Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
SỰ THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC TẾ II CUỐI THẾ KỶ XIX
Ngày 14-7-1889, ngày kỷ niệm 100 năm phá ngục Baxti, hai hội nghị quốc tế, một của phái mácxít, một của phái “Có thể” đều khai mạc ở Pari. Đại hội của phái “Có thể” tuy có 606 đại biểu nhưng 524 đại biểu là người Pháp, những đại biểu của các đảng lớn ở châu Âu đều không có mặt. Chính vì lý do đó, đại hội do họ triệu tập không thể trở thành lực lượng lãnh đạo phong trào công nhân quốc tế.
Quốc tế II được thành lập tại đại hội do những người mácxít triệu tập. Đại hội gồm 395 đại biểu, đại diện cho hầu hết phong trào công nhân châu Âu, có cả đại biểu Mỹ, Áchentina tham dự. Đại hội tiến hành thảo luận bốn vấn đề chính:
1 - Vấn đề hoạt động hợp pháp của giai cấp công nhân;
2 - Việc thủ tiêu đạo quân thường trực;
3 - Lấy ngày 1 tháng 5 làm ngày biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân;
4 - Vấn đề đấu tranh kinh tế và đấu tranh chính trị. Trong vấn đề đầu tiên, phái vô chính phủ phản đối giai cấp công nhân đấu tranh chính trị và phủ định việc lợi dụng quốc hội để đấu tranh hợp pháp.
Cuộc đấu tranh chống phái vô chính phủ trở thành một nhiệm vụ quan trọng của Quốc tế II. Đại hội đã thông qua nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường đấu tranh chính trị, tăng cường phong trào công nhân. Nghị quyết chỉ rõ việc đấu tranh hợp pháp không phải là mục đích, mà là điều kiện để thực hiện mục đích giải phóng giai cấp vô sản.
Đó là biện pháp để nâng cao trình độ giác ngộ, trình độ văn hóa của giai cấp công nhân. Mục đích cuối cùng của giai cấp công nhân phải là chủ nghĩa xã hội. Về đấu tranh kinh tế, nghị quyết nêu rõ yêu cầu làm 8 giờ một ngày, tăng lương cho công nhân, hủy bỏ chế độ trả lương bằng hiện vật là nhiệm vụ đấu tranh của tổ chức công đoàn.
Để biểu dương lực lượng sức mạnh đoàn kết của giai cấp công nhân, đại hội quyết định lấy ngày 1 tháng 5 làm ngày biểu dương lực lượng hàng năm của giai cấp công nhân, ngày Quốc tế Lao động. Về vấn đề quân thường trực, cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi.
Nguyên nhân là sau chiến tranh Pháp-Phổ, các nước châu Âu đều chạy đua vũ trang. Gánh nặng chiến tranh đè lên đầu nhân dân. Đại hội đã nhất trí thông qua nghị quyết ủng hộ vũ trang toàn dân, nhưng chỉ rõ việc tăng cường quân thường trực là nguồn gốc của chiến tranh.
Đại hội Pari năm 1889 có ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Nó khôi phục tổ chức quốc tế của phong trào công nhân, tiếp tục sự nghiệp đấu tranh cho thắng lợi của chủ nghĩa Mác. Sau Đại hội Pari, phong trào công nhân châu Âu đạt được những thành tích đáng kể dưới ảnh hưởng của Quốc tế II.
Năm 1890, chính quyền phản động Đức buộc phải xóa “đạo luật đặc biệt” và trong cuộc tuyển cử, giai cấp công nhân Đức đã giành được thắng lợi lớn. Ngày 1 tháng 5 năm 1890, lần đầu tiên ở nhiều thành phố châu Âu, công nhân biểu dương lực lượng rầm rộ thu hút hàng chục vạn người tham gia.
Phong trào công nhân ở Pháp, ở Anh phát triển mạnh mẽ. Công nhân đã ghi vào chương trình đấu tranh đòi ngày làm 8 giờ. Tập hợp, giáo dục và tiến lên vì mục đích đấu tranh cuối cùng là giành lấy quyền quản lý xã hội, thực hiện chuyên chính vô sản - đó chính là nhiệm vụ cao cả của các chính đảng công nhân trong giai đoạn này.
Trong thời kỳ đầu của Quốc tế II, Ăngghen trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh về tư tưởng trong Quốc tế II. Đấu tranh chống phái vô chính phủ trở thành nội dung đấu tranh tư tưởng chính từ Đại hội I ở Pari (1889) qua Đại hội II ở Bruyxen, Đại hội III ở Xuyrích và kết thúc căn bản tại Đại hội IV ở Luân Đôn (1896). Ở Đại hội lần II Bruyxen, những vấn đề của Đại hội Pari lại được đưa ra thảo luận.
