Giải thích về hướng của gió Tây ôn đới ở hai bán cầu.
Đáp án
Do hệ quả của vận động tự quay của Trái Đất làm lệch hướng chuyển động của các vật thể: Khi Trái Đất tự quay quanh trục, mọi địa điểm thuộc các vĩ độ khác nhau ở bề mặt Trái Đất (trừ hai cực) đều có vận tốc dài khác nhau và hướng chuyển động từ tây sang đông. Do vậy, các vật thể chuyển động trên bề mặt Trái Đất sẽ bị lệch hướng so với hướng ban đầu. Lực làm lệch hướng đó được gọi là lực Coriolis. ở bán cầu Bắc, vật thể chuyển động bị lệch về bên phải, ở bán cầu Nam bị lệch về bên trái theo hướng chuyển động.
Chính vì thế mà gió Tây ôn đới ở bán cầu Bắc có hướng Tây Nam, ở bán cầu Nam có hướng Tây Bắc.
Dải hội tụ nhiệt đới chi phối gió Mậu dịch và gió mùa nhiệt đới như thế nào?
Đáp án
– Mùa hạ ở nửa cầu Bắc:
+ Do dải hội tụ dịch chuyển lên phía bắc Xích đạo, riêng ở khu vực Thái Bình Dương, dải hội tụ nhiệt đới nằm sát Xích đạo nên khu vực này có gió Mậu dịch thổi từ áp cao cận chí tuyến về Xích đạo.
+ Trên các lục địa hình thành các trung tâm áp thấp (do lục địa có nhiệt độ cao). Dải hội tụ theo các trung tâm áp thấp vượt qua Xích đạo, có nơi lên trên cả chí tuyến Bắc như Trung Quốc. Gió Đông Nam từ trung tâm áp cao cận chí tuyến Nam vượt qua Xích đạo, chuyển thành hướng đông nam – tây bắc, lấn át gió Mậu dịch ở khu vực này trong mùa hạ.
– Mùa đông ở nửa cầu Bắc:
Do phần lớn dải hội tụ nhiệt đới dịch chuyển về phía nam nên các khu vực đều có gió Mậu dịch thống trị. Gió thổi theo hướng đông bắc từ áp cao cận chí tuyến Bắc về Xích đạo. Từ cao áp Xibia, gió Đông Bắc thổi xuống khu vực Đông Nam Á rất lạnh (do cao áp Xibia hình thành do nhiệt độ xuống rất thấp trên lục địa Á – Âu).
– Khu vực trong một năm có hai mùa gió thổi ngược nhau gọi là gió mùa. Điển hình như khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, Đông Bắc Ô-xtrây-li-a,…
Nhà thơ Tố Hữu có câu thơ:
Trường Sơn đông nắng, tây mưa
Ai chưa đến đó, như chưa hiểu mình!
Giải thích hiện tượng địa lí tự nhiên trong lời thơ trên. Hiện tượng trên xảy ra ở đâu, khoảng thời gian nào trong năm.
Đáp án
– Đây là hiện tượng phơn, xảy ra ở những vùng núi với hai sườn đón gió và khuất gió.
– Hiện tượng phơn xảy ra khá phổ biến ở vùng núi nước ta, nhất là những nơi có gió mùa hoạt động mạnh như:
+ Bắc Trung Bộ, một số nơi ở Nam Trung Bộ, Tây Bắc,…
+ Sườn Tây dãy Trường Sơn có mưa vào đầu mùa hạ (tháng 6, 7). Sườn Đông nắng nóng do hiệu ứng phơn. Đây là vùng Bắc Trung Bộ.
Trình bày khái niệm gió phơn. Vẽ hình và giải thích các trường hợp gió phơn điển hình. Liên hệ Việt Nam.
Đáp án
a) Khái niệm: Những đợt gió khô nóng thổi từ trên núi xuống gọi là gió phơn.
b) Có hai trường hợp phơn phổ biến
– Nguyên nhân: do chênh lệch khí áp.
+ Trường hợp 1:
Khi 2 sườn núi chênh lệch về áp suất, các dòng không khí phải vượt qua sống núi di chuyển từ nơi có áp cao đến nơi có áp thấp. Ở sườn đón gió, không khí chuyển động đi lên, nhiệt độ hạ xuống theo đoạn nhiệt ẩm (0,6°c/100m), không khí bị lạnh đi, nhiệt độ xuống dưới điểm sương, sự ngưng kết hơi nước được diễn ra, mây hình thành và mưa rơi xuống từ các đám mây bên sườn đón gió.
