NAM CAO - TÁC PHẨM ĐỜI THỪA
1. Hoàn cảnh sáng tác: Đăng lần đầu trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy. 1943
2. Tóm tắt truyện
Từ muốn nói chuyện với chồng, nhưng thấy Hộ đọc sách chăm chú quá Từ lại thôi.Từ hồi tưởng lại việc Hộ đã cứu vớt mình khi Từ bị phụ tình, và lo đám ma cho mẹ Từ, bao nhiêu là ân nghĩa. Từ trở thành người vợ rất ngoan rất phục tùng và rất tận tâm, đáng lẽ thì Hộ phải sung sướng lắm.
Nhưng Hộ chỉ sung sướng được mấy năm. Lúc ấy, hắn chỉ nghĩ đến gia đình, chỉ cốt làm sao nuôi được gia đình. Hộ vốn nghèo. Hắn là một nhà văn. Hộ viết thận trọng nên chỉ kiếm được vừa đủ sống eo hẹp. Nhưng lúc ấy hắn có một mình, lại là một gã trẻ tuổi say mê lý tưởng, hắn coi khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất. Với hắn “nghệ thuật là tất cả”. Thế rồi, từ khi gắn đời hắn vào đời Từ, hắn có cả một gia đình để chăm lo. Hắn phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng. Hắn nhận ra hắn là một kẻ bất lương, một người thừa. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì cho văn chương. Hắn buồn và đau đớn lắm. Có lúc hắn nghĩ “phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ“, nhưng hắn không thể bỏ lòng thương. Hắn là người chứ không phải một thứ quái vật. Hộ điên người vì lo xoay tiền. Hắn khổ quá, bực bội quá, bỏ nhà đi, uống rượu rồi về hành vợ con. Có lúc hắn muốn quật một nhát cho chết hết cả vợ con. Có lúc hắn thừ người ra “thôi thế là hết! Ta đã hỏng! ta đã hỏng đứt rồi”. Hắn ra về lòng rũ buồn.
Lần đầu, Từ sửng sốt, nhưng rồi Hộ xin lỗi và hôn các con. Hắn tuyên bố chừa rượu, được khá lâu, nhưng rồi lại uống, lại say, lại làm những trò vưà buồn cười, vừa đáng sợ. Nhiều lần, Từ muốn ẵm con bỏ nhà đi, Từ muốn bỏ liều con để đi làm, nhưng Từ mềm yếu. Từ rất yêu chồng và nhận ra Hộ cũng rất yêu vợ, yêu con. Từ không dám xa hắn. Từ cố gắng sống ngoan ngoãn hơn, đáng yêu hơn. Từ nhịn ăn nhịn mặc, để bớt tiêu tiền. Từ thu nhà ngăn nắp, ngăn tiếng khóc trẻ con và sợ cả nói với chồng.
Nhân lúc Hộ ngưng đọc và nói với vợ về một đoạn văn hay, Từ mới nhắc chồng hôm nay mồng hai, mồng ba Tây. Hộ bảo phải đi xuống phố lấy nhuận bút. Hộ hứa lấy tiền xong không đi đâu cả và mua cái gì cho cả nhà ăn. Ở tòa báo ra, Hộ đi thẳng tới một hiệu thịt quay, hắn định mua mấy haò thịt và bánh Tây cho con. Bất chợt gặp Trung. Trung nói về quyển Đường Về sắp được dịch sang tiếng Anh và nhuận bút tới ba nghìn đồng. Thế là Hộ quên hẳn vợ con, cùng với Trung đi uống bia, rồi tiếp tục đi uống rượu để bàn chuyện văn chương, nói những chuyện vá trời lấp biển..
Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, Hộ thấy nhà cửa vẫn gọn gàng ngăn nắp. Hộ nhớ lại sự việc tối qua. Từ nằm ngủ trên võng. Hộ thấy Từ khổ cả trong cái tướng ngủ. Hộ đến bên Từ, hắn bật khóc nhận mình là “thằng khốn nạn“. Từ thức giấc, ôm đầu Hộ áp vào ngực mình bảo “không, anh chỉ là một người khổ”. Đứa con cũng khóc. Từ ru con bằng một bài ca dao buồn.
Chủ đề: Kể lại tình cảnh nhân vật Hồ, Nam Cao miêu tả những bi kịch tinh thần cuả người trí thức tiểu tư sản trong xã hội cũ. Người trí thức, có tài năng, có lý tưởng, hoài bão, muốn sống có ích, nhưng phải sống đời thừa: “Còn gì đau đớn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì nâng cao giá trị đời sống mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt“.
____________________________________
Phân tích bi kịch tinh thần của Hộ trong Đời Thừa
Khái niệm bi kịch:
Kịch phương Tây có các thể loại: Bi kịch, hài kịch, chính kịch, kịch lịch sử. Hài kịch khai thác cái hài (cái cười). Bi kịch (Danh từ) khai thác cái bi (cái buồn) như bi kịch Hamlet, Roméo và Juliette của Shakespear, kết thúc khi các nhân vật chính chết trong khát vọng. Bi kịch (nghĩa Tính từ) diễn tả trạng thái tâm hồn cuả con người khi có một khát vọng mãnh liệt bị hoàn cảnh ngăn trở, đè bẹp không thực hiện được. Chẳng hạn, Chí Phèo có khát vọng mãnh liệt muốn trở về làm người lương thiện, nhưng không được, Chí chết trong khát vọng ấy. Tình trạng cuả Chí là tình trạng bi kịch.
