Sức sống văn hóa của một vùng ngôn ngữ đầy năng động

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Trong một lần đi Vũng Liêm dạy nhạc, tôi nghe cô sinh viên đọc câu ca dao ngay ngoài của sổ, nơi tôi nghỉ trưa:

Rau răm đất cứng dễ bứng khó trồng
Dãu thương cho lắm cũng chồng người ta


Không hiểu sao câu ca dao ấy lại ám ảnh tôi. Có thể là do tôi mới nghe lần đầu, cũng có thể là do giọng đọc của cô gái ấy. Tôi hiểu, đó là thơ dân gian, thật như dân gian. Còn dân gian cụ thể là ai, rất có thể là chính cô gái ấy. Chẳng màu mè gì cả, cứ thẳng đuồn đuột mà nói ra. Ngồ ngộ như là câu ca dao mà Lê Đình Bích đã đọc cho tôi nghe: muối chua, chanh mặn, đường cay; lát gừng thì đắng từ ngày xa anh. Tình yêu mà phải chia xa thì thế giới đảo lộn tất cả là phải. Thơ dân gian Nam Bộ bao giờ cũng thật đến chạnh lòng. Nhưng đọc kỹ, ta dễ nhận thấy sự năng động của ngôn ngữ mãnh liệt tới không cưỡng được. Như nỗi niềm không thèm che đậy của cô nàng tội nghiệp sau đây:

Vì chàng thiếp chịu đòn oan
Không tin cỡi áo cho chàng xem lưng


Đại loại trong đời sống ngôn ngữ của mình, ca dao Nam Bộ có rất nhiều câu thơ thật và nôm na như vậy. Ở đây sự chải chuốt và đánh bóng ngôn ngữ là không cần thiết, bởi tính mục đích không phải là cái đẹp của hình tượng qua lớp vỏ ngôn ngữ hình thức, mà cái đẹp chính là nỗi niềm cần bộc bạch. Chẳng hạn:

Thân em như trái xoài trên cây
Gió đông, gió tây, gió nam, gió bắc
Gió đánh lúc la lúc lắc trên cành


Quả là chông chênh và lúc lắc quá chừng quá đổi, lấy gì bảo đảm trái chín không bị rụng xuống một cách phí phạm, bởi có quá nhiều ngọn gió tham thố tới đòi cướp giật. Trái chín thì phải rụng, đó quy luật, ngoại trừ có kẻ biết nâng niu đem về để tận hưởng. Đằng này đây là xoài chín, trái càng mọng càng ngon lại càng dễ rụng. Nỗi niềm ấy ai có hiểu cho.

Tôi phục tài thơ của nữ sĩ Xuân Hương, khóc tế ông chồng Tổng Cóc toàn cóc nhái. Nhưng khi đọc và nghe đươc bài dân ca sau đây của Nam Bộ, thì tôi ngộ ra, dân gian còn tài hoa hơn nữ sĩ lừng danh của chúng ta rất nhiều.

Cóc chết nàng nhái mồ côi
Chàng hiu đi hỏi lắc đầu hổng ưng
Con cóc ngồi ở gốc đưng
Nó kêu cái ẹo biểu ưng cho rồi


Sự tấn công vào hệ tư tưởng phong kiến thủ tiết thờ chồng quả là mạnh mẽ tới chóng mặt. Cũng chỉ toàn là cóc nhái ễnh ương đó thôi. Dân gian dân giã như nhau cả, bày đặt mà làm gì. Cái chính vẫn cứ là cuộc sống, luôn luôn vẫn cứ là cuộc sống; con người ta trước hết và trên hết, bao giờ cũng cần phải sống, mọi giá trị ý thức hệ, chỉ được dựng lên khi cuộc sống được tôn trọng như chính sự cần thiết sống của cuộc sống.

Tôi nhớ chuyện có gả trai trẻ ngông nghênh thách thức với mạng sống của mình, rằng anh ta bất cần sống hay chết, cho rằng cái chết chẳng nghĩa lý gì cả, bởi chết là hết, vậy thì việc gì phải sợ chết. Vậy rồi theo quy luật sanh lão bệnh tử, cuối cùng rồi gả trai trẻ cũng nằm ngáp ngáp với tuổi tác xế bóng của mình. Hàng ngày, hễ thấy vắng bóng con cháu là gả hoảng lên, rên rẫm: tụi bây đâu cả, sao để tao nằm mình ên vầy nè! Ấy là gả đã biết sợ, khi mạng sống của gả đã bắt đầu được lưỡi hái của thần chết tìm tới hỏi thăm. Vậy thì sự sống mới chính là chân lý mà con người cần phải ngộ ra mà sống. Nó chính là lý tưởng trên hết của mọi lý tưởng. Trước hết ta cần phải sống, rồi từ sự sống tìm cách vượt lên tất cả vì một lẽ sống đẹp hơn, cho một lẽ sống đẹp hơn.