Khi các dòng không khí vượt qua sông núi sang sườn khuất gió, hơi nước đã giảm nhiều, bắt đầu chuyển động đi xuống và nhiệt độ tăng lên theo đoạn nhiệt khô (1°c/100m) nên độ ẩm tương đối hạ xuống. Vì vậy, ở sườn phía sau có gió nóng và khô, đó chính là gió Phơn (hình a).
+ Trường hợp 2:
Đây là trường hợp xảy ra ở cả hai sườn núi, nghĩa là cả hai bên đều có gió từ núi đi xuống khô và nóng. Trường hợp này xảy ra khi có xoáy nghịch thống trị bên trên (hình b).
– Vẽ hình minh họa:
– Liên hệ Việt Nam:
Vào mùa hạ, khi gió mùa Tây Nam thổi từ vịnh Ben-gan vào đất liền. Gió này mang theo nhiều hơi nước, khi đi qua Lào để vào nước ta thì gặp dãy Trường Sơn nên gây mưa ở sườn Tây và gây nên hiện tượng khô nóng ở sườn Đông. Khu vực chịu ảnh hưởng của hiệu ứng Phơn nhiều nhất là Bắc Trung Bộ.
Vì sao hình thành các chế độ gió thường xuyên và gió mùa trên Trái Đất?
Đáp án
– Gió là sự chuyển động của không khí từ nơi có khí áp cao về nơi có khí áp thấp. Gió được hình thành do sự chênh lệch khí áp giữa các vùng áp cao và vùng áp thấp.
– Các chế độ gió thường xuyên thổi trên bề mặt Trái Đất là gió Đông cực, gió Tây ôn đới, gió Mậu dịch (Tín phong).
– Khi chuyển động hướng gió chịu tác động của lực Coriolis làm lệch hướng gió thổi: bán cầu Bắc lệch về bên phải, bán cầu Nam lệch về bên trái theo hướng chuyển động.
+ Gió thổi từ cực về 60° Bắc và Nam bị lệch thành hướng đông bắc ở bán cầu Bắc và đông nam ở bán cầu Nam (gió Đông cực).
+ Gió thổi từ áp cao chí tuyến lên áp thấp ôn đới ở bán cầu Bắc thổi theo hướng tây nam, bán cầu Nam thổi theo hướng tây bắc (gió Tây ôn đới).
+ Gió thổi từ áp cao chí tuyến về áp thấp Xích đạo ở bán cầu Bắc thổi theo hướng đông bắc, ở bán cầu Nam gió thổi hướng đông nam (gió Mậu dịch hay Tín phong).
– Gió mùa: không có tính vành đai hình thành chủ yếu do sự nóng lên hoặc lạnh đi không đều giữa lục địa và đại dương theo mùa. Gió mùa điển hình nhất trên Trái Đất ở Ấn Độ, Đông Nam Á, Đông Á, Đông Bắc Hoa Kì. Gió hình thành từ các khu áp cao về áp thấp nhiệt đổi theo mùa cũng bị lệch hướng do lực Coriolis.
Tại sao cùng xuất phát từ cao áp chí tuyến, nhưng gió Mậu dịch nói chung khô và ít gây mưa, còn gió Tây ôn đới lại ẩm và gây mưa nhiều?
Đáp án
Cùng xuất phát từ cao áp cận chí tuyến nhưng gió Mậu dịch nói chung khô và ít gây mưa còn gió Tây ôn đới ẩm và gây mưa nhiều, vì:
Chủ yếu là do sự tăng hay giảm nhiệt độ của các khu vực gió thổi đến.
– Gió Mậu dịch là gió thổi từ các áp cao ở hai chí tuyến về phía áp thấp Xích đạo (gió này có hướng đông bắc ở bán cầu Bắc và đông nam ở bán cầu Nam). Gió Mậu dịch di chuyển tới các vùng có nhiệt độ trung bình cao hơn. Như ta đã biết, nhiệt độ càng cao, không khí càng có khả năng chứa được nhiều hơi nước. Ví dụ: lm3 không khí ở 20° c có thể chứa được 17,32g hơi nước, nếu tăng lên 30°c thì có thể chứa tới 30g hơi nước nên nhiệt độ càng tăng, hơi nước càng
– Gió Tây ôn đới cũng xuất phát từ các khu áp cao chí tuyến thổi về phía áp thấp ôn đới (ở bán cầu Bắc có hướng tây nam, ở bán cầu Nam có hướng tây bắc). Như vậy, gió Tây ôn đới thổi về vùng có khí hậu lạnh hơn, nên sức chứa hơi nước giảm theo nhiệt độ, hơi nước trong không khí nhanh chóng đạt tới độ bão hòa, vì thế gió Tây ôn đới luôn ẩm ướt và gây mưa.