Để trình bày bi kịch, ta cần xem xét khát vọng cuả nhân vật là gì? Thực thế đã ngãng trở khát vọng ấy ra sao, và tâm hồn nhân vật lâm vào trạng thái gì?
BI KỊCH TINH THẦN CỦA NGƯỜI TRÍ THỨC
1. Bi kịch “vỡ mộng văn chương”(hay bi kịch về lý tưởng)
Mộng văn chương của Hộ: Hộ coi sự nghiệp văn chương là lý tưởng cuả mình. Hộ dồn hết sức lực tâm huyết cho lý tưởng ấy. “Ðói rét không có nghĩa lý gì đối với gã trẻ tuổi say mê lý tưởng. Lòng hắn đẹp. Ðầu hắn mang một hoài bão lớn”. ”Ðối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả, ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa. Hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời...”. Hộ tự nhận thức về sự chọn lựa lý tưởng của mình: “tôi mê văn quá nên mới khổ. Ấy thế, mà tuy khổ thì khổ thật, nhưng thử có người giàu bạc vạn nào thuận đổi lấy cái địa vị của tôi, chưa chắc tôi đã đổi”.
Hộ tan vỡ mộng văn chương, bởi vì Hộ không viết được, càng không viết được cái gì cho ra trò. ”Hắn phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng. Hắn phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc”, ”Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương”. Hắn nhận ra thực tế này:"Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi". Và hắn nghĩ đến cái tên hắn đang mờ dần đằng sau những tên khác mới trồi ra, rực rỡ hơn...”
Hộ lâm vào trạng thái bi kịch của sự sụp đổ lý tưởng, bi kịch đánh mất mình, trạng thái vong thân. ”Hắn thấy mình khổ quá, bực bội quá. Hắn trở nên cau có và gắt gỏng. Hắn gắt gỏng với con, với vợ, với bất cứ ai, với chính mình. Và nhiều khi, không còn chịu nổi cái không khí bực tức ở trong nhà, hắn đang ngồi bỗng đứng phắt lên, mắt chan chứa nước, mặt hầm hầm, vùng vằng đi ra phố, vừa đi vừa nuốt nghẹn. Hắn đi lang thang, không chủ đích gì”. ”Hắn thừ mặt ra như một kẻ phải đi đày, một buổi chiều âm thầm kia, ngồi trong một làn khói nặng u buồn mà nhớ quê hương. Hắn cũng nhớ nhung một cái gì rất xa xôi... những mộng đẹp ngày xưa... một con người rất đáng yêu đã chẳng là mình nữa.”
Đối với người trí thức, sự sụp đổ lý tưởng cũng chính là sự sụp đổ của sự tồn tại. Anh ta sống mà không còn tồn tại nữa. Cái bi kịch là ở chỗ phải ý thức về sự vong thân ấy.
2. Bi kịch “người thừa” hay bi kịch về lương tâm
Hộ có ý thức sâu sắc về trách nhiệm của ngòi bút. Có yêu cầu đúng đắn về sự sáng tạo. “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có”. Hộ có khát vọng viết những tác phẩm lớn. ”Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái (5), sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn". Hộ ý thức rõ đạo đức nghề nghiệp: ”Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện".
Nhưng thực tế đã bắt Hộ chà đạp lên đạo đức, lương tâm của chính mình. ”Hộ điên người lên vì phải xoay tiền. Hắn còn điên lên vì con khóc, nhà không lúc nào được yên tĩnh để cho hắn viết hay đọc sách". ”Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương”.
Hộ lâm vào bi kịch người thừa. “Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa”. ”Hắn nghĩ thế và buồn lắm, buồn lắm! Còn gì buồn hơn chính mình lại chán mình? Còn gì đau đớn hơn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt? ”Hàng ngày đối diện với trang giấy trắng, hắn lại tự nguyền rủa mình là kẻ khốn nạn. ”Rồi mỗi lần đọc lại một cuốn sách hay một đoạn văn ký tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng vò nát sách và mắng mình như một thằng khốn nạn... Khốn nạn! Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vìchính hắn là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương!”
3. Bi kịch lẽ sống (hay bi kịch gia đình)
Hộ sống bằng triết lý tình thương. Hộ cưu mang Từ và quyết liệt giữ lấy lý tưởng sống yêu thương.“hắn không thể bỏ lòng thương; có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường, nhưng hắn vẫn còn được là người: hắn là người chứ không phải là một thứ quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái. Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”.
Thế nhưng cuộc sống dần dần làm tha hóa Hộ, biến Hộ thành kẻ ác. Hộ gây ra bao điều đau khổ cho Từ và cho chính mình. Đến nỗi nhiều lần Từ định bỏ đi. Đã có lúc Hộ làm Từ khiếp sợ vì cái ác đe dọa.” - Ngày mai... mình có biết không?... Chỉ ngày mai thôi! Là tôi đuổi tất cả mấy mẹ con mình ra khỏi cái nhà này... Tôi đuổi tất, không chừa một đứa nào, kể cả con bé Thảo là con ngoan nhất... Mấy đứa kia đều đáng vật một nhát cho chết cả! Chúng nó chỉ biết ăn với hét! Cả con mẹ nữa, con mẹ là mình ấy... cũng đáng vật một nhát cho chết cả!”
