Sự thật và niềm tin: Những chiến sĩ hay là những người cộng tác?

rubi_mos2002

New member
Xu
0
Cuối thập niên 80, một hình thức trị liệu mới cho trẻ tự kỷ nặng xuất hiện. “Truyền thông tạo điều kiện’ dựa trên quan điểm cho rằng bằng cách nắm tay của trẻ trước bảng chữ hoặc bàn phím máy tính, một người điều phối (người được huấn luyện về truyền thông tạo điều kiện) có thể cho pho phép trẻ tự kỷ bộc lộ hoàn toàn bản thân bé.

Quan điểm này thật lôi cuốn và những kết quả ban đầu là tích cực. Với sự giúp đỡ của những người điều phối nhiệt tình, những trẻ mắc tự kỷ nặng với những hạn chế trong lời nói và vận động đã nhanh chóng bắt đầu trả lời các câu hỏi, nói mạch lạc những suy nghĩ của chúng. Kỹ thuật mới này dường như là một bước đột phá trong việc điều trị những bệnh rối loạn giao tiếp nghiêm trọng; các kết quả là một sự khẳng định làm ấm lòng những hy vọng của nhiều phụ huynh và nhà giáo dục.

Tuy nhiên, những hoài nghi nhanh chóng xuất hiện. Những lời phê phán về kỹ thuật mới cho rằng các kết quả không có liên quan gì đến những ước muốn của trẻ và mọi thứ đều có liên quan đến những ước muốn – những chuyện động tay tinh tế - của các nhà điều phối. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể biết liệu một hành động đánh máy bởi một trẻ tự kỷ với sự giúp đỡ của một người điều phối đến từ trẻ hay là từ người điều phối?

Làm thế nào một người đứng bên ngoài, trung lập quyết định được vấn đề? Chúng ta thường tin tưởng những báo cáo của con người về kinh nghiệm của họ, đặc biệt khi thiếu vắng những động cơ kín đáo, không nói ra. Nhưng quan điểm của những người chỉ trích nghe có vẻ hợp lý. Làm thế nào chúng ta biết sự thật?

Thật may mắn, nền văn minh của chúng ta đã phát triển một cách để làm trọng tài giữa những tuyên bố cạnh tranh nhau, có thể kiểm tra được. Nó được gọi làphương pháp khoa học. Nó là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của con người.

Nhiều người có thôi thúc xem khoa học như một danh sách những câu hỏi, một sự phô trương những khám phá và phát minh nổi tiếng. Nhưng các khám phá khoa học chỉ đơn thuần là những sản phẩm của sự đổi mới thực sự, đó là phương pháp của sự thẩm tra. Đóng góp độc đáo duy nhất của khoa học là cách nó đặt ra các câu hỏi hoặc kiểm tra những luận điệu bằng cách đi theo bằng chứng hơn là đi theo những mong đợi, truyền thống, những mong ước, huyễn tưởng, trực giác hoặc ý tưởng bất chợt của những người quyền lực.

Nói cách khác, khoa học không muốn tin. Nó muốn biết. Và nó biết làm thế nào.

Để biết liệu những truyền thông tạo điều kiện trong thực tế là những thông điệp từ trẻ hay là chỉ từ người điều phối, các nhà khoa học đã thiết kế một thực nghiệm đơn giản: Khô View attachment 14627 ng cho người điều phối nhìn thấy câu hỏi được đặt ra cho trẻ. Nếu những người điều phối chỉ đơn thuần là điều phối chuyển động bàn tay của trẻ thì khi đó kiến thức của họ về một câu trả lời nên là không quan trọng đối với khả năng trả lời câu hỏi của trẻ. Các kết quả là thuyết phục được. Trẻ tự kỉ không thể trả lời một câu hỏi mà người điều phối của bé không biết câu trả lời cho câu hỏi (hoặc không thể nghe và nhìn thấy câu hỏi). Nó loại bỏ bất kì ảnh hưởng tích cực nào của phương pháp tạo điều kiện lên giai đoạn trả lời. Truyền thông tạo điều kiện đánh mất vị trí của nó như một cách trị liệu chính thống, logic.

Nhưng không phải tất cả mọi người đều mất niềm tin của họ vào quá trình này. Như được chỉ ra trong một bài viết gần đây, truyền thông tạo điều kiện vẫn sống, vẫn được thực hành và được dạy.

