vanchuong83
New member
- Xu
- 0
SỨC MẠNH CỦA NGÔN TỪ - VĂN HỌC VÀ ĐỘC GIẢ THẾ KỶ 21
Với sự góp mặt của các diễn giả: Chuyên gia văn hoá đọc Tom Forrest (vương quốc Anh), nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thị Minh Thái và dịch giả trẻ Cao Việt Dũng, hội thảo “Sức mạnh của ngôn từ - văn học và độc giả thế kỉ 21” được tổ chức vào tối qua (30/7) tại Nhà bảo tàng Đại học Mĩ thuật Hà Nội, 42 Yết Kiêu thực sự là một cuộc trò chuyện lý thú...
Sức lôi cuốn của buổi hội thảo được khẳng định bởi số lượng thính giả đông đảo, trong đó có cả những khuôn mặt “lão làng” trong giới văn nghệ sĩ: dịch giả Dương Tường, nhà thơ Hoàng Hưng, Đặng Thân, đạo diễn Thạc Chuyên… Hội thảo được mở đầu bằng lời nhận định khá “dân dã, mộc mạc” của giám đốc Thư viện Quốc gia, ông Phạm Thế Khang: “Văn học với người Việt Nam giống như món cơm tẻ vậy”. Có điều, đã xuất hiện một thực tế là món cơm tẻ ấy hiện nay “hơi khó nuốt”. Và để lý giải nguyên nhân của thực trạng này, thiết nghĩ chúng ta còn phải mở nhiều cuộc hội thảo nữa.
Chương trình hội thảo có hai phần khá rõ ràng, cụ thể: điểm sách, khái quát đời sống văn học đương đại Anh và trao đổi chiến lược phát triển độc giả trong thế kỉ 21.
Trong phần điểm sách, các diễn giả đã giới thiệu một số tác phẩm văn học Việt nam đương đại gây được tiếng vang như: Chuyện lan man đầu thế kỷ (Vũ Phương Nghi), Tầng thứ nhất (Di Li), Người vớt phù du (Phạm Hải Anh), Hình bóng đàn bà (Vũ Xuân Tửu)… Đáng chú ý là lời nhận xét của nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Minh Thái: “đọc là một công việc cô đơn”, cũng giống như công việc sáng tạo thầm lặng của người nghệ sĩ, có điều đáng mừng là hiện nay xuất hiện một bộ phận những nhà văn sáng tác trong hoàn cảnh xa xứ với một vốn tiếng Việt tinh tế và thanh thoát, đủ sức chia sẻ với những người đọc khó tính.
Trong khoảng thời gian 20 phút, chuyên gia văn hóa đọc Tom Forrest đã khái quát (theo ý kiến chủ quan) những khuôn mặt văn sĩ ưu tú của đời sống văn học Anh đương đại (mà theo ông là phải xét lịch trình ấy trong 100 năm). Ở đó ta bắt gặp E.M.Forster, W.Owen, W.H.Auden, P.Barker, I.Smith và đặc biệt là hai tác giả quen thuộc với giới nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam: J.Joyce và S.Rushidie (tác giả của "Những vần thơ của quỷ Sa-tăng"). Đồng thời ông cũng chia sẻ với bạn đọc Việt Nam trong việc dịch và thưởng thức những tác phẩm đồ sộ của “nhà văn nổi tiếng nhưng ít người đọc” – J.Joyce. Và Tom Forrest hy vọng với hai bộ phim (dựa trên cốt truyện Uylix) sắp ra mắt khán giả sẽ góp phần “phổ cập” cuốn tiểu thuyết “hoành tráng” này.