Hộ triền miên sống trong bi kịch này. Bỏ nhà đi, uống rượu say, hành hạ vợ con, rồi khi tỉnh rượu thì xin lỗi. Cứ thế, Hộ không sao thoát ra được mặc cảm một thằng hèn. “Hèn biết bao là một thằng con trai không nuôi nổi vợ, con thì còn mong làm nên trò gì nữa?”.
4. Cả ba bi kịch quấn vào nhau thành bi kịch “đời thừa”
Hộ không sao thoát ra được. Không thể vừa là nhà văn có trách nhiệm lại vừa dùng ngòi bút để nuôi nổi vợ con. Cũng không thể bỏ gia đình để theo đuổi mộng văn chương. Hộ đau đớn trong bi kịch “đời thừa”, sống thừa, người trí thức có hoài bảo, có trách nhiệm, có lương tâm, vậy mà không làm được gì cho đờimình có ý nghĩa.”Còn gì đau đớn hơn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt?””
5. Nguyên nhân
Cuộc sống trong xã hội cũ không thể giúp nhà văn sống bằng ngòi bút. Thực ra ngay cả trong xã hội hôm nay, không phải nhà văn nào cũng có thể sống bằng nhuận bút những gì mình viết ra. Họ phải kiếm sống bằng nhiều nghề khác.
Cũng cần nhận rõ nguyên nhân này, chính cá tính nghệ sĩ của Hộ góp thêm một nhân tố cụ thể vào cái nghèo khổ, đẩy Hộ đến bi kịch. Hộ có tính bốc đồng. Gặp bạn là quên hết mọi sự. “Ôi thôi! Mặc kệ gia đình và những cái gì còn lại!... Hắn sẽ uống rất khỏe, nói toàn những chuyện vá trời lấp biển, rồi đi la cà đến hết đêm mới về.”
GIÁ TRỊ HIỆN THỰC CỦA ĐỜI THỪA
Đời Thừa không phản ánh trực tiếp hiện thực thời đại của Hộ. Người đọc biết rất ít về khung cảnh xã hội cụ thể. Chỉ vài nét sơ lược. Đó là tình cảnh đói nghèo của Hộ. Nhà văn không thể sống bằng ngòi viết. Hộ viết văn, nhà đông con, vợ ở nhà trông con, lương tháng chỉ đủ sống cho 10 ngày: ”Hộ vốn nghèo. Hắn là một nhà văn, trước kia, với cách viết thận trọng của hắn, hắn chỉ kiếm được vừa đủ để một mình hắn sống một cách eo hẹp, có thể nói là cực khổ.”, ”cả tháng Từ ăn và bắt các con ăn kham khổ, thường thường đói nữa! Quà sáng thì bỏ hẳn, có khi bữa tối cũng chịu nhịn cơm, ăn cháo.”
Tác phẩm tập trung miêu tả cái bi kịch tinh thần của nhà văn, của người trí thức tiểu tư sản trong xã hội cũ khát khao làm một cái gì nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt? Qua đó đặt ra vấn đề xã hội có ý nghĩa nhân sinh to lớn, đó là làm thế nào để người trí thức có hoài bão, có lý tưởng có thể sống có ích cho đời, thay vì phải sống trong bi kịch đời thừa.
Nam Cao miêu tả tình trạng vong thân của người trí thức qua đó gián tiếp lên ánh chế độ xã hội đã đẩy người trí thức đến tình cảnh bế tắc. Kết thúc tác phẩm là một tình cảnh thật đáng thương. Cả Hộ, Từ và đứa con cùng khóc, vì trước mặt Hộ, tháng tới lấy gì để sống, tiền nợ tháng trước chưa trả, tiền nhuận bút tháng này Hộ đã xài hết. Tình cảnh của Hộ là tình cảng “khốn nạn” thật đáng thương. Từ ru con bằng một bài hát nao lòng.
Ai làm cho gió lên giời,
Cho mưa xuống đất, cho người biệt li; Ai làm cho Nam, Bắc phân kỳ,
Cho hai hàng lệ đầm đìa tấm thân...
Đó là câu hỏi không có câu trả lời. Ai làm? Ai làm nên thảm cảnh này?
Giá trị hiện thực đặc sắc của tác phẩm thể hiện ở việc NC đặt vấn đề về trách nhiệm xã hội ngòi bút của nhà văn. “Sự cẩu thả trong văn chương thật đê tiện”. Nhà văn phải là người sáng tạo, phải viết những tác phẩm “làm cho người gần người hơn”, cũng nhắc nhở nhà văn về tính nghệ sĩ ham vui bốc đồng có thể gây ra những hậu quả mà vợ con họ phải chịu. Nhà văn phải có trách nhiệm với gia đình của mình.
GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO CỦA ĐỜI THỪA
Nam Cao thông cảm sâu sắc với những nỗi thống khổ của người trí thức trong xã hội cũ. Thông cảm nỗi khó nghèo và bất lực trong cuộc mưu sinh. Trong Những Chuyện Không Muốn Viết, Nam Cao thổ lộ điều này: ”cả đời tôi chỉ lo chết đói... nguyện vọng của tôi là có tiền cho vợ đong gạo, mua nước mắm và mua ba xu tiền thuốc cho con”. Nhà văn “điên lên vì kiếm tiền và điên lên cả tiếng con khóc”, đau đầu với những “chuyện tẹp nhẹp vô nghĩa lý” , “Tiền nhà... tiền giặt... tiền thuốc... tiền nước mắm... Còn chịu tất! Tháng vừa rồi tiêu tốn quá, mới mồng mười đã hết tiền”. NC quằn quại với những bi kịch tinh thần cũa người trí thức, mà đó cũng là bi kịch của chính ông. Thật nghiệp, chiến tranh loạn lạc, xã hội VN bị thực dân phong kiến Phát xít là cho bần cùng. Chính ông là Giáo Thứ trong Sống Mòn.
Lòng thương yêu con người của NC thể hiện tinh tế và sâu nặng trong suốt tác phẩm.
Đó là tình cảnh bi thương của mẹ con Từ. “Từ khóc như mưa, khóc tưởng chẳng bao giờ còn lặng được. Từ khóc, và ôm con ngồi nhịn đói, bởi vì Từ chẳng còn biết trông cậy vào ai, trừ bà mẹ già mù và quanh năm nay ốm, mai đau, mà Từ vẫn phải nuôi. Bà mẹ già biết làm sao? Bà chỉ còn một cách là còn được ít nước mắt nào thì rỏ cả ra mà khóc với con, và cả mẹ lẫn con chỉ có một cách là khóc cho đến khi nào bao nhiêu xương thịt đều chảy ra thành nước mắt hết, để rồi cùng chết cả”. Câu văn của Nam Cao như xuất phát từ chính trong nỗi đau của bản thân ông. Ông đã thể hiện nỗi đau của Từ như chính nỗi đau của mình.
Đó là nỗi đau đớn đến tê dại điên cuồng và chết lặng của Hộ. “Và nhiều khi, không còn chịu nổi cái không khí bực tức ở trong nhà, hắn đang ngồi bỗng đứng phắt lên, mắt chan chứa nước, mặt hầm hầm, vùng vằng đi ra phố, vừa đi vừa nuốt nghẹn. Hắn đi lang thang, không chủ đích gì. Rồi khi gió mát ở bên ngoài đã làm cái trán nóng bừng nguội bớt đi và lòng trút nhẹ được ít nhiều uất giận, hắn tạt vào một tiệm giải khát nào mà uống một cốc bia hay cốc nước chanh... Hắn thừ mặt ra như một kẻ phải đi đày, một buổi chiều âm thầm kia, ngồi trong một làn khói nặng u buồn mà nhớ quê hương. Hắn cũng nhớ nhung một cái gì rất xa xôi... những mộng đẹp ngày xưa... một con người rất đáng yêu đã chẳng là mình nữa. Hắn lắc đầu tự bảo: "Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi".
NC khóc cho tình cảnh bế tắc của người trí thức: ”Hắn ôm chặt lấy cái bàn tay bé nhỏ của Từ vào ngực mình mà khóc. Từ thức dậy, Từ hiểu ngay, không cần hỏi một câu nào cũng hiểu. Và Từ cảm động. Mắt Từ giàn giụa nước. Từ khẽ rút tay ra, vòng lên cổ chồng, nhẹ nhàng núi hắn vào, để hắn gục đầu lên cạnh ngực Từ. Hắn lại càng khóc to hơn và cố nói qua tiếng khóc: - Anh... anh... chỉ là... một thằng... khốn nạn!... - Không!... Anh chỉ là một người khổ sở!... Chính vì em mà anh khổ...”
Bút pháp Hiện Thực Phê Phán không giúp NC chỉ ra con đường giải phóng cho nhân vật của mình, nhưng tình cảm nhân đạo ông dành cho nhân vật thật đáng quý. Đời Thừa thức tỉnh người đọc về một hiện thực cần phải thay đổi đi để cứu lấy những con người khổ như Hộ.
__________________________________
ĐỀ: Tư tưởng nhân đạo sâu sắc mới mẻ của Nam Cao trong Đời Thừa.
(ĐHSP Hanoi 2000)
ĐÁP ÁN CỦA BỘ GIÁO DỤC
1. Phát hiện và phân tích sâu sắc tấn bi kịch tinh thần đau đớn của Hộ, qua đó Nam Cao (NC) tố cáo cái xã hội đã đọa đày con người trong đói nghèo, vùi dập ước mơ,làm chết mòn đời sống tinh thần và lẽ sống cao đẹp của con người.
2. Không chấp nhận cái ác, kiên định nguyên tắc tình thương, thái độ đấu tranh quyết liệt để giữ gìn cái thiện và tình thương.
Nam Cao thuộc thế hệ nhà văn 1930-1945 đã thức tỉnh sâu sắc ý thức cá nhân về sự tồn tại có ý nghĩa của mỗi cá nhân. Cá nhân khát khao được sống có ích, được cống hiến và phát huy mọi khả năng.