Trường hợp này cho thấy làm thế nào mà kiến thức khoa học không dễ dàng thay thế niềm tin; sự thật không dễ dàng thay thế niềm tin. Con người khá ngoan cố trong khả năng bám chặt vào những niềm tin; thậm chí khí đối mặt với bằng chứng trái ngược. Hiện tượng này rất phổ biến, nó thậm chí có một tên gọi: hiệu ứng duy trì niềm tin (belief perseverance effect.)

Những người hoài nghi và những người đam mê khoa học thường giả định rằng xu hướng bám lấy niềm tin dù đối mặt với bằng chứng ngược lại, là những dấu hiệu của sự lười biếng và ngây thơ của con người. Nhưng nói chung, quan điểm này cũng là một quan điểm lười biếng và ngây thơ.

Niềm tin và sự thật có vẻ là những đối thủ; nhưng, giống như hai đội bóng đá, ở mức độ sâu sắc hơn, họ thực sự đang hợp tác để giữ cho trò chơi tiếp tục. Đối với loài người, trò chơi này là sự sinh tồn. Nhu cầu tin (vào một điều gì đó) và nhu cầu hiểu biết đều là những tính năng của sự sinh tồn của loài người. Sự căng thẳng giữa niềm tin và kiến thức là một sự biểu lộ của những quy tắc, không phải một sự lật đổ của chúng.

Về phần mình, niềm tin làm tăng khả năng sống sót của chúng ta theo nhiều cách. Thứ nhất, ‘niềm tin lớn’ (được thể hiện trong niềm tin tôn giáo) góp phần củng cố tổ chức xã hội. Như nhà xã hội học Randall Collins từng nói, Chúa là một biểu tượng của sự tồn tại xã hội của chúng ta. Khi chúng ta ca tụng Chúa, thực tế là chúng ta đang ca tụng khả năng hòa hợp, chia sẻ những giá trị và mối kết nối của chúng ta. Những niềm tin lớn cải thiện sự đoàn kết và cố kết xã hội. Những thành viên của các nhóm được tổ chức tốt, cố kết thì có nhiều khả năng sống sót hơn. Đây là một lý do mà như E.O. Wilson từng quan sát thấy, tâm trí con người được tiến hóa để tin vào Chúa. Nó không được tiến hóa để tin vào sinh học.

Đồng thời, ‘niềm tin nhỏ’, ví dụ niềm tin của tôi rằng vợ sẽ không bỏ tôi, là cần thiết để duy trì mối quan hệ hằng ngày. Không có người nào có thể biết hoàn toàn và dự đoán được toàn bộ về người khác hoặc về bản thân họ; tính không thể dự đoán được về con người thì thường gây nguy hiểm nhiều hơn cho sự tồn tại và hạnh phúc của chúng ta hơn là tính không dự đoán được của những quá trình tự nhiên hoặc động vật; và chúng ta phải tin tưởng nhau để tồn tại và phát triển, niềm tin trở thành một cái giàn cần thiết, lấp cái hố ngăn cách giữa điều chưa biết là ‘tôi’ và điều chưa biết là ‘bạn’. Tin tưởng một ai đó lúc nào cũng là một sự biến đổi của niềm tin.

Thêm nữa, vì niềm tin có thể được hình thành nhanh chóng và dễ dàng, nó thường đến trước kiến thức. Nó giúp chúng ta tổ chức, chịu đựng và kiên trì trong cuộc tìm kiếm tri thức. Niềm tin cho phép chúng ta thực hiện các bước đầu tiên ngay cả nếu chúng ta vẫn chưa nhìn thấy toàn bộ cầu thang.

Do đó, khi kiến thức mới cuối cùng đã xuất hiện, nó thường xuất hiện trong bối cảnh của những niềm tin đã tồn tại từ trước và đòi hỏi một số niềm tin phải thay đổi. Kháng cự sự thay đổi đó thường bị xem như một kiểu lười biếng hoặc ngu ngốc. Nhưng nó không nhất thiết như vậy.

Trong thực tế, kháng cự sự thay đổi là một đặc tính có ích của bất kỳ hệ thống có giới hạn nào. Một hệ thống dễ thay đổi thì nó không còn là hệ thống nữa. Nếu sự thay đổi quá dễ dàng đối với chúng ta thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên hỗn loạn. Một hệ thống cứng đầu không linh hoạt vẫn tốt hơn hệ thống hỗn loạn.