Không khí trao đổi khá cởi mở với những câu hỏi xoay quanh những vấn đề nóng hổi của đời sống văn học đương đại: có hay không có chủ nghĩa Hậu hiện đại trong những sáng tác văn học Việt Nam, hay những ảnh hưởng của thuyết Phân tâm học đối với sáng tác văn học, mối quan hệ giữa triết học và văn học…
Dịch giả trẻ Cao Việt Dũng (người dịch rất thành công cuốn tiểu thuyết "Phía nam biên giới, phía tây mặt trời" của H.Murakami) đã đưa ra một quan điểm khá táo bạo: “Sự phân chia lộ trình văn học thành các chủ nghĩa này nọ là một vấn đề khó mà đạt được hiệu quả tối ưu, thậm chí là một cách nhìn nhận quá dễ dãi về văn chương”. Nó cơ hồ chỉ là một thủ thuật để “chỉ chỗ ngồi trong chốn văn chương”, một cách hướng dẫn đọc tác phẩm, trong khi “văn học biểu diễn bằng ngôn từ, nó là một đường bay vô hạn định của trí tưởng tượng” (Nguyễn Thị Minh Thái). Có điều chắc chắn là với một cách viết mới, cách thể nghiệm mới sẽ đặt những “người đọc tận tuỵ” trước yêu cầu cần có một lối đọc mới.
Chuyên gia tư vấn về văn hoá đọc Tom Forrest cũng có một phần trao đổi khá thú vị về chiến lược phát triển độc giả với việc đưa ra quan điểm: “Người Anh không coi việc đọc là một vấn đề học thuật (hay nặng về giáo dục) mà coi trọng tính chất thưởng thức nhằm tạo ra sự tự tin và ham muốn đọc”. Ông chủ trương đặt người đọc vào vị trí trung tâm, mỗi người đọc với trình độ, vốn sống của mình sẽ rút ra được những điều bổ ích từ cuốn sách mà mình chọn đọc. Ông cũng tin vào việc phát triển độc giả ở Việt Nam (có lẽ vị chuyên gia này đã có dịp du lãm qua “thế giới sách Đinh Lễ”, hay được chiêm ngưỡng cảnh bày bán sách la liệt ở vỉa hè). Trao đổi về các kĩ năng quảng bá sách, dịch giả Cao Việt Dũng cho rằng hình thức giới thiệu sách trên mạng là một dạng “tiền chuyên nghiệp” trong công nghệ phát hành sách. Ngoài ra còn một cách thức đơn giản mà hiệu quả là sự trao đổi thông tin về sách trong mạng lưới mối quan hệ thân quen.
Nhà báo Bích Yến (báo Văn nghệ) đã đặt ra một câu hỏi “sát sườn”: làm thế nào để phát triển văn hoá đọc ở một đất nước nông nghiệp, khi mà việc có được một cuốn sách thú vị và hiểu được nội dung của nó đôi khi còn “vất vả hơn đi cày”? Ngay lập tức, ông Tom Forrest chia sẻ những phương thức mà chính phủ Anh đã áp dụng khá hiệu quả cách đây hơn 20 năm: kêu gọi những nhà xuất bản, nhà hảo tâm hỗ trợ sách, đưa sách tới những vùng sâu vùng xa… Đây là cách thức mà Đài Truyền hình Việt Nam đã áp dụng thành công với chuyên mục Tặng sách - Mỗi ngày 1 cuốn sách. Còn theo nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, người đã có nhiều lời “báo động” về thực trạng không mấy sáng sủa trong văn hoá đọc của người Việt thì vấn đề là phải đổi mới phương pháp đọc, phải thay đổi “căn tính nông dân trong cách đọc” (xoá bỏ lối đọc hời hợt, không chuyên tâm).
Theo kế hoạch, ngày hôm nay (31/7), chuyên gia tư vấn văn hoá đọc Tom Forrest sẽ có cuộc nói chuyện với những độc giả của Thư viện quốc gia, và vào ngày 3/8/2007 sẽ có cuộc trao đổi tại cafe Zenta, 41 Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các diễn giả Nguyễn Viện, Nhật Chiêu, Phan Hồn Nhiên.
Hoạt động café văn học lý thú này nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Anh.
(Sưu tầm)