_____________________________________________________________
NGHỆ THUẬT MIÊU TẢ TÂM LÝ TRONG TRUYỆN NGẮN NAM CAO
Bùi Công Thuấn
Truyện ngắn Nam Cao trước cách mạng Tháng Tám là truyện ngắn tâm lý... Ngay từ những dòng mở đầu cuả truyện, Nam Cao đã dẫn ta nhập ngay vào dòng chảy suy nghĩ, dòng chảy tâm trạng cuả nhân vật. Tính chất “đang suy nghĩ”, "đang đối thoại”, “đang độc thoại”. ”đang nói chuyện trong tâm tưởng” cuả nhân vật là một đặc trưng phong cách nghệ thuật của Nam Cao. Tác giả không kể lại những suy nghĩ của nhân vật. Suy nghĩ của nhân vật không phải là một dòng ý thức tuôn chảy. Không có sự phân tích những trạng thái tâm lý, cảm xúc. Nhưng nhân vật đang nói to lên (trong đầu), nói toạc ra (với chính mình), đang mở toang cánh cửa tâm hồn mình. Giọng điệu tâm lý là giọng đang nói to cho mọi người nghe.
Người đọc khó nhận ra đâu là giọng kể cuả tác giả, đâu là giọng nói trong đầu nhân vật. Có sự chuyển hoá rất tự nhiên giữa hai giọng này: “Ầy là lúc hắn lò dò về đến sân . Hắn đang đi bỗng giật mình. Một con chó đang thiu thiu trong một bụi dong ở đầu sân nhảy choàng ra. Một tí nữa thì nó đớp vào chân hắn. Hắn nhảy cẫng lên một cái và hắn sực nhớ ra rằng: Nhà hắn có một con chó vện, con chó vện ấy hay trông gà hoá cuốc, nên lắm khi chực đớp cả chân người nhà. Đó là một cái tật không thể tha thứ được. Bởi không ai nuôi chó để nó cắn què chân bao giờ. Ờ mà lại điều này nữa: nuôi mèo hay nuôi chó cũng phải tuỳ cảnh gia đình; nhà giàu nuôi là phải; bởi nhà giàu sợ trộm mà lại nhiều cơm hớt; còn nghèo rớt mồng tơi như nhà hắn nuôi làm gì? Giá thử nhà còn trẻ nhỏ, thì nuôi chó cũng được việc. Nhưng nhà không còn trẻ nhỏ. Thằng cu con đã lên ba. Nó đã có thể ra vườn được. Hạt gạo năm nay khó chuốc như hạt ngọc. Đến bữa ăn phải tính đầu để chia cơm. Cứ tình hình ấy, thì phải dở hơi lắm lắm mới nuôi một con chó để chẳng có việc gì cho nó làm… Thế là đủ lắm. Hắn sung sướng vì đã nghĩ ra điều ấy. Hắn gật đầu luôn mấy cái. Rồi hắn đưa mắt nhìn trộm con chó vện…” (Trẻ con không được ăn thịt chó).
Trong khi thể hiện tâm lý nhân vật, Nam cao đã gọt tỉa hết những chi tiềt miêu tả ngoại cảnh. Văn Nam Cao có rất ít những đoạn tả cảnh, những đoạn dẫn truyện. Câu truyện là dòng tâm lý vận động không ngừng. Cảnh vật bên ngoài (nếu có) cũng thấm đấm tâm lý nhân vật. Thời gian hiện thực rất ít lộ ra. Đó là thời gian tâm lý, không xác định. Nam Cao hay diễn đạt thời gian bằng những từ phiếm chỉ: “Từ đấy”, “được ít lâu”, “từ ngày có ông Lang Rận”, “nhưng một đêm muà đông rét mướt kia”, “thế rồi một hôm”, ít lâu nay”, “buổi tối hôm ấy”… Có khi câu chuyện là lược sử cả một quãng đời dài cuả nhân vật (Dì Hảo, Ở Hiền). Thời gian cũng cũng lược giản còn vưà đủ để người đọc hiểu là nhân vật đã trải qua quãng thời gian ấy. Thời gian không phải là yếu tố chi phối tâm lý nhân vật và cốt truyện, mà tâm lý nhân vật tự vận động đẩy câu chuyện đi tới. Nhân vật suy đi, tính lại rồi hành động. Mạch truyện phát triển trên mạch tâm lý vận động. suy nghĩ diễn ra trong đầu nhân vật trước, từ đó thúc đẩy hành động... Tất cả tự nhiên như sự việc phải xảy ra như vậy. Tính cách nhân vật hiện lên như khắc như tạc. Khó nhận ra bàn tay đạo diễn cuả tác giả. Tâm lý gợi tâm lý, ý tưởng gợi liên tưởng, suy diễn, đòi phải hành động, dẫn đến kết thúc bất ngờ, khi dồn nén tâm lý lên đỉnh điểm.
“Anh Đĩ Chuột rít hai hàm răng lại. Hai chân giận dữ đạp phắt cái ghế đổ văng xuống đất. Cái tròng rút mạnh lại. Cái bộ xương bọc da giãy giụa như một con gà bị bẫy, sau cùng, nó chỉ còn giật từng cái chậm dưới sợi thừng lủng lẳng” (Nghèo). Đĩ Chuột treo cổ tự tử, chết một cách tội nghiệp. Mọi chi tiết trước đó trong truyện như những sức ép tâm lý ngày càng tăng lên, mãnh liệt như nước dâng, như lưả cháy, khiến cho Đĩ Chuột không thể nào hành động khác được. Anh ta dứt khoát cho đầu vào thòng lọng và giận dữ đạp phăng ghế.