Dựa vào những hiểu biết của bản thân, hãy:
a) Phân tích xoáy thuận và xoáy nghịch. Xoáy thuận và xoáy nghịch có ảnh hưởng như thế nào đến thời tiết và khí hậu trên Trái Đất?
b) Vẽ hình minh họa xoáy thuận và xoáy nghịch.
Đáp án
* Xoáy thuận
– Xoáy thuận là vùng áp thấp có đường đẳng áp khép kín. Khí áp giảm từ ngoài vào trong (cực tiểu ở trung tâm).
– Gió trong xoáy thuận có hướng từ ngoài vào trong (ngược kim đồng hồ ở bán cầu Bắc, thuận kim đồng hồ ở bán cầu Nam), trong xoáy thuận hướng gió chuyển động theo vòng xoắn ốc từ dưới lên trên.
– Ở trung tâm xoáy thuận có luồng không khí từ trên cao hạ xuống, nhiệt độ tăng lên, trời quang mây lặng gió gọi là mắt xoáy thuận.
– Phạm vi xuất hiện của xoáy thuận là ở các vĩ độ thấp (5 – 20°) và các vĩ độ cao (60 – 65°) ở 2 bán cầu, xoáy thuận ở vĩ độ thấp gọi là xoáy thuận nhiệt đới hay bão nhiệt đới.
– Nơi có xoáy thuận hoạt động thì có gió mạnh và mưa lớn thường là áp thấp nhiệt đới hay bão.
* Xoáy nghịch
– Xoáy nghịch là vùng áp cao có đường đẳng áp khép kín. Khí áp tăng từ ngoài vào trong.
– Trong xoáy nghịch có hướng gió từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới chuyển động theo vòng xoắn ốc thuận kim đồng hồ ở bán cầu Bắc, nghịch kim đồng hồ ở bán cầu Nam.
– Phạm vi xuất hiện của xoáy nghịch là ở các vĩ độ trung bình (30 – 35°) ở 2 bán cầu.
– Trong khu vực có xoáy nghịch hoạt động thì thời tiết trong sáng, ít mây mưa, khí hậu khô.
– Hoàn lưu trong xoáy thuận và xoáy nghịch đóng vai trò trong việc điều hòa, phân bố lại nhiệt và ẩm trên bề mặt Trái Đất.
b) Hình ảnh minh họa
Tại sao tàu buồm đánh cá biển nên ra khơi vào sau lúc nửa đêm và quay về lúc xế chiều là tốt nhất?
Đáp án
Tình trạng phân bố giữa đất và biển trên Trái Đất đã sinh ra hiện tượng gió biển, gió đất trong ngày.
-Gió biển: ban ngày ở lục địa, ven bờ hấp thụ nhiệt nhanh, nóng hơn mặt nước biển, nên ven bờ trên đất liền hình thành áp thấp; ở ven bờ trên mặt biển mát hơn, hình thành áp cao. Gió thổi từ cao áp (ven biển) vào tới áp thấp (ven đất liền) gọi là gió biển.
-Gió đất: Ban đêm, đất tỏa nhiệt nhanh mát hơn, hình thành cao áp ở vùng đất liền; còn vùng nước biển ven bờ tỏa nhiệt chậm, nên hình thành áp thấp. Gió thổi từ áp cao (đất liền) tới áp thấp (ven biển) nên gọi là gió đất.
Vì vậy, tàu thuyền ra khơi vào lúc 2-4 giờ sáng theo hướng gió thổi mạnh nhất và quay về bến chiều hôm sau (sau 14 giờ) theo chiều gió biển thổi mạnh là tốt nhất.