Thêm nữa, bản thân kiến thức thường bị nghi ngờ về tính hợp logic. Không ngạc nhiên khi những niềm tin cũ xưa không thích đầu hàng trước kiến thức mới. Thật trớ trêu, niềm tin có lý do chính đáng để nghi ngờ kiến thức. Nó không cần phải xin lỗi.

Đồng thời, khao khát đối với tri thức của chúng ta cũng không thể bị chối bỏ. Con người sở hữu một nhu cầu hiểu biết mạnh mẽ, để kiểm tra các giả thuyết và xác minh sự thật. Niềm tin là hoàn toàn chưa đủ ngay cả khi nó là cần thiết. Chúng ta khao khát bằng chứng.

Chúng ta muốn biết. Trong kiến thức, chúng ta thu được sức mạnh và sự kiểm soát, chúng ta khao khát sự an toàn và bình an trong tâm hồn. Và cả sự đúng đắn nữa. Những quyết định sinh tồn (và những cái khác) dựa trên sự thật về lâu dài sẽ chiến thắng những quyết định dựa trên linh cảm, hy vọng, tin đồn, mong đợi, dự đoán của bạn hoặc của người khác.

Một người hay mỉa mai có thể nói rằng, trong niềm tin chúng ta trở thành con người. Trong kiến thức, chúng ta trở nên giống Chúa.
Xem xét về niềm tin và kiến thức phù hợp với nhau như thế nào không chỉ là một bài tập trí tuệ trừu tượng. Nhiều sinh viên của tôi thường lẫn lộn về khoa học là gì và tại sao họ nên quan tâm đến nó. Niềm tin thì dễ dàng đối với họ. Ở mức độ ‘niềm tin lớn’, các sinh viên của tôi hầu hết theo tôn giáo. Họ gặp nhiều người tin tưởng, nhưng họ gặp rất ít nhà khoa học. Ở mức độ ‘niềm tin nhỏ’, quan điểm về niềm tin là dễ dàng và có lợi cho cuộc sống của họ. Niềm tin đòi hỏi ít nỗ lực. Ngôn ngữ của niềm tin được thông thạo về mặt xã hội. Bạn tin điều bạn tin và tôi tin điều tôi tin. Không cần chống lại nhau. Niềm tin đặt con người lên trước và nó làm họ bình đẳng.

Nhưng với khoa học, họ thấy nó khó. Nó đòi hỏi thời gian và nỗ lực. Nó đưa ra những đánh giá. Nó có người thắng và người thua. Nó đặt sự thật khách quan lên trước con người chủ quan. Các sinh viên của tôi thường cảm thấy khoa học là một điều gì đó xa lạ và hà khắc, trong khi niềm tin thì tự nhiên và tử tế.

Là một giáo viên, nhiệm vụ đầu tiên của tôi là cho họ thấy trong thực tế, họ vốn đã là những nhà khoa học; thôi thúc khoa học là một phần của thiên tư con người của họ. Tôi có thể làm rõ vấn đề đó bằng cách dùng ví dụ sau:

“Một phụ nữ trẻ đang ngồi trong quán café uống ly latte, cô nhìn thấy một người đàn ông trẻ băng qua phòng. Cô nhìn theo anh; cô nghĩ anh ấy dễ thương, cô có thể tự nói với mình ‘ở cạnh chàng trai đó sẽ thật thú vị.’ Cô đã làm gì? Cô đã tạo ra một giả thuyết có thể kiểm tra được, giai đoạn đầu tiên trong tất cả sự thẩm tra khoa học. Bây giờ cô phải tìm ra một cách để chúng hòa hợp với nhau, một cách để kiểm tra giả thuyết của cô. Cô có thể chọn cách giao tiếp mắt, hoặc đến chỗ anh ta và nói xin chào. Bất kỳ chiến lược nào cô lựa chọn sẽ là việc thiết kế nghiên cứu của cô. Tiếp theo, cô phải làm theo. Một mình việc thiết kế sẽ không nói với cô bất kì điều gì. Vì vậy cô tiếp cận anh ta. Họ có một cuộc hẹn hò. Đó là giai đoạn thu thập dữ liệu của cô. Sau đó cô về nhà và nghĩ về những chuyện đã xảy ra. Anh ấy có đáp ứng những mong đợi của tôi? Anh ấy có tử tế? Đó là sự phân tích dữ liệu. Cô phân tích thông tin mà cô đã thu được và đi đến một kết luận: ‘giả thuyết của tôi được ủng hộ: Tôi thích ở cùng anh ấy.’ Nhưng cô ấy vẫn chưa hoàn thành xong, và không nên giả định rằng anh ấy là một người như vậy. Cô cần có nhiều cuộc hẹn hơn với anh, và tìm kiếm bằng chứng hội tụ và sự xác minh. Cô cần lặp lại nghiên cứu.”