Cái chết cuả Chí Phèo, cuả lão Hạc cũng diễn ra như vậy, bất ngờ, quyết liệt, dữ dội. Nhân vật không thể cưỡng lại những dồn nén tâm lý. Hành động cuả nhân vật phải diễn ra, như một tất yếu, để kết thúc tiến trình tâm lý đã phát khởi. Trong truyện Đón Khách, tuy tình huống là vui vẻ, nhưng mạch tâm lý được tích tụ ngầm ngầm, đầy ứ lên, và uất nghẹn ở kết thúc truyện. Trước mâm cơm tết “cơm trắng, cá ngon, giò đầy mâm, bánh chưng rền lắm” cả nhà ngồi lặng im. Ông Đồ cứ nghẹn luôn mãi, đôi mắt ông ầng ậc nước mắt. Uất quá, ác quá mà không nói ra được. Truyện kết thúc, gây một ấn tượng rất mạnh trong lòng người đọc, để lại một dư vị thấm thiá, lâu dài, phải suy nghĩ.
Để thực hiện được sự vận động tâm lý, gắn liền mạch truyện, loại bỏ thời gian, Nam Cao ít dùng hồi tưởng, như thủ pháp quen thuộc. Ông thường dùng liên tưởng, từ sự việc này, ông để nhân vật gợi ra, gọi ra sự việc khác. Có một mạch lập luận, suy diễn ngầm trong tâm lý nhân vật, trong kết cấu truyện. Một ý tưởng khởi điểm xuất phát, qua nhiều chặng liên tưởng loại suy, qua những sự việc hô ứng liên châu, câu chuyện phải tiến triển theo hướng đã định. Chẳng hạn truyện Những Truyện Không Muốn Viết, tác giả đã lập luận rằng, kể chuyện mình tức là “đổ đốn”. “Cái tôi” là đáng ghét, bỉ ổi, thời còn nói đến làm gì. Tác giả nói đến những cái khác. Cái khác đó là chuyện người đàn ông có vợ, chuyện con chó mực, chuyện thằng say, và cuối cùng không còn dám viết cái gì nữa. Bởi vì viết chuyện gì cũng đụng chạm, kể cả những chuyện “buông cau, cây chuối, cục đất, buổi hoàng hôn hay con lợn, nhưng biết đâu đấy?... Tôi sợ có người lại nhận mình là buồng cau, cây chuối, cục đất, buổi hoàng hôn, hay con lợn để, để mà không bằng lòng. Bởi thế, tuy chẳng muốn, tôi đành lại lấy tôi ra mà viết để cho yên chuyện”. Rõ ràng đó là một lập luận, một cấu trúc vòng tròn phát triển. Truyện Cười cũng có sự vận động tương tự. Mọi diễn biến xoay quanh cái trục lập luận là phải cười, “cứ cười đi, cười nhiều đi“. Truyện Cái Mặt Không Chơi Được cũng xoay quanh chính cái nhan đề ấy mà phát triển qua nhiều tình huống, nhiều thời điểm trong cuộc đời…
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi truyện ngắn cuả Nam Cao đều có cấu trúc rõ như vậy. Nhưng nếu để ý kỹ, người đọc dễ nhận thấy một mạch lập luận ngầm trong phong cách ngôn ngữ cuả Nam cao, dù là một đoạn văn, hay một cảnh, hoặc cấu trúc truyện. Đoạn sau đây trong Đón Khách là một thí dụ.
“Có giời biết đấy; quả thật Sinh không ác. Nhưng mà Sinh nhẹ dạ. Ấy là cái tật chung cuả những người trẻ tuổi. Vả lại, Sinh vẫn tưởng không đời nào lại có những người ngớ ngẩn như thế đươc. Vẫn biết ông Đồ tính thật thà. Nhưng còn bà cụ nữa chứ! Bà phải hiểu rằng Sinh đùa cợt, có ai ngờ bà Đồ cũng lẩn thẩn như ông Đồ nốt. Bởi thế, mới đầu năm mà hàng xóm đã được một mẻ tức cười. Nhưng nói thế thì ai hiểu. Truyện phải kể có đầu, có đuôi. Vậy đầu đuôi như thế này…”
Người đọc thường gặp trong suy nghĩ cuả nhân vật hoặc trong chuyển mạch truyện, Nam Cao hay dùng từ ngữ cuả văn nghị luận: “quả thật”, “nhưng mà”, “vả lại”, “bởi thế”, “vậy”, “nên”, “thế mà”, “ấy mà”… Điều đặc sắc là tuy mạch truyện và ngôn ngữ được viềt bằng phong cách chính luận, nhưng văn Nam Cao vẫn tự nhiên. Người đọc tưởng như phải viết như vậy, nhân vật phải cảm nghĩ như vậy, câu chuyện phải tiến triển như vậy không khác đi được. Điều này gợi ra hai cách lý giải, tuy sử dụng ngôn ngữ lập luận nhưng đó chỉ là yếu tố nhỏ trong nhiều biện pháp xây dựng hình tượng nhân vật, đồng thời nó phản ánh tính chất suy tư trong con người Nam Cao.
