hoặc lắc…
Bỗng có tiếng gõ cửa. Mẹ con bé Viđa đến ngồi nhờ. Ông chồng và hai thằng con trai bây giờ quay ra mắng chị ta vì tội đồng lõa với con bé. “Tôi khổ quá ông ạ”, chị ta vừa nói vừa khóc, “lão ta tát tôi còn hai thằng kia dọa nếu ngày mai con Viđa không về thì chúng nó sẽ nhốt tôi một tuần liền không cho đi chợ”. Tôi im lặng nhìn quanh, biết tìm đâu một chỗ ngồi tử tế giữa đống quần áo bẩn và vỏ đồ hộp. Chị ta ngừng khóc xua tay: “phụ nữ đi vắng, nhà cửa thế này là chuyện thường”. Có lẽ tin T mất tích đã được bà gác cổng báo cho cả khu. Rồi tin bố tôi mới qua đời nữa chứ, cũng giật gân không kém (vì từ trước đến nay họ đều nghĩ là ông đã qua đời rồi). May có chuyện con Viđa trốn nhà để mọi người giải khuây nên lúc nãy gặp tôi không thấy ai lên tiếng chia buồn. Tôi hỏi chị ta có muốn uống cái gì nóng không, trong bụng nghĩ đêm nay như thế là mất toi, và lại lo bọn đàn ông bên kia sang gây sự. Cuối cùng, chị ta lắc đầu bảo chỉ ngồi một lúc, đợi “chúng nó bớt giận” thì về. Tôi gật đầu, rồi chẳng biết nói gì lại quay ra xem vô tuyến.
Hình như viên nha sĩ không phản ứng nhưng bạn bè ông ta thì lập hẳn một hiệp hội đòi xử lại vụ án. Họ theo dõi bà vợ và phát hiện ra bà ta rất hay bay tới một nước châu Á (bà ta có vẻ là người ở đó, chương trình giới thiệu lúc nãy nhưng tôi bị bỏ qua). Rất nhiều khả năng thằng bé không bị giết và đang được giấu bên ấy. Cử thám tử tư đi theo lần nào cũng bị đánh lạc hướng. Tiếng tăm không biết, đường sá không thông, người quen không có, thám tử tư Pháp cũng biến thành khách du lịch nước ngoài…
Mẹ con Viđa vẫn khóc ti tỉ. Rồi như không kìm được nữa, nhắc lại cái câu “tôi khổ quá ông ạ”, mặt méo xệch. Tôi không hay gặp chị ta, nhưng mùa đông cũng như mùa hè, lần nào gặp cũng thấy bận một chiếc măng-tô rất dài màu xám, chân đi dép lê, đầu đội khăn lụa. Trong năm năm trọng lượng hẳn phải tăng gấp đôi. Nghe nói tiêu chuẩn sắc đẹp của họ là cân nặng. Bởi thế phụ nữ châu Á ít được đàn ông Ả-rập để ý. “Con bé ở đâu bây giờ hở ông?”. Chị ta bất ngờ hỏi. Tôi lắc đầu. Quả thật tôi cũng không biết nó trốn chỗ nào vào lúc đêm hôm thế này. Gia đình bạn bè nó nhất định là chẳng dám chứa. Nói chung, ai cũng sợ trách nhiệm. Nếu bố mẹ nó kiện ra tòa về tội chứa chấp con cái họ… Nếu các anh trai nó cầm dao đến đòi xin tí huyết… Nếu cảnh sát gọi lên hỏi tại sao không thông báo cho họ… Nếu chi nhánh của UNICEF nghi ngờ tội dụ dỗ trẻ em dưới vị thành niên… Nếu con bé là người của tổ chức Al Qaeda… Nếu nó rủ rê con gái mình đi làm trò bậy bạ… Nếu nó có ý định ve vãn chồng mình… Tất cả những cái “nếu” ấy bóp nghẹt con người, khiến không ai còn dám hành động. Báo chí liên tục đăng tải các vụ hãm hiếp trong tàu điện ngầm trước mặt hành khách, các vụ giết người nhân chứng từ chối khai báo, các vụ cướp nhà băng ba chục nhân viên và khách hàng răm rắp tuân lệnh một thằng có đúng con dao nhíp trong tay… Khi con người phát minh được những tiện nghi vật chất tối tân, cũng cho ra đời tính ích kỉ vô địch. Chưa bao giờ người ta lo bảo vệ cuộc sống của chính mình như hiện nay.
Mẹ con Viđa không thấy tôi trả lời thì thở dài rồi im lặng. Trên vô tuyến, bà vợ viên nha sĩ đang thuật lại cảnh “gài bẫy” chồng. Sau khi thằng con chết, hai bên chia tay nhau nhưng bà ta muốn chồng khai sự thật nên gọi điện xin gặp. Trong lúc làm tình (ở một phòng khách sạn), bà ta đã hỏi “anh nói đi, anh đã chôn con ở đâu?”, và viên nha sĩ đã trả lời: “anh chôn nó dưới cây phong non”. Toàn bộ cuộc gặp gỡ được bà ta thu vào băng cát-xét và ngay lập tức đem tới trình cảnh sát. Rừng phong bị đào xới cả tuần liền mà chỉ tìm được xác một con chồn bụng trắng…
“Kinh quá, ông tắt vô tuyến đi được không!”, mẹ con Vida kêu lên, khuôn mặt còn méo hơn lúc nãy. Tôi ngần ngừ. Đúng vào đoạn hồi hộp. Viên nha sĩ khai là chỉ vì muốn “đạt được cực khoái” mà ông ta đã trả lời vợ cho qua chuyện. “Thưa tòa, dương vật của tôi chỉ quan tâm đến chuyện đấy”, ông ta nói thế, cả thẩm phán lẫn luật sư và cử tọa cùng bật cười. Mẹ con Viđa vội vàng thả khăn lụa ra chùm toàn bộ khuôn mặt, hẳn là để những lời tục tĩu kia không lọt vào hai tai. Tôi chợt nghĩ nếu bị cáo không dùng từ “dương vật” mà nói là “buồi”, hay “chim” hay “cặc” thì chị ta phải tông cửa chạy mất. Sau đó lại nghĩ không phải chỉ chị ta, nếu mụ vợ Brunel hay mẹ kế mà nghe được thế nào cũng đứng lên đi vào bếp pha chè, hay cúi xuống tìm tờ báo trong ngăn bàn, hay quay ra hỏi người làm bao giờ thì được ăn cơm nhỉ…
Tôi không tắt vô tuyến mà bật sang kênh khác. Biết nói chuyện gì với mẹ con Vida bây giờ. Tốt nhất là để chị ta xem cái gì lịch sự một chút. Chương trình Thời sự Quốc tế quay cảnh cả nước Nga đợi chờ ngày trình chiếu “Vòng tròn đầu tiên”. Theo đánh giá của giới chuyên môn, bộ phim hứa hẹn mang lại lợi nhuận khổng lồ nhờ mấy lý do sau: thứ nhất, đích thân Soljenitsyne chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết lừng lẫy của ông ta, và sau đó còn tự đọc tiếng trong phim; thứ hai, khán giả Nga bắt đầu chán truyền hình nhiều tập châu Mỹ-La Tinh và muốn xem cái gì đó mang “tâm hồn đặc Nga”; thứ ba, Panfilov là một trong những đạo diễn cây đa cây đề của điện ảnh Xô-Viết; và cuối cùng, lý do vô cùng quan trọng: nam diễn viên cực kì ăn khách Mironov, không những đẹp trai lại còn được Soljenitsyne đánh giá cao vì “cực kì giống” nhân vật của tiểu thuyết. Nói đến đây, phóng viên thường trú tại Mạc-tư-khoa vừa cười vừa bình luận: “nếu tôi không nhầm thì đó là tiểu thuyết về chính cuộc đời của Soljenitsyne nửa thế kỉ trước, diễn viên Mironov quả là một anh chàng đẹp trai (màn hình đưa ra chân dung nam diễn viên), chúng ta có thể so sánh các bức ảnh thời trẻ của Soljenitsyne với anh ta để xem độ thực thà của nhà văn đến đâu, ông ta đã từng được trao giải Nobel văn chương năm 1970 cơ đấy”.
Màn hình lại quay chân dung của anh chàng Mironov, sau đó là một loạt hình ảnh anh ta trong các phim khác nhau: khi thì trong trang phục sĩ quan KGB; khi thì từ Mercedes chui ra, com-lê trắng, râu con kiến, mũ phớt, ba-toong; cảnh cuối bận ki-mô-nô nằm trên giường, hai tay ôm hai thiếu nữ khỏa thân. Tôi liếc sang mẹ con Vida thấy chị ta cau mày lẩm bẩm: “đẹp trai cái nỗi gì không biết”. Tôi gật đầu. Phen này các fan của Soljenitsyne biểu tình mất. Nước Nga đổi sang tư bản mới chục năm nhưng bây giờ còn tư bản hơn cả tư bản. Mạc-tư-khoa trở thành một trong những thủ đô đắt đỏ nhất thế giới, dân Nga chăm biểu tình hơn cả dân Paris. Tuần này Internet Pháp xuất hiện thư kêu gọi tẩy chay Daniel Craig của những người hâm mộ Điệp viên 007. Có thể các fan của Soljenitsyne cũng đang cắt dán khẩu hiệu chống Mironov trên quảng trường Đỏ. “Anh ta không đủ đẹp trai và hào hiệp”, họ cũng viết lên đó lý do y hệt như các fan của Điệp viên 007, để ép nhà sản xuất thay đổi nam diễn viên. Khi các fan mà bị vỡ niềm tin thì đáng sợ lắm, chúng ta còn nhớ Bruce Willis.
Mẹ con Viđa thấy tôi gật đầu thì mặt có vẻ đỡ méo, một lúc sau bỗng kể hồi còn bé ở Casablanca thỉnh thoảng được xem Alain Delon. “Ông ta mới đẹp trai và hào hiệp làm sao!” chị ta thốt lên. Tôi không nói gì chợt nhớ tới đại úy Delon, mấy hôm nay không thấy liên lạc, có thể lại vừa thụ lý thêm một vụ mất tích khác. Theo thống kê, mỗi năm có hàng nghìn người ra đi không để lại dấu vết, có người vì chán cuộc sống hàng ngày, có người muốn trốn nợ, có người quyết tâm lập nghiệp ở thành phố lớn, nhưng cũng có người sau khi xem một phim tài liệu mười lăm phút về hoang mạc Arizona thì bỏ công việc bác sĩ giải phẫu hái ra tiền, đeo ba lô lang thang khắp nơi, hoang mạc Arizona cuối cùng vẫn chưa đặt chân tới. Hai mươi năm sau, qua một chương trình cầu truyền hình, nhà báo hỏi tại sao. “Ra đi là ra đi, có thế thôi”, ông ta thản nhiên trả lời. Nhà báo lắc đầu. Bà vợ cũ ngồi bên cạnh cũng lắc đầu rồi giơ hai tay lên trời la ó: “đúng là một thằng điên!” Trông bà ta y hệt một diễn viên kịch nói mới ra trường. Để diễn tả một thái độ vừa ngạc nhiên vừa phẫn uất, các thầy giáo dạy là nhất thiết phải trợn mắt, nhún vai, giơ hai tay lên trời và la ó. Tôi còn nhớ bà ta hầu như không mặc gì mà chỉ choàng một tấm voan mỏng, có hai dây mắc vào vai, mái tóc vàng xõa ngang lưng, tất cả đều trái nghịch với khuôn mặt đã nhăn nheo và lấm tấm tàn nhang. Chắc hẳn khi được nhà báo mời đến nói chuyện với chồng cũ qua cầu truyền hình, bà ta rất muốn làm ông nhớ lại hình ảnh của mình ngày xưa nên đã chuẩn bị tóc tai và trang phục trẻ hơn hai mươi tuổi. Nhưng bà ta đã thất bại hoàn toàn, ông ta không mảy may rung động, thậm chí còn cau mặt khi nhìn thấy bà kệch cỡm trong cái thứ giống như váy ngủ để hở hết cả gân tay gây chân. Thấy khó lòng có thể xoay chuyển được ông, bà ta quay ra chấn vấn cuộc sống hiện nay của chồng cũ, hy vọng làm nhục ông trước khán giả vô tuyến. “Bây giờ ông ở đâu thế, thưa nhà giải phẫu học?”, bà ta cất giọng một cách mỉa mai. Từ bên kia, ông ta lạnh lùng trả lời: “Ở đâu cũng được, nhưng không phải nước Pháp của bà”. Và cảnh cuối cùng là cảnh bà ta lắc đầu, giơ hai tay lên trời la ó: “Đúng là một thằng điên!”, một động tác mà bà ta chưa từng làm trước đấy.
Đã nửa đêm, khu nhà vào thời điểm yên tĩnh nhất. Không hiểu sao bọn đàn ông bên kia không đi tìm mẹ con bé Viđa. Chị ta đoán được ý tôi nên vội vàng giải thích có lẽ chồng và bọn con trai vẫn “chưa bớt giận”. Tôi nhún vai. “Phải công nhận là tôi cũng ngu đần cơ ông ạ”, chị ta nói tiếp, “vừa nhìn thấy ảnh của ông Saad gửi sang đã vội vàng chê ngay trước mặt con Viđa, thế là nó lấy cớ vứt ngay xuống đất. Từ đấy mỗi khi nhắc đến chuyện lấy chồng là nó lại giãy lên đành đạch, nó gọi ông Saad là thằng già thối tha. Bố nó và hai thằng anh trai đánh cho bao trận vẫn không chừa. Tháng trước ông Saad đã gửi quà và thư sang yêu cầu định ngày cưới. Gia đình người ta danh giá, có một dãy nhà cho thuê ở Casablanca. Con bé Viđa được làm vợ thứ cũng vẫn còn hân hạnh”.
Tôi còn được nghe rất lâu về chàng rể tương lai Saad, chủ một hãng tắc-xi, năm mươi ba tuổi nhưng “còn phong độ”, có biệt thự trong khu quí tộc ở Casablanca, có nhà nghỉ mát ngay cạnh bãi biển, có xe thể thao mui trần, và sắp tới sẽ thừa kế một phần năm dãy nhà cho thuê (vì phải chia với bốn anh em trai nữa)… Tôi nghĩ mãi cũng không hiểu ông ta tìm thấy gì ở con bé Viđa. Nó còn bé và thật là gầy gò. Trong tầm điện ngầm của Paris, tôi từng nhìn thấy những thiếu nữ Maroc đẹp hơn rất nhiều.
Chị ta quả là nhạy bén, lại bắt kịp băn khoăn của tôi lần nữa: “Ông Saad là người rất văn minh nên mới cưới vợ sinh đẻ ở Pháp”. Thấy tôi gật đầu, chị ta tâm sự tiếp: “một đám như thế mà con Viđa không chịu. Không hiểu nó có gì trong đầu hở ông? Chẳng lẽ lại thích làm vợ mấy thằng thợ nề trong khu này, rồi hằng ngày ở nhà, nấu cơm, đẻ con và cuối tháng ra xếp hàng xin trợ cấp xã hội”.
Tôi im lặng. Chuyện gả bán xảy ra như cơm bữa trên một nửa trái đất. Nếu nhân danh “tự do”, các ông bố bà mẹ phương Tây bỏ rơi con cái, thì nhân danh “tình mẫu tử” và “tình phụ tử”, các bậc phụ huynh thế giới thứ ba lãnh đạo con cái cho đến lúc ra nghĩa trang. Đến bao giờ người ta mới thoát khỏi các thái cực.
Ngoài hành lang có tiếng động mạnh, rồi cửa mở, lúc nãy tôi đã cố tình không đóng. Hai thằng anh con Viđa bước vào, vẫn đồng phục thể thao trắng, đầu chải gôm bóng lộn, hai tay đút túi quần. Tôi tự nhủ hai thằng chắc phải sinh đôi thì mới giống nhau đến thế. Mọi động tác cứ như vừa qua tổng diễn tập. Chúng nó không nhìn tôi nhưng nhòm căn phòng từ trần xuống sàn, dừng lại một lúc ở đống quần áo bẩn và vỏ đồ hộp, khụt khịt mũi rồi cùng quay sang mẹ tuôn một tràng tiếng Ả-rập. Chị ta lặng lẽ đứng lên, vuốt lại măng-tô, quàng lại khăn lụa, đi lại dép lê. Cả bọn rầm rập kéo nhau ra cửa. Hai thằng kia đi đầu. Chị ta không chào cũng không dám cả đưa mắt nhìn tôi. Tôi cũng giả bộ nhìn xuống đất.
Tôi không nhảy bổ lên giường làm một giấc như đã tưởng. Kim đồng hồ đang nhích dần về số 2. Cả khu không một tiếng động. Mấy hôm rồi không thấy bọn choai choai đốt pháo sáng. Thực ra ban đêm tỉnh dậy nhìn mấy quả pháo sáng lập lòe cũng vui mắt. Còn hơn là thấy một khối màu đen trước mặt, hay vài chục cái xe nổ bùng bùng khắp nơi như hè vừa qua. Xe của tôi may mà nguyên vẹn. Có lẽ thảm hại quá nên để mãi ở cổng mà chẳng bọn nào thèm động tới. Chỉ khổ thân hai vợ chồng ông bà gác cổng, chiếc Peugeot tám chỗ ngồi vừa mua trả góp bị đốt ngay trước mũi. Bà ta mếu máo kể mấy thằng choai choai đi ngang rồi quăng vào một túm bùi nhùi, ông chồng đứng ngay cạnh mà không kịp phản ứng, thế là đi tong dự định về Bồ Đào Nha chở ít dưa bở sang ăn dần. Trong khu còn thêm nhiều vụ đốt xe nữa. Chẳng rõ xe đẹp hay xấu nhưng chủ nhân thì khóc dở mếu dở, một ngày đi cả trăm nơi, sửa cả trăm cái vòi nước nhỏ giọt, không có xe thì chủ mời ngồi nhà uống chè bạc hà luôn cho khỏe.
Thời gian ấy, trong hành lang công ty, đề tài ngoại ô thỉnh thoảng được chiếu cố. Paul tỏ ra khá hăng hái. Anh ta bảo: “có mấy cái xe cháy mà bọn Mỹ rêu rao chúng ta đang có nội chiến”. Một đồng nghiệp khác nói: “nhật báo Pravda của bọn Nga còn mỉa mai nước Pháp quay lại năm 68”. Cuối cùng, cả hai cùng nhau lên án chiến tranh Irac và Tchetchenia. Các đồng nghiệp khác đứng dựa tường, ngúc ngoắc đầu. Lúc nào chán lại đẩy qua đề tài giường chiếu hoặc bất động sản. Thế là ai nấy cùng nhao nhao. Nói chung, đó bao giờ cũng là hai đề tài được hưởng ứng nhiều nhất.
Theo tin tức từ bà gác cổng, tòa thị chính mới nhận được kha khá tiền viện trợ của chính phủ, đang có kế hoạch xây thêm vài cái sân vận động. Người ta bảo phải tìm cách giữ chân giữ tay bọn choai choai. Có cả ý kiến mở câu lạc bộ kịch nói, không biết có phải để giữ miệng chúng nó, nhưng cuối cùng không thực hiện được. Hiện có mỗi một vai Othello để chúng nó tập mà không phải mất công hóa trang. Thế mới biết không chỉ các nhà văn Pháp mà cả các nhà soạn kịch Pháp cũng bỏ quên hoàn toàn vùng ngoại ô nóng của Paris. Le problème ne se pose pas.
Nhắm mắt một lúc rồi mà tôi vẫn nghĩ đến câu nói của viên nha sĩ lúc nãy: “thưa tòa, dương vật của tôi chỉ quan tâm đến chuyện đấy”. Không hiểu sao trong thâm tâm tôi tin là ông ta nói thật. Bà vợ đã gọi điện rủ rê ông ta đến khách sạn. Hai người làm tình say sưa và đợi đến lúc ông ta chuẩn bị lên đến cực khoái thì bà ta thì thầm hỏi: “anh nói đi, anh đã chôn con ở đâu?” y hệt như ngày trước bà ta vẫn thì thầm hỏi: “anh nói đi, anh thích yêu em ở đâu?”, thậm chí còn bằng một giọng ngọt ngào hơn nữa vì bà ta rất cần câu trả lời của ông ta. Tôi hình dung lúc đầu có thể viên nha sĩ cũng cảnh giác nhưng mà bà ta không ngừng cử động đôi đùi, mỗi khi khép chúng vào, bà ta lại nhắc lại câu hỏi: “anh nói đi, anh đã chôn con ở đâu?” và vì ông ta chưa biết trả lời ra sao, thì bà ta lại mở chúng ra. Cứ như thế đến lần thứ mười, vừa kích thích (khép đùi) vừa dọa nạt (mở đùi), bà ta đã thành công. Viên nha sĩ cảm thấy vô cùng sung sướng (vì chưa bao giờ bà ta điêu luyện như thế), và chính vào giây phút cực khoái, vừa tưới đẫm âm hộ của vợ, ông ta vừa thốt lên: “anh đã chôn nó dưới gốc cây phong non”, y hệt như ngày trước ông ta vẫn thốt lên: “anh thích yêu em ở chỗ này này”. Cái câu mà bà ta trông đợi cũng là câu mang lại cho ông ta mười hai năm tù.
“Thưa tòa dương vật của tôi chỉ quan tâm đến chuyện đấy”. Tôi tin là ông ta nói sự thật và nói một cách chính xác. Ông ta đã không bảo : “thưa tòa, tôi chỉ quan tâm đến chuyện đấy”. Bởi vì lúc đó, ông ta đã biến mất hoàn toàn, chỉ có dương vật của ông ta là hiện diện và điều khiển mọi thứ. Dương vật thì không có trí não nên nó không biết suy nghĩ là gì: thay vì điều khiển, nó đã bị điều khiển. Đáng lẽ sau câu trả lời của mình, viên nha sĩ phải nói thêm: “thưa tòa, xin tòa hãy xét hỏi dương vật của tôi vì chính nó đã nói ra câu ấy”. Nhưng mà ông ta chỉ dừng lại ở đấy, còn các vị chánh án và quan tòa đầu óc bã đậu không tự nghĩ thêm được điều gì ngoài cách phạt ông ta mười hai năm tù giam. Mười hai năm tù giam không phải vì tội giết người mà vì tội đã “trả lời cho qua chuyện để đạt được cực khoái”.
“Dương vật của tôi chỉ nghĩ đến chuyện đấy”, tôi thiếp đi cùng với câu tuyên ngôn của viên nha sĩ. Trong một cơn mê ngắn vào lúc rạng sáng, tôi thấy Anna thì thầm vào tai tôi: “anh nói đi, anh muốn yêu em ở đâu?” và không để cho tôi kịp trả lời, cô ta lại nhắc lại, vừa nhắc vừa khép đùi mở đùi y hệt như bà vợ viên nha sĩ. Anh nói đi, anh muốn yêu em ở đâu? Anh nói đi, anh muốn yêu em ở đâu? Cô ta cứ nhắc mãi nhắc mãi cho đến khi tôi đạt đến cực khoái. Đồng hồ chỉ năm giờ sáng.
XV
Sáng nay, khi ra cửa đón Hanah, bà gác cổng đưa cho tôi một phong bì bảo đến từ hôm kia nhưng tối qua mải chuyện con bé Viđa nên bà ta quên bẵng đi mất. Nhìn phong bì tôi biết là thư ngân hàng của T. Không hoàn toàn giống với những gì tôi dự đoán: số tiền 10000 euro đúng là đã bị rút một ngày sau đó, chỉ có điều để được chuyển tới… tài khoản chung của hai chúng tôi.
Khoảng 11h sáng, phó giám đốc phụ trách tài chính gọi điện yêu cầu tôi đến gặp.
Ông ta rút từ ngăn kéo ra một tập tài liệu bảo tôi về phòng đọc, nhất thiết tối nay phải xong để còn theo ông ta đi gặp trưởng phòng kế toán của đối tác Đông Âu. “Bọn này nhiều thủ đoạn lắm đấy”, ông ta lắc đầu rồi thở dài, vẻ ngán ngẩm. Lúc đưa tay bắt, nhìn mặt tôi băn khoăn, ông ta bảo cứ yên tâm, mỗi giờ làm việc thêm buổi tối, nhân viên sẽ được thanh toán cao gấp ba bình thường. Rồi nghĩ thế nào, lại nói thêm: “có thể là cũng lâu đấy”.
Đối tác Đông Âu công nhận coi trời bằng vung. Bảng kế toán trình bày như ma trận. Nhiều con số từ trang trước sang trang sau đã thay đổi chóng mặt, đến trang cuối cùng thì hầu như không tài nào nhận ra. Cứ vài dòng lại thấy một khoản tiền ở đâu nhảy vào rồi ngay ngày hôm sau lại biến mất tăm, tất cả đều ghi lý do “công tác phí”. Đọc thêm vài lần, tôi hiểu rằng chẳng có quái gì mà kiểm tra. Đơn giản là người Nga không làm kế toán. Trưởng phòng kế toán của họ chỉ có trách nhiệm chuyển tiền, nhập séc, xuất tiền mặt và theo dõi giá đô-la.
Sau giờ cơm trưa, trong hành lang, tôi hay Brunel vẫn chưa đến làm việc, xin nghỉ thêm hai ngày nữa. Người đưa tin là thư kí của tổng giám đốc, còn úp mở nói thêm “hình như có chuyện gia đình”. Một đồng nghiệp bình luận: “sếp bà lại cho xơi mấy quả nhẫn vào mặt thì bỏ mẹ”. Một đồng nghiệp khác hưởng ứng: “thế thì mới xin nghỉ ở nhà nằm hầu, hai ngày bóp đùi và đấm lưng liệu có ổn không?”. Chủ đề giường chiếu lại được dịp nổ tung. Vài người cười khùng khục nhắc lại câu phát biểu của viên nha sĩ trên vô tuyến tối hôm qua: “thưa tòa, dương vật của tôi chỉ nghĩ đến chuyện đấy”. Họ có vẻ khoái câu đó và thi nhau biện hộ cho bị cáo. Hóa ra trong lúc tôi phải chuyển sang kênh khác (để bảo đảm an toàn cho mẹ con Viđa) thì chương trình giới thiệu một nhân vật đặc biệt - vợ mới của viên nha sĩ, nhân một lần nhìn thấy ông ta trên vô tuyến thì đem lòng yêu, hai người vừa kết hôn trong nhà tù. “Quần nhau trong ấy thì cũng khiếp đấy chứ?”. “Lâu lâu một lần để anh em xung quanh đỡ tốn trí tưởng tượng”… Chủ đề Brunel vừa khai sinh đã khai tử. Không ai biết chút nào về thằng trai trẻ.
Tôi có cảm tưởng chính nó là nguyên nhân mấy ngày nghỉ việc của Brunel. Rất có thể nó đủ khôn ngoan để ra điều kiện với mụ mẹ nuôi, hoặc là lấy nó làm chồng ngay bây giờ, hoặc là nó sẽ ra đi vĩnh viễn. Tất nhiên nó sẽ đưa tình yêu ra làm lý do, rằng nó không thể mãi mãi ở trong bóng tối, nó muốn được làm chồng “người mình yêu” trước bàn dân thiên hạ và có trách nhiệm với “người mình yêu” trước pháp luật và cuộc đời. Mụ ta nghe xong những lời có cánh này thì tha hồ mà rút khăn mùi soa. Được thể, thằng trai trẻ bồi thêm câu nữa cũng vừa học mót trong một bộ phim lâm ly bi đát nào đấy: “anh không thể chịu được cảnh hắn ta giày vò em hàng đêm trên giường”. Và thế là mụ ta sẽ vừa sung sướng vừa tỏ vẻ hốt hoảng thề thốt với thằng trai trẻ rằng thân thể của mụ ta là để dành riêng cho nó và không bao giờ Brunel được phép chạm vào, ngay cả những chỗ rất thừa, “khuỷu tay cũng không, gót chân cũng không”… Rồi cả hai cùng lao lên giường để chứng minh tình yêu cho nhau (thằng trai trẻ thì đóng vai yêu và ghen điên cuồng, còn mụ ta thì đóng vai yêu và hiến dâng trọn vẹn). Trong lúc say sưa nhất, khi mụ ta gần đạt đến khoái cảm thì thằng trai trẻ bỗng thì thầm hỏi: “em thề đi, em sẽ ly dị hắn chứ?”, y hệt như nó vẫn thì thầm hỏi mọi khi: “em thề đi, em sẽ yêu anh mãi chứ?”. Đầu tiên, mụ ta cũng hơi lưỡng lự vì ly dị Brunel là điều mụ ta ít dám nghĩ đến, bà mẹ mụ ta cực kì nghiêm cấm chuyện này trong gia đình, rồi còn cả xã hội quí tộc quận 16 nhìn vào. Nhưng thằng trai trẻ cũng có cách của nó. Nó sẽ không ngừng đi ra đi vào mụ ta. Khi vào đến tận trong cùng, nó lại lên tiếng thì thầm: “em thề đi, em sẽ ly dị hắn chứ?”. Vì mụ ta vẫn lưỡng lự nên nó sẽ đi ra ngay. Rồi sau đó lại đi vào, khi vào tận trong cùng, nó lại lên tiếng thì thầm: “em thề đi, em sẽ ly dị hắn chứ?”. Mỗi lúc giọng nó lại to hơn, dương vật của nó ra vào nhanh hơn, mạnh hơn. Cho đến lần thứ hai mươi thì mụ ta không chịu được nữa. Cực khoái, mụ ta chồm dậy, vít lấy đầu thằng trai trẻ, bấm mười móng tay lên hai bả vai nó, vừa cuồng nhiệt hôn vào môi vừa hét (lạc cả giọng): “vâng, em thề sẽ ly dị hắn”. Âm hộ mụ ta được tưới đẫm nhưng câu nói ấy sẽ kết liễu cuộc đời vàng son của Brunel và rút quận 16 ra khỏi các vi-dít của hắn.
Tôi tưởng tượng buổi tối hôm đó, ngay trước giờ ăn cơm, thằng trai trẻ thay quần áo, cầm lấy chìa khóa ô-tô rồi im lặng đi ra cửa. Mụ vợ Brunel chạy theo thì bị nó lạnh lùng bấm thang máy ngay trước mũi. Nhìn bóng nó biến mất dưới tầng trệt, mụ ta quay vào giường nằm khóc. Trước đấy, thỉnh thoảng nó cũng đã bỏ đi như thế, đến mờ sáng hôm sau mới buồn về, mặt mũi hốc hác, toàn thân nồng nặc mùi nước hoa phụ nữ và ba ngày hôm sau vẫn không buồn động đến người mụ. Đấy là cách nó bắt mụ ta giữ những “lời thề”. Khi thì một chiếc xe máy đời mới, khi thì một con ngựa đua giống Ả-rập, khi thì một chiếc đồng hồ gắn kim cương. Còn lần này là vụ ly dị với chồng.
Brunel và vợ ngồi bên bàn ăn. Nữ hoàng hôm nay đối diện với cận thần đã bị thất sủng. Brunel cắm cúi nhai, cứ khi nào không có thằng trai trẻ là hắn cảm thấy thoải mái và ngon miệng. Mụ vợ, trái lại, không buồn nhấc cả thìa lẫn dĩa, do nhớ thằng kia đã đành nhưng chủ yếu là vì lo giữ “lời thề” với nó.
Đợi cho Brunel ăn xong món tráng miệng, mụ ra lệnh cho người làm chuẩn bị cà phê rồi đề nghị Brunel ra xa-lông phòng khách. Hắn chưa hiểu chuyện gì và có ý lo lắng. Hai tách cà phê đã cạn mà mụ vợ vẫn chưa lên tiếng. Phòng khách rộng mênh mông và im lặng tuyệt đối, người làm đã được phép về sớm hơn thường lệ. Brunel càng nôn nóng. Thực ra mụ vợ hiểu là phải giải quyết việc này trong tối nay nhưng vẫn chưa biết bắt đầu như thế nào. Cuối cùng, mụ ta quyết định đi đường tắt. Ngả người ra lưng ghế bành, mụ châm một điếu thuốc lá rồi bảo: “chúng ta nên ly dị”. Brunel sững sờ và không biết phản ứng ra sao. Đây là lần đầu tiên trong hai mươi năm vợ chồng, mụ ta nói đến chuyện đó và lại nói một cách thẳng thừng. Hắn hiểu mức nghiêm trọng của vấn đề. Mụ ta đã dám đứng lên kéo màn kết thúc vở kịch ba người, thách thức cả bà mẹ già 90 tuổi lẫn cái quận 16 quí tộc này. Hắn cúi đầu và cảm thấy đau buốt nơi ngực trái, hẳn là máu đang nhồi về tim. Bác sĩ luôn căn dặn phải hết sức tránh các chấn động tình cảm. Bệnh tim hóa ra là bệnh khổ nhất, làm tình không được mà nổi giận cũng bị cấm. Thực ra trước đây hắn không thù ghét gì thằng trai trẻ. Trong thâm tâm, thậm chí hắn còn cảm ơn nó. Nhờ công nó hàng ngày tưới đẫm cái âm hộ của mụ vợ, nhà cửa mới không bị tanh bành và hắn cuối tuần được hú hí một hai tiếng với tình nhân trong quận 13. Thế nên, tuy không nói ra nhưng hắn chấp nhận để mụ vợ và thằng kia nghênh ngang đi lại. Bây giờ hắn mới vỡ lẽ rằng thế vẫn chưa xong.
Rít một hơi thuốc, mụ vợ lại lên tiếng (trong buổi tối này, mụ ta luôn luôn là người chủ động): “em sẽ tặng anh một tấm séc”. Brunel cảm thấy chua xót. Hai mươi năm làm chồng của hắn không biết được trả bao nhiêu. Hắn thôi cúi đầu (dầu sao thì bây giờ đã rõ nguyên nhân của buổi nói chuyện), nhưng hắn không nhìn vào mặt mụ vợ mà ngó lên bức tranh rất to treo trên tường chính của phòng khách. Sau căn hộ, đó là tài sản quí giá nhất mà mụ vợ nhận được từ tay ông bố đại quí tộc. Bức tranh có giá trị nhiều triệu quan, thỉnh thoảng lại được một bảo tàng nào đấy mang xe gắn điều hòa đến mượn đi trưng bày. Trung tâm bức tranh, họa sĩ Phục hưng vẽ một bà quí tộc mặc váy bồng, tay ôm con mèo nhỏ, bên cạnh có hai người đàn ông một trẻ tuổi, một lớn tuổi, vai bà quí tộc kề vào vai người đàn ông lớn tuổi nhưng mắt lại liếc sang người đàn ông trẻ tuổi. Bức tranh, theo lời kể của ông bố vợ, đã không được tác giả đặt tên, nhưng sau đó người ta đã gọi nó là “Thiếu phụ giữa chồng và con trai”. Brunel không bao giờ để ý mấy (nói chung hắn vào phòng khách chỉ để xem vô tuyến, còn khi có khách đến chơi thì phải tiếp chuyện chứ thời gian đâu mà ngắm tranh). Nhưng lúc này, hắn bỗng nhận ra rằng bức tranh là tiền định, họa sĩ Phục hưng đã thấy trước số phận của hắn, đã cười cợt hắn ngay từ đầu mà hai mươi năm hắn vẫn không hiểu. Brunel tự nhủ, bây giờ nếu hắn có quyền, hắn sẽ đổi lại tên cho bức tranh. “Thiếu phụ giữa chồng và tình nhân”, phải thế mới đúng, cái liếc mắt kia là điều mà họa sĩ muốn gửi gắm nhất. Còn hai người đàn ông thì không có gì giống nhau để có thể bảo đó là bố và con trai. Họa sĩ đã cố tình tạo ra hai nhân vật khác hẳn nhau, từ hình thức đến cách ăn mặc và cá tính. Brunel lại thấy nhói mạnh ở ngực trái, đơn giản thế mà hắn chưa bao giờ nhận ra.
“Cái này thì em không thể để vào tay người khác”, khói thuốc bay lơ lửng trước mũi, mụ vợ nói khi thấy Brunel nhìn vào bức tranh. “Anh biết đấy, em không cho phép mình bán những gì đã thuộc về gia đình nhà em”, mụ ta giải thích. Bao giờ “gia đình nhà em” cũng khiến mụ ta lưu loát. Nó giống như một món nữ trang đặc biệt mà mụ ta có thể đeo với bất cứ trang phục nào, cho bất cứ cuộc gặp gỡ nào. Hai mươi năm, Brunel không hết ngạc nhiên khi thấy “gia đình nhà em” vẫn còn sức hấp dẫn với rất nhiều người và mụ vẫn luôn tự tin khi nói nó. “Em không có nhiền tiền mặt”, mụ ta nói rồi dừng ở đấy, rõ ràng là đang tính toán xem con số nào mà chồng thì chấp nhận còn mình lại không bị thua lỗ. Đeo xong món nữ trang “gia đình nhà em”, mụ tự tin hơn hẳn.
Brunel đứng dậy tiến đến quầy rượu. Hắn biết đây là thời điểm quan trọng để gỡ gạc đôi chút trong cái cú thua đậm này. Không nói không rằng, hắn rót một ly cô-nhắc rồi ngửa cổ uống một hơi hết sạch. Đã lâu lắm rồi hắn không sử dụng đến cái cách này. Thực ra, nó mất hiệu nghiệm từ lúc thằng con nuôi xuất hiện. Ngày trước, tương quan hai bên khá cân đối (lão không giàu nhưng khá điển trai, mụ vợ quí tộc nhưng xấu gái), nên đôi khi hắn cũng gây được sức ép với mụ, tất nhiên là để đạt được những cái nho nhỏ thôi, ví dụ cái chức sếp ở công ty: hắn làm xong ba ly cô-nhắc thì mụ vợ sợ quá gọi điện khóc lóc với anh trai, bạn làm ăn của tổng giám đốc, một tuần sau thì hắn được gọi tới nhậm chức; hoặc ví dụ kỉ niệm ba mươi năm ngày cưới của bố mẹ hắn ở quê, mụ vợ gửi cho một tấm séc nhưng không chịu về, hắn làm xong hai ly cô-nhắc thì mụ cũng đứng lên chuẩn bị va-li, nhờ thế mà gia đình nhà hắn mới được giáp mặt nàng dâu lần đầu và lần duy nhất, hai vợ chồng ra khách sạn ngủ nhưng đối với các cụ thế là đủ hãnh diện với cả làng rồi.
Nhưng lần này thì không phải những cái nho nhỏ đó. Hắn tự nhủ phải quyết tâm hơn. Mặt hắn chai lại.
Có lẽ vì thế mà mụ vợ hơi lúng túng. Trước đây, mụ ta chưa từng nhìn thấy vẻ mặt ấy của hắn. Đưa mắt nhìn vào bức tranh (mà bỗng dưng lúc này trở nên vô cùng gần gũi), dụi thuốc lá vào gạt tàn, mụ ta nói giọng run run: “hai trăm nghìn anh thấy thế nào?”. Brunel điếng người, số tiền ấy chưa đủ hắn mua nửa căn hộ trong một khu kha khá của Paris. Hắn im lặng lắc đầu. Mụ vợ nói tiếp, giọng càng run: “ba trăm nghìn”. Brunel mím môi, phút im lặng vừa rồi của hắn có giá trị một trăm nghìn euro. Hắn quyết định đi xa hơn nữa bằng cách quay ra rót thêm một ly cô-nhắc, bệnh tim hôm nay tạm quên đi vậy. “Bốn trăm nghìn”. Hắn vẫn lắc đầu.
Cuối cùng, sau khi chai cô-nhắc gần cạn và trái tim của Brunel cũng sắp phá vỡ lồng ngực trái thì hắn nâng được tấm séc lên đến “tám trăm nghìn”.
Cả hai cùng dừng ở đấy. Mụ vợ ngồi vào bàn thảo một lá đơn trong đó ghi rõ Brunel chấp nhận ly dị và ra khỏi nhà còn mụ ta đồng ý trả mọi phí tổn và giúp đỡ hắn một số tiền là tám trăm nghìn euro để thu xếp chỗ ở mới. Điều kiện chung cho hai bên là phải giúp đỡ lẫn nhau để giải quyết thủ tục trong thời hạn ngắn nhất.
Lá đơn cùng với chữ kí của hai vợ chồng ngay lập tức được gửi qua fax cho luật sư của mụ vợ. Brunel gọi điện đến nhờ người quen tìm cho một luật sư. Luật sư nghe xong bảo: “khó quái gì, cứ chi là xong”. Brunel đặt máy rồi mang py-ja-ma sang phòng khác ngủ (chuyện này thì vô tư, căn hộ có năm phòng ngủ là ít). Tôi tin là chỉ mươi phút sau hắn đã ngáy o o. Hắn vừa qua một cuộc thương lượng đặc biệt kì quái, trong đó hắn là người bán, mụ vợ là người mua, còn hàng hóa là vụ ly dị của hai người. ụ ly dị của hắn và vợ có cho không cũng chẳng ai buồn lấy, thế mà hắn lại thương lượng được gần một triệu euro. Kinh nghiệm này chẳng lý thuyết thương mại nào nhắc đến. Theo qui tắc, ly dị có thể mang lại tự do cho hai bên, nếu cả hai cùng cần thì chẳng ai mất với ai xu nào; nếu một bên cần, một bên không thì bên cần phải chi cho bên kia. Trong trường hợp Brunel, mụ vợ rất cần lại cần khẩn cấp nên đành chi đậm, và hắn gặp may vì đối phương là quí tộc quận 16, cả đời chưa bao giờ đặt chân đến công sở và sống bằng dư luận. Thử tưởng tượng mụ vợ hắn hàng tháng nhận lương thư kí còm, tự đòi ly dị hay bị bắt ly dị thì mụ ta cũng sẽ chẳng mất xu nào cho hắn, không những thế còn bắt được hắn bồi thường hai mươi năm “tận tụy làm vợ”, hai mươi năm “đẹp nhất của tuổi trẻ”, hai mươi năm “niềm tin bị mất, tình yêu bị phụ”… và tất cả những gì mà bọn luật sư có thể khoa môi múa mép giữa phiên tòa.
Trong giấc ngủ, Brunel không ngừng cảm ơn quận 16 quí tộc.
Khoảng năm giờ chiều, tổng đài thông báo có điện thoại của đại úy Delon. Tôi hơi giật mình, định nói là đang bận không tiếp chuyện được, nhưng sau đó không hiểu sao lại đồng ý. “Đám tang ông già thế nào?”, Delon hỏi luôn chứ không thèm chào hay rào trước đón sau. Hẳn là hắn rõ mọi hoạt động của tôi và rất muốn tỏ cho tôi biết điều ấy. Tôi im lặng, tự nhủ nếu cách đây mươi ngày thì tôi đã nổi xung lên với hắn. “Đám tang ông già thế nào?”, hắn nhắc lại lần nữa, giọng đã có vẻ mềm hơn. Tôi quyết định không trả lời mà hỏi lại hắn: “Cảnh sát có tin tức về T không?”. Hắn lạnh lùng đặt phịch máy xuống. Tôi đã quá quen với tư cách rất ư lịch sự ấy nên ngồi cười khẩy một mình.
Bây giờ thì tôi cho là Delon, ngay từ khi thụ lý hồ sơ của T, đã bắt liên lạc với bố tôi (điều này quá đơn giản, cách đây năm năm tôi cũng tìm thấy địa chỉ của ông trong danh bạ điện thoại). Hắn đã kịp nói chuyện với bố tôi vài ngày trước khi ông qua đời. Đầu tiên mục đích của Delon chỉ là để biết các thông tin cơ bản về tôi, nhưng câu trả lời của bố tôi thế nào đó đã khiến hắn bỗng dưng tò mò về tôi. Tôi ngờ rằng hắn cũng đã nói chuyện với mẹ kế về tôi (để đối chiếu những lời khai của bố tôi), sau đó còn để lại cho bà số điện thoại riêng của hắn với lời dặn dò: “nếu có tin gì thì báo gấp, muộn cũng không sao”. Qua hắn, mẹ kế đã biết rõ việc T mất tích nên suốt hai ngày tôi ở X, bà không hề đặt một câu hỏi nào về cô ấy. Cái câu “nếu anh không có vấn đề gì…” hẳn để nói : “nếu anh không có vấn đề gì với cảnh sát…”. Và rất có thể bà cho rằng tôi sắp bị tống vào tù nên vội mời tôi về X để gặp mặt bố tôi lần cuối nhưng thực chất là để cùng bà và thằng Mic đến văn phòng chưởng khế. Bà lo ngày ra tù, tôi sẽ phẫn chí và chẳng bao giờ chịu chấp nhận cái “thỏa thuận hợp tình” mà bà đề nghị. Bố tôi cũng thế, cuộc nói chuyện với Delon khiến ông nghĩ ngay là tôi đang có vấn đề nghiêm trọng với pháp luật, ý tưởng dùng tôi để trừng trị mẹ kế có lẽ đã nảy sinh từ đấy. Ông tin chắc khi mãn hạn tù, chán ngấy Paris và không công ăn việc làm, tôi sẵn sàng về X để chia đôi căn nhà với mẹ kế, đúng theo di chúc ông để lại; cái “thỏa thuận hợp tình” của mẹ kế, bố tôi có nghĩ đến (ông khá thông minh và quá hiểu đời, như tôi mới phát hiện ra), nhưng ông cho rằng nó sẽ không đi đến đâu cả.
Kể ra thì mẹ kế và bố tôi cùng có lý, phải điên lắm mới đem chuyện tình cảm để thuyết phục một thằng vừa ngồi bóc lịch mấy năm trong nhà đá. Nhưng có điều không biết Delon đã nói gì để họ có ý nghĩ quái dị ấy. Có lẽ hắn đã thân chinh xuống tận X và màn kịch Alain Delon được diễn lại một cách xuất sắc (vì đây là lần đầu tiên), cả bố tôi lẫn mẹ kế đều bị ấn tượng mạnh đến độ ngay lập tức tin rằng hắn là một nhân vật cực kì quan trọng của giới cảnh sát, rồi từ đó suy ra tôi là nhân vật cực kì nguy hiểm của giới tội phạm. Điều gì có thể logic hơn?
Tôi hình dung Delon thình lình xuất hiện trong phòng bệnh của bố tôi, mũ phớt, măng-tô dạ đen, kính râm to bản. Về khoản ánh sáng thì hắn không lo. Nói chung, bệnh viện nào cũng được trang bị rất tận tình đèn nê-ông và hallogen. Bố tôi đã trân trối nhìn thần tượng một thời (ông cùng tuổi với ngôi sao điện ảnh) rồi xúc động đến nỗi gọi Anna vào xem. Cả hai chắc chắn đã suýt ngất xỉu khi nghe viên đại úy giới thiệu tên riêng, chức vụ và nơi công tác. Nói chung cuộc nói chuyện đã diễn ra hoàn toàn như Delon mong muốn. Hắn chưa bao giờ vào vai hoàn hảo và được ngưỡng mộ hơn thế. Bố tôi đã tận dụng thời gian để kể lại mọi chuyện mà ông còn nhớ và không quên thêm chút gia vị cho hấp dẫn, dù sao cũng qua được vài tiếng trong bệnh viện. Delon ghi chép, thỉnh thoảng đưa ý kiến và đặt lại câu hỏi cho rõ ý. Trước khi ra về cũng trao cho bố tôi các vi-dít và lời dặn dò: “nếu có tin gì thì báo gấp, muộn cũng không sao”. Bố tôi chắc chắn là hứa rất nhiệt tình (tôi cho là nếu ông không qua đời ngay sau đó thì ông cũng sẽ thành tâm cộng tác với Delon). Anna nghe xong thì trách bố tôi từ trước đến nay sao không hở một câu nào về tôi. Và cô ta bắt đầu chú ý đến tôi: nào là một thằng con trai “lạnh lùng”, “khó hiểu”, “không ham muốn đặc biệt”, “có tâm lý cần nghiên cứu” (theo lời của bố tôi), nào là một người “kì quặc”, “ cáu kỉnh”, “ít quan tâm tới vợ con”, “có hành vi cần theo dõi” (theo lời kể của Delon).
Từ chú ý mà chuyển sang tưởng tượng thì nhanh lắm. Anna thậm chí còn nuôi các viễn tưởng về tôi. Tất nhiên, chúng chỉ tô hồng thêm tình yêu cô ta dành cho bố tôi suốt hai mươi năm qua. Cô ta yêu mọi thứ trên người ông (kể cả cái tuổi 68), mọi thứ trong cuộc đời ông (kể cả thằng con riêng khác thường và tội phạm).
Anna! Tôi nhận thấy từ mấy ngày nay, các suy nghĩ của tôi đều kết thúc bằng cái tên ấy.
Bà gác cổng được tin tôi về muộn thì khuyên tôi tối mai qua đón Hanah một thể, “ban đêm đừng đánh thức con bé dậy làm gì cho khổ”. Tôi đồng ý. Bà ta ngập ngừng rồi nói vợ chồng bà hy vọng “bà nhà” không gặp chuyện gì rắc rối. Tôi làm như không nghe thấy, đặt máy xuống.
XVI
Tôi leo lên xe phó giám đốc phụ trách tài chính thì nhìn thấy một người nữa đã ngồi sẵn. Phó giám đốc giới thiệu là phiên dịch tiếng Nga, thường xuyên giúp công ty đón tiếp các đoàn đối tác. Đúng 7h chúng tôi xuất hành. Trên đường, phó giám đốc chỉ lo lỡ hẹn. Theo lời ông ta, trưởng phòng kế toán từ Mạc-tư-khoa xuống máy bay lúc trưa nhưng rất bận nên chỉ ở lại hai ngày, lịch chiêu đãi hôm nay gồm ăn tối tại khách sạn năm sao và dạ kịch ở Cối xay gió đỏ. Ông hỏi tôi đã đọc xong tài liệu chưa. Tôi ngần ngừ. Cũng may lúc đó cảnh sát giao thông huýt còi kiểm tra giấy tờ, phó giám đốc tìm mãi mới được thẻ lái xe, cuối cùng quên hẳn câu hỏi. Một buổi tối ngán ngẩm có vẻ đang đợi, tôi tự nhủ, nếu Brunel mà đi làm hôm nay thì hẳn sẽ phải cắp cặp theo đuôi phó giám đốc. Phiên dịch suốt từ lúc đi đều im lặng. Có vẻ coi chuyện này như cơm bữa.
Trưởng phòng kế toán là một gã cao lớn, tóc vàng, mắt xanh, trên người toàn đồ hàng hiệu, hai tay hai túi căng phồng hai chữ Bon Marché. Vừa bắt tay chúng tôi, vừa bảo: “shopping is nice in Paris”. Phó giám đốc vội vàng đáp lại: “ôh, it’s very nice”. Phiên dịch nhanh chóng đỡ lấy hai chiếc túi. Tất cả cùng đi vào phòng ăn của khách sạn. Vova (tên gã trùng với tên Lê-nin vĩ đại) vừa đi vừa nói chuyện điện thoại, dường như là đường dài quốc tế. Tôi hiểu trước mặt mình là một đại diện của “nước Nga mới”, như báo chí hồi này hay nhắc đến. Tôi đã không nhầm, trong lúc đợi đồ ăn, gã ồn ào mở cho chúng tôi xem bốn bộ vest nữ sang trọng, trong đó hai bộ màu đậm gã khoe xong thì gấp lại ngay, còn hai bộ màu nhạt hơn và diêm dúa hơn, gã cười cười nói: “my girl will be happy”. “My girl” hóa ra còn được mua cho cả một túi kia nữa toàn đồ lót, nước hoa và son phấn ngoại hạng.
Gã xoa hai tay vào nhau vẻ mãn nguyện, rồi rút trong ví ra một tấm ảnh màu đặt phịch lên bàn, khoái trá chỉ tay bảo “it’s my girl”. Công nhận “my girl” đẹp thật, và cực kì khêu gợi: vú to, mông nở, không mặc quần áo mà chỉ choàng một tấm voan mỏng, lồ lộ các bộ phận bên trong. Tôi bất giác nhớ tới cái bà đã trợn mắt, nhún vai, giơ hai tay lên trời, la ó “đúng là một thằng điên!” trong chương trình “Tìm lại người mất tích”. Bà ta đã trang phục y hệt như vậy để mong chồng cũ tiếc nuối hình ảnh ngày xưa. Ai mà biết được hai mươi năm về trước cặp đùi chằng chịt gân xanh của bà ta cũng nuột nà thon thả như “my girl”. Thời gian là kẻ thù số một của sắc đẹp, người ta vẫn nói thế. Vova nhìn mặt mũi tôi bần thần thì nháy mắt, giơ ngón cái lên bảo: “very ok in bed!”. Tôi tin là hắn nói đúng.
Phiên dịch có vẻ không hài lòng vì Vova liên tục giở tiếng Anh, và phó giám đốc thì không biết làm cách nào hơn là nói những câu xã giao cơ bản, đại loại: it’s great, it’s nice, it’s funny, it’s interesting… Rõ là ông ta phải cố gắng rất nhiều để đối đầu với đại diện của “nước Nga mới”. Lần đầu tiên, tôi gặp một vị sếp tương đối cảm tình, không ngờ công ty lại có một phó giám đốc như vậy. Vova nốc rượu như điên, càng nốc càng hăng, gã kể không ngớt về những thay đổi “very important” của Mạc-tư-khoa, về ông thị trưởng mới cực kì năng động, về lệnh phá các khu tập thể cũ và thay vào đó những tòa nhà mới cho giai cấp thượng lưu mới, theo kiến trúc mới, với tiêu chuẩn mới. Tôi để ý gã rất thích tính từ “new”, và ghép nó vào bất cứ danh từ nào mà gã muốn ca ngợi. Gã quẳng lên bàn một tập ca-ta-lô bất động sản Mạc-tư-khoa, người Paris có ghé mắt nhìn cũng phải nhắm ngay lại, mỗi mét vuông “xây thô” một chục nghìn đô-la, sau đó là trang thiết bị nội thất, Louis 14, Venise, Victoria, New York, Nhật Bản, Trung Hoa… mỗi style nhẹ nhàng tính thêm ngần ấy đô-la nữa. Vova nhiệt tình thuyết minh hệt như một tay môi giới đất cát thật sự, gã rút cả bản đồ ra giải thích khu nào đang được giá, khu nào cần “đầu tư”, khu nào có khả năng trở thành quận 16 của Mạc-tư-khoa, con đường nào được coi là đại lộ Champs Elysée, quảng trường nào tương đương với Trocadéro, cửa hàng nào đắt ngang Bon Marché (tới đây gã đập tay vào hai cái túi giấy căng phồng để bên cạnh), còn các hộp đêm cỡ Cối xay gió đỏ thì “we have so many”… Giữa chừng, gã cầm ca-ta-lô bất động sản, mở hai trang gần cuối, chỉ vào một căn hộ theo kiểu hiện đại, i-nốc bóng nhoáng, ban công trông thẳng ra cung điện Krem-linh, nháy mắt hỏi chúng tôi: “it’s ok?”. Ngoài từ “new” gã cũng rất thích nháy mắt và nói “ô-kê”, trông gã khi ấy như trẻ con trong giờ Anh ngữ.
Mới đầu tôi cũng chịu khó nghe và gật đầu. Đói mềm và mệt lử vì các loại rượu mạnh, buổi tối tưởng sẽ không bao giờ chấm dứt. Nhưng một lúc sau phát hiện ra Vova có khả năng phát biểu không cần thính giả, tôi lập tức quay ra kiểm tra chất lượng rượu và thức ăn. Cá hồi hun khói. Lườn vịt sốt kem. Gan ngỗng béo. Khách sạn năm sao quả là không tồi. Phiên dịch có vẻ cũng đã đỡ áy náy về việc ngồi không, bây giờ đang bình tĩnh chăm sóc cái đĩa trước mặt. Chỉ có phó giám đốc là tiếp tục phải chiến đấu với vị khách quí. Sau khi phung phí “new” cho Mạc-tư-khoa, Vova quay ra sử dụng “old” trong một loạt từ về Tây Âu. Đang nhấp thử chai Bordeaux 1980 mà hầu bàn giới thiệu là “cực êm”, tôi nghe Vova dằn từng tiếng: “the West is old, old ideology, old technology, old mentality”. Phó giám đốc im lặng gật đầu, rót thêm cho Vova một ly whisky. Gã xua tay, cầm lấy chai vodka bảo “our wine is better” rồi ngửa cổ làm một hơi gần cạn. Nhìn ba chúng tôi bằng ánh mắt của Superman nhìn ba thằng nhãi, gã nhếch mép: “France is too old”. Phó giám đốc cười nhạt. Phiên dịch nhai chóp chép. Tôi đã tin là Vova quá chén nhưng tửu lượng của dân Nga quả là vô địch, phán xong cái câu oai hùng ấy thì gã nhào về phía phó giám đốc, vừa vỗ vai vừa nói: “but you are ok, very ok”. Chữ “you” được gã nhấn mạnh và chuẩn, một người say khó mà phát âm được như thế. Tôi đọc đâu đó rằng các triệu phú Nga chịu chơi nhất thế giới, hàng tuần mua vé máy bay cho giáo viên tiếng Anh sang dạy tại nhà riêng, nhờ thế mà dân Luân Đôn được dịp khám phá Mạc-tư-khoa, Lê-nin-grad, Rốt-stốp -trên-sông-Đông, và cả thủ phủ Nô-vô-xi-bia Novosibirsk của Xi-bê-ri. Trưởng phòng kế toán Vova thì chưa chắc đã là triệu phú nhưng độ chịu chơi có vẻ cũng đáng gờm. Và lợi khẩu. Phải công nhận là với một vốn từ tiếng Anh hạn chế mà gã ăn nói khiếp ra trò. Trong thâm tâm, tôi không phản đối những gì hắn nói. Tây Âu quá già ! Chúng ta sắp xuống lỗ hết cả ! Sai ở chỗ nào cơ chứ?
Bữa ăn có vẻ như không bao giờ dứt. Tôi liếc mắt nhìn đồng hồ đeo tay, đã thấy kim chỉ vào số 11. Vova thì vẫn tỉnh như sáo, dường như rượu mạnh không có tác động gì đến dân Nga. Tôi kinh ngạc nhìn đống chai rỗng để trên bàn và đĩa thức ăn vẫn đầy trước mặt gã. Mỗi khi hầu bàn có ý nhắc nhở, hắn lại xua tay nói “no food”. Phiên dịch cũng hoảng, thì thầm vào tai tôi: “bây giờ là một giờ đêm bên ấy”, một lúc sau lại bảo, giọng rất kinh nghiệm: “gặp phải thằng Nga mới này là rồi đời đây!”.
Tôi không còn biết làm gì nữa, bụng bắt đầu óc ách, đúng là thức ăn ngon đến mấy dạ dày cũng chỉ có dung lượng nhất định, với lại phó giám đốc ngồi lù lù trước mặt, cơ quan vị giác cũng không dám hoạt động triệt để. Vova hình như vẫn còn nhu cầu phát biểu cho Mạc-tư-khoa nên sau khi gấp ca-ta-lô bất động sản thì rút trong cặp ra ca-ta-lô máy bay trực thăng cá nhân. Theo gã, đây sẽ là phương tiện vận chuyển trong tương lai cho các VIP, nước Nga lớn nhất châu Âu, nước Pháp có đại hạ giá tàu nhanh TGV, người Nga cũng không mua.
Phó giám đốc dường như đã hết kiên nhẫn, gọi nhân viên khách sạn đến dọn hết đồ ăn và vỏ chai. Khi bàn đã sạch bong, chỉ còn ly vodka của Vova, ông ta đưa mắt cho tôi ra hiệu buổi làm việc bắt đầu. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng đặt lên bàn tập tài liệu ban sáng, đôi chỗ đã được gạch chân bằng bút màu. Vova liếc qua nhưng im lặng, điềm nhiên uống rượu. Không khí có vẻ chùng xuống. Phiên dịch cũng lôi giấy bút ra, ngửa cổ nhìn tôi chờ đợi. Vova giơ đồng hồ lên xem rồi bảo: “We have no more time”. Phó giám đốc gật đầu. Tôi đằng hắng mấy cái rồi bảo đại loại không biết có phải vì hai hệ thống kế toán Nga và Pháp quá khác nhau mà tôi gặp khó khăn khi đọc bảng kế toán của công ty đối tác. Vova bỗng khụt khịt mũi, nói bằng một giọng tỉnh bơ rằng nguyên tắc kế toán của toàn bộ nước Nga hiện nay là “anglosaxon”. Không hiểu sao tôi bỗng gật đầu. Gã nhìn tôi, nhếch mép nói tiếp: “french comptability is too old”. Tôi nhún vai quay sang phó giám đốc. Ông này cười nhạt, ra hiệu cho tôi tiếp tục. Chưa hiểu phải nói gì nữa thì tôi nghĩ ra một cách là đề nghị phiên dịch dịch giúp. Phiên dịch vội vàng gật đầu, có lẽ đang buồn chán vì suốt buổi chưa được chứng minh năng lực. Tôi tránh không nhìn Vova, cũng không nhìn phó giám đốc, mà hướng vào ly vodka đặt trên bàn rồi bắt đầu giải thích rằng tôi cũng được học qua một chút về kế toán “anglosaxon” và thấy là dù sao thì vẫn rất không nên thay đổi các con số từ trang này sang trang kia “một cách đột ngột”, cũng như phải chú ý tìm nhiều lý do khác cho các vụ chi tiêu hơn là mấy chữ “công tác phí” quá chung chung.
Quả như tôi vừa dự đoán, phiên dịch chưa dứt lời, Vova đã cau mày, tuôn một tràng tiếng Nga rồi mắt gườm tôi đầy thách thức. Theo lời phiên dịch thì trưởng phòng kế toán rất không hài lòng về “cách làm việc” của đồng nghiệp Pháp, gã đề nghị tôi phải tôn trọng nguyên tắc kế toán của “anglosaxon”, sự nghi ngờ sẽ giết chết tình hợp tác. Phó giám đốc đính chính ngay là không có chuyện thiếu tôn trọng ở đây, chúng tôi chỉ muốn “tìm một tiếng nói chung” cho hai bên. Vova ngả lưng vào ghế tuyên bố thẳng thừng rằng gã chẳng coi kế toán là “cái đếch” gì, vì công ty tôi cứ fax qua fax lại yêu cầu thì gã cho thư kí bịa ra một bảng cho xong, cứ Excel mà nện, hắn không hiểu sao Tây Âu thích nghiêm trọng hóa các thứ giấy tờ, Mạc-tư-khoa đơn giản hơn nhiều mà vẫn đâu vào đấy. “Socialism is up, bureaucracy is up”, hắn nói to đến nỗi hầu bàn cũng phải chạy ra, hai khách bên cạnh cũng nhìn nhau tủm tỉm. “What’s important is money. Fifty fifty, are you ok?”, gã vỗ vào vai phó giám đốc. Phó giám đốc có lẽ vẫn chưa hoàn hồn, không biết phản ứng thế nào. Tôi cũng không hiểu lắm, quay sang phiên dịch. Phiên dịch cười bảo: nó bảo là làm ăn miễn lãi thì thôi, hai bên chia đều, mình còn muốn gì hơn thế.
Tôi không nói gì, tự nhủ các vị cứ cãi nhau cho to vào, nhưng tôi thì rất muốn tìm một góc mà ngủ. Cuộc đấu khẩu phần thắng đương nhiên nghiêng về Vova. Gã thấy phiên dịch nhiều khi lúng túng nên phẩy tay, tuyên bố tự nói bằng tiếng Anh. Mắt díp lại, tôi cũng nghe thấy gã lý luận say sưa, nêu cả Marx, lẫn Lê-nin, Khơ-ru-chov, El-sin. Nhưng gã bảo gã đánh giá cao nhất Gor-ba-chốp. “Perestroika is very important”, gã nhắc đi nhắc lại. Không nhờ Gor-ba-chốp thì nước Đức không bao giờ thống nhất, nước Tiệp mãi mãi bị Liên Xô xâm lược, Ba Lan, Bun, Hung còn phụ thuộc Mạc-tư-khoa… Cuối cùng, không hiểu đang nói về chuyện gì mà gã bảo “Bác sĩ Gi-va-gô” là tuyệt tác của nhân loại, rằng KGB đã sai lầm khi giết hại một “tâm hồn đặc Nga” như Pasternak. Gã vừa cầm ly rượu vừa rống lên bài “Người tình Lara”. Tôi tin là nếu không nốc mấy chai vodka thì giọng của gã không đến nỗi nào, thậm chí còn hay hơn diễn viên chuyên nghiệp. Mọi người trong phòng quay ra nhìn gã, vẻ thú vị, ai đó còn hát theo. Các tiệm ăn Nga trong quận 6 nhờ ca nhạc Nga mà chặt giá cực đẹp, chỉ dân Paris nhiều tiền mới dám lai vãng.
Buổi tối kết thúc ở đấy. Cả ba chúng tôi đều mệt nhoài. Rất may là Vova tự động đề nghị bỏ vở nhạc kịch đêm nay ở Cối xay gió đỏ. Gã mới xem cách đây nửa tháng. Nháy mắt với chúng tôi, gã hạ giọng bảo đêm nay bận hẹn với một “girl”. Thấy tôi và phiên dịch cùng nhe răng ra cười, gã nói tiếp: “French girls are ok!”.
Ra tới cửa, gã dừng lại rút từ trong túi áo khoác một chiếc hộp rất đẹp không hiểu đựng gì bên trong. Đưa cho phó giám đốc, gã nói “thank you for today”. Phó giám đốc lúng túng không biết có nên nhận hay không lại bị gã vỗ vào vai bảo: “It’s nothing, don’t be worried!”. Xong xuôi, gã quay sang tôi và phiên dịch phát cho mỗi người một gói nhỏ, nói hôm nay bận quá không chuẩn bị kịp quà, nên mua ngay trong khách sạn. Sau tất cả các thủ tục ấy, gã nhẩy lên tắc-xi thoắt một cái đã biến mất ở góc đường.
Phó giám đốc mặt mũi phờ phạc bảo tôi và phiên dịch tự đi tàu điện ngầm về nhà, hy vọng vẫn còn chuyến cuối, nếu không thì vẫy tắc-xi, nhớ giữ lấy hóa đơn, công ty sẽ thanh toán. Bắt tay chúng tôi, ông lắc đầu nói: “đúng là một thằng điên!”.
Tàu về đến ga thì cửa chính đã đóng, người ta chỉ cho một lối phụ rất xa. Dựng cổ áo và quàng khăn kín ngực, tôi cắm cúi bước. Đèn đường đổ dài trên hai hè phố. Có tiếng chó xủa từ xa. Đã gần cuối đông mà trời vẫn rét căm căm. Theo dự báo thời tiết, nhiệt độ trung bình năm nay thấp hơn năm ngoái sáu độ và hơi ẩm cao chưa từng thấy, gây nhiều bệnh dị ứng da khó hiểu. Vi khuẩn cúm gà H5N1 đang di chuyển từ Á sang Âu và vừa dừng chân ở miền Đông nước Pháp, 400 gia cầm đã về chầu trời hôm qua. Thủ tướng de Villepin lên vô tuyến khẳng định “chưa bao giờ ăn nhiều thịt gà như thế trong đời”. Nhưng giá gà trong các siêu thị vẫn giảm mạnh. Ba mươi phần trăm dân Paris tuyên bố tạm quên món gà trong thực đơn. Nghe nói mặt nạ và găng tay đã bán hết từ lâu, Tamiflu đang chuẩn bị đưa ra bán lẻ. Người Pháp bao giờ cũng vô cùng thận trọng. Bất giác tôi nhớ tới Vova: “the West is too old”. Gã có lý. Chúng ta mới già làm sao, bởi chỉ người già mới sợ chết như thế.
“Lối nhỏ thần tiên” vào thời điểm yên tĩnh nhất trong ngày. Trước khi đi ngủ, tôi bỏ cái gói Vova cho lúc nãy ra xem thì thấy một chiếc đồng hồ đeo tay nam, sau lưng ghi giá 1490 euro. Dụi mắt tưởng nhìn nhầm số, xoay mặt đồng hồ lại soi lên bóng đèn mới thấy hàng chữ li ti “made in Swiss”. Lần đầu tiên biết đồng hồ Thụy Sĩ thế nào, hóa ra giản dị thôi. Dù sao cũng cám ơn đại diện nước Nga mới. Giờ này gã đang trên giường với một “french girl” nào đấy. Trong các ca-ta-lô gái gọi cao cấp của Paris, tên Sla-vơ chiếm hơn 50%, trước cả tên Ru-ma-ni và tên Thái, bên cạnh lại còn được đánh năm sao. Phụ nữ Nga đang là mốt ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Mireille Dumas cuối năm vừa rồi làm một chương trình về đàn ông Pháp lấy vợ Nga. Tất cả những vị đến dự đều thu nhập cao, đã ly dị, và “chán ngấy phụ nữ đồng hương”. Với họ, con gái Nga đã xinh đẹp lại dịu dàng, đáng yêu… ”Tại sao tôi lại không có quyền chọn cho mình một người vợ như vậy?”, một vị bức xúc kêu lên khi bị ai đó hỏi “lấy vợ hay mua gái?”. Vô tuyến sau đó quay cảnh hai vợ chồng đang shopping, cô vợ nhí nhảnh chỉ vào một chiếc áo lông thú ghi giá 5000 euro, chồng gật đầu, vừa bấm các rút tiền vừa nói với phóng viên: “ngay từ khi nhìn thấy Ê-lê-na trên ảnh, tôi đã tự nhủ phải chiếm được nụ cười của cô ấy với bất kì giá nào”. Phóng viên quay sang Ê-lê-na hỏi: “kể ra thì ông ta bằng tuổi bố cô, cô có yêu ông ta ngay từ lần đầu không?”. Ê-lê-na trả lời: “không, nhưng tôi thích tình yêu đến sau hơn là tình yêu đến trước, đàn ông Pháp rất hào hiệp, tại sao tôi lại phải từ chối điều ấy?”.
Tôi còn nhớ đến đoạn này, một khách nữ được mời trong chương trình đã hét to: “thật là kinh tởm, yêu người hay yêu tiền?”. Vị kia nhún vai không trả lời. Một thiếu phụ từ hàng khán giả đứng lên giận dữ không kém: “chỉ mấy hôm nữa là cô ta sẽ bỏ ông để lấy một thằng giàu hơn nữa”. Vị kia lại nhún vai, một lúc sau tuyên bố: “đến lúc đấy hẵng hay, còn bây giờ thì tôi vô cùng toại nguyện”. Ê-lê-na (ngồi ngay bên cạnh) không hề tỏ ra tự ái, nói thêm vào: “đúng thế, hiện tại anh ấy là người đàn ông hào hiệp nhất trên đời mà tôi từng gặp”.
Phải công nhận là cô ta tuyệt đẹp, và rất biết cách ăn mặc. Hai vợ chồng đang có kế hoạch mở văn phòng môi giới hôn nhân. Ê-lê-na bảo chỉ phục vụ những người quen cũng đã đủ mệt vì tất cả các bạn gái của cô ta đều đang học ngoại ngữ để “rời nước Nga càng nhanh càng tốt”, còn các ông bạn chồng thì ai cũng “ghen tị với vị trí của anh ấy”. Cuối cùng cô ta kết luận: “tôi tin là mọi người sẽ tìm được ý trung nhân như mong muốn”.
Thành thực mà nói tôi thấy Ê-lê-na cũng không ngốc lắm. Cái cách kiếm tiền của cô ta chẳng phải ai cũng nghĩ ra. Tóm lại, nước Nga có cung thì nước Pháp có cầu. Đôi bên cùng lợi. Fifty fifty!