Về vấn đề chủ nghĩa quân phiệt, Liepnếch đã vạch ra một cách đúng đắn rằng chiến tranh là một tội ác, là con đẻ của bản thân chế độ tư bản. Ông kêu gọi giai cấp công nhân toàn thế giới kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt, chống những liên minh chính trị âm mưu gây chiến. Đồng thời, ông kêu gọi giai cấp công nhân phải hoạt động tích cực và có hiệu quả vì sự toàn thắng của chủ nghĩa xã hội. Phái vô chính phủ chống lại những ý kiến của Liepnếch.
Họ chủ trương công nhân sẽ dùng bãi công để phản đối chiến tranh bất chấp tình huống như thế nào. Liepnếch đại biểu cho những người mácxit đã chỉ rõ cuộc tổng bãi công cũng như cuộc cách mạng hoàn toàn không tùy thuộc ý muốn chủ quan của giai cấp công nhân. Một vấn đề được phái vô chính phủ đặc biệt quan tâm là vấn đề bãi công.
Những người mácxít đã kêu gọi giai cấp công nhân tập hợp lực lượng đấu tranh chống bọn tư bản. Hình thức bãi công, tẩy chay được coi là một biện pháp có hiệu quả trong việc giải phóng lao động khỏi ách nô lệ. Nhưng đồng thời, những lãnh tụ Đức lại đề ra ý kiến cần thận trọng khi áp dụng biện pháp này. Thái độ dè dặt đó đã tạo cơ hội cho bọn vô chính phủ lên án những nhà xã hội dân chủ là quá say mê con đường nghị trường, không dám dùng biện pháp quyết liệt.
Thời kỳ sau Đại hội Bruyxen được đánh dấu bằng sự tăng cường đấu tranh chống chủ nghĩa vô chính phủ. Hội nghị xã hội quốc tế họp ngày 26-3-1893 đã thông qua một nghị quyết quan trọng về những điều kiện cho phép các đảng và các tổ chức đến họp lần sau. Nghị quyết vạch rõ rằng tất cả các đảng, các tổ chức xã hội phải thừa nhận sự thành lập đảng công nhân và sự cần thiết hoạt động chính trị thì mới được tham gia đại hội. Đây chính là biện pháp ngăn chặn phái vô chính phủ tham gia phá hoại các đại hội công nhân.
Nhưng ở đại hội Quốc tế lần thứ III họp ở Xuyrích ngày 6-8-1893, bọn vô chính phủ lại tới dự đại hội và tuyên bố họ cũng hoạt động chính trị. Phái vô chính phủ lấy việc ám sát vua Alếchxăng II làm ví dụ, xem đó như một hành động chính trị và đòi tham dự đại hội.
Những người mácxit buộc phải đề nghị thêm vào nghị quyết lời bàn về tiêu chuẩn hoạt động chính trị. Đại hội nêu rõ, ám sát là hành động khủng bố cá nhân, không phải là hoạt động chính trị của giai cấp công nhân nhằm đấu tranh cho mục tiêu cuối cùng giành lấy chính quyền. Căn cứ vào điểm giải thích bổ sung, đại hội đã không thừa nhận quyền đại biểu hợp pháp của phái vô chính phủ.
Trong khi đặt lại vấn đề đấu tranh nghị trường, đại hội đã nhắc lại luận điểm có tính nguyên tắc của Mác là chỉ có sự hoạt động chính trị mới là phương tiện để đi đến giải phóng giai cấp vô sản. Giai cấp công nhân các nước phải lựa chọn hình thức đấu tranh chính trị và kinh tế xã hội để tập hợp lực lượng và phát triển, song trong bất cứ trường hợp nào, hoạt động chính trị cũng không thể là cái cớ để thỏa hiệp hay liên minh có hại đến nguyên tắc và hoạt động độc lập của các đảng xã hội.
Vấn đề thuộc địa lần đầu tiên được đề cập trong đại hội IV họp ở Luân Đôn ngày 27-71896. Lãnh tụ các đảng công nhân lúc bấy giờ đã có ý kiến đúng đắn, khi cho rằng cần lên án chính sách thuộc địa của chủ nghĩa tư bản vì với bất cứ lý do nào, chủ nghĩa thực dân chỉ là nhằm mở rộng khu vực bóc lột tư bản chủ nghĩa, phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản.
Đại hội lần IV lên án bọn vô chính phủ và đuổi phái này khỏi Quốc tế II, đặt ra ngoài hàng ngũ phong trào công nhân có tổ chức. Năm 1895, Ăngghen mất, gây nên một tổn thất lớn đối với phong trào công nhân. Bọn cơ hội xét lại dần dần chiếm ưu thế trong Quốc tế II. Chủ nghĩa đế quốc đã tạo những tiền đề xã hội cho chủ nghĩa cơ hội tồn tại và phát triển. Cuối thế kỷ XIX, các đảng trong Quốc tế II dần dần thành những đảng cải lương