(Trích trong bài viết: Phong cách nghệ thuật của Nam Cao của BCT)
___________________________________________________
NGHỆ THUẬT MIÊU TẢ TÂM LÝ TRONG ĐỜI THỪA
(Đáp án đề thi ĐH khối C năm 2005 của Bộ Giáo dục)
1. Nam Cao đã diễn tả, phân tích rất sâu sắc những giằng xé trong tâm hồn Hộ
Trước hết là những day dứt của Hộ về nghề nghiệp. Anh có khát vọng cao đẹp, muốn nâng cao giá trị đời sống của mình bằng lao động sáng tạo nghệ thuật, cống hiến cho đời những tác phẩm giá trị. Nhưng thực tại đen tối, hoàn cảnh gia đình túng quẫn, buộc anh phải viết thứ văn chương “vô vị, nhạt nhẽo”. Anh đau khổ vì thấy mình đã trở thành một kẻ “vô ích, một người thừa”.
Nam cao còn miêu tả rất tinh tế những dằn vặt của Hộ về nhân cách.Hộ vốn là người nhân hậu, vị tha.Trong bất cứ hoàn cảnh nào Hộ cũng không từ bỏ tình thương để làm một kẻ tàn nhẫn.Nhưng do bức xúc về công việc viết lách, anh trút hết buồn bực lên đầu vợ con, gây đau khổ cho người mình yêu thương, rồi lại hối hận về chính điều đó.
2. NC đã khéo léo tạo tình huống đầy kịch tính để đẩy xung đột nội tâm của nhân vật lên đỉnh điểm.
Xung đột nội tâm của Hộ thể hiện ở mâu thuẫn không thể dung hòa giữa sống với hoài bão nghệ thuật vàsống với nguyên tắc tình thương. Chính vì không thể chọn một trong hai con đường nên NC rơi vào bế tắc.
Tâm trạng căng thẳng bế tắc của Hộ được diễn tả theo một cái vòng quẩn quanh: khát vọng – thất vọng - nhẫn tâm - hối hận – khát vọng - thất vọng ngày càng nặng nề hơn.
3. NC rất linh hoạt trong việc ngôn ngữ để miêu tả nội tâm
Có chỗ nhà văn dùng lời người kể chuyện để miêu tả tâm lý nhân vật: ”Hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời. ”Có khi là lời nhân vật tự biểu hiện nội tâm của mình: ”Ta đành phí một vài năm để kiếm tiền”. Có lúc vừa là lời người kể chuyện, vừa là lời nội tâm nhân vật: ”Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn... Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Tất cả góp phần diễn tả sinh động tâm lý nhân vật Hộ.
4. BCT Bổ sung
Mạch truyện được kể bằng việc chuyển từ tâm lý nhân vật này sang tâm lý nhân vật kia, kết hợp với kỹ thuật để cho nhân vật hồi tưởng. Thí dụ: Từ đang hồi tưởng nhớ lại những ân nghĩa của Hộ, Nam Cao chuyển:
”Bởi thế, nên luôn mấy năm trời, Hộ thấy Từ là một người vợ rất ngoan, rất phục tùng, rất tận tâm. Và đáng lẽ thì Hộ phải sung sướng lắm.
Nhưng Hộ chỉ sung sướng được ít lâu thôi. Sau cái hành vi đẹp của hắn, và cái hành vi ấy được trả công bằng một tình yêu rất êm đềm, hắn chỉ còn nghĩ đến gia đình, chỉ cốt làm sao nuôi được gia đình. Hộ vốn nghèo. Hắn là một nhà văn.”
Kết cấu truyện được viết theo mạch sau đây: Hộ đang đọc báo (ở hiện tại) rồi hồi tưởng về quá khứ (để giới thiệu nhân vật, căn nguyên sự việc) sau đó trở về hiện tại. Từ nhắc Hộ tiền nợ tháng này. Truyện phát triển về tương lai: Hộ đi xuống phố và kết truyện là một cảnh nhà Hộ sáng hôm sau. Nhờ kết câu tâm lý - hồi tưởng, NC tái hiện được số phận của nhân vật trong một truyện ngắn. Vì thế truyện ngắn NC thường có dung lượng phản ánh thực tại rộng trong thời gian không gian. Mạch thời gian và không gian bị tước bỏ, chỉ còn lại rất ít.
Có sự kết hợp một cách tài năng giữa cách viết hồi tưởng với việc phân tích tâm lý, miêu tả sự việc và ngôn ngữ đối thoại, đặt trong những tình huống đặc biệt. Chẳng hạn, cảnh nhà Hộ sáng hôm sau. Khi tỉnh dậy, Hộ quan sát. Nhà cửa vẫn tươm tất. Hộ nhớ lại sự việc hồi hôm, rồi đến chỗ Từ nằm trên võng, kết bằng cảnh ba người cùng khóc, kết bằng một bài ca dao.
“Sáng hôm sau. Hắn thức dậy trên cái giường nhà hắn. Hắn thấy mình mẩy đau như dần, đầu nặng, miệng khô và đắng. Cổ thì ráo và rát cháy. Hắn đưa tay với ấm nước ở trên bàn để uống. ấm nước đầy và nước hãy còn ấm. Ðó là sự ý tứ của Từ. Hộ hiểu thế, và lòng buồn nao nao. Bởi hắn lờ mờ nhớ ra rằng: hình như đêm qua hắn say rượu, đi la cà chán rồi về, lại gây sự với Từ; hình như hắn lại đánh cả Từ, đuổi Từ đi, rồi mới đóng cửa lại và đi ngủ... Hắn đột nhiên hoảng sợ, nhổm dậy, mắt nhớn nhác tìm Từ...