Tôi nói với các sinh viên “cô gái trẻ này đã tuân theo đúng tất cả các bước của việc thẩm tra khoa học. Cô ấy là một nhà khoa học, cũng như tất cả các bạn.”

Ví dụ này thường có ích trong việc minh họa làm thế nào suy nghĩ khoa học được cài đặt trong nhận thức của chúng ta và được dùng một cách không chính thức bởi các cá nhân khi họ điều khiển thế giới của họ. Nhưng nó không làm sáng tỏ tại sao chúng ta cần khoa học chính thức, tại sao một xã hội cần đầu tư và hỗ trợ giáo dục khoa học, những công cụ khoa học và nghiên cứu. Vì thế tôi có thể dùng ví dụ sau:

“Một sinh viên bị phát hiện chết trong phòng kí túc xã của anh với một con dao cắm trên trán. Sự nghi ngờ nhanh chóng rơi vào bạn cùng phòng của anh ta. Người bạn cùng phòng này nổi tiếng là một người nóng nảy. Anh ta không được mọi người trong ký túc xá yêu thích. Nhiều người trong thực tế sẽ thích anh ta biến đi. Nhiều sinh viên tin rằng anh ta là kẻ sát nhân, họ mong đợi kẻ sát nhân là anh bạn cùng phòng, họ hy vọng đó là anh bạn cùng phòng. Sau đó cảnh sát điều tra đến. Họ mang theo những công cụ điều tra của họ. Họ tìm bằng chứng, dấu vân tay, DNA, những video giám sát, nhân chứng. Dần dần, một bức tranh gây sốc xuất hiện. Hóa ra người bạn cùng phòng đã ra ngoài thị trấn trong đêm có vụ giết người. Một video trên Youtube cho thấy anh ta đã uống rượu ở một khách sạn Vegas lan nhanh như virut trong vòng vài giờ. Bằng chứng cho thấy một hướng bất ngờ: bạn gái cũ của người đàn ông bị giết – một sinh viên nổi tiếng mà mọi người đều yêu thích. Không ai muốn đó là cô ta, không ai mong đợi điều đó; không ai dự đoán điều đó, và không ai hy vọng điều đó. Nhưng dấu vân tay của cô có trên con dao dính máu được tìm thấy trong phòng của cô, DNA của cô tại hiện trường, video giám sát cho thấy cô lẻn vào phòng anh ta trong đêm định mệnh đó với một con dao trong răng cô, những người bạn phòng kế bên nhớ lại tiếng gõ cửa của cô lúc nửa đêm, và người đàn ông đã chết, trong lúc sắp chết, viết bằng máu lên tường: ‘Tại sao, Jennifer?’, những lời tự thú của trên Facebook trong một video ngay lập tức nhận được 1 triệu lượt ‘like’.

“Bây giờ”, tôi hỏi các sinh viên “các bạn có muốn sống trong một xã hội bỏ tù người chúng ta dự đoán và ao ước là có tội, hay là bỏ tù người thực sự gây ra việc đó?”

Không ngạc nhiên, họ muốn sống trong một xã hội mà ở đó cô bạn gái phải đi tù chứ không phải anh bạn cùng phòng. Họ muốn sống trong một xã hội mà ở đó những tuyên bố cạnh tranh nhau được phân xử dựa vào bằng chứng, một xã hội đặt nhiều niềm tin của nó vào khoa học.


Nguồn
Fact and Faith: Combatants or Collaborators?
Faith and fact often appear at odds. But are they?
Published on October 11, 2013 by Noam Shpancer, Ph.D. in Insight Therapy
PsychologyToday
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top