Tôi lại bỏ chiếc đồng hồ Thụy Sĩ quà tặng của Vova ra ngắm nghía. Một bài báo gần đây trong tờ Le Monde Diplomatique đã đề cập tới cộng đồng Nga kiều tại thành phố Hồ Chí Minh: mặc dù phe xã hội chủ nghĩa đã tan rã, nhưng các ông anh Liên Xô vẫn được các ông em Việt Nam ưu ái, không ít công dân Nga đã và đang chọn cựu Hòn Ngọc Viễn Đông, thành phố sầm uất nhất Việt Nam, làm địa chỉ lâu dài, để hợp tác không chỉ với các quan chức sở tại, mà còn với các doanh nhân của các quốc gia láng giềng nơi bất động sản và hàng tiêu dùng đắt hàng đầu thế giới như Hồng Công, Đài Loan, Singapor, Nhật Bản hay Nam Hàn… Tôi tưởng tượng Vova ghé Sài Gòn, mục đích là đẩy mạnh một trong những thị trường vũ khí sôi động bậc nhất trong vùng. Bạn hàng của Vova lần này không ai khác là ông Ủy viên Bộ Chính Trị đặc trách Quân đội. Đỏ au như một con tôm luộc và được hơn một chục thiếu nữ tóc dài, da rám nắng, cực kỳ sexy bao vây, Vova ngó ông Ủy viên như Superman ngó một thằng nhỏ (giữa họ là 50 cm chiều cao và 59 ki lô cân nặng), rồi bất ngờ phán: "Communism is too old!". Ông ủy viên nhếch mép nhưng đám con gái thì ré lên cười. Vova hứng chí tóm lấy chai vodka, tu một mạch hết sạch và phán tiếp: "Old ideology, old technology, old mentality". Đám con gái cười như bị cù. Ông Ủy viên tái mặt nhưng vẫn giữ im lặng. Vova được thế hét to: "Lenin is up! Ho Chi Minh is up! Not Leningrad but Saint Peterbourg! Not Ho Chi Minh city but Saigon!". Đám con gái ôm nhau cười vật vã. Mặt xạm như xác chết, ông Ủy viên rút điện thoại tay cầm, hầm hầm bấm số. Vova bừng tỉnh, ra dấu cho đám con gái im lặng rồi lao tới vỗ vai ông Ủy viên: "But you, you are OK, very OK!". Đến cuối ngày thì một hợp đồng mua bán vũ khí gần nửa tỷ đô-la đã được ký kết xong xuôi. Trước khi nhẩy lên chuyến bay sớm nhất của hãng hàng không Aeroflot, Vova tặng cho ông Ủy viên một chiếc hộp rất đẹp (mà chẳng ai biết đựng gì bên trong) và cho đám con gái tóc dài cực kỳ sexy mỗi em một túi Louis Vuitton và một đồng hồ nữ Rolex.
Đêm hôm ấy, tôi ngủ trong tiếng hát thống thiết của Vova :
Người tình thương nhớ
Hãy lắng nghe lời mặn mà
Dù mùa xuân đã
Chôn vùi bởi làn tuyết kia
Ngọn đồi trắng xóa
Sẽ có hoa mọc đầu mùa
Mộng đẹp như cũ
Ân tình còn về với ta…
XVII
Tôi vẫn chưa quen với cảnh được ngồi một mình trong phòng làm việc. Từ máy vi tính của Paul, màn hình loang loáng logo công ty, bàn phím phát ra tiếng lạch cạch. Tôi có cảm giác anh ta đang ở ngay trước mặt, đợi tôi cúi xuống là nhếch mép cười. Lạ thật, mỗi khi hình dung lại khuôn mặt của Paul, tôi đều thấy cái cười nửa miệng của anh ta.
Đồ đạc của Paul vẫn còn nguyên trên bàn. Tôi bỗng nhớ lại câu chuyện nghe được trong căng-tin hôm trước, giọng nữ trẻ hơn kể về thằng đồng nghiệp cùng phòng mới chết vì tai nạn xe máy. “Bây giờ trên bàn nó có một bình hoa trắng, em không dám nhìn vào, đám ma nó em cũng không dám đến”. Tôi chua chát nghĩ cô ta hóa ra cũng may mắn, còn đem lòng yêu được một thằng đồng nghiệp cùng phòng. Sau đó, lại tiếc đã không dám ngẩng lên để biết mặt mũi cô ta thế nào. Đúng là trong công ty có một nhân viên vừa qua đời vì tai nạn xe máy, nhưng tôi không có ý định mò lên phòng làm việc của anh ta để xem mặt cái người có giọng nữ trẻ hơn ấy. Tôi tưởng tượng cô ta có khuôn mặt thật tròn với mọi nét cũng tròn. Và vẫn còn trinh! Thời buổi này, điều ấy là một sỉ nhục mà cô ta không còn dám tiết lộ cho ai. Người nào cũng biết những bài học chăn chiếu không được phép để sau tuổi mười tám. Chúng nhất thiết phải nằm song song với chương trình cuối cấp hai, cùng lắm là đầu trung học, để đến đại học đã là quá muộn.
Thử hình dung năm hai mươi lăm tuổi, lần đầu tiên đưa một thằng con trai về nhà, cô ta dụi đầu vào cổ hắn nhỏ nhẻ: “trước anh, em chưa ngủ cùng ai”, đinh ninh là sự kém cỏi của mình sẽ được chiếu cố. Nào ngờ, hắn ta nhảy ào khỏi giường, mặc vội quần áo, xách giầy ôm tất biến thẳng. Cô ta nằm trơ lại một mình, giận thằng kia thì ít, giận tính thật thà của mình thì nhiều, chẳng biết đến bao giờ mới có một dịp nữa, thế là trinh trắng vẫn hoàn toàn trinh trắng. Mười năm sau thì ngã vào mối tình một chiều với thằng đồng nghiệp cùng phòng trẻ hơn sáu tuổi. Mười năm sau nữa vẫn còn gái tân. Tám mươi tuổi vào nhà dưỡng lão, chín mươi tuổi ra nghĩa trang, mùi đàn ông chưa được ngửi bao giờ.
Khai giảng năm đầu tiên trung học, tôi nhận được một bức thư tay, trong đó một con bé cùng trường mà tôi chưa bao giờ gặp đã viết thư rủ tôi làm tình với nó. Lý luận của nó là nó còn trinh, tôi cũng thế (nó bảo nhìn mặt tôi là nó biết), nên hai đứa sẽ bình đẳng, đứa này không khinh được đứa kia kém cỏi hơn mình. Nó hẹn tôi đến nhà nó vào tối thứ Bảy tới, bố mẹ nó đi ăn cơm khách, chỉ có nó ở nhà với con chó xồm biệt danh là Lucky. Nó cho tôi địa chỉ, bảo đúng tám giờ, nhấn chuông hai lần, nó sẽ xuống mở cửa.
Hôm sau tôi đến trường cố nhận mặt con bé mà đành chịu. Nó không đề tên, đề lớp trong thư. Giá như lớn hơn thì tôi cũng biết đường tới thẳng địa chỉ nhà nó, rình rập một lúc thế nào mà chẳng biết mặt. Nhưng không hiểu sao đầu óc trẻ con mụ mị thế. Đến chiều thứ Bảy mà tôi vẫn chưa quyết định có đến nhà nó tối ấy không.
Cả nhà đang ăn tối, chuông đồng hồ điểm từng tiếng một, nghe đến tiếng thứ tám thì tôi không chịu được nữa, co cẳng chạy. Hôm đấy cũng là mùa đông, tám giờ thì trời đã đen ngòm. Tôi chạy một mạch đến cồng nhà nó, không lạc tẹo nào. Cái sân rộng tối om. Tôi cứ thế nhấn bừa hai lần chuông như nó dặn trong thư. Một con chó xồm nhảy ra. Tôi đoán là Lucky và đi theo vào nhà. Một con bé lại gần nắm lấy tay tôi. Trong nhà cũng tối như ngoài sân. Sau này, tôi hiểu là nó cố tình tắt hết đèn để không cho tôi rõ mặt nó.
Tôi được dẫn lên phòng, rồi đẩy xuống một cái giường đơn, hẳn là giường của nó vì dưới mông tôi là đống gấu bông và đồ chơi các loại, một con lật đật còn bật lên tiếng kêu kinh coong. Sau đấy tôi không nhớ là chúng tôi đã cởi quần áo thế nào và bắt đầu làm tình ra sao. Có thể vì không có gì đặc biệt. Vào đến bên trong con bé rồi mà tôi vẫn chẳng hay biết. Hình như con bé cũng có cùng cảm giác như tôi. Hai đứa loay hoay khá lâu mà không biết chọn tư thế nào để cải thiện tình hình. Cuối cùng, con bé ẩy tôi ra. Nó bảo: “stop!”. Đây là câu đầu tiên nó nói với tôi, cũng là duy nhất. Giọng nó thẳng băng khiến tôi hoảng sợ. Sau đấy, nó ngồi dậy mặc lại váy, rồi ném cho tôi đống quần áo, giày tất. Tôi chưa kịp thắt xong dây giày thì nghe tiếng nó huýt sáo. Con Lucky nhẩy vào phòng lôi tôi xuống sân. Cổng đã mở sẵn. Lần đầu tiên của tôi kết thúc như thế. Khó có thể gọi là làm tình, tuy là tôi đã vào tận bên trong con bé.
Có tiếng gõ cửa, rồi thư kí của Brunel bước vào đặt lên bàn một chồng hóa đơn. “Hôm nay sếp lạ lắm, suốt buổi ngồi rượt Internet”, thư kí thông báo xong thì đóng cửa lại. Rất có khả năng là Brunel đang tìm mua nhà, tôi tự nhủ, với tấm séc của mụ vợ thì hắn có khá nhiều lựa chọn. Sau đó lại nghĩ tất cả chuyện ly dị của vợ chồng Brunel là kết quả trí tưởng tượng của mỗi mình tôi. Lý do gì mà vợ chồng lão và thằng trai trẻ lại phải chia tay? Thằng trai trẻ muốn chiếm vị trí của Brunel nhưng hắn không chấp nhận. Mụ vợ đưa cái giá 800 000 euro hắn cũng vẫn lắc đầu. Hắn sợ mất mặt với gia đình và người quen. Hắn không muốn rời quận 16 quí tộc. Mụ vợ uất quá, cầm điện thoại lên gọi cho luật sư riêng. Luật sư bảo: “khó quái gì, cứ chi tiền là được”. Mụ vợ yên tâm ra đi-văng, vừa nghe nhạc cổ điển, vừa phì phèo thuốc lá. Brunel lại gần dàn Hifi ấn vào nút stop. Ra hiệu cho mụ vợ ngồi dậy, hắn tuyên bố nếu mụ còn nghĩ đến chuyện ly dị, sẽ cho cả quận 16 biết chuyện mụ và thằng trai trẻ, và sẽ tung một đống ảnh lên cả báo lẫn Internet. Giọng hắn rành rọt. Hắn biết đây là phút quyết định số phận hắn. Nhìn lên bức tranh “Thiếu phụ với con trai và chồng”, hắn tự nhủ có quái gì mà phải nhục, trò hề của gia đình hắn thực ra có từ bao đời nay mà vẫn được thiên hạ công nhận, được họa sĩ Phục hưng kì công tô vẽ, được các bảo tàng thi nhau mượn về treo. Hắn nhắc lại câu tuyên bố trên một lần nữa, giọng còn rành rọt hơn, dọa nạt hơn. Mụ vợ nổi gai gà. Mụ sợ dư luận hơn sợ cọp. Hai mươi năm đóng vai đức hạnh, ngần ấy công phu và danh dự bỗng dưng đổ xuống biển, quận 16 có thể tẩy chay mụ, mẹ mụ có khả năng truất quyền thừa kế, bọn con cháu trong nhà sẽ nhất trí cả hai tay, bọn hàng xóm láng giềng sẽ ủng hộ nhiệt liệt. Và trong thâm tâm, mụ cũng biết quan hệ giữa mụ và thằng trai trẻ chỉ là một màn kịch đóng khéo, kiểu “ông đưa chân giò bà thò chai rượu”, mụ có tiền, nó có sức, fifty fifty. Không có tình yêu nào trong đó hết.
Cảnh cuối của cuộc nói chuyện tay đôi giữa vợ chồng Brunel là mụ vợ quyết định dàn hòa. Đặt tay lên đùi lão, mụ bảo: “em xin lỗi anh, em mệt nên nói năng lung tung quá”. Lão lắc đầu nhè nhẹ, vào bếp pha một ấm chè Anh Cát Lợi. Lúc mang ra phòng khách, lão lại gần dàn Hifi ấn vào nút play. Hai vợ chồng vừa nhâm nhi vừa nghe nhạc cổ điển. Lâu lắm lão mới thấy thoải mái trong người như thế. Đến mười một giờ đêm thì lão hôn lên má mụ vợ rồi vào phòng ngủ trước. Chè Anh Cát Lợi được cái vừa tiêu cơm vừa dễ ngủ. Mụ vợ ngồi xem băng hành động đến nửa đêm thì cũng đi nằm, đầu tiên có trằn trọc chút đỉnh, rồi ngồi dậy làm hai viên rưỡi thuốc an thần, lại đâu vào đấy, chín giờ sáng ngày hôm sau người làm gõ cửa, mang điểm tâm vào tận giường, vẫn chưa buồn dậy đánh răng rửa mặt. Thằng trai trẻ tới trưa thì mò về nhà, người sặc mùi rượu và nước hoa phụ nữ, mặt mũi hốc hác, chân tay liêu xiêu. Nó đã lang thang khắp Paris cả ngày hôm qua nhưng chẳng tìm đâu được chỗ nào hơn nhà bố mẹ nuôi và quận 16.
Thế là vở kịch lại tiếp tục, cả ba diễn viên đều đóng khéo, ngày càng điêu luyện và có nhiều kinh nghiệm. Màn hạ hồi chưa được ai nghĩ đến. Tôi tự nhủ trên thực tế, cuộc sống tù đọng, tôi đã mất công tưởng tượng quá nhiều. Ngay cả cuộc theo dõi Brunel trong hai ngày thứ Bảy Chủ nhật cách đây mấy tuần, tôi cũng làm chỉ để giết thời gian.
Không phải vô tình mà chiếc đồng hồ mang hình tròn. Mỗi ngày trôi qua, cứ tưởng là đang tiến về phía trước nhưng trên thực tế, đã quay lại vị trí ban đầu. Cuộc sống tù đọng. Chỉ trẻ con mới nghĩ là lớn lên sẽ tự do đến nơi mình muốn, làm điều mình thích. Chín mươi chín phần trăm chúng ta lần lượt lập gia đình, sinh con, đi làm, khai thuế, nhích dần từng bậc lương, đánh vật với các phương tiện giao thông, uống cà phê như uống nước để chống chọi các cơn buồn ngủ. Mọi dự định đều để giành đến hai ngày cuối tuần nhưng thứ Bảy buổi sáng chen lấn trong siêu thị, buổi chiều hút bụi lau cửa kính giặt quần áo rửa xe ô-tô, Chủ nhật ăn cơm trưa xong đã bốn giờ chiều, hai ly rượu vang lại khiến phải ra đi- văng làm một giấc, tám giờ tối thức dậy ăn nốt chỗ cơm thừa ban trưa, thế là vừa vặn đúng bốn mươi tám tiếng đã tưởng chệch ra được vòng tròn của thời gian.
Một lần đã lâu, tôi được cử đến một nơi cách Paris hơn hai trăm cây số để lấy tài liệu kế toán. Tàu đang chạy thì đột ngột dừng lại, còi báo động nổi lên, mọi người trong toa đổ xô vào nhau. Bỗng ai đó thất thanh “Lại bà ta rồi, đừng để cho bà ta chết!”. Hành khách nhốn nháo ngó qua cửa sổ, chồm chỗm dưới đường tàu là một bà già lụ khụ. Ngay lập tức nhân viên trên tàu nhảy xuống lôi bà ta lên, nhưng bà cụ phản ứng mãnh liệt. Người ta phải lấy hai chiếc khăn quàng màu trắng mà đám hành khách cho mượn để buộc cả tay lẫn chân bà cụ lại, rồi bế vào đồn cảnh sát gần đấy. Cảnh cuối cùng tôi nhìn thấy là bà cụ không la hét, không chửi rủa mà chỉ im lặng giơ thẳng hai chân đã bị buộc chặt. Lúc đấy tôi thực sự ngạc nhiên vì khả năng bất động của bà cụ, y hệt một người từng tập Yoga lâu năm. Chiếc khăn quàng màu trắng bay phấp phới rồi mất hút đằng xa.
Theo lời kể của một người trong toa thì đây là lần thứ mấy mươi bà cụ tự sát nhưng không thành. Lần nào cũng bị các ông lái tàu phát hiện và phanh lại kịp thời. Bà cụ có lẽ phải tám mươi tuổi và liên tục trốn nhà dưỡng lão đi tìm cái chết ở bên ngoài vì trong đó, dưới sự quản lý của bác sĩ và y tá, không kế hoạch tự tử nào có thể thực hiện được.
Trái với phỏng đoán của mọi người, bà cụ từng có cuộc đời rất ổn định, bà có một người con gái, người con gái lại đẻ được cho bà những đứa cháu ngoại cả trai lẫn gái. Bà có nhà riêng và vẫn được con cháu đến thăm. Nhưng đến năm bảy mươi tuổi thì bà quyết định bỏ đi sau khi đã để lại một bức thư cho chưởng khế rằng bà cho không cô con gái ngôi nhà, với điều kiện là cô ta đừng đi tìm bà, không phải bà ghét bỏ con cháu nhưng bà muốn thay đổi cuộc sống, mặc dù có thể là quá muộn. Bà đến một thị trấn rất xa, thuê một căn phòng nhỏ và quyết sống mai danh ẩn tích, điện thoại không lắp, tài khoản không mở, bạn bè không kết. Cô con gái không thể hiểu được ý muốn kì lạ của mẹ và nhất định chống lại lời can của chưởng khế. Một năm sau thì bà bị phát hiện bởi vị thám tử tư thứ ba, nghe nói là một chuyên viên nổi tiếng trong các vụ tìm người mất tích. Lập tức bà được gửi vào nhà dưỡng lão tốt nhất trong thành phố của cô con gái. Căn nhà của bà được bán đi và với số tiền ấy, cô ta đã chọn cho mẹ một địa điểm ra hồn và có thể sống ở đấy hai chục năm nữa một cách bình an.
Nhưng có lẽ bình an là điều bà sợ nhất nên bà kiên quyết từ chối sự chăm sóc của tất cả mọi người, từ đám con cháu trong gia đình đến đám nhân viên của nhà dưỡng lão. Tháng đầu tiên bà đã trốn ra ngoài. Nhưng lại bị tìm thấy ngay trong ngày. Bà càng tìm cách bỏ đi thì càng bị theo dõi chặt chẽ. Người ta đã có kinh nghiệm với bà, chân dung của bà các đồn cảnh sát trong vùng đều có sẵn, dân xung quanh thấy bóng bà từ xa đã gọi điện cho nhà dưỡng lão. Sau vài năm như thế, bà đã nghĩ đến tự sát vì chỉ bằng cách đấy, bà mới hy vọng được giải thoát. Người ta đã cử nhiều bác sĩ tâm thần đến gặp bà. Ai cũng bảo bà không có vấn đề tâm lý nghiêm trọng ngoài ý muốn được chết mà bà giải thích một cách giản dị là đến năm bảy mươi tuổi, bà bỗng dưng nhận thấy cuộc đời không là gì khác ngoài những sự lặp lại vô nghĩa, bà không còn muốn gặp cô con gái vì nhìn thấy cô ta là bà lại thấy mình ba mươi năm về trước, bà cũng không còn muốn gặp đứa cháu gái vì nhìn thấy nó là bà gặp lại bà sáu mươi năm về trước…
Các nhà khoa học nghe xong thì lắc đầu. Dù thế nào cũng không thể để bà chết. Nhân viên nhà dưỡng lão vẫn được lệnh đặc biệt chú ý tới bà, các đồn cảnh sát thỉnh thoảng thay lại chân dung bà cho cập nhật, trẻ con trong vùng bốn năm tuổi là biết mặt bà, các bác lái tàu đến nhận việc ngày đầu tiên đã được thông báo về một bà cụ rất thích ngồi trên đường ray… Bà không bao giờ thoát. Bởi vì xung quanh bà người ta đã quyết định rằng mỗi cái chết tự nhiên mới có quyền giải thoát chúng ta khỏi cuộc sống vô nghĩa.
Chiếc khăn màu trắng phấp phới một vài lần xuất hiện trong các cơn mơ của tôi. Tôi ngờ là bà cụ cương quyết giữ thẳng chân để mọi người trên tàu có thể nhìn rõ chiếc khăn. Đúng thế, không cần nhìn chân bà mà hãy nhìn chiếc khăn màu trắng phấp phới. Mãi cho đến tận rất xa.
Bữa trưa hôm nay tôi xuống muộn. Căng-tin hầu như chẳng còn ai. Ông đầu bếp thấy tôi thì múc nốt cho miếng cá cuối cùng, nước kem cũng hết, ông ta cười cười bảo chịu khó ra lấy xốt mù tạc ăn tạm. Đến gần cuối bữa, tôi chợt nghe giọng phụ nữ quen quen, hóa ra cái giọng hôm gì từng tâm sự về “thằng đồng nghiệp cùng phòng”. Tự nhiên sống lưng lạnh buốt, tôi không dám quay lưng lại. Cũng không có tờ báo nào để tôi giả bộ đọc chăm chú. Cuối cùng tôi đành cúi đầu xuống đĩa thức ăn, lúc này chỉ còn một mẩu khoai tây và ít xốt mù tạc. Giọng nữ nói: “mấy hôm nay em khóc nhiều quá chị ạ, không hiểu sao em cứ có cảm giác là nó không chết mà chỉ bỏ đi thật xa. Nó đã vứt xe máy ở một nhà ga hay một sân bay nào đấy và chính cái người lấy cái xe đó đã bị tai nạn chứ không phải nó. Chị thấy không, thân thể người này bị tắc-xi nghiến nát, cả khuôn mặt nữa, đến độ bố đẻ thằng kia cũng không nhận ra. Cảnh sát chỉ kiểm tra sơ sơ cho xong chuyện, thực ra nếu họ có nghi ngờ thì cũng ỉm đi để đỡ phải mất công đi tìm hẳn hai người cùng một lúc. Em từng đọc những trường hợp này trên báo. Em ngờ là nó đang ở một nơi nào đó rất xa. Nó muốn cắt đứt liên lạc với tất cả. Nó chán cuộc đời này”. Giọng nữ lớn tuổi hơn bỗng lên tiếng: “nhưng chính em chẳng kể là nó đẹp trai và suốt ngày được bọn con gái gọi điện tán tỉnh, một thằng đàn ông như thế thì chẳng có lý do gì để chán đời ?”. Giọng nữ trẻ hơn thở dài, một lúc sau nói: “kể ra thì chị cũng có lý, nhưng em cũng tin vào cảm giác của em, có lẽ đó là cái cuối cùng mà em có thể tin được”. Giọng nữ lớn tuổi hơn lại nói: “ừ, khi không đủ kinh nghiệm thì người ta chỉ còn biết dựa vào cảm giác”. Giọng nữ trẻ hơn nghèn nghẹn: “nhưng dù thế nào thì em vẫn thương nó, bây giờ khi nghĩ nó không chết mà đang ở một nơi nào đó, em còn thấy thương hơn, có lẽ nó chẳng bao giờ nhớ tới em, đó là điều khiến em đau đớn nhất”. Giọng nữ lớn tuổi hơn vội tiếp lời: “nhưng nó chẳng biết gì về tình cảm của em, đáng lẽ em phải tìm cách nói cho nó biết từ trước”. Giọng nữ trẻ vẫn nghèn nghẹn: “có biết thì nó vẫn bỏ đi chị ạ, bao nhiêu đứa con gái đã thổ lộ tình cảm với nó rồi đấy chứ”.
Nói đến đây thì cả hai cùng im lặng. Tôi đợi một lúc vẫn thấy im, quay lưng lại thì chẳng còn ai ngồi đấy nữa. Thế là lần thứ hai tôi mất cơ hội nhìn thấy mặt cô ta.
Suốt buổi chiều, tôi nghĩ tới câu chuyện nghe được trong căng-tin. Hẳn là cô ta phải yêu cái thằng đồng nghiệp lắm. Đến độ không sao tin được nó có thể chết và cứ tự dằn vặt mãi vì chẳng bao giờ được nó nhớ tới. Tình yêu đơn phương bao giờ cũng đẹp. Bởi khi cả hai bên cùng yêu nhau thì tình cảm sẽ giống như một quyển sổ để người ta ghi vào các từ “hy sinh”, “nghĩa vụ”, “chăm sóc”, “xây dựng”, “hôn nhân”, “tổ ấm”… không hề biết rằng chúng sẽ giết dần giết mòn đam mê. Tình yêu không đam mê thì chẳng khác gì căn nhà đẹp mà lạnh lẽo. Sớm hay muộn, hai bên sẽ tìm nơi khác để gửi gắm tình cảm của riêng mình. Tất cả như một hình sin không giới hạn: lúc đạt đến cao trào cũng là lúc bắt đầu đi xuống, lúc xuống tới tận cùng cũng lại là lúc bắt đầu thăng tiến nhưng để tới một cao trào khác. Chỉ có tình yêu đơn phương mới làm được một đường thẳng tắp. Người ta có thể mãi mãi dằn vặt vì một điều rất vớ vẩn hoặc đến cuối đời vẫn ngẩn ngơ vì một chuyện chưa bao giờ xảy ra. Và luôn luôn với từng ấy đam mê.
Tình yêu đơn phương nhiều người mơ ước nhưng ít ai thực hiện được. Tính ích kỉ khiến chúng ta không muốn chịu thiệt thòi. Đem lòng yêu ai là tìm mọi cách để thổ lộ và chinh phục cho đến bao giờ được yêu lại mới thôi. Có vẻ như chủ nghĩa fifty fifty của Vova vẫn đúng.
Cái tin T mất tích chưa bao giờ khiến tôi phát điên phát cuồng như bất cứ ông chồng nào trong hoàn cảnh ấy. Lý do đơn giản là tôi không ngạc nhiên về chuyện cô ấy bỏ đi. Tôi có cảm giác ngay từ khi nghe thấy tiếng cảnh sát ở điện thoại, tôi đã hiểu người ta gọi đến chỉ để thông báo chuyện đó. Tự trong thâm tâm tôi chấp nhận và có phần còn ghen tị với hàng động ấy của T. Đó dường như là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc sống nhàm chán. Và chỉ người còn đôi chút dũng cảm mới hành động như thế.
Thử nhìn xung quanh, có ai dám thay đổi điều gì?
Người ta nát óc trước khi quyết định chuyển tường phòng ngủ từ màu be sang vàng nhạt. Người ta không thể thuê nhà ở nơi khác chỉ vì đã quá quen với cửa hàng bánh mì đầu phố. Người ta gọi điện báo cảnh sát giao thông vì một cái xe tải đã đỗ đúng vào con đường buổi chiều vẫn đi dạo. Người ta cãi nhau rầm rĩ để xem Giáng Sinh năm nay mời ông bà nội hay ông bà ngoại, ăn gà nướng hay vịt quay, đặt ga-tô hương cà phê hay vị ca-cao, mua ba chai sâm-banh không biết đã đủ. Tóm lại, người ta lần lượt tạo ra vô vàn thói quen và cương quyết bảo vệ chúng như con ngươi của mắt mình.
Thử nhìn xung quanh, có ai dám thay đổi điều gì?
Brunel mười năm nay chấp nhận vở kịch tay ba cùng mụ vợ và thằng trai trẻ. Nếu bố tôi không qua đời thì Anna còn ôm ấp mối tình với ông, và mẹ kế vẫn chung sống với ông dưới một mái nhà, tổng cộng cũng hai mươi năm có lẻ.
Tôi thì khỏi phải nói. Hình như từ trước đến nay, tôi chưa có ý định làm xáo trộn bất cứ điều gì, từ việc cho thêm một phần tư thìa muối vào món cá xốt kem đến việc lấy bánh sừng bò khỏi lò vi sóng năm giây sớm hơn chỉ dẫn.
Nhưng T đã bỏ lại tất cả.
Sự ra đi của cô ấy làm tôi nhớ đến bà cụ ngồi trên đường ray đòi tự sát. Cả hai cùng không chịu nổi cái từ “ổn định”.
Tôi ngờ rằng nếu bà cụ đã cho không cô con gái căn nhà với điều kiện là cô ta đừng đi tìm bà thì T chuyển vào tài khoản cho tôi 10000 euro chỉ với hy vọng tôi sẽ để cho cô ấy yên thân. Tôi không cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Dù sao thì đó cũng là một số tiền khá lớn so với mức lương thư kí của T và cô ấy có quyền mang đi tất cả mà không cần để lại cho tôi một xu nhỏ. Có lẽ cô ấy đã phải đi mượn một ai đó (chính cái người có tài khoản tại nhà băng HB) và tìm cách trả dần sau này.
Tôi cũng ngờ rằng nếu tôi cố tình không hiểu và kiên quyết lôi T về nhà (y hệt như cô con gái bà cụ trong vòng một năm đã thuê tận ba thám tử tư) thì cô ấy sẽ đành phải xử sự như bà cụ là chạy trốn, và nếu như chạy trốn mà cũng thất bại thì chỉ có con đường cuối cùng là tự sát.
T không quay về Sài Gòn, và cũng như bà cụ mười năm trước đó, cô ấy chọn một nơi rất xa, thuê một căn phòng nhỏ, điện thoại không lắp, tài khoản không mở, bạn bè không kết. Mai danh ẩn tích để được mãi mãi nằm trong danh sách mất tích của sở Nội Vụ thành phố.
We both are lost
And alone in the world
Walk with me
In the gentle rain
Don’t be afraid, I’ve a hand
For your hand and i
Will be your love for a while
I feel your tears as they fall
On my cheek
They are warm like gentle rain
Come little one you have me in the
World and our love will be sweet
will be sad
Like the gentle rain
Like the gentle rain
Run rẩy hơi nóng. Hôm nay trời vẫn 38° như bất kỳ một ngày tháng tư nào, nhưng lại là một ngày đáng nhớ, với hai sự kiện: sự kiện thứ nhất mang tính nghề nghiệp – cách đây nửa giờ đồng hồ tôi vừa đặt dấu chấm, kết thúc tiểu thuyết mà ngay từ đầu đã được đặt tên là « T mất tích », sự kiện thứ hai có lẽ thuộc về tình cảm – nửa giờ đồng hồ nữa tôi sẽ gặp lại hắn, người tôi thầm yêu trộm nhớ mười lăm năm trước, tên của hắn tôi không thể tiết lộ, không phải vì cả hai chúng tôi đều đã có gia đình riêng mà bởi một lý do bản thân tôi cũng chưa xác định nổi. Run rẩy hơi nóng. Sài Gòn không một hạt mưa. Sáu tháng liền không được uống một hạt mưa. Sáu tháng liền mưa dạo chơi ngoài biển để thành phố nghe mưa qua băng nhạc thính phòng. Nơi tôi đang ngồi là một căn gác xép, mái tôn và sàn gỗ phế phẩm. Chủ nhà khi có ý định biến nó thành quán cà phê đã nhiệt tình sơn lại cửa sổ và treo cả ri đô, nhưng năm tháng trôi qua, sơn đã phai và vải đã mòn, nhiệt tình tất nhiên là phai mòn trước hết. Rất có thể do hơi nóng. Thành phố chết ngạt trong hơi nóng, tàn tạ vì hơi nóng. Nhưng dù sao thì cửa sổ cũng từng sơn màu xanh lá cây, màu xanh lá cây duy nhất của cả một con phố dài, cũng cạn kiệt vì hơi nóng, cả một con phố dài, không một bóng cây, không một bóng người, chỉ có hai hàng cột điện với rất nhiều dây điện và dây cáp, với một dải băng đỏ cắt ngang – khẩu hiệu chào mừng ba mươi năm đất nước thống nhất. Run rẩy hơi nóng. Tôi ngó lòng đường, lòng đường trải nhựa cũng bốc hơi nghi ngút. Tôi ngó mặt trời, mặt trời đỏ lửa. Mặt trời đỏ lửa là Sài Gòn của tháng tư. Mặt trời âm u là Đông Dương của Duras. Ngày gặp hắn, mười lăm năm trước, tôi chưa đọc cả Người tình lẫn Người tình Hoa Bắc. Tôi chưa tập tọe cầm bút viết văn. Tôi chỉ thầm yêu trộm nhớ. Và lang thang. Zimmer không ở bùng binh Sài Gòn mà nằm trên quảng trường Châtelet, không sát nách siêu thị xe máy mà ngay cạnh nhà hát thành phố, đi thêm một đoạn là tới chợ, không bán sầu riêng và măng cụt mà bán thú cảnh và cây cảnh. Hôm tôi đi qua, thấy bán cả trúc núi và lợn Mường. Hôm tôi đi qua, trời vừa lạnh vừa ẩm. Paris cuối đông vừa lạnh vừa ẩm. Nhưng Hà Nội cuối đông cũng vừa lạnh vừa ẩm. Hồng Kông cuối đông cũng vừa lạnh vừa ẩm. Mười lăm năm trí nhớ phai mòn. Chỉ còn lại mỗi từ zimmer. Zimmer trong từ điển ghi là phòng ngủ, là từ tiếng Đức đầu tiên tôi học được. Ở Berlin, năm năm sau, cô nhân viên khách sạn hỏi thích zimmer nhìn ra phố hay xuống vườn. Wu chọn cái thứ hai. Anh không thích ngắm cây, không thích ngắm màu xanh, cũng chẳng thích ngắm yên tĩnh, nhưng thích ngắm tôi không mặc gì khoanh chân cuốn sushi. Tảo và wasabi lúc nào cũng để sẵn trong túi du lịch, cạnh màu vẽ, bút lông và dây cước. Cơm trộn dấm không có trong cửa hàng Thổ nhưng đối diện khách sạn là quán ăn châu Á. Tới Berlin một ngày là đủ hiểu trong tiếng Đức bình dân đương đại, châu Á có nghĩa là Việt Nam, Việt Nam có nghĩa là Hà Nội, Hà Nội có nghĩa là bán cơm và thuốc lá lậu. Ngày gặp hắn, mười lăm năm trước, tôi chưa nếm cả sushi lẫn maki, và chỉ thèm cơm trắng. Nước Nga nhờ Cải Tổ mà hàn lại quan hệ Trung-Xô, Moscou nhận một cửa hàng ăn uống mậu dịch tỉnh Quảng Tây, đem về đặt dưới chân đồi Lê-nin, thực đơn gồm đậu phụ, tương đen và cơm trắng, đúng một trăm ngày thì đóng cửa vĩnh viễn. Nước Nga cũng nhờ Cải Tổ mà kết thúc chiến tranh lạnh, Moscou nhận một lâu đài giả cổ Mc Donald, đem về đặt cạnh quảng trường Đỏ, thực đơn gồm thịt bò, phó mát, khoai tây, đúng một trăm ngày đã đón nửa triệu thực khách. Ôi, những năm ngây ngô nhất của tôi cũng là những năm cuối cùng của liên bang Xô-Viết. Ngày gặp hắn, mười lăm năm trước, tôi nửa Hà Nội, nửa Liên Xô. Và tiếng Pháp nham nhở. Tiếng Pháp, tôi và Anna cùng học chung một sách, một thày, một lớp buổi chiều, tất cả những buổi chiều một mùa đông dài nhất trong năm năm, một mùa đông không có Adlan, tuyết rơi vô kể, sông Moscou biến mất hoàn toàn, đường tàu điện cũng biến mất hoàn toàn, hai đứa giữ tay nhau xiêu vẹo. Tôi không hiểu tại sao hắn lại đề nghị hội ngộ ở cái gác xép này. Không máy lạnh, không quạt trần, chỉ ba bộ bàn ghế, mặt ghế đầy vết dao cắt, mặt bàn nhớp nháp nước đá và tàn thuốc, đường, vỏ hạt dưa và xác con thiêu thân. Run rẩy hơi nóng. Không gian có chiều cao hai mét cạn kiệt vì hơi nóng. Tôi cũng không hiểu bằng cách nào hắn tìm được cái gác xép này. Không số nhà, không bảng hiệu, không thực đơn, chỉ ông chủ trung niên ngồi ngủ gật, và hai khách hàng không rõ tuổi cũng đang gật gù. Chiếc máy cát-xét không rõ tuổi cũng đang gật gù, Khánh Ly hát mãi our love will be sweet. Will be sad. Like the gentle rain. Like the gentle rain. Rất có thể do hơi nóng. Thành phố chết ngạt trong hơi nóng, tàn tạ vì hơi nóng. Mỗi ngày là một ngày 38°. Sáu tháng rồi mưa vẫn dạo chơi ngoài Thái Bình Dương. Nhưng dù sao thì cửa sổ cũng từng sơn màu xanh lá cây, màu xanh lá cây duy nhất của cả một con phố dài. Qua điện thoại, hắn nói xin chào bằng tiếng Việt, hắn nói hắn muốn nghe giọng tôi, hắn biết tôi viết tiểu thuyết. Giọng hắn run run, không biết có phải vì hơi nóng, nhưng rõ ràng là fan của Duras, từng từ từng chữ là fan của Duras. Hắn lại nói tiếp, tiếng Việt của hắn không đủ để đọc tôi. Rồi hắn im lặng. Tôi thở phào, dù sao thì câu này cũng không có trong « Người tình ». Dù sao thì hắn cũng không bảo hắn vẫn yêu tôi như trước, hắn không thể ngừng yêu tôi, hắn sẽ yêu tôi cho tới khi chết. « Người tình » tôi đọc đi đọc lại, nhưng cái câu kết thúc này chưa bao giờ tôi dám nhìn lần thứ hai. Cái câu kết thúc này, không cần Duras thì văn chương Việt cũng đẫm nước mắt rồi. Qua điện thoại, hắn nói tạm biệt bằng tiếng Việt, hắn nói có giấy bút không ghi lại địa chỉ, hắn nói địa chỉ lằng nhằng lắm, không cẩn thận là lạc như chơi. Giọng hắn run run, không biết có phải vì hơi nóng. Mười lăm năm trước, qua điện thoại giọng hắn không run, hắn bảo zimmer, quảng trường Châtelet, rồi cúp máy. Mười lăm năm trước, hắn không biết một câu tiếng Việt nào. Mười lăm năm trước, tôi mất cả giờ lẩm bẩm zimmer. Hắn cũng chẳng buồn nói có giấy bút không ghi lại địa chỉ, địa chỉ lằng nhằng lắm không cẩn thận là lạc như chơi. Hắn bảo zimmer, quảng trường Châtelet, rồi cúp máy. Mười lăm năm trước, hắn biết là tôi sẽ đến, Paris có bão tuyết thì tôi cũng sẽ đến, quảng trường Châtelet có lụt tới bụng thì tôi cũng sẽ đến, Zimmer có bị đặt bom thì tôi cũng sẽ đến. Mười lăm năm trước, tôi chỉ biết yêu thầm nhớ trộm. Nửa Liên Xô, nửa Hà Nội. Và tiếng Pháp nham nhở. Tiếng Pháp nham nhở là lỗi của tôi và Anna, hay lỗi của Adlan, hay lỗi của cộng hòa Nga, hay lỗi của nghĩa quân Tchéchène, hay lỗi của cuối đông vừa lạnh vừa ẩm, hay vì Anna khóc một tuần liền mà Adlan vẫn một mực về Grozny, thi tốt nghiệp mỏ – địa chất không quan trọng bằng học bắn tiểu liên và ném lựu đạn cối. Mười lăm năm trước Anna không yêu thầm nhớ trộm. Qua điện thoại Anna bảo Adlan chết rồi, lúc chết vẫn cầm tiểu liên. Tôi khóc. Hai đứa cùng khóc. Paris cuối đông vừa lạnh vừa ẩm. Moscou cuối đông vẫn im lìm trong tuyết. Anna bảo nó hối hận đã làm phiền tôi, rằng chúng nó đã làm phiền tôi quá mức, năm năm liền mỗi tuần vài ba lần tôi nằm không nhúc nhích, từ nửa đêm tới bảnh mắt, để chúng nó không phải thầm yêu trộm nhớ ngay trên giường bên cạnh, rằng chúng nó không biết tôi có nhét bông vào tai hay không, chúng nó cũng không biết tôi có ti hí mắt lươn hay không, chúng nó không thể kiểm tra và cũng không có ý định kiểm tra, nhưng như thế là quá mức, năm năm liền, ngay giữa thi cuối năm, thi quốc gia, thi lịch sử đảng, một trăm hai mươi câu hỏi từ cách mạng tháng 10 tới hội nghị 26, chỉ bỏ đúng đoạn Gorbachev đón Reagan vào điện Kremlin. Ừ, một ngày cuối tháng 5, ba đứa ngây ngô, ngỡ ra Vnukovo từ sớm, là có thể thấy Reagan và Nancy, là có thể thấy nửa kia của thế giới. Moscou cuối mùa tử đinh hương. Adlan chia bó hoa làm đôi, tôi và Anna mỗi đứa một cành tím ngắt. Nhưng tất cả những chuyện ấy bây giờ vô nghĩa, vô nghĩa hoàn toàn. Từ ngày tôi đi. Từ ngày Adlan chết. Tôi khóc. Anna khóc. Điện thoại khản đặc. Qua điện thoại, hắn bảo hắn lấy vợ rồi, đã có con. Giọng hắn run run. Mười lăm năm trước, hắn không nhả từ nào về đời tư của hắn. Một tiếng đồng hồ ở Zimmer, hắn im lặng, tôi im lặng, cốc dứa xay nước đá chảy ròng ròng. Mười lăm năm trước, tất cả trong tôi đều mù mịt. Qua điện thoại, hắn bảo hắn biết tôi đã lấy chồng. Giọng hắn run run. Mười lăm năm trước, hắn không phát âm nổi tên tôi, lúc thừa h, lúc thiếu h, lúc dấu sắc, lúc dấu huyền, và tất nhiên không biết dấu nặng là gì, dấu mũ là gì. Hắn không cần biết. Hắn biết nếu hắn có biến tên tôi thành cái gì đi nữa, hoặc chẳng thành cái gì đi nữa, thì tôi cũng không chấp. Mười lăm năm trước, tôi chỉ thầm yêu trộm nhớ và lang thang. Paris cuối đông vừa lạnh vừa ẩm. Hà Nội cuối đông cũng vừa lạnh vừa ẩm. Hồng Kông cuối đông cũng vừa lạnh vừa ẩm. Mỗi Sài Gòn là không có mùa đông. Người Sài Gòn leo xe đò lên Đà Lạt để được cưỡi ngựa và khoác áo choàng len. Paris không có ngựa, chỉ có tàu điện ngầm. Mười lăm năm trước, dưới tàu điện ngầm, tôi và hắn mỗi đứa một kè, hai hướng ngược nhau, Nation và Charles-de-Gaulle Etoile, hai tàu vùn vụt lại gần, chưa đầy phút sau lại vùn vụt chia tay. Zimmer là buổi chia tay vĩnh viễn. Từ Zimmer trở đi, nhà hát thành phố tôi không dám lai vãng, đài phun nước Palmier tôi không dám chụp ảnh, quảng trường Châtelet tôi tránh từ xa. Thấy đôi cánh của thần Chiến Thắng là xe nào có tôi ngồi trong cũng tự động đổi hướng. Zimmer là từ húy của tôi. Zimmer là buổi chia tay vĩnh viễn. Qua điện thoại, hắn bảo tôi gọi điện cho hắn, số cầm tay đây, nhớ gọi. Giọng hắn run run. Tôi không hiểu hắn tới Sài Gòn làm gì, lâu hay chóng, làm việc hay du lịch mà có điện thoại cầm tay. Tôi không hiểu vợ hắn người Việt hay người Pháp, trẻ hay già, hấp dẫn nhiều hay hấp dẫn ít, có biết Sài Gòn không mà để chồng lang thang giữa Sài Gòn một mình. Tôi không hiểu bằng cách nào hắn tìm ra tôi, bằng cách nào hắn biết tôi để Wu lại khách sạn Hồng Kông, về Sài Gòn ba tháng, có ngày vài trăm chữ, có ngày vứt đi vài trăm chữ, « T mất tích » ra đời và kết thúc trên giường gỗ không đệm, một phòng trọ không điều hòa, không quạt trần, không bàn ghế, chỉ một cửa sổ nhỏ, sơn màu xanh lá cây, từ bao nhiêu năm không rõ, nhưng là màu xanh lá cây, màu xanh lá cây duy nhất của cả một con phố dài. Chợ Lớn phố nào cũng dài, phố nào cũng thừa đèn lồng đỏ, thiếu cửa sổ màu xanh lá cây. Qua điện thoại, câu cuối cùng hắn bảo hắn thèm viết văn như thèm cái chết. Giọng hắn run run. Hắn đặt ngay máy. Nhưng giá hắn có ngập ngừng thêm chút nữa thì tôi cũng không biết nói gì. Câu cuối cùng này quả là bất ngờ, bất ngờ hơn nhiều so với chuyện vợ con của hắn, bất ngờ hơn nhiều so với việc hắn đang ở Sài Gòn, hắn tìm ra số điện thoại của tôi, hắn hẹn tôi tới cái gác xép lợp tôn này. Mười lăm năm trước, tôi không biết hắn uống cà phê pha mấy viên đường, chủ nhật có thích ngủ dậy muộn hay không, giữa phim trinh thám và phim khoa học viễn tưởng thì không chọn phim gì. Mười lăm năm trước, mộng viết văn của hắn, mộng viết văn của tôi đều mù mịt. Mười lăm năm trước, Grozny sôi sục chia tay Moscou, tôi và Anna nằm ôm nhau khóc, học bổng vừa đủ tiền ăn xúp khoai tây, cơm trắng thuộc về trìu tượng, lớp tiếng Pháp những buổi chiều lê thê, những buổi chiều lạnh nhất của một mùa đông dài nhất, mùa đông không có Adlan, sông Moscou vẫn im lìm dưới tuyết. Mười lăm năm trước, thành phố Hồ Chí Minh căng khẩu hiệu chào mừng mười lăm năm thống nhất, Little Saigon treo cờ rủ tưởng niệm mười lăm năm quốc hận. Mười lăm năm trước, tôi chỉ biết thầm yêu trộm nhớ. Và lang thang. Mười lăm năm trước, tôi không biết T là ai. Mười lăm năm trước, tôi không biết mất tích là gì. Mười lăm năm trước, nếu tôi có cầm bút, Zimmer có là buổi chia tay vĩnh viễn hay tạm thời, thì T phải là chính tôi, chồng T phải là hắn, chúng tôi sẽ xây mộng đẹp như mơ, tôi là nàng lọ lem, còn hắn là chàng hoàng tử, một mối tình Việt-Pháp xinh tươi, với những kỉ niệm Việt-Pháp xinh tươi, văn chương không thể không xinh tươi. Như tôi của mười lăm năm trước. Má không nhọn và môi không cần son. Mười lăm năm trước, tôi chỉ thầm yêu trộm nhớ, nói gì tới chuyện phản bội, dù là phản bội như trong phim tình cảm xã hội, dù là chỉ nghĩ đến những ngón tay của một ai đấy, để đỡ phải uống thuốc ngủ, để đỡ bồn chồn khi ngồi máy bay. Mười lăm năm trước, Wu lúc đấy chưa là chồng tôi, chưa đặt chân đến cả Hồng Kông, Berlin lẫn châu Mỹ, nhưng đẹp trai và hào hiệp, gặp tôi lần đầu Wu bảo lấy anh đi để đừng lang thang, để không mất thời gian thầm yêu trộm nhớ. Giọng Wu không run, nói chung giọng anh không run bao giờ. Giọng chồng T cũng không run bao giờ, ngay cả khi hay tin T mất tích, ngay cả khi bị cảnh sát gọi lên hỏi han tận tình, ngay cả khi con Hannah khóc nhớ mẹ. Đúng như Wu nói, chúng tôi không mất thời gian thầm yêu trộm nhớ. Hai cá nhân chưa vợ chưa chồng, không bị ung thư giai đoạn cuối, không phạm tội hình sự, không ở lại Pháp trái luật, thì không lý gì lại mất thời gian thầm yêu trộm nhớ. Không lý gì. Wu nói chung thường có lý. Và không phí phạm thời gian. Hắn cũng không phí phạm thời gian. Nhưng hắn khác Wu, hắn không thể yêu một đứa lang thang. Hắn thích các nghiệm ổn định. Nói chung các nghiệm ổn định bao giờ cũng dễ được thích. Lang thang hiển nhiên là không ổn định, phụ nữ lang thang còn không ổn định hơn. Thế nên bố mẹ anh chị em tôi mừng như trúng sổ số độc đắc khi tôi được Wu hỏi làm vợ, đám cưới tiệc mặn, có gia đình bè bạn hai bên đến chia vui, có giấy đăng ký kết hôn do thị trưởng ký tên đóng dấu. Dù sao cũng đỡ lang thang. Đỡ lang thang là có khả năng chuyển hướng thành ổn định. Qui luật phát triển xã hội bố mẹ anh chị em tôi nắm vững và đặt hết niềm tin vào độ hào hiệp của Wu. Trong lúc tôi ngồi đợi hắn ở cái gác xép lợp tôn này thì Wu đang gọi vằn thắn dưới chân khách sạn Cheung Sha Wan, rồi khi cô phục vụ mang vằn thắn lại, thế nào anh cũng gọi thêm xíu quẩy, không có tôi cuốn sushi thì vằn thắn và xíu quẩy là món Wu thích, không biết có phải vì vằn thắn Hồng Kông vừa giòn vừa ngọt, hay xíu quẩy Cheung Sha Wan vàng xuộm và căng phồng, to đúng bằng chiếc bánh mì đũa của Paris, hay cô phục vụ biết cách điều chỉnh xườn xám thế nào để càng kéo xuống thì lại càng lộ đùi non. Hay vì cả ba lý do cùng một lúc. Xườn xám, vằn thắn Hồng Kông và cháo quẩy Cheung Sha Wan cũng là những nghiệm ổn định, đã thành truyền thống thì không thể không ổn định, thế nên nói chung ai cũng thích, chứ không riêng gì Wu, chứ không riêng gì hắn. Wu bảo Hồng Kong gallery là Berlin Paris cộng lại chia đôi, rồi lại bảo Hồng Kông restaurant là Thượng Hải Luân Đôn cộng lại chia đôi, cuối cùng Wu bảo Hồng Kông nói chung là Bắc Kinh New York cộng lại chia đôi. Nói chung cộng lại chia đôi bao giờ cũng có lý. Hai cái gì cộng lại chia đôi cũng ra một cái gì đấy. Paris, New York, Luân Đôn, Berlin, Bắc Kinh, Thượng Hải đều là các nghiệm ổn định, cộng lại chia đôi hay chia mấy thì cũng ra một nghiệm ổn định. Hà Nội, Sài Gòn thì không. Đã không ổn định thì cộng lại chia đôi hay chia mấy cũng ra một nghiệm không ổn định. Cô nhân viên khách sạn Cheung Sha Wan hỏi thích room nhìn ra đảo Chek Lap Kok hay xuống cảng Victoria, Wu chọn cái thứ hai. Anh không thích ngắm biển, ngắm cảng, ngắm nhà chọc trời mà thích ngắm tôi không mặc gì khoanh chân cuốn sushi. Từ ngày lấy tôi, tảo và wasabi bao giờ cũng để sẵn trong túi du lịch, cạnh màu vẽ, bút lông và dây cước. Đêm trước khi tôi đi, anh bảo Hồng Kông đã sang là quên Chợ Lớn. Anh để tôi tới Chợ Lớn một mình. Anh để tôi tự do trong phòng trọ không điều hòa, không quạt trần, không bàn ghế, tự do trên giường gỗ không đệm, tự do ngắm cửa sổ sơn màu xanh lá cây, màu xanh lá cây duy nhất của cả một con phố dài chỉ treo đèn lồng đỏ. Run rẩy hơi nóng. Không gian có chiều cao hai mét cạn kiệt vì hơi nóng. Ông chủ trung niên và hai vị khách vẫn đang gật gù. Khánh Ly vẫn hát our love will be sweet. Very sad. Very sweet like gentle rain. Like the gentle rain. Like the gentle rain. Rất có thể do hơi nóng. Thành phố chết ngạt trong hơi nóng, tàn tạ vì hơi nóng. Mặt đường trải nhựa cũng nghi ngút hơi. Tôi không biết hắn sẽ đến từ hướng nào, bằng xe ôm hay tắc-xi. Tôi cũng không biết nhà hắn ở đâu, phố có dài, cửa sổ có quét sơn màu xanh lá cây. Mười lăm năm lẽ nào đủ để hắn đổi Paris thành Sài Gòn, Zimmer thành gác xép lợp tôn, Glenn Gould thành Khánh Ly, cuối đông lạnh và ẩm thành tháng tư đỏ lửa, và thèm viết văn như thèm cái chết, viết văn không phải là truyền thống, không phải là giá trị ổn định, kém ổn định hơn cả lang thang, hơn cả Hà Nội, hơn cả Sài Gòn. Tôi tự nhủ giá « T mất tích » mà chưa viết xong, máu trinh thám còn lại ít nhiều, thế nào tôi cũng hứng khởi làm một cuộc điều tra về những biến đổi bất ngờ của hắn. Nhưng bây giờ thì muộn. Mọi thứ đều muộn. Đánh dấu chấm hết xong là muộn. Mười lăm năm là quá muộn. Ai đợi ai được mười lăm năm. Qua điện thoại, hắn bảo tôi cố đợi, nếu hắn đến muộn năm mười phút. Giọng hắn run run. Tôi định bảo năm mười phút nghĩa là gì so với mười lăm năm. Rồi lại thôi. Ai đợi ai được mười lăm năm. Tôi có nói hắn cũng không hiểu. Hắn không thể hiểu. Tôi cũng không thể hiểu. Mười lăm năm không phải là ba tháng. Năm 2005 thì ba tháng một ngày là điều-không-thể. Cách đây đúng ba tháng, tôi đang ở sân bay Hồng Kông, Wu gọi vào cầm tay bảo đúng ba tháng nữa mà tôi không có mặt ở Cheung Sha Wan thì anh đề nghị tôi mất tích luôn một thể. Giọng anh không run chút nào nhưng đảo Chek Lap Kok bỗng dưng chòng chành, ba chiếc máy bay cùng hạ cánh một lượt, chệch vài mét là lao thẳng xuống biển. Trong tiếng rít của động cơ, tôi nghe Wu nói tiếp : ba tháng mất tích là đủ, đừng lẫn lộn tiểu thuyết với cuộc đời. Không hiểu anh chủ động cúp điện thoại hay vì ba chiếc máy bay khác lại chuẩn bị hạ cánh, tiếng rít của động cơ tăng gấp đôi, tai tôi điếc đặc. Nhưng dù thế nào thì Wu cũng có lý (đừng lẫn lộn tiểu thuyết với cuộc đời) và không phí phạm thời gian (ba tháng là đủ). Bởi vậy, khi chiếc Air Bus 330 của hãng Dragon Air bay lượn trên biển Nam rồi biển Đông nối Hồng Kông với Sài Gòn, tôi đã bắt đầu hình dung trong đầu một phụ nữ trẻ ngồi ở dãy bốn mươi, sát cửa sổ bên phải, trên một chiếc máy bay cất cánh cùng giờ với chiếc Air Bus 330 của tôi, nhưng xuất phát từ sân bay Charles-de-Gaulle của Pháp. Tôi sẽ gọi cô là T. T để đỡ nhầm với một loài hoa nào đó, một hương thơm nào đó, để đỡ nhầm với tuyết rơi hay mùa thu, hay trí tuệ hay hài hòa hay bất kì một mỹ từ nào đó của tiếng Việt. T đơn giản là T, có vậy thôi. T cúi đầu xem một cuốn họa báo, mái tóc đen thả dài. Vài ba lần, T cũng ngẩng lên, nhưng chỉ để ngó ra cửa sổ mấy phút, nên tôi đợi mãi đợi mãi hơn một tiếng đồng hồ mà không biết khuôn mặt T thế nào. Tôi cũng không biết T đi đâu, du lịch, công tác hay thăm thân nhân, nhưng có vẻ như T bình thản, tay giở đều đặn từng trang họa báo, dây bảo hiểm thắt gọn gàng ở bụng, túi xách tay cài ngay ngắn nơi lưng ghế đối diện. Cuối chiều của châu Á là giữa trưa của châu Âu nên cửa sổ máy bay lung linh ánh nắng. Rõ từng sợi tóc màu đen của T. Trong khoang khá vắng, ba ghế liền bên tay trái T đều không có người ngồi, cả dãy ghế đằng sau cũng trống trơn. Hành khách im lìm như hồi hộp trước một chuyến bay dài. Vô tuyến không có ai bật. Toa-lét không có ai đợi. Nhưng điều ấy có giúp được gì cho tôi nếu như T cứ nhất định cúi đầu, để khuôn mặt mãi mãi là một ẩn số. Tôi bắt đầu sốt ruột, từ loa phát ra lần lượt ba giọng nữ ngọt ngào bằng tiếng Hoa, tiếng Anh và tiếng Việt thông báo rằng chiếc Air Bus 330 của tôi chỉ nửa tiếng nữa sẽ hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nhiệt độ bên ngoài là 38° và đề nghị quí khách nên điền trước tờ khai hải quan Việt Nam. Tôi có cảm giác chút nữa thôi, chỉ cần ra khỏi máy bay là trí tưởng tượng của tôi sẽ đứt liên lạc hoàn toàn với T. Tôi sẽ không thể tiếp tục hình dung khuôn mặt T, nơi T sẽ tới, công việc T sẽ làm, những người T sẽ gặp. Và như thế có nghĩa là chuyến đi Chợ Lớn của tôi thất bại ngay từ đầu, phòng trọ cửa sổ sơn màu xanh lá cây có nghĩa gì nữa đâu, tiểu thuyết là cuộc đời hay không là cuộc đời. Đang gần tuyệt vọng, khi chiếc Air Bus 330 chuyển mình lướt xuống đường bay Tân Sân Nhất trắng muốt như muối, tôi bất ngờ thấy một nữ chiêu đãi viên hàng không, đồng phục tím than, lại gần vỗ nhẹ lên vai T, rồi chìa ra một hộ chiếu bìa tím đậm kẹp vé máy bay hàng không Air France ở giữa. Trong một tích tắc, tôi đã ngỡ T sẽ ngẩng đầu lên, như phản xạ tự nhiên, để cầm lấy hộ chiếu và vé, để nói một từ merci hay thank you chẳng hạn, để nếu không nở một nụ cười xã giao thì cũng chớp chớp mắt tỏ ra cảm động. Nhưng cơ hội duy nhất để tôi nhìn thấy khuôn mặt T cũng biến mất vì nữ chiêu đãi viên, đúng tích tắc ấy, đã đặt hộ chiếu và vé lên mặt bàn tí hon mở sẵn ngay cạnh T, phía bên trái, và T đã hơi nghiêng vai định ngẩng đầu lên thì lại cúi ngay xuống, mái tóc đen vẫn lòa xòa che kín khuôn mặt, bàn tay nhỏ nhắn bình thản cầm lấy hộ chiếu và vé rồi lại bình thản đút chúng vào túi xách tay để ở lưng ghế đối diện. Tuy vậy, thật kì lạ, cũng vào tích tắc ấy, trong óc tôi vang lên một từ tôi chưa nghe thấy bao giờ, như thể một thiên thần bé nhỏ, cũng đang lơ lửng cùng độ cao của chiếc Air Bus 330, sau khi chứng kiến nỗi tuyệt vọng của tôi, đã thì thầm vào tai tôi cái từ ấy. Trong ba phút liền, trong sự im lặng khác thường của cả khoang, khi máy bay liên tục giảm độ cao, tôi lẩm bẩm nó đúng như cái cách tôi từng lẩm bẩm từ zimmer mười lăm năm trước, khi hắn bảo zimmer, quảng trường Châtelet, rồi cúp máy. Và ở phút cuối cùng, vào lúc mà chiếc Air Bus 330 hơi chồm lên rồi bất ngờ chạm sát đường băng trắng muốt như muối, trong tiếng động cơ chói tai, tôi chợt hiểu một điều hết sức đơn giản rằng cái từ vô nghĩa tôi vừa lẩm bẩm ấy là nơi T sẽ tới, sau mười mấy tiếng ngồi máy bay. Nơi ấy rất xa. Nơi ấy tôi không thể đến. Nơi ấy có thể chỉ cách Sài Gòn vài chục cây số, nhưng nơi ấy rất xa, nơi ấy tôi không thể đến. Mười hai giờ đêm hôm nay, sân bay Tân Sơn Nhất có bị lệnh bế quan tỏa cảng, hãng hàng không Dragon Air có tuyên bố phá sản, nước biển Nam có tràn lên đảo Chek Lap Kok, thì tôi vẫn phải có mặt ở khách sạn Cheung Sha Wan, như lời Wu dặn cách đây ba tháng, để không nhầm tiểu thuyết với cuộc đời, để mất tích chỉ thuộc về T.
Tiếng chân bước nhẹ lên thang gỗ, không khiến hơi nóng bớt run rẩy và Khánh Ly thôi hát Gentle rain. Cuộc hội ngộ hôm nay là quà tặng của số phận hay bóng ma của quá khứ, hay là cả hai, hay chẳng là cái gì cả, tôi không biết. Không ai có thể biết. Mười lăm năm trí nhớ phai mòn. Mười lăm năm trước tôi không biết mặt trời đỏ lửa là Sài Gòn tháng tư. Mười lăm năm trước tôi không biết cái gác xép lợp tôn này. Mười lăm năm trước tôi không biết our love will be sweet. Will be sad. Like the gentle rain. Like the gentle rain. Mười lăm năm trước tôi chỉ biết zimmer. Mười lăm năm trí nhớ phai tàn. Bỗng nhiên tôi tự hỏi phải chăng thiên thần bé nhỏ của Air Bus 330 ngày trước đã xuất hiện trở lại để hôm qua thì thầm vào tai hắn số điện thoại cá nhân của tôi, rồi bây giờ lại thì thầm vào tai tôi câu này: hắn sẽ là độc giả đầu tiên của T mất tích. Ôi, hắn thèm viết văn như thèm cái chết. Our love will be sweet. Will be sad. Like the gentle rain. Like the gentle rain…
T mất tích
(tiểu thuyết)
I.
T mất tích. Cảnh sát, sau bốn mươi tám tiếng đúng qui định hình sự, đã khẳng định như vậy và tung kế hoạch truy tìm trên phạm vi toàn quốc. Ngay trước đó, trong một buổi tối, tôi phải qua hai cuộc thẩm vấn, cuộc đầu tiên vào sáu giờ là của thanh tra phó đồn cảnh sát địa phương, cuộc thứ hai một tiếng rưỡi sau là của thanh tra trưởng đồn cảnh sát địa phương. Tôi tỏ ra bình tĩnh và kiên nhẫn, các lời khai có lẽ khớp nhau nên sau đó, người ta hứa để cho tôi yên. Thực ra cũng không thể khác được, các câu hỏi của cả hai thanh tra khá đơn giản và tôi đã nói sự thật một cách mạch lạc, họ có vẻ tin lời tôi và chưa một lúc nào tỏ ý muốn vặn vẹo hay đánh bẫy. Nhìn chung, các vị ấy có tác phong nhã nhặn, thậm chí lịch thiệp, bằng chứng đầu tiên là cả hai đều gọi tôi đến vào những giờ ít ảnh hưởng tới công việc của tôi và lần nào cũng tự tay mang cho tôi một tách cà phê nóng kèm đường viên đựng trong một hộp nhỏ, lấy từ góc bếp chỉ dành cho nhân viên trong đồn. Biên bản của các cuộc thẩm vấn ghi theo lời tường trình của tôi, dường như cả dấu phẩy cũng không khác nhau, tôi cảm giác đã học thuộc ngay sau khi ra khỏi đồn cảnh sát, giờ đây vẫn có khả năng nhắc lại không mấy khó khăn:
T thường rời công sở lúc 5h15, đến mẫu giáo đón Hanah con gái của chúng tôi lúc 6h kém 5 vì đúng 6h là trường đóng cửa, nội qui được hiệu trưởng thông báo ngay từ buổi họp phụ huynh đầu tiên. Hôm kia khoảng 7h tối, khi tôi đang còn ở văn phòng thì cảnh sát gọi điện yêu cầu tôi đến gặp gấp, lý do là Hanah không có ai đến đón nên đã bị đưa ra đồn và đang ngồi đợi người thân. Lúc tôi tới nơi, Hanah vừa được một nữ cảnh sát cho ăn tối, tôi trình chứng minh thư và kí vào giấy nhận con, chúng tôi về tới nhà chừng 8h30, cho đến lúc đi ngủ cũng không có một tin tức nào của T. Tôi đã gọi điện báo cho công an, cũng là nơi đã giữ Hanah lúc nãy. Hôm sau, tôi tự đưa Hanah đến mẫu giáo và tới văn phòng muộn mười lăm phút, buổi chiều xin phép nghỉ sớm một tiếng. Ngay trong ngày, tôi tranh thủ gọi điện đến chỗ làm việc của T, thường trực và hai đồng nghiệp cùng phòng đều khẳng định nhìn thấy T ra khỏi cơ quan lúc 5h10 chiều hôm trước. Vợ tôi không có cả gia đình lẫn bạn thân ở Pháp. Người duy nhất mà T đôi khi gặp gỡ là chị Xuân, cùng theo học lớp tiếng Pháp ở một tổ chức Thiên chúa giáo khi cả hai mới đặt chân đến Paris. Trong danh bạ điện thoại Paris, tôi tìm được số của chị Xuân. Chị Xuân đang vội đi làm và trả lời ngắn gọn từ nửa năm nay không nhận được điện thoại của T.
Rất ít khả năng là T về Sài Gòn thăm gia đình. Một chuyến đi xa như vậy, dù thế nào đi nữa, cô ấy cũng phải báo cho tôi một câu. Tôi cũng trao đổi với ngân hàng và được biết từ đợt trả tiền nhà lần cuối, tài khoản của chúng tôi không có thất thoát quan trọng, người phụ trách ngân hàng còn nhiệt tình gửi qua fax bản kê những món chi tiêu được trả bằng séc và các Visa ba tuần qua. Sau đó tôi đã kiểm tra cặn kẽ, không thấy có dấu hiệu đặc biệt, nói chung là những khoản nhỏ dưới một trăm euro, chủ yếu là tiền đi chợ và tiêu vặt trong nhà.
Việc mất tích của T tôi không kể cho ai. Cũng như T, tôi không có nhiều người thân. Mẹ tôi, theo như lời đồn đại, là kết quả của mối tình ngoài luồng giữa một thương gia giàu có và một gái bao xinh đẹp. Cả thời thơ ấu của bà nằm trong khuôn khổ một trại trẻ mô côi ở ngoại thành Hà Nội. Tôi không rõ sau khi rời trại bà đã kiếm sống bằng cách nào, cũng như làm sao, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi mà bà vào được tận Sài Gòn, nơi bà sẽ gặp bố tôi và được ông cưới làm vợ rồi mang sang Pháp, khoảng chục năm sau biến cố Điện Biên Phủ. Về bên nội thì tôi cũng chẳng biết mấy: trong tất cả họ hàng nghe bảo là tập trung đa số ở các tỉnh phía Bắc nước Pháp, tôi chỉ quen duy nhất một bà bác họ mà tôi ngờ rằng sống quanh quẩn đâu đây (vì sau đó, tôi còn gặp lại bà bác thêm một hai lần nữa, cũng tình cờ ở chỗ công cộng).
Mẹ tôi mất từ khi tôi đang ở trung học, vì một cơn đau tim cấp tính. Bố tôi sau đó một thời gian ngắn, đã cặp với một phụ nữ dường như còn rất trẻ, chỉ hơn tôi vài tuổi, rồi từ đó thay đổi tình nhân liên miên. Trên thực tế, tôi chưa bao giờ chạm mặt một ai trong số họ, tôi không quan tâm đến đời tư của bố tôi và cũng chẳng có định kiến gì với thói trăng hoa của đàn ông. Dù sao thì mẹ tôi cũng đã qua đời và bố tôi có toàn quyền quyết định cuộc sống của mình. Tôi được ông chu cấp đầy đủ và thấy không có gì phải phàn nàn về tư cách của ông. Chúng tôi sống chung một căn hộ, vẫn là căn hộ của gia đình, nhưng hiếm khi gặp nhau. Bố tôi hay có việc về muộn, nhiều khi không qua đêm ở nhà. Năm năm sau, lúc tôi đã lên Paris học đại học, không biết có phải vì quá mỏi mệt hay vì một lý do khác, bố tôi làm lễ thành hôn với người mà cho đến nay tôi chưa có dịp nào được gọi là mẹ kế. Họ có con và chuyển đến sống trong một thành phố nhỏ ở miền Nam.
Khi tôi lấy T, bố tôi và vợ không lên. Trên thực tế, chúng tôi không tổ chức đám cưới, không gửi giấy mời cho ai, xong việc đăng kí ở tòa thị chính, cả bốn người - gồm tôi và T cùng hai người quen làm nhân chứng - đi ăn trưa trong một tiệm ăn ngay bên cạnh, do tôi đặt chỗ từ trước. Hanah ra đời được ít lâu, tôi gửi ảnh nó cho bố tôi. Mới đầu tôi không nghĩ đến việc ấy, nhưng bất ngờ gặp lại bà bác họ trong siêu thị gần nhà, bà ấy hỏi thăm tin tức của bố tôi, và tôi cũng hơi ngại ngùng vì chẳng biết gì hơn người ngoài. Ngay sau đó tôi nhận được thư trả lời. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy bố tôi có vẻ cảm động, ông gửi cho chúng tôi một bức thư viết tay gần một trang giấy A4 kể về cuộc sống ở thành phố nhỏ miền Nam, về công việc quản lý hành chính trong một nhà máy sản xuất phụ tùng ô-tô, không rõ hài lòng hay bất mãn. Cuối thư nói cám ơn tôi và T đã cho ông được lên chức ông nội. Bố tôi gửi cho Hanah (ông gọi nó là cháu gái bé bỏng thân yêu) một quyển an-bom gắn bộ tem về bướm nhiệt đới màu sắc lộng lẫy, trang cuối cùng có viết mấy chữ đại để hy vọng sau này lớn lên, con bé sẽ tiếp tục sưu tầm. Trang ấy Hanah đã làm rách rồi vứt đâu mất, nhưng bộ tem thì nó vẫn để trên giá sách trong phòng riêng, tuy không còn hay mở ra như trước.
Tôi quên không kể rằng, bố tôi kèm trong bức thư gửi cho chúng tôi một tấm ảnh gia đình riêng của ông. Trong ảnh, bố tôi không thay đổi mấy, tóc chưa bạc và da vẫn phẳng, vợ ông thì ngược lại, bệ vệ, không ra nghiêm khắc cũng không hẳn dễ dãi, một thằng bé khoảng hơn mười tuổi đứng giữa hai người, lúc đó tôi mới biết họ có con trai. Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất tôi gặp những ai có thể gọi là thân - mẹ kế và em cùng cha khác mẹ - tất nhiên là gặp trên ảnh chứ không phải ngoài đời. Năm năm trôi qua, tôi không nhận thêm thư từ gì của họ. Tôi nhớ năm năm một cách chính xác vì căn cứ vào ngày sinh của Hanah mà tính ra.
Sau hai cuộc thẩm vấn, các thanh tra cảnh sát bảo tôi sẽ không còn bị gọi lên đồn nữa. Họ đưa cho tôi hai tấm danh thiếp, có ghi cả số điện thoại di động, bắt tay tôi rồi nói: “nếu có tin hoặc nhớ thêm điều gì thì liên lạc gấp, ngay cả muộn cũng không sao”. Tôi hỏi lại: “muộn nhất là mấy giờ?”, vẻ như vô tình . Thanh tra trưởng đồn bảo: “nửa đêm, chẳng may không gặp thì nhắn lại”. Thanh tra phó đồn ngần ngừ một chút rồi thêm: “nói vậy thôi, chứ không có tin gì đâu, trường hợp này có vẻ nan giải đấy”. Xong vỗ vào vai tôi nói: “đời là vậy, đừng mất công buồn!”.