So sánh hoạt động của gió Mậu dịch và gió Tây ôn đới trên thế giới. theo em, hai loại gió này có hoạt động ở Việt Nam không? Vì sao
Đáp án
*So sánh hoạt động của gió Mậu dịch và gió Tây ôn đới trên thế giới
-Giống nhau: Gió thổi quanh năm
– Khác nhau:
+ Phạm vi hoạt động:
• Gió Mậu dịch: Từ các khu áp cao ở hai chí tuyến về Xích đạo.
• Gió Tây ôn đới: Từ các khu áp cao chí tuyến về phía áp thấp ôn đới.
+ Hướng gió:
• Gió Mậu dịch: Ở bán cầu Bắc hướng đông bắc, ở bán cầu Nam hướng đông nam.
• Gió Tây ôn đới: Ở bán cầu Bắc hướng tây nam, ở bán cầu Nam hướng tây bắc.
+ Tính chất: Gió Mậu dịch: khô. Gió Tây ôn đới: ẩm, mưa nhiều.
* Ở Việt Nam không có hoạt động của gió Tây ôn đới nhưng có hoạt động của gió Mậu dịch thổi theo hướng đông bắc vì Việt Nam nằm trong khu vực nội chí tuyến bán cầu Bắc.
Tại sao nói: “Gió mùa ở khu vực châu Á là gió mùa chân chính, còn gió mùa ở các nơi khác là gió mùa phụ ”?
Đáp án
Nói: “Gió mùa ở khu vực châu Á là gió mùa chân chính, còn gió mùa ở các nơi khác là gió mùa phụ” là vì:
– Gió mùa là loại gió thổi theo mùa, hướng gió ở hai mùa có chiều ngược lại nhau. Đây là loại gió không có tính chất vành đai.
– Trên thế giới có các trung tâm gió mùa: châu Á, Đông Phi, Đông Bắc Ô- xtrây-li-a, Đông Nam Hoa Kì. Chỉ có gió mùa châu Á là gió mùa chân chính, còn các gió mùa khác chỉ là khuynh hướng gió mùa phụ.
– ở châu Á:
+ Phía nam là Ấn Độ Dương, phía đông là Thái Bình Dương, lục địa rộng lớn được bao bọc bởi đại dương.
+ Mùa đông nhận được ít bức mặt trời nên hình thành trung tâm áp cao ở Xi-bia (LB. Nga), cũng trong thời gian này, dải áp thấp Xích đạo nằm ở bán cầu Nam, gió thổi từ áp cao Xi-bia đến áp thấp Xích đạo đi qua lục địa với tính chất lạnh và khô.
+ ở Ấn Độ, gió mùa Đông Bắc thổi qua Ấn Độ Dương thì gặp dãy Hi— ma-lai-a chắn lại nên Ấn Độ ít chịu tác động của gió mùa Đông Bắc.
+ ở Việt Nam, vào đầu mùa đông, gió thổi qua Trung Quốc rồi vào Việt Nam với tính chất lạnh và khô. Đến cuối mùa đông thì áp cao Xibia suy yếu và hình thành nên một áp cao phụ ở khu vực Trung Hoa, gió thổi vòng qua biển Nhật Bản nhập với gió Tín phong thổi vào Việt Nam, gặp dãy Bạch Mã chặn lại và gây mưa, còn sau dãy Bạch Mã thì khô hơn. Dãy Bạch Mã đã làm cho khí hậu Việt Nam phân chia thành 2 kiểu: Á nhiệt đới (từ dãy Bạch Mã trở ra Bắc), Á Xích đạo (từ dãy Bạch Mã trở vào Nam).
+ Vào mùa hạ, lục địa châu Á bị đốt nóng nên hình thành trung tâm áp thấp, còn ở ngoài đại dương thì hình thành áp cao. Gió thổi từ áp cao đại dương vào áp thấp lục địa, lúc đầu theo hướng Đông Nam, sau khi vượt Xích đạo chuyển thành gió Tây Nam (do ảnh hưởng của lực Coriolis), mang tính chất nóng ẩm, mang mưa cho Ấn Độ.
=> Như vậy, so với gió mùa ở châu Phi, Đông Bắc Ô-xtrây-li-a,… thì gió mùa châu Á diễn ra trên quy mô rộng lớn và chiều dày của gió mạnh hơn. Hơn nữa, gió mùa ở châu Á có sự tham gia của khối không khí cực (Bắc cực) nên đặc trưng của gió mùa châu Á còn mang tính chất lạnh và khô (gió mùa mùa đông).
st