Tôi rất thích lời tâm sự rưng rưng này của một thôn nữ nào đó trong dân gian:

Ví dầu cá bống hai mang
Cá trê hai ngạnh, tôm càng hai râu
Anh về bên ấy đã lâu
Để em vò võ canh thâu một mình.


Có người thắc mắc tôm càng sáu râu chứ chẳng phải hai râu. Vậy thì còn gì là thơ ca nữa. Trong thiên nhiên cái gì cũng có đôi, đến giọt mưa trên trời rơi xuống cũng sóng đôi từng hai giọt một, không lẽ chúng ta cứ lúc nào cũng đòi tách bạch đếm cho đủ từng cặp hay sao. Chuối khoe mình chuối còn trinh, cớ sao chuối lại một mình có con. Nói theo ngôn ngữ khoa học bây giờ, có lẽ bà mẹ nông dân của Thánh Gióng là người đầu tiên trên thế giới sanh con theo nguyên lý nhân bản vô tính. Chẳng lẽ chúng ta lại đi thắc mắc cả truyền thuyết. Còn nếu như khoa học là đúng triệt để, thì việc gì dân gian lại cứ phải bày đặt trên cung trăng ngoài cô Hằng còn có thêm chú Cuội. Trí tuệ dân gian quả là cực kỳ khôn ngoan và sáng suốt.

Đã có lần tôi tỉ mẩn sắp xếp lại hệ thống chữ nghĩa của câu ca dao sau:

Trông lên chữ ứ
Ngó xuống chữ ư
Anh có thương em thì thủng thẳng em ừ
Chứ đừng thương vội phụ mẫu từ nghĩa em


Ngộ thiệt. Ứ – Ư – Ừ . Đó là hệ thống bày tỏ cảm xúc ở ba cấp độ tình cảm khác nhau. Tôi nhớ và so sánh câu ca ấy với điệu lý “Ba xa kéo chỉ”. Ba xa kéo chỉ trên chòi, xa kêu vòi vọi anh đòi chuyện chi. Trí tuệ dân nhạc đã biến câu ca dao ấy thành giai điệu luyến láy tới động lòng trắc ẩn. Xin được dẫn ra thành lời: Ba xa kéo chỉ rường ở ở trên chòi, tiếng xa kêu kêu vòi vọi ư ừ ư, tiếng xa kêu kêu vòi vọi ư ừ ư, anh đòi chi chuyện chi, quý châu thảo lương thảo lương, tiếng xa kêu kêu vòi vọi ư ừ ư, anh đòi chi chuyện chi… Chuyện trai gái của đôi lứa xin miễn kể ra làm gì, chỉ biết ca dao thật như vậy, là ca dao của bình dân đến hết mức bình dân; nếu dùng ngôn ngữ phóng tác cho óng mướt hơn thì còn gì để nói.

Tôi vẫn thường nghe người ta nói đến ấp văn hóa, gia đình văn hóa, mà rất lấy làm ngạc nhiên, bởi văn hóa là những giá trị sẵn có và những giá trị khác đang tiếp tục hình thành trong cuộc sống; vậy chẳng lẽ đến khi được công nhận là văn hóa chúng ta mới có văn hóa hay sao. Câu ca dao sau có văn hóa không: Dĩa bàng thang con tôm càng dựng đứng, bởi gia cảnh anh nghèo nên c. nứng nửa con. Văn hóa là nền tảng của cuộc sống, là toàn bộ những giá trị vật chất, tinh thần của con người, do chính con người sáng tạo nên, nó là giá trị tham chiếu để đánh giá mức độ văn minh của lối sống, chứ không phải là tham chiếu để suy tôn hay để công nhận chúng ta có văn hóa, quê ta có văn hóa, như sự lầm tưởng tai hại của một số người đang thậm xưng là làm văn hóa, công nhận văn hóa. Đám cưới, đám ma là văn hóa. Đám ma kéo dài mấy ngày, đám cưới linh đình mấy trăm mâm, đó là tham chiếu để chúng ta đánh giá thái độ hành xử văn minh của con người với cuộc sống. Tốt xấu xin miễn bàn.

Dân gian có câu: Con quạ đen con cò trắng, em ngồi em nghĩ con quạ trắng con cò đen. Có phải là sự lạ chăng của trí tuệ dân gian trước những sự ngược đời như thế?

Hãy nghe câu ca dao sau cất lên từ miền đất cực Nam tổ quốc, vùng đất từng được vinh danh là vựa tôm cá lớn nhất của cả nước:

Chèo ghe đi bán cá lòng tong
Nước chảy ròng ròng chẳng có ai mua


Theo Hồ Tĩnh Tâm - Văn Chương Việt
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top