Hai ngày sau, đang giờ làm việc thì tôi nhận được điện thoại của một người lạ mặt. Hắn ta tự giới thiệu là Delon, đại úy cảnh sát. Sau khi nhắc lại tên một lần nữa, hắn ta nói được sở Nội Vụ thành phố giao nhiệm vụ theo dõi trực tiếp cuộc truy tìm T trên toàn lãnh thổ nước Pháp. Tôi nhìn sang Paul, rồi nói nhỏ vào điện thoại rằng giờ ăn trưa sẽ liên lạc lại. Đầu máy bên kia tặc lưỡi một cái, vẻ không hài lòng lắm, nhưng cũng để lại số điện thoại rồi đặt máy xuống. Tôi nghe một tiếng tách khô khan. Paul không phản ứng, có lẽ không biết chuyện T mất tích, cả công ty đang bận một đề án mới, ban giám đốc vừa triển khai thêm một dây chuyền sản xuất dược phẩm nữa tại Đông Âu. Tôi thì không có khái niệm đề án mới hay cũ, công việc của tôi là làm kế toán và phiếu trả lương. Luật lao động Martine Aubry qui định 35 tiếng một tuần nhưng ngay cả thứ Sáu tôi cũng không rời khỏi phòng trước 7h tối. Đằng thẳng ra thì tôi làm việc gần gấp rưỡi thời gian qui định. Nói chung các nhân viên khác cũng vậy. Các sếp nhiều khi còn về muộn hơn chúng tôi. Trong công ty hầu như ai cũng nhận lương tháng thứ mười ba, một kiểu đền bù, điều này ghi rõ trong hợp đồng làm việc của từng người. Thế nên, luật lao động được phát âm thừa mứa trên các phương tiện thông tin đại chúng lại sợ chết khiếp cái cổng bằng thép vừa rộng vừa dày của công ty. Nói cách khác, đó là những từ húy. Các đồng nghiệp của tôi thao thao bàn Hitler, Phidel Castro, Ben Laden, Chirac… hay bất kì vị nào trong chính phủ, các sếp nghe được đôi khi còn tán thêm vào, nhưng Martine Aubry thì tuyệt nhiên không ai nhắc. Hôm trước, khi giải thích việc đi muộn và về sớm để đưa đón Hanah, tôi chỉ nói ngắn gọn là vợ ốm. Sếp trực tiếp của tôi tên là Brunel (làm việc ở cùng tầng, cách đó một phòng) không gật cũng không lắc, mắt dán chặt màn hình vi tính, nhưng tôi biết những gì tôi nói đều được ghi vào bộ nhớ của hắn. Không hiểu sao tôi luôn bị cảm giác Brunel biết hết lý lịch riêng của tôi. Một lần hắn hỏi thăm T. Tôi hơi giật mình vì chưa từng kể chuyện gia đình với người khác trong công ty, không đồng nghiệp nào biết tên T và Hanah. Tôi chưa kịp phản ứng thì hắn có điện thoại nên ra hiệu cho tôi ra ngoài. Lần này, tôi cũng ngại phải trả lời Brunel. May mà hắn không hỏi han thêm. Thị trường dược phẩm các nước Đông Âu đang cạnh tranh quyết liệt, Đức là địch thủ hàng đầu của công ty.
Tối hôm đấy, tôi thương lượng với vợ chồng bà gác cổng tiền công đưa đón Hanah, tổng cộng mỗi ngày hai tiếng, mỗi tiếng bảy euro. Hôm nào tôi về muộn quá, họ sẽ tắm và cho nó ăn tối. Tất nhiên, khoản đó sẽ được tính thêm vào cuối tháng. Các vị gác cổng yêu cầu mọi thứ phải trả bằng tiền mặt và không khai báo. Kể ra thì tôi bị thiệt vì không thể trừ vào thuế thu nhập cuối năm. Có vẻ như họ bắt bí tôi. Được cái, vợ chồng họ ở ngay tầng trệt, trước khi đi làm tôi chỉ việc thả Hanah ở đó, lúc về thì rẽ qua đón nó, chẳng tốn thêm phút nào. Tiễn tôi ở cửa, bà gác cổng có lẽ không kìm được, đã buộc miệng hỏi tôi có tin tức của “bà nhà” không. Hỏi xong quay sang nhìn chồng, ông ta lừ mắt. Tôi không trả lời, im lặng chui vào thang máy.
Giữ lời hứa với viên đại úy sở Nội Vụ thành phố, giờ ăn trưa, tôi xuống căng-tin mua một suất ăn nhanh gồm bánh mì kẹp thịt hun khói và nước hoa quả rồi quay lại phòng, đợi Paul đi khỏi mới bấm điện thoại. Delon nhấn mạnh hai lần liền rằng vụ này đã không còn ở mức thụ lý của cảnh sát địa phương, theo kinh nghiệm thì “có vẻ nghiêm trọng chứ chẳng chơi”. Rồi không cần biết câu tuyên bố này có ảnh hưởng gì đến người đối thoại, Delon đề nghị tôi cung cấp một chân dung mới chụp gần đây nhất của T. Khôi hài thật, tôi thầm nghĩ, từ hai ngày nay, cảnh sát tuyên bố tung kế hoạch “truy tìm T trên toàn lãnh thổ nước Pháp” thế mà không có một tấm ảnh nào của cô ấy. Tôi bảo rằng cảnh sát tự đi mà tìm lấy, ở bộ Nội Vụ, hay sở Di Trú, thế nào chẳng có hồ sơ xin quốc tịch của T. Tôi nhớ là đã cố lộ vẻ cáu kỉnh khi nói câu này. Delon phớt lờ, hỏi lại: “trong tủ riêng không tìm được chân dung nào của bà nhà à?”. Tôi trả lời là tôi không có thói quen lục tủ riêng của người khác. Delon tỏ ra không tin, im lặng khá lâu, rồi đặt máy xuống. Cứ như hắn sắp lao đến căn hộ của tôi để kiểm tra sự thật. Tôi vứt khúc bánh mì vào sọt rác cạnh bàn làm việc, uống một ngụm nước cam, song cũng ném đi hơn nửa cốc. Nước cam bắn ra ngoài, tạo thành một vệt thẫm trên thảm, tôi cũng không buồn lau.
Lâu lắm rồi tôi mới bỏ bữa trưa. Chỉ vì câu nói vẩn vơ của một nhân viên cảnh sát hình sự. Thật là bất công. T mất tích. Và tôi có tội tình gì cơ chứ. Người ta không có quyền đối xử với tôi như vậy. Cảnh sát không có quyền nghi ngờ tôi. Tôi còn công ăn việc làm. Chỉ cần tôi bỏ việc một giờ không xin phép là công ty sẽ mời tôi nghỉ ở nhà luôn cho khỏe. Mỗi năm có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp các trường kế toán. Mỗi tháng có bao nhiêu nhân viên kế toán xếp hàng đăng kí trợ cấp thất nghiệp. Mỗi ngày, công ty nhận được bao nhiêu đơn xin việc của các chuyên viên kế toán. Công ty không hơi đâu mất thời giờ vào một tấm chân dung.
Tôi tiếp tục khó chịu cho đến đầu giờ chiều khi Paul và một đồng nghiệp khác bước vào phòng. Họ vui vẻ vì món bít-tết của căng-tin hôm nay khá thành công, vừa đúng độ chứ không quá chín hay quá tái như mọi khi. Hình như rượu vang đợt này cũng êm, các sếp chịu xuất tiền hơn, phòng kế toán chúng tôi rõ từng xu các khoản thu chi của công ty. Paul nhìn tôi chăm chú rồi hỏi có muốn uống cà phê không. Đồng nghiệp kia cũng đồng ý, nháy mắt với Paul bảo cà phê đậm mới tiêu được khoanh bít-tết phải hai lạng là ít, đúng là căng cơ bụng chùng cơ mắt, chỉ muốn chui vào góc phòng làm một giấc. Tôi thờ ơ gật đầu. Thực ra bụng tôi chẳng có gì cần tiêu. Nó đang sôi và phát ra những tiếng ùng ục mà tôi cứ phải nghe mãi một mình. Paul chạy ra ngoài rồi mấy phút sau bưng vào ba cái cốc nhựa bốc khói. Tôi được một. Mùi cà phê làm tôi bình tĩnh lại. Những sợi khói mềm mại khiến trí óc tôi thư giãn đôi chút. Paul vẫn đứng tán dóc. Đồng nghiệp kia bảo từ đằng sau khiến phụ nữ khoái nhất. Paul nói chẳng cứ đâu, rồi hạ giọng thì thào. Tôi chẳng lạ. Không cần phải hôm nào căng-tin có bít-tết ngon và rượu vang êm, cứ ăn uống xong là các đồng nghiệp rất nhiệt tình câu chuyện giường chiếu. Dạ dày và cơ quan sinh dục liên quan chặt chẽ với nhau. Tôi nghe người ta kể lại rằng thời buổi chiến tranh, bột mì là nỗi ám ảnh lớn nhất, tình dục nằm trong những khoản rất phụ, không có không sao.
Paul càng tán, càng hứng khởi, đồng nghiệp kia bảo “cô nàng” được lắm à, hôm nào cho xin số điện thoại nhé. Không cần quay sang, tôi cũng biết anh ta đang nháy mắt với Paul. Công ty đang có mốt nháy mắt. Hành lang, căng-tin, thang máy, đâu đâu cũng thấy nháy mắt. Cách đây nửa năm là mốt vỗ vai. Thế nào khỏe chứ, vỗ vai một cái. Bao giờ được lên lương đây, vỗ vai một cái. Bít-tết hôm nay dai nhỉ, vỗ vai một cái.
Hồi tôi mới vào làm, suốt ngày nghe các đồng nghiệp hắng giọng. Đầu tiên ngỡ họ hắng giọng để chuẩn bị cho một phát ngôn quan trọng. Mấy tuần sau vỡ lẽ đó là mốt trong công ty. Mấy tuần sau nữa thì vỡ lẽ thêm mình cũng đang theo mốt. Chỉ có điều khi mốt này đã qua, các đồng nghiệp chuyển sang mốt chép miệng thì tôi không sao theo được, vẫn cứ lâu lâu lại hắng giọng, cho đến tận bây giờ thành luôn thói quen. Tôi biết họ nhìn tôi lạ lùng, nhưng không sao bỏ nổi. Những mốt đó, tất nhiên chỉ phổ biến giữa các đồng nghiệp, chứ cấp trên của chúng tôi không hay tẹo nào. Tôi có cảm giác mới đầu chỉ do muốn trêu chọc một sếp nào đó (thực ra là để trả thù vì bị ông ta dọa đuổi việc hay phê bình đi làm muộn, nghỉ ốm nhiều) mà cấp dưới đã mang một động tác tiêu biểu của ông ta ra bắt chước, rồi do người này lặp đi lặp lại cho người khác cùng cười mà biến thành mốt trong toàn công ty. Sau đó một thời gian, lại đến lượt một sếp khác, luân chuyển toàn bộ ban giám đốc. Nhưng suy cho cùng thì cấp trên vẫn là cấp trên, ngay cả khi bị trêu chọc thì họ cũng không trở thành nạn nhân của cấp dưới (họ hoàn toàn không hay biết về việc bị trêu chọc). Ngược lại, một cách vô tình, họ còn trở thành người tiên phong cho một cái mốt nào đó.
Mỗi công ty như một xã hội thu nhỏ, chẳng phải vô cớ mà cả hai cùng là từ “société”. Ngày trước, khi chưa có các công ty, xã hội được chia theo giai cấp, người giàu người nghèo. Thời đại này, cả từ “giai cấp” lẫn từ “giàu” từ “nghèo” đều bị cho là lỗi thời, nhưng thực ra chúng chỉ biến khỏi ngôn ngữ nói chứ vẫn tồn tại an toàn trong bộ não người đương thời. Nhìn giấy đóng thuế của anh A, thể nào họ cũng tự động nghĩ xem anh ta thuộc về giai cấp nào trong xã hội. Nhìn phiếu trả lương của anh B, thể nào họ cũng lập tức nghĩ xem anh ta giữ vị trí nào trong công ty. Trẻ con cũng không thoát được cái “thang giá trị” ấy, tiền căng-tin của chúng thổ lộ rằng bố chúng là văn sĩ còm, cán bộ cao cấp hay bác sĩ có phòng mạch riêng. Khi một phụ nữ kêu ca con cái nhà chị ta ăn trưa, cắm trại, tập bóng bầu dục đều phải đóng bậc F thì rất có thể là chị ta muốn khoe khéo cái phiếu trả lương của mình, hay của chồng mình, hay của cả hai. Đứa trẻ mà đóng bậc A thì mẹ nó bao giờ cũng im lặng.
Những cái phiếu trả lương mới bộc tuyệch làm sao! Chúng bô bô nói với xã hội bí mật của mỗi người. Ảnh chân dung được sử dụng để nhận diện một con người, còn phiếu trả lương lại được sử dụng để nhận định giá trị của người ấy. Đến thuê nhà, chủ nhà bắt trình phiếu trả lương. Đến mượn tiền, ngân hàng bắt trình giấy trả lương. Đến xin việc mới, công ty bắt trình phiếu trả lương cũ… Phiếu trả lương thành vật bất ly thân, một kiểu chứng minh thư đương đại. Hàng tháng tôi có trách nhiệm phải hoàn thành phiếu trả lương cho toàn bộ công ty. Có lẽ ngoài ban giám đốc, tôi là người duy nhất nắm rõ giá trị của từng đồng nghiệp. Không hiểu có phải vì thế mà họ không ưa tôi ra mặt.
Paul và đồng nghiệp kia vẫn vui vẻ tán chuyện. Cả hai liên tục nháy mắt. Hình như “cô nàng” là một phụ nữ không còn trẻ nhưng rất bốc, nhiều chiêu đặc biệt. Paul hứa sẽ giới thiệu. Đồng nghiệp kia cười sung sướng. Tôi nhìn họ rồi tự nhủ việc quái gì mà tôi phải làm khổ mình, thực ra đại úy Delon cũng chỉ đặt câu hỏi một cách nghiệp vụ, hoàn toàn không ẩn ý, yêu cầu duy nhất của hắn là một tấm chân dung của T. Tóm lại, nếu tôi không có tội thì không ai có thể nhốt tôi vào tù.
Dầu sao tôi cũng phải thừa nhận đã vội vàng tin vào sự nhã nhặn và lịch thiệp của cảnh sát, đã cảm động thái quá trước hai cốc cà phê nóng có bỏ đường viên của các vị thanh tra. Linh tính cho biết chỉ vài ngày tới, rất có thể tôi sẽ phải đi đến những nhận xét ngược lại.
7h15 tối, tôi đứng lên mặc áo khoác. Cái đói làm tôi hoa cả mắt. Và bụng thì đình công. Nó không còn phát ra những tiếng ùng ục. Nó kiệt sức vì từ sáng đến giờ chỉ được một cái bánh sừng bò mỏng. Hành động phản kháng quyết liệt nhất của nó là bất động hoàn toàn. Một khoảng trống ngay thắt lưng làm tôi đau quặn. Lúc tôi đi ngang phòng thường trực, cô nhân viên tổng đài lên tiếng chào rồi làm như vô tình hỏi: “gặp chuyện gì mà cảnh sát thành phố gọi điện vậy?”. Tôi trấn tĩnh nhanh chóng và bảo có một vụ trộm nhỏ trong khu nhà tôi ở, nên tất cả mọi người đều được cảnh sát gọi điện để hỏi thông tin. Cô ta không nói gì và tôi bỏ đi. Ra đến cổng tôi vẫn thắc mắc không hiểu sao sáng nay cô ta đã không báo trước mà ngay lập tức chuyển cho tôi cú điện thoại của viên đại úy. Theo luật của công ty, tất cả các cú điện thoại từ ngoài gọi vào đều phải được nhân viên tổng đài giữ lại và chỉ chuyển cho người nhận nếu người này đồng ý. Tôi có cảm giác còn khó chịu hơn cả lúc trưa, sau khi nói chuyện với viên đại úy. Thế nghĩa là Delon đã phá được luật của công ty, hắn chẳng biết sợ ai, và cười khẩy vào cái công ty dược phẩm tư nhân vớ vẩn này (điều này thì công nhận là hắn đúng). Rất có thể hắn đã tự giới thiệu là người của sở Nội Vụ thành phố và lấy tư cách cảnh sát đặc vụ để trò chuyện khá lâu với cô trực tổng đài, sau đó thuyết phục được cô ta chuyển thẳng điện thoại cho tôi. Nhưng tại sao hắn không muốn cô ta xin ý kiến tôi? Hắn lo tôi không chịu tiếp chuyện hắn? Hắn cho là tôi phạm tội nên sợ cảnh sát, và tránh nhân viên hình sự? Hắn đã hỏi vặn cô tổng đài những gì về tôi? Mà trên thực tế thì cô ta biết gì về tôi? Sao bỗng dưng tối nay cô ta lại lên tiếng chào tôi rõ to? Đằng sau câu chào đó, dường như là sự nhờn mặt, miệt thị hoặc một điều gì không biết nữa.
Tàu điện ngầm đông cứng. Hai lần tôi bị giày mũi nhọn huých vào chân đau điếng, nhưng vẫn không quên nổi cảm giác khó chịu mà viên đại úy gây ra. Tôi phải nắm chặt cái cặp mới giữ được nó không tuột khỏi tay. Thỉnh thoảng tôi bị những người bên cạnh ẩy ra, hình như tôi đã mệt quá mà dựa lưng vào họ. Một phụ nữ còn lên giọng bảo: “đừng có lợi dụng lúc giờ cao điểm để giở trò mất dạy”. Nhưng chị ta nói tiếng Pháp bằng một giọng lơ lớ nên chẳng được ai để ý. Chưa bao giờ tôi rơi vào tình trạng kiệt quệ như vậy. Tôi về đến nhà đúng 8h tối. May mà không lỡ lần chuyển tàu nào.
II
Tôi vừa bước vào phòng thì Paul báo cách đây hai phút, ai đó gọi cho tôi, không để lại tên nhưng có cho số điện thoại, đề nghị tôi gọi lại vào giờ ăn trưa. Tôi không cởi áo khoác ngoài, tiến lại bàn làm việc của Paul, giật lấy mẩu giấy màu vàng trên tay anh ta. Đúng như tôi tiên đoán, viên đại úy đã gọi đến đây. Nghĩ tới hắn là tôi chán nản. Không hiểu bằng cách nào mà Delon nắm được lịch làm việc của tôi, bởi vì chỉ Paul và sếp trực tiếp của tôi mới rõ 9h sáng hôm nay tôi phải đến gặp phó giám đốc tài chính để chuyển cho ông ta chiếc đĩa mềm ghi phiếu trả lương. Tổng cộng mất mười lăm phút kể cả thời gian trong thang máy và thời gian vượt một hành lang năm chục mét bằng đúng chiều rộng của ngôi nhà. Delon biết điều đó nên cố tình gọi điện cho tôi trước 9h15, thừa lúc tôi vắng mặt đã bắt chuyện với Paul. Hắn nhất định không cho Paul biết tên riêng (mặc dù rất muốn khoe cái họ nổi tiếng của mình) và chức vụ (cũng muốn khoe không kém) để Paul không ngần ngại mà trả lời các câu hỏi hắn đặt ra.
Trên mẩu giấy màu vàng, bên cạnh số điện thoại của Delon, tôi thấy một xê-ri hình lò xo, cái này chồng lên cái kia. Làm việc cùng phòng với Paul, tôi biết anh ta có thói quen vẽ hình lò xo mỗi khi nghe điện thoại. Bàn của Paul bao giờ cũng có sẵn mấy tờ giấy dành cho hình lò xo các loại, lúc to lúc nhỏ, lúc dài lúc ngắn, không hiểu được sáng tác từ cảm hứng nào nhưng bao giờ cũng chứa những hình tròn thật tròn. Thói quen đó, Paul có trước khi đến đây làm việc. Mới đầu tôi đồ anh ta mang mốt của công ty khác về. Sau lại nghĩ không hiểu có ông sếp nào chịu vẽ hình lò xo khi nghe điện thoại. Tôi đã nhiều dịp đến gặp các cấp trên, và luôn luôn chứng kiến trước mặt họ là những tờ giấy nhằng nhịt các con số và các kí hiệu nhưng chưa bao giờ là những hình lò xo.
Mới đây tôi xem một bộ phim trong đó nhân vật chính (một cựu nhân viên CIA) tình cờ giải mã được những kí hiệu đặc biệt mà trưởng phòng của anh ta đã ghi trên tập giấy nháp, từ đó anh ta đi đến một kết luận cực kì quan trọng: trưởng phòng làm việc hai mang cho đối thủ của công ty; nhân phát hiện này, ban giám đốc triệt hạ được đối thủ cạnh tranh số một, và để thưởng công đã tặng anh ta cái ghế trưởng phòng. Một happy end đầy tính Hollywood! Nhưng phải công nhận là diễn viên vào vai trưởng phòng thật tuyệt, mấy ngày liền tôi bị ám ảnh, đến độ nhìn trưởng phòng nào cũng thấy hắn trong đó. Tôi đã kiểm tra kĩ các kí hiệu hắn ghi trên tập giấy nháp (thường xuyên được quay cận cảnh trong phim) nhưng không tìm thấy hình lò xo. Có thể nhờ thế mà tôi hiểu rằng thói quen vẽ hình lò xo của Paul không bắt nguồn từ một cấp trên nào cả mà là thói quen riêng của chính anh ta, nhưng nó được hình thành trong hoàn cảnh nào thì tôi không biết, khéo bản thân Paul cũng chẳng biết.
Những hình lò xo trên mẩu giấy vàng, bên cạnh vẫn là số điện thoại của viên cảnh sát. Tôi cố đoán tâm trạng của Paul khi tiếp chuyện Delon. Chúng chồng chéo vào nhau, không theo một logic nào cả và tôi đành bó tay, nhưng nhằng nhịt thế kia có nghĩa là cú điện thoại khá dài. Bỗng Paul hỏi: “chuyện gì vậy, có nghiêm trọng lắm không?”. Tôi nhắc lại cái câu tôi từng dùng để trả lời cô trực tổng đài tối hôm qua. Paul tỏ vẻ ngạc nhiên: “không ngờ được đấy mà là thanh tra cảnh sát”. Tôi không hiểu Paul hàm ý gì. Chẳng lẽ Delon đã tỏ ra nhã nhặn đến thế. Nhưng dù đóng kịch giỏi đến đâu thì thói lịch sự thông thường cũng không cho phép hắn nói chuyện về người khác sau lưng. Khi tôi không có mặt ở văn phòng thì hắn ta, nếu muốn tỏ ra nhã nhặn, phải tự động đặt máy xuống sau khi để lại họ tên và số điện thoại. Cả hai động tác ấy tổng cộng có lẽ chỉ mười giây là cùng. Đằng này hắn đã tranh thủ hỏi han Paul, rất có thể trong mười ba phút liền (từ 9h sáng đến hai phút trước khi tôi vào phòng). Mười ba phút mà biết sử dụng tối đa thì khai thác được bao nhiêu thông tin quan trọng. Nghiệp vụ cảnh sát hẳn giúp hắn đắc lực. Tôi tưởng tượng bỗng dưng nhận được một cú điện thoại của ai đó muốn thăm dò đời tư của Paul lúc Paul đi vắng. Không biết có khi nào xảy ra không đây?
Mất một hồi lâu tôi vẫn không quyết định được sẽ xử sự thế nào trong trường hợp ấy, sẽ bực mình đập máy xuống hay vờ như không biết rồi cung cấp tất cả những gì tôi rõ từ mấy tháng nay về đồng nghiệp cùng phòng. Rồi tôi lại tự hỏi nhưng trên thực tế tôi biết gì về Paul. Ngoài thói quen vẽ hình lò xo khi nghe điện thoại, anh ta còn một thói quen khác là chốc chốc tháo kính, hà hơi mạnh cho hai mắt kính đẫm nước, cuối cùng rút vạt áo sơ-mi ra lau. Một lần, tôi đã tặng anh ta một tệp giấy ẩm lau kính, nhưng sau lại đâu vào đó. Bây giờ mỗi khi thấy anh ta tháo kính là tôi tìm cách trốn ra ngoài hành lang. Hơi thở của Paul có mùi khá nặng, hăng hăng như mùi đất đèn. Có cảm giác anh ta bị một bệnh cực nặng liên quan đến đường hô hấp, nhưng không dám nói ra, sợ chẳng đồng nghiệp nào muốn làm việc chung phòng. Đôi khi, giữa ánh sáng ảm đạm của buổi chiều muộn, bụi vẩn lên từ đám không khí trước mặt Paul khiến tôi liên tưởng tới một đàn vi trùng đông đúc, trong điều kiện chật hẹp và ấm áp của văn phòng, đang sinh sôi và phát triển bằng một vận tốc đáng ngờ, chẳng mấy chốc sẽ tiến thẳng vào buồng phổi của tôi.
Cuối cùng, tôi cũng không biết là nếu được hỏi, sẽ cung cấp cho cảnh sát những tin tức gì về đời tư của đồng nghiệp cùng phòng. Hai thói quen của Paul nghe chừng vô giá trị, chắc tôi vừa đề cập, người ta đã gạt đi. Căn bệnh liên quan đến đường hô hấp, người ta cũng sẽ gạt đi nốt, lý do chưa có bằng chứng cụ thể. Tốt nhất là đề nghị cảnh sát liên lạc trực tiếp với bác sĩ của anh ta, hay với Brunel, tôi tin là hắn ta biết rõ tình trạng sức khỏe của từng nhân viên, Paul vừa đến làm việc được mấy tháng, giấy chứng nhận y tế nộp lúc mới vào hẳn còn cập nhật. Đúng là tôi có vấn đề với hơi thở của Paul và căn bệnh liên quan đến đường hô hấp của anh ta, nhưng trong thâm tâm tôi hiểu điều làm tôi mất cảm tình với Paul không phải ở chỗ ấy.
Paul hỏi tiếp: “bọn trộm lấy đi cái gì vậy?”. Tôi ngây mặt. Anh ta tìm cách đặt câu hỏi một cách khác: “hàng xóm bị mất trộm đúng không?”. Tôi gật đầu. Để chấm dứt câu chuyện, tôi bảo: “chẳng mất gì cả, kẻ gian vừa bẻ khóa thì bị vợ chồng gác cổng phát hiện”. Nhưng tôi đã lầm, câu trả lời của tôi chỉ kích thích thêm trí tò mò của Paul. Anh ta chồm cả người lên bàn, hỏi với sang: “làm sao phát hiện ra hay vậy?”. Rồi cứ thế truy tôi về vợ chồng gác cổng, nào là họ trẻ hay già, vui vẻ hay lạnh lùng, người Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, nào là họ sống một mình hay với một đàn con, thâm niên bao nhiêu năm trong nghề, một khu nhà mà nuôi cả vợ lẫn chồng gác cổng thì phải trả phí cao lắm, mỗi hộ trung bình đóng bao nhiêu một quí… Tôi ngạc nhiên trước tính tò mò như gái già của Paul. Lần đầu tiên anh ta lắm lời như vậy với tôi. Ra hành lang, gặp các đồng nghiệp khác, anh ta tán như súng liên thanh. Nhưng cứ quay lại phòng, không hiểu sao Paul ít nói, thậm chí khinh khỉnh (thú thật là tôi không có ý định tìm hiểu nguyên nhân và trong thâm tâm thấy thế lại càng mừng). Làm việc cùng nhau mấy tháng nhưng hầu như chưa bao giờ chúng tôi nói chuyện riêng. Một đôi lần tôi mời anh ta cà phê và ngay sau đó, anh ta tìm cách mời lại, dường như để có qua có lại, xã giao là chính.
Tôi quyết định không trả lời các câu hỏi của Paul, cúi đầu làm việc, coi như không có chuyện gì xảy ra. Paul chắc cũng hiểu và trở nên im lặng. Cả phòng chỉ nghe tiếng ngón tay gõ lách tách vào bàn phím. Trong góc nhà, nhiệt kế chỉ số 25. Hơi thở của Paul hôm nay lại được dịp hâm nóng, đàn vi trùng mấy nghìn con có lẽ đang chen chúc chui từ phổi anh ta để ra ngoài sưởi ấm. Không khí ngột ngạt mùi đất đèn.
Một lúc sau, tôi nhận ra rằng ý nghĩ về đàn vi trùng hay mùi đất đèn còn dễ chịu hơn nỗi nghi ngờ về tất cả mọi thứ, có lẽ đã xuất hiện vào lúc 9h15 khi Paul thông báo cho tôi cú điện thoại của viên đại úy Delon. Xê-ri hình lò xo vẫn còn nguyên trên bàn, tôi nheo mắt một lần nữa và phát hiện các hình tròn trong đó càng về sau càng kém tròn, dường như chúng không được vẽ bằng một nét, mà vài nét ghép lại. Ngay từ trẻ con, người nào cũng đã được học trong sách giáo khoa sinh vật rằng khi thần kinh não bỗng dưng mất tập trung thì các bộ phận khác trên cơ thể cũng hoạt động kém hẳn (ví dụ đang chạy rất nhanh nhưng chợt nhớ tới bài kiểm tra phải làm ngày mai thì chân tự nhiên chậm lại, tay cũng uể oải, miệng phát mấy tiếng thở dài). Từ đó suy ra trong lúc tiếp điện thoại viên đại úy, một hay vài điều nghe được đã lần lượt chi phối đầu óc của Paul để bàn tay anh ta không còn khả năng vẽ nên những vòng tròn rất tròn như lúc ban đầu. Đó là những thông tin gì? Có phải chỉ về chuyện T mất tích hay còn liên quan tới cá nhân tôi? Nếu liên quan tới cá nhân tôi, thì chúng quan trọng đến mức độ nào mà Paul không muốn cho tôi biết? Hay chính viên đại úy đã đề nghị Paul đừng kể với tôi? Các câu hỏi làm tôi rối bời. Mùi đất đèn mỗi lúc trở nên ngột ngạt hơn.
Tuy không nhìn sang phía Paul, tôi vẫn có cảm giác anh ta đang chăm chú theo dõi tôi. Thỉnh thoảng tiếng lách tách của bàn phím bỗng dưng dừng lại một cách đáng ngờ, y hệt như con mèo đùa với cuộn len nhưng ai cũng biết mục đích chính của nó không phải là tháo len cho bà chủ mà là rình rập con chuột nấp trong góc nhà.
Tôi thấy mệt mỏi làm sao, căn phòng chập chờn, màn hình như ống kính vạn hoa, thoắt ẩn thoắt hiện những kí hiệu chưa từng biết, những chữ cái lạ lùng hơn Ấn tự. Thế mới hay chẳng ai muốn có vấn đề với cảnh sát. Tôi có cảm giác cuộc đời bỗng dưng bị xáo trộn vì sự ra đi của T thì ít mà vì viên đại úy Delon thì nhiều.
Giọng Paul thình lình kéo tôi về thực tại. Tôi nghe anh ta hỏi: “sao không gọi điện cho viên đại úy đi?”. Những âm cuối cùng được kéo dài hơn bình thường, trở nên ê a, rõ vẻ chọc ghẹo hay mỉa mai thường được dành cho các nạn nhân bất hạnh. Tôi chợt nhớ ra rằng từ sáng tới giờ, chỉ có anh ta đặt câu hỏi, trong khi trên thực tế, người đặt câu hỏi phải là tôi. Bằng cách nào mà anh ta lại biết chủ nhân cú điện thoại lúc 9h sáng mang chức vụ đại úy? Ban nãy tôi chỉ nói rằng đó là một thanh tra cảnh sát. Cái cách anh ta thúc tôi liên lạc lại với Delon cứ như một sự vụ đại quan trọng cũng vô lý không kém. Tôi chẳng đã giải thích vụ trộm không mất gì và tất cả dân cư trong khu nhà đều được cảnh sát hỏi thăm đó sao. Nếu tôi có việc cá nhân cần trao đổi qua điện thoại thì anh ta phải tự động bước ra khỏi phòng. Anh ta cố tình ngồi lại có phải để kiểm tra những điều tôi sẽ trả lời viên đại úy? Anh ta biết là tôi khó chịu với cảnh sát? Anh ta hành động như vậy chỉ vì tò mò hay theo mệnh lệnh của ai?
Không ngẩng lên, tôi nói với Paul : “đến giờ ăn trưa mới phải gọi lại chứ?”. Tuy cố trấn tĩnh nhưng giọng tôi vẫn không bình thường. Suốt từ sáng, đây là lần đầu tiên tôi hỏi lại Paul. Tôi có cảm giác đang đối diện với viên đại úy cảnh sát chứ không phải một đồng nghiệp cùng phòng từ mấy tháng nay. Cùng cảm giác đó là nhận thức về sự yếu đuối thảm hại của mình. Thật là bất công. Tại sao người ta lại bất công với tôi như vậy? T mất tích. Cô ấy có quyền bỏ đi mà không cần xin phép ai. Nhưng tôi thì ở lại. Và đó đâu phải là lỗi của tôi. Tôi ngả toàn thân vào ghế để khỏi bị ngã xuống sàn. May mà ghế đã rộng lại có thành cao và dày. Không biết có phải vì các nhà sản xuất đã dự tính những giây phút nguy kịch thế này?
Bên kia, những tiếng lách tách gõ vào bàn phím cũng dừng. Chắc Paul bất ngờ trước câu hỏi của tôi. Tôi ngẩng lên nở một nụ cười. Phòng làm việc không có gương soi nhưng tôi biết là nó nhàu nhĩ, y hệt những ngón tay tôi và cả chiếc áo trên người, mấy ngày rồi chưa thay. Paul im lặng còn tôi tiếp tục cười, cho đến khi anh ta quay mặt đi, có lẽ để giấu cảm giác khó chịu (hay kinh tởm không biết chừng). Không có chuyện này thì anh ta cũng đủ ghét tôi lắm rồi.
Giờ ăn trưa cuối cùng cũng đến. Tôi xuống căng-tin mua một suất ăn nhanh. Lúc quay lại, tôi nấn ná ở hành lang, tận mắt chứng kiến Paul đi vào thang máy, mới bước về phòng. Cái bàn trống không của anh ta khiến tôi thấy bình tĩnh hơn. Tôi tự nhủ không gọi điện cho viên đại úy ngay. Tôi sợ hắn ta lại làm hỏng bữa trưa của tôi. Tôi sợ tối nay, trong tàu điện ngầm, lại phải dựa lưng vào những người bên cạnh. Tôi ngồi nhá bánh mì, và để bớt căng thẳng, mở một cuốn họa báo ra xem. Vượt qua hơn chục bộ ngực các loại, tôi dừng lại ở đôi vú trần vĩ đại của Emmanuelle Béart. Cô ta đang khỏa thân dưới nước. Mặt trời chói chang chiếu vào hai đầu vú đỏ nhòn nhọn. Cặp mông cũng tuyệt làm sao. Thấy rõ cả những sợi lông màu hung mịn màng. Chúng khiến suất ăn nhanh trở nên dễ nuốt hơn. Khúc bánh mì kẹp thịt hun khói trông thế mà cung cấp nhiều năng lượng ra trò. Uống xong cốc nước cam, đầu óc tôi sáng sủa hơn hẳn. Tôi nghĩ có lẽ sáng nay đói quá mà trở nên bi quan, rồi nhìn gì cũng thấy âm u. Sau đó lại nghĩ chút nữa, trước khi xuống tàu điện ngầm, sẽ ghé quán sách mua thêm mấy cuốn họa báo có Emmanuelle Béart, bộ ngực cô ta tôi không sao quên nổi, và đôi môi, tôi chưa từng thấy một đôi môi phụ nữ ngọt ngào như thế. Nhất định là chỉ nghĩ tới thôi cũng đủ rung động ở một chỗ nào đó. Tôi móc trong ngăn kéo ra thanh sô-cô-la mua tuần trước. Mấy ngày qua nó bị bỏ quên hoàn toàn. Tôi tự nhủ dù sao cũng phải nghĩ đến bản thân. Tôi chẳng làm gì nên tội. T mất tích thì cảnh sát cứ việc đi tìm. Tựu chung thì bỏ nhà ra đi không phải là một tội ác. Trong gia đình, chúng tôi không bao giờ sử dụng từ “bắt buộc”. Tôi không hét toáng lên yêu cầu nhà chức trách gọi cô ấy về thì thôi, cảnh sát có lý gì bắt tôi mấy bữa trưa liền gặm bánh mì khô giữa đám sổ sách nham nhở bụi bặm. Ngày mai tôi sẽ xuống căng-tin làm một bữa có cả dao lẫn dĩa và khăn ăn. Tôi sẽ thưởng thức khoanh bít-tết hai lạng và ly rượu vang êm, như Paul hay bất cứ đồng nghiệp nào trong công ty. Tôi lao động cật lực và cần được ăn uống đàng hoàng. Nói đúng ra thì công ty cũng không bỗng dưng mà chi nhiều tiền cho rượu vang và. Kinh nghiệm kế toán cho biết các vụ chi thêm cho căng-tin gắn liền với các dự án mới mà các sếp hò nhân viên làm việc như các tay chơi thúc gà chọi trên đấu trường. Để gà mình quật ngã gà đối phương họ cho nó ăn gan ngỗng béo rán vàng. Để dự án công ty mình đè bẹp dự án của đối thủ Đức, ban giám đốc bồi dưỡng chúng tôi bít-tết hai lạng và rượi vang êm.
Tôi nhìn đồng hồ, cảm giác yếu ớt lúc nãy cũng trôi qua, không hiểu nhờ bộ ngực Emmanuelle Béart hay thanh sô-cô-la Thụy Sĩ. Có lẽ cả hai. Các nhà nghiên cứu thực phẩm khẳng định chất ngọt mang lại cho con người cực nhiều năng lượng. Ý này thì không cần đọc trong sách giáo khoa sinh vật mà chỉ cần xem vô tuyến, mới đây mác kẹo Pháp nổi tiếng đã đưa ra một phim quảng cáo đẹp mắt, trong đó một thiếu nữ vừa mút kẹo vừa chạy dọc kè đá sông Seine, váy mỏng trong suốt để lộ cặp đùi dài luôn trong tư thế lao về phía trước, một xe ô-tô theo sát bên cạnh, kim vận tốc bất động ở số 80.
Còn nửa tiếng nữa mới hết giờ ăn trưa, tôi quyết định gọi điện cho viên đại úy. Tôi đã không còn ngại cả cảnh sát lẫn Paul, nhưng dù thế nào cũng không muốn tiếp chuyện Delon dưới sự giám sát của đồng nghiệp cùng phòng. Đầu dây bên kia không có ai cầm máy. Chuông reo lần thứ năm thì một giọng nữ hỏi muốn nói chuyện với ai. Tôi đưa tên đại úy. Giọng nữ hỏi tiếp có việc gì vậy. Tôi đưa tên T. Giọng nữ bảo đáng tiếc đại úy đang đi công tác. Tôi nói không sao, sẽ gọi lại sau, rồi đặt máy, thở phào.
Hết giờ ăn trưa, tôi ra máy tự động, tự thưởng một tách Capuchino. Cà phê Ý thơm lừng. Hóa ra các sếp cũng chịu chi thật. Không biết dự án mới quan trọng đến mức nào. Thấy Paul từ xa, tôi lấy thêm tách nữa. Hôm qua anh ta đãi tôi. Hôm nay tôi trả lại. Với Paul, tôi thấy cứ sòng phẳng cho xong chuyện. Lần đầu tiên từ mấy ngày nay, cảm giác yên tĩnh mới mon men trở lại, không biết trụ được bao lâu. Đợi Paul đến gần, tôi đưa cho anh ta tách cà phê, rồi vào phòng nhấc máy, bấm số tổng đài. Hắng giọng, và bằng một câu khá dài nhưng rõ ràng, tôi đề nghị cô thường trực rằng từ nay những ai không thuộc công ty mà muốn nói chuyện với tôi, nhất định cô ta phải hỏi ý kiến tôi rồi mới chuyển điện thoại. Cô thường trực có vẻ bất ngờ, im thin thít. Tôi thừa thế, hắng giọng lần nữa và nói thêm đó là luật chung của công ty, đừng để tôi bị ban giám đốc khiển trách đang giờ công sở mà làm chuyện cá nhân. Cô thường trực nghe xong, lí nhí trả lời : “vâng, thưa ông”. Tôi thấy khoái vì cụm từ “luật chung” có hiệu lực nhanh không ngờ. Với các đồng nghiệp, đặc biệt là các vị thường trực, cứ phải luôn luôn nhắc lại mớ thuật ngữ tùy thân: công ty, ban giám đốc, hỏi ý kiến, khiển trách, phê bình, thảo luận, thống nhất… Tập thể, tóm lại, là tấm áo giáp lý tưởng. Tôi soát lại mớ thuật ngữ, rồi dừng lại ở từ “quyền con người”. “Quyền con người” chợt nghe thì ngỡ chỉ mang tính cá nhân, nhưng thử nghĩ mà xem bao nhiêu tổ chức, bao nhiêu quốc gia nấp đằng sau nó. Hơn cả một tấm áo giáp lý tưởng, “quyền con người” còn là vũ khí khá ư lợi hại mà người ta sử dụng để thanh toán lẫn nhau. Điều này không học được ở sách giáo khoa vật lý mà chỉ cần xem vô tuyến truyền hình. Tổng thống Chirac trong tất cả các diễn văn đọc tại Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đều đem “quyền con người” ra dọa. Các nhà đối kháng của các nước thứ ba cũng đem “quyền con người” ra dọa. Những người tham gia biểu tình ở quảng trường Cộng Hòa cũng đem “quyền con người” ra dọa. Và hầu như ai cũng đạt được mục tiêu của mình: tổng thống Chirac kí giao kèo bán mười mấy chiếc Airbus cho hàng không Trung Hoa; các nhà đối kháng các nước thứ ba nhận giấy mời đến dự quốc khánh tại lãnh sự quán Hoa Kỳ; những người tham gia biểu tình ở quảng trường Cộng Hòa được nhà chức trách hứa tăng lương, gia hạn hợp đồng làm việc, hoàn 100% chi phí nhổ răng… Vậy thì tại sao tôi lại quên phéng “quyền con người”? “Quyền con người”, tôi thích thú lẩm nhẩm, vũ khí lợi hại của các quốc gia Tây Âu, áo giáp lý tưởng của các vị tai to mặt lớn, kế toán còm như tôi chỉ thỉnh thoảng khoác nhờ để tránh mấy viên đạn lạc. Và bao giờ cũng phải hắng giọng như thể chuẩn bị phát biểu một hệ trọng quốc gia. Hắng giọng, không hiểu thói quen của cấp trên nào đã trở thành mốt cho các cấp dưới, tôi cố mãi mà không bỏ nổi để đến bây giờ đâm lại được nhờ.
Không quay sang Paul, tôi cũng hình dung ra khuôn mặt tưng hửng của anh ta. Tách cà phê có lẽ đang run trong tay. Tôi biết thế cờ đã chuyển hướng. “Vâng, thưa ông”, có thế chứ. Vẳng trong óc tôi câu trả lời yếu ớt của cô thường trực tổng đài.
III
Bà vợ ông gác cổng bảo hôm nay ở mẫu giáo Hanah ăn uống kém lắm, bữa trưa hầu như không động thìa, lại muốn bỏ cả bữa phụ. Tôi im lặng. Bụng tôi tiếp tục cuộc đình công cách đây hai tư tiếng. Bữa trưa của tôi là suất ăn nhanh thảm hại (may mà có bộ ngực của Emmanuelle Béart hỗ trợ), tôi không có một bữa phụ nào cả, nhưng phải chép vào máy tính mấy chồng hóa đơn dày bằng gang tay. Vào làm ở công ty vài ngày tôi mới biết rằng ngoài phiếu trả lương, tôi còn phải gánh thêm việc thanh toán công tác phí cho nhân viên. Thực ra, trong hợp đồng làm việc có ghi, tôi đọc nhưng không mấy để ý. Trước đây tôi từng là kế toán cho một trường trung học, các giáo viên cả đời chẳng đặt chân ra khỏi biên giới nước Pháp, hiệu trưởng nếu đi thăm quan trường bạn thì ăn cơm chiêu đãi rồi ngồi tàu nhanh về nhà ngay trong đêm. Ngược lại, công ty bây giờ phải lập một ngân sách lớn cho công tác phí. Hóa đơn đa phần làm ở các nước Đông Âu, vài trăm đô-la một bữa cơm khách sạn bốn sao. Người Pháp hay nhắc đến món “porch” mà lính Sa hoàng sì sụp trong “Chiến tranh và hòa bình”, hóa ra chỉ nhắc trên sách vở. Hóa đơn đến tay tôi hầu như cái nào cũng bắt đầu bằng trứng cá đen và rượu vodka, rồi vịt rút xương, thăn ngỗng rán, gà non om, thỏ quay giòn… chỗ đâu mà dành cho xúp bắp cải chua, khách sạn bốn sao cũng chẳng nỡ đưa lên thực đơn đặc biệt. Không hiểu sao mỗi lần chép hóa đơn Đông Âu vào máy vi tính tôi lại thở dài. Ban giám đốc đọc xong không thở dài mà nghiến răng: “đớp gì mà khiếp thế không biết”, như thể chính tôi là kẻ đã ăn trứng cá đen và những món cao cấp kia.
Bà vợ ông gác cổng nhìn tôi chăm chú, dường như chỉ muốn hỏi xem tôi có tin tức gì của “bà nhà”. Thấy tôi kéo Hanah ra thang máy, bà ta vội vàng chạy vào bàn rồi quay ra đưa một tệp thư. Cái trên cùng phong bì to khác thường, không dán tem nhưng có chữ “khẩn” đỏ chói, góc trái đóng dấu “sở Nội Vụ thành phố”. Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì bà ta đã giải thích rằng trưa nay một người đàn ông phóng xe máy tới đưa bức thư này. Muốn cho câu chuyện có đầu có đuôi và hấp dẫn, bà kể thêm là anh ta đã leo bộ một mạch lên tầng năm, bấm chuông căn hộ nhà tôi, đợi mấy phút lại sang bấm chuông căn hộ bên cạnh, cũng không thấy ai thì xuống gõ cửa nhà bà ta, đưa xong bức thư rồi bỏ đi ngay, đầu vẫn đội mũ bảo hiểm xe máy.
Hanah đã lên giường đi ngủ. Từ mấy ngày nay, bữa tối của chúng tôi chỉ gồm đồ đông lạnh quay lò vi sóng. Thực ra nó chẳng ăn mấy, nhiều khi uống một cốc sữa nhỏ rồi lên giường. Tôi với nó hầu như không trao đổi gì với nhau, chỉ một lần duy nhất nó hỏi T đâu, tôi hơi ngại nhưng cũng trả lời một cách ngắn gọn là T mất tích, sau đó im lặng vì không biết nói gì hơn. Bình thường Hanah cũng ít chuyện, và cái tin T mất tích dù bất ngờ đến mấy cũng không thể thay đổi bản tính kiệm lời của nó, nếu không nói là con bé còn trở nên lặng lẽ hơn. Hanah có vẻ khác trẻ con cùng tuổi nhưng dù sao vẫn quá bé để hiểu được chuyện của người lớn. Tôi không thể giải thích cho nó rằng T mất tích không phải là lỗi của tôi, cũng chẳng phải lỗi của cô ấy. Ra đi hay ở lại là quyền của mỗi người. Tôi không có gì mà tâm sự với nó. Tâm sự với người thân là một điều tôi chưa từng nghĩ tới. Hồi còn nhỏ, tôi hay tưởng tượng ra trước mặt một con gấu lông xám rồi kể cho con thú nghe hết những trò quỉ quái như: chọc mù mắt con mèo nhà hàng xóm, nhìn trộm quần trong của cô giáo, sờ đùi đứa bạn gái cùng bàn… Mẹ tôi chưa bao giờ được ngồi vào chỗ của con gấu lông xám, bố tôi lại càng không. Tôi luôn được nghe các nhà sư phạm khuyên rằng phụ huynh phải trở thành chỗ dựa tinh thần cho trẻ nhỏ, để chúng không bao giờ phải giấu giếm điều gì.
Từ bé, tôi đã thấy lời khuyên này mâu thuẫn quá đáng: làm sao một đứa trẻ tin được rằng một người mẫu mực (thế mới trở thành chỗ dựa tinh thần của nó) lại có thể nghe nó kể lể mọi tội tình, nghe xong không đánh roi nào mà xoa đầu bảo đi chơi vui nhé. Một trong những bài học đầu tiên mà cuộc sống dạy cho con người là chỉ nên thú lỗi trong trường hợp biết chắc sẽ được tha thứ. Càng lớn, người ta càng áp dụng nó một cách hoàn hảo. Người ta mặc com-lê thắt cà-vạt (đôi khi còn chải đầu bằng va-dơ-lin) đến nhà thờ thổ lộ nỗi niềm cùng cha cố đạo, trong điều kiện cả hai phải ở trong một hộp kín, không nhìn thấy mặt nhau, không bị người thứ ba giám sát. Người ta cũng diện váy lụa và đeo nữ trang đến các khu giàu nhất thành phố để thổ lộ nỗi niềm với bác sĩ tâm lý, cũng trong điều kiện tương tự như trên: cả hai ở trong phòng riêng (có bình hoa và tranh phong cảnh), tuy đối diện trực tiếp với nhau nhưng mọi bí mật của bệnh nhân được giữ kín một trăm phần trăm, điều này không những được luật pháp bảo vệ mà còn được các tấm séc của bệnh nhân bảo đảm - phí bác sĩ tâm lý nhiều khi đắt gấp đôi bác sĩ chuyên khoa và đắt gấp ba bác sĩ đa khoa. Thời gian cuối, phòng khám tâm lý đánh bại nhà thờ: hơn hẳn các cha cố đạo chỉ biết nghe và tâu lại cho Chúa trời (nghe đã thấy cũ kĩ), các bác sĩ tâm lý sử dụng các thuật ngữ La-tinh và Sigmund Freud (nghe đã thấy khoa học) để tìm cách xóa bỏ tội lỗi cho bệnh nhân. Họ tài tình lôi từ cuộc sống riêng của mỗi người một chi tiết có thể giải thích được nguyên nhân tội lỗi - nếu bà không yêu con ruột của mình thì rất có thể vì bà chưa bao giờ được hưởng tình mẫu tử; nếu ông là một người chồng không chung thủy thì nhiều phần trăm là do vợ ông không đáp ứng được những đòi hỏi về tinh thần của ông (họ nhấn mạnh rằng tình dục cũng thuộc về tinh thần)… vân vân và vân vân.
Tóm lại, người ta đến gặp cha cố đạo hay bác sĩ tâm lý để thổ lộ nỗi niềm. Nhưng một vị luôn ngăn cách với người ta bởi bức vách kín đáo và một vị luôn đưa bút cho người ta kí séc thì khó lòng được đám đông ngày nay tin tưởng mà lấy làm “chỗ dựa tinh thần”. “Chỗ dựa tinh thần” chỉ là cụm từ đẹp mà các nhà sư phạm dạy dỗ các phụ huynh, rồi các phụ huynh sử dụng lại để dạy dỗ con cái, nhưng bọn trẻ có tin vào cái ấy không thì lại là chuyện khác. Phương Tây vẫn than vãn rằng phương Đông coi bác sĩ tâm lý là thứ vớ vẩn. Cá nhân tôi lại thấy đó chính là cái hay ho nhất hiện diện ở Á châu.
Đợi Hannah lên giường đi ngủ, tôi mới mở bức thư của sở Nội Vụ thành phố. Trái với dự đoán của tôi, chiếc phong bì to khác thường chỉ đựng một danh thiếp cỡ 15x20 in trên giấy cứng, ngoài những thông tin cần thiết như địa chỉ và số tổng đài sở Nội Vụ, còn ghi chức danh của Delon (chẳng hắn thì ai vào đây nữa), bên cạnh có một câu viết tay đề nghị tôi đến gặp riêng sáng thứ Hai tới. Tổng cộng mười từ mà lằng ngoằng hết cả danh thiếp. Thế mới biết chữ nhân viên cảnh sát còn ngán hơn chữ bác sĩ. Chữ bác sĩ chỉ gây ấn tượng cho các cụ già, nhưng chữ nhân viên cảnh sát thì khiến cả những người chưa già cũng khó ngủ.
Tôi cố hình dung lại chuỗi sự việc. Theo lời bà vợ ông gác cổng thì bức thư được chuyển đến đây trưa nay. Nhà tôi cách sở Nội Vụ khá xa, phải vượt nhiều ngã tư và một bùng binh thường xuyên gây tai nạn, có là tay lái lụa thì cũng phải mất bốn mươi lăm phút. Leo bộ lên tầng năm, hai lần gõ cửa và đợi cửa (cả căn hộ của tôi lẫn căn hộ hàng xóm), quay bộ trở lại tầng trệt, tìm căn hộ của các vị gác cổng, gõ cửa, bà vợ chắc chắn không mở ngay vì ngại bị phát hiện nhìn trộm qua ri-đô (ri-đô của các vị gác cổng bao giờ cũng làm bằng chất liệu rất lạ, trông thì dày cộm nhưng nhìn từ bên trong lại rõ mồn một các hoạt động bên ngoài). Tất tần tật không thể nhanh hơn mười phút. Bốn mươi lăm phút trên đường cộng mười phút là xấp xỉ một tiếng. Như vậy, bức thư được Delon viết khoảng 11h sáng, thậm chí có thể sớm hơn vì sau đó còn phải tìm nhân viên chuyển thư, nhân viên chuyển thư thế nào cũng phải ra máy tự động làm vài cốc cà phê cho ấm bụng, viên đại úy không chừng phải chạy theo mà năn nỉ. Trong khi đó, lúc 9h sáng, nghĩa là chỉ cách đấy có một tiếng, chính Delon đã gọi đến văn phòng, rồi qua Paul đề nghị tôi gọi lại vào giờ ăn trưa. Tại sao lại mâu thuẫn như vậy? Có phải vì không tin tôi sẽ gọi lại nên Delon đã viết thư triệu tập, để tôi không có cách nào mà từ chối: gọi điện ư? - 8h tối tôi mới về đến nhà, sở Nội Vụ đã đóng từ lâu (nhân viên sở Nội Vụ vô cùng tôn trọng luật làm việc 35 tiếng/một tuần); viết thư ư? - cả hai ngày cuối tuần bưu điện không làm việc (nhân viên bưu điện cũng vô cùng tôn trọng Martine Aubry).
Càng hình dung lại chuỗi sự việc, tôi càng không sao hiểu nổi viên đại úy. Delon muốn gì ở tôi? Chẳng lẽ hắn bắt tôi nghỉ làm một buổi sáng chỉ vì tấm ảnh chân dung của T? Tại sao tay nhân viên chuyển thư ấy lại không đưa ngay nó cho các vị gác cổng mà mò lên tận căn hộ của tôi, rồi gõ cửa như thể có ai đang ở trong nhà? Delon biết thừa tôi đã đến công ty (điều này được Paul chứng nhận) nhưng vẫn ra lệnh cho tay này gõ cửa nhà tôi, sau đó lại sang gõ cửa căn hộ bên cạnh, có phải để moi thông tin? Nhưng nếu muốn moi thông tin thì moi ở các vị gác cổng là được nhiều thông tin nhất? Không chừng các vị ấy đã cung cấp nửa tiếng thông tin? Giữa vợ chồng ông gác cổng và viên đại úy Delon, phải nghe ai bây giờ? Câu hỏi khiến tôi phì cười, đương nhiên là chẳng vị nào đáng một móng tay tin cậy. “Anh ta leo bộ năm tầng cầu thang”, “anh ta không tháo mũ bảo hiểm xe máy”, “anh ta đưa thư xong thì đi thẳng”… Bà vợ ông gác cổng tưởng tôi ba tuổi hay sao?
Tôi tiếp tục mở đống thư từ. Hóa đơn điện nước. Hóa đơn điện thoại. Ca-ta-lô đồ lót. Quảng cáo tắm nước suối Thalasso miễn phí (với điều kiện ăn hai bữa tại khách sạn)… Thư ngân hàng của T khiến tôi giật mình. Lâu nay tôi quên mất là T còn có một tài khoản riêng. Ngay từ đầu, chúng tôi đã mở một tài khoản chung cho mọi chi phí trong nhà, hàng tháng mỗi người góp vào đấy một số tiền như nhau. Sau ngày Hanah ra đời, số tiền ấy tăng dần và hầu như chiếm chọn lương tháng của cô ấy. Tài khoản riêng của T, mở từ ngày mới đến Pháp, theo thời gian teo tóp đến nỗi lâu lắm rồi không nhận được bảng kê khai thu chi hàng tháng (ít ra là tôi không còn nhìn thấy chúng trong nhà).
Bức thư ngân hàng của T để trước mặt. Mấy phút sau tôi vẫn không biết nên làm thế nào. Mở thư trộm dù sao cũng là một điều không hay ho. Nhất là thư thông báo tài khoản riêng. Với tôi, đó là bí mật tài chính của mỗi cá nhân. Chỉ cần hơi có kinh nghiệm một chút là kẻ đọc trộm sẽ rõ các hoạt động của đối tượng. Chẳng hạn, 48,60 euro, 8h05 ngày mồng một hàng tháng, là tiền vé tàu điện ngầm. Chẳng hạn, 10,30 euro, thứ Ba hàng tuần, là tiền mua xổ số cá ngựa. Chẳng hạn, 12,50 euro, 7h15 tối hôm qua, là tiền ba tờ họa báo chụp ngực Emmanuelle Béart… Tôi tránh đến ngân hàng cũng chỉ vì không muốn giáp mặt với những kẻ biết rõ bí mật tài chính của tôi. Có thể nói, tôi không chịu nổi vẻ mặt của các vị ấy. Tươi cười hay khinh khỉnh, cởi mở hay lạnh lùng thì vẫn có cái gì rất khó chịu, chẳng khác vẻ mặt của các vị gác cổng là bao. Nói cho cùng thì tất cả bọn họ giống nhau bởi đều nắm được các bí mật của người khác - một bên là bí mật tài chính, một bên là bí mật đời thường mà có kẻ còn gọi là bí mật nhân sự, tôi thấy cũng không phóng đại.
Đêm thứ Sáu, khu nhà cũng đỡ ồn hơn trong tuần. Qua rèm cửa sổ, chỉ thấy một màu đen thật đen. Thi thoảng vài vệt pháo sáng của lũ choai choai. Cảnh sát địa phương lâu lâu đến thăm bất ngờ để đem đi một hai đầu gấu, thế nhưng bọn trẻ vẫn không chán pháo sáng. Không hiểu chúng nó mua được ở đâu, và làm gì ra tiền mà mua. Các vị phụ huynh đổ lỗi cho Trung Quốc, đã sản xuất pháo sáng lại còn bán với giá rẻ mạt. Có lẽ vì thế mà họ ít chào T (với họ tất cả châu Á đều thuộc về Trung Hoa), đôi khi nhìn thấy cả hai vợ chồng nhưng chỉ lên tiếng chào mỗi mình tôi. Cách đây không lâu, một thằng bé thổi bong bóng xà phòng vào mặt T rồi chạy mất. T đuổi theo thì bị nó văng bậy và hét lên “đồ đĩ điếm”. Vừa hay tôi đi làm về, chân dài hơn nên túm được ngay, cho một cái bợp tai. Thằng bé bật khóc. Tôi hỏi tạo sao nó lại gọi T là “đồ đĩ điếm”. Nó im lặng một lúc rồi bảo “người lớn cả khu” đều nói thế, nó nghe được chứ không bịa ra. Tôi bắt thằng bé quay lại xin lỗi T, nó làm một cách hậm hực. Nhưng tôi không thể bắt “người lớn cả khu” xin lỗi cô ấy. Với dân Bắc Phi thì bất cứ ai lấy chồng da trắng đều là “đồ đĩ điếm”. Thực ra, chuyện này chẳng lạ gì ở Sài Gòn ngày trước: hàng xóm láng giềng của gia đình tôi cũng coi đàn bà bản xứ lấy Tây là gái làm tiền và chẳng bao giờ buồn mở miệng chào mẹ tôi. Và tuy mẹ tôi chẳng phàn nàn, tôi ngờ rằng bà không ít lần bị nhổ nước bọt sau lưng, thậm chí ngay cả trước mặt. Nhưng ba mươi năm đã trôi qua. Việt Nam thay đổi một cách chóng mặt. Bị bỏ rơi bởi các nước anh em xã hội chủ nghĩa cũng đang hoặc đói vàng mắt hoặc chia rẽ tơi bời, đồng bào yêu quí của tôi chỉ cần vài năm đã tiến bộ trông thấy trong cách đối xử với các quốc gia phương Tây (vốn bị coi là kẻ thù dân tộc, là văn hóa đồi trụy, là tư bản dãy chết). Ngày nay, giống như những nàng Lọ Lem tân thời, phụ nữ bản xứ lấy chồng ngoại được toàn thể xã hội Việt Nam chào đón nồng nhiệt. Không phóng đại, nhưng chính đó chính là lý do mà tôi vẫn ngần ngại không muốn cùng T quay lại Sài Gòn (cũng là nơi tôi đã sinh ra) : tôi sợ phải chứng kiến cảnh T ngượng ngùng khi được những người khác trầm trồ thán phục, « Trời ơi, sao mà lấy được chồng Tây vừa đẹp vừa giàu ! ». Ồ không, tôi không khoái đóng kịch, vai « bạch mã hoàng tử » lại càng không !
Đăng kí kết hôn buổi sáng thì buổi chiều tôi và T viết đơn xin nhà HLM. Trước đấy T đã là dân Clichy nên mọi thủ tục có vẻ thuận tiện. Hanah sinh được ít ngày thì chúng tôi nhận được giấy gọi từ tòa thị chính. Một người tự giới thiệu là phó phòng quản lý HLM của thành phố dẫn chúng tôi đi xem hai khu. Anh ta còn trẻ, nói nhiều và nụ cười thường trực trên môi. Tôi đã từng gặp các nhân viên môi giới bất động sản tư nhân và ngạc nhiên thấy anh ta chẳng khác gì họ. Có lẽ vì vậy mà năm năm rồi tôi vẫn hình dung lại anh ta một cách dễ dàng. Khu nhà đầu tiên mà chúng tôi được đưa đến đâm thẳng xuống đường cao tốc lớn nhất ngoại ô Tây Bắc, tôi không dám thò đầu ra ban công và lắc ngay lập tức. T im lặng còn anh ta cười bảo: “giao thông thế này thấm tháp gì so với Sài Gòn”. Sau thấy tôi cương quyết kéo T đi, anh ta nhún vai không bình luận thêm. Khu nhà thứ hai có vẻ yên tĩnh hơn, giá thuê nhà cũng cao hơn nên thang máy ít vỏ chuối và đầu thuốc lá, nhưng dù sao thì cái tên “Lối nhỏ thần tiên” cũng quá khiên cưỡng. Anh ta giải thích số chúng tôi may mắn vì gia đình thuê nhà trước đây ly dị nên vừa dọn ra hai căn hộ một phòng. Danh sách người xin rất dài nhưng chúng tôi được ưu tiên vì có con nhỏ và vì tòa thị chính rất quí kiều dân Việt Nam. Dường như thấy cả T lẫn tôi đều không nhạy cảm lắm với những từ “Sài Gòn” và “Việt Nam”, anh ta lên giọng kể vừa đi du lịch ba nước Đông Dương. T nhìn tôi, chúng tôi tiếp tục im lặng. Anh ta bảo thêm Việt Nam hay nhất, cơm Lào bứ kinh người còn Phnom-pênh sao mà bụi mù mịt, Trung Quốc thì không bao giờ có ý định đi, lý do là “nó chẳng nói với tôi điều gì”. “Nó chẳng nói với tôi điều gì”, anh ta nhắc lại hai lần liền. Tôi còn nhớ vẻ mặt của anh ta lúc ấy, mắt trợn lên còn cằm thì vênh vênh. Hình như ai khi nói câu đó cũng đều có vẻ mặt như vậy. Về sau, anh ta còn nhắc lại mấy lần nữa, nhưng tôi đã quên trong hoàn cảnh nào. Tôi và T đồng ý thuê căn hộ. Trên thực tế, chúng tôi chẳng còn lựa chọn nào khác chứ không phải vì nó “lý tưởng” và “rời ra một cái là có kẻ thuê ngay” như lời anh ta khẳng định. Chúng tôi không thể chia mãi với Hanah một diện tích hai mươi lăm mét vuông vừa để kê giường vừa để nấu ăn và thay tã. Suốt buổi thăm quan nhà, T chẳng đưa ra một lời bình luận. Ngay cả khi anh ta kể về Việt Nam. Ngay cả khi anh ta nhầm Sài Gòn thành Băng Cốc và Hội An là ngoại ô của Huế. Nói chung T ít nói. Không biết có phải cô ấy mặc cảm về trình độ tiếng Pháp. Tuy vậy, tôi cũng không cố tìm câu trả lời. Trong đầu tôi, đàn bà Việt, trừ dân làm ăn, còn lại đều kín đáo. Mẹ tôi là một ví dụ điển hình. Có những ngày, bà chẳng mở miệng nói câu nào. Không nghi ngờ gì nữa, vì lý do này mà để phá tan „sự im lặng kỳ quái“ (trong căn hộ của gia đình chúng tôi ở Pháp có mỗi bố mẹ tôi và tôi, ngoài ra còn thêm một bà giúp việc nhưng chỉ đến vài lần một tuần), bố tôi cứ về đến nhà là phải bật vô tuyến, và bao giờ cũng là một kênh ca nhạc. Đến độ giờ đây tôi có cảm giác nhớ giọng của các ca sĩ Nana Mouskouri và Françoise Hardi hơn là giọng của chính mẹ đẻ tôi. Đôi khi tôi tự hỏi: sự ít nói của bà có phải xuất phát từ nỗi buồn xa quê; nhưng tôi không tài nào có được câu trả lời chính xác. Càng ngày tôi càng tin chắc một điều rằng người sinh ra tôi là một bí hiểm khổng lồ. Khi còn bé, tôi vẫn nghe gia nhân trong nhà kháo nhau rằng mẹ tôi là „đồ con hoang“ (vì thế mà mặc dù lấy được chồng Tây giàu có, bà vẫn chẳng được họ hàng nào tới thăm và xin tiền). Sau này, tôi còn biết thêm điều này nữa: mẹ tôi cũng chẳng có bạn bè, cả ở Sài Gòn lẫn ở Pháp: ở Pháp, hầu như bà chẳng bước chân ra đường; ở Sài Gòn, bà rời nhà mỗi tuần một lần, nhưng để đi chơi tổ tôm trong một sòng bạc gần Chợ Lớn, nơi bà thường xuyên thua.
Bức thư ngân hàng của T vẫn khiến tôi bứt rứt không yên. Tại sao đang giữa tháng người ta lại gửi bảng kê khai chi thu cho T? Nếu T mới nhập tiền vào thì số tiền ấy ai đã cho T? Tôi chỉ thấy đôi lần T gửi tiền cho gia đình chứ chưa bao giờ nhận được tiền của họ. Số tiền này có dính dáng gì tới chuyện T mất tích? Tại sao viên đại úy lại nhấn mạnh rằng đây là “một vụ không đơn giản chút nào”? Tại sao cả hai thanh tra đồn cảnh sát địa phương đều nhắc đi nhắc lại “nếu có tin gì hay nhớ được điều gì thì liên lạc gấp”? Các vị ấy muốn tôi động não lên một chút? Các vị ấy đánh hơi được chuyện hệ trọng mà chưa tiện nói thẳng với tôi?
Tôi tìm cái kéo rồi bắt đầu cắt phong bì. Không ngờ tay run thế. Dự đoán của tôi không sai: ngân hàng thông báo số tiền 10.000 euro vừa được chuyển vào tài khoản của T. Bên cạnh không ghi thông tin cụ thể về người gửi, vỏn vẹn mỗi tên ngân hàng HB. HB, nếu tôi không nhầm thì Brunel sếp trực tiếp của tôi cũng có tài khoản ở đó. Tôi từng ngạc nhiên khi nhìn thấy tên ngân hàng trên phiếu trả lương của hắn. Đấy là lần đầu tiên tôi nghe thấy cái tên HB. Và bây giờ là lần thứ hai. Trong công ty không nhân viên nào mở tài khoản ở HB, có lẽ vì cái tên ấy nghe không rõ ràng lắm, có mùi made in China; các ngân hàng mà họ thường chọn là Crédit Lyonnais, Société Générale và Caisse d’Épargne, bảo đảm Pháp một trăm phần trăm. Nhưng giữa T và Brunel thì có liên quan gì với nhau? Hắn đã có gia đình và bà vợ là một người rất ghen thì phải. Vào công ty được một thời gian, tôi thấy hắn có một vết xước to ở đuôi mắt. Trong giờ ăn trưa ở căng-tin, các đồng nghiệp của tôi kháo nhau về chiếc nhẫn gắn mặt đá cỡ bự của sếp bà. Sau đó, họ còn ra hành lang uống cà phê, rồi vừa cười vừa nói không biết đùa hay thật rằng sếp bà có lần bất ngờ đỗ ô-tô trước cổng công ty và xộc lên phòng làm việc của chồng, da chảy mắt xụp mà nhuộm tóc, vuốt lông mi, bận mi-ni như gái mới lớn. Một đồng nghiệp còn hứng chí tuyên bố các tiền cũng không nằm cạnh. Một đồng nghiệp khác hất hàm (công ty lúc đó đang ở mốt hất hàm): các nửa triệu euro chắc là đồng ý. Người kia cũng hất hàm lại: chắc là hơn một chút. Những người xung quanh cười hưng hức, máy tự động không ngừng tuôn cà phê.
Tôi ngồi nghe từ đầu đến cuối mà chịu không hiểu họ ám chỉ cái gì. Từ đó, mỗi khi có việc đến gặp Brunel, tôi hay quan sát hắn và càng ngày càng thấy trước mặt là một bức tường. Nhưng dẫu thế nào thì hắn vẫn cho tôi cảm giác đã “được” hắn chú ý một cách không bình thường. Hắn chẳng đã hỏi “T có khỏe không” đấy thôi. Bây giờ thì tôi hiểu lý do khiến tôi bị bất ngờ không chỉ vì hắn biết tên T mà còn vì hắn phát âm nó một cách hoàn hảo, cứ như thể đó là một danh từ tiếng Pháp hắn từng đọc hàng trăm lần trong đời. Tôi chưa bao giờ đọc đúng tên T (lẫn tên của mẹ tôi). Những cái dấu trong tiếng Việt nghe nói rất rắc rối mà tên của T ghi trong hộ chiếu gốc thì gồm những hai dấu, cái trên cái dưới, lâu ngày tôi đã quên rằng chúng dành cho chữ U hay chữ A hay mỗi chữ một dấu. May mà không có dịp nào bắt tôi phải viết tên T bằng tiếng Việt (thực lòng mà nói thì tôi chưa bao giờ rơi vào tình huống bắt buộc phải viết cái gì bằng tiếng Việt: lúc nhỏ ở Sài Gòn thì tôi học trường Tây), và phụ nữ Việt khác phụ nữ Pháp ở chỗ bị đọc chệch tên mà không bao giờ cau mày cũng không ngoảnh mặt bỏ đi.
Thực ra tôi cũng ít có cơ hội để luyện cách phát âm tên T. Hầu như chúng tôi chẳng gọi đến tên của nhau bao giờ. Trong các gia đình khác, tên vợ tên chồng vang vang, rồi chồng gọi vợ là “em yêu của anh”, vợ gọi chồng là “anh yêu của em”. Tôi thấy ngượng mồm và T hẳn là còn ngượng hơn, nên chúng tôi chưa bao giờ gọi nhau như thế. Chủ nhật đi chợ nhớ mua bột giặt. Hóa đơn tiền chợ tuần trước đâu. Lại sắp đến ngày nộp thuế thu nhập… các hội thoại của T và tôi trống không, ai nghe được chắc phải thấy buồn tẻ lắm, nhất là chúng lại thường xảy ra vào các buổi tối, trong bữa cơm, khi cả hai đều mệt nhoài và Hanah uể oải nhai, từ các căn hộ bên cạnh vọng sang tiếng bát đĩa vỡ và tiếng đấm nhau thình thịch. Gọi là hội thoại nhưng tôi nói là chính, T hầu như chỉ gật và lắc. Tên riêng của tôi, T chưa gọi bao giờ. Cô ấy có thói quen đang nói ngang chừng thì dừng lại. Bây giờ cố gắng mấy tôi cũng chịu không nhớ nổi một câu hoàn chỉnh của cô ấy. Thế mà chúng tôi đã sống cạnh nhau sáu năm liền.