Bây giờ Từ đang thiếp đi trên võng, đứa con nhỏ nằm bên. Từ vốn dậy sớm quen. Sáng nay, chắc Từ mệt quá, vừa mới lịm đi, nên mới ngủ trưa như thế. Ðầu Từ ngoẹo về một bên. Một tay Từ trật ra ngoài mép võng, sã xuống, cái bàn tay hơi xòe ra lỏng lẻo. Dáng nằm thật là khó nhọc và khổ não. Hắn bùi ngùi. Chao ôi! Trông Từ nằm thật đáng thương..”
________________________________________
ĐỀ : Viết về Nam Cao , nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hoàng Khung nhận xét: “Một điểm đặc sắc cuả ngòi bút Nam cao là từ những sự việc rất tầm thường quen thuộc trong đời sống hằng ngày đã đặt ra những vấn đề xã hội có ý nghiã to lớn".
Bằng những hiểu biết về tác phẩm cuả Nam Cao , anh chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
(Đề thi học sinh giỏi Văn Đồng Nai 24.11.2004)
Nhập đề: Giới thiệu Nam Cao , sự nghiệp văn chương , để dẫn đến đề: đặc điểm sáng tạo cuả NC.
Thân bài:
1. Giải thích ý kiến Nguyễn Hoành khung
a. Thuật ngữ “ngòi bút“ dùng để chỉ những sáng tác (tác phẩm), cách thức tạo ra tác phẩm (phương pháp sáng tác) và những đặc điểm về phong cách. Nói đặc điểm ngòi bút Nam Cao là nói đến đặc điểm cuả cách xây dựng tác phẩm, đặc điểm cuả phương pháp sáng tác và phong cách cuả Nam Cao.
b. Đặc điểm ấy cuả NC là gì:
NC chọn chất liệu là những sự việc tầm thường cuả đời sống hàng ngày.
Nội dung, tư tưởng cuả NC là những vấn đề xã hội có ý nghiã to lớn.
Từ đó, ta hiểu phương pháp sáng tác cuả NC là chủ nghiã hiện thực.
Đặc điểm này chi phôí nhiều yếu tố khác cuả quá trình sáng tạo như chọn lưạ nhân vật, kiểu ngôn ngữ , kiểu cấu trúc tác phẩm.
2. Chứng minh:
a. Truyện Lão Hạc :
Chất liệu là sực việc Lão Hạc bán con chó: Việc bán chó diễn ra thế nào? Lai lịch con chó, tại sao phải bán chó, bán chó rồi Lão Hạc sống ra sao, từ đó dẫn đến cái chết cuả Lão Hạc.
Vấn đề xã hội có ý nghiã lớn lao là: làm thế nào để giữ được nhân cách. Lão Hạc đã phải chọn cái chết để giữ cho nhân cách không bị tha hoá. Nếu lão sống, lão phải ăn vào phần cuả con, hoặc sống nhờ ông giáo, hoặc theo Binh Tư đi ăn trộm. Lão nhất định không chấp nhận những giải pháp ấy. Lão giữ nhân cách bằng sự chọn lựa cái chết dữ dội.
b. Truyện Đời Thừa:
Chất liệu là cảnh sống nheo nhóc cuả vợ con nhà văn. Tháng này tiêu xài nhiều chỉ mới mùng 10 đã hết lương. Vợ con nhịn sáng, nhịn quà, có khi nhịn cả bữa tối. Cảnh sống này hiện diện trong Giăng Sáng, Những Chuyện Không Muốn Viết, Quên Điều độ, Cười, Nước Mắt... và chất liệu: tính bốc đồng nghệ sĩ.
Vấn đề xã hội có ý nghĩa lớn lao: Bi kịch người trí thức Tiểu Tư sản, muốn sống có ích lại trở thành người thừa, thành kẻ ác, kẻ bất lương đê tiện. Phải thay đổi xã hội cũ để cứu lấy nhà văn.
3. Đánh giá nhận xét cuả Nguyễn Hoàng Khung:
a. Nguyễn Hoành Khung đã chỉ ra một đặc điểm quan trọng làm nên giá trị ngòi bút Nam Cao: từ chất liệu sự việc tầm thường trong đời sống hàng ngày, NC lại có khả năng sáng tạo nên tác phẩm đề cập đến những vấn đề xã hội có ý nghiã to lớn. (Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng lại chọn những sự việc to lớn: như nạn sưu thuế, đời sống tư sản thánh thị).
b. Nhưng điều gì giúp NC sáng tạo được từ chất liệu tầm thường? Đó là tấm lòng nhân đạo và chủ nghiã hiện thực mà ông đã chọn lưạ khi chỉ viết về “những tiếng đau khổ từ những kiếp lầm than", cùng với nỗ lực “đào sâu suy nghĩ, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có“, tức là nỗ lực sáng tạo theo một con đường riêng.
Kết luận:
Sáng tác cuả NC là sự kết hợp cuả chủ nghiã hiện thực và chủ nghiã nhân đạo sâu sắc, nhưng NC có cách sáng tạo riêng, từ sự việc tầm thường trong đời sống hàng ngày mà tạo nên tác phẩm, đặt ra những vấn đề xã hội có ý nghĩa lớn lao. Có thể nói chính những quan niệm nghệ thuật tiến bộ đã làm nên giá trị ngòi bút Nam Cao.