Ban đêm khu nhà thật tĩnh. Thậm chí “còn tĩnh hơn các khu đắt tiền”, phó phòng HLM của thành phố đã nháy mắt nói thầm vào tai tôi câu này. Lúc ấy tôi không hiểu, vì mải nghĩ xem có phải nháy mắt đang là mốt của tòa thị chính hay anh ta học được từ một hãng bán nhà tư nhân. Nhưng dù sao thì đêm đầu tiên trong căn hộ mới đã khiến tôi phải nhớ tới anh ta: tôi chưa từng hưởng một đêm nào tĩnh như vậy. Trước đây tôi trả một số tiền tương đương để được một phần ba diện tích và chục vị nữ láng giềng ban ngày đeo kính râm lên gõ cửa phê bình Hanah cổ họng to quá cỡ, nhưng từ 0 giờ trở đi thì vô tư thi giọng cùng phim porno. Các vị nữ láng giềng Bắc Phi hiện nay của tôi ồn ào thì vô cùng ồn ào, y hệt cách họ uốn chữ R thành mấy vòng xoáy, nhưng chưa đêm nào khiến tôi phải bật dậy lấy cán chổi hết gõ lên trần lại gõ xuống sàn, trước khi trả nhà cho chủ mất mấy buổi quét lại sơn và đánh lại véc ni.
Đã lâu tôi mới lại có dịp trằn trọc. Tất nhiên không phải vì các vị nữ láng giềng quí phái. Tôi mở cặp tìm vỉ thuốc an thần mới mua lúc chiều. Liều mạnh nhất là hai viên rưỡi. Dược sĩ pha chế chắc phải đại tài để sau mười lăm phút vật vã trên giường, tôi không nhận ra là mình đã thiếp đi. Tôi cũng không thể nhìn vào gương để thấy thân thể thảm hại tuột ra khỏi chăn và py-gia-ma, chiếc quần lót màu đậm im lìm, đôi mắt nhắm nghiền trên khuôn mặt cau có. Đêm nay, lò sưởi có bỗng dưng ngừng hoạt động thì tôi cũng không mở nổi mắt tìm cái gì mà đắp cho đỡ đau họng, sưng phổi hay đau bụng. Ngày mai là thứ Bảy. Sau ngày mai là Chủ nhật. Chưa tuần nào lại dài đến thế.
IV
Tôi tỉnh dậy khi trời mờ sáng. Việc đầu tiên là chạy ra mở tủ riêng của T. Sau này, bình tĩnh lại, tôi không lý giải được hành động ấy của bản thân. Nhưng khi mà sọ chỉ chực toác ra làm đôi, chân tay tôi muốn làm cái gì thật mạnh, đập phá chẳng hạn, đánh người chẳng hạn, như thể chỉ có cách đó mới chế ngự được cơn đau từ bên trong. Lạ thật, không hiểu sao với tôi lúc ấy, khám phá bí mật của T lại tương đương như việc đập phá hay đánh người.
Trái với tôi dự đoán, tủ riêng của T trống trơn, cả bốn ngăn kéo có thể nói không còn cả một hạt bụi. Hẳn là T đã dọn sạch trước khi đi. Nhưng dọn lúc nào thì tôi không hề biết. Vẳng bên tai tôi câu hỏi của viên đại úy Delon “trong tủ riêng không tìm được chân dung nào của bà nhà à?”. Hắn đã ôm bụng cười ở đầu bên kia, tôi nhớ lại những tiếng khục khục trong điện thoại. Nhưng lúc ấy, không mảy may nghi ngờ, tôi đã cho là lỗi của đường dây. Rồi cũng vì có Paul ngồi ngay trước mặt nên tôi mất hết hồn vía, chỉ mong chấm dứt cú điện thoại càng nhanh càng tốt. Delon cười vào mũi tôi. Với chức vụ đại úy, lại làm việc ở sở Nội Vụ thành phố, hắn không thiếu dịp bạt tai hay túm tóc các tay buôn thuốc phiện, các trùm dắt gái, các chủ đường dây bắt cóc trẻ em, các giám đốc và phó giám đốc trốn thuế… Hắn cười vào mũi một kế toán còm như tôi cũng phải. Chẳng cần mất công lên gặp cấp trên xin kí lệnh khám nhà và huy động cấp dưới leo bộ năm tầng cầu thang rồi gõ cửa nhà tôi lúc năm giờ sáng, hắn cũng rõ tủ riêng của T trống trơn, và chắc như đinh đóng cột rằng tôi chưa mở ngăn kéo nào bao giờ. Vâng, tôi từng đến tận cửa hàng IKEA mua về, mất nửa ngày lắp ráp và vặn đinh vít, nhưng sau đó tôi chưa mở ngăn kéo nào bao giờ, cả bốn cái.
Phòng ngủ của chúng tôi trên thực tế là hai phòng ngủ cá nhân gộp lại. Trong một ca-ta-lô quảng cáo đồ gỗ, tôi đã chọn được một bộ tàm tạm và không đắt, bao gồm giường ngủ, bàn nhỏ để đầu giường, tủ bốn ngăn kéo và giá treo quần áo - nghĩa là không thiếu một thứ gì nhưng được sản xuất cho phòng ngủ một người. Tôi đưa cho T xem và chúng tôi thỏa thuận đặt mua hai bộ. Sau đó, căn phòng tự động chia làm đôi đều đặn, chỉ có hai chiếc giường cá nhân là kê song song cạnh nhau. Tôi thấy như thế cũng hợp lý vì chúng tôi tuy ở chung phòng mà người này không hề làm phiền người kia. Tôi nhường cho T bên có cửa sổ.
Hồi là sinh viên, tôi từng cặp với một cô nàng cùng khóa cực kì khó ngủ. Thuốc an thần để mấy hộp ngay đầu gường. Chỉ cần người nằm cạnh ho khan một tiếng là bật dậy tìm vài viên. Bệnh khó ngủ là bệnh rất dễ lây. Mấy tháng sau, tôi còn khó ngủ hơn cả cô ta. Nhưng tôi không dùng thuốc an thần mà chuyển ra nằm đi-văng. Hết năm học thì chúng tôi chia tay nhau, không ai luyến tiếc. Mặt cô ta tròn hay vuông tôi đã bắt đầu nhầm lẫn từ lâu nhưng căn bệnh khó ngủ thì chẳng bao giờ dứt hẳn. Khi Hanah ra đời, tôi và T mỗi đêm chỉ chợp được vài tiếng. Thời gian đó thật khủng khiếp. Tôi đến công ty với cặp mắt thâm quầng, chốc chốc lại chạy vào toa-lét vã nước lạnh vào mặt. Vì lẽ đó, căn hộ HLM không ít khuyết điểm vẫn trở thành cứu nhân của cả gia đình. Mà nói cho cùng thì có cái gì là hoàn hảo. Nếu phải chứng kiến các vị đồng hương yêu quí của tôi đến xem nhà thì nhiều tay chủ nhà thà nhảy xuống sông Seine tự tử còn hơn. Lăm lăm trong tay cuốn sổ ghi chép, họ cho điểm từ gậm cầu thang đến giá đựng xà phòng. Thiếu quạt thông hơi - trừ năm điểm, lò nướng chạy bằng gaz chứ không bằng điện - trừ năm điểm, ngăn đá tủ lạnh hơi bé - trừ năm điểm, bàn thái thịt chưa được lắp đèn riêng - trừ năm điểm, công tắc điện không có phần bảo hiểm - trừ năm điểm. Một cái bếp không đến nỗi nào đã nhận điểm - 5/20, lão chủ nhà tức đỏ mặt nhưng khu phố tuy rộng lớn lại không có sông Seine mà nhảy xuống, và tôi đã thuê được căn hộ đầu tiên trong đời nhờ các vị đồng hương khó tính.
T không khó tính. Chúng tôi không cãi nhau về việc phòng khách có nên trải thảm, buồng tắm có nên lắp lò sưởi, ô-tô có nên gắn điều hòa. Nhìn chung, chúng tôi không bao giờ to tiếng. Nhưng thành thực mà nói, tuy không trách T bỏ đi, tôi vẫn không hiểu tại sao cô ấy lại làm như vậy. Số tiền 10000 euro vẫn hoàn toàn bí ẩn.
Giữa T và tay sếp Brunel của tôi có liên quan gì đến nhau? Câu hỏi không hề rời tôi một giây. Hai viên rưỡi thuốc ngủ chỉ đủ để thân xác không động đậy, còn trí nhớ tôi vẫn bồng bềnh như một đám mây và câu hỏi vẫn lượn lờ xung quanh. Có lẽ chính vì thế mà tôi thức dậy từ mờ sáng.
Tôi mặc quần áo xong thì vào phòng đánh thức Hanah. Chưa có bữa sáng nào ảm đạm hơn thế. Tôi cũng không nuốt nổi bánh sừng bò quay lò vi sóng nữa là con bé. Chúng tôi uống mỗi người một cốc sữa rồi lên đường.
Tôi không giải thích gì với Hanah, chỉ bảo nó phải gài dây bảo hiểm cho chặt. Trời vẫn còn sớm, mọi người vẫn đang làm giấc ngủ béo mắt của ngày cuối tuần, xe ô-tô chạy một mạch mười lăm phút vào đến địa phận Paris, rồi tới cửa ô của khu nhà giàu. Địa chỉ Brunel tháng nào chẳng ghi trên phiếu trả lương, tôi thuộc như lòng bàn tay. Đại lộ Victor Hugo. Quận 16. Chà chà, “những người khốn khổ” mà sống như thế này thì cũng nên khổ thật. Tôi tìm một chỗ đỗ xe kín đáo, vào quán báo gần đó mua một tờ, nhân tiện tìm gói kẹo mút cho Hanah. Ngày thứ Bảy của chúng tôi hứa hẹn nhiều bất ngờ.
Trang nhất đăng một cái tít lớn màu đỏ: “Cựu thị trưởng của chúng ta ăn chay trường?”. Bài báo kể về số tiền khổng lồ mà tòa thị chính thành phố Paris phải chi cho cái bếp của vợ chồng cựu thị trưởng, riêng tiền rau xanh mỗi ngày đã lên tới gần một nghìn quan. Tiền hoa quả ngót nghét hai nghìn. Tới đây, tác giả viết một cách khôi hài: “xin độc giả chớ vội mừng mà cho rằng các vị lãnh đạo của chúng ta đã biến thành những kẻ ăn chay trường, tiền xà lách xoăn và nho không hột chỉ chiếm một phần li ti trong cái bếp quí tộc ấy thôi”. Nói chung bài báo có nhiều chi tiết rất ngộ nghĩnh, không hiểu tác giả lôi ở đâu ra, có vẻ như chính cựu kế toán của văn phòng thị trưởng đã tiết lộ cho giới báo chí.
Hanah mút xong một cái kẹo rồi ngồi im ngó ra ngoài cửa kính. Đường phố đã có người qua lại. Một phụ nữ đứng tuổi, tóc đen, tạp dề trắng, xách làn nặng trĩu. Lúc đi ngang xe, mùi bơ tỏa ra thơm phức. Hẳn là người làm Mã Lai được cử đi mua bánh sừng bò nóng để các ông chủ bà chủ lót dạ đầu sáng thứ Bảy. Tôi thấy Hanah nhìn theo chị ta, mấy phút sau quay mắt nhìn hướng khác, hình như con bé thở ra một tiếng thật nhẹ thì phải.
Tôi lật vài trang báo. Trong mục Nghệ thuật, hai chữ “ngoại ô” và “Clichy” không biết bằng cách nào rơi trúng vào mắt, tôi vội vã nhìn xem người ta có tình cờ viết về khu nhà “Lối nhỏ thần tiên” của chúng tôi hay không. Tác giả (một chuyên gia Thụy Điển) kể rằng sau khi gửi đi câu hỏi “Ngoại ô đứng ở đâu trong văn chương nước Pháp?”, ông ta nhận được một số thư trả lời, trong đó có một bức của chủ tịch Viện Hàn lâm Pháp: “đồng nghiệp quí mến, tôi có cảm tưởng một tiểu thuyết vĩ đại của Pháp đã miêu tả rất mạnh cảnh trí của ngoại ô Paris, Clichy chẳng hạn. Tất nhiên là tôi muốn nói tới tác phẩm Hành trình đến tận cùng đêm tối của Céline, hoặc ít ra là phần thứ hai của nó”. Câu trả lời “rất hay ho” này kéo theo một lời bình luận chua chát của tác giả bài báo: “trời đất ơi, Céline là nhà văn Pháp duy nhất động tới ngoại ô Paris, và nếu tôi không nhầm, cuốn sách ấy viết từ những năm 30 của thế kỉ trước còn Céline thì chết từ đời nảo đời nao rồi”. “Với người Pháp, vấn đề ngoại ô không được đặt ra”, bài báo kết thúc một cách thê thảm, câu “la question ne se pose pas” được chuyên gia Thụy Điển viết bằng tiếng Pháp trong nguyên bản.
Đúng thế, Clichy và khu nhà “Lối nhỏ thần tiên” của chúng tôi chẳng bao giờ được các tác giả đồng hương để mắt tới. Trong tất cả các tác phẩm văn học mà tôi từng mất tiền mua để vừa đọc vừa ngủ thì cái quận quí tộc này xuất hiện nhiều hơn cả (không hiểu sao ngay các nhân vật thật nghèo cũng được các vị nhà văn tìm cho một căn hộ ở đây, và tất cả đều phát điên phát rồ vì cái vẻ “đặc Pháp” của nó - những cửa hàng sô-cô-la nho nhỏ, những góc phố be bé, những vườn hoa xinh xắn, những chiếc cầu mỏng manh…), đến độ dù chưa có dịp nào đặt chân đến, tôi cũng dễ dàng hình dung ra một số đồng hương của tôi đang sống ra sao.
Tòa nhà tay sếp bỗng dưng hé mở. Một gia đình ùn ùn kéo ra, ngoài ông bố và bà mẹ còn thêm năm đứa trẻ nữa (điểm giống nhau duy nhất của khu quí tộc và khu bình dân là tỉ lệ các gia đình đông con rất cao - điểm giống nhau duy nhất giữa đạo Thiên chúa và đạo Hồi là đàn ông không sử dụng ca-pốt, phụ nữ không được quyền nạo thai). Tôi đưa cho Hanah một chiếc kẹo mút nữa rồi bảo nó chịu khó đợi. Con bé chẳng nói gì, cũng chẳng buồn bóc kẹo. Đây là cái kẹo thứ tư nó ăn từ sáng, mà chưa được uống ngụm nước nào. Đoàn người Thiên chúa giáo rồng rắn ra khỏi cổng, tôi lẻn ngay vào trong.
Đèn chùm pha lê, gương mài cạnh, thảm đỏ và đá hoa cương dù sao cũng khiến chân tôi hơi chùn, chỉ lo vô tình sót lại vài dấu vết của dân ngoại tỉnh. Để các vị gác cổng yên tâm chuẩn bị bữa trưa (mùi cá xác-đin thoang thoảng trong không khí), tôi không sử dụng thang máy mà vòng sang cầu thang bên cạnh. Trên hộp thư mạ vàng óng ánh, tôi nhìn thấy họ tên của Brunel, bên cạnh ghi mỗi số II. Thế nghĩa là gia đình hắn chiếm trọn tầng đẹp nhất của tòa nhà, hay tầng “danh dự” như các vị quí tộc vẫn gọi, tầng “được người Mỹ người Nhật tìm nhiều nhất” như các hãng bất động sản vẫn in chữ đậm trong quảng cáo.
Cầu thang không một bóng người. Từ căn hộ khổng lồ của tay sếp những tiếng động nho nhỏ vọng ra, vừa đủ nhỏ để có áp chặt tai vào cửa cũng không biết được điều gì đang xảy ra bên trong. Thế mới biết các cụ kĩ sư xây dựng của chúng ta ngày xưa xây tường giỏi thật: mùa hè mát, mùa đông ấm, và vô cùng cách âm. Mấy bức tường “Lối nhỏ thần tiên” của chúng tôi được xây cách đây mươi năm mà có hiệu quả ngược lại hoàn toàn: mùa hè nóng, mùa đông lạnh, và chỉ cần đi ngang cửa là nghe trọn vẹn các đối thoại từ phía bên kia, đủ để hiểu đâu là vô tuyến đâu là trong phòng bếp, đủ để hình dung thằng anh tát con em mấy lần, ông bố hất cái đĩa xuống sàn đòi về cố hương cưới vợ lẽ, bà mẹ mếu khóc vì vợ lẽ lại là con em họ nhà bà cô bên nội… Có vẻ như các kĩ sư xây dựng thời nay không nhiệt tình lắm với kĩ thuật cách âm cho nhà HLM. Theo họ, ở các gia đình Bắc Phi, nhu cầu âm nhạc còn lớn hơn mọi đức tính kín đáo khác và người nước ngoài không thể sống cô đơn. Chính phủ chắc hẳn cũng rất đồng tình. Hàng năm người ta vẫn tiếp tục khánh thành trọng thể vài “Lối nhỏ thần tiên”, thị trưởng đọc diễn văn, đại diện của các bộ và các đảng vỗ tay nhiệt tình, các căn hộ “ra đi rất nhanh”, danh sách người xin “không bao giờ ngớt”, đúng như báo chí bình luận.
Cánh cửa vụt mở. Tôi chạy vội lên tầng ba. Một phụ nữ lớn tuổi đi ra, theo sau là một thằng trai trẻ. Các đồng nghiệp của tôi trông thế mà có năng khiếu tả thực, tôi nhận ra sếp bà ngay từ sau lưng: tóc nhuộm vàng hoe, mi-ni ngang đùi, nhưng tất dài chất lượng tuyệt hảo có lẽ chỉ giúp đỡ các nốt tàn nhang chứ bó tay trước các vết nhăn và hai đầu gối mang hình củ lạc. Thằng trai trẻ bỗng ngửng đầu lên để tôi thấy rõ một khuôn mặt nõn nà, mắt xanh biếc, tóc bồng bềnh. Dáng người nó cũng không chê được điểm nào. Thuôn thả và hừng hực sức sống. Có cảm giác vừa từ ca-ta-lô quần áo bước ra. Tôi nghe nó gọi sếp bà là mẹ. Rồi cả hai nắm tay nhau chui vào thang máy. Hai bộ đồ trắng lốp từ đầu tới chân.
Tôi tiếp tục ghé tai vào cửa. Bên trong vẫn vẳng ra tiếng động. Tay sếp không biết đang làm gì. Tôi đi thêm vài vòng cầu thang rồi xuống tầng trệt. Phải kiếm cái gì cho bữa trưa.
Cửa hàng bán bánh một hàng rõ dài. Giá cả đắt gấp đôi Clichy. Cô bán hàng đưa cho tôi hai khúc bánh mì kẹp, hai chai nước khoáng mà tính nhẹ nhàng 28 euro. Tôi hơi hoảng thì cô ta cười cười đưa cho đôi khăn giấy màu đỏ in hoa nổi. Đi được một đoạn, tôi mới hiểu nụ cười của cô ta. Bộ dạng của tôi làm sao qua được mắt các cô bán bánh. May mà lúc nãy không chạm mặt vị gác cổng nào. Tôi quên phắt rằng hàng xóm nhiều khi không biết ai vào ai chứ các bà gác cổng và các cô bán bánh thì thuộc mặt, kể tên, thông thạo lý lịch mấy đời dân khu phố. Không thế mà các thám tử tư mỗi khi có việc đều đến gõ cửa tâm sự với bà gác cổng, sau đó ra mở hàng cho cô bán bánh đôi sừng bò.
Vừa gặm bánh mì với Hanah, tôi vừa tính chút nữa quay lại mua chút kẹo cao su rồi nhân tiện xin cô bán bánh ít thông tin về gia đình Brunel. Nhưng bao giờ thì cái hàng người kia mới biến hết?
V
Hai mươi phút sau. Cô bán bánh nháy mắt bảo: “hỏi gì thì nhanh nhanh nhé, sắp đóng cửa nghỉ trưa rồi”. Bộ ngực của cô nàng đồ sộ, tuy không hoàn hảo như của Emmanuelle Béart nhưng khiến tôi liên tưởng đến cặp bánh mì gối, nồng mùi bột ủ chua. Đường thưa dần người. Chuông nhà thờ bính boong mười ba tiếng. Tôi nhìn vào cặp bánh mì gối, rồi chỉ vào hộp kẹo cao su xin mua một tệp. Cô nàng cười cười kéo lại xu-chiêng, nhẹ nhàng bấm máy tính 5 euro rưỡi. Không phải đắt gấp đôi mà gấp ba Clichy. Đưa cho tôi, cô nàng nháy mắt lần nữa: “không muốn hỏi gì à?”. Công nhận cô nàng láu lỉnh thật, biết thừa tôi loanh quanh từ nãy đến giờ đâu phải đợi mua mấy cái kẹo chữa ho. Không chừng lại tưởng tôi là thám tử tư cũng nên. Tôi bỗng dưng xốc lại cổ áo, liếc vào tấm gương đối diện. Cặp bánh mì gối quả là hấp dẫn, trời thì lạnh mà chúng bốc hơi ngùn ngụt: dù sao thì tôi cũng là con người, một con người “bình thường” không cần hơn kém. Tôi nuốt nước bọt rồi đưa đẩy: “bọn Brunel có căn hộ khiếp nhỉ”. Cô nàng nghe xong nhếch mép: “bố mẹ vợ làm chủ cả tòa nhà ấy chứ đùa à”. Tôi chợt nhớ tới lời cá cược của các đồng nghiệp. Các vị mà tận mắt chứng kiến căn hộ trên tầng “danh dự” thì phải thay đổi ý kiến về trị giá của sếp bà. Chắc chắn không phải là nửa triệu mà vài lần hơn thế, khéo chục lần cũng nên. Brunel cáo không ngờ. Cô nàng lại bảo: “nhưng cũng chẳng biết đâu mà lần, đã nhìn thấy thằng trai trẻ chưa?”. Tôi vội vàng gật đầu. Cô nàng hạ giọng: “con nuôi đấy nhé”. Tôi mở to mắt. Cô nàng hạ giọng hơn: “nuôi từ năm lên mười cơ đấy!”.
Tôi đi ra ngoài mà không hết bàng hoàng. Cuộc đời cũng phức tạp ra trò. Hèn nào mà mụ vợ Brunel và thằng trai trẻ âu yếm nhau chẳng khác tình nhân. Lại còn ở cùng nhà, khéo lại dùng chung buồng tắm, gãi cho cái lưng, xoa giúp cái gáy, bóp hộ cái đùi. Và mười giờ vàng ngọc khi Brunel hì hụi gõ máy tính ở công ty. Rồi mỗi năm vài lần khi Brunel co người trên máy bay đi kiểm tra dự án nước ngoài. Rồi tuần nghỉ đông hai mẹ con đưa nhau đi trượt tuyết, mấy tháng mùa hè hai mẹ con nằm ngửa ở Địa Trung Hải, Brunel luôn luôn không đến được vì bận họp với cấp trên, bận chỉ thị cho cấp dưới, bận chiêu đãi đối tác Đông Âu… Tôi đồ rằng Brunel không ghen (một mụ xấu như thế thì có gì đáng ghen), nhưng hẳn là rất thận trọng và cách tốt nhất là càng tránh được thằng trai trẻ chừng nào càng tốt chừng đấy. Ngay cả thứ Bảy cũng để hai mẹ con tự do bát phố. Và thằng trai trẻ diện mới oách làm sao!
Tôi và Hanah bỏ bánh mì ra ăn. Nó nhai chậm chạp, có vẻ như bánh mì khu nhà giàu cũng chẳng khác bánh mì Clichy là mấy. Ăn xong, nó tự mở nước, uống một hơi hết sạch rồi ngả lưng ra ghế, nhắm mắt lại. Tôi cứ ngỡ nó sẽ làm một giấc ngon lành. Giờ này cũng là giờ ngủ trưa ở lớp mẫu giáo. Thế mà con bé loay hoay quay phải quay trái. Hẳn là để đỡ phải thở dài. Nó biết bây giờ chỉ có hai người ngồi trong xe, giữa con đường vắng ngắt, tiếng thở dài của nó dù nhẹ đến mấy vẫn đến được tai tôi. Tôi không có gì để tâm sự với nó thì con bé cũng chẳng có gì để tâm sự với tôi. Thở dài chẳng qua cũng là một cách tâm sự, có khi còn mệt hơn cả tâm sự thường. Tôi liếc mắt nhìn sang nó cũng thấy nó liếc mắt ngó sang tôi. Không hiểu nó nghĩ gì trong đầu.
Tôi thấy thèm được quay về nhà, tìm một chỗ ấm áp trên giường, ngủ một giấc không cần hai viên rưỡi thuốc an thần. Thật là vô lý! Sao tự dưng tôi lại lôi Hanah đến cái chỗ quỉ quái này rồi mất ngày mất buổi với các vị nhà giàu, các vị nhà giàu chơi đồ trắng từ đầu tới chân, các vị nhà giàu khác tôi một trời một vực. Chị ô-sin tạp dề trắng. Gia đình Thiên chúa giáo lúc nãy cũng đồng phục trắng. Trong hàng người mua bánh vừa rồi hẳn hơn nửa là quần tây trắng, áo choàng trắng, mũ phớt trắng, khăn lông trắng… Cô bán bánh cười cười là phải (váy xòe của cô ta cũng trắng nõn trắng nà). Chẳng cần thuộc mặt thuộc tên dân khu phố, cô ta thừa biết cái áo không màu của tôi có đem cho ông gác cổng hay anh lái xe thì họ cũng đem về Bồ Đào Nha tặng lại cho ông gác cổng và anh lái xe của họ. Các vị kia có chịu diện nó hay không thì chẳng ai hay. Dân nghèo Bồ Đào Nha đang mải xây mộng đẹp cùng tân tổng thống, nghe nói tuy cánh hữu nhưng cực kì thương người, hy vọng thế nào cũng nhập khẩu mấy cái HLM made in France về cho ngoại ô nóng của Lit-xbon.
Tôi bỗng khát khô cả họng nhưng chưa kịp mở chai uống nước thì thình lình Brunel xuất hiện trước cổng nhà. Bộ quần áo trắng khiến tôi không nhận ra hắn ngay lập tức. Mọi khi đến cơ quan hắn ăn mặc bình dân hơn (dù sao thì phiếu trả lương của hắn cũng còn đứng sau cả chục phiếu trả lương khác). Và nếu tôi không nhầm thì hàng ngày hắn đi làm bằng tàu điện ngầm. Tôi có lần từng chạm mặt hắn dưới bến nhưng hắn ngó lơ sang hướng khác còn tôi thì lôi báo ra đọc, khi tàu đến không thấy hắn đâu, có thể đã lui sang toa khác. Đấy là lần đầu tiên một cấp trên chấp nhận nhường tôi. Có lẽ vì ở nơi công cộng. Hèn nào cứ ra khỏi công ty là các sếp không thích gặp nhân viên. Tôi ngờ tổng giám đốc công ty mà vô tình qua đại lộ Victor Hugo chắc cũng không hài lòng. Căn hộ xấp xỉ năm triệu euro của vợ Brunel thì tổng giám đốc phải vật lộn thêm mấy đời nữa mới mơ có ngày được cầm chìa khóa.
Brunel ngó trước ngó sau. Đường phố không một bóng cụ già. Ban công không một bóng mèo mướp. Giờ này, mỗi cụ già một mèo mướp gật gù phim truyện nhiều tập.
Rất nhanh, Brunel lao đến chiếc xe hơi đậu ngay bên đường. Xe hơi của hắn cũng trắng y hệt bộ quần áo hắn bận trên người, không một vết trầy, cứ như vừa đục hộp. Đưa cho Hanah chai nước, tôi nổ máy, quay tay lái và ra hiệu cho nó khóa dây bảo hiểm. Một phút sau, xe tôi sau xe Brunel khoảng trăm mét. Chiều thứ bảy, khoảng cách như thế là hợp lý. Mũ len kéo xuống, khuôn mặt tôi bị che kín hoàn toàn, mỗi hai con mắt là mở to không chớp.
Brunel có vẻ rất thạo đường. Chiếc xe trắng lốp chọn toàn đại lộ lớn và chỉ giảm tốc độ ở ngã tư có đèn đỏ. Tôi theo sau như một cái máy, nhiều khi không kịp nhìn tên phố, không kịp biết đèn đang xanh hay đỏ, có vi phạm đường dành riêng cho tắc-xi. Cảnh sát giao thông có lẽ cũng linh động ngày nghỉ cuối tuần.
Đến gần vườn Luxembourg, Hanah bảo nó buồn tè quá. Trong lúc tôi chưa biết giải quyết thế nào thì mấy xe khác bỗng từ đâu chen tới, sừng sững trong đó một chiếc Range Rover màu bạc, đít vuông, biển số ngoại giao. Xe Brunel thoát khỏi tầm nhìn, màu trắng của nó lúc ẩn lúc hiện như trêu người. Tôi cau có quay sang Hanah. Con bé bất động ngó ra cửa sổ. Qua được đoàn xe mất dạy thì gặp một toán du lịch Nhật Bản đi thành hàng hai, com-lê cà-vạt, vừa chụp ảnh vừa quay phim Panthéon, hướng dẫn viên nói một câu dài, nghe thấy cả “François Mittérand” và “Victor Hugo”, theo báo chí thì đó là hai danh từ tiếng Pháp thịnh hành nhất ở châu Á, sau hai danh từ khác là Alain Delon và Sophie Marceau.
Khi trước mặt tôi là quảng trường Italie thì xe Brunel biến mất hoàn toàn. Biển người mênh mông, túi xách vàng của siêu thị Tang Frères dập dìu.
Tôi cho xe dạt vào một vệ đường, hy vọng hắn sẽ quay lại. Năm phút sau, tôi biết hy vọng ấy thật là mong manh. Không biết vì mùi cơm châu Á hay vì cơn buồn tè mà Hanah nhấp nhổm. Tôi mở cửa xe dắt nó vào một quán ăn Trung Hoa. Ông chủ quán chạy lại vuốt má Hanah, khen con bé xinh rồi chìa cho tờ thực đơn ép ni-lông đỏ. Tôi gọi “hai chả giò, một Shingtao”. Khi chúng tôi từ phòng vệ sinh đi ra thì được chỉ đến một cái bàn bày ngoài vỉa hè. Tôi nghĩ như thế cũng may, vừa trông xe vừa đợi Brunel mà vẫn có thể ăn uống thoải mái. Hanah tỏ vẻ hài lòng. Lần đầu tiên từ mấy ngày nay, tôi thấy mặt nó linh động trở lại. Nó ăn một mạch hết đĩa nem. Tôi mua cho nó cốc nước cam. Ông chủ quán lúc bưng ra lại thưởng thêm chiếc kẹo lạc. Con bé nhìn tôi mỉm cười. Bia Shingtao leng keng vài cục đá. Vỏ nem lạo xạo trên môi.
Đây không phải lần đầu tiên tôi tới khu châu Á. Tuy T không nấu cơm Việt Nam nhưng một năm cô ấy cũng đến đây vài lần. Ngày mới quen, đôi khi tôi cũng đi theo T. Chúng tôi vào ăn ở một quán nhỏ nhưng rất đông, phải đợi cả tiếng mới đến lượt, khách hàng dồn đống cạnh bể cá chép vàng. Tôi thuộc lòng hai từ “chả giò” và “cơm chiên tổng hợp”, còn cô ấy thì lần nào cũng ăn một đĩa rau xanh trộn rất nhiều thứ, có vẻ như cay xé lưỡi. Lúc về, chúng tôi rẽ chợ mua thêm đồ ăn sẵn. Từ ngày có Hanah, tôi và T chẳng bao giờ đến đây nữa. Món nem quả là ngon nhưng nếu phải đi xa và đợi lâu thì cũng chùn chân. Mùi cơm châu Á dần dần cũng biến mất khỏi kho vị giác của tôi, như nó từng biến mất ít lâu sau khi mẹ tôi qua đời. Lúc bà còn sống, chúng tôi cũng ít có dịp ăn món Việt. Có lẽ bởi thành phố nơi chúng tôi ở quá nhỏ, lại xa Paris, không có quán ăn nước ngoài, còn các siêu thị hay cửa hàng tạp hóa đều chỉ phục vụ khách hàng người Pháp. Dù sao thì tôi cũng không có cảm giác mẹ tôi khổ sở vì thiếu ẩm thực quê hương: ngay cả lúc ở Sài Gòn, chúng tôi cũng ăn cơm Tây. Ngày trước, tôi không mấy để ý, nhưng lớn lên thì tôi hiểu rằng mẹ tôi khác hẳn các đồng hương Hà Nội của bà, những người nổi tiếng cầu kỳ trong việc ăn uống, hiếm khi động đũa đến các món ăn ngoài Hà Nội. Năm 1954, di cư vào Sài Gòn, các cựu công dân thủ đô thanh lịch túm tụm lại quanh khu Đa Kao, có vẻ như để đỡ đần nhau thì ít, mà để đoàn kết chống lại ẩm thực Nam kỳ thì nhiều.
Ông chủ quán lại gần mang đi hai cái đĩa bẩn rồi hỏi có ăn gì nữa không. Tôi lắc đầu. Từ sáng tới giờ tôi đã tiêu linh tinh không ít tiền. Nên nhớ là bây giờ tôi phải trả toàn bộ chi tiêu trong gia đình (từ tiền thuê nhà đến tiền điện nước, điện thoại) lại gánh thêm cả tiền giữ Hanah của ông bà gác cổng. Nghề kế toán luôn kéo hai chân xuống đất chứ không để chúng bay bổng theo mây lên trời. Tôi nhạy cảm với các con số. Tôi không lãng mạn. Ngay từ lúc bé, tôi đã quyết định sau này không bao giờ chọn nghề lãng mạn. Đến bây giờ, tôi vẫn cho đó là quyết định sáng suốt nhất mà tôi đã có.
T cũng không lãng mạn. Cô ấy không rưng rưng đòi tôi đưa đến các buổi lễ lạt đồng hương. Trên thực tế, chúng tôi đã thử một lần để từ đấy không bao giờ quay lại. Cả buổi mọi người túm tụm thành từng nhóm nhỏ nhai nem nguội và bàn bạc cái gì không rõ, tôi phải tiếp chuyện một thằng cha bụng phệ người Marseille, đau tai vì mấy tiếng liền kinh nghiệm tán gái Hà Nội của hắn. Hắn khoe là mới cưa đổ một em cực đẹp, chân dài mét hai, “nói chung là bốc lửa”. Hắn sẽ cho em tiền xây nhà để hàng năm về trốn mấy tháng mùa đông. Khi tôi đi, hắn còn nằng nặc đưa tôi danh thiếp, hóa ra hắn làm chủ một trang trại nuôi ngỗng béo ở miền Tây Nam, gần Dordogne. Gan ngỗng béo là món được người Pháp tôn thờ và chịu chi tiền. Hắn không nghèo đâu. Sau này, tôi biết thêm rằng trước khi sang Việt Nam, hắn bị trầm cảm nặng vì đã lấy mấy vợ mà vợ nào cũng lần lượt bỏ hắn ngay sau lễ Giáng Sinh, khi đã phải giúp hắn mổ thịt và moi gan toàn bộ đàn ngỗng của trai trại. Vì vậy mà Hà Nội đã trở thành thiên đường với hắn: trời nắng gần 365 ngày / một năm và con gái Hà Nội không hỏi đàn ông phương Tây anh ta làm nghề gì mà hỏi anh ta có bao nhiêu tiền trong tài khoản. Tôi ngờ là hắn nốc viagra đều đặn.
T cũng không nằn nì đòi tôi phải mua vé cho cô ấy về nghỉ hè hay đón Tết ở Sài Gòn. Chị Xuân mỗi năm về thăm gia đình hai lần, lần nào quay lại Paris cũng khóc sưng cả mắt. Từ ngày quen tôi, T chưa về thăm gia đình lần nào. Ngay lập tức T có mang, sinh Hanah, rồi dọn nhà, nửa năm sau vẫn chưa mở hết thùng các-tông. Tài khoản của chúng tôi phập phà phập phồng, chỉ cần vô ý là xin vài lỗ thủng. Không phải là tôi không định đi chơi Việt Nam, nhưng chưa kịp bàn với T thì cô ấy đã biến mất, hay “mất tích” như thuật ngữ của cảnh sát.
Nhưng tôi tin rằng một trong những điều dễ chịu nhất ở con người T là cô ấy chưa bao giờ bắt tôi phải nghe tâm sự. Bởi vì ngay cả khi không có vấn đề về ngôn ngữ, tâm sự vẫn là một thể loại không bệnh hoạn thì cũng lãng mạn. Chỉ nên coi nó không hơn không kém một buổi đến khám bệnh bác sĩ tâm lý hay một buổi xưng tội với cha cố đạo, nghĩa là việc cá nhân của một con người chứ chẳng liên quan gì đến ai khác. Tóm lại, tôi cho rằng kể lể sự đời là một cách tra tấn tương đối hữu hiệu. Tôi có kinh nghiệm chứ không nói suông.
Thời gian sau khi chia tay nàng sinh viên cực kì khó ngủ, nằm nhà xem phim porno mãi cũng chán, tôi đành lang thang ở các buổi tụ tập. Thực ra chẳng khó vì khi ấy tôi vừa nhận bằng tốt nghiệp và xin được chân kế toán trong một trường trung học dạy nghề. Của đáng tội, mặc dù trường hay tổ chức hội hè (có lẽ đó là cách tiêu khiển duy nhất vì chúng tôi ở một thị trấn nhỏ, cách thủ đô 50km) nhưng tôi không hứng khởi tham gia cho lắm. Không biết có phải do ảnh hưởng của nghề nghiệp mà các nữ giáo viên trẻ thường nói to và dõng dạc, phê bình xong rồi còn bắt nhận lỗi. Tôi vẫn nghe họ nói với ông đầu bếp căng-tin: “cái món (gà quay, cá sốt kem, rau xào…) hôm nay mặn thật, có đúng là anh đã bỏ muối quá tay”. Giọng sang sảng như thể đang hướng vào lũ học sinh. Ông đầu bếp là một người hiền lành, nghe thế thì chỉ cười chứ không phản ứng (cũng có thể vì thế nên thường xuyên bị bắt nạt). Quần áo của các nữ giáo viên trẻ dường như cũng phải cố để theo kịp tác phong nhà giáo. Các cô nàng thường mặc áo dài tay, quần ống đứng hoặc váy chùm. Tôi cho là không chỉ riêng tôi mà các vị nam giới trong trường đều thích liếc trộm bọn nữ sinh chưa vị thành niên hở rốn hở ngực hơn là ngắm công khai các nữ đồng nghiệp trưởng thành và nghiêm túc.
Sau một buổi liên hoan cuối năm, tôi ra đến cổng thì một nữ giáo viên chạy lại đề nghị đi nhờ xe. Thực ra suốt tối, tôi đã được cô ta để mắt theo dõi từ đằng sau. Có lúc còn cố tình đụng vào tay. Chúng tôi vẫn nhìn thấy nhau trong trường nhưng chưa bao giờ tìm cách nói chuyện riêng. Hôm ấy, tôi để ý thấy mặt mũi cô ta không đến nỗi nào, và nhân dịp liên hoan nên cô ta bận một chiếc váy khá ngắn, để lộ đôi đùi hồng hồng không biết có phải vì đánh phấn. Tôi vui vẻ gật đầu và cô ta chui ngay vào ghế bên cạnh. Mấy ly sâm-banh vừa uống với bánh ngọt khiến chúng tôi cùng trở nên chếnh choáng. Cô ta đặt tay lên đùi tôi, miệng chiêm chiếp một thứ âm thanh khó khăn. Bàn tay cô ta nóng và ướt đẫm nước. Khi đến cửa, cô ta bíu chặt lấy tôi rồi kéo vào nhà. Cô ta chỉ muốn lao ngay lên giường, cố tình không tháo cả áo khoác. Tôi không kịp cởi bất kì cái gì trên người. Cô ta khỏe và có vẻ như đã lâu không sờ đến đàn ông. Nhiều lúc tôi có cảm giác bị cô ta chỉ đạo hoàn toàn. Âm đạo của cô ta tiết ra một mùi rất mạnh khiến tôi thiếp đi lúc nào không hay. Nửa đêm thì tôi thức dậy, không phải vì lạ giường (tôi quá mệt để nhận ra điều ấy) mà vì khói thuốc lá của cô ta. Căn phòng mù mịt. Lính cứu hỏa có thể lao đến phá cửa. Mà cô ta vẫn điềm nhiên nửa nằm nửa ngồi ngay cạnh tôi, đôi đùi vẫn hồng hồng (cả những chiếc lông xoắn cũng hồng), tay cầm gạt tàn, miệng phì phèo nhả khói (mốt mới của các nữ sinh trung học). Nhưng khói thuốc không làm tôi hãi bằng kho tâm sự mà cô ta bỗng dưng trút hết lên giường ngủ. Có lẽ vì lâu lâu mới có một anh chàng dễ bảo nên gặp cơ hội là cô ta quyết tận dụng bằng hết. Cô từng hăm hở rút rỗng thân xác tôi thế nào thì bây giờ lại hăm hở trút đầy tâm sự thế ấy. Chốc chốc lại bỏ điếu thuốc xuống gạt tàn, bật người dậy, chém tay vào không khí theo đúng kiểu nhạc trưởng (hồi ấy đang là mốt của các giáo viên nữ). Nửa cái đêm kinh khủng đó, tai tôi bị tra tấn bởi không biết bao nhiêu lần câu chuyện về mấy “thằng bồ cũ” của cô ta, trong đó có một thằng nhiều lần tự tử mà không xong, một thằng thì dũng cảm hơn nhưng “bần tiện như chuột cống”, một thằng thì được cả hình thức lẫn nội dung nhưng “nó chẳng nói với tôi điều gì”.
May mà 9h sáng thì cô ta mệt quá nên lăn ra ngủ. Hoặc cũng có thể sau khi trút hết bầu tâm sự, mà không được tâm sự lại, cô ta không tìm được lý do lớn lao nào nữa để tiếp tục làm tình (nhưng trông mặt mũi tôi, cô ta hiểu là đừng nên hy vọng nhiều). Tôi chạy vội ra xe, còn kịp đóng cửa ra vào, nhưng không để lại chữ nào. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác ấy.
Đấy là dịp duy nhất và cuối cùng tôi “phiêu lưu” với một nữ giáo viên. Tôi hình dung nếu cô ta không dạy hóa học mà dạy văn chương hay triết học thì chiếc bồ tâm sự còn to gấp bao nhiêu. Ý kiến này được nhiều đồng nghiệp trong công ty tôi hiện nay xác nhận và làm phong phú hơn. Trong các câu chuyện ở hành lang, tôi vẫn nghe họ kháo nhau: kinh quá, hôm qua vừa gặp một em tâm sự ra rả cả đêm. Hỏi ra thì hay em không là giáo viên mà là cán bộ thương mại. Rồi có lần thì em là nhân viên quảng cáo, lần khác là nhà báo, lần khác nữa là thư kí, rồi nghiên cứu viên, nhà văn, diễn viên kịch… Lẫn lộn hết cả. Cuối cùng tôi đành chấp nhận rằng hóa ra nghề nào cũng tặng cho các em khả năng nói, tình yêu nào cũng để lại cho các em vài bầu tâm sự. Tâm sự của các em thực ra là cơn hận “mấy thằng bồ cũ”, toàn những thằng mất dậy, kém cỏi, hèn nhát, thằng nào tàm tạm thì lại bị tặng cho cái câu “nó chẳng nói với tôi điều gì”. “Nó chẳng nói với tôi điều gì”, không hiểu cái câu này thế nào mà sao các em hay sử dụng để hạ những thằng bồ khá khẩm nhất. Khi phán nó, các em trợn mắt, vênh cằm (y hệt như tay phó phòng quản lý HLM lúc bàn về Trung Quốc). Cơn hận như thế cũng trôi đi.
T không lãng mạn. Cô ấy chưa bao giờ đòi tôi phải nhận lấy bầu tâm sự. Tôi chẳng có dịp khám phá cơn hận của cô ấy với mấy thằng bồ cũ, để mà biết thằng nào đã có vinh hạnh được T ban cho cái câu “nó chẳng nói với tôi điều gì” (bây giờ thì tôi nghĩ rằng đằng sau câu này ẩn chứa một điều còn khó hiểu hơn, ví dụ như ghen, ví dụ như tiếc…). Trên thực tế, tôi biết gì về T? T đã ghen ai, đã tiếc ai, đã hận những thằng nào? Trong thâm tâm, tôi nghĩ có lẽ vì thế mà chúng tôi mới tồn tại cạnh nhau hơn sáu năm. Sáu năm là kỉ lục, trước đó tôi chẳng qua nổi với ai quá sáu tuần. Lần sống với nàng sinh viên cực kì khó ngủ kéo dài được một khóa học, nhưng tôi nằm đi-văng đến hai phần ba.
Ông chủ quán lại đến gần hỏi có muốn ăn gì nữa không. Tôi kéo Hanah đứng lên. Ông ta bắt tay nói “hẹn gặp lại”, không hiểu sao lại biết đó là một trong vài từ tiếng Việt ít ỏi mà tôi bập bẹ. Tôi với Hanah ra xe ngồi thêm một lúc. Khu Tàu càng lúc càng nhộn nhịp. Người châu Á chọn chiều thứ Bảy để đi chợ và ăn há cảo. Đèn đường bắt đầu được bật. Các bảng hiệu nhấp nháy. Bây giờ tôi mới để ý thấy tiệm cơm có tên là “Lâu đài hạnh phúc”. Cách đấy mấy số nhà, một tiệm cơm khác có tên là “Cây cầu hạnh phúc”. Ngó sang bên đường, một tiệm cực to, chiếm cả ba tầng, chễm chệ hai chữ “Đại Phúc”.
Tôi từng nghe ở đâu đó rằng người Hoa có quan niệm về hạnh phúc khác hẳn người Âu. Hạnh phúc với người Hoa là đông con, nhiều tiền. Hạnh phúc của người Âu là: em yêu của anh (hoặc anh yêu của em) chúng ta sẽ chia nhau đối thoại. Người Hoa biết phải làm gì. Người Âu loay hoay cái định nghĩa cũng chẳng xong.
Tôi cũng từng đọc người Hoa có quan niệm về bất hạnh khác hẳn người Âu. Bất hạnh với người Hoa là do trời định. Bất hạnh với người Âu là do mình gây ra. Người Hoa biết không nên than thân trách phận. Người Âu uống thuốc an thần, hết thuốc an thần thì lại tự mình quyên sinh.
Brunel vẫn không thấy tăm hơi. Cả một sinh vật trắng không biết đang làm gì ở đâu. Tôi chỉ mong cái xe mới đập hộp hôm nay nhận được mấy vết xước, trong đó có một vết made in China.
Đúng năm giờ chiều thì tôi quay xe. Một ngày rõ là vô tích sự.
VI
Chủ nhật. 9h. Hanah còn dậy sớm hơn cả tôi. Lúc tôi vào bếp đã thấy nó ngồi đấy, quần áo sẵn sàng, cốc sữa trước mặt vơi hơn một nửa, dường như chỉ đợi tôi ra hiệu là đứng dậy lên đường.
Tôi làm một tách cà phê đặc quánh, uống nốt cốc sữa của Hanah. Ba mươi lăm phút sau, chúng tôi đã có mặt ở góc phố nhà Brunel. Cô bán bánh láu lỉnh nháy mắt, hẳn đã nhận ra người quen hôm qua. Cặp bánh mì gối vẫn bốc hơi ngùn ngụt. Chỉ có hai chúng tôi giữa mùi va-ni ngọt ngào thơm phức. Tôi nuốt nước bọt. Cô ta cười cười kéo lại xu-chiêng. Tôi mua hai chiếc sừng bò. Cô ta bảo: “hỏi gì thì hỏi ngay, hôm nay chỉ mở hai tiếng buổi sáng”. Biết tôi ngoại tỉnh không thạo luật quận 16 nên cô ta nhắc khéo. Dễ thương như cô ta thì có lẽ chẳng bao giờ đem chuyện mấy thằng bồ cũ ra tâm sự, tôi tự nhủ, sau đó lại nghĩ thằng nào được qua đêm giữa cặp bánh mì gối kia thì chẳng sướng phát điên. Cô ta bỗng dưng hạ giọng: “Brunel cũng không vừa đâu”. Tôi gật đầu. Như được kích thích, cô ta nói tiếp: “ông ăn chả, bà ăn nem”. Tôi trợn mắt nghe cô ta thì thào vào tai: “nhưng mà Brunel kín lắm, vớ vẩn là ra đường như chơi”. Tôi mua thêm hai khúc bánh mì kẹp và hai chai nước. Cô ta khoái chí đưa cho mấy cái kẹo mút, bảo làm quà cho con bé. Kinh thật, đã nhìn thấy Hanah ngồi trong xe lúc nào không biết. Tôi cám ơn rồi hạ giọng: “nhìn thấy “chả” của Brunel chưa?”. Cô ta lắc đầu. Tôi thở dài một tiếng. Nghe tiếng thở dài mà không rõ đang thất vọng hay thấy nhẹ cả người.
Ba vị khách đẩy cửa bước vào. Cô ta nháy mắt, ra hiệu câu chuyện kết thúc. Tôi mang bánh ra xe ngồi ăn với Hanah. Con bé nhai được nửa chiếc sừng bò bỗng đột ngột dừng. Tôi quay lại đằng sau thì thấy một phụ nữ tóc đen, tạp dề trắng, không biết có phải chị người làm Mã Lai hôm qua. Hanah trông thế mà nhanh thật, nó tia thấy chị ta từ xa, qua gương chiếu hậu. Rất có thể nó biết nhiều chuyện mà không nói ra, cái qui tắc không tâm sự vẫn bắt chúng tôi phải kín tiếng với nhau như thế.
Chị người làm Mã Lai tiến lại, ngoài một túi to bên tay trái, còn ôm trước ngực một hộp bánh màu đỏ, thắt dây kim tuyến. Hôm nay các vị chủ nhà đều nghỉ việc, chị ta bận phải biết. Bữa cơm trưa chủ nhật hẳn chuẩn bị từ đêm qua. Bánh ga-tô chắc đặt từ trong tuần. Đi ngang Hanah, chị ta quay sang cười với nó. Con bé cười đáp lại. Tôi cố tìm một nét chung nào đấy giữa chị ta và T mà không sao tìm nổi. Tóc đen thì đương nhiên rồi. Nhưng tóc chị ta ngắn và có mái ngang trước trán, còn tóc T dài, hoàn toàn tự nhiên. Chị ta béo hơn T phải chục cân là ít, nhưng thấp hơn, da đậm màu hơn. Nét mặt cũng chẳng có gì giống nhau. Vậy mà Hanah vẫn chú ý đến chị ta thì lạ thật. Bình thường con bé không cư xử như thế với người ngoài. Tôi còn đang ngạc nhiên thì chị ta rẽ vào tòa nhà của Brunel. Hóa ra chị ta ở trong đó. Tại sao hôm qua tôi không để ý nhỉ?
Tôi ra hiệu cho Hanah ngồi yên rồi mở cửa xe, chạy thật nhanh tới cổng nhà Brunel. Cánh cửa chưa kịp đóng, nhưng bên trong thì im lặng hoàn toàn, thang máy cũng không nhúc nhích. Tôi làm một vòng tầng trệt, vào tít tận ngách trong cùng. Không thấy ai. Như thể chị ta có phép tàng hình. Ngần ngừ một chút tôi quay ra cầu thang, leo bộ lên tầng hai.
Cũng như hôm qua, từ căn hộ nhà Brunel vẫn vọng ra những âm thanh vừa đủ nho nhỏ để có áp chặt tai vào cũng không phát hiện ra cái gì đang xảy ra bên trong. Tôi đồ rằng giờ này cả bọn đang dùng điểm tâm ở phòng ăn, mụ vợ ngồi đầu bàn, bên trái là thằng trai trẻ, bên phải là Brunel. Khoảng cách từ chiếc ghế mụ ta đến hai chiếc ghế kia y hệt như nhau nhưng mụ ta nhất định chỉ quay sang phía thằng trai trẻ và cười đùa với nó, chấm bánh sừng bò vào tách cà phê sữa rồi âu yếm đút vào tận mồm nó. Tất nhiên không phải vì mụ ta thuận tay trái mà vì nếu trong gia đình này mụ ta là nữ hoàng và hai thằng đàn ông là hai cận thần, thì thằng trai trẻ là cận thần đang được sủng ái, còn Brunel - ngược lại hoàn toàn - là cận thần đã bị thất sủng. Thiên hạ (mà mụ ta chưa bao giờ có đủ dũng cảm để vượt qua) không thể chê trách mụ ta ở điểm này vì thằng trai trẻ, đường đường chính chính là con nuôi của cả hai người, và ai cũng từng nhìn thấy nó gày gò, ngơ ngác khi đặt chân đến Paris sau những tháng ngày kinh khủng trong một trại mồ côi nào đó ở Ru-ma-ni. Đón nhận và nuôi dưỡng một nạn nhân của chế độ độc tài Chauchescu - thiên hạ khi đó tha hồ ngưỡng mộ tinh thần nhân đạo quốc tế của vợ chồng Brunel, nhất là mụ ta. Tất nhiên là chỉ có mụ ta mới thấy trước được cái gì hứa hẹn ở thằng bé mười tuổi ấy. Như tất cả bọn con cái quí tộc, nó được vợ chồng Brunel gửi đến những trường học danh tiếng nhất Paris, được dẫn đến các cửa hàng quần áo, đồ chơi, sách vở, băng nhạc đắt tiền nhất Paris, được mời đến các buổi dạ hội điệu đàng nhất Paris… Vài tháng sau, nó trở thành một thằng bé hoàn toàn khác, nhanh nhẹn và tự tin. Vài năm sau, nó lớn bổng, mắt xanh biếc, tóc bồng bềnh, thuôn thả và hừng hực sức sống. Hai mẹ con ôm nhau ngoài đường, hôn nhau trước mặt người quen, trần truồng cạnh nhau trên bãi biển. Thiên hạ không thể chê trách mụ ta ở điểm nào (nói chung, loạn luân là tội chỉ để dành cho các ông bố). Brunel cũng không thể trách mụ ta ở điểm nào (hắn không dám thì đúng hơn, hắn hiểu rõ hoàn cảnh “thất sủng” của mình, “vớ vẩn là bị ra đường như chơi”, đến cô bán bánh còn biết nữa là).
Người từ các căn hộ lục tục kéo ra. Tất cả đều ăn mặc trọng thể (màu trắng luôn được ưu tiên). Hóa ra là để đi lễ nhà thờ. Tôi nhanh chân phóng xuống tầng trệt, và sau đó còn phải nhanh chân hơn nữa để chuồn ra ngoài, các vị gác cổng mà phát hiện ra thì khéo xơi cán chổi trừ bữa.
Cửa xe đóng đúng lúc cả nhà Brunel chui ra khỏi cổng. Mụ vợ tất nhiên ở vị trí trung tâm, hai tay quàng hai cận thần (vẫn bên trái là thằng trai trẻ và bên phải là Brunel). Ba sinh vật trắng di chuyển về hướng nhà thờ. Mỗi khi gặp người quen, ba mái đầu cùng nhẹ gật, ba nụ cười cùng hé nở, ba bàn tay (đeo găng trắng) cùng đưa ra bắt (nếu để ý thật kĩ sẽ thấy mụ vợ luôn hành động trước tiên). Ai nỡ nghi ngờ một gia đình kiểu mẫu như thế. Chúa càng không. Chúa thừa [hay là hiền minh? OK] nhưng lại quá nhân từ và ở tít trên cao.
Sáng Chủ nhật quận 16, hè đường mấp mô những làn sóng màu trắng còn lòng đường lại không một bóng xe (cái vẻ yên bình ấm cúng “đặc Pháp” này cũng thường xuyên có mặt trong các tác phẩm văn học). Tôi và Hanah dễ dàng giữ khoảng cách một trăm mét sau lưng bọn nhà Brunel. Con bé không đợi nhắc đã tự động khóa dây bảo hiểm, lại còn ra dấu cho tôi đội mũ. Tôi ngó đầu vào gương, chỉ thấy một cục tròn tròn tôi tối hở hai con mắt không hiểu màu gì. Về khía cạnh nào thì chúng tôi cũng xa lạ với đám người quí tộc kia. Tôi chìa ra mấy cái kẹo mút của cô bán bánh. Hanah bóc một chiếc cho vào mồm, rồi bóc chiếc nữa ấn vào miệng tôi, nhưng vì miệng bị mũ che kín nên kẹo rơi ra ngoài. Con bé bật cười. Có vẻ như nó bắt đầu thích thú với công việc thám tử tư của hai chúng tôi. Tôi thì ngán ngẩm nghĩ tới hai tiếng ngồi không trước cửa nhà thờ. Chủ nhật chẳng báo nào chịu mở để kiếm mấy cái ảnh Emmanuelle Béart ngắm cho đỡ buồn.
May mà buổi giảng đạo chỉ kéo dài một tiếng. Có thể Thiên chúa giáo cũng muốn tỏ ra hiện đại để tranh thủ con chiên với các môn phái đang mọc ra như lá đầu xuân.
Hanah vỗ vai tôi. Bộ ba Brunel đang lục tục chui từ nhà thờ ra sân. Vẫn trong tư thế một gia đình kiểu mẫu: mụ vợ đứng giữa và chỉ đạo mọi động tác của cả nhà. Một nhóm người tiến lại, hẳn là họ hàng hoặc người quen, trong đó có hai ông xồn xồn và một đứa con gái mảnh mai khá đẹp. Mụ vợ lên tiếng chào. Brunel và thằng trai trẻ cũng làm theo. Rồi không biết vô tình hay cố ý Brunel ôm hôn đứa con gái. Con bé kia vui vẻ ôm hôn lại, sau đó định ôm hôn mụ vợ nhưng mụ ta xua tay, vẻ như xin lỗi đang bị cúm (hoặc bị ho, hay bất kì một bệnh dễ lây nào đó). Thằng trai trẻ thấy thế cũng xua tay theo. Con bé kia ngẩn người còn mụ vợ thì khoái ra mặt. Cả nhà huỳnh huỵch bước đi. Brunel im lặng cúi đầu. Tôi không tin là hắn có ý định tán tỉnh con bé kia (nếu có thì cũng không dám làm trước mặt mụ vợ), nhưng tôi ngờ là hắn có phần nào muốn nhờ con bé trả thù mụ vợ hộ mình (hắn đã đầu têu cho cuộc ôm hôn tập thể để con bé có dịp đặt môi lên má thằng trai trẻ, rồi lại chìa má ra nhận môi của thằng kia - cảnh này nhất định khiến mụ vợ đau tim). Nhưng Brunel đã thất bại thảm hại. Mà ai ở vị trí của hắn cũng thất bại thảm hại. Bởi đó là một trận chiến không hề cân sức. Cân sức làm sao được khi một mình chọi hai địch thủ đã hết sức đoàn kết lại vô cùng ghê gớm là tiền bạc và tuổi trẻ.
Brunel im lặng cúi đầu, nhưng vẫn đi bên cạnh kẻ thù (không thể có cách gọi nào chính xác hơn khi đôi bên đã trải qua những trận chiến như tôi vừa chứng kiến). Cái giá của căn hộ tầng “danh dự” hóa ra đau đấy chứ, sếp trực tiếp của tôi, chắc sếp không biết tôi vẫn lẽo đẽo theo sau từ sáng, bây giờ lại tiếp tục gò lưng đợi cả nhà sếp thay món đổi đĩa không biết tới bốn giờ chiều có xong nổi đét-xe và sâm-banh.
VII
Ngỡ phải mất vài tiếng với bữa trưa Chủ nhật của nhà Brunel, nhưng tôi nhầm. Tôi và Hanah chưa gặm xong khúc bánh mì kẹp thì mụ vợ và thằng trai trẻ đã bất ngờ mở cổng. Hóa ra chỉ lên nhà để thay quần áo. Hai bộ đồ trắng nõn đã nhường chỗ cho hai bộ đồ đen tuyền, chắc hẳn cùng một thợ may nên giống nhau từ cổ áo đến gấu quần. Mụ vợ quàng thêm một chiếc khăn lông trắng (vẫn không sao bỏ được màu trắng). Thằng trai trẻ đội thêm một chiếc mũ phớt trắng (tình đoàn kết của nó với mẹ nuôi quả là vô địch). Tay trong tay (không còn đeo găng) cả hai tiến về chiếc xe hơi đen bóng đậu ngay cạnh nhà. Thằng trai trẻ mở cửa xe, nghiêng người đỡ mụ ta ngồi vào ghế phải, rồi vòng qua mũi xe, kéo nhẹ áo, ngồi xuống ghế trái, cửa xe đóng lại từ từ. Động tác của nó thật là điêu luyện. Brunel tập cả đời cũng khó mà làm được như thế. Chiếc xe lao vút. Bấy giờ mới thấy xe chỉ có hai ghế mà thôi.
Tôi chưa hết ngỡ ngàng thì Brunel đột ngột xuất hiện. Dường như hắn đứng sẵn đâu đó, chỉ đợi mụ vợ và thằng trai trẻ phóng đi là mở cửa chạy ra. Hắn vẫn mặc bộ đồ trắng sáng nay, nhưng đội thêm chiếc mũ phớt đen. Bây giờ mà đặt thằng trai trẻ bên cạnh, thì chúng ta sẽ có hai hình ảnh đối lập nhau hoàn toàn. Nếu mắt thằng kia xanh biếc thì mắt Brunel sẫm tối (đến độ không thể gọi là màu gì). Nếu tóc thằng kia bồng bềnh thì tóc Brunel tả tơi (đến độ nhìn rõ cả sọ). Nếu thân thể thằng kia thuôn thả và hừng hực sức sống thì thân thể Brunel nặng nề nhiều mỡ, lại có bệnh nhồi máu cơ tim (các đồng nghiệp chứng kiến hắn uống thuốc trợ tim từ năm năm nay). Nếu thằng kia mặc đồ đen và đội mũ phớt trắng thì Brunel mặc đồ trắng và đội mũ phớt đen. Sự đối lập ấy, có lẽ do mụ vợ sắp đặt là chính. Vì “ngoại tình là đi tìm cái mà mình không có” nên chẳng phụ nữ nào lại chọn tình nhân giống hệt đức ông chồng. Chị ta sẽ hơi cảm thấy hài lòng nếu họ khác nhau đôi chút và sẽ “vô cùng mãn nguyện” khi họ khác nhau hoàn toàn. Thằng trai trẻ tất nhiên là có ngoại hình và tuổi tác khác hẳn Brunel nhưng mụ vợ, vì muốn đạt đến trạng thái “vô cùng mãn nguyện”, đã cố tình khắc sâu thêm sự khác nhau giữa tình nhân và chồng: mụ luôn tìm cách mua sắm cho Brunel và thằng trai trẻ quần áo, xe hơi và đồ dùng cá nhân đối lập nhau (chủ yếu là về màu sắc vì đó là cái đập vào mắt hơn cả), và do tự tay dạy dỗ thằng trai trẻ từ lúc lên mười nên mụ đã đào tạo được cho nó tất cả những thói quen ngược lại với Brunel:
Brunel thích ăn bít-tết (hôm nào ở căng-tin có bít-tết ngon thì hắn cũng tỏ vẻ cởi mở hơn), thằng trai trẻ thích ăn cá hồi (thế mới giải thích được vẻ thuôn thả nhưng vẫn hừng hực sức sống của nó).
Brunel uống rượu như nước (trong hóa đơn của hắn ở Đông Âu, tiền vodka bao giờ cũng chiếm tỉ lệ rất cao), mụ vợ không những không ngăn cản mà còn chuốc thêm để căn bệnh nhồi máu cơ tim của hắn mau mau nhìn thấy giai đoạn cuối. Ngược lại, thằng trai trẻ nhất định không được quyền đụng đến một giọt bia chứ đừng nói là rượu (mụ ta không để nó trở thành một bợm vodka như Brunel và nhất là muốn bảo dưỡng maximum khả năng con đực của nó).
Brunel lạnh lùng và vụng về (tất cả các đồng nghiệp đều dùng hai từ này để nói về hắn), thằng trai trẻ lịch sự và duyên dáng (tất nhiên, dưới sự chỉ đạo của mẹ nuôi, nó có thể thay đổi hoàn toàn, như trường hợp với con bé xinh đẹp định ôm hôn nó trong sân nhà thờ sáng nay).
Như thế đấy, Brunel và thằng trai trẻ là hai thái cực. Nếu như lúc nãy, thằng trai trẻ ung dung bước vào xe (trước khi ngồi, còn kéo nhẹ áo), thì Brunel mắt trước mắt sau chạy ra xe, cửa xe chưa kịp mở hết đã lao vào làm toạc cả gấu quần. Tôi thấy mặt hắn tái dại, chắc không biết chút nữa phải giải thích thế nào cho quí phu nhân (mụ ta lại được dịp so sánh tính vụng về của hắn với tính khéo léo của thằng trai trẻ).
Xe tôi nhanh chóng theo sau xe hắn. Một trăm mét vẫn là khoảng cách hợp lý. Phố vắng tanh và thật kì lạ, tôi có cảm giác hắn đang đi lại con đường hôm qua, cũng những đại lộ lớn mà hắn thuộc như lòng bàn tay và chỉ giảm tốc độ mỗi khi tới gần ngã tư có đèn đỏ. May mà vườn hoa Luxembourg không có nhóm du lịch Nhật Bản nào đi hàng hai. Có lẽ họ đã lên máy bay để ngày mai còn kịp dạy từ bảy giờ sáng đi làm. Cũng không có đoàn xe mất dạy nào bỗng dưng nhảy vào giữa chiếm đường. Ranger Rover màu bạc, đít vuông, biển số ngoại giao, giờ này lang thang ở đâu?
Tôi giữ chặt tay lái, mắt nhìn thẳng không chớp. Vượt qua đại lộ Bệnh viện, nhà ga Austerlitz, tiến thẳng tới quảng trường Italie. Vào trong địa phận khu Tàu, thấy chiếc xe trắng lốp của Brunel trước mặt, tôi mới thở ra, rồi chùng cả người xuống. Có cảm giác hai mươi phút qua, chẳng có tẹo không khí nào vào phổi.
Xe Brunel bỗng nhiên chạy chậm rồi quay ngoắt vào một phố nhỏ. Đến trước một khách sạn bé tí tẹo, hắn dừng lại, mở cửa và vụt một cái đã biến mất sau chiếc bình phong dựng ngay lối vào. Tôi ra hiệu cho Hanah ngồi im, bước ra khỏi xe, đóng nhẹ cửa rồi đi nhanh về phía khách sạn. Nhưng đến trước tấm bình phong thì tôi dừng lại. Tôi chưa tìm được lý do nào để tiến vào bên trong.
Bình phong tự động hé mở, một thiếu nữ người Hoa cao lớn bước ra. Bằng một thứ tiếng Pháp chuẩn xác, cô ta hỏi tôi cần gì. Kèm với câu hỏi là một nụ cười thật tươi, khoe hàm răng trắng tinh đều tăm tắp. Người ta nói phụ nữ Trung Hoa không đẹp nhưng khi đã đẹp thì tuyệt đẹp, lúc này tôi thấy không sai. Để giữ bình tĩnh, tôi không nhìn vào đôi môi của cô ta mà đưa mắt ngó sang bên cạnh. Tường treo những bức tranh thủy mạc nho nhỏ lồng trong khung kính, nhưng không biết có phải vì hoa mắt mà tôi có cảm tưởng ngỗng trời, rừng thông, hoa cúc, sông núi… trộn lẫn vào nhau, làm thành một bức họa khổng lồ và cô thiếu nữ Trung Hoa tuyệt đẹp này vừa mới từ trong đó bước ra. Cô ta lên giọng nhắc lại câu hỏi. Nụ cười vẫn thật tươi. Tôi không thể không nhìn cô ta. Phải công nhận là vẻ đẹp của cô ta thật uy quyền, và cả giọng nói, tuy nhẹ nhàng nhưng vẫn làm người nghe ngần ngại. Tôi bắt đầu run, tôi bảo tôi muốn chờ “người quen”. Cô ta lại hỏi có thể cho biết tên người quen được không. Giọng cô ta còn nhẹ nhàng hơn lúc nãy nên tôi càng run. Tôi không biết trả lời thế nào. Không lẽ đưa tên Brunel. May mà có tiếng điện thoại reo, cô ta quay vào trả lời. Chiếc bình phong đóng lại. Tôi nhìn quanh rồi nhón chân bước thẳng ra cửa. Đường vắng ngắt. Hanah đang ngủ. Tôi ngồi xuống ghế, cầm chai nước lên uống mới thấy lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Nhưng xương sống thì lạnh buốt.
Cảm giác này tôi đã từng biết, cách đây hai chục năm là ít. Đó là thời gian ở trung học, khi lớp tôi được một thực tập sinh đến dạy thử mấy tuần. Không biết có phải vì ngại chuẩn bị bài trong sách giáo khoa mà anh ta toàn đọc cho chúng tôi những đoạn văn không ăn nhập gì với chương trình của sở Giáo Dục. Nhưng cũng nhờ thế mà cả lớp được làm quen đôi chút các nền văn học khác ngoài Pháp và châu Âu. Trong những đoạn văn mà anh ta đã đọc, có một truyện ngắn cổ Trung Hoa về một nhân vật nữ nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành” nhưng vô cùng huyền bí, ẩn hiện bất ngờ và thuộc phép thần thông. Thú thật là tôi không hiểu, không cảm thấy gì ngoài sự sợ hãi trộn lẫn bồn chồn. Một cảm giác mơ hồ rất khó tả. Như báo trước một điềm không may. Mấy tháng sau thì mẹ tôi qua đời. Bởi một cơn đau tim cấp tính, theo lời bác sĩ là vô phương cứu chữa. Tôi không biết sự kiện này có liên quan gì đến cái cảm giác mà câu chuyện quái quỉ ấy đã gây ra, nhưng tôi tin là tôi vừa gặp lại nó, vài phút trước, khi giáp mặt cô thiếu nữ Trung Hoa tuyệt đẹp. Nhưng nó lại muốn báo cho tôi một điềm không may nào nữa đây?
Tôi cố ngó lên mặt tiền của khách sạn, hy vọng tìm được một phòng có chứa Brunel trong đó. Khách sạn bốn tầng, mỗi tầng bốn cửa sổ, cửa sổ nào cũng kéo rèm nhung đỏ kín mít. Không hiểu Brunel làm gì sau tấm nhung đỏ, trong cái phòng khách sạn có lẽ chưa to bằng buồng tắm nhà hắn và hẳn là không bao giờ đáp ứng điều kiện vệ sinh. Báo chí mới năm ngoái đây thôi, sau khi tấn công liên tiếp các nhà hàng Trung Quốc, đã bảo rằng gián và chuột không chỉ xây tổ trong bếp và chạn ăn của Hoa kiều mà còn vui đùa nô giỡn trên giường ngủ của họ. Trên thực tế, các khách sạn khu Tàu từ lúc mở cửa chưa khi nào được lòng khách hàng người Pháp, sau những trận tấn công của báo chí, đành vĩnh viễn trở thành một kiểu nhà khách giá rẻ cho du lịch Á châu - ban ngày lên xe ca chụp ảnh tháp Eiffel và lâu đài Versailles, ban đêm quay về Little Hongkong ăn há cảo, đánh mạt chược, hát ka-ra-ô-kê hoặc nằm khóc nhớ nhà.
Nhưng Brunel thì đâu phải người Á. Mà ngay cả khi có tình nhân người Á thì hắn cũng thừa khả năng để thuê một khách sạn bốn hoặc năm sao. Không chỉ thừa khả năng mà hắn bắt buộc phải làm như thế: phụ nữ có thể tìm thấy cái gì ở hắn ngoài các giá trị vật chất? Thân thể hắn mà bị lột ra khỏi bộ com-lê trắng nõn đắt tiền thì chẳng khác một khúc dồi lợn khổng lồ. Có lẽ trên người hắn chỉ cái các vi-dít cùng địa chỉ đại lộ Victor Hugo quận 16 danh giá là trông được. Hèn nào túi ngực hắn lúc nào cũng cộm một tệp các vi-dít in chữ nổi.
Nhưng mà tôi có suy luận thế nào đi nữa thì hắn vẫn cứ đang ở đâu đây, phía sau một trong mười sáu rèm nhung đỏ (còn cái xe mới đập hộp của hắn thì đậu ngay trước mũi tôi). Tôi cảm thấy ghen tị với hắn. Nếu hắn không hẹn tình nhân trong cái nhà khách mốc thếch này mà lại đích thân mang xe đến đón cô ta rồi cả đôi dắt nhau vào “suite” đắt nhất của khách sạn năm sao thì tôi sẽ chẳng bận tâm tới hắn làm gì cho mệt.
Tôi tưởng tượng hắn đang trần truồng nằm ngửa trên giường (bên dưới rất có thể là chuột và dán) để cho tình nhân vuốt ve dương vật. Với cái vẻ ục ịch và căn bệnh nhồi máu cơ tim giai đoạn cuối, hắn khó có thể làm được động tác nào hơn thế. Tình nhân của hắn cũng không dại gì yêu cầu hắn từ bỏ tư thế (thụ động) ấy để chưa kịp hưởng cái gì (tích cực) đã phải lo gọi xe cấp cứu. Trong hoàn cảnh xấu nhất mà tim hắn ngừng đập vĩnh viễn thì cô ta còn bị cảnh sát mời ra đồn làm việc, bị vợ hắn đưa ra tòa kiện (nhất định có thằng con nuôi đi kèm để làm nhân chứng cho sự mất mát không gì sánh nổi của mụ ta). Nói chung, cả hắn lẫn tình nhân đều tiết kiệm các động tác. Đến hét to, hắn cũng không dám. Những bệnh nhân nhồi máu cơ tim không bao giờ dám mở rộng miệng, bởi vì chỉ cần không khí chui vào hơi nhanh là cổ họng của họ bị tắc nghẽn. Nhưng ngay cả khi hắn thách thức cái chết, cứ hét bừa cho thỏa thích thì hệ thống cách âm của khách sạn cũng không cho phép điều ấy, người quản lý (cô thiếu nữ Trung Hoa xinh đẹp lúc nãy) lên tận phòng gõ cửa yêu cầu trật tự để các khách du lịch vừa xuống máy bay còn ngủ lại sức (bây giờ là đêm ở châu Á). Tình nhân của hắn, sau khi vuốt ve dương vật hắn khoảng mười lăm phút thì cũng mỏi tay mà nằm vật ra. Cái chính là cô ta cũng không thấy khoái cảm gì. Khoái cảm thế nào được khi hắn cứ chềnh ềnh như một cái xác biết rên (tiếng rên của một kẻ nhồi máu cơ tim giai đoạn cuối thường khiến người nghe liên tưởng đến độc tấu kèn ô-boa). Và điều làm cô ta càng chán nữa là do tứ chi của hắn bất động nên hắn lại càng giống khúc dồi lợn khổng lồ, dương vật thì tỉ lệ nghịch với bụng và đùi.
Cả hai sẽ nằm vật ra cạnh nhau như hai cái xác (cô ta cũng sẽ không động đậy, và chán chường đến nỗi chỉ muốn nhắm chặt hai mắt để khỏi phải chứng kiến sự thật).
Nhưng dù có cố tưởng tượng ra những điều tồi tệ nhất cho Brunel thì tôi vẫn cảm thấy ghen với hắn. Thậm chí còn ghen hơn lúc nãy. Bởi vì thế có nghĩa là tất cả những điều tồi tệ nhất cũng không ngăn cản được hắn có tình nhân, cô ta chấp nhận những điều ấy, và biết đâu còn bị hấp dẫn bởi chúng cũng nên. Tôi từng xem một chương trình vô tuyến được đặt tên là ”Sex có phải là một phép màu?”, trong đó người ta giới thiệu những phụ nữ có ham muốn tình dục vô cùng kì cục. Ví dụ một phụ nữ khá cao chỉ thích ngủ với đàn ông thấp hơn ít ra hai mươi xăng-ti-mét, chị ta giải thích thói quen nghề nghiệp của cầu thủ bóng rổ khiến chị ta cứ phải rướn cổ ngay cả lúc ở trên giường. Một phụ nữ khác thề rằng cả đời chỉ mong được qua đêm với một đầu bếp ngoại hạng, để có thể vừa làm tình vừa ngửi mùi thơm của những món ăn đặc sắc nhất trên đời toát ra từ mọi tế bào trên cơ thể của anh ta. Tâm điểm của chương trình là một phụ nữ duyên dáng mảnh dẻ có niềm say mê duy nhất là trọng lượng gần tạ rưỡi của đức ông chồng (ông ta không hiểu lý do gì mà không đến ra mắt, khiến khán giả cũng hơi thất vọng). Khi được hỏi trên giường họ có gặp khó khăn gì không, chị ta nhìn chồng âu yếm (bức ảnh toàn thân của ông ta phóng to treo giữa sân khấu) rồi bảo tư thế duy nhất mà họ có thể có được là “tôi ngồi lên bụng anh ấy”, nhưng chị ta vô cùng mãn nguyện và luôn cảm thấy thèm khát, và đòi được làm tình vào tất cả những lúc chỉ có hai người. Trước khi gặp chồng, chị ta cũng từng có nhiều bạn trai và đã thử các tư thế khác, “nhưng chúng chẳng nói với tôi điều gì” - chị ta tuyên bố và khán giả bên dưới vỗ tay nhiệt liệt.
Càng lúc tôi càng cảm thấy ghen với Brunel. Hắn sinh ra dưới ngôi sao nào mà lấy hết cả may mắn của người khác như thế. Rồi bỗng dưng, không biết có phải vì bi quan mà tôi còn đi đến một nhận định này nữa: vì “ngoại tình là để đi tìm cái mà mình không có” nên chẳng đàn ông nào lại muốn có tình nhân giống hệt quí phu nhân, anh ta sẽ cảm thấy hơi hài lòng nếu họ khác nhau đôi chút và sẽ “vô cùng mãn nguyện” khi họ khác nhau hoàn toàn. Muốn đạt được cảm giác “vô cùng mãn nguyện” (bây giờ thì không ai còn có thể coi thường các tham vọng của Brunel), hắn đã hạ quyết tâm và cuối cùng chọn được một tình nhân đối lập hẳn với mụ vợ: nếu mụ vợ đã xấu người lại xấu nết thì cô ta vừa xinh đẹp vừa đáng yêu; nếu mụ vợ thù ghét lão nhưng không chịu ly dị (mụ ta rất sợ dư luận) thì cô ta say mê lão nhưng không đòi kết hôn (có những phụ nữ chỉ thích làm tình nhân); nếu mụ vợ ngoại tình ngay trước mũi hắn thì cô ta thề chung thủy với hắn chọn đời; nếu mụ vợ luôn tạo khoảng cách với hắn (mụ ta chỉ đồng ý cầm tay hắn khi cả hai đã đeo găng) thì cô ta lại luôn yêu cầu hắn vứt bỏ hết chướng ngại vật khi đến với mình (giữa họ, chướng ngại vật lớn nhất là giai cấp và việc chọn cái khách sạn bình dân này có thể được coi như hành động từ bỏ giai cấp quí tộc của Brunel).
Nếu quả như vậy thì Brunel là con người hạnh phúc hiếm hoi tôi từng biết. Các đồng nghiệp ở công ty hôm nào không được căng-tin cung cấp bít-tết và rượu vang thì có lúc cũng xuống tinh thần mà kể cho nhau những chuyện buồn chán (đó thực ra cũng là một kiểu tâm sự nhưng có điều họ không bắt phụ nữ phải nghe ở trên giường). Trừ một số vị tốt mã và mồm mép (hai yếu tố này không hiểu sao hay đi cùng nhau), phần lớn họ đều trải qua “các sự cố tình cảm quan trọng”, nghĩa là bị phụ nữ bỏ rơi vì những lý do “cực kì phi lý” (như không đi giày Ba-ta trắng, không biết làm món bánh táo rắc quế, không lau buồng tắm sau khi làm vệ sinh buổi sáng, không tự động mua chè đen khi đi chợ…). Ấy là chưa kể những vị ngay sau lần qua đêm đầu tiên đã bị mời ra đường có trật tự mà hoàn toàn không được giải thích lý do (theo thống kê, 69% lần qua đêm đầu tiên xảy ra ở nhà phụ nữ). Tôi tự nhủ tình yêu khách sạn như Brunel quả là sáng suốt, không bao giờ bị làm phiền bởi những “lý do phi lý” như món bánh táo rắc quế, tách chè đen, chiếc giẻ lau buồng tắm… hoặc những lý do ít phi lý hơn như tiền thuê nhà, lịch phân công rửa bát, trông con riêng của chồng ngày Chủ nhật… Cũng có thể vài đồng nghiệp của tôi từng nghĩ đến tình yêu khách sạn như Brunel (nói cho cùng thì hắn không thể được coi là thông minh hơn người khác), nhưng có điều là tìm đâu ra một phụ nữ chịu làm tình trong cái phòng được báo chí nhận định là “dưới cả mức trung bình ” như thế này. Phụ nữ Pháp nói chung là đừng bao giờ mơ tới vì báo chí là nơi mà họ đặt nhiều lòng tin nhất (trước cả nhà thờ và cố vấn ngân hàng).
Cuối cùng, tôi đi đến kết luận rằng Brunel chẳng thông minh, đẹp trai, tài giỏi gì nhưng được cái may mắn, cực kì may mắn. Kết luận ấy khiến tôi cũng nguôi ngoai hơn. Tuy vậy, trí tưởng tượng vẫn chẳng vì thế mà thôi giày vò. Tôi vẫn hình dung mồn một cảnh Brunel trần như nhộng trên giường để cho một phụ nữ ve vuốt dương vật, cô ta có gương mặt nhìn nghiêng bị mái tóc dài che kín, từ bụng trở xuống chìm trong chiếc chăn bông in hoa mẫu đơn đỏ, chỉ mỗi đôi vú nhỏ là nhìn thấy rõ. Nhưng điều ấy chẳng nói lên điều gì, tôi vẫn không biết cô ta là ai, phụ nữ Á châu nói chung đều có bộ ngực nhu nhú giống bộ ngực của những đứa bé gái.
Cuối cùng Brunel cũng xuất hiện ở cửa để chấm dứt màn tưởng tượng của tôi. Tôi nhìn đồng hồ, hắn đã ở trong đó đúng hai tiếng. Bây giờ hắn có khuôn mặt mệt mỏi nhưng mãn nguyện, dường như tất cả các cơ đều nở tối đa. Toàn bộ thân người cũng tạo nên một cảm giác như vậy: khuy cổ không cài, cà-vạt thả lỏng, sơ-mi nhăn nhúm, ống quần so le. Tóm lại, Brunel có đầy đủ vẻ thỏa mãn của một thằng đàn ông vừa làm tình xong, mà phải ngoại tình mới tạo được vẻ thỏa mãn ấy, nó chứa đựng một sự mâu thuẫn không sao hiểu nổi trong việc xử lý dấu vết: vừa tìm cách xóa bỏ (vì bất hợp pháp và nguy hiểm), lại vừa tìm cách giữ lại (vì không dễ mà có được). Tôi tin là tình nhân của Brunel cũng rơi vào mâu thuẫn ấy: một mặt cô ta rất sợ bị mụ vợ hắn phát hiện ra (vì như thế nghĩa là đặt dấu chấm hết cho mối tình vụng trộm), mặt khác cô ta lại bị kích thích bởi ham muốn chường mặt mũi mình ra cho mụ vợ phát điên vì ghen tức và nhân đó chứng minh rằng chiến thắng thuộc về cô ta (nói cho cùng mỗi mối tình tay ba là một cuộc tranh giành trong đó chính thất, ở mọi trường hợp, là kẻ thua cuộc).
Làm tình trên giường của mình với vợ (hay chồng) của chính mình, chúng ta không bao giờ mất thời gian lo lắng cho việc xử lý dấu vết bởi vì dấu vết tự chúng biến đi: khi cởi quần áo chẳng hạn, cả hai vợ chồng đều bình tĩnh cởi từng thứ một (vì không muốn chúng bị đứt cúc hay tuột chỉ), rồi thỏa mãn hay không thì chúng ta đều có thể nhảy vào buồng tắm tắm một cái (như kiểu ăn cơm xong thì đi rửa miệng), rồi sau đó vào bếp làm cốc trà pha mật ong (vợ đun nước, chồng cho trà vào tách). Nói chung, mọi thứ đều đâu vào đó, quen thuộc và không có gì phải gợi một mảy may lo lắng. Nhưng tôi đồ rằng chính cái thư giãn đó khiến cho phần lớn chúng ta (trừ một vài cá nhân đặc biệt mà tôi rất cảm phục) lại thèm khát qua đêm với một người không phải vợ (hay chồng) mình, trên một cái giường không tự tay mình mua, trong một căn phòng mà mình biết rõ mọi ngóc ngách...
Brunel lao vào xe, nhấn ga, nổ máy. Bỗng dưng tôi nảy ra ý định ở lại chứ không đi theo hắn. Tôi tin rằng hắn chẳng còn dám lang thang đâu nữa, giờ này mụ vợ và thằng trai trẻ hẳn cũng trên đường về, rất có thể cả hai cũng vừa qua mấy tiếng trong một phòng khách sạn, nhưng đối lập với hắn, đó là một khách sạn cực kì đắt tiền mà mụ ta đã đặt từ trước cho tất cả các ngày thứ Bảy và Chủ nhật, khi Brunel không phải đi làm khiến mụ ta và thằng kia không thể tự do hú hí trên giường.
Brunel vút xe đi. Tuy quyết định ở lại nhưng tôi vẫn không sao ngăn được cảm giác như bị bỏ rơi giữa đường. Trên thực tế, mọi việc xảy ra quá nhanh, tôi không ngờ Brunel lại ra về một mình như vậy. Trí tưởng tượng của tôi từ hai tiếng nay tràn ngập hình ảnh của hắn với tình nhân khiến tôi cứ tưởng sẽ chạm mặt cô ta. Và trong thâm tâm, đó là điều mà tôi rất muốn. Nói cho cùng, từ hôm qua đến giờ, tôi làm cái đuôi của hắn không phải để khám phá hắn ngoại tình như thế nào (khi nghe cô bán bánh khẳng định điều ấy, tôi chẳng ngạc nhiên chút nào) mà chỉ muốn biết một điều: giữa hắn và T có liên quan gì với nhau?
Đúng là từ nãy đến giờ tôi không ngừng hình dung cảnh Brunel trên giường với tình nhân, mặt hắn thì tôi thấy rõ (mắt nhắm và bất động như một xác chết) nhưng khuôn mặt của cô ta luôn thoát khỏi trí tưởng tượng của tôi, khi thì bằng mái tóc dài, khi thì bằng bàn tay trái (tay phải cô ta dùng để ve vuốt dương vật của Brunel), khi thì bằng tấm chăn in hoa mẫu đơn đỏ, khi thì bằng bóng tối của căn phòng (cô ta đã tự động tắt đèn vì hết kiên nhẫn nhìn khúc dồi lợn khổng lồ).
Tôi chờ mãi, chờ mãi. Hanah đã thức dậy. Đèn đường đã bật sáng. Một cơn mưa cũng bất chợt đổ xuống.
Tôi biết lại mất thêm một ngày ngớ ngẩn với Brunel. Nhưng nếu không, thì làm gì cho hết hôm nay?
VIII
Người ta chỉ cho tôi cái ghế trong góc phòng rồi bảo: “đợi một chút nhé, đại úy đang bận họp”. Tôi ngồi xuống ngó quanh quất. Phòng làm việc của thanh tra cảnh sát không khác phòng làm việc của kế toán công ty dược phẩm là bao (giống như tôi, hắn ta cũng chia phòng với một đồng nghiệp khác nhưng lúc này cả hai đều vắng mặt). Hai chiếc bàn làm việc để song song. Hai máy tính không tắt, màn hình loang loáng logo sở Nội Vụ (màn hình của tôi và Paul cũng loang loáng logo công ty Dược Phẩm). Trang trọng trên tường là chân dung lồng kính một con chó berger, rất giống Rex của hình sự nhiều tập Đức. Cũng dễ hiểu nếu Rex được các thanh tra cảnh sát cho lên bàn thờ mặc dù vẫn còn sống nhăn răng (hội điện ảnh vừa tổ chức kỉ niệm sinh nhật lần thứ ba mươi mấy của nó - viên bác sĩ thú y chuyên chăm sóc Rex tuyên bố với các nhà báo là chưa thấy con cẩu nào dẻo dai như thế, và có lẽ nó sẽ có tuổi thọ rất cao). Phim mục của Rex chẳng kém phim mục của các ngôi sao hành động khác. Người ta đồn rằng nó có rất nhiều fan trong giới cảnh sát.
Cách đây nhiều năm, một lần để quên thẻ Visa trong siêu thị, tôi quay lại tìm thì nhân viên bán hàng không buồn giúp mà bắt ra cảnh sát khai báo. Dịp ấy, tôi được chứng kiến phòng làm việc của phó đồn ngập ảnh Bruce Willis, có cái phóng to như người thật, siêu sao Hollywood mặc đồng phục, đeo kính đen, khẩu súng lục cầm ở tay thật đến độ vừa bước vào phòng tôi đã suýt quay lưng bỏ chạy. Nhìn phản ứng của tôi, phó đồn sướng quá cười bảo: “Bruce Willis đấy, oách quá phải không!”. Khi tôi trình báo xong xuôi, phó đồn tuyên bố một câu xanh rờn: “nói thật chứ, đáng lẽ phải báo ngân hàng chủ quản trước khi lên gặp chúng tôi”. Trước vẻ ngạc nhiên của tôi, phó đồn tuyên bố tiếp: “thời buổi này, quên tức là mất, thế mà không hiểu”. Không đợi tôi phản ứng, phó đồn bắt tay khuyên: “nói chung không tìm được đâu, đừng hy vọng cho mệt”. Rồi quay sang chỉ vào Bruce Willis cười cười nhắc lại câu lúc nãy: “oách quá phải không!”. Hai lần liền không được tôi hưởng ứng, phó đồn mặt mày sa sầm, đập cửa một cái rất mạnh. Ngay sau đó, tôi phải công nhận rằng phó đồn có lý: thẻ Visa của tôi đã lọt vào tay một ai đó tận Bruxelles và toàn bộ số tiền trong tài khoản đã kịp không cánh mà bay. Kết quả là một tuần liền tôi gặm bánh mì kẹp trừ bữa. Sau này tôi cũng xem thêm vài phim có Bruce Willis và lần nào cũng nhớ đến phó đồn. Phải công nhận là ngôi sao Hollywood kẻng trai và đóng tốt. Chỉ có vấn đề là anh ta diễn xuất giỏi đến độ khán giả không sao quên được các vai siêu cảnh sát anh hùng trừ gian của anh ta. Các nhà làm phim cũng không dám giao cho anh ta các loại vai khác. Mới đây, Bruce Willis tâm sự là rất thèm thử nghiệm các nhân vật gian ác (trái ngược với siêu cảnh sát) nhưng các fan nhao nhao phản đối và anh ta “gần vỡ đầu” mà vẫn chưa biết giải quyết thế nào!
Hôm nay, trước khi đến gặp Delon tôi đã tưởng sẽ được dịp mỏi mắt với chân dung của ngôi sao điện ảnh Pháp (rất có thể vì mê các vai hành động của Alain Delon mà hắn ta đã quyết định vào ngành cảnh sát và tiếp tục lên đến chức vụ đại úy). Thế mà chỉ có mỗi Rex ngự trị trên tường. Thật không hiểu ra làm sao. Tự dưng tôi hơi có cảm giác bất an.
Cuối cùng thì ai đó cũng bước vào. Hắn còn trẻ, đỏm dáng, tóc chải mượt, sơ-mi trắng, com-lê xanh, cặp da mềm. Nói chung nhiều vẻ chuyên viên thương mại hơn thanh tra cảnh sát. Hắn giơ tay bật tất cả các công tắc đèn, xong xuôi quay ra nhìn tôi không chào mà nói ngay: “đợi Delon hả, chắc là lâu đấy”. Tuyên bố xong cái câu kinh hoàng ấy, hắn điềm nhiên ngồi xuống bàn làm việc bên cạnh chân dung Rex. Tôi hiểu hắn là fan của ngôi sao hình sự nhiều tập Đức.
Hắn cũng không ngồi lại lâu. Sau khi mở máy nhắn tin - không có tin gì, rồi mở e-mail - hình như cũng không có thư gì, hắn đứng lên tay cầm một quyển sổ công tác (trên bìa có logo của sở Nội Vụ). Đã đi ra đến cửa, hắn còn ngoái lại nhìn tôi nháy mắt: “đợi một chút nhé, đại úy còn bận họp”. Hình như không nhớ tẹo nào câu vừa tuyên bố cách đây mấy phút.
Còn một mình trong phòng, tôi lại quay về cảm giác bất an ban nãy. Không hiểu sao Delon mãi chưa buồn đến, hắn bận họp thật hay cố tình muốn thử thách lòng kiên nhẫn của tôi. Cứ nghĩ đến hắn (tôi không thể hình dung được khuôn mặt hắn mà không có sự trợ giúp của Alain Delon) là tôi ngài ngại, mặc dù tôi phải công nhận đó là một khuôn mặt đẹp trai và không đến nỗi ngốc nghếch cho lắm. Nhất định hắn sẽ xuất hiện trong áo măng-tô dạ đen, mũ phớt đen và kính râm to bản. Bây giờ thì tôi hiểu rằng hắn không chịu treo ảnh Alain Delon chẳng qua vì hắn muốn thay thế ông ta. Hắn còn trẻ trong khi ông ta đã lục tuần. Hắn cũng mang họ Delon như ông ta. Và hơn hẳn ông ta, trong túi sơ-mi của hắn là thẻ cảnh sát thật chứ không phải thẻ cảnh sát rởm, trong túi măng-tô của hắn là súng lục thật chứ không phải súng lục rởm, trong túi quần tây của hắn là khóa số 8 thật chứ không phải là khóa số 8 rởm. Tóm lại, nếu Alain Delon là ngôi sao đang xuống của điện ảnh Pháp thì hắn là ngôi sao đang lên của sở Nội Vụ thành phố. Tôi tin là hắn sẽ còn lên nữa.
Trên đường đến gặp hắn, đúng 9h sáng, tôi đã dừng lại để gọi điện cho Brunel. Tôi xin phép được nghỉ làm sáng nay vì trong nhà có việc bận đột xuất. Brunel có vẻ ngạc nhiên, ngần ngừ một chút nhưng cuối cùng cũng không vặn hỏi gì. Rõ ràng là tay sếp rất muốn biết chi tiết nhưng không dám. Tôi chào nhanh rồi đặt máy xuống. Lần đầu tiên, tôi cư xử ngang hàng với Brunel như thế. Dù sao thì hai ngày cuối tuần vừa rồi cũng đã cung cấp cho tôi một lượng thông tin về hắn gấp mấy chục lần so với tất cả thời gian trước đây gộp lại. Có lẽ tôi còn phát hiện ra những điều mà chính vợ hắn cũng không biết (mụ ta còn đang mải tí tởn với thằng trai trẻ trong một khách sạn nằm ở tít góc đằng kia của Paris). Nếu cố gắng (giờ đây tôi cũng không hiểu tại sao đã dễ dàng lùi bước trước cô thiếu nữ Trung Hoa như thế), tôi sẽ mò lên được tận nơi để tóm gọn ổ chuồn chuồn của Brunel. Tôi tưởng tượng hắn sẽ giật vội chăn từ tay tình nhân rồi cuống quít quấn vào người. Chà chà, khúc dồi lợn khổng lồ mà được vẽ thêm hoa mẫu đơn đỏ thì vui mắt phải biết. Tôi sẽ mang theo máy ảnh số và bấm liên tục cho đến cạn phim mới thôi. Hắn sẽ hết dùng tay lại dùng gối che mặt (tay kia còn phải giữ chăn mà đậy kín cái dương vật tím bầm teo tóp). Hắn sẽ van tôi tha cho hắn. Hắn sẽ hứa nâng đỡ tôi. Hắn sẽ xin tôi bỏ qua mọi chuyện cũ. Tôi sẽ hỏi hắn những chuyện nào nhỉ. Hắn sẽ lập bập kể ra một lô xích xông đủ thứ chuyện mà bản thân tôi cũng chưa nghe bao giờ, ví dụ hắn biết thừa Paul bị ung thư phổi giai đoạn cuối nhưng vẫn xếp anh ta chung phòng làm việc với tôi, ví dụ hắn đã tự tay cho tôi điểm 10/20 trong bảng xếp hạng chất lượng nhân viên cuối năm, ví dụ hắn đã lý sự ban giám đốc đừng nên cử tôi đi công tác Đông Âu. Tôi sẽ cười nhạt hỏi hắn đã lý sự thế nào. Hắn sẽ đưa ra một lý do buồn cười vỡ ruột: T là người gốc Việt mà cộng đồng Việt Nam ở Đông Âu rất lớn, họ có thể qua T mà mua chuộc tôi phá công ty để họ tự do chiếm lĩnh thị trường dược phẩm như đã từng chiếm lĩnh thị trường thuốc lá, bút chì kẻ mắt và kính đổi màu. Hắn sẽ huyên thuyên những điều không ai hiểu nổi và sẽ thở hồng hộc như một con bò đực đang bị cắt tiết (rất có thể là một bản độc tốc ngược của kèn ô-boa).
Tiếng chân người bước vào khiến tôi ngẩng lên (từ lúc tay thanh tra đỏm dáng ra ngoài mà không tắt đèn, tôi ngồi cúi mặt xuống sàn). Dưới ánh sáng nhức nhối của bốn cây nê-ông và ba bóng hallogen, lừng lững một thằng người trong măng-tô dạ đen, mũ phớt đen và kính râm to bản. Kẻ nào yếu bóng vía nhất định sẽ tưởng Alain Delon đang từ phim đi ra. Thằng người thấy tôi không phản ứng gì thì có vẻ không hài lòng, mắt hắn được kính râm to bản che kín nhưng tôi vẫn thấy môi hắn mím lại, yết hầu giật liên hồi. Hóa ra đại úy cảnh sát cố tình dựng lên vở diễn này để gây ấn tượng với tất cả những ai mới đến gặp lần đầu, và có lẽ tôi là một trong số ít đã tỏ ra thờ ơ. Hắn đã triệu tập chúng tôi vào đầu giờ, để chúng tôi ngồi đợi một mình trong phòng, chờ cho tay đồng nghiệp đỏm dáng đến làm việc, bật hết công tắc đèn xong lại cầm sổ công tác đi ra ngoài, hắn mới từ từ bước vào phòng (hắn chọn thời điểm chúng tôi gục mặt xuống đất vì không chịu được nữa ánh sáng nhân tạo quá mạnh). Rất nhiều người đã giật mình hốt hoảng khi thấy Alain Delon hiện ra trước mặt, nê-ông và đèn hallogen càng làm cho vở diễn thêm ấn tượng. Hắn nhất định không nhúc nhích để cho đám người yếu bóng vía kia hết trợn trừng mắt lại đi một vòng xung quanh chiêm ngưỡng. Hắn biến thành ngôi sao trong năm phút thậm chí mười phút. Hắn đã thành công nhiều lần như thế, vì người yếu bóng vía bao giờ cũng đông hơn những kẻ còn lại. Tôi tự nhủ nếu phải lên gặp hắn ngay từ cách đây mấy ngày thì rất có thể tôi cũng sẽ thuộc về đám đông yếu bóng vía ấy.
Delon tiến về bàn làm việc, bức tường sau lưng không có chân dung ngôi sao nào cả (bởi vì thần tượng của Delon đại úy cảnh sát không phải là tài tử Alain Delon nổi tiếng mà là chính bản thân hắn). Hắn bỏ mũ, cởi măng-tô, bên trong là một bộ com-lê đen đúng mốt và mới toanh. Nhưng cặp kính râm to bản thì hắn không chịu tháo. Dầu sao thì cũng nhờ nó mà khuôn mặt hắn được che đi một phần khá lớn. Tôi cho rằng hắn không ít lần oán Alain Delon đã không bao giờ xuất hiện trong phim với khẩu trang khiến hắn có cớ mà che đi cái miệng của mình. Đúng là cái miệng của hắn không nên để cho người khác nhìn gần (lúc nãy hắn đã cố tình đứng lại ngay cạnh cửa ra vào và khéo léo giữ cho vành mũ phớt hắt bóng xuống cả khuôn mặt). Không biết có phải do di truyền hay vì bố mẹ hắn không để ý đến việc thay răng của hắn lúc bé mà miệng hắn cố ngậm bao nhiêu vẫn bị hở. Đó hẳn phải là nỗi đau khổ to lớn nhất của hắn từ trước đến nay, thế nên khi hắn thấy vở diễn không thành công (không khiến tôi giật mình) thì ngay lập tức mím chặt hai môi. Tóm lại, những chiếc răng thừa đã lột mặt nạ Alain Delon của hắn, cái mặt nạ mà có cố hết sức thì hắn cũng chỉ đạt được đúng hai phần ba. Lực bất tòng tâm là như thế.
Delon chỉ cho tôi một cái ghế, ra hiệu ngồi xuống. Vẫn tiếp tục mím môi, hắn nghếch mông tựa vào bàn làm việc. Phòng im phăng phắc cảm giác nghe rõ cả tiếng u u của máy vi tính và tiếng tanh tách của bóng đèn nê-ông. Tôi thấy mắt (đúng hơn là đôi kính râm) của Delon chĩa thẳng vào mặt mình. Tất nhiên là tôi không sợ (ai lại sợ một đôi kính râm). Nhưng ánh sáng nhân tạo quá mạnh trong phòng lại làm tôi vô cùng chói mắt, và tôi vẫn có chiều hướng cúi mặt xuống sàn chứ không ngẩng mặt lên nhìn lại hắn. Điều này khiến Delon khoái chá, hắn cười cười, nhưng môi thì vẫn mím nên trông càng khó chịu. Không kìm được, tôi hỏi hắn thẳng thừng lý do nào mà hắn bắt tôi bỏ việc đến đây. Hắn tiếp tục nhìn tôi im lặng, ra điều hắn chưa muốn trả lời tôi ngay. Tôi nhận thấy hắn rất khoái đút hai tay vào túi. Lúc mới vào, hắn đút chúng vào túi áo măng-tô, bây giờ khi không còn măng-tô nữa thì hắn đút vào hai túi quần tây. Chân hắn gõ gõ xuống sàn theo một điệu nhạc tưởng tượng. Phải công nhận là nếu nhìn hắn từ xa hai mươi mét thì tôi cũng ngỡ là Alain Delon.
Tôi tiếp tục lên giọng hỏi hắn có biết rằng đầu giờ chiều là tôi phải có mặt ở công ty. Hắn không thay đổi tư thế và cũng chẳng lên tiếng trả lời. Cuối cùng, tôi đứng lên bảo nếu hắn không có gì để nói với tôi thì tôi xin phép ra về. Rất nhanh, hắn đưa tay ấn tôi xuống ghế. Rồi không để cho tôi kịp trấn tĩnh, hắn quẳng cho tôi một phong bì to bằng giấy cứng, từ đó lao ra một xấp ảnh đen trắng cỡ A4. Trong ảnh là tôi, lúc thì ngồi sau tay lái ô-tô, lúc thì nói chuyện với cô bán bánh, lúc thì đang nhai bánh mì kẹp cạnh Hanah, lúc thì ngủ gật trước nhà thờ quận 16, lúc thì đứng ngay cửa khách sạn khu Tàu… Tóm lại, tôi ở ngay sau lưng Brunel còn Delon lại ở ngay sau lưng tôi. Có lẽ vì mải nhìn về phía trước mà tôi không để ý đến gương hậu.
Hắn nhìn tôi hả hê. Mặt hắn vênh vênh (nhưng môi thì vẫn không quên mím chặt). Đợi cho tôi xem xong xấp ảnh, hắn giơ tay kéo hết về phía mình rồi nhét trở lại phong bì, cất vào ngăn kéo. Xong đâu đấy, hắn mới đứng lên, hai tay vẫn đút trong túi quần tây. Hướng về đỉnh đầu của tôi, hắn lên giọng yêu cầu “khai báo tất cả thông tin” về Brunel. Đây là lần đầu tiên tôi nghe giọng thật của hắn và thú thực là thấy giống giọng Alain Delon một cách không ngờ. Hoan hô đại úy thanh tra cảnh sát. Tôi tưởng tượng hắn ăn kiêng và tập thể thao ghê gớm lắm mới có được cái dáng như tài tử điện ảnh. Hắn cũng tốn rất nhiều tiền (có lẽ gần hết lương tháng) để sắm cho mình những bộ cánh, giày tất thắt lưng và mọi phụ tùng như tài tử điện ảnh. Hắn cũng mất nhiều công sức để chăm sóc làn da, sửa sang mái tóc và tỉa tót móng tay như tài tử điện ảnh. Hắn cũng ngày đêm xem băng và tập nói để có cái giọng y hệt như tài tử điện ảnh. Tóm lại, tất tần tật mọi thứ trừ những cái răng bướng bỉnh. Về điểm này thì tôi suy nghĩ từ nãy mà vẫn không sao hiểu nổi, bởi vì ai mà không biết ngành giải phẫu thẩm mỹ đã phát triển đến mức nào. Chỉnh mũi gãy, mổ mắt chột hay khâu miệng hoa loa kèn... được đơn giản hóa gần bằng động tác mổ gà. Mới đây người ta còn quảng cáo phẫu thuật “kéo dài dương vật”, tấn công nỗi sợ truyền kiếp của đàn ông. Thế thì tại sao lại không thể hạ bệ mấy cái răng bướng bỉnh? Tôi cảm giác đây là uẩn khúc quan trọng nhất của Delon.
Tôi hắng giọng rồi bắt đầu kể cho hắn nghe về ngày thứ Bảy, khá đầy đủ chi tiết: tôi đã đến đại lộ Victor Hugo rồi đột nhập tòa nhà của Brunel như thế nào, suýt chạm trán với mụ vợ Brunel và thằng trai trẻ ra sao, đi theo Brunel đến khu Tàu mệt đứt hơi nhưng để hắn sổng mất, cuối cùng đành ngồi lại ăn nem và uống bia trong quán Lâu đài hạnh phúc, nem giòn, bia ngọt, ông chủ quán tốt bụng, Hanah hài lòng… Delon ngồi im nghe, không ghi chép (vẫn thích đút tay vào túi quần) và đôi mắt (qua cặp kính râm to bản) hầu như không mấy khi rời tôi. Kể xong ngày thứ Bảy, tôi dừng lại thở. Delon hỏi có muốn uống không. Tôi gật đầu bảo có cái gì nóng thì tốt quá. Hắn nhấc máy điện thoại, bấm tách tách. Mấy phút sau một bà đứng tuổi bước vào phòng bưng cái khay đựng hai tách cà phê và một hộp đường viên. Hắn vỗ vai bà ta rồi bảo “cám ơn Marie, nếu cần sẽ nhờ sau”. Thái độ rất trịch thượng. Không biết có phải để lòe. Tôi thở dài, hắn lòe thế nào cũng được, nhưng phải để tôi yên như các vị thanh tra đồn cảnh sát địa phương. Tôi đã cố gắng nói lưu loát, thành thực. Và bây giờ mới mệt làm sao!
Delon không uống, đợi tách cà phê tôi vừa cạn là hất hàm ra hiệu cho tôi kể sang ngày chủ nhật. Từ một tiếng nay, hắn ngồi nghếch mông lên bàn và cho tay vào túi quần tây. Đèn nê-ông và hallogen vẫn thi nhau chiếu sáng. Tôi bỗng hiểu chính vì chúng mà mắt tôi gần như không còn khả năng phân biệt, và thân thể trở nên rã rợi thế này. Delon thì không hề hấn gì vì được đôi kính râm to bản bảo vệ. Hóa ra hắn tra tấn tôi một cách gián tiếp mà tôi không biết. Người ta đã nói đâu đó rằng ánh sáng cực mạnh là một trong mấy cách tra tấn hữu hiệu nhất. Tên đồng nghiệp đỏm dáng của Delon cũng chẳng dại gì ngồi quá mươi phút trong phòng. Rất có khả năng là hắn được Delon giao nhiệm vụ bật hết công tắc đèn rồi tìm cách chuồn ra ngoài, nhường chỗ cho Delon hành động.
Phát hiện này khiến tôi sững sờ cả người.
Delon hất hàm lần nữa. Tôi lại kể, nhưng không còn thật thà như khi nãy. Lúc thì vô tình lúc thì cố ý, tôi biến câu chuyện thành một mớ hổ lốn không đầu không đuôi. Chẳng hạn, tôi kể là trong lúc mụ vợ tắm hơi và thằng trai trẻ nghe nhạc thì Brunel đã trốn đến khách sạn khu Tàu rồi ngủ trưa ở đó với tình nhân, hai người nằm trong một phòng nhỏ trên tầng cao nhất, cửa sổ kéo rèm đỏ kín mít. Delon hỏi tôi có nhìn thấy tình nhân của Brunel không. Nghe giọng thì rõ là tò mò. Tôi gật đầu rồi tả cho hắn tỉ mỉ khuôn mặt của cô thiếu nữ Trung Hoa, mày ngài, mắt phượng, da mịn màng như tuyết, tóc đen như khung cửi gỗ mun, nhất là hàm răng trắng tinh đều đặn và nụ cười tươi hơn hoa. Tôi còn nói thêm là cô ta mặc váy xẻ tà rất cao, đùi lấp ló giữa hoa mẫu đơn đỏ, y hệt nhân vật chính của một truyện ngắn tôi đã đọc ở trung học. Cuối cùng tôi kết luận rằng đó là phụ nữ châu Á đẹp nhất mà tôi từng gặp từ trước tới nay, hơn cả Củng Lợi, hơn cả Chương Tử Di, đến độ tôi đã phải tự hỏi tại sao cô ta đã không đi thử vận may ở Hollywood.
Delon không để tôi dừng ở đó. Hắn tỏ ra càng lúc càng tò mò và chỉ muốn biết một điều: Brunel “chơi” cô ta như thế nào. Tôi cũng hơi giật mình khi nghe thấy từ “chơi”, rõ ràng nó không hợp chút nào với khung cảnh hiện nay (giữa trung tâm của sở Nội Vụ). Nhưng tôi tặc lưỡi rồi kể cho Delon nghe một đoạn phim porno bất ngờ nhớ được. Những “thúc từ trên xuống”, “huých ngược ra sau”, “đút thẳng một cú” khiến Delon bồn chồn, chân gõ loạn xuống sàn, tay lục cục trong túi. Tôi bồi thêm một loạt mỹ từ kêu như chuông, “đôi mông tròn rắn chắc”, “cái eo mỏng nõn nà”, “bộ ngực non nhu nhú”, “cặp đùi dài thuôn thả”, “bờ vai trần đong đưa”, “khe nhỏ xinh hé mở”…Quả là quá sức chịu đựng của Delon. “Đủ rồi”, hắn đứng phắt dậy, rút tay khỏi túi quần, chỉ thẳng vào mặt tôi.
Lúc này trông hắn chẳng còn gì giống Alain Delon. Những chiếc răng bướng bỉnh cứ như sắp nhảy xổ ra ngoài. Cái miệng xấu xí phản bội hắn hoàn toàn. Tôi nhìn hắn và hình như đã hơi nhăn mặt. Người ta vẫn phản ứng như thế khi bất ngờ gặp một vết ố vàng trên chiếc áo sơ-mi lụa trắng. Delon hẳn là rất nhạy cảm với những cái nhăn mặt của kẻ đối diện. Ngay lập tức hắn mím môi lại. Chiếc mặt nạ Alain Delon dù sao cũng chỉ hoàn thiện được hai phần ba. Tôi thấy tiếc cho hắn.
Tôi đứng lên đi ra khỏi phòng. Bên ngoài trời mưa rất to. Tôi bỗng nhớ ra rằng đã không thông báo chút nào cho Delon về số tiền mười nghìn euro được chuyển vào tài khoản riêng của T tuần trước. Và đó mới chính là lý do tôi đã ở sau lưng Brunel hai ngày vừa qua.
IX
Căng-tin bao giờ cũng đông. Đó là nơi người ta vừa được ăn vừa được nói thỏa thuê, lại không tốn kém, ít nghi kị. Cuối cùng tôi cũng chọn được một bàn bốn người, ba đồng nghiệp kia (một nữ và hai nam) đã bắt đầu từ lâu, đĩa nhẵn thín nhưng vẫn muốn nán lại, mặt ai cũng ửng đỏ. Thấy tôi để khay xuống bàn, họ đồng loạt ngẩng lên, chúc ăn ngon rồi tiếp tục câu chuyện, có vẻ đang khá sôi động.
Món khai vị gồm một khoanh thịt hun khói và mấy lát dưa chuột muối. Tôi làm hai miếng hết sạch. Từ sáng tới giờ bụng tôi chưa được nhập gì. Tách cà phê nóng của đại úy Delon giúp đầu tôi tỉnh táo đôi chút nhưng lại khiến dạ dày quặn lên từng đợt. Lúc đó tôi đã định chút nữa xong việc sẽ kiếm ít bánh ngọt, nhưng không hiểu sao đặt chân vào tàu điện ngầm mới nhớ ra. Cũng có thể trời mưa to quá. Giữa mùa đông mà mưa như trút thì cũng lạ thật. Mọi người đều bị bất ngờ và ướt từ đầu tới chân. Chẳng ai mang theo ô hoặc áo mưa.
Món chính cũng được tôi nhanh chóng chén gọn. Khi tôi vào đến nơi, ông phục vụ thông báo ngay là bít-tết không còn nữa, chìa cho tôi một đĩa thịt thái nhỏ nấu với cà rốt và đậu hạt. Qui luật của căng-tin là hàng ngày có hai món chính để chọn nhưng ai cũng biết hôm nào bít-tết xuất hiện, món kia rất khó nuốt, phần lớn là đồ hộp hoặc đông lạnh. Có lẽ các vị đầu bếp cho rằng đối với một món top như bít-tết thì không có lựa chọn nào hết và nhân dịp đó kèm một món nhét lò vi sóng nửa phút là xong. Chỉ thiệt những ai đến muộn.
Bây giờ thì tôi đã hoàn hồn đôi chút. Ba đồng nghiệp cùng bàn chắc cũng phát hoảng trước những động tác nhồm nhoàm của tôi. Thỉnh thoảng họ ngừng nói rồi đưa mắt nhìn nhau. Tôi đứng lên lấy ly nước lọc, quay lại vẫn thấy cả ba ngồi đấy, đang bình luận về vụ lạm dụng tình dục trẻ em mới bị phát hiện ở thành phố Anger. Bình thường nếu ba người đều là đàn ông thì chủ đề giường chiếu thế nào cũng thắng, nhất là sau khi đã cho vào dạy dày một miếng bít-tết và một ly rượu vang êm. Nhưng vì trong đám có một phụ nữ (trước đây tôi chưa từng nhìn thấy cô ta ở công ty) nên chủ đề bị chệch đi đôi chút. Cuộc nói chuyện sôi nổi nhưng phần lớn là do cô ta giật dây. Tôi ngờ rằng chính cô ta là người đem đề tài này ra bình luận đầu tiên, cô ta là người Anger và tỏ ra vô cùng tức giận khi thành phố quê hương bị lũ người “bệnh hoạn” làm cho “nhơ bẩn”. Cô ta có khuôn mặt cân đối, thậm chí khá đẹp nhưng giọng nói thì the thé, cảm giác như hai lưỡi kéo đang xiết vào nhau. Hai đồng nghiệp kia tìm cách an ủi, giải thích đại loại là chăn nào mà chẳng có rận, nếu tính về độ nhơ bẩn thì Paris kinh tởm hơn cả, nhưng có sao đâu, người cả nước vẫn đổ về đây ngày một đông, giá bất động sản tăng lên chóng mặt. Họ nháy mắt với nhau và rõ ràng là có ý chuyển hướng đề tài, bất động sản bao giờ cũng khiến mọi người linh hoạt và tuôn được một đống ý kiến ý cò. Nhưng cô ta tỏ ra không dễ bị mắc lừa tẹo nào, nhắc đi nhắc lại hai lần rằng con người bây giờ thật “xảo trá” và rất khó mà phân biệt ai với ai. Hai đồng nghiệp không phản ứng, cô ta có vẻ càng bị kích thích và cuối cùng cao giọng tuyên bố: “tôi sẽ bầu cho chính phủ nào ra được bộ luật cấm bố tắm cho con”. Hai đồng nghiệp kia còn lúng túng hơn nữa, cô ta đắc thắng nói tiếp: “cứ nghĩ đến bàn tay chúng nó lần mò vào chỗ kín của bọn trẻ là tôi lại rùng mình kinh tởm, trên thực tế đã có bao nhiêu vụ như thế, bọn trẻ không thể tự suy xét và cái gì cũng có thể xảy ra mà chúng ta không kiểm soát được”. Hai người kia quay ra nhìn tôi, chắc là để tìm sự đồng cảm, dù sao thì cả ba chúng tôi đều là đàn ông, chiếc nhẫn cưới tôi đeo ở tay chứng tỏ tôi đã lập gia đình và rất có thể hàng ngày phải làm nhiệm vụ “tắm cho con”.
Tôi giả vờ như không nghe thấy gì và ngửa cổ uống cạn ly nước. Tôi biết những đề tài kiểu này thường rất khó chấm dứt và cô ta chắc chắn sẽ là kẻ thắng cuộc. Tôi không lầm. Khi hai đồng nghiệp kia đã cài lại khuy áo khoác, phủi vỏ bánh mì ở quần, tỏ ý muốn đứng lên thì cô ta còn kéo tay họ bắt ngồi lại, rồi hất hàm hỏi: “các anh thấy không, ngày càng nhiều phụ nữ muốn sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, điều ấy chứng tỏ là bọn trẻ có thể lớn lên mà không cần ông bố nào cả”. Hai đồng nghiệp kia gật đầu liên tục. Ra đến hành lang, tôi vẫn nghe thấy giọng cô ta the thé bên trong về một ngân hàng tinh trùng mới mở tại trung tâm Paris, “rất có uy tín”, hai lưỡi kéo xiết vào nhau ở mức độ tối đa.
Paul chưa về. Bàn làm việc của tôi bày một chồng hóa đơn dày, có lẽ thư kí của Brunel mới đưa đến. Tôi ngồi xuống ghế và bắt đầu nhìn xung quanh. Đồ vật trong phòng vẫn ở vị trí cũ. Chiếc cửa sổ không rèm trông ra một khu nhà cao tầng với rất nhiều ban công sơn màu sặc sỡ. Ánh nắng chiều dè dặt bò trên thảm. Màn hình vi tính lấp loáng logo công ty. Hai ngày không gặp lại mà tôi cảm giác xa từ lâu lắm. Tất cả đã đột ngột biến đổi. Trong thâm tâm, tôi không tính được sự kiện T mất tích sẽ ảnh hưởng sâu xa thế nào đến cuộc sống của tôi, nhưng tôi biết từ nay tôi không còn nhìn mọi thứ như trước nữa. Người ta nói rằng trong dòng chảy cuộc sống, một lúc nào đó, mỗi con người đều nhận được một cú huých không biết từ đâu, để nhận ra rằng xung quanh ”tất cả đã biến đổi”. Nhiều người đã nhận được nó từ khi còn trẻ. Những người khác lại nhận được nó lúc sắp sang thế giới bên kia. Tôi nhận được nó ngày hôm nay, mồng 6 tháng Hai năm 2006, vào đúng sinh nhật lần thứ ba mươi tám.
Paul đẩy cửa bước vào. Không để tôi kịp ngẩng lên, anh ta nói ngay rằng tôi cần gọi điện đến số này, việc kíp lắm, một phụ nữ đã liên lạc với tôi sáng nay hai lần liền, hình như liên quan đến tình trạng sức khỏe của bố tôi. Anh ta đưa cho tôi một mẩu giấy vàng. Trên đó ghi một số điện thoại bắt đầu bằng 05. Bên cạnh không có hình lò xo nào cả. Tôi tin rằng Paul nói đúng. Việc kíp lắm.
Ngay tiếng chuông đầu tiên đã có người nhấc máy, như thể đang đợi sẵn bên cạnh. Giọng một phụ nữ, tự giới thiệu là vợ của bố tôi, thông báo với tôi rằng ông trong tình trạng nguy kịch, bệnh viện lo chưa chắc qua nổi đêm nay, “ông ấy yêu cầu được gặp anh”, bà nói, “nếu anh không có vấn đề gì, rất mong anh hãy tôn trọng ý muốn có lẽ là cuối cùng của ông ấy”. Bà đọc cho tôi địa chỉ bệnh viện rồi cúp máy. Hình như có bác sĩ vào thăm.
Tôi không hiểu cái câu “nếu anh không có vấn đề gì” của bà cho lắm. Bà không biết chuyện T mất tích, cũng không biết tôi vừa từ sở Nội Vụ về được một tiếng nay. Vậy “vấn đề” mà bà muốn ám chỉ là cái gì? Tôi vừa đi vừa nghĩ suýt nữa đâm sầm phải Brunel. May quá đang trên đường đến gặp hắn thì hắn lại xuất hiện. Có lẽ hắn cũng đang trên đường đến gặp tôi. Nhìn tôi nhặt mấy tờ giấy rơi dưới đất, hắn hỏi: “thế nào, ổn chứ?” Tôi vẫn còn đang thắc mắc về câu nói của mẹ kế nên không hiểu ngay câu hỏi của hắn. Brunel nhắc lại: “thế nào, việc gia đình ổn chứ?”. Lúc này tôi mới nhớ ra sáng nay đã gọi điện xin phép hắn nghỉ làm vì “việc gia đình”. Không ngờ lại trùng vào chuyện bố tôi ốm nặng. Tôi định thần rồi bảo hắn tôi phải xuống miền Nam gấp để gặp bố tôi đang cơn hấp hối. Hắn trợn tròn mắt nhưng không bình luận, chỉ nói mỗi câu “đáng tiếc”. Tôi biết trong chuyện này, hắn không có cớ gì mà cản trở. Tôi có đầy đủ bằng chứng. Nếu hắn hay ban giám đốc nghi ngờ, xin mời nói chuyện với Paul. Chính anh ta đã nhận điện thoại của mẹ kế, không phải một lần mà tới hai lần, trong mấy tiếng đồng hồ buổi sáng. Brunel hỏi tôi đi mấy ngày. Tôi trả lời bừa là hai, nhưng trong thâm tâm tôi cũng nghĩ chỉ hai ngày là cùng.
Tôi ngần ngừ không biết nên đi thẳng ra ga hay về đón Hanah đi cùng. Tính toán một lúc, tôi tặc lưỡi quay về nhà. Đằng nào thì tôi cũng phải chuẩn bị một ít đồ dùng cá nhân và nói chuyện với vợ chồng bà gác cổng. Rất có thể họ từ chối giữ Hanah mấy ngày liền. Còn nếu đồng ý thì cũng chặt một cái giá kinh hồn. Các vị ấy thạo luật lao động lắm. Tiền công giữ Hanah ban ngày là bảy euro một giờ thì ban đêm sẽ tự động nhân đôi. Một giấc ngủ tám tiếng của con bé nhòm nhèm gần ngày lương của tôi. Thế thì chẳng mấy mà tôi và nó đưa nhau ra đường ăn xin.
Tôi lên nhà lấy ít quần áo cho vào túi du lịch rồi xuống nhà bà gác cổng. Vừa hay bà ta đi đón Hanah ở trường về. Cả hai nhìn tôi ngạc nhiên. Hanah im lặng còn bà ta sồn sồn hỏi ngay tôi đi đâu và có việc gì xảy ra với “bà nhà”. Tôi ra hiệu cho Hanah không cởi áo khoác rồi trong lúc dắt nó ra cửa, tôi bảo bà ta rằng bố tôi ở miền Nam ốm nặng, muốn gặp “chúng tôi” gấp. Tôi dùng từ “chúng tôi” vì tôi nghĩ bố tôi cũng muốn gặp Hanah, ông đã chẳng cảm động khi hay tin được lên chức ông đấy thôi (ít ra là ông đã viết trong thư như thế cách đây năm năm). Bà gác cổng trợn mắt, trông bà ta lúc này rất giống Brunel, hắn cũng phản ứng y hệt khi nghe tin về bố tôi. Ý nghĩ này khiến tôi không thể không phì cười. Bà gác cổng càng ngạc nhiên hơn, mắt mở to thao láo. Bây giờ thì bà ta lại không giống Brunel nữa rồi. Hắn ta biết giấu cảm xúc hơn, vừa trợn mắt xong đã kịp chớp mấy cái, rồi nói ngay sang chuyện khác. Hắn thuộc giai cấp quí tộc.
Để bà gác cổng ngẩn ngơ ở cửa, tôi và Hanah vội vã ra bến tàu điện ngầm. Trước mắt chúng tôi là chuyến đi rất dài, gần một nghìn cây số, có lẽ là chuyến đi xa đầu tiên của Hanah, cũng là chuyến đi xa đầu tiên của tôi sau hơn chục năm lên Paris sinh sống. Tôi chợt nghĩ tới cảm giác bất ổn mà cô thiếu nữ Trung Hoa gây ra hôm qua.
Ngoài sân ga, tôi được biết là để đến X phải đổi một lần tàu ở Toulouse nhưng chuyến tàu nhanh TGV cuối cùng vừa chuyển bánh được mấy phút. Tôi hỏi có cách nào khác để đi ngay tối nay không. Người ta bảo phải đi tàu chậm, đến Toulouse cỡ 1h sáng, sau đó đợi hai tiếng nữa để lên tàu khác đi X, “thành phố nhỏ mà”. Tôi tặc lưỡi, bao giờ cái muộn này cũng kéo theo cái muộn khác. Đợi đến sáng mai có tàu nhanh, biết đâu ngành đường sắt lại đình công hoặc các vị cảnh sát chẳng phát hiện vài quả mìn nổ chậm đang gài đâu đó trên gần một nghìn cây số đường ray. Hơn nữa, tôi cũng không biết tìm chỗ nào mà qua đêm. Sang bên đường thuê một phòng khách sạn thì vô lý quá mức.
Tôi dặn Hanah đứng im tại chỗ rồi chạy đi mua hai suất ăn nhanh. Tôi và nó leo lên tàu đúng lúc còi rúc. Chúng tôi phải mất mười lăm phút mới tìm được toa và chỗ ghi trên vé.
Hanah ăn xong nửa khúc bánh mì kẹp thì kêu no. Tàu đêm vắng khách nên chúng tôi được hai giường ngay tầng dưới. Con bé ngủ dễ dàng, có lẽ vì quá mệt.
Đến hơn nửa đêm tôi bị một nhân viên trên tàu lay dậy. Ông ta kiểm tra vé và thông báo tàu sắp đến Toulouse. Hóa ra tôi cũng làm được một giấc mấy tiếng. Xung quanh im lặng hoàn toàn, nghe kĩ mới thấy tiếng động cơ rất êm. Có lẽ cả toa còn lại mỗi tôi và Hanah. Nhìn qua cửa sổ chỉ thấy cánh đồng. Và những cây cột điện ngả dài dưới ánh trăng nhàn nhạt. Đã lâu lắm tôi mới thức dậy giữa đêm ở một nơi hoang vắng thế này.
Tôi và Hanah còn vật vờ ở phòng đợi nhà ga Toulouse hai tiếng rồi mới được lên tàu lần nữa. Tôi nhớ là đã phải liên tục nhờ cà phê không đường để đừng bị ngủ quên. Bên cạnh chúng tôi là ba vị ăn mày ngồi nốc rượu kể sự đời. Được một lúc thì cãi nhau ỏm tỏi. Một vị chạy lại xin tôi một điếu thuốc lá rồi nhân tiện hỏi Nhật Bản nằm ở châu Á hay ngoài đại dương. Hóa ra vì lý do ấy mà cả bọn suýt rút dao. Tôi bảo thế nào cũng đúng, bản thân tôi cũng không rõ lắm, nhưng điều ấy có quan trọng gì đâu. Câu trả lời dường như không làm ông ta hài lòng. Hai vị kia cũng không hài lòng. Cả bọn quay ra nhìn tôi nghi ngờ rồi lại chụm đầu tranh luận tiếp, vẫn hùng hổ không kém. Khi ai nấy thấm mệt và dựa vào tường ngáy như sấm thì nhà ga thông báo tàu đi X đang đợi ngoài kia.
Cuối cùng chúng tôi đặt chân đến X vào năm giờ rưỡi sáng. Đêm vẫn đen kịt. Gió Mistral thổi buốt hai tai. Nhà ga như cái nhà hoang. Chờ thêm nửa tiếng mới có một chiếc tắc-xi trườn tới, ông lái giọng vẫn khản đặc, mắt đỏ ngầu. Lần đầu tiên tôi tự hỏi bố tôi tìm thấy cái gì ở một nơi khỉ ho cò gáy như thế này.
X
Ở phòng thường trực bệnh viện, vừa nghe tên bố tôi người ta đã lắc đầu: “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm qua, bác sĩ chẩn đoán không sai”. Ngay lúc đấy, không hiểu được báo bằng cách nào, một nữ y tá xuất hiện, chạy đến bắt tay tôi: “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm qua, chính tôi vuốt mắt và lau người lần cuối”. Cô ta cao lớn, có bộ ngực đồ sộ và cách phát âm đặc địa phương. Tôi bất giác nhớ đến cô bán bánh của khu nhà Brunel. Ngập ngừng một lúc, cô ta hỏi có phải tôi là con trai lớn của ông. Rồi dường như chỉ đợi tôi gật đầu là cô ta nói tôi giống ông y hệt thời ông mới chuyển đến X. Tôi ngạc nhiên. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy một nhận xét như vậy. Có lẽ những người quen của tôi đều chưa bao giờ gặp bố tôi nên chẳng ai có thể đưa ra một so sánh nào giữa hai chúng tôi. Cô ta nhìn tôi thêm một lúc nữa rồi quay ra vuốt tóc Hahah bảo hẳn là chúng tôi rất mệt, nếu tôi muốn gặp mẹ kế, cô ta có thể đưa tôi số điện thoại hoặc chỉ đường đến thẳng nhà. “X nhỏ lắm nên ai cũng quen nhau”, cô ta giải thích. Tôi chợt nghĩ có lẽ bố tôi là bệnh nhân duy nhất qua đời ngày hôm nay ở đây. Sau đó lại nghĩ như thế còn hơn là chen chúc trong nhà xác của Paris. Cô y tá trông khá dễ thương, bố tôi mà được cô ta vuốt mắt và lau người cho lần cuối kể ra cũng may mắn rồi. Trước đấy thế nào chẳng được cô ta thay quần áo và bón cơm, được bộ ngực đồ sộ của cô ta quệt qua quệt lại, được hơi thở của cô ta ràn rạt bên tai. Bố tôi có vẻ là một người may mắn, nhất là với phụ nữ.
Mẹ kế của tôi, ngay khi được cô y tá thông báo, đã chạy đến bệnh viện tìm chúng tôi. Bà có vẻ mệt nhưng vẫn cố nhiệt tình. Tôi không nhận ra người phụ nữ chụp cạnh bố tôi trên tấm ảnh cách đây năm năm. Thực ra tôi cũng không còn nhớ mặt bà cho lắm. Tôi xem ảnh một lần rồi cất đi đâu không rõ. Sau lần chuyển nhà, rất nhiều thứ thất lạc. Tấm ảnh tất nhiên cùng chung số phận. Chúng tôi lên xe về nhà. Trên đường, bà nói tiếc quá bố tôi không được gặp tôi và Hanah trước khi qua đời, rằng tôi với nó thật tốt bụng quá sức, đã vượt từng ấy cây số đến tận X giữa đêm tối thế này. Tôi không biết nói gì. Tôi không ngờ là bố tôi đã mong được gặp chúng tôi như vậy. Dường như đoán được suy nghĩ của tôi, bà nói chính bà cũng không ngờ tới, chỉ đến ngày cuối cùng bố tôi mới viết vào giấy ý muốn ấy, ông đã quá mệt và không thể nói được nữa. Sau đó bà im lặng. Tôi đoán là trước đó bố tôi đã không bao giờ nhắc tới tôi. Xe đỗ trước cửa nhà lúc nào không hay.
Chúng tôi được dẫn vào phòng khách. Mẹ kế mang cho tôi một tách trà nóng và Hanah một cốc nước cam rồi bảo uống xong, nếu chúng tôi vẫn mệt thì có thể tắm rửa một chút rồi nghỉ ngơi, bà đã dọn sẵn một phòng hai giường. Tôi gật đầu. Quả là tôi rất mệt.
Chúng tôi vượt qua một hành lang dài rồi một cầu thang khá dốc để lên tầng trên. Phòng của tôi và Hanah nằm ở một đầu còn buồng tắm và toa-lét lại được xây ở tít đầu kia. Căn nhà có vẻ rộng nhưng bố cục lủng củng và tối om. Không biết có phải vì đang có tang mà không khí thật ảm đạm, khác hẳn với vẻ nhanh nhẹn của mẹ kế. Bố tôi thì không biết thế nào. Từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ tò mò về đời tư của ông, chưa lần nào thử hình dung xem ông sống ra sao. Cả mười tiếng vừa qua tôi bị choáng vì cứ phải nhắc đi nhắc lại hai chữ “bố tôi”. Chúng phát ra từ miệng tôi mới gượng gạo làm sao. Tôi tự nhủ nếu người đối diện cố tình hỏi xem bố tôi mất như thế nào và thọ bao nhiêu tuổi thì hẳn là tôi sẽ tắc tị. Người Paris dù sao cũng chỉ trố mắt như Brunel hay cùng lắm là thao láo như bà gác cổng. Người ở X thì không thế. Cô y tá vừa nhìn thấy tôi đã nhận xét ngay rằng tôi giống bố tôi y hệt thời ông mới chuyển đến đây. Nếu mẹ kế mà không kịp tới đón, hẳn tôi sẽ được dịp nghe nhận xét của tất cả nhân viên bệnh viện và nhất định năm mươi phần trăm trong số họ sẽ vui vẻ hỏi tôi bận gì mà không thấy về thăm bố, hai bố con hẳn thư từ điện thoại cho nhau thường xuyên, vợ chắc phải đi làm hay đang có mang đứa nữa nên không cùng về hôm nay. Đúng thế, người ta sẽ hỏi thăm T. Không ai biết T mất tích.
Một giấc ngủ mê mệt chưa từng thấy. Lúc tôi xuống nhà thì mẹ kế đã đợi ở phòng ăn, Hanah ngồi cạnh tay cầm một đùi gà nướng, không hiểu đang nói chuyện gì mà vừa thấy tôi bước vào là cả hai cùng dừng lại. Cơm trưa xong, ngoài phòng khách, mẹ kế ngồi xuống một chiếc ghế đối diện với tôi. Tôi chưa hiểu chuyện gì thì bà nói bây giờ chắc là tôi đã đỡ mệt nên muốn bàn với tôi một việc. Giọng bà nghiêm trọng khác hẳn sáng nay. Trên thực tế, đầu vẫn đau như búa bổ nên tôi chỉ muốn chấm dứt tất cả những thủ tục ma chay càng nhanh càng tốt. Tôi im lặng. Bà giải thích rằng trong lúc tôi ngủ, bà đã gọi điện để lấy hẹn với chưởng khế vào chiều nay, bà đoán tôi cũng không có nhiều thời gian, Mic cũng thế, nó đang “bận ôn thi tốt nghiệp”. Bây giờ thì tôi hiểu rằng Mic là con của bà với bố tôi, là em cùng cha khác mẹ với tôi, mười tám tuổi, chiều nay tôi có nhiệm vụ đi cùng nó và bà đến chưởng khế để “mở di chúc của bố”.
Hơn hai mươi năm trước, ngay sau khi mẹ tôi qua đời, tôi cũng phải theo bố tôi tới văn phòng chưởng khế. Ở đó, suốt một tiếng liền người ta đọc cho chúng tôi một văn bản dài dằng dặc gồm những từ ngữ vô cùng mù mờ, thỉnh thoảng lại dừng lại để hỏi xem tôi có hiểu không và đề nghị tôi cho ý kiến. Tôi lắc đầu liên tục, có cảm giác công việc của chưởng khế là biến một đoạn văn đơn giản thành một văn bản càng rối rắm càng tốt. Đầu tiên, người ta còn nhẫn nại giải thích, sau đó thì đồng ý để bố tôi trả lời hộ tôi còn tôi chỉ phải kí tên và ghi mấy chữ “đã đọc, đồng ý”. Việc này thì tôi làm được và làm rất nhanh. Bố tôi cũng kí tên và viết hệt như vậy. Người ta bảo ổn rồi, bắt tay chúng tôi tiễn xuống tận cửa. Tôi thở phào. Thế là xong một buổi chiều lượt thượt.
Sau đó, tôi không có dịp để gặp thêm một vị chưởng khế nào khác. Và tôi cũng cho đó là một trong những may mắn hiếm hoi của mình.
Thấy tôi vẫn im lặng, mẹ kế hắng giọng rồi bảo nếu bà không nhầm thì mấy hôm trước khi qua đời, bố tôi đã gọi điện cho chưởng khế để thay đổi một số phần của di chúc, chính vì thế nên bà muốn bàn với tôi để tất cả chúng tôi chút nữa sẽ không bị bất ngờ và nhanh chóng đi đến một “thỏa thuận hợp tình” trước mặt chưởng khế.
Bà còn nói thêm nhiều thứ, khá vòng vo, đại loại bố tôi và bà vất vả lắm mới có được căn nhà này, phải xây làm nhiều lần vì không đủ tiền, lãi suất ngân hàng thời ấy rất cao, đó là kỉ niệm của cuộc hôn nhân giữa hai người nên bà sẽ rất đau lòng khi phải rời xa nó, Mic cũng sinh ra và lớn lên tại đây, thằng bé chưa bao giờ sống ở nơi nào khác quá một tuần. Trong vòng một chục phút tai tôi bùng nhùng những từ “gắn bó”, “kỉ niệm”, “tuổi thơ”, “hạnh phúc”... Cuối cùng, thấy tôi có vẻ vẫn chưa thủng vấn đề, bà nói thẳng với tôi rằng theo di chúc của bố tôi, tôi cũng được hưởng một phần căn nhà này, bà không biết chính xác là bao nhiêu, nhưng bà mong tôi “đừng bắt mẹ con bà phải chuyển khỏi đây”. Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe bà nhắc lại câu này hai lần liền, luôn luôn bằng một giọng khá cứng. Và vì bà luôn gọi tôi bằng “anh” (tôi cũng không phản đối cách gọi đó) nên câu chuyện càng trở nên nghiêm trọng, chẳng giống gì thái độ niềm nở của bà sáng nay.
“Tôi không tin là đã được bố tôi cho vào danh sách thừa hưởng gia tài”, tôi nói với bà như thế. Để trấn an bà, tôi còn nói thêm là tôi chưa từng chờ đợi điều gì ở ông, nhất là chuyện tiền nong. Nhưng bà có vẻ chưa yên tâm và cảm thấy những lời này dường như không đảm bảo cho một “thỏa thuận hợp tình” mà bà gợi ý khi nãy. Bà nhìn tôi chằm chằm. Tôi nhún vai. Tôi không biết nói gì hơn. Dù sao thì đây là lần đầu tiên tôi gặp bà và thực tình mà nói chủ đề di chúc bắt đầu làm tôi phát chán. Cử chỉ của tôi rõ là đã khiến mẹ kế lo lắng hơn, bà đứng lên đi vòng quanh phòng. Rồi như không kìm được nữa bà dừng lại, hạ giọng bảo một ngày trước khi bố tôi mất, chính mắt bà nhìn thấy chưởng khế đến tận giường ông để viết lại di chúc, trong đó ghi rõ tôi và Hanah được hưởng mỗi người một phần tư gia tài, y hệt như bà và Mic.
Tôi không tin ở tai mình. Lẽ nào bố tôi cuối đời lại trở nên nhân từ quá đáng. Tôi với Hanah làm sao có thể so sánh với bà và Mic. Bao nhiêu năm rồi hai bố con không giữ quan hệ, còn Hanah thì ông chưa từng gặp mặt. Tôi nhìn mẹ kế và bà cũng hiểu ngay cái nhìn của tôi. Bà òa lên khóc. Tôi chưa bao giờ hợp với nước mắt và thấy chán ngấy. Tôi không hiểu tại sao sau từng ấy thời gian im lặng, bố tôi có thể đẩy tôi vào hoàn cảnh khó xử thế này. Tôi lại gần mẹ kế rồi lưỡng lự không biết có nên vỗ vào vai bà. Cuối cùng, tôi chỉ nói mấy câu đại để đây là lần đầu tiên tôi bước vào căn nhà này và tôi thấy chẳng có lý do gì mà nó phải chia năm xẻ bảy vì tôi. Bà nín khóc hỏi lại rằng có thực là tôi và Hanah “không cần tiền”. Tôi suy nghĩ một lúc rồi bảo chúng tôi không bao giờ nghĩ đến gia tài của bố tôi. Và để kết thúc chủ đề này ở đây, tôi nói thêm tôi và ông ngoài danh nghĩa bố con chẳng có mối liên quan nào, ít ra là từ hai chục năm nay. Mẹ kế gật đầu. Chúng tôi im lặng leo lên xe.
Mic đợi sẵn ở cổng trường. Nó gật đầu chào tôi rồi ngồi vào ghế sau, cạnh Hanah. Đó là một thằng bé gày gò, xiêu vẹo và có vẻ kín đáo. Tôi biết trước là trong thời gian ở lại đây, tôi và nó sẽ chẳng bao giờ mở miệng nói chuyện với nhau. Tôi hơn nó hai mươi tuổi và ở xa nó gần nghìn cây số. Tôi chẳng có chuyện gì để kể cho nó. Nó cũng đang “bận ôn thi tốt nghiệp”. Thế mà chúng tôi có cùng một họ, cùng một bố, và theo pháp luật là anh em hẳn hoi. Bằng chứng là chúng tôi đang trên đường đi “mở di chúc của bố”, như lời mẹ kế nói.
Chưởng khế lớn tuổi nhưng có vẻ vui tính hơn tôi tưởng, đeo kính và hói đầu. Chào tôi xong cũng bảo “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm qua”. Có lẽ cả thị trấn X đã gọi điện thông báo cho nhau và ai cũng thuộc lòng cái câu khá vần đó. Cô y tá chắc là người nói đầu tiên. Tôi sẽ còn được nghe liên tục cho mà xem.
Đúng như mẹ kế thông báo, cả tôi lẫn Hanah đều được bố tôi cho vào danh sách thừa kế. Chưởng khế bảo bố tôi không những đòi viết lại di chúc mà còn yêu cầu được tận mắt nhìn thấy di chúc mới. Chưởng khế phải gọi điện về bắt thư kí sửa và in gấp hai bản mang đến bệnh viện. “Ông cụ cứng đầu lắm”, chưởng khế nháy mắt với tôi.
Mic thì vẫn tỏ ra lạnh lùng như cũ nhưng mẹ kế bồn chồn ra mặt, chỉ muốn chúng tôi mau mau đi vào vấn đề chính. Cuối cùng, bà bảo vì chiều tối phải ghé nhà thờ để bàn với cha cố một số công việc liên quan đến tang lễ nên nếu có thể, mong chưởng khế giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng nhất. “Anh ấy còn phải về Paris đi làm và Mic cũng đang bận ôn thi tốt nghiệp”, bà nhấn mạnh.
Chưởng khế có vẻ không đồng tình lắm: “mọi việc đều cần được giải quyết có thứ tự”. Tôi không hiểu “mọi việc” ở đây có nghĩa là gì. Nếu hôm nay mà chưa xong vụ này thì tôi còn được nghe mẹ kế khóc lóc thêm vài lần nữa, hoặc có thể suốt cả đêm cũng nên. Tôi nói luôn với chưởng khế rằng tôi và Hanah không nhận phần gia tài của chúng tôi. Chưởng khế tỏ ra rất ngạc nhiên, đề nghị tôi giải thích lý do. Tôi suy nghĩ một lúc rồi bảo tôi chẳng có lý do nào ngoài chuyện đã từ rất lâu không còn giữ quan hệ với bố tôi. Chưởng khế nghe xong thì phá lên cười: “đó không thể coi là một lý do, có nhiều trường hợp người thừa kế còn chưa từng gặp mặt kẻ để lại gia tài”. Chưởng khế có vẻ vui chuyện, nhân dịp này kể một vụ do chính tay thụ lý, tôi đồ rằng để khoe là chính. Một bà già qua đời để lại ba triệu quan trong tài khoản, bà già sống một mình, đám ma cũng chỉ có vài vị hàng xóm, chưởng khế mất mấy tháng để tìm xem có ai đến rước đi cái số tiền ba triệu quan kia. Đang định làm thủ tục nộp vào công quĩ nhà nước thì một người gõ cửa tự giới thiệu là em cùng cha khác mẹ của bà già. “Ông có biết là ai không?”, chưởng khế hỏi tôi. Tôi lắc đầu. Chưởng khế nháy mắt rồi kể một mạch rằng bà già là con riêng của một ngài nam tước với nàng nữ tì, ngay khi ra đời bị đem cho người khác. Cái vị tự nhận là em họ kia trên thực tế là kết quả của mối tình vụng trộm giữa nam tước phu nhân với anh chàng làm vườn. Nghĩa là bà già và vị kia chẳng máu mủ ruột già gì nhưng theo giấy tờ lại là chị em, cùng có chung một ông bố, cùng mang chung một cái họ quí tộc. Cuối cùng chưởng khế kết luận, giọng hùng hồn: “Hai người cùng đẻ một năm, cách nhau có vài tháng, rất có thể vì muốn bảo vệ quyền lợi cho đứa con riêng của mình mà nam tước phu nhân đã ép chồng đem vứt đứa con riêng của ông ta. Cuối cùng, ba triệu quan của bà già lại bị rơi vào tay chính kẻ thù của mình. Cuộc đời oái oăm không?”. Tôi gật đầu. Công nhận oái oăm thật. Chưởng khế bình luận tiếp: ”ba triệu quan thời ấy có giá trị lắm, tương đương một cái lâu đài chưa dột mái!”.
Mẹ kế của tôi càng sốt ruột tợn. Bà đằng hắng mấy lần, rồi quay sang nhìn tôi. Tôi nhắc lại câu ban nãy. Chưởng khế vẫn tỏ ra không tin, hỏi đi hỏi lại tôi đã suy nghĩ kĩ chưa, căn nhà cũng đáng tiền đấy, giá bất động sản đang leo thang rầm rộ trên toàn quốc, X bắt đầu bị dòm ngó chứ đừng đùa. Tôi gật đầu, bảo tôi không đùa. Chưởng khế lại hỏi thế còn Hanah, nó cũng được chia một phần tư căn nhà đấy chứ. Mọi người cùng quay về phía Hanah làm con bé chẳng hiểu gì. Nó ngước mắt nhìn mẹ kế. Bây giờ tôi hiểu cả hai đã nói gì với nhau lúc tôi ngủ trên gác sáng nay. Tôi bảo chưởng khế tôi kí thay cho nó. Mẹ kế mặt mũi rạng rỡ, quay sang nói cám ơn. Chưởng khế lại hỏi tôi có thay đổi ý kiến không. Tôi cầm bút kí xoẹt một cái. Chưởng khế bảo dân Paris lạ thật. Tôi định đính chính là tôi không ở Paris mà ở ngoại ô nóng nhất của Paris. Nghĩ thế nào lại thôi. Làm gì chưởng khế không biết điều ấy, địa chỉ của tôi được ghi rõ ràng trong văn bản, chưởng khế đọc xong còn đề nghị tôi kiểm tra xem thư kí có đánh sai lỗi nào không. Có thể chính ông ta mới đầu cũng không ngờ tôi lại ở ngay cái ngoại ô đang là đề tài thời sự nóng hổi, không chừng ngày mai cả X biết tin, rồi vài vị giàu trí tưởng tượng sẽ bàn tán với nhau rằng mẹ con Hanah có lẽ dân Bắc Phi, hèn chi da nó ngăm ngăm và chữ R của nó uốn hơi mạnh, xe hơi của tôi chắc vừa bị “bọn lưu manh nước ngoài” đốt mất nên hai bố con phải nằm mười tiếng tàu đến đây. Có lẽ cả thị trấn sẽ được một tuần xúc động, rồi tặc lưỡi: “ở X thế mà may!”
Chưởng khế tiễn chúng tôi ra cổng, bắt tay tôi rồi nói: “chào dân Paris”.
Thế cũng xong một buổi chiều lượt thượt.
Mẹ kế hài lòng vì cuối cùng cái “thỏa thuận hợp tình” đã được thực hiện như bà muốn. Tôi thì ngạc nhiên biết rằng bố tôi hơn tôi đúng ba mươi tuổi. Kể ra thì ông không thọ mấy. Nhưng tôi vẫn không hay ông mất do bệnh gì. Tất nhiên văn bản không ghi.
XI
Trái với dự đoán của tôi, lễ tang ở nhà thờ diễn ra nhanh chóng. Trong lúc cha cố đạo làm lễ, quan tài được để mở cho khách đến viếng có thể nhìn bố tôi lần cuối. Có vẻ như hai mươi năm qua không ảnh hưởng gì đến ông. Dưới ánh nến, da mặt ông hồng hào và khá căng, có thể nói chất lượng còn cao hơn phần lớn những kẻ đang sống. Tính đỏm dáng của ông được thể hiện đến phút cuối cùng: com-lê trắng, nơ con bướm, mùi soa lụa, hoa cài ngực, giày tây đen… tất thảy đều mới tinh và đúng mốt. Tôi bần thần không hiểu ông đã tắt thở hay chỉ đang ngủ trưa (chuông nhà thờ vừa điểm hai tiếng). “Thân thể người chết bao giờ cũng bị phòng lạnh và phoóc-môn làm biến dạng khá nhiều”, tôi nghe cô y tá thì thầm vào tai. Thế nghĩa là thường ngày bố tôi còn phong độ hơn nữa. Trong cuộc chạy đua với thời gian thì tôi bái phục ông, tôi nhìn ông tự nhủ.
Cô y tá mang một bó hoa hồng đỏ đến đặt cạnh quan tài, cúi xuống hôn lên má bố tôi rồi đứng lại nhìn ông rất lâu, trước khi quay đi còn cúi xuống hôn lần nữa. Cô ta làm việc ấy một cách tự nhiên. Tôi cho là thói quen nghề nghiệp. Xong xuôi cô ta quay đầu lại. Tôi cố tình cúi mặt xuống mà vẫn có cảm giác bị cô ta quan sát từ đầu đến chân. Không hiểu tại sao hôm nay trông cô ta là lạ. Một lúc sau, tôi được biết cô ta tên là Anna.
Trước khi đến đây, khoảng mười một giờ, mẹ kế đưa cho tôi một bộ com-lê đen. Bà nói chắc là tôi không kịp chuẩn bị quần áo nên sáng sớm nay đã mang nó ra hiệu giặt tẩy, bà sợ có mùi mốc vì đã lâu lắm bố tôi không dùng đến. Bộ com-lê còn mới nhưng theo mốt của những năm bảy mươi. Ống quần quá rộng. Cổ áo quá to. Cà-vạt hoa lá. Tôi cảm thấy không ổn tẹo nào nhưng mẹ kế thì gật đầu bảo “được lắm”, rồi nói thêm rằng tôi y hệt bố tôi ngày bà mới quen ông. Thế là sau cô y tá, lại có một người nữa nhận xét về sự giống nhau giữa hai chúng tôi.
Hanah thì chịu không ai tìm được cho nó cái gì màu đen. Cuối cùng con bé đành mặc một chiếc váy trắng mà tôi tình cờ đem theo trong túi du lịch. Mẹ kế gọi mãi Mic mới chịu ra khỏi phòng. Từ hôm qua tới giờ, nó ở lì trong đó với lý do “bận ôn thi tốt nghiệp” (mẹ kế luôn nhấn mạnh cụm từ này). Bà lôi nó vào buồng tắm. Cả hai hì hụi trong đó, hai mươi phút sau thì Mic xuất hiện trở lại với một bộ com-lê đen còn nguyên lớp hồ. Thợ may có lẽ rất khéo nhưng cũng bó tay trước cơ thể của Mic. Trông nó chẳng khác một con chuột ốm. Và màu đen dường như lại càng làm cho nó thêm lạnh lùng. Có điều, nó cũng chẳng thấy thế làm khó chịu. Đám tang dường như chẳng mảy may quan trọng với nó. Chỉ có mẹ kế là không hài lòng. Bà bắt nó quay trước quay sau xem có sửa lại được cái gì. Nhưng bà cũng không vượt nổi thợ may chuyên nghiệp nên cuối cùng đành thở dài. Bà ngó vào góc nhà một lúc lâu rồi quay sang Mic lắc đầu. Tôi cũng không khỏi nhìn nó ái ngại. Chắc nó bất hạnh lắm khi phải sống bên cạnh một người như bố tôi. Ông già hơn nó đúng năm mươi tuổi, nhưng về phong độ thì đến bây giờ Mic vẫn phải xách dép chạy theo. Tôi ngờ thằng bé chưa bao giờ được cầm tay bạn gái, mặc dù sắp tốt nghiệp phổ thông.
Trên đường đến nhà xác để đi theo xe tang tới nhà thờ, mẹ kế rẽ vào cửa hàng hoa. Bà đã gọi điện đặt trước từ hôm qua nên xe vừa đỗ người ta đã bưng đến hai vòng hoa to, toàn hoa đẹp và tết rất cầu kì. Tôi cũng nhân tiện mua một bó. Chị bán hàng khuyên nên mua màu vàng. Tôi gật đầu. Chị ta đưa luôn cho lẵng hướng dương đang bày ngoài tủ kính. Tôi chẳng nghĩ ngợi, trả tiền rồi mang ra. Mẹ kế trông thấy không nói gì, có vẻ ngạc nhiên. Trong lúc làm lễ, nhìn đống hoa bày xung quanh quan tài, tôi mới thấy lẵng hoa của tôi cao ngật ngưỡng và vàng chói chang. Có lẽ chị hàng hoa đã chuẩn bị cho một hội nghị nông nghiệp nhưng vì lý do nào đó, hội nghị bị hoãn ở phút cuối cùng. Anna đứng ngay cạnh tôi kêu lên khe khẽ: “hoa của ai mang đến mà lạ thế”. Chắc là vô tình. Mẹ kế không biết có nghe thấy không nhưng nhìn đi nơi khác. Tôi có cảm giác hai người không hợp nhau hoặc chính xác hơn là mẹ kế không ưa Anna. Nhiều dịp đứng cạnh cô ta nhưng bà đều tìm cách quay lưng lại.
Sau tang lễ ở nhà thờ, quan tài lại được cho lên xe tang để mang tới lò thiêu cách đó hai lăm cây số. “X ít dân quá nên phải chung lò thiêu với mấy thị trấn bên cạnh”, Anna nói nhỏ vào tai tôi như thế. Cũng giống như ở nhà thờ, cô ta không rời tôi nửa bước và liên tục thì thào giới thiệu với tôi về những người đến dự. Vì tất cả cùng mặc đồ đen và cùng cố giữ một khuôn mặt rầu rầu nên một lúc sau tôi lẫn lộn hết, chỉ còn nhớ một người đàn ông nhỏ thó có ria mép là đồng nghiệp lâu năm của bố tôi, một phụ nữ đứng tuổi búi tóc, dong dỏng cao, khá xinh đẹp mà Anna nắm tay rất lâu nhưng không giới thiệu là ai và tôi cũng không hỏi. Chưởng khế cũng có mặt, bận com-lê đen và xách cặp. Ông thường trực bệnh viện mà tôi gặp sáng hôm qua cũng đến, nhưng hơi muộn. Anna bảo ông ta không có ô-tô nên phải đạp xe. Hai lăm cây số giữa mùa đông kể ra cũng là một kì công. Bố tôi cũng được nhiều người quí đấy chứ.
Một nhân viên của lò thiêu lại gần hỏi gia đình muốn giữ hoa lại hay cho đốt cùng quan tài. Mẹ kế nhìn tôi. Tôi không biết trả lời thế nào nên nhún vai. Anna nói nhỏ: “hoa thì phải giữ lại chứ”. Mẹ kế không nhìn cô ta, ra hiệu cho nhân viên lò thiêu đem đi hết, rồi buông một câu trống không: “chỗ đâu mà giữ”. Tôi không nghe rõ những gì bà lầm bầm sau đó nhưng thấy mặt Anna xám ngoét. Không khí có vẻ căng thẳng, may mà mọi người lục tục kéo lại chia buồn. Cái câu “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm qua” được đổi thành “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm kia” và được lặp đi lặp lại trong vòng nửa tiếng, bao giờ cũng bằng một giọng rầu rầu, từ một khuôn mặt rầu rầu. Có điều lạ là ngay cả khi nói sang chuyện khác thì người ta nhất định giữ nguyên cái giọng rầu rầu. Đằng sau lưng tôi, chưởng khế đang bàn với ai đó về vụ tịch thu bất động sản nghe nói lớn nhất từ trước đến nay trong vùng, chủ nhân do vỡ nợ thì phải. Chưởng khế hỏi vị kia: “ông có biết là ai không?”. Tôi suýt bật cười khi nhận ra câu hỏi của chưởng khế hôm qua nhưng bây giờ được nhắc lại một cách rầu rầu. Vị kia cũng rầu rầu trả lời rằng làm gì ông ta không biết, thậm chí còn quen thân với bà vợ, “tay đấy phá gia chi tử, bao nhiêu tài sản bố vợ để lại đều bị nướng sạch vào gái gẩm và sòng bạc, chỗ bất động sản bị tịch thu cũng là do thừa hưởng của mẹ vợ mới qua đời”. Chưởng khế nghe xong, rầu rầu bảo: “quen nhiều người thế mà không dẫn tới văn phòng, đừng quên là được phần trăm đấy nhé”. Vị kia rầu rầu phản ứng: “vẫn biết, nhưng đang định dẫn đến thì nó vỡ nợ”. Đến đây tôi không nhịn nổi nữa nên quay mặt vào tường. Mẹ kế nhíu mày không nói, còn Anna nhìn tôi chăm chú rồi bảo: “cố cười một cái cho đỡ buồn”. Giọng đã rầu rầu lại pha thêm thổ âm nên càng buồn cười. Hóa ra cô ta tưởng tôi buồn quá hóa lẩn thẩn. Tôi phải xin lỗi “đi ra ngoài một chút”. Dù sao đây cũng là đám tang của bố tôi. Đoàn người vẫn tiếp tục lại gần ôm hôn mẹ kế, bắt tay tôi, vỗ vai Mic và xoa má Hanah. Cái câu “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm kia” không ngừng vang lên. Thỉnh thoảng ai đó không quên nhận xét về sự giống nhau giữa tôi và người quá cố. Cũng bằng một giọng rầu rầu.
Nhân viên của lò thiêu lại gần thông báo gia đình có thể đến nhận tro. Khi nói cám ơn với anh ta, tôi bỗng nhận ra rằng hình như giọng tôi cũng rầu rầu chẳng kém những người đến dự.
Đốt xác kéo dài hai tiếng. Theo lời Anna thì đó là nhờ kỹ thuật phát triển, chứ ngày trước còn lâu gấp đôi. Chuyện này không vội được. Có trường hợp xương cứng quá, thịt đã cháy hết mà xương chưa thành tro. “Kiên nhẫn nhé”, cô ta nói thầm vào tai tôi. Tôi gật đầu. Nhìn sang bên cạnh thấy Mic đang gật gù. Mẹ kế thỉnh thoảng huých tay vào lườn nó, rồi lắc đầu nói với ai đó đứng bên: “thằng bé đang bận ôn thi tốt nghiệp”.
Tôi không còn giữ kỉ niệm rõ ràng nào về đám tang của mẹ tôi. Hình như tôi bị sốc lớn khi nhìn thấy bà nằm trong quan tài, khuôn mặt rúm ró vì cơn đau vừa trải qua. Quan tài được đem chôn xuống đất chứ không cho vào lò thiêu, trên nắp mộ có khắc hình bà thời trẻ nhưng thợ khắc quá vụng (tôi tự hỏi trước đó ông ta đã từng khắc chân dung người Á châu nào chưa), nên hình không giống người thật tẹo nào. Tóm lại, cả khuôn mặt trong quan tài lẫn khuôn mặt trên nắp mộ đều khiến tôi có cảm giác đang dự đám tang của người khác chứ không phải của chính mẹ mình. Có thể vì thế mà tôi không thấy đau đớn lắm. Nếu tôi không nhầm thì đó là lần đầu tiên tôi mặc com-lê và thắt cà-vạt nên toàn thân cứng đơ rất khó chịu, chưa kể đến việc phải cúi đầu đứng im suốt hai lần cha cố làm lễ (một lần ở nhà thờ, lần nữa ở nghĩa trang). Tôi xấp xỉ tuổi Mic bây giờ. “Thằng bé đang bận ôn thi”, có thể bố tôi cũng phân trần với những người đến viếng như thế, bằng một cái giọng rầu rầu. Nhưng tôi không nhớ khuôn mặt bố tôi lúc đấy ra sao. Nói chung, tôi không nhớ gì về khuôn mặt ông. Lạ thật, lúc còn bé tôi chưa bao giờ nhận thấy vẻ phong độ, hào hoa của ông. Cứ như nó chỉ toát ra sau khi mẹ tôi qua đời. Nếu thế thì hai người chẳng biết hạnh phúc là gì, cái chết của bà đã giải thoát cuộc đời ông.
Cầm hộp tro trong tay, mẹ kế nói với tất cả mọi người rằng họ được mời đến nhà để “uống một cốc cho người chồng và người cha thân yêu của chúng tôi”. Nói xong bà chỉ sang phía tôi một cách trân trọng. Trên người bà hôm nay là một bộ váy đen rất sang, kèm cả khăn choàng đen và mũ có mạng. Bà nói cái câu trên bằng một giọng rầu rầu đặc biệt. Nhưng không hiểu sao tôi không cười nổi. Có cảm giác bà càng lúc càng bí hiểm chứ không đơn giản như tôi đã tưởng.
“Một cốc” hóa ra là bữa tiệc đứng do nhà hàng đem tới gồm nhiều món được giới thiệu là đặc sản của vùng. Tất cả được bày trên bàn hình bầu dục giải khăn trắng kê giữa phòng khách. Bên cạnh, hai cô gái đeo tạp dề trắng đứng phục vụ, một người có nhiệm vụ tiếp đồ ăn, người kia chuyên rót rượu và nước uống. Đó là bữa ăn tử tế nhất của tôi và Hanah từ mấy ngày nay. Chúng tôi ăn khá ngon miệng. Mẹ kế đưa cho Hanah một đĩa đầy ắp thức ăn, bà tỏ ra quí con bé và luôn luôn cho nó ở bên cạnh, gặp ai cũng giới thiệu “đây là cháu nội ông ấy”. Tuy thế tôi vẫn ngạc nhiên không hiểu sao từ lúc chúng tôi tới đây, bà chưa lúc nào mở miệng hỏi thăm T. Nghĩ vậy nhưng tôi cũng thầm cảm ơn bà. Tôi không muốn trả lời bất cứ câu hỏi nào về T lúc này. Một mình Delon đã đủ làm tôi bải hoải. A, Delon, hẳn là hắn để cho tôi yên trong hai ngày tang lễ. Nhà thờ khi nãy tối om, nếu ai dùng đèn chụp ảnh là bị phát hiện ra ngay. Gần một nghìn cây số tàu chậm khiến hắn chùn chân. Tôi không thể hình dung chiếc măng-tô dạ đen phẳng phiu và cặp kính râm to bản lại có thể vật vờ cùng tôi và Hanah ở nhà ga Toulouse, bên cạnh ba vị ăn mày dọa đánh nhau vì vị trí địa lý của nước Nhật Bản. Delon không có nhu cầu làm ngôi sao ở cái thị trấn khỉ ho cò gáy này. Có được toàn dân X nhiệt liệt ngưỡng mộ thì hắn ta cũng không cảm thấy khoái. Cũng giống như các tài tử điện ảnh, Delon chỉ chọn Paris. Paris kinh đô ánh sáng là như thế.
Anna bỗng dưng xuất hiện rồi đến ngồi cạnh tôi. Bây giờ, dưới ánh đèn của phòng khách, tôi mới để ý thấy cô ta bận một bộ váy đen rất đẹp và hẳn là đắt tiền, gắn đăng-ten cùng vô số hạt kim sa lấp lánh. Không đội mũ có mạng như mẹ kế nhưng khuôn mặt trang điểm công phu, lông mi vuốt mascara cong vút. Bộ ngực đồ sộ lấp ló giữa những khuy áo cố tình để mở. Chuỗi ngọc trai ôm lấy chiếc cổ cao đầy đặn. Cô ta không động tới đồ ăn mà chỉ lẳng lặng uống rượu vang trong một cái ly rất to chẳng hiểu tìm thấy ở đâu. Một lần, trong lúc tôi mải ăn món ớt tây nhồi thịt thì cô ta bảo: “bố anh là một người đàn ông hào hiệp chưa từng thấy”. Tôi không biết cô ấy muốn ám chỉ gì qua cái từ “hào hiệp” và định bảo rằng tôi là một đứa con bất hiếu chẳng quan tâm gì đến bố. Nhưng cuối cùng tôi chỉ nói “thế à” rồi cúi đầu ăn tiếp. Bố tôi may mắn với phụ nữ và điều ấy chẳng ảnh hưởng gì đến món ớt tây nhồi đang nằm trong đĩa trước mặt tôi. Anna hấp dẫn và có vẻ không khó tính lắm nhưng tôi phải chuẩn bị một cái bụng thật tốt cho chuyến về Paris đêm nay.
Tôi nhai ớt sồn sột. Cô ta không nói gì nữa và lại uống rượu. Hóa ra trong tay có hẳn một chai rượu vang đã mở.
Khoảng mươi phút sau thì tôi ăn xong và đi lên phòng chuẩn bị đồ đạc. 7h tối sẽ có một chuyến tàu từ X đi Toulouse. Kể ra thì để sáng mai cũng không sao, nhưng tôi không nhiệt tình lắm với ý nghĩ phải qua thêm một đêm nữa ở đây. Mọi thứ đều trở nên quá gượng gạo. Tôi hết muốn chạm mặt mẹ kế. Phòng tối nhưng không tìm được công tắc, tôi chỉ bật một bóng đèn ngủ ngay đầu giường. Quần áo, khăn mặt, khăn tắm mới hai ngày mà đã kịp rơi vãi khắp nơi. Còn túi du lịch thì không biết vứt ở góc nào. Một hơi thở ràn rạt bên cạnh. Tôi quay ra thì nhìn thấy Anna. Rồi không hiểu vì tôi thay đổi vị trí hay vì bộ ngực của cô ta đồ sộ quá mà hai phần trên của chúng tôi đột ngột áp chặt vào nhau. Không để cho tôi kịp phản ứng, cô ta ôm lấy đầu tôi, khép mắt lại rồi bắt đầu tìm kiếm môi tôi. Lưỡi cô ta dày và nóng khiến trí óc tôi lịm đi. Rất nhẹ nhàng cô ta vòng tay vào lưng tôi, hai chúng tôi cùng lăn xuống giường. Lúc đấy tôi mới nhận ra là cô ta không mặc cả quần trong lẫn áo trong. Nhưng âm hộ và đôi vú của cô ta thì ngùn ngụt. Tôi không thể không nhớ tới cặp bánh mì gối của cô nàng bán bánh góc phố nhà Brunel.
Anna là một bạn tình tuyệt vời. Tôi chưa bao giờ sung sướng như vậy. Mọi thứ trên người cô ta đều mềm hơn bông và hôi hổi cuốn chặt lấy tôi. Dường như cô ta có khả năng đón bắt ham muốn của người khác và dẻo dai uyển chuyển hệt một con mèo cái. Chúng tôi làm tình trong nửa tiếng liền. Mồ hôi đầm đìa cộng với mùi của các bộ phận sinh dục tiết ra càng lúc càng tạo nhiều phấn khích. Với T tôi không có cảm giác ấy. Cô ấy kín đáo và tuy không nói ra tôi cũng biết là T không thích thú với những chuyện này. Có những lần cả tuần chúng tôi không gần nhau. Dần dần, tôi lấy làm lạ là tôi cũng trở nên dửng dưng không kém cô ấy.
Anna nhanh nhẹn giúp tôi thắt lại cà-vạt và buộc lại dây giày. Tôi định nói là cái cách cô ta không mặc quần trong áo trong làm tôi rất thích, nhưng lại thôi. Chúng tôi ngồi cạnh nhau im lặng. Không biết có phải vì mọi thứ xảy ra bất ngờ quá. Rồi cô ta ngỏ ý muốn xuống trước. Tôi gật đầu. Chúng tôi chia tay nhau ở cầu thang. Một lúc sau, khi đã làm một tách cà phê nóng do mẹ kế pha, tôi tìm khắp nhà mà không thấy Anna đâu. Khách khứa vẫn đông và ăn uống vui vẻ. Trên bàn đầy ắp các đặc sản của vùng. Thơm nức mùi tỏi béo ngậy. Người ta tiếp tục mở rượu vang. Nghe nói sâm-banh và ga-tô đang đợi trong tủ lạnh. Có lẽ cũng là đặc sản của vùng. Chẳng ai còn có thời giờ mà nhớ người đã khuất. Cái câu “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm kia” biến mất hoàn toàn.
Tôi ra cửa định xem xe của Anna còn đậu ở đó không thì chỉ thấy một dãy xe rất dài, không hiểu cái nào là của cô ta. Mẹ kế chạy theo bảo túi du lịch đã chuẩn bị chưa, sắp đến giờ tàu rồi. Tôi hiểu một khi “thỏa thuận hợp tình” đã xong, bà chỉ muốn tống tiễn tôi và Hanah càng sớm càng tốt.
Nhà ga vẫn như cái nhà hoang. Khi tàu chuyển bánh, mẹ kế đưa tôi một túi to nói là để Hanah ăn sáng sớm ngày mai. Sau đó, ngập ngừng mấy giây, bà rút trong người ra một cuốn sổ đã cũ rồi bảo bố tôi để lại nhưng bà chưa kịp mở, “ma chay bận quá”, nếu tôi muốn thì cầm về Paris mà đọc. Tôi lắc đầu. May mà còi rúc, tôi kéo Hanah chạy, quên cả chào bà. Và không phải giải thích lý do. Tôi cũng không biết tại sao tôi lại từ chối đọc nhật kí của bố tôi. Vấn đề không phải là bận. Tôi vẫn tốn thời giờ vào những cuốn sách ngẩn ngơ, hay những bộ phim vô bổ, chỉ để nhằm mục đích không phải dùng đến thuốc ngủ liều mạnh.
Chúng tôi lặp lại hành trình cách đây bốn tám tiếng. Nhưng theo chiều ngược lại. Ở Toulouse, người ta thông báo phải đợi đến 3h sáng mới có tàu chậm đi Paris. Hanah nằm bò trên ghế. Tôi cũng mệt không kém. Nửa tiếng với Anna lúc nãy bây giờ mới thấm. Toàn thân tôi rã rời. Uống đến tách cà phê thứ năm mà mắt vẫn trĩu xuống. Giữa hai trạng thái, tôi bỗng nhớ tới cuốn nhật kí của bố tôi. Rất có thể ngay sau khi tàu chạy, mẹ kế đã ném nó vào sọt rác nhà ga hoặc quay về nhà nhẹ nhàng cho vào lò sưởi cạnh mấy khúc gỗ thông đang cháy bùng bùng. Tôi ngạc nhiên thấy là tôi không phản đối hành động ấy của bà, và nếu phải ở địa vị bà thì tôi cũng không biết làm gì hơn thế. Bộ com-lê đen của bố tôi, bà cũng nhất định bảo tôi giữ lấy mà mặc. Tôi không tiện cởi ra lúc ấy nhưng định bụng ngày mai sẽ đem xuống cho ông gác cổng. Hy vọng ông ta không từ chối. Dù sao thì nó cũng còn mới và gắn mác ngon lành.
Đến gần sáng, tôi nhớ tới Anna, đúng hơn là tôi nhớ cảm giác sung sướng mà cô ta đem lại cho tôi lúc nãy. Không đưa tay sờ thì tôi cũng chắc dương vật đang ngỏng dậy. Cô ta cứ như một cục bông khổng lồ và nóng rực. Trong bóng tối im lặng của khoang tàu, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau. Tôi không biết gì về cô ta ngoài cái tên Anna chưa chắc đã thật và công việc y tá lâu lâu lại phải vuốt mắt và thay quần áo lần cuối cùng cho một ai đấy.
Tàu dừng lại ở một ga xép. Chẳng có hành khách nào bước lên. Còi cũng không buồn rúc. Chỉ nghe tiếng động cơ rì rào êm êm. Hai mắt tôi lại trĩu xuống. Rồi suốt từ đấy Anna không rời khỏi tâm trí tôi. Tôi cảm giác đang đi vào tận cùng âm hộ hôi hổi của cô ta. Sáu năm nay, đây là lần đầu tiên tôi biết đến một phụ nữ khác ngoài T. Có lẽ người ta gọi thế là ngoại tình. Tôi cũng không phản đối. Nhưng điều đó quan trọng gì.
Chúng tôi chui ra khỏi tàu điện ngầm đúng chín giờ rưỡi sáng. “Lối nhỏ thần tiên” người ra người vào tấp nập. Không giống như các khu khác, ở đây lúc nào cũng giữ một nhịp điệu duy nhất. Trừ nửa đêm cho đến mờ sáng, nếu muốn yên tĩnh nhất định phải bảo vệ kĩ đôi tai. Năm giờ sáng đã bắt đầu ồn ào. Theo danh sách do phòng quản lý HLM cung cấp, ba mươi phần trăm các ông chủ gia đình của “Lối nhỏ thần tiên” là nhân viên vệ sinh thành phố, ba mươi phần trăm là công nhân xây dựng, ba mươi phần trăm hưởng lương thất nghiệp, mười phần trăm làm nghề linh tinh. Hẳn là ngoài tôi, còn vài vị nữa nằm trong số mười phần trăm ngẩn ngơ đó.
Tôi gọi điện đến phòng Brunel nhưng không ai nhấc máy. Ở tổng đài, người ta bảo hôm nay chưa thấy sếp đâu. Tôi tặc lưỡi rồi lên giường đi ngủ. Tai nhét chặt bông gòn.
XII
Tôi vừa đặt chân vào thang máy thì đụng đầu một đồng nghiệp tầng dưới. Anh ta nháy mắt bảo: tay ấy trông thế mà yếu ghê. Rồi không cần biết tôi có hiểu hay không, anh ta nói tiếp: “hãi thật, chỉ muộn vài phút nữa là toi, bác sĩ bảo suy tim giai đoạn cuối”. Tôi vẫn đứng ngây mặt thì vai bị một cái vỗ đau điếng: “làm vua một phòng càng khoái”. Thang máy dừng và anh ta biến mất. Mấy giây sau tôi mới định thần để bấm vào nút trên.
Cửa sổ mở tung, trên thảm có một vết loang lổ ngay cạnh bàn của Paul. Hẳn là công ty mới cử người đến dọn dẹp và thông phòng. Tôi hình dung Paul đang gõ vi tính (anh ta có khả năng sử dụng hết cả mười ngón tay) thì lên cơn, đau quá rồi quị xuống, nhưng không ai hay. Rất có thể anh ta phải nằm đấy mấy tiếng liền. Cuối giờ ăn trưa không thấy ra hành lang uống cà phê, một đồng nghiệp đẩy cửa bước vào mới phát hiện rồi gọi số 15.
Xe cấp cứu ngay lập tức lao tới, còi rầm rĩ, bờ-lu trắng tắc nghẽn thang máy. Công ty chuyến này tha hồ có chuyện để bàn. Càng nghĩ càng phục tài giấu của Paul. Suy tim giai đoạn cuối mà tôi làm việc ngay bên cạnh cứ nghĩ là viêm phổi mãn tính, các đồng nghiệp khác hẳn chẳng mảy may nghi ngờ. Anh ta vẫn hứa hẹn tặng họ số điện thoại của mấy cô nàng “rất bốc” và luôn luôn nổ như súng liên thanh trong các chủ đề giường chiếu (lần cuối cùng tôi nghe anh ta bàn về mốt “âm hộ cạo” đang cực thịnh ở phụ nữ lứa tuổi tiền hồi xuân). Không những thế, Paul uống cà phê thay nước lọc, mặt đỏ tía tai hôm nào căng-tin có rượu vang êm. Có khả năng chính vì toàn chơi vào của cấm mà tim anh ta mới suy nhanh thế. Mấy ngày không đi làm, nó đã kịp trụy hoàn toàn. Nếu hôm ấy tôi có mặt thì anh ta đã không phải nằm dưới đất mấy tiếng liền. Lúc tỉnh dậy trong bệnh viện, Paul đã thầm tiếc điều ấy. Nhưng biết đâu anh ta lại chẳng đang nguyền rủa tôi thậm tệ. Nói chung, suy nghĩ của Paul cũng như chứng “suy tim” của anh ta là những điều không bao giờ tôi hiểu nổi.
Trong đám tang của bố tôi, người ta thay nhau nói “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm kia” nhưng không ai nói về cơn bệnh mà ông đã trải qua, mẹ kế cũng không kể và tôi cũng không hỏi. Tuy nhiên, nếu tôi không nhầm thì lúc Anna chạy đến bắt tay tôi trong phòng thường trực, trên ngực áo bờ-lu của cô ta có ghi chữ Khoa Ung Thư (bộ ngực vĩ đại của cô ta đã ngay lập tức đập vào mắt tôi). Ngày cuối cùng của bố tôi hẳn là khá bận rộn: một mặt ông phải đối phó với cơn đau mặt khác ông muốn sửa lại di chúc (điều này do mẹ kế nói ra và được chưởng khế xác nhận). Nhưng tôi cho rằng cái làm ông mệt mỏi nhất là phải chống lại áp lực của mẹ kế. Bà bất ngờ phát hiện ra sự có mặt của chưởng khế và ý muốn lạ lùng của bố tôi. Phản ứng đầu tiên của bà là òa khóc nức nở và vừa khóc vừa kể lể những lý do không thể chia chác căn nhà. Tất nhiên, nếu chỉ có hai người với nhau thì bà sẽ sử dụng những hình thức bạo liệt hơn để đàn áp bố tôi (tôi không nghi ngờ khả năng này của bà sau khi đã chứng kiến khuôn mặt xám ngoét của Anna tại nhà thờ). Nhưng vì chưởng khế cũng có mặt ở đó, nên bà đã nói y hệt những câu mà ngày hôm sau bà sẽ nói lại với tôi. Nào là kỉ niệm cuộc hôn nhân giữa hai người, nào là những khó khăn khi xây dựng ngôi nhà, lãi suất ngân hàng cứa cổ, Mic sinh ra và lớn lên ở đây, vân vân và vân vân. Tai của bố tôi cũng lùng nhùng các mỹ từ “kỉ niệm”, “tuổi thơ”, “gắn bó”, “hạnh phúc”… Nhưng nếu tôi ngay lập tức đồng ý với cái “thỏa thuận hợp tình” mà mẹ kế gợi ý nên chỉ mất có mươi phút chịu đựng thì bố tôi vì “cứng đầu” (như nhận xét của chưởng khế) nên đã bị tra tấn cả tiếng, ít ra là toàn bộ khoảng thời gian trong lúc thư kí của chưởng khế sửa lại di chúc, in nó ra rồi mang đến bệnh viện (chỉ khi ấy thì bà mới đành bó tay). Tóm lại, một tiếng quần nhau với thói “cứng đầu” của bố tôi dưới sự giám sát của chưởng khế (bà cũng rất chú ý tìm cách thuyết phục vị này để tránh nguy cơ bị đưa ra tòa vì tội ngăn cản chồng sửa lại di chúc) trên thực tế trở thành cuộc tập trận chuẩn bị cho cuộc chiến đấu với tôi ngày hôm sau. Tôi sẽ khó lòng đồng ý với cái “thỏa thuận hợp tình”, bà suy tính thế nên rất lo lắng bởi một khi đã không thắng được bố tôi thì tôi sẽ là kẻ mà bà phải chiến đấu đến cùng. Bây giờ tôi mới hiểu từng bước đi của mẹ kế trong cuộc chiến với tôi (mà tôi đã chẳng phút nào ngờ tới): đầu tiên bà chỉ nói bằng giọng nghiêm trọng, sau đó bà nhìn tôi chằm chằm, sau đó nữa bà đứng lên đi vòng quanh phòng khách, cuối cùng (khi tất cả đều không có kết quả) thì bà òa lên khóc. Nước mắt bao giờ cũng là một vũ khí lợi hại. Bà đã không lầm tẹo nào.
Tôi không biết chính xác mẹ kế đã dùng cách gì để thuyết phục Hanah. Hy vọng con bé không phải trải qua một cuộc tra tấn tinh thần nào cả. Đối với một đứa trẻ năm tuổi, một phần tư căn nhà (mà nó chẳng có gì gắn bó) có giá trị tương đương một bông hoa dại mọc ở ngoài đường. Nó có thể gật đầu cho mà không thấy băn khoăn. Nhất là khi người xin lại vừa mới cho nó bao nhiêu thức ăn ngon lành (chẳng hạn như chiếc đùi gà nướng mà tôi bắt gặp trong tay nó trưa hôm trước).
Có thể nói sau vụ này, tôi biết thêm nhiều điều về bố tôi và mẹ kế nhưng lý do ông sửa đổi di chúc vào đúng cái ngày cuối đời thì vẫn khiến tôi thắc mắc. Có lẽ nào ông đã nghĩ đến tôi sau tất tật ngần ấy thời gian không một liên lạc. Tôi cho là nếu cách đây năm năm mà tôi không gửi cho ông tấm ảnh của Hanah thì ông cũng sẽ chẳng bao giờ viết lại cho tôi. Đó là lần duy nhất chúng tôi trao đổi thư từ kể từ khi tôi lên Paris học. Khi con mười chín tuổi thì bố được pháp luật tha bổng. Bố tôi nắm rất rõ luật.
“Ông ấy yêu cầu được gặp anh. Nếu anh không có vấn đề gì, rất mong anh hãy tôn trọng cái ý muốn có lẽ là cuối cùng của ông ấy”. Đó là nguyên văn câu nói của mẹ kế ở điện thoại. Tôi không ngờ nó cũng khiến tôi xúc động để vội vàng về nhà đón Hanah rồi ngồi hơn mười tiếng tàu chậm xuống X. Nhưng bây giờ thì tôi hiểu bà đã bịa ra hoàn toàn. Bố tôi không hề có nhu cầu gặp tôi trước khi ông qua đời. Chính bà đã chủ động gọi điện cho tôi ngay khi tận mắt chứng kiến tên tôi và Hanah được ghi vào di chúc của ông. Rõ ràng là gặp tôi tại nhà và nhân lúc tang gia vừa gợi ý vừa bắt ép tôi cái “thỏa thuận hợp tình” thì thuận lợi cho bà hơn là sau đám tang mới kì kèo xin xỏ tôi tại văn phòng chưởng khế. Đó là lý do khiến bà rất sợ tôi từ chối không đến X ngay ngày hôm đấy. Sau khi phát đi cái câu đầy xúc động trên, bà lập tức đặt điện thoại xuống và tôi đã ngỡ là bà bận tiếp bác sĩ vào thăm bệnh cho bố tôi (và có khi vì vậy mà câu nói trên còn hiệu quả hơn nữa). Nói chung, trong vụ này mọi động tác của bà đều được tính toán kĩ lưỡng và bà đã khai thác tối đa cái ngữ cảnh đúp rất đặc biệt: đầu tiên là cảnh hấp hối của bố tôi (để thuyết phục tôi đến X), sau đó là cảnh bơ vơ của bà và thằng Mic (để thuyết phục tôi đừng đòi một nửa căn nhà).
Nhưng dẫu sao, trong thâm tâm tôi vẫn có cảm tưởng các tính toán trên của mẹ kế chỉ do hoàn cảnh bắt buộc (bà phải tự vệ để không bị mất một nửa căn nhà) chứ bản thân bà không phải là người tính toán quá đáng. Đám tang của bố tôi được bà chuẩn bị chu đáo: từ hai bộ tang phục lịch sự của bà và Mic đến hai vòng tang hoa cầu kì, tang lễ ở nhà thờ và cuối cùng là bữa tiệc tang thịnh soạn do nhà hàng mang đến. Tất nhiên không ai bắt bà phải chi một khoản lớn như thế vào đám tang. Bà hoàn toàn có thể mặc một bộ váy đen vẫn dùng để đi chợ, thằng Mic đã xấu thì quần áo nào cũng thế mà thôi. Bà cũng chỉ cần tạt qua siêu thị mua vài chậu hoa cúc bầy cạnh quan tài và nửa cân lạc rang muối để chút nữa khách uống với rượu vang hai euro rưỡi một chai (cho họ nốc đặc sản vùng với ga-tô và sâm-banh thì bà lên được kí lô nào?).
Bố tôi, vào ngày cuối cùng, đã quyết định chia cho tôi và Hanah một nửa căn nhà. Cả tôi lẫn mẹ kế đều choáng váng. Nhưng nếu tôi choáng váng vì không hiểu gì về ông thì bà lại choáng váng vì nhân dịp này mà hiểu ông quá rõ: bố tôi muốn trừng phạt bà và thằng Mic, và hình phạt nặng nhất mà ông có thể làm được là bắt cả hai ra khỏi nhà. Khi ông còn sống thì chỉ có mỗi cách ly dị nhưng cách ấy lại quá tốn kém cho hầu bao của ông (chồng phải có trách nhiệm tài chính với vợ cũ và con cái dưới tuổi vị thành niên). Khi ông qua đời thì mọi chuyện trở nên dễ dàng: bằng di chúc, ông được quyền bắt bà phải chia căn nhà với người mà ông muốn, người đó được ông xác định là tôi và Hanah, để ông vừa có thể chuộc lại chút ăn năn với tôi mà lại không phải mang tiếng ác với bà. Thiên hạ khi đặt tất cả chúng tôi lên cán cân đạo đức sẽ thấy là ông đầy ắp tình người: một bên là vợ thứ và con trai út, một bên là con trai cả và cháu nội, không bên nào bị coi nhẹ hơn bên nào. Bố tôi quả là cao kiến. Chỉ hơn một ngày mà tôi phát hiện ra bao nhiêu đức tính của ông: đầu tiên là ông hào hoa phong nhã, bây giờ lại thấy thêm là ông cũng khá thông minh. Đáng tiếc là cả hai đức tính đều không thuộc vào gien di truyền.
Tôi cho rằng bố tôi đã mưu đồ chuyện này từ lâu nhưng quyết giữ kín đến ngày cuối cùng. Tất nhiên không phải để bảo vệ quyền lợi cho tôi và Hanah mà vì ông sợ bị trả thù. Khi còn ở chung dưới một mái nhà thì việc trả thù không gặp mấy khó khăn, ông từng nghe vô khối vụ vợ sát hại chồng bằng những cách tinh tế như để hở bình ga, cho uống nhầm thuốc, cắt phanh ô-tô, chèn gối vào mũi… Và thế là để chặn đứng mọi nghi ngờ của mẹ kế, bố tôi đã lập di chúc theo ý bà rồi đợi đến khi chắc chắn rằng bệnh tật chỉ cho phép sống thêm một ngày nữa, ông mới rắp tâm thay đổi nó.
Nhưng ngay cả vào cái ngày cuối cùng ấy, ông cũng hết sức thận trọng để tránh bị trả thù: ông cho gọi chưởng khế đến và trong vòng tay bảo vệ của chưởng khế (người đại diện cho pháp luật) ông yêu cầu sửa lại di chúc. Tất nhiên là ông đạt được ý muốn (trước khi nhắm mắt, ông đã nhìn thấy di chúc mới). Nhưng một ngày sau lại phải thua (đáng tiếc là ông không biết vì đã chui vào quan tài rồi), bởi vì không có cuộc chiến nào cho phép cả hai bên cùng thắng lợi vẻ vang: nếu ông tính toán được đường đi nước bước thì mẹ kế còn tính toán đến từng chi tiết (giọng nói, cái nhìn, bước đi… trong buổi thuyết phục tôi); nếu ông nổi dậy muộn màng chỉ để thỏa mãn ý muốn trừng phạt, thì bà bị dồn vào chân tường và phải tìm mọi cách tự vệ; nếu ông đến phút cuối cùng vẫn không đủ dũng cảm thì bà sẵn sàng đương đầu với mọi thế lực (chồng, chưởng khế, con chồng); nếu ông cần cái chết giúp đỡ thì bà chỉ nghĩ tới sự sống còn.
Tôi đã không nhầm khi đồng ý cho mẹ kế cái “thỏa thuận hợp tình” ấy, tuy là tôi đã rất khó chịu với các động tác của bà.
Nhưng lý do gì mà bố tôi muốn trừng phạt mẹ kế và Mic? Tôi tặc lưỡi rồi đi xuống căng-tin. Hôm nay hầu như tôi chẳng làm gì và thấy thoải mái khác thường. Hẳn là do không bị Brunel sờ đến. Hắn nghỉ việc từ hai ngày nay. Bình thường bao giờ tôi cũng tránh nghỉ phép cùng lúc với Brunel để được dịp hưởng cái cảm giác tự do mỗi khi hắn không có mặt ở công ty. Nhưng dường như hắn bắt tõm được ý muốn đấy của tôi. Không bao giờ hắn để lộ thông tin về chuyện nghỉ phép của hắn. Hắn nghỉ rất lung tung, chẳng bao giờ theo kì, và không hiểu sao, thường hay rơi vào những lúc tôi cũng nghỉ.
Tôi mang khay thức ăn ra ngồi ở một bàn trống, cạnh cửa sổ. Hiếm khi nào tôi chọn được một góc tử tế như hôm nay. Căng-tin ở tầng cao nhất nên các cửa sổ đều nhìn ra những hướng rất thoáng và luôn được mọi người để mắt tới đầu tiên. Trước mặt là tờ báo nhặt được trong tàu điện sáng nay. Tôi dừng lại ở góc phải trang thứ hai: đàn bà châu Á thích giấu chồng mở tài khoản riêng, ở Nhật 46% phụ nữ có quĩ đen với số tiền trung bình là hơn 24 triệu Yên, tương đương gần 200000 euro. Tôi bỗng nhớ tới 10000 euro mới được nhập vào tài khoản riêng của T. Rất có thể bây giờ đã bị rút hết rồi. Ngân hàng thường đợi đến cuối tháng mới gửi thư thông báo. Tất nhiên là T có quyền tiêu nó như ý cô ấy muốn. So với 200000 euro của các phụ nữ Nhật thì số tiền của T chẳng thấm tháp gì. Nói chung, đứng bên cạnh người Nhật thì chúng ta là những kẻ rách rưới, những vị vô sản vĩ đại của thế kỉ 21. Và nước Nhật vẫn luôn là một ẩn số đầy hào quang với người Pháp. Ở Châu Á hay ngoài đảo xa? Ba vị ăn mày Toulouse sẵn sàng đánh nhau vì thế.
Hai đồng nghiệp từ đâu đi đến, tự động ngồi xuống bàn. Tôi vẫn cúi đầu vừa ăn vừa giở báo. Họ không chạm đến thức ăn mà nói chuyện nho nhỏ, giọng trẻ hơn thì kể chuyện còn giọng già hơn thì an ủi, có vẻ một buổi tâm sự tình cảm kiểu mẫu. Trên trang cuối, tôi đọc được một tin ngắn về doanh thu của các siêu sao điện ảnh: Gérard Depardieu năm nay đứng đầu, đóng 4 phim và kiếm được 3,2 triệu euro, 700000 euro cho phim cuối cùng chỉ có 30000 lượt người xem… Josiane Balasko đứng thứ 9 nhưng cao nhất nữ, đúng 1 triệu euro. Tôi đọc thêm một chút nữa nhưng không thấy tin gì về Alain Delon. Bên cạnh, hai đồng nghiệp nữ vẫn tiếp tục nói chuyện, to hơn một chút khi thấy tôi chăm chú xem báo. Giọng trẻ hơn buồn buồn. Có vẻ như ai đấy mới qua đời, tai nạn xe máy ngay trung tâm Paris. Tôi nghe được mấy câu này: “trước đó, em không dám khuyên nó phải cẩn thận, chúng em chưa là gì với nhau cả, hai đứa làm việc chung phòng có thế thôi. Tối hôm thứ Sáu ở toa-lét của công ty, em còn nhìn thấy nó, nó thay một bộ đồ trắng tuyệt đẹp, rồi nháy mắt với em, em đoán nó đi dạ hội đâu đó. Em thất vọng quá, suốt đêm hôm đó nằm khóc, rồi cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật không ló mặt xuống đường. Thứ Hai vừa đến công ty thì người ta thông báo nó chết, tai nạn đêm hôm thứ Sáu. Có lẽ đúng lúc em đang nằm khóc như mưa như gió ấy. Bây giờ bàn làm việc của nó người ta bày một lọ hoa trắng. Em phải tránh nhìn vào đấy chị ạ. Ngày mai, đám ma nó em cũng không dám đến. Em sợ nhìn thấy nó trong quan tài. Nghe nói nó bị tắc-xi cán ngang người, xe máy nát vụn, toàn thân biến dạng đến độ ông bố vào nhận xác cũng không nhận ra. Bây giờ cảnh sát giao thông đang tìm nhân chứng, để xem nó đã phóng ẩu hay tài xế tắc-xi ngủ gật”.
Giọng lớn tuổi hơn nghe xong cũng thở dài. Cả hai cùng im lặng. Tôi không dám nhai cơm, không dám cả lật báo. Giọng trẻ hơn lại nói: “nó đẹp trai chẳng kém Alain Delon trong Teheran 43, nhưng mà trẻ hơn em những sáu tuổi và suốt ngày nhận được điện của bọn con gái, có lẽ nó chẳng bao giờ nghĩ đến em đâu chị nhỉ”. Một lúc sau, giọng lớn tuổi hơn trả lời: “làm sao mà biết được, ai có thể hỏi được người chết bây giờ”. Giọng trẻ hơn ngập ngừng rồi bảo: “sáng nay, em đang làm việc thì có một con bé gọi điện đến hỏi nó, em bảo nó chết rồi, con bé kia cười hô hố, trước khi đập máy xuống còn thét lên trong ống nghe: thằng ấy xuống âm phủ đi cho nhẹ đời. Hay là con bé tưởng em nói đùa hở chị”. Giọng lớn tuổi hơn thở dài thêm lần nữa. Mấy phút sau, cả hai kéo tay nhau đứng lên, khay đồ ăn vẫn còn nguyên. Khi họ đã đi được vài bước, tôi lại nghe giọng trẻ hơn than: “cuộc đời éo le thật chị nhỉ”. Không thấy giọng lớn tuổi hơn trả lời. Tôi đóng báo lại và bất giác nghĩ tới chưởng khế. Ông ta cũng thốt ra câu này sau khi kể chuyện bà già vô tình để lại 3 triệu quan cho kẻ thù của mình.
Cuộc đời có éo le không, tôi tự hỏi. Quay ra nhìn thì hai đồng nghiệp kia đã đi mất. Suốt nửa tiếng vừa rồi, tôi không dám nhìn lên mặt họ, đầu cứ chúc xuống giả vờ xem báo, bây giờ mới thấy mỏi hết cả cổ.
XIII
Trong thang máy, tôi bỗng nghĩ tới Anna, rồi cái câu “bố anh là một người hào hiệp chưa từng thấy” mà cô ta nói giữa bữa tiệc tang lại quay về trong đầu. Tôi nhớ khi ấy, giọng cô ta chân thành và có cái gì đáng thương. Có thể vì thế mà tôi đã không ôm bụng cười. Cứ theo cách cô ta đối xử với bố tôi (vuốt mắt, lau người lần cuối, hôn trong quan tài…) thì Anna tỏ ra khá gần gũi với ông. Cô ta cũng là người duy nhất mang hoa hồng đỏ đến đám tang. Điều ấy tất nhiên là lố bịch, nhất là với một thị trấn xa xôi lạc hậu như X. Nhưng tại sao không ai phản ứng gì? Tôi đồ rằng dân ở đây đều biết nhiều chuyện mà không ai tiện nói với tôi, họ chỉ có dịp gặp tôi đúng một lần mà lại trong đám tang. Hẳn là giữa Anna và bố tôi đã có mối quan hệ khiến mẹ kế không hài lòng. Nhìn cách bà đối xử với cô ta thì rõ. Hai người phụ nữ luôn luôn đứng quay lưng lại nhau và nếu người này phát biểu cái gì thì người kia tìm cách vặn ngay lại. Về cách ăn mặc cũng thế, hai bộ tang phục đều sang trọng ngang nhau. Nhưng rõ ràng mẹ kế là chính thất mà lại yếm thế hơn vì kém cả tuổi trẻ lẫn nhan sắc (y hệt như mụ vợ của Brunel với tình nhân của lão). Mẹ kế phải đội mũ có mạng để che bớt khuôn mặt đã về già hẳn là vô khối nếp nhăn. Ngược lại, Anna không những để hở mặt mà còn cố tình trang điểm rất kĩ để khoe hết nét đẹp của mình. Mẹ kế kiên quyết tỏ quyền chính thất (bà chỉ đạo toàn bộ tang lễ và cuối cùng ôm bình tro trong tay) nhưng Anna cũng tìm mọi cách để công khai vai trò của cô ta. Chính tay cô ta vuốt mắt cho bố tôi rồi lau người, thay quần áo cho ông. Cô ta gọi điện thông báo cho mọi người: “tiếc quá, ông ấy mất nửa đêm hôm qua”. Cô ta cũng là người chạy ra đón tôi và Hanah ở phòng thường trực bệnh viện. Cô ta mang hoa hồng đỏ cho bố tôi (đó là biểu tượng của tình yêu). Cô ta hôn ông hai lần trong quan tài rồi đứng lại ngắm rất lâu ngay trước mặt mọi người. Cô ta luôn đứng cạnh tôi trong đám tang để giới thiệu vào tai tôi các vị khách đến dự. Cô ta đề nghị giữ lại hoa tang chứ không cho vào lò thiêu… Và cuối cùng, sau khi đã nói với tôi lời nhận xét tuyệt vời về bố tôi (mẹ kế chưa bao giờ nhắc đến sự “hào hiệp” của ông), cô ta đã lên phòng tôi. Hôm đấy tôi mặc bộ com-lê đen của bố tôi mốt những năm bảy mươi. Tôi còn nhớ ánh mắt cô ta chăm chú nhìn tôi. Tôi cũng nhớ cái câu cô ta nói khi gặp tôi ở bệnh viện rằng tôi “giống hệt” bố tôi thời ông mới chuyển đến X. Và có lẽ, bộ com-lê đen còn khiến tôi giống ông hơn nữa. Chúng tôi làm tình trong nửa tiếng. Mồ hôi nhễ nhại. Tôi gần như phát điên vì sung sướng. Cô ta cũng rất hạnh phúc, duyên dáng và nhiệt tình như một con mèo cái. Nhưng nếu sự sung sướng của tôi là được làm tình thật sự thì niềm hạnh phúc của Anna là tìm được bố tôi trong cơ thể tôi, bố tôi của hai mươi năm trước khi ông mới đặt chân tới X và cô ta là một thiếu nữ mười bảy mười tám tuổi mơ màng.
Tôi tưởng tượng những cuộc hẹn hò của hai người ở một phòng khách sạn, Anna cuồng nhiệt trao thân cho bố tôi vừa từng trải (trước đó bố tôi đã kịp làm một bộ sưu tập tình nhân) vừa hào hoa (với mức lương quản lý một nhà máy lớn, bố tôi có đầy đủ phương tiện). Vì X quá nhỏ nên hai người thường xuyên đưa nhau sang các vùng lân cận để trốn tránh sự soi mói của mọi người. Điều này càng khiến họ có dịp thay đổi phong cảnh, thay đổi khách sạn và món ăn. Và có lẽ do vậy mà bố tôi không thấy bị nhàm chán như trong các cuộc trăng hoa trước đó. Về phía Anna, tình yêu đầu đời đẹp như tiểu thuyết lãng mạn, càng bị cấm đoán càng thêm kích thích. Bố tôi không những là người tình lý tưởng mà còn là người anh, người bố, người thầy, là tất cả những thứ nhảm nhí mà cô ta được nghe tán tụng trong các giờ giảng văn ở trường, các mối tình của các đại văn hào quá cố. Bố tôi cũng dạy cô ta một số bài học ăn chơi cơ bản, đại loại uống sâm-banh thì nên ngửa cổ và dim mắt, mặc váy ngắn thì sang trọng và sexy hơn mặc quần jean, ngồi lái xe thì ngực phải chạm vô-lăng, mông ưỡn ra sau và đùi dạng hai bên, vân vân và vân vân. Không mặc quần trong và áo trong cũng là một trong những bài học cơ bản ấy. Anna xinh gái và càng ngày càng nảy nở, chín muồi trong các kinh nghiệm chăn gối, cô ta có khả năng đoán biết các ý muốn của đàn ông. Hơn thế nữa, Anna chiều chuộng bố tôi và coi ông là thần tượng. Rất có thể bố tôi cũng từng muốn được chung sống với cô ta. Tất nhiên giữa mẹ kế lúc đấy đã phục phịch (của đáng tội tôi không sao hình dung nổi cảnh bà lõa thể trên giường) và Anna vừa ngùn ngụt nhục dục vừa tận tụy hết lòng thì bố tôi không cần phải suy nghĩ lâu hơn một giây. Nhưng chắc chắn là mẹ kế đã không đồng ý và bố tôi cũng không dám ly dị (vì quá tốn kém, như tôi đã nói ở trên). Đó là lý do mà bố tôi nuôi ý định trừng trị bà và thằng Mic - những kẻ đã cản trở hạnh phúc của ông. Anna thì nhìn ông như con chiên trước Chúa nên không đòi hỏi gì hơn. Thậm chí, trong thâm tâm, cô ta còn cầu xin không bị ông bỏ rơi, cô ta cũng biết thân biết phận mình (cái giọng địa phương sửa mãi mà không hết nặng và cái trọng lượng tăng dần theo thời gian). Có lẽ không ít lần, bố tôi đã làm như vô tình nhắc lại quá khứ tình cảm vàng son, về các cô nàng “khá khẩm nhưng nhạt nhẽo”. Anna từ đấy sợ nhất là hai từ “nhạt nhẽo” và tìm mọi cách để không có gì chung với các cô nàng ấy, vắt óc nghĩ ra những trò mới làm hài lòng ông.
Tuổi năm mươi của bố tôi thật xán lạn. Ông khá thông minh (như tôi đã công nhận trong việc sửa di chúc). Tất nhiên so với bọn đàn ông ở X ông vẫn hơn đứt về nhiều mặt, nhà máy ô-tô nơi ông làm việc liên doanh với hãng Toyota nên ông không ít lần xách cặp đi Nhật Bản, riêng đề tài này cũng đủ để ông kể cả đời không hết chuyện, kiến thức về Nhật Bản của dân thị trấn X thì không bằng ba vị ăn mày trong nhà ga Toulouse. Nước Nhật là một dấu hỏi to đùng với họ. Bố tôi chẳng khó khăn gì để biết điều ấy. Nếu ông quẳng cho họ xem mấy cuộn phim quay Tokyo nhấp nháy nê-ông và đèn lồng đỏ, thì ông lại làm quà cho Anna một xê-ri giai thoại về các geisha vừa mặn mà vừa bốc lửa. Thế là đủ để cô ta vài tháng mất ngủ. Nói chung bố tôi quen làm lãnh đạo nên rất biết cách điều khiển con người. Đấy có phải là đức tính thứ ba của ông?
Ông lại có thẩm mỹ và chịu khó ăn diện (tôi tin đây cũng là một đức tính). Bộ com-lê đen mốt những năm bảy mươi bị ông cho về vườn từ lúc còn mới tinh. Ông không quên thỉnh thoảng mua quà cho Anna. Cụm từ “hào hiệp chưa từng thấy” mà cô ta dùng có nghĩa là thế (với phụ nữ, đó là đức tính đáng trân trọng nhất).
Mối tình vụng trộm kéo dài suốt hai chục năm nay. Anna mê đắm bố tôi đến độ không yêu nổi ai khác rồi ở vậy cho tới bây giờ. Và hoàn toàn có khả năng là Anna đã quyết định đi học y tá, sau đó lại xin về làm trong bệnh viện X để được cơ hội gần gũi chăm sóc ông lúc tuổi già bệnh tật. Đó là một cái nhìn xa đúng hướng. Thế nên, thời gian bố tôi nằm viện hóa ra không đến nỗi tệ, thậm chí hai người có thể ở bên nhau hai tư trên hai tư, Anna sẵn lòng làm thay các y tá khác (tôi nghĩ không ai từ chối điều này và mẹ kế cũng chẳng phản đối, từ khi di chúc đã được lập như ý bà muốn thì bà thả lỏng ông hoàn toàn).
Bố tôi có thể nói là mãn nguyện. Sáu mươi tám tuổi, ông đủ khôn ngoan và kinh nghiệm để điều khiển được Anna (cô ta chưa biết người đàn ông nào khác ngoài bố tôi). Viagra đúng nồng độ đem lại kết quả như ý muốn. Đôi tay khá đẹp (tôi đã ngạc nhiên khi nhìn thấy chúng trong quan tài) cũng giúp ích cho ông không kém, có lẽ đến trước khi chết chúng vẫn khiến Anna phải quằn quại, dáng mèo cái của cô ta có thể bắt nguồn từ đây. Khi phân trần với tôi trong tang lễ rằng vì phoóc-môn và phòng lạnh mà cơ thể ông biến dạng, Anna rõ là rất tự hào về phong độ của ông.
Bố tôi hiểu đời (đây mà không là đức tính thì là cái gì?). Thời gian cuối, tuổi trẻ và sức khỏe được ông thay thế bằng một vài món quà quá trớn mà chẳng phụ nữ ở X nào dám mơ (bố tôi cho là đã đến lúc phải thanh toán toàn bộ tài khoản vì ông không thể mang theo nó xuống thế giới bên kia). Chuỗi hạt trai ở cổ Anna trong bữa tiệc tang thật là đúng điệu. Cả chiếc xe hơi mà cô ta đang lái. Tôi chưa kịp nhìn thấy nhưng tin là nó phải là mốt mới nhất và nõn nường, đúng chuyên ngành của bố tôi mà lại. Cả hai đã ngồi (hoặc nằm cho thoải mái) hàng giờ liền trước chồng ca-ta-lô xe hơi các loại, rồi cuối cùng chọn một chiếc đặc biệt sang trọng và cũng chỉ có hai ghế như chiếc xe mụ vợ Brunel mua cho thằng trai trẻ. Những cặp uyên ương vụng trộm và chênh lệch tuổi tác hầu như đều khoái những chiếc xe hai chỗ ngồi, với họ tình yêu là chỉ để riêng cho hai người nên không được dính mùi gia đình và trách nhiệm, họ không thể tưởng tượng lại có thể ngồi trong chiếc xe có thùng để hàng to vật vã với một loạt chỗ ngồi và ghế bảo hiểm cho trẻ con.
Hàng ngày sau khi được bác sĩ khám bệnh và cho thuốc, bố tôi ngồi vào xe để Anna đưa ông đi lang thang khắp nơi. Chiếc xe thể thao mui trần (tạo cảm giác trẻ, khỏe) lại có dịp mang họ quay trở lại chỗ này, chỗ kia, chỗ nào cũng đầy chuyện để nói, hai mươi năm kỉ niệm cơ mà. Tóm lại, bố tôi không có gì để phàn nàn. Bố tôi sức mấy có thời gian mà nhớ đến tôi. Ngay cả ngày cuối cùng ông cũng vô cùng bận rộn.
Nhưng mà tôi thì nhớ Anna quá chừng.
Lò sưởi công ty làm việc nghiêm túc quá nên mắt tôi díp vào lúc nào không hay.
Tôi thấy Anna một tay vòng qua lưng, một tay đỡ gáy tôi ngã ra giường. Tôi cởi quần áo rất nhanh. Bộ ngực đồ sộ và ấm như bông khiến đầu óc tôi tê liệt. Uyển chuyển và điêu luyện, cô ta trườn lên bụng tôi. Âm hộ để trần nóng rẫy. Một tay cởi áo, một tay ghì vào cổ tôi. Hai cơ thể lại hừng hực trong cơn sốt. Đèn ngủ bập bùng. Lò xo rên xiết. Căn phòng chao đảo. Bên tai tôi là tiếng thở của Anna, rồi cô ta thì thào “anh yêu”. Cô ta không gọi tôi. Biết thế mà tôi vẫn sung sướng làm sao. Và cái giọng địa phương của cô ta lúc này thật đặc biệt. Đặt hai tay lên eo của Anna, tôi kéo cô ta sát vào người, rồi lịm đi trong cái khối bông kì diệu êm ái ấy. Tôi nghĩ rằng nếu nói được một câu gì đó thì tôi sẽ còn sung sướng thêm nữa. Nhưng đó chỉ là một cơn mơ nên lưỡi tôi cứng đờ còn dương vật thì đau điếng.
Tôi mở mắt khi nắng chiều đã bò vào giữa phòng. Ánh nắng chói chang để tôi nhận ra cái câu mà tôi muốn nói với Anna lúc nãy thật là ngớ ngẩn. Nói chung, khi lên giường, tôi tập trung vào các động tác và các tư thế. Có lẽ tôi làm không đến nỗi tồi nên phụ nữ tỏ ra bị kích thích. Họ thường ồn ào ra lệnh cho tôi hãy tiếp tục, hãy khiến họ phát rồ phát dại, hãy là người đàn ông khỏe nhất, bốc nhất. Tôi chẳng bao giờ có ý định ghì họ vào ngực vì biết chắc sẽ ngay lập tức bị đẩy ra và thúc: hãy tiếp tục, khỏe nữa lên, bốc nữa lên. Họ hét đến lạc cả giọng. Đây là đấu trường của bò tót chứ không phải lúc khoa trương tình cảm. Cái cô giáo viên dường như là người quyết liệt nhất, cô ta có hẳn một cái roi như diễn viên dạy thú, nên tôi còn nhớ đến bây giờ. Tóm lại, tôi chẳng bao giờ nói cái gì.
Với T thì mọi việc lại khác. Cô ấy có thân hình gợi cảm, đường nét mềm mại, nước da mịn, vòng hông nhỏ, bộ ngực nhu nhú. Và mái tóc đen thả dài. Thời gian đầu nhìn T khỏa thân, tôi rất thèm được làm tình cùng cô ấy. Nhưng chuyện xảy ra không hoàn toàn như thế. Tính kín đáo quá mức của T làm tôi ngần ngại. Cơ thể cô ấy như món ăn Nhật Bản, trình bày hài hòa, đẹp mắt, tinh tế nhưng lúc cho vào miệng lại không thấy vị gì, ăn hết rồi mà chẳng hiểu no hay đói, có thèm nữa hay không. Sáu năm sống với T, tôi không hiểu là ngắn hay dài. Chúng tôi làm tình đều đặn mươi ngày một lần. Bao giờ tôi cũng là người trèo vào giường cô ấy đầu tiên. Mười lăm phút, vài động tác cơ bản và im lặng từ đầu đến cuối. Vứt xong ca-pốt vào sọt rác là tôi quay về giường rồi lăn ra ngủ. T thường loay hoay rất lâu trong buồng tắm. Cơ thể cô ấy sạch bong và không mùi. Hai chiếc giường đôi vẫn kê song song. Chúng tôi vẫn mỗi người một thế giới. Đôi khi tôi mua họa báo về xem trong phòng làm việc. Các thân hình phụ nữ bốc lửa làm tôi xốn xang, không ít lần phải chạy vào toa-lét công ty. Nhưng đó không thể coi là ngoại tình. Trong thâm tâm tôi nghĩ thế cũng đỡ tốn tiền đến nhà thổ. Tôi chưa thử ngủ với gái điếm. Tuy vậy tôi không phản đối chuyện ấy. Nói cho cùng thì họ cũng là phụ nữ, có điều họ ở trên giường nhiều hơn những người khác mà thôi.
Chồng hóa đơn cuối cùng cũng được phân chia hết vào các bảng kế toán. Thế là cũng xong nhiệm vụ của ngày hôm nay. Khi Brunel vắng mặt thì cả tầng tứ tung. Các đồng nghiệp lượn lờ như đi chợ. Tán chuyện hành lang mỏi miệng thì vào Internet chát. Lúc nãy đi qua máy in, tôi nhìn thấy một tệp ảnh chụp các loại ngực. Đồng nghiệp đứng ngay bên cạnh nháy mắt bảo: “nghệ thuật đấy, thích thì tặng vài tấm về treo đầu giường”. Tôi ngần ngừ, rồi chọn một. Mặc dù không nhìn thấy mặt, nhưng tôi đoán là của Emmanuelle Béart. Máy in công ty vừa trả một đống tiền (điều này thì chắc chắn vì chính tay tôi soạn hóa đơn) nên nhìn rõ những đốm hồng xung quanh đầu ngực, cả một nốt ruồi nhỏ. Đồng nghiệp kia lại nói thêm (nháy mắt lần nữa): “cái trò này trông thế mà được việc lắm đấy!”. Ừ, tôi cũng đoán thế, nghe kể là vị nào khi vào cho tinh trùng đều được phát một cuốn Play Boy số mới nhất.
Khoảng 6h thì điện thoại reo. Hóa ra là mẹ kế. Bà nghĩ gọi giờ này sẽ ít làm phiền tôi. “Chỉ để xem Hanah có khỏe không”, bà giải thích ngay như thế. Sau khi hỏi thêm chúng tôi phải đợi ở nhà ga Toulouse bao lâu, bà ngần ngừ rồi nói bà và Mic rất cám ơn tôi. Tôi im lặng. Bà lại nói giá như được gặp tôi và Hanah từ trước. Tôi vẫn không nói gì. Cuối cùng bà bảo nếu hè tới, tôi chưa có kế hoạch đi đâu thì đưa Hanah xuống X chơi, “phòng vẫn để cho hai bố con”. Nói xong câu này thì bà dừng lại, vẻ như biết là đã lỡ lời. Chúng tôi chào nhau một cách xã giao. Bà bảo tôi hôn Hanah hộ bà. Tôi nhờ bà chuyển lời chào tới Mic. Đặt ống nghe xuống, tôi biết đây là lần cuối cùng bà gọi cho tôi.
Tôi tưởng tượng ngay sau buổi tiệc tang, bà đã thức trọn đêm để tống khứ núi đồ dùng cá nhân của bố tôi. Mấy tủ quần áo các loại, mấy thùng các-tông giầy, cà-vạt, thắt lưng, xe đạp leo núi, xuồng lướt ván, gậy trượt tuyết, thuyền câu cá, tạ đôi, nước hoa, xà phòng tắm, thuốc gội đầu, va-zơ-lin, gôm xịt tóc, kem cạo râu, kem thoa mặt, kem bôi tay, kem bóp chân, kem lăn nách, vân vân và vân vân. Quản lý hành chính một nhà máy lớn, tình nhân trẻ hơn hai mươi tuổi, bố tôi có đầy đủ lý do để làm một thành viên lý tưởng của xã hội tiêu thụ. Trong hai ngày ở X, hai lần mở tủ lạnh và tủ tường, tôi được dịp chứng kiến kho đồ hộp Biodoo bố tôi phải thọ thêm vài tháng nữa mới hy vọng xơi hết. Hẳn là nhờ chế độ ăn kiêng cao cấp này mà ông không bị phát phì như các vị cùng trang lứa và duy trì cuộc sống tình dục một cách lý tưởng. Thử so ông với lão sếp của tôi thì biết. Brunel ục ịch như một khúc dồi lợn nên kém ông cả chục tuổi mà chuyện chăn gối coi như đã đi tong (đấy là lý do để vợ lão tìm thằng con nuôi thay thế). Mà không chỉ trên giường, ngoài đường Brunel cũng kém bố tôi. Brunel sống nhờ hào quang nhà vợ nên mụ ta thì ngang nhiên cặp kè thằng trai trẻ mà hắn chẳng bao giờ dám xuất đầu lộ diện cùng tình nhân, hai người chui lủi trong cái phòng áp mái nhà khách Trung Quốc quận 13. Bố tôi không thế. Ông và Anna mất có một năm đầu kín đáo. Ngay khi cô ta bước vào tuổi vị thành niên, biết chắc không ai có thể đưa mình ra tòa, ông quên hẳn việc giấu giếm thiên hạ. Mẹ kế chỉ cần một phần lương tháng của ông, căn nhà và di chúc (ông không ngại lập nó từ lúc mới ngoài năm mươi). Brunel gốc gác nông thôn (giọng hắn vẫn nặng trình trịch) nên thấy Paris hào nhoáng thì run rẩy khép mình vào lễ nghĩa. Bố tôi, ngược lại, từ thành phố lớn chuyển về trị trấn X, lại giữ chức quản lý nhà máy, nên bỗng dưng thành giai cấp trên, một cái nháy mắt là làm gọn Anna ngây thơ mũm mĩm như chiếc kẹo mút.
Brunel là khúc dồi lợn bận com-lê trắng còn bố tôi sáu tám tuổi nằm trong quan tài vẫn bóng bẩy hào hoa. Hai người đàn bà đã vất vả vì ông cũng phải.
Tống khứ xong cái đống của nả từng giúp bố tôi giữ vững phong độ, mẹ kế sẽ ngồi tựa ghế bành mà phác họa tương lai. Kể ra ở tuổi bà thì cũng hơi khó nhưng chưa hề muộn. Tiền lương hưu của bố tôi bảo đảm cho bà một điều kiện vật chất êm ả. Nhưng tôi tin là bà sẽ bán căn nhà. “Gắn bó”, “kỉ niệm”, “tuổi thơ”, “hạnh phúc” chỉ được sử dụng trong các cuộc chiến với bố tôi và tôi. Bây giờ sẽ là lúc bà làm ngược lại hoàn toàn. Và làm một cách dễ dàng vì không còn ai có thể ngăn cản (bố tôi đã chui vào hộp tro, còn tôi thì đã kí hai lần vào văn bản chưởng khế). Chiến thắng này xứng đáng được ăn mừng. Tôi hình dung bà bật nút một chai sâm-banh mới nguyên rồi tự cụng ly một mình, sâm-banh mua cho tiệc tang vẫn còn chất đống trong tủ lạnh. Ngày mai bà sẽ giao bán nhà. X nhơ nhớp vì cái quá khứ của bố tôi với Anna nên cầm tiền trong tay là bà nói lời vĩnh biệt. Vừa nãy gọi điện cho tôi, hứng khởi thế nào mà bà mời tôi và Hanah xuống X nghỉ hè, nói xong thì khựng lại. Tôi biết bà lỡ lời. Hè chưa đến thì cả căn nhà lẫn cái tên X đều đã bị bà xóa sổ hoàn toàn trong bộ nhớ. Nếu hôm trước tôi mà chịu cầm cuốn nhật kí của bố tôi thì có lẽ vài ngày nữa bà sẽ gửi qua đường bưu điện cho tôi hộp tro của ông. Bà có làm thế cũng chẳng bị thiên hạ oán trách, tôi là con trai cả của ông kia mà. Thằng Mic thi tốt nghiệp xong (bà có vẻ rất bị ám ảnh vì chuyện đó) là bà được pháp luật giải phóng hoàn toàn. Mấy trăm hãng du lịch đang mỉm cười vẫy bà. Người ta dịu dàng hỏi bà muốn du thuyền trên sông Nil hay tắm nắng ngoài biển Cuba hay đánh bạc giữa Las Vegas hay tẩm quất ở Thái Lan. Người ta hỏi bà có đi máy bay hạng nhất, ngủ khách sạn năm sao, tắm thalasso đắp bùn tiêu mỡ. Người ta hỏi bà có cần phiên dịch kiêm hướng dẫn viên du lịch cá nhân, trẻ tuổi hay trung niên, thanh mảnh hay cơ bắp, thâm trầm hay bốc lửa. Vân vân và vân vân. Nói chung, ngành du lịch có rất nhiều sáng kiến và luôn hỏi han tận tình. Khách hàng là hoàng đế, khẩu hiệu này có vẻ được họ thực hiện không đến nỗi tồi.
Tôi ngờ rằng bà cũng lập quĩ đen như các chị em Nhật Bản. Mấy chục phần trăm lương tháng của bố tôi trong hai mươi năm qua thể nào chẳng biến thành một cục tương đối. Bữa tiệc tang chỉ là một hạt cát không đáng kể. Hai mươi năm bị ông phụ tình, ngay một năm sau ngày cưới, vài tháng sau ngày thằng Mic sinh, bây giờ mẹ kế chẳng có gì đáng phàn nàn. Cuộc đời bố tôi đóng lại là để cuộc đời của bà mở ra. Y hệt như cái chết của mẹ tôi đã giải phóng bố tôi. Qui luật bù trừ ấy cũng dễ hiểu.
Chỉ có Anna là thiệt thòi mọi nhẽ. Hai mươi năm làm tình nhân không được pháp luật nào nhìn nhận, không được căn nhà nào bù lỗ, không được quĩ đen nào bảo trợ. Ngoài chiếc xe đời mới và vài món quà có thể quá trớn nhưng bây giờ bán lại cũng chẳng được bao nhiêu, tôi ngờ là bố tôi chẳng để lại gì cho Anna. Sáu mươi tám tuổi, ông ung dung hiểu rằng không cần làm thế thì ông vẫn được cô ta mê mệt. Mà ông thì chẳng có thói quen bỗng dưng cho ai cái gì.
Bây giờ tôi bắt đầu hiểu ông.
XIV
“Lối nhỏ thần tiên” tám giờ tối. Đám đông tắc nghẽn cổng ra vào. Tôi vừa ló mặt đã bị bà gác cổng chặn lại. Tay dắt Hanah tay lau nước mắt, bà ta hổn hển kể rằng đứa con gái một gia đình tầng năm vừa trốn khỏi nhà đêm hôm qua.
Con bé ấy vẫn lượn lờ hành lang, nếu tôi không nhầm thì tên là Viđa còn ít tuổi lắm. Bà gác cổng đi trước mở đường cho tôi và Hanah. Xung quanh mọi người bàn tán tưng bừng, tiếng Pháp tiếng nước ngoài rổn rảng. Đặt chân vào sân trong đã nghe thấy tiếng vật vã, hẳn là của mẹ và các em con Viđa. Tôi giật mình nghĩ chỉ cần Hanah khóc T một tiếng là cả khu sẽ lao đến xem, quên cả ăn cơm, quên cả truyền hình kênh 3 tối nay có phim kinh sợ.
“Con bé để lại mấy chữ rằng thà đứng đường chứ không lấy thằng già thối tha”, bà gác cổng thì thầm. Tôi tin là bà ấy nói đúng. Bọn con gái trong khu không ít trường hợp bị đưa về cố hương gả chồng. Đứa trốn kịp, đứa không nhưng lần nào cả khu cũng được dịp ầm ĩ. Con bé Viđa trông thế mà liều. Trong thang máy, tôi chạm mặt hai thằng con trai nhơ nhỡ, đồng phục thể thao trắng, đầu xịt gôm. Chúng nó gườm mắt nhìn tôi và Hanah rồi tuôn một tràng Ả-rập. Tôi đoán là anh em nhà con Viđa. Quả thật, hai thằng ra khỏi thang máy, quát mấy câu, tiếng vật vã ngừng tắp lự. Cả khu nhờ tính gia trưởng của chúng nó mà yên ắng được đôi chút.
Hai bát xúp hộp nhạt phếch, tanh mùi cá ươn. Tôi và Hanah không sao húp nổi một nửa. Vô tuyến ngày nào cũng quảng cáo con tôm hùm quẫy trong lẵng rau xanh, bảo đảm “chất lượng đầu bếp cao cấp”. Hóa ra toàn bọn lừa lọc. Hanah lên giường đi ngủ từ sớm. Lúc ăn cơm trong bếp, bỗng dưng nó kể với tôi về mẹ kế. Nó bảo nó thích đến X vì ở đó có “bà”. Hóa ra nó nghĩ mẹ kế là bà nội nó. Tôi im lặng không đính chính. Lớn lên tự khắc nó hiểu. Bây giờ mà giải thích thì dài dòng lắm, sẽ còn kéo thêm các câu hỏi lôi thôi. Nó cho tôi xem chiếc cặp tóc mai bằng nhựa gắn hai con cánh cam xanh đỏ, bảo quà của “bà”. Không hiểu mẹ kế kiếm đâu ra thời gian mà đi mua. Hẳn chiếc cặp mai cũng góp phần (cùng chiếc đùi gà nướng) vào việc thuyết phục Hanah tặng lại một phần tư căn nhà. Con tính chuẩn không chê vào đâu được.
Chương trình “Chuyện ly kì tối thứ Năm” giới thiệu một viên nha sĩ tỉnh lẻ bị tình nghi đã giết con trai. Ông ta có khuôn mặt tròn, đeo kính, không có gì đặc biệt nhưng khó có vẻ của một kẻ sát nhân lại càng không phải của kẻ đã giết con đẻ. Theo lời kể của bà vợ thì viên nha sĩ đã ngờ thằng bé là con riêng của bà ta nên rình hôm không ai có nhà, lôi nó ra vườn bóp cổ cho đến chết. Vì cảnh sát không tìm thấy xác nên tòa án chỉ xử được mười hai năm tù. Luật sư nói là chính, viên kĩ sư hầu như chỉ gật hoặc lắc…
Bỗng có tiếng gõ cửa. Mẹ con bé Viđa đến ngồi nhờ. Ông chồng và hai thằng con trai bây giờ quay ra mắng chị ta vì tội đồng lõa với con bé. “Tôi khổ quá ông ạ”, chị ta vừa nói vừa khóc, “lão ta tát tôi còn hai thằng kia dọa nếu ngày mai con Viđa không về thì chúng nó sẽ nhốt tôi một tuần liền không cho đi chợ”. Tôi im lặng nhìn quanh, biết tìm đâu một chỗ ngồi tử tế giữa đống quần áo bẩn và vỏ đồ hộp. Chị ta ngừng khóc xua tay: “phụ nữ đi vắng, nhà cửa thế này là chuyện thường”. Có lẽ tin T mất tích đã được bà gác cổng báo cho cả khu. Rồi tin bố tôi mới qua đời nữa chứ, cũng giật gân không kém (vì từ trước đến nay họ đều nghĩ là ông đã qua đời rồi). May có chuyện con Viđa trốn nhà để mọi người giải khuây nên lúc nãy gặp tôi không thấy ai lên tiếng chia buồn. Tôi hỏi chị ta có muốn uống cái gì nóng không, trong bụng nghĩ đêm nay như thế là mất toi, và lại lo bọn đàn ông bên kia sang gây sự. Cuối cùng, chị ta lắc đầu bảo chỉ ngồi một lúc, đợi “chúng nó bớt giận” thì về. Tôi gật đầu, rồi chẳng biết nói gì lại quay ra xem vô tuyến.
Hình như viên nha sĩ không phản ứng nhưng bạn bè ông ta thì lập hẳn một hiệp hội đòi xử lại vụ án. Họ theo dõi bà vợ và phát hiện ra bà ta rất hay bay tới một nước châu Á (bà ta có vẻ là người ở đó, chương trình giới thiệu lúc nãy nhưng tôi bị bỏ qua). Rất nhiều khả năng thằng bé không bị giết và đang được giấu bên ấy. Cử thám tử tư đi theo lần nào cũng bị đánh lạc hướng. Tiếng tăm không biết, đường sá không thông, người quen không có, thám tử tư Pháp cũng biến thành khách du lịch nước ngoài…
Mẹ con Viđa vẫn khóc ti tỉ. Rồi như không kìm được nữa, nhắc lại cái câu “tôi khổ quá ông ạ”, mặt méo xệch. Tôi không hay gặp chị ta, nhưng mùa đông cũng như mùa hè, lần nào gặp cũng thấy bận một chiếc măng-tô rất dài màu xám, chân đi dép lê, đầu đội khăn lụa. Trong năm năm trọng lượng hẳn phải tăng gấp đôi. Nghe nói tiêu chuẩn sắc đẹp của họ là cân nặng. Bởi thế phụ nữ châu Á ít được đàn ông Ả-rập để ý. “Con bé ở đâu bây giờ hở ông?”. Chị ta bất ngờ hỏi. Tôi lắc đầu. Quả thật tôi cũng không biết nó trốn chỗ nào vào lúc đêm hôm thế này. Gia đình bạn bè nó nhất định là chẳng dám chứa. Nói chung, ai cũng sợ trách nhiệm. Nếu bố mẹ nó kiện ra tòa về tội chứa chấp con cái họ… Nếu các anh trai nó cầm dao đến đòi xin tí huyết… Nếu cảnh sát gọi lên hỏi tại sao không thông báo cho họ… Nếu chi nhánh của UNICEF nghi ngờ tội dụ dỗ trẻ em dưới vị thành niên… Nếu con bé là người của tổ chức Al Qaeda… Nếu nó rủ rê con gái mình đi làm trò bậy bạ… Nếu nó có ý định ve vãn chồng mình… Tất cả những cái “nếu” ấy bóp nghẹt con người, khiến không ai còn dám hành động. Báo chí liên tục đăng tải các vụ hãm hiếp trong tàu điện ngầm trước mặt hành khách, các vụ giết người nhân chứng từ chối khai báo, các vụ cướp nhà băng ba chục nhân viên và khách hàng răm rắp tuân lệnh một thằng có đúng con dao nhíp trong tay… Khi con người phát minh được những tiện nghi vật chất tối tân, cũng cho ra đời tính ích kỉ vô địch. Chưa bao giờ người ta lo bảo vệ cuộc sống của chính mình như hiện nay.
Mẹ con Viđa không thấy tôi trả lời thì thở dài rồi im lặng. Trên vô tuyến, bà vợ viên nha sĩ đang thuật lại cảnh “gài bẫy” chồng. Sau khi thằng con chết, hai bên chia tay nhau nhưng bà ta muốn chồng khai sự thật nên gọi điện xin gặp. Trong lúc làm tình (ở một phòng khách sạn), bà ta đã hỏi “anh nói đi, anh đã chôn con ở đâu?”, và viên nha sĩ đã trả lời: “anh chôn nó dưới cây phong non”. Toàn bộ cuộc gặp gỡ được bà ta thu vào băng cát-xét và ngay lập tức đem tới trình cảnh sát. Rừng phong bị đào xới cả tuần liền mà chỉ tìm được xác một con chồn bụng trắng…
“Kinh quá, ông tắt vô tuyến đi được không!”, mẹ con Vida kêu lên, khuôn mặt còn méo hơn lúc nãy. Tôi ngần ngừ. Đúng vào đoạn hồi hộp. Viên nha sĩ khai là chỉ vì muốn “đạt được cực khoái” mà ông ta đã trả lời vợ cho qua chuyện. “Thưa tòa, dương vật của tôi chỉ quan tâm đến chuyện đấy”, ông ta nói thế, cả thẩm phán lẫn luật sư và cử tọa cùng bật cười. Mẹ con Viđa vội vàng thả khăn lụa ra chùm toàn bộ khuôn mặt, hẳn là để những lời tục tĩu kia không lọt vào hai tai. Tôi chợt nghĩ nếu bị cáo không dùng từ “dương vật” mà nói là “buồi”, hay “chim” hay “cặc” thì chị ta phải tông cửa chạy mất. Sau đó lại nghĩ không phải chỉ chị ta, nếu mụ vợ Brunel hay mẹ kế mà nghe được thế nào cũng đứng lên đi vào bếp pha chè, hay cúi xuống tìm tờ báo trong ngăn bàn, hay quay ra hỏi người làm bao giờ thì được ăn cơm nhỉ…
Tôi không tắt vô tuyến mà bật sang kênh khác. Biết nói chuyện gì với mẹ con Vida bây giờ. Tốt nhất là để chị ta xem cái gì lịch sự một chút. Chương trình Thời sự Quốc tế quay cảnh cả nước Nga đợi chờ ngày trình chiếu “Vòng tròn đầu tiên”. Theo đánh giá của giới chuyên môn, bộ phim hứa hẹn mang lại lợi nhuận khổng lồ nhờ mấy lý do sau: thứ nhất, đích thân Soljenitsyne chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết lừng lẫy của ông ta, và sau đó còn tự đọc tiếng trong phim; thứ hai, khán giả Nga bắt đầu chán truyền hình nhiều tập châu Mỹ-La Tinh và muốn xem cái gì đó mang “tâm hồn đặc Nga”; thứ ba, Panfilov là một trong những đạo diễn cây đa cây đề của điện ảnh Xô-Viết; và cuối cùng, lý do vô cùng quan trọng: nam diễn viên cực kì ăn khách Mironov, không những đẹp trai lại còn được Soljenitsyne đánh giá cao vì “cực kì giống” nhân vật của tiểu thuyết. Nói đến đây, phóng viên thường trú tại Mạc-tư-khoa vừa cười vừa bình luận: “nếu tôi không nhầm thì đó là tiểu thuyết về chính cuộc đời của Soljenitsyne nửa thế kỉ trước, diễn viên Mironov quả là một anh chàng đẹp trai (màn hình đưa ra chân dung nam diễn viên), chúng ta có thể so sánh các bức ảnh thời trẻ của Soljenitsyne với anh ta để xem độ thực thà của nhà văn đến đâu, ông ta đã từng được trao giải Nobel văn chương năm 1970 cơ đấy”.
Màn hình lại quay chân dung của anh chàng Mironov, sau đó là một loạt hình ảnh anh ta trong các phim khác nhau: khi thì trong trang phục sĩ quan KGB; khi thì từ Mercedes chui ra, com-lê trắng, râu con kiến, mũ phớt, ba-toong; cảnh cuối bận ki-mô-nô nằm trên giường, hai tay ôm hai thiếu nữ khỏa thân. Tôi liếc sang mẹ con Vida thấy chị ta cau mày lẩm bẩm: “đẹp trai cái nỗi gì không biết”. Tôi gật đầu. Phen này các fan của Soljenitsyne biểu tình mất. Nước Nga đổi sang tư bản mới chục năm nhưng bây giờ còn tư bản hơn cả tư bản. Mạc-tư-khoa trở thành một trong những thủ đô đắt đỏ nhất thế giới, dân Nga chăm biểu tình hơn cả dân Paris. Tuần này Internet Pháp xuất hiện thư kêu gọi tẩy chay Daniel Craig của những người hâm mộ Điệp viên 007. Có thể các fan của Soljenitsyne cũng đang cắt dán khẩu hiệu chống Mironov trên quảng trường Đỏ. “Anh ta không đủ đẹp trai và hào hiệp”, họ cũng viết lên đó lý do y hệt như các fan của Điệp viên 007, để ép nhà sản xuất thay đổi nam diễn viên. Khi các fan mà bị vỡ niềm tin thì đáng sợ lắm, chúng ta còn nhớ Bruce Willis.
Mẹ con Viđa thấy tôi gật đầu thì mặt có vẻ đỡ méo, một lúc sau bỗng kể hồi còn bé ở Casablanca thỉnh thoảng được xem Alain Delon. “Ông ta mới đẹp trai và hào hiệp làm sao!” chị ta thốt lên. Tôi không nói gì chợt nhớ tới đại úy Delon, mấy hôm nay không thấy liên lạc, có thể lại vừa thụ lý thêm một vụ mất tích khác. Theo thống kê, mỗi năm có hàng nghìn người ra đi không để lại dấu vết, có người vì chán cuộc sống hàng ngày, có người muốn trốn nợ, có người quyết tâm lập nghiệp ở thành phố lớn, nhưng cũng có người sau khi xem một phim tài liệu mười lăm phút về hoang mạc Arizona thì bỏ công việc bác sĩ giải phẫu hái ra tiền, đeo ba lô lang thang khắp nơi, hoang mạc Arizona cuối cùng vẫn chưa đặt chân tới. Hai mươi năm sau, qua một chương trình cầu truyền hình, nhà báo hỏi tại sao. “Ra đi là ra đi, có thế thôi”, ông ta thản nhiên trả lời. Nhà báo lắc đầu. Bà vợ cũ ngồi bên cạnh cũng lắc đầu rồi giơ hai tay lên trời la ó: “đúng là một thằng điên!” Trông bà ta y hệt một diễn viên kịch nói mới ra trường. Để diễn tả một thái độ vừa ngạc nhiên vừa phẫn uất, các thầy giáo dạy là nhất thiết phải trợn mắt, nhún vai, giơ hai tay lên trời và la ó. Tôi còn nhớ bà ta hầu như không mặc gì mà chỉ choàng một tấm voan mỏng, có hai dây mắc vào vai, mái tóc vàng xõa ngang lưng, tất cả đều trái nghịch với khuôn mặt đã nhăn nheo và lấm tấm tàn nhang. Chắc hẳn khi được nhà báo mời đến nói chuyện với chồng cũ qua cầu truyền hình, bà ta rất muốn làm ông nhớ lại hình ảnh của mình ngày xưa nên đã chuẩn bị tóc tai và trang phục trẻ hơn hai mươi tuổi. Nhưng bà ta đã thất bại hoàn toàn, ông ta không mảy may rung động, thậm chí còn cau mặt khi nhìn thấy bà kệch cỡm trong cái thứ giống như váy ngủ để hở hết cả gân tay gây chân. Thấy khó lòng có thể xoay chuyển được ông, bà ta quay ra chấn vấn cuộc sống hiện nay của chồng cũ, hy vọng làm nhục ông trước khán giả vô tuyến. “Bây giờ ông ở đâu thế, thưa nhà giải phẫu học?”, bà ta cất giọng một cách mỉa mai. Từ bên kia, ông ta lạnh lùng trả lời: “Ở đâu cũng được, nhưng không phải nước Pháp của bà”. Và cảnh cuối cùng là cảnh bà ta lắc đầu, giơ hai tay lên trời la ó: “Đúng là một thằng điên!”, một động tác mà bà ta chưa từng làm trước đấy.
Đã nửa đêm, khu nhà vào thời điểm yên tĩnh nhất. Không hiểu sao bọn đàn ông bên kia không đi tìm mẹ con bé Viđa. Chị ta đoán được ý tôi nên vội vàng giải thích có lẽ chồng và bọn con trai vẫn “chưa bớt giận”. Tôi nhún vai. “Phải công nhận là tôi cũng ngu đần cơ ông ạ”, chị ta nói tiếp, “vừa nhìn thấy ảnh của ông Saad gửi sang đã vội vàng chê ngay trước mặt con Viđa, thế là nó lấy cớ vứt ngay xuống đất. Từ đấy mỗi khi nhắc đến chuyện lấy chồng là nó lại giãy lên đành đạch, nó gọi ông Saad là thằng già thối tha. Bố nó và hai thằng anh trai đánh cho bao trận vẫn không chừa. Tháng trước ông Saad đã gửi quà và thư sang yêu cầu định ngày cưới. Gia đình người ta danh giá, có một dãy nhà cho thuê ở Casablanca. Con bé Viđa được làm vợ thứ cũng vẫn còn hân hạnh”.
Tôi còn được nghe rất lâu về chàng rể tương lai Saad, chủ một hãng tắc-xi, năm mươi ba tuổi nhưng “còn phong độ”, có biệt thự trong khu quí tộc ở Casablanca, có nhà nghỉ mát ngay cạnh bãi biển, có xe thể thao mui trần, và sắp tới sẽ thừa kế một phần năm dãy nhà cho thuê (vì phải chia với bốn anh em trai nữa)… Tôi nghĩ mãi cũng không hiểu ông ta tìm thấy gì ở con bé Viđa. Nó còn bé và thật là gầy gò. Trong tầm điện ngầm của Paris, tôi từng nhìn thấy những thiếu nữ Maroc đẹp hơn rất nhiều.
Chị ta quả là nhạy bén, lại bắt kịp băn khoăn của tôi lần nữa: “Ông Saad là người rất văn minh nên mới cưới vợ sinh đẻ ở Pháp”. Thấy tôi gật đầu, chị ta tâm sự tiếp: “một đám như thế mà con Viđa không chịu. Không hiểu nó có gì trong đầu hở ông? Chẳng lẽ lại thích làm vợ mấy thằng thợ nề trong khu này, rồi hằng ngày ở nhà, nấu cơm, đẻ con và cuối tháng ra xếp hàng xin trợ cấp xã hội”.
Tôi im lặng. Chuyện gả bán xảy ra như cơm bữa trên một nửa trái đất. Nếu nhân danh “tự do”, các ông bố bà mẹ phương Tây bỏ rơi con cái, thì nhân danh “tình mẫu tử” và “tình phụ tử”, các bậc phụ huynh thế giới thứ ba lãnh đạo con cái cho đến lúc ra nghĩa trang. Đến bao giờ người ta mới thoát khỏi các thái cực.
Ngoài hành lang có tiếng động mạnh, rồi cửa mở, lúc nãy tôi đã cố tình không đóng. Hai thằng anh con Viđa bước vào, vẫn đồng phục thể thao trắng, đầu chải gôm bóng lộn, hai tay đút túi quần. Tôi tự nhủ hai thằng chắc phải sinh đôi thì mới giống nhau đến thế. Mọi động tác cứ như vừa qua tổng diễn tập. Chúng nó không nhìn tôi nhưng nhòm căn phòng từ trần xuống sàn, dừng lại một lúc ở đống quần áo bẩn và vỏ đồ hộp, khụt khịt mũi rồi cùng quay sang mẹ tuôn một tràng tiếng Ả-rập. Chị ta lặng lẽ đứng lên, vuốt lại măng-tô, quàng lại khăn lụa, đi lại dép lê. Cả bọn rầm rập kéo nhau ra cửa. Hai thằng kia đi đầu. Chị ta không chào cũng không dám cả đưa mắt nhìn tôi. Tôi cũng giả bộ nhìn xuống đất.
Tôi không nhảy bổ lên giường làm một giấc như đã tưởng. Kim đồng hồ đang nhích dần về số 2. Cả khu không một tiếng động. Mấy hôm rồi không thấy bọn choai choai đốt pháo sáng. Thực ra ban đêm tỉnh dậy nhìn mấy quả pháo sáng lập lòe cũng vui mắt. Còn hơn là thấy một khối màu đen trước mặt, hay vài chục cái xe nổ bùng bùng khắp nơi như hè vừa qua. Xe của tôi may mà nguyên vẹn. Có lẽ thảm hại quá nên để mãi ở cổng mà chẳng bọn nào thèm động tới. Chỉ khổ thân hai vợ chồng ông bà gác cổng, chiếc Peugeot tám chỗ ngồi vừa mua trả góp bị đốt ngay trước mũi. Bà ta mếu máo kể mấy thằng choai choai đi ngang rồi quăng vào một túm bùi nhùi, ông chồng đứng ngay cạnh mà không kịp phản ứng, thế là đi tong dự định về Bồ Đào Nha chở ít dưa bở sang ăn dần. Trong khu còn thêm nhiều vụ đốt xe nữa. Chẳng rõ xe đẹp hay xấu nhưng chủ nhân thì khóc dở mếu dở, một ngày đi cả trăm nơi, sửa cả trăm cái vòi nước nhỏ giọt, không có xe thì chủ mời ngồi nhà uống chè bạc hà luôn cho khỏe.
Thời gian ấy, trong hành lang công ty, đề tài ngoại ô thỉnh thoảng được chiếu cố. Paul tỏ ra khá hăng hái. Anh ta bảo: “có mấy cái xe cháy mà bọn Mỹ rêu rao chúng ta đang có nội chiến”. Một đồng nghiệp khác nói: “nhật báo Pravda của bọn Nga còn mỉa mai nước Pháp quay lại năm 68”. Cuối cùng, cả hai cùng nhau lên án chiến tranh Irac và Tchetchenia. Các đồng nghiệp khác đứng dựa tường, ngúc ngoắc đầu. Lúc nào chán lại đẩy qua đề tài giường chiếu hoặc bất động sản. Thế là ai nấy cùng nhao nhao. Nói chung, đó bao giờ cũng là hai đề tài được hưởng ứng nhiều nhất.
Theo tin tức từ bà gác cổng, tòa thị chính mới nhận được kha khá tiền viện trợ của chính phủ, đang có kế hoạch xây thêm vài cái sân vận động. Người ta bảo phải tìm cách giữ chân giữ tay bọn choai choai. Có cả ý kiến mở câu lạc bộ kịch nói, không biết có phải để giữ miệng chúng nó, nhưng cuối cùng không thực hiện được. Hiện có mỗi một vai Othello để chúng nó tập mà không phải mất công hóa trang. Thế mới biết không chỉ các nhà văn Pháp mà cả các nhà soạn kịch Pháp cũng bỏ quên hoàn toàn vùng ngoại ô nóng của Paris. Le problème ne se pose pas.
Nhắm mắt một lúc rồi mà tôi vẫn nghĩ đến câu nói của viên nha sĩ lúc nãy: “thưa tòa, dương vật của tôi chỉ quan tâm đến chuyện đấy”. Không hiểu sao trong thâm tâm tôi tin là ông ta nói thật. Bà vợ đã gọi điện rủ rê ông ta đến khách sạn. Hai người làm tình say sưa và đợi đến lúc ông ta chuẩn bị lên đến cực khoái thì bà ta thì thầm hỏi: “anh nói đi, anh đã chôn con ở đâu?” y hệt như ngày trước bà ta vẫn thì thầm hỏi: “anh nói đi, anh thích yêu em ở đâu?”, thậm chí còn bằng một giọng ngọt ngào hơn nữa vì bà ta rất cần câu trả lời của ông ta. Tôi hình dung lúc đầu có thể viên nha sĩ cũng cảnh giác nhưng mà bà ta không ngừng cử động đôi đùi, mỗi khi khép chúng vào, bà ta lại nhắc lại câu hỏi: “anh nói đi, anh đã chôn con ở đâu?” và vì ông ta chưa biết trả lời ra sao, thì bà ta lại mở chúng ra. Cứ như thế đến lần thứ mười, vừa kích thích (khép đùi) vừa dọa nạt (mở đùi), bà ta đã thành công. Viên nha sĩ cảm thấy vô cùng sung sướng (vì chưa bao giờ bà ta điêu luyện như thế), và chính vào giây phút cực khoái, vừa tưới đẫm âm hộ của vợ, ông ta vừa thốt lên: “anh đã chôn nó dưới gốc cây phong non”, y hệt như ngày trước ông ta vẫn thốt lên: “anh thích yêu em ở chỗ này này”. Cái câu mà bà ta trông đợi cũng là câu mang lại cho ông ta mười hai năm tù.
“Thưa tòa dương vật của tôi chỉ quan tâm đến chuyện đấy”. Tôi tin là ông ta nói sự thật và nói một cách chính xác. Ông ta đã không bảo : “thưa tòa, tôi chỉ quan tâm đến chuyện đấy”. Bởi vì lúc đó, ông ta đã biến mất hoàn toàn, chỉ có dương vật của ông ta là hiện diện và điều khiển mọi thứ. Dương vật thì không có trí não nên nó không biết suy nghĩ là gì: thay vì điều khiển, nó đã bị điều khiển. Đáng lẽ sau câu trả lời của mình, viên nha sĩ phải nói thêm: “thưa tòa, xin tòa hãy xét hỏi dương vật của tôi vì chính nó đã nói ra câu ấy”. Nhưng mà ông ta chỉ dừng lại ở đấy, còn các vị chánh án và quan tòa đầu óc bã đậu không tự nghĩ thêm được điều gì ngoài cách phạt ông ta mười hai năm tù giam. Mười hai năm tù giam không phải vì tội giết người mà vì tội đã “trả lời cho qua chuyện để đạt được cực khoái”.
“Dương vật của tôi chỉ nghĩ đến chuyện đấy”, tôi thiếp đi cùng với câu tuyên ngôn của viên nha sĩ. Trong một cơn mê ngắn vào lúc rạng sáng, tôi thấy Anna thì thầm vào tai tôi: “anh nói đi, anh muốn yêu em ở đâu?” và không để cho tôi kịp trả lời, cô ta lại nhắc lại, vừa nhắc vừa khép đùi mở đùi y hệt như bà vợ viên nha sĩ. Anh nói đi, anh muốn yêu em ở đâu? Anh nói đi, anh muốn yêu em ở đâu? Cô ta cứ nhắc mãi nhắc mãi cho đến khi tôi đạt đến cực khoái. Đồng hồ chỉ năm giờ sáng.
XV
Sáng nay, khi ra cửa đón Hanah, bà gác cổng đưa cho tôi một phong bì bảo đến từ hôm kia nhưng tối qua mải chuyện con bé Viđa nên bà ta quên bẵng đi mất. Nhìn phong bì tôi biết là thư ngân hàng của T. Không hoàn toàn giống với những gì tôi dự đoán: số tiền 10000 euro đúng là đã bị rút một ngày sau đó, chỉ có điều để được chuyển tới… tài khoản chung của hai chúng tôi.
Khoảng 11h sáng, phó giám đốc phụ trách tài chính gọi điện yêu cầu tôi đến gặp.
Ông ta rút từ ngăn kéo ra một tập tài liệu bảo tôi về phòng đọc, nhất thiết tối nay phải xong để còn theo ông ta đi gặp trưởng phòng kế toán của đối tác Đông Âu. “Bọn này nhiều thủ đoạn lắm đấy”, ông ta lắc đầu rồi thở dài, vẻ ngán ngẩm. Lúc đưa tay bắt, nhìn mặt tôi băn khoăn, ông ta bảo cứ yên tâm, mỗi giờ làm việc thêm buổi tối, nhân viên sẽ được thanh toán cao gấp ba bình thường. Rồi nghĩ thế nào, lại nói thêm: “có thể là cũng lâu đấy”.
Đối tác Đông Âu công nhận coi trời bằng vung. Bảng kế toán trình bày như ma trận. Nhiều con số từ trang trước sang trang sau đã thay đổi chóng mặt, đến trang cuối cùng thì hầu như không tài nào nhận ra. Cứ vài dòng lại thấy một khoản tiền ở đâu nhảy vào rồi ngay ngày hôm sau lại biến mất tăm, tất cả đều ghi lý do “công tác phí”. Đọc thêm vài lần, tôi hiểu rằng chẳng có quái gì mà kiểm tra. Đơn giản là người Nga không làm kế toán. Trưởng phòng kế toán của họ chỉ có trách nhiệm chuyển tiền, nhập séc, xuất tiền mặt và theo dõi giá đô-la.
Sau giờ cơm trưa, trong hành lang, tôi hay Brunel vẫn chưa đến làm việc, xin nghỉ thêm hai ngày nữa. Người đưa tin là thư kí của tổng giám đốc, còn úp mở nói thêm “hình như có chuyện gia đình”. Một đồng nghiệp bình luận: “sếp bà lại cho xơi mấy quả nhẫn vào mặt thì bỏ mẹ”. Một đồng nghiệp khác hưởng ứng: “thế thì mới xin nghỉ ở nhà nằm hầu, hai ngày bóp đùi và đấm lưng liệu có ổn không?”. Chủ đề giường chiếu lại được dịp nổ tung. Vài người cười khùng khục nhắc lại câu phát biểu của viên nha sĩ trên vô tuyến tối hôm qua: “thưa tòa, dương vật của tôi chỉ nghĩ đến chuyện đấy”. Họ có vẻ khoái câu đó và thi nhau biện hộ cho bị cáo. Hóa ra trong lúc tôi phải chuyển sang kênh khác (để bảo đảm an toàn cho mẹ con Viđa) thì chương trình giới thiệu một nhân vật đặc biệt - vợ mới của viên nha sĩ, nhân một lần nhìn thấy ông ta trên vô tuyến thì đem lòng yêu, hai người vừa kết hôn trong nhà tù. “Quần nhau trong ấy thì cũng khiếp đấy chứ?”. “Lâu lâu một lần để anh em xung quanh đỡ tốn trí tưởng tượng”… Chủ đề Brunel vừa khai sinh đã khai tử. Không ai biết chút nào về thằng trai trẻ.
Tôi có cảm tưởng chính nó là nguyên nhân mấy ngày nghỉ việc của Brunel. Rất có thể nó đủ khôn ngoan để ra điều kiện với mụ mẹ nuôi, hoặc là lấy nó làm chồng ngay bây giờ, hoặc là nó sẽ ra đi vĩnh viễn. Tất nhiên nó sẽ đưa tình yêu ra làm lý do, rằng nó không thể mãi mãi ở trong bóng tối, nó muốn được làm chồng “người mình yêu” trước bàn dân thiên hạ và có trách nhiệm với “người mình yêu” trước pháp luật và cuộc đời. Mụ ta nghe xong những lời có cánh này thì tha hồ mà rút khăn mùi soa. Được thể, thằng trai trẻ bồi thêm câu nữa cũng vừa học mót trong một bộ phim lâm ly bi đát nào đấy: “anh không thể chịu được cảnh hắn ta giày vò em hàng đêm trên giường”. Và thế là mụ ta sẽ vừa sung sướng vừa tỏ vẻ hốt hoảng thề thốt với thằng trai trẻ rằng thân thể của mụ ta là để dành riêng cho nó và không bao giờ Brunel được phép chạm vào, ngay cả những chỗ rất thừa, “khuỷu tay cũng không, gót chân cũng không”… Rồi cả hai cùng lao lên giường để chứng minh tình yêu cho nhau (thằng trai trẻ thì đóng vai yêu và ghen điên cuồng, còn mụ ta thì đóng vai yêu và hiến dâng trọn vẹn). Trong lúc say sưa nhất, khi mụ ta gần đạt đến khoái cảm thì thằng trai trẻ bỗng thì thầm hỏi: “em thề đi, em sẽ ly dị hắn chứ?”, y hệt như nó vẫn thì thầm hỏi mọi khi: “em thề đi, em sẽ yêu anh mãi chứ?”. Đầu tiên, mụ ta cũng hơi lưỡng lự vì ly dị Brunel là điều mụ ta ít dám nghĩ đến, bà mẹ mụ ta cực kì nghiêm cấm chuyện này trong gia đình, rồi còn cả xã hội quí tộc quận 16 nhìn vào. Nhưng thằng trai trẻ cũng có cách của nó. Nó sẽ không ngừng đi ra đi vào mụ ta. Khi vào đến tận trong cùng, nó lại lên tiếng thì thầm: “em thề đi, em sẽ ly dị hắn chứ?”. Vì mụ ta vẫn lưỡng lự nên nó sẽ đi ra ngay. Rồi sau đó lại đi vào, khi vào tận trong cùng, nó lại lên tiếng thì thầm: “em thề đi, em sẽ ly dị hắn chứ?”. Mỗi lúc giọng nó lại to hơn, dương vật của nó ra vào nhanh hơn, mạnh hơn. Cho đến lần thứ hai mươi thì mụ ta không chịu được nữa. Cực khoái, mụ ta chồm dậy, vít lấy đầu thằng trai trẻ, bấm mười móng tay lên hai bả vai nó, vừa cuồng nhiệt hôn vào môi vừa hét (lạc cả giọng): “vâng, em thề sẽ ly dị hắn”. Âm hộ mụ ta được tưới đẫm nhưng câu nói ấy sẽ kết liễu cuộc đời vàng son của Brunel và rút quận 16 ra khỏi các vi-dít của hắn.
Tôi tưởng tượng buổi tối hôm đó, ngay trước giờ ăn cơm, thằng trai trẻ thay quần áo, cầm lấy chìa khóa ô-tô rồi im lặng đi ra cửa. Mụ vợ Brunel chạy theo thì bị nó lạnh lùng bấm thang máy ngay trước mũi. Nhìn bóng nó biến mất dưới tầng trệt, mụ ta quay vào giường nằm khóc. Trước đấy, thỉnh thoảng nó cũng đã bỏ đi như thế, đến mờ sáng hôm sau mới buồn về, mặt mũi hốc hác, toàn thân nồng nặc mùi nước hoa phụ nữ và ba ngày hôm sau vẫn không buồn động đến người mụ. Đấy là cách nó bắt mụ ta giữ những “lời thề”. Khi thì một chiếc xe máy đời mới, khi thì một con ngựa đua giống Ả-rập, khi thì một chiếc đồng hồ gắn kim cương. Còn lần này là vụ ly dị với chồng.
Brunel và vợ ngồi bên bàn ăn. Nữ hoàng hôm nay đối diện với cận thần đã bị thất sủng. Brunel cắm cúi nhai, cứ khi nào không có thằng trai trẻ là hắn cảm thấy thoải mái và ngon miệng. Mụ vợ, trái lại, không buồn nhấc cả thìa lẫn dĩa, do nhớ thằng kia đã đành nhưng chủ yếu là vì lo giữ “lời thề” với nó.
Đợi cho Brunel ăn xong món tráng miệng, mụ ra lệnh cho người làm chuẩn bị cà phê rồi đề nghị Brunel ra xa-lông phòng khách. Hắn chưa hiểu chuyện gì và có ý lo lắng. Hai tách cà phê đã cạn mà mụ vợ vẫn chưa lên tiếng. Phòng khách rộng mênh mông và im lặng tuyệt đối, người làm đã được phép về sớm hơn thường lệ. Brunel càng nôn nóng. Thực ra mụ vợ hiểu là phải giải quyết việc này trong tối nay nhưng vẫn chưa biết bắt đầu như thế nào. Cuối cùng, mụ ta quyết định đi đường tắt. Ngả người ra lưng ghế bành, mụ châm một điếu thuốc lá rồi bảo: “chúng ta nên ly dị”. Brunel sững sờ và không biết phản ứng ra sao. Đây là lần đầu tiên trong hai mươi năm vợ chồng, mụ ta nói đến chuyện đó và lại nói một cách thẳng thừng. Hắn hiểu mức nghiêm trọng của vấn đề. Mụ ta đã dám đứng lên kéo màn kết thúc vở kịch ba người, thách thức cả bà mẹ già 90 tuổi lẫn cái quận 16 quí tộc này. Hắn cúi đầu và cảm thấy đau buốt nơi ngực trái, hẳn là máu đang nhồi về tim. Bác sĩ luôn căn dặn phải hết sức tránh các chấn động tình cảm. Bệnh tim hóa ra là bệnh khổ nhất, làm tình không được mà nổi giận cũng bị cấm. Thực ra trước đây hắn không thù ghét gì thằng trai trẻ. Trong thâm tâm, thậm chí hắn còn cảm ơn nó. Nhờ công nó hàng ngày tưới đẫm cái âm hộ của mụ vợ, nhà cửa mới không bị tanh bành và hắn cuối tuần được hú hí một hai tiếng với tình nhân trong quận 13. Thế nên, tuy không nói ra nhưng hắn chấp nhận để mụ vợ và thằng kia nghênh ngang đi lại. Bây giờ hắn mới vỡ lẽ rằng thế vẫn chưa xong.
Rít một hơi thuốc, mụ vợ lại lên tiếng (trong buổi tối này, mụ ta luôn luôn là người chủ động): “em sẽ tặng anh một tấm séc”. Brunel cảm thấy chua xót. Hai mươi năm làm chồng của hắn không biết được trả bao nhiêu. Hắn thôi cúi đầu (dầu sao thì bây giờ đã rõ nguyên nhân của buổi nói chuyện), nhưng hắn không nhìn vào mặt mụ vợ mà ngó lên bức tranh rất to treo trên tường chính của phòng khách. Sau căn hộ, đó là tài sản quí giá nhất mà mụ vợ nhận được từ tay ông bố đại quí tộc. Bức tranh có giá trị nhiều triệu quan, thỉnh thoảng lại được một bảo tàng nào đấy mang xe gắn điều hòa đến mượn đi trưng bày. Trung tâm bức tranh, họa sĩ Phục hưng vẽ một bà quí tộc mặc váy bồng, tay ôm con mèo nhỏ, bên cạnh có hai người đàn ông một trẻ tuổi, một lớn tuổi, vai bà quí tộc kề vào vai người đàn ông lớn tuổi nhưng mắt lại liếc sang người đàn ông trẻ tuổi. Bức tranh, theo lời kể của ông bố vợ, đã không được tác giả đặt tên, nhưng sau đó người ta đã gọi nó là “Thiếu phụ giữa chồng và con trai”. Brunel không bao giờ để ý mấy (nói chung hắn vào phòng khách chỉ để xem vô tuyến, còn khi có khách đến chơi thì phải tiếp chuyện chứ thời gian đâu mà ngắm tranh). Nhưng lúc này, hắn bỗng nhận ra rằng bức tranh là tiền định, họa sĩ Phục hưng đã thấy trước số phận của hắn, đã cười cợt hắn ngay từ đầu mà hai mươi năm hắn vẫn không hiểu. Brunel tự nhủ, bây giờ nếu hắn có quyền, hắn sẽ đổi lại tên cho bức tranh. “Thiếu phụ giữa chồng và tình nhân”, phải thế mới đúng, cái liếc mắt kia là điều mà họa sĩ muốn gửi gắm nhất. Còn hai người đàn ông thì không có gì giống nhau để có thể bảo đó là bố và con trai. Họa sĩ đã cố tình tạo ra hai nhân vật khác hẳn nhau, từ hình thức đến cách ăn mặc và cá tính. Brunel lại thấy nhói mạnh ở ngực trái, đơn giản thế mà hắn chưa bao giờ nhận ra.
“Cái này thì em không thể để vào tay người khác”, khói thuốc bay lơ lửng trước mũi, mụ vợ nói khi thấy Brunel nhìn vào bức tranh. “Anh biết đấy, em không cho phép mình bán những gì đã thuộc về gia đình nhà em”, mụ ta giải thích. Bao giờ “gia đình nhà em” cũng khiến mụ ta lưu loát. Nó giống như một món nữ trang đặc biệt mà mụ ta có thể đeo với bất cứ trang phục nào, cho bất cứ cuộc gặp gỡ nào. Hai mươi năm, Brunel không hết ngạc nhiên khi thấy “gia đình nhà em” vẫn còn sức hấp dẫn với rất nhiều người và mụ vẫn luôn tự tin khi nói nó. “Em không có nhiền tiền mặt”, mụ ta nói rồi dừng ở đấy, rõ ràng là đang tính toán xem con số nào mà chồng thì chấp nhận còn mình lại không bị thua lỗ. Đeo xong món nữ trang “gia đình nhà em”, mụ tự tin hơn hẳn.
Brunel đứng dậy tiến đến quầy rượu. Hắn biết đây là thời điểm quan trọng để gỡ gạc đôi chút trong cái cú thua đậm này. Không nói không rằng, hắn rót một ly cô-nhắc rồi ngửa cổ uống một hơi hết sạch. Đã lâu lắm rồi hắn không sử dụng đến cái cách này. Thực ra, nó mất hiệu nghiệm từ lúc thằng con nuôi xuất hiện. Ngày trước, tương quan hai bên khá cân đối (lão không giàu nhưng khá điển trai, mụ vợ quí tộc nhưng xấu gái), nên đôi khi hắn cũng gây được sức ép với mụ, tất nhiên là để đạt được những cái nho nhỏ thôi, ví dụ cái chức sếp ở công ty: hắn làm xong ba ly cô-nhắc thì mụ vợ sợ quá gọi điện khóc lóc với anh trai, bạn làm ăn của tổng giám đốc, một tuần sau thì hắn được gọi tới nhậm chức; hoặc ví dụ kỉ niệm ba mươi năm ngày cưới của bố mẹ hắn ở quê, mụ vợ gửi cho một tấm séc nhưng không chịu về, hắn làm xong hai ly cô-nhắc thì mụ cũng đứng lên chuẩn bị va-li, nhờ thế mà gia đình nhà hắn mới được giáp mặt nàng dâu lần đầu và lần duy nhất, hai vợ chồng ra khách sạn ngủ nhưng đối với các cụ thế là đủ hãnh diện với cả làng rồi.
Nhưng lần này thì không phải những cái nho nhỏ đó. Hắn tự nhủ phải quyết tâm hơn. Mặt hắn chai lại.
Có lẽ vì thế mà mụ vợ hơi lúng túng. Trước đây, mụ ta chưa từng nhìn thấy vẻ mặt ấy của hắn. Đưa mắt nhìn vào bức tranh (mà bỗng dưng lúc này trở nên vô cùng gần gũi), dụi thuốc lá vào gạt tàn, mụ ta nói giọng run run: “hai trăm nghìn anh thấy thế nào?”. Brunel điếng người, số tiền ấy chưa đủ hắn mua nửa căn hộ trong một khu kha khá của Paris. Hắn im lặng lắc đầu. Mụ vợ nói tiếp, giọng càng run: “ba trăm nghìn”. Brunel mím môi, phút im lặng vừa rồi của hắn có giá trị một trăm nghìn euro. Hắn quyết định đi xa hơn nữa bằng cách quay ra rót thêm một ly cô-nhắc, bệnh tim hôm nay tạm quên đi vậy. “Bốn trăm nghìn”. Hắn vẫn lắc đầu.
Cuối cùng, sau khi chai cô-nhắc gần cạn và trái tim của Brunel cũng sắp phá vỡ lồng ngực trái thì hắn nâng được tấm séc lên đến “tám trăm nghìn”.
Cả hai cùng dừng ở đấy. Mụ vợ ngồi vào bàn thảo một lá đơn trong đó ghi rõ Brunel chấp nhận ly dị và ra khỏi nhà còn mụ ta đồng ý trả mọi phí tổn và giúp đỡ hắn một số tiền là tám trăm nghìn euro để thu xếp chỗ ở mới. Điều kiện chung cho hai bên là phải giúp đỡ lẫn nhau để giải quyết thủ tục trong thời hạn ngắn nhất.
Lá đơn cùng với chữ kí của hai vợ chồng ngay lập tức được gửi qua fax cho luật sư của mụ vợ. Brunel gọi điện đến nhờ người quen tìm cho một luật sư. Luật sư nghe xong bảo: “khó quái gì, cứ chi là xong”. Brunel đặt máy rồi mang py-ja-ma sang phòng khác ngủ (chuyện này thì vô tư, căn hộ có năm phòng ngủ là ít). Tôi tin là chỉ mươi phút sau hắn đã ngáy o o. Hắn vừa qua một cuộc thương lượng đặc biệt kì quái, trong đó hắn là người bán, mụ vợ là người mua, còn hàng hóa là vụ ly dị của hai người. ụ ly dị của hắn và vợ có cho không cũng chẳng ai buồn lấy, thế mà hắn lại thương lượng được gần một triệu euro. Kinh nghiệm này chẳng lý thuyết thương mại nào nhắc đến. Theo qui tắc, ly dị có thể mang lại tự do cho hai bên, nếu cả hai cùng cần thì chẳng ai mất với ai xu nào; nếu một bên cần, một bên không thì bên cần phải chi cho bên kia. Trong trường hợp Brunel, mụ vợ rất cần lại cần khẩn cấp nên đành chi đậm, và hắn gặp may vì đối phương là quí tộc quận 16, cả đời chưa bao giờ đặt chân đến công sở và sống bằng dư luận. Thử tưởng tượng mụ vợ hắn hàng tháng nhận lương thư kí còm, tự đòi ly dị hay bị bắt ly dị thì mụ ta cũng sẽ chẳng mất xu nào cho hắn, không những thế còn bắt được hắn bồi thường hai mươi năm “tận tụy làm vợ”, hai mươi năm “đẹp nhất của tuổi trẻ”, hai mươi năm “niềm tin bị mất, tình yêu bị phụ”… và tất cả những gì mà bọn luật sư có thể khoa môi múa mép giữa phiên tòa.
Trong giấc ngủ, Brunel không ngừng cảm ơn quận 16 quí tộc.
Khoảng năm giờ chiều, tổng đài thông báo có điện thoại của đại úy Delon. Tôi hơi giật mình, định nói là đang bận không tiếp chuyện được, nhưng sau đó không hiểu sao lại đồng ý. “Đám tang ông già thế nào?”, Delon hỏi luôn chứ không thèm chào hay rào trước đón sau. Hẳn là hắn rõ mọi hoạt động của tôi và rất muốn tỏ cho tôi biết điều ấy. Tôi im lặng, tự nhủ nếu cách đây mươi ngày thì tôi đã nổi xung lên với hắn. “Đám tang ông già thế nào?”, hắn nhắc lại lần nữa, giọng đã có vẻ mềm hơn. Tôi quyết định không trả lời mà hỏi lại hắn: “Cảnh sát có tin tức về T không?”. Hắn lạnh lùng đặt phịch máy xuống. Tôi đã quá quen với tư cách rất ư lịch sự ấy nên ngồi cười khẩy một mình.
Bây giờ thì tôi cho là Delon, ngay từ khi thụ lý hồ sơ của T, đã bắt liên lạc với bố tôi (điều này quá đơn giản, cách đây năm năm tôi cũng tìm thấy địa chỉ của ông trong danh bạ điện thoại). Hắn đã kịp nói chuyện với bố tôi vài ngày trước khi ông qua đời. Đầu tiên mục đích của Delon chỉ là để biết các thông tin cơ bản về tôi, nhưng câu trả lời của bố tôi thế nào đó đã khiến hắn bỗng dưng tò mò về tôi. Tôi ngờ rằng hắn cũng đã nói chuyện với mẹ kế về tôi (để đối chiếu những lời khai của bố tôi), sau đó còn để lại cho bà số điện thoại riêng của hắn với lời dặn dò: “nếu có tin gì thì báo gấp, muộn cũng không sao”. Qua hắn, mẹ kế đã biết rõ việc T mất tích nên suốt hai ngày tôi ở X, bà không hề đặt một câu hỏi nào về cô ấy. Cái câu “nếu anh không có vấn đề gì…” hẳn để nói : “nếu anh không có vấn đề gì với cảnh sát…”. Và rất có thể bà cho rằng tôi sắp bị tống vào tù nên vội mời tôi về X để gặp mặt bố tôi lần cuối nhưng thực chất là để cùng bà và thằng Mic đến văn phòng chưởng khế. Bà lo ngày ra tù, tôi sẽ phẫn chí và chẳng bao giờ chịu chấp nhận cái “thỏa thuận hợp tình” mà bà đề nghị. Bố tôi cũng thế, cuộc nói chuyện với Delon khiến ông nghĩ ngay là tôi đang có vấn đề nghiêm trọng với pháp luật, ý tưởng dùng tôi để trừng trị mẹ kế có lẽ đã nảy sinh từ đấy. Ông tin chắc khi mãn hạn tù, chán ngấy Paris và không công ăn việc làm, tôi sẵn sàng về X để chia đôi căn nhà với mẹ kế, đúng theo di chúc ông để lại; cái “thỏa thuận hợp tình” của mẹ kế, bố tôi có nghĩ đến (ông khá thông minh và quá hiểu đời, như tôi mới phát hiện ra), nhưng ông cho rằng nó sẽ không đi đến đâu cả.
Kể ra thì mẹ kế và bố tôi cùng có lý, phải điên lắm mới đem chuyện tình cảm để thuyết phục một thằng vừa ngồi bóc lịch mấy năm trong nhà đá. Nhưng có điều không biết Delon đã nói gì để họ có ý nghĩ quái dị ấy. Có lẽ hắn đã thân chinh xuống tận X và màn kịch Alain Delon được diễn lại một cách xuất sắc (vì đây là lần đầu tiên), cả bố tôi lẫn mẹ kế đều bị ấn tượng mạnh đến độ ngay lập tức tin rằng hắn là một nhân vật cực kì quan trọng của giới cảnh sát, rồi từ đó suy ra tôi là nhân vật cực kì nguy hiểm của giới tội phạm. Điều gì có thể logic hơn?
Tôi hình dung Delon thình lình xuất hiện trong phòng bệnh của bố tôi, mũ phớt, măng-tô dạ đen, kính râm to bản. Về khoản ánh sáng thì hắn không lo. Nói chung, bệnh viện nào cũng được trang bị rất tận tình đèn nê-ông và hallogen. Bố tôi đã trân trối nhìn thần tượng một thời (ông cùng tuổi với ngôi sao điện ảnh) rồi xúc động đến nỗi gọi Anna vào xem. Cả hai chắc chắn đã suýt ngất xỉu khi nghe viên đại úy giới thiệu tên riêng, chức vụ và nơi công tác. Nói chung cuộc nói chuyện đã diễn ra hoàn toàn như Delon mong muốn. Hắn chưa bao giờ vào vai hoàn hảo và được ngưỡng mộ hơn thế. Bố tôi đã tận dụng thời gian để kể lại mọi chuyện mà ông còn nhớ và không quên thêm chút gia vị cho hấp dẫn, dù sao cũng qua được vài tiếng trong bệnh viện. Delon ghi chép, thỉnh thoảng đưa ý kiến và đặt lại câu hỏi cho rõ ý. Trước khi ra về cũng trao cho bố tôi các vi-dít và lời dặn dò: “nếu có tin gì thì báo gấp, muộn cũng không sao”. Bố tôi chắc chắn là hứa rất nhiệt tình (tôi cho là nếu ông không qua đời ngay sau đó thì ông cũng sẽ thành tâm cộng tác với Delon). Anna nghe xong thì trách bố tôi từ trước đến nay sao không hở một câu nào về tôi. Và cô ta bắt đầu chú ý đến tôi: nào là một thằng con trai “lạnh lùng”, “khó hiểu”, “không ham muốn đặc biệt”, “có tâm lý cần nghiên cứu” (theo lời của bố tôi), nào là một người “kì quặc”, “ cáu kỉnh”, “ít quan tâm tới vợ con”, “có hành vi cần theo dõi” (theo lời kể của Delon).
Từ chú ý mà chuyển sang tưởng tượng thì nhanh lắm. Anna thậm chí còn nuôi các viễn tưởng về tôi. Tất nhiên, chúng chỉ tô hồng thêm tình yêu cô ta dành cho bố tôi suốt hai mươi năm qua. Cô ta yêu mọi thứ trên người ông (kể cả cái tuổi 68), mọi thứ trong cuộc đời ông (kể cả thằng con riêng khác thường và tội phạm).
Anna! Tôi nhận thấy từ mấy ngày nay, các suy nghĩ của tôi đều kết thúc bằng cái tên ấy.
Bà gác cổng được tin tôi về muộn thì khuyên tôi tối mai qua đón Hanah một thể, “ban đêm đừng đánh thức con bé dậy làm gì cho khổ”. Tôi đồng ý. Bà ta ngập ngừng rồi nói vợ chồng bà hy vọng “bà nhà” không gặp chuyện gì rắc rối. Tôi làm như không nghe thấy, đặt máy xuống.
XVI
Tôi leo lên xe phó giám đốc phụ trách tài chính thì nhìn thấy một người nữa đã ngồi sẵn. Phó giám đốc giới thiệu là phiên dịch tiếng Nga, thường xuyên giúp công ty đón tiếp các đoàn đối tác. Đúng 7h chúng tôi xuất hành. Trên đường, phó giám đốc chỉ lo lỡ hẹn. Theo lời ông ta, trưởng phòng kế toán từ Mạc-tư-khoa xuống máy bay lúc trưa nhưng rất bận nên chỉ ở lại hai ngày, lịch chiêu đãi hôm nay gồm ăn tối tại khách sạn năm sao và dạ kịch ở Cối xay gió đỏ. Ông hỏi tôi đã đọc xong tài liệu chưa. Tôi ngần ngừ. Cũng may lúc đó cảnh sát giao thông huýt còi kiểm tra giấy tờ, phó giám đốc tìm mãi mới được thẻ lái xe, cuối cùng quên hẳn câu hỏi. Một buổi tối ngán ngẩm có vẻ đang đợi, tôi tự nhủ, nếu Brunel mà đi làm hôm nay thì hẳn sẽ phải cắp cặp theo đuôi phó giám đốc. Phiên dịch suốt từ lúc đi đều im lặng. Có vẻ coi chuyện này như cơm bữa.
Trưởng phòng kế toán là một gã cao lớn, tóc vàng, mắt xanh, trên người toàn đồ hàng hiệu, hai tay hai túi căng phồng hai chữ Bon Marché. Vừa bắt tay chúng tôi, vừa bảo: “shopping is nice in Paris”. Phó giám đốc vội vàng đáp lại: “ôh, it’s very nice”. Phiên dịch nhanh chóng đỡ lấy hai chiếc túi. Tất cả cùng đi vào phòng ăn của khách sạn. Vova (tên gã trùng với tên Lê-nin vĩ đại) vừa đi vừa nói chuyện điện thoại, dường như là đường dài quốc tế. Tôi hiểu trước mặt mình là một đại diện của “nước Nga mới”, như báo chí hồi này hay nhắc đến. Tôi đã không nhầm, trong lúc đợi đồ ăn, gã ồn ào mở cho chúng tôi xem bốn bộ vest nữ sang trọng, trong đó hai bộ màu đậm gã khoe xong thì gấp lại ngay, còn hai bộ màu nhạt hơn và diêm dúa hơn, gã cười cười nói: “my girl will be happy”. “My girl” hóa ra còn được mua cho cả một túi kia nữa toàn đồ lót, nước hoa và son phấn ngoại hạng.
Gã xoa hai tay vào nhau vẻ mãn nguyện, rồi rút trong ví ra một tấm ảnh màu đặt phịch lên bàn, khoái trá chỉ tay bảo “it’s my girl”. Công nhận “my girl” đẹp thật, và cực kì khêu gợi: vú to, mông nở, không mặc quần áo mà chỉ choàng một tấm voan mỏng, lồ lộ các bộ phận bên trong. Tôi bất giác nhớ tới cái bà đã trợn mắt, nhún vai, giơ hai tay lên trời, la ó “đúng là một thằng điên!” trong chương trình “Tìm lại người mất tích”. Bà ta đã trang phục y hệt như vậy để mong chồng cũ tiếc nuối hình ảnh ngày xưa. Ai mà biết được hai mươi năm về trước cặp đùi chằng chịt gân xanh của bà ta cũng nuột nà thon thả như “my girl”. Thời gian là kẻ thù số một của sắc đẹp, người ta vẫn nói thế. Vova nhìn mặt mũi tôi bần thần thì nháy mắt, giơ ngón cái lên bảo: “very ok in bed!”. Tôi tin là hắn nói đúng.
Phiên dịch có vẻ không hài lòng vì Vova liên tục giở tiếng Anh, và phó giám đốc thì không biết làm cách nào hơn là nói những câu xã giao cơ bản, đại loại: it’s great, it’s nice, it’s funny, it’s interesting… Rõ là ông ta phải cố gắng rất nhiều để đối đầu với đại diện của “nước Nga mới”. Lần đầu tiên, tôi gặp một vị sếp tương đối cảm tình, không ngờ công ty lại có một phó giám đốc như vậy. Vova nốc rượu như điên, càng nốc càng hăng, gã kể không ngớt về những thay đổi “very important” của Mạc-tư-khoa, về ông thị trưởng mới cực kì năng động, về lệnh phá các khu tập thể cũ và thay vào đó những tòa nhà mới cho giai cấp thượng lưu mới, theo kiến trúc mới, với tiêu chuẩn mới. Tôi để ý gã rất thích tính từ “new”, và ghép nó vào bất cứ danh từ nào mà gã muốn ca ngợi. Gã quẳng lên bàn một tập ca-ta-lô bất động sản Mạc-tư-khoa, người Paris có ghé mắt nhìn cũng phải nhắm ngay lại, mỗi mét vuông “xây thô” một chục nghìn đô-la, sau đó là trang thiết bị nội thất, Louis 14, Venise, Victoria, New York, Nhật Bản, Trung Hoa… mỗi style nhẹ nhàng tính thêm ngần ấy đô-la nữa. Vova nhiệt tình thuyết minh hệt như một tay môi giới đất cát thật sự, gã rút cả bản đồ ra giải thích khu nào đang được giá, khu nào cần “đầu tư”, khu nào có khả năng trở thành quận 16 của Mạc-tư-khoa, con đường nào được coi là đại lộ Champs Elysée, quảng trường nào tương đương với Trocadéro, cửa hàng nào đắt ngang Bon Marché (tới đây gã đập tay vào hai cái túi giấy căng phồng để bên cạnh), còn các hộp đêm cỡ Cối xay gió đỏ thì “we have so many”… Giữa chừng, gã cầm ca-ta-lô bất động sản, mở hai trang gần cuối, chỉ vào một căn hộ theo kiểu hiện đại, i-nốc bóng nhoáng, ban công trông thẳng ra cung điện Krem-linh, nháy mắt hỏi chúng tôi: “it’s ok?”. Ngoài từ “new” gã cũng rất thích nháy mắt và nói “ô-kê”, trông gã khi ấy như trẻ con trong giờ Anh ngữ.
Mới đầu tôi cũng chịu khó nghe và gật đầu. Đói mềm và mệt lử vì các loại rượu mạnh, buổi tối tưởng sẽ không bao giờ chấm dứt. Nhưng một lúc sau phát hiện ra Vova có khả năng phát biểu không cần thính giả, tôi lập tức quay ra kiểm tra chất lượng rượu và thức ăn. Cá hồi hun khói. Lườn vịt sốt kem. Gan ngỗng béo. Khách sạn năm sao quả là không tồi. Phiên dịch có vẻ cũng đã đỡ áy náy về việc ngồi không, bây giờ đang bình tĩnh chăm sóc cái đĩa trước mặt. Chỉ có phó giám đốc là tiếp tục phải chiến đấu với vị khách quí. Sau khi phung phí “new” cho Mạc-tư-khoa, Vova quay ra sử dụng “old” trong một loạt từ về Tây Âu. Đang nhấp thử chai Bordeaux 1980 mà hầu bàn giới thiệu là “cực êm”, tôi nghe Vova dằn từng tiếng: “the West is old, old ideology, old technology, old mentality”. Phó giám đốc im lặng gật đầu, rót thêm cho Vova một ly whisky. Gã xua tay, cầm lấy chai vodka bảo “our wine is better” rồi ngửa cổ làm một hơi gần cạn. Nhìn ba chúng tôi bằng ánh mắt của Superman nhìn ba thằng nhãi, gã nhếch mép: “France is too old”. Phó giám đốc cười nhạt. Phiên dịch nhai chóp chép. Tôi đã tin là Vova quá chén nhưng tửu lượng của dân Nga quả là vô địch, phán xong cái câu oai hùng ấy thì gã nhào về phía phó giám đốc, vừa vỗ vai vừa nói: “but you are ok, very ok”. Chữ “you” được gã nhấn mạnh và chuẩn, một người say khó mà phát âm được như thế. Tôi đọc đâu đó rằng các triệu phú Nga chịu chơi nhất thế giới, hàng tuần mua vé máy bay cho giáo viên tiếng Anh sang dạy tại nhà riêng, nhờ thế mà dân Luân Đôn được dịp khám phá Mạc-tư-khoa, Lê-nin-grad, Rốt-stốp -trên-sông-Đông, và cả thủ phủ Nô-vô-xi-bia Novosibirsk của Xi-bê-ri. Trưởng phòng kế toán Vova thì chưa chắc đã là triệu phú nhưng độ chịu chơi có vẻ cũng đáng gờm. Và lợi khẩu. Phải công nhận là với một vốn từ tiếng Anh hạn chế mà gã ăn nói khiếp ra trò. Trong thâm tâm, tôi không phản đối những gì hắn nói. Tây Âu quá già ! Chúng ta sắp xuống lỗ hết cả ! Sai ở chỗ nào cơ chứ?
Bữa ăn có vẻ như không bao giờ dứt. Tôi liếc mắt nhìn đồng hồ đeo tay, đã thấy kim chỉ vào số 11. Vova thì vẫn tỉnh như sáo, dường như rượu mạnh không có tác động gì đến dân Nga. Tôi kinh ngạc nhìn đống chai rỗng để trên bàn và đĩa thức ăn vẫn đầy trước mặt gã. Mỗi khi hầu bàn có ý nhắc nhở, hắn lại xua tay nói “no food”. Phiên dịch cũng hoảng, thì thầm vào tai tôi: “bây giờ là một giờ đêm bên ấy”, một lúc sau lại bảo, giọng rất kinh nghiệm: “gặp phải thằng Nga mới này là rồi đời đây!”.
Tôi không còn biết làm gì nữa, bụng bắt đầu óc ách, đúng là thức ăn ngon đến mấy dạ dày cũng chỉ có dung lượng nhất định, với lại phó giám đốc ngồi lù lù trước mặt, cơ quan vị giác cũng không dám hoạt động triệt để. Vova hình như vẫn còn nhu cầu phát biểu cho Mạc-tư-khoa nên sau khi gấp ca-ta-lô bất động sản thì rút trong cặp ra ca-ta-lô máy bay trực thăng cá nhân. Theo gã, đây sẽ là phương tiện vận chuyển trong tương lai cho các VIP, nước Nga lớn nhất châu Âu, nước Pháp có đại hạ giá tàu nhanh TGV, người Nga cũng không mua.
Phó giám đốc dường như đã hết kiên nhẫn, gọi nhân viên khách sạn đến dọn hết đồ ăn và vỏ chai. Khi bàn đã sạch bong, chỉ còn ly vodka của Vova, ông ta đưa mắt cho tôi ra hiệu buổi làm việc bắt đầu. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng đặt lên bàn tập tài liệu ban sáng, đôi chỗ đã được gạch chân bằng bút màu. Vova liếc qua nhưng im lặng, điềm nhiên uống rượu. Không khí có vẻ chùng xuống. Phiên dịch cũng lôi giấy bút ra, ngửa cổ nhìn tôi chờ đợi. Vova giơ đồng hồ lên xem rồi bảo: “We have no more time”. Phó giám đốc gật đầu. Tôi đằng hắng mấy cái rồi bảo đại loại không biết có phải vì hai hệ thống kế toán Nga và Pháp quá khác nhau mà tôi gặp khó khăn khi đọc bảng kế toán của công ty đối tác. Vova bỗng khụt khịt mũi, nói bằng một giọng tỉnh bơ rằng nguyên tắc kế toán của toàn bộ nước Nga hiện nay là “anglosaxon”. Không hiểu sao tôi bỗng gật đầu. Gã nhìn tôi, nhếch mép nói tiếp: “french comptability is too old”. Tôi nhún vai quay sang phó giám đốc. Ông này cười nhạt, ra hiệu cho tôi tiếp tục. Chưa hiểu phải nói gì nữa thì tôi nghĩ ra một cách là đề nghị phiên dịch dịch giúp. Phiên dịch vội vàng gật đầu, có lẽ đang buồn chán vì suốt buổi chưa được chứng minh năng lực. Tôi tránh không nhìn Vova, cũng không nhìn phó giám đốc, mà hướng vào ly vodka đặt trên bàn rồi bắt đầu giải thích rằng tôi cũng được học qua một chút về kế toán “anglosaxon” và thấy là dù sao thì vẫn rất không nên thay đổi các con số từ trang này sang trang kia “một cách đột ngột”, cũng như phải chú ý tìm nhiều lý do khác cho các vụ chi tiêu hơn là mấy chữ “công tác phí” quá chung chung.
Quả như tôi vừa dự đoán, phiên dịch chưa dứt lời, Vova đã cau mày, tuôn một tràng tiếng Nga rồi mắt gườm tôi đầy thách thức. Theo lời phiên dịch thì trưởng phòng kế toán rất không hài lòng về “cách làm việc” của đồng nghiệp Pháp, gã đề nghị tôi phải tôn trọng nguyên tắc kế toán của “anglosaxon”, sự nghi ngờ sẽ giết chết tình hợp tác. Phó giám đốc đính chính ngay là không có chuyện thiếu tôn trọng ở đây, chúng tôi chỉ muốn “tìm một tiếng nói chung” cho hai bên. Vova ngả lưng vào ghế tuyên bố thẳng thừng rằng gã chẳng coi kế toán là “cái đếch” gì, vì công ty tôi cứ fax qua fax lại yêu cầu thì gã cho thư kí bịa ra một bảng cho xong, cứ Excel mà nện, hắn không hiểu sao Tây Âu thích nghiêm trọng hóa các thứ giấy tờ, Mạc-tư-khoa đơn giản hơn nhiều mà vẫn đâu vào đấy. “Socialism is up, bureaucracy is up”, hắn nói to đến nỗi hầu bàn cũng phải chạy ra, hai khách bên cạnh cũng nhìn nhau tủm tỉm. “What’s important is money. Fifty fifty, are you ok?”, gã vỗ vào vai phó giám đốc. Phó giám đốc có lẽ vẫn chưa hoàn hồn, không biết phản ứng thế nào. Tôi cũng không hiểu lắm, quay sang phiên dịch. Phiên dịch cười bảo: nó bảo là làm ăn miễn lãi thì thôi, hai bên chia đều, mình còn muốn gì hơn thế.
Tôi không nói gì, tự nhủ các vị cứ cãi nhau cho to vào, nhưng tôi thì rất muốn tìm một góc mà ngủ. Cuộc đấu khẩu phần thắng đương nhiên nghiêng về Vova. Gã thấy phiên dịch nhiều khi lúng túng nên phẩy tay, tuyên bố tự nói bằng tiếng Anh. Mắt díp lại, tôi cũng nghe thấy gã lý luận say sưa, nêu cả Marx, lẫn Lê-nin, Khơ-ru-chov, El-sin. Nhưng gã bảo gã đánh giá cao nhất Gor-ba-chốp. “Perestroika is very important”, gã nhắc đi nhắc lại. Không nhờ Gor-ba-chốp thì nước Đức không bao giờ thống nhất, nước Tiệp mãi mãi bị Liên Xô xâm lược, Ba Lan, Bun, Hung còn phụ thuộc Mạc-tư-khoa… Cuối cùng, không hiểu đang nói về chuyện gì mà gã bảo “Bác sĩ Gi-va-gô” là tuyệt tác của nhân loại, rằng KGB đã sai lầm khi giết hại một “tâm hồn đặc Nga” như Pasternak. Gã vừa cầm ly rượu vừa rống lên bài “Người tình Lara”. Tôi tin là nếu không nốc mấy chai vodka thì giọng của gã không đến nỗi nào, thậm chí còn hay hơn diễn viên chuyên nghiệp. Mọi người trong phòng quay ra nhìn gã, vẻ thú vị, ai đó còn hát theo. Các tiệm ăn Nga trong quận 6 nhờ ca nhạc Nga mà chặt giá cực đẹp, chỉ dân Paris nhiều tiền mới dám lai vãng.
Buổi tối kết thúc ở đấy. Cả ba chúng tôi đều mệt nhoài. Rất may là Vova tự động đề nghị bỏ vở nhạc kịch đêm nay ở Cối xay gió đỏ. Gã mới xem cách đây nửa tháng. Nháy mắt với chúng tôi, gã hạ giọng bảo đêm nay bận hẹn với một “girl”. Thấy tôi và phiên dịch cùng nhe răng ra cười, gã nói tiếp: “French girls are ok!”.
Ra tới cửa, gã dừng lại rút từ trong túi áo khoác một chiếc hộp rất đẹp không hiểu đựng gì bên trong. Đưa cho phó giám đốc, gã nói “thank you for today”. Phó giám đốc lúng túng không biết có nên nhận hay không lại bị gã vỗ vào vai bảo: “It’s nothing, don’t be worried!”. Xong xuôi, gã quay sang tôi và phiên dịch phát cho mỗi người một gói nhỏ, nói hôm nay bận quá không chuẩn bị kịp quà, nên mua ngay trong khách sạn. Sau tất cả các thủ tục ấy, gã nhẩy lên tắc-xi thoắt một cái đã biến mất ở góc đường.
Phó giám đốc mặt mũi phờ phạc bảo tôi và phiên dịch tự đi tàu điện ngầm về nhà, hy vọng vẫn còn chuyến cuối, nếu không thì vẫy tắc-xi, nhớ giữ lấy hóa đơn, công ty sẽ thanh toán. Bắt tay chúng tôi, ông lắc đầu nói: “đúng là một thằng điên!”.
Tàu về đến ga thì cửa chính đã đóng, người ta chỉ cho một lối phụ rất xa. Dựng cổ áo và quàng khăn kín ngực, tôi cắm cúi bước. Đèn đường đổ dài trên hai hè phố. Có tiếng chó xủa từ xa. Đã gần cuối đông mà trời vẫn rét căm căm. Theo dự báo thời tiết, nhiệt độ trung bình năm nay thấp hơn năm ngoái sáu độ và hơi ẩm cao chưa từng thấy, gây nhiều bệnh dị ứng da khó hiểu. Vi khuẩn cúm gà H5N1 đang di chuyển từ Á sang Âu và vừa dừng chân ở miền Đông nước Pháp, 400 gia cầm đã về chầu trời hôm qua. Thủ tướng de Villepin lên vô tuyến khẳng định “chưa bao giờ ăn nhiều thịt gà như thế trong đời”. Nhưng giá gà trong các siêu thị vẫn giảm mạnh. Ba mươi phần trăm dân Paris tuyên bố tạm quên món gà trong thực đơn. Nghe nói mặt nạ và găng tay đã bán hết từ lâu, Tamiflu đang chuẩn bị đưa ra bán lẻ. Người Pháp bao giờ cũng vô cùng thận trọng. Bất giác tôi nhớ tới Vova: “the West is too old”. Gã có lý. Chúng ta mới già làm sao, bởi chỉ người già mới sợ chết như thế.
“Lối nhỏ thần tiên” vào thời điểm yên tĩnh nhất trong ngày. Trước khi đi ngủ, tôi bỏ cái gói Vova cho lúc nãy ra xem thì thấy một chiếc đồng hồ đeo tay nam, sau lưng ghi giá 1490 euro. Dụi mắt tưởng nhìn nhầm số, xoay mặt đồng hồ lại soi lên bóng đèn mới thấy hàng chữ li ti “made in Swiss”. Lần đầu tiên biết đồng hồ Thụy Sĩ thế nào, hóa ra giản dị thôi. Dù sao cũng cám ơn đại diện nước Nga mới. Giờ này gã đang trên giường với một “french girl” nào đấy. Trong các ca-ta-lô gái gọi cao cấp của Paris, tên Sla-vơ chiếm hơn 50%, trước cả tên Ru-ma-ni và tên Thái, bên cạnh lại còn được đánh năm sao. Phụ nữ Nga đang là mốt ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Mireille Dumas cuối năm vừa rồi làm một chương trình về đàn ông Pháp lấy vợ Nga. Tất cả những vị đến dự đều thu nhập cao, đã ly dị, và “chán ngấy phụ nữ đồng hương”. Với họ, con gái Nga đã xinh đẹp lại dịu dàng, đáng yêu… ”Tại sao tôi lại không có quyền chọn cho mình một người vợ như vậy?”, một vị bức xúc kêu lên khi bị ai đó hỏi “lấy vợ hay mua gái?”. Vô tuyến sau đó quay cảnh hai vợ chồng đang shopping, cô vợ nhí nhảnh chỉ vào một chiếc áo lông thú ghi giá 5000 euro, chồng gật đầu, vừa bấm các rút tiền vừa nói với phóng viên: “ngay từ khi nhìn thấy Ê-lê-na trên ảnh, tôi đã tự nhủ phải chiếm được nụ cười của cô ấy với bất kì giá nào”. Phóng viên quay sang Ê-lê-na hỏi: “kể ra thì ông ta bằng tuổi bố cô, cô có yêu ông ta ngay từ lần đầu không?”. Ê-lê-na trả lời: “không, nhưng tôi thích tình yêu đến sau hơn là tình yêu đến trước, đàn ông Pháp rất hào hiệp, tại sao tôi lại phải từ chối điều ấy?”.
Tôi còn nhớ đến đoạn này, một khách nữ được mời trong chương trình đã hét to: “thật là kinh tởm, yêu người hay yêu tiền?”. Vị kia nhún vai không trả lời. Một thiếu phụ từ hàng khán giả đứng lên giận dữ không kém: “chỉ mấy hôm nữa là cô ta sẽ bỏ ông để lấy một thằng giàu hơn nữa”. Vị kia lại nhún vai, một lúc sau tuyên bố: “đến lúc đấy hẵng hay, còn bây giờ thì tôi vô cùng toại nguyện”. Ê-lê-na (ngồi ngay bên cạnh) không hề tỏ ra tự ái, nói thêm vào: “đúng thế, hiện tại anh ấy là người đàn ông hào hiệp nhất trên đời mà tôi từng gặp”.
Phải công nhận là cô ta tuyệt đẹp, và rất biết cách ăn mặc. Hai vợ chồng đang có kế hoạch mở văn phòng môi giới hôn nhân. Ê-lê-na bảo chỉ phục vụ những người quen cũng đã đủ mệt vì tất cả các bạn gái của cô ta đều đang học ngoại ngữ để “rời nước Nga càng nhanh càng tốt”, còn các ông bạn chồng thì ai cũng “ghen tị với vị trí của anh ấy”. Cuối cùng cô ta kết luận: “tôi tin là mọi người sẽ tìm được ý trung nhân như mong muốn”.
Thành thực mà nói tôi thấy Ê-lê-na cũng không ngốc lắm. Cái cách kiếm tiền của cô ta chẳng phải ai cũng nghĩ ra. Tóm lại, nước Nga có cung thì nước Pháp có cầu. Đôi bên cùng lợi. Fifty fifty!
Tôi lại bỏ chiếc đồng hồ Thụy Sĩ quà tặng của Vova ra ngắm nghía. Một bài báo gần đây trong tờ Le Monde Diplomatique đã đề cập tới cộng đồng Nga kiều tại thành phố Hồ Chí Minh: mặc dù phe xã hội chủ nghĩa đã tan rã, nhưng các ông anh Liên Xô vẫn được các ông em Việt Nam ưu ái, không ít công dân Nga đã và đang chọn cựu Hòn Ngọc Viễn Đông, thành phố sầm uất nhất Việt Nam, làm địa chỉ lâu dài, để hợp tác không chỉ với các quan chức sở tại, mà còn với các doanh nhân của các quốc gia láng giềng nơi bất động sản và hàng tiêu dùng đắt hàng đầu thế giới như Hồng Công, Đài Loan, Singapor, Nhật Bản hay Nam Hàn… Tôi tưởng tượng Vova ghé Sài Gòn, mục đích là đẩy mạnh một trong những thị trường vũ khí sôi động bậc nhất trong vùng. Bạn hàng của Vova lần này không ai khác là ông Ủy viên Bộ Chính Trị đặc trách Quân đội. Đỏ au như một con tôm luộc và được hơn một chục thiếu nữ tóc dài, da rám nắng, cực kỳ sexy bao vây, Vova ngó ông Ủy viên như Superman ngó một thằng nhỏ (giữa họ là 50 cm chiều cao và 59 ki lô cân nặng), rồi bất ngờ phán: "Communism is too old!". Ông ủy viên nhếch mép nhưng đám con gái thì ré lên cười. Vova hứng chí tóm lấy chai vodka, tu một mạch hết sạch và phán tiếp: "Old ideology, old technology, old mentality". Đám con gái cười như bị cù. Ông Ủy viên tái mặt nhưng vẫn giữ im lặng. Vova được thế hét to: "Lenin is up! Ho Chi Minh is up! Not Leningrad but Saint Peterbourg! Not Ho Chi Minh city but Saigon!". Đám con gái ôm nhau cười vật vã. Mặt xạm như xác chết, ông Ủy viên rút điện thoại tay cầm, hầm hầm bấm số. Vova bừng tỉnh, ra dấu cho đám con gái im lặng rồi lao tới vỗ vai ông Ủy viên: "But you, you are OK, very OK!". Đến cuối ngày thì một hợp đồng mua bán vũ khí gần nửa tỷ đô-la đã được ký kết xong xuôi. Trước khi nhẩy lên chuyến bay sớm nhất của hãng hàng không Aeroflot, Vova tặng cho ông Ủy viên một chiếc hộp rất đẹp (mà chẳng ai biết đựng gì bên trong) và cho đám con gái tóc dài cực kỳ sexy mỗi em một túi Louis Vuitton và một đồng hồ nữ Rolex.
Đêm hôm ấy, tôi ngủ trong tiếng hát thống thiết của Vova :
Người tình thương nhớ
Hãy lắng nghe lời mặn mà
Dù mùa xuân đã
Chôn vùi bởi làn tuyết kia
Ngọn đồi trắng xóa
Sẽ có hoa mọc đầu mùa
Mộng đẹp như cũ
Ân tình còn về với ta…
XVII
Tôi vẫn chưa quen với cảnh được ngồi một mình trong phòng làm việc. Từ máy vi tính của Paul, màn hình loang loáng logo công ty, bàn phím phát ra tiếng lạch cạch. Tôi có cảm giác anh ta đang ở ngay trước mặt, đợi tôi cúi xuống là nhếch mép cười. Lạ thật, mỗi khi hình dung lại khuôn mặt của Paul, tôi đều thấy cái cười nửa miệng của anh ta.
Đồ đạc của Paul vẫn còn nguyên trên bàn. Tôi bỗng nhớ lại câu chuyện nghe được trong căng-tin hôm trước, giọng nữ trẻ hơn kể về thằng đồng nghiệp cùng phòng mới chết vì tai nạn xe máy. “Bây giờ trên bàn nó có một bình hoa trắng, em không dám nhìn vào, đám ma nó em cũng không dám đến”. Tôi chua chát nghĩ cô ta hóa ra cũng may mắn, còn đem lòng yêu được một thằng đồng nghiệp cùng phòng. Sau đó, lại tiếc đã không dám ngẩng lên để biết mặt mũi cô ta thế nào. Đúng là trong công ty có một nhân viên vừa qua đời vì tai nạn xe máy, nhưng tôi không có ý định mò lên phòng làm việc của anh ta để xem mặt cái người có giọng nữ trẻ hơn ấy. Tôi tưởng tượng cô ta có khuôn mặt thật tròn với mọi nét cũng tròn. Và vẫn còn trinh! Thời buổi này, điều ấy là một sỉ nhục mà cô ta không còn dám tiết lộ cho ai. Người nào cũng biết những bài học chăn chiếu không được phép để sau tuổi mười tám. Chúng nhất thiết phải nằm song song với chương trình cuối cấp hai, cùng lắm là đầu trung học, để đến đại học đã là quá muộn.
Thử hình dung năm hai mươi lăm tuổi, lần đầu tiên đưa một thằng con trai về nhà, cô ta dụi đầu vào cổ hắn nhỏ nhẻ: “trước anh, em chưa ngủ cùng ai”, đinh ninh là sự kém cỏi của mình sẽ được chiếu cố. Nào ngờ, hắn ta nhảy ào khỏi giường, mặc vội quần áo, xách giầy ôm tất biến thẳng. Cô ta nằm trơ lại một mình, giận thằng kia thì ít, giận tính thật thà của mình thì nhiều, chẳng biết đến bao giờ mới có một dịp nữa, thế là trinh trắng vẫn hoàn toàn trinh trắng. Mười năm sau thì ngã vào mối tình một chiều với thằng đồng nghiệp cùng phòng trẻ hơn sáu tuổi. Mười năm sau nữa vẫn còn gái tân. Tám mươi tuổi vào nhà dưỡng lão, chín mươi tuổi ra nghĩa trang, mùi đàn ông chưa được ngửi bao giờ.
Khai giảng năm đầu tiên trung học, tôi nhận được một bức thư tay, trong đó một con bé cùng trường mà tôi chưa bao giờ gặp đã viết thư rủ tôi làm tình với nó. Lý luận của nó là nó còn trinh, tôi cũng thế (nó bảo nhìn mặt tôi là nó biết), nên hai đứa sẽ bình đẳng, đứa này không khinh được đứa kia kém cỏi hơn mình. Nó hẹn tôi đến nhà nó vào tối thứ Bảy tới, bố mẹ nó đi ăn cơm khách, chỉ có nó ở nhà với con chó xồm biệt danh là Lucky. Nó cho tôi địa chỉ, bảo đúng tám giờ, nhấn chuông hai lần, nó sẽ xuống mở cửa.
Hôm sau tôi đến trường cố nhận mặt con bé mà đành chịu. Nó không đề tên, đề lớp trong thư. Giá như lớn hơn thì tôi cũng biết đường tới thẳng địa chỉ nhà nó, rình rập một lúc thế nào mà chẳng biết mặt. Nhưng không hiểu sao đầu óc trẻ con mụ mị thế. Đến chiều thứ Bảy mà tôi vẫn chưa quyết định có đến nhà nó tối ấy không.
Cả nhà đang ăn tối, chuông đồng hồ điểm từng tiếng một, nghe đến tiếng thứ tám thì tôi không chịu được nữa, co cẳng chạy. Hôm đấy cũng là mùa đông, tám giờ thì trời đã đen ngòm. Tôi chạy một mạch đến cồng nhà nó, không lạc tẹo nào. Cái sân rộng tối om. Tôi cứ thế nhấn bừa hai lần chuông như nó dặn trong thư. Một con chó xồm nhảy ra. Tôi đoán là Lucky và đi theo vào nhà. Một con bé lại gần nắm lấy tay tôi. Trong nhà cũng tối như ngoài sân. Sau này, tôi hiểu là nó cố tình tắt hết đèn để không cho tôi rõ mặt nó.
Tôi được dẫn lên phòng, rồi đẩy xuống một cái giường đơn, hẳn là giường của nó vì dưới mông tôi là đống gấu bông và đồ chơi các loại, một con lật đật còn bật lên tiếng kêu kinh coong. Sau đấy tôi không nhớ là chúng tôi đã cởi quần áo thế nào và bắt đầu làm tình ra sao. Có thể vì không có gì đặc biệt. Vào đến bên trong con bé rồi mà tôi vẫn chẳng hay biết. Hình như con bé cũng có cùng cảm giác như tôi. Hai đứa loay hoay khá lâu mà không biết chọn tư thế nào để cải thiện tình hình. Cuối cùng, con bé ẩy tôi ra. Nó bảo: “stop!”. Đây là câu đầu tiên nó nói với tôi, cũng là duy nhất. Giọng nó thẳng băng khiến tôi hoảng sợ. Sau đấy, nó ngồi dậy mặc lại váy, rồi ném cho tôi đống quần áo, giày tất. Tôi chưa kịp thắt xong dây giày thì nghe tiếng nó huýt sáo. Con Lucky nhẩy vào phòng lôi tôi xuống sân. Cổng đã mở sẵn. Lần đầu tiên của tôi kết thúc như thế. Khó có thể gọi là làm tình, tuy là tôi đã vào tận bên trong con bé.
Có tiếng gõ cửa, rồi thư kí của Brunel bước vào đặt lên bàn một chồng hóa đơn. “Hôm nay sếp lạ lắm, suốt buổi ngồi rượt Internet”, thư kí thông báo xong thì đóng cửa lại. Rất có khả năng là Brunel đang tìm mua nhà, tôi tự nhủ, với tấm séc của mụ vợ thì hắn có khá nhiều lựa chọn. Sau đó lại nghĩ tất cả chuyện ly dị của vợ chồng Brunel là kết quả trí tưởng tượng của mỗi mình tôi. Lý do gì mà vợ chồng lão và thằng trai trẻ lại phải chia tay? Thằng trai trẻ muốn chiếm vị trí của Brunel nhưng hắn không chấp nhận. Mụ vợ đưa cái giá 800 000 euro hắn cũng vẫn lắc đầu. Hắn sợ mất mặt với gia đình và người quen. Hắn không muốn rời quận 16 quí tộc. Mụ vợ uất quá, cầm điện thoại lên gọi cho luật sư riêng. Luật sư bảo: “khó quái gì, cứ chi tiền là được”. Mụ vợ yên tâm ra đi-văng, vừa nghe nhạc cổ điển, vừa phì phèo thuốc lá. Brunel lại gần dàn Hifi ấn vào nút stop. Ra hiệu cho mụ vợ ngồi dậy, hắn tuyên bố nếu mụ còn nghĩ đến chuyện ly dị, sẽ cho cả quận 16 biết chuyện mụ và thằng trai trẻ, và sẽ tung một đống ảnh lên cả báo lẫn Internet. Giọng hắn rành rọt. Hắn biết đây là phút quyết định số phận hắn. Nhìn lên bức tranh “Thiếu phụ với con trai và chồng”, hắn tự nhủ có quái gì mà phải nhục, trò hề của gia đình hắn thực ra có từ bao đời nay mà vẫn được thiên hạ công nhận, được họa sĩ Phục hưng kì công tô vẽ, được các bảo tàng thi nhau mượn về treo. Hắn nhắc lại câu tuyên bố trên một lần nữa, giọng còn rành rọt hơn, dọa nạt hơn. Mụ vợ nổi gai gà. Mụ sợ dư luận hơn sợ cọp. Hai mươi năm đóng vai đức hạnh, ngần ấy công phu và danh dự bỗng dưng đổ xuống biển, quận 16 có thể tẩy chay mụ, mẹ mụ có khả năng truất quyền thừa kế, bọn con cháu trong nhà sẽ nhất trí cả hai tay, bọn hàng xóm láng giềng sẽ ủng hộ nhiệt liệt. Và trong thâm tâm, mụ cũng biết quan hệ giữa mụ và thằng trai trẻ chỉ là một màn kịch đóng khéo, kiểu “ông đưa chân giò bà thò chai rượu”, mụ có tiền, nó có sức, fifty fifty. Không có tình yêu nào trong đó hết.
Cảnh cuối của cuộc nói chuyện tay đôi giữa vợ chồng Brunel là mụ vợ quyết định dàn hòa. Đặt tay lên đùi lão, mụ bảo: “em xin lỗi anh, em mệt nên nói năng lung tung quá”. Lão lắc đầu nhè nhẹ, vào bếp pha một ấm chè Anh Cát Lợi. Lúc mang ra phòng khách, lão lại gần dàn Hifi ấn vào nút play. Hai vợ chồng vừa nhâm nhi vừa nghe nhạc cổ điển. Lâu lắm lão mới thấy thoải mái trong người như thế. Đến mười một giờ đêm thì lão hôn lên má mụ vợ rồi vào phòng ngủ trước. Chè Anh Cát Lợi được cái vừa tiêu cơm vừa dễ ngủ. Mụ vợ ngồi xem băng hành động đến nửa đêm thì cũng đi nằm, đầu tiên có trằn trọc chút đỉnh, rồi ngồi dậy làm hai viên rưỡi thuốc an thần, lại đâu vào đấy, chín giờ sáng ngày hôm sau người làm gõ cửa, mang điểm tâm vào tận giường, vẫn chưa buồn dậy đánh răng rửa mặt. Thằng trai trẻ tới trưa thì mò về nhà, người sặc mùi rượu và nước hoa phụ nữ, mặt mũi hốc hác, chân tay liêu xiêu. Nó đã lang thang khắp Paris cả ngày hôm qua nhưng chẳng tìm đâu được chỗ nào hơn nhà bố mẹ nuôi và quận 16.
Thế là vở kịch lại tiếp tục, cả ba diễn viên đều đóng khéo, ngày càng điêu luyện và có nhiều kinh nghiệm. Màn hạ hồi chưa được ai nghĩ đến. Tôi tự nhủ trên thực tế, cuộc sống tù đọng, tôi đã mất công tưởng tượng quá nhiều. Ngay cả cuộc theo dõi Brunel trong hai ngày thứ Bảy Chủ nhật cách đây mấy tuần, tôi cũng làm chỉ để giết thời gian.
Không phải vô tình mà chiếc đồng hồ mang hình tròn. Mỗi ngày trôi qua, cứ tưởng là đang tiến về phía trước nhưng trên thực tế, đã quay lại vị trí ban đầu. Cuộc sống tù đọng. Chỉ trẻ con mới nghĩ là lớn lên sẽ tự do đến nơi mình muốn, làm điều mình thích. Chín mươi chín phần trăm chúng ta lần lượt lập gia đình, sinh con, đi làm, khai thuế, nhích dần từng bậc lương, đánh vật với các phương tiện giao thông, uống cà phê như uống nước để chống chọi các cơn buồn ngủ. Mọi dự định đều để giành đến hai ngày cuối tuần nhưng thứ Bảy buổi sáng chen lấn trong siêu thị, buổi chiều hút bụi lau cửa kính giặt quần áo rửa xe ô-tô, Chủ nhật ăn cơm trưa xong đã bốn giờ chiều, hai ly rượu vang lại khiến phải ra đi- văng làm một giấc, tám giờ tối thức dậy ăn nốt chỗ cơm thừa ban trưa, thế là vừa vặn đúng bốn mươi tám tiếng đã tưởng chệch ra được vòng tròn của thời gian.
Một lần đã lâu, tôi được cử đến một nơi cách Paris hơn hai trăm cây số để lấy tài liệu kế toán. Tàu đang chạy thì đột ngột dừng lại, còi báo động nổi lên, mọi người trong toa đổ xô vào nhau. Bỗng ai đó thất thanh “Lại bà ta rồi, đừng để cho bà ta chết!”. Hành khách nhốn nháo ngó qua cửa sổ, chồm chỗm dưới đường tàu là một bà già lụ khụ. Ngay lập tức nhân viên trên tàu nhảy xuống lôi bà ta lên, nhưng bà cụ phản ứng mãnh liệt. Người ta phải lấy hai chiếc khăn quàng màu trắng mà đám hành khách cho mượn để buộc cả tay lẫn chân bà cụ lại, rồi bế vào đồn cảnh sát gần đấy. Cảnh cuối cùng tôi nhìn thấy là bà cụ không la hét, không chửi rủa mà chỉ im lặng giơ thẳng hai chân đã bị buộc chặt. Lúc đấy tôi thực sự ngạc nhiên vì khả năng bất động của bà cụ, y hệt một người từng tập Yoga lâu năm. Chiếc khăn quàng màu trắng bay phấp phới rồi mất hút đằng xa.
Theo lời kể của một người trong toa thì đây là lần thứ mấy mươi bà cụ tự sát nhưng không thành. Lần nào cũng bị các ông lái tàu phát hiện và phanh lại kịp thời. Bà cụ có lẽ phải tám mươi tuổi và liên tục trốn nhà dưỡng lão đi tìm cái chết ở bên ngoài vì trong đó, dưới sự quản lý của bác sĩ và y tá, không kế hoạch tự tử nào có thể thực hiện được.
Trái với phỏng đoán của mọi người, bà cụ từng có cuộc đời rất ổn định, bà có một người con gái, người con gái lại đẻ được cho bà những đứa cháu ngoại cả trai lẫn gái. Bà có nhà riêng và vẫn được con cháu đến thăm. Nhưng đến năm bảy mươi tuổi thì bà quyết định bỏ đi sau khi đã để lại một bức thư cho chưởng khế rằng bà cho không cô con gái ngôi nhà, với điều kiện là cô ta đừng đi tìm bà, không phải bà ghét bỏ con cháu nhưng bà muốn thay đổi cuộc sống, mặc dù có thể là quá muộn. Bà đến một thị trấn rất xa, thuê một căn phòng nhỏ và quyết sống mai danh ẩn tích, điện thoại không lắp, tài khoản không mở, bạn bè không kết. Cô con gái không thể hiểu được ý muốn kì lạ của mẹ và nhất định chống lại lời can của chưởng khế. Một năm sau thì bà bị phát hiện bởi vị thám tử tư thứ ba, nghe nói là một chuyên viên nổi tiếng trong các vụ tìm người mất tích. Lập tức bà được gửi vào nhà dưỡng lão tốt nhất trong thành phố của cô con gái. Căn nhà của bà được bán đi và với số tiền ấy, cô ta đã chọn cho mẹ một địa điểm ra hồn và có thể sống ở đấy hai chục năm nữa một cách bình an.
Nhưng có lẽ bình an là điều bà sợ nhất nên bà kiên quyết từ chối sự chăm sóc của tất cả mọi người, từ đám con cháu trong gia đình đến đám nhân viên của nhà dưỡng lão. Tháng đầu tiên bà đã trốn ra ngoài. Nhưng lại bị tìm thấy ngay trong ngày. Bà càng tìm cách bỏ đi thì càng bị theo dõi chặt chẽ. Người ta đã có kinh nghiệm với bà, chân dung của bà các đồn cảnh sát trong vùng đều có sẵn, dân xung quanh thấy bóng bà từ xa đã gọi điện cho nhà dưỡng lão. Sau vài năm như thế, bà đã nghĩ đến tự sát vì chỉ bằng cách đấy, bà mới hy vọng được giải thoát. Người ta đã cử nhiều bác sĩ tâm thần đến gặp bà. Ai cũng bảo bà không có vấn đề tâm lý nghiêm trọng ngoài ý muốn được chết mà bà giải thích một cách giản dị là đến năm bảy mươi tuổi, bà bỗng dưng nhận thấy cuộc đời không là gì khác ngoài những sự lặp lại vô nghĩa, bà không còn muốn gặp cô con gái vì nhìn thấy cô ta là bà lại thấy mình ba mươi năm về trước, bà cũng không còn muốn gặp đứa cháu gái vì nhìn thấy nó là bà gặp lại bà sáu mươi năm về trước…
Các nhà khoa học nghe xong thì lắc đầu. Dù thế nào cũng không thể để bà chết. Nhân viên nhà dưỡng lão vẫn được lệnh đặc biệt chú ý tới bà, các đồn cảnh sát thỉnh thoảng thay lại chân dung bà cho cập nhật, trẻ con trong vùng bốn năm tuổi là biết mặt bà, các bác lái tàu đến nhận việc ngày đầu tiên đã được thông báo về một bà cụ rất thích ngồi trên đường ray… Bà không bao giờ thoát. Bởi vì xung quanh bà người ta đã quyết định rằng mỗi cái chết tự nhiên mới có quyền giải thoát chúng ta khỏi cuộc sống vô nghĩa.
Chiếc khăn màu trắng phấp phới một vài lần xuất hiện trong các cơn mơ của tôi. Tôi ngờ là bà cụ cương quyết giữ thẳng chân để mọi người trên tàu có thể nhìn rõ chiếc khăn. Đúng thế, không cần nhìn chân bà mà hãy nhìn chiếc khăn màu trắng phấp phới. Mãi cho đến tận rất xa.
Bữa trưa hôm nay tôi xuống muộn. Căng-tin hầu như chẳng còn ai. Ông đầu bếp thấy tôi thì múc nốt cho miếng cá cuối cùng, nước kem cũng hết, ông ta cười cười bảo chịu khó ra lấy xốt mù tạc ăn tạm. Đến gần cuối bữa, tôi chợt nghe giọng phụ nữ quen quen, hóa ra cái giọng hôm gì từng tâm sự về “thằng đồng nghiệp cùng phòng”. Tự nhiên sống lưng lạnh buốt, tôi không dám quay lưng lại. Cũng không có tờ báo nào để tôi giả bộ đọc chăm chú. Cuối cùng tôi đành cúi đầu xuống đĩa thức ăn, lúc này chỉ còn một mẩu khoai tây và ít xốt mù tạc. Giọng nữ nói: “mấy hôm nay em khóc nhiều quá chị ạ, không hiểu sao em cứ có cảm giác là nó không chết mà chỉ bỏ đi thật xa. Nó đã vứt xe máy ở một nhà ga hay một sân bay nào đấy và chính cái người lấy cái xe đó đã bị tai nạn chứ không phải nó. Chị thấy không, thân thể người này bị tắc-xi nghiến nát, cả khuôn mặt nữa, đến độ bố đẻ thằng kia cũng không nhận ra. Cảnh sát chỉ kiểm tra sơ sơ cho xong chuyện, thực ra nếu họ có nghi ngờ thì cũng ỉm đi để đỡ phải mất công đi tìm hẳn hai người cùng một lúc. Em từng đọc những trường hợp này trên báo. Em ngờ là nó đang ở một nơi nào đó rất xa. Nó muốn cắt đứt liên lạc với tất cả. Nó chán cuộc đời này”. Giọng nữ lớn tuổi hơn bỗng lên tiếng: “nhưng chính em chẳng kể là nó đẹp trai và suốt ngày được bọn con gái gọi điện tán tỉnh, một thằng đàn ông như thế thì chẳng có lý do gì để chán đời ?”. Giọng nữ trẻ hơn thở dài, một lúc sau nói: “kể ra thì chị cũng có lý, nhưng em cũng tin vào cảm giác của em, có lẽ đó là cái cuối cùng mà em có thể tin được”. Giọng nữ lớn tuổi hơn lại nói: “ừ, khi không đủ kinh nghiệm thì người ta chỉ còn biết dựa vào cảm giác”. Giọng nữ trẻ hơn nghèn nghẹn: “nhưng dù thế nào thì em vẫn thương nó, bây giờ khi nghĩ nó không chết mà đang ở một nơi nào đó, em còn thấy thương hơn, có lẽ nó chẳng bao giờ nhớ tới em, đó là điều khiến em đau đớn nhất”. Giọng nữ lớn tuổi hơn vội tiếp lời: “nhưng nó chẳng biết gì về tình cảm của em, đáng lẽ em phải tìm cách nói cho nó biết từ trước”. Giọng nữ trẻ vẫn nghèn nghẹn: “có biết thì nó vẫn bỏ đi chị ạ, bao nhiêu đứa con gái đã thổ lộ tình cảm với nó rồi đấy chứ”.
Nói đến đây thì cả hai cùng im lặng. Tôi đợi một lúc vẫn thấy im, quay lưng lại thì chẳng còn ai ngồi đấy nữa. Thế là lần thứ hai tôi mất cơ hội nhìn thấy mặt cô ta.
Suốt buổi chiều, tôi nghĩ tới câu chuyện nghe được trong căng-tin. Hẳn là cô ta phải yêu cái thằng đồng nghiệp lắm. Đến độ không sao tin được nó có thể chết và cứ tự dằn vặt mãi vì chẳng bao giờ được nó nhớ tới. Tình yêu đơn phương bao giờ cũng đẹp. Bởi khi cả hai bên cùng yêu nhau thì tình cảm sẽ giống như một quyển sổ để người ta ghi vào các từ “hy sinh”, “nghĩa vụ”, “chăm sóc”, “xây dựng”, “hôn nhân”, “tổ ấm”… không hề biết rằng chúng sẽ giết dần giết mòn đam mê. Tình yêu không đam mê thì chẳng khác gì căn nhà đẹp mà lạnh lẽo. Sớm hay muộn, hai bên sẽ tìm nơi khác để gửi gắm tình cảm của riêng mình. Tất cả như một hình sin không giới hạn: lúc đạt đến cao trào cũng là lúc bắt đầu đi xuống, lúc xuống tới tận cùng cũng lại là lúc bắt đầu thăng tiến nhưng để tới một cao trào khác. Chỉ có tình yêu đơn phương mới làm được một đường thẳng tắp. Người ta có thể mãi mãi dằn vặt vì một điều rất vớ vẩn hoặc đến cuối đời vẫn ngẩn ngơ vì một chuyện chưa bao giờ xảy ra. Và luôn luôn với từng ấy đam mê.
Tình yêu đơn phương nhiều người mơ ước nhưng ít ai thực hiện được. Tính ích kỉ khiến chúng ta không muốn chịu thiệt thòi. Đem lòng yêu ai là tìm mọi cách để thổ lộ và chinh phục cho đến bao giờ được yêu lại mới thôi. Có vẻ như chủ nghĩa fifty fifty của Vova vẫn đúng.
Cái tin T mất tích chưa bao giờ khiến tôi phát điên phát cuồng như bất cứ ông chồng nào trong hoàn cảnh ấy. Lý do đơn giản là tôi không ngạc nhiên về chuyện cô ấy bỏ đi. Tôi có cảm giác ngay từ khi nghe thấy tiếng cảnh sát ở điện thoại, tôi đã hiểu người ta gọi đến chỉ để thông báo chuyện đó. Tự trong thâm tâm tôi chấp nhận và có phần còn ghen tị với hàng động ấy của T. Đó dường như là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc sống nhàm chán. Và chỉ người còn đôi chút dũng cảm mới hành động như thế.
Thử nhìn xung quanh, có ai dám thay đổi điều gì?
Người ta nát óc trước khi quyết định chuyển tường phòng ngủ từ màu be sang vàng nhạt. Người ta không thể thuê nhà ở nơi khác chỉ vì đã quá quen với cửa hàng bánh mì đầu phố. Người ta gọi điện báo cảnh sát giao thông vì một cái xe tải đã đỗ đúng vào con đường buổi chiều vẫn đi dạo. Người ta cãi nhau rầm rĩ để xem Giáng Sinh năm nay mời ông bà nội hay ông bà ngoại, ăn gà nướng hay vịt quay, đặt ga-tô hương cà phê hay vị ca-cao, mua ba chai sâm-banh không biết đã đủ. Tóm lại, người ta lần lượt tạo ra vô vàn thói quen và cương quyết bảo vệ chúng như con ngươi của mắt mình.
Thử nhìn xung quanh, có ai dám thay đổi điều gì?
Brunel mười năm nay chấp nhận vở kịch tay ba cùng mụ vợ và thằng trai trẻ. Nếu bố tôi không qua đời thì Anna còn ôm ấp mối tình với ông, và mẹ kế vẫn chung sống với ông dưới một mái nhà, tổng cộng cũng hai mươi năm có lẻ.
Tôi thì khỏi phải nói. Hình như từ trước đến nay, tôi chưa có ý định làm xáo trộn bất cứ điều gì, từ việc cho thêm một phần tư thìa muối vào món cá xốt kem đến việc lấy bánh sừng bò khỏi lò vi sóng năm giây sớm hơn chỉ dẫn.
Nhưng T đã bỏ lại tất cả.
Sự ra đi của cô ấy làm tôi nhớ đến bà cụ ngồi trên đường ray đòi tự sát. Cả hai cùng không chịu nổi cái từ “ổn định”.
Tôi ngờ rằng nếu bà cụ đã cho không cô con gái căn nhà với điều kiện là cô ta đừng đi tìm bà thì T chuyển vào tài khoản cho tôi 10000 euro chỉ với hy vọng tôi sẽ để cho cô ấy yên thân. Tôi không cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Dù sao thì đó cũng là một số tiền khá lớn so với mức lương thư kí của T và cô ấy có quyền mang đi tất cả mà không cần để lại cho tôi một xu nhỏ. Có lẽ cô ấy đã phải đi mượn một ai đó (chính cái người có tài khoản tại nhà băng HB) và tìm cách trả dần sau này.
Tôi cũng ngờ rằng nếu tôi cố tình không hiểu và kiên quyết lôi T về nhà (y hệt như cô con gái bà cụ trong vòng một năm đã thuê tận ba thám tử tư) thì cô ấy sẽ đành phải xử sự như bà cụ là chạy trốn, và nếu như chạy trốn mà cũng thất bại thì chỉ có con đường cuối cùng là tự sát.
T không quay về Sài Gòn, và cũng như bà cụ mười năm trước đó, cô ấy chọn một nơi rất xa, thuê một căn phòng nhỏ, điện thoại không lắp, tài khoản không mở, bạn bè không kết. Mai danh ẩn tích để được mãi mãi nằm trong danh sách mất tích của sở Nội Vụ thành phố.
We both are lost
And alone in the world
Walk with me
In the gentle rain
Don’t be afraid, I’ve a hand
For your hand and i
Will be your love for a while
I feel your tears as they fall
On my cheek
They are warm like gentle rain
Come little one you have me in the
World and our love will be sweet
will be sad
Like the gentle rain
Like the gentle rain
Run rẩy hơi nóng. Hôm nay trời vẫn 38° như bất kỳ một ngày tháng tư nào, nhưng lại là một ngày đáng nhớ, với hai sự kiện: sự kiện thứ nhất mang tính nghề nghiệp – cách đây nửa giờ đồng hồ tôi vừa đặt dấu chấm, kết thúc tiểu thuyết mà ngay từ đầu đã được đặt tên là « T mất tích », sự kiện thứ hai có lẽ thuộc về tình cảm – nửa giờ đồng hồ nữa tôi sẽ gặp lại hắn, người tôi thầm yêu trộm nhớ mười lăm năm trước, tên của hắn tôi không thể tiết lộ, không phải vì cả hai chúng tôi đều đã có gia đình riêng mà bởi một lý do bản thân tôi cũng chưa xác định nổi. Run rẩy hơi nóng. Sài Gòn không một hạt mưa. Sáu tháng liền không được uống một hạt mưa. Sáu tháng liền mưa dạo chơi ngoài biển để thành phố nghe mưa qua băng nhạc thính phòng. Nơi tôi đang ngồi là một căn gác xép, mái tôn và sàn gỗ phế phẩm. Chủ nhà khi có ý định biến nó thành quán cà phê đã nhiệt tình sơn lại cửa sổ và treo cả ri đô, nhưng năm tháng trôi qua, sơn đã phai và vải đã mòn, nhiệt tình tất nhiên là phai mòn trước hết. Rất có thể do hơi nóng. Thành phố chết ngạt trong hơi nóng, tàn tạ vì hơi nóng. Nhưng dù sao thì cửa sổ cũng từng sơn màu xanh lá cây, màu xanh lá cây duy nhất của cả một con phố dài, cũng cạn kiệt vì hơi nóng, cả một con phố dài, không một bóng cây, không một bóng người, chỉ có hai hàng cột điện với rất nhiều dây điện và dây cáp, với một dải băng đỏ cắt ngang – khẩu hiệu chào mừng ba mươi năm đất nước thống nhất. Run rẩy hơi nóng. Tôi ngó lòng đường, lòng đường trải nhựa cũng bốc hơi nghi ngút. Tôi ngó mặt trời, mặt trời đỏ lửa. Mặt trời đỏ lửa là Sài Gòn của tháng tư. Mặt trời âm u là Đông Dương của Duras. Ngày gặp hắn, mười lăm năm trước, tôi chưa đọc cả Người tình lẫn Người tình Hoa Bắc. Tôi chưa tập tọe cầm bút viết văn. Tôi chỉ thầm yêu trộm nhớ. Và lang thang. Zimmer không ở bùng binh Sài Gòn mà nằm trên quảng trường Châtelet, không sát nách siêu thị xe máy mà ngay cạnh nhà hát thành phố, đi thêm một đoạn là tới chợ, không bán sầu riêng và măng cụt mà bán thú cảnh và cây cảnh. Hôm tôi đi qua, thấy bán cả trúc núi và lợn Mường. Hôm tôi đi qua, trời vừa lạnh vừa ẩm. Paris cuối đông vừa lạnh vừa ẩm. Nhưng Hà Nội cuối đông cũng vừa lạnh vừa ẩm. Hồng Kông cuối đông cũng vừa lạnh vừa ẩm. Mười lăm năm trí nhớ phai mòn. Chỉ còn lại mỗi từ zimmer. Zimmer trong từ điển ghi là phòng ngủ, là từ tiếng Đức đầu tiên tôi học được. Ở Berlin, năm năm sau, cô nhân viên khách sạn hỏi thích zimmer nhìn ra phố hay xuống vườn. Wu chọn cái thứ hai. Anh không thích ngắm cây, không thích ngắm màu xanh, cũng chẳng thích ngắm yên tĩnh, nhưng thích ngắm tôi không mặc gì khoanh chân cuốn sushi. Tảo và wasabi lúc nào cũng để sẵn trong túi du lịch, cạnh màu vẽ, bút lông và dây cước. Cơm trộn dấm không có trong cửa hàng Thổ nhưng đối diện khách sạn là quán ăn châu Á. Tới Berlin một ngày là đủ hiểu trong tiếng Đức bình dân đương đại, châu Á có nghĩa là Việt Nam, Việt Nam có nghĩa là Hà Nội, Hà Nội có nghĩa là bán cơm và thuốc lá lậu. Ngày gặp hắn, mười lăm năm trước, tôi chưa nếm cả sushi lẫn maki, và chỉ thèm cơm trắng. Nước Nga nhờ Cải Tổ mà hàn lại quan hệ Trung-Xô, Moscou nhận một cửa hàng ăn uống mậu dịch tỉnh Quảng Tây, đem về đặt dưới chân đồi Lê-nin, thực đơn gồm đậu phụ, tương đen và cơm trắng, đúng một trăm ngày thì đóng cửa vĩnh viễn. Nước Nga cũng nhờ Cải Tổ mà kết thúc chiến tranh lạnh, Moscou nhận một lâu đài giả cổ Mc Donald, đem về đặt cạnh quảng trường Đỏ, thực đơn gồm thịt bò, phó mát, khoai tây, đúng một trăm ngày đã đón nửa triệu thực khách. Ôi, những năm ngây ngô nhất của tôi cũng là những năm cuối cùng của liên bang Xô-Viết. Ngày gặp hắn, mười lăm năm trước, tôi nửa Hà Nội, nửa Liên Xô. Và tiếng Pháp nham nhở. Tiếng Pháp, tôi và Anna cùng học chung một sách, một thày, một lớp buổi chiều, tất cả những buổi chiều một mùa đông dài nhất trong năm năm, một mùa đông không có Adlan, tuyết rơi vô kể, sông Moscou biến mất hoàn toàn, đường tàu điện cũng biến mất hoàn toàn, hai đứa giữ tay nhau xiêu vẹo. Tôi không hiểu tại sao hắn lại đề nghị hội ngộ ở cái gác xép này. Không máy lạnh, không quạt trần, chỉ ba bộ bàn ghế, mặt ghế đầy vết dao cắt, mặt bàn nhớp nháp nước đá và tàn thuốc, đường, vỏ hạt dưa và xác con thiêu thân. Run rẩy hơi nóng. Không gian có chiều cao hai mét cạn kiệt vì hơi nóng. Tôi cũng không hiểu bằng cách nào hắn tìm được cái gác xép này. Không số nhà, không bảng hiệu, không thực đơn, chỉ ông chủ trung niên ngồi ngủ gật, và hai khách hàng không rõ tuổi cũng đang gật gù. Chiếc máy cát-xét không rõ tuổi cũng đang gật gù, Khánh Ly hát mãi our love will be sweet. Will be sad. Like the gentle rain. Like the gentle rain. Rất có thể do hơi nóng. Thành phố chết ngạt trong hơi nóng, tàn tạ vì hơi nóng. Mỗi ngày là một ngày 38°. Sáu tháng rồi mưa vẫn dạo chơi ngoài Thái Bình Dương. Nhưng dù sao thì cửa sổ cũng từng sơn màu xanh lá cây, màu xanh lá cây duy nhất của cả một con phố dài. Qua điện thoại, hắn nói xin chào bằng tiếng Việt, hắn nói hắn muốn nghe giọng tôi, hắn biết tôi viết tiểu thuyết. Giọng hắn run run, không biết có phải vì hơi nóng, nhưng rõ ràng là fan của Duras, từng từ từng chữ là fan của Duras. Hắn lại nói tiếp, tiếng Việt của hắn không đủ để đọc tôi. Rồi hắn im lặng. Tôi thở phào, dù sao thì câu này cũng không có trong « Người tình ». Dù sao thì hắn cũng không bảo hắn vẫn yêu tôi như trước, hắn không thể ngừng yêu tôi, hắn sẽ yêu tôi cho tới khi chết. « Người tình » tôi đọc đi đọc lại, nhưng cái câu kết thúc này chưa bao giờ tôi dám nhìn lần thứ hai. Cái câu kết thúc này, không cần Duras thì văn chương Việt cũng đẫm nước mắt rồi. Qua điện thoại, hắn nói tạm biệt bằng tiếng Việt, hắn nói có giấy bút không ghi lại địa chỉ, hắn nói địa chỉ lằng nhằng lắm, không cẩn thận là lạc như chơi. Giọng hắn run run, không biết có phải vì hơi nóng. Mười lăm năm trước, qua điện thoại giọng hắn không run, hắn bảo zimmer, quảng trường Châtelet, rồi cúp máy. Mười lăm năm trước, hắn không biết một câu tiếng Việt nào. Mười lăm năm trước, tôi mất cả giờ lẩm bẩm zimmer. Hắn cũng chẳng buồn nói có giấy bút không ghi lại địa chỉ, địa chỉ lằng nhằng lắm không cẩn thận là lạc như chơi. Hắn bảo zimmer, quảng trường Châtelet, rồi cúp máy. Mười lăm năm trước, hắn biết là tôi sẽ đến, Paris có bão tuyết thì tôi cũng sẽ đến, quảng trường Châtelet có lụt tới bụng thì tôi cũng sẽ đến, Zimmer có bị đặt bom thì tôi cũng sẽ đến. Mười lăm năm trước, tôi chỉ biết yêu thầm nhớ trộm. Nửa Liên Xô, nửa Hà Nội. Và tiếng Pháp nham nhở. Tiếng Pháp nham nhở là lỗi của tôi và Anna, hay lỗi của Adlan, hay lỗi của cộng hòa Nga, hay lỗi của nghĩa quân Tchéchène, hay lỗi của cuối đông vừa lạnh vừa ẩm, hay vì Anna khóc một tuần liền mà Adlan vẫn một mực về Grozny, thi tốt nghiệp mỏ – địa chất không quan trọng bằng học bắn tiểu liên và ném lựu đạn cối. Mười lăm năm trước Anna không yêu thầm nhớ trộm. Qua điện thoại Anna bảo Adlan chết rồi, lúc chết vẫn cầm tiểu liên. Tôi khóc. Hai đứa cùng khóc. Paris cuối đông vừa lạnh vừa ẩm. Moscou cuối đông vẫn im lìm trong tuyết. Anna bảo nó hối hận đã làm phiền tôi, rằng chúng nó đã làm phiền tôi quá mức, năm năm liền mỗi tuần vài ba lần tôi nằm không nhúc nhích, từ nửa đêm tới bảnh mắt, để chúng nó không phải thầm yêu trộm nhớ ngay trên giường bên cạnh, rằng chúng nó không biết tôi có nhét bông vào tai hay không, chúng nó cũng không biết tôi có ti hí mắt lươn hay không, chúng nó không thể kiểm tra và cũng không có ý định kiểm tra, nhưng như thế là quá mức, năm năm liền, ngay giữa thi cuối năm, thi quốc gia, thi lịch sử đảng, một trăm hai mươi câu hỏi từ cách mạng tháng 10 tới hội nghị 26, chỉ bỏ đúng đoạn Gorbachev đón Reagan vào điện Kremlin. Ừ, một ngày cuối tháng 5, ba đứa ngây ngô, ngỡ ra Vnukovo từ sớm, là có thể thấy Reagan và Nancy, là có thể thấy nửa kia của thế giới. Moscou cuối mùa tử đinh hương. Adlan chia bó hoa làm đôi, tôi và Anna mỗi đứa một cành tím ngắt. Nhưng tất cả những chuyện ấy bây giờ vô nghĩa, vô nghĩa hoàn toàn. Từ ngày tôi đi. Từ ngày Adlan chết. Tôi khóc. Anna khóc. Điện thoại khản đặc. Qua điện thoại, hắn bảo hắn lấy vợ rồi, đã có con. Giọng hắn run run. Mười lăm năm trước, hắn không nhả từ nào về đời tư của hắn. Một tiếng đồng hồ ở Zimmer, hắn im lặng, tôi im lặng, cốc dứa xay nước đá chảy ròng ròng. Mười lăm năm trước, tất cả trong tôi đều mù mịt. Qua điện thoại, hắn bảo hắn biết tôi đã lấy chồng. Giọng hắn run run. Mười lăm năm trước, hắn không phát âm nổi tên tôi, lúc thừa h, lúc thiếu h, lúc dấu sắc, lúc dấu huyền, và tất nhiên không biết dấu nặng là gì, dấu mũ là gì. Hắn không cần biết. Hắn biết nếu hắn có biến tên tôi thành cái gì đi nữa, hoặc chẳng thành cái gì đi nữa, thì tôi cũng không chấp. Mười lăm năm trước, tôi chỉ thầm yêu trộm nhớ và lang thang. Paris cuối đông vừa lạnh vừa ẩm. Hà Nội cuối đông cũng vừa lạnh vừa ẩm. Hồng Kông cuối đông cũng vừa lạnh vừa ẩm. Mỗi Sài Gòn là không có mùa đông. Người Sài Gòn leo xe đò lên Đà Lạt để được cưỡi ngựa và khoác áo choàng len. Paris không có ngựa, chỉ có tàu điện ngầm. Mười lăm năm trước, dưới tàu điện ngầm, tôi và hắn mỗi đứa một kè, hai hướng ngược nhau, Nation và Charles-de-Gaulle Etoile, hai tàu vùn vụt lại gần, chưa đầy phút sau lại vùn vụt chia tay. Zimmer là buổi chia tay vĩnh viễn. Từ Zimmer trở đi, nhà hát thành phố tôi không dám lai vãng, đài phun nước Palmier tôi không dám chụp ảnh, quảng trường Châtelet tôi tránh từ xa. Thấy đôi cánh của thần Chiến Thắng là xe nào có tôi ngồi trong cũng tự động đổi hướng. Zimmer là từ húy của tôi. Zimmer là buổi chia tay vĩnh viễn. Qua điện thoại, hắn bảo tôi gọi điện cho hắn, số cầm tay đây, nhớ gọi. Giọng hắn run run. Tôi không hiểu hắn tới Sài Gòn làm gì, lâu hay chóng, làm việc hay du lịch mà có điện thoại cầm tay. Tôi không hiểu vợ hắn người Việt hay người Pháp, trẻ hay già, hấp dẫn nhiều hay hấp dẫn ít, có biết Sài Gòn không mà để chồng lang thang giữa Sài Gòn một mình. Tôi không hiểu bằng cách nào hắn tìm ra tôi, bằng cách nào hắn biết tôi để Wu lại khách sạn Hồng Kông, về Sài Gòn ba tháng, có ngày vài trăm chữ, có ngày vứt đi vài trăm chữ, « T mất tích » ra đời và kết thúc trên giường gỗ không đệm, một phòng trọ không điều hòa, không quạt trần, không bàn ghế, chỉ một cửa sổ nhỏ, sơn màu xanh lá cây, từ bao nhiêu năm không rõ, nhưng là màu xanh lá cây, màu xanh lá cây duy nhất của cả một con phố dài. Chợ Lớn phố nào cũng dài, phố nào cũng thừa đèn lồng đỏ, thiếu cửa sổ màu xanh lá cây. Qua điện thoại, câu cuối cùng hắn bảo hắn thèm viết văn như thèm cái chết. Giọng hắn run run. Hắn đặt ngay máy. Nhưng giá hắn có ngập ngừng thêm chút nữa thì tôi cũng không biết nói gì. Câu cuối cùng này quả là bất ngờ, bất ngờ hơn nhiều so với chuyện vợ con của hắn, bất ngờ hơn nhiều so với việc hắn đang ở Sài Gòn, hắn tìm ra số điện thoại của tôi, hắn hẹn tôi tới cái gác xép lợp tôn này. Mười lăm năm trước, tôi không biết hắn uống cà phê pha mấy viên đường, chủ nhật có thích ngủ dậy muộn hay không, giữa phim trinh thám và phim khoa học viễn tưởng thì không chọn phim gì. Mười lăm năm trước, mộng viết văn của hắn, mộng viết văn của tôi đều mù mịt. Mười lăm năm trước, Grozny sôi sục chia tay Moscou, tôi và Anna nằm ôm nhau khóc, học bổng vừa đủ tiền ăn xúp khoai tây, cơm trắng thuộc về trìu tượng, lớp tiếng Pháp những buổi chiều lê thê, những buổi chiều lạnh nhất của một mùa đông dài nhất, mùa đông không có Adlan, sông Moscou vẫn im lìm dưới tuyết. Mười lăm năm trước, thành phố Hồ Chí Minh căng khẩu hiệu chào mừng mười lăm năm thống nhất, Little Saigon treo cờ rủ tưởng niệm mười lăm năm quốc hận. Mười lăm năm trước, tôi chỉ biết thầm yêu trộm nhớ. Và lang thang. Mười lăm năm trước, tôi không biết T là ai. Mười lăm năm trước, tôi không biết mất tích là gì. Mười lăm năm trước, nếu tôi có cầm bút, Zimmer có là buổi chia tay vĩnh viễn hay tạm thời, thì T phải là chính tôi, chồng T phải là hắn, chúng tôi sẽ xây mộng đẹp như mơ, tôi là nàng lọ lem, còn hắn là chàng hoàng tử, một mối tình Việt-Pháp xinh tươi, với những kỉ niệm Việt-Pháp xinh tươi, văn chương không thể không xinh tươi. Như tôi của mười lăm năm trước. Má không nhọn và môi không cần son. Mười lăm năm trước, tôi chỉ thầm yêu trộm nhớ, nói gì tới chuyện phản bội, dù là phản bội như trong phim tình cảm xã hội, dù là chỉ nghĩ đến những ngón tay của một ai đấy, để đỡ phải uống thuốc ngủ, để đỡ bồn chồn khi ngồi máy bay. Mười lăm năm trước, Wu lúc đấy chưa là chồng tôi, chưa đặt chân đến cả Hồng Kông, Berlin lẫn châu Mỹ, nhưng đẹp trai và hào hiệp, gặp tôi lần đầu Wu bảo lấy anh đi để đừng lang thang, để không mất thời gian thầm yêu trộm nhớ. Giọng Wu không run, nói chung giọng anh không run bao giờ. Giọng chồng T cũng không run bao giờ, ngay cả khi hay tin T mất tích, ngay cả khi bị cảnh sát gọi lên hỏi han tận tình, ngay cả khi con Hannah khóc nhớ mẹ. Đúng như Wu nói, chúng tôi không mất thời gian thầm yêu trộm nhớ. Hai cá nhân chưa vợ chưa chồng, không bị ung thư giai đoạn cuối, không phạm tội hình sự, không ở lại Pháp trái luật, thì không lý gì lại mất thời gian thầm yêu trộm nhớ. Không lý gì. Wu nói chung thường có lý. Và không phí phạm thời gian. Hắn cũng không phí phạm thời gian. Nhưng hắn khác Wu, hắn không thể yêu một đứa lang thang. Hắn thích các nghiệm ổn định. Nói chung các nghiệm ổn định bao giờ cũng dễ được thích. Lang thang hiển nhiên là không ổn định, phụ nữ lang thang còn không ổn định hơn. Thế nên bố mẹ anh chị em tôi mừng như trúng sổ số độc đắc khi tôi được Wu hỏi làm vợ, đám cưới tiệc mặn, có gia đình bè bạn hai bên đến chia vui, có giấy đăng ký kết hôn do thị trưởng ký tên đóng dấu. Dù sao cũng đỡ lang thang. Đỡ lang thang là có khả năng chuyển hướng thành ổn định. Qui luật phát triển xã hội bố mẹ anh chị em tôi nắm vững và đặt hết niềm tin vào độ hào hiệp của Wu. Trong lúc tôi ngồi đợi hắn ở cái gác xép lợp tôn này thì Wu đang gọi vằn thắn dưới chân khách sạn Cheung Sha Wan, rồi khi cô phục vụ mang vằn thắn lại, thế nào anh cũng gọi thêm xíu quẩy, không có tôi cuốn sushi thì vằn thắn và xíu quẩy là món Wu thích, không biết có phải vì vằn thắn Hồng Kông vừa giòn vừa ngọt, hay xíu quẩy Cheung Sha Wan vàng xuộm và căng phồng, to đúng bằng chiếc bánh mì đũa của Paris, hay cô phục vụ biết cách điều chỉnh xườn xám thế nào để càng kéo xuống thì lại càng lộ đùi non. Hay vì cả ba lý do cùng một lúc. Xườn xám, vằn thắn Hồng Kông và cháo quẩy Cheung Sha Wan cũng là những nghiệm ổn định, đã thành truyền thống thì không thể không ổn định, thế nên nói chung ai cũng thích, chứ không riêng gì Wu, chứ không riêng gì hắn. Wu bảo Hồng Kong gallery là Berlin Paris cộng lại chia đôi, rồi lại bảo Hồng Kông restaurant là Thượng Hải Luân Đôn cộng lại chia đôi, cuối cùng Wu bảo Hồng Kông nói chung là Bắc Kinh New York cộng lại chia đôi. Nói chung cộng lại chia đôi bao giờ cũng có lý. Hai cái gì cộng lại chia đôi cũng ra một cái gì đấy. Paris, New York, Luân Đôn, Berlin, Bắc Kinh, Thượng Hải đều là các nghiệm ổn định, cộng lại chia đôi hay chia mấy thì cũng ra một nghiệm ổn định. Hà Nội, Sài Gòn thì không. Đã không ổn định thì cộng lại chia đôi hay chia mấy cũng ra một nghiệm không ổn định. Cô nhân viên khách sạn Cheung Sha Wan hỏi thích room nhìn ra đảo Chek Lap Kok hay xuống cảng Victoria, Wu chọn cái thứ hai. Anh không thích ngắm biển, ngắm cảng, ngắm nhà chọc trời mà thích ngắm tôi không mặc gì khoanh chân cuốn sushi. Từ ngày lấy tôi, tảo và wasabi bao giờ cũng để sẵn trong túi du lịch, cạnh màu vẽ, bút lông và dây cước. Đêm trước khi tôi đi, anh bảo Hồng Kông đã sang là quên Chợ Lớn. Anh để tôi tới Chợ Lớn một mình. Anh để tôi tự do trong phòng trọ không điều hòa, không quạt trần, không bàn ghế, tự do trên giường gỗ không đệm, tự do ngắm cửa sổ sơn màu xanh lá cây, màu xanh lá cây duy nhất của cả một con phố dài chỉ treo đèn lồng đỏ. Run rẩy hơi nóng. Không gian có chiều cao hai mét cạn kiệt vì hơi nóng. Ông chủ trung niên và hai vị khách vẫn đang gật gù. Khánh Ly vẫn hát our love will be sweet. Very sad. Very sweet like gentle rain. Like the gentle rain. Like the gentle rain. Rất có thể do hơi nóng. Thành phố chết ngạt trong hơi nóng, tàn tạ vì hơi nóng. Mặt đường trải nhựa cũng nghi ngút hơi. Tôi không biết hắn sẽ đến từ hướng nào, bằng xe ôm hay tắc-xi. Tôi cũng không biết nhà hắn ở đâu, phố có dài, cửa sổ có quét sơn màu xanh lá cây. Mười lăm năm lẽ nào đủ để hắn đổi Paris thành Sài Gòn, Zimmer thành gác xép lợp tôn, Glenn Gould thành Khánh Ly, cuối đông lạnh và ẩm thành tháng tư đỏ lửa, và thèm viết văn như thèm cái chết, viết văn không phải là truyền thống, không phải là giá trị ổn định, kém ổn định hơn cả lang thang, hơn cả Hà Nội, hơn cả Sài Gòn. Tôi tự nhủ giá « T mất tích » mà chưa viết xong, máu trinh thám còn lại ít nhiều, thế nào tôi cũng hứng khởi làm một cuộc điều tra về những biến đổi bất ngờ của hắn. Nhưng bây giờ thì muộn. Mọi thứ đều muộn. Đánh dấu chấm hết xong là muộn. Mười lăm năm là quá muộn. Ai đợi ai được mười lăm năm. Qua điện thoại, hắn bảo tôi cố đợi, nếu hắn đến muộn năm mười phút. Giọng hắn run run. Tôi định bảo năm mười phút nghĩa là gì so với mười lăm năm. Rồi lại thôi. Ai đợi ai được mười lăm năm. Tôi có nói hắn cũng không hiểu. Hắn không thể hiểu. Tôi cũng không thể hiểu. Mười lăm năm không phải là ba tháng. Năm 2005 thì ba tháng một ngày là điều-không-thể. Cách đây đúng ba tháng, tôi đang ở sân bay Hồng Kông, Wu gọi vào cầm tay bảo đúng ba tháng nữa mà tôi không có mặt ở Cheung Sha Wan thì anh đề nghị tôi mất tích luôn một thể. Giọng anh không run chút nào nhưng đảo Chek Lap Kok bỗng dưng chòng chành, ba chiếc máy bay cùng hạ cánh một lượt, chệch vài mét là lao thẳng xuống biển. Trong tiếng rít của động cơ, tôi nghe Wu nói tiếp : ba tháng mất tích là đủ, đừng lẫn lộn tiểu thuyết với cuộc đời. Không hiểu anh chủ động cúp điện thoại hay vì ba chiếc máy bay khác lại chuẩn bị hạ cánh, tiếng rít của động cơ tăng gấp đôi, tai tôi điếc đặc. Nhưng dù thế nào thì Wu cũng có lý (đừng lẫn lộn tiểu thuyết với cuộc đời) và không phí phạm thời gian (ba tháng là đủ). Bởi vậy, khi chiếc Air Bus 330 của hãng Dragon Air bay lượn trên biển Nam rồi biển Đông nối Hồng Kông với Sài Gòn, tôi đã bắt đầu hình dung trong đầu một phụ nữ trẻ ngồi ở dãy bốn mươi, sát cửa sổ bên phải, trên một chiếc máy bay cất cánh cùng giờ với chiếc Air Bus 330 của tôi, nhưng xuất phát từ sân bay Charles-de-Gaulle của Pháp. Tôi sẽ gọi cô là T. T để đỡ nhầm với một loài hoa nào đó, một hương thơm nào đó, để đỡ nhầm với tuyết rơi hay mùa thu, hay trí tuệ hay hài hòa hay bất kì một mỹ từ nào đó của tiếng Việt. T đơn giản là T, có vậy thôi. T cúi đầu xem một cuốn họa báo, mái tóc đen thả dài. Vài ba lần, T cũng ngẩng lên, nhưng chỉ để ngó ra cửa sổ mấy phút, nên tôi đợi mãi đợi mãi hơn một tiếng đồng hồ mà không biết khuôn mặt T thế nào. Tôi cũng không biết T đi đâu, du lịch, công tác hay thăm thân nhân, nhưng có vẻ như T bình thản, tay giở đều đặn từng trang họa báo, dây bảo hiểm thắt gọn gàng ở bụng, túi xách tay cài ngay ngắn nơi lưng ghế đối diện. Cuối chiều của châu Á là giữa trưa của châu Âu nên cửa sổ máy bay lung linh ánh nắng. Rõ từng sợi tóc màu đen của T. Trong khoang khá vắng, ba ghế liền bên tay trái T đều không có người ngồi, cả dãy ghế đằng sau cũng trống trơn. Hành khách im lìm như hồi hộp trước một chuyến bay dài. Vô tuyến không có ai bật. Toa-lét không có ai đợi. Nhưng điều ấy có giúp được gì cho tôi nếu như T cứ nhất định cúi đầu, để khuôn mặt mãi mãi là một ẩn số. Tôi bắt đầu sốt ruột, từ loa phát ra lần lượt ba giọng nữ ngọt ngào bằng tiếng Hoa, tiếng Anh và tiếng Việt thông báo rằng chiếc Air Bus 330 của tôi chỉ nửa tiếng nữa sẽ hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nhiệt độ bên ngoài là 38° và đề nghị quí khách nên điền trước tờ khai hải quan Việt Nam. Tôi có cảm giác chút nữa thôi, chỉ cần ra khỏi máy bay là trí tưởng tượng của tôi sẽ đứt liên lạc hoàn toàn với T. Tôi sẽ không thể tiếp tục hình dung khuôn mặt T, nơi T sẽ tới, công việc T sẽ làm, những người T sẽ gặp. Và như thế có nghĩa là chuyến đi Chợ Lớn của tôi thất bại ngay từ đầu, phòng trọ cửa sổ sơn màu xanh lá cây có nghĩa gì nữa đâu, tiểu thuyết là cuộc đời hay không là cuộc đời. Đang gần tuyệt vọng, khi chiếc Air Bus 330 chuyển mình lướt xuống đường bay Tân Sân Nhất trắng muốt như muối, tôi bất ngờ thấy một nữ chiêu đãi viên hàng không, đồng phục tím than, lại gần vỗ nhẹ lên vai T, rồi chìa ra một hộ chiếu bìa tím đậm kẹp vé máy bay hàng không Air France ở giữa. Trong một tích tắc, tôi đã ngỡ T sẽ ngẩng đầu lên, như phản xạ tự nhiên, để cầm lấy hộ chiếu và vé, để nói một từ merci hay thank you chẳng hạn, để nếu không nở một nụ cười xã giao thì cũng chớp chớp mắt tỏ ra cảm động. Nhưng cơ hội duy nhất để tôi nhìn thấy khuôn mặt T cũng biến mất vì nữ chiêu đãi viên, đúng tích tắc ấy, đã đặt hộ chiếu và vé lên mặt bàn tí hon mở sẵn ngay cạnh T, phía bên trái, và T đã hơi nghiêng vai định ngẩng đầu lên thì lại cúi ngay xuống, mái tóc đen vẫn lòa xòa che kín khuôn mặt, bàn tay nhỏ nhắn bình thản cầm lấy hộ chiếu và vé rồi lại bình thản đút chúng vào túi xách tay để ở lưng ghế đối diện. Tuy vậy, thật kì lạ, cũng vào tích tắc ấy, trong óc tôi vang lên một từ tôi chưa nghe thấy bao giờ, như thể một thiên thần bé nhỏ, cũng đang lơ lửng cùng độ cao của chiếc Air Bus 330, sau khi chứng kiến nỗi tuyệt vọng của tôi, đã thì thầm vào tai tôi cái từ ấy. Trong ba phút liền, trong sự im lặng khác thường của cả khoang, khi máy bay liên tục giảm độ cao, tôi lẩm bẩm nó đúng như cái cách tôi từng lẩm bẩm từ zimmer mười lăm năm trước, khi hắn bảo zimmer, quảng trường Châtelet, rồi cúp máy. Và ở phút cuối cùng, vào lúc mà chiếc Air Bus 330 hơi chồm lên rồi bất ngờ chạm sát đường băng trắng muốt như muối, trong tiếng động cơ chói tai, tôi chợt hiểu một điều hết sức đơn giản rằng cái từ vô nghĩa tôi vừa lẩm bẩm ấy là nơi T sẽ tới, sau mười mấy tiếng ngồi máy bay. Nơi ấy rất xa. Nơi ấy tôi không thể đến. Nơi ấy có thể chỉ cách Sài Gòn vài chục cây số, nhưng nơi ấy rất xa, nơi ấy tôi không thể đến. Mười hai giờ đêm hôm nay, sân bay Tân Sơn Nhất có bị lệnh bế quan tỏa cảng, hãng hàng không Dragon Air có tuyên bố phá sản, nước biển Nam có tràn lên đảo Chek Lap Kok, thì tôi vẫn phải có mặt ở khách sạn Cheung Sha Wan, như lời Wu dặn cách đây ba tháng, để không nhầm tiểu thuyết với cuộc đời, để mất tích chỉ thuộc về T.
Tiếng chân bước nhẹ lên thang gỗ, không khiến hơi nóng bớt run rẩy và Khánh Ly thôi hát Gentle rain. Cuộc hội ngộ hôm nay là quà tặng của số phận hay bóng ma của quá khứ, hay là cả hai, hay chẳng là cái gì cả, tôi không biết. Không ai có thể biết. Mười lăm năm trí nhớ phai mòn. Mười lăm năm trước tôi không biết mặt trời đỏ lửa là Sài Gòn tháng tư. Mười lăm năm trước tôi không biết cái gác xép lợp tôn này. Mười lăm năm trước tôi không biết our love will be sweet. Will be sad. Like the gentle rain. Like the gentle rain. Mười lăm năm trước tôi chỉ biết zimmer. Mười lăm năm trí nhớ phai tàn. Bỗng nhiên tôi tự hỏi phải chăng thiên thần bé nhỏ của Air Bus 330 ngày trước đã xuất hiện trở lại để hôm qua thì thầm vào tai hắn số điện thoại cá nhân của tôi, rồi bây giờ lại thì thầm vào tai tôi câu này: hắn sẽ là độc giả đầu tiên của T mất tích. Ôi, hắn thèm viết văn như thèm cái chết. Our love will be sweet. Will be sad. Like the gentle rain. Like the gentle rain…